Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

TRỜI SINH KÌ TÀI

 


Tập thứ mười bốn: TRỜI SINH KÌ TÀI

 

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Chúng ta chưa thể xác định rõ nguyên nhân, Tào Tháo từ một ý nghĩ sai lầm đã để sổng mất Lưu Bị. Lưu Bị như rồng xuống biển, hổ về rừng, vận khí trở nên tốt đặc biệt. Năm Kiến An thứ XII (năm 207), Lưu Bị mời được Gia Cát Lượng từ Long Trung, còn Quách Gia trên đường bắc chinh đã lâm bệnh và qua đời lúc còn rất trẻ. Kết quả một người ra, một người đi là Lưu Bị như cá muối vươn mình, Tào Tháo chí lớn khó đền đáp. Vậy Quách Gia là người như thế nào, khác và giống với Gia Cát Lượng ở điểm nào?

 

 

Tập trước chúng ta đã nói, Lưu Bị có chí anh hùng, có khí anh hùng, có hồn anh hùng, có nghĩa anh hùng, chỉ không có “đất anh hùng” (địa bàn của mình), chỉ có thể bôn ba khắp nơi, phản phúc vô thường nhờ vả người khác. Có thể vì nguyên nhân này, Tào Tháo từ một suy nghĩ sai lầm đã để sổng mất Lưu Bị. Lúc này, Lưu Bị đã như rồng xuống biển, hổ về rừng, có thể làm được gì không, còn phải xem vận khí của Lưu Bị.

 

 

Không ai ngờ vận khí của Lưu Bị trở nên tốt đặc biệt. Năm Kiến An thứ XII (năm 207) là năm quan trọng đối với Lưu Bị và Tào Tháo. Tháng chín năm đó, Quách Gia - mưu sĩ Tào Tháo quý mến nhất, bất hạnh lâm bệnh và qua đời; và cùng năm này, Gia Cát Lượng đến với Lưu Bị, Quách Gia qua đời năm ba mươi tám tuổi, Gia Cát Lượng hai mươi sáu tuổi xuống núi, lịch sử bắt đầu chuyển hướng.

 

 

Vì sao lại liên hệ đến cái chết của Quách Gia và sự xuống núi của Gia Cát Lượng? Hai điều đó có quan hệ gì?

 

 

Có. Loại quan hệ hoặc liên hệ này, đương nhiên không phải là chúng xuất hiện trong cùng một năm. Đó chỉ là sự trùng hợp. Điều mấu chốt là hai sự kiện đó ảnh hưởng đến cả hai phía Tào, Lưu. Chúng ta đều biết, lực lượng quyết định sự thắng thua của chiến tranh; và lực lượng sẽ biến đổi khi bên này mạnh bên kia yếu và bên này yếu bên kia mạnh. Gia Cát Lượng đến bên Lưu Bị là “bên này mạnh bên kia yếu”: Tào Tháo yếu, Lưu Bị mạnh, tính kiểu gì thì Tào Tháo cũng là người thua thiệt.

 

 

Có điều, ở đây còn có vấn đề, tức là khả năng và trình độ hai người. Nếu không đủ khả năng thì việc tính toán trên cũng chẳng có ý nghĩa. Cũng vậy, nếu trình độ khác nhau, hoặc khác nhau quá lớn thì cũng không cần phải so sánh làm gì. Vậy, khả năng của Gia Cát Lượng và Quách Gia như thế nào? Trình độ của họ như nhau chăng? Hoặc họ giống nhau ở chỗ nào?

 

 

Đúng là Quách Gia và Gia Cát Lượng có những điểm giống và khác nhau đến kì lạ. Thứ nhất, họ là thiên tài từ bé, lúc xuống núi mới chỉ có hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi (Quách Gia hai mươi bảy tuổi, Gia Cát Lượng hai mươi sáu tuổi). Nhưng suy nghĩ và mưu lược gần như đã thành thục. Thứ hai, họ đều “chọn đúng chủ”. Trong khi mọi người chỉ nhìn thấy ưu điểm của Viên Thiệu, Quách Gia đã nhìn thấy phần nát rữa; khi mọi người chỉ nhìn thấy phần nát rữa của Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã nhìn thấy phần ưu điểm. Thứ ba, họ đều “có mưu kế, lập công lớn”. Quách Gia giúp Tào Tháo thống nhất miền bắc Trung Quốc, Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị lập nên thế chân vạc. Có thể nói, trong hai người, một là kỳ sĩ trời sinh, một là nhân tài trần thế. Đương nhiên, họ giống nhau ở chỗ, trung thành hết mực, cúc cung tận tuy, chết không từ nan. Quan hệ giữa họ và Tào Tháo, Lưu Bị bề ngoài không thể hiện như cá gặp nước, nhưng bên trong thì tình sâu nghĩa nặng.

 

 

Sau khi Quách Gia qua đời, Tào Tháo buồn thương khôn xiết. Theo "Tam quốc chí, Quách Gia truyện” và lời chú thích của Bùi Tùng Chi, mỗi lần Tào Tháo dâng biểu lên triều đình, viết thư cho Tuân Úc, trò chuyện cùng người khác, nhiều lần tưởng nhớ Quách Gia và lần nào cũng rơi lệ. Tào Tháo nói, Phụng Hiếu chưa đầy bốn mươi tuổi, (mới ba mươi tám), thời gian cùng ta là mười một năm. Đó là những ngày gian khổ vất vả, tất cả đều do ta và Quách Gia chèo chống. Đúng là lúc nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc! Nhiều lúc ta đã mất hết chủ ý, may có Quách Gia ra sức chèo lái tới thành công. Thực ra thì Quách Gia cũng biết đi là nguy hiểm, Quách Gia không được khỏe, miền nam lại nhiều dịch bệnh, nên thường nói đến miền nam chỉ e không còn sống mà quay lại. Nhưng cùng ta bàn về kế lớn thiên hạ, lại nói phải bình được Kinh châu trước và xin được liều mạng lập công! Tình nghĩa như vậy ai mà quên được! Nay, ta tuy có luận công ban thưởng cho Quách Gia, nhưng đối với người chết thì đó còn tác dụng gì! Người tri kỷ thiên hạ thực không nhiều, khó khăn lắm mói được một người, lại bỏ ta ra đi. Trời xanh hỡi, bảo ta làm gì đây, làm thế nào đây!

 

 

Theo cách nói của Tào Tháo chúng ta hiểu, quan hệ giữa họ là khác thường, có thể nói là cùng chia sẻ hoạn nạn (nguy hiểm hoạn nạn đều cùng nhau), hai trái tim cùng một nhịp đập (chỉ có Phụng Hiếu là hiểu được ý ta). Quách Gia đúng là nhân tài khó kiếm, có thể coi là trung thành hết mực (hết lòng hết sức, quên sao được), lại có nhiều mưu, thành công (Bình định thiên hạ, nhiều mưu lập công lớn). Những đặc trưng và quan hệ đó dễ dàng khiến chúng ta liên tưởng ngay đến Gia Cát Lượng.

 

 

Sự thực, Quách Gia và Gia Cát Lượng không chỉ có điểm tương đồng khiến người người phải kinh ngạc mà ngay cả khả năng về nhiều mặt cũng như nhau. Sau khi có được Gia Cát Lượng, Lưu Bị nói: Ta có được Khổng Minh như cá đã có nước”. Còn Tào Tháo sau khi có được Quách Gia cũng đã nói: “Giúp Tào Tháo thành đại nghiệp, phải là người này”. Lưu Bị trước lúc lâm chung đã gửi con cho Gia Cát Lượng, còn Tào Tháo đối với Quách Gia cũng từng “muốn lo về hậu sự”. Có điều Quách Gia chết quá sớm, chúng ta không được nhìn thấy ngày đó. Cũng vì nguyên nhân này, ngôi sao của Quách Gia không được rực rõ bằng ngôi sao của Gia Cát Lượng. Năm hai mươi sáu tuổi Gia Cát Lượng đã xuống núi, năm mươi tư tuổi, lâm bệnh qua đời, hai mươi tám năm phục vụ cho Lưu Bị, trong đó mười một năm nắm trọn quyền lớn; Quách Gia phục vụ Tào Tháo chỉ có mười một năm, chức vụ chỉ là quân sư Tế tửu (tham mưu). Điều kiện thi triển tài hoa của hai người là khác nhau.

 

 

Nhưng chỉ trong thời gian ngắn là mười một năm, Quách Gia để lại một cơ nghiệp thực đồ sộ. Lúc Quách Gia ở trong quân Tào, Tào Tháo luôn nhận được tin thắng trận, khải hoàn, thống nhất miền bắc trọn vẹn. Quách Gia vừa qua đời, thành tựu về quân sự của Tào Tháo rõ ràng là khác trước. Như lời Chu Trạch Hùng, luôn phải đối phó với lũ “quân phiệt thảo khấu” như Mã Đằng, Hàn Toại. Đối phó với hai “Kiêu hùng” lớn như Tôn Quyền, Lưu Bị có phần lực bất tòng tâm, tại trận Xích Bích suýt nữa bị lửa đốt sạch. Đương nhiên, Lưu Bị chuyển bại thành thắng không phải chỉ vì có Gia Cát Lượng; sự nghiệp của Tào Tháo bị cản trở cũng không vì không có Quách Gia. Chúng ta không thể nói quá về tác dụng cá nhân. Nhưng Quách Gia qua đời là tổn thất quá lớn với Tào Tháo. Vì vậy, lúc thua trận ở Xích Bích, Tào Tháo thở dài ngửa mặt lên trời và bỗng thốt ra câu: “Quách Phụng Hiếu còn, ta đâu đến đoạn này!”.

 

 

Đến Tam quốc diễn nghĩa, câu nói đó được diễn tả như sau: Tào Tháo thoát thân theo hẻm Hoa Dung về đến Nam quận, Tào Phi bày tiệc hòng xoá nỗi kinh hoàng, các mưu sĩ đều có mặt. Bỗng thấy Tào Tháo ngẩng mặt lên trời, xúc động. Các mưu sĩ nói, Thừa tướng lúc gặp nạn không thấy sợ, bây giờ đã an toàn về thành, người đã có cơm, ngựa đã có cỏ, có thể chỉnh đốn lại quân ngũ, trả thù rửa hận, sao lại khóc lóc như vậy? Tào Tháo nói: "Ta khóc Quách Phụng Hiếu! Nếu Phụng Hiếu còn, ta đâu đến đoạn này” Tiếp đến lại khóc lóc thảm thiết hơn “Ô hô Phụng Hiếu! Tiếc thương Phụng Hiếu!”, thế rồi “Các mưu sĩ khác đều lặng lẽ tự thấy xấu hổ”.

 

 

Cha con Mao Tôn Cương đã xỉ vả dữ dội thái độ buồn bã khóc lóc của Tào Tháo, còn liên hệ với việc Tào Tháo khóc Điển Vi trong trận chiến Uyển Thành, câu chuyện về trận chiến Uyển Thành, chúng ta đã nói trong tập tám Quỷ sai thần khiến, tức là vào tháng Giêng năm Kiến An thứ II (năm 197), do Tào Tháo sai lầm để Trương Tú vừa hàng được mươi hôm đã nghe theo kế của Giả Hủ đột nhiên làm phản. Tào Tháo không hề đề phòng, may nhờ có Điển Vi liều mạng tử chiến, Tào Tháo mới thoát được, con cả là Tào Ngang, cháu là Tào An Dân và tướng yêu Điển Vi đã phải bỏ mạng trong chiến đấu. Sau đó, Tào Tháo lập đàn, cúng tế Điển Vi, khóc lóc thảm thiết. Hồi thứ mười sáu cuốn Tam quốc diễn nghĩa, Tào Tháo khóc như thế này: “ta mất con cả và cháu yêu mà thấy không đau đớn lắm, ta chỉ khóc một mình Điển Vi” số tướng sĩ chung quanh hết sức cảm kích (mọi người đều xúc động).

 

 

Đúng là “Lưu Bị vứt con” theo “kiểu Tào Tháo”. Mọi người đều đã rõ câu chuyện Lưu Bị vứt con. Sau khi Triệu Vân cứu được A Đẩu từ Trường Bản về, Lưu Bị đã ném con xuống đất nói: “Vì mày, xuýt nữa ta mất đại tướng”, Triệu Vân kinh hoàng phủ phục khóc nói, nhất định phải gan óc lầy đất. Hãy xem Tào Tháo không khóc con yêu mà thương tướng, kết quả là tướng sĩ đều hết sức cảm kích đến rơi lệ. Cùng một điệu nhạc nhưng khác lời.

 

 

Cũng vậy, nên so sánh tiếng khóc Điển Vi và tiếng khóc Quách Gia của Tào Tháo. Mao phê nói, Tào Tháo trước khóc Điển Vi sau khóc Quách Gia. Khóc Điển Vì là muốn để tướng sĩ phải cảm động, khóc Quách Gia là để các mưu sĩ phải tự thấy xấu hổ. “Tiếng khóc trước như là thường, tiếng khóc sau như là đánh”, thực không ngờ nước mắt của kẻ gian hùng “vừa có thể trở thành tiền lụa, vừa có thể trở thành roi gậy”. Vì vậy cha con Mao Tôn Cương đã cười nhạt: “Cái gian của kẻ gian hùng, đúng là gian đến buồn cười”.

 

 

Lời phê bình trên đương nhiên là rất tinh tế, chỉ đáng tiếc là lời khóc Điển Vi và khung cảnh khóc Quách Gia của Tào Tháo cũng giống như “Lưu Bị ném con” đều là lời các nhà tiểu thuyết. Đúng vậy, trong tang lễ của Điển Vi, Tào Tháo thân đến khóc tế, nhưng không nói: Ta mất con cả và cháu yêu mà không thấy đau đớn lắm”. Đúng là Tào Tháo có nói “Quách Phụng Hiếu còn, ta đâu đến đoạn này”, nhưng không khóc lóc thảm thiết. Chúng ta không biết Tào Tháo nói trong trường hợp nào và cũng không biết lúc bấy giờ có các mưu sĩ ở đó không. Có thể La Quán Trung đã diễn nghĩa, không thể tin được, cùng là Tào Tháo mà cha con Mao Tôn Cương phê là Tào Tháo trong tiểu thuyết, không phải Tào Tháo trong lịch sử.

 

 

Tào Tháo trong lịch sử không đáng buồn cười như thế! Tào Tháo than thở chưa hẳn là muốn làm “nhục các mưu sĩ”. Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến Tào Tháo bất lợi ở Xích Bích, trách nhiệm chủ yếu không phải là do mưu sĩ. Và mưu sĩ của Tào Tháo đâu có kém cỏi! Ví dụ, từ lâu đã có người nghĩ sẽ có liên minh Tôn, Lưu, người đó là Trình Dục. Tào Tháo sau khi đoạt được Kinh châu đã tiếp tục xuôi xuống Giang Đông, cũng có người phản đối, người đó là Giả Hủ. Tiếc là “Thái tổ không theo, việc quân bất lợi”. Rõ ràng là mưu sĩ của Tào Tháo đã tận trách tận chức, lẽ nào Tào Tháo nỡ mượn cớ tưởng nhớ Quách Gia để làm “nhục các mưu sĩ”?

 

 

Vậy, vì sao Tào Tháo phải than thở? Thực tế thì Tào Tháo than thở mệnh khổ của mình, Quách Gia ra đi quá sớm Tam quốc chí, Quách Gia truyện nói, “Thái tổ đánh Kinh châu về, đến Ba Khâu gặp dịch bệnh, đốt thuyền và than rằng: “Quách Phụng Hiếu còn, ta đâu đến đoạn này!”, ý muốn nói, nếu Quách Gia còn sống, sự việc đã khác.

 

 


Quách Gia được mệnh danh đệ nhất mưu sĩ,
đây cũng là người mà Tào Tháo hết mực quý trọng, vô cùng tán dương

Sao lại có thể không như thế này? Vì Quách Gia là thiên tài quân sự. Quách Gia “giỏi tính toán, mọi việc ổn hơn”. Quách Gia biết tuỳ cơ ứng biến, quyết đoán tại chỗ, thần cơ diệu toán, chiến thắng đột xuất. Như chuyện Tào Tháo ba lần đánh Lã Bố, binh lính đã mệt mỏi, chuẩn bị lui quân. Quách Gia chủ trương đánh tiếp và đoán rằng đánh tiếp sẽ thắng, kết quả đã bắt được Lã Bố! Tào Tháo tiến đánh Viên Đàm, Viên Thượng, đã đánh là thắng, lại muốn đánh tiếp, Quách Gia chủ trương lui quân, kết quả anh em Viên Đàm, Viên Thượng hoạ đến từ trong nhà, ngư ông Tào Tháo được lợi. Tào Tháo đi đánh Viên Thiệu, có người lo Tôn Sách thừa cơ sẽ lén đánh Hứa Đô, Quách Gia nói chúng không dám đến; Tào Tháo đi đánh Ô Hoàn, có người lo Lưu Biểu nhân cơ sẽ lén đánh Hứa huyện, Quách Gia nói không. Kết quả thế nào? Mọi chuyện hoàn toàn như dự đoán của Quách Gia.

 

 

Quách Gia không chỉ liệu việc như thần mà còn dám mạo hiểm, đi trên dây. Như hai trận chiến Quan Độ, Ô Hoàn, người người lo lắng là hoàn toàn có lý. Theo lẽ thường, Tôn Sách và Lưu Biểu sẽ nhân có lửa mà cướp bóc, đánh một đòn vào sau lưng Tào Tháo. Riêng Quách Gia dám quả quyết là không và cũng chỉ có Tào Tháo mới dám theo, chơi trò mạo hiểm lớn. Thực ra thì trong trận chiến Quan Độ, ít nhiều là may mắn, sau này sẽ nói tới. Nhưng qua trận chiến Ô Hoàn đã thể hiện rõ thiên tài về quân sự của Quách Gia.

 

 

Ô Hoàn là dân tộc thiểu số ở miền bắc Trung Quốc trước đây luôn theo Viên Thiệu. Sau trận chiến Quan Độ, Viên Thiệu ốm chết, Viên Đàm và Cao Cán bị giết. Viên Thượng và Viên Hi bị Tào Tháo đánh bại phải chạy vào Ô Hoàn, năm Kiến An thứ X (năm 205), hòng mượn lực lượng của Ô Hoàn, đánh lại Tào Tháo. Vì vậy, để tiêu diệt thế lực còn lại của Viên Thiệu thống nhất miền bắc, Tào Tháo không thể không đánh Ô Hoàn. Nhưng Ô Hoàn không phải dễ đánh, nhiều người chủ trương không đánh, cuối cùng thắng được nhưng rất nguy hiểm. Theo chú dẫn, Tào Man truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí, Vũ đế kỷ, bấy giờ trời rét căm căm, không bóng người, không khói bếp, hành quân liên tục hàng hai trăm dặm, không có một giọt nước, lương thảo cũng gần hết, Tào Tháo “giết mấy ngàn con ngựa làm lương, đào sâu hàng hơn ba mươi trượng để lấy nước”. Vì vậy, sau khi về đến Nghiệp Thành, Tào Tháo lệnh trọng thưởng cho những người từng khuyên không nên tiến đánh Ô Hoàn. Tào Tháo nói, thắng lợi lẩn này, hoàn toàn là gặp may. Lòi khuyên của các vị mới là kế sách vẹn toàn. Rõ ràng trận chiến này là vô cùng kinh hiển.

 

 

Thực ra khi đó nhiều người phản đối đánh Ô Hoàn. Theo Tam quốc chí, Vũ đế kỷ có hai lý do chủ yếu để họ phản đối. Thứ nhất, Viên Thượng chỉ là kẻ mất nước trốn chạy. Ô Hoàn là “Di địch”, “một mình tham lam”, chẳng có cớ gì để giúp đỡ Viên Thượng. Vì vậy chẳng cần phải đánh. Thứ hai, Ô Hoàn đất rộng ở xa, một khi quân ta viễn chinh, Lưu Bị nhất định sẽ khích lệ Lưu Biểu nhân cơ lén đánh Hứa huyện “Vạn nhất có biến thì hối không kịp”. Vì vậy không nên đánh.

 

 

Nhưng Quách Gia lại chủ trương đánh, phải đánh và đánh là thắng. Theo Tam quốc chí. Quách Gia truyện, Quách Gia nhận định, thứ nhất Ô Hoàn rất xa, nhưng chính và ở rất xa, họ sẽ “ỷ thế xa” mà “không phòng bị”. Nếu chúng ta xuất kỳ bất ý, tập kích bất ngờ, nhất đinh chúng không kịp trở tay, vì vậy “có thể phá dễ dàng”. Thứ hai, không thể xem nhẹ ảnh hưởng của gia tộc Viên thị, không thể đánh gá thấp thực lực của ba quận Ô Hoàn. Một khi chúng liên kết với nhau, “cùng bầy tôi của vị chúa đã chết, hoàn thành mưu kế từng mơ ước”, thì e Thanh châu và Ký châu sẽ không còn là của chúng ta nữa. Còn như Lưu Biểu - đây là điểm thứ ba, chẳng qua chỉ là kẻ ba hoa khoác lác (ngồi bàn suông). Lưu Biểu hiểu mình không bằng Lưu Bị, không biết phải đối xử với Lưu Bị như thế nào. Trao quyền thì sợ khống chế không nổi, không trao quyền thì sợ Lưu Bị sẽ không thực bụng giúp mình. Vì vậy, dù chúng ta “viễn chinh, đất nước bỏ trống nhưng bất tất phải lo hậu phương bốc lửa. Mong Tào công cứ yên tâm!”.

 

 

Sự việc diễn biến đúng như Quách Gia dự đoán. Theo chú dẫn Hán Tấn Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam Quốc chí, Tiên chủ truyện, vào năm Kiến An thứ XII (năm 207), Tào Tháo tiến đánh Ô Hoàn, Lưu Bị khuyên Lưu Biểu lén đánh Hứa huyện, Lưu Biểu không làm (Tiên chủ nói Biểu đánh Hứa, Biểu không theo). Chờ khi Tào Tháo từ Liễu Thành (gần thị trấn Triều Dương, Liêu Ninh hiện nay) đại bản doanh vua Đạp Đốn Ô Hoàn đem quân về, Lưu Biểu mới hối hận, không nghe lời Lưu Bị bỏ phí một cơ hội lớn. Lưu Bị đành an ủi Lưu Biểu, đang lúc thiên hạ đại loạn, chiến tranh liên miên, sẽ còn nhiều cơ hội. Nếu từ nay biết phản ứng nhanh (người sau có phản ứng) thì còn gì để phải tiếc nữa (tiếc gì lần này). Sự thực thì Lưu Biểu làm gì còn cơ hội. Sau khi bình định ba quận của Ô Hoàn, Tào Tháo nhanh chóng chĩa mũi nhọn chiến tranh về phía Lưu Biểu; còn Lưu Biểu chưa kịp giao tranh với Tào Tháo đã đi gặp thượng đế rồi.

 

 

Tào Tháo nghe theo Quách Gia, không để ý tới Lưu Biểu, đưa quân lên bắc và tháng năm đến huyện Dịch (vùng tây bắc huyện Hùng, Hà Bắc ngày nay), lúc đó Quách Gia nói với Tào Tháo, binh quý ở chỗ thần tốc. Lúc này quân ta hành trình hàng dặm, khí tài nhiều và nặng, tốc độ chậm, rất khó giành được thắng lợi nhanh chóng. Một khi tin tức bị lộ, đối phương sẽ có chuẩn bị. Chi bằng bỏ lại khí tài rồi đi suốt ngày đêm, đánh cho chúng không kịp trở tay. Tào Tháo nghe kế đưa khinh binh đến Vô Chung (nay là huyện Tân Tô), sau đó được danh sĩ địa phương, ngài Điền Trù hướng dẫn theo đường tắt qua Từ Vô (phía bắc Ngọc Điền, Hà Bắc ngày nay), trại Lư Long (nay là Hỉ Phong Khẩu, Hà Bắc), Bạch Đàn (nay là Khoan Thành, Hà Bắc), Bình Cương (nay là Bình Tuyền, Hà Bắc), trèo lên Bạch Long Đôi (nay là Bố Hữu Đồ Sơn, Liêu Ninh) cách Liễu Thành chừng vài trăm dặm. Lúc này mới được tin quân Tào tới, vua Đạp Đốn của Ô Hoàn vội vàng ra nghênh chiến. Kết quả thua trận, bị giết. Viên Thượng và Viên Hi đành phải cao chạy xa bay tới Liêu Ninh cậy nhờ Công Tôn Khang.

 

 

Xem ra Quách Gia liệu việc như thần. Vì vậy Tam quốc diễn nghĩa mới quy công thắng lợi cuối cùng của trận đánh cho Quách Gia. Phần trước chúng ta đã nói về chuyện này. Sau khi phá Ô Hoàn, Tào Tháo án binh bất động, không vội đi tiêu diệt Viên Thượng, Viên Hi, ngồi chờ Công Tôn Khang đem đầu hai kẻ đó đến nộp. Quả nhiên Tôn Khang đã làm như vậy. Đây vốn là quyết sách của Tào Tháo, nhưng Tam quốc diễn nghĩa lại nói đó là “Cẩm nang diệu kế” của Quách Gia, gọi là Quách Gia di kế định Liêu Đông. Tam quốc diễn nghĩa nói vậy là không muốn để Tào Tháo quá sáng chói, muốn nói rõ Quách Gia thực tế mưu lược hơn người.

 

 

Sự thực, La Quán Trung ghép cây chiết cành như vậy không phải là hoàn toàn vô cớ, vì đúng là Quách Gia đã có ý này. Theo Tam quốc chí. Quách Gia truyện, sau khi Viên Thiệu mất, Viên Thượng và Viên Đàm đều bị Tào Tháo đánh cho tơi bời khói lửa. Lúc này các tướng đều chủ trương nhanh chóng tiêu diệt hai kẻ đó, Quách Gia lại nói là không cần, cứ để cho hai anh em chúng đánh lẫn nhau. Quách Gia phân tích: Viên Thượng và Viên Đàm đang bất hoà vì tranh giành quyền được thay cha, ai cũng có mưu sĩ của riêng mình, thế tất nội bộ sẽ loạn. Nếu chúng ta bức quá, chúng sẽ liên kết lại; nếu chúng ta không ngó tới, chúng sẽ đánh nhau. Vì vậy, chúng ta vờ như chuẩn bị nam chinh Lưu Biểu, chờ đợi sự biến giữa chúng, “khi có biến sẽ đánh là định được ngay”. Quả nhiên, khi quân Tào vừa đến Tây Bình (phía Tây huyện Tây Bình, Hà Nam ngày nay), Viên Thượng, Viên Đàm xung đột lớn vì tranh giành Ký châu, Tào Tháo như ngư ông được lợi.

 

 

Lúc này chẳng khó khăn gì để biết vì sao Quách Gia liệu việc như thần. Nguyền nhân rất đơn giản, Quách Gia biết quá rõ về con người, Quách Gia hiểu thấu Viên Thiệu, hiểu thấu Lã Bố, hiểu thấu Tôn Sách, hiểu thấu Lưu Biểu và chẳng lạ gì Viên Thượng, Viên Đàm, mới dám có chiêu nguy hiểm đó. Chả trách Tào Tháo đã nói, Quách Gia “nhìn thời sự, binh sự, hơn hẳn người khác”. Dù là thời sự, dù là binh sự, xét cho cùng đều là nhân sự. Phải tinh thông nhân sự thì mới hiểu được thời sự và binh sự.

 

 

Đúng là Quách Gia giỏi biết nhìn người không chỉ nhìn rõ kẻ thù mà nhìn rõ cả chủ nhân. Trong biểu văn Tào Tháo nói “mỗi khi bàn bạc, phải làm gì trước kẻ địch. Thần chưa quyết được thì Gia đã quyết xong”. Rõ ràng mỗi lần ra quyết định, Quách Gia luôn trước Tào Tháo, luôn giúp Tào Tháo có quyết tâm. Nhưng rõ ràng ở đây phải có một điều kiện, tức là cách đối nhân xử thế của Tào Tháo, đủ để Quách Gia yên tâm ra mưu vạch kế, có những chiêu hiếm, những chiêu xuất thần. Nếu lại như Viên Thiệu, hẹp hòi tư lợi, nhu nhược ít quyết, chí lớn tài sơ, ghen ghét người hiền thì có tài trí thông minh đến mấy, Quách Gia làm gì có đất dụng võ. Có thể nói, Quách Gia thành công cũng chính là Tào Tháo thành công. Đó là điều hiếm thấy trong lịch sử. Thực dễ hiểu, trong trận chiến Xích Bích, nếu Quách Gia còn thì hẳn đã xuất kì chế thắng, giúp Tào Tháo chuyển bại thành thắng, hóa hiểm thành không. Đó cũng là nguyên nhân để Tào Tháo nói “Quách Phụng Hiếu còn, ta đâu đến đoạn này”. Tiếc là lúc ấy Quách Gia không còn, nếu không, lịch sử e phải viết lại, Tam quốc diễn nghĩa cũng phải viết lại. Bởi Quách Gia chưa có “một lực lượng mạnh “, ít ra thì giữa Quách Gia và Gia Cát Lượng đã có cuộc “đấu trí” hay ho.

 

 

Với đôi mắt sắc sảo như vậy, không thể không nhìn thấu Lưu Bị. Thực tế thì Quách Gia cũng giống như Tào Tháo, đã thấy rõ Lưu Bị là anh hùng. Nhưng ý kiến của Quách Gia lại có phần mâu thuẫn. Có người chủ trương giết Lưu Bị, Quách Gia nói không nên giết. Tào Tháo thả Lưu Bị đi, Quách Gia lại nói không nên thả. Lúc chú dẫn Quách Gia truyện Bùi Tùng Chi có hai cách nói. Ngụy thư nói, có người thưa với Tào Tháo: “Bị có chí anh hùng, nên sớm giết đi, tránh hậu hoạ”. Tào Tháo hỏi kế Quách Gia, Quách Gia nói nay minh công xách bảo kiếm khởi nghĩa quân là để trừ bạo yên dân, nhờ vào sự trung thành và tín nghĩa. Như vậy mà vẫn còn sợ không mời được anh hùng trong thiên hạ đến với chúng ta. Lúc này Lưu Bị là anh hùng hết đường lui, đến nhờ minh công, lại bị minh công giết. Vậy thì còn ai muốn theo minh công bình định thiên hạ nữa đây? Giết một người để mất hết hi vọng của bốn biển, điều đó nên suy nghĩ kĩ. Phó tử lại nói, Quách Gia chủ động tìm Tào Tháo và có ý kiến “Bị không muốn ở dưới người khác, chưa đoán được mưu gì. Người xưa nói, một ngày dung địch, cả đời tai họa, nên sớm xử đi”. Khi đó, Tào Tháo đang “Phụng thiên tử để lệnh thiên hạ, lấy tín nghĩa chiêu nạp anh hùng”, nên không theo ý Quách Gia. Tận khi Lưu Bi công khai phản bội, Tào Tháo mới “Hận là không nghe Quách Gia”.

 

 

Vì vậy, Bùi Tùng Chi có lời bình: Ngụy thư nói đã ngược lại với lời Phó tử”. Nhưng theo tôi, hai cuốn sách đó không có ý gì ngược nhau. Cái gọi là “nên sớm xử đi” có thể hiểu là nên sớm sắp xếp, chắc gì đã phải là muốn giết Lưu Bị. Tôi đồng ý với quan điểm của Chu Trạch Hùng về vấn để này. Chu cho rằng ý của Quách Gia là vừa không thể giết, vừa không thể thả. Phải làm gì? Giam lỏng. Nhưng không hiếu vì lý do gì, Tào Tháo lại không hiểu ý Quách Gia. Có thể đây là vấn đề khá nhạy cảm, Quách Gia không thể nói thật rõ! Cuối cùng thì Tào Tháo cũng được, Quách Gia cũng được, họ đều không phải là thần. Dù họ có nhìn thấu con người đến mấy, có thần cơ diệu toán đến mấy cũng không ngờ rằng Lưu Bị giỏi thay đổi, không ngờ rằng trên đời còn có Gia Cát Lượng.

 

 

Gia Cát Lượng trong lịch sử thời Tam Quốc là nhân vật khá đặc biệt. Trước năm Kiến An thứ XII (năm 207), chúng ta chưa hề thấy bóng dáng, chưa hề nghe tiếng nói của Gia Cát Lượng. Điều này không hoàn toàn vì Gia Cát Lượng còn trẻ tuổi. Thời đó, anh hùng thiếu niên có ít đâu? Huống hồ lúc xuống núi, Gia Cát Lượng đã rất già dặn. Nhưng cũng không thể nói rằng vì Gia Cát Lượng không muốn xuống núi. Nên nhớ, một người “luôn ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị” sẽ không cam tâm “giữ mạng sống trong thời loạn, không muốn nổi danh với chư hầu”. Rõ ràng Gia Cát Lượng đang trông mong và chờ đợi. Nói rõ hơn, là đang nhìn thời cuộc, chờ đợi lời kêu gọi của Lưu Bị. Vậy trong số đông các anh hùng hào kiệt thời đó vì sao Gia Cát Lượng có thể nhìn ra Lưu Bị? Đôi mắt tinh tường của Gia Cát Lượng đã nhìn thấy gì trên con người Lưu Bị?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét