Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TÀO THÁO TRUYỆN (Phần II)

 


TÀO THÁO TRUYỆN (Phần II)

 

Tháng 4. mùa Hạ. Tư Đồ Vương Doãn cùng Lữ Bố giết Đổng Trác. Tướng của Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ giết Doãn và đánh Bố. Bố thua, theo lối Vũ Quan bỏ chạy về phía Đông. Bọn Thôi chiếm hết việc triều chính.


Hơn trăm vạn quân Hoàng Cân của Thanh Châu tiến vào Duyện Châu, giết Nhiệm Thành Tướng Trịnh Toại. Lại tiến đến Đông Bình. Lưu Đại muốn đánh, Bào Tín can rằng: "Hiện tại giặc hơn trăm vạn, ai ai cũng khiếp đảm, sĩ tốt không có chí chiến đấu, không thể đối địch. Tôi thấy quân giặc có cả gia đình theo, lại không mang đồ tiếp tế, toàn phải dựa vào cướp bóc để sinh sống. Nay chi bằng nuôi sức quân sĩ, lo cố thủ từ trước. Giặc muốn giàn trận đánh nhau không được, đánh thành lại không đủ sức, thế ắt ly tán. Rồi ta tuyển quân tinh nhuệ, nhắm vào chổ hiểm mà đánh thể nào cũng phá được." Đại không nghe, cùng giặc đánh nhau, quả nhiên bị giết.


Thế Ngữ chép: Đại chết rồi, Trần Cung bèn bảo Thái Tổ: "Châu ngày nay không có chủ, mà vương mệnh lại đoạn tuyệt, Cung xin thuyết phục bọn người trong châu cho ông thế làm quan Mục. Rồi ta có thể dựa vào đó lấy thiên hạ, lập nghiệp bá vương." Cung bèn nói với các quan Biệt Giả, Trị Trung rằng: "Ngày nay thiên hạ phân chia, Châu không có chủ. Tào Đông Quận có tài mệnh thế, nếu đón về làm quan Mục có để giúp dân được yên ổn." Bào Tín và mọi người đồng ý.


Thế rồi, Tín cùng Vạn Tiềm cùng đến Đông Quận mời Thái Tổ làm Duyện Châu Mục. Rồi tiến quân đánh Khăn Vàng ở phía Đông Thọ Trương. Tín hết sức đánh nhau, đến chết, nhờ thế mới thắng.


Ngụy Thư chép: Thái Tổ dẫn hơn ngàn quân kỵ, bộ đến xem xét chiến trường, tiến vào trại giặc đánh nhau thất lợi, chết hơn trăm người bèn lui về. Giặc lại tiến quân. Khăn Vàng nổi lên đã lâu, cứ thắng luôn, binh lính tinh nhuệ, hung hãn. Thái Tổ chỉ còn ít binh lính cũ, lính mới chưa thao luyện, trong quân ai nấy đều hoảng sợ. Thái Tổ mặc giáp đội mũ sắt đích thân tuần tra tướng sĩ, khuyên nhủ, thưởng phạt công minh; quân chúng nhờ thế phấn chấn lên, theo lệnh tấn công, đẩy lùi quân giặc. Giặc bèn gởi thư cho Thái Tổ rằng: "Trước đây ở Tế Nam, ông hủy hoại đàn tế thần, đó là cùng đúng theo kinh sách của chúng tôi(23). Trước đây sáng suốt, thế mà ngày nay ông lại u mê. Số Hán đã hết, nhà 'Hoàng' lên thay. Mệnh trời định thế, ông há có thể chỉ cậy tài cán mà làm trái được sao?" Thái Tổ đọc xong, mắng nhiếc, khuyên hàng. Rồi đặt phục binh, ngày đêm hợp đánh, bắt được nhiều giặc. Giặc bèn bỏ chạy.


Rồi cho tìm thi thể (Bào) Tín nhưng không được bèn khắc hình hài Tín bằng gỗ, lập đàn khóc tế. Truy đuổi Hoàng Cân đến tận Tế Bắc, giặc túng quá xin hàng. Mùa Đông, thu hàng được hơn 30 vạn quân, nam nữ hơn trăm vạn người, lại chọn lấy những quân tinh nhuệ, gọi là Thanh Châu binh.


Viên Thuật cùng Viên Thiệu có hiềm khích, Thuật cầu viện Công-tôn Toản, Toản phái Lưu Bị đóng ở Cao Đường, Thiền Kinh đóng ở Bình Nguyên, Đào Khiêm đóng ở Phát Cán, cùng bức Thiệu. Thái Tổ cùng Thiệu đánh, đều phá được(24).


Năm thứ 4, mùa Xuân, đóng quân ở Quyên Thành. Quan Mục Kinh Châu Lưu Biểu cắt đường tiếp vận của Thuật, Thuật dẫn binh đến Trần Lưu đóng ở Phong Khâu. Dư đảng Hắc Sơn và Ô Phù La cùng đến trợ tá. Thuật sai tướng là Lưu Tường đóng ở Khuông Đình. Thái Tổ đánh Tường, Thuật đến cứu. Đôi bên giáp trận, Thuật thua to, mới lui về giữ Phong Khâu. Sau bị vây, vòng vây chưa nối, Thuật chạy về Tương Ấp, bị đuổi đến Thái Thọ, bị (Thái Tổ) mở đê cho nước ngập thành, lại chạy đến Ninh Lăng, lại bị đuổi, bèn chạy về Cửu Giang. Mùa Hạ. Thái Tổ lui quân về Định Đào(25).


Người Hạ Bì là Khuyết Tuyên tụ chúng hơn ngàn người tự xưng Thiên Tử, Từ Châu Mục Đào Khiêm khởi quân hợp tác, chiếm các huyện Hoa, Phí quận Thái Sơn và đánh Nhiệm Thành. Mùa Thu, Thái Tổ đánh Đào Khiêm, hạ hơn 10 thành. Khiêm giữ thành không dám ra.


Năm ấy, Tôn Sách theo lệnh Viên Thuật vượt sông (Trường Giang). Trong vài năm, Sách chiếm được Giang Đông.


Hưng Bình nguyên niên (194), mùa Xuân, Thái Tổ tự tiến đến Từ Châu. Trước đây, cha Thái Tổ là Tung sau khi từ quan lui về ở đất Tiêu(26). Đến lúc loạn Đổng Trác, (Tung) bèn đến quận Lang Da lánh nạn - lại bị Đào Khiêm hại. Do vậy, Thái Tổ quyết đánh báo thù.


Thế Ngữ chép: Lúc Tung còn ở huyện Hoa, quận Thái Sơn, Thái Tổ lệnh Thái Thú Thái Sơn Ung Thiệu hộ tống về Duyện Châu. Quân Thiệu chưa đến. Đào Khiêm mật sai hơn ngàn quân kỵ đến bắt. Người nhà Tung đang đợi Thiệu, không phòng bị. Quân Khiêm đến, giết em Thái Tổ là Đức ngay tại cửa. Tung sợ, cho đục tường sau trốn đi, cho người thiếp ra trước. Người thiếp béo quá, chui không lọt. Tung bèn trốn vào nhà xí, rốt cuộc chết cùng người thiếp, cả nhà bị giết. Thiệu sợ, bỏ quan chạy đến với Viên Thiệu. Sau này khi Thái Tổ bình định Ký Châu thì Thiệu chết đã lâu.


Sách Ngô Thư của Vi Diệu chép: Thái Tổ cho đón Tung, đồ tri trọng hơn trăm xe, Đào Khiêm sai Đô Úy Trương Khải dẫn hơn 200 kỵ binh hộ tống. Đến huyện Hoa, Phí ở Thái Sơn, Khải giết Tung cướp tài vật trốn về Hoài Nam. Thái Tổ đổ tội cho Đào Khiêm, cất quân đánh.


Mùa Hạ, sai Tuân Úc, Trình Dục thủ Quyên Thành, rồi kéo quân đánh Đào Khiêm, diệt được 5 thành, đất chiếm đến Đông Hải. Tiến quân đến Đàm(27), Khiêm phái Tào Báo, Lưu Bị đồn binh ở phía Đông thành, muốn bắt Thái Tổ. Thái Tổ tấn công thắng lợi, lại đánh chiếm Tương Bôn. Đi đến đâu đánh giết hoang tàn đến đấy.


Tôn Thịnh chép: Phạt kẻ có tội nhưng phải thương dân, đó là lối người xưa; tội ấy là nơi Khiêm mà tàn sát đến bộ thuôc thì thật là quá đáng.


Nhằm lúc Trương Mạc, Trần Cung đón Lữ Bố cùng làm phản, quận huyện đều theo, duy Tuân Úc, Trình Dục giữ Quyên Thành, Phạm huyện, Đông A cố thủ. Thái Tổ bèn dẫn quân về. Bố kéo quân đánh Quyên Thành nhưng không hạ được, bèn kéo quân về phía tây đóng ở Bộc Dương. Thái Tổi nói: "Trong một ngày Bố chiếm được cả một Châu, thế nhưng không biết giữ Đông Bình, cắt đường Cang Phụ, Thái Sơn chiếm lấy những nơi hiểm yếu ngăn ta, lại đóng đồn ở Bộc Dương, ta đủ biết hắn chẳng có tài cán gì."(28) Bèn tiến quân tấn công. Bố dẫn binh ra đánh, dẫn đầu kỵ binh đánh vào quân Thanh Châu. Quân Thanh Châu bỏ chạy, trận quân cả loạn, lại chợt có lửa nổi lên, Thái Tổ té ngựa, bị bỏng bàn tay trái. Quan Tư Mã là Lâu Dị phải giúp Thái Tổ leo lại lên ngựa, rồi dẫn đi.


Sách Hiến Đế Xuân Thu của Viên Ung chép: Thái Tổ vây Bộc Dương, nhờ dòng họ lớn trong thành là họ Điền là phản gian, Thái Tổ vào được thành. Sai đốt cửa Đông, mới nghe trong thành không có ý làm phản. Đến lúc đánh nhau, bại trận. Vài tên quân kỵ của Bố bắt được Thái Tổ nhưng không nhận ra, hỏi: "Tào Tháo ở đâu?" Thái Tổ đáp: "Hắn cưỡi ngựa vàng chạy kia kìa" Bọn kỵ binh bèn thả Thái Tổ đuổi theo người cưỡi ngựa vàng. Cửa thành cháy to, Thái Tổ băng lửa mà chạy.


Khi quân rút về chưa đến trại, vì các tướng chưa thấy mặt Thái Tổ, ai nấy đều sợ. Thái Tổ tự an ủi quân sĩ, lệnh sai dựng công cụ phá thành, rồi lại tấn công, cùng Bố chống chọi nhau hơn trăm ngày. Nhằm nạn dịch châu chấu, bách tính đều đói, Bố lương thảo cũng hết, bèn kéo quân đi.


Tháng 9, mùa Thu, Thái Tổ về lại Quyên Thành, Bố đến Thừa Thị, bị người trong huyện là Lý Tiến đánh bại, bèn kéo về phía Đông đóng đồn ở Sơn Dương. Khi ấy, Viên Thiệu sai sứ giả đến thuyết phục Thái Tổ, muốn cùng "liên hòa"(29). Thái Tổ vừa mất Duyện Châu, lương thực cạn, muốn thuận ý. Trình Dục can ngăn, Thái Tổ nghe theo. Tháng 10, mùa Đông, Thái Tổ kéo đến Đông A.


Năm ấy một hộc lúa giá hơn 5 vạn tiền, người phải ăn thịt lẫn nhau, (Thái Tổ) bèn bãi việc tuyển mộ tân binh. Đào Khiêm mất, Lưu Bị lên thay.


Năm thứ nhì (195), mùa Xuân, đánh Định Đào. Thái Thú Tế Âm là Ngô Tư giữ Nam Thành, chưa bị phá. Lữ Bố đến, đánh chiếm lấy. Mùa Hạ, Bố phái Tiết Lan, Lý Phong đồn binh ở Cự Dã. Thái Tổ tiến đánh, Bố đến cứu Lan, Lan bại, Bố bỏ chạy, bọn Lan bị chém. Bố từ Đông Mân với Trần Cung dẫn hơn vạn quân đến muốn đánh nhau, khi ấy Thái Tổ binh ít, bèn phục binh, tung kỳ đánh thình lình nên thắng to.


Ngụy Thư chép: Khi ấy quân chúng đa phần lo gặt lúa, còn chưa đến ngàn quân giữ trại, phòng thủ yếu kém. Thái Tổ bèn sai phụ nữ đứng canh bên bờ thành theo dõi (địch) để biết đường chống đỡ. Phía tây trại là bờ đê lớn, phía nam là cánh rừng rậm. Bố nghi có phục binh, thuộc hạ lại nói: "Tào Tháo quỷ quyệt, chớ để lọt vào ổ phục kích của hắn." Bèn dẫn quân về phía Nam hơn 10 dặm đóng đồn. Hôm sau Bố lại đến, Thái Tổ phục một nửa quân sau bờ đê, bày môt nửa quân trước bờ đê. Bố tiến lên, lệnh khinh binh tiến đánh. Đôi bên giáp trận, phục binh từ sau bờ đê tiến ra, bộ, kỵ cùng đánh, thắng to, bắt được cả trống trận, đuổi quân Bố đến tận doanh trại mới lui.



Lã Bố và Trương Liêu


Bố nhân đêm bỏ trốn, Thái Tổ bèn tấn công, chiếm được Định Đào, chia quân bình các huyện. Bố bỏ chạy về phía Đông, nương náu với Lưu Bị. Trương Mạc chạy theo Bố, sai em là Siêu bảo vệ gia quyến giữ Ung Khâu. Tháng 8 mùa Thu, vây Ung Khâu. Tháng 10 mùa Đông, Thiên Tử phong Thái Tổ làm Duyện Châu Mục. Tháng 12, Ung Khâu vỡ, Siêu tự sát. Thái Tổ giết cả 3 họ nhà Mạc, Mạc chạy đến Viên Thuật cầu cứu, bị thuộc hạ giết. Duyện Châu bình định, bèn quay về phía đông thôn tính đất Trần.


Năm ấy, Tràng An loạn Thiên Tử chạy về phía Đông, bại trận ở Tào Dương, vượt Hoàng Hà đến An Ấp.


Kiến An năm đầu, tháng giêng mùa Xuân, quân Thái Tổ đến Vũ Bình. Trần Tướng của Viên Thuật là Viên Tự đầu hàng.


Thái Tổ muốn đón Thiên Tử, chư tướng nghi ngại, riêng Tuân Úc, Trình Dục khuyến khích, bèn sai Tào Hồng dẫn quân đi đón. Vệ Tướng Quân Đổng Thừa cùng tướng của Viên Thuật là Trường Nô dựa thế hiểm chống cự. Hồng không tiến được.


Ở Nhữ Nam, Dĩnh Xuyên có bọn giặc Khăn vàng là lũ Hà Nghi, Lưu Tích, Hoàng Thiệu, Hà Mạn, binh chúng mỗi đám có đến mấy vạn, ban đầu hưởng ứng Viên Thuật, sau lại phụ giúp Tôn Kiên. Tháng hai, Thái tổ tiến quân đánh dẹp, chém chết bọn Tích-Thiệu, Nghi cùng binh sĩ ra hàng. Thiên tử bái Thái tổ làm Kiến Đức tướng quân, mùa hạ tháng sáu, lại thăng lên Trấn Đông tướng quân, phong cho làm Phí Đình hầu. Mùa thu tháng bảy, Dương Phụng-Hàn Tiêm đưa Thiên tử về Lạc Dương, Phụng ra đóng quân ở huyện Lương(30).


Hiến đế Xuân Thu chép: Thiên tử mới đến Lạc Dương, ở tạm trong nhà viên Thường thị là Triệu Trung ở phía tây thành. Sai Trương Dương sửa sang cung thất, đặt tên là Dương An điện, tháng tám, Đế dời đến đó ở.


Thái tổ đến Lạc Dương, phòng vệ Kinh đô, Tiêm bỏ trốn. Thiên tử ban cho Thái tổ được giả tiết việt(31), Lục thượng thư sự.


Hiến đế kỷ chép: Lại lĩnh chức Tư lệ Hiệu uý.


Bởi Lạc Dương bị tàn phá, Bọn Đổng Chiêu khuyên Thái tổ dời đô về đất Hứa. Tháng chín, xa giá ra lối Hoàn Viên đi về phía đông, lấy Thái tổ làm Đại tướng quân, phong là Vũ Bình hầu. Từ lúc Thiên tử bị dời phía Tây, triều đình ngày càng loạn, đến lúc ấy tông miếu xã tắc chế độ mới gây dựng lại.


Sách Hán kỷ của Trương Phan chép: Ban đầu, Thiên tử khốn cùng ở Tào Dương, muốn xuôi sông Hà chạy về Hà Đông. Quan Thị trung Thái sử lệnh là Vương Lập nói: "Từ mùa xuân năm ngoái sao Thái Bạch xâm phạm vào sao Trấn ở vị trí Ngưu Đẩu, vượt quá dải Thiên tân, sao Huỳnh Hoặc lại đi ngược về địa phận Bắc Hà, chớ nên mạo phạm(32)." Bởi thế Thiên tử không vượt sông về Bắc nữa, mà theo lối Chỉ Quan đi về phía đông. Lập lại nói với quan Tông chánh là Lưu Ngải rằng: "Trước đây Thái Bạch đóng ở Thiên Quan, cùng với Huỳnh Hoặc gặp nhau; Kim-Hoả giao nhau, tượng trời ắt thay đổi. Vận Hán đã hết, ở đất Tấn-Nguỵ hẳn sẽ có người nổi lên vậy." Sau Lập lại mấy lần nói với Đế rằng: "Mệnh trời có lúc khứ tựu(33), ngũ hành thịnh suy bất thường, thay Hoả là Thổ, kế thừa Hán chính là Nguỵ vậy, người có thể yên thiên hạ, chính là Tào thị, thiết nghĩ nên uỷ thác cho Tào công gánh vác công việc." Công nghe được lời ấy, sai người đến nói nhỏ với Lập rằng: "Ta biết ông trung với triều đình, nhưng đạo trời huyền diệu(34) lắm, ông chớ nên nhiều lời."


Thiên tử dời về đông, Phụng từ huyện Lương đón muốn bắt lại, không kịp. Mùa đông tháng mười, Công đánh Phụng, Phụng chạy về phương Nam đến chỗ Viên Thuật, Công đánh doanh trại ở huyện Lương, lấy được. Thái tổ phong cho Viên Thiệu chức Thái uý(35), Thiệu xấu hổ vì ngôi thứ của mình ở dưới Công, không chịu nhận. Công bèn cố nài, nhượng chức Đại tướng quân của mình cho Thiệu. Thiên tử bái Công làm Tư không, hành Xa kỵ tướng quân(36). Năm ấy sai bọn Tảo Chi- Hàn Hạo cùng luận bàn, bắt đầu gây dựng việc đồn điền.


Nguỵ thư chép: Từ lúc xảy ra chiến loạn, ruộng đất bỏ hoang, lương thực thiếu thốn. Chư quân nổi dậy khắp nơi, chẳng có ai tính việc lâu dài, đói thì đi cướp bóc, no thì phung phí lương thực, lòng người ly tán(37), địch không đánh phá cũng tự tan vỡ chẳng thể thắng được. Viên Thiệu ở Hà Bắc, quân dân ngẩng mặt ăn lá dâu. Viên Thuật ở Giang Hoài, lấy bồ loả(38) để dùng. Người phải ăn thịt lẫn nhau, làng xóm tiêu điều. Công nói: "Cái thuật định quốc là, binh muốn mạnh cần có đủ lương, người Tần bởi thúc đẩy nghề nông mà thâu tóm được thiên hạ, Hiếu Vũ lấy việc khai khẩn đồn điền mà bình định được Tây Vực, đó là sớm ý thức được việc ấy vậy." Ngay năm ấy Thái tổ chiêu mộ dân khai khẩn ở đất Hứa, thu được hơn trăm vạn hộc lương. Trong các châu quận đặt chức quan trông coi việc đồn điền, tích trữ lương thực tại chỗ. Khi chi phạt tứ phương, không phải khó nhọc về việc vận chuyển lương thảo, lại kiêm quản được việc diệt trừ đám đạo tặc, người trong thiên hạ được yên bình.


Lã Bố tập kích Lưu Bị, chiếm Hạ Bi, Bị chạy lại chỗ Công. Trình Dục thuyết Công rằng: "Tôi xem Lưu Bị có hùng tài mà rất được lòng người, sau này chẳng chịu ở dưới người khác, chẳng bằng sớm liệu đi." Công nói: "Nay đang là lúc thu dụng kẻ anh hùng, giết một người mà làm mất lòng thiên hạ, chẳng nên."


Trương Tế từ Quan Trung chạy về Nam Dương. Tế chết, người cháu là Tú thống lĩnh số binh ấy. Năm thứ hai mùa xuân rằm tháng giêng, Công về đến Uyển thành. Trương Tú đến hàng, sau lấy làm hối, lại phản. Công tới đánh, thua trận, bị tên bắn trúng, con trưởng là Ngang, cháu con của em trai Công là An Dân bị hại.


Nguỵ thư chép: Công cưỡi con ngựa có tên là Tuyệt Ảnh(39), tên bắn trúng vẫn không dừng, bị thương ở ở má và chân, Công bị bắn vào cánh tay.


Sách Thế ngữ chép: Ngang không cưỡi ngựa, dâng ngựa của mình cho Công, cho nên Công thoát, mà Ngang bị hại.


Công dẫn binh về Vũ Âm, Tú dẫn quân kỵ lại đánh úp, Công tập kích đánh tan. Tú chạy đến đất Nhưỡng, cùng với Lưu Biểu hợp quân. Công bảo chư tướng rằng: "Ta cho bọn Trương Tú hàng, đã bỏ qua không giữ chúng làm con tin, mới để đến nỗi như thế. Ta đã hiểu được vì sao thất bại. Các khanh hãy lấy đó làm gương, từ nay về sau không để thất bại nào như thế nữa." Rồi kéo quân về Hứa huyện.


Sách Thế ngữ chép: Theo phép cũ, khi Tam công nắm binh quyền vào triều kiến, đều phải bỏ kích bắt chéo tay ở đằng trước. Lúc trước, khi Công đánh Trương Tú, vào hầu Thiên tử, bấy giờ mới khôi phục phép ấy. Từ đó Công không vào triều kiến nữa.


Viên Thuật muốn xưng đế ở Hoài Nam, sai người đến bảo với Lã Bố. Bố bắt giữ sứ giả, gửi thư về triều. Thuật nổi giận, đánh Bố, bị Bố đánh tan. Mùa thu tháng chín, Thuật xâm phạm đất Trần, Công đông chinh đánh Thuật. Thuật nghe tin Công đích thân đến, bỏ trại chạy, để các tướng của mình là Kiều Nhuy, Lý Phong, Lương Cương, Nhạc Tựu ở lại; Công đến, đánh tan bọn Nhuy, chém được cả. Thuật vượt sông Hoài. Công quay về Hứa huyện.


Công từ Vũ Âm trở về, các huyện Nam Dương-Chương Lăng lại làm phản vì Tú, Công sai Tào Hồng đến đánh, bất lợi, phải lui về đất Diệp, đã mấy lần Tú-Biểu xâm phạm chỗ ấy. Mùa đông tháng mười một, Công thân nam chinh, đến Uyển thành.


Nguỵ thư chép: Đến Dục Thuỷ, cúng tế vong hồn tướng sĩ(40), sụt sùi chảy nước mắt, sĩ chúng đều thương cảm.


Tướng của Biểu là Đặng Tể chiếm cứ Hồ Dương. Công vây đánh phá được, bắt sống Tể, quân ở Hồ Dương theo hàng. Lại đánh Vũ Âm, cũng hạ được.


Năm Kiến An thứ ba mùa xuân rằm giáng giêng, Công về Hứa huyện, mới đặt ra chức Quân sư Tế tửu. Tháng ba, Công vây Trương Tú ở huyện Nhưỡng. Mùa hạ tháng năm, Lưu Biểu phái binh cứu Tú, định cắt đứt đường rút quân.


Hiến đế Xuân Thu chép: Phản quân của Viên Thiệu đến nói với Công rằng: "Điền Phong xui Thiệu tập kích đất Hứa, khống chế Thiên Tử để ra lệnh cho chư hầu, bốn bể có thể trỏ tay mà lấy được." Công bèn giải vây cho Tú.


Công dẫn quân về, binh của Tú kéo lại, quân của Công không tiến được, doanh trại của giặc đóng chặn phía trước. Công gửi thư cho Tuân Úc nói: "Giặc đuổi theo ta, tuy mỗi ngày ta chỉ đi được mấy dặm, song ta đã có kế, đến An Chúng, tất phá được Tú." Đến An Chúng, Tú cùng với Biểu hợp quân giữ chỗ hiểm, quân của Công trước sau đều thụ địch. Công bèn nhân đêm tối cho đào địa đạo, chuyển hết các đồ tri trọng qua, rồi đặt kỳ binh. Sáng hôm sau, giặc cho là Công đã bỏ trốn, đem hết quân đuổi theo. Công bèn tung kỳ binh và quân bộ kỵ giáp công, đại phá được. Mùa thu tháng bảy, Công về đất Hứa. Tuân Úc hỏi Công: "Khi trước minh công nói có đã kế sách phá tan quân giặc, sao biết như vậy?" Công nói: "Giặc chặn đường về của ta, giao chiến với quân ta ở nơi tử địa, vì thế ta biết chắc là thắng."


Lữ Bố lại giúp Viên Thuật sai Cao Thuận đánh Lưu Bị, Công sai Hạ Hầu Đôn đến cứu, gặp bất lợi. Bị bị Thuận đánh bại. Tháng chín, Công đông chinh đánh Bố. Mùa đông tháng mười, chiếm Bành Thành giết rất nhiều dân ở đó, bắt sống tướng ở đấy là Hầu Hài. Tiến quân đến Hạ Bi, Bố thân dẫn quân kỵ đón đánh. Công đánh tan quân ấy, bắt sống viên kiêu tướng là Thành Liêm. Đuổi đến chân thành, Bố sợ, muốn hàng. Bọn Trần Cung can ngăn, dâng kế cầu cứu Viên Thuật, khuyên Bố ra đánh, Bố lại thua, bèn vào thành cố thủ, Công không hạ được thành. Bấy giờ đánh nhau liên miên, sĩ tốt mỏi mệt, muốn quay về, Công dùng kế của Tuân Du-Quách Gia, khơi nước ở hai sông Tứ-Nghi tràn vào thành. Hơn một tháng, bọn tướng của Bố là Tống Hiến, Ngụy Tục bắt Trần Cung, mở cửa thành ra hàng, Bố-Cung bị bắt sống, đều bị giết cả. Ở Thái Sơn có bọn Tang Bá, Tôn Quan, Ngô Đôn, Duẫn Lễ, Xương Hi đều tụ tập binh chúng. Khi Bố phá Lưu Bị, bọn Bá đều theo Bố. Lúc Bố bại trận, bọn Bá đều bị bắt, Công thu hàng và hậu đãi, chia một phần đất đai ở hai châu Thanh, Từ kéo dài đến tận biển ủy thác cho bọn họ, lại chia các vùng Lang Nha, Đông Hải, Bắc Hải ra thành các quận Thành Dương, Lợi Thành, Xương Lự.


Khi trước, khi Công làm Duyện châu mục, dùng Tất Kham ở Đông Bình làm Biệt giá. Trương Mạc làm phản, bắt hết mẹ già cùng với anh em vợ con Kham; Công nói với Kham, rằng: "Mẹ già khanh ở bên đấy, khanh có thể đi." Kham dập đầu lạy quyết không hai lòng, Công khen ngợi, mà chảy nước mắt. Công trở ra, Kham trốn về. Đến khi Bố bị diệt, Kham bị bắt sống, chúng đều sợ cho Kham, Công nói: "Người có hiếu với cha mẹ như thế, há chẳng trung với vua ư! Ta cần những người như thế." Bèn lấy Kham làm Lỗ Tướng(41).


Ngụy Thư chép: Viên Thiệu vốn có hiềm khích với cố Thái úy Dương Bưu, quan Đại trường thu Lương Thiệu, quan Thiếu phủ Khổng Dung, muốn Công kể tội họ mà giết đi. Công nói: "Ngày nay thiên hạ tan lở chia lìa, anh hùng hào kiệt đều nổi dậy, đụng đến quân sự, ai cũng tấm tức trong bụng, đều tự lo cho bản thân mình, ấy là lúc kẻ trên người dưới ngờ vực lẫn nhau, dẫu người không đáng bị hiềm nghi, cũng sợ không được tin tưởng; ví như trừ bỏ những người này đi, thì ai không lo sợ nữa? Vả lại những kẻ áo vải làm nên, ở thế gian bụi bặm này, kể cả những kẻ tầm thường có lắm nhược điểm, vẫn có thể tha thứ được! Xưa Cao Tổ tha tội cho Úng Xỉ mà mọi người an lòng, ông đã quên rồi sao?" Thiệu bên ngoài cho lời ông là đúng, bên trong lại nghĩ khác, thầm oán vọng. Thần là Tùng Chi cho rằng Dương Bưu cũng từng vì Ngụy Vũ mà khốn cùng, suýt chết, Khổng Dung cuối cùng cũng chẳng tránh được bị tru diệt, sao lời nói lúc trước với việc làm sau này chẳng như nhau vậy! Biết chẳng phải là khó, khó là ở việc làm, tin chắc rằng như vậy.


Năm thứ tư mùa xuân tháng hai, Công về đến Xương Ấp. Tướng của Trương Dương là Dương Sửu giết Dương, Tuy Cố lại giết Sửu, đem lũ quân ấy theo Viên Thiệu, đóng quân ở Xa Khuyển. Mùa hạ tháng tư, tiến quân đến Hoàng Hà, sai Sử Hoán-Tào Nhân vượt sông đánh Cố. Cố sai quan Trưởng sử cũ của Dương là Tiết Hồng và Thái thú Hà Nội là Mâu Thượng chống giữ, còn mình thân dẫn binh về Bắc đón Thiệu cầu cứu giúp, cùng với Hoán-Nhân gặp nhau ở Khuyển Thành. Giao chiến, đại phá Cố. Công qua sông, vây Xạ Khuyển. Hồng-Thượng dẫn chúng ra hàng, được phong tước Liệt hầu(42), Công hồi binh về Ngao Thương. Lấy Nguỵ Chủng làm Thái thú Hà Nội, phó thác các việc ở Hà Bắc.


Khi trước, Công tiến cử Chủng làm Hiếu Liêm. Lúc Duyện Châu làm phản, Công nói: "Chỉ có Nguỵ Chủng là chẳng bỏ Cô vậy." Đến khi hay tin Chủng bỏ trốn, Công giận nói: "Chủng chẳng thể trốn về nam đến đất Việt, trốn về bắc đến đất Hồ, ta chẳng để yên cho mày!" Khi hạ được Xạ Khuyển, bắt sống được Chủng, Công nói: "Chỉ vì Chủng có tài nên dùng vậy!" Rồi cho cởi trói mà dùng người ấy.


Thời ấy Viên Thiệu đã thôn tính xong Công Tôn Toản, kiêm quản đất đai bốn châu, binh lính hơn mười vạn, sắp tiến quân đánh Hứa huyện, chư tướng cho rằng chẳng thể địch nổi, Công nói: "Ta biết Thiệu là người chí lớn mà ít mưu, ngoài mặt mạnh bạo mà bé mật, hay ghen ghét người mà thiếu uy lực, đông quân mà tổ chức chỉ huy chẳng rõ ràng, tướng kiêu mà chính lệnh bất nhất, đất đai tuy rộng, lương thực dẫu phong túc, chỉ đủ để làm tế vật cho ta vậy." Mùa thu tháng tám, Công tiến quân đến Lê Dương, sai bọn Tang Bá thâm nhập Thanh Châu, đánh phá đất Tề- Bắc Hải- Đông An, để Vu Cấm đóng binh ở mé trên Hoàng Hà. Tháng chín, Công về Hứa huyện, chia binh giữ Quan Độ. Mùa đông tháng mười một, Trương Tú dẫn binh đến hàng, được phong là Liệt hầu. Tháng mười hai, Công đóng quân ở Quan Độ.


Viên Thuật từ lúc thua trận ở đất Trần, đã khốn quẫn. Viên Đàm từ Thanh Châu phái người đến đón Thuật. Thuật muốn vượt qua phía bắc Hạ Bi, Công sai Lưu Bị-Chu Linh đón bắt Thuật. Đúng lúc Thuật bị bệnh chết. Trình Dục-Quách Gia nghe tin Công phái Bị đi, bèn nói với Công rằng: "Không nên thả Lưu Bị." Công hối, cho người đuổi theo không kịp. Lúc Bị còn chưa đi về Đông, đã ngầm cùng với bọn Đổng Thừa mưu phản, đến Hạ Bi, bèn giết Thứ sử Từ Châu là Xa Trụ, rồi cất binh đóng ở Bái huyện. Công sai Lưu Đại-Vương Trung đến đánh Bị, không thắng được.


Hiến đế xuân thu chép: Bị bảo bọn Đại rằng: "Có sai cả trăm kẻ như chúng bay tới đây, không làm gì nổi ta; Tào Công có đích thân đến, chưa chắc đã làm gì."


Nguỵ Vũ cố sự chép: Đại tự Công Sơn, người nước Bái. Làm Tư không Trưởng sử theo đi chinh phạt có công, được phong tước Liệt hầu.


Nguỵ lược chép: Vương Trung, người ở Phù Phong, lúc trẻ là Đình trưởng(43). Loạn Tam Phụ, Trung đói quá phải ăn thịt người, rồi theo đoàn xe đi về phía Nam hướng tới Vũ Quan. Gặp lúc Lâu Tử Bá ở Kinh Châu phái người đi đón khách ở phương bắc; Trung không muốn đi theo, bèn thống suất những kẻ ngỗ ngược đánh bọn kia, cướp lấy số quân ấy, tụ họp được hơn ngàn người đến hàng Công. Được bái làm Trung lang tướng, theo đi đánh dẹp. Ngũ quan tướng(44) biết Trung từng ăn thịt người, mỗi khi xuất hành lại cho theo hầu cạnh giá, sai Bài thủ(45) xếp chồng đống những đầu lâu của kẻ gian treo dưới cổ ngựa của Trung, lấy đó làm trò cười.


Thái thú Lư Giang là Lưu Huân dẫn quân đến hàng Công, Công phong làm Liệt hầu.


Năm thứ năm mùa xuân rằm tháng riêng, mưu của bọn Đổng Thừa bị tiết lộ, đều bị tru diệt. Công thân dẫn quân đông chinh Bị, chư tướng đều nói: "Kẻ cùng với Công tranh thiên hạ, là Viên Thiệu. Nay Thiệu sắp tới mà ta lại kéo quân về đông, nếu Thiệu thừa hư đánh úp phía sau ta, biết làm sao?" Công nói: "Kẻ như Lưu Bị, là nhân kiệt vậy, nay chẳng đánh đi, hẳn là mối hoạ về sau vậy. Viên Thiệu dẫu có chí lớn, nhưng lộ rõ vẻ trì trệ, hẳn sẽ chẳng động binh vậy." Quách Gia cũng khuyên Công như vậy, Công bèn sang đông đánh Bị, phá được, bắt sống bộ tướng của Bị là Hạ Hầu Bác. Lưu Bị chạy đến chỗ Thiệu, vợ con bị Công bắt được cả. Tướng của Bị là Quan Vũ đóng binh ở Hạ Bi, Công lại tiến công Hạ Bi, Vũ hàng. Xương Hi theo Bị làm phản, Công lại đánh phá được. Rồi Công trở về Quan Độ, rút cục Thiệu chẳng xuất binh.


Sách Nguỵ thị xuân thu của Tôn Thịnh chép: Công nói với chư tướng rằng: "Lưu Bị, là kẻ nhân kiệt vậy, để cho sống sẽ là mối lo lắng cho quả nhân."


Thần Tùng Chi cho rằng lời của sử quan ghi chép, đã tô vẽ thêm nhiều, vì những điều thuật lại lúc trước trái với sự thật vậy, tác giả sau này lại nảy ý cải biến đi, làm mất tính chân thực, chẳng là càng sai lạc đi nữa ư! Kẻ như Tôn Thịnh làm sách, đa phần dùng Tả thị(46) để thay đổi lời văn lúc trước, như thế hết sức sai lầm. Than ôi, học giả đời sau sẽ tin vào đâu đây? Vả lại Nguỵ Vũ đương cố gắng khuyến khích người trong thiên hạ, mà dùng những kẻ nói năng sai nhầm, quả là điều lầm lỗi đến lạ lùng.


Tháng hai, Thiệu phái Quách Đồ-Thuần Vu Quỳnh-Nhan Lương vây đánh Thái thú Đông Quận là Lưu Diên ở Bạch Mã, Thiệu dẫn binh đến Lê Dương, chuẩn bị vượt sông. Mùa hạ tháng tư, Công lên Bắc cứu Diên. Tuân Du khuyên Công rằng: "Nay quân ta ít chẳng thể đối địch, nếu chia bớt được thế lực của họ thì nên làm. Công hãy đến Diên Tân, làm ra vẻ dẫn binh vượt sông đánh vào hậu phương của họ, Thiệu tất quay sang phía tây cứu ứng, rồi sau ta đưa khinh binh tập kích Bạch Mã, đánh úp lúc họ không phòng bị, có thể bắt được Nhan Lương vậy." Công theo kế ấy. Thiệu nghe tin quân bê kia vượt sông, lập tức chia binh kéo sang phía tây đối phó. Công bèn dẫn hết quân đội mau chóng hành quân đến Bạch Mã, chưa đến nơi, còn cách chừng hơn chục dặm, Lương cả kinh, tới đón đánh. Công sai Trương Liêu-Quan Vũ làm tiên phong, đánh tan, chém được Lương. Bạch Mã được giải vây, Công dời hết dân ở đó, dẫn họ men sông đi về phía Tây(47). Thiệu vì thế liền vượt sông đuổi theo quân của Công, đến phía nam Diên Tân. Công kìm binh đóng lại ở phía Nam sườn núi, sai người lên mặt luỹ ngắm xem quân Viên, nói người ấy nói: "Có chừng năm sáu trăm quân kỵ." Lát sau, lại bẩm rằng: "Quân kỵ khá đông, bộ binh thì chẳng thể đếm xuể." Công nói: "Không phải báo lại nữa." Rồi lệnh cho quân kỵ cởi yên thả ngựa. Lúc ấy, xe chở đồ nặng từ Bạch Mã đang trên đường chuyển đến. Chư tướng cho rằng quân kỵ của địch quá nhiều, chẳng bằng quay về bảo vệ doanh trại. Tuân Du nói: "Đấy là để nhử địch, sao lại bỏ đi!" Tướng kỵ binh của Thiệu là Văn Xú và Lưu Bị dẫn năm sáu nghìn quân kỵ trước sau ào tới. Chư tướng lại bẩm: "Hãy lên ngựa thôi." Công nói: "Chưa cần." Lát sau, kỵ binh kéo đến khá đông, chúng tranh nhau chạy tới chỗ các xe truy trọng. Công nói: "Lên ngựa được rồi." Chúng mới cùng lên ngựa. Bấy giờ quân kỵ của Công chẳng đến sáu trăm, xông thẳng vào đám địch mà đánh, phá tan địch, chém chết Xú. Lương-Xú đều là danh tướng của Thiệu, hai phen giao chiến, đều bị giết, quân Thiệu chấn động. Công kéo quân về Quan Độ. Thiệu tiến lên giữ Dương Vũ. Quan Vũ bỏ trốn theo Lưu Bị.


Tháng tám, Thiệu lập ba doanh trại ở phía trước, đắp gò đất làm nơi đóng binh lâu dài, đông tây kéo dài mấy chục dặm. Công cũng chia binh lập quân doanh đối địch, cùng giao chiến gặp bất lợi.


Hán Tấn xuân thu của Vũ Tạc Xỉ(48) chép: Hứa Du khuyên Thiệu rằng: "Công không nên cùng với Tháo giao tranh vội. Hãy kíp chia binh để cầm chân họ, rồi theo lối khác đến nghênh đón Thiên tử, thì việc gây dựng cơ đồ sẽ xong vậy." Thiệu không nghe, nói: "Ta đang muốn tiến quân vây hãm chúng." Du giận.


Bấy giờ quân của Công chẳng đầy một vạn, bị thương đến hai ba phần mười.


Thần Tùng Chi cho rằng Nguỵ Vũ lúc mới khởi binh, đã có năm ngàn quân, từ đấy về sau bách chiến bách thắng, số mất mát chỉ hai ba phần mười mà thôi. Chỉ một lần phá giặc khăn vàng, quân lính thu hàng hơn ba chục vạn, ngoài ra còn thôn tính đất đai, chẳng thể kể hết được; dẫu chinh chiến bị tổn thương, không thể nói ít ỏi như thế được. Sao có thể lập quân doanh chống giữ nhau, bẻ gãy mũi nhọn của địch mà quyết chiến.


Bản kỷ nói rằng: "Quân Thiệu hơn chục vạn, đóng doanh trại đông tây kéo dài mấy chục dặm." Nguỵ Thái Tổ dẫu có tài biến trá khôn lường, mưu lược ở đời chẳng ai hơn được, mà chỉ có mấy nghìn binh, thì kháng cự làm sao đây? Nói về lý lẽ, thiết nghĩ là chẳng đúng. Thiệu đóng quân kéo dài mấy chục dặm, Công có thể chia doanh trại đối địch, thế thì binh kia chẳng thể quá ít được, đó là một. Thiệu nếu có quân đội đông gấp mười lần, về lý nên phải hết sức vây hãm, khiến cho đường xuất nhập bị cắt đứt, vậy mà Công vẫn sai bọn Từ Hoảng công kích các xe chở lương, Công lại thân xuất kích đánh bọn Thuần Vu Quỳnh, giương cao cờ kéo quân trở về, chừng như không có ai ngăn chặn, rõ ràng binh lực của Thiệu chẳng thể cầm giữ được, thế thì binh kia chẳng thể quá ít được, đó là hai. Các sách đều nói rằng Công chôn sống tám vạn quân của Thiệu, hoặc có chỗ nói là bảy vạn. Tám vạn người chạy tản mát, chẳng phải là tám nghìn người có thể trói được, mà đại binh của Thiệu đều chắp tay chịu chết, duyên cớ gì có thể chế ngự được họ? Thế thì binh kia chẳng thể quá ít được, đó là ba. Những điều ghi chép ở chỗ này thấy có chút lạ kỳ, không đúng với sự thật. Xét Chung Do truyện kể rằng: "Công cùng với Thiệu cầm giữ nhau, Do ở khu Tư lệ, đưa hơn hai nghìn con ngựa đến cấp thêm cho quân lính." Bản kỷ cùng với Thế Ngữ đều nói rằng bấy giờ Công có hơn sáu trăm kỵ mã, ngựa của Do mang đến để làm chi?

 

Chú thích:

 (23) Nguyên văn: "kỳ đạo nãi dữ trung Hoàng đại ất đồng". Hoàng đại ất có nghĩa là "Kinh Vàng", tức kinh sách của Khăn Vàng.

(24) Đào Khiêm khi ấy trong vòng ảnh hưởng của Viên Thuật chứ không phải dưới quyền Công-tôn Toản. Đoạn này mập mờ để giải thích thêm sau.

(25) Trước đó trong liên minh đánh Đổng Trác, Viên Thuật tiến quân theo ngả Kinh Châu đánh Lạc Dương từ hướng Nam, đóng quân ở Lỗ Dương và tiến quân theo lối ải Hoàn Viên. Tướng của Viên Thuật là Tôn Kiên đánh thắng quân Đổng Trác tiến vào Lạc Dương, nhưng vì các sứ quân không có chiến lược đồng bộ, phải lui quân về Dương Nhân (phía nam ải Hoàn Viên). Vì lý do nào đấy, Viên Thiệu xúi Châu Ngang bất ngờ cướp trại Tôn Kiên. Liên minh Quan Đông từ đấy tan vỡ. Đổng Trác lại bổ nhiệm Lưu Biểu làm Thứ Sử Kinh Châu thay Vương Tường (vốn bị Tôn Kiên giết). Lưu Biểu đóng ở Tương Dương dần tụ được uy quyền riêng. Viên Thuật sai Tôn Kiên đánh Lưu Biểu, không giờ Kiên bị giết, Viên Thuật cô thế bèn dẫn quân về phía Đông vào Duyện Châu, lại bị Tào Tháo đánh đuổi phải chạy về Dương Châu là thế.

(26) Quê hương họ Tào

(27) Đàm Thành, thủ phủ quận Đông Hải

(28) Câu này đúng hay không đúng, cũng đạt được mục đích là nâng lòng quân sĩ. Lữ Bố quân thế chỉ đủ giữ Bộc Dương, đến nổi thắng trận vẫn không truy đuổi được thì sao làm được những điều Tháo nói.

(29) Lúc này TàoTháo và Viên Thiệu còn là đồng minh, Thiệu lại muốn "liên hòa" với Tháo là sao? Thật ra lúc này Tháo kiệt quệ, Thiệu muốn chiêu hàng, tức muốn kéo Tháo về làm tay chân dưới trướng mình.

(30) Khai Phong bây giờ.

(31) Tạm được dùng cờ tiết, búa tầm sét, có quân hổ bôn bên mình, đây là những nghi thức rất cao quý của triều đình.

(32) Chỗ này nói đến thiên văn, sao Thái Bạch là sao Kim (Hôm, Mai), sao Huỳnh hoặc là sao Hoả, Ngưa-Đẩu là cặp Ngưu Lang-Chức Nữ, bến Thiên Tân là chỗ đầu của chòm sao Thiên Nga, nằm trên dải Ngân Hà. Đây nói đến toàn những điều nghịch theo quan niệm của quan Thái sử xưa, ý nói điềm dữ.

(33) Mệnh trời có lúc đến có lúc đi.

(34) Nguyên văn là 'thiên đạo thâm viễn' tức là đạo trời sâu xa, dịch thoát.

(35) Có lẽ là Tào Tháo phải tâu lên Hiến đế xin phong chức cho Thiệu. Ý tứ là giảm sự tức tối của Thiệu (binh lực mạnh hơn cả) vì việc mình đón Thiên tử, đó là cái đích ngắm của các chư hầu.

(36) Tháo rất cao tay nhương chức của mình cho Thiệu, tự giáng cấp của mình xuống mấy cấp thành Hành Xa kỵ tướng quân (chỉ coi việc của Xa kỵ tướng quân, thấp hơn Thiệu đến mấy bực).

(37) Nguyên văn là 'ngoã giải lưu li' có nghĩa như gạch ngói tan tác.

(38) Bồ loả là cỏ bồ, ốc hến.

(39) Tuyệt ảnh tức là không bóng, nghĩa là ngựa chạy rất nhanh.

(40) Đám binh sỹ chết khi đánh nhau với Trương Tú khi trước.

(41) Tướng ở đất Lỗ.

(42) Tước hầu này không được cấp đất, chỉ có bổng lộc mà thôi.

(43) Đình trưởng tương đương chức Trưởng thôn.

(44) Là một chức quan.

(45) Là quân lính vác cờ, cầm chiêng trống, theo hầu bên xe ngựa.

(46) Tức là Tả Khâu Minh, tác giả sách Tả thị xuân thu nổi tiếng.

(47) Chỗ này cũng tương tự như Lưu Bị dẫn dân ở Tân Dã, Phàn Thành đi tránh quân Tào sau này. Trong số quần hùng thời Tam Quốc chỉ có Tào Tháo và Lưu Bị biết lo nghĩ cho dân. Xem ra lời bàn của Tháo trong bữa rượu Thanh mai cũng không hẳn là lơi vu vơ vậy.

(48) Chỗ này người dịch ngờ rằng nguyên tác chép lầm. Nguyên là chữ Vũ là hai chữ Tập ghép với nhau, mà chữ Vũ này không phải là chữ chỉ họ Vũ, vả lại chỉ thấy tác giả Tập Tạc Xỉ chứ chưa thấy Vũ Tạc Xỉ bao giờ.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét