Ngụy Diên là viên tướng có tài năng, dũng cảm; là một trong những trụ cột của nước Thục Hán |
Tập thứ bốn mươi: HỌA TỪ BÊN TRONG
Tác giả Dịch Trung Thiên
Lý Nghiêm bị phế, Mã Tắc bị giết, Ngụy
Diên làm loạn là ba nghi án lớn trong “thời đại Gia Cát Lượng”. Xưa nay luôn có
nhiều ý kiến khác nhau về giai đoạn lịch sử này. Có người nói Ngụy Diên trung
thành hết mực, vô cớ bị hại, hàm oan chịu nhục; có người nói Ngụy Diên là loạn
thần tặc tử, chết chưa hết tội, không phải xét lại; cũng có người nói, án của
Ngụy Diên là từ “tranh chấp nội bộ”, mỗi bên đáng phải đánh năm chục roi. Vậy
đâu là cách nói gần với sự thật lịch sử nhất?
Tập trước đã nói, do việc tranh giành
quyền lực lúc lên lúc xuống, lúc ẩn lúc hiện trong nội bộ chính quyền Thục Hán,
Gia Cát Lượng đã phải lao tâm khổ tứ, tìm trăm phương ngàn kế hòa giải các bên,
thậm chí đã phải dùng cả biện pháp mạnh, dứt khoát. Năm Kiến Hung thứ VI (Công
nguyên năm 228), Mã Tắc bị giết; năm Kiến Hưng thứ IX (Công nguyên năm 231) Lý
Nghiêm bị phế. Hai đòn nặng đó, tuy tạm thời vỗ yên được mối quan hệ giữa ba tập
đoàn lớn Kinh châu, Đông Châu, Ích châu, nhung bệnh thì chưa trị được tới gốc tới
ngọn. Do vậy “cuộc đấu tranh riêng” trong nội bộ chính quyền Thục Hán đã dẫn tới
cái gọi là “Ngụy Diên mưu phản”.
Nhiều người đã hiểu rõ sự kiện “mưu phản”
của Ngụy Diên. Bởi vì Tam quốc diễn nghĩa đã miêu tả sự kiện này thực có thanh
có sắc, tinh tế dễ nghe về mặt văn học, nên đã đi vào lòng người. Nhưng nếu lại
coi đó là lịch sử thì không chỉ oan uổng cho Ngụy Diên, còn oan uổng cho cả Gia
Cát Lượng.
Vì sao lại nói như vậy? Trước hết,
chúng ta xem sử sách nói thế nào đã.
Tam quốc chí - Ngụy Diên truyện cho ta
hay: Tháng tám năm Kiến Hưng thứ XII (Công nguyên năm 234), Gia Cát Lượng lâm bệnh
và qua đời trong quân Bắc phạt. Lúc bệnh đã nặng, Gia Cát Lượng triệu Trưởng sử
Dương Nghi, Tư Mã Phí Y, Hộ quân Khương Duy bàn về bố trí lui quân sau khi mình
qua đời. Lệnh để Ngụy Diên đoạn hậu, thứ đến là Khương Duy. Nếu Ngụy Diên không
theo lệnh, thì mặc, quân lệnh cứ xuất phát (nếu Diên không theo lệnh, quân cứ
xuất phát). Sau lúc Gia Cát Lượng qua đời, Dương Nghi giữ kín không phát tang,
phái Phí Y đi xem Ngụy Diên nghĩ thế nào. Quả nhiên Ngụy Diên không theo lệnh,
đã nổi giận: Thừa tướng tuy qua đời, nhưng Ngụy Diên ta còn sống (Thừa tướng mất,
ta vẫn còn) vẫn có thể tác chiến với Ngụy quân (ta sẽ thống lĩnh ba quân đánh
giặc), vì sao để lỡ mất việc lớn thiên hạ vì một người đã mất? (vì sao một người
mất lại bỏ việc thiên hạ). Hơn nữa, Ngụy Diên ta là ai mà phải nghe Dương Nghi
chỉ huy, phải đoạn hậu cho Dương Nghi (Ngụy Diên là ai mà phải nghe, phải đoạn
hậu cho Dương Nghi)!
Thế rồi Ngụy Diên mặc tất cả, bố trí lại
quân ngũ, còn muốn Phí Y liên danh để bố lệnh. Tất nhiên, Phí Y không ký tên,
còn nói lừa rằng, để tôi về khuyên họ vậy! Dương Nghi là thư sinh (Trường sử là
quan văn), chưa hề đánh trận (ít có việc quân), chắc không chống lệnh của tướng
quân (chắc không vi lệnh). Ngụy Diên nghĩ cũng phải, liền để Phí Y về lại đại bản
doanh. Phí Y ra khỏi cửa đã phóng ngựa chạy như bay. Ngụy Diên nghĩ lại thấy hối,
cho người đuổi theo nhưng không kịp (Diên thấy hối, đuổi theo nhưng không kịp).
Sau cho người đi nghe ngóng, Dương Nghi đã chuẩn bị lui quân, bỏ mặc Ngụy Diên,
theo lời dặn của Gia Cát Lượng (theo lời dặn của Lượng, các doanh theo thứ tự
đã lui quân). Ngụy Diên tức giận hết chỗ nói, đã dẫn quân về nước trước cả
Dương Nghi (lúc quân chưa đi đã đưa quân về Nam), hơn nữa qua sông là chặt cầu,
đi khỏi là đốt sạn đạo[1] (đi xong là đốt sạn đạo). Ngụy Diên không chỉ công
khai trở mặt với bọn Dương Nghi mà còn làm mất đường rút của đối phương. Đồng
thời Ngụy Diên còn dâng biểu tuyên bố Dương Nghi mưu phản. Dương Nghi bị Ngụy
Diên tranh lên trước, chặn mất đường rút, dồn vào chân tường, nên cũng tố cáo
Ngụy Diên là mưu phản. Kết quả “chỉ trong một ngày, hịch cấp đều tới”, tin hàm
của hai bên liên tiếp đến trước ngự tiền, đều nói đối phương “phản nghịch”.
Đương nhiên Lưu Thiền chẳng biết thật giả, đành phải hỏi Đổng Doãn, Tưởng Uyển.
Những người được hỏi đều nói, Dương Nghi không thể làm phản và không có ai đồng
tình với Ngụy Diên (bảo vệ Nghi, nghi ngờ Diên).
Lúc này thì Ngụy Diên thực khó thoát.
Một mặt, triều đình lệnh Tưởng Uyển đem Túc vệ doanh “ra hướng Bắc” nghênh chiến;
Mặt khác, Dương Nghi lệnh công binh chặt cây sửa đường “ngày đêm hành quân”, đuổi
gấp ở phía sau. Ngụy Diên đến trước, đóng quân ở cửa Nam Cốc (cửa Nam đường bao
Tà Cốc ở phía tây bắc thị trấn Hán Trung, Thiểm Tây ngày nay), chặn đánh Dương
Nghi. Dương Nghi lệnh Hà Bình chống trả ở phía trước. Hà Bình tức là Vương
Bình, mẹ họ Hà, bản thân từng được nuôi dưỡng ở nhà ngoại, nên mang họ Hà. Vừa
trông thấy Ngụy Diên, Hà Bình đã xông lên trước, lớn tiếng: “tang lễ thừa tướng
còn chưa làm, các ngươi đã dám thế này (thừa tướng mất, thân còn chưa lạnh, các
ngươi sao dám thế này”)! Bộ hạ của Ngụy Diên nghe xong, biết là phía Ngụy Diên
đã sai, nên họ không muốn liều mạng, đã hò nhau tản hết. Chẳng còn cách nào
khác, Ngụy Diên đành mang con cùng một số thân tín chạy về Hán Trung, cuối cùng
bị Mã Đại giết. Mã Đại theo lệnh của Dương Nghi đã mang thủ cấp của Ngụy Diện về.
Dương Nghi được thủ cấp, bất thần đứng dậy chân đạp vào thủ cấp rồi vừa giãy vừa
chửi rủa: “Đồ chó má, xem người còn làm được chuyện xấu xa nữa không (dung nô,
còn làm điều ác nữa không)! Lại cho diệt cả ba họ Ngụy Diên.
Trên là lời ghi chép về bản án trong
Tam quốc chí - Ngụy Diên truyện. Từ những ghi chép đó dễ dàng thấy cái gọi là
“Ngụy Diên mưu phản”, có thể nói, việc thì có nguyên nhân, nhưng không có chứng
cứ. Vì sao nói “việc thì có nguyên nhân”? Thứ nhất, quân nhân lấy phục tùng làm
thiên chức. Trong những năm tháng chiến tranh, không phục tùng mệnh lệnh của thống
soái, tự mình hành động thì khó tránh khỏi mang tiếng mưu phản. Thứ hai, quay đầu
súng, đưa quân xuống miền Nam, tự mình hành động, ai biết là bạn sẽ làm gì? Thứ
ba, đại quân Bắc phạt vốn là một khối, đơn độc hành động còn tạm được, nhưng vì
sao bạn phải triệt đường lui của người khác? Mọi người sẽ đoán rằng, Ngụy Diên
muốn đánh về Thành Đô lật đổ Thục Hán, không để bọn Dương Nghi quay về cứu giá.
Đổng Doãn, Tưởng Uyển nghi ngờ Ngụy Diên là có lý. Cuối cùng, lúc hai bên tố
cáo lẫn nhau là “phản nghịch” thì bên Dương Nghi không thấy có dấu hiệu gì (thực
tình cũng không có khả năng đó), phía Ngụy Diên không giải thích nổi. Trong
tình trạng chưa rõ sự thực và cũng khó làm rõ sự thực, để giữ yên đất nước,
đành phải giả định Ngụy Diên mưu phản.
Nhưng nếu nói Ngụy Diên làm phản thật
thì chưa đủ chứng cứ và không logic. Rất đơn giản, với thực lực, khả năng lúc
đó của Ngụy Diên, việc tự lập làm hoàng đế e chưa được. Bản thân Ngụy Diên cũng
sẽ không suy nghĩ như vậy. Ngụy Diên muốn làm phản, chỉ có thể phản Hán hàng Ngụy.
Nếu đúng thế thì biện pháp tiện nhất cho Ngụy Diên là lợi dụng thế “đoạn hậu” để
hàng Ngụy, sau đó sẽ là đội quân trước ngựa của Tư Mã Ý rồi quay lại đánh Dương
Nghi. Đó chính là việc Tư Mã Ý có cầu cũng không được. Chúng ta đều biết, giống
như Lưu Bị, sinh thời chỉ sợ một mình Tào Tháo, Tư Mã Ý cũng chỉ sợ Gia Cát Lượng.
Vì vậy vừa nghe tin Gia Cát Lượng tạ thế, Tư Mã Ý sinh quẫn đã muốn hành động
ngay. Theo chú dẫn Hán Tấn Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Gia
Cát Lượng truyện lúc Dương Nghi từ chiến trường lui quân, Tư Mã Ý đuổi theo
nhưng đã bị Khương Duy “giong trống mở cờ” đánh lui, dân gian có câu ca “Gia
Cát chết thì Trọng Đạt sống”. Lúc này nếu Ngụy Diên thực sự phản biến hàng giặc,
quay kích lại đánh, thì tình hình sẽ ra sao, chúng ta đều rõ. Chí ít thủ cấp bị
xéo dưới chân phần nhiều là Dương Nghi, không phải Ngụy Diên. Nhưng Ngụy Diên
không làm thế chỉ là giành đi về Nam trước. Hơn nữa, sau khi bị Vương Bình đánh
bại, cũng không ngược lên Bắc mà vẫn chạy thẳng về Hán Trung, hướng Nam. Điều
này nói rõ Ngụy Diên không muốn hàng Ngụy. Không muốn hàng Ngụy, sao gọi là mưu
phản?
Vì vậy, Đổng Doãn, Tưởng Uyển cũng chỉ
nghi ngờ Ngụy Diên “mưu phản”, không hề khẳng định. Ngụy Diên không nghe chỉ
huy, tự tiện hành động, nên bị nghi ngờ; Theo cách nói của mình, có hai nguyên
nhân để Ngụy Diên làm thế: 1- Kiên trì Bắc phạt (ta soái chủ quân đánh giặc, vì
sao một người chết lại bỏ cả việc lớn của thiên hạ). 2- Không phục Dương Nghi
(Ngụy Diên là ai, sao phải thuộc Dương Nghi, làm tướng đoạn hậu). Nguyên nhân
thứ nhất nói rõ Ngụy Diên không muốn phản, nhưng nghĩ kỹ, như vậy không phải
không có vấn đề. Vì nếu thực sự kiên trì Bắc phạt thì ở lại chiến đấu tiếp, vì
sao phải giành về Nam trước? Cũng vậy, nguyên nhân thứ hai là có vấn đề. Vì nếu
chỉ là không phục Dương Nghi thì ngài đi đường Dương Quan của ngài, Dương Nghi
đi theo cầu Độc Mộc của ông ta, ngài giành về Nam trước cũng được, nhưng vì sao
phải “qua rồi liền đốt hết đường sạn đạo”? Rõ ràng là muốn đặt Dương Nghi vào
chỗ chết! Đương nhiên, điều đó không hề mâu thuẫn gì với suy nghĩ của Ngụy
Diên. Giết Dương Nghi, đoạt quân thì càng có thể tiếp tục Bắc phạt diệt Ngụy
theo suy nghĩ của mình. Vì vậy, hai nguyên nhân Ngụy Diên đã nói đều có lý.
Nhưng vào thời đó, nguyên nhân thứ hai có giá trị hơn, có điều lúc hành động lại
nổi lòng giết chóc.
Đương nhiên, như vậy là đáng trách,
nhưng vu là mưu phản thì thực là oan uổng; và giết hết ba họ là hình phạt thái
quá. Về điều này, có thể về sau chính quyền Thục Hán đã nhận ra, có hai chứng cứ.
Chứng cứ thứ nhất là kết luận của Trần Thọ khi viết truyện Ngụy Diên. Trần Thọ
cho rằng, sở dĩ Ngụy Diên không lên Bắc mà xuống Nam, vì lúc bấy giờ suy nghĩ
là vậy, chỉ là muốn giết bọn Dương Nghi (Diên không nghĩ lên Bắc hàng Ngụy mà về
Nam, nhưng lai muốn trừ giết Nghi). Ngụy Diên suy nghĩ là vậy, không hề có ý
mưu phản (nghĩ là thế, không muốn bội phản). Chúng ta đều biết, là nhà sử học
nghiêm túc, Trần Thọ không dễ gì đưa ra kết luận đó. Có thể đây là nhận thức
chung lúc bây giờ, cũng có thể là sự thực sau lúc triều đình Thục Hán đã tra
xét rõ.
Chứng cứ thứ hai, là di chỉ trên sườn
núi Thạch Mã ngoài cửa Bắc thành Hán Trung. Nam Trịnh huyện chí được biên soạn
lại vào Triều Càn Long đời nhà Thanh cho rằng, di chỉ này có nhiều khả năng là
mộ Ngụy Diên do triều đình Thục Hán “lấy lễ hậu táng”. Vì sao phải “lấy lễ hậu
táng” đây? vì Tưởng Uyển và những người khác đều phát hiện “Ngụy Diên mưu phản”
là án oan (Tưởng Uyển cho rằng ý của Ngụy Diên chỉ là muốn giết Dương Nghi,
không bội phản). Thêm vào đó Ngụy Diên là Túc tướng, có chiến công, đương nhiên
là phải “nhắc lại công lao trước”, lấy lễ hậu táng. Tức là đã rửa sạch tội của
Ngụy Diên.
Đương nhiên, đây chưa phải là hai bằng
chứng quá chặt chẽ. Bằng chứng chặt chẽ phải là văn bản chính thức của triều
đình Thục Hán. Nhưng chỉ sợ không bao giờ chúng ta tìm được. Có điều, chúng ta
vẫn có thể đưa ra một bằng chứng phụ, đó là cái chết của Dương Nghi. Thông thường
thì nếu Ngụy Diên mưu phản thật, hoặc triều đình Thục Hán đã xác nhận là thật,
thì Dương Nghi là đại anh hùng “có công bình phản”, sau khi về triều tất sẽ được
trọng thưởng. Bản thân Dương Nghi hẳn cũng nghĩ vậy. Tam quốc chí - Dương Nghi
truyện nói Dương Nghi “vừa đưa quân về, lại vừa giết Diên, tự nghĩ công lao to
lớn, đáng được thay Lượng lo chính”. Nhưng sự thực là thế nào? Chỉ được phong
Trung tướng quân, hữu chức vô quyền, trong tay không còn một tên lính (có gì mà
thống lĩnh), thực tế là nhàn rỗi (rỗi rãi mà thôi). Thay thế Gia Cát Lượng lại
là Tưởng Uyển, một người tư cách từng trải, tài năng và cống hiến đều không bằng
Dương Nghi.
Dương Nghi thấy vậy, đùng đùng nổi giận,
lòng dạ xốn xang, nộ khí ngút trời. Cách nói trong Tam quốc chí - Dương Nghi
truyện là “oán hận thành lời, tiếng than thở phát ra từ nội tạng”, cũng tức là
oán trách phẫn nộ hiện ra mặt, những lời bất mãn hằn trên miệng. Kết quả là mọi
người sợ Dương Nghi nói lời sai trái, mất tiết chế, phạm húy kỵ, không dám đến
gặp (người thời đó sợ nói lời bất tiết, không dám đến theo), còn mỗi Hậu quân
sư lui tới an ủi. Dương Nghi đã ầm ĩ với Phí Y, nói rất nhiều, nói đủ chuyện.
Còn Phí Y, chỉ nghe mà không nói. Cuối cùng, Dương Nghi đã nói, nghĩ lại lúc thừa
tướng vừa qua đời, ta đưa toàn quân “đến với họ Ngụy” thì làm gì có cảnh đơn độc
chán chường như bây giờ? có hối cũng đã muộn!
Dương Nghi nói lời “phản động cực đỉnh”,
Phí Y cũng không thể vì “tình riêng mà không báo”. Phí Y đã mật báo và kết quả
là, vào năm Kiến Hưng thứ XIII (Công nguyên năm 235), Dương Nghi bị phế làm dân
thường, đày tới quận Gia - Dương Nghi ra quận Gia, không chịu hối cải, lại dâng
thư phi báng triều đình, nói năng bừa bãi, triều đình phải hạ lệnh bắt giam vào
ngục. Cuối cùng, Dương Nghi tự sát, vợ và con trở về Thục quận. Lúc này cách
lúc Ngụy Diên bị giết (tháng tám năm Kiến Hưng thứ XII) chưa đầy một năm. Theo
tôi, lúc này chính là lúc triều đình Thục Hán có thể bình phản cho Ngụy Diên.
Đương nhiên, ở đây có một vấn đề không
thể nói rõ được, tức là hai chữ “họ Ngụy” trong câu nói của Dương Nghi “nếu như
ta cất quân đến với họ Ngụy” là chỉ Tào Ngụy hay Ngụy Diên? Nếu là chỉ Tào Ngụy
thì người mưu phản không phải Ngụy Diên mà là Dương Nghi. Nếu là chỉ Ngụy Diên
thì hẳn là Ngụy Diên không có ý phản. Bởi vì nếu Ngụy Diên muốn phản Thục hàng
Ngụy, vậy, thống lĩnh toàn quân truy đuổi Ngụy Diên, há chẳng phải cũng là “phản
tặc”? Câu nói “nếu như ta cất quân đến với họ Ngụy” của Dương Nghi lẽ nào không
phải tự nhận là mưu phản? Dương Nghi không ngốc đến vậy, triều cũng không xử
Nghi theo “tội mưu phản” (vợ con Nghi đã về Thục). Nên câu nói đó chỉ có thể hiểu
là “nếu ta đưa toàn quân đuổi theo Ngụy Diên”. Dương Nghi hận đã không đuổi kịp
Ngụy Diên không có ý mưu phản, vì vậy, Ngụy Diên đang bị Dương Nghi truy đuổi hẳn
cũng không muốn mưu phản.
Tượng Ngụy Diên tại phố cổ Chiêu Hoa,
một di tích lịch sử nổi tiếng ở Quảng Nguyên, Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Không nghi ngờ gì, Dương Nghi không thể
đuổi kịp Ngụy Diên, câu nói “nếu ta đem toàn quân đến với họ Ngụy” chỉ là câu
nói bừa. Nhưng chính câu nói đó đã làm rõ sự thanh bạch của Ngụy Diên. Từ đây
thấy rõ, án Ngụy Diên không phải là “mưu phản” mà là “mâu thuẫn nội bộ”. Và đây
là cuộc “đấu tranh nội bộ” điển hình. Ngụy Diên, Dương Nghi hận thù nhau đến tận
xương tủy, muốn đưa đối phương vào chỗ chết mới vui, thậm chí đã mạnh tay không
kể gì đến sự an nguy của đất nước.
Thực kỳ quái! Ngụy Diên và Dương Nghi
đều thuộc “đệ nhất thế lực” (tập đoàn Kinh châu) trong chính quyền Thục Hán, đều
được Lưu Bị, Gia Cát Lượng coi trọng (Ngụy Diên là Tiền quân sư, Chinh tây đại
tướng quân, giá tiết, phong Nam Trịnh hầu, Dương Nghi là thừa tướng trưởng sử,
Tuy quân tướng quân). Giữa họ không có chuyện tranh giành lợi ích phe phái, tập
đoàn, cũng không có sự khác biệt về phương châm, đường lối. Đến đây chứng ta muốn
hỏi, vì sao giữa họ lại có thù sâu hận lớn đến như vậy?
Thực tình cũng không có gì. Nguyên
nhân sinh mâu thuẫn giữa hai người chỉ là tính khí và cung cách làm việc. Tam
quốc chí - Ngụy Diên truyện nói, Ngụy Diên là người yêu mến tướng sĩ, dũng mãnh
hơn người, bản tính kiêu căng cao ngạo, nhiều người đương thời luôn nhường nhịn
Ngụy Diên, riêng Dương Nghi không phục (chỉ Dương Nghi là không theo), Ngụy Diên
liền ghét cay ghét đắng Dương Nghi, luôn như nước với lửa (dẫn tới thù hận như
nước với lửa). Vậy, mâu thuẫn của hai người đã đến mức độ nào? Tới mức không thể
ngồi lại để nói chuyện. Tam quốc chí - Phí Y truyện nói, hai người cứ ngồi với
nhau là cãi nhau. Cãi nhau một lúc rồi Ngụy Diên rút kiếm ra nhứ nhứ về phía
Dương Nghi (giơ kiếm về phía Nghi), Dương Nghi liền khóc ầm lên (nước mắt đầm
đìa). Lúc đó, Phí Y là người đứng ra hòa giải. Phí Y đứng ngay vào giữa hai người
rồi vừa khuyên giải vừa kéo họ ra. Bạn nói xem, còn ra thể thống gì nữa!
Việc “đấu tranh nội bộ” giữa Ngụy Diên
và Dương Nghi là việc xấu loang xa, Tôn Quyền cũng biết chuyện và không lấy làm
lạ. Theo chú dẫn Tương Dương ký của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Đổng Doãn
truyện, một lần Phí Y sang sứ Đông Ngô, Tôn Quyền bầy tiệc thết đãi. Lúc đã ngà
ngà say, Tôn Quyền mới nói với Phí Y, Dương Nghi và Ngụy Diên là hai kẻ tiểu
nhân ti tiện. Tuy cũng có chút ít bản lĩnh, nhưng mỗi khi đắc chí thì sẽ quên hết.
Nếu bên quý quốc không có Gia Cát Lượng thì hai kẻ này nhất định đã làm loạn,
vì sao các vị không nhanh chóng phòng ngừa họa nạn sau này? Phí Y quá bất ngờ
đã cứng lưỡi, hắng họng (bần thần nhìn khắp nơi, không nói được). Phó đại sứ Đổng
Khôi bảo Phí Y nói, đó chỉ là “mâu thuẫn nội bộ nhân dân” (Nghi, Diên không thỏa
hiệp, sinh tử thù nhau), không giống như Kình Bố, Hàn Tín khó bề chế ngự (không
như Kình, Hàn khó chế ngự), không nên vì thế mà mất ăn mất ngủ, không nên bận
tâm thêm nữa.
Phí Y trả lời qua quýt cho đỡ mất mặt,
lời nói của Tôn Quyền có phần châm chọc. Rõ ràng Ngụy Diên, Dương Nghi có thiếu
sót, có sai lầm, có vấn đề, nhưng Dương Nghi có tài, Ngụy Diên kiêu dũng, không
thể coi là “loại tiểu nhân”. Thực tế thì Ngụy Diên và Dương Nghi đều là những
người được Lưu Bị, Gia Cát Lượng quý mến, coi trọng. Ngụy Diên truyện nói, năm
đó sau khi xưng vương ở Hán Trung, Lưu Bị chuẩn bị về Thành Đô, chỉ để lại một
viên Đại tướng ở lại giữ Hán Trung. Lúc đó hầu như ai cũng nghĩ, người gánh
trách nhiệm nặng nề đó nhất định phải là Trương Phi (mọi người bàn luận phải là
Trương Phi), nhưng Lưu Bị đã phá lệ chọn Ngụy Diên, kết quả “mọi người kinh ngạc”.
Lưu Bị biết mọi người không phục, liền mở hội quân thần và hỏi Ngụy Diên: “Quả
nhân ủy thác trọng trách, ái khanh có dự định gì không?” Ngụy Diên nói: “nếu
Tào Tháo ra khỏi ổ, mạt tướng xin thay đại vương ngăn hắn (chống cự)! Nếu phái
một Thiên tướng thống lĩnh mười vạn quân đến, mạt tướng xin thay đại vương ăn
tươi hắn (nuốt sống)!” Đúng là khí lấp sơn hà! Thực tế thì Ngụy Diên anh dũng
thiện chiến. Vì vậy khi Gia Cát Lượng Bắc phạt, Ngụy Diên từng “đốc tiền bộ”
cũng từng “là tiên phong”.
Dương Nghi cũng là người có khả năng.
Dương Nghi truyện nói, Gia Cát Lượng nhiều lần ra quân, thường là Dương Nghi
quy hoạch, lo việc bố trí, thu xếp lương thảo, tính toán quân phí (quy hoạch
phân bộ, dự toán lương thực), hơn nữa không tốn nhiều công sức, một ít công sức
là xử lý xong (không suy tính nhiều, mọi chuyện đã xong). Vì vậy, khi Dương
Nghi và Ngụy Diên có mâu thuẫn, Gia Cát Lượng đã phải đau đầu (Lượng tiếc thầm
Nghi tài cán, Diên thường kiêu dũng, mà hận hai người bất bằng). Gia Cát Lượng
không nhẫn tâm bên trọng bên khinh, chỉ còn cách ra sức giữ yên bát nước (không
muốn có sự thiên lệch). Tiếc thay, Gia Cát Lượng đã hết sức giữ thăng bằng, Phí
Y hòa giải, hai người vẫn ngấm ngầm tranh đấu, kết quả là cả hai đều bại hoại,
thương tổn. Cố nhiên Ngụy Diên nhà tan người mất, Dương Nghi cũng thân bại danh
liệt. Khổ sở biết chừng nào!
Điều đáng buồn hơn, sau khi đã chết
hai người còn bị xỉ vả. Ngụy Diên bị chửi là “phản tặc”, tội danh này còn được
Tam quốc diễn nghĩa nói như đinh đóng cột, cơ hồ “đời đời không thể mở mặt”.
Dương Nghi bị chửi là “tiểu nhân”, nhiều người hận thay cho Ngụy Diên chửi rủa.
Rõ ràng cái gọi là “Ngụy Diên mưu phản” là án oan, vậy, oan có đầu nợ có chủ.
Dương Nghi trực tiếp tạo ra án oan đó phải có trách nhiệm. Đúng như ngài Trần
Nhĩ Đông nói, Ngụy Diên thân là đại tướng cả đời chinh chiến, có thể coi là “có
công lớn, không có tội lớn”, nhưng “gặp họa lớn, bị vu khống”, oan uổng khôn
cùng, vậy sao Dương Nghi, ngươi còn phải giết hết diệt tận cả ba họ nhà người
ta? Vì vậy người đời sau đã hết sức bất bằng. Ví như Hách Kinh cho rằng, Dương
Nghi “vì tư thù mà giết đại tướng”, tội nặng hơn Ngụy Diên (tội hơn Diên). Lưu
Gia Lập cũng nói, Ngụy Diên “công không thể mất, giết ba họ, thật quá nặng” xem
Tam quốc chí tập giải. Thêm nữa, giết người bất quá là đầu rơi xuống đất. Dương
Nghi, ngươi giết Ngụy Diên, còn đạp, day đầu người ta, thật quá đáng?
Về phần mình, Dương Nghi cũng có phần ấm
ức. Thứ nhất, Dương Nghi tranh chấp với Ngụy Diên, đơn thuần chỉ là ân oán cá
nhân, khó nói ai đúng ai sai. Bình tĩnh mà xét, trách nhiệm của Ngụy Diên có phần
lớn hơn. Vì nguyên nhân khiến hai người bất hòa hoàn toàn là do Ngụy Diên, tính
khí ngang bướng, nhục mạ người khác, duy có Dương Nghi là không khuất phục.
Dương Nghi không có trách nhiệm gì. Ngụy Diên, người có thể kiêu căng phóng
túng, lẽ nào Dương Nghi lại không được độc lập, tự do? chưa nói tới chuyện mỗi
lần tranh cãi là mỗi lần Dương Nghi bị hạ nhục. Một đại nam nhi, mỗi lần bị si
nhục lại khóc lóc, rơi lệ, người nói xem lòng dạ Dương Nghi lúc này thế nào? Chẳng
trách sau này Dương Nghi đã cư xử với Ngụy Diên như vậy. Dương Nghi đã oán hận
quá sâu nặng!
Thứ hai, buổi đầu của vụ án, Dương Nghi
gần như không có sai lầm. Dương Nghi hành động theo sự sắp xếp của Gia Cát Lượng.
Tam quốc chí - Ngụy Diên truyện nói rất rõ trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng
“lệnh Diên đoạn hậu, thứ đến Khương Duy; nếu Diên không theo lệnh, cứ cho quân
xuất phát”. Dương Nghi làm theo đó, thì có gì là sai? Ngụy Diên không nghe sự
chỉ huy, tự nhiên hành động “đi xong lại đốt sạn đạo”, cắt đường rút lui của
Dương Nghi, chẳng nhẽ Dương Nghi cứ ở yên để chờ chết? Ngụy Diên không chỉ đẩy
Dương Nghi vào chỗ chết, còn tố cáo Dương Nghi mưu phản, chẳng nhẽ Dương Nghi lại
không có quyền tự vệ? Cùng lúc này Ngụy Diên, Dương Nghi tố cáo lẫn nhau, văn
võ trong triều “bảo vệ Nghi, nghi ngờ Diên” chẳng nhẽ đây lại là sai lầm của
Dương Nghi?
Theo đó, Ngụy Diên đã sai lầm khi để xảy
ra án này. Nhưng ở đây lại cũng có vấn đề, vì cũng có khả năng là Ngụy Diên đã
hành động theo sự sắp xếp của Gia Cát Lượng. Theo chú dẫn Ngụy lược của Bùi
Tùng Chi trong Tam quốc chí - Ngụy Diên truyện, trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng
chỉ định Ngụy Diên thay mình, không phải là Dương Nghi. Và Gia Cát Lượng còn có
lệnh rõ ràng, để Ngụy Diên “lo việc của mình, chôn cất bí mật”. Ngụy Diên tuân
lệnh, bí mật hành động, đường đến Bao Khẩu (là cửa Nam Cốc, nói ở phần trước) mới
phát tang. Lúc này Dương Nghi thấy lo lắng, lo Ngụy Diên “nắm việc quân” sẽ hại
mình (sợ bị hại), nên đã tố cáo trước, tạo dư luận Ngụy Diên phản biến hàng giặc
(luôn nói là Diên đem quân theo lên Bắc), khống chế trước, công kích Ngụy Diên
(đem quân đánh Diên). Ngụy Diên vốn không có ý phản, nên không đánh nhau với
Dương Nghi (không đánh), chỉ có thể rút lui (quân đi), kết quả đã bị hại (đuổi
rồi giết đi).
Đài kỷ niệm tại di chỉ Hổ Đầu Kiều ở phía tây Hán Trung,
nơi Ngụy Diên bị hành quyết.
Việc trở nên nghiêm trọng! Nếu những lời
trên là đúng. Không thể phủ nhận những điều ghi trong Tam quốc chí, vậy Gia Cát
Lượng có trách nhiệm lớn. Gia Cát Lượng ra hai lệnh mâu thuẫn nhau, một mặt lệnh
Ngụy Diên “lo việc của mình, chôn cất bí mật”, mặt khác lệnh Dương Nghi để Ngụy
Diên đoạn hậu, nếu “Diên không theo lệnh, cho quân xuất phát”. Như vậy chẳng phải
đẩy Ngụy Diên, Dương Nghi đến chỗ tàn sát lẫn nhau? Vì vậy Lưu Bị truyện của
ngài Trương Tác Diệu nói án oan của Ngụy Diên “hoàn toàn do một tay Gia Cát Lượng
dựng nên”.
Theo logic đó, Gia Cát Lượng không chỉ
“tạo nên” án oan cho Ngụy Diên mà còn “dẫn tới” bi kịch của Dương Nghi. Trước
đây đã có sự so sánh với Tưởng Uyển, Dương Nghi già dặn hơn (hơn tuổi Uyển),
năng lực mạnh (tài năng hơn), công lao lớn (công huân quá lớn), hoặc không có
công lao cũng có khổ lao (vất vả hơn), hơn nữa còn có công “bình phản”, nhưng
sao địa vị lại thấp hơn Tưởng Uyển? Vậy, vì sao Tưởng Uyển lại thay thế chức
quyền của Gia Cát Lượng (trừ chức thừa tướng), Dương Nghi lại là người nhàn
nhã? Tất cả đều do cách sắp xếp của Gia Cát Lượng. Tam quốc chí - Dương Nghi
truyện nói ý nghĩ tận đáy lòng Gia Cát Lượng (lúc sinh thời) luôn cho rằng
Dương Nghi tính tình không tốt, nóng nảy hẹp hòi, không bằng Tưởng Uyển (Nghi hẹp
hòi nóng giận không bằng Uyển), kết quả Tưởng Uyển thăng nhiệm, Dương Nghi dừng
lại, cuối cùng diệt vong.
Thật khủng khiếp! Gia Cát Lượng “từ
hai cành đào giết ba kẻ sĩ”, một mũi tên trúng hai đích, vừa trừ được Ngụy Diên
vừa trừ được Dương Nghi, thực nham hiểm và ác độc? Chúng ta muốn biết: có đúng
thế không?
Không.
Nói Tưởng Uyển làm việc tiếp, Dương
Nghi nhàn nhã là rất đáng ngờ. Tam quốc chí - Dương Nghi truyện nói về cách sắp
xếp này, là căn cứ vào “mật chỉ lúc sinh thời” của Gia Cát Lượng. Nhưng chúng
ta muốn hỏi, làm sao họ có thể biết Gia Cát Lượng luôn suy nghĩ, luôn cho là
như vậy? Đương nhiên, Tam quốc chí đã nói rõ việc này. Theo Tưởng Uyển truyện,
lúc sinh thời Gia Cát Lượng thường nói với mọi người, Công Viêm (tự của Tưởng
Uyển) vừa trung trinh vừa cao nhã (Công Viêm chí cao, trung thành), là người có
thể cùng ta phò tá hoàng thượng gây dựng nghiệp lớn (cùng ta gây dựng vương
nghiệp). Đây là việc tạo dư luận. Gia Cát Lượng còn bí mật dâng thư lên Lưu Thiền
nói “nếu thần bất hạnh, hậu sự nên giao Uyển). Coi đây là sự sắp đặt.
Nhưng chúng ta lại muốn hỏi: Đã vậy,
sao trước lúc lâm chung Gia Cát Lượng không cho công bố suy nghĩ đó, lại phải
có “mật biểu lên hậu chủ”? Chúng ta đều rõ, lúc Tưởng Uyển thay thế, mọi người
đều không phục, về sau “nhìn vào mới dần phục”. Chữ “dẩn” ở đây nói rõ, Tưởng
Uyển thay thế có phần đột ngột, có phần miễn cưỡng. Vì vậy, trong Tam Quốc sử
thoại, ngài Lã Tư Miễn nói, bằng địa vị danh vọng của mình, nếu trước đó Gia
Cát Lượng công khai dặn dò thì không sợ có người phản đối, và sự việc sẽ thỏa
đáng hơn. Nhưng vì sao Gia Cát Lượng lại không làm như vậy? Ngài Lã kết luận,
việc Gia Cát Lượng bí mật tiến cử Tưởng Uyển là “không thực tình”.
Đương nhiên, có thể là như vậy. Trong
lịch sử cổ đại Trung Quốc, phàm là những việc liên quan đến thay đổi quyền lực,
thì không tránh khỏi có hư hư thực thực, úp úp mở mở và cũng còn một khả năng nữa,
Gia Cát Lượng có phần lo ngại. Lo ngại ai? Dương Nghi. Phần trước đã nói, Dương
Nghi già dặn hơn Tưởng Uyển, năng lực mạnh hơn Tưởng Uyển, công lao nhiều hơn
Tưởng Uyển, còn là người hết sức tự tin. Nếu trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng
tuyên bố để Tưởng Uyển thay thế thì liệu Dương Nghi có nhảy lên không? Đúng vậy,
lúc còn Gia Cát Lượng, Dương Nghi không dám nhảy. Lúc Gia Cát Lượng tạ thế thì
sao? Nhảy hay không nhảy? Nên nhớ, lúc này Tưởng Uyển không ở trong quân, Ngụy
Diên ở tiền phương, Dương Nghi có quân lính trong tay. Bên cạnh là Phí Y, là
Khương Duy, nên sợ là không trấn nổi. Vả dù có trấn được thì việc Dương Nghi nổi
dậy cũng chẳng có khó khăn gì. Vì vậy, chỉ có thể chờ đại quân về triều rồi mới
nói tiếp. Cũng vì vậy, Gia Cát Lượng chỉ có thể “mật biểu với hậu chủ”.
Vậy thì sao Gia Cát Lượng còn lệnh Ngụy
Diên “lo việc của mình, bí mật chôn cất”? Chẳng nhẽ cũng là để đối phó với
Dương Nghi? Theo tôi, chuyện này không tin được. Nguyên nhân không tin được lại
không hoàn toàn như Bùi Tùng Chi nói, tức là “lời đồn đại ở nước địch không thể
tranh thẩm với bản truyện”, còn vì không có khả năng này. Lúc Gia Cát Lượng mất,
Ngụy Diên không ở cạnh, chỉ có một mình Dương Nghi. Gia Cát Lượng lệnh Ngụy
Diên “lo việc của mình” bằng cách nào? Bằng cách nào Ngụy Diên có thể “bí mật
chôn cất”? Hơn nữa, Gia Cát Lượng bệnh và chết ở Vũ Công Ngũ Trượng Nguyên. Ngụy
Diên “bí mật chôn cất” “đường đến Bao Khẩu”, đã đi rất xa về hướng Nam, vì sao
Dương Nghi lại nói Ngụy Diên “muốn đưa quân theo lên Bắc”? Vì vậy, không tin được
cách nói trong Ngụy lược.
Không thể tin được mấy lời ghi trong
Ngụy lược của Ngư Hoạn, còn cách nói trong Tam quốc chí - Ngụy Diên truyện là
chân thực chăng? Nếu đúng, Gia Cát Lượng phải chịu trách nhiệm trước cái chết của
Ngụy Diên; bằng không, phải trả lời xem chân tướng là gì. Lịch sử có ba ý kiến
và thái độ khác nhau về chuyện này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, những điều ghi
trong Ngụy Diên truyện là thực, Gia Cát Lượng nghĩ thế tất Ngụy Diên sẽ phản
nên mới sắp xếp như vậy. Tam quốc diễn nghĩa có thể đại diện cho cách nói này.
Quan điểm thứ hai cũng cho rằng điều nói trong Ngụy Diên truyện là thực, vì vậy
Gia Cát Lượng “một tay hoạch định” đã gây ra án oan cho Ngụy Diên. Lưu Bị truyện
của Trương Tác Diệu có thể đại diện cho cách nói này. Quan điểm thứ ba cho rằng,
điều ghi trong Ngụy Diên truyện không phải là sự thực, sự thực khác hẳn. Tam quốc
sử thoại của ngài Lã Tư Miễn và Nhàn thoại tam phân của ngài Trần Nhĩ Đông có
thể đại diện cho cách nói này. Nếu đổng ý với quan điểm thứ nhất, Ngụy Diên bị
oan; đồng ý với quan điểm thứ hai, cần phải phê phán Gia Cát Lượng; đổng ý với
quan điểm thứ ba, sẽ phải phủ nhận Tam quốc chí. Mọi người cảm thấy rất khó
khăn. Vậy, liệu có cách giải thích thứ tư nào đáng tin không?
Chú thích:
[1] Ván gỗ xếp hai lần bên sườn núi, dùng để
đi qua các khu vực núi non hiểm trở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét