Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

ĐỜI NGƯỜI NÓNG LẠNH

 

   

Lục Tốn

Tập thứ bốn mươi sáu: ĐỜI NGƯỜI NÓNG LẠNH

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Trương Chiêu và Lục Tốn là hai vị trọng thần của Tôn Quyền, từng lập công lớn cho Tôn Quyền. Nhưng cuối đời hai người lại không may. Trương Chiêu bị lạnh nhạt, Lục Tốn bị bức tử. Vậy đằng sau sự kiện này đã có nguyên nhân chính trị hoặc bối cảnh thời đại nào chăng? Hãy từ đời người nóng lạnh của Trương Chiêu và Lục Tốn xem có nhìn ra được điều gì không?

 

 

Ở tập trước chúng ta đã bàn tới cách dùng người của Tôn Quyền. Bàn tới vấn đề này không thể không nói tới Trương Chiêu và Lục Tốn. Chúng ta đều biết, võ tướng quan trọng nhất là Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, Lục Tốn; văn thần quan trọng nhất là Trương Chiêu, Cố Ung. Có điều ba vị trước tuổi thọ không nhiều. Chu Du 36 tuổi; Lỗ Túc 46 tuổi; Lã Mông 42 tuổi. Tuổi thọ của Trương Chiêu và Lục Tốn tương đối dài, Trương Chiêu 81 tuổi, Lục Tốn 63 tuổi. Nhưng hai người này về cuối đời lại không may, thậm chí có thể nói Lục Tốn chết không phải do mệnh. Phần trước đã nói, Tôn Quyền là người luôn trọng tình nghĩa, luôn luôn thể hiện “tình cốt nhục” với người khác. Vậy vì sao Tôn Quyền lại xử sự với Trương Chiêu và Lục Tốn như vậy?

 

 

Nói về Trương Chiêu trước.

 

 

Trương Chiêu là đại công thần của Tôn Quyền. Nhớ lại năm đó nếu Trương Chiêu không “cùng quần thần thề phò tá” thì địa vị của Tôn Quyền không thể vững được. Trương Chiêu còn là đại quản gia của Tôn Quyền. Nếu năm đó không thu xếp ổn thoả mọi việc trong cũng như ngoài thì việc của Tôn Quyền đã không thành. Lúc Tôn Quyền vừa thay thế, Trương Chiêu đã dâng biểu lên triều đình (dâng biểu lên Hán thất), ban bố công văn tới các quận, huyện (dưới đến thuộc thành), còn mệnh lệnh các thuộc tướng, quan viên phải có mặt ở vị trí (trong ngoài tướng hiệu, tất cả tại chức), có khác gì một tể tướng? Vì vậy, lúc Tôn Quyền xưng đế, gần như mọi người đều coi Trương Chiêu là tể tướng (mọi người bàn là Chiêu) kết quả Tôn Quyển lại bổ nhiệm Tôn Thiệu. Tôn Thiệu người Bắc Hải. Lúc Khổng Dung làm tướng Bắc Hải, Tôn Thiệu là công tào của Khổng Dung, về sau lại theo Lưu Do xuống phía nam, là “tân khách Tôn Quyền, nhưng chưa hề có cống hiến gì đột xuất, tài hoa cũng chưa thấy, chỉ biết Khổng Dung gọi Tôn Thiệu là “người giữ miếu”, nhưng cũng chẳng có một chứng cớ nào. Mọi người lấy làm khó hiểu khi thấy Tôn Thiệu là thừa tướng. Theo Tam quốc chí - Trương Chiêu truyện, Tôn Quyền giải thích, nay nhiều việc, chức lớn thì trách nhiệm cũng lớn. Nếu để Trương công là thừa tướng thì còn gì là ưu đãi (không phải là ưu đãi), về sau khi Tôn Thiệu mất, mọi người lại tiến cử Trương Chiêu (trăm quan lại cử Chiêu). Tôn Quyền lại không đồng ý, mà cắt cử Cố Ung vào việc. Trương Chiêu vốn hy vọng có thể làm được việc gì đó lớn lao thì kết quả là không có việc, đành phải ngồi viết mấy cuốn, như Xuân Thu Tả thị truyện giải và Luận Ngữ chú.

 

 

Thực kỳ lạ, vì sao Tôn Quyền hết lần này đến lần khác không theo mọi người, không để Trương Chiêu làm thừa tướng? Có nhiêu cách nói. Thứ nhất, Tôn Quyền là kẻ vong ân bội nghĩa. Con người Tôn Quyền là như vậy. Tam Quốc sử của ngài Mã Thực Kiệt nói Tôn Quyền bạc tình với Tôn Sách. Tôn Sách không được truy tôn là đế (chỉ được là Trường Sa Hoàn vương), con trai chỉ được phong hầu. Trần Thọ cũng thấy bất bằng vì chuyện đó. Ở tập trước tôi nói Tôn Quyền nhớ cũ, hàm ân, nhưng nếu quan sát kỹ thì đó chỉ là câu nói cửa miệng. Sau khi Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông qua đời thì con cháu họ đều không được thăng tiến, cả ba nhà đều không trở thành đại tộc, thế chẳng phải là tình nhẹ ân sơ sao?

 

 

Có điều giải thích như vậy chưa phải là hay. Bởi vì lúc này Trương Chiêu vẫn còn, đâu phải người vừa đi thì trà đã nguội. Vì vậy, thứ hai, Tôn Quyền đã hận Trương Chiêu. Cụ thể là, năm đó Trương Chiêu chủ trương hàng Tào. Tôn Quyền không quên được điều này. Trong tập Lực cản sóng giữ, lúc đăng cơ, Tôn Quyền đã nói với Trương Chiêu, nếu năm đó trẫm nghe lời ông thì không biết bây giờ sẽ phải đi ăn xin ở đâu! Trương Chiêu phủ phục dưới đất, mồ hôi ra ướt cả áo. Rõ ràng Tôn Quyền hận Trương Chiêu, đương nhiên sẽ không để Trương Chiêu làm thừa tướng.

 

 

Tài liệu này đã được Bùi Tùng Chi ghi trong Trương Chiêu truyện “Quyền xung tôn hiệu, Chiêu nói bệnh tật hoàn trả quan vị”. Lời nói đã liên hệ hai sự kiện làm một, lý lẽ đầy đủ, ý tứ rõ ràng. Chẳng phải ông đã muốn trẫm phải hàng Tào Tháo? Nếu trẫm hàng Tào thì làm gì còn Hoàng đế mà xưng? Trẫm không là Hoàng đế thì ông có gì để làm thừa tướng? Về cơ bản ông không thể là thừa tướng thì lúc này cũng không nên làm! Không chỉ không thể là thừa tướng mà mọi quan vị, quyền lực cũng nên giao hết ra (về danh nghĩa Trương Chiêu đã trả lại). Vì sao vậy? Cứ chờ đấy rồi sẽ tính nợ sau!

 

 

Có điều, sự “báo thù” hoặc “ác tâm” như vậy chỉ cần một lần là đủ. Huống chi sau trận chiến Xích Bích, lúc có thư dụ hàng Tôn Quyền, Tào Tháo đã ghi tên Trương Chiêu vào “sổ đen”, coi như tội danh “nịnh Tào” của Trương Chiêu đã được rửa sạch. Vậy, nếu Trương Chiêu xứng với chức thừa tướng, thì lúc Tôn Quyền qua đời, sao Trương Chiêu không là thừa tướng?

 

 

Có người nói, Tôn Quyền không hận mà là sợ Trương Chiêu. Đây là cách nói thứ ba. Trần Thọ bình cuối thiên Trương Chiêu truyện nói, “vì nghiêm mà sợ, vì cao mà xa”, tức là nghiêm khắc mà đâm sợ, địa vị cao mà xa dần. Vì vậy, không chỉ không là thừa tướng mà ngay đến các chức thái sư, thái phó, thái bảo cũng không.

 

 


Tranh phác họa hình ảnh Trương Chiêu

Trần Thọ nói có lý. Trương Chiêu nghiêm không? Nghiêm. Chúng ta đều biết, theo Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, lúc thay thế, Tôn Quyền đã “để Trương Chiêu là sư phó”. Vì vậy, Trương Chiêu có những yêu cầu chặt chẽ với Tôn Quyền và thái độ rất nghiêm. Trương Chiêu nghĩ thật đơn giản, chẳng phải ông đã cử ta làm sư phó sao? Vì vậy ta phải xử sự như một người thầy. Vì vậy Trương Chiêu luôn muốn quản Tôn Quyền. Trương Chiêu truyện nói, Tôn Quyền thích cưỡi ngựa săn bắn, tự mình bắn hổ dữ (nói như Tô Đông Pha “tự bắn hổ, nhìn Tôn lang”). Như vậy thực nguy hiểm, từng có chuyện hổ đã xông tới cắn vào yên ngựa. Trương Chiêu mặt biến sắc, bước lên nói, sao tướng quân lại làm vậy? Là quân vương cần không chê anh hùng, không phải là tuấn mã, cần đối phó với kẻ thù, không phải là dã thú. Vạn nhất xảy ra chuyện gì chẳng phải để thiên hạ cười chê! Tôn Quyền đành nhận sai, nói mình còn trẻ chưa hiểu việc, nhưng trong lòng lại cảm thây xấu hổ.

 

 

Chừng đã xảy ra mẩy lần như vậy. Tôn Quyền cứ nhận sai, nhưng không hề sửa. Vẫn cứ bắn hổ dữ, có điều không cưỡi ngựa mà đi xe. Tôn Quyền cho thợ làm riêng một “cỗ xe bắn hổ”, ngồi trên xe mà bắn tên. Dù vậy, mãnh hổ vẫn cứ xông tới, Tôn Quyền lấy việc đấu với hổ làm vui. Đương nhiên là Trương Chiêu lại quản, lại nói. Tôn Quyền như đã quen, chỉ yên lặng và cười (thường cười và không đáp).

 

 

Ở đây chúng ta lại có cảm giác mặc phủ tướng quân Tôn Quyền như một gia đình. Đại thúc Trương Chiêu như một bà già, Tôn Quyền giống một đứa cháu ngang bướng khó bảo, có điều “cháu” là ông chủ còn đại thúc là người “làm công”. Có thể như vậy lắm chứ. Đại quản gia câu thúc cậu cả, trong lịch sử không phải là không có. Vân đề là “cháu” càng lớn càng mạnh và vai trò “ông chủ” cũng càng lớn, cuối cùng lên làm Hoàng đế, tất phải bỏ mối quan hệ đó. Nhưng Trương Chiêu vẫn muốn như cũ. Một lần Tôn Quyền bày tiệc lớn ở đài Lâm Câu, Vũ Xương (nay là thị trấn Ngạc châu, Hồ Bắc). Mọi người đã say tuý luý, Tôn Quyền vẫn chưa thôi, sai người hất nước vào mặt quần thần nói, hôm nay không say ngã xuống đài thì chưa được. Trương Chiêu nghe vậy không nói gì, xịu mặt, chạy thẳng ra ngồi lên xe ở bên ngoài mà rầu rĩ. Tôn Quyền cho người ra mời, chẳng phải hôm nay vui lắm sao? Vì sao Trương công phải tức giận? Trương Chiêu nói, năm nào Âu Trụ vương cũng mở hồ rượu uống cả đêm, cũng rất vui, có gì là không tốt. Tôn Quyền không còn gì để nói lại, đành phải tuyên bố bãi tiệc.

 

 

Tiếp đến Trần Thọ nói: “Lúc đầu, Quyền định chọn thừa tướng, mọi người đều nói là Chiêu”. Kể như vậy chỉ để làm vui. Thực tế thì, Trần Thọ nói chuyện ở đài Lâm Câu trước, nói chuyện chọn thừa tướng sau là muốn giải câu đố vì sao Trương Chiêu không làm được thừa tướng. Ý muốn nói, sở dĩ Trương Chiêu không được làm thừa tướng vì Trương Chiêu đã quản việc quá chặt, quá nghiêm. Ngoài ra, Trương Chiêu địa vị càng cao thì tính tình càng cứng nhắc. Có lẽ đó là “nghiêm quá nên sợ, cao quá nên xa dần”!

 

 

Đúng vậy, Trương Chiêu trình độ rất cao, năng lực rất mạnh, tư cách đàng hoàng, có nhiều công lao, nên lời nói việc làm đều rất uy nghiêm (sắc mặt nghiêm nghị, có uy phong). Ngay như Tôn Quyền cũng không dám tuỳ tiện trò chuyện với Trương Chiêu (cô không dám nói bừa với Trương công). Một người như vậy làm cố vấn thì được, làm tổng lý thì không hợp. Thực tế thì Tôn Quyền cũng nói như vậy. Lần thứ hai lúc quần thần tiến cử Trương Chiêu, Tôn Quyền nói, hình như mọi người nghĩ là trẫm không muốn dùng Tử Bố? Không phải thế. Công việc của chức thừa tướng thì nhiều mà tính tình của Trương công lại không hay (công quá cứng). Nếu Trương công không chịu nghe ý kiến của mọi người thì oán hận và sai lầm lại tiếp tục xảy ra, thật không có lợi cho Trương công (không ích gì)!

 

 


Tiểu Bá Vương Tôn Sách bị "Hứa gia tam khách" ám sát.

Vấn đề là, Tôn Quyền chọn Tôn Thiệu có thích hợp không? Có vẻ không thích hợp. Tôn Thiệu không hề có mặt trong Tam quốc chí. Trong lời chú dẫn Ngô lục của Bùi Tùng Chi qua Ngô chủ truyện cũng chỉ có mấy câu. Nên Tôn Thiệu bất luận là thừa tướng trước hoặc thừa tướng sau thì chính tích cũng là bình thường, có gì đáng nói, có gì là thích hợp?

 

 

Kỳ thực đáp án là ở đây - Tôn Quyền có yêu cầu gì đặc biệt với chức thừa tướng của Tôn Thiệu.

 

 

Với sự gợi ý của ngài Điền Dư Khánh tôi kết luận như vậy. Ngài Điền Dư Khánh nói tới vấn đề này trong An Kí Diễm và vấn đề liên quan có hai câu: “Trương Chiêu là bề tôi mưu lược, nhưng không còn nắm chủ sự; Tôn nắm quyền lớn trong tay, cũng không riêng dựa vào Trương Chiêu”. Ý muốn nói, Trương Chiêu đã không quan trọng, Tôn Quyền cũng không cần chức thừa tướng quan trọng của Trương Chiêu.

 

 

Nhưng nói như vậy lại có vẻ lạ. Tôn Quyền đã không hy vọng chức thừa tướng quan trọng của Trương Chiêu, Trương Chiêu cũng đã hết quan trọng, vậy vì sao lại không thể tiến cử Trương Chiêu? Rất đơn giản, Trương Chiêu không quan trọng vì “không trực tiếp nắm chủ sự” (Theo chú dẫn Ngô thư của Bùi Tùng Chi trong chuyện này, Trương Chiêu sau mấy lần chỉ huy mấy trận đánh nhỏ, không còn là tướng soái nữa, chỉ còn là mạc liêu cao cấp). Làm thừa tướng, nắm chủ sự, lẽ nào không phải là quan trọng? Vì vậy ngài Điền Dư Khánh nói: “Dùng Chiêu thì tướng quyền quá lớn, Tôn Quyền không thể chấp nhận”. Ý muốn nói, một khi cắt cử Trương Chiêu là thừa tướng thì Trương Chiêu quan trọng, tướng quyền cũng quan trọng.

 

 

Vậy chúng ta muốn hỏi: Tôn Quyền không muốn Trương Chiêu ở thế mạnh hay không muốn thừa tướng ở thế mạnh?

 

 

Theo ý tôi, có cả hai quan niệm đó. Trước hết hãy nói vì sao không mong Trương Chiêu ở thế mạnh. Chúng ta đều biết, lúc Tôn Quyền xưng đế các vị lão thần, trọng thần thời sáng nghiệp còn lại không bao nhiêu. Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông đều đã mất; Gia Cát Cẩn, Bộ Trắc không thể sánh vai cùng Trương Chiêu. Vì Trương Chiêu là cố mệnh đại thần được Tôn Sách thác cô, hơn nữa Tôn Sách nói: “nếu Trọng Mưu không làm được thì ngài cứ tự lấy đi”. Đây tuy là lời nói lúc đặc biệt, lúc thác cô đặc biệt, không nhất thiết phải theo, nhưng cũng không có ai tuyên bố thủ tiêu (đương nhiên, không thủ tiêu nổi). Vạn nhất khi vua và tướng có sự bất hoà, Trương Chiêu giở con bài này ra thì sẽ như thế nào? Vì vậy, trong Tam quốc chí chú chứng di của Chu Thọ Xương cho đây là điều mấu chốt khiên Trương Chiêu không được làm thừa tướng.

 

 

Trên thực tế Trương Chiêu dám “quản giáo” Tôn Quyền cũng bởi có “thế thác cô”. Sau khi Trương Chiêu lui về tuyến hai, Tôn Quyền đến thăm. Trương Chiêu nói, năm đó thái hậu (là mẹ Tôn Quyền, Ngô phu nhân) và Hoàn vương (Tôn Sách) “không giao lão thần cho bệ hạ, mà giao bệ hạ cho lão thần”, nên lão thần muốn nói gì thì đã nói và nói hết. Tiếc là lão thần thô kệch, thiếu nhìn xa trông rộng (ý nghĩ nông cạn), làm phật lòng bệ hạ (vi nghịch thịnh chỉ), tự thấy phần đời còn lại sẽ phải chết nơi đồng không mông quạnh (tự biết phận hẩm hiu, bỏ hoài nơi khe hác). Không ngờ còn có thể được Triệu Kiến (không ngờ còn được gặp), lại được về bên bệ hạ (được hầu dưới trướng). Có điều, những gì lão thần làm được thì đã hết lòng hết sức báo đáp triều đình. Còn như việc xu thời phụ thế, nhìn gió bẻ thuyền, lão thần không sao làm được. Ý tứ rất rõ ràng, Hoàn vương thác cô, thái hậu di huấn, không phải giao thần cho bệ hạ mà là giao bệ hạ cho thần. Cái gì quản được thì thần đã quản, đáng nói đã nói và nên quản thế nào, nên nói thế nào thần đã làm đủ. Tôn Quyền không biết nói thế nào, đành phải xin lỗi (Quyền đành từ tạ).

 

 

Trương Chiêu đã nói như vậy và làm như vậy. Tháng mười niên hiệu Gia Hoà năm đầu (Công nguyên năm 232), thái thú Liêu Đông nước Ngụy là Công Tôn Uyên đã dâng biểu xưng thần lên Tôn Quyền. Tôn Quyền hết sức vui mừng, sách phong Công Tôn Uyên là Yên vương. Cả triều văn võ với thừa tướng cố Ung cầm đầu đều nói, Công Tôn Uyên là kẻ phản phúc vô thường, không trị được, nhưng Tôn Quyền không nghe ai, cứ làm theo ý mình. Trương Chiêu bàn luận nhiều lần, càng nói càng hăng. Tôn Quyền không nhịn được nữa, tay đặt lên đốc kiếm nói với Trương Chiêu, kẻ sĩ nước Ngô chúng ta vào cung bái trẫm, xuất cung bái khanh. Trẫm kính trọng lấy lễ đãi các hạ coi đã đủ! Nhưng các hạ không giữ sĩ diện cho trẫm, nhiều lần chống đối trẫm trước mặt mọi người (nhiều lần cãi trẫm trước chúng), trẫm sợ mình không khắc chế nổi mà phạm sai lầm (cô sợ giữ không nổi)! Trương Chiêu nhìn kỹ Tôn Quyền rồi nói, lão thần biết có nói cũng vô ích. Nhưng vì sao vẫn cứ nói? Bởi vì di chúc của thái hậu như còn văng vẳng bên tai? Mấy lời đó, trước lúc băng hà, thái hậu gọi thần đến bên sập mà nói! Nói xong, Trương Chiêu “nước mắt nhoà lệ”. Tôn Quyền ném kiếm đi và oà lên khóc, quân thần hai người cùng khóc.

 

 

Có điều Tôn Quyền khóc thì cứ khóc nhưng làm thì cứ làm. Tháng giêng năm sau, Tôn Quyền liền cử hai người quan trọng (Thái thượng Trương Di, Chấp kim ngô Hứa Yến) thống lĩnh vạn người sang Liêu Đông. Trương Chiêu tức giận, từ đó “cáo bệnh không lên triều”. Tôn Quyền cũng tức giận, hạ lệnh lấy đất bịt kín của nhà Trương Chiêu. Trương Chiêu vẫn tỉnh táo, cho xây tường bên trong cửa. Trương Di và Hứa Yến vừa đến Liêu Đông đã bị giết, thủ cấp đem nộp cho phía Tào Ngụy. Tôn Quyền xấu hổ, nhiều lần cho người đến xin lỗi Trương Chiêu, Trương Chiêu vẫn không chịu ra. Chẳng còn cách nào khác, nhân lúc ra ngoài, Tôn Quyền đến cửa nhà Trương Chiêu, Trương Chiêu vẫn không chịu ra gặp. Tôn Quyền rất rối đành hạ lệnh phóng hoả. Ngược lại, Trương Chiêu cho gài cửa chặt thêm nữa. Tôn Quyền hết cách, hạ lệnh cứu hoả và cứ chờ ở cửa. Mấy người con của Trương Chiêu thấy không nên náo động thêm, liền vực cha dậy, đưa ra xe, cùng Tôn Quyền vào cung. Sau khi về cung, Tôn Quyền xét mình nghiêm khắc (xem xét trách nhiệm), lúc này Trương Chiêu mới miễn cưỡng đồng ý tham dự triều hội. Các bạn nghĩ xem, lúc này Trương Chiêu gần như đã nghỉ mà còn cứng như vậy, nếu làm thừa tướng thì liệu sẽ thế nào?

 

 

Đó là nguyên nhân Tôn Quyền không muốn Trương Chiêu ở thế mạnh. Vậy vì sao Tôn Quyền cũng không cần thừa tướng ở thế mạnh?

 

 

Theo tôi có hai nguyên nhân. Nguyên nhân một, chính ngài Điền Dư Khánh đã nói rõ, chính quyền Tôn Ngô cần phải “Giang Đông hoá”. Lúc Tôn Quyền xưng đế, thống soái vùng thượng du là sĩ tộc Giang Đông (Lục Tốn), quan văn ở vùng giữa cũng cần phải “Giang Đông hoá”, nhất là quan viên kề bên. Nhưng lực lượng tướng lĩnh Hoài Tứ và Bắc sĩ lưu vong còn rất lớn. Triều nghị muốn Trương Chiêu là tướng đã phản ánh yêu cầu cố chấp của họ. Tôn Quyền đành phải chọn người khác làm bước quá độ là Tôn Thiệu. Nhân vật quá độ không cần và không thể ở thế mạnh, đó là điểm thứ nhất.

 

 

Nguyên nhân thứ hai cũng như lời ngài Điền Dư Khánh, Tôn Quyền chọn tướng vốn không cần người đó phải mang vác quá nặng, làm quá nhiều việc, chỉ cần phù hợp là được. Nói dễ nghe “không mong có vị tướng vạn cơ”, nói khó nghe, chỉ để làm vật trang trí. Rõ ràng Trương Chiêu không thích hợp với yêu cầu đó. Người thích hợp là Tôn Thiệu và Cố Ung. Tôn Thiệu là thừa tướng chưa có cống hiến nào đột xuất, xem ra cũng chỉ là A di đà phật! Nói dễ nghe là trầm tĩnh, Ổn định, thành tâm lo việc nước, nói khó nghe là “bình hoa cao cấp”. Cố Ung không phải là “bình hoa”, ít nhiều làm được một số việc. Nhưng Cố Ung không giống với Trương Chiêu. Thứ nhất, Cố Ung ít khi chủ động nêu ý kiến. Tôn Quyền không hỏi thì không nói. Thứ hai, cần nói thì nói trước mặt, không nói lung tung sau lưng. Tam quốc chí - Cố Ung truyện nói: “quân quốc được mất, làm được hay không, nói ngay trước mặt, miệng ít nói”. Thứ ba, tuy là nói trước mặt, nhưng không nói nhiều, luôn ôn hoà bình tĩnh. Không giống như Trương Chiêu, lời nói hiện ra sắc mặt, khảng khái và kích động. Có một lần lên triều, Trương Chiêu vẻ không hài lòng, nói một thôi nào là pháp lệnh quá nhiều, hình phạt còn nặng. Tôn Quyền mặc nhiên, quay lại hỏi Cố Ung: thừa tướng thấy thế nào? Cố Ung chỉ đáp vẻn vẹn một câu: Những ý kiến mà thần nghe được cũng giống như ý Trương Chiêu.

 

 

Từ đây có thể thấy, Cố Ung coi thừa tướng là cố vấn và làm cố vấn một cách thấu đáo, không nhỡ việc, không phiền hà. Xem ra Cố Ung rất rõ Tôn Quyền cần một thừa tướng như thế nào. Như thế nào? Làm đúng chức năng không vượt quyền, giúp việc không thêm việc, có việc thì có cố vấn, không việc thì để trang trí. Cố Ung nắm rõ chừng mực, đã làm thừa tướng 19 năm. Niên hiệu Xích Ô thứ VI (Công nguyên năm 243) đã tạ thế khi đang làm việc, hưởng thọ 76 tuổi.

 

 

Thay Cố Ung làm thừa tướng là “Thượng đại tướng quân” Lục Tốn 62 tuổi. Nhìn vào việc này thấy rõ điều mà ngài Điền Dư Khánh nói “Giang Đông hoá”. Chúng ta đều biết, Lục Tốn và Cố Ung đều xuất thân từ sĩ tộc Giang Đông. Phần trước đã nói, Giang Đông có “tứ đại gia tộc”: Ngu, Ngụy, Cố, Lục. Ngu và Ngụy thì ở Cối Kê, Cố và Lục thị ở Ngô quận. Ngô quận cũng có “tứ đại gia tộc”: Cố, Lục, Chu, Trương. Cố Ung là Cố, Lục Tốn là Lục đều thuộc “Ngô quận tứ đại gia tộc” còn thuộc “Giang Đông tứ đại gia tộc”, bối cảnh các gia tộc đều vô cùng hiển hách. Trước hết Tôn Quyền để Lục Tốn là thống soái, Cố Ung là thủ phụ, về sau lại để Lục Tốn thay thế Cố Ung là tướng đó chính là tiêu chí “Giang Đông hoá”.

 

 

Thực tế thì Lục Tốn là nhân vật tiêu biểu cho “Giang Đông hoá” trong chính quyền Tôn Ngô. Vì Lục Tốn không chỉ là người của “tứ đại gia tộc” Giang Đông và Ngô quận mà giữa Lục gia và Tôn gia còn có hiềm khích. “Tòng tổ phụ” (anh hoặc em trai của tổ phụ) của Lục Tốn là Lục Khang. Lục Khang là thái thú Lư Giang những năm cuối thời Đông Hán. Theo Hậu Hán thư - Lục Khang truyện, lúc Viên Thuật ở Thọ Xuân đến cầu viện Lục Khang về quân lương, Lục Khang nghĩ Viên Thuật là “phản nghịch” nên bỏ mặc. Viên Thuật tức giận, sai Tôn Sách đi đánh Lục Khang. Chiến tranh kéo dài hai năm, cuối cùng thì thành bị phá, hơn một tháng sau, Lục Khang 70 tuổi phát bệnh qua đời, hơn một trăm người trong gia tộc Lục thị đi theo Lục Khang cũng lâm nạn và chết quá nửa (gặp cảnh đói khát mà chết gần nửa).

 

 

Vì vậy, hai nhà Lục, Tôn có thù nhà hận nước. Tôn Quyền và Lục Tốn đều vẫn còn giữ điều đó trong lòng. Một mặt do nhu cầu chính trị, Tôn Quyền không thể không lựa chiều để trọng dụng Lục gia, ví như đem con gái của Tôn Sách gả cho Lục Tốn. Mặt khác, lúc cần trọng dụng Lục Tốn, Tôn Quyền cũng có phần do dự. Theo Lục Tốn truyện và Chu Nhiên truyện trong Tam quốc chí, có hai lần Lã Mông đã tiến cử người thay thế mình. Lần thứ nhất là lúc Quan Vũ đánh Tương Phàn, Lã Mông vờ ốm trở về Kiên Nghiệp, Tôn Quyền hỏi, “ai thay thế khanh”. Lã Mông tiến cử Lục Tốn- Trong tập Áo trắng vượt sông, chúng ta đã nói truyện này. Nhưng lúc bấy giờ Lã Mông chỉ vờ rời chức, đưa Lục Tốn lên thay là để lung lạc Quan Vũ, nên Tôn Quyền bằng lòng ngay. Chờ khi chiến tranh kết thúc, Lã Mông thực sự ốm nặng, Tôn Quyền lại hỏi “Ai là người thay thế”, Lã Mông liền tiến cử Chu Nhiên.

 

 

Điều này đáng được bàn thêm. Thứ nhất, Lục Tốn đã chính thức thay Lã Mông nhận chức, vậy vì sao Tôn Quyền còn phải hỏi nữa? Rõ ràng Tôn Quyền vẫn còn hận thù. Thứ hai, vì sao khi Tôn Quyền hỏi, Lã Mông lại phải nói khác? Nên nhớ, trong cuộc chiến tranh lần này, Lục Tốn biểu hiện rất tốt! Theo tôi, có thể Lã Mông đã hiểu được tâm tư của Tôn Quyền nên mới tiến cử Chu Nhiên.

 

 

Việc tiến cử của Lã Mông rất có ý nghĩa. Chu Nhiên là con nuôi của Chu Trị. Chu Nhiên người Giang Đông, huyện Cố Chương, quận Đan Dương. Nhưng trong Tam quốc chí - Chu Trị truyện cho chúng ta hay, từ rất sớm, Chu Trị đã “theo Tôn Kiên chinh chiến”, về sau còn giúp Tôn Sách, được coi là “tướng lĩnh của Hoài Tứ”. Chu Nhiên là con nuôi của Chu Trị, đã trưởng thành trong “tập đoàn quân sự Hoài Tứ”, được gọi là “gốc chính”. Chu Nhiên từng là bạn học của Tôn Quyền, tình cảm rất tốt, gọi là “quan hệ thép”. Hơn nữa Chu Nhiên gốc người Giang Đông, thuộc hệ Hoài Tứ, có thể tiếp nhận từ hai phía, hợp với việc quá độ từ tướng lĩnh Hoài Tứ sang sĩ tộc Giang Đông. Lã Mông tiến cử vậy là có nhiều hiểu biết, là hợp với đường lối chính trị.

 

 

Tôn Quyền tiếp nhận ý kiến của Lã Mông, để Chu Nhiên cầm tiết trượng ra trấn thủ Giang Lăng, quyền hơn cả Lục Tốn. Nhưng trong cuộc chiến Di Lăng, Lục Tốn là đại đô đốc, Chu Nhiên lại trở thành bộ thuộc của Lục Tốn, tại sao lại như vậy?

 

 

Có thể có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp e là do Lưu Bị thân cầm quân, khí thế mạnh mẽ, không thể không để Lục Tốn thống lĩnh ba quân. Hơn nữa lúc đó, việc “Giang Đông hoá” cũng chưa xong, nếu cứ giằng dai mãi e đêm dài lắm mộng, chi bằng nhân cơ hội này giành lấy thành công luôn. Ngoài ra, biểu hiện của Lục Tốn cũng làm cho Tôn Quyền vừa lòng. Ngài Điền Dư Khánh nói Lục Tốn “cẩn thận xử thế, trung thành hết mực”, rất chu đáo. Tôn Quyền cần những người như vậy.

 

 


Lục Tốn đốt trại Thục

Một lần Tôn Quyền trò chuyện với Lục Tốn, có ghi lại trong Lã Mông truyện. Tôn Quyền đánh giá ba người: Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, đây được xem là chứng cứ Tôn Quyền giỏi biết dùng người. Nhưng tôi vẫn có cảm giác đây không phải là cuộc trò chuyện bình thường, mà có thâm ý khác. Hãy xem Tôn Quyền nói những gì? Nói Công Cẩn uy vũ mạnh mẽ, gan dạ hơn người, rất khó có người kế tục được sự nghiệp đó (khó có ai kế tục được), lúc này ngài đã kế thừa (nay ngài đã tiếp tục). Rõ ràng, Tôn Quyền đã coi Lục Tốn như “Chu Du thứ hai”, mong rồi sẽ vượt qua Lỗ Túc và Lã Mông. Tôn Quyền nói như vậy vào lúc nào? Không rõ. Tư trị thông giám cũng chỉ dùng chữ “sau”, tức là ngày, tháng, năm nào đó sau lúc Lã Mông qua  đời. Và sự thật là, Lục Tốn không phụ sự kỳ vọng đó. Vì vậy, Cố Ung qua đời, Tôn Quyền đã để Lục Tốn thay thế. Vị nhân tài số một của Giang Đông cuối cùng đã “xuất tướng nhập tướng”.

 

 

Nhưng thực kỳ lạ, Lục Tốn làm tướng chưa bao lâu đã bị Tôn Quyền bức tử, lại có chuyện gì đây?

 

 

“Nam Lỗ đảng tranh” là nguyên nhân trực tiếp của sự việc. Nam, là Nam cung, chỉ thái tử. Lỗ là Lỗ vương, chỉ Tôn Bá. Phần trên đã nói, Tôn Quyền có bảy người con trai. Tôn Đăng là con cả, người đầu tiên là thái tử và đã mất lúc 33 tuổi. Lúc này con thứ là Tôn Lự cũng vừa mất (20 tuổi), người con thứ ba Tôn Hoà 19 tuổi, người thứ hai là thái tử. Tôn Hoà là đứa con được Tôn Quyền quý mến, mẹ của Tôn Hoà là Vương phu nhân cũng được Tôn Quyền sủng ái. Vấn đề là ở chỗ Tôn Quyền quý cả đứa con thứ tư là Tôn Bá và phong Bá là Lỗ vương. Theo Tam quốc chí - Tôn Bá truyện, Tôn Bá được ân sủng đãi ngộ chẳng kém gì thái tử (sủng ái đãi ngộ chẳng khác gì Hoà). Một số người bắt đầu đơm đặt về chuyện này, còn có người đưa chuyện để li gián. Theo Tam quốc chí - Tôn Hoà truyện, bấy giờ người con gái đầu lòng của Tôn Quyền là công chúa Toàn có mâu thuẫn với mẹ con Tôn Hoà, đã chạy đến chỗ Tôn Quyền nói xấu về họ. Tôn Quyền phẫn nộ, Vương phu nhân lo nghĩ và qua đời. Thế rồi Tôn Hoà bị thất sủng (mất sủng ái), lo sợ bị phế (sợ bị phế truất). Tôn Bá những muốn Tôn Hoà bị phế bỏ để mình được là thái tử (ham muốn vô cùng). Triều thần quý thích cũng vì thế mà chia thành hai phái, gây nhiều rắc rối. Trong Tôn Hòa truyện, Bùi Tùng Chi đã dẫn lời ở thông ngữ của Ân Cơ là văn thần võ tướng trong, ngoài triều đình “cả nước sôi sục”. Một sự chia rẽ lớn. Vào tháng tám niên hiệu Xích Ô thứ XIII (Công nguyên năm 250), Tôn Quyền phế truất Tôn Hoà, ban chết Tôn Bá. Vì sao phế truất Tôn Hoà? Rất đơn giản: trẫm còn sống thì ngươi đừng ầm ĩ. Vì sao phải giết Tôn Bá? Cũng rất đơn giản, trẫm không cho thì ngươi đừng cướp!

 

 

Một cuộc giết chóc lớn. Các tướng lĩnh thân binh ủng hộ Tôn Hoà như Trần Chính, Trần Tượng bị diệt tộc, Phiêu Kỵ tướng quân Chu Cứ, Thượng thư bộc xạ Khuất Hoảng bị đòn, mười mấy nhà liên lụy bị giáng, bị giết. Vây cánh của Lỗ vương Tôn Bá như Toàn Ký, Ngô An, Tôn Kỳ, Dương Trúc đều bị giết, xác Dương Trúc còn bị ném xuống sông. Đảng của thái tử và đảng của Lỗ vương đều chẳng hay ho gì.

 

 

Lục Tốn vì muốn bảo vệ thái tử nên bị bức chết, việc này xảy ra vào tháng hai niên hiệu Xích Ô thứ VIII (Công nguyên năm 245). Theo Lục Tốn truyện, câu chuyện như sau, Tôn Quyền không theo ý kiến của Lục Tốn, không muốn gặp Lục Tốn, mà luôn cho người đến trách cứ Lục Tốn. Mấy đứa cháu ngoại của Lục Tốn, vì gần gũi thái tử, đều bị miễn chức, đi đầy. Thái tử thái phó Ngô Sán vì đã báo tin cho Lục Tốn nên đã bị hạ ngục xử tử. Lục Tốn buồn bực cho đến chết (phẫn hận đến chết), thọ 63 tuổi. Sau khi qua đời “gia sản không còn gì”. Còn như Tôn Quyền “luôn sai sứ đến trách Tốn”, có đưa hộp cơm rỗng hay không, chúng ta không biết, có thể không có.

 

 

Vì sao Tôn Quyền lại bức chết Lục Tốn? Nhìn bề ngoài, vì Lục Tốn đã dính vào “Nam Lỗ đảng tranh”, bị coi là lãnh tụ của “thái tử đảng”. Nhưng sau khi Lục Tốn mất, nhân vật số hai của “thái tử đảng” là Gia Cát Khắc lại được thăng làm Đại tướng quân, thay thế Lục Tốn “lo việc Kinh châu”; nhân vật hàng đầu của “Lỗ vương đảng” là Bộ Trắc thay thế Lục Tốn làm thừa tướng, nhân vật số hai là Lã Đại thăng là Thượng đại tướng quân, nhân vật số ba là Toàn Tông thăng Hữu đại tư mã. Xem ra vấn đề không đơn giản chút nào.

 

 

Thế nên chúng ta phải hỏi, liệu đàng sau án này còn điều gì bí mật, sâu xa nữa đây?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét