III. Miền Nam chống lại miền Bắc
Tác giả Dịch Trung Thiên
“Miền Nam” chỉ là ba châu: Ích, Kinh
và Dương ở về một bên của Trường Giang. Thời đó, ba châu này thuộc loại “Vùng
kém phát triển”. Chính vì “kém phát triển”, nên vào “thời đầu Tam Quốc” (Đổng Trác
vào kinh đến trận chiến Xích Bích), đây là chiến trường chủ yếu trong đấu tranh
chính trị và quân sự. Ngoài việc Viên Thuật chiếm cứ miền Bắc Dương châu với ý
đồ xưng vương xưng bá ở đó, thì quân phiệt vừa có dã tâm vừa có thực lực theo
đúng nghĩa của nó như Tào Tháo và Viên Thiệu vẫn là lực lượng trong “tranh
giành Trung Nguyên”. Còn quân phiệt xếp hạng nhất như Lã Bố, thì chiến trường
chinh chiến là ở miền Bắc. Miền Nam “kém phát triển” trở thành nơi triều đình
và những người tai to mặt lớn có thể sờ tới, nhất thời là nơi không còn có thể
tự lo tự liệu. Và như vậy, số quân phiệt thực lực tương đối nhỏ có thể sẽ hết, ở
ba châu nói trên, chư hầu cát cứ một phương chỉ còn là Lưu Yên, Lưu Biểu và Tôn
Sách.
Tôn Sách có thể làm nên chuyện ở phía
Nam, kể đó cũng là việc lạ, vì ba châu ở bên Trường Giang này vốn là của họ
Lưu. Theo Hậu Hán thư - Lưu Yên truyện thời Hán Linh đế, niên hiệu Trung Bình
thứ V (Công nguyên năm 188), để đối phó với cuộc khởi nghĩa của Khăn vàng, triều
định tiếp nhận ý kiến của Lưu Yên, gia thêm quyền cho các quan châu, đổi thứ sử
là châu mục, phái trọng thần triều đình và hoàng thất “ra lo giữ”. Cắt cử lần
thứ nhất có thái phó (bộ trưởng trông coi việc xe ngựa cho thiên tử) Hoàng Uyển
nhận Dự châu mục; Tông chính (bộ trưởng trông coi tông thất hoàng tộc) Lưu Ngu,
là U châu mục. Bản thân Lưu Yên là Ích châu mục. Ba vị châu mục này có hai vị
là Tông thất, Lưu Yên và Lưu Ngu. về sau triều đình còn bổ nhiệm Lưu Biểu là bốn
vị trong tông thất là châu mục, Ích châu mục Lưu Yên, U châu mục Lưu Ngu, Kinh
châu mục Lưu Biểu và Dương châu mục Lưu Do. Niên hiệu Kiến An năm đầu (Công
nguyên năm 196), Tào Tháo tiến cử Lưu Bị là Dự châu mục, có thể vì Lưu Bị là
tông thất, có thể nhiệm mệnh theo lệ. Đương nhiên, đó là chuyện sau này.
Lưu Yên, Lưu Ngu, Lưu Biểu, Lưu Do,
trong bốn vị là châu mục, có ba vị ở vùng Trường Giang. Lưu Yên ở Ích châu, Lưu
Biểu ở Kinh châu, Lưu Do ở Dương châu. Tình hình ở ba châu này là khác nhau, cảnh
ngộ của ba vị châu mục cũng khác nhau. Về mặt phát triển, chừng như Dương châu
là tốt nhất, thứ đến Kinh châu, Ích châu là kém nhất. Nói về tình cảnh của ba
người thì ngược lại, Lưu Yên có vẻ tốt nhất, thứ đến Lưu Biểu, Lưu Do là kém nhất.
Bản thân Lưu Do không có tài trông giữ biên cương, đất Dương châu cũng bị chia
làm đôi. Phía tây Trường Giang (Giang Đông), bị Tôn Sách dòm ngó. Kết quả, Lưu
Do binh bại, lâm bệnh và mất, bốn trong sáu quận của Dương châu là Ngô quận, Cối
Kê, Đan Dương, Dự chương rơi vào tay Tôn Sách, là cơ sở để thành lập chính quyền
Tôn Ngô sau này.
Tháng Tư niên hiệu Kiến An thứ V (Công
nguyên năm 200), Tôn Quyền tiếp nhận chính quyền Tôn thị. Lúc này Tào Tháo và
Viên Thiệu đang đối địch ở Quan Độ, thắng bại thế nào chưa rõ. Nhưng kể từ sau
tháng mười năm đó, cũng là lúc Tào Tháo vừa chiến thắng Viên Thiệu, bên cạnh
Tôn Quyền đã có người nêu ý kiến “lập hiệu đế vương để lấy thiên hạ”. Người đó
chính là Lỗ Túc. Quy hoạch của Lỗ Túc, còn gọi là “Long Trung đối” theo “Đông
Ngô bản” ở đó gồm ba bước. Bước một, củng cố Giang Đông, cùng với Trung Nguyên
(Tào Tháo), Kinh châu (Lưu Biểu) lập thế châu vạc; bước hai, lúc thích hợp đoạt
lấy Kinh châu, chiếm cứ toàn bộ Lưu vực Trường Giang, không theo miền Bắc; bước
ba, xưng đế dựng nước, mưu cầu thống nhất thiên hạ. So với bản quy hoạch bảy
năm sau Gia Cát Lượng lập cho Lưu Bị ở Long Trung, ở đây có điểm giống nhau đến
kỳ lạ, cả hai đều chủ trương “phân ba trước, và thống nhất sau”, và đều là “miền
Nam chống lại miền Bắc”. Có điều, Lỗ Túc nói ba nhà, là Tào Tháo, Tôn Quyền,
Lưu Biểu; Gia Cát Lượng nói, là Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị. Nhưng khái niệm là
giống nhau, tức là Trung Nguyên, Giang Đông và Kinh châu. Kinh châu trong tay
Lưu Biểu, tức là Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Biểu, Lưu Bị. Trên thực tế, Lưu Biểu
qua đời, Lưu Tôn đầu hàng, Lỗ Túc và Tôn Quyền điều chỉnh luôn. Không chỉ đổi
“người trong kịch” là Lưu Biểu thành Lưu Bị, mà còn đổi cả sách lược với Kinh
châu từ chống đối thành liên hợp.
Từ đây thấy rõ tác dụng của Lỗ Túc là
vô cùng quan trọng khi ba nước Ngụy, Thục, Ngô hình thành thế chân vạc. Ai cũng
biết, nếu không có liên minh Tôn Lưu thì không có trận chiến Xích Bích; không
có trận chiến Xích Bích sẽ không có thế chân vạc của ba nước; và quyền chủ động
trong liên minh Tôn Lưu lại thuộc về Tôn Quyền. Tôn Quyền không chịu liên minh
thì Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng chẳng có cách gì. Vậy, vì sao Tôn Quyền lại quyết
tâm liên Lưu chống Tào? Một trong mấy nguyên nhân đã được Lỗ Túc nói rõ từ bảy
năm trước. Trong lần mật đàm lúc “cùng uống rượu ở trên giường”, Lỗ Túc không
chỉ có quy hoạch chiến lược cho Tôn Quyền mà còn chỉ rõ căn cứ của quy hoạch
đó, tức là “Hán thất không thể phục hưng, Tào Tháo không thể trừ ngay”. Lỗ Túc
đã phán đoán đại thế thiên hạ là như vậy và đó là sự phán đoán chính xác. Chúng
ta cần biết, điều đáng sợ nhất với một chính trị gia là hình thế không rõ ràng,
mục tiêu không chính xác. Lỗ Túc phân tích tình hình, Tôn Quyền đã hiểu rõ. Hán
thất đã không thể hưng phục, vậy, “từ bá nghiệp đến đế nghiệp” là có thể; Tào
Tháo không thể loại bỏ ngay, vậy, “trước phân ba sau thống nhất” là cần thiết;
Tôn Quyền và Tào Tháo đã phải “vạch sông để trị” thì “miền Nam chống lại miền Bắc”
là tất yếu. Nhưng, miền Nam nhỏ yếu, miền Bắc lớn mạnh, muốn chống lại miền Bắc
thì không thể không liên hợp. Đó chính là nguyên nhân để Lỗ Túc quyết tâm liên
minh với Lưu Bị, và đây là nguyên nhân để Tôn Quyền tham gia trận chiến Xích
Bích cuộn sóng.
Rõ ràng ý nghĩa Đối sách trên giường của
Lỗ Túc không hề thua kém Đối sách Long Trung của Gia Cát Lượng. Trên thực tế,
quy hoạch chiến lược của Gia Cát Lượng có cao siêu, sâu xa đến mấy thì với ba lần
đến lều tranh lúc đó, Lưu Bị làm gì có điều kiện để thực hiện. Thậm chí sau lúc
bại trận chạy đến Đương Dương, điều mà Lưu Bị suy nghĩ là phải chạy tiếp đến với
Ngô Cự thái thú Thương Ngô, sau này Lỗ Túc nói vui là “chỉ lo chạy lung tung”,
đâu còn nghĩ tới việc thiên hạ chia ba! Đương nhiên, chạy đến với Ngô Cự chỉ là
ý định, bởi vì Lưu Bị còn có thể đến với Lưu Kỳ ở Giang Hạ. Và nếu không có Lỗ
Túc kiên quyết liên minh và Chu Du kiến quyết chống giặc, không biết tiền đồ của
Lưu Bị sẽ ra sao nữa! Chạy đến với Ngô Cự thì sức cùng lực kiệt được kéo dài
hơn, chạy đến với Lưu Kỳ thì nguy hiểm rình rập một sáng một chiều. Tào Tháo
không đánh mà lấy được Tương Dương, thế như chẻ tre lấy nốt Giang Lăng, đối phó
với Lưu Kỳ, Lưu Bị chỉ là việc sớm muộn gì cũng xảy ra. Lúc này thì sinh mệnh của
Lưu Bị thực khó giữ, nói chi tới việc thực thi Đối sách Long Trung của Gia Cát
Lượng? Vì vậy, sau này khi chạy đến Long Môn, Lưu Bị không chỉ phải cám ơn Gia
Cát Lượng mà còn phải cám ơn Lỗ Túc nữa.
Lưu Bị còn phải cám ơn một người, đó
là Tào Tháo. Nếu Tào Tháo không đánh Kinh châu hoặc sau khi lấy được Giang Lăng
không tiến tiếp về phía đông thì có thể sự việc đã khác. Nhưng xem ra Tào Tháo
không đánh trận này không được. Thứ nhất, Tháo phải đoạt được Kinh châu. Kinh
châu là nơi then chốt nhất trong ba châu ở tuyến một của Trường Giang. Đoạt được
Kinh châu, nhất là chiếm được Giang Lăng, ngược lên có thể đánh lấy Ích châu,
xuôi xuống có thể lấy gọn Dương châu. Đây cũng là lý do sau này Lưu Bị và Tôn
Quyền phải liều mạng giành lấy Kinh châu. Ngược lại nếu bỏ Kinh châu thì không
bao giờ Tháo đến được miền Nam Trường Giang, sự thực từ nay về sau sẽ chứng
minh rõ điều này. Vì vậy, khi quy hoạch cho Tào Tháo, Quách gia đã nói: “Phải định
Kinh châu trước”. Sau chiến tranh Quan Độ, bản thân Tào Tháo đã hai lần định
đánh Lưu Biểu. Một lần là vào mùa xuân năm Kiến An thứ VI (Công nguyên năm
201), Tuân Úc đã can ngăn; một lần khác là vào mùa thu năm Kiến An thứ VIII
(Công nguyên năm 203), Tuân Úc lại can. Tuân Úc nêu lý do, thế lực Viên Thiệu
chưa bị tiêu diệt, tập đoàn Viên Thiệu “Người vẫn còn, ý chưa hết”. Nhưng đến
năm Kiến An thứ IX (Công nguyên năm 204), Tào Tháo đã công phá Nghiệp Thành;
năm Kiến An thứ X (Công nguyên năm 205), toàn bộ Ký châu rơi vào tay Tào Tháo;
năm Kiến An thứ XII (Công nguyên năm 207), có thế lực cát cứ của Viên Thiệu làm
hậu thuẫn, Ô Hoàn cũng bình định xong. Lúc này, Tào Tháo hết lo về hoạ ở phía
sau, hoàn toàn có thể đoạt lấy Kinh châu, và cũng cần phải đoạt lấy Kinh châu.
Thứ hai, Tào Tháo cần phải tiêu diệt
Lưu Biểu. Lưu Biểu là ai? Lưu Biểu không chỉ là Kinh châu mục mà còn là tông thất,
danh sĩ, quân phiệt. Cũng tức là nói, Lưu Biểu vừa là thế lực quân phiệt cát cứ
địa phương vừa là nhân vật đại diện cho giai cấp sĩ tộc. Lưu Biểu là nhân vật
như vậy còn lại sau lúc Viên Thuật và Viên Thiệu qua đời. Lưu Chương là con Lưu
Yên thực không đáng ngại. Dưới con mắt Tào Tháo, ảnh hưởng của Lưu Biểu mạnh
hơn “ác liệt” hơn hẳn Lưu Chương. Hậu Hán thư - Lưu Biểu truyện nói, ở Kinh
châu, Lưu Biểu tiếp nhận “hàng ngàn” nhân sĩ lưu vong từ phương bắc, còn “bỏ tiền
của an ủi giúp đỡ”. Lưu Biểu lại “mở mang trường học, cầu tìm nho thuật”, còn
cho người “tuyển chọn chương cú trong Ngũ kinh lưu lại cho đời sau”. Cũng giống
như Viên Thiệu, họ đều theo con đường “Nho gia sĩ tộc”. Năm Kiến An thứ XIII
(Công nguyên năm 208), Tào Tháo khôi phục chế độ thừa tướng và ra làm thừa tướng,
chuẩn bị xây dựng chính quyền của “Pháp gia hàn tộc”, lẽ nào còn dung được Lưu
Biểu? Thêm nữa, Lưu Bị cũng đang ở chỗ Lưu Biểu, một lúc có thể diệt được cả
hai.
Thứ ba, Tào Tháo còn muốn uy hiếp Tôn
Quyền. Năm Kiến An thứ VIII (Công nguyên năm 202), Tào Tháo muốn Tôn Quyền cho
con đến làm con tin, Tôn Quyền cự tuyệt, có nhiều khả năng Tào Tháo sẽ ghi tên
Tôn Quyền vào sổ đen. Đánh Kinh châu, diệt Lưu Biểu, ít ra cũng là một đòn cảnh
cáo Tôn Quyền. Vì thế Tào Tháo mới có “thư đe doạ” Tôn Quyền. Tiếc rằng, cách
suy nghĩ của Tào Tháo đã chẳng có tác dụng gì. Tôn Quyền không sợ, còn liên hợp
với Lưu Bị, như một bó lửa đốt thẳng vào chỗ Tào Tháo. Lưu Biểu tuy đã chết,
nhưng Lưu Bị lại ngày một lớn mạnh. Giang Lăng tuy đã vào tay, nhưng lại mất,
coi như chẳng được gì. Tào Tháo lấy được Tương Dương, nhưng Giang Lăng vẫn ở
trong tay đối thủ. Tào Tháo cũng không thể bước qua Trường Giang. Trận này Tháo
mất nhiều hơn được.
Vì vậy, trận chiến Xích Bích là điểm mấu
chốt trong sử Trung Quốc. Do trận chiến này mà thế chân vạc đã xuất hiện, thế đối
đầu đã hình thành. Từ đó, Nam Bắc đã có chiến tranh, như Tào Tháo xuống Nam
đánh Tôn Quyền, Quan Vũ lên Bắc phá Tương Phàn và không tay trắng trở về (như
Tào Tháo) thì cũng tự chuốc lây diệt vong (như Quan Vũ), không ai có thể tiến
thêm được, ngang như cuộc mua bán lỗ vốn.
Mãi tới trận chiến Đông Tây mới có kết
quả, Lưu Bị đoạt ích châu, Tôn Quyền lấy Kinh châu. Mùa hạ năm Kiến An thứ XIX
(Công nguyên năm 214), Lưu Chương đầu hàng, Lưu Bị vào Thành Đô, Ích châu thuộc
về Lưu Bị, với thân phận là Kinh châu mục, Lưu Bị kiêm lĩnh Ích châu mục. Mùa
đông năm thứ XXIV (Công nguyên năm 219), Quan Vũ bị giết, Tôn Quyền vào Gia
Lăng, phần lớn đất Kinh châu thuộc về Tôn Quyền, với thân phận là Từ châu mục,
Tôn Quyền kiêm lĩnh Kinh châu mục. Từ đây, quyền sở hữu ba châu ờ vùng Trường
Giang đã thay đổi. Ba châu trước đây thuộc ba châu mục là tông thất, Lưu Do,
Lưu Biểu và cha con Lưu Yên thì trước sau đều rơi vào tay giang hồ, miền Nam trở
thành vũ đài của hai đại quân phiệt Tôn Quyền và Lưu Bị.
Điều này không có gì là lạ. Lịch sử cổ
đại Trung Quốc thường vẫn là “lộn xộn, anh vừa hát xong, tôi đã bước ra”, huống
chi đây lại là thời đại hỗn loạn! Cần phải xem “phục trang” của các nhân vật
đó. Chúng ta đều biết, chức “Từ châu mục” của Tôn Quyền do Lưu Bị tiến cử; chức
“Kinh châu mục” của Lưu Bị, cũng được Tôn Quyền đồng ý. Như là họ đã tặng nhau
những bộ “trang phục” đó, chí ít cũng là thừa nhận lẫn nhau. Nhưng, Từ châu mục
biến thành Kinh châu mục, Kinh châu mục lại biến thành Ích châu mục, cứ bát
nháo thế này thì không ai thừa nhận. Lưu Bị không thừa nhận Tôn Quyền là Kinh
châu mục, cho rằng Kinh châu là của mình. Tôn Quyền cũng không thừa nhận Lưu Bị
là Ích châu mục, còn tuyên bố Ích châu là của Lưu Chương. Điều đó ngang như rạch
vào mặt nhau. Vì vậy, liên minh Tôn Lưu tất sẽ vỡ, chiến tranh sẽ nổ ra và là
trận chiến Di Lăng.
Trận chiến Di Lăng là chiến dịch quan
trọng thứ ba trong sử Tam Quốc cuối thời Hán. Nó xác định cục diện hai miền
Đông Tây phía Nam Trung Quốc cùng tồn tại chống lại miền Bắc. Trước đó, hai miền
Đông Tây phía Nam Trung Quốc, là tập đoàn Tôn Quyền và tập đoàn Lưu Bị, có liên
hợp có đấu tranh. Về phía Tôn Quyền có Chu Du, Lã Mông là đại diện, chủ trương
“nuốt Lưu để lớn mạnh”; phía Lưu Bị có Lưu Bị và Quan Vũ là đại diện, luôn có
“bụng muốn nuốt Ngô”. Tiêu điểm của mâu thuẫn là Kinh châu. Thế mới có áo trắng
qua sông của Lục Tốn lén đánh Giang Lăng; Lưu Bị dốc toàn quân thẳng đến Khiếu
Đình. Từ đây mới thấy tính chất quan trọng của Kinh châu - một trong ba châu ở
tuyến Trường Giang. Trận chiến Xích Bích cũng là trận chiến Kinh châu; trận chiến
Di Lăng cũng là trận chiến Kinh châu. Tào Tháo từng có Kinh châu, nhưng có rồi
lại mất. Thế rồi Tào Tháo đành phải lui về miền Bắc, Lưu Bị thì lui về Tây Thục.
Vậy cuối cùng thì Tôn Quyền là người có được và giữ được Kinh châu (nói chính
xác là Nam quận và Giang Lăng), nhưng sao vẫn không thống nhất được thiên hạ?
Rất đơn giản, là “Trung Nguyên được
hươu không do người” (thơ của Ôn Đình Quân).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét