Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Đuổi hươu vị tất được hươu

 


Nghi Xương (tên trước đây là Di Lăng) nằm ở phía tây tỉnh Hồ Bắc, chắn cửa phía đông của đập Tam Hiệp.

IV. Đuổi hươu vị tất được hươu

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Trước hết hãy nói từ trận chiến Di Lăng.

 

Là một trong ba chiến dịch lớn (Quan Độ chiến, Xích Bích chiến, Di Lăng chiến) của Tam Quốc cuối thời Hán, chiến dịch Di Lăng vẫn còn nhiều điều khó hiểu. Như trong Nhận thức lại Long Trung đối của ngài Điền Dư Khánh nói, “khiến người ta khó hiểu” về cách bố trí và cách chỉ huy chiến tranh của Lưu Bị. Sử sách cũng không ghi rõ thái độ của Gia Cát Lượng đối với cuộc chiến này, sử gia chỉ có thể mò mẫm suy đoán. Ngoài ra, kết cục của cuộc chiến cũng làm người ta bất ngờ. Lục Tốn giành toàn thắng đã chủ động lui quân, kẻ chiến bại như Lưu Bị lại muốn đánh tiếp. Theo Tam quốc chí - Lục Tốn truyện, sau khi bại trận Lưu Bị chạy về thành Bạch Đế, nhiều tướng lĩnh bên Đông Ngô giành nhau dâng biểu lên Tôn Quyền, cho rằng nên thừa thắng truy kích bắt bằng được Lưu Bị. Lục Tốn và Chu Nhiên, Lạc Thống cho rằng Tào Phi đang điều binh khiển tướng, danh nghĩa là giúp Ngô đánh Lưu Bị, thực tế thì họ đã có dã tâm, vì vậy phải rút khỏi cuộc chiến. Điều này vốn là rất tốt với Thục Hán, nào ngờ Lưu Bị lại tỏ ra già mồm. Theo chú dẫn Ngô lục của Bùi Tùng Chi trong Lục Tốn truyện, khi đó Lưu Bị có thư gửi Lục Tốn, nói lúc này giặc (Ngụy quân) đã tới Giang Lăng, trẫm cũng muốn Đông tiến lần nữa, tướng quân thấy có được không (tướng quân thấy nên chăng)? Kết quả là Lục Tốn đã phải nói thẳng ra, liệu vết đau của các vị đã khỏi chưa, có lẽ chẳng cần phải đến để nộp mạng! Lúc này Lưu Bị mới chịu giảng hoà.

 

 

Quyết sách của Lục Tốn là hoàn toàn đúng, và chắc gì Lưu Bị đã muốn đến lần nữa. Họ, bao gồm Tào Phi, Tôn Quyền, đều đã rõ, ba nhà Ngụy, Thục, Ngô đã thành thế chân vạc, chẳng ai có thể nuốt được ai. Hơn nữa, một bên nào đó lớn mạnh, hai bên kia sẽ đến hạn chế. Hai bên giao chiến quyết phải thắng, thua, mà ngay cả khi chưa ra quân, thì bên thứ ba sẽ đến xen vào, can dự. Vì vậy, Lục Tốn chỉ có thể thấy thắng là thu quân, và bên Lưu càng không thể bới việc, tìm việc. Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng chấp chính, sai luôn Đặng Chi sang sứ nước Ngô, nối lại liên minh. Theo Tam quốc chí - Đặng Chi truyện, khi đó Đặng Chi đã nói hết nhẽ với Tôn Quyền, hai bên chúng ta, một bên có “chỗ hiểm để vững chắc”, một bên có “ba con sông để ngăn cản”. Nếu liên hợp lại gắn bó như môi với răng thì “tiến có thể lấy thiên hạ, thoái thành thế chân vạc”. Ngược lại, nếu đại vương chạy sang với Tào Ngụy, còn muốn nước được độc lập, thì kết quả Tào Ngụy sẽ đến đánh đại vương, Thục Hán cũng muốn đánh đại vương, vùng đất Giang Nam sẽ không còn là của đại vương nữa. Tôn Quyền yên lặng hồi lâu, cuối cùng không thể thừa nhận lời nói rất hay. Khi lập thế chân vạc, hai bên nhỏ yếu chỉ có thể chung sống hoà bình, thậm chí còn phải giúp nhau mới có thể chống lại phía mạnh. Vì vậy, tháng tư niên hiệu Hoàng Long năm đầu (Công nguyên năm 229), Tôn Quyền xưng đế, Gia Cát Lượng không còn nói “Trời không có hai mặt, người không thời hai vua”, mà sai sứ sang chúc mừng, ký kết “điều ước không xâm phạm lẫn nhau”, thừa nhận Đông đế (Ngô đế), Tây đế (Thục đế), tôn trọng lẫn nhau, còn dự tính phân chia địa bàn với Tào Ngụy.

 

 

Đây cũng là sự kiện lớn của Tam Quốc cuối đời Hán. Bởi vì chỉ đến lúc này thì danh phận trong Tam Quốc mới được thành lập rõ ràng. Dù Tào Ngụy không thừa nhận Thục Hán và Tôn Ngô, Tôn Ngô và Thục Hán cũng không thừa nhận Tào Ngụy, nhưng hai bên Ngô - Thục lại thừa nhận lẫn nhau. Cũng tức là, họ không câu nệ cái gọi là “chính thống”, công nhiên thừa nhận dưới gầm trời này có thể đồng thời có hai hoàng đế, thực tế đây là sự phá cách ghê gớm.

 

 

Ở đây phía Thục Hán là khó nói nhất. Nên nhớ, Thục Hán tự cho mình là “chính thống”. Ngược lại, Tôn Quyền vốn không phải là “chính thống” và cũng không thể giành được địa vị “chính thống” lại hết sức thoải mái, “cùng tôn hai đế”, chính họ đã đề ra phương án này. Thực tế thì Tôn Quyền đã sớm nghĩ tới ngày hôm nay. Niên hiệu Kiến Hưng năm thứ II (Công nguyên năm 224) thời Thục Hán, Đặng Chi lần thứ hai sang sứ nước Ngô, Tôn Quyền đã nói rõ ý đó. Tôn Quyền nói với Đặng Chi, nếu tiêu diệt được Tào Ngụy, khôi phục được thái bình, hai nước chúng ta phân chia thiên hạ, như thế mới hay. Đặng Chi nói, trời không có hai mặt người không thờ hai vua. Sau khi kiêm quản được Tào Ngụy, nếu đại vương không biết thiên mệnh ở đâu (cũng tức là không chịu đầu hàng Thục Hán), vậy, hai nước chúng ta đành phải “vua thực thi đức hạnh của mình, thần phải tận tụy tận hiếu” mọi người, lại giương cờ gióng trống. Lúc đó, chiến tranh như vừa mới bắt đầu! Tôn Quyền nghe xong cười ầm lên nói, ngài thành thực lắm!

 

 

Nhưng năm năm sau, chưa nói tới Đặng Chi, mà ngay cả Gia Cát Lượng cũng không nói: “Trời không có hai mặt, người không thờ hai vua”. Điều đó nói rõ việc gì? Nói, Gia Cát Lượng đã ý thức được, ba nước ở thế chân vạc đã thành sự thực không thể thay đổi, việc “hưng phục Hán thất” không còn là việc dễ dàng nữa. Kỳ thực, đâu chỉ có không dễ dàng. Theo tôi, không thực hiện được! Theo lời chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, lúc Trần Quần và Hoàn Giới khuyên Tào Tháo làm Hoàng đế từng nói: “một người dân, một tấc đất đều không có”. Vương triều Hán một người dân, một tấc đất đều không có, làm sao có thể phục hưng được?

 

 

Người chỉ ra sự thực “tàn khốc” đó sớm nhất, phải kể là Lỗ Túc. Phần trước đã nói, trong Đối sách trước giường vào năm Kiến An thứ V (Công nguyên năm 200), Lỗ Túc đã nói rõ với Tôn Quyền “Hán thất không thể phục hưng”. Nhưng bảy năm sau đó, một lần trò chuyện với Lưu Bị ở Long Trung, Gia Cát Lượng lại nói “có thể dựng lại Hán thất”. Thậm chí vào năm Kiến Hưng thứ V (Công nguyên năm 227) thời Thục Hán, Tào Phi đã qua đời, Gia Cát Lượng trước lúc Xuất sư biểu Bắc phạt còn lấy “Phục hưng Hán thất, về lại đô cũ” làm lời hiệu triệu. Qua đây, có người cho rằng Gia Cát Lượng không thức thời. Thực ra đều không đúng. Lỗ Túc không phải ít hiểu biết, mà có con mắt nhạy cảm; Gia Cát Lượng cũng không phải không thức thời, mà là có yêu cầu khác. Ở họ, một người nhìn thẳng vào sự thực, một người có lý tưởng, nhưng họ đáng được chúng ta kính trọng.

 

 

Sự thực, ở hai trận doanh Ngô - Thục, quan hệ giữa Gia Cát Lượng và Lỗ Túc là rất tốt. Tam quốc chí phần tiếc mực như vàng nói rất hay, lúc Lỗ Túc qua đời “Gia Cát Lượng đến phát tang”. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được tình cảm sâu nặng của hai người. Tình cảm hữu nghị đó được hình thành trong quá trình hai người thúc đẩy và ủng hộ liên minh Tôn, Lưu; trong quá trình làm việc, hiểu biết lẫn nhau, thực hiếm hoi! Thực khó để hiểu được, hai người cách nhau rất xa, lại có được tình cảm sâu nặng đến như vậy. Thực tế thì ý niệm chính trị của Lượng, Túc là khác nhau, nhưng không can hệ gì tới phẩm chất và tư tưởng, mà can hệ tới lập trường chính trị. Cũng tức là, lập trường của họ khác nhau, nên mới có ý niệm và phán đoán khác nhau, nhưng không ngăn cản họ trở thành bạn trong liên minh, bè bạn, thậm chí là chiến hữu.

 

 

Vậy, lập trường của Gia Cát Lượng và Lỗ Túc là gì? Lập trường của Lỗ Túc là phò tá Tôn Quyền nên “bá nghiệp” rồi “đế nghiệp”. Lập trường của Gia Cát Lượng là phò tá Lưu Bị thành “bá nghiệp” rồi “hưng phục Hán thất”. Mục tiêu giai đoạn đầu là như nhau, nhưng sau cùng là khác nhau. Vì vậy Lỗ Túc và Gia Cát Lượng có thể trở thành bè bạn, nhưng không thể trở thành đồng chí. Và đây cũng là điều mà Tôn Quyền và Lưu Bị có thể liên minh, nhưng rồi ai đi đường nấy, và cuối cùng có thể trở mặt. Trở mặt, đương nhiên vì lợi ích hai nước xung đột; còn đường lối khác nhau lại do một nguyên nhân khác.

 

 

Nói tới Tôn Quyền trước. Tôn Quyền không phải Viên Thiệu, không phải thế gia đại tộc; Tôn Quyền cũng không phải Lưu Bị, không phải hoàng tộc, tông thất. Về mặt xuất thân gia đình, Tôn Quyền có điểm giống với Tào Tháo. Tào Tháo xuất thân không tốt, vì “không sạch”; Tôn Quyền xuất thân không tốt, vì “nghèo túng”. Có điều, Tôn Quyền không được như Tào Tháo - có kinh nghiệm vì đã “làm việc trung ương” và ưu thế “phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục”. Tôn Quyền chỉ có một danh hiệu là tướng quân (đánh Lỗ tướng quân) và một chính quyền (chính quyền Giang Đông) chưa thực ổn định, nói trắng ra là một quân phiệt không to không nhỏ. Với những cái đó, Tôn Quyền đứng trước một hiện thực, mưu cầu sinh tồn trong một khoảng hẹp. Vì vậy, chủ nghĩa hiện thực của Lỗ Túc hợp với khẩu vị của Tôn Quyền, quy hoạch chiến lược của Lỗ Túc có điều kiện để thực thi. Cũng có Giang Đông, lập thế chân vạc, Tôn Quyền đã làm được, đoạt lấy Kinh châu, chia ra mà đánh, Tôn Quyền cũng đã làm được. Thậm chí Tôn Quyền còn xưng đế dựng nước, có điều muộn hơn người khác. Tôn Quyền cũng có ý đoạt lấy Ích châu, chiếm cứ toàn bộ lưu vực Trường Giang, có điều chưa làm được. Như vậy, Lỗ Túc không phí công có quy hoạch cho Tôn Quyền. Theo Tam quốc chí - Lã Mông truyện, sau này trong buổi trò chuyện với Lục Tốn, Tôn Quyền đã ví Lỗ Túc như Đặng Vũ - người đầu tiên mong Quang Vũ đế Lưu Tú đoạt thiên hạ, xưng đế dựng nước. Rõ ràng, lập trường của Lỗ Túc cũng là lập trường của Tôn Quyền, đường lối của Tôn Quyền cũng là đường lối của Lỗ Túc.

 

 

Tình huống của Lưu Bị không như vậy. Nói về xuất thân gia đình thì điều kiện của Lưu Bị tốt hơn Tào Tháo và Tôn Quyền. Tào Tháo là đời sau của yên hoạn, Tôn Quyền xuất thân hàn môn, sĩ tộc đều xem thường họ. Lưu Bị cùng họ với Hoàng đế, còn là học trò của danh nho Lư Thực, ít nhiều đã có vốn liếng về chính trị. Lưu Bị còn biết phải làm gì, trong lúc quân phiệt hỗn chiến, người khác thì mở rộng địa bàn, Lưu Bị mở rộng danh vọng, còn hình thành được cái mà ngài Phạm Văn Lan gọi là tập đoàn nhỏ “Võ sĩ mạnh mưu sĩ yếu”. Vì vậy, dù có người (như Viên Thuật) xem thường Lưu Bị, nhưng rất nhiều đại quân phiệt khác thêm phần coi trọng. Lưu Bị chạy đến chỗ Đào Khiêm, Đào Khiêm tiến cử Lưu Bị là Dự Châu thứ sử, về sau còn gửi cả Từ châu. Lưu Bị chạy đến với Tào Tháo, Tào Tháo tiến cử Lưu Bị là Dự châu mục, Tả tướng quân, còn được “đi cùng xe, ngồi cùng chiếu”. Lưu Bị chạy đến với Viên Thiệu, Viên Thiệu “sai tướng đi nghênh đón”, bản thân ra ngoài thành chừng vài trăm dặm để gặp mặt; đối với Lưu Biểu, Lưu Biểu cũng “tự ra ngoài đón và đối đãi như tân khách”. Chỉ riêng việc Tào Tháo và Viên Thiệu tranh nhau tiếp đãi cũng đủ thấy vai trò của Lưu Bị là không nhỏ.

 

 

Các quân phiệt xem trọng Lưu Bị, vì Lưu Bị có sức hấp dẫn đặc biệt với sĩ tộc. Nhất là sau khi Viên Thiệu qua đời, người mà các sĩ tộc phản Tào phục Hán có thể gửi gắm hy vọng cũng chính là Lưu Bị. Gia Cát Lượng nói với Tôn Quyền, Lưu Bị “Dòng dõi vương thất, anh tài cái thế, các sĩ ngượng mộ, như nước chảy ra biển”, tuy là có chút phô trương, nhưng cũng không phải là không thế. Chính việc lựa chọn của Gia Cát Lượng đã nói rõ điều đó. Gia Cát Lượng lựa chọn Lưu Bị, ngoài việc Lưu Bị ba lần đến lều tranh, tỏ rõ thành ý cầu hiền như khát nước, còn có một nguyên nhân quan trọng khác: Lưu Bị là tông thất. Chúng ta đều biết, Gia Cát Lượng muốn “hưng phục Hán thất”. Một “sứ mạng lịch sử” như vậy, đương nhiên, tốt nhất là do tông thất hoàn thành thậm chí chỉ có tông thất mới hoàn thành được. Mở đầu có thể làm như Quang Vũ đế, cần có một vị tông thất cầm đầu nhưng lúc này thì mấy vị tông thất là châu mục như Lưu Yên, Lưu Do, Lưu Ngu đều đã chết, Lưu Do và Lưu Ngu còn làm mất cả địa bàn. Lưu Chương là con của Lưu Yên tiếp tục là Ích châu mục, nhưng chẳng ra hồn, vả Ích châu không phải là nơi tiến thủ. Lưu Biểu là người duy nhất có thể chọn. Nhưng tiếc Lưu Biểu chỉ là kẻ hẹp hòi, không có chí lớn. Bao nhiêu là nhân sĩ Trung Nguyên lánh nạn ở Kinh châu, Lưu Biểu thường chỉ an ủi, không trọng dụng. Ngược lại, Lưu Bị tuy còn phải nhờ vả người khác, nhưng uy vọng lại rất cao. Vì vậy, Gia Cát Lượng đã chọn Lưu Bị, còn đưa ra một quy định chiến lược “Trước lấy Kinh châu, sau đoạt Ích châu, vượt qua Kinh ích để lấy thiên hạ”. Đó là Long Trung đối nổi tiếng. Theo ý tưởng đó của Gia Cát Lượng, Lưu Bị có thể hoàn thành bá nghiệp, hưng phục Hán thất, trở thành hậu duệ của Quang Vũ đế, liên quan tới sự tồn vong của nhà Hán.

 

 

Đây là ý tưởng hay, khiến Gia Cát Lượng vừa xuống núi đã nổi tiếng. Nhưng Gia Cát Lượng cũng gặp phải một khó khăn, một khi không thực hiện được ý tưởng đó thì làm thế nào? Trên thực tế, chỉ cần nhìn vào ba chiến dịch lớn đã kể cũng có thể thấy, rất nhiều sự việc không thể thay đổi được bằng ý chí chủ quan của con người. Ba chiến dịch đó có điểm gì giống nhau? Những người gây ra chiến tranh đều thất bại và kết thúc. Viên Thiệu gây chiến ở Quan Độ, Viên Thiệu thất bại; Tào Tháo gây chiến ở Xích Bích, Tào Tháo thất bại; Lưu Bị gây chiến ở Di Lăng, Lưu Bị thất bại. Thế là thế nào? Là mệnh ư? Vận ư? Phong thuỷ ư? Đều không phải. Vậy là gì? Là do thế. Thời thế quyết định đường hướng của lịch sử, sau này cũng sẽ là như vậy. Viên Thiệu thất bại, vì môn phiệt gặp phải quân phiệt; Tào Tháo thất bại, vì miền Nam chống lại miền Bắc; Lưu Bị thất bại, như đã nói trước đây, hai nước Ngô Thục trong một phạm vi nhất định, chỉ có thể thành “bá một phía”, không thể phát triển hơn, nên mới có cái gọi là “Trung Nguyên được hươu không do người”.

 

 

Rõ ràng, Gia Cát Lượng, một người có lý tưởng, gặp thực tế đó sẽ hết sức đau khổ. Tào Phi không theo chủ nghĩa lý tưởng, đã nhượng bộ trước sĩ tộc Trung Nguyên, thi hành chế độ “Cửu phẩm quan nhân”. Tôn Quyền cũng không theo chủ nghĩa lý tưởng, vì vậy đã nhượng bộ sĩ tộc Giang Đông, thi hành chế độ “người Ngô trị Ngô” Gia Cát Lượng không theo “Cửu phẩm quan nhân” cũng không theo “người Thục trị Thục”, kết quả Thục Hán diệt vong sớm nhất trong ba nước. Đó là vận may hay là bất hạnh đây?

 

 

Điều này làm tôi nhớ tới một người khác, nhớ tới Tuân Úc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét