Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

ĐƯỜNG RIÊNG ĐỒNG QUY

 


Tập thứ bốn mươi tám: ĐƯỜNG RIÊNG ĐỒNG QUY

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Mâu thuẫn xung đột giữa Tôn Quyền và danh sĩ, sĩ tộc, đã từng tồn tại ở chỗ Tào Tháo, Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Bởi vì ba nước Ngụy, Thục, Ngô đều không do những người xuất thân từ sĩ tộc xây dựng. Họ cũng không muốn xây dựng một chính quyền của sĩ tộc và giai cấp địa chủ. Điều đó đã quyết định con đường dựng nước của họ chẳng bằng phẳng chút nào, chính quyền của họ cuối cùng sẽ diệt vong. Vậy, con đường của họ có điểm nào giống và khác nhau, vì sao ba nhà Ngụy, Thục, Ngô phải đồng quy về Tấn?

 

 

Tập trước chúng ta đã nói tới mâu thuẫn xung đột giữa Tôn Quyền và sĩ tộc, danh sĩ. Đây cũng là vấn đề mà Tào Tháo, Lưu Bị, Gia Cát Lượng từng đã gặp. Tào Tháo giết Biên Nhượng, giết Khổng Dung, giết Thôi Diễm, giết Dương Tu, Lưu Bị giết Trương Dụ, Gia Cát Lượng giết Bành Dạng, phế Lai Mẫn, phế Liêu Lập, đều là những biểu hiện của loại mâu thuẫn xung đột này. Vậy vì sao Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị, Gia Cát Lượng lại hay mâu thuẫn xung đột với danh sĩ và sĩ tộc?

 

 

Muốn hiểu rõ ván đề này thì trước hết phải làm rõ thế nào là sĩ tộc.

 

 

Sĩ tộc là những gia tộc đòi đời làm quan. Vì sao một gia tộc lại có thể đời đời làm quan? Vì thời đó làm quan đâu có dễ. Trung Quốc thông sử của ngài Phạm Van Lan nói, thời Hán, một người muốn làm quan bằng con đường chính quy thì cần có ba điều kiện. Một - Phải là sĩ nhân; Hai - Phải thông hiểu kinh học; Ba - Phải đậu hiếu liêm. Hiếu liêm là hiếu tử liêm sĩ, đó là yêu cầu về đạo đức. Thông hiểu kinh học cũng gọi là minh kinh, đây là yêu cầu về tài. Phải là sĩ nhân, là yêu cầu về thân phận. Sĩ ở thời nhà Chu là quý tộc thấp nhất. Đến đời Hán lại biến thành bình dân cao nhất. Bình dân lại chia làm bốn loại, sĩ nông công thương. Sĩ là sĩ dân; nông là nông dân; công là công dân; thương là thương nhân. Nông dân làm nông, công dân làm công, thương nhân làm thương, sĩ dân đọc sách. Sĩ lấy đọc sách làm nghiệp, là thứ lao động về đầu óc. Nói cách khác, sĩ là “người lao động bằng não lực”, là “người lao tâm”. Người lao tâm trị người, người lao lực bị người trị. Vì vậy sĩ nông công thương thì địa vị của sĩ là cao nhất, địa vị của thương là thấp nhất, thậm chí họ không có quyền làm quan.

 

 

Nói như vậy là ai cũng hiểu, lúc đó người có thể đạt được ba tiêu chuẩn này là không nhiều. Chưa nói tới điều khác, riêng việc thông hiểu kinh học đã rất khó, vì không phải ai cũng có sách đọc và đọc tốt. Nếu còn yêu cầu không làm gì cả, chỉ luôn luôn đọc sách lại càng khó! Vì vậy, chỉ có những người có sách đọc, đọc được, đọc vào, đọc tốt và không làm gì cả (nông công thương) mới có khả năng làm quan. Làm quan cần phải đọc sách, đọc sách là để làm quan, đọc sách và làm quan biến thành một sự kiện, biến thành nghề nghiệp, một gia tộc, lấy đọc sách làm quan làm nghề nghiệp thì gọi là “sĩ tộc”. Nếu đời đời đọc sách và làm quan thì gọi là “thế tộc”. Vì vậy, “sĩ tộc” tức là “thế tộc”.

 

 

Từ đây có thể thấy, gọi là “sĩ tộc” là do đời đời đọc sách và làm quan, và trong giai cấp bình dân đã phân hoá, sản sinh ra một tầng lớp đặc thù. Tính đặc thù của họ biểu hiện ra ba mặt, là lũng đoạn con đường làm quan, là khống chế dư luận, là biến thành cường hào. Vì sao sĩ tộc lại lũng đoạn con đường làm quan? Vì một người đã có điều kiện đọc sách lại làm quan thì con cháu của họ tự nhiên sẽ có điều kiện đọc sách, làm quan hơn nhiều người khác. Thế là người đọc sách trở nên nhiều hơn, người có đời ông đời cha làm quan thì dễ dàng hơn trong cuộc giành giật làm quan với những người đọc sách khác. Thế là sẽ xuất hiện một hiện tượng, người làm quan có thể đời đời đều làm quan, thậm chí đều làm quan lớn, như nhà họ Viên “Tứ đại tam công”. Như vậy, nghề làm quan có thể bị một số gia tộc nào đó lũng đoạn hoặc lũng đoạn một số quan chức nào đó. Đây là nguyên nhân thứ nhất.

 

 

Thứ hai, một người làm quan thì có quyền tiến cử, có thể tiến cử người khác ra làm quan. Họ sẽ tiến cử loại người nào đây? Có hai loại. Một loại là người của mình, một loại nữa là những người đọc sách mà địa vị xã hội tương đối thấp. Những người này ít có cơ hội làm quan, một khi được tiến cử, họ sẽ cám ơn, báo ơn, thậm chí họ sẽ có quan hệ lệ thuộc, tình cảm cha con với người tiến cử; họ sẽ trở thành “thành viên không cùng huyết thống trong gia tộc”. Một người quan càng cao thì quyền tiến cử cũng càng lớn; Thời gian làm quan càng dài thì càng nhiều cơ hội để tiến cử; nếu như đời đời làm quan thì sẽ hình thành một cục diện “môn sinh cố lại khắp thiên hạ”. Số “môn sinh cố lại” đó cũng có thể tiến cử người khác làm quan. Nhưng họ là “môn sinh cố lại” của một gia tộc nào đó, nên khi sử dụng quyền tiến cử họ phải nhìn xem sắc thái của số gia tộc đó hoặc cống hiến một thứ gì đó để báo ân. Vì vậy, “môn sinh cố lại” của một gia tộc nào đó càng nhiều thì quyền tiến cử của họ cũng càng nhiều. Thời gian dài, họ trở thành người lũng đoạn quyền làm quan.

 

 

Thứ ba, người có quyền tiến cử còn có thể tiến cử lẫn nhau, tôi tiến cử người của anh, anh tiến cử người của tôi. Phương pháp “ở đào báo lý” này cũng là một “quy tắc ngầm” trong chốn quan trường, người người điều biết, nên cứ tiến hành công việc mà không cần phải mặc cả. Cuối cùng thì quyền tiến cử, quyền làm quan đã bị một số sĩ tộc lớn bé chia nhau.

 

 

Vậy thì vì sao sĩ tộc lại có thể khống chế được dư luận? Bởi vì họ từ đọc sách rồi mới làm quan và do làm quan mới thành sĩ tộc, đương nhiên họ là người có học vấn nhất có văn hoá nhất. Vì vậy, là lãnh tụ giới tư tưởng, giới văn hoá, giới học thuật, sĩ tộc càng dễ đoàn kết hàng loạt người có văn hoá gồm các danh sĩ và thái học sinh. Thái học sinh là sinh viên trong thái học (học viện cán bộ quốc gia), như nay nói là “cán bộ hậu bị”. Danh sĩ là nhân sĩ có tiếng trong xã hội, nay nói là “xã hội hiền đạt”. Danh sĩ không nhất thiết xuất thân sĩ tộc, có danh sĩ thân phận khác nhau, như Đậu Vũ là ngoại thích kiêm danh sĩ, Lưu Biểu là tông thất kiêm danh sĩ. Nhưng bất luận là thân phận gì, họ đều quan hệ mật thiết với sĩ tộc. Đại thể sĩ tộc là chỗ dựa của danh sĩ, danh sĩ làm vẻ vang sĩ tộc, thái học sinh trở thành vật độn của họ. Ở tập trước chúng ta đã nói, “danh sĩ” là “lãnh tụ ý kiến” của thời đại, là “nhân vật công chúng”. Việc những người này thích nhất là phát biểu ý kiến, nói về người khác, bàn về thời sự chính trị. Thời đó gọi loại ý kiến này là “thanh nghị”. Thanh nghị có ảnh hưởng rất lớn, khả năng sát thương cũng rất mạnh. Một người được thanh nghị khen thì giá trị tăng thêm gấp bội; nếu bị thanh nghị chê thì thôi hết chỗ nói. Lực lượng thanh nghị đứng cùng phía với sĩ tộc, lại có thái học sinh hưởng ứng, đương nhiên sĩ tộc sẽ khống chế được dư luận.

 

 

Sĩ tộc nắm quyền làm quan, sẽ không chế được quan trường; nắm quyền phát ngôn, sẽ không chế được dư luận. Có được hai điều kiện đó, họ biến thành cường hào chẳng khó khăn gì. Trở thành cường hào cũng chẳng có gì là lạ, vì chính quyền Đông Hán vốn do cường hào dựng nên (chủ yếu là cường hào Nam Dương). Chúa tể của vương triều luôn là cường hào, như ngoại thích, hoạn quan, đại thương nhân. Họ cũng đều là đại địa chủ. Sĩ nhân xuất thân từ địa chủ nhỏ, trung bình, vốn không phải là cường hào. Nhưng sau khi nhân sĩ biến thành sĩ tộc thì tình hình lại khác. Vì ngẫu nhiên khi họ được làm quan sẽ biến thành đời đời làm quan. Làm quan, địa vị cao, sẽ nổi danh. Làm quan có nhiều quyền lực, có nhiều lợi. Vừa có danh vừa có lợi, gia tộc của họ có thể lợi dụng vốn chính trị, ưu thế chính trị vốn có để không ngừng phát triển lớn mạnh, từ địa chủ nhỏ, trung bình biến thành đại địa chủ, trở thành cường hào nhìn thiên hạ, xưng bá một vùng. Một hào tộc to lớn được gọi là “thế gia đại tộc”, gọi là “y quan vọng tộc”, hoặc “danh môn vọng tộc”, đơn giản gọi là sĩ tộc, vọng tộc, thế tộc. Thế gia, tức là đời đời làm quan; y quan, là thi thư chuyên gia. Thi thư chuyên gia, tất nhiên có danh vọng, vì vậy gọi là “vọng tộc”, là “danh môn”. Đời đời làm quan, tất nhiên sẽ có quyền thế, vì vậy gọi là “thế tộc”. Còn nhà thứ dân không quyền không thế, không danh vọng, gọi là “hàn môn”, là “thứ tộc”, là “hàn tộc”.

 

 

Hiển nhiên, sĩ tộc là giai tầng rất đặc biệt. Họ không phải quý tộc (hoàng thân quốc thích), cũng không phải thứ tộc (phổ thông bình dân). Thuộc giai cấp bình dân nhưng cao quý hơn bình dân; không thể thế tập quan chức, nhưng có thể lũng đoạn con đường làm quan. Nói về tính chất, họ là “chuẩn quý tộc nửa thế tập”, nói về địa vị, họ như “bình dân cao cấp” gần với quý tộc. Họ quan hệ mật thiết với danh sĩ, có quan hệ vừa có khác biệt. Khác biệt ở chỗ: sĩ tộc là một tộc danh sĩ là một người; sĩ tộc tất phải làm quan, danh sĩ thì không nhất thiết. Nhưng với một số đông như vậy thì danh sĩ và sĩ tộc có được sự nhất trí về lập trường giai cấp, về quan niệm chính trị và lí tưởng chính trị. Vì vậy sĩ tộc là ông chủ đứng sau hậu đài của danh sĩ, danh sĩ là người phát ngôn của sĩ tộc.

 

 

Lý tưởng chính trị của sĩ tộc là gì? Đương nhiên là xây dựng một chính quyền của giai cấp mình. Chí ít cũng có được những vị trí trong chính quyền đó. Điều này tất sẽ phát sinh mâu thuẫn xung đột với Tào Tháo. Tôn Quyền, Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Bởi vì người chủ của Tam Quốc không phải sĩ tộc và họ cũng không muốn để sĩ tộc trở thành giai cấp thống trị. Có điều, tình hình ở ba nước Ngụy, Thục, Ngô có khác nhau, chúng ta sẽ nói riêng từng nước, để xem giai cấp sĩ tộc đấu tranh với họ như thế nào và sau đó sẽ quy họ về một mối như thế nào.

 

 


Lã Bố giao chiến Hạ Hầu Đôn

Nói về Tào Ngụy trước.

 

 

Con đường dựng nước của Tào Ngụy, tôi gọi là “diễn biến không hoà bình”. Vì sao lại gọi như vậy? Vì thiên hạ Tào Ngụy là do dùng vũ lực mà chiếm được, nên không phải là “diễn biến hoà bình”. Nhưng tính hợp pháp của chính quyền này lại có từ sự “nhường ngôi” cùng hàng loạt những phong thưởng trước đó của Hán Hiến đế, bao hàm gia Cửu tích, phong Ngụy công, tấn Ngụy vương, lại có hương vị của “diễn biến hoà bình”, nên chỉ có thể gọi là “diễn biến không hoà bình” hoặc “chính biến không cung đình”.

 

 

Tập đoàn Tào Tháo lựa chọn con đường này, phải chăng đây là kế hoạch từ trước? Không phải. Tào Tháo từng bước từng bước tìm ra con đường này. Dã tâm của Tào Tháo cũng lớn dần từng ngày. Chí ít chúng ta cũng có thể khẳng định, trước lúc thành lập liên quân Quan Đông, Tào Tháo chưa nghĩ gì về việc xây dựng chính quyền. Tam quốc chí - Vũ đế kỷ nói thế nào? “Tháng giêng Sơ Bình năm đầu, Hậu tướng quân Viên Thuật, Ký châu mục Hàn Phức, Dự châu thứ sử Khổng Do, Duyện châu thứ sử Lưu Đại, Hà Nội thái thú Vương Khuông, Bộc Hải thái thú Viên Thiệu, Trần Lưu thái thú Viên Di, Tế Bắc tướng Pháo Tín, khởi binh cùng lúc, hàng mấy vạn người, tôn Thiệu là minh chủ, Thái Tổ là Phấn Võ tướng quân”. Rõ ràng, trong “Tập đoàn công ty” liên quân Quan Đông, Tào Tháo không có “cổ phần” Tháo không phải là “ông chủ”, không phải cổ đông, chỉ là “chân chạy”, có suy tính gì đây?

 

 

Chừng vào lúc nào thì Tào Tháo mới có suy nghĩ? Theo tôi, phải từ sau trận chiến Quan Độ, trước trận Xích Bích. Nếu coi chính quyền “thượng tầng kiến trúc” như xây phòng ở, coi việc thành lập chính quyền mới như “lợp một căn phòng” thì cả Trung Nguyên khi đó mới có một mình Tào Tháo là “nhà thầu” kiêm “kiến trúc sư” trong việc “lợp mới một căn phòng”. Tháo nghênh đón thiên tử mới có được đất, đánh thắng Viên Thiệu mới có vốn liếng. Một người vốn đã nhẫn nhịn về mặt này, nay đã có được hai điều đó mà không suy nghĩ để tiến tiếp thì đó mới là kỳ cục! Tháng sáu năm Kiến An thứ XIII (Công nguyên năm 208), Tào Tháo khôi phục chế độ thừa tướng đã bị bãi bỏ từ lâu và tự mình làm thừa tướng, coi đây là tín hiệu để Tào Tháo ra tay tiếp.

 

 

Vậy “căn phòng mới” của Tào Tháo có sơ đồ gì không? Không có. Đặc điểm con người Tào Tháo, có lý tưởng nhưng không có sơ đồ. Tào Tháo muốn xây dựng một “chính quyền không có sĩ tộc” - Thôi Hạo và Khấu Khiêm Chi của ngài Trần Dần Khắc nói, đó là “chính quyền Tào nguỵ của pháp gia hàn tộc”. Cứ theo lời nói và việc làm của Tào Tháo, chúng ta biết, Tào Tháo không tin thiên mệnh, thi hành pháp trị, vừa mời vừa ép, phá lệ dùng người, đề xướng tiết kiệm, không mộ hư danh, không có điểm nào là không xung đột với sĩ tộc? Nhất là điểm “cứ có tài là dùng”, coi như đã đào mộ tổ tầng lớp sĩ tộc! Nếu chế độ dùng người được cải cách như vậy thì liệu sĩ tộc còn lũng đoạn được quan trường nữa không? Ngay cả việc cha con Tào Tháo cùng thích văn học cũng khiến cho sĩ tộc không hài lòng. Vì cái mà sĩ tộc coi trọng là “kinh nghĩa” tu thân trị quốc, không phải là mấy “lời lẽ” chải chuốt bỏng bẩy, vô bổ.

 

 

Vì vậy sĩ tộc đã chống lại Tào Tháo, danh sĩ đã cười nhạo Tào Tháo. Tào Tháo bị bất ngờ chưa hề có chuẩn bị. Tào Tháo biết rõ mình đã đắc tội với sĩ tộc, biết rõ phần lớn danh sĩ sẽ cùng cánh với sĩ tộc. Tào Tháo chỉ còn cách là chém giết. Tào Tháo những muốn giết Dương Bưu, nhưng không thành. Đã giết Khổng Dung, Dương gia (Dương Bưu) cũng giống Viên gia ( Viên Thiệu) đều là vọng tộc sắc nhất trong số sĩ tộc. Dương gia còn hơn Viên gia, năm đời là tam công. Khổng Dung là danh sĩ nổi nhất trong số các danh sĩ, là cháu đời thứ hai mươi của Khổng Tử. Tào Tháo muốn giết Dương Bưu, dám giết Khổng Dung, rõ ràng Tào Tháo rất chú ý đến sĩ tộc (nếu không, không phải giết) và không mấy quan tâm đến danh sĩ (nếu không, không dám giết). Sĩ tộc chống đối, danh sĩ phản đối, không phải khó khăn lớn nhất đối với Tào Tháo.

 

 

Vốn liêng mới là khó khăn của Tào Tháo. Vốn liếng của Tào Tháo là gì? Phụng thiên tử lệnh những kẻ chưa thần phục. Dựa vào cái vốn đó để có được đất đai. Nhưng như vậy, Tào Tháo phải đứng trước một thực tế, không thể giỡ bỏ những căn nhà cũ trên mảnh đất đó, xây nên một căn nhà mới. Ngược lại, Tào Tháo còn phải ra vẻ muốn giữ gìn những căn nhà cũ đó, giống mấy vị quản gia tận tâm, tận trách, không thể cưỡng chế, giỡ bỏ làm nơi buôn bán. Dựng được một căn phòng mới rõ ràng là điều khó khăn với Tào Tháo.

 

 

May sao Tào Tháo là người có lý tưởng, không cần sơ đồ, có thể vừa làm vừa nghĩ. Tào Tháo còn là người có biện pháp, biện pháp đó là “phục trang tu sửa”. Biện pháp “phục trang tu sửa” là cải tạo dần, cuối cùng thì biến nhà của người khác thành của mình. Biện pháp này tốt thì tốt thật, nhưng vẫn có một tiền đề, tức là “phòng cũ” không thể phá bỏ. Dù bên trong có nát vụn thì cột kèo vẫn phải giữ lại. Cột kèo trong căn “phòng cũ” của triều Đông Hán là gì? Ba cột nhà và một nóc nhà. Cột nhà là ngoại thích, hoạn quan và sĩ tộc, nóc nhà là thiên tử Đại Hán. Tào Tháo nghênh đón thiên tử về là nóc nhà đã có, ba chiếc cột thì đã đổ mất hai. Trước khi Đổng Trác vào kinh thành, ngoại thích và hoạn quan đã tàn sát lẫn nhau, người thì bại kẻ thì thương tích đầy người, không sao đứng lên được. Nếu không cần chiếc cột còn lại (sĩ tộc) thì căn phòng sẽ đổ.

 

 

Tào Tháo thấy khó và sĩ tộc cũng thấy khó. Cái khó của Tào Tháo là không thể phá bỏ căn phòng, vì vậy chiếc cọc kia không thể đổ; Tào Tháo phải trang trí và tu sửa; nói thẳng ra, phải lén thay kèo thay cột, không thể không động vào chiếc cột đó. Sĩ tộc cũng thấy khó khăn, xưa nay cột dùng để chống nóc, cột chỉ có thể đi cùng nóc. Lúc này nóc nhà đã chạy đến chỗ Tào Tháo, cột nên hay không nên tới đó? Nếu đi, thì rõ ràng đã biến thành cột của Tào Tháo. Nếu không đi thì coi như nhà không có nóc. Nhà không nóc thì cần cột làm gì? Đúng là khó khăn đến chết người.

 

 

Nói rõ điểm này thì dễ dàng giải thích được vấn đề sau, vì sao Tào Tháo lại thực hành “đường lối pháp gia hàn tộc”, Tào Tháo đâu có xuất gia từ sĩ tộc, đâu phải là danh sĩ mà phải tìm đến với sĩ tộc nhiều hơn những người khác. Vì sao vậy? Vì Tào Tháo rất rõ, không có mấy người này thì “trang trí tu sửa” ra sao! Sĩ tộc và danh sĩ cũng hiểu rất rõ, dù có đi Hứa Đô, cũng không phải là chạy đến với Tào Tháo; Dù có đến với Tào Tháo, cũng không phải là đã thay đổi; và dù có thay đổi, cũng không phải là cùng đường với Tào Tháo cho đến chết. Cũng tức là, Tào Tháo, sĩ tộc và danh sĩ ai cũng tính toán: lợi dụng đối phương thực hiện mục đích của mình.

 

 

Thế là, Tào Tháo và sĩ tộc, danh sĩ có quan hệ lợi dụng lẫn nhau và cảnh giác với nhau. Vì vậy, danh sĩ ở cạnh Tào Tháo nhiều hơn những người khác và cũng bị Tào Tháo giết nhiều hơn những người khác. Vì vậy Tào Tháo không thể không đề phòng, thậm chí luôn lo sợ, nghi thần nghi quỷ, lạm sát vô cớ. Như bức chết Tuân Úc, giết Thôi Diễm, giết Dương Tu. Mọi người luôn thấy khó hiểu cảm thấy Tào Tháo luôn sinh chuyện, chuyện bé xé ra to. Nhưng chỉ cần nhớ rằng những người đó đều là đại tộc danh sĩ thì hiểu ngay được những bí mật trong đó.

 

 

Việc Tào Tháo lạm sát cần phải phê phán, còn việc Tào Tháo hoài nghi thì không sai. Sự thực, không ít danh sĩ có những ý nghĩ khác, ở đây có ba loại người đáng nói. Loại một, chỉ thấy nóc nhà, không thấy người tu sửa và cũng không muốn Tào Tháo trang trí tu sửa, như Khổng Dung. Loại hai, thấy đỉnh nhà, thấy người tu sửa, còn muốn góp phần, hy vọng Tào Tháo sửa sang được như cũ và trả lại cho chủ cũ, như Tuân Úc. Loại ba, anh sửa được thì tôi cũng sửa được. Bề ngoài là giúp anh sửa nhưng thực tế là tôi sửa. Chờ khi sửa gần xong mới bảo với anh, phòng phải được sửa sang như ý của tôi kia, như Trần Quần. Tháng giêng năm Kiến An thứ XXV (Công nguyên năm 220), Tào Tháo bệnh và qua đời ở Lạc Dương, Tào Phi kế vị trở thành Ngụy vương. Ít lâu sau, Trần Quần “kịp thời” đề xuất để Tào Phi đưa ra “Cửu phẩm quan nhân chi pháp” (Cửu phẩm trung chính chế). “Cửu phẩm quan nhân pháp” nói thẳng ra là, sĩ tộc lũng đoạn quan quyền rồi phân phối quan vị, quan chức trong sĩ tộc tuỳ theo danh vọng, môn phiệt, thế lực cao thấp lớn bé. Tào Phi tiếp nhận ý kiến của Trần Quần và hạ lệnh thi hành. Chẳng bao lâu, Tào Phi được sĩ tộc Trung Nguyên ủng hộ, lên làm hoàng đế, nóc nhà đế quốc này (lúc này chỉ còn hơn một nửa) từ tay họ Lưu đã chính thức “sang tay” họ Tào.

 

 


Tào Tháo cắt râu, cởi áo bào chạy trốn sự truy sát của Mã Siêu

Đây là thắng lợi của Tào Phi và cũng là thất bại của Tào Tháo; kịch vui của Tào Phi và cũng là kịch buồn của Tào Tháo. Nên nhớ rằng, để xây dựng một chính quyền không sĩ tộc, Tào Tháo đã khổ sở vất vả, bị chửi cũng nhiều, giết chóc cũng nhiều, cuối cùng đành theo biện pháp “trang trí tu sửa” để “đổi phòng”. Nhưng khi tu sửa xong phòng, chờ giấy “chứng nhận quyền tài sản” mới phát hiện thấy “cây cột” vừa thay đã trở thành “nền móng”, thậm chí biến thành cơ cấu chủ thể của căn phòng. Nói xem, ở dưới suối vàng, Tào Mạnh Đức biết điều này thì nên cười hay nên khóc?

 

 

Tào Phi tiếp nhận ý kiến của Trần Quần là bởi Tào Phi đã hiểu được điều, như lời ngài Phạm Văn Lan nói: “sĩ tộc làm trở ngại việc Tào Tháo thay Hán làm Hoàng đế, nói là ủng hộ nhà Hán, chi bằng nói là đang trao đổi đặc quyền làm quan với Tào Tháo”. Và, Tào Ngụy đúng là một “chính quyền pháp gia hàn tộc” “không sĩ tộc”. Một khi tính chất cải biên, biến thành chính quyền của giai cấp địa chủ sĩ tộc thì còn có giá trị, ý nghĩa gì nữa? Vì vậy, triều Ngụy của Tào Phi không còn là nước Ngụy của Tào Tháo. Ngày Tào Phi thành công thay Hán cũng là lúc Tào Ngụy diệt vong. Để sĩ tộc Tư mã gia tộc cầm đầu, lật đổ chính quyền Tào Ngụy xây dựng không sĩ tộc, chỉ là lần nữa thêm mũ cho cho chính quyền sĩ tộc. Đây là đường đi của Tào Ngụy và cũng là nguyên nhân cơ bản khiến Tào Ngụy diệt vong.

 

 

Vậy còn Tôn Ngô và Thục Hán thì sao?

 

 

Về cơ bản thì Tôn Ngô và Thục Hán không có tư cách lập nước. Nhờ vào vũ lực, cha anh Tôn Quyền đã cướp được địa bàn, về mặt lí luận thì đó là một căn nhà của đế quốc Đại Hạ, Tôn Quyền chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Lưu Bị đáng thương hơn, nói gì tới nhà cửa, đến một căn phòng cũng chẳng có, chỉ biết đi ở nhờ. Về sau cũng có được nhà cửa, phải cảm tạ Tào Tháo đã mở mang cho, cảm ơn Tào Tháo đã dạy cho kinh nghiệm về hai mặt chính, phản diện. Mặt chính diện là: sĩ tộc thực không đáng sợ, không sĩ tộc cũng có thể đoạt được thiên hạ. Mặt phản diện là: thế lực sĩ tộc cực lớn, chỉ nên sử dụng, không nên đối kháng.

 

 

Vì vậy Tôn Quyền và Lưu Bị đã có được một phương châm chiến lược, đường lối dựng nước khác với Tào Tháo. Nếu nói Tào Tháo ngược dòng mà lên thì Tôn Quyền và Lưu Bị một người thuận thế mà làm, một người đi đường vòng. Tôn Quyền thuận thế mà làm. Tức là “Giang Đông hoá”, cũng tức là “bản sĩ hoá”. Phần trước đã nói, chủ thể trong chính quyền Đông Ngô vốn là tướng lĩnh Hoài Tứ, Chu Du là đại diện; và Bắc sĩ lưu vong mà Trương Chiêu là đại diện. Những người này đều là lực lượng từ ngoài đến, người không đông, thế không mạnh, lực vừa phải, có thể yên tâm sử dụng. Nhưng cũng chính vì vậy, Tôn Quyền không thể chỉ dựa vào họ để dựng nước. Chỉ dựa vào tướng lĩnh Hoài Tứ và Bắc sĩ lưu vong thì Đông Ngô mãi mãi chỉ là một chính quyền non yếu. Vì vậy, Tôn Quyền chỉ có thể “Giang Đông hoá” và cần phải “Giang Đông hoá”. Thế là Tôn Quyền kiên quyết chia một phần chính quyền và một phần binh quyền giao cho Cố Ung và Lục Tốn. Con em “Tứ đại gia tộc” (Cố Lục Chu Trương) ở Ngô quận làm quan ở chỗ Tôn Quyền có đến cả ngàn. Như vậy, Giang Đông sĩ tộc và chính quyền Tôn Ngô đã được buộc vào với nhau, hình thành một lợi ích cộng đồng. Lợi ích của chính quyền Tôn Ngô và cũng là lợi ích của sĩ tộc Giang Đông. Để bảo vệ địa vị chính trị và lợi ích chính trị của mình, sĩ tộc Giang Đông phải ra sức bảo vệ chính quyền Tôn Ngô. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân để chính quyền Tôn Ngô trị lý đất nước kém nhất trong Tam Quốc lại có thời gian tồn tại dài nhất.

 

 

Nhưng mọi sách lược đều như con dao hai lưỡi. “Giang Đông hoá” tuy có làm cho chính quyền Tôn Ngô thêm vững mạnh nhưng nó đã làm thay đổi tính chất của chính quyền này. Tôn Quyền mong muốn có điều trước nhưng lại lo sợ vì điều sau. Nó làm cho nội bộ Tôn Ngô chia rẽ, tâm lý biến dạng, tác phong càn rỡ, việc làm trái ngược, đối với Giang Đông sĩ tộc càng thêm nghi thần nghi quỷ. Tập trước có nói tới mấy cái án người người lấy làm khó hiếu, có thể là từ nguyên nhân này. Trên thực tế, lúc lâm chung, Tôn Quyền chỉ định hai cố mệnh đại thần, một là đại tướng quân Gia Cát Khắc, một là thái thú Cối Kê Đằng Dận, đều là đời sau của “Bắc sĩ lưu vong”. Cho tới lúc chết, Tôn Quyền chưa thực tin tưởng Giang Đông sĩ tộc. Vì vậy Tôn Quyền mới tự hành độc đoán, dùng hình nghiêm khắc, cả Đông Ngô ngôn luận không thông, li tâm li đức. Nước Ngô trở thành một đất nước nội bộ không ổn định nhất. Hơn nữa, Giang Đông sĩ tộc cũng đấu không lại với sĩ tộc phương bắc, vì vậy, Tôn Ngô bị mất trong tay nước Tấn.

 

 

Nếu nói Tào Ngụy là “diễn biến không hoà bình”, Tôn Quyền là “bản thổ hóa sinh tồn”, vậy, Thục Hán sẽ là “sinh ra ngoài kế hoạch”. Theo lý, Lưu Bị không có tư cách dựng nước. Tuy là hoàng tộc, tông thất, là Tả tướng quân, đầu hàm Dự châu mục, nhưng đều là “ngân phiếu khống”, hết tác dụng. Lưu Bị cũng có một tập đoàn nhỏ của mình, nhưng “mạnh về võ yếu về mưu” (lời Phạm Văn Lan), chẳng làm nên trò trống gì. Nên lúc quần hùng đuổi hươu, chẳng ai coi Lưu Bị là đối thủ. “Bản Long Trung đối Đông Ngô” của Lỗ Túc cũng chỉ nói chia ba thiên hạ với Tào Tháo và Lưu



Quan Vũ tạm biệt Lưu Bị, Gia Cát Lượng đi trấn thủ Kinh Châu

Biểu. Thực tế thì Thục Hán là chính quyền tòi ra “ngoài kế hoạch”.

 

 

Lưu Bị đã thành công, một phần là do công sức của mình, phần nữa là do may mắn. May mắn bao gồm hai phương diện. Một - Lưu Bị được Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Pháp Chính phò tá, từ chỗ “võ mạnh mưu yếu” thành võ và mưu đều mạnh; Hai - Hai người cùng họ với Lưu Bị là Lưu Biểu và Lưu Chương, võ sĩ, mưu sĩ và bản thân đều yếu hoặc võ sĩ, mưu sĩ đều mạnh nhưng không biết sử dụng, kết quả Lưu Bị đã cướp được địa bàn. Đương nhiên, Lưu Bị được Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Pháp Chính phò tá và cũng có sự cố gắng của mình, đó gọi là cầu hiền như khát nước. Nhưng một người cầu hiền như khát nước, và cũng phải có người hiền để mà cầu, để mà khát, đó chính là gặp may. Và cái yếu của Lưu Biểu, Lưu Chương chính là cái may của Lưu Bị.

 

 

Chính quyền Thục Hán được thành lập trên cơ sở đó, tin rằng, Lưu Bị chưa hề có suy nghĩ gì về tính chất của chính quyền này. Đúng như ngài Điền Dư Khánh nói, Lưu Bị chỉ là “người thuận theo dòng chảy, chưa hề có một chiến lược rõ ràng nào”. May sao Lưu Bị là người thông minh. Lưu Bị cứ nhìn Tào Tháo và làm ngược lại (Lưu Bị từng nói với Bàng Thống “cứ làm ngược lại với Tào Tháo thì bao giờ cũng thành công”). Tào Tháo cứ ngược dòng mà lên, Lưu Bị lại đi đường vòng, tránh mọi xung đột trực diện với sĩ tộc. Tam quốc chí - Tiên chủ truyện từng đánh giá cao sự sắp xếp nhân sự của Lưu Bị sau lúc vào Thục. Như Đổng Hoà, Hoàng Quyền, Lý Nghiêm là bộ ba của Lưu Chương; Ngô Nhất, Phí Quan là thân gia với Lưu Chương, Bành Dạng từng bị Lưu Chương chê bai; Lưu Ba từng bị nghi hận, tất cả đều được sắp xếp ở những vị trí xứng đáng (ở vị trí cao), khiến mọi người được phát huy hết tài năng của mình (hết mọi khả năng), kết quả “có chí thì đều thành công”.

 

 

Gia Cát Lượng trị nước còn có nhiều điểm rất hay. Trong hai tập Tình trời hận biển và Bất lực về trời, Gia Cát Lượng cầm quyền theo kiểu, trị nước theo phép, dùng người theo phép, kết quả trong chính phủ không có loại quan tham (quan không được gian), người người cần mẫn làm việc. Gia Cát Lượng chú ý đặc biệt việc dùng nhân tài tại chỗ, kết quả được người Ích châu hết sức khâm phục (được người Tây Thổ thành tin phục, Lượng tận dụng tài năng của từng người). Trương Duệ người Thành Đô, Thục quận hết lời ca ngợi Gia Cát Lượng. Theo Tam quốc chí - Trương Duệ truyện, Trương Duệ thường nói với mọi người, Gia Cát xét công ban thưởng không để sót một người xa lạ nào (thưởng không quên ai); trừng phạt không thiên lệch vì người thân (phạt không vì từng thân); không có công thì không có tước vị (không công thì không tước); có quyền thế cũng không tránh được trừng phạt (hình không vì thế mà miễn). Đó chính là nguyên nhân khiến mọi người Thục đều làm việc quên mình (hiền hay ngu đều quên mình). Gia Cát Lượng làm việc công khai, công minh, công bằng, vì vậy chính phủ mới đúng là chính phủ. Dưới sự chủ trì của Gia Cát Lượng, Thục Hán trở thành một nhà nước có cách trị lý tốt nhất trong Tam Quốc.

 

 

Vậy, vì sao Thục Hán lại diệt vong sớm nhất trong Tam Quốc?

 

 

Có ba nguyên nhân. Thứ nhất, lý tưởng chính trị của Gia Cát Lượng là trị nước theo phép, không theo tình cảm. Theo phép thì không thể “theo người”; pháp trị, không phải “nhân trị”. Điều đó khác hẳn với lý tưởng, tình cảm của giai cấp sĩ tộc. Sĩ tộc muốn “theo người” và “người trị”. “Theo người” là theo danh vọng, môn đệ của gia tộc, hoàn toàn “vô pháp vô thiên”. Vì vậy, bề ngoài thì Thục Hán đi đường vòng, thực tế cũng là ngược dòng mà lên. Tào Ngụy lớn mạnh, cần mất nhiều sức; Thục Hán nhỏ yếu thì chống lại sao được?

 

 

Thứ hai, Thục Hán không chỉ là “chính quyền không sĩ tộc” mà còn là “chính quyền ngoại lai”, nên không thể không có mâu thuẫn với sĩ tộc bản địa (Ích châu sĩ tộc). Nếu Thục Hán cũng “địa phương hoá” như Đông Ngô thì chắc là tình hình sẽ khác đi. Nhưng Lưu Bị và Gia Cát Lượng vẫn một mực “Kinh châu là tập đoàn thứ nhất, Đông châu là tập đoàn thứ hai và Ích châu là tập đoàn thứ ba”. Những người kế cận Gia Cát Lượng như Tưởng Uyển, Phí Y, Khương Duy đều không phải là nhân sĩ Ích châu. Không những thế, chính quyền Thục Hán còn nghĩ cách moi tiền từ sĩ tộc, cường hào Ích châu chi phí cho việc quân vô cùng tốn kém. Thục Hán còn đối mặt với cái gọi là “nhân sĩ người Thục, chuyên quyền phóng túng”, định ra nhiều pháp luật nhằm trấn áp sự phản kháng của họ. Rõ ràng, sĩ tộc Ích châu đã bị rẻ rúng gạt ra ngoài lề. Về mặt chính trị họ bị bãi xích, về kinh tế bị rút ruột, về pháp luật bị ngăn cấm, không còn hy vọng gì con đường làm quan, họ không còn là “người cùng đường” với chính quyền Thục Hán, ngược lại trở thành “mặt đối lập”. Lợi ích của sĩ tộc Ích châu không còn nhất trí với lợi ích chính quyền Thục Hán, thậm chí đã có mâu thuẫn xung đột. Họ không muốn giữ nhà giữ nước như sĩ tộc Giang Đông, nhìn những việc không liên quan, họ đều lờ đi hoặc chê bai bài xích, thậm chí thấy nạn là vui thấy hoạn là mừng, trong ứng ngoài hợp. Lúc này thì những người chủ trì chính quyền Thục Hán có ưu tú đến mấy, cúc cung tận tụy đến mấy, mẫu mực đến mấy, phỏng còn có tác dụng gì. Lợi ích đã quyết định mọi hành động của sĩ tộc Ích châu.

 

 

Thứ ba, Gia Cát Lượng đánh giá quá cao về lời kêu gọi lý tưởng chính trị của mình. Gia Cát Lượng không biết (có thể không biết thật hoặc vờ không biết), Tào Ngụy lúc này không còn là Tào Ngụy năm nào, “Hưng phục Hán thất”, đã sớm thành lỗi thời. Đối với giai cấp địa chủ sĩ tộc mà nói, thực hành “Cửu phẩm quan nhân pháp” của Tào Ngụy hay hơn Đông Hán nhiều, họ cần gì đến “Hưng phục Hán thất” nữa? Ngược lại Thục Hán kiên trì với chế độ nhà Hán hoàn toàn mất sức hấp dẫn. Vì vậy, sĩ tộc Ích châu không mấy ủng hộ lí tưởng chính trị và đường lối dựng nước của Gia Cát Lượng. Điều mà họ mong đợi nhất, Tào Ngụy sớm đến “giải phóng” để họ được thực hiện lý tưởng của mình. Chúng ta đều biết, là “người Thục trị Thục” và “Cửu phẩm quan nhân”.

 

 

Lúc này chúng ta có thể tạm kết luận, Ngụy, Thục, Ngô về bản chất đều là “chính quyền không sĩ tộc”. Vì vậy, giữa họ và giai cấp sĩ tộc luôn có mâu thuẫn, xung đột và đấu tranh. Kết quả đấu tranh khiến Tào Ngụy vứt bỏ, Tôn Quyền thoả hiệp, Thục Hán quyết giữ. Chính vì quyết giữ nên Thục Hán mới mất sớm. Vì vứt bỏ nên Tào Ngụy cũng mất. Tôn Quyền thoả hiệp nên mới kéo dài thêm được ít nữa, nhưng rồi cũng mất. Vì chỉ có Tấn mới là chính quyền hoàn toàn thuộc về giai cấp địa chủ sĩ tộc.

 

 

Công nguyên năm 263, Ngụy diệt Thục; Công nguyên năm 265, Tấn diệt Ngụy; Công nguyên năm 280, Tấn diệt Ngô. Trung Quốc từ đây trở thành thời đại của giai cấp địa chủ sĩ tộc trong phạm vị cả nước. Lịch sử Tam Quốc đã kết thúc. Còn như chúng ta nên nhìn nhận thế nào về giai đoạn lịch sử này, lại là vấn đề khác.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét