Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Môn phiệt gặp phải quân phiệt

 


Ba anh em nhà Lưu Bị,
tranh lụa của Sekkan Sakurai (1715-1790).

II. Môn phiệt gặp phải quân phiệt

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Quân phiệt là lũ cường hào địa phương có lực lượng vũ trang độc lập của riêng mình. Loại cường hào này đã có từ rất sớm, là loại thổ hào được sinh ra do vương triều Đông Hán đã không lưu tâm, không khống chế nổi. Cuối thời Đông Hán, nhất là sau lúc Khăn vàng khởi nghĩa, năng lực khống chế địa phương của chính phủ trung ương trở nên yếu ớt, thế lực bọn thổ hào càng thêm mạnh. Trong số họ, có người xưng hùng xưng bá ở địa phương, gọi là “hào bá”; có người xây dựng đội vũ trang riêng, gọi là “hào soái”; có người lợi dụng quan chức được triều đình bổ nhiệm để cát cứ, trở thành “chư hầu”. Vì họ đều có lực lượng vũ trang, nên đều là “quân phiệt”. Có điều, trước lúc Hán Linh đế tạ thế, họ chưa là gì cả.

 

 

Cần có điều kiện tiên quyết để quân phiệt trò thành một lực lượng, đó là chính phủ trung ương phải đổ, hoặc danh còn, lực hết. Trung ương không khống chế được địa phương, cường hào liền xưng bá; quan văn không trị lý được quốc gia, quân phiệt liền hoành hành. Suýt nữa thì họ trở thành sĩ tộc của giai cấp thống trị, chỉ có thể trao lại quyền thống trị. Trên thực tế sĩ tộc (bao gồm cả các thế lực chính trị khác) thế lực đã rất lớn, nhưng nguyên nhân cơ bản là tập đoàn trung ương, triều đình còn có thể hiệu lệnh thiên hạ. Nhưng nếu hoàng đế đã thực sự trở thành đơn độc, thậm chí “thiên tử” đã biến thành “lãng tử”, mục thú các địa phương không theo sự chỉ huy, họ cũng chẳng còn cách nào khác. Lúc này, đơn thuần là môn đệ danh vọng cao cũng vô dụng, đến như ân tín cũng vứt, chỉ còn có súng là nói chuyện được. Ai cầm chắc cây súng? Quân phiệt. Ai cho chính phủ trung ương còn cái danh nhưng quyền thì hết? Cũng chính là quân phiệt. Và chúng ta biết rõ đó chính là Đổng Trác.

 

 

Đổng Trác là quân phiệt đầu tiên đánh vào vũ đài lịch sử. Đổng Trác vốn là cường hào địa phương ở Lương Châu, là người sớm biết dùng binh. Bộ thuộc của Đổng Trác, như lời ngài Phạm Văn Lan, là “thổ bá” một số địa phương, là “hào thủ” của tộc Khương tộc Hồ. Đó đều là quân phiệt. Đổng Trác vào Lạc Dương không phải để làm quân phiệt, mà để xây dựng một trật tự mới. Vấn đề ở chỗ, Đổng Trác không hề biết trật tự mới phải xây dựng như thế nào, bản thân Đổng Trác cũng chẳng có chủ ý gì. Kết quả, chưa xây dựng được trật tự mới thì mệnh của trật tự cũ lại sắp hết.

 

 

Món nợ này đương nhiên không thể đổ hết lên đẩu Đổng Trác, nói đến cùng thì vì vương triều Đông Hán đã quá mục nát chỉ cần đụng nhẹ là đổ. Trong tập “Đường riêng đồng quy” chúng ta đã nói, đế quốc Đại Hạ của vương triều Đông Hán có ba cây cột chống đỡ. Ba cây cột đó là ai? Ngoại thích, Hoạn quan và sĩ tộc. Ngoại thích là nhà mẹ của hoàng hậu, hoàng thái hậu, nói thông thường là hoàng thân quốc thích. Một người con gái nếu được làm hoàng hậu thì người nhà mẹ cô ta chẳng khác gì gà, chó được lên trời. Nếu hoàng đế chết sớm, tân hoàng đế tuổi nhỏ phải lo liệu việc nước, thái hậu phải lên triều, triều chính dễ dàng rơi vào tay người nhà thái hậu, tức là ngoại thích. Thời Đông Hán là như vậy. Thời Đông Hán có mười ba vị hoàng đế, bao gồm cả thiếu đế Lưu Biện. Ngoài Quang Vũ đế đẩu tiên thọ 62 tuổi, thứ đến Hán Minh đế thọ 48 tuổi, cuối cùng là Hán Hiếu đế thọ 30 tuổi, mười một người khác đều không đến 20 tuổi. Tuổi lớn nhất, Hán Chương đế 19 tuổi; tuổi ít nhất, Hán Thương đế chỉ có 100 ngày. Hán Xung đế chỉ có 2 tuổi. Triều Đông Hán có sáu lần thái hậu lâm triều, ngoại thích chấp chính. Thòi Hán Hoà đế, Đậu thái hậu lâm triều, Đậu Hiếu chấp chính; thời Hán An đế, Đặng thái hậu lâm triều, Đặng Chất chấp chính; Thời Bắc Hương hầu, Diêm thái hậu lâm triều, Diêm Hiển chấp chính; Thời Hán Hoàn đế, Lương thái hậu lâm triều, Lương Ký chấp chính; Thời Hán Linh đế, Lương thái hậu lâm triều, Đậu Vũ chấp chính; Thời Hoằng Nông vương, Hà thái hậu lâm triều, Hà Tiến chấp chính. Thấy rõ, vương triều Đông Hán có tới gần nửa thời gian do thái hậu và ngoại thích lo việc nước.

 

 

Ngoại thích cầm quyền, đương nhiên hoàng đế không vui. Vì vậy số hoàng đế nhỏ tuổi này sau khi thân chính đều muốn đoạt quyền. Họ được các hoạn quan giúp đỡ. Hoạn quan vì lợi ích của mình, có thể giúp hoàng đế, thậm chí thay hoàng đế giết ngoại thích. Ví dụ, Công nguyên năm 92... giết Đậu Hiến, Công nguyên năm 121 giết Đặng Chất. Công nguyên năm 125 giết Diêm Hiển, Công nguyên năm 159 giết Lương Ký, Công nguyên năm 168 giết Đậu Vũ, Công nguyên năm 189 giết Hà Tiến. Điều này rất có ý nghĩa. Vương triều Đông Hán, sáu lần thái hậu lâm triều, ngoại thích chấp chính. Cả sáu vị ngoại thích chấp chính đều bị giết do hoàng đế dựa vào hoạn quan hoặc hoạn quan giúp hoàng đế, thậm chí tự hoạn quan có chủ trương giết họ.

 

 

Vì vậy hoạn quan và ngoại thích mâu thuẫn rất lớn. Sử cung đình Đông Hán, gần như là sử đấu tranh giữa hoạn quan và ngoại thích. Trong cuộc đấu tranh này, sĩ tộc luôn thiên về ngoại thích, tuy họ chẳng thích gì cách lấn quyền của ngoại thích, nhưng họ còn căm ghét hơn lũ hoạn quan tham lam, lũ tiểu nhân theo chân hoạn quan, tranh đoạt quyền lợi hòng làm quan. Vì vậy, sau khi Hán Hiến đế qua đời, sĩ tộc mà đại biểu là Viên Thiệu đã liên hợp cùng ngoại thích mà đại biểu là Hà Tiến để đấu tranh sống mái với tập đoàn hoạn quan. Kết quả là hoạn quan giết chết Hà Tiến, Viên Thiệu giết hoạn quan, ngoại thích lẫn hoạn quan đều hết đời. Ba cột chống của đế quốc Đại Hạ đã đổ mất hai, còn lại một cây rất khó chống.

 

 

Lúc này thì Đổng Trác được sĩ tộc (Viên Thiệu) mời đến. Đây là thời khắc mấu chốt. Nếu Đổng Trác là sĩ tộc, hoặc là người sĩ tộc có thể tiếp nhận thì có lẽ lịch sử đã sang trang. Mặc cho Đổng Trác muốn dựa vào sĩ tộc để xây dựng lại một trật tự mới cho đế quốc, nhưng sĩ tộc không muốn hợp tác với Đổng Trác và Đổng Trác cũng chẳng biết phải làm gì để hợp tác với sĩ tộc. Đổng Trác là kẻ làm bừa, hoành hành lấn quyền, không tuân theo pháp chế, không giữ lễ nghĩa, nên đã bị sĩ tộc hô hào “cả nước cùng giết, thiên hạ cùng đánh kẻ thù của nhân dân”. Vương Doãn cầm đầu triều quan tìm cách ám sát; Viên Thiệu cầm đầu ngoại quan, khởi binh đánh đuổi. Triều dã một phen hỗn loạn.

 

 

Lúc này, đế quốc vốn đã lộn xộn bất an càng thêm lộn xộn, thiên hạ của môn phiệt biến thành thiên hạ của quân phiệt. Một mặt triều đình phái châu mục, thứ sử, thái thú đến các vùng, cầm quân tự lo tự làm, cát cứ một phương; mặt khác thế gia đại tộc cũng vứt bút bỏ bừa đua nhau chiêu binh mãi mã, kéo bè kết đảng, chiếm núi xưng vương, “to lớn thì liền quận quốc, trung bình thì chiếm thành ấp, nho nhỏ thì tụ tập cả trăm cả ngàn” (Tào Phi Điển luận), danh nghĩa là đánh Đổng Trác, thực tế là chiếm địa bàn. Đổng Trác, một quân phiệt không muốn là quân phiệt, đã khiến nhiều người thành quân phiệt.

 

 

Lịch sử đã bước vào thời đại quân phiệt, nên, chỉ có quân phiệt mới giải quyết được cục diện, môn phiệt phải bó tay. Thế nào là môn phiệt? Là các gia tộc đời đời hiển hách được quý trọng. Thế nào là quân phiệt? Là những tập đoàn dùng binh tự liệu. Đời đời hiển quý hoặc dùng binh tự liệu đều có địa vị và lực lượng đặc biệt, chi phối toàn bộ xã hội, vì vậy đều gọi là phiệt. Nhưng môn phiệt dựa vào danh vọng môn đệ trở thành phiệt, còn quân phiệt lại dựa vào lực lượng vũ trang để thành phiệt. Danh vọng môn đệ không đấu nổi với lực lượng vũ trang, vì vậy, môn phiệt cũng đấu không lại với quân phiệt. Môn phiệt gặp quân phiệt như tú tài gặp lính, có lý mà không được nói, trừ phi họ đều là quân phiệt.

 

 

Sĩ tộc không phải là không cố gắng về mặt này. Viên Thiệu và Viên Thuật đều là “môn phiệt kiêm quân phiệt”. Lưu Biểu và Lưu Yên lại là “Tông thất kiêm quân phiệt”. Đúng là họ đã một thời phong quang. Nhất là Viên Thiệu, áo mão vọng tộc, bốn đời tam công, môn sinh là quan lại khắp thiên hạ, còn có cả đất của bốn châu Ký, Thanh, Tinh, U, hơn nửa phương bắc, có thể coi là trời đã hậu đãi riêng, nhưng vì tài lớn khí thô, nên không thể trọn đời. Thiệu trở thành minh chủ liên minh đánh Đổng Trác. Rõ ràng là giai cấp sĩ tộc đã khoác bảo giáp lên người Thiệu. Nhưng rồi thế nào? Đều đã thất bại. Vì sao lại thất bại? Vì Tào Tháo vừa xuất hiện.

 

 


Quý thích thời Đông Hán thường xuyên là địch thủ chính trị của hoạn quan

Tào Tháo không phải sĩ tộc, Tháo xuất thân từ gia đình hoạn quan từng bị sĩ tộc miệt thị và căm ghét nhất. Tào Tháo vốn không phải là quân phiệt, Tháo tay trắng chạy đến Lạc Dương, không quân, không tướng, không quan chức, về sau “vung tiền, tập hợp nghĩa binh” ở Trần Lưu, thực lực là có hạn. Vì vậy, “tập đoàn công ty” liên quân Quan Đông mới không coi Tháo là “cổ đông”. Tào Tháo tự biết mình chẳng mấy vốn liếng, nên, cam chịu làm quân tốt trong liên quân. Nhưng chư hầu Quan Đông lại là lũ tự tư tự lợi, mắt chuột mơ hồ, lại rụt đầu rụt cổ, khiến Tháo vô cùng thất vọng. Cuối cùng thì Tào Tháo đã hiểu, thế gia đại tộc chỉ là hư danh, môn phiệt đấu không lại quân phiệt. Tào Tháo quyết định biến mình thành quân phiệt, sau đó mới giành lấy giang sơn.

 

 

Trên thực tế, người không để sĩ tộc diễn trò chính là Tào Tháo. Sau nhiều năm cố gắng, Tào Tháo đã biến thành quân phiệt, nhưng là quân phiệt khác hướng. Rất nhiều quân phiệt thời đó (như Lưu Yên) chỉ muốn cát cứ một phương xưng hoàng đế. Riêng Tháo lại muốn thống nhất thiên hạ. Đây là điểm một. Điểm hai, Tháo còn suy nghĩ khác sau khi Trung Quốc được thống nhất. Suy nghĩ của Tháo, như đã nói trong tập Đường riêng đồng quy, xây dựng một “chính quyền không sĩ tộc”, ít ra không đi vào đường cũ của Đông Hán, phải đổi mới về mặt chính trị. Đây là điều khác với Viên Thiệu. Viên Thiệu cũng muốn lập lại trật tự và là thứ trật tự cũ đại diện cho lợi ích giai cấp địa chủ sĩ tộc. Đó là điều khác biệt giữa Đổng Trác, Viên Thiệu và Tào Tháo. Đổng Trác phá vỡ trật tự cũ, Viên Triệu ủng hộ trật tự cũ, Tào Tháo muốn xây dựng một trật tự mới. Đổng Trác chỉ biết phá hoại, không biết xây dựng, vì vậy Tào Tháo liên hợp với Viên Thiệu chống lại Đổng Trác và ra sức xây dựng lại trật tự bị Đổng Trác phá hoại. Nhưng phải xây dựng lại một trật tự như thế nào thì họ lại khác nhau về lập trường về quan điểm, cả về đường lối, vì vậy họ phải hậm hực chia tay, thậm chí quyết một trận sống mái.

 

 

Vậy, với Tào Tháo có dễ dàng gì không? Không dễ dàng.

 

 

Giai cấp sĩ tộc phản đối kịch liệt hành vi của Tào Tháo. Biểu hiện rõ nhất trong hai trận chiến, Duyện châu và Quan Độ. Trận đánh ở Duyện châu chúng ta đã nói rõ trong tập “Tiến thoái hết chỗ tựa”, đó là mùa hạ thời Hán Hiến đế Hưng Bình năm đầu (Công nguyên năm 194), Trương Mạc và Trần Cung nhân lúc Tào Tháo đi đánh Từ châu đã phản biến, liên hợp với Lã Bố cướp căn cứ địa của Tào Tháo. Nếu không có Tuân Úc và Trình Dục, Hạ Hầu Đôn giữ vững Quyên Thành, Phạm huyện, Đông A thì Tào Tháo đã như chó nhà có tang. Trương Mạc và Trần Cung là bạn cũ của Tào Tháo, vì sao phải làm phản? Vì trước đó, Tào Tháo đã giết Biên Nhượng danh sĩ Duyện châu, khiến sĩ tộc và danh sĩ công phẫn (điều này Hậu Hán thư và Tư trị thông giám nói khác nhau). Ở đây nói theo Tư trị thông giám. Tháo giết Biên Nhượng nhằm uy hiếp sĩ tộc, kết quả suýt nữa chết không có đất chôn. Phản đối sĩ tộc đâu có dễ dàng!

 

 

Nhưng sĩ tộc vẫn chưa đè bẹp được Tào Tháo và lực lượng của Viên Thiệu cũng ngày một mạnh hơn. Vì vậy trận chiến Quan Độ mới xảy ra. Nếu nói trận chiến Duyện châu là sự tập kích đột xuất của thế gia đại tộc vào Tào Tháo, thì trận chiến Quan Độ là trận quyết chiến lớn giữa hai đường lối của hai giai cấp. Ngài Điền Dư Khánh nói đúng, chiến tranh giữa Viên và Tào là chiến tranh giữa sĩ tộc và hàn tộc trong xã hội, về hình thái ý thức là chiến tranh giữa Nho gia và Pháp gia (“chiến tranh Tào Viên và thế gia đại tộc”). Viên Thiệu thắng, thiên hạ là sĩ tộc và Nho gia; Tào Tháo thắng, chính quyền mới và trật tự mới sẽ do hàn tộc và Pháp gia xây dựng. Vì vậy, chiến tranh Quan Độ là chiến tranh quyết định vận mệnh và tiền đồ Trung Quốc lúc đó.

 

 

Trận chiến đó thực kinh điển và quyết liệt. Bấy giờ không chỉ có giai cấp địa chủ sĩ tộc mặc giáp trụ cho Viên Thiệu mà ngay cả một số người không là sĩ tộc cũng xem trọng Viên Thiệu, xem thường Tào Tháo. Đổng Thừa chính biến, Lưu Bị phản chạy, Dự Châu nhiều nơi hỗn loạn, Từ châu quận huyện hàng Viên, Lưu Biểu ngấm ngầm làm phản, Tôn Sách mưu mô đánh lén, lãnh tụ danh sĩ Khổng Dung đồn thổi tin tức ra khắp Hứa Đô, nói rằng không thể đánh bại được Viên Thiệu, xung quanh Tào Tháo là lời ca của nước Sở. Nếu không được Tuân Úc và những người khác kiên quyết chống đỡ e Tháo khó bề đứng vững. Trong tập “Thiên hạ quy tâm”, chúng ta nói tới chuyện, sau khi chiến thắng Viên Thiệu, Tháo cho đốt hết tất cả thư tín vừa thu được, là “giấy tờ tư thông với Viên Thiệu”. Tào Tháo giải thích “cô còn không tự giữ được”, sao trách người khác! Việc này luôn được xem là Tào Tháo rộng lượng hoặc quyền thuật. Kỳ thực là rộng lượng hay quyền thuật là do buộc phải thế, về cơ bản Tào Tháo không dám truy cứu tiếp.

 

 

Cuối cùng thì Tào Tháo đã thắng, Viên Thiệu thất bại. Lúc này thì lịch trình lịch sử đã rối loạn đến tận cùng. Lúc Đổng Trác đánh tới, giai cấp địa chủ sĩ tộc tuy bị trọng thương, nhưng họ vẫn có thể kỳ vọng ở Viên Thiệu “sĩ tộc kiêm quân phiệt”, được coi là kỳ ngộ và khiêu chiến để sinh tồn. Viên Thiệu bại trận thì mọi hy vọng đều biến thành mây khói. Họ Viên là vọng tộc lợi hại nhất trong sĩ tộc đã không thể thành công thì những người khác sẽ ra sao? Xem ra, trong thời đại quân phiệt này, người xuất thân từ sĩ tộc không còn trò để diễn, trừ phi họ tự biến mình thành quân phiệt. Chỉ có thể là người xuất thân không phải sĩ tộc mới nên chuyện, như Lưu Bị và Tôn Quyền.

 

 

Lưu Bị và Tôn Quyền đều không phải sĩ tộc và đều là quân phiệt, đây là điểm họ giống với Tào Tháo. Cái khác là, chính quyền của họ đều xây dựng ở miền Nam. Và cũng chính vì họ ở miền Nam, mới có thể thành thế chân vạc của Tào Tháo. Vì vậy, Tào Tháo chiến thắng Viên Thiệu là hàn tộc chiến thắng sĩ tộc; Tôn Lưu chống lại Tào Tháo là miền Nam chống lại miền Bắc. Vậy, vì sao miền Nam có thể chống lại miền Bắc? Đằng sau sự chống đối này có điều gì là huyền diệu?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét