Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

NGƯỢC DÒNG MÀ LÊN

 


Bình sứ vẽ cảnh Lục Tốn gặp Hoàng Thừa Ngạn trong Bát trận đồ

Tập thứ bốn mươi bảy: NGƯỢC DÒNG MÀ LÊN

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Lục Tốn là nhân vật đại biểu cho “Giang Đông hoá” trong chính quyền Tôn Ngô, là thống soái và ở tướng vị, có thể coi là tới đỉnh. Nhưng lúc hành trình của đời người đạt tới đỉnh điểm lại bị Tôn Quyền bức chết. Cùng thời đó, một số nhân vật cũng dính vào thái tử và Lỗ vương đảng tranh, lại được thăng quan. Vậy, đằng sau sự kiện này liệu còn nguyên nhân chính trị nào, bối cảnh chính trị sâu sắc nào nữa? Những nguyên nhân, bối cảnh đó quan hệ gì tới con đường dựng nước của Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền ?

 

 

Tập trước chúng ta nói tới cái chết của Lục Tốn. Cảnh ngộ của Lục Tốn giống ai đây? Thôi Diễm hay Tuân Úc? Xem ra giống mà cũng không giống. Lục Tốn cũng như Tuân Úc đều vì lo, giận mà chết (Tuân Úc chết vì lo), Lục Tốn “lo, giận đến chết”. Nhưng Tuân Úc chết vì lý tưởng, Tuân Úc và Tào Tháo có khoảng cách lớn về mặt chính trị, Lục Tốn không phải như vậy. Trong vấn đề lập tự, Tôn Quyền thái độ hàm hồ, xử lý không thoả đáng; và chưa rõ ràng gì là muốn lập Tôn Bá. Cuối cùng thì Tôn Bá được ban cho chết, có thể vì Tôn Bá muốn làm thái tử, coi như tự chuốc hoạ vào thân. Vì vậy, Lục Tốn chết không rõ ràng gì cả. Lúc này Lục Tốn lại có vẻ giống Thôi Diễm. Có điều, Thôi Diễm chết theo ý của Tào Tháo. Theo Tam quốc chí - Thôi Diễm truyện, “ban Diễm chết”. Lục Tốn không phải ban chết mà là tức đến chết, điều này lại không giống với Thôi Diễm.

 

 

Thực tế thì còn phải bàn nhiều về cái chết của Thôi Diễm. Trong tập Chân tướng mệnh án, tôi đã suy đoán rất nhiều, nhưng vẫn cảm thấy cứ thiếu cái gì đó. Sau này đọc Quốc sử khái yếu của ngài Phàn Thụ Chí mới hiểu ra nhiều điều. Ngài Phàn quy cái chết của Thôi Diễm và cái chết của Khổng Dung, Nễ Hành vào một loại, vì họ đều là “danh sĩ”. Như vậy là đúng. Thực ra thì vấn đề của Lục Tốn cũng là vậy. Tập trước chúng ta đã nói, sau khi Lục Tốn chết thì số người cùng dính vào “Nam Lỗ đảng tranh”, như nhân vật số hai của “Thái tử đảng” là Gia Cái Khắc; nhân vật hàng đầu như Bộ Trắc, hàng hai như Lã Đại, hàng ba như Toàn Tông trong “Lỗ vương đảng” đều không bị trừng phạt, ngược lại còn được thăng quan. Nguyên nhân là vì sao? Bởi vì bối cảnh chính trị và gia đình xuất thân không giống nhau. Xem lại thì rõ, Bộ Trắc là “tị nạn Giang Đông”, Lã Đại “lánh nạn vượt sông xuống phía nam”, đều là “Bắc sĩ lưu vong”. Gia Cát Khắc là đời sau của “Bắc sĩ Giang Đông”, cha là Gia Các Cẩn “tránh loạn Giang Đông”. Toàn Tông vốn là người Giang Đông (người Tiền Đường Ngô quận), nhưng khi Tôn Sách đến Ngô, Toàn Tông đã đưa đội ngũ của mình đến ngay (cử binh theo ngay), coi là “thần theo rồng”, ít nhiều có dáng dấp của “Hoài Tứ tướng lĩnh”. Còn một người nữa là Đằng Dận Thái thú Cối Kê, nhân vật số năm của “Thái tử đảng”, tuy không thăng quan nhưng vô sự. Lúc Tôn Quyền lâm chung, người này còn là cố mệnh đại thần. Nguyên nhân rất đơn giản, vì người này giống như Gia Cát Khắc đều là đời sau của “Bắc sĩ lưu vong”. Ngoài ra còn một nhân vật đặc biệt nữa là Thị Nghi. Thị Nghi là sư phụ của Lỗ vương Tôn Bá, từ năm thứ V niên hiệu Xích Ô (Công nguyên năm 242) đã chủ trương giảm bớt sự đãi ngộ của Tôn Bá, thậm chí xin ra khỏi kinh thành, nhưng cũng không việc gì. Đương nhiên là không việc gì. Thị Nghi người Doanh Lăng, Bắc Hải, thời cuối Hán đã “chạy loạn tới Giang Đông”, như vậy đúng là “Bắc sĩ lưu vong”!

 

 

Ngược lại, nhìn vào án Nam Lỗ, là người Giang Đông thì không một ai là không bị chỉnh trị. Thái tử thái phó Ngô Sán là người Ô Trình, Ngô quận, bị mất chức đi đầy. Lai lịch của Cố Đàm rất đặc biệt, là cháu của Cố Ung, anh em con dì con già của Lục Tốn, đó lại là điều đen đủi. Có điều, Cố Đàm là nhân vật số ba của “Thái tử đảng”, lại còn nhảy cao (dâng thư lên Tôn Quyền), “ứng vào tội” là phải. Người em trai của Cố Đàm cũng bị đi đầy như anh, e đó là bị liên lụy.

 

 

Để vấn đề được rõ ràng, mọi người hãy xem danh sách ở phía dưới:

 

 

Thái tử đảng:

 

Lục Tốn, người huyện Ngô, quận Ngô, là một trong “Tứ đại gia tộc” ờ Giang Đông và Ngô quận, bị bức “tức giận đến chết”.

 

Gia Cát Khắc, người Dương Đô, Lang Nha, đời sau của “Bắc sĩ lưu vong”, thăng quan.

 

Cố Đàm, người huyện Ngô, quận Ngô, là một trong “Tứ đại gia tộc” ở Giang Đông và Ngô quận, anh em con dì con già với Lục Tốn, bị miễn chức, đi đầy.

 

Chu Cứ, người huyện Ngô quận Ngô, là một trong “Tứ đại gia tộc” ở Ngô quận, niên hiệu Xích Ô thứ XIII, bị giáng chức, về sau được ban chết.

 

Đằng Dận, người huyện Kịch, Bắc Hải, đời sau của “Bắc sĩ lưu vong”, vô sự.

 

Ngô Sán, người Ô Trình, quận Ngô, hạ ngục xử tử.

 

Thị Nghi, người Doanh Lăng, Bắc Hải, “Bắc sĩ lưu vong”, vô sự.

 

 

Lỗ vương đảng:

 

Bộ Trắc, người Hoài Âm Lâm Hoài, “Bắc sĩ lưu vong”, thăng quan.

 

Toàn Tông, người Tiền Đường quận Ngô, thuộc phái hệ “Hoài Tứ tướng lĩnh”, thăng quan.

 

 

Điều này rất rõ ràng, trong án này, Tôn Quyền không hoặc không hoàn toàn căn cứ vào thái độ của thái tử và Lỗ vương. Vào tháng tám niên hiệu Xích Ô năm thứ XIII (Công nguyên năm 250), Tôn Quyền phế truất Tôn Hòa, ban chết Tôn Bá. Tháng hai niên hiệu Xích Ô thứ VIII (Công nguyên năm 245), Tôn Quyền bức chết Lục Tốn. Hai sự việc trên cách nhau năm năm rưỡi, rõ ràng lúc bức chết Lục Tốn, Tôn Quyền chưa hề nghĩ sẽ giải quyết triệt để vấn đề “Nam Lỗ đảng tranh”; và “Thái tử đảng” và “Lỗ vương đảng” làm “náo động cả nước” cũng vừa mới bắt đầu. Vì vậy, Nam Lỗ đảng tranh, không phải nguyên nhân chủ yếu để Lục Tốn bị chỉnh, cũng không phải là tiêu chuẩn để Tôn Quyền vạch ranh giới.

 

 

Vậy, tiêu chuẩn để Tôn Quyền vạch ranh giới là gì? Đương nhiên là phái hệ. Trong “Thái tử đảng”, người bị chỉnh đều là người Giang Đông, những người khác thì không sao, Gia Cát Khắc còn được thăng quan. Rất rõ ràng, người khác (tướng lĩnh Hoài Tứ và Bắc sĩ lưu vương) tham gia qua loa vào việc lập tự thì còn được, các sĩ tộc Giang Đông thì không được, Lục Tốn lại càng không được! Trên thực tế, những người cần trị trong án Lục Tốn đều là người Giang Đông, là người có quan hệ với Lục Tốn. Ví dụ Cố Đàm là con dì con già với Lục Tốn, Ngô Sán người báo tin cho Lục Tốn. Còn một nhân vật quan trọng khác nữa là Chu Cứ, tuy là “Thái tử đảng” nhưng thuộc “Tứ đại gia tộc” Ngô quận, nên mãi mãi năm năm rưỡi sau mới bị trừng trị. Vậy theo ý tôi, bảo vệ thái tử chỉ là nguyên nhân bên ngoài để Lục Tốn phải trừng trị; thân là sĩ tộc Giang Đông cũng chỉ là nguyên nhân bộ phận. Rốt cuộc chỉ là Tôn Quyền muốn trừng trị Lục Tốn.

 


Lục Tốn lạc trong Thạch trận

 

Vậy, vì sao Tôn Quyền phải trừng trị Lục Tốn?

 

 

Theo Tam Quốc sử của ngài Mã Thực Kiệt thì có bốn nguyên nhân. Thứ nhất, Lục Tốn là sĩ tộc Giang Đông và là một trong số những người có thế lực mạnh nhất. Con em Lục gia thường có hôn nhân với các nhà quan cao lộc hậu, địa vị hiển hách bên Ngô. Thứ hai, Lục Tốn trấn thủ Võ Xương, danh vọng cao xa. Trên từ thái tử Tôn Đăng, dưới đến những người nắm quyền quan trọng ở nước Ngô, đều đi lại với Lục Tốn. Chỉ riêng hai điểm này, Tôn Quyền đã ghen tị và thấy sợ. Vì vậy mới dẫn tới nguyên nhân thứ ba, tức là Tôn Quyền sợ người thay thế mình không khống chế nổi Lục Tốn, nên cần phải loại bỏ khi mình còn sống. Thứ tư, Lục Tốn là con rể Tôn Sách, Tôn Quyền không muốn thế lực con cái Tôn Sách quá mạnh. Rõ ràng Lục Tốn có nhiều cái không nên có. Một - Lục Tốn không nên là sĩ tộc; Hai - là sĩ tộc, nhưng không nên là sĩ tộc lớn nhất; Ba - là sĩ tộc, nhưng không nên làm quan chỗ Tôn Quyền; Bốn - là quan, nhưng không nên là quan lớn nhất. Chỉ riêng bốn điểm này Lục Tốn đã đáng chết, huống chi Lục Tốn còn tham gia vào việc tranh giành ngôi vị thái tử, thế chẳng phải là tự tìm đến cái chết sao? Nên nhớ, đó là “việc trong nhà” của người ta, tham gia vào làm gì?

 

 

Nhưng Lục Tốn lại không nghĩ vậy, vì nghĩ mình là “Sĩ”. Đặc điểm của Sĩ là gì? Là người có trách nhiệm với thiên hạ. Thiên hạ là của ai? Từ góc độ kẻ sĩ, thiên hạ là của Hoàng đế, cũng là cây cột giữ thái bình cho thiên hạ. Sĩ nhân là giường cột của đất nước, không chỉ phò tá Hoàng đế trị lý thiên hạ, còn phải giúp Hoàng thượng xử lý tốt vấn đề lập thái tử. Vì thái tử quan hệ tới vẫn mệnh đất nước. Thái tử không mạnh đất nước sẽ lung lay. Bảo vệ thái tử là trách nhiệm của sĩ nhân đất nước. Vì vậy, Lục Tốn không coi đó là “việc nhà” của Tôn Quyền và cho rằng đó là “quốc sự” của Đông Ngô. Lục Tốn không nghĩ rằng mình đã lắm chuyện, cho đó là sự trung thành tận tụy. Nhưng bầu nhiệt huyết của Lục Tốn như bị giội gáo nước lạnh, còn bị đao kiếm uy hiếp, bức bách, khiến lòng dạ trở nên băng giá, chẳng trách đã “bi phẫn đến chết”.

 

 

Thực tế, Lục Tốn quá ngây thơ. Cứ tưởng chính quyền Tôn Ngô đã “Giang Đông hóa”, sĩ tộc Giang Đông đã “Tôn Ngô hóa”, chính quyền Tôn Ngô, sĩ tộc Giang Đông đã dung hòa, thành “người một nhà”. Lục Tốn đâu có biết, bất đắc dĩ Tôn Quyền mới phải “Giang Đông hóa”. Tôn Quyền chỉ lợi dụng sĩ tộc Giang Đông, không hề tin tưởng họ. Lục Tốn càng không biết, với những nguyên nhân đã nói, từ lâu Tôn Quyền đã muốn trị Lục Tốn, nhưng chưa có dịp. Chẳng qua lần này chỉ là mượn cớ để gây khó khăn.

 

 

Tôn Quyền biết mượn lại một chuyện để chỉnh trị người khác chăng? Biết. Đó là án của Trương Ôn. Cảnh ngộ của Trương Ồn làm cho mọi người có thể hiểu được thế nào là “đời người nóng lạnh”. Trương Ôn là danh sĩ Giang Đông, xuất thân Trương gia “Tứ đại gia tộc” (Cố, Lục, Chu, Trương) của Ngô quận. Tố chất trong con người Trương Ôn là rất hay. Tam quốc chí - Trương Ôn truyện nói: “Nhỏ đã tiết tháo, dung mạo kỳ vĩ”. Theo ngài Điền Dư Khánh, năm ba mươi hai tuổi Trương Ôn ra làm quan. Có thể rất nhiều người đã tiến cử Trương Ôn, khiến Tôn Quyền phải chú ý. Tôn Quyền hỏi quần thần, Trương Ôn có thể sánh với ai? Đại Tư nông (bộ trưởng nông nghiệp) Lưu Kỳ nói: “Sánh được với Tuy nam tướng quân, Tiền Đường hầu Toàn Tông”. Thái Thường (bộ trưởng đứng đầu, trông nom việc tế lễ) Cố Ung lại nói: “Nay chưa có ai sánh được với Trương Ôn” (nay chưa có ai). Tôn Quyền liền triệu kiến Trương Ôn. Lần triệu kiến đó, Trương Ôn phong thái ngời ngời, đối đáp lưu loát, những người chung quanh nghiêng vai rướn cổ, nghe đến mê mẩn, Tôn Quyền càng thêm kính trọng. Buổi triệu kiến kết thúc, Trương Chiêu liền kéo tay Trương Ôn nói: “Lão phu có lời thăm hỏi chúc mừng, ngài nên rõ về ý của lão phu!” Ý của Trương Chiêu là gì, chúng ta không biết. Nhưng Trương Chiêu nhìn Trương Ôn bằng con mắt khác thì rõ ràng. Có thể nói, Trương Ôn được nhiều người tiến cử, đăng đàn vinh quang. Trương Ôn bước vào chính quyền Đông Ngô như đi trong buổi trời quang mây tạnh, thong dong tiến tới, trong vài ba năm thăng chức liên tục, từ nghị lang, tuyển Tào thượng thư đến Thái tử Thái phó, rồi sang sứ Thục Hán với thân phận là Phụ nghĩa Trung lang Tướng.

 

 

Nhưng sau khi từ nước Thục trở về, tình thế của Trương Ôn đã biến đổi như trời long đất lở. Tôn Quyền bắt đầu nghi, hận Trương Ôn đến kỳ lạ, cuối cùng thì tìm ra chỗ hở để hạ ngục Trương Ôn, sau này lại phạt Trương Ôn làm khổ sai ở trong huyện, sáu năm sau Trương Ôn lâm bệnh, qua đời. Hai người em trai cũng bị phế. Ba người chị em gái bị liên lụy, số phận thê thảm vô cùng.

 

 

Vậy, từ án nào mà Trương Ôn đã bị trừng trị?

 

 

Án này nói là phức tạp thì phức tạp, nói là giản đơn thì giản đơn. Nói gọn lại, một viên quan tên là Kí Diễm kiểm tra Tam thự đã tìm ra sai sót. Tam thự là Ngũ quan Trung lang Tướng thự, Tả Trung lang Tướng thự, Hữu Trung lang Tướng thự. Quan viên trong Tam thự gọi là lang, lang quan, hữu lang trung, trung lang, thị lang. Lúc thường, những người này luôn ở cạnh Hoàng đế, Túc vệ Hổ tòng, bồi dưỡng rèn luyện. Có dịp cho ra làm quan. Vì vậy, ngài Điền Dư Khánh gọi “Tam thự” là nơi “cơ cấu nuôi dưỡng và chuẩn bị” hàng ngũ quan viên của nước Ngô. Lang quan trong Tam thự có tên là “đệ Tam thê đội” như ngày nay. Lúc đó Kí Diễm lo việc chọn Tào thượng thư, phụ trách việc tuyển chọn, cất nhắc các quan. Kí Diễm phát hiện thấy trong Tam thự có điều phức tạp, rồng tôm lẫn lộn, nhiều người bằng quan hệ hoặc chạy chọt theo cửa sau mà chui vào, đã lớn tiếng đòi chỉnh đốn. Kết quả là đắc tội với các nhà quyền quý, bị vu cáo và tự sát, họa đến với Trương Ôn. Vì sao lại liên lụy đến Trương Ôn? Có ba nguyên nhân. Một - Trương Ôn và Kí Diễm đều là người Ngô quận. Hai - Trương Ôn đã tiến cử Kí Diễm. Ba - Hai người có chung quan điểm và thường đi lại mật thiết (nhiều lần có thư sớ, đi lại thăm hỏi). Kí Diễm bị bức tử, theo đó Trương Ôn cũng đen đủi (trách tội Ôn). Theo Tam quốc chí - Trương Ôn truyện, đại để chuyện diễn ra là như vậy.

 

 

Rõ ràng đây là án oan. Kí Diễm oan, Trương Ôn lại càng oan. Kí Diễm giúp Tôn Quyền giám sát quan viên, sàng lọc trị tốt, đánh vào tà ý, sao lại đáng chết? Hai người chỉ qua lại thân mật, Trương Ôn càng không có tội. Hãy xem những tội danh mà Tôn Quyền khoác lên người Trương Ôn, là “cực kỳ hung ác, luôn có ý khác”, là “nhìn qua trung gian, nguyên hình bại lộ”, là “mượn quốc ân, tạo hình thế”, là “tâm địa gian ác, không gì không làm”. Dịch ra ngôn ngữ hiện đại là, cực kỳ hung ác, nguyên hình lộ rõ, dùng quyền mưu riêng, ác độc không tha, đúng là hận đến xương tuỷ.

 

 

Vì sao Tôn Quyền lại hận Trương Ôn đến như vậy? Liên hệ tới án của Lục Tốn sau này, người người có cảm giác Tôn Quyền rất hận sĩ tộc Giang Đông. Nhưng điều đó không đúng. Trương Ôn đúng là một trong “Tứ đại gia tộc” ở Ngô quận, Kí Diễm cũng là người Ngô quận. Việc hai người kiểm tra Tam thự, chỉnh đốn lại trị, thì trước hết là mắc tội với sĩ tộc Giang Đông. Đúng như ngài Điền Dư Khánh nói, thông qua Tam thự để làm quan và lọt vào chính quyền Đông Ngô chính là “lợi ích của đại tộc Giang Đông, nhất là bốn họ ở Ngô”. Những người phản đối việc làm của Trương Ôn, như Lục Tốn, Lục Mạo, Chu Cứ cũng đều thuộc “Tứ đại gia tộc” Ngô quận. Qua đây có thể thấy, tính chất án của Trương Ôn và Lục Tốn là khác nhau. Lần này ngược lại Tôn Quyền đã ủng hộ lợi ích cơ bản của sĩ tộc Giang Đông.

 

 

Càng xem càng thấy kỳ lạ! Đây vừa là án oan vừa là kỳ án, lúc đó, dư luận vô cùng sôi nổi, ngay như Gia Cát Lượng cũng cảm thấy khó hiểu. Theo chú dẫn Cối Kê điển lục của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Trương Ôn truyện, Gia Cát Lượng nghe chuyện của Trương Ôn rồi nghĩ mãi mà vẫn chưa hiểu. Sau mấy hôm, bỗng vỡ ra, Ta hiểu rồi! Trương Ôn đã nhìn quá rõ, phân chia rành mạch những việc như: đúng sai thiện ác, sàng lọc vẩn đục (thanh trừng rõ ràng, thiện ác phân minh)!

 

 

Lời của Gia Cát Lượng đáng được quan tâm. Đúng vậy, người, không thể không có đúng sai, không có thiện ác; không thể không hiểu về chính nghĩa, càng không thể khoan dung quá làm lợi cho kẻ gian. Nhưng việc gì cũng phải có “mức độ”. Gạn đục khơi trong, nhưng không nên quá trong; thiện ác phải phân nhưng đừng phân quá. Đại gian đại ác đương nhiên không thể dung, nhưng lỗi nhỏ thì đừng quá rạch ròi. Nhưng từ những ghi chép trong Trương Ôn truyện, trong chỉnh đốn lại trị, hai người này “không hề bỏ qua một trường hợp nào”. Toàn bộ lang trong Tam thự đều bị giáng cấp (từ cao đến thấp đều bị giáng), không còn mấy người được nguyên chức (trong mười không có một được giữ nguyên). Mọi người có cảm giác chỉ có họ mới là người tốt. Nên nhớ, nước trong quá thì làm gì có cá, người không thể không có sai lầm. Cứng quá thì dễ gãy, trắng quá thì dễ ố. Chỉ có tôi là trong, đã gây nên bao lời trách móc oán than, người người rời xa. Xem ra Trương Ôn không hiểu điều này.

 

 

Trương Ôn không hiểu và một người bạn là tướng quân Lạc Thống cũng không hiểu. Sau khi Trương Ôn bị hạ ngục, Lạc Thống dâng biểu biện hộ cho Trương Ôn, khiến Tôn Quyền lại tăng thêm tội danh cho Trương Ôn. Bùi Tùng Chi cho rằng giúp như vậy chẳng bằng đừng giúp. Trong lời chú Trương Ôn truyện, Bùi Tùng Chi nói Trang Tử từng giảng: “Danh cao là không tốt, đừng nên cao quá”. Một người danh vọng quá cao là không hay. Trương Ôn bị trị là bởi “danh vọng quá cao”, vì thế Tôn Quyền đã nghi, hận. Thế nhưng trong thư Lạc Thống còn nói: “Cao hơn mọi người, vượt trội thế gian, người đời không ai bì kịp”, như vậy là lửa đổ thêm dầu?

 

 

Gia Cát Lượng nói, Trương Ôn đen đủi vì quá thẳng thắn; Bùi Tùng Chi lại nói, Trương Ôn đen đủi vì quá phô trương. Hai người nói đều có lý. Bởi vì thẳng thắn và phô trương lại là đặc điểm chung của loại người như Trương Ôn. Vậy “loại người như Trương Ôn” là loại người nào?

 

 


Tần Bật biện bác, hỏi vặn Trương Ôn
(Hồi 86 Tam Quốc diễn nghĩa)

Là danh sĩ.

 

 

Trương Ôn là danh sĩ? Đúng. Không chỉ là danh sĩ, mà theo lời ngài Điền Dư Khánh nói trong án của Kí Diễm và vấn đề tương quan, còn là “có đủ những đặc trưng một thủ lĩnh danh sĩ từ cuối thời Hán tới nay”. Danh sĩ có đặc trưng nào? Hoặc nói, tiêu chuẩn của danh sĩ là gì? Theo tôi có mấy điều sau. Một - Gia thế thanh bạch, xuất thân danh môn là tốt nhất. “Tướng mạo xấu xí” như Tào Tháo thì đừng hòng là danh sĩ. Hai - Tài hoa lỗi lạc, tốt nhất là đọc đủ thi thư, bụng đầy kinh luận. Còn giống như Lưu Bị “Không thích đọc sách, thích chó ngựa, âm nhạc, quần áo đẹp” cũng không được. Ba - Địa vị vừa phải, không làm quan hoặc không làm quan cao, quan lớn hoặc làm mà như không làm. Điều này vốn là điều kiện cơ bản của danh sĩ. Vì vậy “danh sĩ” là chỉ “người có tiếng mà không làm quan”, Trịnh Huyền từng nói “danh sĩ không phải là quan”. Có điều, một sĩ nhân, nếu trước khi ra làm quan đã có tiếng, sau khi ra làm quan giữ được thân phận danh sĩ, quan niệm danh sĩ, lập trường danh sĩ, tư thế danh sĩ, quan hệ danh sĩ thì vẫn được coi là danh sĩ. Nhưng một người giống như Tôn Quyền, mười lăm tuổi là huyện trưởng, mười tám tuổi trở thành chủ nhân thì rõ ràng là không phải.

 

 

Đương nhiên, danh sĩ được gọi là danh sĩ, bởi họ đã nổi tiếng. Nguyên nhân để nổi tiếng có rất nhiều, như xuất thân từ danh gia vọng tộc, như người có chủ trương riêng, như người học vấn sâu rộng, luôn được người đời kỳ vọng, ngưỡng mộ. Một khi họ phát biểu thì lập tức ảnh hưởng tới dư luận. Những người này thường hay phát biểu, bất luận là trong triều hay ngoài ruộng, họ thường coi mình là người trong dân gian để phát biểu trên lập trường dân gian, gọi là “thanh nghị”. Từ đây thấy rõ, “danh sĩ” là “lãnh tụ ý kiến” hoặc gọi như ngày nay là “nhân vật của công chúng”.

 

 

Có điều danh sĩ cũng có nhiều loại. Trung Quốc thông sử của ngài Phạm Văn Lan chia danh sĩ cuối thời Hán làm ba loại. Loại một là những người “cầu danh không cần quan”, chúng ta gọi luôn là “thanh cao phái”. Loại này cả đời không làm quan, nhưng cả đời vẫn luôn nổi danh. Vì mỗi lần họ từ chối lời mời của quan phủ là mỗi lần danh vọng họ lại cao hơn. Càng không chịu làm quan thì danh tiết lại càng cao, cuối cùng thì địa vị xã hội thực tế cũng “ngang như một viên quan lớn”. Loại hai “nói làm nhất mực, ghét ác như thù”, có thể gọi luôn là “ngay thẳng phái”. Họ luôn sống có đạo đức (cơ bản là các nhà nho), chỉ cần thấy điều không thuận mắt là không cho qua, luôn mắng chửi xỉ vả. Những người này thường phát biểu về “thanh nghị”. Loại ba, là những người “nghênh hợp phong khí”, chúng ta gọi luôn là “phái thời thượng”. Họ thường phán đoán thời cuộc để chọn cho mình lập trường chính trị và thái độ chính trị, thích hợp tác với nhà đương cục, được nhà đương cục hoan nghênh. Loại một tuy không hợp tác nhưng cũng không thêm việc thêm loạn. Loại hai là những người làm cho nhà đương cục phải đau đầu nhất, đó là “danh sĩ phái ngay thẳng”.

 

 

Trương Ôn là “danh sĩ phái ngay thẳng”, một người danh tiếng hiển hách khác là Ngu Phiên cũng vậy. Ngu Phiên người Dư Diêu, Cối Kê, xuất thân từ Ngu gia “Giang Đông Tứ đại gia tộc” (Ngu, Ngụy, Cố, Lục). Họ Ngu học vấn khá, từng viết Chu Dịch chú, được Khổng Dung tôn sùng, đến nay người đời còn dẫn dụng. Vì vậy danh khí lớn, Triều đình và Tào Tháo có lời mời, nhưng đều cự tuyệt, ở lại Đông Ngô làm chức quan nhỏ. Tất cả đều phù hợp với tiêu chuẩn của danh sĩ. Nên, chỉ cần nhìn vào Ngu Phiên chúng ta hiểu được “danh sĩ phải ngay thẳng” là thế nào.

 

 

Theo Tam quốc chí - Ngu Phiên truyện, Ngu Phiên tính tình giản dị thẳng thắn (Phiên tính đơn giản thẳng thắn), là người biết tự lập (tính không thoả hiệp), không hoà hợp được với nhiều người. Trần Thọ nói: “thẳng thắn nhất xưa nay”, cương nghị, thẳng thắn. Người như vậy thường thích nói thẳng, thích va đập trực diện (nói năng trước mặt), không nể nang ai. Trong chiến dịch Tương Phàn, tướng Ngụy Vu Cấm đầu hàng Quan Vũ, bị nhốt ở Giang Lăng. Sau khi Tôn Quyền chiếm Giang Lăng, liền cho thả Vu Cấm và đối đãi hơn người khác. Một lần Tôn Quyền đưa Vu Cấm ra ngoài, hai người cưỡi ngựa song hành. Ngu Phiên liền xông lên trước, lớn tiếng hạch Vu Cấm, ngươi là kẻ hàng phục, sao dám ngang hàng với chúa công ta? Còn lấy roi vụt Vu Cấm, nhung bị Tôn Quyền ngăn lại. Sau này, lúc Tôn Quyền thết tiệc quần thần trên lầu thuyền, Vu Cấm “nghe nhạc mà rơi lệ”, Ngu Phiên liền lớn tiếng vạch trần Vu Cấm, ngươi vờ làm bộ mặt thương cảm để cầu xin miễn tội (người giả vờ để xin được miễn)? Kết quả là Tôn Quyền rất không hài lòng (Quyền thấy bất bằng).

 

 

Ngu Phiên xử sự với Vu Cấm như vậy có thể xuất phát từ một tình cảm chính nghĩa. Chúng ta đều biết, danh sĩ của những năm cuối thời Đông Hán là những người có sự “trong trắng về đạo đức”. Sự “trong trắng” đó có khi là thực có khi là vờ. Nhưng không kể là thực hay giả, tất cả đều biểu hiện ra ngoài. Ngu Phiên là như vậy, luôn biểu hiện sự khinh miệt đối với lũ hàng tướng, vẫn theo Ngu Phiên truyện, một lần Ngu Phiên ngồi thuyền gặp Mi Phương chỗ đường sông hẹp. Bộ hạ của Mi Phương tưởng rằng Ngu Phiên sẽ nhường đường, nên đã gào ầm lên: “nhanh nhanh tránh đường cho thuyền của tướng quân ta!”. Chúng ta đều biết, Mi Phương vốn là bộ hạ của Quan Vũ. Lúc Lã Mông lén đánh Kinh châu, Mi Phương và Sĩ Nhân đã xin hàng Tôn Quyền, dâng hai thành Giang Lăng và Công An. Ngu Phiên luôn xem thường những người như vậy. Đương nhiên là Ngu Phiên không chịu nhường đường. Không chỉ không nhường đường, mà còn đứng trên thuyền quát mắng. Ngu Phiên nói: “Vứt cả trung thành và tín nghĩa thì còn gì để phò tá quân vương? Bán rẻ hai ngôi thành lại còn dám to tiếng tự xưng là tướng quân sao?”. Kết quả, Mi Phương phải trốn trong khoang thuyền, không dám nói một câu nào, chỉ lệnh cho thuyền phải nhường đường cho Ngu Phiên.

 

 

Chuyến này Ngu Phiên nở mày nở mặt, biểu hiện rõ tình cảm đạo đức của mình. Nhưng có thể khẳng định, Tôn Quyền sẽ không vui. Thực tế thì đừng nói tới Tôn Quyền mà ngay cả Tào Tháo, Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng sẽ thấy không vui. Ví như Pháp Chính, được Lưu Chương phái đi đón Lưu Bị, Pháp Chính đã thao túng để Lưu Bị đoạt lấy Ích châu. Theo truyền thống đạo đức thì hành vi đó rõ ràng là “bán chủ cầu vinh”, nhưng vì sao Gia Cát Lượng lại không chê trách mà khẳng định đó là cống hiến của Pháp Chính. Rõ ràng quan điểm của nhà chính trị và kẻ mọt sách là khác nhau. Cái gọi là “tình cảm đạo đức” của kẻ mọt sách chắc gì đã được họ thích thú. Ví như Tôn Quyền và Vu Cấm đang du ngoạn trên ngựa, vốn là một động tác để mọi người nhìn, thì Ngu Phiên lại nói tới thân phận của Vu Cấm, bảo Tôn Quyền có vui được không?

 

 

Ngu Phiên thì chẳng nghĩ gì việc Tôn Quyền vui hay không vui chỉ biết nói và làm theo tính cách của mình. Một lần, Tôn Quyền và Trương Chiêu bàn luận về thần tiên, Ngu Phiên liền xen vào, chỉ Trương Chiêu nói với Tôn Quyền, họ đều là người đã chết rồi, còn bàn gì tới thần tiên nữa! Ở đời làm gì có thần tiên! Tôn Quyền vốn không thể nhẫn nhịn với Ngu Phiên nữa (tức giận không chỉ một lần). Lần này thì không thể khoan dung, lệnh được ban, đầy Ngu Phiên đến Giao Châu (nay là một phần của Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam). Cuối cùng thì Ngu Phiên đã chết ở đó.

 

 

Thực tình thì từ lâu Tôn Quyền đã muốn phế bỏ Ngu Phiên. Sau khi Tôn Quyền là Ngô vương đã bày tiệc mừng công với quần thần. Trước khi tiệc rượu kết thúc, Tôn Quyền đứng dậy tay rót rượu mời quần thần. Ngu Phiên đã vờ say, lăn xuồng đất, không nhận chén rượu mời. Tôn Quyền đi khỏi, Ngu Phiên lại bò dậy vào chỗ ngồi. Rõ ràng đó là việc làm mất mặt Tôn Quyền. Thế là Tôn Quyền nổi giận, rút kiếm định giết Ngu Phiên. Khi đó mọi người sợ đến bạc mặt, chỉ có đại tư nông Lưu Kỳ dám bước tới ôm lấy Tôn Quyền và nói: “Đại vương uống rượu xong lại giết danh sĩ, dù người đó có tội nhưng ai biết? Hơn nữa, nước Ngô được thiên hạ ngưỡng mộ chẳng phải vì điện hạ tôn hiền kính sĩ hay sao? Nay chỉ vì Ngu Phiên mà vứt mất tiếng thơm đó, có đáng không? Tôn Quyền tức giận vừa thở vừa nói: “Tào Mạnh Đức còn giết cả Khổng Dung kia! Sao quả nhân lại không thể giết Ngu Phiên!” Lưu Kỳ nói: “chính vì Tào Tháo lạm sát danh sĩ, nên người đời mới chửi rủa mãi! Điện hạ muốn là Nghiêu Thuấn sao có thể học Tào Tháo?” Tôn Quyền suy nghĩ rồi buông Ngu Phiên. Nhưng việc hay thì phải làm tới chót, Tôn Quyền đã có quy định: “say rượu nói tới giết” thì không tính.

 

 

Điều đáng chú ý trong án này là câu nói của Tôn Quyền: “Tào Mạnh Đức đã giết Khổng Văn Cử, sao cô không thể giết Ngu Phiên”. Lời nói đáng được chú ý, vì người khác cũng nói đại loại như vậy, người này là Gia Cát Lượng. Theo Tống thư - Vương Vi truyện, khi Gia Cát Lượng giải quyết vấn đề Lai Mẫn từng nói, “Lai Mẫn loạn quần, tội còn hơn Khổng Văn Cử”. Chuyện của Lai Mẫn, chúng ta đã nói trong tập Nước lửa khó dung. Theo Tam quốc chí - Lai Mẫn truyện, người này xuất thân “danh tộc Kinh Sở”, cha là Lai Diễm từng là tam công (nguyên tư đồ). Người này học vấn uyên bác, tinh thông học thuật, là danh sĩ điển hình. Cũng như nhiều danh sĩ khác, người này thích bàn luận, can dự chính sự, kết quả bị Gia Cát Lượng khép tội “loạn quần” mà bãi quan.

 

 

So sánh như vậy là rất hay. Tôn Quyền coi Ngu Phiên như Khổng Dung, Gia Cát Lượng coi Lai Mẫn như Khổng Dung, Tào Tháo đã giết Khổng Dung. Tuy Tôn Quyền và Gia Cát Lượng không giết Ngu Phiên, Lai Mẫn, nhưng lại không cho rằng không thể giết. Ý của Tôn Quyền rất rõ ràng: Tào Tháo giết được Khổng Dung, ta cũng có thể giết Ngu Phiên. Ý của Gia Cát Lượng cũng rất rõ ràng, tội của Lai Mẫn nhiều hơn tội của Khổng Dung, không giết mà chỉ bãi quan là đã khoan dung nhiều lắm! Điều này nói lên điều gì? Nói rõ ba điểm. Một - Khổng Dung, Ngu Phiên, Lai Mẫn là một mẫu người “danh sĩ phải ngay thẳng”. Hai – Mẫu nhân vật này đâu cũng có, Lai Mẫn là Khổng Dung nước Thục, Ngu Phiên lại là Khổng Dung nước Ngô. Ba – Mẫu người này đi đến đâu cũng ít được hoan nghênh, Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị, Gia Cát Lượng, những người lãnh đạo chủ yếu của Tam Quốc đều không thích họ, chỉ có điều khi xử lý thì khoan nghiêm khác nhau. Không thích là đương nhiên rồi sẽ nói tới lý do. Khoan nghiêm cũng là đương nhiên, sau này sẽ nói tới lý do.

 

 

Bây giờ hãy tổng kết ba vụ án đã nói tới ở tập này. Lục Tốn bị trị vì bản thân là sĩ tộc. Ngu Phiên bị chỉnh vì bản thân là danh sĩ. Trương Ôn bị chỉnh vì bản thân vừa là sĩ tộc vừa là danh sĩ. Mâu thuẫn giữa Tôn Quyền và ba người đó là mâu thuẫn giữa Tôn Quyền và sĩ tộc, danh sĩ. Đây cũng là vấn đề mà Tào Tháo, Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã gặp phải. Tức là ba chính quyền lớn Ngụy, Thục, Ngô đã xung đột với sĩ tộc. Ba nhà lãnh đạo chủ yếu của Tam Quốc đã đấu tranh với danh sĩ. Trên thực tế, khoảng giữa của Hán và đế quốc Đường, đại thống nhất có thời kỳ Tam Quốc ở thế chân vạc, tiếp đến có Lưỡng Tấn thống nhất một nửa và Nam Bắc triều chia cắt, tất cả đều liên can đến mâu thuẫn này. Bởi vì sĩ tộc và những người đại diện cho danh sĩ vẫn là một lực lượng chính trị trên, theo Đông Hán, dưới, tiếp Lưỡng Tấn. Trong lúc lực lượng chính trị này đấu tranh, xung đột với Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, nhưng do chưa nắm được chính quyền nên được coi là “ngược dòng mà lên”. Còn Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền là đại biểu cho xu thế tất yếu của lịch sử phát triển nên cũng được coi là “ngược dòng mà lên”. Chính từ hai ý nghĩa của “ngược dòng mà lên” này đã quyết định con đường dựng nước khác nhau của Ngụy, Thục, Ngô và cuối cùng đều phải đồng quy về Tấn. Vậy con đường của họ là thế nào, ý nghĩa việc quy về Tấn là thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét