Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TÀO THÁO TRUYỆN (Phần IV)

 


Quân Tào Ngụy

TÀO THÁO TRUYỆN (Phần IV)        

 

Ba quận xứ Ô Hoàn thừa lúc thiên hạ loạn lạc, đánh phá U châu, cướp được số Hán dân đến hơn vạn hộ. Viên Thiệu cho lập tù trưởng xứ ấy làm Thiền Vu, lại lấy con gái của gia nhân làm con mình, gả cho Thiền Vu làm vợ. Thiền Vu ở Liêu Tây là Đạp Đốn rất cường thịnh, được Thiệu hậu đãi, vì thế anh em Thượng đến quy hàng, mấy lần xâm nhập nơi đất hiểm gây hoạ. Công sắp sửa thân chinh đi tiễu phạt, cho đào một con kênh, từ Hô Đà dẫn nước tới Cô Thuỷ, gọi là kênh Bình Lỗ; lại từ cửa Đê Hà đào một con kênh xuyên Lộ Hà, gọi là kênh Tuyền Châu, để thông ra bể.


Năm thứ mười hai mùa xuân tháng hai, Công từ Thuần Vu về huyện Nghiệp. Năm Đinh Dậu(62), có lệnh rằng: "Ta khởi nghĩa binh dẹp trừ bạo loạn, đến nay là mười chín năm, đánh đâu được đó, há có phải là công lao của mình ta đâu? Mà là công sức của các bậc hiền sĩ đại phu vậy. Nay thiên hạ còn chưa yên định được cả, ta đang muốn cùng các bậc hiền sĩ đại phu chung sức yên định thiên hạ; mà mình ta được hưởng công lao, ta sao có thể yên lòng? Nên gấp rút xét định công của những người ấy để tiến hành phong thưởng." Bởi thế phong thưởng rất lớn cho hơn hai mươi công thần, đều được làm Liệt hầu. Những người khác cũng được theo thứ tự mà thụ phong, đến cả con côi của những người đã chết vì công việc, nặng nhẹ chẳng hề sơ sót.


Nguỵ thư chép lại tờ lệnh của Công rằng: "Xưa Triệu Xa-Đậu Anh(63) làm tướng, được ban thưởng nghìn vàng, một sớm đem chia hết cho người, cho nên có thể lập được đại công, thế gian mãi còn lưu tiếng. Ta đọc truyện ấy, chưa từng không ái mộ những người đó. Nay ta cùng với chư tướng và sĩ đại phu cùng theo việc binh nhung, may được cậy nhờ những bậc hiền nhân chẳng ai tiếc mưu hay, quần sĩ chẳng ai tiếc sức lực, mạo hiểm vào xứ Di bình loạn, mà riêng ta được thưởng công to, hộ ấp ba vạn. Đoái nghĩ đến việc Đậu Anh vì nghĩa chia vàng, nay ta chia số thuế má được thưởng cho chư tướng bộ thuộc cùng các lĩnh thú cũ ở đất Trần-Thái, ấy là để báo đáp sự khó nhọc của mọi người, ta chẳng dám thiện tiện nhận ân huệ lớn. Còn con côi của những người ốm chết vì việc nước, nên lấy thuế má thóc lúa để chu cấp cho họ. Năm nào thịnh vượng sung túc, thuế má đã thu xong, tướng sĩ cùng với chúng nhân đều được hưởng chung."


Công sắp bắc chinh ba quận xứ Ô Hoàn, chư tướng đều nói: "Viên Thượng, chỉ là thằng tù bỏ trốn mà thôi, Di Địch(64) tham lam mà chẳng có tình thân, há có thể để cho Thượng sai khiến? Nay thâm nhập vào chinh phạt ở đất ấy, Lưu Bị ắt hẳn sẽ khuyên Lưu Biểu tập kích Hứa huyện. Vạn nhất có biến, việc chẳng thể hối được." Duy chỉ có Quách Gia liệu rằng Biểu tất chẳng thể tin Bị, khuyên Công bắc chinh. Mùa hạ tháng năm(65), đến Vô Chung. Mùa thu tháng bảy, có mưa lớn, đường ven biển không đi được, Điền Trù xin làm hướng đạo, Công theo lời. Rồi dẫn quân ra ải Lô Long, đường bên ngoài quan ải bị cắt đứt không thông. Công bèn cho đào núi lấp lũng kéo dài hơn năm trăm dặm, xuyên qua Bạch Đàn, vượt Bình Cương, lội qua sông Tiên Ti Đình, nhằm tới phía đông Liễu Thành. Còn cách hai trăm dặm, quân rợ biết được. Thượng-Hi và Đạp Đốn, cùng với bọn Thiền Vu ở Liêu Tây là Lâu Ban, Thiền vu ở Hữu Bắc Bình là Năng Thần Để dẫn mấy vạn quân kỵ đón đánh. Tháng tám, quân của Công lên núi Bạch Lang, cùng với quân rợ gặp nhau, bọn chúng rất đông. Xe chở đồ nặng của Công ở phía sau, áo giáp của quân lính thiếu thốn, tả hữu đều sợ hãi. Công trèo lên cao, trông xa thấy quân rợ hàng trận không tề chỉnh, bèn xua binh xuất kích, sai Trương Liêu làm tiên phong, quân rợ tan vỡ, Đạp Đốn cùng bộ hạ bị chém cả, lại thu hàng được hơn hai mươi vạn người Hán và Hồ. Thiền Vu Liêu Đông là Tốc Bộc Hoàn cùng với các hào mục ở Liêu Tây-Bắc Bình, đều bỏ người đồng tộc, cùng với Thượng-Hi chạy trốn qua Liêu Đông, binh lính của Thượng còn có mấy nghìn quân kỵ.


Trước đây, Thái thú Liêu Đông là Côn Tôn Khang cậy mình ở xa không quy phục. Lúc Công phá Ô Hoàn, có người khuyên Công nên chinh phạt, có thể bắt được anh em Thượng. Công nói: "Ta có cách khiến cho Khang chém đầu Thượng-Hi, chẳng phiền đến binh sĩ vậy." Tháng chín, Công dẫn binh từ Liễu Thành quay về, Khang lập tức chém bọn Thượng-Hi cùng Tốc Bộc Hoàn, đem thủ cấp đến chỗ Công. Chư tướng ngờ vực hỏi: "Công quay về mà Khang chém đầu Thượng-Hi mang tới, sao vậy?" Công nói: "Bên kia vốn sợ bọn Thượng, ta đánh gấp thì họ hợp sức chống, ta thong thả thì họ tàn sát lẫn nhau, ấy là cái thế tự nhiên vậy." Tháng mười một về đến Dịch Thuỷ, Thiền Vu Phổ Phú Lô ở đại quận Ô Hoàn, Thiền Vu Na Lâu ở thượng quận Ô Hoàn dẫn các vương tôn đến chúc mừng.


Tào Man truyện chép: Bấy giờ trời rất lạnh lại hạn hán, suốt hai trăm dặm không có nước uống, quân lính lại thiếu lương, phải giết mấy nghìn con ngựa để làm lương ăn, đào sâu xuống đất hơn ba mươi trượng mới có nước. Công về đến nơi, tìm gọi những người đã can gián mình lúc trước, mọi người chẳng ai biết có việc gì, người người đều sợ hãi. Công đều hậu thưởng cho, nói: "Cô đi lúc trước, thừa nguy để cầu may, dẫu đắc thắng, cũng là trời giúp cho vậy. Lời can gián của các ngươi, ấy là kế vạn toàn, vì thế đáng được khen thưởng, sau này cứ nói chớ có e ngại gì cả."

 

Năm thứ mười ba mùa xuân rằm tháng giêng, Công trở về huyện Nghiệp, cho đào ao Huyền Vũ để luyện tập thuỷ quân. Nhà Hán bãi chức quan Tam Công, đặt ra chức Thừa tướng, Ngự sử Đại phu. Mùa hạ tháng sáu, lấy Công làm Thừa tướng.


Hiến Đế khởi cư chú chép: Sai quan Thái thường là Từ Cầu trao cho ấn thụ. Ngự sử Đại phu không được quản ngôi Trung thừa, để một người giữ chức Trưởng sử.


Tiên hiền hành trạng chép: Cầu tự Mạnh Bình (Mạnh Ngọc), người Quảng Lăng. Tuổi trẻ đã thông đạt đạo lý, gây dựng được khí sắc triều chính. Trải các chức lệnh ở ba quận Nhâm Thành - Nhữ Nam - Đông Hải, ở đâu đều làm phong khí nơi ấy được thay đổi. Cầu bị nhà cầm quyền ở đấy triệu gọi, lúc ấy Viên Thuật cướp phá ở đó. Thuật tiếm xưng, muốn trao cho Cầu ngôi vị Thượng công, Cầu nhất định không chịu khuất. Sau khi Thuật chết, Cầu được ngọc tỉ của Thuật, đem về trả cho triều Hán, được bái làm Vệ uý Thái thường; Công làm Thừa tướng, nhượng ngôi vị ấy cho Cầu.


Mùa thu tháng bảy, Công nam chinh Lưu Biểu. Tháng tám, Biểu chết, con là Tông lên thay, đóng ở Tương Dương, Lưu Bị đóng ở Phàn Thành. Tháng chín, Công đến Tân Dã, Tông bèn ra hàng, Bị chạy ra Hạ Khẩu. Công tiến quân đến Giang Lăng, hạ lệnh tha cho dân chúng và quan lại cấp thấp ở Kinh châu, cho phép hối cải và thay đổi. Rồi luận xét công lao những kẻ ở Kinh Châu theo hàng, phong tước hầu cho mười lăm người, để Đại tướng của Lưu Biểu là Văn Sính làm Thái thú Giang Hạ, sai thống lĩnh binh cũ. Lại dẫn dụ thu dùng được bọn danh sĩ ở Kinh Châu là Hàn Tung-Đặng Nghĩa.


Bài tự ở sách Tứ thể thư thế của Vệ Hằng chép: Người ở Thượng Cốc là Vương Thứ Trọng khéo viết chữ Lệ, là người đặt ra lối viết chữ Khải(66). Đến đời Linh Đế chuộng thư pháp, thế gian có nhiều người khéo viết, nhưng chữ viết của Sư Nghi Quan là đẹp nhất, ông rất kiêu ngạo về khả năng này, sau khi viết chữ, ông đều thiêu hủy bản nháp. Lương Hộc vì tham muốn sở hữu bản nháp nên tìm cách chuốc rượu Nghi Quan, sau khi ông ta say Hộc ăn cắp bản nháp, rồi chăm chỉ bắt chước thư pháp ấy, sau này Hộc làm quan đến Thượng thư bộ Tuyển(67). Lúc đó Công muốn làm Lạc Dương lệnh, Hộc lại phái Công làm Bắc bộ úy. Sau Hộc nương nhờ Lưu Biểu. Khi Kinh châu bình định, Công ra sức tìm kiếm Hộc. Hộc sợ, tự trói mình đến cửa, Công phong làm Quân giá Tư mã, lo việc văn thư, để khuyến khích lối viết chữ giản, lấy công chuộc tội. Công thường treo chữ viết của Hộc trong doanh trướng, hoặc ghim trên tường vách để thưởng ngoạn, Công cho rằng phép viết chữ của Hộc còn cao hơn Nghi Quan. Hộc tự Mạnh Hoàng, người An Định. Những đề tự ở cung điện nhà Nguỵ, đều do Hộc viết ra cả.


Dật sĩ truyện của Hoàng Phủ Mật chép: Người ở Nhữ Nam là Vương Tuấn, tự là Tử Văn, thời trẻ được Phạm Bàng và Hứa Chương(68) biết đến, rất thân với người ở Nam Dương là Sầm Thuật. Công cho là kẻ áo vải, đặc biệt yêu mến Tuấn, Tuấn cũng xưng tụng Công có đủ tài để trị đời. Cho đến khi Viên Thiệu cùng với em là Thuật để tang mẫu thân, đem về an táng ở Nhữ Nam, Tuấn cùng với Công đến dự, hội họp ở đó có ba nghìn người. Công ở bên ngoài ngầm nói nhỏ với Tuấn rằng: "Thiên hạ sắp loạn, kẻ đầu sỏ gây loạn hẳn là hai kẻ này. Muốn cứu giúp thiên hạ, vì trăm họ mà thỉnh mệnh, chẳng tru diệt hai kẻ này trước đi, cái loạn ngày nay sẽ phát tác vậy." Tuấn nói: "Như lời ngươi nói, để cứu vớt thiên hạ, là ngươi chứ còn ai nữa?" Hai người cùng cười. Tuấn là người có vẻ ngoài điềm tĩnh mà trong bụng sáng suốt, chẳng theo mệnh ra làm quan phủ ở châu quận. Công xa cho vời, không chịu đến, lánh đời ở đất Vũ Lăng, hơn một trăm nhà đi theo Tuấn. Đế dời đô về Hứa huyện, lại cho với Tuấn làm Thượng thư, vẫn không chịu đến. Lưu Biểu thấy Thiệu mạnh, ngầm cùng với Thiệu thông đồng, Tuấn bảo Biểu rằng: "Tào công, là kẻ anh hùng trong thiên hạ vậy, tất sẽ gây dựng được bá nghiệp, theo được công nghiệp của Hoàn-Văn(69). Nay ông bỏ chỗ gần tìm chỗ xa, ví như một sớm có việc nguy cấp, mong kẻ ở nơi mạc bắc xa xôi đến cứu, chẳng cũng khó lắm sao!" Biểu không nghe. Năm Tuấn sáu mươi tư tuổi, được chết lành ở Vũ Lăng, Công nghe tin thương cảm lắm. Lúc bình định Kinh Châu, Công thân tới bờ sông viếng tang, đem cải táng ở Giang Lăng, dâng biểu xin cho là bậc tiên hiền.


Ích châu mục Lưu Chương ban đầu vâng mệnh trưng tập lính thú, phái binh cung cấp quân lương. Tháng mười hai, Tôn Quyền giúp Bị vây đánh Hợp Phì. Công từ Giang Lăng đi đánh Bị, đến Ba Khâu, phái Trương Hí đến cứu Hợp Phì. Quyền nghe tin Hí đến, bèn bỏ chạy.


Sách Dị đồng của Tôn Thịnh bình rằng: Xét Ngô chí, Lưu Bị phá quân của Công trước, rồi sau Quyền mới vây đánh Hợp Phì, mà chỗ này chép rằng Quyền đánh Hợp Phì trước, sau mới có việc ở Xích Bích. Hai sách bất đồng, Ngô chí chép đúng.


Công đến Xích Bích, cùng Bị giao chiến, gặp bất lợi. Lúc ấy trong quân có đại dịch, quân sĩ bị chết rất nhiều, Công bèn dẫn quân về. Bị bèn chiếm lấy Kinh Châu(70) và các quận phía nam sông Trường Giang.


Sơn dương công tái ký chép: Chiến thuyền của Công bị thiêu đốt ở đó, Công bèn dẫn quân theo đường Hoa Dung trở về, gặp bùn lầy, đường không đi được, trời lại có gió lớn, Công sai tất cả binh lính gầy yếu phải vác cỏ lấp những chỗ lầy lội, quân kỵ mới đi qua được. Đám quân sĩ gầy yếu bị người ngựa giầy xéo, bị vùi lấp trong bùn lầy, chết rất nhiều. Quân đã qua được, Công rất mừng, chư tướng hỏi việc ấy, Công nói: "Lưu Bị, xứng đáng là đối thủ của ta, chỉ hiềm hành động hơi chậm chạp, nếu y phóng hoả sớm hơn một chút, chúng ta đã chết rồi vậy." Bị cũng có phóng hoả nhưng không kịp.


Năm thứ mười bốn mùa xuân tháng ba, đưa quân đến Tiêu huyện, đóng thuyền nhẹ, thao luyện thuỷ quân. Mùa thu tháng bảy, từ sông Qua tiến vào sông Hoài, ra Phì thuỷ, đóng quân ở Hợp Phì. Hai mươi ba ngày sau, có lệnh rằng: "Gần đây, quân ta mấy lần đi chinh phạt, hoặc gặp dịch bệnh, quân sĩ tử vong chẳng thể trở về, gia thất oán hận xót thương, trăm họ lưu li, bậc nhân giả há vui được hay sao? ấy là bất đắc dĩ vậy. Nay lệnh cho gia thuộc người đã chết những ai không có sản nghiệp chẳng thể tự mưu sinh, quan huyện không được cắt lương, các trưởng lại phải chiếu cố phủ dụ, sao cho tỏ rõ được ý nguyện của ta." Lại đặt các chức trưởng lại ở các quận huyện thuộc Dương Châu, cho trồng hoa thược dược xen lẫn ruộng cấy. Tháng mười hai, quân quay về Tiêu huyện.


Mùa xuân năm thứ mười lăm, hạ lệnh nói: "Từ xưa vua nhận mệnh và nghiệp trung hưng, có vua từng chưa cùng người hiền quân tử trị thiên hạ sao! Lúc có được người hiền, từng không ra khỏi cổng nhà, há không đến gặp nhau sao? Chỉ e người làm vua không tìm họ mà thôi. Nay thiên hạ chưa định, đây là buổi phải nhanh tìm người hiền. 'Mạnh Công Xước giúp họ Triệu, họ Ngụy thì tỏ tài năng, không làm Đại phu của nước Đằng, nước Tiết'. Nếu xét chọn kẻ sĩ nhưng dùng sau, vậy thì Tề Hoàn Công lấy gì mà xưng Bá ở đời! Nay thiên hạ không có kẻ mặc áo thô mà mang ngọc và người ngồi câu cá ở bến sông Vị sao? Lại không có kẻ hiếp chị dâu nhận vàng và chưa gặp Vô Tri sao? Các ông hãy giúp ta xét tìm những người trong bọn thấp hèn, nếu có tài thì chọn, ta có được thì tất dùng họ". Mùa đông, làm đài Đồng Tước.


Ngụy Vũ cố sự chép lệnh ngày kỉ hợi tháng mười hai của Công rằng: "Ta lúc đầu cử hiếu liêm, thủa trẻ tự thấy mình không phải là kẻ sĩ nổi danh nơi hang núi, sợ bị người trong nước thấy cái ngu hèn của mình, muốn làm một chức Quận thú, ưa sửa nắn giáo hóa để lập tiếng tốt, khiến cho người đời biết rõ ta; cho nên ngày trước ở tại nước Tế Nam, bắt đầu trừ tàn diệt xấu, tuyển chọn công bằng, trái ý các quan Thường thị. Cho nên bị bọn cường hào giận, ta sợ gây họa cho người nhà, do đó xưng bệnh về quê. Sau khi bỏ quan, tuổi vẫn đang trẻ, ngoảnh xem trong bọn cùng làm quan thì có kẻ tuổi đã năm mươi, còn chưa cho là già. Do vậy tự xét tính, từ khi đó trở về trước đã hai mươi năm, đợi thiên hạ yên, mới cùng bọn cùng làm quan so sánh mà thôi. Cho nên bỏ về quê nhà, ở phía đông huyện Tiêu năm mươi dặm đắp ngôi nhà nhỏ, muốn mùa xuân mùa hạ thì đọc sách, mùa đông mùa xuân thì săn bắn, tìm địa vị ở dưới đáy, muốn lấy nước bùn tự che thân, dứt ý qua lại với tân khách, nhưng không được như ý. Sau bị gọi làm Đô úy, chuyển làm Điển quân hiệu úy, muốn vì nhà nước mà đánh giặc lập công, mong được phong Hầu làm Chinh tây tướng quân, rồi đó đề chữ trên bia mộ là: 'Mộ của Chinh tây tướng quân của nhà Hán là Tào Hầu'. Đấy là chí của ta vậy. Nhưng lại gặp nạn Đổng Trác, bèn dấy nghĩa binh. Bấy giờ tụ quân được nhiều, nhưng thường tự giảm bớt, không muốn có nhiều; vì sao như thế? Là vì quân nhiều thì ý nhiều, nếu tranh với địch mạnh thì chỉ chuốc lấy mầm họa, cho nên đánh mấy nghìn trận ở sông Biện, sau đó về đến Dương Châu tuyển quân, cũng không quá ba nghìn người, đấy là chí ta có hạn vậy. Sau lĩnh chức ở Duyện Châu, phá hàng hơn ba mươi vạn quân Khăn vàng. Lại gặp lúc Viên Thuật tiếm hiệu ở quận Cửu Giang, kẻ dưới đều xưng thần, đặt tên cửa là cửa Kiến Hiệu, áo mặc đều là loại của thiên tử, hai người vợ cùng tranh làm Hoàng hậu. Mưu chí đã định, có người khuyên Thuật lên ngôi Đế, bố cáo thiên hạ, đáp nói: 'Tào Công vẫn còn, không nên'. Sau ta đánh bắt được bốn tướng của Thuật, bắt được nhiều người của Thuật, bèn khiến cho Thuật thua chạy tan vỡ, phát bệnh mà chết. Kịp lúc Viên Thiệu chiếm miền Hà Bắc, thế quân mạnh mẽ, ta tự biết sức, thực không địch nổi, nhưng nghĩ rằng nhảy vào chỗ chết là vì nước, vì nghĩa mà diệt thân, cũng đủ truyền danh tiếng cho người sau. May mà phá được Thiệu, treo đầu hai con của hắn. Lại nữa Lưu Biểu tự cho là họ hàng của nhà vua, mang giữ lòng gian, chợt tiến chợt lùi để xem sử biến, chiếm được bản châu, ta lại định được, cuối cùng bình thiên hạ. Thân làm Tể tướng, thế là tôn quý tột cùng của tôi thần rồi, còn mong gì hơn. Nay ta nói lời này, như là tự đại, nhưng muốn nói hết, không gì né tránh. Nếu nhà nước không có ta, thì không biết sẽ có mấy người xưng Đế, mấy người xưng Vương? Có kẻ thấy ta thế mạnh, tính vốn không tin vào mệnh trời, ta sợ họ bàn riêng với nhau cho rằng ta có chí không khiêm tốn, mưu kế xằng bậy, ta thường đau đáu. Tề Hoàn, Tấn Văn lưu tiếng tốt đến nay là vì thế quân của họ rộng lớn mà vẫn tôn thờ nhà Chu vậy. Luận ngữ chép 'Thiên hạ chia ba phần thì nhà Chu có đến hai phần trong đó, vậy mà còn thờ nhà Ân, thế thì đức của nhà Chu có thể nói là lớn lắm'. Đấy là có thể lấy nước lớn mà thờ nước nhỏ vậy. Xưa kia Nhạc Nghị chạy đến nước Triệu, vua Triệu muốn cùng Nhạc Nghị đánh nước Yên, Nhạc Nghị cúi xuống mà khóc, đáp rằng: 'Thần thờ Chiêu Vương, cũng thờ Đại vương; nếu thần có lỗi, xin đày đến nước khác, đến chết là cùng, vẫn không nỡ hại lây đến dân chúng của nước Triệu, huống chi người nối tự của nước Yên'! Vào lúc Hồ Hợi giết Mông Điềm, Điềm nói: 'Từ thời tổ tiên ta cho đến đời con cháu, được ba đời vua Tần tin cậy; nay thần lĩnh hơn ba mươi vạn quân, sức này đủ để làm phản, nhưng tự biết rằng chết mà giữ nghĩa, không dám làm nhục cái đạo của tổ tiên mà quên ân của Tiên vương vậy'. Ta hễ đọc sách về hai người này, chưa từng không thương cảm rơi lệ vậy. Từ ông nội ta cho đến ta, đều tự thân nhận chức trọng, có thể nói là được tin cậy vậy, cho đến con ta là anh em bọn Thực, Hoàn là hơn ba đời rồi. Ta không chỉ đối với với các ông mà nói thế, mà còn nói với vợ con, đều sai phải nhớ kĩ lời này. Ta bảo họ rằng: 'Đợi sau khi ta muôn tuổi, các ngươi đều được xuất giá, mong hãy theo ý ta, khiến cho người khác đều biết'. Lời này của ta đều là từ gan ruột. Ta dốc lời thành thật từ gan ruột là vì thấy Chu Công có sách Đằng kim để tự bày tỏ tấm lòng, cũng lo người khác không biết được nguyên nhân. Nhưng muốn ta giảm bớt quân sĩ và quyền bính mà ta nắm giữ, trả lại tước Vũ Bình Hầu quốc, thực là không được vậy. Vì sao? Là vì nếu ta bỏ binh quyền thì sẽ bị người khác gây họa. Ta chỉ vì nghĩ kế cho con cháu, lại nữa nếu ta thua thì nhà nước cũng sẽ nghiêng đổ, cho nên không được cầu cái danh hão mà chuốc phải họa lớn. Đấy là điều không nên làm vậy. Ngày trước triều đình phong tước Hầu cho ba người con của ta, ta cố nhường không nhận, nay lại muốn nhận lấy, không phải là muốn được vinh hiển, chỉ là muốn để làm phên dậu giúp đỡ ở bên ngoài, định kế vẹn toàn vậy. Ta nghe nói Giới Thôi đẩy tránh tước phong của nước Tấn, Thân Tư trốn né ban thưởng của nước Sở, chưa từng không vứt sách mà than, lấy đó tự răn mình vậy. Nhận lệnh của nhà nước, cầm lưỡi rìu đi đánh dẹp, lấy yếu để thắng mạnh, dùng nhỏ mà bắt lớn; mưu mà ta nghĩ làm chẳng sai lầm, điều mà ta mưu, việc gì chẳng thành? Rút cuộc dẹp bằng thiên hạ, không làm nhục thân mình, có thể nói là trời giúp nhà Hán, không phải là sức của người vậy. Nhưng được phong cả bốn huyện, thực ấp vạn hộ, có đức gì mà được nhận! Nhưng bốn cõi chưa yên, không thể nhường chức; còn như đất phong thì có thể nhường. Nay dâng trả hai vạn hộ ở ba huyện Dương Hạ, Chá, Khổ, chỉ ăn lộc vạn hộ ở huyện Vũ Bình, tạm mong chia xẻ lời chê giễu, giảm bớt lời trách oán ta vậy".


Tháng giêng mùa xuân năm thứ mười sáu, 


Ngụy thư chép: Ngày canh thìn, thiên tử hạ lệnh giảm năm nghìn hộ, chia một vạn năm nghìn hộ của ba huyện mà Công nhường để phong cho ba người con, phong Thực làm Bình Nguyên Hầu, Cứ làm Phạm Dương Hầu, Báo làm Nghiêu Dương Hầu, đều có thực ấp năm nghìn hộ.


Thiên tử bái Thế tử của Công là Phi làm Ngũ quan trung lang tướng, đặt quan thuộc, làm Thừa tướng phó. Người quận Thái Nguyên là bọn Cao Diệu đem huyện Đại Lăng làm phản, sai Hạ Hầu Uyên, Từ Hoảng vây phá chúng. Trương Lỗ chiếm Hán Trung; tháng ba, sai Chung Do đánh hắn. Công sai bọn Uyên ra quận Hà Đông hội quân với Do.


Bấy giờ các tướng ở miền Quan Trung ngờ Do muốn tự đánh úp, Mã Siêu bèn cùng bọn Hàn Toại, Dương Thu, Lí Kham, Thành Nghi làm phản. Sai Tào Nhân đánh chúng, bọn Siêu đóng quân ở Đồng Quan, Công lệnh các tướng rằng: "Quân sĩ miền Quan Tây cứng mạnh, phải giữ chắc lũy, chớ đánh với chúng". Tháng bảy mùa thu, Công đánh phương tây, 


Ngụy thư chép: Người bàn phần nhiều nói: "Quân miền Quan Tây mạnh, tập mâu dài, nếu không chọn kĩ quân tiên phong thì không thể địch nổi". Công bảo các tướng rằng: "Đánh là tại ta, không phải tại giặc. Giặc dẫu tập mâu dài, ta sắp làm cho chúng không đâm được, các ông chỉ đứng xem mà thôi".



Trận Đồng Quan

đối cửa quan với bọn Siêu mà đóng quân. Công gấp chống giữ, lại ngầm sai bọn Từ Hoảng, Chu Linh buổi đêm vượt bến Bồ Bản, chiếm phía tây sông mà lập trại. Công từ phía bắc Đồng Quan vượt sông, chưa qua, Siêu cưỡi thuyền đánh gấp. Hiệu úy Đinh Phỉ nhân đó thả trâu ngựa để dụ giặc, giặc đến lấy trâu ngựa, Công bèn vượt được, 


Tào Man truyện chép: Công sắp qua sông, tiền quân vượt trước, bọn Siêu chợt đến, Công vẫn ngồi ở ghế Hồ không đứng dậy. Bọn Trương Cáp thấy việc gấp, cùng dẫn Công vào thuyền, nước sông chảy xiết, lúc vượt, bị trôi bốn năm, dặm, quân kị của bọn Siêu đuổi bắn, tên bay như mưa. Các tướng thấy quân vỡ, không biết Công chỗ nào, đều sợ hãi, đến lúc gặp mới vui mừng, có kẻ rơi lệ. Công cười to nói: "Hôm nay suýt bị giặc nhỏ gây khốn"!


men sông để mở đường về phía nam. Giặc rút về giữa ở cửa sông Vị, Công bèn đặt nhiều nghi binh, lẻn lấy thuyền chở quân vào sông Vị, làm cầu nổi, buổi đêm chia quân làm trại ở phía bờ nam sông Vị. Giặc buổi đêm đến đánh trại, bèn ém quân đánh phá chúng. Bọn Siêu đóng quân ở phía nam sông Vị, sai sứ giả làm tin cắt đất từ sông bờ đến phía tây để xin hòa, Công không theo. Tháng chín, đem quân vượt sông Vị.


Tào Man truyện chép: Bấy giờ quân Công hễ vượt sông Vị thì liền bị quân kị của Siêu đến đánh, không lập được trại, đất lại nhiều cát, không đắp được lũy. Lâu Tử Bá khuyên Công rằng: "Nay trời lạnh, có thể lấy cát đắp thành, dẫn nước rót vào, có thể một đêm thì xong". Công theo lời, bèn làm nhiều túi lụa để chứa nước, buổi đêm đem quân vượt sông đắp thành, thành vững, do đó quân của Công đều vượt sông Vị hết. Có người ngờ rằng bấy giờ đang tháng chín, nước chưa đóng băng.


Thần là Tùng Chi xét Ngụy thư chép: Công vào tháng chín đến Đồng Quan, tháng nhuận thì lên phía bắc vượt sông, thì lúc đó là tháng sáu nhuận vậy, đến đây có thể có rét đậm chăng!


Bọn Siêu nhiều lần dụ đánh, lại không ứng; cố xin cắt đất, xin đem con đến làm tin, Công dùng kế của Gỉả Hủ, vờ ưng theo. Hàn Toại xin cùng gặp nhau với Công. Công cử hiếu liêm cùng năm với Toại, lại cùng bằng tuổi với Toại, do đó ngồi ngựa nói chuyện, không màng đến việc quân. Chỉ nói về việc cũ ở kinh đô, vỗ tay vui cười. Đã xong, bọn Siêu hỏi Toại rằng: "Tào Công nói gì"? Toại nói: "Không có nói nói gì ". Bọn Siêu nghi Toại.


Ngụy thư chép: Hôm sau Công lại gặp nói chuyện với bọn Toại, các tướng nói: "Công nói chuyện với giặc, không nên coi thường, nên lấy gỗ làm ngựa để phòng bị". Công cho là phải, tướng giặc gặp Công, đều lên ngựa mà bái, người Tần, người Hồ xem, trước sau chen chúc, Công cười bảo giặc rằng: "Các ngươi muốn xem Tào Công chăng? Cũng giống người vậy, không có bốn mắt hai miệng, chỉ có nhiều mưu trí thôi"! Người Hồ trước sau đến xem. Lại bày hơn năm nghìn quân kị giáp sắt làm mười nhóm liền nhau, khí thế hăng hái, giặc thêm sợ hãi.


Hôm khác, Công gửi thư cho Toại, nhiều chỗ xóa bỏ, nhìn như Toại sửa lại; bọn Siêu thêm nghi Toại. Công bèn hẹn ngày hội đánh, trước đem quân nhỏ dụ chúng, đánh hồi lâu, rồi tung quân kị mạnh kẹp đánh, đại phá chúng, chém bọn Thành Nghi, Lí Kham; bọn Toại, Siêu chạy đến Lương Châu; Dương Thu trốn đến quận An Định; miền Quan Trung bình. Các tướng hỏi Công rằng: “Lúc đầu giặc giữ Đồng Quan, đường phía bắc sông Vị để trống, sao không từ Hà Đông đánh quận Phùng Dực mà lại giữ Đồng Quan, sao phải dài ngày vượt lên phía bắc, sao vậy"? Công nói: "Giặc giữ Đồng Quan, nếu ta vào vùng phía đông sông, giặc tất đến giữ các bến sông, vậy thì phía tây sông không vượt được; ta đem nhiều quân đến Đồng Quan, giặc tất đem quân về phía nam, như thế vùng phía tây sông để trống, cho nên hai tướng mới chiếm được phía tây sông; sau đó dẫn quân vượt sông lên phía bắc, giặc không tranh được phía tây sông với ta, là vì có quân của hai tướng ở đấy vậy. Bày xe liên tiếp làm rào, mở đường xuống phía nam, Thần là Tùng Chi xét: Năm thứ hai thời Cao Tổ, đánh với quân Sở ở vùng Huỳnh Dương, Kinh Sách, đắp đường lối nối liền sông để đến lấy thóc ở Ngao Thương. Ứng Thiệu nói: "Sợ địch cướp xe đồ, cho nên đắp bờ tường thấy như ngõ phố". Nay Ngụy Vũ Đế không đắp bờ tường, nhưng bày xe liên tiếp làm rào để ngăn hai bên.


đã tỏ thế không thắng được, lại tỏ vẻ yếu kém. Vượt sông Vị làm lũy chắc, giặc đến đánh cũng không ra, do đó làm cho quân giặc kiêu căng; cho nên giặc không lập lũy trại mà xin cắt đất. Ta thuận mà hứa theo. Theo ý của chúng, khiến chúng yên lòng mà không phòng bị, nhân đó nuôi sức quân sĩ, một sớm đánh chúng, đấy gọi là sấm đánh không kịp bịt tai, dùng binh biến hóa, không chỉ một đường vậy". Lúc đầu, giặc thường đem một cánh quân đến, Công liền có vẻ mừng. Sau khi giặc phá, các tướng hỏi nguyên nhân. Công đáp rằng: "Quan Trung xa xôi, nếu giặc đều giữ chỗ hiểm, nếu đánh chúng thì không phải một hai năm thì không không định được. Nay đều tụ đến, quân chúng tuy đông, nhưng chẳng theo phục nhau, quân không có chủ lớn, vậy nên một trận là diệt được, lập công nhận thưởng, do đó ta mừng".


Tháng mười mùa đông, đem quân từ Tràng An lên phía bắc đánh Dương Thu, vây quận An Định. Thu hàng, phong lại chức tước, sai vỗ về dân chúng.


Ngụy lược chép: Dương Thu vào giữa năm Hoàng Sơ chuyển làm Thảo khấu tướng quân, vị Đặc tiến, phong Lâm Kinh Hầu, được trọn đời.


Tháng mười hai, từ An Định về, để Hạ Hầu Uyên đóng quân ở Tràng An.


Tháng giêng mùa xuân năm thứ mười bảy, Công về đất Nghiệp. Thiên tử lệnh Công bái không xưng tên, vào chầu không phải đi nhanh, đeo kiếm lên điện, như Tiêu Hà ngày trước. Quân còn lại của Mã Siêu là bọn Lương Hưng đóng quân ở huyện Lam Điềm, sai Hạ Hầu Uyên đánh dẹp chúng. Cắt các huyện Thang Âm, Triều Ca, Lâm Lự của quận Hà Nội, các huyện Vệ Quốc, Đốn Khâu, Đông Vũ Dương, Phát Can của Đông Quận, các huyện Anh Đào, Khúc Chu, Nam Hoa của quận Cự Lộc, huyện Nhâm Thành của quận Quảng Bình, huyện Tương Quốc, Hàm Đan, Dịch Dương của đất Triệu nhập vào quận Ngụy.


Tháng mười mùa đông, Công đánh Tôn Quyền.


Tháng giêng mùa xuân năm thứ mười tám, đem quân đến Nhu Tu, đánh phá trại phía tây sông của Quyền, bắt được Đô đốc Công Tôn Dương của Quyền, rồi dẫn quân về. Hạ chiếu gộp nhập mười bốn châu, lập lại thành chín châu. Tháng tư mùa hạ, đến đất Nghiệp.


Ngày bính thân tháng năm, thiên tử sai Ngự sử đại phu Si Lự cầm cờ tiết phong Công làm Ngụy ông,


Tục Hán thư chép: Lự tự Hồng Dự, người huyện Cao Bình quận Sơn Dương. Lúc nhỏ được Trịnh Huyền dạy bảo. Đầu năm Kiến An làm Thị trung.


Giang Biểu truyện của Ngu Phổ viết: Hiến Đế từng gặp riêng Lự và Thiếu phủ Khổng Dung, hỏi Dung rằng: "Hồng Dự có tài gì"? Dung nói: "Nên bảo chính đạo, không nên trao quyền". Lự cầm hốt nói: "Dung ngày xưa trông coi quận Bắc Hải, chính sự tan nát, dân chúng vỡ lở, quyền của Dung chỗ nào"! Rồi cùng Dung ganh đau hơn kém, dẫn đến không hòa. Công gửi thư hòa giải họ. Lự từ chức Quang lộc đại phu chuyển làm Đại phu.


Chiếu nói: "Trẫm vì không có đức, lúc nhỏ gặp tai họa, chạy qua phương tây, dời đến miền Đường, Vệ. Vào lúc bấy giờ, rối như tơ vò vậy, 


Công Dương truyện chép: "Ông rối như tua cờ" Hà Hưu nói: "Tua cờ giống tơ vò. Nói sánh với tua cờ, nói là bị kẻ dưới bắt đi đông đi tây".


ít tế tông miếu, xã tắc không có chủ, bọn ác nhòm ngó, chia cắt Hoa Hạ, dân trong cả nước, trẫm không trị được, liền muốn theo mệnh Cao Tổ mà muốn vùi xuống đất, trẫm sớm dậy tối ngủ, tim gan đau xót, nói: 'Tổ ơi, cha ơi, các bậc tiên chính ơi,


Lệnh của Văn Hầu chép: "Cũng là tiên chính".


Trịnh Huyền nói: "Tiên chính cũng là bầy tôi thời trước. Nói về công khanh, Đại phu vậy". 


người nào giúp được thân trẫm'? Bèn mặc cho trời, gửi gắm Thừa tướng giữ gìn xã tắc ta, cứu giúp lúc gian khó, trẫm thật nhờ vào ông. Nay sắp trao điển lễ cho ông, ông nên kính nghe lệnh của trẫm. Xưa kia Đổng Trác vừa gây nạn nước, chư hầu bỏ vị để mưu giúp nhà vua, 


Tả thị truyện chép: "Chư hầu bỏ vị để giúp vua".


Phục Kiền nói: "Nói là chư hầu bỏ vị riêng của mình để giúp Nhà vua".


ông lại đến giúp, bắt đầu dấy binh, đấy là lòng trung của ông đối với triều đình. Sau giặc Khăn vàng thay đổi lẽ trời, lấn ba châu của ta, gây loạn đến dân đen, ông lại cắt trừ chúng để dẹp yên miền đông của Hoa Hạ, đấy lại là công của ông. Hàn Tiêm, Dương Phụng chuyên quyền ra oai, ông lại đến đánh, dẹp bỏ nạn ấy, rồi dời đô đến đất Hứa, đặt quan cúng tế, không trái phép cũ, trời đất quỷ thần do đó cũng giữ lẽ phải, đấy cũng là công của ông. Viên Thuật tiếm nghịch, phóng túng ở miền Hoài Nam, sợ hãi uy của ông, ông bày mưu hay, trong trận Kì Dương, treo đầu Kiều Nhuy, oai trùm nam bắc, Thuật vì thế tan vỡ, đấy cũng là công của ông. Lại trở giáo đánh phương đông, Lữ Bố bị giết, quay xe đánh lại, Trương Dương gục chết, Khuê Cố chịu tội, Trương Tú cúi phục, đấy cũng là công của ông. Viên Thiệu làm loạn lẽ trời, mưu đổi xã tắc, cậy quân của mình, oai lừng cả nước, vào lúc bấy giờ, quân vua nhỏ yếu, thiên hạ run sợ, chẳng ai vững chí, ông lại cầm cờ tiết, sáng trùm Mặt trời, hăng hái lĩnh quân, dùng kế thần vũ, đến cùng bến Quan Độ, giết hết bọn xấu, 


Kinh Thi chép: "Đến chỗ cùng trời, đến đồng Mục Dã". 


Trịnh Huyền nói: "Giới là chỗ cùng".


Hồng phạm viết: "Cổn bị giết chết". 


nhà nước tránh khỏi nguy khốn, đấy cũng là công của ông. Đem quân vượt sông, dẹp yên bốn châu, Viên Đàm, Cao Cán đều phải treo đầu, giặc biển trốn chạy, giặc Hắc Sơn theo lệnh, đó cũng là công của ông. Người Ô Hoàn ở ba quân, gây loạn suốt hai đời, Viên Thượng dựa theo chúng, chiếm giữ cõi bắc, ông lại buộc ngựa kéo xe, một trận là diệt, đấy cũng là công của ông. Lưu Biểu phản nghịch, không nạp cống vật, đem quân đi đánh, uy phong lấn lướt, tám quận ở đất Bách Việt trói tay quỳ gối, đấy cũng là công của ông. Mã Siêu, Thành Nghi đều cùng giúp nhau, chiếm lấy vùng Hà, Đồng, buông thả tự ý, ông lại tiễu trừ chúng ở phía nam sông Vị, dâng vạn cái tai, bèn định vùng biên, vỗ về người Nhung, Địch, đấy cũng là công của ông. Người Tiên Ti, Đinh Linh rong ruổi mà đến, người Tiên Vu, Bạch Ốc xin quan nhận chức, đấy cũng là công của ông. Ông có công định thiên hạ, thêm có đức sáng, tuôn ra khắp nước, làm đẹp phong tục, chăm dạy lễ giáo, cẩn thận xét ngục, quan lại không dám làm càn, dân không mang lòng ác; tôn thờ nhhà vua, nối lại nước đã dứt, đức cũ công trước, không công không thưởng; dẫu Y Doãn lay động trời cao, Chu Công sáng khắp bốn cõi, cũng không được như thế. Trẫm nghe nói bậc vua thời trước đều nêu đức sáng, lấy đất phong để đền đáp, trao dân để phân phong, yêu thích phép cũ, sắm đủ vật lễ là để làm phên dậu của nhà vua, cứu giúp thời loạn. Vào thời Chu Thành Vương, Quản, Sái không yên, đánh kẻ gây nạn, thưởng người lập công, mới sai Thiệu Khang Công ban lộc cho Tề Thái Công, phía đông đến bờ biển, phía tây đến sông Hà, phía nam đến Mục Lăng, phía bắc đến đất Vô Lệ, bọn Ngũ hầu, Cửu bá, đều được đánh họ, ở đời nắm ngôi Thái sư, để trông coi miền đông; rồi đến thời Tương Vương, người nước Sở không theo cống chức, lại lệnh Tấn Văn Công lên làm Hầu bá, ban cho hai cỗ xe to, áo hổ, rìu búa, rượu nếp, cung tên, dấy lên ở miền Nam Dương, cả đời làm minh chủ. Nhà Chu ngày trước không vỡ lở, thực là nhờ vào hai vị ấy. Nay đức của ông sáng rõ, cúi mình thờ trẫm, vâng theo mệnh trời, dương mở uy liệt, nới rộng chín cõi, chẳng ai không phục,


 Bàn Canh nói: "Vỗ về dân chúng".


Trịnh Huyền nói: "Tuy, ư vậy, vỗ về dân chúng".


Quân Thích nói: "Đến tại bờ biển nơi Mặt trời mọc, chẳng ai không phục".


Suất là theo. Tỉ là sai khiến. Nơi xa bốn cõi, nơi mà Mặt trời chiếu đến, không ai không theo phép tắc và sai được


 công cao hơn cả Y, Chu, mà thưởng ít hơn Tề, Tấn, trẫm rất hổ thẹn. Trẫm là kẻ yếu kém, chịu nhận ngôi đứng đầu muôn dân, làm việc khó này như lội vực sâu, nếu ông không giúp, trẫm không làm được. Nay đem các quận Hà Đông, Hà Nội, Ngụy Quận, Triệu Quốc, Trung Sơn, Thường Sơn, Cự Lộc, An Bình, Cam Lăng, Bình Nguyên của Kí Châu phong ông làm Ngụy Công. Ban cho ông đất đen, tặng ông cờ trắng, đốt bói mai rùa, đắp dựng xã tắc. Xưa vào thời nhà Chu, Tất Công, Mao Công vào làm Ngự tá, Chu, Thiệu làm Sư bảo, ra làm Mục bá, coi việc trong ngoài, ông thực xứng như vậy, vẫn bái làm Thừa tướng lĩnh chức Kí Châu Mục như cũ. Lại ban thêm cho ông lễ 'cửu tích', ông hãy kính nghe lệnh trẫm. Dùng ông sắp đặt phép tắc, dạy dân noi theo, sai yên chức nghiệp, không ai đổi chí. Ban cho ông cỗ xe lớn, một cỗ xe binh, hai con ngựa đực đen. Ông khuyến khích chức phận, nhà nông gắng cày, 


Bàn Canh nói: "Bỏ nghề nông để yên, không gắng làm việc".


Trịnh Huyền nói: "Hôn là gắng".


thóc vải chất đầy, nghiệp lớn trỗi dậy, do đó ban ông áo miện cổn, giày đỏ. Ông chất phác khiêm nhường, dân đen làm theo, lớn nhỏ có lễ, trên dưới hòa thuận, cho nên ban ông khúc nhạc 'hiên huyền', điệu múa 'lục dật'. Ông sửa nắn phong tục, truyền khắp bốn cõi, phương xa ngưỡng phục, Hoa Hạ sung túc, do đó ban ông ở nhà đỏ. Ông xét nghĩ sâu xa, biết Đế gặp nạn, trao chức cho người tài, dùng người hiền, đều cử bọn tốt, cho nên ban ông được lên thềm 'nạp bệ'. Ông nắm quyền bính, chính lệnh đúng đắn, tội dù nhỏ nhất, chẳng gì không chặn. Cho nên ban ông ba trăm quân hổ bôn. Ông kính theo lẽ trời, nêu rõ hình pháp, 


Lời "kiểu kiền thiên hình" xuất từ Quốc ngữ, 


Vi Chiêu chú nói: "Kiểu là tế vậy, kiền là kính vậy, hình là pháp vậy".


kẻ phạm pháp trái luật, chẳng ai không bị trừng phạt, cho nên ban ông một cái búa rìu. Ông như rồng bay hổ cuộn, nhìn rõ tám hướng, đánh dẹp phản nghịch, vỗ về bốn cõi, cho nên ban ông một cây cung đỏ, trăm mũi tên đỏ, mười cây cung đen, trăm mũi tên đen. Ông lấy sự cung kính làm tính, lòng hiếu kính làm đức, nghiêm minh thành thật, làm trẫm cảm động, cho nên ban ông một hũ rượu nếp, cùng muôi ngọc khuê. Nước Ngụy được đặt trăm quan công khanh dưới quan Thừa tướng, đều như chế độ chư hầu Vương thời đầu nhà Hán. Mong thay, kính theo lệnh trẫm! Chăm lo dân của ngươi, nêu lập công lao, giữ trọn đức sáng của ngươi để nêu rõ mệnh lệnh của Cao Tổ ta"!


Lời viết trên này là của Thượng thư hữu thừa Phan Úc nhà Hậu Hán. Úc tự Nguyên Mậu, người huyện Trung Mâu quận Trần Lưu.


Ngụy thư chép lệnh của Công rằng: "Việc nhận cửu tích, dựng lập xã tắc, Chu Công là người như thế. Tám vị Vương khác họ của nhà Hán là người áo vải cùng nổi dậy với Cao Tổ, lập nên nghiệp vương, công của họ rất lớn, ta sao sánh được"?


Trước sau nhường ba lần, do đó bọn Trung quân sư Lục Thụ Đình Hầu là Tuân Du, Tiền quân sư Đông Vũ Đình Hầu là Chung Do, Tả quân sư Lương Mậu, Hữu quân sư Mao Giới, Bình lỗ tướng quân Hoa Hương Hầu là Lưu Huân, Kiến vũ tướng quân Thanh Uyển Hầu là Lưu Nhược, Phục ba tướng quân Cao An Hầu là Hạ Hầu Đôn, Dương vũ tướng quân Đô đình hầu là Vương Trung, Phấn uy tướng quân Đông Hương Hầu là Lưu Triển, Kiến trung tướng quân Xương Hương Hầu là Tiên Vu Phụ, Phấn vũ tướng quân An Quốc Đình Hầu là Trình Dục, Thái trung đại phu Đô Hương Hầu là Giả Hủ, Quân sư tế tửu Thiên Thu Đình Hầu là Đổng Chiêu, Đô đình hầu Tiết Hồng, Nam Hương Đình Hầu là Đổng Mông, Quan nội hầu Vương Xán, Phó Tốn, Tế tửu Vương Tuyển, Viên Hoán, Vương Lang, Trương Thừa, Nhâm Phan, Đỗ Tập, Trung hộ quân Quốc Minh Đình Hầu là Tào Hồng, Trung lĩnh quân Vạn Tuế Đình Hầu là Hàn Hạo, Kiêu kị tướng quân An Bình Hầu là Tào Nhân, Lĩnh hộ quân tướng quân Vương Đồ, Trưởng sử Vạn Tiềm, Tạ Hoán, Viên Lộ tấu khuyên rằng: "Ngày xưa từ thời Tam đại, lấy đất phong cho bầy tôi, chịu mệnh trung hưng, ban thưởng cho phụ tá, đều khen công tụng đức, làm phiên dậu cho nhà nước. Vừa rồi thiên hạ vỡ lở, bọn anh hào nổi dậy, làm việc bạo ngược sa đọa. Minh công dấn thân nhận lệnh để trừ nạn, giết hai họ Viên tiếm nghịch, diệt bọn giặc Khăn vàng làm loạn, giết sạch kẻ đứng đầu, gột rửa nhơ bẩn, dãi dầu sương tuyết hơn hai mươi năm, từ khi có sách vở đến nay, chưa có ai lập công như thế. Xưa kia Chu Công nối nghiệp của Văn Vương, Vũ Vương, do đó tạo nên nghiệp lớn, gối đầu nắm bút, trông coi chư hầu, trừ hại Thương, Yểm, không quá hai năm, Lữ Vọng nhân hình thế chiếm hai phần ba, dựa vào sức của tám trăm chư hầu, cầm cờ mao tiết việt, một lúc lướt rạp, sau đó lập dựng xã tắc, thu đất lập nước. Tám con của Chu Công đều làm Hầu, Bá, dùng trâu trắng lông đỏ mà cúng tế trời đất, sắp đặt điển chương, đắp dựng cung phủ, vẻ vang lừng lẫy như thế. Rồi đến nhà Hán nổi lên, bầy tôi giúp sức, Trương Nhĩ, Ngô Nhuế, công của họ rất nhỏ nhưng cũng được mở đất xây thành, ngoảnh mặt phía nam xưng Vương. Đấy đều là vua sáng chúa giỏi ở trên, tôi hiền tể thánh giúp ở dưới, do đó có chính lệnh của Tam đại, phép điển của nhà Hán. Nay sánh công thì Chu, Lữ nép bỏ, kể công thì Trương, Ngô ẩn náu, bàn phép tắc thì trọng hơn Tề, Lỗ, nói về đất thì nhiều hơn Trường Sa; vậy thì tước phong của nước Ngụy phải được cái vẻ vang của lễ cửu tích, huống chi còn có tặng thưởng ngày trước, vẫn được đeo ngọc mà mặc áo thô vậy. Vả lại các bọn Hầu, tướng được nhờ đế vương, cũng được thưởng công, đeo dây thao tím mặc áo màu vàng, có đến hàng trăm, cũng do đó mà truyền cho vạn đời, mà chỉ có minh công từ chối ngồi ngôi cao, sẽ khiến cho kẻ dưới không tự yên lòng, trên trái lòng vui của nhà vua, dưới làm mất lòng mong mỏi của kẻ đội mũ đai, bỏ quên nghiệp lớn của người phụ tá, đấy là việc nhỏ của kẻ tầm thường, là cái mà bọn Tuân Du rất sợ hãi". Do đó Công hạ lệnh ra ngoài, nhưng chỉ nhận đất Ngụy Quận. Bọn Tuân Du lại nói: "Xét thấy vừa phong nước Ngụy, triều đình sinh lo, nên hỏi kế trăm quan, rồi mới hạ lệnh. Mà minh công trái ý của nhà vua lâu ngày như vậy là không phải là có lễ lớn. Nay đã kính nhận chiếu lệnh, theo lòng mong mỏi của dân chúng, lại muốn từ chối nhiều lần, nhường chín nhận một, là như tước thưởng của nhà Hán không được ban phong, là điều mà bọn Du xin không được nghe theo vậy. Xưa Tề, Lỗ được phong, thu lấy miền đông, đất đai thu thuế có đến bốn trăm vạn nhà, nền to móng rộng, để lấy đó mà lập công, cho nên lập công giúp đỡ, dựng công phụ tá. Nay nước Ngụy dẫu có tiếng là mười quận, nhưng ít hơn thành Khúc Phụ, tính về số hộ, không bằng một nửa, để làm phiên dậu cho nhà vua, dựng cắm rào che, như vậy vẫn chưa đủ vậy. Vả lại nhà vua xét nhà Tần mất vì cái họa không có người giúp đỡ, trách cái nạn nhiễu loạn của ngày trước, chọn dùng trung hiền, đắp sửa nền móng, mong minh công kính theo lệnh vua, chớ do dự làm trái". Công mới nhận lệnh.


Ngụy lược chép thư tạ của Công rằng: "Thần chịu ơn dày của Tiên đế, làm đến chức Lang, bản tính lười biếng nhưng mong vẹn toàn, không dám mong ngồi ngôi cao, coi vẻ vang là thứ yếu. Gặp lúc Đổng Trác làm loạn, lẽ ra nên liều chết vì nạn nước, cho nên dám nhận lệnh dẫn thân, đi đầu lĩnh quân sĩ, bèn nắm được dịp may nghìn năm mới có, được sắp đặt quan thuộc. Vào thời hai họ Viên sôi sục xâm hại, bệ hạ và thần cùng lo lắng, ngưỡng về kinh sư, đánh chống giặc mạnh, thường sợ vua tôi sa vào miệng hổ, thực là không tự nghĩ là giữ được đầu cổ. Cậy vào anh linh của tổ tiên, bọn xấu bị diệt trừ, khiến cho kẻ bầy tôi hèn mọn được vang dang nơi ấy. Bệ hạ ban thêm ân sủng, trao chức Thừa tướng, phong tước cấp lộc, nhiều lớn trọng hậu. Ước muốn lúc bình sinh thực là không dám mong thế. Miệng nói với lòng rằng được yêu thích là tự mình đợi bị phạt tội, chỉ muốn giữ tước Liệt hầu, truyền cho con cháu mà thôi, như thế tự gửi gắm cho đời, mãi không phải lo lắng. Không ngờ bệ hạ dãi bày ý tốt, phong đất ban hưởng cho kẻ bầy tôi hèn kém này, đất sánh với Tề, Lỗ, lễ ngang hàng phiên vương, nếu không phải tôi thần có công thì không được nhận lấy. Thần tấu lên bệ hạ, không chịu nghe theo, mà bệ hạ lại gấp hạ chiếu đến, thực là khiến cho thần cúi xuống ngẩng lên đều bị bức ép. Thần cúi tự xét mình đã nắm vị đại thần, mà làm ngôi Vương nữa thì thần không nên nhận, há dám tự ý? Ý của kẻ ngu này là từ chối, xin được giữ chức lúc đầu. Nay phải nhận đất đai, sắp đặt làm phên dậu, thần không dám trái lệnh, truyền cho đời sau; cha con thần cùng thề trọn đời, đem thân tan mạng hết để đền đáp ơn dày. Oai trời trước mặt, sợ hãi nhận chiếu".

 

 

CHÚ THÍCH

 (63) Triệu Xa là danh tướng nước Triệu thời Chiến Quốc, Đậu Anh là tướng giỏi thời Tây Hán, được vua ban thưởng cho của cải, đem chia hết cho quân sĩ, vì thế quân sĩ phấn khởi tin phục, sau ra sức đánh giặc lập nổi công to.

(64) Người Trung Quốc xưa ở vùng Hoa Hạ, gọi các dân tộc thiểu số ở bốn phía xung quanh là Bắc Địch, Tây Nhung, Đông Di, Nam Man.

(65) Nguyên văn câu này là "Hạ ngũ dụng'. Xem ra chữ 'dụng' ở đây chả có nghĩa gì, có lẽ nguyên bản chép sai, vì chữ dụng với chữ 'nguyệt' chỉ khác nhau có một nét bút. Vậy nên dịch theo câu văn là 'Mùa hạ tháng năm'.

(66) Lệ và Khải là hai lối viết chữ Hán. Vương Thứ Trọng là người đặt ra lối chữ Khải, chân phương, rõ ràng vuông vắn, là sự kết hợp của chữ Lệ và chữ Thảo.

(67) Bộ Tuyển là tiền thân của bộ Lại sau này, Bộ này chủ quản việc bổ nhiệm, bãi miễn, thăng giáng các quan lại trong toàn quốc.

(68) Phạm Bàng và Hứa Chương là những danh sĩ nổi danh cuối thời Linh Đế.

(69) Hoàn Văn tức là Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công, đều làm bá các nước chư hầu đời Xuân Thu.

(70) Chỗ này nói Kinh Châu có lẽ là trị sở của Châu Kinh chứ không phải toàn bộ đất đai châu này.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét