Tuân Úc kỳ vọng trận chiến Thương Đình sẽ diệt được Viên Thiệu, nhưng Tào Tháo đã trở về tay không. Hai năm sau Viên Thiệu ốm chết. |
Tập thứ mười hai: THIÊN HẠ QUY TÂM
Tác giả Dịch Trung Thiên
Tào Tháo biết dùng người, gần như lịch
sử đã công nhận điều đó. Có thể nói Tào Tháo biết rõ “cái cơ dùng người”. Nhưng
vấn đề không phải ở chỗ Tào Tháo đã làm gì, mà là làm như thế nào và vì sao phải
làm như vậy. Cũng tức là, điều quan trọng không phải là “thuật”, mà là “đạo”. Vậy,
đạo dùng người của Tào Tháo là “đạo” gì, Tào Thào vì sao có thể nắm vững được
“đạo” đó?
Tập trước đã nói mấy vị mưu sĩ quan trọng
nhất trong buổi đầu phát triển của Tào Tháo như Tuân Úc. Tuân Du, Giả Hủ, Quách
Gia và Trình Dục, gần như đều chủ động chạy đến với Tào Tháo. Trước hết vào năm
Sơ Bình thứ II (năm 191) thời Hán Hiến đế, Tuân Úc đã chạy khỏi chỗ Viên Thiệu,
lúc này Tuân Úc mới có 29 tuổi. Tam quốc chí. Tuân Úc truyện nói, Tuân Úc phát
hiện thấy Viên Thiệu không thành được đại nghiệp (cuối cùng Thiệu không thành đại
nghiệp) và đấy là nguyên nhân để Tuân Úc ra đi. Lúc này Tào Tháo mới chỉ là
Thái thú Đông quận, Tuân Úc đã tới đó. Được Tuân Úc, Tháo vui mừng khôn xiết,
nói đây chính là Trương Lương của ta (ta được Tử Phòng rồi)! Đến năm Kiến An đầu
tiên (năm 196), Tào Tháo nghe theo Tuân Úc và Mao Giới nghênh đón thiên tử, dời
đô về Hứa huyện, Tuân Úc trở thành “Tổng Tham mưu trưởng” của Tào Tháo (là Hán
Thị trung, giữ Thượng thư lệnh, thường là quan trọng), những lúc Tào Tháo ra
ngoài, Tuân Úc toàn quyền lo việc trong nước (Thái tổ chinh phạt ở ngoài, việc
trong nước do Tuân Úc quyết). Muốn Tuân Úc tiến cử một số nhân tài, Tào Tháo hỏi,
“ai có thể thay khanh lập mưu cho ta”, Tuân Úc liền tiến cử Tuân Du, Chung Do
và Quách Gia. Tam quốc chí. Tuân Du truyện nói, khi đó Tuân Du chạy đến Tứ
Xuyên thì tắc đường, nên nhàn nhã ở Kinh châu, Tào Tháo liền có thư cho Tuân
Du, lúc này thiên hạ đại loạn, là lúc cần đến tâm sức, trí tuệ của nhiều người.
Ngài buông tay bàng quan không cảm thấy đã quá lâu rồi sao? Tuân Du liền đến với
Tào Tháo. Tào Tháo vui mừng, ta có Công Đạt giúp đỡ, thì liệu còn gì phải lo nữa?
Chuyện Trình Dục đến mới thú vị. Tam
quốc chí. Trình Dục truyện nói, bấy giờ, thứ sử Duyện châu Lưu Đại mời làm kỵ
đô uý, Trình Dục cáo ốm. Chờ khi Tào Tháo đến Duyện châu, mời Trình Dục xuống
núi, vừa mời Trình Dục đã tới ngay. Một người đồng hương không hiểu mới hỏi,
sao thái độ trước sau với hai người lại khác nhau vậy? Trình Dục không đáp, chỉ
cười. Quách Gia thì có sao nói vậy. Theo “Tam quốc chí. Quách Gia truyện”,
Quách Gia đã từng nói với Tân Bình, Quách Đồ - hai mưu sĩ của Viên Thiệu, “người
có chí phải tìm chủ, xuất mưu lập kế tạo nên công danh. Viên công, học như Chu
công với hạ sĩ, nhưng chưa biết cơ dùng người. Đa đoan không có điểm chính, mưu
hay không dám quyết, muốn cùng nhau định thiên hạ, nhưng không thành, lập nên
nghiệp bá cũng rất khó!” Vậy nên rời khỏi Viên Thiệu đến với Tào Tháo. Tào Tháo
có buổi trò chuyện với Quách Gia, nội dung là “Bàn chuyện thiên hạ”, cả hai bên
đều rất vui. Tào Tháo nói: “Khiến ta thành đại nghiệp là nhờ những người thế
này”. Từ chỗ Tào Tháo ra, Quách Gia tỏ vẻ hết sức vui mừng: “đúng là chủ của
ta”. Năm đó, Quách Gia mới hai mươi bảy tuổi.
Lời Quách Gia bao gồm ba ý. Thứ nhất,
một người thông minh, nhất là một người chuẩn bị để thành mưu sĩ, nhất định phải
tìm cho mình một ông chủ tốt (người có chí phải tìm chủ). Thứ hai, Viên Thiệu
không phải chủ tốt, vì không biết dùng người. Viên Thiệu không phải không hiểu
tầm quan trọng của nhân tài và đã từng học Chu công “một lần gọi ba lần túm
tóc, một bữa ăn ba lần nhè cơm”. Nhưng Viên Thiệu chỉ học được cái bề ngoài (học
như Chu công với hạ sĩ), chưa học được điều cốt lõi (chưa biết cơ dùng người).
Bản thân Thiệu không phải là thống soái của tài, nghĩ nhiều nhưng không quyết
đoán (mưu hay, không quyết), theo Thiệu sẽ không có tiền đồ (cùng nhau định
thiên hạ thì không thành, lập nên nghiệp bá cũng rất khó). Sự thực chứng minh lời
dự đoán của Quách Gia là không sai. Viên Thiệu tuy tụ tập được không ít nhân
tài, nhưng kết quả thì người đi đã đi, người tan đã tan, người chết đã chết,
người phản đã phản. Mấy người còn lại thì chia rẽ, phái ủng hộ Viên Đàm, phái ủng
hộ Viên Thượng, hoạ nạn gần kề, tàn sát lẫn nhau, cuối cùng là hết.
Còn ý thứ ba của Quách Gia, không nói
ai cũng biết: Tào Tháo là ông chủ tốt (đúng là chủ của ta). Vì vậy, phải bỏ
Viên về Tào.
Vậy, vì sao Tào Tháo lại là ông chủ tốt?
Thứ nhất, là “biết dùng người, có tài
là dùng”. Khi đánh giá đạo dùng người của Tào Tháo, Tam quốc chí nói gọn thành
mười sáu chữ: “Dùng người đúng tài đúng chỗ, tính toán đều khác lạ, cho qua sai
sót cũ”. Gọi là “Tính toán đều khác lạ, cho qua sai sót cũ”, là “chiêu hiền nạp
phản, bỏ qua hiềm khích” đã nói ở tập trước; biết người biết tài, có tài là
dùng. Có tài là dùng thì đúng như lời Tuân Úc, Quách Gia đánh giá về đạo dùng
người của Tào Tháo. Tuân Úc nói “sáng suốt không câu nệ, có tài là dùng”; Quách
Gia nói “có tài là dùng, không hỏi điều khác”, cùng nghĩa với lời nói của Trần
Thọ. “Có tài là dùng” là rất quan trọng. Bời vì, “Biết người dùng đúng” bao gồm
ba nội dung: biết ai là nhân tài, biết họ có tài về mặt nào, thuộc loại hình
gì, biết phải để họ ở vị trí nào là thích hợp nhất. Cũng tức là nói, biết người
dùng đúng, một là phải biết, hai phải dùng cho đúng. Tào Tháo đã làm được việc
đó. Như Thôi Diễm, Mao Giới đều là thanh liêm chính phái, Tào Tháo để tuyển chọn
quan lại; Tảo Chi, Nhiệm Tuấn là những người chịu thương chịu khó, chịu điều
oán trách, Tào Tháo để họ trông coi đồn điền. Về điểm này thì ngay như Hồng Mại
một người triều Tống không mấy tình cảm với Tào Tháo cũng phải đánh giá cao,
nói là “Trí thì làm quan, quyền thì phân quận, không to không nhỏ, ai cũng xứng
với chức của mình” (Dung trai tùy bút), hơn nữa, từ đây có thể rút ra kết luận:
Tào Tháo thành công, quyết không phải là ngẫu nhiên hay may mắn (Tháo có những
thành công, quyết không phải do may mắn).
Thứ hai, là “Thành tâm giữ tín, dùng
người tin tưởng”. Đây vốn là nguyên tắc để dùng người, trong lịch sử, những người
biết dùng người thường làm như vậy. Đối với Tào Tháo, điều này lại càng quan trọng.
Trước hết, Tào Tháo sống trong thời loạn. Vào thời loạn, lòng người thường dao
động, đạo đức suy đồi, giữa người và người không còn thành ý và sự tín nhiệm.
Nói như Tào Tháo “đáng buồn vì trên dưới nghi ngờ lẫn nhau”. Thêm vào đó, địa vị
của Tào Tháo khá đặc biệt. Nói như Chu Du thì vai trò của Tào Tháo “danh là Hán
tướng, thực là Hán tặc”. Bất kể Tào Tháo nghĩ thế nào, nhưng thời đó, nhiều người
cho là vậy, sự thật thì việc “tụ người” của Tào Tháo, e phần lớn là để thực hiện
dã tâm cá nhân. “Vai trò hai mặt” đó thực có lợi, Tào Tháo có thể lợi dụng danh
nghĩa chính phủ trung ương, và quan chức để thu nạp nhiều nhân tài; nhưng cũng
có chỗ bất lợi, ngay như Tào Tháo cũng không phân biệt được rõ ràng, những nhân
tài đó cuối cùng là ai. Trách sao khỏi có điều nghi ngờ. Thứ nữa, trận doanh của
Tào Tháo rộng lớn, phức tạp. Gồm những người cũ của chính phủ trung ương, có người
sau này do Tào Tháo tuyển chọn, còn có người do quan viên triều đình tiến cử sử
dụng, có cả những người chiêu hàng nạp phản từ phía địch, không phải đội ngũ
thuần nhất của riêng ai. Trong số người đó, cũng không tránh khỏi có sự nghi ngờ.
Tóm lại, ở chỗ Tào Tháo còn nhiều nghi vấn.
Trong tình trạng đó, thành tâm và tín
nhiệm có tầm quan trọng đặc biệt. Là người lãnh đạo, Tào Tháo dù thực bụng hay
giả dối, nhưng biểu hiện ra bên ngoài phải là thành tâm và tín nhiệm. Tào Tháo
khoan dung với Trương Tú, Ngụy Chủng, Tất Kham - những kẻ từng phản lại mình,
coi như đã tuyên bố với người thiên hạ rằng, Tào Tháo ta thành tâm thành ý, đầy
lòng tín nhiệm, dù đã bị người lừa dối, nhưng đã không oán không thù, xin các vị
cứ yên tâm với ta!
Thành tâm và tín nhiệm đổi lại là sự cảm
kích và trung thành. Nói về Vu Cấm. Theo Tam quốc chí. Vu Cấm truyện, lần đầu
Trương Tú đến hàng rồi làm phản, Tào Tháo không kịp đề phòng, bị đánh cho tơi bời
khói lửa, toàn quân hỗn loạn. Chỉ có Vu Cấm “cùng với hàng trăm quân, vừa đánh
vừa lui, tuy có thương vong nhưng không rời nhau” và cuối cùng “chỉnh đốn hàng
ngũ, chiêng trống trở về”, nhân đó còn trừng trị lũ quân Thanh châu làm loạn.
Quân Thanh châu là quân Khăn Vàng đầu hàng Tào Tháo, quân kỷ rất kém, Tảo Tháo
rất rộng rãi với chúng (Thái tổ khoan dung), cho nên, nhân lúc hỗn loạn chúng mới
kéo đi cướp phá (dám nhân đó mà cướp). Vu Cấm thẳng tay “cho đánh và trị tội một
số”. Quân Thanh châu liền chạy đến tố cáo chuyện đó với Tào Tháo. Còn Vu Cấm,
lúc về đến đại bản doanh “lo cho quân lập trại”, chưa đi gặp Tào Tháo (chưa đến
chào Thái tổ). Lúc đó có người nói, quân Thanh châu đã tố cáo ngài, còn không
nhanh đi nói cho rõ mọi chuyện! Vu Cấm nói, truy binh có thể đến bất cứ lúc
nào, nếu không chuẩn bị sớm, lấy gì để đối phó với địch? Vả, Tào công sáng suốt
biết chừng nào, chúng tố giác thì tác dụng gì! Thế rồi cứ yên tâm lập doanh hạ
trại, xong xuôi đâu đấy, mới đi gặp Tào Tháo. Tào Tháo tỏ ra thú vị nói, Vu Cấm
ngài, có tư thế một danh tướng thời cổ! Liền phong là Ích Thọ đình hầu.
Thứ ba, là “Lệnh hành cấm chỉ, thưởng
phạt phân minh”. Đây là nguyên tắc cơ bản trong đạo dùng người, nhưng Tào Tháo
còn có chỗ đặc biệt. Một, tự làm mẫu mực, hai, rõ ràng minh bạch. Chúng ta đều
biết, Tào Tháo trị quân rất nghiêm, vào tháng năm, năm Kiến An thứ VIII (năm
203), Tào Tháo từng ban lệnh: “Mệnh lệnh tướng quân xuất chinh, chỉ thưởng công
mà không phạt tội, không phải là quốc sách. Nay chư tướng xuất chinh, quân bại
trận phải chịu tội, quân thất lợi bị miễn quan tước”. Thực ra thì không chỉ, bại
quân thất lợi mới bị xử lý mà vi phạm quân kỷ cũng phải nghiêm trị, bản thân
Tào Tháo cũng không ngoại lệ đó. Tháo từng có lệnh, lúc hành quân không được đi
trên ruộng lúa, ai phạm lệnh sẽ giết. Thế là kỵ binh phải xuống dắt ngựa, tay cầm
vũ khí nâng những bông lúa sang bên rồi mới đi. Nhưng ngựa của Tào Tháo đã nhảy
vào ruộng lúa, cuối cùng Tào Tháo phải lấy kiếm cắt tóc để chịu phạt. Từ đó mới
có chuyện nổi tiếng Lấy tóc thay đầu. Truyện có ghi trong Tào Man truyện - một
cuốn sách không mấy cảm tình với Tào Tháo. Xưa nay, chuyện đó còn được dùng để
nói rõ Tào Tháo là gian trá, giả dối. Thời cổ đại, việc cắt tóc được coi là nhục
hình, gọi là “côn”. Sau này, khi trừng trị Thôi Diễm, Tào Tháo cũng dùng côn
hình, rõ ràng đây không phải là câu chuyện viết bừa, vờ vĩnh.
Tào Tháo thường phạt rất nặng và thưởng
cũng ra trò. Tào Tháo luôn giữ một nguyên tắc, không phải nhất thời do hứng chí
mà ban thưởng bừa bãi. Muốn thưởng một người nào thì trước đó phải có công lớn;
và phần thưởng cũng rất xứng đáng. Nói như Quách Gia “gia thêm ân, quá với kỳ vọng
của mọi người”' “suy nghĩ thấu đáo, đến nơi đến chốn”. Theo ‘Tam quốc chí. Từ
Hoảng truyện”, một lần giao chiến với Lưu Bị, Từ Hoảng đã xông thẳng vào kẻ
thù, đánh bại Quan Vũ, giữ được Tương Phàn, Tào Tháo đã ra khỏi doanh trại hàng
bảy dặm, bày tiệc lớn mừng công, tự rót rượu uý lạo ba quân. Tào Tháo nói, ta
hơn ba mươi năm cầm quân, từng đọc nhiều sách cổ, nhưng chưa hề thấy ai được
như Từ tướng quân, dám xông tới phá vòng vây của địch, e như vậy Tôn Vũ cũng phải
bái phục. Lúc đó các tướng đã tụ tập, Tào Tháo đi thị sát, tướng sĩ các quân đều
ra vây lấy xem. Chỉ có quân lính của Từ Hoảng “quân doanh tề chỉnh, tướng sĩ ở
đâu yên đấy”. Tào Tháo xúc động nói, Từ tướng quân có phong thái như Chu Á Phu!
Từ Hoảng vốn là người của Dương Phụng,
sau khi quy thuận Tào Tháo luôn hết mực trung thành. Từ Hoảng vào sinh ra tử lập
công dựng nghiệp, trước lúc ra trận, thường đến cúng vái trước mộ tổ để tỏ rõ
quyết tâm sống chết. Lòng trung thành của Từ Hoảng cũng giống lòng trung thành
của bao người khác vì Tào Tháo đã rất tín nhiệm, thưởng phạt rõ ràng. Tào Tháo
là thống soái, chưa bao giờ tranh giành cao thấp với bộ hạ, mỗi khi lập công đều
quy cho bộ hạ. Điều quan trọng hơn, mỗi khi luận công đều hết sức sáng suốt, biết
rõ công trạng của từng người; phần thưởng của Tào Tháo cũng rất đúng mực, đáng
thưởng bao nhiêu thì thưởng bấy nhiêu; Tào Tháo không bình quân, bảo đảm cho từng
người được thưởng đúng với công sức của mình. Nói như Tuân Úc, Tào Tháo “Lấy
nhân đãi người, chân thành không giả dối, bản thân cần kiệm, không tiếc người
có công”. Chẳng trách ngài Chu Trạch Hùng nói, về mặt này, Tào Tháo đúng là nhà
nghệ thuật. Và theo tôi, Tào Tháo ban thưởng lẽ nào chỉ là nghệ thuật mà còn là
khoa học.
Thứ tư, “Khiêm tốn hết lòng, trọng dụng
người hiền”. Đối với người tài, khích lệ cố nhiên là quan trọng, nhưng quan trọng
hơn là được trọng dụng, được thống soái thực bụng nghe theo làm theo. Qua sử
sách, chúng ta luôn thấy thái độ của Tào Tháo đối với ý kiến của bộ hạ: nghe và
làm theo. Đương nhiên cũng có lúc “không nghe”, “không theo”. Nhưng nếu sau việc
đó, Tào Tháo thấy mình sai lầm thì nhất định sẽ kiểm điểm, sẽ xin lỗi, sẽ cảm tạ
bộ hạ đã có ý kiến, đã nhắc nhở. Lúc kiểm điểm, không nhất thiết phải khóc, phải
xịu mặt lại, mà Tào Tháo thường cười nói. Theo Tam quốc chí. Tưởng Tế truyện,
lúc đánh Tôn Quyền, Tào Tháo chuẩn bị làm theo các bước như trận chiến Quan Độ,
trước hết di dời dân chúng Hoài Nam. Tưởng Tế không tán thành nói, tình hình
lúc này khác với thời trận chiến Quan Độ, không cần phải làm vậy. Hơn nữa, dân
chúng không muốn di dời khỏi quê hương đâu. Bắt dân di dời dân sẽ không yên
tâm. Tào Tháo không theo, kết quả trăm họ Hoài Nam đều chạy đến chỗ Tôn Quyền.
Về sau Tưởng Tế đi gặp Tào Tháo, Tào Tháo bước ra nghênh đón rồi cười ầm lên
nói, túc hạ đã thấy việc ta làm! Những tưởng để họ đi tránh giặc, nào ngờ họ lại
chạy hết sang bên đó. Tiếp đến, mời Tưởng Tế làm Thái thú Đan Dương.
Rõ ràng Tào Tháo biết dùng người.
Chúng ta có thể khái quát thuật dùng người của Tào Tháo bằng tám câu: 1- Thực
tâm thành ý, đối xử tình cảm; 2- Thực lòng với người, đối xử chân thành; 3- Thẳng
thắn vô tư, lấy lý phục người; 4- Ngôn hành nhất trí, lấy tín giành người; 5- Cấm
chỉ trái lệnh, lấy pháp trị người; 6- Bản thân cần kiệm, khoan dung với người;
7- Khen người trách mình, công lao về người; 8- Luận công ban thưởng, khích lệ
mọi người.
Nhưng nếu chỉ khái quát bằng mấy câu
“Xuôi xuôi như vậy” thì chưa đủ. Vì điều quan trọng không phải là “thuật”, mà
là “đạo”; không phải là làm gì, mà là làm như thế nào, và vì sao phải làm như vậy.
Đạo là gì? Đạo là nhân tính, là nhân tâm. Tào Tháo hiểu rất rõ, vì sao tướng sĩ
phải cùng mình vào sinh ra tử, nên mới “Khen người trách mình, công lao về người”,
“Luận công ban thưởng, khích lệ mọi người”. Tào Tháo biết, người thì ai cũng có
khuyết và nhược điểm, đều muốn có điều lợi tránh điều hại, Tào Tháo mới “Cấm chỉ
trái lệnh, lấy pháp trị người”, “Bản thân cần kiệm khoan dung với người”. Tào
Tháo hiểu rõ người là động vật có lý tính, rất nhiều người trong nhiều trường hợp
biết thấu tình đạt lý, nên mới “Thẳng thắn vô tư, lấy lý phục người”, “ngôn
hành nhất trí, lấy tín giành người”. Tào Tháo luôn có tình cảm, có lúc tình cảm
còn đáng tin hơn cả lợi ích, nên mới ‘Thành tâm thành ý, đối xử tình cảm”. “Thực
lòng với mọi người, đối xử chân thành”. Tào Tháo thành công là dùng người thành
công; và Tào Tháo thành công trong cách làm người, là thành công hiểu biết về
người khác.
Có một sự kiện nói rõ được vấn đề này.
Sự kiện đó được ghi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ và coi là thực. Sau khi Tào
Tháo đánh bại Viên Thiệu ở Quan Độ, phần lớn quân trang quân dụng, châu báu,
sách vở của Viên Thiệu đều rơi vào tay Tào Tháo, trong đó có một số thư tín của
một số người bên mình ngấm ngầm gửi cho Viên Thiệu, Tào Tháo không nói thêm một
câu nào ngoài lệnh cho đốt tất cả. Sô người ngấm ngầm cấu kết với Viên Thiệu
đang lo lắng đến đoạn tim sắp bật ra ngoài, thì bây giờ lại yên tâm như trước,
và cũng khâm phục cảm kích đối với Tào Tháo. Lời chú dẫn “Ngụy thị Xuân Thu” của
Bùi Tùng Chi cho hay, Tào Tháo đã giải thích như thế này: Lúc Viên Thiệu còn mệnh
thì ngay đến thân ta cũng chẳng giữ nổi, nói chi tới người khác! Lời nói đầy sự
thông cảm với mọi người. Chưa nói tới những người hay nghi kỵ, lòng dạ quỷ quyệt,
chỉ nói tới những người không có chút quan hệ dây mơ rễ má gì cũng đều phải cảm
động trước sự khoan hồng đại lượng và thiết tha chân thật của Tào Tháo.
Tào Tháo nói rất hay, tính toán rất giỏi.
Tào Tháo hiểu rất rõ, nếu động đến việc này, người đáng xử lý không chỉ có một
hoặc hai. Trong tình trạng địch mạnh ta yếu, thắng bại thế nào chưa rõ, ai chẳng
muốn giữ cho mình một con đường lui? Lúc này người đứng núi này trông núi nọ
không ít. Đương nhiên không phải ai cũng là gián điệp hai mang, mà phần lớn
trong số họ muốn phô diễn với cả hai bên. Nhưng phô diễn và thông với giặc
không phải là hai khái niệm rõ ràng, hơn nữa, theo luân lí thông thường thì bất
trung tức là phản nghịch. Chỉ cần có thư từ qua lại với Viên Thiệu là bị tinh
nghi thông địch, có nhảy xuống Hoàng Hà cũng chẳng rửa hết tội. Nếu cứ nhất nhất
truy cứu thì e đến hơn nửa số người không biết giải thích ra sao. Đã không truy
cứu nổi, chi bằng để giữ lấy tình người, không truy cứu là tốt nhất. Và đã làm
thì phải làm cho triệt để, phải đốt sạch mọi chứng cứ để ai nấy được yên tâm.
Như vậy, những kẻ trong lòng có ma có quỷ luôn phải đội ơn đội đức; những người
lòng ngay dạ thẳng càng có quyết tâm hơn; hơn là lôi một loạt người ra trừng trị,
tự làm suy yếu lực lượng của mình chứ hay ho gì!
Ở đây, Tào Tháo biểu hiện rõ mình là
nhà chính trị thiên tài. Tào Tháo hiểu rất rõ, đấu tranh chính trị cũng luôn là
đấu tranh quân sự, bằng chứng quan trọng nhất là chính nghĩa, nguồn vốn quan trọng
nhất là nhân tài. Muốn lôi kéo được nhân tài, cần phải có đầy đủ khí độ và lòng
khoan dung. Nhiều người thì nhiều màu nhiều vẻ. Trên thế giới làm gì có đội ngũ
một màu? Cao quá thì dễ gãy, trắng quá thì dễ bẩn; nước trong quá làm gì có cá,
người sít sao quá làm gì có bạn. Nhiều lúc phải vờ là kẻ hồ đồ. Hồ đồ mới khoan
dung người khác, khoan dung nhân tài mới được nhân tâm. Có nhân tâm mới có
thiên hạ. Tào Tháo hiểu được đạo lý đó, vì vậy Tào Tháo trở thành nhà doanh
nghiệp.
Nắm vững nhân tính, thấu hiếu nhân
tâm, không phải chuyện dễ; hiểu mình hiểu người, luôn lo liệu cho người khác,
cũng khó thấy. Nhưng điều đáng quý hơn nữa, khi làm những việc đó, như đốt hết
thư tín, bỏ qua chuyện cũ, lúc kiểm điểm bản thân, luận công cho người khác, trọng
thường tướng sĩ, làm cho ai nấy hết sức sung sướng, phóng thích tù binh, khiến
chúng cảm kích đến rơi lệ, Tào Tháo luôn chân thành, thực tế, rộng lượng, tự
nhiên. Người người luôn ca ngợi hết lời.
Thực tình thì tính khí Tào Tháo là xảo
trá. Còn như “ít nhạy bén, khéo ứng biến”, chỉ là cách nói xuê xoa, khách sáo của
các sử gia, nói thẳng ra thì là xảo trá. Huống hồ Tào Tháo lại là người cầm
quân đánh trận, việc quân được dối trá. Trên chiến trường dùng quỷ kế, chốn
quan trường dùng quyền mưu, trong đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, người
ta dùng như cơm bữa, chẳng phải hiếm, chẳng hề mất mặt, người người đều dùng,
có điều, bên địch gọi là “giảo hoạt gian trá”, bên ta gọi là “túc trí đa mưu”,
“xuất kỳ chế thắng”. Tào Tháo thông minh ở chỗ, biết lúc nào nên nói dối lúc
nào phải nói thật. Tôn thờ thiên tử, ủng hộ Hán thất, chẳng qua chỉ là mua cổ
phiếu chính trị, chơi con bài chính thống, phải làm ra vẻ, còn phải phô diễn.
Lúc trò chuyện với trí sĩ mưu thần, vì hai bên đều là người thông minh, nếu lại
chơi trò khôn vặt, ân huệ vặt vãnh, thì dễ dàng bị đối phương nhìn thấu và mất
tín nhiệm, đúng là ‘Thông minh lại bị thông minh phản”, chi bằng cứ có sao nói
vậy. Tào Tháo biết rõ chừng mực, biết phải làm thế nào. Chính vì vậy, Tào Tháo
mới cùng các mưu sĩ đồng tâm hiệp lực, mói có được sức ngưng tụ.
Tào Tháo có sức ngưng tụ lớn còn bởi biết
hoà hợp và có sức hút; tất cả đều do tính cách tạo nên. Tào Tháo tính tình cởi
mở, luôn rất vui vẻ. Tào Tháo thích đùa vui, nói vui ngay cả trong công việc.
Tính cách đó hỗ trợ nhiều cho sự nghiệp của Tào Tháo. Người làm chính trị mà
nghiêm khắc là không hay, dễ làm cho người khác có cảm giác mình quá thận trọng,
không đáng tin; có cảm giác mình không thấu tình đạt lý, ngoài ra phải thoải
mái chan hoà; vấn đề nguyên tắc phải đảm báo, những chuyện vụn vặt nên cho qua.
như thế mới đảm bảo được uy thế, uy nghiêm của lãnh tụ, lại vừa có tình vừa tế
nhị. Người như vậy mới được nhiều người ủng hộ, nhiều người quý mến và trung
thành. Tào Tháo đúng là người như vậy.
Có điều, Tào Tháo thu hút được nhân
tài còn bời Tào Tháo thực sự quý mến tài năng và đây cũng là điều chủ yếu nhất.
Tào Tháo luôn mong muốn trong đời mình, trong sự nghiệp của mình có nhiều bạn
bè, có nhiều cộng sự. Trong bài thơ “Đoản ca hành” Tào Tháo nói: cổ áo nàng
xanh xanh, trái tim ta sầu muộn (xanh xanh cổ áo, sầu muộn tim ta). Chỉ vì duyên
cớ của nàng, khiến ta tưởng nhớ tới nay (vì cớ của em, trầm ngâm tới nay). Hươu
nai vừa tìm được lá ngải hao đã lên tiếng gọi đàn (ao ao tiếng hươu, gọi bầy đến
ăn lá). Nếu ta có khách quý, nhất định sẽ đàn sáo trống sênh (ta có khách quý,
đàn sáo trống sênh). Ngọc sáng lung linh trên trời cao, biết bao giờ mới ngưng
nghỉ (lưng linh như trăng, bao giờ mới ngừng), tận đáy lòng ta bao lo lắng, có
thể mãi mãi sẽ không dừng (Từ đó mà buồn, không thể đoạn tuyệt)! Hãy đến đi bạn
ơi! Vượt qua đường quanh ngõ tắt, lối nhỏ chằng chịt, mong bạn đoái tới để
chúng ta được gặp lại sau bao năm tháng (vượt qua đường quanh ngõ tắt, lối nhỏ
chằng chịt). Nâng chén trước gió, tay trong tay ân tình, ôn lại tình bạn thuở
nào (bày tiệc vui vẻ, nhớ lại chuyện cũ). Đây chăng phải là điều xúc động lòng
người?
Đáng chú ý nhất là mấy câu mở đầu của
bài thơ “Trước rượu nên ca, đời người được mấy? Như hạt sương mai, ngày tháng
khổ bấy”. Trong bài “Quy tuy thọ”, Tào Tháo lại viết: Thần quy tuy thọ, còn có
lúc hết. Rắn bay lên mây, cũng thành cát bụi”. Đây là cách suy nghĩ triết học về
vũ trụ nhân sinh. Đương nhiên, Tào Tháo suy nghĩ trên lập trường một chính trị
gia. Vì thế, Tào Tháo mới có kết luận: “Ngựa kí gục đầu, chí ngoài ngàn dặm. Liệt
sĩ cuối đời, hùng tâm chưa hết”; “núi không ngại cao, nước không ngại sâu, Chu
công thổ lộ, thiên hạ quay đầu”“. Cũng tức là nói, phải chớp lấy thời cơ ít ỏi
đó, lập nên sự nghiệp to lớn, thực hiện mơ ước chính trị trong cuộc đời ngắn ngủi
này. Và cũng vì có tư duy triết học về vũ trụ nhân sinh làm bối cành, có suy
nghĩ “để sinh mạng hữu hạn biến thành vĩnh hằng” nên mới có mơ ước chính trị
đó, giống như lời Trần Thắng “Vương hầu khanh tướng đều muốn có cái đó” hay như
lời Lưu Bang “Đại trượng phu phải như vậy”, càng có khác biệt về phẩm vị thì
càng có đại khí, hon nữa ngoài đại khí ra còn phải có sự sâu sắc.
Tào Tháo vốn rất sâu sắc, Quách Gia
nói là “ngoài thì giản dị, trong thì sáng suốt”. Sự sâu sắc đó còn biểu hiện ở
chỗ hiểu người rất chuẩn, và dụng tâm sâu xa, Tào Tháo rất có tâm kế. Bề ngoài
có thể tay bắt mặt mừng, cười cười nói nói, nhưng Tào Tháo đang quan sát bạn rất
kỹ. Viên Thuật luôn nóng nảy hống hách, Viên Thiệu luôn coi mình là nhất, Tào
Tháo không thèm nhìn tới, nhưng đối với một người trước là bán giầy, nay thì ăn
đậu ở nhờ như Lưu Bị, Tào Tháo lại nhìn bằng con mắt khác, cho dù lúc còn là thủ
hạ của Tào Tháo, Lưu Bị đã cố giấu mình, giả câm giả điếc nhưng Tào Tháo vẫn
nhìn ra. Tào Tháo nói “Anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân và Tháo này!”.
Lưu Bị sợ quá làm rơi cả đũa.
Đây lại là một chuyện lạ. Lạ ở chỗ
nào? Lạ ở chỗ, nếu Lưu Bị đúng là anh hùng, Tào Tháo không nên nói thẳng ra như
vậy. Nếu Lưu Bị không phải là anh hùng, thì nói ra làm gì? Lạ hơn nữa, Tào Tháo
đã nhận ra người tranh giành thiên hạ với mình sẽ là Lưu Bị, vậy cớ chi lại để
Lưu Bị ra đi? Sự thực để Lưu Bị đi là sai lầm lớn nhất trong đời Tào Thảo. Vì vậy
chúng ta muốn biết, cuối cùng Lưu Bị có phải là anh hùng không? Tào Tháo có nói
như vậy không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét