Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

MƯỢN DAO GIẾT NGƯỜI


Sát Nễ Hành giả Nễ Hành dã (Giết Nễ Hành chính là Nễ Hành vậy)
Tranh họa sĩ Hứa Lực

 

Tập thứ hai mươi tám: MƯỢN DAO GIẾT NGƯỜI

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Tuân Úc chết và Tào Ngụy kiến quốc là hai dấu hiệu khác nhau, nó chỉ ra rằng, Tào Tháo hoàn toàn từ anh hùng thời loạn biến thành gian hùng thời loạn, rằng Tào Tháo đối phó với người khác cánh bằng những thủ đoạn tàn khốc hơn nữa. Trên thực tế Tào Tháo luôn tác chiến bằng hai mặt, tức là đối phó công khai với kẻ thù, đối phó ngấm ngầm với kẻ thù. Vậy thì, trước đây Tào Tháo đã làm như thế nào?

 

 

Ở tập ba chúng ta đã nói, Tào Tháo phá Mã, Hàn, đánh Tôn Quyền, tấn công Trương Lỗ, về mặt quân sự giữa đường phải bỏ; mở đầu “giống chuyện của Tiêu Hà”, tiếp đến là phong công kiến quốc, cuối cùng là tấn tước Ngụy vương, về mặt chính trị được voi đòi tiên. Tào Tháo đã chuyển trọng điểm chiến lược từ quân sự sang chính trị, từ chiến trường sang quan trường, càng đi càng xa so với con đường chọn lựa ban đầu. Đương nhiên đó là kết quả của dã tâm ngày càng lớn. Thế là tiến thoái không có chỗ tựa, không còn đường lui, phải tiếp tục giết người.

 

 

Thực tế thì từ lâu Tào Tháo đã giết người. Từ sau khi vào triều “phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” hoặc “ép thiên tử để lệnh chư hầu”, phái phản đối Tào Tháo luôn tồn tại. Không có gì là lạ. Một người nắm giữ triều chính, độc chiếm đại quyền, ưng gì làm nấy, nếu không có ai phản đối mới là chuyện lạ. Huống chi Tào Tháo còn muốn tác chiến ở cả hai mặt, luôn đối phó với kẻ thù cả trong và ngoài triều. Ví như cái chết của Tuân Úc, người đương thời đã gây chuyện. Tôn Quyền công khai báo tin đó tới Lưu Bị, Lưu Bị nói luôn “giặc già chưa chết, họa loạn chưa hết”. Rõ ràng lúc đó, trước sau Tào Tháo đều có địch, trong ngoài câu kết, không mạnh tay trừng trị không xong.

 

 

Vấn đề là ở chỗ, Tào Tháo không phải là người không muốn nghe những ý kiến trái ngược. Tào Tháo hiểu rõ cái lợi khi nghe nhiều ý kiến khác với ý mình, vì vậy đã động viên mọi người nói nhiều, nói thật. Đã có những việc làm chứng minh điều đó. Tháng mười Kiến An năm thứ X (Công nguyên năm 205), Tào Tháo đã ban bố  Cầu trực ngôn lệnh. Kiến An năm thứ XII (Công nguyên năm 207), Tào Tháo đã trọng thưởng người phản đối việc mình đánh Ô Hoàn, trước đây chúng ta đã nói rõ điều này. Trong Cầu trực ngôn lệnh Tào Tháo đã nói, điều không thể chấp nhận được: một cấp dưới trước mặt thì bảo đúng, sau lưng lại nói sai; việc trọng thưởng người phản đối đánh Ô Hoàn muốn nói rõ với mọi người rằng, chỉ cần bạn có ý tốt, lại còn được thưởng.

 

 

Vậy phân biệt sao được đâu là “phản đối có thiện ý” đâu là “công kích với ác ý”? Trong hoàn cảnh khoan dung đó, làm sao để vừa khích lệ những lời phê bình chính đáng, vừa có thể ngăn chặn âm mưu lợi dụng dư luận làm điều xấu? Trong khi đả kích những thế lực đối địch nên chăng phải để tất cả đồng lòng, người người thấy nguy, chim chóc cũng lặng tiếng? Điều này là tùy thuộc ở trình độ.

 

 

Có “ba điểm phân biệt” trong cách làm của Tào Tháo. 1- Phân biệt “đề xuất ý kiến” và “hát điệu phản”; 2- “Gây khó dễ” và “có âm mưu”; 3- Phân biệt “một cá nhân” và “một nhóm người”. Nếu là một cá nhân thì chỉ là gây khó dễ, thì dù có hát điệu phản, vị tất Tào Tháo đã phải giết, như Nễ Hành.

 

 

Nễ Hành, tự Chính Bình, người quận Bình Nguyên, huyện Bàn (phía tây nam thị trấn Nhạc Lăng, Sơn Đông ngày nay). Hậu Hán thư đem liệt vào truyện Văn Phạm, nói là người “ít tài hùng biện”, xem ra là văn nhân, còn là tài tử, bệnh thường của văn nhân kiêm tài tử là cậy tài ngạo mạn, chẳng coi ai ra gì. Nễ Hành càng như vậy, nên tuy bụng đầy kinh luân, nhưng chẳng ai dùng. Chỉ có Khổng Dung mê tài của Nễ Hành, nên đã dâng biểu lên triều ra sức tiến cử, nói Nễ Hành đáng là đệ nhất thiên hạ, về sau lại nhiều lần tiến cử với Tào Tháo. Bản thân họ Tào cũng rất mến người tài, cũng muốn xem mặt vị nhân sĩ này. Nhưng Nễ Hành gặp mặt, còn nói lời đại nghịch, châm chọc Tào Tháo. Làm sao Tào Tháo có thể chịu được như vậy? Nhưng nghĩ đến tài khí tiếng tăm của Nễ Hành họ Tào không nỡ giết, chỉ muốn đánh gục cái uy phong đó. Lại nghe Nễ Hành giỏi đánh trống, liền triệu Nễ Hành làm quan trống rồi cho duyệt nghe âm tiết trong một hội lớn đông đủ quan khách. Lúc này Nễ Hành mới chịu đến và tiếng trống mới âm vang tinh tế làm sao! Nghe nói là “thần thái khác thường, âm tiết bi tráng, người nghe thảy đều cảm kích”. Nễ Hành liền đi đến trước mặt Tào Tháo, nhưng quan phụ trách, lễ nghi đã ngăn lại, phải thay y phục chuyên dùng của quan trống đã, sao nghĩ có thể ăn mặc như thế này? Nễ Hành nói: đã vậy ta cứ cởi bỏ quần áo trước mặt Tào Tháo, rồi cởi bỏ dần dần từng cái một, người trần như nhộng, lại từ từ thay chế phục, không hề cảm thấy xấu hổ còn chơi trống lần nữa mới đi. Lúc này Tào Tháo không biết nên trốn đi đâu. Có điều Tào Tháo vẫn là Tào Tháo, họ Tào cười khà khà trước khi nói với quan khách: Ta định bụng làm nhục Nễ Hành, chẳng ngờ ta mới là kẻ bị nhục.

 

 

Khổng Dung cũng hết sức bất bình về chuyện này đã trách cứ Nễ Hành một thôi, đồng thời nhiều lần ca ngợi Tào Tháo là người trọng tài. Nễ Hành bằng lòng gặp Tào Tháo. Khổng Dung mừng rỡ vô cùng, chạy đến báo tín cho Tào Tháo. Tào Tháo cũng rất mừng, căn dặn gia nhân hễ Nễ Hành đến phải báo ngay. Nào ngờ cứ thế chờ cho đến chiều Nễ Hành mới tới, và không phải tới để xin lỗi, tới để mắng mỏ. Lúc đó Nễ Hành mặc áo vải thường, đầu quấn khăn thô, tay cầm gậy gỗ, ngồi ngay trước cửa đại doanh, mở miệng chửi bới. Vừa chửi lại vừa đập gậy xuống đất, chửi bới có ngọn có ngành, ra âm ra sắc. Quả nhiên Tào Tháo nổi giận quay lại nói với Khổng Dung: thằng nhãi Nễ Hành là cái thứ gì thế này! Ta muốn giết hắn, bất quá chỉ như giết sẻ, giết chuột mà thôi!

 

 

Nễ Hành đúng là kẻ không biết điều. Ít ra cũng không nên bán rẻ Khổng Dung, làm cho Khổng Dung không còn ra người nữa, lại xem thường cả Tào Tháo. Có thể là do quá khinh bỉ và để không mang tiếng ác “không dung một ai” nên Tào Tháo đã không giết mà đẩy Nễ Hành sang chỗ Lưu Biểu. Lưu Biểu có tiếng khoan dung và yêu quý kẻ sĩ, sau khi đến đó, Nễ Hành như được thay cung đổi dây hòa thuận cùng nhau, có thể là một biện pháp rất hay. Nhưng tiếc thay giang sơn khó đổi, bản tính khó thay, cuối cùng thì Nễ Hành lại ầm ĩ với Lưu Biểu, Biểu lại đẩy Nễ Hành sang chỗ Hoàng Tổ. Hoàng Tổ là người thô lỗ, chịu sao được cung cách của Nễ Hành. Trong một buổi yến tiệc, Nễ Hành lại có lời khiếm nhã. Hoàng Tổ liền trách cứ, Nễ Hành đã mắng chửi đối đáp. Hoàng Tổ quá giận, sai người lôi ra đánh. Lúc này Nễ Hành càng lồng lộn chửi mắng. Hoàng Tổ không thể nhẫn nhịn, hạ lệnh giết luôn. Chủ bạ của Hoàng Tổ cũng căm giận Nễ Hành đã giết ngay Nễ Hành. Lúc này Nễ Hành mới hai mươi sáu tuổi.

 

 

Nễ Hành chết, hậu thế đồng tình nhiều. Có ba nguyên nhân đồng tình. 1- Nễ Hành kiêu ngạo; 2- Nễ Hành chửi Tào Tháo; 3- Nễ Hành chết oan. Chết oan cũng có hai cách nói: 1, Nễ Hành không đáng chết; 2, Nễ Hành chết bởi tay Tào Tháo, Tháo mượn dao giết người. Thực ra, nói vậy tưởng là đúng, nhưng đã sai. Không phân tích thêm, sẽ bị mê hoặc bởi hiện tượng bề ngoài, từ đó sẽ hiểu sai.

 

 

Chúng ta nên phân tích thêm.

 

 

Vấn đề thứ nhất, Nễ Hành kiêu ngạo không? Hình như có, Nễ Hành thường mắng chửi người đứng đầu những nơi mình đến. Ở chỗ Tào Tháo thì mắng Tào Tháo, ở chỗ Lưu Biểu thì mắng Lưu Biểu, ở chỗ Hoàng Tổ thì mắng Hoàng Tổ. Mấy ai dám làm như vậy? Không có ai. Nhiều người lấy đó làm khâm phục. Nhưng chúng ta không thể hiểu vấn đề một cách đơn giản như vậy. Mắng người đứng đầu, đâu phải đã là kiêu ngạo. Thử hỏi: 1- Người đứng đầu đó đáng mắng hay không? 2- Vì sao người này phải mắng? 3- Phải chăng người này hay mắng người, và chưa bao giờ hợp tác với người cầm đầu? Hỏi như vậy, vấn đề sẽ rõ ràng hơn.

 


Lý Bạch từng làm một bài thơ “Vọng Anh Vũ châu hoài Nễ Hành”
(Trông ra bãi Anh Vũ nhớ Nễ Hành), mở đầu bằng 4 câu:

“Vua Nguỵ danh tám cõi,
Nhưng bé trước Nễ Hành.
Hoàng Tổ khí hèn mọn,
Giết hiền, mang ác danh.”

 

Trước hết, Nễ Hành không theo chủ nghĩa “bất hợp tác”. Thực tình thì Nễ Hành rất muốn hợp tác với nhà đương cục. Hậu Hán thư - Nễ Hành truyện nói: Nễ Hành vốn là người Kinh châu tị nạn. Khi đó, người Kinh châu tị nạn rất đông vì Lun Biểu tạo ra một hoàn cảnh khá thoáng với nhân sĩ. Lúc này nếu Nễ Hành đúng là cao sĩ sẽ có thể có hai cách lựa chọn. Một thì như Gia Cát Lượng đã nói: mong giữ toàn được tính mạng trong thời loạn, không cầu được hiển đạt vang danh với chư hầu; một nữa như Gia Cát Lượng đã làm, chờ cơ mà động, chọn thời mà ra. Nhưng Nễ Hành lại không như vậy. Nễ Hành không nén nổi xúc động trong lòng, rời Kinh châu xuôi xuống vùng Hứa. Nghe nói, những lúc ra ngoài tìm cơ hội phát triển, Nễ Hành “ngầm đem theo thứ”. Thứ, là mảnh giấy ghi tên, cũng gọi là danh thiếp. Cũng tức là nói, Nễ Hành luôn mang theo danh thiếp bên mình, chuẩn bị đến với ông chủ vừa ý. Như vậy có gì là không được, bấy giờ nhiều người cũng làm như thế. Nễ Hành ra sức tìm kiếm và không sao tìm được nơi có thể “thăng tiến”. Nễ Hành vô cùng thất vọng nên mới bắt đầu chửi bới!

 

 

Sử sách còn ghi, tại huyện Hứa vào năm Kiến An năm đầu (Công nguyên năm 196), Nễ Hành bắt đầu chửi bới. Theo chú dẫn Điển lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tuân Úc truyện, lúc đó Tào Tháo vừa nghênh đón thiên tử, huyện Hứa vừa dựng đô, hào kiệt bốn phương đổ vê, nhân tài vô số. Thế là có người tốt bụng đã khuyên Nễ Hành nên kết giao với Trần Quần, Tư Mã Lang, nào ngờ Nễ Hành đã vênh mặt lên nói, lẽ nào ta lại kết giao với bọn người đồ tể, bán rượu! Trần Quần tự Trường Văn, ông nội, cha, chú đều là danh sĩ đương thời. Trần Quần là bạn của Khổng Dung, cũng là quan trong triều, không phải là đồ tể. Tư Mã Lang tự Bá Đạt, xuất thân thế gia là trưởng huynh Tư Mã Ý, đương nhiên cũng không phải là kẻ bán rượu. Một người hỏi Nễ Hành, thế Tuân Văn Nhược và Triệu Trĩ Trường thì sao? Tuân Văn Nhược tức là Tuân Úc, một nhân tài, là mưu sĩ hàng đầu của Tào Tháo; Triệu là Đãng Khâu tướng quân thời đó, ăn rất khỏe. Thế là Nễ Hành bĩu môi nói luôn- với bộ mặt của họ Tuân đó chỉ đáng đọc điếu văn tang lễ, và với cái bụng ấy họ Triệu kia có thể làm giám bếp mời khách. Các vị nghĩ xem, thế là thế nào? Tóm lại Nễ Hành chẳng coi ai ra gì, có thể vừa nãy, Nễ Hành cũng chẳng nể nang gì, thường nói với người khác, chỉ có thằng lớn Khổng Văn Tử (Khổng Dung), thằng bé Dương Đức Tổ (Dương Tu) còn hợp được, những thằng bé khác chẳng có gì đáng nói. Nễ Hành nói những câu đó lúc mới hơn hai mươi tuổi, Khổng Dung đã bốn mươi lại bị gọi “thằng lớn”! Đấy đâu phải là kiêu ngạo? Rõ ràng là điên khùng!

 

 

Đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ, đến đâu Nễ Hành cũng va vào tường nên mới chửi bới hoặc vì thích chửi bới nên mới va vào tường. Theo tôi phần lớn rơi vào tình trạng thứ hai, hoặc là cả hai, những mâu thuẫn ác liệt. Hậu Hán thư nói, Nễ Hành “từ trẻ đã có tài biện luận, song tính tình ngang ngạnh cao ngạo, khinh đời ngạo vật”, có nghĩa là xử sự nôn nóng, ngang bướng, cuồng ngạo, thích thời thượng hát điệu phản, cố ý không hợp được với người khác, không coi ai ra gì. Theo chú dẫn Điển lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tuân Úc truyện nói, Nễ Hành “cho mình có tài nên kiêu ngạo, không giao tiếp với mọi người”. Thường cho rằng người khác không bằng mình, nên không muốn cùng trò chuyện (thấy không bằng mình nên không nói), vì vậy mọi người đều ghét Nễ Hành (vì thế mọi người mới hận). Ghét bỏ Nễ Hành là đương nhiên. Một người vô lễ điên khùng như vậy thì không thể có quan hệ tốt với mọi người. Nhưng gần như Nễ Hành cũng không muốn có quan hệ tốt đó. Theo chú dẫn Điển lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tuân Úc truyện nói, lúc Nễ Hành bị Tào Tháo đuổi ra khỏi biên cảnh, những người đến tiễn đã nói với nhau: “Hành nhiều lần kiêu ngạo, nay lại đến muộn, nên không cần phải lễ nghĩa chào hỏi”. Vì vậy khi Nễ Hành tới, người ngồi cứ ngồi, nằm cứ nằm, vờ như không thấy. Nễ Hành liền ngồi phịch xuống và khóc rống lên. Mọi người hỏi vì sao khóc. Hành nói: người ngồi như nấm mồ, nằm như xác chết, ta bị kẹp giữa mồ mả và xác chết, không buồn sao được? Một người thích chửi bới, chửi bới cay độc như vậy, được ai quý mến đây? Vì vậy nhiều người hận Nễ Hành đến xương tủy (mọi người đều nghiến răng).

 

 

Hiển nhiên, ghét Nễ Hành không chỉ có Tào Tháo, Lưu Biểu, Hoàng Tổ, rất nhiều người ghét trừ Khổng Dung. Không phải Nễ Hành chỉ chống đối nhà đương cục mà chống đối với cả xã hội. Thực tế cái gọi là kiêu ngạo của Nễ Hành chỉ là sự bành trướng ghê gớm cái tôi của mình, không ngại hạ thấp người khác để đề cao bản thân. Điều đó nói lên điều gì? Nói Nễ Hành hết sức tư lợi. Nễ Hành tự cao tự đại, biểu hiện rõ sự tự tư tự lợi trong con người. Nễ Hành chỉ biết có mình, không biết đến người khác, xem thường hết thảy. Để biểu hiện sự kiêu ngạo của mình, Nễ Hành đã đẩy Khổng Dung - người bạn của mình vào hoàn cảnh khốn đốn. Như vậy không thể coi Nễ Hành là anh hùng, mà là kẻ ngu xuẩn.

 

 

Không phải Nễ Hành cứ thấy nhà đương cục là mắng chửi. Theo chú dẫn Phó tử của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tuân Úc truyện, Nễ Hành đã hết lời ca ngợi, đề cao công đức của Lưu Biểu. Nhưng sau này bệnh cũ tái phát, Nễ Hành lại nói những lời điên khùng. (Như trong Hậu Hán thư nói: “sau lại hối không cần Biểu”), Lưu Biểu liền đẩy Nễ Hành sang chỗ Hoàng Tổ. Đến chỗ Hoàng Tổ được Tổ khoản đãi chu đáo (Tổ đối xử tốt), đôi bên một thời hòa thuận. Nhưng rồi Nễ Hành lại có những lời khiêm nhã, còn mắng Hoàng Tổ là “đáng chết”. Hoàng Tổ mới giết Nễ Hành. Như vậy, không phải Nễ Hành chỉ có ngạo mạn mà bụng dạ khác thường, chửi bói quen miệng, gặp ai chửi người đó.

 

 

Một khi bối cảnh được làm rõ, chúng ta mới có thể trả lời vấn đề thứ hai, Tào Tháo có đáng bị chửi không?

 

 

Đúng là Tào Tháo có điểm đáng bị mắng, nhưng không có nghĩa Nễ Hành mắng Tào Tháo là trở thành anh hùng, phải xem Nễ Hành mắng gì, vì sao phải mắng? Đương nhiên, chúng ta cũng không rõ nội dung cụ thể. Có điều, cứ như con người của Nê Hành thì e chẳng có gì là chính đáng. Có người nói Nễ Hành mắng Tào Tháo vì Tháo cướp Hán không, bản thân câu hỏi này đang là một vấn đề. Tính lại xem, Kiến An năm đầu, Tào Tháo chưa có hành động cướp Hán, là “Hán tặc”. Thực tình thì Tào Tháo có cướp Hán ngược lại còn rất tôn kính thiên tử. Cứ cho là Tào Tháo cướp Hán nên bị chửi, nhưng Tuân Úc luôn trung với Hán thất sao cũng bị chửi? Chỉ có thể nói Nễ Hành là người thích chửi bới. Thực tế thì Nễ Hành chửi Tào Tháo vì Nễ Hành miệt thị, chán ghét Tào Tháo; vừa chán ghét vừa căm giận. Cách nói của Hậu Hán thư là “vừa gặp đã ghét”, theo chú dẫn Văn sĩ truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tuân Úc truyện thì “chán ghét luôn”. Vì sao lại miệt thị, chán ghét và thù hận? Không biết. Nhưng ngoài Khổng Dung, Dương Tu ra thì trên thế gian này không còn người nào mà Nễ Hành không miệt thị, không chán ghét và không thù hận. Huống hồ Tào Tháo là người chu đáo với Nễ Hành. Nễ Hành làm nhục Tào Tháo nhưng có hề gì đâu! Được tin Nễ Hành tới gặp, Tào Tháo rất mừng, ngồi chờ rất lâu (đợi rất muộn). Lễ hiền đãi sĩ như vậy sao còn bị mắng?

 

 

Bây giờ xin trả lời vấn đề thứ ba: Nễ Hành chết oan không? Tôi trả lời là, oan và không oan. Nói là oan, vì dù Nễ Hành có ác độc, đáng ghét đến mấy, cũng chưa đáng phải chết. Nói không oan, vì Nễ Hành tự mình chuốc lấy tội. Thực tế thì Nễ Hành luôn lớn tiếng chửi bới nên phải chết. Theo chú dẫn Phó tử của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tuân Úc truyện, khi đến với Lưu Biểu, Nễ Hành được coi là thượng khách. Nễ Hành hết lời tán thưởng Lưu Biểu và cũng không ngừng châm chọc thân tín của Lưu Biểu. Và thế là những người đó đã nói nhỏ với Lưu Biêu, rằng Nễ Hành ca ngợi tướng quân nhân ái khoan dung, thực chất ngầm chỉ tướng quân có lòng nhân của đàn bà, không biết quyết đoán, thế tất sẽ thất bại. Lời đó chích đúng vào điểm yếu của Lưu Biểu. Thực tế thì Nễ Hành không nói vậy. Nhưng cứ cho là Nễ Hành đã nói thì ai mà không tin. Kết quả Lưu Biểu tức giận, đuổi Nễ Hành sang chỗ Hoàng Tổ. Cách nói của Hậu Hán thư là, “Thái thú Giang Hạ Hoàng Tổ nóng nảy, mới đẩy Hành sang đó”. Chúng ta đều biết, Tào Tháo để Nễ Hành sang chỗ Lưu Biểu vì biết Lưu Biểu khoan dung, có thể cho Nễ Hành một lối thoát. Tào Tháo mong muốn Nễ Hành sửa đổi. Tháo muốn biết sau này ra sao (nhìn xem thế nào). Lưu Biểu biết Hoàng Tổ thô bạo, nhưng vì không dung nổi, nên mới đẩy Nễ Hành sang đó, thậm chí có ý mượn dao giết người. Nhưng liệu Nễ Hành có hiểu Hoàng Tổ là người như thế nào không? Vì sao không chịu thu bớt kiếm đi? E rằng chỉ là bệnh nhân đã sắp chết, không mắng người không sống nổi.

 

 

Vì vậy có ba nguyên nhân khiến Nễ Hành phải chết. 1- Nễ Hành tự tìm đến cái chết. 2- Lưu Biểu mượn dao giết người. 3- Xã hội thời đó là đen tối. Hơn nữa nói tới cùng, Nễ Hành chết vì không có pháp chế, không có nhân quyền. Thái thú Giang Hạ chỉ vì sĩ diện mà tùy tiện giết người, thế là chủ nghĩa gì? Là chuyên chế chủ nghĩa! Như vậy là xã hội gì? Là xã hội đen tối! Nhưng dù là một xã hội có pháp chế có nhân quyền thì cũng chẳng có ai quý mến Nễ Hành. Trong số văn sĩ chết oan thì Nễ Hành ít được đồng tình nhất. Bởi vì Nễ Hành không hề biết tôn trọng người khác, không biết làm người, mở miệng là những lời ngông cuồng, đã không nể mặt người khác, cũng không cho mình đường rút, đả kích khắp nơi, cũng tức là mất nhân dân. Nễ Hành phạm nhiều sai lầm.

 

 

Kết luận là: Nễ Hành không đáng chết, nhưng cũng không đáng để học tập, càng không nên ca tụng như một anh hùng.

 

 


Khổng Dung (bên phải) từng là nghị chủ trong triều đình của Hiến đế.
Cuối cùng đã bị Tào Tháo trừ khử.


Còn cái chết của Khổng Dung thì lại khác.

 

 

Các nhà bình luận thường coi Nễ Hành và Khổng Dung là nhân vật cùng loại. Trong số văn nhân đương thời, quan hệ của hai người này là rất tốt. Hai ngươi đều lưu lại tiếng xấu. Theo Hậu Hán thư - Khổng Dung truyện, lúc Tào Tháo giết Khổng Dung, có người phát hiện, Khổng Dung và Nễ Hành luôn tâng bốc lẫn nhau. Nễ Hành coi Khổng Dung là “Trọng Ni bất tử”, Khổng Dung lại đề cao Nễ Hành là “Nhan Hồi phục sinh”. Nhiều tài liệu thường nói tới Nễ Hành, về một ý nghĩa nào đó thì án của Khổng Dung là sự nối tiếp án của Nễ Hành. Có điều án của Khổng Dung to hơn, vì Khổng Dung là cháu đời thứ XX của Khổng Tử; quan to, là người thợ lớn (bộ trưởng kiến thiết). Vì vậy Khổng Dung chết muộn hơn.

 

 

Khổng Dung không chỉ một lần đắc tội với Tào Tháo nên bị Tháo giết. Kiến An năm thứ II (Công nguyên năm 197), Viên Thuật xưng đế, Tào Tháo muốn lấy việc công báo thù riêng, nhân đó muốn giết chết Thái úy Dương Bưu - người có quan hệ hôn nhân với Viên Thuật. Sau khi biết tin, Khổng Dung tìm đến Tào Tháo, nói: Chu thư viết: “Cha con anh em, tội không liên can”, huống chi Dương Bưu chỉ là thân gia của Viên Thuật. Tào Tháo nói thẳng luôn, đây là ý của hoàng thượng. Khổng Dung thầm nghĩ, phải vạch mặt ngươi! Mới hỏi lại: Chẳng nhẽ Thành vương muốn giết Chiêu công, Chu công cũng nói là không biết? Nay thiên hạ kính nể ngài, vì ngài thông minh, nhân trí, làm việc công minh. Nếu như lạm dụng giết người vô cớ thì e người trong thiên hạ đều phải lo lắng. Việc thứ nhất, Khổng Dung này đường đường là nam tử hán nước Lỗ, ngày mai sẽ không lên triều! Tào Tháo thấy nói cũng có lý nên không giết Dương Bưu, nhưng từ đó trong lòng đã có vết ố.

 

 

Về phần mình, Khổng Dung quyết không để Tào Tháo yên, mỗi khi có dịp, liền tìm những sơ hở của Tào Tháo rồi bằng phương thức nhiễu loạn, đánh trúng tim đen nhằm xổ hết những điều bất mãn với Tào Tháo. Theo chú dẫn Ngụy thị Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Thôi Diễm truyện, Kiến An năm thứ IX (Công nguyên năm 204), Tào Tháo công phá Nghiệp Thành, Tào Phi cướp Chân thị - vợ Viên Hi, về làm vợ. Khổng Dung liền có thư gửi Tào Tháo nói, năm đó Vũ vương đánh Trụ, đem Đát Kỷ thưởng cho Chu công. Tào Tháo biết Khổng Dung học rộng, nên cho chuyện đó là thật, liền hỏi đã đọc sách nào. Khổng Dung nói “Ngày nay chuyện xảy ra ngay trước mắt”. Theo chú dẫn Hán kỷ của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Thôi Diễm truyện, Tào Tháo muốn tiết kiệm lương thực nên hạ lệnh cấm tửu. Khổng Dung liền nhảy ra hát phản điệu, rằng trên trời có tửu tinh, dưới đất có tửu tuyền, nhân gian có tửu đức, vậy sao lại cấm tửu? Hơn nữa từ xưa thường vì đàn bà mà mất nước, vậy sao không cấm đàn bà?

 

 

Dĩ nhiên là họ Tào rất khó chịu về những lời đó. Nhưng vì Khổng Dung đầu to, tiếng tăm lớn, nên Tháo đành cho qua: “Bề ngoài khoan dung, bề trong thì bất bình”.

 

 

Nếu Khổng Dung chỉ nói mấy lời châm biếm đó hoặc nói năng nhẹ nhàng hơn thì có thể Tào Tháo đã nhẫn nhịn, cho qua. Tiếc rằng Khổng Dung còn muốn công kích vào cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Tào Tháo. Mỗi khi Tào Tháo đưa ra một quyết sách to lớn, Khổng Dung đều phản đối. Làm sao Tào Tháo có thể nhẫn nhịn được. Ví như cuộc chiến Quan Độ, Khổng Dung rêu rao trong triều rằng không thể thắng được Viên Thiệu. Tuân Úc đã phản bác lại, xem Tam quốc chí - Tuân Úc truyện. Lại theo Hậu Hán thư - Khổng Dung truyện, Khổng Dung từng dâng thư lên triều đình nói nên theo chế độ thời cổ đại trong vòng ngàn dặm ở kinh đô không nên phong hầu. Tào Tháo nghi rằng họ đang nhắm vào mình, muốn đẩy tước hầu của mình ra ngoài ngàn dặm. Nên nhân lúc quan hệ giữa Khổng Dung và Lưu Bị có chỗ bất đồng, Tào Tháo quyết định tiêu diệt Khổng Dung trước khi dùng binh đánh Kinh châu.

 

 

Nhưng Khổng Dung vốn không phải là loại chuột bọ vô danh, muốn giết hẳn phải theo từng bước một. Vừa khéo vào tháng sáu năm Kiến An thứ XIII (Công nguyên năm 208), Tào Tháo cải cách quan chế, khôi phục chức thừa tướng và ngự sử đại phu. Người nhận chức ngự sử đại phu (bộ trưởng bộ giám sát) là Si Lự đã nói ở phần trước. Si Lự vốn đã bất hòa với Khổng Dung, được tin dùng nên đã hiểu ngay ý của Tào Tháo. Theo Khổng Dung truyện, Si Lự thu thập ngay tội chứng của Khổng Dung và cho một người là Lộ Túy báo tài liệu lên. Điều quan trọng nhất trong đó là câu nói bốc “Người có thiên hạ, cứ gì phải là mão kim đao” - Mão kim đao tức là chữ lưu. Đó là lời mưu phản, đương nhiên kẻ đáng giết phải giết. Thế là Khổng Dung bị nhốt ngay vào ngục, xử tử. Năm đó Khổng Dung năm mươi sáu tuổi, vợ, con đều bị giết sạch.

 

 

Có điều Tào Tháo giết Khổng Dung không vì tội danh “mưu phản”, mà vì tội danh “bất hiếu”. Theo chú dẫn Ngụy thị Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Thôi Diễm truyện, vì tiếng tăm Khổng Dung quá lớn, Tào Tháo sợ người khác không phục, nên đành phải công bố tội danh. Nghe nói Khổng Dung có hai câu nói “bất hiếu”. 1- Cha và con có ân tình gì? Bàn về ý nghĩa thì chẳng qua tình dục phát tác một lúc thôi mà. Mẹ và con có gì là tình yêu thương? Chỉ như vật dụng để tạm trong vại sành, sau khi lấy ra thì hết quan hệ. 2- Gặp lúc mất mùa, có chút gì ăn, nếu cha mẹ không tốt thì nên đem cho người khác. Nói như vậy rõ ràng là “bất hiếu” rồi! Nên trong lúc ban bố tội trạng, Tào Tháo đã hằn học nói: “Dung phạm trời trái đạo, nói năng loạn lễ, tuy giết thị triều, nhưng hận là muộn” cũng tức là, Khổng Dung không những đáng giết mà còn giết quá muộn.

 

 

Đây là sự trị tội điển hình vì lời nói và cũng là nền chuyên chế chính trị điển hình. Trước hết, chúng ta không rõ có đúng là Khổng Dung đã nói như vậy không, bố cáo viết nghe Nễ Hành kể lại. Nễ Hành nghe Khổng Dung nói xong, đã kể lại ở khắp nơi, ảnh hưởng thật tệ hại. Nễ Hành đã chết không còn người đối chứng, biết thế nào đây. Theo tôi, có thể đây là lời Nễ Hành nói cho Khổng Dung nghe, nhưng Tào Tháo lại bảo là Khổng Dung nói vậy, thì nhiều lắm cũng là lời nói quàng xiên, có sai nhưng không có tội. Nhưng đó là thời đại Tào Tháo không nghĩ tới nhân quyền, ngay như “phỉ báng âm thầm” cũng là có tội, huống chi đây lại là lời “công kích điên cuồng”! Đương nhiên là đáng chết, 3- Tào Tháo từng nói “có tài thì dùng”, cướp chị dâu nhận vàng, bất nhân bất hiếu có hề gì, vậy sao chỉ vì bất hiếu mà giết người? Lẽ nào nói mà không làm, tự vả vào mặt mình? Hơn nữa đây chỉ là mấy lời bất hiếu của Khổng Dung, Tào Tháo lại quy kết thành đường lối tổ chức, chính sách nhân sự, lẽ nào lại không đáng giết? Có điều, chúng ta lại không thể hỏi Tào Tháo mấy lời đó. Đúng như ngài Lỗ Tấn đã nói: “Nếu chúng ta đến hỏi Tào Tháo thì e rằng Tào Tháo sẽ giết nốt chúng ta!”.

 

 

Tào Tháo giết Khổng Dung với tội danh bất hiếu là có dụng ý. Lần nữa chứng tỏ Tào Tháo là chính trị gia đầy mưu kế, còn Khổng Dung làm việc như con mọt sách. Trước hết, Hán triều luôn chủ trương trị thiên hạ bằng đạo hiếu. Tào Tháo giết Khổng Dung, chứng tỏ mình luôn ủng hộ hiếu đạo, ủng hộ hiếu đạo cũng tức là ủng hộ Hán thất. Việc làm quang minh chính đại, đồng thời còn rửa sạch được mối nghi ngờ Tào Tháo “cướp quyền”. Về mặt chính trị Tào Tháo lại được thêm một phiếu. Thứ nữa, làm thế không chỉ tiêu diệt xong thể xác Khổng Dung, còn có thể hạ thấp danh dự Khổng Dung, nghĩ xem, là cháu đời thứ XX của Khổng Tử lại chủ trương bất hiếu thì nhân phẩm còn giữ được không? Một người phản bội tổ tiên, lẽ nào lại không đáng chết? Hiển nhiên, Tào Tháo không chỉ muốn giết chết Khổng Dung mà còn muốn Khổng Dung mang tiếng xấu muôn đời. Chiêu này thực độc ác và lợi hại. Vì vậy khi Trần Thọ viết Tam quốc chí đã không dám đưa truyện Khổng Dung vào.

 

 

Nói thêm, Tào Tháo giết Khổng Dung, ngoài việc tiêu diệt kẻ khác phái, còn có mục đích muốn chỉnh phong sửa khí. Có điều phong khí chẳng có quan hệ gì với hiếu hay bất hiếu, nhưng lại quan hệ lớn đến chính trị. Chúng ta đều biết, những năm cuối thời Đông Hán có danh sĩ gắng giữ mình trong sạch, và cũng có kẻ uốn gối cầu vinh. Nhưng bất kể là loại thanh lưu nào, đều có chung một đặc điểm, tài khí lớn tính khí cũng lớn hoặc không có tài khí nhưng tính khí lớn. Họ tự cho mình là thanh cao, không chịu đi lại với lũ tục nhân, cũng không chịu hợp tác với người cầm quyền, hoặc vờ không biết có sự hợp tác đó. Nếu chỉ là cá nhân giở trò thì không có gì đáng ngại, đàng này họ lại muốn đưa tác phong tính khí đó vào lĩnh vực chính trị, tạo nên ảnh hưởng lớn, khiến Tào Tháo nhiều lần phải đau đầu. Tào Tháo là người phi thường luôn làm những việc phi thường trong thời khắc đặc biệt. Tào Tháo muốn chuyên chính, lẽ nào lại chịu để người khác ngày ngày chửi rủa mình? Tào Tháo muốn dùng người sẽ không tha cho những ai không hợp tác. Cần phải giết để nhắc nhở mọi người, Khổng Dung chỉ là một con gà trống trong số đó.

 

 

Nễ Hành chết vào năm đầu Kiến An (Công nguyên năm 196); Khổng Dung chết năm Kiến An thứ XIII (Công nguyên năm 208); Tuân Úc chết năm Kiến An thứ XVII (Công nguyên năm 212). Sau này, Kiến An năm thứ XXI (Công nguyên năm 216) và Kiến An năm thứ XXIV (Công nguyên năm 219), Tào Tháo giết tiếp Thôi Diễm và Dương Tu. Bấy giờ thì đây là những án lớn, đồng thời là nghi án và không giống với ba án trước. Vậy thì, vì sao lại phải giết Thôi Diễm và Dương Tu?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét