Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

ĐƯỢC VOI ĐÒI TIÊN

 


Bản đồ các thế lực ở Kinh Châu sau Xích Bích

Tập thứ hai mươi sáu: ĐƯỢC VOI ĐÒI TIÊN

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Sau trận chiến Xích Bích, Tào Tháo còn tiến hành ba cuộc chiến tranh nữa: phá Mã, Hàn, đánh Tôn Quyền, tấn công Trương Lỗ. Tiến hành ba cuộc chiến tranh trong vòng một năm. Thậm chí Tào Tháo còn bằng lòng giữa đường phải bỏ để trở về Nghiệp Thành. Vì sao họ Tào phải làm như vậy? Lần nào Tào Tháo cũng vội vàng quay lại, có việc gì? Việc gì khiến Tào Tháo phải lo ngại?

 

 

Tập trước chúng ta biết Pháp Chính đã nói, Tào Tháo vừa ra quân đã bình định Hán Trung, Trương Lỗ đầu hàng, nhưng lại không tiến tiếp lấy Ba, Thục, mà “về ngay miền Bắc” thì nhất định vì “trong có điều phải lo nghĩ”. Điều đó là đúng. Hậu phương lớn của họ Tào rất không yên ổn. Đây là điểm khác biệt giữa Tào Tháo và Tôn Quyền, Lưu Bị. Tôn Quyền ở trong tình trạng tốt nhất. Người trong chính quyền Đông Ngô đều là người của Tôn Quyền. Không là các lão thần Tôn Kiên, Tôn Sách lưu lại như Trình Phổ, Hoàng Cái, Trương Chiêu, Chu Du thì là người do mình phát hiện, bồi dưỡng, cất nhắc như Lỗ Túc, Cam Ninh, Lã Mông, Lục Tốn. Tình hình bên Lưu Bị phức tạp hơn một chút. Sau khi lấy được Ích châu, chính quyền Thục Hán do ba bộ phận hợp thành. Một bộ phận Lưu Bị mang từ Kinh châu tới, có Gia Cát Lượng, có cả Quan Vũ, Trương Phi - những người đã vào sinh ra tử cùng Lưu Bị giành thiên hạ, tạm gọi là “tập đoàn Kinh châu”. Một bộ phận do Lưu Yên vào Xuyên mang tới, tạm gọi là “tập đoàn Đông Châu”. Còn một bộ phận ở ngay trên đất này, tạm gọi là “tập đoàn Ích châu”. Giữa ba tập đoàn này có mâu thuẫn. Về sau mâu thuẫn này là một trong số nguyên nhân khiến chính quyền Thục Hán diệt vong. Có điều trước lúc Lưu Bị vào Thục chưa có mâu thuẫn này. Sau khi vào Thục, mâu thuẫn cũng chưa ở mức độ gay gắt khiến Lưu Bị phải lo lắng.

 

 

Tào Thảo thì khác. Tào Tháo không phải là người tự lập như Tôn Quyền, Lưu Bị, chỉ là người “phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” hoặc “ép thiên tử để lệnh chư hầu”. Như vậy “hậu phương lớn” của Tào Tháo cũng luôn luôn là “tiền phương lớn”. Triều đình đều không phải là người của họ Tào. Ngược lại, luôn luôn có người miệt thị, ghen ghét, phản cảm, thù hận, theo dõi từng ánh mắt, từng tiếng cười của Tào Tháo. Trước trận chiến Xích Bích lực lượng của họ Tào rải rác khắp nơi, đánh trận luôn giành thắng lợi, nên phái phản đối không dám công khai phỉ báng. Lúc đó thái độ của Tào Tháo đối với hoàng đế với trăm quan tương đối ôn hòa, dã tâm chưa rõ ràng, số người bảo vệ Hán thất còn ủng hộ, còn hy vọng nhiều ở Tào Tháo. Sau trận chiến Xích Bích thì khác. Công lao của họ Tào không còn nhiều như trước, dã tâm cũng bộc lộ rõ ràng hơn. Mọi người cũng cảm thấy bất mãn. Trong triều, như chú dẫn Tư trị thông giám của Hồ Tam Tỉnh đã nói: “có người muốn mượn cớ bại trận ở Xích Bích để lật Tào Tháo, nhân đó mà thay thế (bại trận ở Xích Bích hy vọng của Tào Tháo đã tổn thất, người Trung Quốc muốn nhân đó mà thay); mặt khác, có người đã cảnh giác và hoài nghi về lòng trung và sự gian trá của Tào Tháo. Trước đây số người này không nhiều, không công khai. Sau trận chiến Xích Bích thì nhiều lắm, đâu đâu cũng có.

 

 

Tào Tháo thấy rõ điều này. Vì vậy, sau trận chiến Xích Bích trước lúc đánh Mã Siêu, Hàn Toại, vào tháng mười hai Kiến An năm thứ XV (Công nguyên năm 210), họ Tào đã cho ban bố một đạo giáo lệnh, tức là Nhượng huyện tự minh bản chi lệnh cũng gọi là Thuật chí lệnh, chúng ta đã nói rõ ở tập hai phần Câu đố gian hùng. Câu chuyện bắt nguồn từ việc Hán Hiến đế gia tăng đất phong cho Tào Tháo. Chúng ta đều biết, sau khi rước Hiến đế về huyện Hứa, Tào Tháo được phong là Vũ Bình hầu. Vũ Bình là một huyện lớn, thực vạn hộ. Bởi vậy Vũ Bình hầu là Huyện hầu cũng là Vạn hộ hầu. Đẳng cấp đó là rất cao, cao hơn cha và ông những hai cấp, phong tước của Tào Đằng và Tào Tung là Đình hầu (Phí Đình hầu), trên Đình hầu là Hương hầu, trên Hương hầu là Huyện hầu. Kiến An năm đầu (Công nguyên năm 196), Viên Thuật, Viên Thiệu, Lã Bố, Lưu Biểu vẫn nguyên, Tào Tháo đã là Huyện hầu, địa vị cao sang.

 

 

Thoáng cái đã mười lăm năm trôi qua, lúc này Tào Tháo đã không thỏa mãn với chức vị Vạn hộ hầu. Nhưng Huyện hầu đã là cấp bậc cao nhất, nếu phong nữa sẽ là tước công, tước vương. Điều đó là không thể hoặc tạm thời là không được. Thế là hoàng đế bù nhìn liền tăng thêm đất phong cho họ Tào, phong tặng thêm ba huyện hai vạn hộ ở Giáp Hạ (nay là huyện Thái Khang, Hà Nam), Thứ (nay là huyện Thứ Thành, Hà Nam), Hộ (phía đông huyện Lộc Ấp, Hà Nam). Tào Tháo ban bố Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh có ý từ chối đất phong ba huyện hai vạn hộ.

 

 

Đây là màn kịch Tào Tháo tự biên tự diễn và cũng là mánh khóe thường dùng hòng tăng thêm danh vọng. Sự việc thực đơn giản, nếu không phải là diễn kịch làm trò, thì là nhường thực. Nhưng thực tế thì thế nào? Theo chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, ba huyện hai vạn hộ phong tặng Tào Tháo đã được thu hồi, nhưng mấy hôm sau ba người con của Tào Tháo lại được phong hầu. Tào Thực là Bình Nguyên hầu, Tào Cứ là Phạm Dương hầu, Tào Báo là Nhiêu Dương hầu, thực ấp năm ngàn hộ. Bình Nguyên thuộc quận Bình Nguyên, Thanh châu, Phạm Dương thuộc quận Trác, U châu, Nhiêu Dương thuộc An Bình quốc, Ký châu. Bề ngoài thì Tào Tháo đã ít đi năm ngàn hộ, đổi lại là ba huyện hầu, mỗi người ở một châu. Đất phong đều là đất chiến lược quan trọng. Nói xem, như vậy là Tào Tháo lỗ hay lãi?

 

 

Hơn nữa, nếu quả mục đích của Tào Tháo thực là nhường phong, hoặc là nhường phong thì nên có biểu chương dâng lên hoàng đế. Nhưng đây Tào Tháo chỉ ban bố giáo lệnh cho quân thần. Như vậy là nhìn xuống, không phải tâu lên. Rõ ràng là họ Tào muốn nhân đó nói ra những điều muốn nói, chẳng khác gì ngày nay một nhân vật trong công chúng tạo ra một sự kiện để dễ bề mở hội nghị ban bố tin mới. Về điểm này, Tào Tháo không hề kiêng kị. Trong Nhượng huyện tự minh bản chi lệnh nói rất rõ, ban bố giáo lệnh để phái phản đối trong và ngoài triều đình không còn gì để nói nữa (muốn mọi người hết nói). Đây là lời nói quá thật. Ngoài ra trong lệnh còn nói, tuyệt không được nhượng vị, nhường quyền.... cũng đều là lời thực. Bởi vậy, cũng không thể nói là họ Tào đã diễn kịch, làm trò. Vì Tào Tháo nhường huyện không phải bản chí nên một số học giả nói: Nhượng huyện tự minh bản chi lệnh không phải là lời thực. Như vậy, không khỏi có phần máy móc. Nên nhớ rằng Tào Tháo vốn luôn muốn thông qua việc gì đó nhằm đạt tới mục đích của mình nên việc gì phải nói đó là thực hay giả! Thực tế thì việc nhường huyện là giả, nhưng lời nói khi nhường huyện lại là thật, kịch thật làm giả, nửa giả nửa thật, lấy giả loạn thật, đều là điểm mạnh của Tào Tháo.

 

 

Vậy Tào Tháo có bịt được miệng mọi người không? Không, không bịt nổi. Thực tế thì sau khi ban bố lệnh, lời phản đối không ít đi mà nhiều hơn; không nhỏ đi mà to hơn. Mấy lời “bàn tán” đó làm Tào Tháo hiểu được rằng, dư luận cố nhiên là quan trọng, quyền lực còn quan trọng hơn; bút mực cố nhiên là quan trọng, súng ống còn quan trọng hơn; muốn bịt miệng mọi người trong thiên hạ, chi bằng cứ tóm lấy đầu của họ. Vì vậy, đồng thời với việc lợi dụng, thậm chí tìm cơ hội để tạo nên dư luận, Tào Tháo còn tìm cách khống chế hoặc cướp lấy quyền lực.

 

 

Muốn cướp lấy hoặc khống chế quyền lực, nhất là quyền lực tối cao của chính phủ trung ương thì không được rời xa trung tâm chính trị lâu ngày. Vì vậy ở tập trên đã nói, trong ba lần xuất chinh đó, họ Tào đã dùng rất ít thời gian, thậm chí chưa lập công cũng về, giữa đường phải bỏ. Tháng bảy Kiến An năm thứ XVI Tây chinh Mã Siêu, Hàn Toại, tháng giêng năm sau đã về Nghiệp Thành, trước sau chưa quá bảy tháng; tháng mười Kiến An năm thứ XVII Nam chinh Tôn Quyền, tháng tư năm sau đã về Nghiệp Thành, trước sau không quá bảy tháng; tháng ba Kiến An năm thứ XX ra quân đánh Trương Lỗ, tháng hai năm sau đã về Nghiệp Thành, thời gian dài hơn một chút, nhưng cũng không quá một năm.

 

 

Tào Tháo vội vội vàng vàng trở về Nghiệp Thành không phải vì vợ con. Cái chưa có được trên chiến trường, Tào Tháo muốn lấy nó nơi quan trường. Tây chinh Mã Siêu, Hàn Toại trở về, họ Tào được “Triều bái không phải xưng danh, vào triều không phải rảo bước, có thể đeo kiếm lên điện, như chuyện của Tiêu Hà”; Nam chinh Tôn Quyền trở về, họ Tào được phong là Ngụy công, thêm cửu tích, kiến xã tắc; đánh Trương Lỗ xong, Tào Tháo được “từ tước công thành Ngụy vương”. Gọi là “Triều bái không phải xưng danh”, lúc triều kiến thiên tử, quan Tư nghi chỉ báo quan hàm, không báo tên. Gọi là “vào triều không phải rảo bước”, lúc vào triều kiến thiên tử không phải bước ngắn, bước nhanh biểu lộ sự tôn kính. Gọi là “Đeo kiếm lên điện”, lúc triều kiến thiên tử vẫn được đeo kiếm, không phải cởi giầy. Gọi là “như chuyện của Tiêu Hà”, được đãi ngộ như Tiêu Hà thời Lưu Bang. Phong Ngụy công, tấn Ngụy vương, tức là từ tước hầu thăng lên tước công, rồi lại từ tước công thăng lên tước vương. Trong ba sự kiện đó, sự kiện thứ nhất là vào thời Kiến An năm thứ XVII, sự kiện thứ hai vào thời Kiến An năm thứ XVIII, sự kiện thứ ba vào thời Kiến An năm thứ XXL. Giữa những năm đó, thời Kiến An năm thứ XIX còn được “thiên tử coi Ngụy công cao hơn các chư hầu vương khác”, năm nào cũng có những điều mói, từng bước từng bước lên cao hơn.

 

 

Kiến An năm thứ XXII (Công nguyên năm 217), phần đãi ngộ về chính trị của Tào Tháo đã lên tới đỉnh điểm. Tháng tư, hoàng đế phê chuẩn cho “dùng cờ quạt như thiên tử, vào ra xưng cảnh tất”. Tháng mười, được hưởng “mũ đính mười hai viên ngọc, ngồi xe sơn son dát vàng, có sáu ngựa kéo, bên cạnh có xe sơn khác màu”. Cảnh tất là tiếng hô khi thiên tử ra vào. Ra hô là cảnh, vào xưng là tất. Mũ đính mười hai viên ngọc là mũ của thiên tử, theo chế độ thời Đông Hán, mũ miện hoàng đế đính mười hai viên ngọc trắng; tam công chư hầu bảy viên ngọc xanh; khanh đại phu năm viên ngọc đen. Hoàng đế chuyên ngồi xe sơn son dát vàng. Xe có sáu ngựa kéo cũng là sự đãi ngộ của hoàng đế, chư hầu chỉ có bốn ngựa. Xe có mầu khác là xe cùng đoàn với xe của hoàng đế, từ bốn phía xe được sơn đủ năm màu xanh, trắng, hồng, đen, vàng, Cờ quạt của hoàng đế thì khỏi phải nói. Sau khi được ban thưởng như vậy, về mặt nghi lễ Tào Tháo không khác gì hoàng đế. Hơn nữa, với sự độc chiếm đại quân, Tào Tháo đã là hoàng đế tuy chưa xưng hiệu, còn giống hoàng đế hơn cả hoàng đế bù nhìn kia.

 

 

Lúc này ai cũng nghĩ rằng Tào Tháo sẽ đánh Hán rồi tự lập làm đế, nhưng thực tế thì chưa bao giờ Tào Tháo làm việc đó. Vậy, vì sao họ Tào chưa xưng đế?

 

 

Về điều này, giới học thuật còn có ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng, Tháo tuy có ý đó, nhưng do thức thời thấy khó, nên dừng lại, chuyển nhiệm vụ đánh Hán tự lập sang cho con trai, chứng cứ như lời chú dẫn Ngụy lược và Ngụy thị Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ. Theo hai cuốn sách trên, sau khi Tháo trở thành hoàng đế chưa có danh hiệu, tiếng hô đánh Hán tự lập bắt đầu bùng nổ. Kiến An năm thứ XXIV (Công nguyên năm 219), Trần Quần, Hoàn Giới, Hạ Hầu Đôn cầm đầu một đoàn đại biểu đã hết lời khuyên tiến. Trần Quần, Hoàn Giới cho rằng, triều Hán chỉ là hữu danh vô thực, từng tấc đất từng người dân dưới gầm trời này không còn là của Hán (tấc đất, người dân đều không còn), còn lại chỉ là hư danh (chỉ còn danh hiệu), lật đổ và thay thế có gì không được? Hạ Hầu Đôn nói: Thế nào là chủ của muôn dân? Là người mà ai nấy tin tưởng theo về biết trừ hại cho dân. Xưa nay đều như vậy. Điện hạ là người đó, còn do dự gì nữa? Phải nhanh chóng “theo mệnh trời, thuận lòng dân”. Tào Tháo trả lời rằng: Khổng Tử từng nói: tòng chính tức là thi hành chính sự (làm chính sự là theo chính). Nếu mệnh trời đoái tới, ta làm Chu Văn vương là tốt rồi (nếu thiên mệnh ở ta, ta làm Chu Văn vương thôi). Ai cũng rõ, thiên hạ chia ba Chu Văn vương có tới hai phần nhưng vẫn phụng sự Ân Thương. Con trai là Chu Vũ vương mới là người đánh Ân Thương tự lập. Vì vậy nhiều người trong giới học thuật cho rằng: Tào Tháo có ý để con là Tào Phi làm điều mà mình muốn. Quả nhiên, Tào Tháo tạ thế được chừng mấy tháng, Tào Phi bức Hán phải nhường ngôi.

 

 

Nhưng ý ngài Lã Tư Miễn lại khác, một đoạn của Thế Ngụy Võ đế biện vu trong Tam Quốc sử thoại của ngài Lã đã phủ nhận cách nói Tào Tháo có ý đánh Hán tự lập, cho rằng họ Tào không hề muốn thế, chỉ muốn mình như Chu Văn vương “Thấy rõ rằng họ Tào không chịu lật Hán”. Nhiều người trong giới học thuật cho Tào Tháo có ý ngầm để Tào Phi làm việc đó thì ngài Lã có lời bình: “Chẳng nhẽ không phải là giấc mơ”. Tôi rất kính phục ngài Lã Tư Miễn, trước đây đã nhiều lần tôi trích dẫn lời ngài làm luận cứ. Nhưng lúc này tôi không hiểu mấy câu nói trên. Chẳng phải Chu Vũ vương là con Chu Văn vương sao? Chẳng phải Chu Vũ vương đã diệt vương triều Ân Thương sao? Sao Tào Tháo lại ví mình với Chu Văn, chỉ có thể ông ta muốn là Tề Hoàn, Tấn Văn chăng?

 

 

Vậy thì, cuối cùng sự việc là thế nào?

 

 

Tôi cho rằng tự đáy lòng mình Tào Tháo có rất nhiều mâu thuẫn. Nếu nói chưa bao giờ Tháo có ý đánh Hán tự lập, e rằng không phải. Nói rằng họ Tào chưa đủ tư cách, chưa có điều kiện, lại càng không phải. Nhưng thực tế thì cả đời Tào Tháo chưa hề làm vậy. Nguyên nhân ở chỗ nào? Có trở ngại. Trong Tào Tháo bình truyện, ngài Trương Tác Diệu tổng kết ra bốn điều, tôi nói gọn lại thành mười hai chữ: không thuận lợi, muốn báo ân, khó mở miệng, chịu thiệt thòi. Nói cụ thể hơn: 1- Lúc còn trẻ Tháo luôn nói: “Việc phế lập trong thiên hạ thực khác nhau”. Lúc này, khi đã có tuổi có thể vẫn còn quan niệm đó. 2- Tào Tháo đời đời chịu ơn nhà Hán, hẳn còn muốn báo đáp. 3- Tào Tháo luôn thề rằng tuyệt không cướp ngôi nhà Hán, luôn không thể nuốt lời. 4- Lưu Bị, Tôn Quyền luôn coi Tào Tháo là một tấm gương, là một đối thủ, vừa mắng chửi Tào Tháo là giặc Hán vừa tiếc sao Tào Tháo không sớm xưng đế. Theo lời chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, Kiến An năm thứ XXIV (Công nguyên năm 219), lúc dâng biểu xưng thần, Tôn Quyền nói, thiên mệnh ở chỗ Tào Tháo. Tào Tháo rất tỉnh táo và hiểu rằng, nếu mình xưng đế, Lưu Bị, Tôn Quyền lập tức làm theo luôn. Và Tào mỗ này đã mắc tội danh “đoạt Hán”. Tào Tháo không muốn mình bị lừa. Hơn nữa, tuy lúc này Tào Tháo chưa phải là hoàng đế, nhưng là “trung ương”, Lưu Bị, Tôn Quyền chỉ là “địa phương”. Điều này không thể không tính đến. Vì vậy, họ Tào cầm thư của Tôn Quyền nói với mọi người: kẻ tiểu tử này muốn nấu lão phu trên bếp (là con muốn để ta lên bếp lò nóng)! Từ đây mới có câu nói: “nếu thiên mệnh ở ta, ta chỉ muốn làm Chu Văn vương”. Cũng tức là nói: nên chăng diệt Hán tự lập, lập nên vương triều Đại Ngụy, phải nghe trời và tùy mệnh nữa! Nhưng phong công, kiến quốc, xưng vương, những việc đáng làm thì đã được, xưa nay chưa hề có.

 

 

Ở đây việc phong Ngụy công, thêm cửu tích, kiến xã tắc là quan trọng nhất vì đó là bước ngoặt. Phong công và phong hầu khác gì nhau đây? Bề ngoài chỉ là tước vị cao hơn một bậc, từ tước hầu thăng lên tước công, thực tế đã khác biệt nhau về chất. Phong hầu, bất quá được thêm một mảnh đất, một thực ấp, thậm chí chỉ là vinh dự (như Quan Nội hầu); phong công, có thể lập xã tắc và tông miếu xã tắc tức là xã thần và tắc thần, cũng tức là thổ thần và cốc thần. Bạch Hổ Thông - Xã Tắc nói: “người lập thổ người ăn gạo”. Có đất đai, có ngũ cốc là có quyền thống trị. Vì vậy ở Trung Quốc xưa, người thống trị đất nước nhất định lập xã để tế thổ thần, lập tắc để tế cốc thần, còn gọi là “xã tắc”, tức là xã đàn và tắc đàn. Tông miếu là nơi cúng tế liệt tổ liệt tông. Nguyên thủ đất nước Trung Quốc xưa (thiên tử hoặc chư hầu, hoàng đế hoặc quốc quân) đều là thế tập. Xây dựng tông miếu là để biểu thị nguồn gốc thống trị của công tộc, vương tộc hoặc hoàng tộc nào đó và mong muốn được kéo dài mãi mãi.

 

 


Chân dung của Biện phu nhân

Tông miếu và xã tắc được xây dựng hai bên phía trước cung điện. Bên trái là tông miếu, bên phải là xã tắc “trái tổ phải xã”. Ở Trung Quốc xưa, nguyên thủ một đất nước độc lập có chủ quyền mới được đãi ngộ như vậy. Đồng thời những cái đó còn tượng trưng cho chủ quyền độc lập một đất nước. Vì vậy trong những cuộc chiến tranh thôn tính nước khác ở thời cổ Trung Quốc, một khi đã tiêu diệt được nước đó, sau khi chiếm được kinh đô, nhất định phải hủy diệt tông miếu và xã tắc, gọi là “hủy miếu diệt quốc”. Ngược lại khi thành lập một nhà nước mới thì nhất định phải xây dựng tông miếu, xã tắc luôn, gọi là “xây miếu dựng quốc”. Thời đầu nhà Tây Hán, các chư hầu vương mới được làm như vậy, hầu không được làm. Tức là, phong hầu là ban tước, phong công là dựng nước. Tào Tháo được phong hầu là ban tước, phong công là dựng nước. Tào Tháo được phong Ngụy công, văn bản quy định “theo chế độ của chư hầu vương thời đầu Hán”, tức là Tào Tháo được quyền xây dựng một công quốc tại Ngụy quận.

 

 

Đây là sự kiện kinh thiên động địa, tốn nhiều công sức chuẩn bị, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Theo Tam quốc chí - Đổng Chiêu truyện, chính Đổng Chiêu đã nêu việc này ra. Về con người Đổng Chiêu, chúng ta đã nói ở tập Mưu sâu kế xa. Sự nghiệp của Đổng Chiêu chưa thể hiện là nhiều, nhưng con người này thường xuất hiện vào lúc then chốt. Kiến An năm đầu, Tào Tháo đến Lạc Dương yết kiến hoàng đế rồi rước thiên tử về Hứa huyện, biến nơi đây thành kinh đô thứ hai của vương triều Đại Hán. Đổng Chiêu góp nhiều công sức. Lần này Tháo được sách phong Ngụy công, về sau tấn tước Ngụy vương, cũng nhờ Đổng Chiêu đã đề xướng (là Chiêu nêu ra).

 

 

Lời kiến nghị trên là ý nghĩ của Đổng Chiêu hay do Tào Tháo gợi ý? Không rõ và cũng không quan trọng. Vả việc này cũng không cần phải sáng tạo nhiều, chỉ cần mô phỏng theo “giống chuyện của ai đó” là xong. Vì vậy theo tôi, có thể Đổng Chiêu đã hiểu thấu tâm can của họ Tào, mới làm vậy để lấy lòng. Thực tế thì từ lâu có thể Tào Tháo đã nghĩ tới việc này. Trước đó, Tào Tháo đã chuẩn bị ba việc: 1- Mở rộng đất đai. Kiến An năm thứ XVII (Công nguyên năm 212), Tào Tháo có được sự đãi ngộ “Triều kiến không phải xưng tên, vào chầu không phải bước rảo, được đeo kiếm lên điện, như chuyện của Tiêu Hà”, đồng thời còn được thêm mười lăm tòa thành, từ mười lăm thành gấp đôi lên ba mươi thành. 2- Được Bình châu. Tháng giêng Kiến An năm thứ XVIII (Công nguyên năm 213), từ mười bốn châu cũ biến thành chín châu. Hai châu Bình, U và bốn quận Hà Đông, Hà Nội, Phùng Dực, Phù Phong của Tư châu, hợp thành Ích châu do Tào Tháo làm châu mục. 3- Đây là việc làm đồng thời nhằm tạo dư luận. Đương nhiên việc này họ Tào không cần ra mặt, và cũng không cần thiết, tự nhiên có người đến giúp đỡ, như Đổng Chiêu. Ít ra từ Kiến An năm thứ XVII (Công nguyên năm 212) tức là sau khi Tào Tháo được “như chuyện Tiêu Hà”, trước tháng mười lúc Nam chinh Tôn Quyền, Đổng Chiêu bắt đầu du thuyết. Theo chú dẫn Hiến đế Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Đông Chiêu truyện và lời chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, bấy giờ Đổng Chiêu tìm Tào Tháo, tìm Tuân Úc, còn tìm nhiều người trong triều đình, cuối cùng hình thành nghị án và được thiên tử phê chuẩn.

 

 

Thế là tháng năm Kiến An năm thứ XVIII (Công nguyên năm 213), hoàng đế bù nhìn cử Khanh sử đại phu Si Lự tuyên chiếu sách phong Tào Tháo là Ngụy công, ban thưởng áo mão, hết sức ưu ái. Tào Tháo trở thành Ngụy công, được nhận chức thừa tướng theo lệ và vẫn kiêm chức Ích châu mục. “Theo chế độ các chư hầu vương thời đầu Hán”, Tháo được xây dựng Ngụy quốc mới.

 

 

Đây mới là thứ Tào Tháo cần. Bởi thực quyền, thực lợi của Tào Tháo không hề ít đi chút nào, nhưng danh dự và địa vị đã cao hơn rất nhiều. Tào Tháo vẫn chủ trương “không mộ hư danh để chuốc họa thực”. Nhưng nếu danh lợi đều có, thực quyền thực lợi không nhỏ, sao lại không nhận? Hơn nữa hàm “Ngụy công” không phải hư danh, mà có nhiều quyền lợi. Vì vậy Tào Tháo trong lòng hẳn rất mừng nhưng bề ngoài vẫn khiêm nhường, trước sau nhường tới ba lần. Thế là, Chung Do, Mao Giới, Trình Dục, Giả Hủ, Đổng Chiêu cả thảy hơn ba mươi người do Trung quân sư Tuân Du cầm đầu liên danh dâng thư khuyên can. Tào Tháo nói: “phong tước công, thêm cửu tích (ban thưởng chín loại đặc biệt) chỉ có Chu công mới được hưởng! Sao tôi dám nhận?”. Số người kia nói: “Đáng nhận, đáng nhận! Công lao của minh công còn nhiều hơn Chu công. Theo giấy tờ ghi chép lại thì chưa có ai công lao lớn hơn minh công”. Tào Tháo vẫn còn muốn nhường, chỉ nhận đất phong không nhận tước vị. Những người kia lại nói: “như vậy là minh công không tôn trọng hoàng thượng, không nể mặt chúng tôi (hay do Hán triều ban thưởng chưa xứng, khiến lời cầu xin của bọn Du không được nhận). Nói đến vậy, Tào Tháo mới đành phải nhận là Ngụy công.

 

 


Tào Tháo mới đành phải nhận là Ngụy công.

Lúc này nhìn lại mới thấy vở diễn của Tào Tháo rất dở, khiến người ta khó chịu và cũng không hợp với tính cách của chính Tào Tháo. Nhưng còn cách nào khác, vì nó đã thành quy chế, thành thông lệ, một bước không thể không làm. Nếu không giả vờ nhường đi nhường lại như vậy thì hẳn là ông ta đã bị chửi là kẻ “mặt dày vô sỉ”. Hơn nữa Tào Tháo còn phải ứng phó với áp lực của dư luận. Việc phong công kiến quốc thời đó còn là việc động trời, tối kỵ, chắc gì mọi người đã tán thành. Điều đó khiến Tào Tháo càng phải thận trọng, thậm chí phải diễn kịch, làm trò.

 

 

Trên thực tế phái phản đối còn rất nhiều. Có một người mà Tào Tháo tín nhiệm, xem trọng, cũng tỏ ý phản đối. Trong những năm tháng trước đây, người này thường ủng hộ, giúp đỡ Tào Tháo trong những lúc khó khăn thì lúc này đang hát bài phản lại. Tào Tháo cảm thấy xót xa vì không nghĩ tới. Vậy người đó là ai?

 

 

Đó là Tuân Úc.

 

 

Trong trận doanh của Tào Tháo, Tuân Úc là nhân vật nặng ký tuyệt đối. Tào Tháo coi Tuân Úc chẳng khác gì Trương Lương. Năm hai mươi chín tuổi Tuân Úc chạy sang bên Tào, Tào Tháo đã nói: “Ôi Tử Phòng của ta”. Những năm tháng sau đó, Tuân Úc bày mưu tính kế, thậm chí vào sinh ra tử, không phụ lòng tin cậy của họ Tào. Theo Vũ đế kỷ, Trình Dục truyện, và Tuân Úc truyện trong Tam quốc chí vào mùa hạ Hưng Bình năm đầu (Công nguyên năm 194), Duyện châu mục Tào Tháo thống lĩnh toàn bộ binh lực đi đánh Đào Khiêm, để lại Tuân Úc, Trình Dục giữ Quyên Thành (nay là phía bắc huyện Quyên Thành, Sơn Đông). Lúc đó, hai người bạn cũ của Tào Tháo, Trương Mạc, Trần Cung đã trở mặt, liên hợp với Lã Bố đánh Duyện châu. Khắp nơi trong thành đã treo cờ hàng. Còn ba nơi chưa hàng là Quyên Thành, Phạm huyện (Phạm huyện, Hà Nam ngày nay) và Đông A (huyện Dương Cốc, Sơn Đông ngày nay). Nếu không giữ được ba tòa thành này thì Tào Tháo sẽ biến thành chó nhà có tang. Tuân Úc bàn với Trình Dục, rồi hai người chia nhau đi lo liệu. Trước hết Trình Dục lo ổn định Phạm huyện, sau đó mới cùng Tào Chi đi cố thủ Đông A. Tuân Úc nhanh chóng điều động Hạ Hầu Đôn thái thú Đông quận cùng giữ Quyên Thành. Hạ Hầu Đôn đến Quyên Thành liền “giết chết hơn chục kẻ phản loạn” trong một buổi tối, mới ổn định được tình hình. Lúc này, Thứ sử Dự châu Quách Công dẫn mấy vạn quân đến dưới thành đòi gặp Tuân Úc. Hạ Hầu Đôn nói, không được! Các hạ trấn thủ một châu, đi là nguy hiểm đến tính mạng. Tuân Úc bảo, đừng lo! Quách Công lúc thường chưa hề câu kết với Trương Mạc. Hắn đến gấp thế này, hẳn là chưa có chủ ý gì, nên ra khuyên giải hắn. Nếu không tranh thủ được hắn, cũng có thể để hắn ở thế trung lập. Nếu không ra gặp, hắn cho chúng ta không tin tưởng, hắn sẽ từ xẩu hổ thành thù hận. Thế rồi một mình Tuân Úc ra gặp. Quách Công thấy Tuân Úc không có vẻ gì là sợ sệt, cho rằng Quyên Thành không dễ phá, bèn cho lui quân. Quyên Thành được bảo toàn. Cử chỉ của Tuân Úc cũng đáng ca ngợi như chuyện Quan Vũ “một đao đi dự hội” trong truyền thuyết.

 

 

Trên thực tế, trong từng thời khắc mấu chốt Tào Tháo tiến hành đấu tranh chính trị hay quân sự, chúng ta đều thấy có tác dụng quan trọng của Tuân Úc. Ngay ngày đầu khởi binh, Đổng Trác uy hiếp thiên hạ, họ Tào thiếu lòng tin, Tuân Úc nói Đổng Trác: “vô năng, vì loạn mà chết”, việc xảy ra vào năm thứ II Sơ Bình (Công nguyên năm 191); thời kỳ phát triển, chư hầu cát cứ Trung Nguyên, Tào Tháo đi nước cờ có sơ hở. Tuân Úc chỉ ra mê luật giúp Tào hoạch định chiến lược, việc của năm đầu Hưng Bình (Công nguyên năm 194); Kiến An năm đầu (Công nguyên năm 196), Tào Tháo muốn đón thiên tử, chư tướng phân vân, Tuân Úc đã đưa ra ba cương lĩnh lớn về chính trị, giúp Tháo “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục”; Kiến An năm thứ II (Công nguyên năm 197), Tào Tháo muốn đánh Viên Thiệu, tiếc là lực bất tòng tâm, Tuân Úc phân tích bốn nguyên nhân lớn dẫn tới thắng lợi, khích lệ ý chí họ Tào. Thậm chí tận năm Kiến An năm thứ XIIV (Công nguyên năm 208) vẫn Tuân Úc là người giúp Tào Tháo vạch chiến lược Nam chinh Lưu Biểu.

 

 

Nhưng trong lúc Tào Tháo đang bừng bừng khí thế nhận phong công kiến quốc, Tuân Úc đã dội một gáo nước lạnh. Lúc Đổng Chiêu đến trưng cầu ý kiến riêng, Tuân Úc nói, Tào công đem nghĩa quân trừ bạo loạn, bình thiên hạ để phò trợ triều đình, ổn định đất nước (giúp triều yên nước). Tháo cần giữ sự trung thành (trung trinh, thành ý), phải kiên trì khiêm nhường (thực bụng nhường lui). “Quân tử yêu người bằng đức!”. Nếu quả các vị yêu Tào công, nên giúp ông ta giữ được những điều tốt đẹp đó. Không thể công thành mà thân bại, chí ít cũng đừng được voi đòi tiên, sau “chuyện như Tiêu Hà” lại “chuyện như Chu công”. Vậy nên chuyện này e không thích hợp (không nên như vậy).

 

 

Thực kỳ lạ! Tuân Úc chẳng phải “Trương Lương” của Tào Tháo sao? Sao Tuân Úc lại hát điệu phản? Sau khi Tuân Úc làm như vậy thì kết quả sẽ ra sao?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét