Quyết sách đánh Thục của Tư Mã Chiêu |
Tập thứ bốn mươi hai: BẤT LỰC, VỀ TRỜI
Tác giả Dịch Trung Thiên
Công nguyên năm 263, vua tôi Lưu Thiền
không đánh mà hàng. Đây là câu đố cuối cùng không có lời giải trong lịch sử Thục
Hán. Quang Lộc đại phu Tiều Chu, có chức không quyền, là người có tác dụng quan
trọng lúc đó. Vì sao Tiều Chu ra sức chủ trương đầu hàng Tào Ngụy? Vì sao Lưu
Thiền phải nghe lời ông ta? Vì sao triều đình Thục Hán còn ít người muốn chống
lại, nhiều người đã mất hết ý chí? Đằng sau việc Thục Hán nhanh chóng diệt vong
có nguyên nhân chính trị, bối cảnh chính trị nào không?
Ở đây chúng ta nói về sự diệt vong của
Thục Hán.
Thục Hán là nước đầu tiên diệt vong
trong ba nước, nhiều nhà sử học cảm thấy khó nghĩ. Thứ nhất, các sử gia luôn thấy
rằng, Thục Hán là nước có sự trị lý tốt nhất, vì sao lại diệt vong sớm nhất? Thứ
hai, đất Thục “vững chắc vì hiểm trở” (lời Đặng Chi trong Tam quốc chí - Đặng
Chi truyện) không đánh được người khác, chẳng nhẽ lại không giữ được? Thứ ba, từ
lúc Tào Ngụy ra quân đến lúc Lưu Thiền đầu hàng, vẻn vẹn có hai tháng, vì sao
Thục Hán mất nước nhanh như vậy? Mọi người lấy làm khó hiểu.
Có điều, khó vẫn chỉ là khó, suy nghĩ
vẫn chỉ là suy nghĩ. Kết luận có được gồm bốn điều, Lưu Thiền hôn dung, Hoàng Hạo
lộng quyền, Trần Chi loạn chính, Tiều Chu lụy nước. Tất cả đều có chứng cứ.
Chúng ta đều biết, tháng tám niên hiệu Cảnh Nguyên thứ IV (Công nguyên năm 263,
nửa năm đầu là Thục Hán Cảnh Diệu năm thứ VI, nửa năm sau là Thục Hán Viêm Hưng
năm đầu), quân Ngụy xuất phát từ Lạc Dương, quyết định đánh Thục vào tháng năm.
Theo Tam quốc chí - Khương Duy truyện, sau khi biết tin, Khương Duy dâng biểu
lên Lưu Thiền, đề xuất biện pháp bố phòng (năm thứ VI, Duy dâng biểu lên Hậu chủ),
mong Lưu Thiền nhanh chóng phái Trương Dực và Liêu Hoá ra giữ cửa Dương An và đầu
cầu Âm Bình “đề phòng trước”. Nào ngờ lúc này Lưu Thiền chỉ nghe Hoàng Hạo.
Hoàng Hạo lại tin lời thầy mo. Thầy mo cho hay quân thù sẽ không tới. Hoàng Hạo
tin theo và để Lưu Thiền huỷ tờ công văn đó, kết quả là văn võ cả triều không
hay biết đại hoạ sắp tới gần (quần thần không biết). Thế là Lưu Thiền hôn dung,
Hoàng Hạo lộng quyền!
Hoàng Hạo là ai vậy? Là hoạn quan Lưu
Thiền tin tưởng. Mọi người đều biết, một trong những nguyên nhân khiến Đông Hán
diệt vong là hoạn quan can dự triều chính. Một bài học không dễ gì quên được.
Vì vậy, lúc sinh thời Gia Cát Lượng luôn để Đổng Doãn, con của Đổng Hoà, là “Tổng
quản Đại nội” (lo việc trong cung). Theo Tam quốc chí - Đổng Doãn truyện, Gia
Cát Lượng cử Đổng Doãn là Thị trung, Hổ bôn Trung lang tướng, thống soái Túc vệ
thân binh và trong Xuất sư biểu còn dặn dò Lưu Thiền để Thiền lưu tâm “nghe rõ
mọi việc lớn bé trong cung”. Đổng Doãn không phụ sự kỳ vọng đó, trông nom Lưu
Thiền, Hoàng Hạo chặt chẽ (trên thì giúp vua đúng đường, dưới thì quở trách
Hoàng Hạo). Kết quả, lúc còn Đổng Doãn, Lưu Thiền và Hoàng Hạo đều không dám bừa
bãi.
Vào năm Diên Hi thứ IX (Công nguyên
năm 246), Đổng Doãn qua đời, tình hình liền biến đổi. Trần Chi là Thị trung
thay thế Đổng Doãn, đã cùng Hoàng Hạo “trong ngoài ăn cánh”, gian dối xảo trá.
Trần Chi “trên thừa chỉ vua, dưới được bọn hoạn quan giúp sức”, từ đó, Hoàng Hạo
“bắt đầu tham chính, thao túng quyền uy”. Hai người cùng bài xích Khương Duy.
Khương Duy lo sợ không dám trở về Thành Đô, mà trốn ở Đạp Trung theo nghề cày cấy
(người nói là Cam Túc ngày nay, người nói là Thanh Hải). Một đất nước ra nông nỗi
đó, lẽ nào lại không mất? Vì vậy, ngoài việc Lưu Thiền hôn dung, Hoàng Hạo lộng
quyền khiến Thục Hán diệt vong còn một điều nữa là: Trần Chi loạn chính.
Tất cả đều có lý, nhưng cũng chưa phải
hoàn toàn như vậy. Thứ nhất, theo Hoa Dương quốc chí, Tam quốc chí - Gia Cát Lượng
truyện và chú dẫn Dị đồng tạp ký Tôn Thịnh của Bùi Tùng Chi trong Lượng truyện,
bấy giờ không chỉ có Hoàng Hạo chủ trương triệu Khương Duy về để đoạt lấy binh
quyền, còn có Gia Cát Chiêm và Đổng Quyết. Gia Cát Chiêm là con trai Gia Cát Lượng,
đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến tranh đó; Đổng Quyết được Gia Cát Lượng
coi là “lương sĩ”, đương nhiên cũng không phải là “tiểu nhân” gì. Nhưng họ đều
chủ trương triệt tiêu chức vụ đại tướng quân của Khương Duy, đều nhân nhượng với
Hoàng Hạo (Đổng Quyết còn theo Lưu Thiền đầu hàng Tào Ngụy). Vì vậy, không thể
bàn về đạo đức, cũng không thể đổ mọi chuyện lên đầu Hoàng Hạo. Thứ hai, tuy
Hoàng Hạo làm nhỡ việc, nhưng không hề can dự vào việc quân của Khương Duy ở tiền
phương, việc đánh trận là do Khương Duy. Lúc chú thích Tư trị thông giám, Hồ
Tam Tỉnh cho rằng, Khương Duy có trách nhiệm trong việc Thục Hán diệt vong.
Đương nhiên, có thể bàn luận thêm, nhưng ít ra cũng thấy vấn đề tương đối phức
tạp. Thứ ba, Hoàng Hạo chỉ làm nhỡ việc, không hề lụy nước, vì Hoàng Hạo không
chủ trương đầu hàng. Chủ trương đầu hàng là Tiều Chu. Vì vậy, nhiều người cho rằng,
một nguyên nhân khiến Thục Hán diệt vong là do Tiều Chu làm lỡ việc nước.
Có đúng là Tiều Chu làm lỡ việc nước
không?
Có lẽ phải nhắc lại tình hình lúc đó.
Phần trước đã nói, tháng tám niên hiệu Cảnh Nguyên năm thứ IV (Công nguyên năm
263), quân Ngụy xuất phát từ Lạc Dương. Khoảng tháng mười, quân Đặng Ngải xuất
phát từ Âm Bình (nay là huyện Văn, Cam Túc) qua Giang Do (nay là Vũ Bình, Tứ
Xuyên), Cẩm Trúc (nay là thị trấn Đức Dương, Tứ Xuyên), đánh thẳng tới huyện Lạc
(nay là thị trấn Quảng Hán, Tứ Xuyên). Toàn quân đã đến cổng lớn của Thành Đô.
Theo Tam quốc chí - Tiều Chu truyện. Lúc này quân thần Thục Hán đã bị Hoàng Hạo
dối trá, cho rằng quân Ngụy không đến được ngay (địch không đến được), không
chuẩn bị gì (không có kế hoạch giữ thành). Nào ngờ quân của Đặng Ngải đã “đến
ngay trước mắt”, ai nấy cuống quýt, cư dân trong thành kinh hoàng thất sắc, tán
loạn khắp nơi, không sao cản nổi (trăm họ nhiễu loạn, khắp đồng, khắp núi,
không cấm đoán nổi). Lưu Thiền mở hội quân thần, tất cả “không có kế sách”. Một
phe chủ trương “chạy sang Ngô”, vì Đông Ngô là liên minh bằng hữu (Thục và Ngô,
hai nước hoà hảo), có thể họ thu nhận mình; một phe chủ trương “chạy về nam”,
vì “bảy quận ở phía nam, địa thế, dễ dàng giữ yên”, hoặc có thể tránh đi một thời.
Cuối cùng, nên “chạy sang Ngô” hay “chạy về nam”, cả triều bàn luận sôi nổi,
nhưng không thống nhất được.
Lúc này, Tiều Chu lên tiếng.
Tiều Chu không đồng ý “chạy sang Ngô”
cũng không chủ trương “chạy về nam”. Vì sao không nên “chạy sang Ngô”? Tiều Chu
nói, từ xưa không có chuyện sang nước khác, đến với một hoàng đế khác, gửi mình
dưới trướng họ, còn có thể làm thiên tử ư? (thiên tử không gửi thân ở nước
khác). Vì vậy, hoàng thượng của chúng ta sang bên Ngô, chỉ có thể xưng thần (nếu
sang Ngô chỉ là thần phục). Đã xưng thần, sao lại không chọn nước lớn mà chọn
nước nhỏ (là xưng thần nhỏ, to sao được?). Vả quy luật đấu tranh chính trị, xưa
nay vẫn là nước lớn nuốt nước bé (chính lý là thế, lớn nuốt bé, tự nhiên là vậy).
Rồi sẽ thấy, nước Ngụy có thể nuốt nước Ngô, nước Ngô không thể nuốt nước Ngụy,
đó là điều chắc chắn (Ngụy có thể nuốt Ngô, Ngô không thể nuốt Ngụy, rõ là vậy).
Tới lúc đó, chúng ta sẽ phải hàng lần nữa chăng? Nếu nói đầu hàng là nhục, vậy,
chịu nhục hai lần, so với một lần, cái nào đỡ nhục hơn (nhục một lần nữa sao bằng
nhục một lần)? Vì vậy, không thể “chạy sang Ngô”.
Còn như “chạy về nam”, Tiều Chu nói,
không thể nói là không được, nhưng cần phải chuẩn bị (kế hoạch từ trước, sau đó
mới thực hiện). Lúc này, quân địch sẽ nhanh chóng đến dưới thành (đại địch đã gần
kề), họa lớn sẽ lập tức rơi xuống đầu chúng ta (hoạ bại đến gần). Số binh sĩ ít
ỏi kia, số quan dân nhỏ nhoi kia, không còn ai có thể tin tưởng được (liệu còn
tin được số người ít ỏi kia, dù chỉ là một). Chỉ sợ chúng ta ra tới cửa chúng
đã ra tay (e chúng sẽ ra tay, biến đổi khôn lường), làm gì còn xuống được miền
Nam (liệu có xuống nam được không)?
Quân thần Lưu Thiền không một ai phản
đối mớ lý luận trên của Tiều Chu. Cá biệt có người lên tiếng hỏi, lúc này Đặng
Ngải đã sắp tới Thành Đô, e sẽ không cho chúng ta hàng, làm gì bây giờ (e không
nhận hàng, làm sao đây)? Tiều Chu nói, lúc này Đông Ngô chưa thuần phục, nhất định
Đặng Ngải sẽ nhận hàng, không thể không nhận. Sau khi nhận hàng, không thể
không gặp chúng ta. Nếu nước Ngụy không phong đất, tước vị cho bệ hạ, Tiều Chu
này sẽ đến kinh sư tranh đấu theo lý theo lễ (Chu tự đến kinh đô, tranh đấu
theo cổ nghĩa). Kết quả, quân thần Lưu Thiền đều phải yên lặng (mọi người không
thay đổi được ý của Chu). Lưu Thiền vẫn còn do dự, có ý muốn chạy về nam. Thế
là Tiều Chu lại có sớ lên Lưu Thiền nói, đừng bao giờ đến miền Nam. Các dân tộc
thiểu số ở đó vốn đã không phục (còn thù hận nữa), thấy ta “cùng quẫn” tất sẽ
làm phản. Lưu Thiền không nghĩ ngợi gì nữa.
Đã không thể “chạy sang Ngô”, cũng
không thể “chạy về nam”, cách duy nhất là đầu hàng. Rõ ràng, Tiều Chu can hệ lớn
đến việc Lưu Thiền đầu hàng. Còn có thể nói, Tiêu Chu đã khuyên Lưu Thiên đầu
hàng. Như lời Trần Thọ, cả nhà Lưu Thiền bình an vô sự (Lưu thị hết sợ), trăm họ
Thục Hán khỏi cảnh chiến loạn (cả nước yên ổn), đều do mưu kế của Tiều Chu (do
kế của Chu).
Trên đây là cách nói công khai chính
diện. Là thần tử của Tây Tấn và là học trò của Tiều Chu, Trần Thọ chỉ nói được
như vậy. Nhưng những người khác với lập trường đó lại nói Tiều Chu là tên “giặc
đầu trò bán nước”. Vì vậy, họ lên tiếng xỉ vả Tiều Chu là “lụy nước”, là “vô sỉ”,
là “tiểu nhân ti tiện”. Những lời xỉ vả đó còn lưu lại trong lịch sử, mãi mãi
văng vẳng bên tai. Tiều Chu đời đời là “cây cột sỉ nhục trong lịch sử”.
Khương Duy không ngăn được sự sụp đổ của triều Thục |
Có lẽ cũng nên bàn bạc thêm. Thứ nhất,
lúc đó triều đình đang bàn xem chính quyền Thục Hán nên đi đâu, làm gì, quân thần
Lưu Thiền đã mất hết ý chí chiến đấu. Cái khác giữa họ và Tiều Chu là, mọi người
chủ trương chạy, Tiều Chu chủ trương hàng. Thậm chí mọi người cũng không phản đối
hàng, ngại là hàng không được (sợ không nhận hàng thì làm sao). Sau đó, Tiều
Chu vỗ ngực đảm bảo, mọi người không biết nói gì thêm. Rõ ràng, nếu không có Tiều
Chu thì e họ cũng sẽ hàng. Thứ hai, lời nói của Tiều Chu tuy là “lí luận đầu
hàng”, nhưng không thể coi là “lí luận bán nước”. Và dù có là “lí luận bán nước”
thì cũng không thể coi là “một phái nói năng lung tung”. Trên thực tế, Tiểu Chu
nói nhiều câu rất có lý, như “tâm tư của số người ít ỏi đó, không tin được”, miền
Nam vẫn là “người có hại cho nước”, “tất lại phản loạn”. Đều là sự thực. Thứ
ba, cứ coi Tiều Chu là “bán nước” nhưng chắc gì đã là “tiểu nhân”. Vì lúc đó,
trên “ba nước” còn là “thiên hạ”. Cuối cùng thì thiên hạ là quy về một mối.
Trong quá trình thống nhất thiên hạ, người đầu hàng lẽ nào là thiểu số, bao hàm
cả Đổng Quyết, người được Gia Cát Lượng coi là “lương sĩ”. Nếu đều bị coi là
“giặc bán nước” thì e diện đả kích sẽ quá rộng?
Thực tế thì Tiều Chu cũng không phải
là “tiểu nhân” gì. Từ Tam quốc chí - Tiều Chu truyện, chúng ta biết, Tiều Chu mồ
côi, sống cùng mẹ và anh trai, lúc trưởng thành say mê sách cổ, chuyên tâm học
hành (tìm học sách cổ), cuối cùng trở nên vô cùng uyên thâm, Tam quốc chí - Đỗ
Quỳnh truyện gọi Tiều Chu là “thông Nho”. Đương nhiên, học vấn tốt không có
nghĩa là nhân phẩm tốt. Chúng ta từng thấy vô khối người học vấn rất tốt nhưng
nhân phẩm lại rất kém. Nhưng Tiều Chu thì không thế. Tiều Chu không chỉ không
có gì gọi là “bất lương”, ngược lại có nhiều điểm đáng ca ngợi. Ví như gia cảnh
có phần nghèo khổ, nhưng không hể ảnh hưởng tới lòng say mê học thuật, trong
truyện nói là “nhà nghèo, không màng tới sản nghiệp, mải đọc điển tịch, cười
vui một mình, quên lúc nóng lạnh”. Một người an bần lạc đạo như vậy, giống tiểu
nhân chăng? Lại như nói, con người Tiều Chu trông không có dáng, nói năng cứ thẳng
tuột (thể mạo bình thường, nói thực không màu mè). Vì vậy, lần đầu gặp Gia Cát
Lượng, mọi người đều cười Tiều Chu. Lời chú dẫn Thục ký của Bùi Tùng Chi nói,
quan chấp pháp lúc đó, yêu cầu xử lý số người cười Tiều Chu. Gia Cát Lượng nói,
thôi thôi, ta cũng không nhịn được huống hồ người khác (ta cũng không nhịn được,
trách gì tả, hữu)! Nhưng, lúc Gia Cát Lượng bệnh và qua đời thì Tiều Chu là người
đầu tiên chạy ra tiền tuyến lo việc tang lễ. Điều này, giống tiểu nhân chăng? Lại
như, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiền thường ra ngao du ngắm cảnh, còn
tăng thêm người trong ban hát cung đình. Lúc đó, là quan ở chỗ thái tử, Tiều
Chu đã dâng sớ can gián, mong Lưu Thiền “trên theo những việc làm của tiên đế,
dưới làm gương tiết kiệm cho con cháu”. Lại giống như tiểu nhân chăng?
Chung Hội |
Đã không phải là tiểu nhân thì sao có
thể bảo Tiều Chu là kẻ “bán nước”? Chỉ có thê giải thích là, Tiều Chu cho rằng
“nước” này đáng “bán” rồi. Hoặc nói, Tiều Chu cho rằng Thục Hán nên mất từ lâu
và mong cho Thục Hán diệt vong. Vì sao Thục Hán nên mất? Vì thiên hạ cần phải
thống nhất, tất sẽ thống nhất. Cũng theo Tiều Chu, người có thể thống nhất được
thiên hạ là Tào Ngụy, không phải Thục Hán mà là Tào Ngụy. Tào Ngụy thay Hán
“quy về một mối theo mệnh trời”.
Có căn cứ gì để nói như vậy? Có. Căn cứ
có trong Đỗ Quỳnh truyện của Tam quốc chí. Đỗ Quỳnh học vấn uyên bác, là tiền bối
của Tiều Chu, Tiều Chu thường đến học hỏi. Một lần, Tiều Chu đến hỏi câu “Thay
nhà Hán ấy là chỗ cao ở giữa đường”, “Thay nhà Hán ấy là chỗ cao ở giữa đường”
là câu ca dao chính trị cuối thời Đông Hán. Có ý nói, Đại Hán rồi phải thay, nhất
định là đại lộ thênh thang, cao ráo và hùng vĩ. Câu nói nhanh chóng lan truyền
và được Viên Thuật lợi dụng. Vì Viên Thuật tự là “Công lộ”. Dưới con mắt Viên
Thuật thì công lộ “là chỗ cao giữa đường”. Nhưng Viên Thuật không làm nên chuyện.
Vì vậy phải giải thích lại, mới mẻ hơn, thế nào là “chỗ cao giữa đường”. Giới học
thuật ở Ích châu đã giải thích, “chỗ cao giữa đường” tức là Ngụy.
Chu Thư, người học vấn uyên bác ở Ích
châu, từ lâu đã có lời giải thích mới mẻ như vậy. Câu nói lưu truyền ra khắp đất
Thục. Tam quốc chí - Chu Quần truyện nói: “bọn học giả hương đảng tư truyền lời
đó”. Nhưng Chu Thư chỉ nói: “cao giữa đường tức là Ngụy”, không giải thích vì
sao là Ngụy. Tiều Chu đến hỏi Đỗ Quỳnh. Đỗ Quỳnh nói, ý nghĩa không hề đơn giản?
Ngụy là tên của Khuyết (tên Ngụy là khuyết)! Cần phải giải thích thêm, ngoài cửa
cung hai bên đường các chư hầu, thiên tử xưa thường có kiến trúc cao to, gọi là
“khuyết” hay là “quan”. Vì có hình khối cao to, khôi vĩ, nguy nga đồ sộ nên gọi
là “ngụy” hay “ngụy khuyết”. Hai bên ngụy khuyết là nơi treo chính lệnh, nên
còn gọi là “tượng ngụy”. Vì vậy ngụy khuyết hay tượng ngụy còn là tên gọi thay
chữ triều đình. Như thiên “nhường vua” trong “Trang Tử” nói tới những người sống
trong dân gian nhưng không hề quên triều đình, “thân tại giang hải, lòng vẫn ở
ngụy khuyết”. Ngụy khuyết hoặc tượng ngụy là đường chính, cao to và khôi vĩ, lẽ
nào lại không phải là “chỗ cao giữ đường”? Đỗ Quỳnh giải thích cho Tiều Chu là
vậy (ngụy tên là khuyết, như vậy là chỗ cao giữa đường). Đỗ Quỳnh nói thêm, đó
là cách nói ẩn dụ của các bậc tiên hiền (thánh nhân nói đại thể là vậy)!
Nghe Đỗ Quỳnh nói xong, Tiều Chu còn
do dự nhiều. Đỗ Quỳnh lại hỏi, vẫn còn điều gì đó lạ lùng chăng? Tiều Chu nói,
học trò vẫn chưa thật hiểu. Đỗ Quỳnh nói, còn gì chưa rõ! Nghĩ xem, quan phủ,
quan viên thời cổ đều gọi là “Tào” phải không? Sau thời Hán thì sao? Đều gọi là
“Tào”. Cần phải giải thích thêm, theo chế độ thời Hán, chỗ ở của hoàng đế gọi là
cung, thuộc quyền là thượng (như thượng thư); nơi tể tướng ở gọi là phủ, thuộc
quyền là Tào (như đông Tào, tây tào). Được gọi là hoàng cung tướng phủ, cung
thượng phủ tào. Phủ tức là chính phủ. Nơi chính phủ làm việc gọi là “tào”, trưởng
quan của tào gọi là “tào duyện”, lại viên là “thuộc tào”, quân cần vụ là “thị
tào”. Như lời Đỗ Quỳnh thì “tên quan đều là tào, lại là thuộc tào, tốt là thị
tào”. Chữ “tào” ở đây đương nhiên không phải là “tào” trong Tào Tháo. Nhưng sao
lại có điều trùng hợp như vậy? Đỗ Quỳnh bảo đó là ý trời (ý trời vậy)! Theo Đỗ
Quỳnh thì, thuộc tào, thị tào đều thuộc Tào thị, phải hầu hạ Tào thị. Vừa là
“thuộc tào”, “thị tào”, vừa “là chỗ cao giữa đường”. Tiều Chu liền hiểu là: Trời
xanh muốn Tào Ngụy phải thống nhất thiên hạ!
Đặng Ngải |
Thế rồi Tiều Chu bắt đầu lan truyền những
câu nói đại loại như vậy, còn đưa cả tên cha con Lưu Bị vào truyện. Tiều Chu
nói, Tiên đế của chúng ta gọi là gì? Là Bị. Bị có ý gì? Là sẵn sàng. Nói rõ
hơn, là “đầy đủ rồi”. Nay thánh thượng tên là gì? Thiền. Thiền có ý gì? Là thiền
nhường. Nói rõ hơn, tức là “nhường đi thôi”!
Điều sau đây mới đáng nói, một năm trước
lúc nước Thục diệt vong, niên hiệu Cảnh Diệu thứ V (Công nguyên năm 262), cây đại
thụ trước cung Lưu Thiền vô cớ bị gãy, Tiều Chu liền viết biểu ngữ phản động”
lên cột, nói là “chúng to lớn, hạn đã tới, đủ thì nhường, còn gì nữa”. Câu nói
trước Trần Thọ giải thích, chúng là Tào, vì Tào có ý là quần. Ý nghĩa của chúng
nói trong Quảng vận, hào vận là: “Tào, chúng cũng là quần vậy”. Lớn tức là
nguy, bởi vì “ngụy” giống như “nguy” (trong nguy nga), đều có nghĩa là to lớn.
Đủ tức là sẵn sàng, cụ bị, cũng tức là Lưu Bị. Nhường, tức là thiền nhường,
cũng tức là Lưu Thiền. Vì vậy, “chúng to lớn, hạn đã tới”, tức là nói, Tào Ngụy
hỡi Tào Nguy, đã đông đúc lại to lớn, thiên hạ mong muốn được tụ tập về đó. Còn
“đủ thì nhường, còn gì nữa”, tức là nói, Thục Hán ơi Thục Hán đã đủ rồi thì chuẩn
bị nhường đi, làm gì còn có “người sau này”?
Đó là suy nghĩ và lời nói của Tiều
Chu, cũng là nguyên nhân để sau này Tiều Chu “bán” nước Thục chủ trương đầu
hàng. Rõ ràng, Tiều Chu “bán nước” không phải là vấn đề phẩm chất đạo đức, là vấn
đề lập trường chính trị. Nói rõ ra, Tiều Chu muốn ủng hộ Tào Ngụy, phản đối Thục
Hán. Không nghi ngờ gì, Chu Thư cũng vậy, Đỗ Quỳnh cũng vậy, kể cả Tiều Chu, đều
phụ hoạ theo thế nói mạnh đoạt lý, giả thần giả quỷ. Nhưng, thứ nhất, thời đó
đang hứng chuyện này; thứ hai, người người đều thích chuyện này. Tam quốc chí -
Đỗ Quỳnh truyện nói, sau lúc Thục Hán diệt vong, mọi người đều nói Tiều Chu suy
đoán rất chuẩn (lời Chu thực nghiệm). Kỳ thực có gì là chuẩn, chỉ là số người
đó đều mong Tào Ngụy thắng lợi, Thục Hán diệt vong.
Vậy, Thục Hán đã mang tội gì với họ?
Có tới bốn điểm.
Thứ nhất, “chia lợi không đều”. Nếu biết
những người phản đối Thục Hán là ai thì dễ dàng hiểu được điều này. Chu Thư người
Lãng Trung, Ba Tây; Đỗ Quỳnh người Thành Đô, Thục quận; Tiều Chu người Tây
Sung, Ba Tây, những người đã “loan tin phản động”. Ngoài ra còn có Bành Dạng từng
tính chuyện sai trái, bị Gia Cát Lượng giết; Trương Dụ người Thục quận, từng khẳng
định tướng Đông Hán chết, Lưu Bị để mất Kinh châu, về sau bị Lưu Bị giết; Đỗ Vi
người Phù huyện, Tử Đồng, thời kỳ Lưu Bị đã giả câm giả điếc “đóng cửa không ra
ngoài”, khó khăn lắm Gia Cát Lượng mới mời xuống núi, nhưng sau lại “cáo bệnh
cũ xin về”. Rất rõ ràng, đều là những người ở Ích châu.
Lại xem những người được Lưu Bị, Gia
Cát Lượng tín nhiệm và trọng dụng, ngoài Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng
Trung, Triệu Vân còn có Bàng Thống người Tương Dương, Kinh châu; Pháp Chính người
huyện Mi, Phù Phong; Hứa Tĩnh người Bình Hưng, Nhữ Nam; Mi Trúc người huyện Cừ,
Đông Hải; Đổng Hoà người Chi Giang, Nam quận; Ngụy Diên người Nghĩa Dương, Kinh
châu; Dương Nghi người Tương Dương, Kinh châu; Mã Tắc người Nghi Thành, Tương
Dương; Tưởng Uyển người Tương Hương, Linh Lăng; Phí Y người huyện Minh, Giang Hạ;
Khương Duy người huyện Ký, Thiên Thuỷ. Trong số này có người thuộc tập đoàn
Kinh châu, có người thuộc tập đoàn Đông châu, đều không phải là người của Ích
châu. Đương nhiên cũng có người ở Ích châu được tín nhiệm, như là Phí Thi người
Nam An, Kiền Vi; Hoàng Quyền người Lãng Trung, Ba Tây; Vương Bình người Đãng Cừ,
Ba Tây. Có điều, họ được tín nhiệm nhưng bị đánh giá thấp hoặc trước đó không
được tín nhiệm (như Vương Bình) hoặc lại mất tín nhiệm (như Hoàng Quyền) hoặc
giữa chừng có vấn đề (như Phí Thi).
Bình tĩnh mà xét, không phải Gia Cát
Lượng không thấy vấn đề hoặc không làm gì cả. Chính Gia Cát Lượng đã cất nhắc
Dương Hồng người Vũ Dương, Kiền Vi. Theo Tam quốc chí - Dương Hồng truyện, bấy
giờ Lý Nghiêm là thái thú ở Kiền Vi, Dương Hồng là thuộc hạ làm công tào (biện
sự viên). Vì phản đối quận chính quyền dọn nhà nên Dương Hồng chia tay với Lý
Nghiêm, đến Thành Đô và được Gia Cát Lượng phát hiện là nhân tài. Kết quả, Lý
Nghiêm vẫn ở Kiền Vi, Dương Hồng đã là thái thú Thục quận (Nghiêm chưa đi khỏi
Kiền Vi, Hồng đã lên Thục quận). Dương Hồng cất nhắc môn hạ là Hà Chi (nhân
viên sao chép văn thư), sau mấy năm người này đã là Quảng Hán thái thú, lúc này
Dương Hồng vẫn là thái thú Thục quận (Hồng vẫn ở Thục quận). Vì vậy, nhân sĩ ở
Ích châu lúc đó phục Gia Cát Lượng biết tận dụng tài năng của từng người. Ngoài
ra còn một số nhân sĩ ở Ích châu cũng được Gia Cát Lượng tín nhiệm, trọng dụng,
và họ cũng hết sức kính trọng phục tài Gia Cát Lượng, như Trương Duệ người
Thành Đô, Thục quận...
Có điều, những cố gắng đó vẫn chưa đủ
để giải quyết vấn đề một cách cơ bản, và cũng chưa đủ để thay đổi đường lối tổ
chức định sẵn của Lưu BỊ (Kinh châu số một, Đông châu số hai, Ích châu số ba),
càng không thể xoá bỏ được sự ghen tị của tập đoàn Ích châu. Họ tính sổ rất rõ
ràng: quả trứng dù có to đến mấy mà nhiều người ăn, thì đến miệng cũng không được
bao nhiêu, huống hồ “phân lợi lại không đều”! Dưới thời Lưu Chương, họ là “thần
dân loại hai”. Lưu Bị vừa đến, họ đã biến thành “loại ba”, bằng lòng sao được?
Chi bằng cứ để Tào Ngụy thống trị.
Vậy thì Tào Ngụy đã đến và tập đoàn
Ích châu không thể biến thành “thần dân loại bốn”? Không thể. Vì Tào Ngụy muốn
đoạt thiên hạ, không phải chiếm Ích châu để làm vua. Hơn nữa, sau khi thay thế,
Tào Phi thực hiện “chế độ cửu phẩm trung chính”, tức là danh lưu các nơi tự đảm
nhiệm “quan trung chính” của quận, phụ trách tiến cử các nhân sĩ tại chỗ. Sĩ tộc
Ích châu được lợi. Quả nhiên, sau khi diệt Thục, Tư Mã Chiêu và tập đoàn Đông
châu về Trung Nguyên, thực hiện “người Thục trị Thục”. Lúc này tập đoàn Ích
châu mới cảm thấy họ phản đối Thục Hán là rất đúng.
Thứ hai, “Trị Thục quá nghiêm”. Mọi
người đều biết, Gia Cát Lượng chấp chính, thực hiện trị nước theo phép, hành lệnh
nghiêm chỉnh, chấp pháp như sơn. Làm thế là đúng, nhưng không tránh khỏi có một
số người bất mãn. Theo chú dẫn Thục ký của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí -
Gia Cát Lượng truyện có câu: “Lượng hình pháp gay gắt, hà khắc với bách tính, từ
quân tử đến tiểu nhân mang bụng oán thán”. Rất nhiều người không tán thành cách
nói này. Vì một là, Bùi Tùng Chi cho rằng số liệu này là không thực, cách nói của
Bùi Tùng Chi là “chưa nghe nói thiện chính lại khắc nghiệt”. Hai là, Trần Thọ
nói khác, trong lời bình Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, ông nói: “Hình
chính tuy nghiêm nhưng không người oán”, rõ ràng là mâu thuẫn. Trong tình trạng
đó, chúng ta tin chính sử, không tin dã sử, tức là “người Thục không oán”.
Theo tôi, hai cách nói trên không mâu
thuẫn. Vì Gia Cát Lượng trị Thục tuy “nghiêm”, nhưng cơ bản của “nghiêm” là
công bằng (đương nhiên, cũng có lúc chưa công bằng, như giết nhầm Thường Phòng,
hào tộc Ích châu. (Bùi Tùng Chi cho là “giết nhầm người vô tội”). Gia Cát Lượng
công bằng nên được lòng dân. Trần Thọ giải thích về điều này nói, vì sao Gia
Cát Lượng “Hình chính tuy nghiêm nhưng không có người oán than”? Bởi vì Gia Cát
Lượng “dụng tâm bình, khuyên giới minh”. Bình, tức là công chính; minh, tức là
công khai. Đã công chính lại công khai, tức là công bằng. Có điều, công bằng
không có nghĩa là không nghiêm (thực tế thì Trần Thọ cũng thừa nhận là
“nghiêm”). Vì vậy, dân chúng không oán vì không công bằng nhưng vẫn oán vì quá
nghiêm (từ quân tử đến tiểu nhân đều mang lòng oán than). Cũng vì vậy mới thấy
cách nói trong Tam quốc chí trong Thục ký là đúng.
Từ nay ta không còn được ra trận đánh giặc nữa.
Trời xanh thăm thẳm, giận này biết bao giờ nguôi! (Ảnh Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn họa)
Thứ ba là “chiến sự quá nhiều”. Gia
Cát Lượng “mấy lần ra Kỳ Sơn”, Khương Duy “chín lần đánh Trung Nguyên”, đều là
những việc tập đoàn Ích châu phản đối, Tiều Chu đã phát biểu Thù quốc luận. Ở
đây Tiều Chu chỉ rõ, lúc này không phải là cuối triều Tần (không phải lúc hỗn
loạn như cuối Tần) mà là thời đầu của Chiến Quốc (sáu nước cùng chung sống). Vì
vậy, chúng ta không thể là Hán Cao Tổ, nhiều lắm cũng chỉ là Chu Văn vương (được
là Văn vương, khó là Hán tổ). Nếu không thức thời độ thế, cứ lo cùng binh độc
võ (lấy võ tham chiến), thế tất sẽ đổ vỡ (như đất lở), thần tiên cũng không thể
cứu kịp (người có trí cũng đành bó tay)!
Đây là bản tuyên ngôn phản chiến đầu
tiên. Tiều Chu đại diện tập đoàn Ích châu biểu lộ bất mãn mạnh mẽ đối với Gia
Cát Lượng, Khương Duy không tự lượng sức, gây chiến liên miên và cũng là lời phản
đối công khai của tập đoàn Ích châu với nhà đương cục Thục Hán. Thực kỳ lạ, Tiều
Chu không những không bị xử lý, mà về sau quan tới nhất phẩm, trở thành Quang Lộc
đại phu, chức dưới Cửu Khanh. Từ đây cho hay, luận điệu của Tiều Chu đã có đất
sống, nhiều người trong triều cũng ngấm ngầm tán thưởng.
Thứ tư, “dân chúng khổ ải”. Đúng như lời
trong Tam quốc chí - Tiều Chu truyện, “quân ra mấy lần”, kết quả tất nhiên là
“trăm họ tiều tuỵ”, vì chiến tranh cần chi rất nhiều tiền. Tiền đó không xuống
từ trời mà ra từ đất, là mồ hôi, nước mắt của trăm họ. Theo chú dẫn Thục ký của
Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Hậu chủ truyện, lúc Lưu Thiền đầu hàng, dân
Thục có 28 vạn hộ, gần 94 vạn nhân khẩu, có 10 vạn 2 ngàn quân, 4 vạn viên
quan. Như vậy, bình quân cứ 9 người dân phải nuôi một binh sĩ, cứ 7 hộ phải
cung phụng một viên quan. Điều đó thực quá nặng đối với dân Thục!
Đương nhiên, do Gia Cát Lượng luôn là
mẫu mực, nên quan viên Thục Hán nói chung là liêm khiết. Nếu không thì chính
quyền đó đã đổ từ lâu rồi. Nhưng, phải nhớ rằng, điều mà người dân quan tâm là
no bụng. Xem ra, nhà đương cục Thục Hán không làm được điều này. Theo chú dẫn
Hán Tấn Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí – Tiết Tống truyện, Tiết Hứa
sang sứ nước Thục thời đó, trở về nói với Tôn Quyền, xem ra nước Thục sẽ chẳng
còn được bao lâu nữa. Là vì sao? Trong triều không còn nghe lời nói thẳng (vào
triều không nghe chính ngôn), ra đồng không thấy sắc mặt khoẻ mạnh (dân ngoài đồng
sắc mặt xanh như tàu lá). Đúng, một đất nước như vậy, lý nào lại không mất? Dù
Gia Cát Lượng có sống lại cũng phải bó tay!
Vì vậy khi Đặng Ngải và Chung Hội vừa
xuất quân đã có người tên là Trương Đễ đoán chắc rằng Thục Hán sẽ diệt vong. Lí
do một là, đương cục cùng binh tham võ (tham võ vờn giặc), dân chúng thì khổ sở
vô cùng (dân cùng quân kiệt). Trong lời chú dẫn Tương Dương ký của Bùi Tùng Chi
trong Tam quốc chí - Tôn Hạo truyện và trong Tư trị thông giám có ghi lời nói của
Trương Đễ. Trương Đễ và Tiết Hứa đều là người Ngô, họ đoán Thục Hán sẽ mất, quả
nhiên là mất. Vậy, Đông Ngô của họ sẽ thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét