Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

LỜI KẾT THÚC: TRƯỜNG GIANG CUỒN CUỘN CHẢY VỀ ĐÔNG

 


Cổn cổn Trường giang Đông thệ thủy
“Cuồn cuộn về Đông, sông chảy mãi” là câu mở đầu một trường bi hoan thành bại tang thương của bộ Tam quốc diễn nghĩa. Đây là lời bài từ theo điệu Lâm giang tiên của Dương Thận đời Minh. Người ta thường cho rằng nhờ được Mao Tôn Cương đặt làm mở đầu cho Tam quốc diễn nghĩa mà bài từ này trở nên nổi tiếng.


LỜI KẾT THÚC: TRƯỜNG GIANG CUỒN CUỘN CHẢY VỀ ĐÔNG

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Nội dung của Bình Tam Quốc đã nói xong, còn chuyện Tam Quốc thì chưa nói hết và cũng không thể nói hết. Đây là câu chuyện vô tận không thể nói hết, bàn hết trong một lúc. Từng người có thể nói lên quan điểm, cách nhìn của mình. Nhưng, đằng sau những quan điểm, cách nhìn đó đều có những quan điểm lịch sử làm chỗ dựa làm bối cảnh. Vì vậy, chúng ta cần có lịch sử quan như thế nào? Với sự chỉ đạo của lịch sử quan đó, chúng ta sẽ đánh giá giai đoạn lịch sử đó và những nhân vật trong đó như thế nào?

 

 

Ở tập ILVIII trước, tôi đã nói qua, nói đơn giản về lịch sử giai đoạn Tam Quốc. Mấy lời đó là không toàn diện, không hệ thống, không hoàn chỉnh và cũng không thể toàn diện, hệ thống và hoàn chỉnh. Vì cuốn sách (và những tiết mục điện ảnh có liên quan) chỉ là Bình Tam Quốc, không phải Tam Quốc sử, chúng ta không thể đòi hỏi theo tiêu chuẩn của Tam Quốc sử. Nhưng dù là “bình”, có một số vấn đề không thể không trả lời. Như, Tam Quốc là một đoạn lịch sử như thế nào? Nên nhìn nhận giai đoạn lịch sử này như thế nào? Nên đánh giá những nhân vật trong đó như thế nào?

 

 

Vấn đề là rất khó, đòi hỏi chúng ta phải có lịch sử quan và phương pháp luận khoa học.

 

 

Tôi liền nhó tới cuốn sách, của K.Marx Ngày mười tám tháng sương mù của Louis Bonaparte, tôi đọc lại bộ sách kinh điển đó và đã hiểu ra. Hiểu ra điều gì? Sau khi đứa cháu của Napole’on làm chính biến, mọi người đều “cảm thấy kinh dị”, nhưng “không ai hiểu nó”. “Về đạo nghĩa ai cũng phẫn nộ”, cũng có người phân tích qua loa. Chỉ có Mác trả lời một vấn đề: Vì sao Louis Bonaparte, một con người “dung tục đáng buồn cười” đó “có thể phô diễn một vai anh hùng”. Vì sao vậy? Vì cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp đã “tạo nên một điều kiện và cục thế”. Chính nhờ “điều kiện và cục thế” đó, anh ta có thể phấn son đăng đàn, làm nên một câu chuyện chấn động cả giới chính trị ở châu Âu. Có thể nói, một nhân vật lịch sử nào đó trở thành anh hùng, chủ yếu là nhờ vào “điều kiện và cục thế” lúc đó. Ở đây, “điều kiện và cục thế” quan trọng hơn tố chất và phẩm chất của cá nhân. Phân tích “điều kiện và cục thế” cũng quan trọng hơn nhiều so với “vì đạo nghĩa mà phẫn nộ”.

 

 

Rõ ràng phương pháp luận và lịch sử quan của Mác có đầy sức sống. Nó hợp với lịch sử Tam Quốc. Tam Quốc là thời đại của những anh hùng, anh hùng Tam Quốc vị tất là “dung tục và buồn cười” nhưng cũng được tạo nên từ một “điều kiện và cục thế”. Chúng ta cần phải “thoát ra khỏi Tam Quốc để xem Tam Quốc”, từ góc độ hùng tráng xem lại đại thế thiên hạ thời đó.

 

1 nhận xét:

  1. 臨 江 仙 • 楊慎 Lâm giang tiên – Dương Thận
    滾滾長江東逝水,Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
    浪花淘盡英雄。Lãng hoa đào tận anh hùng.
    是非成敗轉頭空。Thị phi thành bại chuyển đầu không.
    青山依舊在,Thanh sơn y cựu tại,
    幾度夕陽紅。Kỷ độ tịch dương hồng.
    白髮漁樵江渚上,Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
    慣看秋月春風。Quán khan thu nguyệt xuân phong.
    一壺濁酒喜相逢。Nhất hồ trọc tửu hỷ tương phùng.
    古今多少事,Cổ kim đa thiểu sự,
    都付笑談中。Đô phó tiếu đàm trung.

    Bản dịch của Phan Kế Bính:

    Trường giang cuồn cuộn chảy về đông,
    Sóng vùi dập hết anh hùng.
    Được, thua, phải, trái thoắt thành không.
    Non xanh nguyên vẹn cũ,
    Mấy độ bóng tà hồng?
    Bạn đầu bạc ngư tiều trên bãi,
    Đã quen nhìn thu nguyệt xuân phong.
    Một bầu rượu vui vẻ tương phùng.
    Xưa nay bao nhiêu việc,
    Phó mặc nói cười suông.

    Bài từ này được chép ở đầu tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
    ----
    Dương Thận (1488-1559), là bậc danh gia, đứng đầu Tam đại tài tử đời Minh[1]. Thông minh từ nhỏ, 11 tuổi biết làm thơ, 12 tuổi viết Cổ chiến trường văn, Quá Tần luận khiến ai đọc đến cũng phải kinh ngạc. Sau, ông lên kinh lại làm chùm thơ Hoàng diệp, nổi tiếng khắp kinh thành. Năm 23 tuổi (1511) đỗ trạng nguyên, được phong Hàn lâm viện Tu soạn. Tính tình cương trực khẳng khái, Thận nhiều lần lên tiếng can gián nhà vua. Năm 1524, ông đắc tội với Minh Thế Tôn, bị phát phối sung quân Vân Nam. Ông sống luôn ở đấy 30 năm cho đến khi mất. Tác phẩm Dương Thận để lại khoảng 2.300 bài thơ và từ, nội dung phần lớn là nỗi nhớ về đất Thục.

    Bài từ theo điệu Lâm giang tiên của ông vốn trong tập từ vịnh sử Nhập nhất sử đàn từ, ở chương 3 Thuyết Tần Hán. Trên đường sung quân, khi được giải tới Hồ Bắc, Giang Lăng (còn gọi Kinh châu). Tình cờ gặp hai kẻ ngư dân và tiều phu nướng cá uống rượu bên sông, cười nói chuyện thế gian, Thận cảm khái viết luôn bài từ này trong lúc vẫn mang gông xích trên người.

    [1] Giải Tấn, Dương Thận và Từ Vị được tôn xưng là Tam đại tài tử đời Minh.

    Trả lờiXóa