Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TÀO THÁO TRUYỆN (Phần III)

 


      

Tào Tháo say rượu, đọc thơ, múa kiếm trên sông Trường Giang trong trận chiến Xích Bích


TÀO THÁO TRUYỆN   (Phần III)

 

Thiệu lại tiến binh đến Quan Độ, đắp núi đất, đào địa đạo. Công ở trong luỹ cũng làm như vậy, để đối phó lại. Thiệu sai bắn tên vào doanh trại của Công, tên bay như mưa rào mùa hạ, quân của Công đi lại đều phải dùng thuẫn che thân, chúng sợ lắm. Bấy giờ Công thiếu lương, gửi thư cho Tuân Úc, bàn rằng muốn quay về Hứa huyện. Úc cho rằng: "Quân của Thiệu đều tụ tập ở Quan Độ, muốn cùng Công quyết thắng bại. Công lấy quân mỏi mệt chống giữ quân cường mạnh, nếu chẳng thể khắc chế họ, tất bị họ đè bẹp, đó là cơ hội lớn trong thiên hạ vậy. Vả lại Thiệu, chỉ như kẻ anh hùng áo vải mà thôi, có thể tụ tập người ta mà chẳng thể dùng. Với tài thần vũ minh triết của chúa công lại được mọi người thuận theo phù giúp, sao việc lại chẳng nên!" Công nghe theo.


Tôn Sách hay tin Công cùng với Thiệu cầm giữ nhau, mưu toan tập kích Hứa huyện, còn chưa khởi hành, thì bị thích khách ở đó giết.


Bọn hàng tặc ở Nhữ Nam là Lưu Tích làm phản hưởng ứng Thiệu, đánh cướp huyện Hứa. Thiệu sai Lưu Bị đến trợ giúp Tích, Công sai Tào Nhân đánh phá được Bị. Bị bỏ chạy, binh của Lưu Tích ở đấy bị đánh tan.


Viên Thiệu vận chuyển mấy ngàn xe lương tới, Công dùng kế của Tuân Du, sai Từ Hoảng-Sử Hoán đón đánh, đại phá quân ấy, đốt sạch các xe lương thảo. Công cùng với Thiệu cầm cự nhau mấy tháng liền, dẫu khi giao chiến liên tục chém được tướng địch, nhưng binh sĩ ít ỏi lương thảo cạn sạch, sĩ tốt mỏi mệt. Công bảo quan vận lương rằng: "Chừng mười lăm ngày nữa là ta phá được Thiệu, các ngươi chẳng phải khó nhọc nữa." Mùa đông tháng mười, Thiệu điều các xe chuyển lương, sai năm người bọn Thuần Vu Quỳnh dẫn hơn vạn binh hộ tống, ban đêm nghỉ lại ở cách phía bắc doanh trại của Thiệu bốn chục dặm. Mưu thần của Thiệu là Hứa Du hám tiền, Thiệu không đáp ứng nổi, Du bèn bỏ đi, nhân đó khuyên Công đánh bọn Quỳnh. Tả hữu ngờ vực, Tuân Du-Giả Hủ khuyên Công nên đánh. Công bèn lưu Tào Hồng giữ trại, thân dẫn năm ngàn quân bộ kỵ đi ngay trong đêm, đến sáng thì tới nơi. Bọn Quỳnh trông xa thấy binh của Công ít, liền ra ngoài cửa doanh bầy trận. Công tiến đánh gấp, Quỳnh lui vào bảo vệ doanh trại, Công đánh mạnh. Thiệu phái kỵ binh tới cứu Quỳnh. Tả hữu có kẻ nói: "Quân kỵ của địch đã gần lắm rồi, xin chia binh chống cự." Công giận nói: "Lúc giặc đến sau lưng ta, hãy bẩm." Sĩ tốt đều hết sức tử chiến, đánh tan bọn Quỳnh, chém được cả.


Tào Man truyện chép: Công nghe tin Du tới, đi chân không ra đón, vỗ tay cười nói: "Tử Viễn, khanh tới đây, việc của ta xong rồi vậy!" An toạ xong, Du bảo Công rằng: "Quân họ Viên cường thịnh, ngài còn chờ gì nữa? Nay lương thảo của ngài có được bao nhiêu?" Công nói: "Còn đủ dùng một năm." Du cười: "E không được thế, ngài nói lại xem!" Công lại nói: "Có thể được nửa năm." Du nói: "Túc hạ chẳng muốn phá họ Viên ư, sao chẳng nói thật lòng!" Công nói: "Trước là ta nói đùa thấy thôi. Kỳ thật lương chỉ đủ cho một tháng, biết làm sao đây?" Du nói: "Ngài binh cô giữ một chỗ lẻ loi, bên ngoài không quân cứu viện mà lương thảo cạn sạch, ấy là nguy cấp trong ngày vậy. Nay họ Viên đồ truy trọng có hơn vạn xe, đóng ở Cố Thị-Ô Sào, quân canh giữ không đủ nghiêm ngặt; nay ta dùng khinh binh tập kích họ, đến vào lúc bất ngờ, đốt hết kho lương ấy, bất quá ba ngày, quân họ Viên tự bại vậy." Công rất mừng, liền tuyển quân bộ kỵ tinh nhuệ, đều dùng cờ xí của quân Viên, người ngậm tăm ngựa buộc mõm, đi ngay lúc nửa đêm, sai mỗi người mang theo một bó củi, khi đi trên đường có người hỏi, chúng nói nhỏ rằng: "Viên công sợ Tào Tháo đánh cướp hậu quân, phái binh đến tăng cường phòng bị." Quân kia nghe thế tin là thật, cho là việc đương nhiên. Khi đến nơi, quân của Công thiết lập vòng vây, nổi lửa dữ dội, trong doanh đại loạn. Quân Viên bị đánh tan tác, lương thảo của cải đều bị thiêu sạch, chém được thủ cấp bọn Đốc tướng là Lục Nguyên Tiến, Đốc quân kỵ Hàn Cử Tử, Lã Uy Hoàng, Triệu Duệ, cắt mũi tướng quân Thuần Vu Trọng Giản, nhưng Giản không chết, lại bắt được hơn một ngàn sĩ tốt, đều cắt lấy mũi, rồi cắt môi cắt lưỡi trâu ngựa, đem đến chỗ quân của Thiệu. Tướng sĩ họ Viên đều khiếp sợ. Ngay đêm ấy có người bắt lấy Trọng Giản, đưa đến chỗ Công, Công hỏi Giản rằng: "Sao đến nỗi thế này?" Trọng Giản đáp: "Việc thua thắng là bởi ý trời, sao còn phải hỏi han gì nữa?" Công tỏ ý không muốn giết. Hứa Du nói: "Ngày mai hắn soi gương, thế tất sẽ không bao giờ quên được nỗi nhục ngày hôm nay." Công bèn đem giết đi.


Trận Quan Độ

Thiệu mới hay tin Công đánh Quỳnh, bảo với con trưởng là Đàm rằng: "Quân kia tới đánh bọn Quỳnh, ta đánh lấy doanh trại của chúng, bọn họ cố nhiên chẳng có chỗ về vậy." Bèn sai Trương Cáp-Cao Lãm đánh Tào Hồng. Bọn Cáp nghe tin Quỳnh bị đánh tan, bèn đến hàng Công. Quân của Thiệu vì thế tan vỡ, Thiệu cùng với Đàm bỏ cả quân lính mà chạy, trốn qua sông Hoàng Hà. Quân của Công đuổi theo không kịp, bèn thu sạch các đồ truy trọng, giấy má và đồ trân quý, bắt lấy tù binh.


Hiến Đế khởi cư chú chép: Công dâng lời lên bề trên rằng: "Đại tướng quân Nghiệp hầu Viên Thiệu trước kia cùng với Ký châu mục Hàn Phức ủng hộ lập nguyên Đại tư mã Lưu Ngu lên ngôi, khắc ấn thiên tử, phái nguyên trưởng huyện là Tất Du đến chỗ Ngu, giảng giải chuyện thiên mệnh. Thiệu lại gửi thư cho thần nói rằng: 'Quyên Thành có thể đóng đô, nên gây dựng cơ sở.' Lại thiện tiện đúc tiền khắc ấn, những kẻ Hiếu Liêm và Kế Lại(49), đều quy về chỗ Thiệu cả. Em con chú của Thiệu là Tự làm Thái thú Tế Âm từng gửi thư cho Thiệu nói rằng: 'Nay khắp bốn cõi nghiêng ngửa tang thương, thiên ý thực ở tại nhà ta, thần linh ứng nghiệm, đều ở nơi tôn huynh. Kẻ dưới của Nam huynh muốn Nam huynh tức vị, nhưng Nam huynh có nói, xét về niên kỷ thì Bắc huynh lớn, luận vể địa vị thì Bắc huynh cũng hơn. Do đó muốn dâng ngọc tỷ, nào ngờ Tào Tháo chẹn đường(50).' Tông tộc nhà Thiệu nối đời chịu trọng ân của quốc gia, mà hung nghịch vô đạo đến mức như thế. Thần lập tức sửa soạn binh mã, cùng giao chiến ở Quan Độ, nhờ cậy thiên uy của thánh triều, chém được đầu bọn Đại tướng của Thiệu là Thuần Vu Quỳnh tám người, quân địch tan vỡ. Thiệu cùng với con là Đàm vứt bỏ khôi giáp mà chạy. Số đầu giặc bị chém đến hơn bảy vạn, đồ truy trọng cùng tài vật thu được không đếm xuể."


Công bắt được các thư từ trong doanh của Thiệu, có cả thư từ của bộ hạ ở đất Hứa cùng thư của những người ở trong quân, đều đem đốt bỏ cả. Các quận ở Ký Châu đa phần đều dâng thành ấp đầu hàng.


Nguỵ thị xuân thu chép: Công nói: "Đương lúc Thiệu cường mạnh, Cô còn chẳng thể tự bảo vệ mình, phương chi là chúng nhân!"


Khi trước, thời Hoàn Đế thấy có Hoàng tinh hiện ra ở địa phận đất Sở-Tống, người ở Liêu Đông là Ân Quỳ giỏi nghề thiên văn, nói là sau năm mươi năm sẽ só bậc chân nhân nổi dậy ở giữa khoảng Lương-Bái, khí thế chẳng thể đương nổi. Đến lúc ấy vừa năm mươi năm, mà Công phá được Thiệu, thiên hạ chẳng ai đối địch được vậy.


Năm thứ sáu mùa hạ tháng tư, Công cất binh ở thượng lưu Hoàng Hà, đánh quân Thiệu ở Thương Đình, phá được. Thiệu quay về, thu thập sĩ tốt li tán, Công bình định các quận huyện làm phản. Tháng chín, Công về Hứa huyện. Lúc Thiệu còn chưa bị triệt phá, sai Lưu Bị đánh cướp ở Nhữ Nam, bọn giặc ở Nhữ Nam là Cung Đô hưởng ứng Bị. Công phái Sái Dương đánh Đô, gặp bất lợi, bị Đô đánh tan ở đấy. Công nam chinh Lưu Bị. Bị hay tin Công đến, chạy trốn đến chỗ Lưu Biểu, bọn Đô đều tan lở.


Năm thứ bảy mùa xuân rằm tháng giêng, Công đóng quân ở Tiêu huyện, lệnh rằng: "Ta khởi nghĩa binh, vì thiên hạ trừ bạo loạn. Người dân ở cố hương của ta, trải qua cảnh chết chóc, ta đi lại hết ngày ở nơi đây, chẳng gặp được người quen nào, khiến ta thấy lòng mình quạnh quẽ thê lương. Từ khi ta khởi binh đến nay, có những tướng sĩ vì chiến chinh ngã xuống không có người kế tự, phải tìm lấy kẻ thân thích làm người nối dõi, ta cấp cho đất đai ruộng rẫy, cấp cho trâu cày, đặt ra trường học để dạy dỗ họ. Cho lập đền miếu, để họ được tế tự tiền nhân, hồn thiêng có linh, trăm năm về sau sao còn phải oán hận gì nữa!" Bèn sắm đồ lễ, khơi một con kênh ở phía bắc sông Tuy, sai người làm cỗ thái lao để tế Kiều Huyền. Rồi tiến quân đến Quan Độ.


Viên lệnh ở huyện Bao Thưởng chép lại bài văn tế như sau: "Nhớ Thái uý Kiều công, chí đức rạng ngời, rộng rãi với người có bụng bao dung. Người trong nước nhớ lời minh huấn, kẻ sĩ ngẫm chính lệnh mưu sâu. Dù thân thể không còn hiển hiện, anh linh phảng phất vẫn còn. Bao la thay, rạng rỡ thay! Ta còn nhỏ tuổi, kịp được ngài dạy dỗ chu toàn(51), ta thiên bẩm tăm tối ương gàn, nhờ được bậc quân tử thu nạp bao dung. Mỗi khi ta tiến bộ, đều được ngài ngợi khen, như Trọng Ni thẹn mình không bằng được Nhan Uyên(52), hay Giả Phục từng xưng tụng Lý Sinh(53) ngày trước. Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, ta nhớ mãi lời ấy không quên. Lại nhớ lời ngài thong dong ước hẹn rằng: 'Sau khi ngài chết, về lại lối xưa, không có con gà, chén rượu tưới đất, để tế lễ ta, xe qua ba bước, đau bụng chớ trách!' Dẫu lúc bấy giờ là lời nói đùa, nếu chẳng phải tình thầy bạn chí thân, ai lại dùng lời ấy từ nhau? Nếu chẳng có lời ngài dặn dò, làm sao ta có thể tự sửa được những thiếu sót của ta? Tấm lòng thê thảm, nhớ lại việc xưa. Nay phụng mệnh đông chinh, đóng quân nơi làng cũ, ngoảnh nhìn về mảnh đất cũ mến yêu phương bắc, tâm tưởng hướng về nơi lăng mộ của ngài. Sắm sửa lễ bạc, mong ngài hưởng dụng! (54)"


Thiệu từ sau khi bại quân, phát bệnh thổ huyết, đến mùa hạ tháng năm thì chết. Con nhỏ là Thượng lên thay, Đàm tự xưng là Xa kỵ tướng quân, đóng binh ở Lê Dương. Mùa thu tháng chín, Công đi đánh Đàm, giao chiến liên tục. Đàm-Thượng mấy lần bại trận phải lui binh, cố thủ.


Năm thứ tám mùa xuân tháng ba, Công đánh thành, quân họ Viên xuất chiến, Công tiến đánh, phá tan quân ấy, Đàm-Thượng nhân đêm tối bỏ chạy. Mùa hạ tháng tư, Công tiến quân đến Nghiệp huyện. Tháng năm trở về đất Hứa, lưu Giả Tín đóng binh ở Lê Dương.


Năm Kỷ Dậu, xuống lệnh rằng: "Binh pháp Tư mã nói 'Tướng quân tử tuy(55)', 


Nguỵ thư nói rằng: tuy, là lui quân vậy. 


Đã tiến lên một thước, thì không lui về được một tấc. Khi xưa mẹ của Triệu Quát, xin không phải chịu tội với Quát(56). Thời xưa đã biết rằng kẻ làm tướng, mà quân bị phá ở bên ngoài, thì gia quyến chịu tội ở trong nước. Ta tự mình dẫn quân đi đánh dẹp các nơi, chỉ thưởng công mà không phạt tội, là trái với pháp điển của quốc gia vậy. Nay có lệnh rằng nếu chư tướng xuất chinh, thua quân là đáng phải tội, thất lợi là miễn quan tước."


Nguỵ thư chép lại tờ lệnh năm Canh Thân rằng: "Kẻ bàn luận nói rằng người dụng binh dẫu có tài năng, đức hạnh chẳng đủ để kham nổi trách nhiệm tuyển chọn nhân tài trong quận quốc, lẽ ấy gọi là 'có thể hợp đạo lý, chưa thể là quyền nghi được.' Quản Trọng(57) nói: 'Khiến cho bậc hiền giả có tài được ăn lộc thì kẻ ấy phải là bậc tôn quý, cho kẻ sĩ dũng mãnh có công được ăn lộc thì kẻ ấy phải biết coi khinh cái chết, trong nước có được hai điều ấy thì thiên hạ trị.' Ta chưa hề nghe thấy việc người không có tài, kẻ sĩ chẳng phải là dũng, đều được hưởng lộc, mà có thể lập công hưng vượng quốc gia vậy. Cho nên bậc minh quân chẳng phong quan cho kẻ bầy tôi không có công lao, chẳng thưởng cho quân sĩ không ra trận; thời bình trị chuộng đức hạnh, có việc thì thưởng công. Lời bàn luận ấy, tựa như lấy gậy mà chọc con hổ dữ vậy."


Mùa thu tháng bảy, lệnh rằng: "Từ khi tang loạn đến nay, đã mười lăm năm, những kẻ hậu sinh chẳng thấy được cái cảnh tượng nhân nghĩa lễ nhượng, ta rất lấy làm thương tâm. Nay lệnh cho các quận trong nước đều phải sửa sang trường học, những huyện có năm trăm hộ được đặt chức quan lo việc học hành, tuyển chọn những kẻ tài tuấn trong vùng làm người dạy dỗ học trò, sao cho đạo tiên vương chẳng vị phế bỏ, mà lại có ích cho thiên hạ."


Tháng tám, Công đi đánh Lưu Biểu, quân tới Tây Bình. Công rời huyện Nghiệp đi về Nam, Đàm-Thượng tranh giành Ký Châu, Đàm bị Thượng đánh bại ở đó, chạy đến giữ huyện Bình Nguyên. Thượng vây đánh rất gấp, Đàm sai Tân Bì tới chỗ Công xin hàng cầu cứu. Chư tướng đều nghi ngờ, Tuân Du khuyên Công ưng cho, Công bèn dẫn quân về.


Nguỵ thư chép: Công nói rằng: "Ta đánh Lã Bố, Biểu chẳng vào cướp, chiến dịch Quan Độ, Biểu cũng chẳng cứu Viên Thiệu, ấy là tên giặc chỉ biết tự giữ mình, nên trừ diệt sau. Đàm-Thượng là lũ gian trá, nhân vì chúng tranh giành nhau. Bởi túng thế Đàm mới trá hàng ta, chẳng qua thế cùng phải bó tay vậy, giả sử ta phá được Thượng, thu lấy đất đai ấy, cũng có lợi nhiều lắm." Bèn hứa giúp Đàm.


Mùa đông tháng mười, Công về đến Lê Dương, cho con trai mình là Chỉnh kết hôn với con gái Đàm.


Thần Tùng Chi xét: Thiệu chết đến lúc ấy, tính ra cũng chỉ hơn năm tháng mà thôi. Đàm dẫu về sau bị mất tước, chẳng vì Thiệu chịu tang ba năm, mà cưới gả con gái thi hành cát lễ(58), là trái lẽ vậy. Nguỵ Vũ hoặc vì quyền nghi mà nói lời ước hẹn; nay nói rằng kết hôn, chưa hẳn là năm ấy đã thành lễ vậy.


Thượng nghe tin Công về Bắc, bèn bỏ Bình Nguyên trở về huyện Nghiệp. Lã Khoáng-Lã Tường ở huyện Đông Bình làm phản Thượng, đóng quân ở Dương Bình, dẫn quân sĩ đến hàng Công, được phong làm Liệt hầu.


Nguỵ thư chép: Đàm được giải vây, ngầm lấy ấn thụ Tướng quân đưa cho Khoáng. Khoáng nhận ấn đưa cho Công, Công nói: "Ta cố nhiên biết Đàm có toan tính nhỏ mọn vậy. Ý chừng nếu ta đi đánh Thượng, trong thời gian ấy y sẽ cướp lấy dân tụ tập binh chúng, Thượng bị phá, y có thể được tự cường để thừa cơ làm khó ta vậy. Nhưng Thượng bị phá thì ta mạnh, có thể lấy đó làm khó ta được sao?"


Năm thứ chín mùa xuân rằm tháng giêng, Công vượt Hoàng Hà, ngăn nước sông chảy vào Bạch Câu để thông đường vận lương. Tháng hai, Thượng lại vây đánh Đàm, lưu Tô Do-Thẩm Phối giữ huyện Nghiệp. Công tiến quân đến Hoàn Thuỷ(59), Do ra hàng. Đến huyện Nghiệp, Công tiến đánh, đắp thổ sơn, đào địa đạo. Trưởng huyện Vũ An là Doãn Giai đóng binh ở Mao thành, để kiểm soát đường vận lương ở Thượng Đảng.


Mùa hạ tháng tư, Công để Tào Hồng đánh huyện Nghiệp, Công thân cầm quân đánh Giai, phá xong lại trở về. Tướng của Thượng là Tự Hộc giữ Hàm Đan, Công vây đánh lấy được.


Tự đọc là Thư, vùng Hà Sóc nay còn có họ này. Hộc, là con của Thư Thụ vậy.


Dịch Dương lệnh là Hàn Phạm, trưởng huyện Thiệp là Lương Kỳ đem cả huyện ra hàng, được ban tước Quan nội hầu.


Tháng năm, phá huỷ thổ sơn, địa đạo, đào hào xung quanh, khơi nước sông Chương rót vào trong thành; người trong thành chết đói quá nửa. Mùa thu tháng bảy, Thượng quay về cứu huyện Nghiệp, chư tướng đều cho rằng "Binh bên kia quay về, người người đều tử chiến, chẳng bằng nên né tránh họ." Công nói: "Thượng theo đường lớn mà đến, nên phải tránh họ; nếu họ men theo phía tây núi mà tới, ta sẽ bắt được vậy." Thượng quả nhiên men theo phía tây núi mà lại, tới Phũ thuỷ lập doanh trại.


Tào Man truyện chép: Công sai quân do thám mấy lần đi dò xét Thượng, chúng đều nói: "Địch đi theo đường phía tây, đã ở Hàm Đan". Công mừng lắm, hội chư tướng lại bảo: "Cô đã lấy được Ký Châu rồi, các ngươi có biết vì sao chăng?" Chúng đều nói: "Không biết." Công nói: "Chẳng bao lâu nữa các ngươi sẽ thấy việc này vậy."


Ban đêm Thượng phái binh xâm phạm vòng vây, Công đón đánh phá tan, chúng phải bỏ chạy, Công bèn cho vây chặt doanh trại. Không hợp binh được, Thượng sợ, bèn phái cố Thứ sử Dự Châu là Âm Quỳ cùng Trần Lâm đến xin hàng, Công không cho, vòng vây càng xiết chặt. Thượng bỏ trốn ngay trong đêm, tới giữ Kỳ Sơn, Công truy kích. Bọn tướng của Thượng là Mã Diên-Trương Ý lúc lâm trận đầu hàng, quân Thượng tan vỡ, Thượng chạy trốn vào Trung Sơn. Công thu được hết đồ truy trọng, bắt được cả ấn thụ tiết việt của Thượng, sai bộ hạ của Thượng đã ra hàng đem ra cho người nhà Thượng xem, lòng người trong thành tan lở cả. Tháng tám, con của anh trai Thẩm Phối là Vinh đang đêm mở cửa thành Đông Môn rước quân ngoài vào. Phối đón đánh, thua trận, Phối bị bắt sống, đem chém, huyện Nghiệp bình định. Công thân đến tế ở mộ Thiệu, khóc rơi nước mắt; uý lạo vợ Thiệu, trả lại những bảo vật cho gia nhân Thiệu, lại ban tặng các đồ vải lụa bông mềm, cấp cho lương thực.


Khi trước, Thiệu với Công cùng khởi binh, Thiệu hỏi Công rằng: "Nếu như việc chẳng xong, thì nên chiếm cứ mặt nào?" Công hỏi: "Ý của túc hạ thì sao?" Thiệu nói: "Ở phía nam ta giữ lấy Hoàng Hà, phía bắc ngăn các xứ Yên- Đại, kiêm gồm dân chúng Nhung-Địch, ngoảnh về nam để tranh thiên hạ, như vậy có thể nên việc chăng?" Công nói: "Ta dùng trí lực của người trong thiên hạ, lấy đạo lý chế ngự họ, chẳng chỗ nào là không ở được."


Phó Tử chép: Thái Tổ nói rằng: "Thang-Vũ làm vua, há đều nhờ thế đất hay sao? Nếu nương cậy ở nơi hiểm trở kiên cố, tất chẳng thể thuận theo thời cơ mà biến hoá được vậy."


Tôn Thịnh nói: Xưa kia bậc tiên vương thi hành thưởng phạt, theo đó mà trừng trị kẻ ác khuyến khích việc thiện, là gương sáng để răn dạy đời sau. Thiệu nhân lúc thế gian nguy biến, bèn nảy mưu đồ phản nghịch, trên bàn đến chuyện thần khí, dưới can thiệp vào cương kỷ quốc gia. Điếu tang cư tang, là pháp chế thời xưa vậy, nhưng thương khóc trước mộ kẻ nghịch thần, ban ân vào gia thất kẻ tham tàn, theo đạo lý chính đáng, việc ấy là điên đảo vậy. Giấu oán hận trong lòng để làm thân với người, ấy là điều các bậc hiền trí xưa chê cười, khóc than nơi tang lễ người quen, tình nghĩa không thể giả dối, kẻ ác vi phạm đạo nghĩa, sao có thể than khóc được! Xưa Hán Cao sai lầm khóc than cho họ Hạng, nay Nguỵ Vũ lại theo cái sai lầm ấy, há chẳng phải là nghĩ thấu trăm điều mà hỏng mất một hay không?


Tháng chín, có lệnh rằng: "Hà Bắc mắc cái nạn họ Viên, nên lệnh cho năm nay không phải nộp thuế khoá nữa!" Lại trừng phạt nặng những kẻ cường hào ngang ngược, bách tính hoan hỉ vui mừng. Thiên tử để Công lĩnh chức Ký Châu mục, Công khiêm nhượng trả lại Duyện Châu.


Nguỵ thư chép lại tờ lệnh của Công rằng: "Có nước thì có nhà, không lo có ít mà lo chẳng được đều, không lo nghèo túng mà lo chẳng được yên. Sự cai trị của họ Viên, khiến cho kẻ cường hào được chuyên quyền phóng túng, kẻ thân thích được nắm giữ đất đai; kẻ hạ dân bần hàn khiếp nhược, đời đời chịu nộp thuế khoá, phải bán mình vào nơi giàu có, chẳng bằng đồ vật để người ta sai khiến; tông tộc nhà Thẩm Phối, là nơi tàng chứa những kẻ tội nhân, kẻ mắc nợ trốn chủ. Những muốn cho trăm họ phải nương cậy vào mình, giáp binh cường thịnh, há có thể được sao! Nay chỉ thu thuế ruộng một mẫu bốn thưng, mỗi hộ chỉ bỏ ra hai xấp lụa, bông loại tốt hai cân mà thôi, kẻ khác chẳng được thiện tiện xướng lệnh. Giao cho thủ tướng trong quận quốc tra xét việc ấy, không để kẻ cho kẻ cường hào ở nơi ấy được thu nhặt giấu giếm, mà những dân nghèo được tự quản việc thuế khoá của mình vậy."


Lúc Công vây huyện Nghiệp, Đàm cướp lấy các xứ Cam Lăng, An Bình, Bột Hải, Hà Gian. Thượng bại, chạy về Trung Sơn. Đàm đánh Trung Sơn, Thượng chạy đến Cố An, Đàm thu lấy binh của Thượng. Công gửi thư cho Đàm, trách đã phụ ước, rồi tuyệt hôn, cho đưa con gái họ Viên về, sau mới tiến binh.


Đàm sợ, Công liền đánh lấy Bình Nguyên, Đàm chạy tới giữ Nam Bì. Tháng mười hai, Công tới Bình Nguyên, bình định các huyện.


Năm thứ mười mùa xuân rằm tháng giêng, vây đánh Đàm, phá được, chém Đàm, tru diệt hết vợ con, Ký châu bình định.


Nguỵ thư chép: Công vây đánh Đàm, từ sớm đến giữa trưa không phá được; Công bèn thân cầm dùi thúc trống, sĩ tốt phấn chấn, bấy giờ mới phá được thành.


Công hạ lệnh rằng: "Những lẻ hùa theo họ Viên làm điều ác, cho phép hối cải và thay đổi." Lệnh cho dân chúng không được báo thù riêng, cấm chỉ việc hậu táng, hết thảy phải theo phép nước. Tháng ấy, bọn Đại tướng của Viên Hi là Tiêu Xúc-Trương Nam làm phản đánh Hi-Thượng, Hi-Thượng chạy đến Tam Quận xứ Ô Hoàn. Bọn Xúc dâng cả huyện đầu hàng, được phong làm Liệt hầu. Ban đầu lúc Công mới đánh Đàm, dân bỏ trốn việc đào băng,


Thần Tùng Chi cho rằng lúc Công đánh Đàm, nước ở kênh ngòi đóng băng, Công sai dân đập băng để lưu thông thuyền bè, dân sợ việc sai dịch mới bỏ trốn.


Công lệnh gọi, chúng không chịu đến hàng. Được ít lâu, dân bỏ trốn lại đến tận cửa quan rập đầu lạy. Công bảo rằng: "Ta nghe nói chúng bay trái mệnh, giết chúng bay thì chỉ chém kẻ cầm đầu, chúng bay nên trốn đi, đừng để quan lại bắt được." Dân nhỏ nước mắt khóc rồi trốn đi; sau thoát được hết.


Mùa hạ tháng tư, bọn giặc ở Hắc Sơn là Trương Yến dẫn hơn vạn binh lính đến hàng, được phong làm Liệt hầu. Bọn người ở Cố An là Triệu Độc-Hắc Nô giết Thứ sử U châu và Thái thú Trác quận. Tam quận Ô Hoàn vây đánh Tiển Vu Phụ ở Quánh Bình.


Tục Hán thư Quận quốc chí chép: Quánh Bình, là tên huyện, thuộc quận Ngư Dương.


Mùa thu tháng tám, Công đi đánh dẹp, chém bọn Độc, rồi qua sông Lộ Hà cứu Quánh Bình, Ô Hoàn chạy trốn ra nơi đất hiểm.


Tháng chín, có lệnh rằng: "Kết đảng để mưu việc riêng, thánh nhân cực ghét. Ta nghe phong tục Ký Châu, cha con ở cùng một nơi mà bất đồng, thì bêu diếu lẫn nhau. Xưa kia huynh trưởng của Trực Bất Nghi chết, người đời nói rằng ông ấy bức hiếp chị dâu; môn đệ của Ngũ Bá Ngư ba lần lấy vợ mà vợ đều bị chết, người ta bảo bố ông vụng trộm với con dâu; Vương Phượng thiện tiện quyền nghi, Cốc Vĩnh chê bai là dựa thế anh chồng, Vương Thương nói lời trung thực, Trương Khuông cho là lời nói dối lừa: Ấy đều là việc đổi trắng thay đen, dối trời lừa vua vậy. Nay ta muốn chỉnh đốn phong tục, mà bốn tục xấu kia chẳng bỏ đi được, ta lấy làm xấu hổ lắm.(60)" Mùa đông tháng mười, Công trở về huyện Nghiệp.


Khi trước, Viên Thiệu cho con rể là Cao Cán lĩnh chức Kinh Châu mục, Công hạ được huyện Nghiệp, Cán đầu hàng, Công cho làm Thứ sử. Cán nghe tin Công đi đánh dẹp Ô Hoàn, bèn làm phản ở trong châu, bắt giữ Thái thú Thượng Đảng, cử binh giữ ải Hồ Quan. Công sai Nhạc Tiến-Lý Điển đánh Cán, Cán lui về giữ thành Hồ Quan. Năm thứ mười một mùa xuân rằm tháng giêng, Công thân đi đánh Cán. Cán hay tin ấy, bèn để biệt tướng của mình giữ thành, chạy vào xứ Hung Nô, cầu cứu Thiền Vu(61), Thiền Vu không chịu cứu. Công vây Hồ Quan ba tháng, lấy được. Cán bèn chạy trốn đến Kinh Châu, bị Đô uý Thượng Lạc là Vương Diễm lùng bắt được đem chém đi.


Mùa thu tháng tám, Công đông chinh hải tặc là Quản Thừa, đến Thuần Vu, sai Nhạc Tiến-Lý Điển đánh Thừa, Thừa bỏ chạy ra vùng hải đảo. Công cắt các vùng Tương Bí-Đàm-Thích ở Đông Hải nhập vào quận Lang Nha, xoá bỏ quận Xương Lự.


Nguỵ thư chép lại tờ lệnh tháng mười năm Ất Hợi rằng: "Kẻ cai trị ở đời chế ngự chúng sinh, phải gây dựng giúp dân, răn bảo ngoài mặt cho họ biết sợ, Kinh Thi nói 'Thuận theo mưu tính của ta, số đông không có gì phải hối hận', ấy thật là điều mà bậc quân thần khẩn khoản cầu mong vậy. Ta gánh vác trách nhiệm nặng nề, thường sợ bỏ qua mất lời trung, mấy năm gần đây, chẳng được nghe kế hay, sao ta có thể mở tiệc mừng mà chẳng kể đến cái xấu nữa ru? Từ nay về sau, những kẻ Duyện phụ thuộc các chức Trị trung-Biệt giá, vào mỗi ngày rằm mọi người đều phải kể ra những lỗi lầm của mình, ta sẽ xem xét cho."

 

 

Chú thích:

 (49) Kế lại là chức quan nhỏ ở châu quận chuyên lo về sổ bộ, văn thư.

(50) Viên Tự là người nhà họ Viên, là em của Thuật và Thiệu. Nam huynh ở đây là chỉ vào Viên Thuật (Thuật chiếm cứ vùng Hoài Nam), Bắc huynh là trỏ vào Viên Thiệu (Thiệu chiếm cứ vùng Hà Bắc). Tam Quốc diễn nghĩa nói rằng Thuật là em Thiệu, song theo gia pháp thì Thuật mới là anh (Thuật là con vợ đích từng, Thiệu là con của nàng hầu), tuy nhiên về tuổi tác và địa vị thì Thiệu lớn hơn. Thuật từng lấy ngọc tỉ của Tôn Sách rồi xưng đế, sau khi cùng quẫn mới định dâng ngọc tỉ cho Thiệu để nương nhờ, bị Tháo sai Lưu Bị chẹn đường, sau Thuật cùng quẫn phát bệnh chết.

(51) Nguyên văn câu này là 'đãi thăng đường thất'. Theo sách Luận ngữ là câu 'thăng đường nhập thất', 'thăng đường' là học được cái cơ bản, 'nhập thất là học được cái tinh tuý'. Dịch thoát ý câu văn là 'được ngài dạy dỗ chu toàn.'

(52) Nhan Uyên là trò giỏi của Khổng Tử, Khổng Tử vẫn thường khen Uyên, than rằng mình chẳng bằng được Uyên.

(53) Xưa, Lý Sinh cùng Giả Phục theo học kinh Thượng Thư, Giả Phục khen ngợi Lý Sinh hết lời, tiên đoán sau này Sinh sẽ là rường cột của quốc sau, quả nhiên ứng nghiệm.

(54) Kiều Huyền đây là người được nhắc đến từ đầu truyện, từng đoán rằng Tào Tháo sẽ là người yên định được thiên hạ. Tào Tháo về qua đất cũ, nhớ đến Kiều Huyền vào tế lễ, tỏ ý rằng nhờ những lời của Kiều Huyền mà ông cố gắng có được vinh quang như hiện tại.

(55) Tướng chết thì lui quân.

(56) Triệu Quát là con của Triệu Xa, tướng nước Triệu. Tần đánh Triệu, Liêm Pha là tướng Triệu cự Tần, Tần không thắng được, tướng Tần lập kế nói rằng người Tần chỉ sợ Triệu Quát chứ không sợ Pha, vua Tần lấy Quát thay Pha làm tướng, mẹ Quát can, vua Triệu không nghe, mẹ Quát xin rằng nếu Quát thua quân sẽ không phải chịu tội cùng với Quát, vua Triệu ưng, sau quả nhiên Quát bị tướng Tần là Bạch Khởi đánh tan, giết hết bốn mươi vạn quân Triệu, nước Triệu rung động, mẹ Quát đã có lời từ trước, không phải tội.

(57) Quản Trọng là bầy tôi của Tề Hoàn Công, danh tiếng lẫy lừng khắp Trung Hoa cổ đại thời Xuân Thu, giúp cho nước Tề cường mạnh, làm bá chư hầu.

(58) Lễ tốt lành, hỉ sự.

(59) Tức sông An Dương, con sông này chảy từ vùng Sơn Tây xuyên qua vùng Hà Nam.

(60) Chỗ này nhắc đến rất nhiều điển tích cổ, ND chưa tra cứu được.

(61) Thiền Vu là vua xứ Hung Nô. Nguyên xứ Hung Nô có nhiều bộ lạc, mỗi bộ lạc đều có một vị Thiền Vu, Thiền Vu đại loại cũng chỉ là tù trưởng của một bộ lạc mà thôi.

(62) Nguyên văn chỗ này là chữ 'Đinh tù', mà chữ Đinh là chỉ Thiên Can theo lịch âm, vậy chữ 'tù' chả có nghĩa gì. Lại chiếu theo sự kiện xảy ra thì năm ấy phải là năm Đinh Dậu. Vậy nên tạm dịch là 'Năm Đinh Dậu.'

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét