Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

QUÂN THẦN ĐẶC BIỆT

 


PHẦN BỐN: LẠI ĐƯỢC NHẤT THỐNG

Tập thứ ba mươi bảy: QUÂN THẦN ĐẶC BIỆT

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Sau khi Lưu Bị bệnh và qua đời ở Vĩnh An. Lưu Thiền kế thừa vương vị chỉ là trên danh nghĩa, mọi quyền hành quân chính đều trao vào tay Gia Cát Lượng, chính quyền Thục Hán thời đó đã bước vào “thời đại Gia Cát Lượng”. Đây là thời kỳ đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc, quan hệ quân thần giữa Lưu Thiền và Gia Cát Lượng cũng là một quan hệ đặc biệt. Vậy quan hệ giữa họ là thế nào? Đằng sau mối quan hệ đặc biệt đó còn điều gì bí ẩn đây?

 

 

Ngày hai mươi tư tháng tư năm Chương Võ thứ III (mùng 10 tháng 6 Công nguyên năm 223), Lưu Bị băng hà tại cung Vĩnh An, trước lúc lâm chung đã “gửi con cho thừa tướng Lượng, Thượng thư lệnh Lý Nghiêm là phó”, chính quyền Thục Hán bước vào thời đại mới.

 

 

Có thể gọi đó là thời đại Gia Cát Lượng. Bởi vì Lưu Bị không chỉ gửi con của mình mà còn gửi cả chính quyền Thục Hán. Đối với Gia Cát Lượng, có thể coi đây là cơ may và là cuộc chiến sinh tồn. Một mặt, Gia Cát Lượng có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, lý tưởng chính trị của mình; mặt khác, Gia Cát Lượng cũng phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề khó khăn. Chúng ta đều biết, Gia Cát Lượng là chính trị gia kiệt xuất. Thế nào là chính trị? Chính trị là quan hệ. Cũng có thể nói, chính trị là xử lý mọi mối quan hệ. Ít nhất cũng có bốn mối quan hệ mà Gia Cát Lượng cần giải quyết: quan hệ quân thần, quan hệ đồng liêu, quan hệ bè bạn và quan hệ đối với kẻ thù. Đây đều là những mối quan hệ rất quan trọng, nhưng theo chế độ của một đất nước có vua chúa thì mối quan hệ đầu tiên, gay cấn nhất là mối quan hệ quân thần giữa Gia Cát Lượng và Lưu Thiền.

 

 

Ở đây rõ ràng là có nhiều vấn đề. Bởi vì cách gửi con của Lưu Bị là khá đặc biệt, vừa có sự bàn giao “ngươi làm việc với thừa tướng, phải coi thừa tướng như cha” vừa có sự sắp xếp “nếu hắn bất tài, ngài hãy tự thay đi”, đúng là không chung chung. Vì vậy xuất hiện ngay vấn đề thứ nhất: Lưu Thiền chấp hành di chúc của Lưu Bị như thế nào?

 

 

Đáp án là khẳng định. Trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện còn ghi, “Kiến Hưng năm đầu, phong Lượng Võ hương hầu, khai phủ làm việc. Ít lâu sau lĩnh Ích châu mục. Chính sự, mọi việc đều do Lượng quyết”. Rõ ràng, Lưu Thiền không chỉ làm theo di chúc của Lưu Bị mà còn làm hơn thế nữa. Chúng ta nên tìm hiểu từng việc từng việc một.

 

 

Lưu Thiền

1- Phong Võ hương hầu. Võ hương, người xưa giải thích là hang Võ Hương ở Nam Trịnh, ngài Miêu Việt cho là sai lầm, phải là huyện Võ Hương quận Lang Nha. Vì Gia Cát Lượng là người quận Lang Nha, nên phong cho Gia Cát Lượng huyện Võ Hương, quận Lang Nha; giống như Trương Phi người quận Trác thì phong Lang Nha Trương Phi là Tây Hương hầu. Tây Hương và Võ Hương đều là huyện. Ngày nay huyện Tây Hương nằm về phía tây nam Phòng Sơn, Bắc Kinh, thời Tây Hán huyện Võ Hương thuộc quận Lang Nha, sau này bị xóa bỏ. Vì vậy Trương Phi và Gia Cát Lượng đều là huyện hầu, không phải là Hương hầu. Có người nói: huyện Võ Hương quận Lang Nha không thuộc đất Thục sao có thể phong được? Thực ra đây là một loại chế độ đất thời đó, gọi là “dao lĩnh”, giống như Lưu Vĩnh - con của Lưu Bị được phong là Lỗ vương, Lưu Lý phong là Lương vương. Sau này Tôn Quyền cũng phong chư vương theo cách thức đó. Phong như vậy có hai ý nghĩa. Một là nâng cao địa vị của người được phong, hai, muốn chứng tỏ mình là chủ thiên hạ. Còn một ý nghĩa nữa đối với chính quyền Thục Hán, chứng tỏ mình là chính thống.

 

 

2- Khai phủ làm việc. Khai phủ, tức là dựng phủ đệ, chọn quan viên, cũng tức là xây dựng hệ thống quan viên và một cơ cấu làm việc tương đối độc lập của riêng mình. Thời đầu nhà Tây Hán, thừa tướng, thái úy, ngự sử đại phu, cả ba chức “Tam công” này đều được khai phủ. Về sau đại tướng quân cũng khai phủ. Tào Tháo khôi phục chế độ thừa tướng, lên làm thừa tướng cũng để được khai phủ; Lưu Bị để Gia Cát Lượng làm thừa tướng nhưng không khai phủ. Ở đây có sự khác biệt rất lớn. Khai phủ sẽ có tướng quyền tương đối độc lập với hoàng quyền, không khai phủ sẽ không có. Vì vậy, ý nghĩ của việc này là lớn lao nhất, sau này sẽ nói tiếp.

 

 

3- Lĩnh Ích châu mục. Chúng ta đều biết, cái gọi là “Thục Hán” kỳ thực chỉ là Ích châu. Nơi mà thừa tướng Thục Hán quản và nơi mà Ích châu mục quản chẳng khác gì nhau. Vậy thì, thừa tướng kiêm Ích châu mục chẳng phải chỉ thêm rườm rà hay sao? Đương nhiên là không phải, về mặt địa lý, Thục Hán tức là Ích châu; nhưng về thể chế nhà nước thì Thục Hán là Thục Hán, Ích châu là Ích châu. Sự khác biệt là ở chỗ nào? Thục Hán là vương triều, Ích châu là quận huyện; thừa tướng Thục Hán là chức quyền ở trung ương. Ích châu mục là quan viên địa phương. Người trước, có đủ quyền hành chính trung ương, người sau, có quyền hành chính địa phương. Quyền hạn của hai chức vụ trên không giống nhau, trách nhiệm cũng khác nhau. Châu mục là quan “quản dân”, thừa tướng là quan “quản quan”. Đương nhiên, châu mục cũng “quản quan” (quản lý thái thú và huyện lệnh), nhưng thừa tướng thì không “quản dân”. Vì vậy xét về mặt chế độ thì đó là hai chức vụ khác nhau.

 

 

Nhưng Lưu Thiền đã giao cả hai chức vụ đó cho Gia Cát Lượng. Điều đó rất có ý nghĩa. Nhìn lại thấy: phong Võ Hương hầu là ban cho Gia Cát Lượng địa vị tôn quý; khai phủ làm việc là để Gia Cát Lượng có tướng quyền độc lập; lĩnh Ích châu mục là cho Gia Cát Lượng quyền quản dân. Điều đó ngang như trao cả nước Thục từ trên xuống dưới cho Gia Cát Lượng.

 

 

Trên thực tế, Gia Cát Lượng không chỉ đứng trên mọi người mà còn nắm trọn quyền lớn. Theo chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Hậu chủ truyện, sau khi kế vị, Lưu Thiền đã xác định rõ ràng: “chính, do họ Cát; tế, do quả nhân”. Như vậy nghĩa là gì? Nghĩa là: mọi việc quan trọng về quân, chính đều do Gia Cát Lượng xử lý, mình chỉ là một nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa. Nếu nói trong chính sử không thấy ghi mấy lời đó, chắc gì đã là thực. Vậy sự thực thì trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện đã ghi: “chính sự dù to nhỏ, do Lượng giải quyết tất”.

 


Mộ Khổng Minh ở núi Định Quân

 

Điều này giống hệt như bên chỗ Tào Tháo. Tào Tháo đứng đầu và chức vụ thì sao? Võ Bình hầu (huyện hầu), thừa tướng (khai phủ), lĩnh Ký châu mục. Còn Gia Cát Lượng? Võ Hương hầu (huyện hầu), thừa tướng (khai phủ); lĩnh Ích châu mục. Như vậy là trùng hợp hết chỗ nói. Duy có điều khác nhau là: chí ít Tào Tháo cũng tự giành được một nửa những cái mà mình có, riêng Võ Bình hầu là do Hán Hiến đế phong cho, còn những cái mà Gia Cát Lượng có đều do Tiên chủ và Hậu chủ ban tặng.

 

 

Nhưng tự nguyện cũng tốt, buộc phải cũng tốt, về mặt bản chất thì hai vị hoàng đế Lưu Thiền và Lưu Biện chẳng khác gì nhau, đều là “con dấu cao su”. Vì vậy chúng ta cần phải hỏi câu hỏi thứ hai: cảm giác của Lưu Thiền như thế nào?

 

 

Tôi nghĩ là không vui. Có chứng cứ không? Có. Theo chú dẫn Tương Dương ký của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, sau khi Gia Cát Lượng tạ thế khắp nơi người người đều yêu cầu lập miếu cố thừa tướng, nhưng không được phê chuẩn. Nhân dân quần chúng đều phải “chọn ngày cúng tế riêng” ở khắp mọi nơi. Và rồi có người nói: dựng miếu ở khắp nơi là không cần, nhưng lập miếu ở Thành Đô thì có thể, “Hậu chủ vẫn không theo”. Dư luận xôn xao, bất bình, triều dã chia thành phe phái đối lập, may sao đã có người đứng ra dàn xếp ổn thỏa. Họ dâng biểu lên Lưu Thiền, nói: sùng bái thánh hiền, truy ân công thần là mỹ đức tốt đẹp xưa nay. Vả Gia Cát Lượng công lao cái thế, sự tồn vong của vương thất đều nhờ cả vào ông. Hơn nữa cứ để nhân dân quần chúng cúng tế khắp nơi, đầu đường cuối ngõ, trong vườn dưới ruộng “cúng ở ngõ”, “tế ngoài đồng” là không phải. Đương nhiên, lập miếu ở Thành Đô là không hợp lý, vì theo lệ miếu của hoàng đế mới được dựng ở đây. Làm sao đây? Nên lập miếu thừa tướng Gia Cát Lượng ngay trước mộ (gần mộ của người), trên núi Định Quân (dựng ở Miện Dương). Còn có quy định, mọi người dân muốn cúng tế Gia Cát Lượng đều phải đến miếu (ở tại miếu), không thể tùy tiện “cúng tế riêng”. Tức là, vẫn nên lập miếu, nhưng không phải ở Thành Đô, ở khắp mọi nơi trong cả nước mà ở trước mộ thừa tướng. Lúc này Lưu Thiền mới đồng ý (bắt đầu nghe theo).

 


Vũ Hầu Từ

Người dâng biểu là Binh bộ hiệu úy Tập Long, Trung thư lang Hướng Sung, không phải là nhân vật tầm cỡ gì. Đọc kỹ tờ biểu mới thấy họ đã phải lao tâm khổ tứ, bàn bạc kỹ lưỡng để được toàn vẹn như thế nào? Trước hết lấy cổ nhân làm lệ (người Chu nhớ công đức của Triệu Bá mà không đánh Cam Đường; Việt vương nhớ công Phạm Lãi đã cho đúc tượng vàng giữ lại), sau là giải thoát cho Lưu Thiền (dựng miếu ở kinh sư là bức tông miếu, khiến bụng thánh sinh nghi), cuối cùng mới có phương án khiến Hậu chủ có thể tiếp nhận được: quy định chỉ được dựng miếu và cúng tế ở trước mộ Gia Cát Lượng. Nghĩ xem, mộ của Gia Cát Lượng xa xôi tận núi Định Quân Hán Trung thì sẽ có mấy người tới đó? Như vậy, không thể hoàn toàn cấm “Toàn dân tế riêng”, nhưng Lưu Thiền lại có thể tiếp nhận được. Rõ ràng là Lưu Thiền không mấy thích thú với chuyện này.

 

 

Có người nói: Lưu Thiền không phê chuẩn việc lập miếu Gia Cát Lượng là có căn cứ, căn cứ đó là lễ pháp. Tương Dương ký nói rất rõ, “triều nghị lấy lễ mà không theo”! Điều này thực khó hiểu! Biểu văn của Tạp Long và mấy người khác đã nói như thế nào? Bốn trăm năm vương triều Đại Hán đã dựng bia, viết truyện, tạc tượng lập miếu cho bao người ít nhiều có công có đức (tự Hán hưng lại đây bao người được tạc hình lập miếu vì ít nhiều có công có đức), lẽ nào một hoàng đế Đại Hán xưa nay chưa từng nói tới lễ nghĩa, quy phạm sao? Dù chỉ ít nhiều có công có đức đã được tạc tượng, dựng miếu, đằng này thừa tướng Gia Cát Lượng đại ân đại đức, dựng miếu cho ngài là phạm luật chăng? Hơn nữa, Lưu Thiền chưa hẳn là người luôn giữ quy chế. Sau khi Khổng Minh tạ thế, Lưu Thiền đã bãi bỏ chế độ thừa tướng, đình chỉ việc bắc phạt Trung Nguyên, vậy sao không thể phá lệ một lần cho Gia Cát Lượng? Nói thẳng ra rằng, Lưu Thiền có phần hẹp hòi, có điều gì không vui trong lòng.

 

 

Vì vậy chúng ta cần hỏi về vấn đề thứ ba: Vì sao Lưu Thiền không vui?

 

 


Công trình thủy lợi Đô Giang Yến được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 trước CN 
"Thủy kinh chú” nói rằng, khi Gia Cát Lượng nhận ra lợi ích to lớn
của đập nước do Lý Băng xây dựng đã cắt cử 1.200 người khỏe mạnh
canh giữ và phái quan lại chuyên trông coi cai quản đê nước.

Có ba nguyên nhân. Thứ nhất, như là bị giam lỏng. Cậu bé Lưu Thiền sau khi kế vị, có ý không bao giờ ra khỏi cung. Mãi hơn một năm sau khi Gia Cát Lượng tạ thế, tức là vào tháng tư năm Kiến Hưng thứ XIV (Công nguyên năm 236), lần đầu đến đập Đô Giang xem Mân Giang. Sau này Trần Thọ trịnh trọng ghi chuyện đó vào Tam quốc chí - Hậu chủ truyện. Chúng ta đều biết, đập Đô Giang là công trình thủy lợi nổi tiếng thời cổ ở Trung Quốc, là vua của vương triều Thục Hán, đến thị sát là việc hoàn toàn nên làm, nhưng cũng có lời phê bình. Lúc chú dẫn Tư trị thông giám, Hồ Tam Tỉnh đã nói: không còn Gia Cát Lượng (Gia Cát Lượng mất) nên Lưu Thiền mới chạy ra ngoài du ngoạn (Hán chủ du quan), tất nhiên, không ai ngăn được người (không ai dám cản). Rõ ràng, khi Gia Cát Lượng còn, Lưu Thiền không dám đi. Hoặc muốn đi cũng bị Gia Cát Lượng ngăn lại. Lưu Thiền lên ngôi hoàng đế lúc mười bảy tuổi, tới khi Gia Cát Lượng qua đời. Lưu Thiền mới hai mươi chín tuổi. Mới ngần này tuổi mà ngày nào cũng bị nhốt trong cung, không buồn sao được? Hơn nữa, một người sắp tham chính lại không ra ngoài tìm hiểu tình hình hay sao? Vì vậy, ngài Trần Nhĩ Đông nói: Gia Cát Lượng làm cho “Lưu Thiền thấy uất”.

 

 


Dòng kênh từ Đô Giang Yển chảy vào Thành Đô

Thứ hai, luôn được dạy bảo. Năm Kiến Hưng thứ V (Công nguyên năm 227), Gia Cát Lượng chuẩn bị Bắc phạt. Trước khi lên đường, Gia Cát Lượng có biểu ra quân lên Lưu Thiền. Biểu ra quân lời văn hoa mỹ, ý tứ sâu xa lưu lại thiên cổ, mỗi khi đọc lại, ai nấy đều cảm thấy mến phục, xúc động không dứt. Nhưng Lưu Thiền lại là người không thấy thế. Bởi vì, khẩu khí Gia Cát Lượng trong văn biểu hoàn toàn như lời dạy trẻ con. Nào là “không nên sơ suất, dẫn tới mất nghĩa”, nào là “không nên tư túi”, “không nên cư xử khác biệt”, toàn là những lời khó nghe. Cũng có người nói: khó nghe thì đã làm sao? Lời trung thì nghịch nhĩ mà! Xin lỗi, thế là bạn đã lạc đề. Ở đây tôi không muốn bàn xem Gia Cát Lượng nói đúng hay sai, chỉ muốn bàn Lưu Thiền nghe xong vui hay không vui. Gia Cát Lượng nói đúng, nhưng Lưu Thiền nghe xong không vui, có thể là như vậy. Hơn nữa, trong lời nói của mình, Gia Cát Lượng luôn nhắc tới “tiên đế”. Bạn xem, trong lời biểu ngắn gọn đó có tới hơn mười chỗ nhắc tới “tiên đế”. Như vậy, lúc thường cũng luôn không vui. Lúc nào cũng tiên đế là như vậy còn trẫm thì sao?

 

 

Thứ ba, khó lòng thân chính. Chúng ta đều biết, Gia Cát Lượng chỉ là cố mệnh đại thần, không là nhiếp chính vương, càng không là hoàng đế. Nhiệm vụ Gia Cát Lượng là phò tá Lưu Thiền, không thay thế Lưu Thiền. “Gửi con” tức là vua mới còn nhỏ nên mới phải gửi. Sau khi vua trưởng thành nên để vua thân chính. Vả, Lưu Bị đã nói rất rõ: “nếu hắn bất tài, ngài hãy tự thay đi”. Vậy, nếu Lưu Thiền “tài” thì sao? Đương nhiên, không thể “tự thay đi”. Nhưng chúng ta không hề thấy Gia Cát Lượng có dự định trả chính quyền lại cho vua, và cũng không biết, trong kế hoạch của mình, bao giờ Gia Cát Lượng mới để Lưu Thiền từ một “Hoàng đế kiến tập” biến thành “Hoàng đế tại chức”. “Thời gian thực tập” của Lưu Thiền hầu như chưa đủ, hầu như không thể “chuyển thành chính thức”. Xin hỏi, nếu bạn là Lưu Thiền, liệu có vui được không?

 

 

Như bị giam lỏng, luôn được dạy bảo, khó lòng thân chính, cả ba điều này cộng lại thì hẳn là Lưu Thiền không vui. Vì vậy, chúng ta muốn hỏi vấn đề thứ tư: Vì sao Gia Cát Lượng không chịu trả lại chính quyền cho vua?

 

 

Cách nói thông thường là Lưu Thiền quá kém. Một Lưu A Đẩu vực mãi không xong! Giao cả nước Thục cho hắn, chẳng phải là hết sao? Có chứng cứ gì mà nói vậy? Có. Có bốn chứng cứ. Thứ nhất, thân tín là lũ tiểu nhân. Điều này, mọi người đều biết, không cần phải nói. Hơn nữa, thân tín là tiểu nhân e đã được dự báo từ trước, nếu không thì sao trong Biểu ra quân của mình Gia Cát Lượng đã phải nói Tiền Hán, Hậu Hán như thế này như thế kia.

 

 

Thứ hai, không đánh mà hàng. Điều này, mọi người cũng đã biết. Hơn nữa, theo chú dẫn Hán Tấn Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Hậu chủ truyện, khi Lưu Thiền chuẩn bị đầu hàng, người con thứ năm - Bắc Địa vương Lưu Thầm đã tỏ rõ thái độ phản đối. Lưu Thầm nói với phụ hoàng, cho dù chúng ta đã cùng đường, bại trận, thì cũng nên vua tôi, cha con đổng tâm hiệp lực, xả thân vì đất nước đánh trận cuối ở Bối Thủy. Như vậy mới xứng với Tiên đế! Nhưng Lưu Thiền vẫn không nghe, Lưu Thầm chạy thẳng tới miếu Lưu Bị khóc lóc, rồi sau đó cả nhà cùng tự sát. Sánh với hành động của Lưu Thầm phải chăng Lưu Thiền càng tỏ ra hèn yếu?

 

 

Thứ ba, vong ân bội nghĩa. Theo chú dẫn Vân Biệt truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Hậu chủ truyện, năm Cảnh Diệu thứ III (Công nguyên năm 260), Lưu Thiền truy ích cho các tướng quân quá cố, Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung đều được truy tặng. Quan Vũ là Tráng mâu hầu, Trương Phi là Hoàn hầu, Mã Siêu là Uy hầu, Hoàng Trung là Cương hầu, chỉ mình Triệu Vân là không được phong. Về sau nhờ có Khương Duy và mấy người khác tỏ thái độ bất bình, nên mãi tới năm thứ hai mới truy ích Triệu Vân là Thuận Bình hầu. Triệu Vân là đại công thần trong tập đoàn Lưu Bị và còn là đại ân nhân của Lưu Thiền. Truy ích cho cố nhân, nhưng lại không nhớ tới Triệu Vân, phải nhờ người khác nhắc nhở, thế chẳng phải là vong ân bội nghĩa sao?

 

 

Thứ tư, không có tình cảm. Theo chú dẫn Hán Tấn Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Hậu chủ truyện, sau khi đầu hàng, Lưu Thiền đến Lạc Dương và được phong là “An Lạc hầu”. Tư Mã Chiêu mở tiệc chiêu đãi Lưu Thiền, và cho diễn tấu khúc nhạc của nước Thục (nói lên cái hay của nước Thục cũ). “Ca kỹ của nước Thục buồn bã nhảy múa trước cung nhà Ngụy”, tình cảnh hết sức ai oán, bi thương! “Mọi người chung quanh đều cảm thấy buồn thương”, riêng Lưu Thiền “tươi cười sung sướng”. Tư Mã Chiêu thấy thế lấy làm chướng mắt. Tư Mã Chiêu nói với lũ bộ hạ, con người sao có thể vô tình đến như vậy (cũng không nên vô tình đến như vậy)! Rồi một hôm Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiền: chắc là nhớ nước Thục lắm? Lưu Thiền nói: ở đây rất vui, không nhớ nước Thục nữa (ở đây vui, không nhớ Thục). Đúng là chẳng ra gì. Thế rồi Hí Chính một cựu thần theo chân Lưu Thiền vào Lạc Dương đến nói: lần sau được hỏi chúa công nên nói phần mộ tiền nhân còn ở đó nên ngày nào cũng nhớ, sau đó thì nhắm mắt lại. Sau này Tư Mã Chiêu lại hỏi chuyện đó, Lưu Thiền đã nói đúng như mấy lời Hí Chính đã bảo. Tư Mã Chiêu nghe xong lấy làm ngờ nói: nghe sao giống giọng của Hí Chính thê? Lưu Thiền mở mắt ra, nói luôn, ngài đoán đúng rồi, đúng là ông ấy (ngài dạy quả không sai)! Kết quả là mọi người có mặt đều cười (tả hữu đều cười). Bạn nói xem, đúng là Lưu Thiền chẳng có chút tình cảm nào?

 

 

Chúng ta vẫn có thể bàn bạc về những chuyện này. Thứ nhất, liệu có hoàng đế thời nào không có những kẻ tiêu nhân bên cạnh? Hán Văn đế có không? Hán Vũ đế có không? Bên cạnh Chiêu Liệt hoàng đế Lưu Bị lẽ nào lại không có? Ví như Pháp Chính nọ, nhiều người bảo ông ta là tiểu nhân. Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển, Phí Y, Đổng Doãn, gọi là “tứ anh”, trước sau cùng phò tá Lưu Thiền. Chính quyền Lưu Thiền chẳng phải “nội các hiền nhân” sao?

 

 

Thứ hai, cũng có thể bàn chuyện không đánh mà hàng. Trong lịch sử những kẻ không đánh mà hàng không phải chỉ có Lưu Thiền, Lưu Chương là một ví dụ. Lẽ nào Lưu Chương không đánh đã hàng là bỏ chỗ tối ra chỗ sáng, Lưu Thiền không đánh đã hàng là vứt quyền nhục nước sao? E không hợp lý chăng? Đương nhiên, Lưu Thiền và Lưu Chương có chỗ khác nhau. Lưu Chương từng nói rất rõ: hơn hai mươi năm nay cha con họ Lưu ở đất Ích châu, chưa làm được điều gì cho dân sung sướng, ngược lại trăm họ luôn khổ ải vì chiến tranh, không sao chịu nổi! Đó là sự thực. Còn Lưu Thiền không hề nghĩ như vậy. Lưu Thiền mải nghĩ tới việc sống chết của mình, nên mới định tháo chạy. Chỉ vì chạy không được nên mới đầu hàng. Vì vậy không còn gì đáng nói khi Lưu Thiền không đánh mà hàng. Nhưng việc Thục Hán mất nước không phải là trách nhiệm của một mình Lưu Thiền, không thể vì Lưu Thiền là vua mất nước mà nói tới cạn tàu ráo máng.

 

 

Thứ ba, không truy ích cho Triệu Vân là có nguyên nhân, vì lúc xưng vương, Lưu Bị chỉ phong bốn viên đại tướng: Tiền tướng quân Quan Vũ, Hữu tướng quân Trương Phi, Tả tướng quân Mã Siêu và Hậu tướng quân Hoàng Trung, không có Triệu Vân cũng không có cái gọi là “Ngũ hổ thượng tướng”. Thực tế thì cả đời Triệu Vân chưa có được “danh hiệu tướng quân”, lúc Lưu Bị còn sống, chỉ là Dực quân tướng quân, Trấn đông tướng quân, sau này vì “thất lợi ở Kỳ Cốc” nên bị giáng xuống làm Trấn quân tướng quân. Vì vậy, địa vị của Triệu Vân luôn không bằng Quan, Trương, Mã, Hoàng. Lưu Thiền truy ích cho các tướng quân quá cố là theo lệ và danh sách bốn viên đại tướng. Đó cũng là kế thừa cách làm của cha mình. Đương nhiên, như vậy là vong ân bội nghĩa, là điều làm cho Triệu Vân buồn khổ. Nhưng món nợ này phải đổ lên đầu Lưu Bị trước, không thể chỉ trách một mình Lưu Thiền. Hơn nữa cuối cùng Lưu Thiền đã truy ích cho Triệu Vân, phải nói là việc làm đúng mực, sao còn là sai lầm lớn?

 

 

Thứ tư, biểu hiện của Lưu Thiền trước Tư Mã Chiêu thực ác độc. Dù là vua mất nước cũng không nên hèn yếu như vậy, mất cả cốt cách, lòng không trung thực. Lưu Thiền hàng Ngụy được mười ba năm thì Ngô đế Tôn Hạo cũng hàng Tấn, được phong là “Quy mệnh hầu”, thấp hơn Lưu Thiền một cấp. Theo Tấn thư - Vũ đế kỷ, Tôn Hạo đến Lạc Dương lên điện bái kiến Tấn Võ đế Tư Mã Viêm. Tư Mã Viêm cho Tôn Hạo ngồi rồi nói: trẫm ngồi đây chờ túc hạ, chờ lâu rồi. Ai ngờ Tôn Hạo xuống ngựa nhưng không tháo yên, cà cuống chết đến đít vẫn còn cay, đã uốn lưỡi châm luôn, ở miền Nam thần cũng ngồi chờ bệ hạ! Người ta thường nói: tướng bại trận không dám nói cứng. Tôn Hạo là vua mất nước, đối mặt với người thắng mình vẫn cứng cỏi nhường ấy, lời nói còn có “giá trị thẩm mỹ” hơn Lưu Thiền.

 

 

Nhưng Lưu Thiền tuy hèn yếu, nhưng tuyệt không yếu trí. Lưu Thiền không có cốt cách, nhưng không phải không có cách nhìn. Nói trắng ra, Lưu Thiền vờ điên vờ ngốc. Lưu Thiền rất rõ, là vua mất nước thì mãi mãi không thể trở về, giữ được tính mạng đã là may. Lưu Thiền cũng rõ, muốn giữ được tính mạng, phải làm cho người khác hiểu mình không còn bụng dạ báo thù. Không còn tưởng nhớ nước Thục nữa. Đúng như Tam quốc chí tập giải dẫn lời Vu Thận Hành nói: “lòng nhớ Thục, (Tư Mã) Chiêu cũng không muốn nghe”. Vì vậy, Lưu Thiền cần phải tỏ ra “vui mà quên Thục”. Hơn nữa, Lưu Thiền còn phải tỏ ra, dù có lòng nhớ Thục cũng là do người khác dạy cho, còn mình chỉ học mà cũng không giống. Kết quả, khi mà “tả hữu đều cười” thì cái chức “An Lạc công” kia mới thực là “an lạc”. Câu nói: “một người trung thành” không chỉ chứng tỏ mình không nhớ Thục, còn chứng tỏ mình chẳng còn bụng dạ nào, đúng là “nhất cử lưỡng tiện”. Làm được như vậy rất khó. Nghĩ xem, sau khi Lưu Thiền nói lời mà Hí Chính đã bảo, nếu Tư Mã Chiêu không hỏi “sao mà giống lời của Hí Chính” thì sẽ thế nào đây? Điều này nói rõ, Lưu Thiền cũng bạo gan, dám cá cược thế này; phải là người có trí, mới đoán được Tư Mã Chiêu sẽ hỏi như vậy. Bất luận là thế nào, chứng tỏ Lưu Thiền không phải là bao cỏ.

 

 

Kỳ thực thì Gia Cát Lượng đã từng nói về trí lực của Lưu Thiền. Theo chú dẫn Gia Cát Lượng tập của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, trước lúc lâm chung Lưu Bị từng có di chiếu cho Lưu Thiền, nói thừa tướng cho con là “trí nhớ rất tốt”, chẳng mấy chốc sẽ “được như mong muốn”. Nếu đúng vậy thì trẫm cũng yên lòng. Gia Cát Lượng không hề bợ đỡ, Lưu Bị cũng là người hiểu biết, nên nói như vậy là có cơ sở. Hoặc có người nói: đó là Gia Cát Lượng an ủi Lưu Bị “nói không có thiện ý”. Cũng có khả năng là vậy. Nhưng dù có nói khống tới đâu cũng không phải là “trí nhớ rất tốt”. Cũng tức là nói nhiều lắm thì Lưu Thiền cũng chỉ là người bình thường, trí nhớ không tồi.

 

 


Tưởng Uyển

Sự thực thì Lưu Thiền không phải là người không có đầu óc. Trong bài Lưu Thiền và Gia Cát Lượng, ngài Doãn Vận Công đã nêu hai sự kiện để nói rõ điều này. Sự kiện thứ nhất, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiền không cắt cử thừa tướng để khỏi mất đại quyền lần nữa. Cách làm của Lưu Thiền cũng rất tinh tế. Năm Kiến Hưng thứ XII (Công nguyên năm 234), Lưu Thiền để Tưởng Uyển là Thượng thư lệnh, thay Gia Cát Lượng “quán xuyến việc nước”. Tháng tư năm Kiến Hưng thứ XIII (Công nguyên năm 235), cử Tưởng Uyển là Đại tướng quân, Lục thượng thư sự, khôi phục chế độ sau Hán Vũ đế. Năm Diên Hi thứ II (Công nguyên năm 239), cử Tưởng Uyển là Đại tư mã. Năm Diên An thứ VI (Công nguyên năm 243), cử Thượng thư lệnh Phí Y là Đại tướng quân, còn là Lục thượng thư sự. Đại tư mã Tưởng Uyển quản về hành chính, kiêm quản quân sự. Đại tướng quân Phí Y quản về quân sự, kiêm quản hành chính. Hai vị đại thần quyền lực giao nhau, khắc chế lẫn nhau, trách nhiệm nặng nề. Cung cách sắp đặt chức quyền, phân phối quyền lực sáng suốt như vậy, phải chăng một người kém cỏi có thể nghĩ ra? Hơn nữa, theo chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Hậu chủ truyện, năm Diên Hi thứ IX (Công nguyên năm 246), sau lúc Tưởng Uyển qua đời, Lưu Thiền “tự nắm việc nước”. Đoạt lại quyền lực của vua trong tay quyền thần phò tá một cách nhẹ nhàng như vậy, đâu phải là việc làm của người kém cỏi?

 

 


Tượng Phí Y tại phố cổ Chiêu Hoa,
 một di tích lịch sử nổi tiếng ở Quảng Nguyên, Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Sự kiện thứ hai là: tháng sáu, Diên Hi năm đầu (Công nguyên năm 238), Tư Mã Ý dẫn quân tới Liêu Đông đánh Công Tôn Uyên. Dưới con mắt người Thục lúc đó, đây là cơ hội Bắc phạt có lợi. Nhưng Lưu Thiền lại có lệnh cho Tưởng Uyển một cách bình tĩnh và khách quan. Trong Tam quốc chí - Tưởng Uyển truyện, Lưu Thiền nói: năm đó Trần Thắng, Ngô Quảng đã khởi nghĩa dấy lên làn sóng phản Tào khắp trong ba quận ở Liêu Đông! Xem ra trời xanh đã muốn hủy diệt Tào Ngụy rồi. Mong ái khanh chuẩn bị hành trang, thống lĩnh ba quân tiến vào Hán Trung. Chờ khi quân Ngô bắt đầu hành động (bên Ngô cử động), đông tây hai mặt cùng ứng hợp (đông tây ở thế ỷ giốc) và khi nội bộ nước Ngụy xuất hiện vấn đề là có thế bắt đầu tấn công (thừa dịp chúng sơ hở). Tốt nhất là chờ “bên Ngô cử động, đông tây ở thế ỷ giốc, thừa cơ địch sơ hở”! Thực ra đây là lời cảnh giới Tưởng Uyển, không nên khinh xuất, manh động, kẻo lại rơi vào vết xe đổ người đi trước, vất vả mà chẳng ăn thua gì. Người kém cỏi lại biết vậy sao? Không!

 

 

Từ đó cho thấy, Lưu Thiền không hề kém cỏi như mọi người từng nghĩ. Sở dĩ Lưu Thiền phải tỏ ra kém cỏi bởi vì đất nước (Lưu Bị, Gia Cát Lượng) và đối thủ (Tôn Quyền, Tư Mã Ý) quá mạnh, vả mình chỉ là vua mất nước. Nếu là thời bình, thiên hạ là một thì Lưu Thiền rất có thể là “vị vua giữ thành” rất tốt.

 

 

Lúc này chúng ta lại cần phải hỏi tiếp: vì sao Gia Cát Lượng lại độc chiếm đại quyền, không chịu hoàn trả cho vua?

 

 

Một cách nói là, Lưu Thiền chưa có kinh nghiệm chấp chính. Như trong chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Hậu chủ truyện, nói: Gia Cát Lượng “nắm quyền trong ngoài, vì sợ Thiền chưa quen chấp chính”. Quen giống như thuần thục. Gọi là “chưa quen” cũng tức là chưa quen thuộc. Lưu Thiền chưa từng làm hoàng đế, đương nhiên là chưa quen với công việc hành chính. Vậy, nếu “quen” thì sao? Hơn nữa, không để Lưu Thiền thực tập, thực hành cụ thể thì “quen” thế nào được? Vì vậy, lời nói đó không hợp lý, hoặc đó chỉ là lời giải thích không mấy thuyết phục.

 

 

Tôi đoán, có thể có ba nguyên nhân khiến Gia Cát Lượng làm như vậy.

 

 

Một là “buổi đầu nhà Hán, vua giả tướng thật”. Trong cuốn Đế quốc đích trù trướng, tôi từng nói, trong lịch sử Trung Hoa đế quốc cơ cấu chính quyền trung ương buổi đầu thời Tây Hán là cơ cấu tốt nhất. Điều hợp lí nhất là phân chia thành “cung đình” và “triều đình” hoặc “hoàng quyền” và “tướng quyền”. Hoàng đế là nguyên thủ quốc gia, tượng trưng cho việc thống nhất đất nước; tể tướng là đầu não của chính phủ cùng các quan quản lý quốc gia, chịu trách nhiệm thực tế về mọi mặt chính trị. Hoàng đế cầm quyền nhưng không phụ trách, tể tướng phụ trách nhưng lại không có chủ quyền, một khi đất nước có chuyện, hoàng đế với danh nghĩa là người cầm quyền có thể trách vấn tể tướng và chính phủ, tể tướng và chính phủ cũng không thể không thừa nhận trách nhiệm chính trị. Như vậy, chính phủ do tể tướng cầm đầu có khả năng trở thành “nội các có trách nhiệm” hoặc “chính phủ bị trách vấn”. Giai đoạn mà Gia Cát Lượng chủ chính trong chính quyền Thục Hán là như vậy. Xuất sư biểu nói: “Xin bệ hạ cho thần đi đánh giặc để phục hưng; nếu không kết quả sẽ trị tội thần, bẩm cáo với tiên đế”. Như vậy là tốt nhất, vừa được “nắm quyền” vừa được “trách vấn”. Ngược lại, hoàng đế thân chính là không hay. Hoàng đế tự mình nắm quyền lại tự mình thân chính thì một khi đất nước có chuyện thì không có người phụ trách, không biết trách vấn ai, như vậy là không hay. Vì vậy cần phải “vua ngồi đấy tướng làm việc”, như Lưu Thiền từng nói: “chính, do họ Cát, tế, do quả nhân”. Tiếc rằng, Gia Cát Lượng vừa tạ thế thì người mất, chính nghỉ. Phải nói là rất đáng tiếc.

 

 

Hai là “đường xa việc nặng, không dám rời tay”. Xuất sư biểu nói: “tiên đế biết thần thận trọng, trước khi băng hà đã giao việc lớn. Từ lúc nhận lệnh ngày đêm lo nghĩ, chỉ e việc giao không thành, phương hại đến sự sáng suốt của Tiên đế”. Đây là lời thực, Gia Cát Lượng là người rất có trách nhiệm. Sợ việc làm không tốt, Gia Cát Lượng không yên tâm với người khác. Thà chịu mệt mỏi, không chịu buông tay. Có thể trong mắt Gia Cát Lượng, Lưu Thiền chỉ là đứa trẻ, sao có thể phó thác đất nước cho Lưu Thiền?

 

 

Ba là “trong ngoài đầy khó khăn, nguy cơ từ bốn phía”. “Xuất sư biểu” nói: “Thiên hạ chia ba, Ích châu mệt mỏi, nguy cấp tồn vong đang cận kề”. Đây cũng là lời thực. Lúc Gia Cát Lượng tiếp quản toàn bộ chính quyền Thục, nước Thục có nhiều khó khăn. Bắc có Tào Ngụy, đông có Đông Ngô, bề ngoài thì nội bộ chính quyền Thục Hán là hòa thuận, nhưng thực tế thì có nhiều mâu thuẫn nặng nề. Chính vì nhiều mối mâu thuẫn phức tạp nặng nề đó, Gia Cát Lượng bị áp lực lớn, cần phải thận trọng tỉ mỉ xử lý quan hệ giữa mình và đồng liêu, giải quyết nhiều vấn đề gay gắt căng thẳng. Và cũng chỉ có Gia Cát Lượng mới có thể xử lý tốt. E đó cũng là một trong số nguyên nhân khiến Gia Cát Lượng không thể dễ dàng trả lại chính quyền cho vua.

 

 

Vậy, trong nội bộ chính quyền Thục Hán có những mâu thuẫn gì? Điều cốt lõi ở đó là thế nào? Gia Cát Lượng đã giải quyết ra sao?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét