Khổng Minh gạt lệ chém Mã Tắc |
Tập thứ ba mươi chín: ĐAU NHƯ CẮT RUỘT
Tác giả Dịch Trung Thiên
Lý Nghiêm bị phế truất còn là một nghi
án, thì cái chết của Mã Tắc cũng là một câu đố. Tam quốc chí có ba cách ghi
chép lúc Mã Tắc thất thế; lịch sử cũng có ý kiến khác nhau về việc Gia Cát Lượng
“gạt lệ chém Mã Tắc”. Vậy, vì sao Gia Cát Lượng phải thẳng tay trừng trị Mã Tắc
và vì sao còn phải rơi lệ? Ngoài việc quân kỷ nghiêm minh, chấp pháp như sơn, đằng
sau việc Gia Cát Lượng “giết Tắc để tạ chúng” liệu còn có điều gì khó nói,
không muốn cho mọi người hay?
Tập trước chúng ta nói Lý Nghiêm bị phế,
tập này nói đến cái chết của Mã Tắc.
Ở Trung Quốc nhà nhà người người đều
biết chuyện của Mã Tắc. Diễn nghĩa có Gạt lệ chém Mã Tắc, kinh kịch có Mất Nhai
Đình, Không Thành Kế, Chém Mã Tắc, gọi chung là Thất Không Trảm, là những vở diễn
để đời. Không kể là tiểu thuyết hay vở diễn, về mặt nghệ thuật đều hết sức tinh
tế. Nhưng nếu muốn nói rõ về chân tướng lại là việc hết sức khó khăn. Như sau bại
trận ở Nhai Đình, Mã Tắc sống hay chết cũng không nói được rõ ràng. Chúng ta đều
biết, trong Tam quốc chí không có truyện về Mã Tắc. Chỉ có thể qua truyện của
người khác mà biết về kết cục của Mã Tắc, những ghi chép liên quan trong Tam quốc
chí lại không thống nhất. Gia Cát Lượng truyện nói: sau khi đưa quân về Hán
Trung, Gia Cát Lượng đã “giết Tắc để tạ chúng”. Vương Bình truyện cũng nói “Thừa
tướng Lượng giết luôn Mã Tắc”. Theo đó, chính Gia Cát Lượng đã giết Mã Tắc. Mã
Lương truyện lại nói: “Lượng, quân không tiến được, phải lui về Hán Trung, Tắc
bị giam vào ngục và chết, Lượng đã rơi lệ”. Như vậy Mã Tắc bị hạ ngục và chết
trong ngục. Cách nói trong Hướng Lãng truyện còn khác hơn, “Tắc bỏ trốn, Lãng
biết nhưng không nói, Lượng bực bội, cho miễn quan Lãng trả về Thành Đô”. Theo
đây thì Mã Tắc đã chạy, liên lụy tới bạn thân, Lãng bị bãi quan. Cùng là một
người (Trần Thọ), cùng là một cuốn sách (Tam quốc chí) với ba cách nói khác
nhau. Xem thế mới biết ghi chép sử sách là việc khó khăn.
Vậy, cuối cùng thì Mã Tắc thế nào? Trốn
chạy, bị giết hay chết ở trong ngục?
Theo tôi, Mã Tắc bị giết. Bởi vì những
điều ghi trong Gia Cát Lượng truyện là đúng, hơn nữa cách nói trong ba truyện
khác cũng có thể thống nhất. Trên thực tế, “giết Tắc để tạ chúng”, cũng có thể
là phán xử tử hình, không nhất thiết phải làm rõ thân phận, trói giải ra hình
trường, chém đầu thị chúng. Như vậy, coi như đã rõ. Ví như có người cho rằng sự
việc phải như thế này: Gia Cát Lượng phán xử Mã Tắc tội chết (giết Tắc để tạ
chúng), Mã Tắc biết tin đã trốn chạy, nhưng lại bị bắt giam vào ngục và chưa kịp
chấp hành án thì đã chết (hạ ngục và đã chết). Tôi thấy khả năng này không nhiều.
Vì theo chú dẫn Tương Dương ký của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Mã Lương
truyện, trước lúc lâm chung, Mã Tắc từng có thư gửi Gia Cát Lượng, nói: Minh
công đối xử với Mã Tắc như đối xử với con đẻ của mình, Mã Tắc tôn kính minh
công như với cha mình. Vì vậy xin minh công xử trí Mã Tắc như Đại Thuấn xử trí
Cổn bất lực về trị thủy (mong được như Cổn đã có công với Vũ), để không phụ ân
tình sâu nặng cha con (khiến cho quan hệ lúc sinh thời không mất đi). Như vậy,
Mã Tắc coi như đã chết và không ân hận (Tắc tuy chết nhưng không hận dưới mồ).
Thái độ của Mã Tắc là vậy, sao có thể trốn chạy để bị bắt lại?
Có điều, không có nhiều khả năng Mã Tắc
đã bỏ trốn sau khi bị bắt, nhưng không có nghĩa Mã Tắc không chạy. Vì có khả
năng đã bỏ chạy trước khi bị bắt. Mọi người nghĩ xem, Mã Tắc đã viết bức thư
này vào lúc nào? Trong Tương Dương ký ghi trước lúc “lâm chung”, cũng tức là
sau khi bị giam vào ngục, bị xử tử hình. Trước đó, là tướng bại trận, có thể xuất
phát từ bản năng đã bỏ chạy. Nhìn lại, sự việc có thể là thế này: Sau khi để mất
Nhai Đình, Mã Tắc đã bỏ trốn (Tắc trốn chạy), nhưng về sau lại bị bắt, hoặc ra
đầu thú. Mã Tắc tự biết không thể thoát tội, mới có thư lên thừa tướng ( mong
được như Cổn đã có công với Vũ). Gia Cát Lượng theo phép đã tuyên bố xử Tắc tội
chết để tạ lỗi quốc dân (giết Tắc để tạ chúng). Có điều, lệnh chưa thi hành, Mã
Tắc đã chết ở trong ngục (hạ ngục và chết).
Suy đoán như vậy có phần hợp ý hơn so
với cách nói trước, cũng tạm coi là xong. Đương nhiên, ở đây vẫn còn thiếu một
số tình tiết, như Mã Tắc bị bắt hay ra đầu thú, không có tài liệu cho hay. Mã Tắc
chạy trốn trước khi bị bắt hay sau đó, cũng không xác định được. Nhưng bất kể
là thế nào, Gia Cát Lượng phán xử tử hình, chừng như là sự thực. Điều này đã có
bằng chứng, vẫn theo Tương Dương ký, sau khi Mã Tắc chết, Tưởng Uyển đến Hán
Trung nói với Gia Cát Lượng, lúc này thiên hạ chưa thực ổn định, là lúc cần người.
Lúc này, giết một người kiệt xuất như vậy, thật đáng tiếc (thiên hạ chưa định
giết người trí mưu, tiếc thay). Sau khi nghe mấy lời của Tưởng Uyển, Gia Cát Lượng
đã rơi lệ kể ra nhiều lý do khiến phải giết Mã Tắc! Nếu Gia Cát Lượng không giết
Mã Tắc thì sao phải giải thích nhiều như vậy. Từ đó thấy rõ, dù là chết ngoài
pháp trường hay chết trong ngục, đều do Cát Lượng xử Mã Tắc tội chết. Vì vậy,
trong Gia Cát Lượng truyện mới nói, Gia Cát Lượng “giết Tắc để tạ chúng”, Vương
Bình truyện nói là “thừa tướng Lượng đã giết Mã Tắc”. Vì vậy, nếu không cần đi
vào những vấn đề hóc búa không đâu thì cách nói “gạt lệ chém Mã Tắc” hoàn toàn
có thể tin được.
Từ đây lại có hai vấn đề khác. Một, Mã
Tắc có đáng phải chết không? Hai, Gia Cát Lượng muốn giết không?
Nói tới có đáng phải chết không. Trước
lúc đó đã có nhiều tranh luận, về sau mỗi người nói một kiểu. Tưởng Uyển cho là
không nên giết. Nhà sử học Tập Tạc Xỉ thời Đông Tấn đã có bài viết khá dài, thậm
chí còn cho rằng Gia Cát Lượng không thể thắng được Tào ngụy, nguyên nhân là ở
đây (Gia Cát Lượng không thể chiếm được thượng quốc, không dễ chút nào). Tập Tạc
Xỉ nói, Thục Hán vốn bé nhỏ (một vùng hẻo lánh), rất ít nhân tài (ít người tài
như thượng quốc), nhưng lại “giết người tuấn kiệt”! Dùng người như vậy, muốn
thành sự nghiệp, chẳng phải khó sao)? Vì vậy Tạp Tạc Xỉ nói, đối xử với Mã Tắc
như vậy, Gia Cát Lượng thực không phải là người sáng suốt (khó nói là người có
trí).
Tưởng Uyển là thân tín của Gia Cát Lượng,
Tập Tạc Xỉ là người đầu tiên trong lịch sử coi Tào Tháo là kẻ “thoán nghịch” và
chủ trương lấy Thục Hán là chính thống. Họ không thành kiến gì với Gia Cát Lượng,
nhưng đều phê phán việc giết Mã Tắc, thực đáng suy nghĩ. Trong những năm tháng
chiến tranh, không nên tùy tiện giết các tướng lĩnh. Vì thắng bại là sự thường
của binh gia mà nhân tài là của quý để giành thắng lợi. Nếu cứ bại trận là giết,
thì liệu sẽ có bao nhiêu người để ngài giết đây? Vả lại bên ta giết một nhân
tài thì bên địch lại thêm một phần thắng lợi, lẽ nào không phải là việc làm người
thân sinh đau khổ, kẻ thù thêm sung sướng sao? Đó chính là nguyên nhân để Tưởng
Uyển và Tập Tạc Xỉ phê bình Gia Cát Lượng. Ví như Tưởng Uyển nói, “Sở giết Đắc
Thần, Văn Công vui sướng biết chừng nào”. Tập Tạc Xỉ cũng nói “Sở Thành giết Đắc
Thần để càng thêm bại”. Hai người cùng nhắc tới một điển tích, một trận đánh ở
Thành Bộc giữa hai quân Sở, Tấn, câu chuyện được ghi trong Xuân Thu và Tả truyện
vào thời Hi Công năm thứ XXVIII. Nhân vật trong truyện là Đắc Thần còn gọi là Từ
Ngọc, là thống soái quân Sở lúc đó, quân Sở bại trận, Sở Thành vương sai sứ đến
gặp Đắc Thần, nói: Các hạ trở về đất phong, không biết bà con làng xóm nghĩ thế
nào đây (đại phu trở về gặp lại người già trẻ nhỏ ra sao đây)? Như Đỗ Dự nói
trong Tập giải, “gặp lại các bậc phụ lão sao đây”. Đắc Thần chẳng còn cách nào
khác là tự sát. Tuy nói là Đắc Thần tự sát, nhưng là do Thành vương bức chết,
vì vậy Xuân Thu nói, “Sở giết đại phu Đắc Thần”. Kẻ thù lấy làm phấn khởi (Tấn
hầu hay tin vui mừng biết mấy!), bên phía nước Sở lại thất bại liên tiếp (bại nữa)
như Tập Tạc Xỉ từng nói, ý nghĩa câu chuyện này thật rõ ràng: Sở Thành vương giết
Đắc Thần, Tấn hầu vui mừng khôn xiết; Gia Cát Lượng giết Mã Tắc, lẽ nào bên
phía Tào Ngụy lại không vỗ tay vui mừng?
Đương nhiên, Mã Tắc làm mất Nhai Đình,
làm hỏng việc lớn, tất sẽ phải xử lý, nhưng không nhất thiết phải chặt đầu. Ví
như nói, có thể giáng chức bãi quan hoặc phạt tội trước ba quân, cho lập công
chuộc tội. Đó cũng là các biện pháp xử lý các tướng bại trận. Từ ý nghĩa này mà
xét, không giết Mã Tắc cũng được hoặc đáng giết mà không giết.
Có thể không giết Mã Tắc, Gia Cát Lượng
cũng không muốn giết, thấy rõ điều đó ở chỗ rơi lệ. Nhàn thoại Tam Quốc của
ngài Trần Nhĩ Đông đã tổng kết ra bốn nguyên nhân vì sao Gia Cát Lượng phải rơi
lệ. Thứ nhất, Mã Tắc có hy vọng. Theo Tam quốc chí - Mã Lương truyện, Mã Tắc là
em Mã Lương. Anh em Mã Lương, Mã Tắc gồm có năm người và đều là nhân tài (tài
danh gồm đủ), Mã Lương là kiệt xuất nhất. Thời đó còn có câu ca “Họ Mã năm người,
mi trắng nhất Lương”. Mi trắng chi Mã Lương. Tiếc rằng, trong trận chiến Di
Lăng, Mã Lương đã phải chết. Vì vậy Mã Tắc - em Mã Lương, thuộc “gia đình liệt
sĩ”. Quan hệ giữa Mã Lương, Gia Cát Lượng là cực kỳ tốt, tới mức độ xưng anh
xưng em. Bùi Tùng Chi còn cho rằng, hai người hầu như đã kết nghĩa hoặc vốn là
thân thích. Sau khi Mã Lương hy sinh, Gia Cát Lượng hết sức quan tâm tới người
em là Mã Tắc. Trước lúc lâm chung, Mã Tắc có thư gửi Gia Cát Lượng, “minh công
coi Tắc như con, Tắc coi minh công như cha”, nói lên mối quan hệ giữa họ. Xét về
tuổi tác, cách nói đó có vẻ không hợp. Vì Mã Tắc gọi Gia Cát Lượng là “Tôn
huynh”, Mã Tắc kém Gia Cát Lượng bảy tuổi nhưng ở Trung Quốc có lệ coi “anh cả
như cha, dâu cả là mẹ”, Lưu Hoa cũng nói, Lưu Bị và Quan Vũ “ân như cha con”.
Rõ ràng với Mã Tắc, Gia Cát Lượng là anh cả như cha.
Vương Bình nhiều lần can gián, nhưng Mã Tốc không tiếp thu kế sách
Vì vậy có người còn nói, Gia Cát Lượng
trọng dụng Mã Tắc “như với người thân”. Nói vậy là không đúng, bởi vì Mã Tắc thực
sự là người tài. Theo Tam quốc chí - Mã Lương truyện, con người Mã Tắc “tài khí
hơn người, giỏi bàn quân cơ”, thừa tướng Gia Cát Lượng “hiểu rõ điều tài”, nên
“mỗi lúc bàn luận, gần như thâu đêm”. Mọi người nghĩ xem, Gia Cát Lượng thường
công vụ bộn bề, đâu còn thời gian để thề non hẹn biển, bày trận Long môn? Gia
Cát Lượng thường cùng Mã Tắc bàn luận thâu đêm, đương nhiên vì Mã Tắc có những
hiểu biết đáng ghi nhận. Trong thực tế, Gia Cát Lượng từng làm theo ý kiến của
Mã Tắc. Theo chú dẫn Tương Dương ký của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Mã
Lương truyện, vào năm Kiến Hưng thứ III (Công nguyên năm 225), Gia Cát Lượng đi
đánh Nam Trung, Mã Tắc đưa tiễn hàng mấy dặm đường. Trước lúc chia tay, Gia Cát
Lượng nói với Mã Tắc: “Hai chúng ta tuy bàn bạc đã nhiều năm (cũng tính kế nhiều
năm), nhưng ta nghĩ nhất định hôm nay ngươi sẽ có ý hay (nay có kế hay)”. Mã Tắc
liền đề xuất “phương châm mười sáu chữ” nổi tiếng: “công tâm là trước, công
thành là sau, tâm chiến là trước, binh chiến là sau”. Gia Cát Lượng “nhận kế
đó”, nên có được “bảy lần bắt Mạnh Hoạch” sau này.
Đương nhiên không có ý kiến của Mã Tắc,
tôi nghĩ Gia Cát Lượng cũng sẽ làm như vậy. Nhưng Mã Tắc có thể có cùng suy
nghĩ với Gia Cát Lượng, chẳng phải anh hùng có cùng mưu lược sao? Rõ ràng Mã Tắc
là nhân tài, là người tài mới có hy vọng, vẫn theo Tương Dương ký, khi Mã Tắc mất,
có cả hơn chục vạn người rơi lệ, Mã Tắc đâu chỉ có một mình Gia Cát Lượng và rõ
ràng Mã Tắc có thể không phải chết.
Ở đây lại có ba vấn đề: Đã vậy, vì sao
Gia Cát Lượng cứ phải giết Mã Tắc?
Phần trước đã nói, Tưởng Uyển đã hỏi
Gia Cát Lượng về vấn đề này. Gia Cát Lượng đã trả lời thế nào? Gia Cát Lượng nước
mắt lưng tròng, nói: Tôn Vũ là người chấp pháp nghiêm minh nên không hề có kẻ
thù, nay thiên hạ phân chia, ly tán (bốn biển chia lìa), không biết bao giờ mới
hết chiến tranh (mới hết binh đao). Nếu không tôn phép giữ luật, chúng ta biết
dựa vào đâu để chiến thắng kẻ thù (nếu lại bỏ pháp, thì lấy gì để đánh giặc).
Nếu nói vậy thì hiển nhiên để “trị Thục
theo phép”, Gia Cát Lượng phải “gạt lệ chém Mã Tắc”. Muốn “trị Thục theo phép”
thì phải làm theo nguyên tắc trị pháp - vương tử phạm pháp cũng tội như thứ
dân. Phải thiết diện vô tư, phải chấp pháp như sơn, quyết không vì thân mà bỏ
pháp, quyết không vì tình mà quên pháp. Về mặt này, Gia Cát Lượng là mẫu mực
thiên cổ. Sau khi rút về Hán Trung, Gia Cát Lượng xem xét kỹ về trách nhiệm để
mất Nhai Đình. Theo Vương Bình truyện và Triệu Vân truyện trong Tam quốc chí,
ngoài việc hạ ngục xử tử Mã Tắc, còn giết tướng quân Trương Tu, Lý Thịnh, đoạt
binh quyền từ tay tướng quân Hoàn Tập, giáng chức Triệu Vân từ Trấn đông tướng
quân thành Trấn quân tướng quân. Duy nhất có Vương Bình được thăng chức, thêm
là tam quân, thống lĩnh năm bộ (thống soái quân tinh nhuệ gồm một vạn người
Thanh Khương), là Doanh sự (phụ trách đại bản doanh của Gia Cát Lượng), lên làm
Thảo khấu tướng quân (nguyên là Tì tướng quân), phong Đình hầu. Bản thân Gia
Cát Lượng cũng bị xử lý. Theo Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, theo thỉnh cầu
“xin giảm ba bậc” của Gia Cát Lượng, triều đình quyết định giáng làm Hữu tướng
quân, vị trí có phần thấp hơn Lý Nghiêm được thăng làm Tiền tướng quân vào năm
Kiến Hưng thứ IV (Công nguyên năm 226).
Một loạt xử lý như vậy rõ ràng là việc
làm chấn động triều dã thời đó, ngày nay cũng khiến chúng ta phải kinh hồn lạc
phách. Chúng ta cũng thấy Gia Cát Lượng có nhiều điểm hơn người.
Thứ nhất, nghiêm khắc cả với mình. Đồng
thời với việc xử lý Mã Tắc và những người khác, Gia Cát Lượng dâng sớ lên Lưu
Thiền xin được xử lý. Trong Sớ từ Nhai Đình xin giáng chức nổi tiếng, Gia Cát
Lượng gần như nhận mọi trách nhiệm chiến bại về mình. Gia Cát Lượng nói, với
tài năng bình thường vi thần bất hạnh đảm đương trọng trách quá sức (thần tài
hèn sức mọn), thân cầm quyền thống soái ba quân (thân cầm giáo thống soái ba
quân nhưng chưa thể răn phép tắc (chưa thể huấn chương minh pháp), cũng chưa thể
khiến ba quân biết thận trọng, biết lo sợ (gặp việc mà sợ hãi) dẫn tới tướng
lĩnh không tuân lệnh trong trận Nhai Đình (dẫn tới phạm lệnh ở Nhai Đình), quân
giữ Kỳ Cốc không nghe lời răn (Kỳ Cốc chểnh mảng nên đã mất). Tất cả là do thần
sai lầm trong cách dùng người (bởi thần chưa biết nhận dạng). Thần nhìn người
chưa rõ (chưa biết về người), gặp việc còn sơ sài hồ đồ. Theo “đại nghĩa trong
Xuân Thu” (trách soái Xuân Thu), mỗi khi chiến bại phải hỏi tới trách nhiệm của
chủ soái, thần phải gánh hết mọi trách nhiệm (thần là chủ soái). Vì vậy, xin được
giáng xuống ba bậc, để giúp thần sửa chữa những sai lầm (để sửa chữa sai lầm).
Về chuyện này, mọi người thấy phải
kính phục! Trước đây tôi đã nói, Tháo sở dĩ thành công vì biết nhìn thẳng vào sự
thật, thừa nhận sai lầm của mình, dù có lúc sự thừa nhận còn mơ hồ. Nhưng biết
nhìn vào sự thực là tốt rồi. Gia Cát Lượng còn hơn thế, dám nhận hết trách nhiệm
của người khác về mình (ví như để mất Nhai Đình là do Mã Tắc, bại trận ở Kỳ Cốc
là việc của Triệu Vân). Có người nói, Gia Cát Lượng xin “giáng ba bậc”, và Tào
Tháo “cắt tóc thay đầu” là như nhau, đều là làm trò. Vì đúng là chấp pháp như
sơn thì Tào Tháo phải chặt đầu, còn Gia Cát Lượng tuy bị giáng là Hữu tướng
quân, nhưng vẫn là thừa tướng (làm việc của thừa tướng), quyền lực không nhỏ một
chút nào (vẫn quán xuyến như trước), đây chẳng phải là giả dối sao? Như vậy là
không hiểu về chính trị, không hiểu về lịch sử. Nền chính trị cổ đại Trung Quốc
luôn được chỉ đạo bằng tư tưởng Nho gia học thuyết. Về phương pháp luận, tư tưởng
Nho gia nói những gì? Nói về “Kinh” và “Quyền”. Kinh là phải kiên trì, Quyền
thì có thể linh hoạt. Cũng tức là chính sách vừa có tính nguyên tắc lại vừa có
tính linh hoạt. Vì vậy, Xuân Thu đại nghĩa đã có quy định “chiến bại trách
soái” lại có cả cách nói “phạt không thăng chức”. Vì nếu không trách soái thì mọi
người không có trách nhiệm; còn như chính pháp với chủ soái, thể tất người thân
sẽ đau khổ, kẻ thù sẽ vui sướng, là giúp đỡ kẻ thù. Vì vậy, khi chủ soái phạm
sai lầm, cần phải xử lý với một mức độ vừa phải. Vì thế, Tào Tháo không thể tự
sát, chỉ có thể cắt tóc thay đầu; Gia Cát Lượng cũng chỉ “tự giáng ba bậc”, đồng
thời vẫn “làm việc của thừa tướng, quán xuyến như trước”. Trên thực tế, Tào
Tháo “cầm kiếm cắt tóc ném xuống đất”, ngang như tự phán xử tội phải cắt tóc;
Gia Cát Lượng giáng làm Hữu tướng quân cũng không phải nhẹ. Không thể coi đó là
làm trò.
Thứ hai, dám nhận sai. Với cách nói ngày nay thì “sự sơ suất ở Nhai Đình” là bản kiểm điểm của Gia Cát Lượng. Người Trung Quốc thích viết kiểm điểm, giỏi viết kiểm điểm, ngay như hoàng đế cũng có “chiếu kể tội mình”, những người hối lỗi sâu sắc thì ít, người nói năng dối trá thì nhiều. Bản sơ suất ở Nhai Đình của Gia Cát Lượng không có chỗ nào nói quá, đều là thực sự cầu thị, tự đáy lòng. Ở đó có mấy điểm đáng lưu tâm: 1- Nhận mọi trách nhiệm “tất cả là do thần”. 2- Nêu rõ mấu chốt của vấn đề (nhận nhiệm vụ nhưng không có biện pháp). 3- Định ra chế độ vấn trách (Xuân Thu trách soái). 4- Sử dụng biện pháp cải tà quy chính. Điểm này không có trong bản kiểm điểm, nhưng đã làm. Sau thất bại Nhai Đình, Gia Cát Lượng ra tiền tuyến để chỉ huy, sẽ hết cảnh “nhận nhiệm vụ nhưng không có biện pháp” hoặc “vi lệnh”, “mất cảnh giác”. Đây là điểm hơn người của Gia Cát Lượng. Thực tế thì, con người không thể không phạm sai lầm, Gia Cát Lượng cũng không ngoại lệ. Cái hay là Gia Cát Lượng biết nhìn thẳng vào sai lầm, tránh việc mất bò mới lo làm chuồng. Người xưa nói: “Biết sai để sửa mới là điều quan trọng”. Từ trận chiến Nhai Đình, Gia Cát Lượng biết tổng kết kinh nghiệm có được bài học mới là giỏi.
Thứ ba, thưởng phạt phân minh. Mã Tắc
trực tiếp làm mất Nhai Đình, xử tử, Triệu Vân tuy để “thất lợi ở Kỳ Cốc”, nhưng
vì “mình yếu địch mạnh” lại biết “cùng quân cố thủ, chưa đến đại bại”, giáng chức;
Vương Bình trước trận đánh “có lời can Tắc”, sau lúc bại trận đã “gan dạ đứng vững”,
ngăn Trương Cáp tấn công, trọng thưởng. Là gì đây? Là: “Trị Thục theo phép, chấp
pháp như sơn”.
Nhưng ở đây vẫn còn có vấn đề - Gia
Cát Lượng làm việc đúng đắn như vậy, nhưng vì sao còn phải khóc?
Điều này không thể giải thích bằng việc
“Trị Thục theo phép”. Ai cũng hiểu, trị nước theo phép, tất phải chấp pháp như
sơn, mà chấp pháp như sơn sẽ không tránh khỏi vì đại nghĩa diệt thân. Gia Cát
Lượng hẳn rõ điều này. Đương nhiên, đại nghĩa diệt thân không có nghĩa là không
đau khổ. Tào Tháo đã rơi lệ lúc giết Trần Cung, Gia Cát Lượng giết Mã Tắc lẽ
nào lại không rơi lệ? Vấn đề là, nếu Mã Tắc thực đáng chết thì chỉ khóc một lần
là hết, làm gì đến đoạn cứ nhắc tới lại khóc. Lần thứ hai, lúc ngồi với Tưởng
Uyển Gia Cát Lượng lại khóc. Vấn đề được thảo luận, nhân tài quan trọng hay
pháp chế quan trọng. Tưởng Uyển nói nhân tài quan trọng, Gia Cát Lượng cho rằng
pháp chế mới quan trọng. Vì sao lại phải rơi lệ lúc bàn về chuyện này? Tôi cho
là đã có ân tình gì đây.
Thực tế, từ lâu đã có người nói, việc
Gia Cát Lượng rơi lệ không đơn giản, như ngài Trần Nhĩ Đông tổng kết ra bốn
nguyên nhân: Thứ nhất, thương tiếc Mã Tắc; Thứ hai, nhớ tới tướng sĩ; Thứ ba, tự
mình hối hận; Thứ tư, truy ân tiên đế. Phần trước đã nói tới thương tiếc Mã Tắc,
tưởng nhớ tướng sĩ cũng là đương nhiên. Vậy, vì sao lại thấy hối hận, truy ân
tiên đế? Vì theo Tam quốc chí - Mã Lương truyện, lúc còn sống, Lưu Bị từng nhiều
lần can ngăn Gia Cát Lượng: “Mã Tắc thường nói bốc, không nên dùng vào việc lớn,
ông nên lưu tâm!”. Tiếc rằng Gia Cát Lượng luôn tán thưởng Mã Tắc, không mấy nhớ
lời Lưu Bị, kết quả là sai lầm lớn. Qua đó Tam quốc diễn nghĩa có đoạn nói chuyện
giữa Gia Cát Lượng và Tưởng Uyển. Tường Uyển hỏi, Mã Tắc mắc tội đáng phải
chính pháp, vì sao thừa tướng lại khóc? Gia Cát Lượng nói, ta không khóc vì Mã
Tắc (ta không vì Mã Tắc mà khóc) mà vì “giận mình tối tăm, nhớ tiên đế sáng suốt”.
Ý muốn nói, Gia Cát Lượng vì hận mình không nghe lời Lưu Bị, đương nhiên là hối
hận, nhớ đến tiên đế.
Nói như vậy là có lý, và chúng ta có
thêm một điều nữa: Tiếc mất cơ may. Xin hỏi Gia Cát Lượng giết Mã Tấc vào lúc
nào? Vào lần đầu Bắc phạt. Cuộc chiến vừa mở đầu là thuận lợi. Theo chú dẫn Ngụy
lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện và Gia Cát Lượng
truyện, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần này, bên phía Tào Tháo không hề có chuẩn bị
về tư tưởng. Vì trong mắt họ chỉ có Lưu Bị (trong Thục chỉ có Lưu Bị) không có
Gia Cát Lượng. Và từ sau khi Lưu Bị qua đời, nhiều năm nay bên phía Thục Hán
không động tĩnh gì (nhiều năm yên lặng), lâu ngày sinh lơi lỏng (không chuẩn bị
gì). Không ngờ Gia Cát Lượng không những dám tiến công mà còn giỏi trị quân, lại
tự dẫn đại quân “hàng ngủ tề chinh, thưởng phạt phân minh, hiệu lệnh rõ ràng”,
ra đường Kỳ Sơn. Bên phía Tào Ngụy “Triều dã lo sợ”, ba quận Nam An, Thiên Thủy,
An Định “nhất tề hưởng ứng”, kết quả “Quan Trung chấn động”. Nhiều năm nay Gia
Cát Lượng đã phải lao tâm khổ tứ, bàn bạc chuẩn bị nên mới có được kết quả này
và đây cũng là cơ may không lâu nữa sẽ giành thắng lợi lớn. Nhưng cuối cùng đã
ngược lại, Mã Tắc làm mất tất cả, Gia Cát Lượng đau đớn như cắt da, cắt ruột!
Vậy, phải chăng tất cả những cái đó đều
là nguyên nhân khiến Gia Cát Lượng phải đau đớn, khóc lóc?
Không phải. Trong Tam quốc thoại, ngài
Nghiêm Lãnh cho rằng còn nguyên nhân khác. Nguyên nhân gì? Ngài Nghiêm Lãnh
nói, nguyên nhân nằm trong năm chữ “giết Tắc để tạ chúng”. Trong Gia Cát Lượng
truyện, tạ chúng như có nghĩa là “để trấn an được sự phẫn nộ của dân chúng”! Thế
là ngài Nghiêm Lãnh hỏi, việc giết Mã Tắc theo quân pháp có quan hệ gì với “tạ
chúng”? Thì ra Gia Cát Lượng sử dụng Mã Tắc là “vi chúng”. Theo Tam quốc chí -
Mã Lương truyện, lúc đó dưới trướng Gia Cát Lượng không phải không có tướng tài.
Như Ngụy Diên và Ngô Nhất xứng đáng là tiên phong, (ai cũng thấy xứng đáng là
tiên phong) ai cũng nghĩ như vậy. Nhưng Gia Cát Lượng lại không theo, cứ sử dụng
Mã Tắc. Gia Cát Lượng là thừa tướng, là chủ soái. Gia Cát Lượng sử dụng Mã Tắc,
mọi người chịu, nhưng không có nghĩa không xì xầm sau lưng, không suy nghĩ
khác. Nếu như Mã Tắc thành công, đương nhiên mọi người hết nói. Nhưng tiếc là
Mã Tắc chẳng ra gì, để mất Nhai Đình, bại trận tháo chạy. Lúc này thì phiền phức
to. Phần trước đã nói, lúc sinh thời Lưu Bị từng lưu ý về việc sử dụng Mã Tắc.
Mọi người cũng không tán thành dùng Mã Tắc, bỏ Ngụy Diên và Ngô Nhất, nhưng Gia
Cát Lượng đã tự quyết theo ý mình, đã “vi chúng dùng Tắc”, kết quả là mất tất,
xin hỏi Gia Cát Lượng sẽ giải thích thế nào đây? E rằng có đến hàng trăm cái miệng
đi nữa cũng chẳng xong!
Vào thời đó, hẳn là cả thành đã xôn
xao. Nghĩ xem, Ngụy Diên là người thế nào? Tiên đế sùng tín. Ngô Nhất là người
thế nào? Quốc cữu đương thời. Mã Tắc là người thế nào? Tiên đế đã dặn, “không
thể trao việc lớn”. Không dùng Ngụy Diên, Ngô Nhất lại dùng Mã Tắc thế là có ý
gì? Vi phạm di chiếu tiên đế, không theo chủ trương của quần chúng, nên truy cứu
hay không? Đương nhiên là nên. Vì vậy, Gia Cát Lượng không những phải giết Mã Tắc,
còn phải xin giáng ba bậc. Đó là nguyên nhân khiến Gia Cát Lượng phải giết Mã Tắc,
nghiêm minh luật pháp và một nguyên nhân quan trọng hơn là dẹp mối phẫn nộ của
quần chúng. Như lời ngài Nghiêm Lãnh “vì quần chúng tức giận nên không thể
không giết”. Cũng chính vì không thể không, nên mới nẩy sinh thứ “tình cảm vừa
thương vừa giận”, không sao kìm nén được.
Nói vậy là có lý. Giết Mã Tắc không
đơn thuần là vấn đề pháp luật mà còn là vấn đề chính trị nên chúng ta không thể
đơn giản hóa. Tôi nghĩ, Gia Cát Lượng “gạt lệ chém Mã Tắc” không đơn giản là “tạ
chúng” mà còn vì mục đích chính trị. Hoặc là nói, Gia Cát Lượng giết Mã Tắc
không chỉ vì “vi chúng” khi chọn tiên phong. “Chúng” mà Gia Cát Lượng muốn “tạ”
cũng không chỉ là Ngụy Diên, Ngô Nhất và những người chủ trương Ngụy Diên, Ngô
Nhất là tiên phong mà còn là những nhân vật quyền thế trong chính quyền Thục
Hán. Phần trên tôi đã nói, chính quyền Thục Hán được hợp thành bởi ba thế lực
chính trị. Thế lực thứ nhất là tập đoàn Kinh châu, Lưu Bị - Gia Cát Lượng là đại
biểu, ngồi trong giao ỷ hàng đầu của chính quyền Thục Hán, gọi hẳn là “đệ nhất
thế lực”. Thế lực thứ hai là tập đoàn Đông Châu, Lý Nghiêm - Ngô Nhất là đại biểu,
ngồi trên giao ỷ thứ hai, gọi là “đệ nhị thế lực”. Thứ ba là tập đoàn Ích châu,
Bành Dạng (người Quảng Hán), Đỗ Quỳnh (người Thành Đô), Tiều Chu (người Lãng
Trung) là đại biểu, địa vị thấp nhất, ngồi ở giao ỷ thứ ba, thậm chí còn gọi
nôm na là “đệ tam thế lực”. Sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng tiếp quản chính
quyền, nắm giữ quyền lớn, đứng đầu quần thần, nhiều người không phục. Không chỉ
“đệ tam thế lực” có bụng bất mãn, mà “đệ nhị thế lực” cũng ngấm ngầm muốn đọ sức,
ngay cả một số người nào đó (như Ngụy Diên) trong “đệ nhất thế lực” cũng có
cách nhìn khác. Trước tình hình đó, người “thay mặt quân quyền” như Gia Cát Lượng
thì cách chọn lựa chính xác là thực hành “pháp trị”. Phải “y pháp trị nước” một
cách công khai, công bằng, công minh mới yên được quan hệ giữa ba thế lực lớn,
yên được lòng dân, củng cố được chính quyền. Cho nên, Gia Cát Lượng y pháp trị
Thục không đơn giản là vấn đề pháp luật mà còn là vấn đề chính trị.
Làm rõ điều này, chúng ta sẽ dễ dàng
giải thích được vì sao Gia Cát Lượng phải giết Mã Tắc, vì sao phải xin giáng chức
ba bậc, vì sao còn phải đau khổ khóc lóc. Gia Cát Lượng là “tráng sĩ đứt tay”
mà! Thực tế thì Mã Tắc bị giết vào năm Kiến Hưng thứ VI (Công nguyên năm 228)
cách năm Kiến Hưng thứ IX (Công nguyên năm 231), năm Lý Nghiêm bị phế có ba
năm. Và chừng một năm trước đó, năm Kiến Hưng thứ V (Công nguyên 227), Lý
Nghiêm bắt đầu ngã giá với Gia Cát Lượng, muốn phân chia năm quận, thành lập Ba
châu và làm thứ sử. Hãy đoán xem, có thể lúc này Gia Cát Lượng đã suy nghĩ phải
giải quyết vấn đề Lý Nghiêm như thế nào? Gia Cát Lượng chủ trương trị nước theo
pháp luật. Đối với nhân vật cực kỳ quan trọng như Lý Nghiêm không thể dùng thủ
đoạn phi pháp, chỉ có thể điều chỉnh bằng pháp luật. Điều đó đòi hỏi việc chấp
pháp phải công bằng. Vì thế Gia Cát Lượng đã phải xử lý hai nhân vật quan trọng.
Một người là Liệu Lập thuộc tập tập đoàn Kinh châu, một người là Lai Mẫn thuộc
tập đoàn Đông Châu. Hai người phe phái khác nhau, nhưng lại có cùng một sai lầm,
tức là bất mãn về cách sắp xếp nhân sự rồi gây mâu thuẫn nội bộ, phá hoại sự
đoàn kết nhất trí. Kết quả, Liệu Lập bị phế, Lai Mẫn bị bãi quan. Việc này chứng
tỏ Gia Cát Lượng chấp pháp nghiêm minh.
Thực dễ hiểu, trong tình trạng đó,
chuyện của Mã Tắc đã đẩy Gia Cát Lượng vào một khó khăn rất lớn, chịu một áp lực
nặng nề! Gia Cát Lượng hiểu rõ, xử lý Mã Tắc không đúng, không nhanh thì biết
nói với dân thế nào, sẽ không thể trị nước bằng pháp luật. Vì ai cũng rõ Mã Tắc
là người của Gia Cát Lượng. Bỏ qua Mã Tắc thì không chỉ có Ngụy Diên - Ngô Nhất
không phục, mà Liệu Lập - cũng sẽ không phục, Lý Nghiêm và những người khác sẽ
càng bừa bãi, nghi kỵ. Nghĩ tới đại cục, Gia Cát Lượng chỉ còn cách rút đao
chém chết Mã Tắc để tạ chúng và chém luôn mình, xin được giáng xuống ba bậc. Mã
Tắc hiểu rõ đại nghĩa, chủ động cầu xin Gia Cát Lượng xử tử mình để tạ quốc
dân. Điều đó không chỉ như đứt một cánh tay mà còn như đứt từng khúc ruột. Đó
là hành vi vừa bi vừa tráng, là sự việc khiến người ta cảm thấy xót xa. Hận rằng
chúng ta không được cùng khóc với Võ hầu!
Từ đây có thể thấy, Gia Cát Lượng “gạt
lệ chém Mã Tắc”, nguyên nhân trực tiếp là Mã Tắc làm mất Nhai Đình và nguyên
nhân cơ bản là sự đấu tranh trong nội bộ chính quyền Thục Hán. Gia Cát Lượng đặt
mình trong nguyên tắc, trị quốc bằng pháp luật một cách công khai, công tâm,
công bằng nên khi ông còn sống nước Thục về đại thế coi là thái bình. Nhưng cây
muốn lặng mà gió chẳng dừng, vào tháng tám năm Kiến Hưng thứ XII (Công nguyên
năm 234), Gia Cát Lượng lâm bệnh và qua đời trong quân Bắc phạt. Tang lễ còn
chưa kịp tiến hành thì Ngụy Diên và Dương Nghi người cùng tập đoàn Kinh châu đã
động binh đao, lao vào cuộc chiến một sống một chết. Vậy, cuộc đấu tranh giữa
Ngụy Diên và Dương Nghi là thế nào? Con người Ngụy Diên đâu lại như Tam quốc diễn
nghĩa từng nói, một kẻ “phản tặc”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét