Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Sóng sau biến thành sóng trước

 

VI. Sóng sau biến thành sóng trước

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Cuối cùng thì Tào Ngụy đã diệt Thục Hán, người người cảm thấy nuối tiếc, không nói thành lời. Không chỉ vì, dưới sự trị lý của Gia Cát Lượng, Thục Hán là nước có nền chính trị tốt nhất thời đó; mà còn vì Tào Ngụy đã trở thành một đất nước không theo lý tưởng của Tào Tháo, ngược lại từ một ý nghĩa nào đó, Thục Hán của Gia Cát Lượng vẫn chấp hành đường lối của Tào Tháo. Nhưng Thục Hán chấp hành đường lối của Tào Tháo lại bị diệt bởi Tào Ngụy sớm đã vứt bỏ con đường của Tào Tháo. Âu đó cũng là ý trời, đâu phải mưu của con người?

 

 

Rõ ràng đây là vấn đề lớn. Trước lúc trả lời vấn đề này, chúng ta cần phải làm rõ, “Trên một ý nghĩa nào đó”, Thục Hán của Gia Cát Lượng phải chăng đã chấp hành “đường lối của Tào Tháo”?

 

 

Tôi khẳng định điều này.

 

 

Với nhiều người, Tào Tháo và Gia Cát Lượng không chỉ đại diện cho tập đoàn chính trị khác nhau mà cơ bản còn là những người không cùng đường. Nói vậy là có lý. Chưa nói tới “Hình tượng văn học” và “Hình tượng dân gian”, họ đã khác nhau một trời một vực, mà ngay cả “Hình tượng lịch sử”, cũng có khác biệt lớn, khiến cho trong tác phẩm văn học, hay truyền thuyết dân gian, họ biến thành “không cùng tồn tại với Hán tặc” trong “hai thứ sắc nhọn đối nhau”. Nhưng nếu chúng ta tạm thời vứt bỏ sự tranh giành vô vị cái gọi là vương triều truyền thống, tạm thời không đánh giá phẩm chất, đạo đức từng cá nhân mà chỉ nhìn vào lập trường giai cấp và đường lối chính trị, thì chẳng khó khăn gì thấy ngay, ở họ có những điểm tương đồng đến dễ sợ. Tức là, ý niệm chấp chính và con đường lập nước của họ khác hẳn với đường lối “Nho gia sĩ tộc” của Viên Thiệu. Không phải nói nhiều về biện pháp của Tào Tháo, hãy nói về đường hướng của Lưu Bị và Gia Cát Lượng.

 

 

Phần trước đã nói, người chủ chốt của Tam Quốc đều không phải sĩ tộc, và tình hình của Lưu Bị là tương đối đặc biệt, tiếng là tông thất, nhưng thực là hàn môn. Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, Lưu Bị là “Dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh vương, cháu xa của Hán Cảnh đế”, vì thế mới “quý”; nhưng từ bé đã “cùng mẹ làm nghề dệt chiếu”, lại là “nghèo”. Vì vậy, Lưu Bị xuất thân không “bần tiện” cũng không “phú quý”, có thể chỉ hợp với hai chữ “bần quý”. Một người xuất thân như vậy là có đầy đủ hai thân phận, nên cả hai mặt sĩ tộc và hàn môn đều hoan nghênh. Nhìn lại thì đúng là Lưu Bị “được nhân hoà” - Theo tôi, Lưu Bị sống như vậy là hay, nhất là việc dệt chiếu bán chiếu. Với cuộc sống ở tầng đáy xã hội đó, Lưu Bị đã hiểu được nỗi khổ trong dân gian, càng hiểu được tính cách của con người. Về mặt này thực giống như Tào Tháo. Một người như Lưu Bị, xuất thân “bần hàn” giống như Tào Tháo xuất thân nơi “vẩn đục”, họ đều không thích danh sĩ và sĩ tộc, nhất là những kẻ luôn hư trương thanh thế tự cho mình là thanh cao. Cả hai người nguyện chung sống với hàn tộc với thứ dân. Thực tế thì những thành viên hạt nhân trong tập đoàn Lưu Bị thời kỳ đầu đều không xuất thân từ danh môn vọng tộc như Quan Vũ và Trương Phi. Nhất là Quan Vũ, luôn xem thường sĩ tộc, danh sĩ và sĩ đại phu (Trương Phi thì ngược lại, xem Tam quốc chí - Trương Phi truyện). Vì sao Tào Tháo lại tán thưởng Quan Vũ đến như vậy, theo tôi, vì một nguyên nhân khó nói nên lời, tức là Quan Vũ còn miệt thị sĩ tộc hơn cả Tào Tháo. Còn Lưu Bị thì sao? Lưu Bị đối với các danh sĩ có phần khách khí hơn. Nhưng từ trong xương tuỷ mà nói, vị tất Lưu Bị đã thích họ. Như danh sĩ Trương Dụ trong Thục, chỉ vì một câu nói không khiêm tốn đã bị Lưu Bị giết. Theo Tam quốc chí - Chu Quần truyện, lúc đó như Lưu Bị nói, ngay cả hoa lan đi nữa, cứ vướng cửa là huỷ (hoa lan vướng cửa, không thể không cuốc đi)! Khẩu khí đó chẳng khác gì khẩu khí của Tào Tháo.

 

 

Về phần mình, Gia Cát Lượng có phần đồng tình với danh sĩ hơn. Lúc Lưu Bị giết Trương Dụ, Gia Cát Lượng có đến cứu, nhưng tiếc là không cứu được. Sau khi Gia Cát Lượng tiếp quản chính quyền Thục Hán, mấy danh sĩ trong Thục như Đỗ Vi, Tiều Chu được đối đãi khá hơn (vì vậy Tiều Chu phản Thục Hán, không phản Cát Lượng). Không có gì là lạ, bởi Gia Cát Lượng cũng là sĩ nhân, cũng là Bắc sĩ lưu vong như Pháp Chính, Trương Chiêu, Lỗ Túc (Bàng Thống là danh sĩ ở Kinh châu). Nhưng Gia Cát Lượng không chỉ đơn thuần là sĩ nhân mà còn là thừa tướng Thục Hán. Thân phận và chức tước như vậy đương nhiên là càng quan trọng. Vì vậy, khi mà lời nói và việc làm của các danh sĩ nguy hại đến chính quyền Thục Hán, Gia Cát Lượng sẽ không khách khí thậm chí sẽ “trị tội vì lời nói” như Tào Tháo. Liêu Lập “Người tài của Sở” đã bị phế làm thứ dân với tội danh “phỉ báng tiên đế, trách hạch quần thần”. Lai Mẫn “Danh tộc Kinh Sở” cũng bị phế làm thứ dân với tội danh “loạn quần”. Danh sĩ Ích châu Bành Dạng bị xử tội chết lúc 37 tuổi.

 

 

Cái chết của Bành Dạng tương tự như cái chết của Khổng Dung và Nễ Hành. Tội danh của Bành Dạng như là “sách động mưu phản lật đổ chính quyền”, từng nói với Mã Siêu “Khanh ở ngoài, ta ở trong, đủ để định thiên hạ”. Nhưng Bành Dạng lại giải thích, là muốn Mã Siêu lập võ công ở ngoài, bên trong mình sẽ phò tá Lưu Bị, cùng nhau đánh Tào, không có ý mưu phản. Theo tôi, việc này còn khá mơ hồ. Bành Dạng là người “tính tình kiêu ngạo, xem thường hết thảy”, một danh sĩ hàng đầu, nói năng bất chấp hậu quả. Như trước đó, có lần Bành Dạng đã nói với Mã Siêu, Lưu Bị đã “già rồi hết tác dụng”. Về sau, lúc ở trong ngục lại dâng thư nói, “chúa công thực chưa già”, thần chỉ vì rượu mà nhỡ lời. Rõ ràng Bành Dạng quen nết ăn nói lung tung. Lúc này cũng vậy, mở miệng nói bừa. Nhưng Bành Dạng tuy không có ý mưu phản, nhưng đã bị nghi là mưu phản, vì vậy Gia Cát Lượng có thể giết Bành Dạng. Tam quốc chí - Bành Dạng truyện nói rất rõ, bề ngoài Gia Cát Lượng khách khí với Bành Dạng (bề ngoài tiếp đãi), thực tế thì không thích (bên trong thì ghét), nhiều lần đã nhắc nhở riêng Lưu Bị (nhiều lần mật báo tiên chủ), nói không thể trọng dụng Bành Dạng (Dạng tâm rộng chí lớn, khó mà yên được). Lần này là cơ hội tốt, cuốc bỏ “hoa lan” vướng cửa.

 

 

Có cùng một nguyên nhân để Gia Cát Lượng ghét Bành Dạng, Tào Tháo ghét Nễ Hành, Khổng Dung. Mấy danh sĩ này thường bị mọi người ghét bỏ, họ là “những kẻ giao tiếp phù hoa”. Loại danh sĩ này có đặc điểm, danh khí lớn tính khí cũng lớn, học vấn nhiều nhu cầu nhiều, thích thú bàn luận, mở miệng nói bừa, thành thì ít bại thì nhiều. Theo Hậu Hán thư - Khổng Dung truyện, trước lúc giết Khổng Dung, Tào Tháo có thư cho Khổng Dung nói, Tào mỗ ta tuy “tiến, chưa làm tốt được việc trong nước, thoái, chưa có đức chưa được lòng người”, nhưng “nuôi dưỡng chiến sĩ, sát thân vì nước”, ta có thừa sức để chỉnh trị “những kẻ giao tiếp phù hoa”. Suy nghĩ của Gia Cát Lượng cũng tương tự như vậy. Lúc phế Lai Mẫn, Gia Cát Lượng nói: “Lai Mẫn loạn quần, còn hơn cả Khổng Văn Cử”. Rõ ràng, Lai Mẫn là Khổng Dung của nước Thục, Bành Dạng lại là Nễ Hành của nước Thục. Những người như vậy, bất luận là ở Tào Ngụy hay ở Thục Hán đều không được hoan nghênh.

 

 

Gia Cát Lượng và Tào Tháo là như nhau, đều là những người rất thực tế. Không tin thì cứ xem Long Trung đối của Gia Cát Lượng, liệu có câu nào sáo rỗng không? Không. Các biểu chương, bản tấu, hiệu lệnh, phong cách khác của Gia Cát Lượng đều là như vậy. Ngụy thị Xuân Thu nói, lúc còn ở trong quân, Gia Cát Lượng thường tự chủ trì (tự làm lấy) những lần phạt từ hai mươi gậy trở lên. Không ai tin đó là thực hoặc nói vậy là để chứng minh Gia Cát Lượng không biết quản lý. Đúng vậy, thân là tướng quốc lại hạ mình đến nhường ấy, đương nhiên không tin được hoặc không thể thừa nhận. Nhưng theo tôi, làm gì có khả năng thường xuyên đến hiện trường chủ trì hình phạt, còn như thỉnh thoảng mới đến thì hoàn toàn có khả năng. Vì không thế thì không thể hiện được mẫu mực, không thế thì không đủ để nghiêm minh pháp kỷ, không đủ để ngăn cấm bọn quan lại vi phạm pháp quy, bất chấp pháp luật. Gia Cát Lượng đã thể hiện một tinh thần thực tiễn như vậy. Những người thực tế sao có thể thích thú những “danh sĩ” hay khoa trương, chỉ biết nói mà không biết làm?

 

 

Có điều, Tào Tháo giết Khổng Dung, Lưu Bị giết Trương Dụ, Gia Cát Lượng giết Bành Dạng, không hoàn toàn xuất phát từ suy nghĩ tốt xấu của cá nhân, mà xuất phát từ nhu cầu chính trị và cũng không đơn thuần là nhu cầu củng cố chính quyền, mà nhu cầu đó có quan hệ tới đường lối chính trị của họ. Thực tế, thì từ lúc Đổng Trác náo loạn thiên hạ, thì hầu hết những người có chí có hiểu biết đều nghĩ phải xây dựng lại trật tự xã hội. Phần trước chúng ta đã nói, Đổng Trác là kẻ phá hoại trật tự cũ, Viên Thiệu là người ủng hộ trật tự cũ. Tào Tháo là người xây dựng lại trật tự mới. Thực ra thì Gia Cát Lượng cũng là người xây dựng lại trật tự mới. Hơn nữa, Viên Thiệu và Tào Tháo đều cho rằng cần phải xây dựng lại trật tự, còn xây dựng như thế nào thì có điểm khác nhau. Theo cách nói trong bài Tào Viên tranh giành và thế gia đại tộc của ngài Điền Dư Khánh thì điểm khác nhau là, Viên Thiệu muốn thế gia đại tộc dắt dẫn theo đường cũ của Đông Hán; Tào Tháo muốn có cải cách, đưa thế gia đại tộc đi theo.

 

 

Về vấn đề này, Gia Cát Lượng và Viên Thiệu khác nhau, với Tào Tháo như nhau, không theo đường cũ của Đông Hán. “Đường cũ của Đông Hán” là tiếp tục để thế gia đại tộc “lũng đoạn quan trường, khống chế dư luận, trở thành cường hào”. Gia Cát Lượng không theo đường cũ mà kiên trì “Sát cử chế” thời đầu nhà Hán, không để sĩ tộc lũng đoạn đường làm quan; Gia Cát Lượng giết Bành Dạng, phế Lai Mẫn, phế Liêu Lập, để sĩ tộc hết khống chế dư luận. Chính sách của Gia Cát Lượng đối với cường hào là hai chữ: ức chế.

 

 


Tào Tháo

Thực tình thì Gia Cát Lượng và Tào Tháo là như nhau, họ vừa là người xây dựng trật tự mới, vừa là người cải cách chế độ cũ. Trung Quốc thông sử của ngài Phạm Văn Lan nói, Tào Tháo ở miền Bắc, Gia Cát Lượng ở nước Thục đều “vứt bỏ số ác chính của Đông Hán”. Mấy vấn đề về Tào Tháo của ngài Điền Dư Khánh nói, Tào Tháo “Bỏ phù hoa, sạch lại trị, chế hào cường”, hình thành một cái gì đó mới mẻ so với Viên Thiệu, chỉ có Gia Cát Lượng “có thể cũng như Tháo”. Đây chính là lời bàn trung thực của các sử gia.

 

 

Rõ ràng Gia Cát Lượng đã thi hành “Đường lối Tào Tháo không có Tào Tháo” hoặc “Đường lối Tào Tháo phản lại Tào Tháo”. Hơn thế, Gia Cát Lượng còn đi xa hơn. Con người Tào Tháo có lý tưởng nhưng không có sơ đồ thiết kế. Tào Tháo chỉ biết không nên đi theo đường cũ của Đông Hán, nhưng không biết con đường mới sẽ phải đi như thế nào. Đối với con đường mới bản thân phải đi, Tào Tháo không có ý niệm gì, không có lòng tin tuyệt đối, nên thường phạm sai lầm hoặc chùn bước. Tào Tháo giết Biên Nhượng, làm cỏ thành Từ châu, ra oai với thế gia đại tộc, để lại tiếng xấu muôn đời. Tào Tháo đấu Viên Thiệu, đánh Ô Hoàn, nhưng ý chí không kiên định bằng Tuân Úc, Quách Gia, thậm chí đến phút chót mới giành được thắng lợi. Chính sách quan trọng nhất của Tào Tháo - có tài là dùng, cũng mãi tới năm Kiến An thứ XV (Công nguyên năm 210) mới được đề xuất. Lúc này là sau trận chiến Xích Bích, Tào Tháo đã 56 tuổi. Rõ ràng Tào Tháo cứ phải dò đường mà đi, sai lầm, rồi sửa sai rồi lại sai lầm. Ngay như Đường lối Pháp gia Hàn tộc cũng phải từng bước, từng bước mò mẫm mà thành.

 

 

Gia Cát Lượng thì không thế, Gia Cát Lượng vừa có lý tưởng vừa có sơ đồ thiết kế. Cứ xem Gia Cát Lượng trị Thục, có thứ có tự, có đường có hướng, ý niệm rõ ràng. Tức là Gia Cát Lượng có ý niệm chấp chính và đường hướng dựng nước rõ ràng. Thậm chí chúng ta có thể nói, trên cơ sở tổng kết được mất về chính trị của Lưỡng Hán, Gia Cát Lượng xây dựng nên một chế độ quốc gia mới. Từ thực tiễn của Gia Cát Lượng, chúng ta có thể khái quát chế độ mới bằng tám chữ: Vua hờ tướng thực, trị nước theo phép. Phần sau Tào Tháo cũng làm, nhưng Gia Cát Lượng làm tốt hơn. Pháp trị của Tào Tháo còn nhuốm màu người trị, ở Gia Cát Lượng thì tuần túy hơn, công bằng hơn. Chính phủ của Tào Tháo vẫn còn tham nhũng. Chỗ Gia Cát Lượng thì liêm khiết hơn nhiều. Thực tế thì điều này bị chi phối bởi “điều kiện và cục thế”. Tào Tháo bị sĩ tộc và danh sĩ bao vây, Tào Tháo còn phải dựa vào họ, nên không thể không nhượng bộ ít nhiều. Thực tế đúng như trong Lý Nghiêm hương phế và Gia Cát dùng người của ngài Điền Dư Khánh, có rất nhiều sự việc trong hai nước Ngụy Thục không thể nói cùng ngày. Tào Ngụy ở Trung Nguyên, ở Trung ương, sĩ tộc đông đúc, là cục diện lớn; Thục Hán ở Ích châu, ở địa phương, danh sĩ không nhiều, cục diện bé nhỏ. Cùng là một sự kiện, ở chỗ Tào Ngụy sẽ nổi lên một làn sóng lớn, ở Thục Hán chỉ là những làn sóng lăn tăn. Như Gia Cát Lượng giết Bành Dạng, không có ảnh hưởng lớn như Tào Tháo giết Khổng Dung, thậm chí có ít người biết. Ở đây không có ý biện hộ cho Tào Tháo, chỉ muốn nói rõ, phàm việc gì cũng phải là vấn đề cụ thể, phân tích cụ thể.

 

 

Tào Tháo cũng trị nước theo phép, riêng vua hờ tướng thực có thể chỉ là lý tưởng chính trị của Gia Cát Lượng. Từ thực tế chúng ta thấy, Tào Tháo là tướng, Gia Cát Lượng là tướng, không có khác biệt, đều là thừa tướng nắm trọn quyền lớn, hoàng đế chỉ là cái tiếng. Hán Hiến đế chỉ là con rối, Lưu A Đẩu có quyền hành gì? Con người Gia Cát Lượng đến chức vụ cũng hệt như Tào Tháo, đều là thừa tướng khai phủ, đều được phong là huyện hầu (Tào Tháo Võ Bình hầu, Gia Cát Lượng Võ Hương hầu), đều là châu mục (Tào Tháo là Ký châu mục, Gia Cát Lượng là Ích châu mục). Nhưng, về sau Tào Tháo còn được phong là Ngụy công, lập Ngụy quốc, xưng Ngụy vương, Tào Phi còn đoạt đế vị. Gia Cát Lượng không làm những việc đó. Đây là điểm khác nhau. Khác nhau những gì? Ai cũng có thể nhận ra, Tào Tháo thực hiện “Vua hờ tướng thực” để sau này sẽ “Tiếm vị đoạt quyền”, Gia Cát Lượng không như vậy. Vì Gia Cát Lượng không phong công, không lập nước, không xưng vương gì gì đó và sau khi qua đời cũng không truyền lại tướng vị cho con. Có thể khẳng định, Gia Cát Lượng thực hiện “vua hờ tướng thực” là công tâm.

 

 

Nhưng như vậy thì có không ít người thấy khó hiểu. Đã là trung quân ái quốc, nếu không có bụng tiếm nghịch, thì vì sao lại để cho hoàng đế không có quyền hành gì? Những người muốn bảo vệ danh dự cho Gia Cát Lượng thì khăng khăng cho rằng do Lưu Thiền kém về trí lực. Một số học giả có khả năng từng rõ về Lưu Thiền không khỏi nghi ngờ Gia Cát Lượng muốn có quyền lớn, muốn tiếm quyền. Chúng ta có thể bàn bạc về hai cách nói trên. Với tất cả thiện chí của mình, tôi cho rằng, Gia Cát Lượng thực hiện “Vua hờ tướng thực” là muốn cải cách chế độ, hoàng đế là nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa, tượng trưng cho chủ quyền và sự thống nhất đất nước; thừa tướng là đầu não của chính phủ làm những việc thực tế, phụ trách việc định ra và thi hành các chính sách. Thời đầu nhà Tây Hán là như vậy, và rõ ràng đó là chế độ tốt nhất. Nước Thục của Gia Cát Lượng có thể coi là “đặc khu chính trị” thời đó. Tiếc rằng việc đó chỉ có thực tiễn, không có lý luận, vừa không hình thành pháp luật, vừa không trở thành một chế độ chính thức. Hơn nữa, Gia Cát Lượng đã qua đời lúc còn đầy nhiệt huyết, và thế là hết tất cả, người người lấy làm thương tiếc.

 

 

Nhưng đây chưa phải là điều bất hạnh của Gia Cát Lượng. Điều bất hạnh là không có mấy người hiểu rõ những suy nghĩ của Gia Cát Lượng, thêm vào đó là đất nước lại bị diệt vong sớm nhất. Gia Cát Lượng qua đời, thực nghiệm của Gia Cát Lượng cũng ngừng; nước Thục mất, lý tưởng của Gia Cát Lượng mất theo. Ngay cả những người sùng bái thương tiếc Gia Cát Lượng cũng chỉ nghĩ tới “hưng phục Hán thất”, canh cánh bên lòng “xuất sư chưa thành”, không hề nhắc tới “Trị nước theo phép” và “vua hờ tướng thực” là những điều có ý nghĩa nhất, lẽ nào lại không là bất hạnh? Có người nói, nhân vật vĩ đại thường đều cô độc. Tin rằng Gia Cát Lượng là như vậy.

 

 

Lẽ nào Tào Tháo không như vậy! Hàng ngàn năm nay, có thể Tào Tháo là nhân vật số một lịch sử được bàn tới nhiều nhất, đến nay người người vẫn còn tranh luận, vinh khắp thiên hạ và phỉ báng cũng khắp thiên hạ. Nhưng có được bao người thực sự hiểu về Tào Tháo? Những lời đánh giá khách quan, công bằng và sâu sắc mà Tháo nhận được có bao nhiêu? Điều mà tôi nghe được chỉ là những lời “phẫn nộ về đạo nghĩa”. Nhưng Engels lại không cho là vậy (xem Lời tựa xuất bản lần thứ ba của Engels viết năm 1885 cho cuốn “Ngày mười tám tháng sương mù Louis Bonaparte” của K.Marx.

 

 

Chẳng có cách gì để đánh giá, phân tích đầy đủ về Tào Tháo (với Gia Cát Lượng cũng vậy), chỉ muốn đưa ra vài cách suy nghĩ đơn giản, chưa thật chín với bản thân. Theo tôi, công trạng chủ yếu của Tào Tháo không phải ở thống nhất, vấn đề của Tào Tháo cũng không phải ở gian trá và tàn khốc. Thống nhất không phải đặc quyền của Tào Tháo, cũng không phải việc của một người. Lưu Bị và Tôn Quyền đều có tư cách thống nhất thiên hạ, đã có sự chuẩn bị và cống hiến cho sự thống nhất sau này. Còn như gian trá và tàn khốc thì đúng là có và không cần phải thanh minh hoặc che dấu bớt cho Tào Tháo. Nhưng phải nói, sự gian trá và tàn khốc đó đã bị nói khống lên nhiều, về điều này, từ lâu đã được nhiều sử gia đính chính, không phải nói thêm.

 

 

Tào Tháo muốn xây dựng một trật tự mới, theo tôi, đây mới là điều đáng khẳng định nhất. Nói về quan hệ giai cấp thì trật tự mới đó chính là thứ tộc; nói về hình thái ý thức là pháp gia. Vì vậy, điều này và cá nhân Tào Tháo phải được đánh giá rõ ràng. Lịch sử đã chứng minh, địa chủ thứ tộc và giai cấp thống trị thích hợp nhất ở thời đế quốc; và tư tưởng pháp gia không phải là hình thái ý thức thích hợp nhất với đế quốc. Đường lối chính trị từ sau đời Tùy Đường vừa không phải là “Nho gia sĩ tộc” của Viên Thiệu vừa không phải “pháp gia thứ tộc” của Tào Tháo mà là “nho gia thứ tộc”. Nhưng tận sau khi Ngụy Tấn Nam Bắc triều sửa sai vào năm 369, điều đó mới được thực hiện, dùng chính quyền sĩ tộc với Tư Mã gia tộc làm đại biểu cũng là một tất yếu trong lịch sử. Tào Tháo vừa vượt thời gian vừa sai lầm, lẽ nào lại không thất bại?

 

 

Lúc này chúng ta đã biết, vì sao giai cấp địa chủ sĩ tộc lại xa rời Tào Tháo đến nhường ấy. Bời vì Tào Tháo đã ngăn đường họ, làm nhỡ thời gian của họ. Phần trước đã nói, vào những năm cuối thời Đông Hán, sĩ tộc đã là lực lượng chủ yếu của tập đoàn thống trị. Họ muốn trở thành giai cấp thống trị, có thể có hai loại phương thức. Một là quá độ hòa bình, hai là đấu tranh vũ trang. Đổng Trác vào kinh; sử dụng phương thức trước và không xong; sau trận chiến Quan Độ, lại sử dụng phương thức sau, cũng trở thành ảo ảnh. Lúc này chỉ có quân phiệt, không xuất thân từ sĩ tộc, mới có thể đoạt được chính quyền. Hơn nữa, chỉ có tạm thời vứt bỏ “đường lối nho gia sĩ tộc” mà Viên Thiệu là đại biểu thì họ mới có thể thành công. Đó là nguyên nhân để Lưu Bị, Tôn Quyền và những người khác thắng lợi “sau thời kỳ Viên Thiệu”. Số quân phiệt không sĩ tộc được lộ mặt, số chính quyền không sĩ tộc có thế, nói rõ ra vì “trước có xe, sau có vết”, nhờ có “tác dụng dẫn đầu” của Tào Tháo. Vì vậy giai cấp địa chủ sĩ tộc mới khẳng định phải trút hết mọi phẫn nộ lên người Tào Tháo, ôm mối thù khắc cốt ghi xương, coi Tháo là “yêu ma hóa”. Thêm vào đó, nhiều lần Tào Tháo đã bất nghĩa, nên không tránh khỏi từ anh hùng trở thành gian hùng.

 

 

Huống chi bản thân Tào Tháo lại bị người khác nắm chuôi. Sai lầm lớn nhất của Tào Tháo là đã chuẩn bị điều kiện để sau này Tào Phi xưng đế. Dù lịch sử không thể là giả, nhưng chúng ta cứ coi là giả, như Tào Tháo không xưng Ngụy vương, thậm chí không phong Ngụy công, không lập nước Ngụy, thì dù Tào gia đời đời có làm tướng, chắc sự việc đã khác. Đáng tiếc là Tào Tháo đã bị thứ quyền lực tối cao đó làm cho lú lẫn, rồi tự mình vác đá đập vào chân mình. Nhớ năm đó, khi Louis Bonaparte phát động chính biến giống như người bác Napole’on, Mác đã từng dự đoán: “nếu như hoàng bào được khoác lên người Louis Bonaparte, thì pho tượng đồng của Napole’on sẽ bị đẩy nhào từ đỉnh trụ tròn vườn Vendome xuống”. Chúng ta cũng có thể nói một câu: Khi Tào Phi khoác lên mình tấm hoàng bào, Tào Tháo chỉ có thể chờ để được vẽ thành một bộ mặt trắng bệch.

 

 

Lúc Tào Tháo bước vào địa ngục, Gia Cát Lượng cũng bước lên thiên đường. Không thể phủ nhận, trên người Gia Cát Lượng luôn tỏa sáng ánh hào quang. Gia Cát Lượng một lòng vì thiên hạ, lo cho dân cho nước, cúc cung tận tụy, liên kết thận trọng, khép mình trong nguyên tắc, là một mẫu mực ngàn đời. Nhưng Gia Cát Lượng thành thần tiên không hoàn toàn vì những cái đó. Nguyên nhân chủ yếu vì xã hội cần có điển hình. Người thống trị đế quốc cần một trung thần, trăm họ cần một thanh quan, văn nhân sĩ đại phu cần một người phát ngôn. Đó cũng là đạo lý khiến Tào Tháo biến thành quỷ. Xã hội không chỉ cần điển hình chính diện và cũng cần cả điển hình phản diện.

 

 

Theo tôi, Gia Cát Lượng và Tào Tháo, hai nhân vật lịch sử, chẳng qua chỉ là con sóng trước con sóng sau của Trường Giang; là hình tượng dân gian, hình tượng văn học, Gia Cát Lượng và Tào Tháo chỉ như hai mặt của đồng tiền. Đồng tiền đó là hai mặt của nhân chính. Người, một nửa là thiên sứ, Tào Tháo chỉ có thể là ma quỷ. Gia Cát Lượng được coi là con “sóng sau”, vậy, Tào Tháo con “sóng trước”, đành phải “chết trên bãi cát”.

 

 

Đấy không phải là hy vọng của chúng ta. Chúng ta hy vọng “con sóng sau của Trường Giang đẩy sóng trước, sóng trước không ngừng biến thành sóng mới”. Nhưng, đúng là sông dài lịch sử có thể như vậy sao?

 

Lời sau cùng

Hơn một năm trôi qua nhanh chóng, cuối cùng bản thảo đã hoàn thành. Lời chưa hết và cũng không thể nói hết được, vẫn phải nói lại một câu: Biểu dương phê bình, đều rất hoan nghênh; hiểu về tôi, trị tội tôi, xin tùy các vị!

Ngày 8 tháng 3 năm 2007

DỊCH TRUNG THIÊN        

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét