Năm Kiến Hưng thứ 5 (năm 227), Gia Cát Lượng thống lĩnh Thục quân xuất khỏi Hán Trung, bắt đầu hành trình Bắc phạt. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ) |
Tập thứ bốn mươi mốt: LẤY CÔNG ĐỂ THỦ
Tác giả Dịch Trung Thiên
Trong án của Ngụy Diên có một câu đố
chưa được giải, vì sao trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng lại có sự bố trí lui
quân bất lợi cho Ngụy Diên. Phải chăng cách bố trí này quan hệ tới đường lối
quân sự giữa hai người có khác nhau? Vì sao lúc Bắc phạt, Gia Cát Lượng không
theo “kế hay ở Tí Ngọ cốc” của Ngụy Diên? Đàng sau sự khác nhau đó có ẩn tình
gì khó nói ra chăng? Gia Cát Lượng mấy lần ra Kỳ Sơn, vất vả mà chẳng được gì,
nhưng vì sao vẫn phải Bắc phạt, cuối cùng là vì sao?
Tập trước chúng ta đã nói tới án của
Ngụy Diên. Về đại thể tính chất của vụ án lúc này đã rõ ràng, Ngụy Diên đã “tác
loạn” không phải “mưu phản” và là “đấu tranh nội bộ”. Người có trách nhiệm trực
tiếp chính là Dương Nghi và Ngụy Diên. Nhưng Gia Cát Lượng cũng không thoát khỏi
có can hệ, vì trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng đã đưa ra cách sắp đặt kỳ
quái. Theo Tam quốc chí – Ngụy Diên truyện, lúc bệnh nặng, Gia Cát Lượng đã bí
mật triệu tập “Hội nghị bên sập”. Đến dự có Trưởng sử Dương Nghi, Tư mã Phí Y,
Hộ quân Khương Duy... Gia Cát Lượng nói rõ, sau khi ta mất thì lập tức lui
quân, Ngụy Diên đoạn hậu. Nếu Ngụy Diên không phục tùng mệnh lệnh thì mặc, quân
lính cứ xuất phát.
Việc này rất đáng ngờ. Mọi người đều
rõ, trong quân Bắc phạt lúc đó, ngoài Gia Cát Lượng, địa vị Ngụy Diên là cao nhất,
là Tiền quân sư, Chinh tây đại tướng quân, giá tiết, được phong Nam Trịnh hầu.
Nam Trịnh hầu là Huyện hầu, tước vị cao nhất; Đại tướng quân là thực chức, quân
hàm cao nhất; giá tiết là có thượng phương bảo kiếm, quyền uy cao nhất. Theo
phép thường, người thay thế Gia Cát Lượng chỉ huy toàn quân hành động, đương
nhiên phải là Ngụy Diên. Nhưng Gia Cát Lượng lại chỉ định Dương Nghi. Chức vụ của
Dương Nghi là thế nào? Thừa tướng trưởng sử thêm Tuy quân tướng quân. Thừa tướng
trưởng sử là bí thư trưởng trong phủ thừa tướng, thực tế là một quản gia. Tuy
quân tướng quân là “tư lệnh không có quân”, không thống soái quân lính, thực tế
là quan văn trong quân đội. Cách bố trí của Gia Cát Lượng là không trao quân
quyền cho quân nhân, mà trao cho văn nhân, không trao cho quan to, mà trao cho
quan nhỏ, không trao cho “phó thống soái”, mà trao cho “bí thư trưởng”. Thay đổi,
lộn xộn như vậy, không phải là kỳ quặc sao?
Tượng của Dương Nghi trong Vũ Hầu từ, Thiểm Tây
Vì vậy, chúng ta lại hỏi: 1- Vì sao
Gia Cát Lượng không dùng Ngụy Diên mà dùng Dương Nghi? 2- Gia Cát Lượng triệu tập
“hội nghị bí mật trước sập”, sao không thông báo để Ngụy Diên tham gia? 3- Vì
sao Gia Cát Lượng đoán biết được Ngụy Diên sẽ không phục tùng mệnh lệnh và yêu
cầu quân lính cứ xuất phát, mặc Ngụy Diên? Điều kỳ quái nhất ở đây là: “Nếu
Diên không theo lệnh, quân cứ xuất phát”. Ai cũng thấy, thực chất là muôn đẩy
Diên vào chỗ chết hoặc bức Diên phải làm phản, chí ít cũng là chuẩn bị để loại
bỏ Diên! Gia Cát Lượng không phải là không biết điều lợi hại ở đây. Vậy, vì sao
Gia Cát Lượng phải làm như vậy?
Cũng có ba cách giải thích. Tam quốc
diễn nghĩa nói, Gia Cát Lượng biết Ngụy Diên sẽ tạo phản. Rõ ràng điều này có
thể giải thích mọi nghi vấn ở đây. Nhưng thật khó tin lời nói của một tiểu thuyết
gia. Trong thực tế không có nhà sử học nghiêm túc nào dùng cách nói này. Ngay cả
một số học giả vốn tôn sùng Gia Cát Lượng (như ngài Dư Minh Hiệp) cũng nói thực
chất cái gọi là “Ngụy Diên mưu phản” là “án oan lớn thời đó” (xem Gia Cát Lượng
bình truyện). Vậy, không nên nói như thế.
Nhưng Ngụy Diên không mưu phản sẽ rắc
rối với Gia Cát Lượng – thống soái định vứt bỏ phó thống soái, thế là thế nào?
Cho nên, một nhà sử học nào đó - người vừa nói Ngụy Diên oan uổng vừa ủng hộ
Gia Cát Lượng nói, mấy điều ghi trong Tam quốc chí là không đúng sự thực. Ví
như Tam Quốc sử thoại của ngài Lã Tư Miễn nói, Gia Cát Lượng lúc bệnh nguy cấp
chưa hề định ra kế hoạch lui quân đã đột nhiên qua đời. Cái gọi là “lệnh Diên
đoạn hậu, thứ đến Khương Duy” là kế hoạch của Dương Nghi, không phải kế hoạch của
Gia Cát Lượng. Mặc Ngụy Diên, quân lính cứ xuất phát, hẳn cũng là chủ trương của
Dương Nghi, không phải chủ trương của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng không hề áp
đặt bằng câu nói “nếu Diên không theo lệnh, quân lính cứ xuất phát”, có khả
năng Dương Nghi và mấy người khác đã giả truyền “Thừa tướng di mệnh”.
Nói thế là đúng. Ngụy Diên không ở đó,
Khổng Minh đã chết không còn người đối chứng. Loại “Khẩu dụ” như “thừa tướng di
mệnh” còn không phải tự miệng Dương Nghi nói ra sao? Hơn nữa, nói như vậy còn
có cái hay, việc lớn mà xong thì mọi việc khác đều xong, việc gì cũng giải quyết
được. Tiếc rằng đây chỉ là phỏng đoán, suy luận, không hề có bất cứ chứng cớ
nào.
Chúng ta không thể không đối diện với
khả năng thứ ba: Gia Cát Lượng đã bí mật triệu tập “hội nghị trước sập”, đúng
đã có bố trí “Lệnh Diên đoạn hậu, thứ đến Khương Duy; nếu Diên không theo lệnh,
quân cứ xuất phát”. Còn như vì sao Gia Cát Lượng có sự sắp đặt bất lợi cho Ngụy
Diên thì Lưu Bị truyện của ngài Trương Tác Diệu đã giải thích, Gia Cát Lượng
không tin tưởng Ngụy Diên. Vì sao không tín nhiệm? Vì giữa họ có sự “khác biệt
về chiến thuật quân sự”.
Có chứng cứ gì không mà nói như vậy?
Có. Tam quốc chí – Ngụy Diên truyện nói, mỗi lần xuất chinh (mỗi khi theo Lượng
xuất chinh), Ngụy Diên luôn yêu cầu Gia Cát Lượng cho quân (muốn có vạn quân) để
tự mình dẫn quân đi theo đường khác, xuất kích từ hai phía, hội sư ở Đồng Quan
(khác đường với Lượng và hội hợp ở Đồng Quan), giống như năm nào Hàn Tín giúp
Lưu Bang lấy thiên hạ (như truyện Hàn Tín) nhưng không bao giờ Gia Cát Lượng
nghe theo (khống chế và không cho). Ngụy Diên liền cho rằng Gia Cát Lượng nhát
gan, sợ việc (Lượng nhát gan), lấy làm bất bằng vì tài không gặp được tài (hận
vì có tài không được tận dụng).
Lộ tuyến hành quân của quân Thục trong lần Bắc phạt đầu tiên của Khổng Minh. Thay vì đi tắt qua Tý Ngọ cốc tới Trường An, Khổng Minh đã chọn giải pháp đi vòng theo hướng Kỳ Sơn |
Còn một việc nữa làm cho hai người có
sự khác biệt, đó là “kỳ mưu ở Tý Ngọ cốc”. Chúng ta đều biết, quân Thục từ Hán
Trung Bắc tiến vào Trung Nguyên tất phải qua Tần Lĩnh. Có ba đường để vượt Tần
Lĩnh. Thứ nhất là đường Tý Ngọ cốc ở mặt đông, dài hơn sáu trăm dặm, đến thẳng
Tràng An. Đường thứ hai là Trú Cốc ở giữa, dài hơn bốn trăm dặm đến thẳng Võ
Công. Một đường nữa là Tà Cốc ở mặt tây, dài gần năm trăm dặm, đến Mi quốc (huyện
Mi). Ở đoạn giữa Tà Cốc có một đường nhánh rẽ về hướng bắc gọi là Kỳ Cốc. Từ Kỳ
Cốc ra Tản Quan là đến Trần Thương. Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ VI (Công nguyên
năm 228), Gia Cát Lượng đến Hán Trung từ lâu, quyết định tấn công, mở đầu cuộc
Bắc phạt lần thứ nhất. Đi theo đường nào là một vấn đề.
Theo chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng
Chi trong Tam quốc chí – Ngụy Diên truyện, lúc bấy giờ Gia Cát Lượng đã triệu tập
hội nghị quân sự tại Nam Trịnh. Ở đây, lần đầu Ngụy Diên chủ trương chia quân
làm hai đường. Cụ thể, Ngụy Diên thống lĩnh năm ngàn tinh binh, năm ngàn người
khác vận chuyển lương thảo xuất phát từ Bao Trung, men theo Tần Lĩnh về đây,
theo Tý Ngọ cốc lên bắc. Chưa đến mười hôm đã đến Tràng An. Cùng lúc đó, Gia
Cát Lượng thân dẫn đại quân theo Tà Cốc vào Mi Quốc, Trần Thương. Ngụy Diên
nói, trấn giữ Tràng An là Hạ Hầu Mậu, con rể Tào Tháo. Mậu là công tử chẳng ra
gì (nhút nhát, vô mưu). Nghe nói mạt tướng là thần binh từ trời xuống hẳn sẽ
quay đầu biến mất (lên thuyền trốn chạy). Quan viên trong thành Tràng An cũng
chẳng đâu ra đâu (duy có ngự sử, thái thú Kinh Triệu), nhưng tiền lương thì khá
sung túc, đủ để mạt tướng chống đỡ một trận. Chờ khi quân thừa tướng đến, hai
quân hội hợp, chẳng phải từ phía tây Hàm Dương trở đi coi như xong (một đòn định
được từ phía tấy Hàm Dương)? Gia Cát Lượng không nghe.
Đây chính là “Kỳ mưu Tý Ngọ cốc”. Đây
là một đoạn công án nổi tiếng trong “thời đại Gia Cát Lượng”, cũng là một vấn đề
các nhà sử học bàn luận mãi. Rất nhiều người không hiểu vì sao Gia Cát Lượng
không theo kiến nghị của Ngụy Diên, xuất kỳ binh từ Tý Ngọ cốc đánh một trận,
Tào Tháo không kịp trở tay. Kiến nghị của Ngụy Diên gồm hai nội dung. Một là
chia quân (Ngụy Diên thống lĩnh một vạn quân đi đường Tý Ngọ cốc, Gia Cát Lượng
thống lĩnh đại quân đi từ Tà cốc), hai là kỳ tập (đánh thẳng tới Tràng An). Vì
vậy, án này gồm hai vấn đề. Một, vì sao Gia Cát Lượng không để Ngụy Diên chia
quân, hai, vì sao Gia Cát Lượng không đi đường Tý Ngọ cốc.
Nói tới việc chia quân trước. Chia
quân thực ra cũng là chuyện thường. Lưu Bị và Quan Vũ cũng luôn chia quân, Long
Trung đối cũng nói, “Lệnh một thượng tướng chia quân Kinh châu cho Uyển, Lạc,
tướng quân thân lĩnh quần chúng Ích châu ra đường Tần Xuyên”, bản thân Ngụy
Diên cũng nói “như chuyện Hàn Tín”. Rõ ràng Ngụy Diên coi Gia Cát Lượng như Lưu
Bang, Lưu Bị, coi mình như Hàn Tín, Quan Vũ, tất cả là trung thành, là thoả
đáng. Đây là điều một. Điều hai, cũng không phải Gia Cát Lượng tuyệt không chia
quân. Theo Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, quyết sách sau này của Gia Cát
Lượng là nói vống rằng sẽ tấn công Mi quốc theo đường Tà cốc, nhưng lại phái
Triệu Vân, Đặng Chi chiếm cứ Kỳ cốc, còn mình thì lĩnh đại quân tiến công phía
tây Kỳ Sơn. Vì vậy, chia quân không phải là việc không nên làm. Nhưng Gia Cát
Lượng phái Triệu Vân, Đặng Chi, không phái Ngụy Diên, ai nấy đều nghĩ Gia Cát
Lượng không tin Ngụy Diên.
Có thể xem xét chuyện này. Bởi vì thứ
nhất, quân của Triệu Vân và Đặng Chi chỉ là “nghi binh”, không nhất thiết phải
cử ai đó. Huống chi, địa vị của Triệu Vân lúc này không hề thấp hơn Ngụy Diên
(Niên hiệu Kiến Hưng năm đầu hai người đều được phong Đình hầu, chức vụ Triệu
Vân là Trung hộ quân, Trấn đông tướng quân, chức vụ Ngụy Diên là thừa tướng tư
mã, Lương châu thứ sử). Phái Triệu Vân không phái Ngụy Diên, không thể nói là
không tín Ngụy Diên. Thứ hai, từ lí lịch của Ngụy Diên, ta biết Ngụy Diên là
người được Gia Cát Lượng trọng dụng, sinh thời, Lưu Bị quý mến Ngụy Diên, được
coi là “trọng thần của tiên chủ”. Dưới thời Lưu Bị, Ngụy Diên đã từ Nha môn tướng
quân, Trấn viễn tướng quân làm tới Trấn bắc tướng quân. Lúc Gia Cát Lượng, phò
tá Lưu Thiền, còn được phong là Đô đình hầu. Năm Kiến Hưng thứ V (Công nguyên
năm 227), Gia Cát Lượng vào ở Hán Trung, phái cử Ngụy Diên là Tiền bộ chỉ huy
quan (đốc tiền bộ), kiêm nhiệm thừa tướng Tư mã, Lương châu thứ sử. Năm Kiến
Hưng thứ VIII (Công nguyên năm 230), lại thăng Ngụy Diên làm Tiền quân sư,
Chinh tây đại tướng quân, giá tiết. Tước vị cũng thăng lên hai bậc, từ Đình hầu
(Đô đình hầu) thăng làm Huyện hầu (Nam Trịnh hầu). Ngoài ra, Tam quốc chí - Lưu
Diễm truyện, lúc Lưu Diễm và Ngụy Diên sinh mâu thuẫn, Gia Cát Lượng liền trách
cứ Lưu Diễm. Cho nên, nói như vậy e không được.
Lại nói về Tý Ngọ cốc. Đây cũng là vấn
đề mà lịch sử bàn luận nhiều. Tiêu điểm bàn luận là xem xem kỳ mưu của Ngụy
Diên có thể thực hiện được không. Một phái nói, thực tiếc là Gia Cát Lượng đã
không dùng kế của Ngụy Diên. Chứng ta đều biết, đối với lần Bắc phạt này của
Gia Cát Lượng, bên phía Tào Tháo không hề có chuẩn bị (không có chuẩn bị). Chờ
khi quân Thục xuất hiện ở ba quận Kỳ Sơn, Nam An, Thiên Thuỷ, đồng thời “quân
phản Ngụy hưởng ứng Lượng”, kết quả “Quan Trung chấn động”, tập đoàn Tào Ngụy
“triều dã khiếp sợ”. Lúc này, nếu năm ngàn tinh binh của Nguỵ Diên cũng xuất hiện
ở Tràng An thì tình hình sẽ như thế nào? Tiếc rằng Khổng Minh đã thận trọng quá
mức, làm mất cả cơ may. Nói như vậy, đương nhiên là có lý. Có điều chúng ta
cũng đừng xem thường ý kiến của phái phản đối. Họ cho rằng, phương án của Ngụy
Diên còn nhiều sơ xuất. Ví dụ, Ngụy Diên cho rằng Hạ Hầu Mậu sẽ bỏ thành tháo
chạy. Nhưng vạn nhất hắn không chạy thì sao? Hoặc Hạ Hầu Mậu chạy, nhưng các tướng
lĩnh vẫn cố thủ thì sao? Vả lại danh tướng nước Ngụy như Quách Hoài vẫn ở gần
đây. Một khi Tràng An tử thủ, Quách Hoài đến cứu, thì đội quân không có nhiều
lương thảo của Ngụy Diên hẳn sẽ bị vây khốn. Ngụy Diên nói, đại quân của Gia
Cát Lượng từ Tà Cốc lên bắc sẽ đến ngay sau đó, nhưng nếu không đến được thì thế
nào? Nên nhớ, bất luận là Tý Ngọ hay Tà Cốc đều phải qua đỉnh cao sườn dốc, đường
đi hiểm trở, khí hậu thất thường, hành trình thực khó chính xác. Đường xa tập
kích, cơ hội khó lường. Dùng binh ngàn dặm, càng phải thận trọng. Huống chi
quân lính của Ngụy Diên phải trèo đèo lội suối, gian khổ muôn phần, đến Tràng
An thì như dây cung đã căng hết cỡ, làm sao địch nổi Hạ Hầu Mậu kiên trì ngồi bên
gốc cây chờ thỏ, lấy sức nhàn địch sức kiệt? Vì vậy, Gia Cát Lượng không dùng kế
của Ngụy Diên là đúng.
Theo tôi, mấy cách nói trên đều có lý
nhưng chưa cơ bản. Cơ bản là gì? Là vấn đề chính trị. Chiến tranh là tiếp nối của
chính trị, huống chi Gia Cát Lượng mở đầu là nhà chính trị. Điều tính đến đầu
tiên của nhà chính trị khi tiến hành chiến tranh là chính trị rồi mới đến quân
sự. Đó là điều quyết định khiến Gia Cát Lượng theo Ngụy Diên hay không.
Vậy vấn đề chính trị mà Gia Cát Lượng
tính toán là gì?
Trước hết phải làm rõ một vấn đề lớn:
Vì sao phải Bắc phạt. Trong Xuất sư biểu đã nói rõ. Theo cách hiểu thông thường,
mục đích Bắc phạt là 16 chữ ghi trong “Xuất sư biểu”: Bắc định Trung Nguyên, trừ
bỏ gian hùng, phục hưng Hán thất, về lại đô cũ. Đó là lý tưởng đúng đắn của Gia
Cát Lượng. Tôi nói lại, chính lý tưởng đó là điểm Gia Cát Lượng khác với các
mưu sĩ khác và Gia Cát Lượng luôn ghi nhớ lý tưởng đó.
Nhưng chúng ta lại muốn hỏi: Gia Cát
Lượng có thực hiện được lý tưởng của mình không?
Không. Nhiều lần Gia Cát Lượng Bắc phạt.
Tuy có giành được một ít thắng lợi như lấy được Vũ Đô, Âm Bình, giết chết Vương
Song, Trương Cáp, nhưng nhìn chung, là công cốc, được không bù mất, mục tiêu
“phục hưng Hán thất, về lại đô cũ” ngày càng xa dần. Đương nhiên, không phải vì
Gia Cát Lượng vô năng, không gắng sức, mà vì thế tất phải thế.
Có ba điểm để nói cái “Thế” ở đây.
Thứ nhất, Tào Nguỵ không thể nhanh
chóng diệt vong.
Trong con mắt, miệng lưỡi, lòng dạ Lưu
Bị và Gia Cát Lượng thì Tào Ngụy là “Hán tặc” là “tội nhân”. Về mặt lập trường
chính trị chưa bao giờ họ bỏ qua (Tôn Quyền đã bỏ qua). Theo Gia Cát Lượng tập,
sau khi Lưu Bị qua đời, một số người bên phía Tào Ngụy, bao gồm Tư đồ Hoa Hâm,
Tư không Vương Lãng, Thượng thư lệnh Trần Quần, Thái sử lệnh Hứa Chi có thư
khuyên hàng tới Gia Cát Lượng, nhưng Gia Cát Lượng luôn công khai tỏ rõ thái độ
“chính nghĩa”. Qua câu cuối cùng “theo chính đạo đánh kẻ có tội” trong bài phát
biểu khẳng khái, hùng hồn của Gia Cát Lượng, chúng ta thấy rõ tính chất các cuộc
Bắc phạt. Gia Cát Lượng cho rằng mình đã phát động chiến tranh chính nghĩa.
Không có gì lạ về câu nói của Gia Cát
Lượng. Nếu không thế, đã không phải là Gia Cát Lượng. Câu nói “Theo chính đạo
đánh kẻ có tội” có thể là khẩu hiệu chính trị, là lời động viên binh sĩ. Nhưng
thực chất đó chỉ là câu nói theo sách. Những năm cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại
loạn. Lúc này, bất kể là ai đứng ra lo việc đất nước, thống nhất về một mối,
khiến dân chúng được an cư lạc nghiệp thì đó là chính nghĩa. Nhưng sau khi đất
nước đã chia ba theo thế chân vạc thì lại khác. Đúng ra thì cả ba nhà Ngụy, Thục,
Ngô đã muốn thống nhất Trung Quốc; mặt khác, họ đều muốn độc bá thiên hạ. Ta
không thể nói, chỉ có Thục Hán đứng ra thống nhất mới là “chính đạo”. Tào Ngụy
thống nhất là “có tội”. Hơn nữa, Thục Hán tự cho mình là “chính đạo” còn vì
mình mang họ Lưu. Vậy Lưu Bị mang họ Lưu, còn Lưu Biểu, Lưu Chương có mang họ
Lưu không? Kinh châu và Ích châu “Giang sơn đổi chủ”, chẳng lẽ vì Lưu Bị “chính
nghĩa”, còn Lưu Biểu, Lưu Chương là “có tội”? Không phải thế chứ! Đúng như
trong bài “Nhìn lại Long Trung đối” của ngài Điền Dư Khánh, Lưu Bị nhờ vào “sự
dối trá lúc dở sống dở chết ở Mang Đãng”, “sự ngu muội, hèn kém của đối thủ” đã
nuốt sống cha con Lưu Biểu cùng thế lực của Lưu Chương. Làm rõ điều này thì liệu
ngài Khổng Minh còn dám lớn tiếng nói “theo chính đạo đánh kẻ có tội” nữa
không?
Trên thực tế phía Tào Ngụy không hề
nghĩ thế nào là “có tội”. Năm đó, Tào Tháo tuyệt không dám xưng đế vì cả trong
lẫn ngoài đang có nhiều khó khăn. Không phải vì Tào Tháo tự biết “Lật Hán là có
tội” mà vì những mâu thuẫn trong giai cấp sĩ tộc. Sĩ tộc xem thường Tào Tháo “kẻ
hình dung xấu xí” (lời Trần Lâm), cũng không thích câu nói “có tài là dùng” của
Tào Tháo. Nhưng Tào Phi đã giải quyết được những vấn đề này. Dựa vào “chế độ cửu
phẩm”, Tào Phi hoà giải với sĩ tộc, giai cấp sĩ tộc đã ủng hộ chính quyền Tào
Ngụy. Bên phía họ, đã thành một khối “đoàn kết yên định”! Gia Cát Lượng đã tính
tới điểm này. Lúc chú giải Tư trị thông giám, Hồ Tam Tỉnh đã nói, mọi người đều
cho rằng, Gia Cát Lượng vì nhát gan, ngại việc (Gia Cát Lượng vì sợ nên không
dùng kế của Ngụy Diên), kỳ thực không phải thế. Khi đánh trận phải hiểu rõ vua,
tướng bên đối phương là ai (phàm lúc động binh phải biết chúa của địch, tướng của
địch). Sở dĩ Gia Cát Lượng “không dùng kế của Ngụy Diên” vì đã biết “Ngụy chủ
minh lược, còn có Tư Mã Ý, không thể xem nhẹ”. Tào Nguy không dễ ngả nghiêng, đẩy
là đổ.
Trong chiến dịch Bắc phạt, Gia Cát Lượng sử dụng trâu gỗ ngựa gỗ (Tranh của Winnie Wang - Vision Times) |
Thứ hai, Ích châu không phải là nơi tiến
thủ.
Mọi người đều biết, Thục Hán tuy ở trong
vùng chính, nhưng thực tế, đó chỉ là một châu, chiếm được một góc. Hãy nhớ,
không phải “yên được một góc”, mà là “chiếm được một góc”. Tôi thấy ngài Điền
Dư Khánh nói chiếm được là tinh tế và chính xác. Đây cũng chính là điểm khác biệt
giữa Thục Hán và chính quyền cát cứ các vùng đất khác trong lịch sử. Thục Hán
là “nước nhỏ có hùng tâm”, không hề thay đổi cách nghĩ “Bắc định Trung Nguyên,
về lại đô cũ” (ít ra ở cửa miệng là vậy). Vì thế mới là “chiếm được”, không phải
là “yên được”. Sau khi Gia Cát Lượng tạ thế, tình hình đã thay đổi ít nhiều.
Lưu Thiền, Tưởng Uyển, Phí Y đều không còn hứng thú với việc Bắc phạt. Tận khi
Khương Duy muốn dựng lại nghiệp cũ thì “chiếm” cũng không được, mà “yên” cũng
không thành.
Cũng chẳng còn cách nào khác. Nhớ lại lúc
Công Tôn Thuật, xưng hiệu, lập quốc ở Thành Đô (Đông Hán Quang Vũ đế, Kiến Võ
năm đầu đến năm thứ XII), 12 năm bàn cứ trên đất Thục, nhiều lần vào ra Tam Hiệp
cũng chưa thể vượt qua Kinh châu, về sau lúc vào Thục, Lưu Yên đành phải tránh
loạn thế giữ yên thân. Nguyên nhân vì đất Thục, lánh nạn thì được, giữ thành
thì được, nhưng không thể trở thành nguồn mạch, căn cứ địa để “Bắc định Trung
Nguyên”. Nhìn vào bản đồ thì rõ, phía bắc Ích châu có Hán Trung, phía đông có
Tam Hiệp, Kiếm Các dễ thủ, Quỳ Môn hiểm trở, đường Thục lại khó đi, ngăn người
cũng chính là ngăn mình! Vì vậy người ở đất Thục, đóng cửa lại, sống qua ngày
thì không sao. Còn như xông ra ngoài để lấy thiên hạ thì khó. Nói cách khác,
Lưu Bị vào Thục là vào rương có bảo hiểm, là vào một ngõ cụt.
Từ đây mới thấy, đối với Lưu Bị, Gia
Cát Lượng thì đoạt được Ích châu từ tay Lưu Chương vừa là hạnh phúc vừa là bất
hạnh. Hạnh phúc vì đã có được mảnh đất để yên thân, dựng nước, không còn sợ kẻ
thù ngăn cản, vây ráp; bất hạnh vì sự nghiệp quy hoạch trong Long Trung đối đã
tới giới hạn và đỉnh điểm. Đúng như trong Nhận thức lại (Long Trung đối) của
ngài Điền Dư Khánh nói: “Lịch sử quyết định Lưu Bị chỉ là vai diễn chạy nạn và
muốn sống, lịch sử chỉ cho Gia Cát Lượng vũ đài chính trị là nước nhỏ, dân thưa”.
Đương nhiên, nước nhỏ cũng phải chiếm được, vào Thục là ứng với điều đó. Nhưng,
“Bắc định Trung Nguyên, về lại đô cũ”... chỉ có thể hư trương thanh thế, lấy
công để thủ, không phải là thực. Sự thực thì như ngài Điền Dư Khánh đã nói,
“Lưu Bị ra Hiệp, toàn quân bị tiêu diệt; Gia Cát Lượng Bắc phạt, nhiều lần
không thành”. Điều đó không liên can gì đến tài năng và tố chất của hai người;
mà là điều kiện đã cản trở. Hoặc nói như Ôn Đình Quân “Trung Nguyên được hươu
không do người”.
Lý Nghiêm "ngã ngựa" bởi một sai lầm sơ đẳng là điều khiến nhiều học giả đương đại đặt nghi vấn về việc "bàn tay đen" sắp đặt màn kịch. |
Thứ ba, Gia Cát Lượng không phải là tướng
tài thao lược.
Tào Ngụy không thể diệt vong nhanh
chóng vì không có thiên thời; Ích châu không phải là đất tiến thủ vì không được
địa lợi. Ưu thế có được bên Thục Hán chỉ là “Nhân hoà”. Nhưng đáng tiếc, ngay cả
ưu thế đó cũng không còn mấy giá trị. Không còn nghi ngờ gì nữa, sau khi chấp
chính, Gia Cát Lượng luôn lấy mình làm mẫu, trị nước theo phép, nên nước Thục
không còn cảnh hỗn loạn như thời cha con Lưu Yên, Lưu Chương. Có điều, khi Bắc
phạt lần đầu, vẫn còn thế lực của Lý Nghiêm, vẫn còn bất mãn, không phục Gia
Cát Lượng. Chỉ tới lúc Gia Cát Lượng giết Mã Tắc, phế Lý Nghiêm, về cơ bản, thế
cục mới yên tĩnh. Nhưng vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Thục Hán vẫn
tồn tại. Và cũng vì mâu thuẫn đó, Thục Hán cuối cùng đã diệt vong. Điều thứ nhất
là như vậy.
Điều thứ hai, bản thân Gia Cát Lượng
chưa có đủ điều kiện thống lĩnh ba quân đoạt thiên hạ, Gia Cát Lượng là nhà
chính trị kiệt xuất, nhung chưa hẳn đã là nhà quân sự kiệt xuất. Điều này là có
nguyên đo. Trần Thọ đã nói rất rõ, đặc điểm của Gia Cát Lượng là “Trị quân là sở
trường, kỳ mưu là sở đoản; lo liệu việc dân hơn là lo liệu việc tướng”. Cũng tức
là, tài năng về chính trị của Gia Cát Lượng hơn hẳn tài năng về quân sự. Trong
tài năng quân sự, giỏi trị quân hơn là dùng quân. Vì vậy, để Gia Cát Lượng lo
việc nước là hay nhất; để Gia Cát Lượng trị quân cũng không có vấn đề gì. Nhưng
muốn có kỳ mưu, xuất kỳ binh thì đều không phải là điểm mạnh của Gia Cát Lượng
(tướng lược ứng biến, không phải là sở trường của Gia Cát Lượng).
Đây vốn là sự đánh giá mạnh dạn và đầy
đủ, nhưng về sau hậu thế còn nhiều tranh cãi. Phái phản đối dựa chính vào những
điều ghi trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, lúc Tư Mã Ý đi thị sát quân
doanh của Gia Cát Lượng, từng thốt lời khâm phục “đúng là thiên hạ kỳ tài”. Thực
tình thì Tư Mã Ý rất tán thưởng tài trị quân của Gia Cát Lượng. Còn về cách
dùng binh của Gia Cát Lượng lại có cách đánh giá khác. Lời bình đó được ghi
trong Tấn thư - Tuyên đế kỷ, nguyên văn như sau “Lượng chí lớn nhưng không biết
thời cơ, nhiều mưu nhưng ít quyết, thích quân nhưng không quyền”. Tạm dịch ra
là: con người Gia Cát Lượng, chí hướng lớn lao nhưng không nắm bắt được thời
cơ, mưu trí rất nhiều nhưng thiếu quyết đoán, thích dùng binh nhưng không biết
quyền biến, nói đơn giản là chí lớn tài sơ, không giỏi đánh trận. Vì vậy Tư Mã
Ý mới nói, đừng thấy Gia Cát Lượng người đông thế lớn, khí thế bừng bừng mà ngại,
cứ chờ đây rồi sẽ bị tiêu diệt trong ngày một ngày hai (có mười vạn quân, nhưng
đã trúng kế, tất sẽ bị phá). Rất nhiều nhà sử học đã nói tới sai lầm trong cách
dùng binh của Gia Cát Lượng trong những lần Bắc phạt. Chúng ta không cần phải
nói thêm.
Ba điều trên là nguyên nhân chủ yếu
khiến Gia Cát Lượng Bắc phạt không thành công. Còn như nhà lý học thời Tống từng
trách cứ Gia Cát Lượng “đạo không thuần, lý không hết”, lời nói này không có cơ
sở, không đáng phải phản bác.
Vấn đề là, chính Gia Cát Lượng có thấy
được những điều này không?
Đã thấy Gia Cát Lượng vô cùng thông
minh. Sự thực bày ra trước mắt, lẽ nào lại không thấy! Có thể, lần đầu Bắc phạt,
Gia Cát Lượng còn tương đối lạc quan (nhưng cũng rất thận trọng), nhưng về sau
đã tỉnh táo hơn. Trên thực tế, lúc quy hoạch cho Lưu Bị ở Long Trung năm đó,
Gia Cát Lượng đã nói rất rõ, Bắc định Trung Nguyên, phục hưng Hán thất, một
mong thiên hạ có biến, hai mong ra quân bằng hai đường. Lúc này, thiên hạ không
biến động, Kinh châu đã mất, lẽ nào đó lại là lúc có thể Bắc phạt để diệt Nguy?
Trâu gỗ ngựa máy của Gia Cát Lượng |
Nói như thế lại có vấn đề: Đã vậy thì
vì sao Gia Cát Lượng vẫn một mực phải Bắc phạt?
Đáp án đã có trong Xuất sư biểu. Xuất
sư biểu nói ngay trong phần mở đầu: “Tiên đế sáng nghiệp nửa chừng đã khuất.
Thiên hạ chia ba, Ích châu khốn khó, trở thành nguy cấp tồn vong”. Đó là sự thực.
Nhưng nếu cho rằng “nguy cấp tồn vong” vì Tào Ngụy uy hiếp, là một sai lầm lớn.
Sau trận chiến Xích Bích, phía Tào Ngụy chưa hề phát động tấn công Lưu Bị hoặc
Thục Hán (với Tôn Quyền đã có mấy lần). Ngược lại, Lưu Bị đã tấn công Hán
Trung, Quan Vũ vây Tương Phàn, Khổng Minh ra Kỳ Sơn, mấy lần khiêu chiến. Vì vậy,
“Ích châu khốn khó” không thể đổ hết lên đầu Tào Ngụy. Phía Đông Ngô cũng không
có uy hiếp. Sau lúc Gia Cát Lượng chấp chính, liên minh Ngô Thục đã được khôi
phục, hai bên chung sống hoà bình, yên ổn vô sự. Vì vậy, chính do nội bộ, mới
có sự “khốn khó” ở Ích châu.
Trên thực tế, một nguyên nhân quan trọng
khiến Gia Cát Lượng phải Bắc phạt là “muốn yên trong phải quấy bên ngoài”. Chiến
tranh là thủ đoạn tốt nhất để chuyển dịch sự chú ý, để tăng cường sức ngưng tụ.
Thực dễ dàng quản lý hay trị lý một đất nước trong trạng thái chiến tranh. Muốn
trừng trị hoặc trấn áp phe phản đối cũng dễ dàng hơn. Đó là một lẽ.
Thứ hai, tuy là Tào Ngụy và Tôn Quyền
không trực tiếp uy hiếp, nhưng Thục Hán vẫn là nước yếu nhất trong ba nước.
Trong thời đại cá lớn nuốt cá bé thì kẻ yếu phải cố gắng ra vẻ mình mạnh. Hậu
Xuất sư biểu nói: “Không đánh giặc thì vương nghiệp sẽ mất. Ngồi chờ mất thì
chi bằng cứ đánh”. Có thể Gia Cát Lượng không nói câu đó, nhưng nói vậy là đúng
(Hậu Xuất sư biểu nghi là giả). Đúng vậy, “lấy yếu làm mạnh để tự bảo vệ” (Hoa
Dương quốc chí. Hậu chủ chí). Nếu không chủ động tấn công là ngồi yên chờ chết.
Hơn nữa trong quá trình tấn công có thể có cơ hội thắng. Vì vậy trong Độc Thông
giám luận của Vương Phu Chi nói, Gia Cát Lượng Bắc phạt là để “lấy công mà thủ”.
Một mặt, thông qua chiến tranh để bảo vệ mình (củng cố để tồn tại); mặt khác,
thông qua chiến tranh hòng tìm cơ hội (lấy tiến để chờ thời). Vương Phu Chi
nói, chính từ đây có thể nói, Gia Cát Lượng là người biết nhìn xa trông rộng
(công giỏi tính toán là ở chỗ này).
Thứ ba, Gia Cát Lượng là người có lý
tưởng và lý tưởng đó không bao giờ thay đổi. Đối với một người có lý tưởng thì
một khi có cơ hội, họ sẽ ra sức để thực hiện lý tưởng đó. Vấn đề là ở chỗ, lý
tưởng không đổi nhưng tình thế đã biến đổi. Vì vậy, mục tiêu và sách lược cũng
phải thay đổi. Tức là, một mặt giơ cao ngọn cờ “phục hưng Hán thất, về lại đô
cũ”, giữ vững nguyên tắc “không chung sống với Hán tặc”, không ngừng Bắc phạt;
mặt khác, lại phải tuần tự nhi tiến, biết dừng đúng lúc, thận trọng, từng bước
thận trọng, không thể như Quan Vũ làm mất Kinh châu hay như Lưu Bị thất bại nặng
nề ở Khiếu Đình.
Muốn yên trong phải quấy ngoài, nước
nhỏ cần phải làm ra mạnh, phải giữ vững lý tưởng, cả ba điểu đó nói gọn lại là “lấy
công để thủ”. Chữ “thủ” là giữ vững chính quyền Thục Hán, là giữ vững tập đoàn
Kinh châu và còn là giữ vững đạo đức. Lẽ nào lại có thể nói hết mọi điều phức tạp
đó với Ngụy Diên? Nói sao cho rõ ràng? Nói như Vương Phu Chi “công có điều khó
nói, không thể nói rõ từng việc với Ngụy Diên”. Gia Cát Lượng biết rõ Ngụy Diên
có chí lớn diệt Tào, mong mỏi được lập công (sau này chính Ngụy Diên đã nói “ta
muốn lĩnh chư quân đi đánh giặc”). Biết rõ mọi điều thì chắc là Ngụy Diên sẽ phải
nhảy lên!
Hơn nữa, Gia Cát Lượng cũng cần có những
“phần tử chống Tào” kiên quyết như Ngụy Diên. Luôn có những người biết xông lên
trước là điều hay trong việc thực hiện kế hoạch “lấy công để thủ”. Vì vậy,
không cần và cũng không thể nói hết mọi chuyện với Ngụy Diên.
Ngụy Diên là “phần tử chống Tào” kiên
định nhất, có cùng một lý tưởng chính trị như Gia Cát Lượng, vậy vì sao Gia Cát
Lượng còn phải nói “nếu Diên không theo lệnh, quân cứ xuất phát”? Về điều này,
chỉ có thể suy đoán. Theo tôi, có hai nguyên nhân: một là ngăn không được, hai
là giữ Thục Hán. Chúng ta đều biết, Ngụy Diên không chỉ là “phần tử chống Tào”
kiên định mà còn là người tự thấy mình cao siêu, phi phàm; có thể chỉ có Gia
Cát Lượng mới giữ được Ngụy Diên. Về phần mình, Ngụy Diên khẩu phục nhưng tâm
không phục Gia Cát Lượng, luôn ca cẩm sau lưng. Vì vậy, Gia Cát Lượng mới nghĩ
Ngụy Diên sẽ không theo lệnh, mới đoán Ngụy Diên sẽ tiếp tục Bắc phạt (tiếc rằng
Ngụy Diên không như vậy). Ngăn không được thì cứ để cho đi. Vì vậy, Gia Cát Lượng
mới không nói “Nếu Diên không theo lệnh thì giết đi” mà nói “Nếu Diên không
theo lệnh, thì mặc ông ta”. Điều quan trọng lúc này, đại quân phải về gấp để bảo
vệ Thục Hán. Điều này quan trọng hơn việc tiêu diệt Tào Ngụy. Có giữ được Thục
Hán, mới nói tới chuyện tiêu diệt Tào Ngụy.
Tiếc thay việc không do người. Gia Cát
Lượng mất được 30 năm thì Thục Hán cũng mất nốt. Vì sao Thục Hán diệt vong?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét