Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

MƠ XANH UỐNG RƯỢU

 


Minh họa tích 
Tào Tháo và Lưu Bị uống rượu luận anh hùng

PHẦN HAI: TÔN LƯU LIÊN MINH

Tập thứ mười ba: MƠ XANH UỐNG RƯỢU

 

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Trong số nhân vật anh hùng thời Tam Quốc, Lưu Bị luôn là một câu đố. Câu đố đó giống như tự (tên cúng cơm) của Lưu Bị, huyền bí lại càng huyền bí. Lưu Bị xuất hiện với hai bàn tay trắng, vô danh tiểu tốt, ăn đậu ở nhờ, luôn phải bôn ba khắp nơi. Nhưng đâu đâu cũng tôn trọng khoản đãi Lưu Bị, thậm chí Tào Tháo còn cho rằng chỉ có mình và Lưu Bị là anh hùng thực sự. Vậy, đúng là Tào Tháo đã nói câu này? Vì sao Tào Tháo lại nói vậy? Lưu Bị là anh hùng thực chăng? Vì sao Lưu Bị lại là anh hùng?

 

 

Ở tập trước chúng ta đã nói, để Lưu Bị ra đi là sai lầm lớn nhất trong đời Tào Tháo, vì Tào Tháo đã thấy rõ Lưu Bị là anh hùng thực sự. Thậm chí Tào Tháo còn nói: “Nay anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này!”. Câu nói trên được ghi trong sử sách. Tam quốc chí, Tiên chủ truyện nói, “Lúc Tiên chủ chưa ra, Hiến đế cữu (nhạc phụ) Xa Kỵ tướng quân Đổng Thừa nhận mật chiếu trong đai áo của đế, hòng giết Tào công. Lúc Tiên chủ chưa phát, là lúc Tào công ung dung nói với Tiên chủ: “Nay anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này! Lũ Bản Sơ không đáng nói”. Tiên chủ vừa ăn đã để rơi thìa. Toại đã cùng Thừa và Tràng Thuỷ hiệu uý Chủng Tập, tướng quân Ngô Tử Lan, Vương Tử Phục đồng mưu chưa có việc đi đánh Viên Thuật. Sự việc bại lộ, “bọn Thừa đều bị giết”. Đó là nguyên văn. Sau “Tiên chủ vừa ăn đã để rơi thìa”, trong lời chú dẫn Hoa Dương quốc chí, Bùi Tùng Chi bổ sung: “Đúng lúc đó đã có tiếng sấm, nhân đấy Bị nói với Tháo, thánh nhân nói: sấm rền gió giật tất có biến, đều là như thế. Tiếng sấm to nên mới xảy ra như vậy!” Câu chuyện “mơ xanh uống rượu, bàn về anh hùng” có ghi trong Tam quốc diễn nghĩa, là căn cứ theo đó mà cải biên.

 

 

Bình tâm mà xét, câu chuyện ghi trong Tam quốc diễn nghĩa về góc độ văn học rất tinh tế, về góc độ lịch sử cũng coi là chân thực, vì tình tiết, nhân vật trong chuyện đều có xuất xứ và lai lịch. Như chuyện “chiếu trong đai áo” có ghi trong Tam quốc chí trong Hậu Hán thư; việc Lưu Bị trồng rau được nói rõ ràng trong lời chú dẫn “Ngô lịch” Hồ Xung của Bùi Tùng Chi, còn nói rõ cả loại rau trồng (rau cải trắng); câu chuyện “nhìn mơ hết khát” thấy trong Thế thuyết tân ngữ. Giả quyệt câu thành ngữ cũng lấy trong đó. Còn về lời bình các nhân vật thời đó của Tào Tháo cũng có thể nói là chân thực. Chỉ có một chỗ là không đáng tin và một điểm là sai lầm.

 

 

Trần Nhĩ Đông đã phát hiện ra điểm sai lầm này. Tam quốc diễn nghĩa nói, Tào Tháo hỏi hiện nay ai là anh hùng, người đầu tiên Lưu Bị nói đến là Viên Thuật. Tào Tháo cười nói: “Mớ xương khô dưới mồ, sớm muộn gì ta cũng bắt được.” Kỳ thực “mớ xương khô dưới mồ” không phải lời của Tào Tháo, là lời của Khổng Dung. Khổng Dung không nói Viên Thuật, mà nói về đời trước của Viên Thuật. Theo Tam quốc chí, Tiên chủ truyện, vào niên hiệu Hưng Bình năm đầu (năm 194) thời Hán Hiến đế. Từ châu mục Đào Khiêm lâm bệnh qua đời, Trần Đăng và nhiều người khác muốn Lưu Bị lên thay. Lưu Bị không dám mạo muội làm chuyện đó nói, Viên Thuật ở gần ngay đây; là Tứ thê ngũ công, được người trong nước hâm mộ, sao các vị không trao Từ châu cho Viên Thuật? Bấy giờ thấy Bắc Hải tướng Khổng Dung lên tiếng. Khổng Dung nói, “Viên Công Lộ đâu phải là người thương nước quên nhà? Nắm xương khô dưới mồ, không cần phải để ý!” Ý muốn nói, không phải lo, Viên thị "Tứ thế ngũ công” sớm đã xuống mồ rồi, sợ gì nữa! Lúc này Lưu Bị mới chịu thay làm Từ châu mục. Tam quốc diễn nghĩa ghép câu chiết cành đã nói Viên Thuật là “nắm xương khô dưới mồ” là không chính xác. Nếu Viên Thuật đã là “nắm xương khô dưới mồ” thì còn gì phải nói “sớm muộn gì ta cũng bắt được”.

 

 

Điểm sai lầm nữa là Lưu Bị và Đổng Thừa đã “lập một danh sách. Theo Tam quốc diễn nghĩa, Đổng Thừa nhận mật chiếu của Hiến đế, liên hợp với Lưu Bị và mấy người khác để phản Tào, liên minh, thề thốt ký tên. Cuối cùng Tào Tháo đã tìm ra “chiếu trong đai áo” và bản danh sách ký tên, gọi là “tờ nghĩa trạng” đều là “chứng cứ như sơn”. Vì vậy cha con Mao Tôn Cương cho rằng, Đổng Thừa thất bại vì để lộ điều cơ mật. Mao phê nói: “vua không kín thì mất thần, thần không kín thì mất thân, việc muốn kín thì vì sao phải uống máu ăn thề? Muốn không lộ thì vì sao phải lập danh sách?” Đúng! Vì sao phải làm như vậy? Theo tôi, người thiếu suy nghĩ e không phải là Đổng Thừa mà là La Quán Trung. Và chắc gì La Quán Trung đã thiếu suy nghĩ, nhưng viết tiếu thuyết là phải thế.

 

 

Cũng chính Trần Nhĩ Đông đã chỉ ra điều này. Nhàn thoại tam phân của ngài Trần nói, nếu việc Lưu Bị, Đổng Thừa “lập danh sách” và vì “chiếu trong đai áo” là cớ để Tào Tháo đánh Lưu Bị thì sau khi đã bắt được vợ con Lưu Bị và Quan Vũ, lý do gì khiến Tào Tháo phải khách khí để Quan Vũ đưa cháu và chị dâu ra đi? Vì vậy Trần thấy rất khó nói, liệu có phải Đổng Thừa và con gái đã nguy tạo “chiếu trong đai áo” không? Tam quốc sử thoại của Lã Tư Miễn lại nói, “Đổng Thừa vốn là tàn dư của Ngưu Phụ, đâu phải là người trung trinh vì đất nước?” “Sao lại phó thác việc loại trừ Tào Tháo cho Đổng Thừa? E nói vậy là sai lầm chăng?”

 

 

Điều thứ hai không đáng tin cũng rất khó nói, bởi vì tính chân thực của sự việc thật đáng ngờ. Theo cách nói của Tam quốc chí, lúc Đổng Thừa nhận mật chiếu của Hiến đế nhằm mưu sát Tào Tháo, Lưu Bị không hề tham gia (Tiên chủ chưa phát). Vừa khéo, lúc này Tào Tháo lại nói “Nay anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này”. Sau này Lưu Bị đã tham gia (cùng Thừa và Tràng Thuỷ hiệu uý Chủng Tập, tướng quân Ngô Tử Lan, Vương Tử Phục đồng mưu). Lại vừa khéo. Lưu Bị được Tào Tháo phái đông chinh Viên Thuật (hội kiến sử), như vậy là không bị cuốn vào vụ này (chưa phát). Bao nhiêu sự “vừa khéo” như vậy chẳng đáng nghi sao?

 

 

Có thể ngay cả La Quán Trung cũng cảm thấy khó giải thích nên mới có chuyện điểu chỉnh quan hệ nhân quả của sự việc. Theo cách nói của Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị tham dự kế của Đổng Thừa, ký tên cam kết, nhưng Lưu Bị cho rằng việc phải bảo mật nghiêm ngặt và không thể hoàn thành nhanh chóng (làm từ từ và không thể tiết lộ). Bản thân Lưu Bị “lo trồng rau ở hậu viện, tự mình tưới bón, đấy là kế giấu mình”, Không ngờ Tào Tháo lại mời Lưu Bị uống rượu luận anh hùng, rồi bỗng dưng thốt ra một câu làm Lưu Bị sợ đến rơi cả đũa. Đúng lúc đang cần có người đem quân đi ngăn Viên Thuật, Lưu Bị nghĩ: “Không nhân lúc này tìm cớ thoát thân còn chờ đến bao giờ?”, liền chủ động xin đi bắt Thuật, tìm cớ đi luôn. Lưu Bị giải thích với Quan Vũ và Trương Phi: “Ta như chim trong lồng, cá mắc lưới, lần này thì như cá ra biển, chim lên trời xanh, hết bị ràng buộc bởi lồng và lưới”.

 

 


Minh họa trong 
Tam quốc diễn nghĩa, cảnh Tào Tháo giết Đổng Quý nhân.

Như vậy là có vẻ hợp, nhưng nhân phẩm của Lưu Bị lại thay đổi thật đáng ngờ. Chẳng phải ngài đã cùng Đổng Thừa chích máu lập hội, cùng nhau ký tên, cùng nhau thề bồi, sẽ tiêu diệt giặc Tào bảo vệ hoàng thượng sao? Cớ chi vừa nhìn thấy dây đã tưởng là rắn, lo chuồn cho yên thân? Cuối cùng vì sự an nguy của hoàng đế là quan trọng hay tính mạng của ngài quan trọng? Chẳng phải ngài là đại anh hùng cứu vãn thiên hạ sao? Ngài phải ra sức liều thân xông lên phía trước mới phải! Ít ra cũng nên có mặt tại kinh thành, xem xem có còn cơ hội nữa không, cớ chi chỉ nghĩ đến mình trốn chạy, không hề biết hoàng đế, bọn Đổng Thừa đang trong đất chết?

 

 

Có thể Trần Thọ - người ngấm ngầm ủng hộ Lưu Bị, đã nghĩ tới vấn đề này, vì vậy đã có mấy chữ: “Hội kiến sứ”. Hội tức là vừa may. Vừa may, Tào Tháo cử Lưu Bị đông chinh Viên Thuật, Lưu Bị đành phải rời khỏi kinh thành. Nghĩa là, Lưu Bị ra đi không phải vì tham sống sợ chết, cũng không phải bội tín bỏ nghĩa, mà đâu có làm chủ được mình.

 

 

Vấn đề mấu chốt ở đây, việc đông chinh Viên Thuật là do Tào Tháo phái cử, hay Lưu Bị chủ động xin đi? E là Lưu Bị chủ động xin đi bắt giặc, và Tào Tháo phê chuẩn, chứng cứ có trong Tam quốc chí. Đổng Chiêu truyện và Tam quốc chí. Trình Dục truyện. Theo hai truyện đỏ, sau khi Tào Tháo phái cử Lưu Bị đi Từ châu đánh Viên Thuật, Đổng Chiêu can nói, “Bị dũng, chí lớn, Quan Vũ, Trương Phi là vây cánh, lòng Bị thế nào thực chưa rõ”. Tào Tháo trả lời “Ta đã bằng lòng rồi”. Trình Dục lại cùng Quách Gia đi tìm Tào Tháo, hai người nói “Trước đây chúa công không giết, Dục chưa biết tính thế nào. Nay lại mượn quân, e có ý khác”. Tào Tháo nói “Muộn rồi, giờ có đuổi cũng không kịp”. Rõ ràng là Lưu Bị đã chủ động yêu cầu được đến Từ châu đánh Viên Thuật còn mượn quân của Tào Tháo. Lúc đầu Tào Tháo không mấy để ý đến chuyện đó. Nghe ý kiến của Đổng Chiêu, Tào Tháo còn nói “Ta đã bằng lòng, không tiện thay đổi” (Hai tiếng “bằng lòng” chứng minh Lưu Bị chủ động xin đi bắt giặc). Cho tới khi cả Trình Dục và Quách Gia đều nối, mượn binh là có ý khác, Tào Tháo lúc này mới tỉnh ngộ, nhưng có truy đuổi cũng chẳng kịp. Quả nhiên sau khi đến Từ châu, Lưu Bị giết Xa Trụ người trấn giữ Từ châu và công khai phản lại Tào Tháo. Trong cuộc mua bán này Tào Tháo đã lỗ vốn to.

 

 

Từ đây có thể rút ra kết luận: Lưu Bị chủ động ra đi, nguyên nhân cơ bản của việc này vì Lưu Bị là anh hùng. Là anh hùng thì nhất định không cam chịu cảnh ăn đậu ở nhờ, sớm muộn gì cũng phải có căn cứ riêng. Nhưng câu nói của Tào Tháo mới là nguyên nhân trực tiếp. Tào Tháo đã phá vỡ thiên cơ, bóc trần tâm tư của Lưu Bị. Vì vậy không đi không được, một đi không trở lại.

 

 

Nhưng có một vấn đề nảy sinh ra ở đây, vì sao Tào Tháo lại phạm phải sai lầm? Chẳng phải Tào Tháo đã thấy rõ anh hùng trong thiên hạ chỉ có hai người là Tháo và Lưu Bị hoặc ít ra cũng phải để Lưu Bị ở bên mình, sao lại có thể thả hổ về rừng, còn cho mượn quân, như để hổ thêm vuốt? Với sự thông minh của mình hoặc nói là gian trá, sao Tào Tháo lại có thể làm những việc hồ đồ như vậy? Thấy rõ tính chân thực của sự việc thật đáng ngờ. Đáng ngờ ở chỗ, nếu như Tào Tháo không nói câu đó, nếu như Lưu Bị không phải là anh hùng.

 

 

Vậy, chân tướng sự việc là gì?

 

 

Theo tôi, thứ nhất, Lưu Bị là anh hùng. Thứ hai, Tào Tháo đã nói câu đó.

 

 

Xin nói điểm thứ nhất trước: Lưu Bị là anh hùng. Nói Lưu Bị là anh hùng, sợ có nhiều người không hiểu. Dưới con mắt nhiều người, Lưu Bị có phần chậm chạp vô năng. Bản lĩnh của Lưu Bị, một là thích chạy, hai là hay khóc. Tam quốc diễn nghĩa cho chúng ta ấn tượng như vậy. Đó chẳng qua là sự hiểu nhầm. Trước hết, Lưu Bị không chỉ biết chạy, biết khóc mà còn biết nhiều cái khác. Thứ nữa, vào thời đó, biết chạy biết khóc cũng chẳng là gì, cũng không thể chứng minh người đó là vô năng, không phải là anh hùng. Lưu Bị biết chạy, Tào Tháo không biết chạy? Kỷ lục chạy của Tào Tháo cũng không tồi. Lưu Bị biết khóc Tào Tháo không biết khóc? Câu chuyện Tào Tháo khóc ầm lên sử sách có chép lại cũng không hết. Vì sao không có ai nói Tào Tháo là vô năng? Rõ ràng không thể nhìn vấn đề một cách đơn giản như vậy. Chạy, phải xem xem vì sao mà chạy. Đánh thắng thì đánh, đánh không thắng thì chạy, chạy như vậy là đúng. Khóc, cũng phải xem xem vì sao mà khóc. Vì tình bạn mà khóc, khóc như vậy có gì sai. Lưu Bị chạy và khóc phần lớn là trong tình trạng đó.

 

 

Đương nhiên, so với Tào Tháo, Lưu Bị chạy nhiều hơn một chút, khóc cũng nhiều hơn một chút vì Lưu Bị nhỏ và yếu hơn. Lúc Lưu Bị xuất hiện, ngoài Quan Vũ và Trương Phi - hai anh em trung thành hết mực chẳng có một thứ gì, một chút tiếng tăm cũng chẳng có. Lưu Bị không có quân đội riêng, nếu có cũng chẳng đáng là bao. Buổi đầu Lưu Bị ra quân phải nhờ vào sự tài trợ của thương nhân. Có hai nhà buôn lớn của Trung Sơn Trung Quốc (nay là huyện Định, Hà Bắc) là Trương Thế Bình và Tô Song “tài trợ tiền vàng” giúp Lưu Bị chiêu binh mãi mã. Nhưng Lưu Bị tham gia chiến tranh với lũ Khăn Vàng, cuối cùng cũng chỉ được chức quan “An Hỷ uý”. An Hỷ uý là huyện uý huyện An Hỷ (nay là thị trấn Định Châu, Hà Bắc) là cục trưởng cục công an cấp phó ở huyện, người ngựa chẳng có bao nhiêu. Vì vậy, Lưu Bị thường xuyên phải mượn quân của người khác. Hai viên đại tướng Quan Vũ và Trương Phi của Lưu Bị coi như tư lệnh không có quân, chỉ có thể thể hiện cái mạnh của kẻ thất phu.

 

 

Lưu Bị cũng không có địa bàn, khó khăn lắm mới có được vài nơi, nhưng chẳng bao lâu lại bị mất, cuối cùng đành phải chạy đông chạy tây ăn đậu ở nhờ, nhờ vả hết người này đến người khác, năm lần đổi chủ, bốn lần thất lạc vợ, con. Kể từ đầu đến trận chiến Xích Bích, Lưu Bị cả nửa đời người lưu lạc khắp nơi. Tam quốc diễn nghĩa kể rằng, một lần sau lúc uống rượu, Lưu Bị xót xa buồn bã nói: “Nếu Bị có căn cứ, thì còn lo gì về mấy kẻ khác”. Lời nói tuy là diễn nghĩa, nhưng cũng có lí, có thể coi đó là lời nói từ đáy lòng của Lưu Bị.

 

 

Lưu Bị chưa có những chiến công to lớn. Những trận như: “Chén rượu nóng chém Hoa Hùng”, “Ba người đánh Lã Bố”, đều được La Quán Trung đánh giúp. Thực tế, thì trước trận chiến Xích Bích, Lưu Bị luôn luôn thua trận phải tháo chạy, kỷ lục “Tiên chủ bại trận” kể ra vô số. Lời chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí, Tiên chủ truyện nói, lúc Tào Tháo đến đánh Lưu Bị, Lưu Bị bất ngờ vì tưởng Tào Tháo đang đánh nhau với Viên Thiệu, đó là vào năm Kiến An thứ V (năm 200). Chờ khi tận mắt thấy cờ của Tào Tháo, Lưu Bị sợ quá cắm cổ chạy, mặc cho bộ hạ ở  phía sau sống chết ra sao không rõ (nhìn thấy cờ chạy luôn, bỏ lại tất cả), như vậy đâu phải là anh hùng? Đương nhiên, cũng có mấy lần Lưu Bị đã thắng trận, sử sách có ghi “Lập công mây lần”, nhưng đó là mấy trận đánh nhỏ. Sự thực, trong lúc chư hầu hỗn chiến, Lưu Bị chưa tiêu diệt được một quân phiệt nào, chiến công của Lưu Bị chẳng đáng gì.

 

 

Người như vậy, đương nhiên tiếng tăm không nhiều. Viên Thuật từng xem thường nói: “Xưa nay chưa từng nghe thiên hạ có người là Lưu Bị”. Đó là lời Viên Thuật nói với Lã Bố, theo lời chú dẫn Anh hùng kí và “Hậu Hán thư. Lã Bố truyện” của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Lã Bố truyện, vẫn còn một sự kiện nữa có thể nói rõ vấn đề. Theo Hậu Hán thư. Khổng Dung truyện, lúc Khổng Dung giữ chức Bắc Hải tướng, bị giặc Khăn Vàng đến vây, cực chẳng đã phải phái Thái Sử Từ đến cầu cứu Lưu Bị lúc đó là Bình Nguyên tướng. Lưu Bị kinh ngạc nói: “Khổng Bắc Hải còn biết thiên hạ có Lưu Bị sao?” rồi lập tức phái ba ngàn viện binh. Trong Tam quốc chí. Thái Sử Từ truyện có ghi, “Bị nghiêm mặt đáp: Khổng Bắc Hải còn biết thế gian này có Lưu Bị?” Tam quốc diễn nghĩa cũng nói vậy. Nhưng theo ý tôi, mấy chữ “kinh ngạc nói” trong Hậu Hán thư chính xác hơn mấy chữ “nghiêm mặt đáp” trong Tam quốc chí, vì đằng sau chữ “kinh ngạc” là “vui mừng”, tức là “ngạc nhiên vui mừng”. Điều đó nói lên cái gì? Rõ ràng lúc đó Lưu Bị chưa có tiếng và đang mong có tiếng.

 

 

Một người trắng tay luôn phải cầu cạnh người khác như họ Lưu, nhưng đến đâu cũng được hoan nghênh và khoản đãi. Bị Lã Bố đánh bại, họ Lưu chạy đến với Tào Tháo được Tháo cho làm Dự châu mục, là Tả tướng quân “Đi cùng xe, ngồi cùng giường”. Lúc bị Tào Tháo đánh bại, họ Lưu chạy sang với Viên Thiệu, Viên Thiệu ra khỏi thành vài trăm dặm nghênh đón, hai cha con “hết mực tôn kính”. Viên Thiệu và Tào Tháo là những người ghê gớm nhất thời đó mà còn vậy, huống chi những người khác! Chỉ một mình Viên Thuật chẳng coi Lưu Bị ra gì.

 

 

Vì sao Lưu Bị lại được đãi ngộ như vậy?

 

 

Lời giải thích chỉ có một, tức là Viên Thiệu, Tào Tháo và mấy người như Đào Khiêm đều coi Lưu Bị là anh hùng.

 

 

Vậy, đúng Lưu Bị là anh hùng? Đúng. Trước hết, Lưu Bị có chí của người anh hùng. “Tam quốc chí. Trần Đăng truyện” nói, lúc Lưu Bị còn ở Kinh châu đã có buổi bàn về anh hùng trong thiên hạ và có nhắc tới Trần Đăng. Một người là Hứa Dĩ nói, Trần Nguyên Long (Tự của Trần Đăng là Trần Nguyên Long) vẻ oai phong nhưng lại bất chấp lễ nghĩa. Bỉ nhân đến Hạ Phì gặp Nguyên Long, cả buổi Nguyên Long chẳng nói câu nào với bỉ nhân, sau đó lên ngủ ở giường to để bỉ nhân ngủ ở giường nhỏ. Lưu Bị nói, túc hạ có tiếng là quốc sĩ, nhưng tiếc là chưa có thực. Trong lúc thiên hạ đại loạn, đế vương phiêu bạt, mọi người đều mong túc hạ “Thương nước quên nhà, tìm mưu cứu thế”. Còn túc hạ thì sao? “mua nhà tậu ruộng, lời không thể nhận”, đó chính là điều Nguyên Long thấy khinh bỉ, vì sao Nguyên Long lại phải nói chuyện với túc hạ? Gặp được Nguyên Long còn là may. Nếu gặp phải kẻ tiểu nhân như tôi, tôi sẽ lên ngủ ở lầu cao hàng trăm thước và túc hạ phải nằm đất, nói chi tới giường to, giường nhỏ. Câu nói có xuất xứ ở bài từ của Tân Khí Tật “chỉ biết mua nhà tậu ruộng, e phải xấu hổ khi đối diện với chàng Lưu tài ba”.

 

 

Từ ví dụ trên, chúng ta có thể thấy, Lưu Bị không chỉ có chí anh hùng mà còn có khí anh hùng. Đọc Tam quốc chí nhiều lần, ta nhận thấy Lưu Bị là vô năng, biết nhẫn nhịn, nhưng thực ra không phải thế. Kỳ thực, Lưu Bị là người sống rất tình cảm, cũng có lúc đã nổi giận đập bàn đập ghế. Như chuyện “Đốc Bưu”, Lưu Bị đánh Đốc Bưu, không phải Trương Phi. Có điều, vì thế lực nhỏ, hoàn cảnh kém, thường phải nhờ vả người khác. Nên Lưu Bị không được như Tào Tháo “Cười cợt giang hồ”. Còn có thể vì tính cách, vì nhu cầu của đấu tranh, Lưu Bị trầm mặc ít nói (ít lời nói), không để lộ tình cảm (vui buồn không lộ ra), không để lộ bản sắc anh hùng như nói năng hùng hồn, mặt mày tươi vui, không được thoải mái như Tào Tháo. Nhưng như vậy không có nghĩa là Lưu Bi không phải là anh hùng. Đằng sau sự nhẫn nhục chịu đựng, trầm mặc ít nói, Lưu Bị luôn có khí của người anh hùng, khí đó vẫn không lộ ra ngoài mặt mà ẩn vào trong xương cốt.

 

 

Lưu Bị có khí của anh hùng, vì Lưu Bị có hồn của anh hùng. Cái “hồn” đó biếu hiện ở chỗ Lưu Bị biết kiên nhẫn chịu đựng. Phần trước đã nói, Lưu Bị ra quân không thuận lợi, có thể nói nếu người không vô năng thì việc vô năng, gần như không ngày nào được thoái mái. Nhưng chúng ta chưa hề thấy Lưu Bị tỏ vẻ chán nản thối chi. Chỉ thấy Lưu Bị mấy lần đánh mấy lần thua. Trước hết Lưu Bị tham gia trận đánh với quân Khăn Vàng, khi đó là An Hỷ uý cục trưởng công an cấp huyện phó, kết quả là thua một trận tơi bời tự mình đánh mình. Sau này trong trận đánh với quân Khăn Vàng vì “Lập công” và khó khăn lắm mới được chức Cao Đường lệnh cấp huyện trưởng (Trong thời gian này, một lần mất chức), rồi lại bị quân Khăn Vàng đánh bại, đành phải chạy sang với Công Tôn Toản. Vừa khéo Đào Khiêm lâm bệnh và qua đời. Lưu Bị được nhờ trông coi Từ châu, nhung rồi lại bị Lã Bố đánh đuổi, Lưu Bị đành chạy đến chỗ Tào Tháo. Sau đó còn phải nhờ vả Viên Thiệu và Lưu Biểu, có thể nói trước trận Xích Bích, Lưu Bị luôn phải ăn đậu ở nhờ, hết người này đến người khác, địch ta bạn thù lẫn lộn. Nếu là người khác nhất là người tự nhận mình là anh hùng, e đã hết đường chịu đựng, thậm chí có lúc còn phải dựa vào Lã Bố. Lời chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tung Chi trong Tam quốc chí - Tiên chủ truyện nói, bấy giờ bộ hạ của Lã Bố đã nhìn ra Lưu Bị không phải là đèn cạn dầu nên đã nói với Lã Bố, Lưu Bị “Phản phúc khó dung, nên lo sớm đi”. Nhưng tiếc thay Lã Bố không nghe, kết quả về sau đã chết trong tay Lưu Bị. Nhưng với lập trường khác, mấy chữ “Phản phúc khó dung” đã nói rõ Lưu Bị có chí của người anh hùng và cái hồn của người anh hùng, nên mới không cam chịu ờ dưới người khác trong một thời gian dài.

 

 

Lưu Bị có chí của anh hùng, khí của anh hùng, hồn của anh hùng và cũng có nghĩa của người anh hùng. Theo lời chú dẫn Hiến đế Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, Viên Thiệu từng đánh giá “Lưu Huyền Đức rộng lượng, có tín nghĩa”. Nói vậy là chính xác. Viên Thiệu vẫn là Viên Thiệu, không phải lúc nào cũng không nhìn ra vấn đề. Nhưng lời đánh giá đó có mâu thuẫn với cách nói trước, một người “Phản phúc khó dung” chẳng lẽ lại có thể là “Rộng lượng có tín nghĩa”? Kỳ thực phải xem là đối với ai. Với đối tượng buộc phải theo, đúng là Lưu Bị “Phản phúc khó dung”, với đối tượng đến nhờ vả, Lưu Bị lại “Rộng lượng có tín nghĩa”. Vì sao vậy? Vì Lưu Bị là người có chí anh hùng. Người có chí anh hùng sẽ không cam chịu ở dưới người khác, luôn phải điều chỉnh sách lược, luôn tìm cơ hội, vì vậy mới “Phản phúc khó lường”. Cũng vậy, người có chí anh hùng, cần phải đoàn kết với đồng chí, ngưng tụ lực lượng, vì vậy mới “Rộng lượng và có tín nghĩa”. Chúng ta chi cần đưa ra một ví dụ là rõ ràng ngay. Quan Vũ và Trương Phi thời đó đều là nhân tài hàng đầu. Còn Lưu Bị thì sao? Tay trắng, trắng tay, chẳng có một thứ gì, không có một tia hy vọng nào trong cả một thời gian dài. Nhưng hai người đó dù có chết cũng vẫn theo chân, trung trinh hết mực, thậm chí Quan Vũ còn “một mình một ngựa từ ngàn dặm tìm đến”. Vì sao vậy? Vì Lưu Bị “Rộng lượng, có tín nghĩa”. Tam quốc chí nói, Lưu Bị và Quan Vũ, Trương Phi “Ăn ngủ cùng giường, ân như anh em”. Quan Vũ và Trương Phi coi Lưu Bị là anh, nhung thực tế là vua. Có thể thấy tình hữu nghị của ba người được coi là cái nghĩa của người anh hùng. Chỉ có điều chúng ta không hiểu khi ba người “Ăn ngủ cùng giường” thì vợ của họ ở đâu?

 

 

Lưu Bị là anh hùng, Quan Vũ và Trương Phi nhìn ra, về sau Gia Cát Lượng cũng nhìn ra, Tào Tháo không thể không nhìn ra. Vì vậy có thể tin rằng Tào Tháo đã nói: “Nay anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này”. Có lẽ Tào Tháo không nên nói thẳng như vậy trước mặt Lưu Bị, vì giống như nói “Tranh giành thiên hạ với ta chính là ngài”. Nhưng có thể cắt nghĩa là thiếu thận trọng, là trinh sát bằng hỏa lực hoặc gõ núi để trấn hổ. Ý muốn nói, trong chúng ta đừng ai vờ là Tôn Tử. Đừng nghĩ rằng ai ngốc hơn ai. Quả nhiên, Lưu Bị không vờ được nữa, tìm cơ hội để biến.

 

 

Lưu Bi chạy, thực dễ hiểu, Tào Tháo thả, là việc khác thường. Tam quốc diễn nghĩa nói, “khéo mượn tiếng sấm để che giấu”, Tào Tháo hết nghi ngờ, nói như vậy là chưa đúng. Tào Tháo không dễ bị lừa như vậy, có thế lúc bấy giờ Tào Tháo chưa gian hùng. Những năm cuối đời, Tháo có thể chém giết hàng loạt trong đó có cả những người không đáng giết, Tuân Úc một người trí tuệ, Thôi Diễm người có nhân phẩm. Có thể lúc đó Tào Tháo muốn là người biết dùng người, không giết người nếu chưa có lý do chính dáng. Theo “Tam quốc chí, Vũ đế kỷ”, lúc Lưu Bị đến nhờ cậy Tào Tháo, mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục khuyên Tào Tháo nên “xử lý gọn” Lưu Bị, Trình Dục nói: “Lưu Bị hùng tài lại được lòng dân, sẽ không chịu ở dưới người khác, chi bằng giết sớm đi”. (Qua lời Trình Dục thấy rõ Lưu Bị đúng là anh hùng). Tào Tháo đáp, “Lúc này đang muốn thu hút anh hùng, giết một người sẽ mất lòng thiên hạ, không nên”. Còn một khả năng khác, Tào Tháo tuy nhìn thấy chí anh hùng, khí anh hùng, hồn anh hùng, nghĩa anh hùng trong con người Lưu Bị và cũng thấy rõ Lưu Bị không có đất dụng võ, anh hùng không có đất dụng võ thì cũng không thể coi là anh hùng thực sự, chẳng cần phải đề phòng. Bởi vì những người như vậy thường chẳng làm nên trò trống gì, chờ khi ra quân có danh nghĩa hẵng giải quyết.

 

 

Cả hai khả năng trên, đều có thế giải thích vì sao Tào Tháo không giết Lưu Bị, khả năng sau có thể giải thích vì sao Tào Tháo thả Lưu Bị. Thế là, từ một ý nghĩa sơ lược, Tào Tháo phạm sai lầm lớn. Cũng có nghĩa là người tính không bằng trời tính. Và không chỉ có Tào Tháo mà ngay cả Lưu Bị cũng không ngờ, tám năm sau khi uống rượu luận anh hùng, có một nhà chính trị vĩ đại xuống núi, trở thành tổng tham mưu trưởng của Lưu Bị, giúp Lưu Bị dựng nên một vương quốc độc lập cho mình. Lưu Bị như Cá muối vươn mình, không chỉ có căn cứ, mà căn cứ ngày một rộng, cuối cùng thành thế chân vạc với Tào Tháo và Tôn Quyền.

 

 

Người đó, chúng ta đều biết, là Gia Cát Lượng.

 

 

Gia Cát Lượng rõ ràng là nhà chính trị kiệt xuất hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc. Gia Cát Lượng xuống núi khiến cho vận mệnh bình yên thiên hạ nghiêng về phía Lưu Bị. Cũng vậy, điều mà mọi người không ngờ tới là, cùng năm đó, một trong số mưu sĩ quan trọng nhất của Tào Tháo là Quách Gia đã lâm bệnh, qua đời. Một đòn đánh mạnh vào Tào Tháo và cũng là bước ngoặt tốt đối với Lưu Bị.

 

 

Vậy, Quách Gia qua đời quan trọng đến như vậy sao?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét