Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

NƯỚC LỬA KHÓ DUNG

 


Lý  Nghiêm

Tập thứ ba mươi tám: NƯỚC LỬA KHÓ DUNG

Tác giả Dịch Trung Thiên

Trước lúc bệnh và qua đời ở cung Vĩnh An, Lưu Bị đã sắp đặt một cơ cấu phò thân “Lượng chánh, Nghiêm phó”, rồi gửi con cho Gia Cát Lượng với Thượng thư lệnh Lý Nghiêm là phó. Nhưng, sau khi Lưu Bị mất, Lý Nghiêm không thể có được tác dụng của phò thần. Ngược lại, tám năm sau, Lý Nghiêm bị phế truất và lưu đầy. Vì sao Gia Cát Lượng phải làm như vậy? Đằng sau quyết định cứng rắn đó có nguyên nhân sâu xa nào về mặt chính trị không?

 

 

Tập trước chúng ta nói tới quan hệ quân thần giữa Gia Cát Lượng và Lưu Thiền, tập này nói việc Gia Cát Lượng xử lý mối quan hệ thứ hai: quan hệ với đồng liêu. Ở nước Thục, Gia Cát Lượng có rất nhiều đồng liêu, nhưng Lý Nghiêm là người quan trọng nhất. Vì sao? Vì đều là cố mệnh, đều nhận di chiếu. Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, trước lúc lâm chung, Lưu Bị từng “gửi con cho thừa tướng Lượng, với Thượng thư lệnh Lý Nghiêm là phó”. Lý Nghiêm truyện cũng nói: Lý Nghiêm “cùng thừa tướng Lượng nhận di chiếu phò tá thiếu chúa”, hơn nữa Lưu Bị còn “để Nghiêm là Trung đô hộ, coi việc quân trong ngoài, lưu giữ Vĩnh An”. Cách sắp đặt này, giống hệt như tình hình sau lúc Tôn Sách qua đời. Theo Trương Chiêu truyện và Chu Du truyện trong Tam quốc chí, trước lúc lâm chung Tôn Sách từng gửi con cho Trương Chiêu, Chu Du cũng “là Trung hộ quân cùng nắm quyền với Trưởng sử Trương Chiêu”. Gia Cát Lượng nhận chức thừa tướng và Trương Chiêu nhận chức Trưởng sử đều là quan văn hoặc là trưởng quan hành chính; Lý Nghiêm nhận chức Trung đô hộ và Chu Du nhận chức Trung hộ quân đều là quan võ hoặc trưởng quan quân sự. Chu Du và Trương Chiêu “cùng nắm quyền”, Lý Nghiêm và Khổng Minh “cùng nhận di chiếu”, một văn một võ, một chánh một phó, thực giống hệt nhau! Ở đây nói lên điều gì? Nói rằng, trong mắt Lưu Bị, Lý Nghiêm tức là Chu Du hoặc hy vọng Lý Nghiêm sẽ là Chu Du.

 

 

Vậy, Lý Nghiêm có được tác dụng như Chu Du không?

 

 

Không. Lý Nghiêm không những không thể cùng Gia Cát Lượng phò tá Lưu Thiền, ngược lại tám năm sau khi Lưu Bị qua đời còn bị phế truất, thân bại danh liệt. Điều đó khác hẳn với tình hình của Chu Du và cũng là nghi án còn lưu lại trong lịch sử. Ở đây, chúng ta sẽ nói tới nghi án này. Bởi vậy, chúng ta cần nói tới quá trình Lý Nghiêm bị phế truất.

 

 

Theo Tam quốc chí - Lý Nghiêm truyện, nói chung sự việc là thế này: Thục Hán năm Kiến Hưng thứ IX (Công nguyên năm 231), bốn lần Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn, bắc phạt Tào Ngụy, Lý Nghiêm lo việc vận chuyển lương thực. Lúc này Lý Nghiêm đã đổi tên là Lý Bình (để tiện cho độc giả chúng ta vẫn gọi là Lý Nghiêm), với danh phận là Trung đô hộ, thay thừa tướng lo việc ở tướng phủ, trong đó có việc lo vận chuyển lương thảo. Tiếc là vận khí Lý Nghiêm rất kém. Lúc này đã gần hết hạ sang thu, mưa to gió lớn, không có cách gì để quân lương ra tiền phương đúng hạn. Thế rồi, Lý Nghiêm cử người ra nói rõ tình hình và suy nghĩ của mình, mong Gia Cát Lượng hồi quân (mong Lượng trở về), Gia Cát Lượng đồng ý (thừa tướng lui quân). Nhưng lúc tin tức lui quân truyền về, Lý Nghiêm lại vờ kỳ lạ: ái chà, quân lương đầy đủ thế, sao lại lui quân (quân lương sung túc, cớ chi lại về)? Sau đó còn dâng biểu lên Lưu Thiền nói: Gia Cát Lượng triệt quân là “vờ lui”, mục đích là dụ địch vào sâu (dụ địch để đánh). Đương nhiên là sai sự thực, mọi người hoài nghi. Gia Cát Lượng chỉ còn cách bỏ hết thư tín, bút tích trước sau của Lý Nghiêm ra cho mọi người xem (đưa hết thư tín, bút tích trước sau ra). Lý Nghiêm không còn gì để nói nữa (tất cả đều hết), đành phải cúi đầu nhận tội (cúi đầu tạ tội).

 

 

Đó là toàn bộ câu chuyện Lý Nghiêm bị phế bỏ, những người hiểu biết tỏ ý nghi ngờ các tình tiết đó. 1- Động cơ phạm tội không rõ ràng. Tam quốc chí nói: Lý Nghiêm thoái thác trách nhiệm (giải thích việc mình không làm) và đổ vạ cho người khác (Lượng có tội không tiến quân). Ý trước nghe còn được, nhưng ý sau có vấn đề. Văn biểu của Lý Nghiêm nói rất rõ, Gia Cát Lượng triệt quân để “dụ địch để đánh”. Rõ ràng là dụ địch vào sâu lấy thoái để tiến, sao có thể là “Lượng có tội không tiến quân”? 2- Cách thức đổ tội cho người khác kém cỏi. Nếu Lý Nghiêm muốn hãm hại Gia Cát Lượng, sao có thể nói năng tiền hậu bất nhất, còn lưu lại bao nhiêu chứng cứ. Một người thông minh như Lý Nghiêm há lại không biết Gia Cát Lượng sẽ “đưa hết thư tín, bút tích trước sau ra”? 3- Đây chỉ là những lời từ một phía. Chúng ta đều rõ, thời Thục Hán không có Sử quan, cũng không có người biên văn tập cho Lý Nghiêm. Vì vậy, Lý Nghiêm nghĩ gì, nói gì, chúng ta không thể biết. Có điều, như trong Lý Nghiêm hưng phế và cách dùng người của Gia Cát Lượng giáo sư Điền Dư Khánh đại học Bắc Kinh đã nói: Trong câu chuyện trên “Quá ư xằng bậy, không như thường tình”, không giống với hành vi của Lý Nghiêm. Vì vậy, ngài Điền cho rằng: “Ở đó có thể còn có vấn đề khác”.

 

 

Đương nhiên là có vấn đề khác. Nền chính trị thời cổ Trung Quốc là nền chính trị bí mật còn ẩn giấu nhiều điều. Những tài liệu đã công bố thường không nói rõ được chân tướng sự việc, thậm chí còn che giấu nhiều sự thực khác. Như bức thư của Phục Hoàng hậu, tôi ngờ rằng có thể do Tào Tháo tạo ra. Đương nhiên, Gia Cát Lượng không thể ngụy tạo ra thư của Lý Nghiêm, nhưng không có nghĩa “tội hành” và “tội chứng” của Lý Nghiêm chỉ dựa vào mấy bức thư đó. Cũng tức là khẳng định Lý Nghiêm có vấn đề và vấn đề không đơn giản như vậy. Nhưng điều đó không quan trọng. 1- Lý Nghiêm “tất cả đã hết, cúi đầu tạ tội”. Điều đó nói rõ, chí ít Gia Cát Lượng đã nắm được thóp của Lý Nghiêm. 2- Quần thần ủng hộ. Theo chú dẫn của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Lý Nghiêm truyện, lúc Gia Cát Lượng dâng thư, có tới hơn hai mươi người khác liên danh, trong số đó có Ngụy Diên, Dương Nghi, Đặng Chi, Lưu Ba, Phí Y; Khương Duy. Thế rồi Lý Nghiêm bị phế truất xuống làm dân thường, lưu đày đến Tử Đồng (tên quận, nhiệm sở tại huyện Tử Đồng, Tứ Xuyên ngày nay). Ba năm sau, tức là vào thời Thục Hán năm Kiến Hưng thứ XII (Công nguyên năm 234), nghe nói Gia Cát Lượng tạ thế, Lý Nghiêm cũng phát bệnh mà chết.

 

 

Lý Nghiêm bị phế, rõ ràng là sự kiện lớn đối với chính quyền Thục Hán, và băng dày ba thước không phải cái lạnh của một ngày. Cũng tức là nói: Gia Cát Lượng từ lâu đã muốn giải quyết vấn đề Lý Nghiêm. Việc lần này là thêm vào một cơ hội mà thôi. Vì vậy, chúng ta lại muốn hỏi: vì sao Gia Cát Lượng phải phế bỏ Lý Nghiêm?

 

 

Có hai quan điểm. Một quan điểm cho rằng, Lý Nghiêm bị phế vì muốn tranh quyền đoạt lợi, tự chuốc họa diệt vong. Quan điểm khác lại nói, Gia Cát Lượng giở trò quyền thuật bài xích người khác nhau. Hai chiếc đinh nhọn đối đầu nhau. Trước hết chúng ta cần phải làm rõ mọi tình huống.

 

 

Tình huống nói chung là thế này. Theo Gia Cát Lượng truyện và Lý Nghiêm truyện trong Tam quốc chí, sau lúc được triệu về Vĩnh An nhận lời gửi con của Lưu Bị, Gia Cát Lượng trở về Thành Đô, Lý Nghiêm lưu giữ Vĩnh An. Lưu Thiền kế vị, phong Gia Cát Lượng là Võ Hương hầu, Lý Nghiêm là Đô Hương hầu. Gia Cát Lượng khai phủ làm việc, lĩnh Ích châu mục; Lý Nghiêm có giá tiết (có thượng phương bảo kiếm) thêm hàm Quang lộc huân (Vệ đội trưởng cung đình). Năm Kiến Hưng thứ IV (Công nguyên năm 226), Lý Nghiêm từ Phò Hán tướng quân thăng lên Tiền tướng quân. Phò Hán tướng quân là “Tạp hiệu tướng quân”, cấp bậc thấp. Tiền tướng quân là “danh hiệu tướng quân” cấp bậc tương đối cao. Hơn nữa, Quan Vũ từng đảm nhiệm qua chức vụ này, có thể nói Lý Nghiêm càng thêm mát mặt. Năm Kiến Hưng thứ VIII (Công nguyên năm 230), Lý Nghiêm lại từ Tiền tướng quân thăng lên Phiêu Kỵ tướng quân. Theo chú dẫn Hậu Hán thư - Bách quan chí, trong số các tướng quân thứ bậc từ cao đến thấp là, Đại tướng quân, Phiêu Kỵ tướng quân, Xa Kỵ tướng quân, Vệ tướng quân và Phiêu Kỵ tướng quân “xếp sau thừa tướng”; Xa Kỵ tướng quân, Vệ tướng quân rồi Tiền, Hậu, Tả, Hữu tướng quân “xếp sau thượng khanh”. Lý Nghiêm từ Tiền tướng quân thăng làm Phiêu Kỵ tướng quân, địa vị được tăng thêm một bậc. Hơn nữa, người con là Lý Phong còn được là Giang Châu đô đốc, thống soái quân đội Giang Châu.

 

 

Vậy thì ở đây có vấn đề gì?

 

 

Nhìn bề ngoài thì thấy, Lý Nghiêm đang từng bước lên cao. Nhưng so với Gia Cát Lượng thì mọi mặt đều không bằng. Trước hết, Gia Cát Lượng trong triều, Lý Nghiêm ở ngoài. Gia Cát Lượng ở gần vua, nắm việc triều chính, bất kể lớn bé, Gia Cát Lượng lo liệu mọi việc (chính sự bất kể là lớn bé đều do Lượng quyết), Lý Nghiêm không thể thêm, bớt được một lời nào, vì Lý Nghiêm lưu giữ Vĩnh An (Phụng Tiết ngày nay), về sau lại dời đến Giang Châu (Trùng Khánh ngày nay), có thể nói luôn ở xa trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực. Điểu này thật bất lợi cho Lý Nghiêm. Ở xa Thành Đô, Lý Nghiêm không được tham gia triều chính, khó lòng phò tá thiếu chúa, tách khỏi quan hệ quan trường, không còn cơ hội để tự thể hiện. Việc Nam chinh Bắc chiến Lý Nghiêm không biết, việc tuyển chọn nhân tài Lý Nghiêm cũng không có phần; hết đường gần gũi với người trên kẻ dưới, mất hết khả năng nêu danh tỏ chí. Theo cách nói ngày nay, Lý Nghiêm có nguy cơ bị “gạt ra rìa”. Sau này trong cuộc đấu tranh nơi quan trường Lý Nghiêm lại thất bại, không thể nói đó không phải là một nguyên nhân tiềm ẩn.

 

 

Ở đây như có một câu đố, vì sao Lý Nghiêm không vào triều? Lý Nghiêm không muốn hay Gia Cát Lượng không cho? Sau lúc gửi con, Gia Cát Lượng trở về Thành Đô nắm giữ triều chính, Lý Nghiêm lưu giữ Vĩnh An, trấn thủ biên quan. Xét từ câu nói “để Nghiêm là Trung Đô hộ, lo việc quân trong ngoài, lưu giữ Vĩnh An thì đây là sự sắp đặt của Lưu Bị. Vậy, vì sao Lưu Bị lại sắp đặt như thế? Là sự sắp đặt tạm thời hay lâu dài? Nếu là tạm thời thì vì sao sau này không thay đổi? Nếu là lâu dài thì Lưu Bị đã suy nghĩ những gì? Tiếc là, chúng ta không thể biết về những điều này.

 

 

Điều có thể khẳng định là, tuy đều là cố mệnh đại thần nhưng về nhiều mặt, Lý Nghiêm không thể bằng Gia Cát Lượng. Ví dụ, Gia Cát Lượng có đầy đủ cơ quan hành chính, hệ thống quan lại của riêng mình (khai phủ làm việc), Lý Nghiêm không có; Gia Cát Lượng kiêm nhiệm quan viên địa phương (lĩnh Ích châu mục), Lý Nghiêm không thể. Thêm nữa, một người trong triều, một người ở ngoài, rõ ràng Lý Nghiêm không sao sánh kịp. Điều này sẽ dẫn tới bất bình. Có thể Lý Nghiêm đã nghĩ, ngài là chánh cố mệnh đại thần có thể kiêm nhiệm Châu mục, còn ta là phó sao không là thứ sử? Nhưng lúc bấy giờ Thục Hán mới chỉ có một châu là Ích châu và trong một châu thì không thể vừa có châu mục vừa có thứ sử. Nhưng rồi Lý Nghiêm cũng có cách. Theo Tam quốc chí - Lý Nghiêm truyện và Hoa Dương quốc chí, sau khi dời về Giang Châu, Lý Nghiêm từng đề xuất với triều đình, lấy Giang Châu làm trung tâm chia thành năm quận, ngoài ra thành lập Ba châu, tự mình là thứ sử, kết quả “thừa tướng Gia Cát Lượng không theo”. Đương nhiên, Lý Nghiêm sẽ rất buồn. Mấy năm sau, Lý Nghiêm lại xin được khai phủ. Lý do rất chính đáng: thời Tào Ngụy, có bốn vị cố mệnh đại thần được nhận di chiếu của Ngụy Văn đế Tào Phi, cùng nhau phò tá Ngụy Minh đế Tào Duệ, cả bốn vị Tào Chân, Trần Quần, Tào Hưu, Tư Mã Ý đều được khai phủ. Kết quả, yêu cầu này cũng bị từ chối. Có điều, Gia Cát Lượng cũng bù đắp cho Lý Nghiêm, bằng cách cắt cử Lý Phong - con của Lý Nghiêm, chức Giang Châu đô đốc, nâng cao mức đãi ngộ (bồi bổ cao hơn).

 

 

Đại thể mối quan hệ giữa Lý Nghiêm và Gia Cát Lượng là như vậy. Từ đó, một số nhà sử học cho rằng, Lý Nghiêm tự mình đã chuốc lấy họa bị phế truất. Vì sao? Lý Nghiêm thân là cố mệnh đại thần nhưng chưa bày mưu vạch kế xây dựng đất nước, cũng chưa hề vào sinh ra tử bảo vệ đất nước, chỉ thấy mưu lợi, tranh quyền đoạt thế bằng mọi thủ đoạn. Ví dụ, Lý Nghiêm “cầu lấy năm quận, thứ sử Ba châu” là lúc nào? Vào thời Thục Hán năm Kiến Hưng thứ V (Công nguyên năm 227). Lúc này, Ngụy Văn đế Tào Phi vừa tạ thế, Ngụy Minh đế Tào Duệ lên kế vị. Nhân dịp đó, Gia Cát Lượng muốn Bắc phạt, điều quân Lý Nghiêm vào Hán Trung, Lý Nghiêm nhận lệnh và cứ kéo dài, lần lữa, còn yêu cầu vạch ra năm quận, lập Ba châu, để mình làm thứ sử. Như vậy nếu không phải là mặc cả thì là gì? Năm Kiến Hưng thứ VIII (Công nguyên năm 230), Gia Cát Lượng chuẩn bị đi về hướng tây ra Kỳ Sơn, muốn để Lý Nghiêm trấn thủ Hán Trung. Nhân đó, Lý Nghiêm nói chuyện Tư Mã Ý và những người khác khai phủ, thực ra là mượn Tư Mã Ý để nói mình. Như vậy chẳng phải ỷ thế mưu đổ tư lợi thì là gì?

 

 

Theo chú dẫn Gia Cát Lượng tập của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Lý Nghiêm truyện thì đây mới là điều nghiêm trọng. Trước đó, Lý Nghiêm từng có thư cho Gia Cát Lượng, khuyên “lúc nhận cửu tích, nên tiến tước xưng vương”, nhưng đã bị cự tuyệt. Vì sao Lý Nghiêm lại bừa bãi muốn Gia Cát Lượng xưng vương? Có khả năng muốn làm quan, nên khích lệ người khác làm quan trước. Khả năng nữa là, muốn đẩy Khổng Minh vào chỗ bất nghĩa. Chúng ta đã nói ở tập trước, quyền lực địa vị của Gia Cát Lượng lúc này ngang như Tào Tháo năm đó. Tào Tháo tước phong Huyện hầu (Võ Bình hầu), quan là thừa tướng, khai phủ làm việc, kiêm lĩnh châu mục (Ký châu mục). Gia Cát Lượng cũng là tước phong Huyện hầu (Võ Hương hầu), quan là thừa tướng, khai phủ làm việc, tiến tước xưng vương thì có khác gì Tào Tháo lúc trước. Dù là khả năng nào thì rõ ràng ý của Lý Nghiêm là không tốt.

 

 

Từ đó mà xét, nhân phẩm của Lý Nghiêm thật đáng ngờ. Vì vậy, trong Gia Cát Lượng truyện của ngài Từ Minh Hiệp từng nói: Lý Nghiêm “hoàn toàn là kẻ gian trá tư lợi, nham hiểm tàn nhẫn, không coi trọng việc nước”. Bị phế truất là điều không thể tránh khỏi.

 

 

Có điều còn có hai cách nói về việc này. Thứ nhất, nói Lý Nghiêm tự tư tự lợi (muốn lo việc nhà), lạm ban ân huệ (dù là ân nhỏ), lo đường danh dự (an phận cầu danh), không coi trọng việc nước (không lo quốc sự) chỉ là tiếng nói từ phía Gia Cát Lượng, không có căn cứ. Thứ hai, Lý Nghiêm không có tác dụng của phò thần, vì Lý Nghiêm không có mặt ở triều đình, không đủ sức, trách sao được. Thứ ba, Lý Nghiêm muốn làm thứ sử, muốn khai phủ, không thể nói đơn giản là tranh quyền đoạt lợi, chạy chọt làm quan. Bởi vì quyền lực, địa vị và đãi ngộ giữa hai vị “phó cố mệnh đại thần” và “chánh cố mệnh đại thần” có một khoảng cách quá xa. Vì vậy, trong bài Lý Nghiêm bị phế, ngài Doãn Vận Công cho rằng, Lý Nghiêm “quang minh chính đại, thẳng thắn bộc trực”, lên tiếng đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình; vì thế mà Lý Nghiêm đã có những suy nghĩ chẳng ra gì, khuyên Gia Cát Lượng “nhân nhận cửu tích, tiến tước xưng vương”. Theo ngài Doãn, Lý Nghiêm làm vậy là “có ý đẩy Gia Cát Lượng vào chỗ khó xử”. Kết quả, Gia Cát Lượng “lấy làm lo ngại”, phải nhanh chóng có thư tỏ rõ lòng mình. Gia Cát Lượng nói: nếu diệt xong Tào Ngụy, giết chết Tào Duệ, sẽ cùng các vị nhận phong, dẫu mười lần ban thưởng tôi cũng dám xin nhận, chứ huống gì chín lần (dù là thập mệnh cũng nhận, huống chi chín). Lời nói thực mạnh mẽ đại nghĩa, nhưng đã phạm vào điều cấm kỵ. Thế nào là “Thập mệnh cũng nhận”? Tào Tháo chỉ vì nhận chín mệnh đã bị người đời chửi cho gần chết; nếu đúng là Gia Cát Lượng sẽ nhận thập mệnh thì sẽ thế nào đây?

 

 

Từ đó mới thấy Lý Nghiêm sốt ruột đến chừng nào. Xét từ góc độ những người tán thành Gia Cát Lượng thì đó là sự “tiến công điên cuồng”. Nhưng xét từ góc độ người tán thành Lý Nghiêm thì đó chỉ là “hành động vì quyền”. Ngài Doãn Vận Công cho rằng, Lý Nghiêm đã biết Gia Cát Lượng “không coi vị đồng sự được gửi con này ra gì”, luôn “bài xích, áp chế lạnh nhạt”. Một phó thủ như Lý Nghiêm luôn luôn “bị phản kích”, đương nhiên Lý Nghiêm sẽ “tỏ ra mạnh mẽ, không phục không theo, tìm cơ hội phản kích lại”.

 

 

Cũng có thể có người hỏi: vì sao Gia Cát Lượng không thể cho Lý Nghiêm một ít quyền lực? Ngài Doãn Vận Công cho rằng, vì Gia Cát Lượng là “một chính trị gia muốn có quyền lực cao nhất”. Tác phong của Gia Cát Lượng là “quyền lớn độc chiếm, quyền nhỏ không phân chia” (đúng là “chính sự dù lớn bé, đều do Lượng quyết”). Cho dù là người cùng được gửi con cũng phải cách xa ra, còn Lý Nghiêm lại không chịu được cảnh đó. Bi kịch của Lý Nghiêm chính ở chỗ không muốn là một cố mệnh đại thần hữu danh vô thực. Còn “Gia Cát Lượng, người say mê quyền lực” lại “không hề muốn người khác dính vào quyền lực tối cao”, vì vậy mới là nước lửa không thể dung. Kết quả, “người giỏi chơi trò quyền lực như Gia Cát Lượng” đã tóm đúng “sơ hở của Lý Nghiêm”, ra tay cho Lý Nghiêm đo ván, không gượng dậy nổi.

 

 

Thế là lúc này chúng ta đã có hai ý kiến khác nhau rõ rệt. Theo ngài Từ Minh Hiệp đại diện các nhà sử học thì thực chất cuộc đấu tranh giữa Nghiêm Lượng là, Lý Nghiêm tiến công điên cuồng nhằm tranh quyền đoạt lợi, Gia Cát Lượng xét về toàn cục thì cái gì có thể nhường đã nhường. Nhưng cuộc đấu tranh đó lại diễn ra theo một đường vòng: tấn công, nhường nhịn; lại tấn công, lại nhường nhịn; cho tới lúc Lý Nghiêm tự chuốc họa vào thân. Ngược lại, theo ngài Doãn Vận Công đại diện các sử gia khác, thực chất cuộc đấu tranh giữa Nghiêm Lượng, là Gia Cát Lượng say mê quyền lực, áp chế đồng sự, Lý Nghiêm theo lý về quyền lực, ra sức chống lại. Cuộc đấu tranh đó diễn ra theo đường vòng: áp chế, chống áp chế; lại áp chế, lại chống áp chế, tận khi Lý Nghiêm ra quân bất lợi dẫn tới máu chảy đầu rơi.

 

 

Xem ra điều này thực thú vị.

 

 

Từ Minh Hiệp và Doãn Vận Công là hai sử gia nghiêm túc, tài liệu họ dùng đều có ghi chép trong chính sử, những điều họ nói không phải là không có lý, nhưng hai kết luận của họ lại khác hẳn nhau. Điều này nói lên cái gì? Nói lên rằng, đem nhân phẩm đạo đức của con người mà xét sự kiện lịch sử là không đúng. Lấy việc để nói việc cũng không được. Chúng ta đều biết, ngòi lửa dẫn đến những cuộc đấu tranh về chính trị thường là những sự việc nhỏ. Sự việc nhỏ dẫn đến sự kiện lớn, đằng sau nó phải có nguyên nhân lớn. Huống hồ Gia Cát Lượng là nhà chính trị lớn, người đứng đầu chính quyền Thục Hán tất phải nghĩ đến đại cục, toàn cục. Vì vậy, nhận định Lý Nghiêm là tiểu nhân là “phần tử ghê gớm”, coi cuộc đấu tranh giữa Lý Nghiêm và Gia Cát Lượng là việc tranh giành giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân cũng là cách nhìn xem nhẹ Gia Cát Lượng. Huống hồ cũng khó nói: Lý Nghiêm là tiểu nhân hay không?

 

 

Vậy, đại cục mà Gia Cát Lượng nghĩ tới là cái gì?

 

 

Muốn hiểu điều này, phải ngược lên lúc Lưu Bị gửi con. Cũng tức là nói: vì sao lúc gửi con, Lưu Bị phải sắp xếp Lý Nghiêm, một nhân vật được ngài Doãn Vận Công coi là “cây vĩ cầm số hai”? Ai cũng biết, Lưu Bị là “thiên hạ kiêu hùng”, một đời chinh chiến, hiểu rộng biết nhiều, suy nghĩ chu toàn. Việc sắp đặt của Lưu Bị không thể là sự bồng bột chốc lát, mà là sự suy nghĩ sâu xa. Vấn đề ở chỗ: Lưu Bị đã suy nghĩ những gì?

 

 

Ngài Điền Dư Khánh trả lời là mầm họa tiềm ẩn từ bên trong. Cuốn Thục sử tứ đề của ngài Điền cho rằng sắp đặt gửi con “Lượng chánh, Nghiêm phó” là nhằm tiêu trừ mầm họa, củng cố chính quyền; mầm họa tiềm ẩn lớn nhất của chính quyền Thục Hán không phải là Tào Ngụy, Tôn Ngô, mà là nội bộ chính quyền Thục Hán. Chính vì mâu thuẫn nội bộ này mà Lưu Bị phải gửi con một cách khác thường.

 

 


Tượng Gia Cát Lượng trong Vũ Hầu Từ

Thế là chúng ta lại phải hỏi: Đúng như vậy sao?

 

 

Đúng. Chúng ta đều rõ, từ ba thế lực chính trị, Lưu Bị đã xây dựng nên vương triều Thục Hán hoặc chính quyền Thục Hán. Nhóm thứ nhất là “thế lực tại chỗ”, bao gồm các quan viên ở Ích châu, ở Lạc Dương, các hào kiệt địa phương, chúng ta gọi chung là “tập đoàn Ích châu”. Nhóm thứ hai, “bộ cũ của Lưu Chương” gồm những người theo cha con Lưu Yên vào Thục và những người sau này của Lưu Chương, chúng ta gọi chung là “tập đoàn Đông Châu”. Nhóm thứ ba là “thân tín của Lưu Bị”, bao gồm những cốt cán (như Quan Vũ, Trương Phi) của Lưu Bị và những người sau này theo Lưu Bị (như Mã Siêu), chúng ta gọi chung là “tập đoàn Kinh châu”. Ba nhóm thế lực này, hình thành mối quan hệ đến trước sau, hình thành những mâu thuẫn chủ khách, mới cũ vô cùng phức tạp. Lúc cha con Lưu Yên vào Thục, tập đoàn Ích châu là chủ là cũ; tập đoàn Đông Châu là khách, là mới. Chủ khách, mới cũ đã từng gặp nhau bằng đao bằng kiếm. Sau khi Lưu Bị vào Thục, quan hệ đã thay đổi. Tập đoàn Đông Châu vốn là khách, là mới, nay trở thành chủ, thành cũ. Mâu thuẫn giữa chủ khách, mới cũ đã biến thành mâu thuẫn giữa tập đoàn Kinh châu và Ích châu, giữa Đông Châu và Ích châu vẫn luôn luôn tồn tại. Chính quyền Thục Hán của Lưu Bị được xây dựng trên ba mối mâu thuẫn nặng nề đó, rõ ràng không phải là việc dễ chơi.

 

 

Càng không dễ chơi là việc Lưu Bị thảm bại ở Khiếu Đình và Di Lăng khiến một số kẻ xuẩn ngốc vốn bất mãn từ trước bắt đầu manh động. Theo Hoa Dương quốc chí, sau khi Lưu Bị bại trận lui về Vĩnh An, tháng mười một sinh bệnh, tháng mười hai Hán gia Thái thú Hoàng Nguyên làm phản (tháng ba năm sau thì bị bắt). Và theo Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, sau khi Lưu Bị qua đời, các quận ở khu vực Nam Trung đều đứng lên làm phản (các quận ở Nam Trung đều phản loạn). Có thể nói, Lưu Bị dựng nước trên cơ sở yếu; Di Lăng chiến bại làm trời long đất lở.

 

 

Rõ ràng đây là việc làm Lưu Bị lo nghĩ nhiều và chỉ có Gia Cát Lượng mới san sẻ bớt được nỗi buồn đó. Đây chính là nguyên nhân Lưu Bị “gửi con cho Gia Cát Lượng”. Vậy, vì sao còn phải để Lý Nghiêm làm phó? Bởi không thể không nghĩ tới hai nhóm có thế lực khác. Tức là, trong số “người cũ” cũng cần phải có đại biểu và Lý Nghiêm là nhân vật thích hợp nhất. Theo Tam quốc chí - Lý Nghiêm truyện, Lý Nghiêm nguyên là người Kinh châu (Nam Dương), từng làm việc dưới quyền Lưu Biểu, là người năng nổ, nổi tiếng một thời (có tài cán). Tào Tháo xuống phía nam, Lưu Tôn đầu hàng, Lý Nghiêm chạy về hướng tây, đến chỗ Lưu Chương. Lưu Bị vào Thục Lý Nghiêm sang hàng Lưu Bị. Vì vậy, Lưu Bị chọn Lý Nghiêm ngoài ba nguyên nhân nói trong Nghĩa Môn độc thư ký của Hà Trác đời Thanh: “Cựu thần đất Thục, đáng được khích lệ”; “Đất Kinh về Tào, riêng Nghiêm chạy về hướng Tây”; “quản dân trị giặc, mưu lược có thừa”, e còn vì trong số “người cũ”, Lý Nghiêm có quan hệ mật thiết, tốt nhất với “tập đoàn Kinh châu” của Lưu Bị.

 

 

Đương nhiên, điều quan trọng nhất là Lý Nghiêm có nhiều tính chất đại diện. Phần trên đã nói: chính quyền Thục Hán được xây dựng từ ba thế lực chính trị khác nhau. Trong con mắt của Lưu Bị sức mạnh của ba lực lượng đó là khác nhau. Trong cơ cấu chính quyền lúc đó dễ dàng nhận thấy, tập đoàn Kinh châu là chủ thể, tập đoàn Đông Châu là đối tượng đoàn kết, tập đoàn Ích châu là đối tượng phải lưu tâm. Không có gì là lạ, bởi vì tập đoàn Kinh châu do Lưu Bị cầm đầu là thế lực mới, từ ngoài đến. Họ cần có điều kiện để vững chân ở Ích châu, không thể không đoàn kết, dựa vào thế lực đến sớm hơn họ. Đó chính là tập đoàn Đông Châu. Tập đoàn Đông Châu nửa mới nửa cũ, vừa là khách vừa là chủ, họ có thể có tác dụng làm thông suốt hai bên mới, cũ. Và như vậy, Lý Nghiêm vừa thuộc tập đoàn Đông Châu vừa gần gũi với tập đoàn Kinh châu. Lý Nghiêm trở thành người được chọn, gửi gắm hy vọng sau này.

 

 

Trong thực tế, Lưu Bị đã suy nghĩ trước việc sắp xếp đó. Trước hết đã thể hiện được nguyên tắc cơ bản trong xử lý mới, cũ. Nguyên tắc này tuy không được ghi chép rõ ràng, nhưng từ cách sắp xếp quan chức trong chính quyền Thục Hán, ta thấy: “Người đến sau ngồi trước, không được thay đổi; lấy người của mình làm chủ, thêm người ba phía”. Vì phải “lấy người của mình làm chủ” nên Gia Cát Lượng là chánh; vì phải “thêm người ba phía”, nên Lý Nghiêm là phó. Cũng tức là nói, việc gửi con chính là di chúc chính trị của Lưu Bị về cách dùng người. Đó cũng là nguyên tắc “người đến sau ngồi trước” - một cơ sở chính trị để sau này Gia Cát Lượng có thể phế bỏ vị cố mệnh đại thần khác khi có chuyện.

 

 

Nhưng đây chỉ là điều “đầu tiên” vẫn còn điều “thứ hai”. Thứ hai là “tâm tư đế vương” của Lưu Bị. Theo Lý Nghiêm truyện, Tiên chủ truyện và Gia Cát Lượng truyện trong Tam quốc chí, chừng vào tháng mười năm Chương Vũ thứ II (Công nguyên năm 222), Lưu Bị triệu Lý Nghiêm đến Vĩnh An và phong làm Thượng thư lệnh. Năm sau mới triệu Gia Cát Lượng về Vĩnh An, tức là vào tháng hai năm Chương Vũ thứ III (Công nguyên năm 223). Từ thời gian hai người đến Vĩnh An và từ câu nói “Nghiêm và Gia Cát Lượng cùng nhận di chiếu” hiểu rằng, lúc Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng “nếu hắn bất tài, ngài cứ tự lấy”, nhiều khả năng Lý Nghiêm cũng có mặt hoặc ít nhiều cũng nắm được tình hình. Điều đó thực có ý nghĩa. Có ý nghĩa gì? Một là, Lưu Bị có ý răn đe Lý Nghiêm: Gia Cát Lượng là người trẫm tin tưởng nhất, tin tưởng tới mức ngài có thể “tự lấy”, không nên ghen tị địa vị với ông ta! Vì Lý Nghiêm là đại biểu của số “người cũ”, có khả năng hòa giải giữa mới và cũ, cũng có khả năng thúc đẩy người cũ có hành động khác. Đây là con dao hai lưỡi, không thể không phòng họa. Vì vậy ngài Điền Dư Khánh cho rằng: vai trò của Gia Cát Lượng chính như Chung Quỳ đuổi quỷ và “quỷ đó chính là Lý Nghiêm”.

 

 

Có điều, “ý kiến của kẻ tiểu nhân” tôi, e sự việc không đơn giản như vậy. Hoặc nói, chưa chắc Lý Nghiêm đã hiểu như vậy. Cũng có thể Lý Nghiêm cho rằng, Lưu Bị đang “dùng quyền lực của vua để đối phó với quyền lực của thần”, bằng không sao phải để mình lưu giữ Vĩnh An? Không phải đang ngầm bảo, nếu đúng Gia Cát Lượng bỏ Lưu Thiền và thay thế, thì Lý Nghiêm này có thể xuất quân từ Vĩnh An để cứu vua. Đây là khí thế chính trị để Lý Nghiêm dám chống lại Gia Cát Lượng. Chính vì vậy, Lý Nghiêm mới đòi khai phủ, đòi làm thứ sử Ba châu, mới viết thư muốn Gia Cát Lượng tiếp nhận cửu tích, tấn tước xưng vương, còn là để xem Gia Cát Lượng “có bụng không thần phục” hay không. Lý Nghiêm cho rằng mình đã chấp hành di huấn chính trị của Lưu Bị, do vậy mới mạnh mẽ khí thế.

 

 

Đương nhiên, đó là những điều phỏng đoán. Chúng ta luôn muốn tin rằng: nguyện vọng của Lưu Bị là mong sao người mới người cũ cùng hòa hợp, ba tập đoàn Kinh châu, Đông Châu, Ích châu đồng tâm hiệp lực.

 

 

Lúc này nhìn lại mới thấy, Lưu Bị tuy đã lao tâm khổ tứ, nhưng nguyện vọng đó được thực hiện không nhiều. Một mặt, Gia Cát Lượng quá ư chặt chẽ, chỉ nhường danh không nhường quyền. Mặt khác, người người luôn thất vọng về Lý Nghiêm. Thứ nhất, tự thấy mình quá cao, khó khăn cộng tác. Thời đó dân gian còn có câu “Người Lý có vẩy lân, khó khăn để gần gũi”, ý là, trên người Lý Nghiêm có vẩy lân, đụng vào không dễ (Hương đảng cho rằng không thể gần). Trong Thái Bình ngự lãm dẫn Giang Biểu truyện và Tam quốc chí – Trần Chấn truyện đều có ghi điểm này. Thứ hai, sớm Tần tối Sở, gây chuyện li gián. Theo Tam quốc chí – Trần Chấn truyện, Gia Cát Lượng từng có thư cho Tưởng Uyển và Đổng Doãn, ta thường nghĩ Lý Nghiêm chỉ là khó hợp tác, cho rằng (người có vẩy lân thì không nên phạm vào), nào ngờ lại còn “có việc như Tô Trương”. Cũng “lo việc ngoại giao” như Tô Tần, Trương Nghi. Như vậy là phá hoại sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ chính quyền. Thứ ba, còn có cả binh quyền hòng chống lại triều đình. Ví như chuyện Lý Nghiêm muốn làm thứ sử Ba châu, Gia Cát Lượng cho là muốn lập một vương quốc riêng. Lý Nghiêm muốn khai phủ, Gia Cát Lượng cho là muốn chống lại trung ương.

 

 

Gia Cát Lượng cảm thấy khó xử. Gia Cát Lượng hiểu rõ, là thừa tướng phải làm gì để củng cố vai trò của người mới, ổn định tình cảm người cũ, mới cũ phải hòa hợp, không còn ranh giới giữa cũ và mới. Đó là nguyên nhân để Gia Cát Lượng nhượng bộ Lý Nghiêm hết lần này đến lần khác. Nhưng không thể đoàn kết mà bỏ hết nguyên tắc. Lý Nghiêm đã chống lại nguyên tắc “người mình phải làm chủ, người đến sau phải ngồi trước”, chỉ còn cách mượn lý do nào đó để phế bỏ Lý Nghiêm, dù là “không còn giữ được chữ tín” (lời của ngài Điền Dư Khánh).

 

 

Lúc này đã có thể kết luận: có nguyên nhân gần, nguyên nhân xa, có nguyên nhân bên ngoài có nguyên nhân cơ bản khiến Gia Cát Lượng phải phế truất Lý Nghiêm. Nguyên nhân cơ bản là mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Thục Hán vốn được xây dựng từ ba lực lượng chính trị Ích châu, Đông Châu, Kinh châu. Việc Gia Cát Lượng thẳng tay phế truất Lý Nghiêm, chung quy lại là để giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn đó, thi hành trị Thục bằng luật. Trị Thục bằng luật là chính sách cơ bản để Gia Cát Lượng giải quyết mâu thuẫn mới và cũ. Vì vậy, ngay từ lần đầu Bắc phạt, Gia Cát Lượng đã trừng trị Mã Tắc sai lầm ở Nhai Đình theo luật, rồi tự xin được xử trị. Gia Cát Lượng tỏ rõ là người chấp pháp nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng, tất nhiên làm được như vậy thực không đơn giản. Vậy, đằng sau việc Gia Cát Lượng “gạt lệ chém Mã Tắc” còn có điều gì đây?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét