Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Tháo chuông rồi lại buộc chuông

 


Tào Tháo tiếp đón Tuân Úc và cháu - Tuân Du. (Ảnh: Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn họa)

V. Tháo chuông rồi lại buộc chuông

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Tuân Úc, Lỗ Túc, Gia Cát Lượng (theo thứ tự trước sau xuống núi), có thể đây là ba vị “mưu sĩ” đáng chú ý nhất trong ba tập đoàn lớn thời đó. Đương nhiên, không có nghĩa là những người khác (như Chu Du, Lã Mông, Lục Tốn bên phía Tôn Quyền) không quan trọng. Nhưng nói tới việc lập nước của Ngụy, Thục, Ngô thì không thể không kể tới ba vị này. Vì họ có ý niệm chính trị và phương lược dựng nước (những Long Trung đối khác nhau) và đều có ảnh hưởng đến vị quân chủ của mình. Từ góc nhìn đó, không thể coi họ là “mưu sĩ” chung chung, thậm chí không nên gọi là mưu sĩ mà gọi là “chính trị gia”. Nhưng ba người đó đã có những kết cục khác nhau. Tuân Úc bất hạnh nhất. Tuân Úc cả đời vất vả phục vụ Tào Tháo, nhưng lúc 50 tuổi đã bị Tào Tháo làm cho rầu rĩ phẫn nộ đến chết. So với Lỗ Túc, Gia Cát Lượng là khác biệt một trời một vực. Gia Cát Lượng được Lưu Bị gửi con, gửi nước; Lỗ Túc được Tôn Quyền đánh giá rất cao (dù chỉ “dăm bảy phần mười”). Tuân Úc được những gì? Được “Ích là Kính”.

 

 

Về cái chết của Tuân Úc, chúng ta phân tích trong tập Tiến thoái hết chỗ tựa. Ở đây, cần nói rõ thêm “điều kiện và cục thế” khi đó, đã quyết định thế nào đến số phận các nhân vật lịch sử. Chúng ta đều biết, Tuân Úc là nhân vật đặc biệt trong tập đoàn Tào Tháo. Tuân Úc xuất thân sĩ tộc, ông là huyện lệnh Lang Lăng, cha là quốc tướng Tế Nam, chú Tuân Sảng từng là tam công (tư không). Bản thân Tuân Úc là danh sĩ, được Hà Ngung ở Nam Dương bình là “có tài vương tá”. Hà Ngung là người không đơn giản, là “người trong đảng cố” những năm cuối thời Đông Hán, một nhân vật quan trọng trong tập đoàn danh sĩ, từng vạch mưu giết Đổng Trác. Tuân Úc cũng là một trong hai người nhìn ra Tào Tháo sớm nhất (người kia là Kiều Huyền). Vì vậy, Tuân Úc vừa là sĩ tộc vừa là danh sĩ.

 

 

Nhưng Tuân Úc, một người vừa là sĩ tộc vừa là danh sĩ đã chạy đến với Tào Tháo. Hơn nữa, trước đó Tuân Úc còn ở chỗ Viên Thiệu. Chúng ta cần biết, đường lối của Viên Thiệu là “sĩ tộc Nho gia”. Đường lối của Tào Tháo là “Pháp gia hàn tộc”. Tuân Úc bỏ Viên sang với Tào, là chuyện không bình thường. Không bình thường hơn nữa, Tuân Úc sang với Tào Tháo vào năm Sơ Bình thứ II (Công nguyên năm 191) thời Hán Hiến đế. Lúc này Viên Thiệu đã đoạt được địa bàn của Hàn Phức, là Ký châu mục, Tào Tháo mới được Viên Thiệu tiến cử là thái thú Đông quận, về cơ bản chưa sánh được với Viên Thiệu. Phần trước đã nói, trong chiến dịch Quan Độ (Công nguyên năm 200), Tào Tháo đã “phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục”. Rất nhiều người chưa biết đến Tào Tháo, đều cho rằng Viên Thiệu sẽ thắng. Thế mà chín năm trước đó, Tuân Úc đã bỏ Viên Thiệu, chẳng nhẽ lại là bình thường?

 

 

Vậy, vì sao Tuân Úc lại rời khỏi Viên Thiệu, đến với Tào Tháo? Tuân Úc “đồ rằng Thiệu sẽ không hoàn thành được việc lớn”. “Việc lớn” của Tuân Úc là gì? Giống như Gia Cát Lượng, là “hưng phục Hán thất”. Đáng tiếc, số chư hầu tham gia liên quân Quang Đông khi đó đều không đáng dùng. Trong số đó có hai người hăng hái và có điều kiện nhất là Viên Thiệu và Viên Thuật, nhưng hai người này lại đều muốn làm hoàng đế và không làm nổi. Vì vậy, Tuân Úc mới bằng lòng đến với Tào Tháo, khi đó còn chưa có danh tiếng gì. Thực tế thì Tào Tháo là người gan dạ thao lược, đã sớm biểu hiện ra. Lúc này Tháo mới chỉ là trung thần vương triều Đông Hán, một anh hùng quên mình vì đất nước. Tuân Úc kỳ vọng ở Tào Tháo. Xem Long Trung đối - Tuân Úc bản thấy rõ, Tuân Úc đánh giá Tào Tháo như thế nào? Là “Lòng dạ luôn bên vương thất”, là “có chí giúp rập thiên hạ” Tuân Úc đưa ra cương lĩnh chính trị thế nào cho Tào Tháo? Một là “Phụng chúa thương để lòng dân theo về” hai là “giữ lẽ chí công để hùng kiệt phải thần phục”, ba là “đề cao nghĩa lớn để anh tuấn tìm đến”. Nói như vậy là hết sức rõ ràng.

 

 

Vào niên hiệu Kiến An năm đầu (Công nguyên năm 196), Tuân Úc đã đưa ra cương lĩnh chính trị đó. Mười mấy năm trôi qua, vào năm Kiến An thứ XVIII (Công nguyên năm 212), tình hình đã thay đổi. Tào Tháo không còn là “Lòng dạ luôn bên vương thất”, cũng không còn là “phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục”, mà là “Ép thiên tử để lệnh chư hầu”, muốn mình được phong công lập tước. Đây chính là một tín hiệu nguy hiểm. Việc phát triển ở bước sau sẽ ngược lại với lòng trung và lý tưởng của Tuân Úc. Vì vậy, Tuân Úc không thể không ngăn. Nhưng lời khuyên của Tuân Úc chẳng có kết quả gì. Tào Tháo như người đã bước lên “thuyền giặc”, chỉ còn một đường là đi tới tối. Tuân Úc đành phải chia tay với Tào Tháo, tìm đến cái chết. Tuân Úc muốn bằng sinh mệnh của mình để chôn vùi lý tưởng đó, cũng muốn bằng sinh mệnh của mình để khuyên can Tào Tháo lần cuối.

 

 

Có nhiều nguyên nhân để Tuân Úc lựa chọn như vậy. Nhưng nói cho cùng, Tuân Úc có thân phận là danh sĩ, có lập trường của sĩ tộc và tư tưởng Nho gia. Vương triều Đông Hán lấy danh giáo dựng nước, lấy thế gia đại tộc và Nho học để lập thân, quan niệm trung quân giữ nước là thâm căn cố đế, thay triều đổi đại là vấn đề nhạy cảm nhất, thậm chí đã trở thành tiêu chuẩn ranh giới. Như Trung Quốc thông sử của ngài Phạm Văn Lan đã phân sĩ tộc Trung Nguyên tụ tập ở Hứa Đô thành hai phái, “giúp Hán” và “giúp Tào”, đều là sĩ tộc cả. Tuân Úc thuộc phái hệ “giúp Tào”, nhưng thực chất là “giúp Hán”, rõ ràng là “người ở bên Tào, lòng ở chỗ Hán”. Chính do mâu thuẫn nội tại này đã nung nấu và trở thành bi kịch của Tuân Úc.

 

 

Không nung nấu thành bi kịch cũng có, như Trần Quần. Theo Tam quốc chí - Trần Quần truyện và lời chú dẫn của Bùi Tùng Chi, ông, cha và chú của Trần Quần đều “nổi tiếng” thời đó. Họ đểu làm quan. Bản thân Trần Quần từng được Khổng Dung chọn cử, Trần Quần vừa là sĩ tộc vừa là danh sĩ. Nhưng Trần Quần không hề phản đối Tào Tháo lập nước, thậm chí còn hùn vào, muốn Tào Tháo xưng đế (Đương nhiên Tào Tháo không đồng ý). Như vậy, Trần Quần rõ ràng là thuộc “phái giúp đỡ” nhưng khi Tào Tháo vừa mất, Trần Quần đã đưa “phép cửu phẩm quan nhân” của mình cho Tào Phi, và được thực hiện luôn. Tào Tháo đoạt mất quyền lợi của giai cấp sĩ tộc, Trần Quần cũng “lấy” mất đường về của họ, nói xem Trần Quần thuộc phái nào?

 

 

Thực tế thì Tuân Úc và Trần Quần đều không phải “phái giúp Tào” thực bụng. Tuân Úc ủng hộ vương triều Đông Hán sắp diệt vong; Trần Quần ủng hộ giai cấp sĩ tộc đang đà phát triển. Tuân Úc thông minh, hiểu rõ nếu muốn quy về một mối mà chỉ dựa vào hoàng đế là chưa đủ, chi có thể dựa vào thế lực tên “Chung Quỳ” là Tào Tháo để “đuổi quỷ”. Có điều Tuân Úc không ngờ trong quá trình “Chung Quỳ” “đuổi quỷ” thì bản thân mình biến thành “quỷ”, vì thế Tuân Úc phải lấy thân tuẫn đạo. Trần Quần cao minh, biết rằng “người cởi chuông phải là người buộc chuông”, muốn lấy lại quyền lợi của giai cấp sĩ tộc, trước hết phải đánh giá được kẻ đã đoạt quyền. Vì vậy, Trần Quần “Lấy đạo của người để trị người”. Tào Tháo “trộm rường đổi cột”, Trần Quần liền “đổi cột trộm rường”. Tào Tháo giương cờ “giúp Hán” để “tiếm Hán”, Trần Quần liền giương cờ “giúp Tào” để “biến Tào”. Rõ ràng, Tuân Úc là cao thượng, Trần Quần là cao minh.

 

 

Lập trường của Tuân Úc không phải là lập trường của Tào Tháo, lập trường của Lỗ Túc lại là lập trường của Tôn Quyền. Vì vậy, kết cục của Lỗ Túc tốt hơn nhiều, vấn đề của Tôn Quyền cũng đơn giản hơn nhiều. Tôn Quyền không phải sĩ tộc. Lỗ Túc cũng không phải danh sĩ, họ không phải chịu một áp lực nào. Vì vậy, Lỗ Túc có thể nói thẳng “Hán thất không thể phục hưng”, Tôn Quyền có thể lúc thì phản Tào lúc thì hàng Tào. Ở chỗ Tôn Quyền giúp Tào hay phản Tào không có mâu thuẫn, hàng Tào và giúp Hán cũng không có mâu thuẫn. Muốn hàng Tào (lúc phải đối phó với Lưu Bị) chỉ cần nói Tào Tháo là “Hán tướng”; muốn phản Tào (lúc liên hợp với Lưu Bị) lại nói Tào Tháo là “Hán tặc”. Một điển hình của chủ nghĩa thực dụng! Đông Ngô nhỏ, e cũng chỉ làm được như vậy. Tôn Quyền cũng không thể hiến thân vì lý tưởng, vả Tôn Quyền cũng không hề có lý tưởng.

 

 

Vì vậy Tôn Quyền khá thành thạo trong trò “trở mặt”. Nói khó nghe thì đó là “lựa gió bẻ thuyền”, nói dễ nghe hơn “thức thời độ thế” mục tiêu cơ bản là “Lập hiệu đế vương để lấy thiên hạ”. Nhưng muốn “lấy thiên hạ” là phải “xưng đế vương”; muốn “xưng đế vương” phải “vững Giang Đông”; muốn “vững Giang Đông” phải được sĩ tộc Giang Đông ủng hộ. Vì vậy, Tôn Quyền phải giao cho sĩ tộc Giang Đông phần quyền lực tương đối lớn, để Lục Tốn và Cố Ung chia nhau nắm giữ quân quyền và chính quyền, để phần lớn con em sĩ tộc và mạc phủ, chính phủ, thực hành “Người Ngô trị Ngô”. Tôn Quyền đã thực hiện “bản thổ hoá” và cũng là “sĩ tộc hoá” trong chính quyền Tôn Ngô, chẳng khác gì những việc Tào Phi đang làm ở Trung Nguyên, có thể gọi là “một bản nhưng khác khúc”. Chúng ta đều biết, chính quyền Tôn thị vốn đối lập với sĩ tộc Giang Đông. Lúc này Tôn Quyền lại bắt tay vui vẻ với họ, còn để họ tham gia chính sự. Đúng, chỉ có “Người buộc chuông mới mở được chuông”. Có điều, ờ chỗ Tào Phi thì Trần Quần giúp làm việc này. Ngược lại, Tôn Quyền tự mình làm lấy.

 

 

Vì sao Tôn Quyền lại có thể làm được như vậy? Tôn Quyền là người không theo một lý tưởng nào cả. Chính xác hơn, Tôn Quyền chỉ có mục tiêu không có lý tưởng. Bởi vậy, Tôn Quyền không để ý tới việc vương triều Đông Hán còn hay mất, không để ý xem Tào Tháo là trung hay gian, mà chỉ lo giữ địa bàn. Thậm chí còn chẳng để ý xem chính quyền thuộc về giai cấp nào (sĩ tộc hay thứ tộc) miễn là họ Tôn vẫn còn. Tôn Quyền không có một gánh nặng nào cả.

 

 

Điều phiền hà chỉ là Lưu Bị và Gia Cát Lượng vẫn còn đó.

 

 

Lưu Bị thân phận là tông thất. Thân phận đó khiến Lưu Bị thêm dễ dàng và cũng thêm gánh nặng. Phần trước đã nói, sau khi Viên Thiệu mất, số sĩ tộc và danh sĩ giúp Hán phản Tào chỉ còn biết kỳ vọng vào Lưu Bị. Lưu Bị đã giương cao ngọn cờ thương cảm “Hán thất nghiêng đổ, gian thần nắm mệnh, chúa thượng lao đao”, “muốn lây tín nghĩa giúp thiên hạ”. Đó là vốn liếng chính trị và đồng thời cũng là gánh nặng về chính trị của Lưu Bị. Lưu Bị không thể tuỳ cơ ứng biến như Tôn Quyền, chỉ có thể giương cao ngọn cờ “phản Tào hưng Hán” tới cùng. Chính vì vậy Lưu Bị mới lấy gọn được mảnh đất phong thuỷ đẹp của Lưu Chương, tuy Lưu Chương cũng là “tông thất”. Lưu Bị từng bước từng bước theo con đường dựng nước của Tào Tháo, tuy Tháo là “Hán tặc”. Cứ nhìn vào cung cách làm ăn của Lưu Bị thì thấy rõ. Tào Tháo xứng Ngụy vương, Lưu Bị liền xưng Hán Trung vương; Tào Phi xưng Ngụy đế, Lưu Bị liền xưng Hán đế. Chẳng trách trong Con đường dựng nước của Tôn Ngô, ngài Điền Dư Khánh nói về nước Thục “Sao chép lịch sử, giống như nước láng giềng”. Tóm lại, thời kỳ đầu Thục Hán dựng nước không có phiền hà gì, phiền hà là ở phần sau. Có điều, đó không còn là phiền hà của Lưu Bị, mà là phiền hà của Gia Cát Lượng. Bởi vì, sau hai năm xưng đế, Lưu Bị đã phải cưỡi hạc ra đi, Gia Cát Lượng mới chính thức trị lý nước Thục.

 

 

Chính bởi lý tưởng chính trị khiến Gia Cát Lượng gặp phải phiền hà. Lý tưởng của Gia Cát Lượng là gì? Một là “hưng phục Hán thất”, hai là “y pháp trị nước”. Việc trước quan hệ tới “thiên hạ”, không thể thực hiện được, không cần bàn tiếp; việc sau quan hệ tới “đất nước”, là việc Gia Cát Lượng nên làm và làm được, làm tốt. Xin nói thêm mấy câu, Gia Cát Lượng muốn “y pháp trị nước”, là muốn xây dựng một xã hội trong sạch, công bằng, một chính phủ liêm khiết ở mức cao. Nói như Trần Thọ, trạng thái xã hội, chính phủ phải là “không có quan gian, phải tự nghiêm khắc, không rời đạo đức, mạnh không ép yếu, phong hoá thoáng đãng”. Trần Thọ từng mô tả tình trạng nước Thục với sự trị lý của Gia Cát Lượng. Đã làm được như vậy, vì Gia Cát Lượng biết “Vỗ về trăm họ, theo con đường đúng, hạn chế quan chức, tuân theo quyền chế, một lòng thành tâm, ban bố đạo lý”. Cũng tức là trị nước theo phép.

 

 

Thực kỳ lạ! Một việc tốt như vậy sao có thể gây phiền hà? Rất đơn giản, vì thế gia đại tộc, và cường hào địa phương không vui. Vì nếu muốn công bằng thì không thể thiên lệch sĩ tộc; muốn ở cấp cao phải xem ở xuất thân; muốn liêm khiết thì không dung tham lam; muốn thanh cao không cho bá đạo. Tóm lại, những điều đó đều ngược với ba đặc điểm lớn của giai cấp địa chủ sĩ tộc là “Lũng đoạn quan trường. Khống chế dư luận, trở thành cường hào”, lẽ nào lại được bọn họ ủng hộ?

 

 

Hơn nữa để thực hiện lý tưởng “hưng phục Hán thất” của mình, Gia Cát Lượng không thể thực hiện cái gọi là “người Thục trị Thục” giống như Tôn Quyền thực hiện “người Ngô trị Ngô”. Vì một khi Thục Hán “bản thổ hoá” thì sẽ trở thành “một nước tạm yên” giữ vững ở nơi hiểm yếu. Ai nấy yên tâm với thực tại, không muốn tiến thủ, còn đâu tinh thần Bắc tiến Trung Nguyên? Vả là một người lãnh đạo chính quyền từ ngoài tới, Gia Cát Lượng không tin tưởng hoàn toàn ở những người “địa phương”. Vì vậy, Gia Cát Lượng không chỉ không thể thực hành “người Thục trị Thục”, người lại còn khống chế về mặt chính trị, ổn định về kinh tế đối với sĩ tộc và cường hào vùng Ích châu. Chưa nói tới cái khác, riêng về quân phí to lớn mỗi khi Bắc phạt đều lấy ở họ, vì họ là con “dê mập”. Thực tế, nếu Gia Cát Lượng chấp pháp công bằng, thì người bỏ tiền ra nhiều chính là họ. Nếu muốn họ không oán than, chỉ còn cách không Bắc phạt nữa, không nói tới công bằng nữa. Tiếc thay, tất cả các mục đó đều liên quan tới lý tưởng của Gia Cát Lượng. Vì vậy, chúng ta mới nói tới hai chữ phiền hà, và là sự phiền hà đã kết thành khối, không gỡ ra được. Tức là Thục Hán chỉ có người buộc chuông, không có người cởi chuông. Cuối cùng thì người đến “cởi chuông” là Tào Ngụy.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét