Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Ở VĨNH AN GỬI CON

 


Miếu thờ mô tả cảnh tại thành Bạch Đế, Lưu Bị ủy thác lại triều đình cho thừa tướng Gia Cát Lượng 
Lưu Bị mặc áo vàng nằm trên giường. Người đứng giữa là Khổng MInh. Vị võ tướng áo xanh là Triệu Vân. Bên trái người đứng vòng tay là Trương Bào, con Trương Phi. Một trong hai đứa trẻ lạy Khổng Mnh là Lưu Thiện. 

Tập thứ ba mươi sáu: Ở VĨNH AN GỬI CON

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Sau khi bại trận ở Khiếu Đình, tháng tư năm sau, Lưu Bị ốm và qua đời ở cung Vĩnh An. Trước đó, Lưu Bị đã sắp đặt hậu sự ổn thỏa, truyền ngôi cho Lưu Thiền, gửi con cho Gia Cát Lượng, còn nói nếu nó bất tài, thì ngài hãy tự thay đi. Về điểm này sử sách có hai cách nhận xét khác nhau. Vậy mục đích và suy nghĩ của Lưu Bị là gì? Phía sau việc gửi con ở thành Bạch Đế còn ẩn giấu điều gì sâu xa khó nói?

 

 

Tháng sáu nhuận Thục Hán niên hiệu Chương Vũ năm thứ II (Công nguyên năm 222), Lưu Bị bại trận ở Khiếu Đình lui về huyện Vĩnh An, đóng quân trong thành Bạch Đế. Lúc này Lưu Bị sức cùng lực kiệt, thân lại nhiễm bệnh, nằm liệt giường. Lưu Bị tự biết sắp phải xa rời trần thế, nên đã bắt đầu sắp đặt hậu sự. Vấn đề chủ yếu của “hậu sự” là trao chính quyền Thục Hán cho ai. Theo quy chế thế tập, hoàng vị đương nhiên phải trao cho Lưu Thiền. Nhưng lúc này Lưu Thiền mới mười bảy tuổi, vị thành niên, tài năng thì gần như không bao giờ sánh bằng Lưu Bị, cần có người phò tá. Lưu Bị đã chọn Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm. Trong Tam quốc chí - Tiên chủ truyện đã nói rất rõ về điều này, “Tiên chủ bệnh nặng, gửi con cho thừa tướng Lượng, Thượng thư lệnh Lý Nghiêm là phó”. Gửi con xong, Chương Vũ năm thứ III, ngày hai mươi tư tháng tư (Công nguyên ngày 10 tháng 6 năm 223), Lưu Bị băng hà tại cung Vĩnh An, thọ sáu mươi ba tuổi.

 

 

Lưu Bị gửi con là việc lớn trong sử Tam Quốc, bởi vì nó đã chia lịch sử không quá dài của tập đoàn Lưu Bị và chính quyền Thục Hán từ một thành hai: thời kỳ đầu, người lãnh đạo là Lưu Bị; về sau, người quan trọng là Gia Cát Lượng. Việc phân thành hai kỳ là kết quả trực tiếp quá trình gửi con ở cung Vĩnh An. Theo Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, lúc thấy bệnh đã nặng, Lưu Bị triệu gấp Gia Cát Lượng từ Thành Đô về cung Vĩnh An “bàn hậu sự” và đã thổ lộ lòng mình. Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng: tiên sinh tài năng gấp mười lần Tào Phi (tài gấp mười Phi), nhất định có thể yên nước yên dân, xây dựng nghiệp lớn (có thể yên nước, dựng xong nghiệp lớn). Vì vậy mong tiên sinh lo liệu mọi việc. Nếu Lưu Thiền còn được thì xin phò tá hắn (nếu nó còn được thì phò tá). Nếu đứa trẻ này chẳng ra gì (nếu bất tài), tiên sinh đừng ngại, cứ làm cho đúng (ngài hãy tự thay đi). Gia Cát Lượng nghe mà nước mắt giàn giụa, nói không thành tiếng: nhất định vi thần sẽ toàn tâm hết sức phò tá hoàng thượng (thần xin dốc hết sức), trung trinh một lòng báo đền quốc gia (hết lòng trung trinh) với cả sinh mạng của mình (cho tới chết). Lưu Bị liền xuống chiếu bảo ban Lưu Thiền, từ nay phải nghe lời thừa tướng như nghe lời cha (làm việc với thừa tướng như làm việc với cha).

 

 

Đó là việc Ở Vĩnh An gửi con nổi tiếng, cũng từ đây sử sách đã bàn cãi rất nhiều.

 

 

Trước hết, Trần Thọ là người khẳng định và tán thưởng. Lời bình của Trần Thọ trong Tam quốc chí - Tiên chủ truyện nói: việc làm của Lưu Bị là hình mẫu về chí công vô tư lớn nhất trong quan hệ quân thần từ xưa tới nay (quân thần vì việc công, là mẫu mực xưa nay). Vì sao vậy? Vì Lưu Bị hoàn toàn yên tâm giao phó đất nước cùng đứa con đẻ vào tay Gia Cát Lượng (gửi con và nước cho Gia Cát Lượng), Lưu Bị một lòng tin tưởng (một lòng một dạ). Theo tôi, Trần Thọ nói vậy hẳn đã dựa vào câu nói “nếu hắn bất tài, ngài hãy tự thay đi”. Câu nói của Lưu Bị ngầm chỉ điều gì, Trần Thọ không nói rõ, chúng ta cũng không nên đoán mò, nhưng nhìn chung có thể giải thích là, nếu Lưu Thiền “vực mà không dậy nổi”, thì mong Gia Cát Lượng cứ giữ mà thay đi. Trong thời đại quân chủ cha truyền con nối bất di bất dịch thì điều đó không chỉ khó thấy, còn có thể coi là vô cùng vĩ đại. Điều đó có nghĩa, đặt lợi ích nhân dân đất nước trên tất cả. Vì quốc gia, dân tộc nguyện hi sinh gia tộc mình, vứt bỏ quyền lực mà trời đã ban tặng. Đúng là chí công vô tư (quân thần chí công), đúng là không tiền khoáng hậu (mẫu mực xưa nay).

 

 

Nhưng có thể là như vậy không?

 

 

Theo tôi thì không thể. Thứ nhất, trong sử Trung Quốc chưa hề có lệ này. Bất kể là Tần Hoàng Hán Vũ trước thời Lưu Bị hay Đường Tông Tống Tổ sau thời Lưu Bị chưa có hoàng đế nào lại loại bỏ con mình, trao giang sơn xã tắc cho người khác. Các hoàng đế thường đêm ngày suy nghĩ, làm gì để giữ nền thống trị của gia tộc mình, để truyền lại cho con cháu muôn đời mai sau. Đó là đặc điểm chung của mọi hoàng đế xưa nay, Lưu Bị sao có thể là ngoại lệ? Thứ hai, coi Lưu Bị là ngoại lệ, nhưng chứng ta không hiểu do đâu Lưu Bị có những ý nghĩ như vậy. Bởi vì các bậc đế vương trong sử Trung Quốc chỉ suy nghĩ để “thay triều đổi đại” và chưa hề có quan niệm dân chủ “luân phiên cai trị”. Nếu nghĩ như vậy thật, thì Lưu Bị há chẳng phải là Washington sao? Thứ ba, cho dù Lưu Bị muốn trở thành Washington thì Gia Cát Lượng cũng không dám làm Adams hoặc Jefferson, vì không có ai coi việc thay thế đó là chính đáng. Tôn Quyền khuyên Tào Tháo thay nhà Hán, Tào Tháo liền nói: Tôn Quyền có ý xấu; Lưu Bị để Gia Cát Lượng “tự thay đi”, thế chẳng phải đã nướng Gia Cát Lượng trên bếp lửa sao? Hơn nữa lúc đó Tào Tháo chỉ là chỗ dựa của hoàng đế, đã bị chửi là “Hán tặc”; nếu đúng là Gia Cát Lượng tự thay Lưu Thiền, sẽ bị người đời coi là cái gì?

 

 

Vì vậy, hậu thế có nhiều người ý kiến khác với Trần Thọ. Trước hết là Tôn Thịnh thời Tấn rất nghi ngờ, Tôn Thịnh cho việc gửi con của Lưu Bị là việc hoang đường (Bị sai Lượng, làm loạn chế). Theo chú dẫn của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, Tôn Thịnh có bài dài bàn về chuyện này. Theo ông mấu chốt việc gửi con là chọn đúng người, và việc gì còn phải nói như vậy. Nếu đã chọn đúng người thì không cần phải nói gì nữa, vì không nói, đối phương cũng sẽ một lòng trung trinh, (gửi đúng người hiền thì không phải hối); còn như chọn sai người thì càng không thể nói như vậy, vì nói thế là ngang như mở đường cho kẻ đó phản nghịch cướp ngôi (chọn sai thì không nên mở đường thoán nghịch). Vì vậy Tôn Thịnh nói: xưa nay chưa hề có việc gửi con như vậy (lời cố mệnh phải là lời chân tình, lời giả dối không phải lời gửi con). Có điều Lưu Bị đã gặp vận, may sao Lưu Thiền không mấy có chủ ý, không hay nghĩ ngợi lung tung (may sao Lưu Thiền tối dạ, không mấy nguy hại), Gia Cát Lượng uy vọng cao lớn, đủ để trấn an (Gia Cát uy lược, đủ để chống lại kẻ khác), nên không xảy ra chuyện gì. Nếu không, cả thành đã lời ra tiếng vào, lòng người xao xuyến.

 

 

 
Vùng hẻm núi Cù Đường Hiệp bên bờ bắc có Bạch Ðế Thành, nơi khi xưa Lưu Bị bị quân Ngô đánh thua trận lui về đây, trước khi mất đã phó thác con trai là Lưu Hậu Chủ cho Thừa Tướng Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Lúc này nhìn lại thấy lời bình của Tôn Thịnh không thật chân tình, coi Lưu Bị đã “lỡ lời”. Vì vậy, trong Tam quốc chí - tập giải gần đây của Lư Bật đã có lời phản bác lại Tôn Thịnh, cho rằng lời gửi con của Lưu Bị là “xuất phát từ tình cảm”, có cảm xúc mới thành lời (có cảm xúc mới nói nên lời), không kịp nghĩ ra điều gì khác (thốt lời không có giả dối)! Lư Bật cho rằng, điều Lưu Bị quan tâm lúc đó là “con không khá”, điều lo lắng là “cơ nghiệp suy sụp”, cứ nghĩ đến là “bực, lo tìm người hiền”, còn bụng dạ nào mà quanh co; dựa vào cái gì để nghi ngờ Lưu Bị giả dối (vì gì để ngờ có dối trá)?

 

 

Đương nhiên đây cũng chỉ là một cách nghĩ và có phần hợp lí. Nhưng cũng phải nói: cái gọi là “xuất phát từ tình cảm” cũng chỉ là lời suy đoán. Cuối cùng, chúng ta đều không phải là Lưu Bị, ai có thể khẳng định Lưu Bị đã nghĩ như vậy. Lư Bật có thể suy đoán thì đương nhiên người khác cũng có thể. Như trong Lưu Bị truyện của ngài Trương Tác Diệu cho rằng Lưu Bị có dụng ý khác, hơn nữa “ý tứ thực rõ ràng”, tức là một cách nói buộc Gia Cát Lượng phải biểu lộ sự trung thành. Ngài Trương cho rằng, Lưu Bị “có nghi ngờ lớn” đối với Gia Cát Lượng. Để đảm bảo hoàng vị của con mình vững như núi Thái Sơn, Lưu Bị đã “bức Gia Cát Lượng không còn chỗ để suy nghĩ khác”, chỉ còn cách nước mắt giàn giụa, quỳ xuồng mà thề thốt. Đúng như Vương Phu Chi đã nói trong Độc thông giám luận, Lưu Bị đã nói đến như vậy thì Gia Cát Lượng còn có cách gì để giải tỏa mối nghi ngờ đó, ngoại trừ việc moi ruột gan ra cho Lưu Bị xem (lấy máu trong tim ra, mới hết được nghi ngờ)! Vì vậy, mấy lời gửi con gửi nước của Lưu Bị không phải là “một lòng một dạ”, ngược lại “ngầm có ngụy kế”.

 

 

Ở đây có vấn đề then chốt là tám chữ “nếu hắn bất tài, hãy tự thay đi” rốt cuộc có ý gì. Về điểm này, ngày nay ngài Phương Bắc Thần có suy nghĩ khác. Trong Tam quốc chí - chú thích ngài Phương nói: chữ thay trong “hãy tự thay đi” không có nghĩa là thay thế mà là chọn lựa. Câu nói “nếu hắn bất tài, hãy tự thay đi” có thể giải thích thành, nếu đứa trẻ này chẳng ra gì, ngài có thể chọn lựa mà xử lý. Và cách xử lý cũng rất đơn giản, ngài có thể chọn một đứa khác trong số các con của Lưu Bị thay làm hoàng đế. Cũng tức là Lưu Bị cho Gia Cát Lượng được quyền phế lập, không phải muốn Gia Cát Lượng tự lập làm vua.

 

 

Như vậy là hợp lý. Thứ nhất, ngoài Lưu Thiền ra chí ít Lưu Bị vẫn còn hai người con nữa, Lỗ vương Lưu Vĩnh, Lương vương Lưu Lý, vẫn còn người để chọn. Thứ hai, theo chú dẫn Gia Cát Lượng tập của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, trước lúc lâm chung Lưu Bị đã gọi Lỗ vương Lưu Vĩnh đến, nói: sau khi trẫm mất, anh em ngươi phải “coi thừa tướng như cha, ngươi phải nghe lời thừa tướng”. Lưu Bị như muốn nói với Lưu Thiền, phía sau ngươi còn có người khác, cũng có thể hiểu Lưu Bị coi trọng Lưu Vĩnh, coi là “đội thay thứ hai”. Thứ ba, ban cho Gia Cát Lượng được quyền phế lập, coi như Lưu Bị đã bất chấp luật lệ, đã tín nhiệm đặc biệt, vậy làm gì còn có chuyện nhường cả hoàng vị.

 

 

Vì vậy, tôi cho rằng ngài Phương giải thích hợp lý, ít ra cũng là lời nói của người thần. Theo lời giải thích đó thì đúng là Lưu Bị đã gửi nước, gửi nhà, gửi con và chính quyền cho Gia Cát Lượng và đúng là Lưu Bị “một lòng một dạ”, là “quân thần chí công, mẫu mực xưa nay”. Gia Cát Lượng nghe mấy câu nói của Lưu Bị, đương nhiên cũng không phải vì bị bức tới góc tường nên đã “moi gan moi ruột ra để bộc lộ”, Gia Cát Lượng rơi lệ vì xúc động thực sự. Vì vậy, ở phần trên chúng ta đã không giải thích câu nói “hãy tự thay đi” thành “ngài có thể giữ mà thay đi”, mà giải thích là “ngài có thể quyết định mọi việc”. Trong thực tế, ban cho thần tử quyền quyết định mọi việc, khi đó coi như được nhận hoàng ân sâu xa, ân trọng như núi.

 

 

Nhưng vẫn còn vấn đề chúng ta phải bàn.

 

 

Vấn đề thứ nhất: nếu ý của Lưu Bị chỉ là ban cho Gia Cát Lượng quyền phế lập, không phải được lấy và thay thế thì vì sao Lưu Bị lại nhắc tới Tào Phi? Tào Phi không hề là “cố mệnh đại thần” gì đó, càng không phải là “tấm gương tốt” của một thần tử. Và mọi người đều rõ, lúc này Tào Phi đã hạ bệ Hán Hiến đế lên làm hoàng đế. Phần trước Lưu Bị nói “ngài tài gấp mười Tào Phi”, phần sau lại nói “nếu hắn bất tài, hãy tự thay đi”, mọi người có thể hiểu là, việc mà Tào Phi làm, ngài là người có tài gấp mười lần Tào Phi, cũng có thể làm! Trẫm để ngài làm, cứ làm là được!

 

 

Vấn đề thứ hai: Cách nói của Lưu Bị không phải trước kia chưa có ai nói. Lúc gửi con cho Trương Chiêu, Tôn Sách đã nói như vậy. Theo chú dẫn Ngô sử của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Trương Chiêu truyện, Tôn Sách đã nói: “nếu Trọng Mưu không được việc, ngài hãy tự tay nhận lấy”. Đúng, không đơn lẻ mà thành đôi! Và ý của Tôn Sách là, có thể lấy mà thay thế. Tất nhiên Tôn Sách nói: “tự tay nhận lấy”, Lưu Bị nói là “tự thay đi”. Chẳng nhẽ chỉ vì khác nhau có một chữ mà ý tứ lại khác nhau vời vợi?

 

 

Vấn đề thứ ba: Cho dù ý của Lưu Bị chỉ là ban cho Gia Cát Lượng quyền phế lập thì thời đó đã là việc làm chết người. Những năm cuối thời Đông Hán, ai là người làm việc phế lập? Đổng Trác. Ai là người hạ bệ hoàng đế đương nhiệm để thay thế? Tào Phi. Vì vậy gọi là “tự thay đi”. Không phải Tào Phi thì là Đổng Trác, Gia Cát Lượng cũng có thể làm những việc như vậy sao? Ngài Phương Bắc Thần nói: Lưu Bị cũng không có ý để Gia Cát Lượng làm Đổng Trác mà muốn Gia Cát Lượng làm Hoắc Quang. Hoắc Quang là quyền thần thời Tây Hán. Trước lúc lâm chung, Hán Vũ đế đã gửi con cho ông, Hoắc Quang đã trung thành phò tá (mười ba năm phò tá Chiêu vương), còn làm việc phế lập (phế Xương Ấp vương Lưu Hạ, lập Tuyên đế Lưu Tuân). Nhưng sau Hoắc Quang qua đời, cả gia tộc đã bị hủy diệt, trong đó có vợ của Hoắc Quang, mọi người trong nhà gần như bị giết sạch. Rõ ràng là Hoắc Quang cũng không tránh khỏi tai họa khủng khiếp. Nếu là chúng ta chắc cũng kinh hồn lạc phách, toát mồ hôi hạt, chỉ có thể phủ phục mà nói, “thần xin ra sức, hết lòng trung trinh cho tới chết”.

 

 



Thành Bạch Đế một mặt dựa vào núi, ba mặt là nước bao quanh,. Sau khi có đập Tam Hiệp thì mực nước dâng cao, thành Bạch Đế bốn mặt đều có nước bao quanh. Hòn đảo này được nối với bờ bắc Dương Tử qua một cây cầu.


Xem ra, dù giải thích là hãy tự thay đi hay được tự quyết mọi việc; dù để Gia Cát Lượng là Hoắc Quang hoặc là Tào Phi thì bốn chữ “hãy tự thay đi” cũng là một áp lực cực kỳ to lớn đối với Gia Cát Lượng. Vì vậy, chúng ta muốn hỏi: Lưu Bị “cố ý gây áp lực” hay là “vô tâm mà nhỡ lời”? Hoặc là “thực tâm gửi gắm” hay là “ngấm ngầm cài bẫy”?

 

 

Điều này chỉ có Lưu Bị mới rõ được, nhưng cũng có thể suy đoán xem sao. Và cũng từ suy đoán, Trần Thọ nói: “một lòng một dạ”, Lư Bật nói: “xuất phát từ tình cảm”. Họ kết luận như vậy bởi theo họ, quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng như cá gặp nước, lòng dạ hòa hợp, không hề ngăn cách. Trước lúc lâm chung gửi con là việc thổ lộ nỗi niềm, chân thành cư xử. Nhưng các ngài đáng mến đã quên mất một điều, quan hệ dù tốt đến đâu thì quân thần vẫn là quân thần, vua dù tin tưởng thần tử tới đâu thì vẫn là vua. Huống chi, Lưu Bị lại không phải là vị vua bình thường. Lưu Bị ra sức giành giật mới có được giang sơn này, với mọi người Lưu Bị là “thiên hạ kiêu hùng”. Vì vậy, e không nên hiểu tâm tư của Lưu Bị quá đơn giản như mấy thư sinh.

 

 

Phải nói là vua mới hiểu nhất tâm tư của vua. Vì vậy, nên lưu tâm tới lời bình của hoàng đế Khang Hi. Theo Ngự phê thông giám tập lãm, Khang Hi nhìn thấy trong lời của Lưu Bị có lời, ngoài lời ra còn có lẽ, hơn nữa còn tỏ ra hẹp hòi, ngờ vực. Khang Hi nói: chẳng phải Chiêu Liệt (Lưu Bị) thường nói mình và Gia Cát Lượng tình sâu như cá với nước? Lẽ nào Lưu Bị lại không hiểu Gia Cát Lượng luôn trung trinh như nhất? Vậy sao khi gửi con còn phải nói những lời quái gở, nghi ngờ lẫn lộn như vậy (nói lời nghi ngờ)? Khang Hi kết luận: phẩm hạnh người trong thời đại Tam Quốc vô cùng quỷ quyệt (người Tam Quốc lấy dối trá làm đầu, đáng ghét)!

 

 

Đó là kết luận của Khang Hi. Cách nói được coi là giống nhau. Thực tình thì lời gửi con của Lưu Bị đâu phải là “tật xấu của Tam Quốc”? Nói chính xác thì đó là “tâm tư đế vương”. Tôn Sách tuy chưa phải là đế vương nhưng tâm tư cũng là vậy. Tôn Sách tuy chưa phải là hoàng đế nhưng cũng là vua chúa, vua chúa tự mình giành được giang sơn. Những người như vậy, không hề muốn cơ nghiệp khó khăn mới giành được của mình rơi vào tay người khác. Nhưng thật đáng tiếc, như trong Nhàn thoại tam phân ngài Trần Nhĩ Đông nói: số phận Lưu Bị và Tôn Sách đều không tốt. Hai người thay thế, Tôn Quyền mười tám, Lưu Thiền mười bảy đều là vị thành niên (chưa đến tuổi đội mũ). Tuổi trẻ có trấn áp nổi mấy “ông chú” vốn là kiêu binh dũng tướng, khai quốc nguyên huân kia không? Không thể yên tâm được. Không yên tâm nên phải gửi con. Người được ủy thác không thể chọn tùy tiện, phải là người có quan hệ tốt, uy vọng cao, năng lực mạnh. Không thể ủy thác cho những người không có quan hệ tốt. ủy thác cho người uy vọng không cao, năng lực yếu cũng chẳng có ích gì. Nhưng người uy vọng cao, thế lực mạnh sẽ không phải là người nhân lúc cô nhi quả phụ, giang sơn chưa ổn định rồi lấy mà thay thế chứ? Không gửi hoặc gửi đều rất khó khăn. Vì khó khăn nên phải đánh bài ngửa. Hoặc nói như ngài Trần, “có gì nói hết – thấu triệt”. Thế nào là thấu triệt? “Nếu hắn bất tài, ngài hãy tự thay đi”. Nói tới mức ấy, mọi người sẽ chẳng có gì để nói nữa.

 

 

Đây là chiêu thực cao siêu. Như trên đã nói, quan hệ dù tốt đến mấy thì quân thần vẫn là quân thần, vua tin tưởng thần tử đến mấy thì vẫn là vua. Huống chi như ngài Trần Nhĩ Đông nói: đối với “người anh hùng” như Lưu Bị và Tôn Sách, người được tin tưởng nhất cũng là người bị nghi ngờ nhất, bởi vì cả hai bên đã hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc. Về điểm này, người làm vua hiểu rõ nhất và người là thần cũng hiểu rõ nhất. Nếu ai cũng giữ kín trong lòng, sẽ sinh ra xa cách và nghi ngờ; và trong lúc gửi con thì không thể có xa cách và nghi ngờ; vậy tốt nhất là nói thẳng ra, nói cho hết. Nói thẳng nói hết, thì hai bên sẽ hiểu, ai cũng yên tâm. Lưu Bị yên tâm ra đi, Gia Cát Lượng yên tâm mà làm việc, chẳng vẹn cả đôi đường, công tư đều có lợi sao? Đương nhiên, trên “lập trường cổ xưa” mà xét, chiêu “cao minh” này không phải là “góc nhìn hiện đại”, nhưng cũng chỉ có thể như vậy. Chúng ta không thể yêu cầu Lưu Bị là Washington.

 

 

Cũng có thể có người nói: quan hệ quân thần, tâm tư đế vương bạn nhắc tới đó là nói chung, còn như quan hệ của Lưu Bị và Gia Cát Lượng không thể coi là quan hệ đặc biệt được sao? Nên biết rằng, hai người gặp nhau, trước đó “ba lần đến lều tranh”, sau có “ở Vĩnh An gửi con”, có thể coi là gan ruột giãi bầy, sướng khổ cùng chịu, lẽ nào chỉ là quan hệ chung chung? Rất nhiều người xưa kia đã biết điều này. Trong lời chú dẫn Gia Cát Lượng truyện của Bùi Tùng Chi có nói: “Quân thần tương ngộ của Lượng được coi là hiếm có”. Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, Lưu Bị cũng nói: “Cô có Khổng Minh, như cá gặp nước vậy”. Đã vậy, sao lúc gửi con còn phải ngờ vực, còn phải thấu triệt đây?

 


Lưu Thiện

 

Xem ra, chúng ta vẫn còn phải nói tới quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng.

 

 

Vậy, quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng là thế nào? Mối quan hệ đó có thực là “hiếm có” không? Nhưng đó chỉ là “tương ngộ” ban đầu; đúng là từng như cá gặp nước, và cũng chỉ là trước cuộc chiến Xích Bích. Về sau thì khó nói. Trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện ghi chép rất rõ, sau ba lần đến lều tranh Lưu Bị và Gia Cát Lượng thường tựa gối tâm tình, hai bên “tình ngày một thắm thiết” dẫn tới “Quan Vũ Trương Phi cũng không vui”. Trước trận chiến Xích Bích, Gia Cát sang sứ Đông Ngô, ngoại giao đàm phán, gây dựng liên minh Tôn Lưu, giúp Lưu Bị ngăn giặc giành thắng, thoát cảnh gian nan, có thêm bốn quận Giang Nam ở Kinh châu, nhận làm quân sư Trung lang tướng. Giai đoạn này được coi là “kỳ trăng mật” của Lưu Bị và Gia Cát Lượng.

 

 

Nhưng từ trận chiến Xích Bích (Công nguyên năm 208) đến gửi con ở thành Bạch Đế (Công nguyên năm 223), trong mười lăm năm này, ít khi chúng ta nhìn thấy bóng dáng cùng tiếng nói của Gia Cát Lượng. Lưu Bị vào Thục có Bàng Thống đi theo; tấn công Hán Trung mang theo Pháp Chính. Công việc của Gia Cát Lượng lúc “lo việc thuế má, có lương nuôi quân” lúc “trấn giữ Thành Đô, đủ quân đủ lương”, thứ nữa cùng Trương Phi, Triệu Vân đưa quân vào Thục “cùng vây Thành Đô”, khiến người khác có cảm giác họ đã “lui về tuyến hai”.

 

 

Đương nhiên, điều này cũng chưa nói rõ được quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng có vấn đề gì. Ngược lại, địa vị của Gia Cát Lượng lúc này đã ngang như địa vị của Tiêu Hà năm nào. Theo Sử ký - Tiêu tướng quân thế gia, lúc Lưu Bang chinh chiến thiên hạ, Tiêu Hà cũng không cùng nam chinh bắc chiến, chư tướng cho là “chưa phải vất vả gì, chỉ bàn luận bằng bút mực”. Nhưng bình công luận thưởng lúc xong việc, bao giờ Lưu Bang cũng để Tiêu Hà là số một. Sau khi Lưu Bị xưng đế, trong số các đại thần Gia Cát Lượng cũng ở vị trí số một. Trên thực tế, lúc đầu giữ Kinh châu cũng vậy, sau này giữ Thành Đô cũng vậy, lúc nào trách nhiệm cũng nặng nề. Bởi vì Kinh châu và Thành Đô đều là căn cứ địa, đại bản doanh của Lưu Bị, cần có người mưu lược già dặn, cẩn trọng tin cậy trông giữ. Lo liệu thuế má, thực túc binh cường cũng là việc hết sức quan trọng, binh mã chưa hành động, lương thảo đã phải đầy đủ. Không có lương thảo thì đánh chác thế nào. Hơn nữa, theo cách nói của Trần Thọ trong Gia Cát Lượng tập thì đặc điểm tài năng của Gia Cát Lượng là “kế đánh giặc hay hơn kỳ mưu, lo cho dân sinh tốt hơn tướng lược”. Vậy thì, để người giỏi quản lý dân trông giữ hậu phương lớn, để người giỏi kỳ mưu theo quân ra trận, chẳng phải đã rõ Lưu Bị giỏi nhìn người giao việc sao? Vì vậy không có vấn đề.

 

 

Có điều sau trận chiến Xích Bích, quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng có chút khó hiểu.

 

 

Chúng ta đều biết, Gia Cát Lượng từng quy hoạch chiến lược cho Lưu Bị và nổi tiếng nhất là “Long Trung đối”. Theo lý, sau trận chiến Xích Bích, Lưu Bị có khả năng đã thực hiện quy hoạch chiến lược này, Gia Cát Lượng phải thấy vẻ vang mà vui mừng mới phải. Nhưng không hiểu vì sao Gia Cát Lượng trở nên trầm lặng hẳn. Vào Thục, Bàng Thống được thả sức thao túng, bày mưu vạch kế; tiến công Hán Trung. Pháp Chính vào sinh ra tử, đề xuất chủ trương. Vì vậy, Bàng Thống tử trận, Lưu Bị “thương nhớ đến rơi lệ”; Pháp Chính ốm mất, Lưu Bị “nước mắt giàn giụa”. Pháp Chính, Bàng Thống gần như là người dốc sức nhiều nhất cho Lưu Bị, tình cảm sâu đậm nhất với Lưu Bị.

 

 

Dù vậy cũng không có gì lạ. Gia Cát Lượng là người lập ra quy hoạch, nhưng không nhất thiết phải chấp hành; Bàng Thống, Pháp Chính theo Lưu Bị nam chinh bắc chiến, tình cảm ngày một sâu sắc cũng là lẽ thường. Nhưng điều kỳ lạ là, Quan Vũ đánh Tương Phàn, Lưu Bị tiến công Đông Ngô, sự thực đã chỉ rõ đều là những quyết sách sai lầm, nhưng vì sao Gia Cát Lượng không phản đối? Lúc Quan Vũ đánh Ngụy (Công nguyên năm 219), Pháp Chính hãy còn (là Thượng thư lệnh, kiêm Hộ quân tướng quân), đương nhiên Quan Vũ phải nghe theo Pháp Chính. Nhưng lúc Lưu Bị đánh Ngô (Công nguyên năm 221), Bàng Thống không còn, Pháp Chính cũng đã mất (mất vào Công nguyên năm 220), vì sao Gia Cát Lượng vẫn không nói một lời nào? Theo Pháp Chính truyện chúng ta biết, sau khi Lưu Bị bại trận ở Khiếu Đình, Gia Cát Lượng từng thở dài nói: nếu Pháp Hiếu Trực (Pháp Chính) còn sẽ không như thế này. Nhất định Pháp Chính sẽ ngăn được hoàng thượng không để hoàng thượng Đông chinh (ngăn được chúa thượng, lệnh không đi về hướng đông). Và nếu cứ Đông chinh, cũng không thảm bại thế này (tất không đổ vỡ hoàn toàn)!

 

 

Đây là thái độ của Gia Cát Lượng sau trận chiến Khiếu Đình và đây cũng là tài liệu duy nhất còn ghi lại trong sử sách. Phải chăng đây là điều sau này Gia Cát Lượng mới hiểu được? E không phải. Nhưng nếu là đúng thì lẽ nào chờ “xong việc Gia Cát Lượng mới nói”? Trên thực tế thì Gia Cát Lượng có điều khó nói. Mọi người đều biết, trong quy hoạch chiến lược của mình Gia Cát Lượng chủ trương “giao hảo với Tôn Quyền”, với Tôn Quyền “có thể giúp, không thể lấy”. Xét về điểm này, Gia Cát Lượng không mấy tán thành việc đánh Ngô. Nhưng lại không nói. Vì sao không nói? Có thể là Gia Cát Lượng không muốn mất Kinh châu hoặc mang tâm lý may rủi trong trận chiến Khiếu Đình. Nhưng cũng không thể loại bỏ một khả năng nữa, biết, nhưng nói thì có tác dụng gì, chi bằng không nói.

 

 

Vậy, có chứng cứ gì về khả năng sau cùng không? Có. Chứng cứ có ngay trong câu nói của Gia Cát Lượng: “nếu Pháp Hiếu Trực còn thì có thể ngăn được chúa thượng”. Ý tứ câu nói đã rất rõ: thứ nhất, Lưu Bị chỉ nghe theo Pháp Chính. Nếu Pháp Chính phản đối, Lưu Bị sẽ không đánh Ngô. Thứ hai, Pháp Chính không còn, Lưu Bị không nghe lời người khác, kể cả lời của Gia Cát Lượng. Hiển nhiên, quan hệ của Pháp Chính, và Gia Cát Lượng với Lưu Bị có khác nhau. Lưu Bị coi Gia Cát Lượng “kính trọng như khách”, đối với Pháp Chính thì “nghe lời theo kế”. Và đây cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến Gia Cát Lượng im tiếng khi Quan Vũ đánh Tương Phàn.

 

 

Vẫn còn một sự kiện nữa nhằm nói rõ quan hệ giữa hai người có phần khó hiểu. Theo Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, sau khi Lưu Bị xưng đế, Gia Cát Lượng được làm thừa tướng, thêm là Lục thượng thư sự, giá tiết, kiêm luôn Tư Lệ hiệu úy sau khi Trương Phi mất. Nhìn bề ngoài thì thân phận, địa vị hay quyền lực về mọi mặt, Gia Cát Lượng là số một trong số các quần thần trong chính quyền Thục Hán, không ai sánh bằng. Nhưng xin lưu ý, Gia Cát Lượng là thừa tướng không “khai phủ”, chỉ “khai phủ” lúc Lưu Bị đã tạ thế. Chúng ta đều biết, thời Đông Hán không có chức thừa tướng, thời Tây Hán mới có chế độ thừa tướng, đặc điểm là có thể “khai phủ trị sự”. Gọi là “khai phủ” là lập phủ đệ, có thuộc quan, tức là có cơ cấu làm việc riêng, có các quan chức dưới quyền. Điều đó có ý nghĩa gì? Tức là, thừa tướng có “tướng phủ” độc lập với “hoàng cung”; thừa tướng có “tướng quyền” độc lập với “hoàng quyền”. Vì vậy, Tào Tháo khôi phục chế độ thừa tướng rồi tự làm thừa tướng, sự thực là muốn lấy bớt quyền trong tay Hán Hiến đế. Vậy thì Lưu Bị để Gia Cát Lượng làm thừa tướng nhưng không “khai phủ” chỉ có thể hiểu như lời ngài Trương Tác Diệu “ham ý không phải Lưu Bị lo nghĩ khi quyền lực bị chia sẻ mà là Lưu Bị chưa hoàn toàn tin tưởng Gia Cát Lượng”. Cũng tức là, Lưu Bị không “tín nhiệm vô hạn” hoặc “hoàn toàn tín nhiệm” mà là “tín nhiệm có hạn” hoặc “tín nhiệm có bảo lưu” đối với Gia Cát Lượng.

 

 

Quan hệ giữa Gia Cát Lượng và Lưu Bị có chút biến đổi, nếu chỉ vì Lưu Bị “có mới nới cũ” thì không sao. Đáng sợ nhất là hai người có xung đột về ý niệm chính trị. Mọi người đều rõ, Gia Cát Lượng là nhà chính trị vĩ đại. Một trong những điều khác biệt giữa chính trị gia và chính khách là, chính trị gia có lý tưởng, chính khách chỉ quan tâm tới lợi ích. Gia Cát Lượng có lý tưởng là “phục hưng Hán thất”. Lý tưởng đó xuyên suốt cả cuộc đời. Còn như Lưu Bị có lý tưởng không? Có thể lúc đầu đã có, nhưng về sau đã quên mất. Theo Độc thông giám luận của Vương Phu Chi, sau khi có được hai châu Kinh, Ích, Lưu Bị đã quên mất lý tưởng (được Kinh, Ích thì quên mất). Lúc này Lưu Bị chỉ muốn lợi ích, không còn lý tưởng, nên mới đánh Ngô bỏ đánh Ngụy. Vì vậy Vương Phu Chi nói: “chí kiến của Tiên chủ là thừa thời tự lập làm vua”. Cái gọi là “không cùng Hán tặc” chỉ là chiêu bài để tự xưng vương xưng đế.

 

 

Lưu Bị đã quên mất lý tưởng của mình (hoặc lúc trước không có), Gia Cát Lượng vẫn còn nhớ. Nhưng điều đáng tiếc là, không ai muốn nói ra điều thay đổi nho nhỏ đó. Lưu Bị vờ như không hề quên, Gia Cát Lượng cũng không muốn nhắc nhở hoặc nói thẳng ra. Ai nấy đành phải giấu kín trong lòng. Gia Cát Lượng phải ra sức để hoàn thành mọi công việc, Lưu Bị thì dựa vào Pháp Chính giành nhiều lợi ích hơn nữa.

 

 


Khi về Thục Hán, Lưu Ba được trọng dụng như các đại thần Khổng Minh, Pháp Chính.

Vấn đề là hiện nay Pháp Chính đã khuất. Trong số các mưu thần, Bàng Thống, Hứa Tĩnh, Lưu Ba, Mã Lương đều đã mất; trong số võ tướng, Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung cũng đã mất. Người còn lại có năng lực và tiếng tăm nhất, trừ Gia Cát Lượng ra chỉ còn Triệu Vân và Ngụy Diên. Lưu Bị vô cùng tín nhiệm Ngụy Diên, mỗi khi Tiên chủ xuất chinh văn có Pháp Chính, võ có Ngụy Diên, nhưng vì sao vẫn không thể gửi con cho Ngụy Diên? Người có thể gửi con chỉ có thể là Gia Cát Lượng, vả lúc này Gia Cát Lượng còn là thừa tướng, Lục thượng thư sự, giá tiết, kiêm Tư lệ hiệu úy. Nhưng quan hệ quân thần lúc này đã khác trước, nên mới có màn mở đầu đó, mới có phương án “phức tạp khác” - “Thượng thư lệnh Lý Nghiêm là phó”. Lý Nghiêm nguyên là thái thú Kiền Vi, tháng mười năm Chương Võ thứ II (Công nguyên năm 222) lên làm thượng thư lệnh, sau lúc bại trận ở Khiếu Đình tới nay là bốn tháng, trước khi gửi con ở Vĩnh An là sáu tháng, rõ ràng đây là sự sắp đặt đặc biệt của Lưu Bị. Về sự sắp xếp đặc biệt này, ngài Điền Dư Khánh giảng viên đại học Bắc Kinh có cách nói khác, chúng ta sẽ nói tới sau.

 

 

Phần trên là nhận xét của tôi về việc Ở Vĩnh An gửi con, nhưng đây vẫn chỉ là sự suy đoán. Nhưng dù là gì thì Lưu Bị cũng đã gửi con cho Gia Cát Lượng và Gia Cát Lượng cũng đã nhận trách nhiệm nặng nề với chính quyền Thục Hán. Đối với một chính trị gia kiệt xuất mà nói, đây không chỉ là cơ hội thực hiện nhiệm vụ chính trị, lý tưởng chính trị, đồng thời đây cũng là một trách nhiệm nặng nề, một áp lực to lớn. Hiển nhiên, là một chính trị gia muốn trị lý đất nước, củng cố chính quyền thì trước hết phải xử lý tốt mọi mối quan hệ. Vậy, Gia Cát Lượng đã làm gì, và từ đó, chúng ta có thể có được những gợi ý gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét