Trong Kinh kịch
Tào Tháo thuộc kiểu nhân vật gian hùng là đại diện điển hình cho mặt trơn màu
trắng |
Tào Tháo là nhân vật đa
nhân cách, một mặt có tính cách ám muội, dối trá, mưu mô mặt khác lại có tài
thao lược trong quân sự và chính trị. Khuôn mặt Tào Tháo được phủ toàn bộ màu
trắng thể hiện bản chất quỷ quyệt, mắt ti hý gãy góc với những nếp nhăn đằng chuôi
cho thấy một tính cách xảo trá. |
Tập thứ hai mươi chín: CHÂN TƯỚNG MỆNH ÁN
Tác giả Dịch Trung Thiên
Tào Tháo tạo ra án oan, giết chết Khổng
Dung; ngầm tỏ dâm uy, bức chết Tuân Úc. Điều đó nói rõ Tào Tháo là nhân vật quyền
cao thế mạnh trong lĩnh vực chính trị, quyết không cho phép bất kỳ ai phản đối
đường lối chính trị của mình. Cả việc hoài nghi cũng không được; đồng thời cũng
chỉ ra những nhược điểm chủ yếu về mặt chính trị của Tào Tháo. Vậy, từ nguyên
nhân chính trị nào khiến Tào Tháo phải giết Thôi Diễm và Dương Tu?
Ở ba tập trước, chúng ta nói đến cái
chết của Nễ Hành, Khổng Dung và Tuân Úc. Thấy ngay, nguyên nhân chết của ba người
không giống nhau, cách chết cũng khác nhau. Nễ Hành tính khí bực dọc hay phá
bĩnh, quan hệ không rộng, chỉ là cá nhân, không hình thành một lực lượng chính
trị nói chung hoặc một tập đoàn chính trị, nên Tào Tháo không giết. Tuân Úc đã
hát điệu phản, nhưng cũng chỉ là cá nhân, không đại diện cho thế lực hoặc tập
đoàn nào, còn là một đại công thần, nên Tào Tháo đã không giết công khai. Sau
khi chết, Tuân Úc còn được hậu đãi “ban thụy là kính”. Khổng Dung luôn hát điệu
phản, lại đại diện cho thế lực chống đối trong triều, ngoài xã hội, đối mặt
trong một thời gian dài, nên Tào Tháo không chỉ công khai xử tội chết mà còn giết
cả nhà, gia thêm tội danh, suốt đời mang tiếng xấu. Làm như vậy để nói lên điều
gì? Tào Tháo đã vạch rõ ranh giới về mặt chính trị. Tào Tháo có thể nhẫn nhịn
khi người khác làm mình mất sĩ diện (cũng có khi không nhẫn nhịn được) nhưng
tuyệt đối không cho phép bất kỳ ai phản đối đường lối chính trị và công việc cụ
thể của mình. Người nào cả gan dám phản đối, nhất định Tào Tháo sẽ giơ dao đồ tể
tiêu diệt luôn, ngay cả một công thần như Tuân Úc cũng không ngoại lệ, nói chi
tới Thôi Diễm, Dương Tu.
Án xử chết Thôi Diễm là án oan lớn thời
đó, nhiều lúc Tào Tháo còn phải nhớ lại. Ngay như Trần Thọ - người không dám viết
về Khổng Dung cũng phải thốt lời “cả thế gian phải thương tiếc, đến nay vẫn là
oan”. Để làm rõ điều này, trước hết phải xem Thôi Diễm là loại người nào, rồi mới
nói tới vì sao phải chết.
Tôi chỉ có thể nói về Thôi Diễm bằng
mười sáu chữ: văn võ toàn tài, trọng thần triều đình, chính nhân quân tử, đức
cao vọng trọng. Thôi Diễm tự Quý Khuê người thành Đông Vũ, Thanh Hà (nay là
vùng Tây Bắc huyện Vũ Thành, Sơn Đông). Tam quốc chí - Thôi Diễm truyện nói:
lúc nhỏ Thôi Diễm thích đánh kiếm, say mê võ thuật, không thạo đường ăn nói.
Năm hai mươi ba tuổi được làng xóm coi là “chính tốt”, hàng năm phải làm dao dịch
(lao dịch) một thời gian (gồm lực dịch hoặc quân dịch). Sau lúc trở thành văn học
đệ tử mới được miễn trừ dao dịch. Vì vậy năm hai mươi chín tuổi trở thành đệ tử
của Kinh học đại sư Trịnh Huyền, sau này được Viên Thiệu gọi vào trong quận nhận
chức Kỵ đô úy (quan thống soái Vũ Lâm kỵ binh). Chúng ta đều biết, Viên Thiệu
là người nghe không lọt tai những lời trái ý. Thôi Diễm khuyên Thiệu không nên
đánh Tào Tháo. Viên Thiệu không nghe, kết quả là bại trận ở Quan Độ. Sau khi
Viên Thiệu mất, Viên Thượng và Viên Đàm giành nhau Thôi Diễm, họ Thôi đành phải
“cáo bệnh từ chối”, kết quả là bị giam vào ngục. May sao được Trần Lâm cứu giúp
mới thoát chết.
Sau khi Tào Tháo công phá Nghiệp
Thành, Thôi Diễm liền theo Tào Tháo. Kiến An năm thứ XIII (Công nguyên năm
208), Tào Tháo phế bỏ tam công, phục hồi chế độ thừa tướng và tự nhận chức thừa
tướng. Trong phủ thừa tướng có Đông Tào và Tây Tào lo việc tuyển chọn cán bộ.
Tây Tào quản các bộ ở trung ương, Đông Tào quản việc địa phương và quân đội.
Thôi Diễm từng làm việc ở cả hai nơi. Bùi Tùng Chi chú dẫn Tiên hiền hành trạng
nói, lúc nhận chức ở Đông, Tây Tào, Thôi Diễm đã tuyển chọn được vô số nhân tài
ưu tú “văn võ người tài đều được xem xét đề bạt”, tùy tài mà sử dụng, không dựa
vào tình cảm, dẫn đến “Triều đình mạnh mẽ, thiên hạ thái bình”, tuyệt không
dùng kẻ hủ bại, xây dựng một triều đình đầy hy vọng.
Bấy giờ Thôi Diễm đúng là một danh sĩ
đức cao vọng trọng. Thôi Diễm lúc nhỏ tính tình đôn hậu, ít lời nhỏ tiếng, tướng
mạo đường đường, vẻ một nhân tài. Tam quốc chí từng nói; “thanh thế cao vời,
đôi mắt ngời sáng, râu dài bốn thước, trông rất uy thế”; Tiên hiền hành trạng lại
nói: Thôi Diễm “trong sáng ngời ngời, nhìn xa học rộng, hành sự đúng đắn, chính
sắc trong triều”, cũng là thanh liêm trung trinh, nho nhã chuẩn xác, làm việc
đúng đường, dáng vẻ đường hoàng, lẫm liệt ở trong triều. Nghe nói, không những
người trong triều đều sùng kính Thôi Diễm (triều sĩ ngưỡng vọng) mà ngay cả Tào
Tháo cũng phải nể phục (Thái tổ cũng kính nể). Thực tình, Tào Tháo muốn Thôi Diễm
đến nhận chức ở Đông Tây Tào vì Diễm có thể biến đổi con người từ tham lam
thành thanh liêm (người tham mộ danh thành thanh liêm), người dũng cảm được
khích lệ thêm (tráng sĩ được khích lệ). Chính Tào Tháo đã nói như vậy. Tào Tháo
coi Thôi Diễm là thủ lĩnh của mọi người, là tấm gương cho các quan, (có thể làm
gương cả một thời) xem như là mẫu mực của thời đại.
Nhưng là một người như vậy mà vẫn bị
Tào Tháo giết, vu khống để giết. Lý do để giết là “có bụng phỉ báng”. Coi “có bụng
phỉ báng” làm tội danh để giết người vốn là sự suy luận bừa bãi, hơn nữa không
thể nói là Thôi Diễm “có bụng phỉ báng”, làm gì có những lý do đó. Theo Tam quốc
chí - Thôi Diễm truyện thì sự việc là thế này: sau khi Tào Tháo là Ngụy vương,
có người tên là Dương Huấn có biểu ca tụng công đức của Tào Tháo. Một số người
bàn tán biểu chương, cho đó là sự ứng hợp quyền thế, lừa bịp dối trá. Họ bàn tiếp
đến Thôi Diễm, cho là một “bộ trưởng tổ chức” đã không làm tròn nhiệm vụ trong
vấn đề Dương Huấn làm quan. Thôi Diễm liền tìm đọc biểu chương của Dương Huấn,
sau đó gửi cho Dương Huấn một bức thư ngắn nói, “xem biểu, việc coi như là được!
Thòi gian trôi qua sẽ có thay đổi”. Có người đem bức thư đó mật báo với Tào
Tháo, từ đây mà có vụ án đó.
Vì sao Thôi Diễm lại viết bức thư này?
Thôi Diễm có động cơ và suy nghĩ gì? Thực khó lòng để biết chính xác đó là gì? Trần
Thọ cho rằng: Thôi Diễm có ý châm biếm những kẻ phản đối kia “kẻ bàn tán kia thực
đáng trách, chẳng có tình lí gì”. Nhưng đúng là bức thư đó có phần hàm hồ, từ
ngữ lờ mờ hiểu sao cũng được. Tạm dịch thế này: ta đã xem biểu chương, sự tình
có thể coi là được. Thời gian ôi thời gian, sẽ biến đổi theo thời gian, nhất định
tình huống sẽ biến đổi! Điều mấu chốt ở đây là: việc có thể coi là được kia là
việc gì và tình huống sẽ biến đổi kia là tình huống nào. Những cái đó có thể hiểu
như thế này: lời lẽ trong biểu chương của Dương Huấn có thể coi là được hoặc việc
Dương Huấn dâng biểu chương có thể coi là được. Hiểu như vậy là hiểu qua sự việc,
thuận lí thành lời.
Nhưng người báo mật kia lại giải nghĩa
khác. Anh ta dịch ra như thế này: Ta đã xem biểu chương, những việc người họ
Tào kia làm có thể coi là được! Thời gian a thời gian, rồi sẽ có biến. Vì vậy
Tào Tháo tức giận nói: Trăm họ sinh con gái thường nói là “sinh con gái thôi”,
cũng tức là sinh con gái mà, “tạm gọi là được”. Nhưng “thôi” là từ không hay.
“Rồi sẽ có biến”, nói như vậy là thiếu khiêm tốn, có dụng ý khác! Thôi Diễm liền
bị xử côn hình luân đồ, cắt tóc, làm lao dịch. Với một người nhân phẩm và tướng
mạo hoàn hảo, địa vị và phẩm đức cao sang như Thôi Diễm thì đó là sự sỉ nhục to
lớn. Tuy vậy, Thôi Diễm vẫn thản nhiên, hành vi sắc thái như thường, không hờn
giận sợ sệt, không uốn gối van xin. Kẻ mật báo nọ lại đến nói với Tào Tháo,
Thôi Diễm không hề nhận tội, hối cải. Tào Tháo liền hạ lệnh: Thôi Diễm tuy nhận
hình phạt, nhưng vẫn kết giao với tân khách, nhà cửa đông đúc như ngoài chợ; vẫn
vuốt râu khi nói năng, vẫn trừng mắt lúc nhìn người, bụng dạ như có nhiều điều
bất mãn! Thế rồi ban Thôi Diễm tội chết. Ngụy lược kể lại tường tận chuyện này:
Bấy giờ Tào Tháo phái người đến báo với viên quan phụ trách án, sau ba ngày phải
có tin. Mấy hôm sau viên quan phụ trách việc giám sát đến báo nói: Thôi Diễm
bình an vô sự. Tào Tháo tức giận nói: chẳng nhẽ Thôi Diễm nhất định để bản
vương phải động dao động búa hay sao? Thôi Diễm nghe nói vậy liền gật đầu, đó
là sai lầm của tôi, không biết Tào công lại có ý đó (giết tôi không thích hợp,
không biết công có ý đó). Thế rồi thanh thản tự tận.
Không cần phải phân tích cái chết của
Thôi Diễm, biết ngay đó là án oan. Tào Tháo như bị kích động, thất thường. Tội
danh đã dùng cũng ngang như là “có thể có mà”. Vì vậy nhiều người đã phản đối.
Theo Tam quốc chí - Mao Giới truyện, Mao Giới - người đã ở Đông Tào duyện cùng
Thôi Diễm tuyển chọn cán bộ vô cùng bất mãn. Những kẻ mật báo ti tiện và lũ người
bợ đỡ đã báo chuyện đó với Tào Tháo, Tào Tháo lại bừng bừng nổi giận, tìm ra chỗ
sơ suất để hạ ngục hỏi tội Mao Giới. Mao Giới vẫn thản nhiên bình tĩnh trình
bày, xưa nay những người bị ghen ghét, bị hãm hại, bị giết oan không thể kể hết.
Mao Giới, quan từ huyện lại nay là đại thần triều đình, đã mang tội với nhiều
người, muốn tìm mấy sai sót có khó gì đâu? Mao Giới chỉ mong được một lần đáp
trả giữa triều đình. Nếu Mao Giới phải quanh co ấp úng, thì xin xử thần cực
hình, tức là gia quan tiến tước (ngày xử hình cũng là ngày được ban tặng), lấy
thủ cấp của thần tức là thiên ân lồng lộng (ban kiếm đến, tức là trọng thưởng).
Không thể phủ nhận được mấy lời đó của Mao Giới. Sau đó thì Hoàn Giai - người
luôn ủng hộ Tào Tháo, còn chủ trương Tào Tháo nên làm hoàng đế (cùng với một số
người khác nữa) đứng ra cứu giúp, Tào Tháo mới tha chết cho Mao Giới, nhưng vẫn
phải bãi quan.
Có người không lấy làm ngạc nhiên về
chuyện này, ví như Tôn Thịnh từng nói “Ngụy Võ luôn dùng hình, để mất chính”.
Chúng ta cũng không hiểu, bởi vì điều đó khác hẳn với chủ trương và con người
Tào Tháo trước đây. Xem ra khi có nhiều quyền lực và nhiều dã tâm thì lúc này
Tào Tháo không còn là Tào Tháo năm xưa nữa! Nhưng vấn đề là Tào Tháo dù bị kích
động thất thường, nhưng chưa đến đoạn thần kinh tác loạn, cũng chưa đến đoạn
như một kẻ điên rồ vô duyên vô cớ giết người bừa bãi. Tào Tháo giết người luôn
có nguyên nhân. Nhưng có điều lạ, án của Thôi Diễm rõ ràng là án oan, nhung vì
sao Thôi Diễm không muốn trình bầy phản biện như Mao Giới, ngay cả giải thích
cũng không chịu? Có thể có hai cách giải thích về lời nói của Thôi Diễm, vì sao
Tào Tháo muốn quanh co hiểu nhầm? Cuối cùng thì Tào Tháo và Thôi Diễm có quan hệ
gì? Vì sao Tháo phải giết Thôi Diễm, và vì sao Thôi Diễm phải tự sát?
Trần Thọ giải thích là “ỷ vào cái cũ
mà bất kính”. Trần Thọ nói: “Thái Tổ hay nghi, có gì mà không làm, Khổng Dung
nước Lỗ, Hứa Du, Lâu Khuê Nam Dương đều ỷ vào cái cũ bất kính mà bị giết. Còn mọi
người luôn thương tiếc Diễm, đến nay vẫn là oan uổng”. Đúng là Hứa Du chết vì bất
kính, nhưng Khổng Dung thì không phải. Khổng Dung chết vì “chống đối”. Còn Thôi
Diễm thì sao? Thôi Diễm không hề phản đối khi Tào Tháo được phong Ngụy công, tấn
phong Ngụy vương. Ngay cả khi Tào Tháo lấy câu “việc cũng coi là được” để xem
là hoặc để nói là “bất kính”, cũng chưa chắc Thôi Diễm đã xung đột với Tào
Tháo. Vậy thì cuối cùng vì sao Tào Tháo phải giết Thôi Diễm?
Có thể đoán ra ba lý do.
1- Thẩn kinh quá mẫn cảm. Chúng ta đều
biết, việc Tào Tháo được phong Ngụy công rồi kiến Ngụy quốc, xưng Ngụy vương
nhiều người không hài lòng. Nghĩ xem, một người trí tuệ như Tuân Úc đã công
khai phản đối, những người khác thì bàn tán sau lưng. Điều đó khiến cho tinh thần
Tào Tháo căng thẳng, luôn kinh hoàng hoảng hốt, lo lắng sợ hãi, nghi thần nghi
quỷ. Hơn nữa theo quan niệm truyền thống, chính nhân quân tử là người có trách
nhiệm ủng hộ vương thất, ngăn ngừa chính biến. Tào Tháo rất cảnh giác, hoài
nghi số người đạo đức cao thượng. Vừa khéo Thôi Diễm lại nằm trong số người đó.
Vì vậy khi nghe lời nói của Thôi Diễm, Tháo không hề nghĩ về phía thiện ý mà chỉ
nghi ngờ Thôi Diễm “công kích ác độc”.
Vấn đề là ở chỗ, vì sao Thôi Diễm
không biện giải? Cũng có hai khả năng: 1- “không thèm chấp”. Chúng ta đều biết
Thôi Diễm nhân phẩm cao thượng cao quý. Một người cao thượng cao quý thì không
bao giờ kiêu ngạo, ngạo mạn. Quân tử có khí tiết, đại trượng phu coi cái chết
như trở về, biện giải làm gì! Muốn giết thì giết đi, tự mình ra tay cũng được,
nên đã ung dung tự tận. Còn một khả năng nữa là “không cần thiết”. Nghĩa là
Thôi Diễm đã tính toán, sớm muộn gì thì Tào Tháo cũng sẽ giết mình, biện giải
còn có tác dụng gì, chi bằng cứ ung dung mà chết. Do vậy, vì sao Tào Tháo phải
giết Thôi Diễm, ngoài khả năng một ra, còn có khả năng thứ hai, thứ ba.
2- Giết người để báo thù. Thôi Diễm đã
mắc tội với Tào Tháo chăng? Đã mắc tội, nhưng đó là việc trước kia. Theo Tam quốc
chí - Thôi Diễm truyện, Kiến An năm thứ IX (Công nguyên năm 204), Tào Tháo công
phá Nghiệp Thành, bình định Viên thị, lĩnh Ký châu mục. Thôi Diễm vừa được cứu
từ ngục Ký châu ra, hiện làm biệt giá tòng sự của Tào Tháo, Tháo dương dương tự
đắc nói với Diễm, hôm qua ta vừa xét lại hộ khẩu, thấy được thêm ba mươi vạn
người, Ký châu quả là một châu lớn! Nào ngờ Thôi Diễm lại nói, nay thiên hạ li
tán, chín châu tan rã, anh em họ Viên gây can qua, người dân Ký châu xác chết đầy
đường. Nay vương sư tới đây, chưa nghe nói tới ban bố nhân nghĩa, hỏi han phong
tục, cứu dân khỏi cảnh lầm than, đã nói tới được thêm bao nhiêu binh giáp, mở rộng
thực lực, chẳng nhẽ đó là điều già trẻ gái trai trong châu kỳ vọng ở minh công
sao? Lời nói nghiêm nghị đúng mực đó làm cho tân khách ở bên sợ hãi bạc mặt,
Tào Tháo vội vã xin lỗi Thôi Diễm và sự tự đắc kia cũng biến mất. Đây là lời
nói đúng, nói thẳng khiến mọi người phải nể phục, nhưng cũng từ đó, trong lòng
người ta có u nhọt. Lần này giết người là để báo thù năm đó. Trong cuốn Phẩm
nhân lục tôi đã nói tới quan điểm này.
Có thể là như vậy chăng? Có thể. Đừng
quên rằng trong thời đại chuyên chế những kẻ nắm quyền lực, luôn không thích có
bộ hạ chống lại mình, họ luôn muốn đả kích báo thù, công báo tư thù, ngay cả những
vị hoàng đế bất tài vô năng cũng luôn dùng thủ đoạn đó đối với quan viên. Đối với
họ không có vấn đề nghĩ hay không nghĩ mà chỉ có vấn đề có thể hay không có thể;
Cái khác nhau chỉ là, báo thù vào lúc nào. Có người thì trở mặt luôn, thi hành
tức khắc; nhưng cũng có người vì mục tiêu xa hơn, lợi ích lớn hơn mà nhẫn nhịn,
rồi tính sổ sau. Kẻ trở mặt ngay là kẻ thô lỗ nông cạn, người tính sổ sau là
người gian hùng. Với cái chết của Thôi Diễm rõ ràng Tào Tháo là gian hùng. Kiến
An năm thứ IX kết án đến năm Kiến An thứ XXI mới giết người, Tào Tháo đã chờ mười
hai năm, coi như đã biết chờ đợi.
3- Có thể là lo liệu hậu sự. Những năm
cuối đời, Tào Tháo thường phải lo nghĩ việc lập người nối dõi, nên lập Tào Phi
nhiều tuổi nhất, hay lập Tào Thực có tài nhất. Thế là có thư dán kín ngầm hỏi
các quan, mong được nói rõ ý kiến của mình. Vì Tào Tháo muốn bí mật trưng cầu ý
kiến, nên mọi người cũng trả lời bằng thư dán kín. Duy có Thôi Diễm là thượng
thư Ngụy quốc (bí thư chính trị) “để lộ” (không dán thư) trả lời công khai.
Thôi Diễm nói: theo nghĩa trong Xuân Thu, lập tự nên là trưởng, hơn nữa Ngũ
Quan Trung lang tướng (Tào Phi) là người nhân hiếu, thông minh, nên thừa chính
thống. Thôi Diễm tôi nguyện lấy cái chết giữ đúng đạo. Tào Tháo xem xong hết sức
kinh ngạc. Bởi vì Tào Thực là cháu rể của Thôi Diễm. Thôi Diễm không tiến cử
Tào Thực lại tiến cử Tào Phi, rõ là chí công vô tư. Tào Tháo “thở dài mãi” rồi
bổ nhiệm Thôi Diễm là Trung úy Ngụy quốc (Vệ đội trưởng cung đình kiêm tư lệnh
vệ thủ kinh đô).
Nhìn bề ngoài thấy, việc này không thể
là nguyên nhân khiến Thôi Diễm bị giết, bởi vì Thôi Diễm đã nhất trí với chủ
trương của Tào Tháo. Nhưng Bùi Tùng Chi lại có chú thích thêm mấy câu sau, theo
Thế ngữ - vợ Tào Thực, cũng là cháu gái Thôi Diễm, chỉ vì mặc áo đẹp mà bị Tào
Tháo khép tội “vi phạm quy chế”, ban tội chết. Thôi Diễm và cháu gái của mình đều
liên quan đến Tào Thực, đều bị Tào Tháo “ban tội chết” không vì một nguyên nhân
nào cả, khiến mọi người không thể không ngờ rằng bên trong có quan hệ gì đấy.
Thậm chí tôi còn cho rằng, Bùi Tùng Chi chú thích như vậy là muốn ám chỉ điều
gì đó. Đương nhiên đây chỉ là phỏng đoán, nhưng không phải không có lý. Trong
thực tế, đã có người chỉ vì thế mà chết. Như Dương Tu được coi là vật hi sinh
trong việc tranh đích của Tào Phi và Tào Thực.
Ảnh minh họa Tào Tháo và Dương Tu.
Dương Tu chết có phần không rõ ràng.
Dương Tu tự Đức Tổ là con của Dương Bưu, cháu của Dương Tứ, là cháu bốn đời của
Dương Bỉnh, cháu sáu đời của Dương Chân. Dương Chân từng là tư không, thái úy;
Dương Bỉnh từng là thái úy; Dương Tứ từng là tư không, tư đồ, thái úy; Dương
Bưu cũng từng là tư không, tư đồ, thái úy. Vì vậy họ Dương cũng như bên Viên
Thiệu, Viên Thuật đã là “tứ thế tam công” (cả bốn đời đều có chức vị tam công),
còn là “Bốn đời có ba thái úy”, một mạch thừa tướng. Bối cảnh gia đình Dương Tu
lại khác.
Dương Tu cũng là người thông minh tuyệt
đỉnh, tài hoa có thừa, ngay như “cuồng vọng khâu quân” Nễ Hành cũng thừa nhận
Dương Tu là một nhân vật, và thường gọi là “Tiểu nhi”. Dương Tu còn là người
khiêm nhường, cung kính. Theo chú dẫn Điển lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc
chí - Tào Thực truyện thì Dương Tu “khiêm cung tài bác”, con cái của Tào Tháo kể
cả Tào Phi đều giành nhau làm bạn với Dương Tu. Dương Tu chết không phải vì đã
đắc tội với ai. Nói chung các sử gia đều cho rằng Dương Tu chết là do việc
tranh giành ngôi thái tử giữa Tào Thực và Tào Phi, vì Dương Tu giúp đỡ Tào Thực.
Sau khi Tào Tháo quyết định lập Tào Phi làm thái tử, để ngừa việc Dương Tu giúp
Tào Thực tranh giành với anh, gây phiền hà, huynh đệ tương tàn, thêm nữa Dương
Tu còn là cháu ngoại Viên Thuật, trước lúc tạ thế hơn một trăm ngày, Tào Tháo
đã giết Dương Tu. Tam quốc chí - Tào Thực truyện và Hậu Hán thư - Dương Tu truyện
đều nói như vậy.
Điều đó thật đáng ngờ. Đúng là Dương
Tu có giúp Tào Thực, nhưng Dương Tu chưa phải tử đảng của Tào Thực. Theo chú dẫn
Điển lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tào Thực truyện thì sau khi Tào
Phi được lập làm thái tử, Dương Tu muốn rời xa Tào Thực. Nhưng Tào Thực lại lôi
kéo Dương Tu, Dương Tu “không dám chối từ”. Tào Thực là con cưng của Tào Tháo,
tuy không làm được thái tử nhưng cũng không mắc tội. Dương Tu tuy xuất thân
danh môn, bốn đời tam công, nhưng lúc đó ngay như hoàng đế cũng trở thành con rối
trong tay Tào Tháo, thì việc Tào Tháo đả kích Dương Bưu có đáng kể chi? Theo Hậu
Hán thư - Dương Bưu truyện, Kiến An năm thứ X (Công nguyên năm 205), Dương Bưu
bị miễn chức; năm thứ XI (Công nguyên năm 206), những người nhờ “ân trạch”
(không phải vì chiến công) được phong hầu, đều bị tước bỏ tước vị, trong đó có
Dương Bưu. Ông này vừa bị bãi quan vừa bị đoạt phong, tuy chưa phải “xương khô
trong nhà”, nhưng cũng chẳng còn gì là “đẹp đẽ”. Dương Tu có thể không dựa vào
anh em họ Tào được chăng?
Vả quan hệ giữa Dương Tu và Tào Phi
cũng không tồi. Theo Điển lược, Dương Tu từng tặng Tào Phi một thanh bảo kiếm.
Tào Phi vô cùng thích thú luôn mang theo bên mình, về sau Tào Phi lên làm hoàng
đế, đóng đô Lạc Dương, vẫn mang theo thanh bảo kiếm đó. Một hôm Tào Phi ra khỏi
cung, nhìn vật nhớ người, bỗng nghĩ tới Dương Tu, liền ôm kiếm bảo dừng xe rồi
quay lại nói với tả hữu: năm đó Dương Đức Tổ nói đây là thanh kiếm của Vương
Mao. Vương Mao bây giờ ở đâu? Đến khi tìm thấy Vương Mao, Tào Phi đã ban cho
Vương Mao lương thực và áo quần. Tục ngữ nói: yêu ai yêu cả nụ cười, dáng đi.
Tào Phi yêu quý thanh bảo kiếm nên yêu quý luôn cả Vương Mao, còn muốn trọng
thưởng; gọi Dương Tu bằng tự không phải bằng tên, rõ ràng là Tào Phi rất có cảm
tình với Dương Tu. Tối thiểu cũng không có phản cảm. Người mà Tào Phi không muốn
giết, việc gì Tào Tháo phải giết thay!
Cho nên tôi cho rằng, Tào Tháo vì mình
nên đã giết Dương Tu.
Con người Dương Tu, tuy được mọi người
thừa nhận là thông minh, nhưng thực ra chỉ thông minh vừa thôi. Theo Hậu Hán
thư - Dương Tu truyện, Tu thân là thừa tướng chủ bạ nhưng không bao giờ muốn ngồi
ở chỗ làm việc, luôn bỏ ra ngoài dạo chơi, nhưng lại sợ Tào Tháo có chuyện muốn
hỏi, nên trước lúc ra ngoài, Dương Tu thường phỏng đoán tâm tư của Tào Tháo rồi
viết đáp án để thị tòng chuyển giao. Sau một vài lần Tào Tháo thấy kỳ lạ: sao
Dương Tu lại có thể trả lời nhanh như vậy? Cho người đến xem thì ra là thế. Tào
Tháo bắt đầu ghen tị và hận Dương Tu.
Việc này còn được ghi lại. Theo lời
chú dẫn Văn sĩ truyện của Lưu Hiếu Tiên trong Thế Thuyết tâm ngữ - Tiệp Ngộ,
Dương Tu viết những đáp án đó đã mấy lần đúng với câu hỏi của Tào Tháo, nên lại
theo thứ tự viết tiếp và dặn dò thị tòng, nếu thừa tướng có lệnh truyền ra thì
cứ theo thứ tự đó mà trả lời. Nào ngờ người tính không bằng trời tính. Một trận
gió thổi tới làm đảo lộn cả mấy tờ đáp án. Thị tòng cứ theo thứ tự mới mà gửi
đi, tự nhiên đáp án không đúng với câu hỏi. Tào Tháo nổi giận bừng bừng, cho gọi
Dương Tu đến hỏi. Dương Tu không dám giấu phải nói thực hết. Kết quả là thế
nào? Vì thông minh ít, nên đã lỡ chuyện lớn, Tào Tháo bất mãn là dễ hiểu.
Tệ hơn nữa là việc Dương Tu muốn thể
hiện bản lĩnh của mình trước mặt mọi người. Theo Thế Thuyết tâm ngữ - Tiệp Ngộ,
một lần Tào Tháo đi thị sát phủ tướng quốc mới xây, xem xong không nói gì, chỉ
cho người viết một chữ “hoạt” trên cửa. Dương Tu liền cho tháo cửa ra làm lại.
Giải thích rằng, chữ “hoạt” trong chữ “môn” là chữ “khoát”, thừa tướng chê cửa
quá to. Một lần khác, có ngươi biếu Tào Tháo một hộp pho mát đường, Tào Tháo ăn
một miếng rồi viết chữ “hợp” lên nắp hộp và đưa cho mọi người. Mọi người chưa
hiểu, Dương Tu cầm hộp và ăn luôn, còn nói: chẳng phải “mỗi người một miếng”
sao? (chữ hợp gồm ba chữ: nhân, nhất, khẩu). Nếu nói đó chưa phải là hành động
thô thiển, khiếm nhã thì những biểu hiện của Dương Tu trong quân đã làm Tào
Tháo có ý muốn giết rồi. Theo chú dẫn Cửu Châu Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong
Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, Kiến An năm thứ XXIV (Công nguyên năm 219), Tào Tháo
thống lĩnh đại quân từ Tràng An ra Tà Cốc, tiến quân vào Hán Trung, chuẩn bị
quyết chiến với Lưu Bị. Nào ngờ Lưu Bị lại ém quân chỗ hiểm, cố thủ không đánh.
Tào Tháo muốn đánh nhưng không tiến được, muốn thủ lại không có chỗ, chiến thủ
vô sách, tiến thoái đều khó. Một hôm bộ hạ xin khẩu lệnh trong quân, Tháo chỉ
nói “kê lặc” (lườn gà). Dương Tu nghe xong, đi thu dọn hành trang luôn. Mọi người
vội hỏi vì sao lại làm như vậy. Dương Tu nói: món lườn gà này ăn thì vô bổ vứt
thì tiếc, Ngụy vương dự định về nhà.
Lần này Dương Tu lại đoán đúng, nhưng
sợ lần này Dương Tu sẽ mất đầu. Quả nhiên, chưa đến nửa năm sau, Tào Tháo đã giết
Dương Tu. Theo Điển lược, tội Dương Tu là “tiết lộ ngôn giáo, giao kết chư hầu”,
tương đương với các tội tiết lộ bí mật quốc gia, câu kết bè đảng, nói lời mê hoặc
dân chúng.
Nghe đâu trước khi chết Dương Tu từng
nói với người khác: chết thế này còn là muộn. Nhưng nếu Dương Tu cho rằng mình
chết do can hệ tới Tào Thực thì chết như vậy là không rõ ràng. Dương Tu không
hiểu mình đang sống trong thể chế chuyên chế mà Tào Tháo là một trong mấy kẻ
“chúa nghi kỵ” trong thể chế đó. Loại nhân vật này luôn luôn nghi kỵ và đề
phòng. Họ sợ nhất và hận nhất những ai đoán thấu tâm can của mình. Bởi vì muốn
duy trì nền thống trị độc tài chuyên chính của mình thì phải thi hành chính
sách ngu dân và đường lối chính trị đặc vụ. Họ muốn nắm vững tất cả về người
khác nhưng lại không muốn người khác biết được suy nghĩ của mình trừ cái mà họ
muốn ám chỉ hoặc nhắc nhở. Tóm lại, kẻ độc tài cần phải thần thánh hóa mình, có
vậy mới là “thiên uy khó lường” khiến người khác phải lo sợ, còn mình thì thoải
mái hành sự. Dương Tu nhìn thấu tâm can Tào Tháo, còn đoán được Tào Tháo sẽ hỏi
gì trước gì sau, như vậy thực đáng sợ. Có một nhân vật như vậy ở cạnh, Tào Tháo
còn có thể chơi trò chính trị nữa không? Nếu Dương Tu đoán được nhưng không nói
ra, có thể sẽ hay hơn. Đàng này Dương Tu lại nói khắp nơi, kích động một số người
không thần phục, chí ít cho thấy Tào Tháo không sâu sắc. Vì vậy cái đinh đó trước
sau gì cũng phải nhổ. Hơn nữa Dương Tu còn là vây cánh của Tào Thực, nên không
nhổ không được, có thể nói, Nễ Hành chết vì không hiểu người; Dương Tu chết vì
quá hiểu người. Nhưng cả hai đều không hiểu bản thân, và không hiểu giữa người
với người phải xử sự như thế nào?
Thực tình, Thôi Diễm chết cũng như vậy,
điều tối kỵ là đã phạm vào nền chính trị chuyên chế. Nhìn bề ngoài thì thấy,
Thôi Diễm không đứng nhầm hàng trong vấn đề lập thái tử, vấn đề ở chỗ Thôi Diễm
không nên nói thẳng ra. 1- Nền chính trị chuyên chế là nền chính trị bí mật,
thích những thao tác ngầm. Bạn công khai là đã phá hoại quy chế. 2- Trong thời
đại thao tác ngầm thì công khai không nhất định là thật, sự thật còn giấu ở sau
màn. Thôi Diễm công khai vì nghĩ mình vô tư, nhưng đối với Tào Tháo lại có thể
là ý khác, nếu không vì sao những người khác đều dán kín thư? 3- Thôi Diễm được
coi là đường hoàng minh bạch, nhưng bạn làm như vậy, hóa ra Tào Tháo lại là người
ngấm ngầm lén lút? Bạn là người quân tử đường hoàng, lẽ nào Tào Tháo là kẻ tiểu
nhân khiếp nhược? Làm sao Tào Tháo có thể vui mừng được? Vì vậy Tào Tháo mới
“thở dài mãi”, và từ đó mới có suy nghĩ khác.
Đương nhiên, đây là sự phỏng đoán. Cái
gọi là “chân tướng lịch sử” sẽ để các nhà sử học tìm kiếm vậy! Điều tôi muốn
nói, chính quyền chuyên chế giết người không hề tính tới đạo lí. Một khi đã nói
tới hoàng quyền, hoàng vị thì đừng nói tới nhân tính, nhân tình, nhân quyền.
Ngay cả cha mẹ, anh em, con cái khi cần giết cũng không run tay. Chẳng phải Hán
Vũ đế cũng từng giết con sao? Đường Thái Tông từng giết anh em? Con Tào Tháo
thì như thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét