Tào Tháo tiếp đón Tuân Úc và cháu - Tuân Du. (Ảnh: Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn họa) |
Tập thứ hai mươi bảy: TIẾN THOÁI HẾT CHỖ TỰA
Tác giả Dịch Trung Thiên
Về mặt chính trị, Tào Tháo đang từng
bước dần tới đích, thì Tuân Úc - người bạn thân thiết nhất lại hát điệu phản và
qua đời rất thần bí! Sự việc này đã xôn xao một thời, khắp nơi bàn tán. Lời ghi
trong chính sử lại mơ hồ, câu chuyện ngày một khó hiểu hơn. Vậy đằng sau sự kiện
này đang ẩn giấu điều gì? Vì sao Tuân Úc lại quyết liệt với Tào Tháo như vậy?
Điều đó liên quan gì tới việc Tào Tháo được phong công kiến quốc hay có ẩn ý
gì?
Tập trước chúng ta đã nói, Đổng Chiêu
và những người khác đang tạo dư luận giữa triều đình, chủ trương Tào Tháo được
tiến tước quốc công. Đổng Chiêu đến gặp riêng Tuân Úc xin ý kiến, kết quả gặp
phải đinh. Thực tình thì ý nghĩ của bọn Đổng Chiêu rất rõ ràng, không chỉ mong
được Tuân Úc giúp đỡ, còn mong được Tuân Úc đứng ra lo liệu. Vì Tuân Úc xuất
thân danh môn Đông Hán, tiếng tăm và ảnh hưởng rất lớn. Hơn nữa, từ Kiến An năm
đầu, sau khi họ Tào rước thiên tử về Hứa huyện, Tuân Úc luôn là Thượng thư lệnh
(trước là tạm sau là thực) và “luôn là quan to trong triều”. Thượng thư lệnh tức
là bí thư trưởng nơi cung đình. Đông Hán chính quy thượng thư, thượng thư lệnh
là nhân vật đầu não trông coi việc triều chính, tuy không phải chức thừa tướng
nhưng giống như thừa tướng. Đương nhiên, triều đình của Hán Hiến đế đã bị Tào
Tháo khống chế. Kiến An năm thứ XIII bản thân Tào Tháo đã khôi phục lại chức vụ
thừa tướng và tự mình đảm nhiệm, nhưng không thể nói Tuân Úc là “thừa tướng
không chức thừa tướng”. Bấy giờ Tào Tháo luôn luôn đem quân ra ngoài đánh trận,
khi hồi quân lại luôn ở Nghiệp Thành. Triều chính hàng ngày thường giao Tuân
Úc. Tuân Úc giúp Tào lo toan triều chính, coi giữ hoàng đế. Cái gọi là “Cư
trung đặc trọng” có nghĩa như thế này (cư trung, là làm quan trong triều; đặc
trọng, tức là chức vị thừa tướng).
Tuân Úc không chỉ giúp Tào trông nhà
coi cửa, mà còn giúp tìm mưu định kế. Mỗi khi ra ngoài chinh chiến có vấn đề, họ
Tào thường có thư về hỏi Tuân Úc. Tuân Úc cũng luôn có biện pháp, quyết sách
giúp đỡ. Tuân Úc có vai trò chẳng khác gì Quách Gia, Giả Hủ theo quân ra trận.
Cũng tức là nói, với Tào Tháo, Tuân Úc giống như Tiêu Hà và Trương Lương. So với
Đổng Chiêu trong việc nghị án phong công kiến quốc thì Tuân Úc rõ ràng là thích
hợp hơn nhiều và quan trọng hơn nhiều.
Nhưng Tuân Úc đã phản đối. Xét về ngữ
khí câu nói “quân tử yêu người bằng đức, như vậy không tiện”, đó là câu mà Tuân
Úc muốn nói với bọn Đổng Chiêu. Nhưng bằng vào sự thông minh hiểu biết, hẳn
Tuân Úc biết rõ việc phong công kiến quốc bề ngoài là kiến nghị của Đổng Chiêu
nhưng thực chất là ý muốn của Tào Tháo. Việc “bí mật hỏi riêng” của bọn Đổng
Chiêu, thực chất là sự thăm dò giúp Tào Tháo. Vì vậy lời nói của Tuân Úc là lời
nói để Tào Tháo nghe. Nhưng để lui lại một đường rút, Tuân Úc vờ như không biết
đó là ý của Tào Tháo, mong Tào Tháo nghe ra mà xuống ngựa, ngăn hành động của bọn
Trương Chiêu. Nhưng Tào Tháo vốn đã có quyết tâm, đâu còn chịu nghe! Kết quả
không những vô cùng thất vọng, mà còn sinh bực dọc, cách nói trong Tuân Úc truyện
là “Thái tổ trong lòng vô cùng bực dọc”.
Tào Tháo rất tức giận, hậu quả thật
nghiêm trọng. Đúng lúc này lại phải Nam chinh Tôn Quyền, Tào Tháo dâng biểu lên
triều để Tuân Úc lĩnh quân ở huyện Tiêu (nay là thị trấn Hào Xuyên, An Huy), với
chức vụ là Thị trung kiêm Quang Lộc đại phu “tham thừa tướng quân sự”, nhưng thực
tế là phế bỏ chức Thượng thư lệnh của Tuân Úc! Tuân Úc theo quân đến Thọ Xuân
(nay là huyện Thọ, An Huy) thì ngã bệnh. Sau đó không lâu qua đời rất khó hiểu ở
tuổi năm mươi.
Qua cái chết của Tuân Úc có hai cách
nói. 1- Buồn rầu mà chết. 2- Bị bức phải tự sát. Cách nói thứ nhất như truyện
Tuân Úc trong Tam quốc chí, “Buồn dẫn đến chết”. Cách nói sau như trích dẫn Ngụy
thị Xuân Thu của Bùi Tùng Chi, nói Tào Tháo gửi cho Tuân Úc một hộp thức ăn.
Tuân Úc mở hộp thấy không có gì nên đã uống thuốc độc, tự sát. Chuyện này đã
xôn xao một thời, khắp nơi bàn tán. Lòi trích dẫn Hiên đế Xuân Thu của Bùi Tùng
Chi nói, sau khi Tuân Úc chết, có người thoát khỏi Thọ Xuân đến báo với Tôn Quyền
rằng: “Tào Tháo muốn Tuân Úc mưu sát Phục hoàng hậu. Tuân Úc không chịu nên đã
tự sát”.
Đương nhiên đó là lời đồn. Nhưng chúng
ta cũng rất muốn biết cuối cùng vì sao Tuân Úc chết? Vì sao về sau Tào Tháo và
Tuân Úc lại đến đoạn ấy? Đằng sau câu chuyện kín như bưng của các sử gia đã ẩn
giấu điều gì?
Hãy nói chuyện “Hiến đế Xuân Thu” trước.
Chuyện kể, Kiến An năm thứ V (Công nguyên năm 200), Xa Kỵ tướng quân Đổng Thừa
bị giết vì “giấu chiếu trong đai áo”, Phục hoàng hậu viết thư cho cha là Phục
Hoàn Đồn Kỵ hiệu úy, nói Tào Tháo giết Đổng Thừa, hoàng thượng vô cùng phẫn nộ.
Phục Hoàn nhận thư và đưa cho Tuân Úc xem, Tuân Úc xem xong thấy bực dọc nhưng
không nói câu nào. Về sau bức thư đó lại rơi vào tay Tào Tháo, nghe đâu người cậu
của Phục Hoàn là Phàn Phổ đã niêm phong thư đó và gửi cho Tào Tháo. Tuân Úc lấy
làm lo ngại, từ huyện Hứa chạy thẳng về Nghiệp Thành, kiến nghị với Tào Tháo việc
gả con cho hoàng đế. Tào Tháo nói, “trong cung đã có hoàng hậu rồi! Sao lại có
thể gả con gái cho hoàng thượng? Hơn nữa, Tào Tháo dựa vào chiến công lên làm
thừa tướng, chẳng nhẽ lại muốn dựa vào quan hệ chiếc đai quần sao? Tuân Úc nói,
Phục hoàng hậu không có con trai, bản tính hung tàn, tâm địa độc ác. Trong thư
gửi cho Phục Hoàn lời lẽ khó nghe, công kích thừa tướng độc ác, có thể phế bỏ
hoàng hậu!” Tháo hỏi có chuyện đó? Vì sao túc hạ không nói sớm? Tuân Úc làm bộ
kinh ngạc, đã nói rồi mà! Tào Tháo nói, việc lớn như vậy, ta quên sao được?
Tuân Úc lại kinh ngạc, có thể là chưa nói chăng? À, à, nhớ ra rồi! Chẳng phải
lúc đó minh công còn tác chiến với Viên Thiệu ở Quan Độ sao? Úc không muốn thêm
phần lo nghĩ cho minh công nên chưa nói. Tào Tháo lại hỏi, vậy sau trận chiến
Quan Độ sao không nói? Tuân Úc yên lặng và đành phải nhận tội vì sai lầm. Kết
quả Thái tổ đã hận Úc”.
Chuyện này không đúng. Bùi Tùng Chi đã
nói: “đối với người thường cũng không như vậy”, huống chi đây là Tuân Úc. Hơn nữa
án giấu chiếu trong đai áo của Đổng Thừa xảy ra tháng giêng Kiến An năm thứ V,
tháng mười một Kiến An năm thứ XIX, Phục hoàng hậu bị giết. Hai sự kiện cách
nhau mười lăm năm, làm sao có thể giấu thư lâu như vậy? Cuối Kiến An năm thứ
XVII Tuân Úc mất, vậy ông ta đến nói chuyện với Tào Tháo vào lúc nào? Chậm nhất
cũng là tháng mười năm đó, trước lúc Tào Tháo Nam chinh đánh Tôn Quyền. Vậy thì
vì sao phải hai năm sau Tào Tháo mới giết Phục hoàng hậu? Kỳ thực, không chỉ
chuyện Tuân Úc là giả mà ngay cả án “giấu chiếu trong đai áo” của Đổng Thừa và
án lá thư của Phục hoàng hậu đều đáng nghi ngờ. Trong tập Mơ xanh uống rượu,
tôi đã nói về nghi án giấu chiếu trong đai áo. Trong Tam Quốc sử thoại, ngài Lã
Tư Miễn cũng đã phân tích về nghi án Phục hoàng hậu. Để làm rõ câu chuyện,
chúng ta còn phải nhắc tới nó một lần nữa.
Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, tháng mười
một Kiến An năm thứ XIX (Công nguyên năm 214) có án mười bốn năm trước Phục
hoàng hậu có thư cho cha là Phục Hoàn Đồn Kỵ hiệu úy, hoàng hậu bị phế, bị xử tội
chết, anh em đều bị giết sạch. Sự việc xảy ra như thế nào đã được mô tả tương đối
rõ trong lời chú dẫn Tào Man truyện của Bùi Tùng Chi. Tào Man truyện nói: bấy
giờ Tào Tháo phái Hoa Hâm - người đảm nhiệm chức Thượng thư lệnh thay Tuân Úc
đem quân đi bắt hoàng hậu, hoàng hậu đóng cửa trốn sau tường. Hoa Hâm phá cửa,
làm sập tường, lôi hoàng hậu ra ngoài! Lúc này hoàng đế đang ngồi cùng Ngự sử đại
phu Si Lự, hoàng hậu đi chân không, tóc tai rối bời, kéo tay hoàng đế nói,
không thể cứu được thiếp sao? Hoàng đế nói, trẫm cũng chưa biết tính mạng của
trẫm sẽ kết thúc lúc nào, còn quay sang nói với Si Lự, Si công dưới gầm trời
này có chuyện thế sao? Si Lự nói gì không thấy ghi lại, chừng cũng chỉ là con rối
gỗ chăng?
Câu chuyện đó được ghi vào Hậu Hán thư
- Phục hoàng hậu kỷ và thường được dẫn lại để chứng minh Tào Tháo tác loạn phạm
thượng, Hoa Hâm hung hăng như hổ, Si Lự chẳng còn tâm trạng nào. Nhưng ngài Lã
Tư Miễn lại chỉ ra rằng biết ngay đó là lời phụ họa. Đặc biệt ngài Lã bảo rằng:
“đừng tưởng chuyện này là thực vì đã được ghi trong Hậu Hán thư. Nói thế là
đúng, có nhiều chỗ trong Hậu Hán thư còn thiếu căn cứ! Huống hồ những điều ghi
trong Hậu Hán thư lại được lấy từ nguyên bản Tào Man truyện - một cuốn sách
không đáng tin.
Phục hoàng hậu bị phế có vai trò rất quan trọng của Hoa Hâm |
Đương nhiên, việc Phục hoàng hậu bị phế,
bị giết là có thật. Có điều khởi đầu câu chuyện ra sao thì chưa rõ. Ý ngài Lã,
nhất định chuyện này có nguyên nhân khác. Ngài Lã nói: mỗi khi có người làm việc
lớn thì luôn có người nói tốt có người nói xấu, không thể ai ai cũng nói tốt.
Vì vậy người làm việc lớn thường không kể gì đến tiếng khen lời chê. Huống hồ
Tào Tháo là người ít để ý tới lời nói này lời nói nọ của người khác. Nếu vì người
khác có thư nhục mạ là phải giết thì không biết Tào Tháo đã phải giết đến bao
nhiêu người? Vì vậy, việc này còn có âm mưu về chính trị, có điều chân tướng thế
nào không được lưu lại.
Lời ngài Lã rất có lý. Tôi cũng thấy,
đằng sau sự việc này không chỉ có nguyên nhân khác, mà có thể là một âm mưu tày
trời, nếu không, sao có thể động tới hoàng hậu. Ai cũng biết, hoàng hậu ở Trung
cung, là mẫu nghi thiên hạ, có thể tùy tiện phế bỏ được sao? Càng không thể tự
ý giết chết. Còn như cần phế cần giết là thuộc quyền lực của hoàng đế, lẽ nào
thừa tướng lại đứng ra làm việc đó? Vả hoàng hậu không hề có tội, hoàng hậu chỉ
thuật lại mấy lời của hoàng đế. Hoàng đế nói mấy câu không hay về thừa tướng,
thừa tướng thay hoàng đế xử lý hoàng hậu, làm gì có cái lý đó? có người nói: điều
đó chứng tỏ rằng Hiên đế là bù nhìn vô năng, Tào Tháo quá càn rỡ. Nói như vậy
tưởng là đúng nhưng không phải. Hiến đế vô năng không giả, Tào Tháo càn rỡ là
thật, nhưng khi cửa còn kín thì còn giữ được sĩ diện. Kiến An năm thứ XIX, quan
hệ giữa Tào Tháo và hoàng đế đúng là rất mong manh, nhưng chưa đến đoạn công
khai trở mặt. Tháng ba năm đó, hoàng đế vừa phong Tào Tháo “tước vị trên các
chư hầu vương”; về sau hoàng đế bù nhìn vẫn còn tác dụng, làm sao Tào Tháo có
thể quên bộ dạng giả nhân giả nghĩa của mình? Nói gì thì nói, bao biện thay
hoàng đế phế hoàng hậu là làm mất sĩ diện của hoàng đế, ai cũng thấy như vậy là
ép người thậm tệ. Tào Tháo không thể không biết làm vậy là rất nguy hiểm.
Bởi vậy chỉ còn một khả năng, đằng sau
việc đó là một âm mưu tày trời. Âm mưu đó nhằm vào Tào Tháo, hoàng hậu bị cuốn
vào trong, hoặc phải mượn cái đầu của hoàng hậu mới xong. Chính vì âm mưu quá lớn,
thậm chí bản thân hoàng đế cũng dính vào, nên hoàng đế mới nhẫn nhịn ngồi nhìn
Tào Tháo hoành hành bạo ngược. Cũng chính vì âm mưu quá lớn, không ai dám nói
thẳng ra, đành phải ấp úng tìm cớ khác hòng lấp liếm. Tôi còn nghĩ rằng hoàng hậu
không hề viết thư, chính Tào Tháo đã làm giả bức thư đó để hãm hại hoàng hậu.
Kiến An năm thứ XIV, Phục Hoàn đã qua đời, tiếc là không còn ai để đối chứng. Bản
thân hoàng đế nhu nhược, không dám nói ra sự thật, giương mắt ngồi nhìn Phục
hoàng hậu biến thành oan hồn. Thương thay người con gai yếu đuối, thành vật hi
sinh trong cuộc đấu tranh chính trị, làm con dê chịu tội thay cho những người
đàn ông xâu xa.
Đương nhiên, trên lập trường của Tào
Tháo thì gọi đó là “âm mưu”. Với lập trường khác, phải nói đây là sự “phản
kháng”. Cũng có thể nói, bối cảnh của sự việc rất có thể là sự phản kháng vô bổ
của Hiến hoàng đế. Chính vì thế Tào Tháo phải dùng thủ đoạn bạo ngược nhằm hạ
uy thế của hoàng đế, giống như năm nào phải phụng mệnh giết chú của Kiên Thạc.
Kết quả việc giết “gà” là để từ đó “khỉ” không dám nói năng bừa bãi, cuối cùng
đành phải ngoan ngoãn nhường hoàng vị, đổi lấy thụy là chữ “Hiến”. Nhân tiện
nói thêm, “Hiến” có nghĩa là ngoan ngoãn thức thời.
Có điều, cách nói trong Hiến đế Xuân
Thu tuy là hoang đường, nhưng nói Tuân Úc không muốn mưu sát hoàng hậu là phù hợp
với con người ông ta. Tuân Úc luôn chính phái, thẳng thắn, người người đều hài
lòng. Lời chú dẫn Tuân Úc biệt truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí nói:
Tuân Úc “đức hạnh đầy đủ, chăm lo chính đạo, nổi tiếng thiên hạ”, là anh tài tuấn
kiệt của đất nước “không chú ý tới vẻ ngoài”, Tư Mã Ý, Chung Do và những người
khác đều tôn sùng. Bùi Tùng Chi chú dẫn Điển lược nói: Tuân Úc “Nhún mình trọng
kẻ sĩ, chỗ ngồi không trải nhiều chiếu, ở trong đài các, không tự tiện theo ý
muốn riêng”. Tuân Úc có người anh em họ, năng lực kém cỏi nên mãi không được dùng.
Thế rồi có người nói với Tuân Úc, các hạ quan tới thượng thư lệnh, chẳng nhẽ
không thể cho anh ta chức nghị lang (điều nghiên viên)? Tuân Úc cười nói: chức
nghị lang đó không phải là không sắp xếp được, nhưng chức trách thượng thư lệnh
là tuyển chọn nhân tài cho triều đình, cần phải chọn người hiền đức, tài giỏi.
Nếu cứ làm theo túc hạ thì mọi người sẽ nhìn tôi ra sao đây?
Từ đó cho thấy không bao giờ Tuân Úc
tham gia vào những việc như mưu sát hoàng hậu, Tào Tháo cũng không để ông ta đi
làm việc đó. Để làm những việc không chính đáng đó, Tào Tháo thiếu gì người, cần
gì phải dựa vào thế của Tuân Úc? Và Tuân Úc lại là người không muốn thế! Đương
nhiên, chúng ta cũng chưa biết Tuân Úc có tán thành việc Tào Tháo bài trừ người
khác hay không, sử sách không ghi chép điều này, có thể không đến đoạn như vậy.
Có điều Tuân Úc không hề nghĩ rằng (ngay cả Tào Tháo cũng không nghĩ tới) ngày
nào đó mình sẽ trở thành người “khác cánh” trở thành đối tượng bài trừ của Tào
Tháo. Vậy thì vì sao quan hệ giữa Tuân Úc và Tào Tháo lại đổ vỡ, cuối cùng Tuân
Úc mắc tội gì với Tào Tháo?
Vì chính kiến hai người khác nhau.
Thực ra từ lâu hai người đã khác nhau
về chính kiến. Kiến An năm thứ IX (Công nguyên năm 204), Tào Tháo đánh phá Nghiệp
Thành, làm Ký châu mục, cả Ký châu vốn thuộc Viên Thiệu, nay đã mang họ Tào. Bấy
giờ có người kiến nghị, nên phục hồi chế độ chín châu lúc trước, như vậy địa
bàn Ký châu sẽ rất lớn. Theo chế độ chín châu thời cổ đại hai châu Bình, U, bốn
quận Hà Nội, Hà Đông, Bằng Dực, Phù Phong của Tư châu đều thuộc về Ký châu.
Nghe xong Tào Tháo thấy xúc động, còn Tuân Úc thì phản đối. Tuân Úc cho rằng
làm vậy sẽ bất lợi cho Tào Tháo nên mới không bằng lòng. Theo Tam quốc chí, lúc
đó Tuân Úc nói: trước đây minh công phá Viên Thượng, bắt Thẩm Phối, làm “chấn động
trong nước”. Nếu nay lại gộp đất đai người khác vào Ký châu thì buộc họ phải
nghĩ “họ sẽ không giữ được đất đai, được quân lính”, nhất định minh công sẽ dần
dần thanh toán họ (trừ dần từng người một), từ đó họ sẽ quyết liều mình chống lại,
minh công sẽ “khó mà lấy được thiên hạ”. Tào Tháo nghe có lý, nên đã quên luôn
chuyện đó.
Có điều trong lời nói của Tuân Úc còn
có ý khác nữa, là chủ trương “khôi phục lại kinh đô cũ”. Với chủ trương đó, Tào
Tháo không tán thành, không phản đối và bấy giờ cũng chưa có điều kiện để thực
hiện. Nhưng đến lúc có điều kiện để thực hiện thì Tào Tháo không chỉ không làm,
ngược lại đã tiến hành kế hoạch gộp châu, quận. Tháng giêng năm Kiến An thứ
XVIII (Công nguyên năm 213), gộp mười bốn châu thành chín châu. Tư châu (Tư Lệ)
bị chia làm ba: Hà Đông, Hà Nội, Phùng Dực, Phù Phong quy về Ký châu; Hoằng
Nông, Hà Nam quy về Dự châu; Kinh Triệu quy về Ung châu. Chúng ta đều biết,
kinh đô của vương triều Đại Hán vốn ở Tư châu, Tràng An và Lạc Dương cũng ở
đây. Tràng An thuộc Kinh Triệu, Lạc Dương thuộc Hà Nam. Tào Tháo chia ba Tư
châu, cũng tức là đã xóa sổ “châu số” một của thiên hạ”, đã hủy diệt kinh đô của
vương triều Đại Hán. Điều này là khác hẳn với lí tưởng ban đầu của Tuân Úc.
Đương nhiên, khi Tào Tháo hợp châu thì
Tuân Úc đã qua đời. Vấn đề là, Tào Tháo hợp châu khi Tuân Úc đã mất, nhưng điều
này đã được ấp ủ từ trước đó. Hơn nữa việc hợp châu còn liên quan tới việc Tào
Tháo được phong công kiến quốc. Trên thực tế, Tào Tháo đem bốn quận của Tư châu
và U châu, Tinh châu gộp vào Ký châu rồi trên cơ sở đó xây dựng một vương quốc
(công quốc) đối địch với vương triều Đại Hán. Điều đó là một trò cười, chỉ ra rằng,
quan hệ giữa Tào Tháo và Hiến đế đã thay đổi về cơ bản. Trước đó, Tào Tháo là
thừa tướng vương triều Đông Hán, Ký châu và Ngụy quận là châu quận của vương
triều Đông Hán. Tào Tháo, Hiến đế có quan hệ quân thần; Ký châu và triều đình
có quan hệ trung ương và địa phương. Nhưng sau khi Tào Tháo được phong công kiến
quốc thì Ký châu biến thành Ngụy công quốc, Tào Tháo trở thành Ngụy quốc công.
Quan hệ giữa Ngụy quốc và Hán triều là quan hệ giữa quốc gia và quốc gia; quan
hệ giữa Ngụy công và Hiến đế biến thành quan hệ giữa quốc công và hoàng đế.
Nhưng lúc này Ngụy quốc công chưa hoàn toàn là quốc gia độc lập. về danh nghĩa
Tháo vẫn là “thần tử” của vương triều Đông Hán, Hán Hiến đế vẫn còn là “quân chủ”
của họ Tào. Có điều mọi ngươi đều hiểu, lúc này Hán triều không còn một tấc đất
nào, lúc này hoàng đế không còn một chút quyền uy nào. Cái có thể có được chỉ
là một bộ mặt, một danh phận. Nếu như lúc này đến danh phận cũng biến đổi thì
cái gọi là “Vương triều Đông Hán” sẽ “vua không ra vua, tôi không ra tôi”.
Tuân Úc hoàn toàn không muốn thấy điều
đó. Mọi người luôn coi Tuân Úc là “mưu sĩ hàng đầu” của Tào Tháo. Nhìn vào tác
dụng của Tuân Úc thì điều đó không có sai lầm gì lớn. Nhưng chúng ta phải hiểu
rằng, con người Tuân Úc không thể coi là “mưu sĩ” đơn thuần. Nói chung “mưu sĩ
là người bầy mưu tính kế cho vua, giúp vua thực hiện mục tiêu, lý tưởng. Còn mục
tiêu, lý tưởng đó là gì, mưu sĩ không quan tâm. Thật giống như một luật sư, lo
giúp đương sự của mình thắng trong vụ kiện. Còn việc của đương sự làm đúng hay
sai, họ không muốn biết. Đó là quy tắc nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp nói
chung của mưu sĩ và luật sư. Cũng tức là nói theo đạo đức nghề nghiệp và quy tắc
chơi, nói chung mưu sĩ đều lấy lí tưởng của vua làm lí tưởng, lấy mục tiêu của
vua làm mục tiêu, cũng giống luật sư, lấy lợi ích của đương sự là lợi ích, còn
đương sự làm đúng sai, điều đó chẳng có gì là sai trái.
Nhưng, trong mưu sĩ và luật sư cũng có
một loại người có lí tưởng, chủ trương và đường lối riêng của mình. Nếu chủ
trương của đương sự xung đột với lí tưởng của họ hoặc phá vỡ đường lối của họ,
dứt khoát họ sẽ không nhận án đó. Trong đó có những người tự yêu cầu rất cao, họ
sẽ chọn vua, chọn đương sự, như Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng chọn Lưu Bị, ngoài
một số nguyên nhân tôi đã nói ở tập Mắt tinh đã thấy, vẫn còn một nguyên nhân
quan trọng, là lí tưởng chính trị, chủ trương chính trị giống với ông. Tuân Úc
là người như vậy. Thực ra trong tập đoàn của Tào Tháo chỉ có Tuân Úc mới là
nhân vật có thể cùng bình luận với Gia Cát Lượng. Đặc điểm chung của họ, có lý
tưởng chính trị, chủ trương chính trị của riêng mình. Trong tập Long trung đối
sách chúng tôi đã nói, lí tưởng chính trị, chủ trương chính trị của Gia Cát Lượng
lo thành bá nghiệp để hưng Hán thất, trước chia ba sau thống nhất; Kiến An năm
đầu (Công nguyên năm 196), lúc Tào Tháo chuẩn bị nghênh đón thiên tử, chủ
trương chính trị của Tuân Úc tập trung thể hiện rõ, đề xuất ba cương lĩnh lớn với
Tào Tháo: Tôn thờ thiên tử thuận theo ý dân (thờ chúa thượng để dân nhìn vào),
chí công vô tư, hàng phục cường hào (lấy chí công, phục hùng kiệt), lấy chính
nghĩa chiêu mộ anh hùng (nhờ trượng nghĩa, có anh tài). Ba cương lĩnh lớn đó
Tuân Úc gọi là đại thuận, đại lược, đại đức. Những điều đó chưa phải sách lược,
càng không phải mưu lược mà là lí tưởng, cương lĩnh. Hạt nhân của cương lĩnh
đó, được Tuân Úc gọi là “cái ân giữ gốc”. “Gốc” gì? Gốc nước. Gốc nước ở đâu? Ở
nơi hoàng đế.
Rõ ràng lí tưởng của Tuân Úc là phò tá
anh hùng thời loạn, bình định thiên hạ, trợ giúp nhà Hán. Theo Tuân Úc, Tháo là
một anh hùng như vậy. Bởi vì Tào Tháo không chỉ có năng lực đó, quan trọng hơn.
Tháo có tâm tư đó. Chúng ta đều biết, lúc Đổng Trác làm loạn vào năm cuối Đông
Hán, Tào Tháo là người đầu tiên kêu gọi nghĩa quân; lúc liên quân còn chần chừ ở
Quan Đông, Tào Tháo đã ra sức giết giặc; lúc Viên Thiệu, Viên Thuật, Lã Bố, Lưu
Biểu mặc sự sống chết của hoàng đế. Tào Tháo lại nghĩ mọi cách tìm kiếm hoàng đế,
nghênh đón hoàng đế. Vì vậy Tuân Úc nói với hoàng đế, rõ ràng là lòng dạ tướng
quân lúc nào cũng nghĩ đến vương thất (lòng luôn ở vương thất) nguyện vọng của
ngài là muốn ổn định thiên hạ (chí hướng tướng quân là vỗ yên thiên hạ)! Đây
không phải là lời tâng bốc, là thực sự cầu thị, Tuân Úc thành thực ca ngợi Tào
Tháo và cũng là nguyện vọng sâu sắc kỳ vọng ở Tào Tháo.
Nhưng Tào Tháo đã làm Tuân Úc thất vọng.
Ở đây phải nói tới một quá trình dài.
Năm Sơ Bình thứ II (Công nguyên năm năm 191), lúc Tuân Úc đến với Tào Tháo, Tào
Tháo mới ba mươi bảy tuổi, là Thái thú Đông quận, là tướng yêu nước, đầy nhiệt
huyết. Kiến An năm đầu (Công nguyên năm 196), lúc Tuân Úc chủ trương nghênh đón
thiên tử, Tào Tháo mới bốn mươi hai tuổi, là Duyện châu mục, là chư hầu gắn bó
với vương thất. Kế đó là mười hai năm Nam chinh Bắc chiến, đánh Viên Thuật, giết
Lã Bố, diệt Viên Thiệu, gọi hàng Trương Tú, bình định phương bắc. Tuân Úc cũng
thấy là nên và phải làm như vậy, nên đã hết sức giúp đỡ. Kiến An năm thứ XIII
(Công nguyên năm 208), Tào Tháo năm mươi tư tuổi là Tư Không, Ký châu mục, bỏ
tam công nhận chức thừa tướng, nắm trọn quyền lớn, Tuân Úc coi là hợp tình, hợp
lí, nên vẫn bày mưu tính kế giúp Tào Tháo Nam chinh Lưu Biểu. Thậm chí tháng
giêng năm Kiến An thứ XVII (Công nguyên năm 212), Thừa tướng Tào Tháo đã năm
mươi tám tuổi còn để mình được “lên triều không phải xưng danh, vào triều không
bước rảo, đeo kiếm lên điện, như chuyện Tiêu Hà”. Đồ rằng lúc này Tuân Úc vẫn
còn hài lòng, cuối cùng thì Tiêu Hà vẫn là người trung với Lưu Bang. Nhưng lúc
Tào Tháo ngầm để hoặc ngầm bảo bọn Đổng Chiêu lo việc phong công kiến quốc thì
Tuân Úc không đồng tình nữa. Một người nhạy bén về chính trị như Tuân Úc đã nhận
ra tính nghiêm trọng của sự việc. Tuân Úc hiểu rằng, một khi Tào Tháo lập nước,
thì thiên hạ không thuộc họ Lưu nữa. Điều đó đã phá võ đường hướng của Tuân Úc,
vì vậy tuyệt đối không thể, không chấp nhận được.
Thiên hạ chỉ có thể là họ Lưu, không
thể là họ Tào. Nay nghe như chuyện cười, nhưng thời đó lại là chuyện đúng sai lớn
lao. Về vấn đề này, chúng ta cần có một chút “hiểu biết về lịch sử”. Vì vậy tôi
cho rằng, cuối cùng thì họ Tào không tự lập thay Hán, rất có thể còn một nguyên
nhân nữa, Tào Tháo không thể đối mặt với đôi mắt ưu tư của Tuân Úc. Bởi ngay
như thái độ lấp lửng của Tào Tháo trong việc “cướp Hán”, Tuân Úc đã không đồng
ý, nói chi tới việc Tháo tự lập thay Hán. Tuân Úc mong muốn Tào Tháo khôi phục
và chấn hưng vương triều Đại Hán. Lúc này thì lý tưởng đó đã hết hy vọng. Tuân
Úc chết mà không nhắm được mắt!
Làm rõ điều này thấy không cần phải
bàn xem Tuân Úc buồn mà chết hay bị bức chết vì kết quả có khác gì nhau. Đối với
một người có lý tưởng như Tuân Úc thì không gì đau khổ hơn khi lí tưởng bị phá
vỡ. Hơn nữa, Tuân Úc cũng chẳng còn cách nào khác, không thể chạy sang với Lưu
Bị chứ? Thoái không được lại không thể cùng tiến với Tào Tháo, tiến thoái lưỡng
nan, Tuân Úc chỉ còn “con đường chết”. Dù rằng buồn mà chết, hay bị bức chết,
trước lúc chết hẳn Tuân Úc đã rất đau khổ. Thậm chí tôi chợt nghĩ, nếu Tuân Úc
là người hiện đại biết hát, hẳn trước lúc lâm chung sẽ hát mấy câu cho Tào Tháo
nghe “từ ngàn dặm tôi tìm tới ông. Nhưng ông lại không lưu tâm”. Đúng vậy, suốt
đời Tuân Úc có con đường riêng, nhưng nhiệt tình của Tuân Úc sớm bị Tào Tháo lấy
sạch. Dù là trong mơ, Tuân Úc cũng chỉ nghĩ tới Tào Tháo. Lúc này Tuân Úc chỉ
có thể luôn luôn hỏi: cuối cùng thì ông tốt ở chỗ nào?
Tượng Tuân Úc |
Đương nhiên Tuân Úc sẽ không hỏi. Mà
dù có hỏi, Tào Tháo cũng sẽ không trả lời. Trên thực tế, hai người đều giống
nhau ở chỗ tiến thoái lưỡng nan và Tào Tháo khó khăn hơn Tuân Úc. Tuân Úc chỉ
có một mình, có thể chọn đường lui. Tào Tháo đại diện cho lợi ích cả một tập
đoàn, cho dù có muốn lui, người khác sẽ không cho. Huống chi lúc này Tào Tháo
đã tẩu hỏa nhập ma, mê muội lú lẫn, đã bán linh hổn của mình cho ma quỷ. Chúng
không hề bị giám sát, hạn chế, kìm thúc bởi bất cứ một quyền lực tối cao nào. Để
cướp lấy, nắm giữ mãi mãi quyền lực đó, Tào Tháo chỉ có thể đi tiếp con đường
đã vấy máu. Vì vậy, Tuân Úc chọn lấy cái chết, Tào Tháo tìm đến giết chóc. Tào
Tháo tiếp tục giết người một cách không thương tiếc, kể cả với bạn bè thân hữu.
Giết tới lúc máu chảy thành sông.
Vậy, Tào Tháo còn muốn giết ai nữa, vì sao phải giết?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét