Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

GIỮA ĐƯỜNG PHẢI BỎ

 


3 cha con, anh em Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực

PHẦN 3: TAM QUỐC THÀNH THẾ CHÂN VẠC

Tập thứ hai mươi nhăm: GIỮA ĐƯỜNG PHẢI BỎ

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Trận chiến Xích Bích giáng một đòn mạnh vào quân Tào, từ đó Tào Tháo mất thế ở miền Nam. Nhưng Tào Tháo không phải là người dễ dàng chịu nhận thất bại. Cái gọi là “Lực sĩ tuổi già, chí khí không mỏi” hoàn toàn không phải là lời khuếch khoác. Chiến bại ở Xích Bích đã lôi kéo tính khí ngạo mạn bay bổng của Tào Tháo trở về với hiện thực, việc đáng làm Tào Tháo còn sẽ làm, còn nắm bắt thời cơ hơn nữa. Vậy, sau trận chiến Xích Bích Tào Tháo đã làm những gì?

 

 

Sau trận chiến Xích Bích, về mặt quân sự Tào Tháo đã làm ba việc quan trọng: phá Mã, Hàn; đánh Tôn Quyền; tấn công Trương Lỗ. Ba việc đó thành bại khác nhau, nhưng có một điểm chung là: Không làm tới cùng, hoặc không truy đuổi tàn quân, hoặc chưa lập công đã quay về, hoặc được rồi lại để mất, gọi là Giữa đường phải bỏ. Bởi vậy, chúng ta rất muốn biết vì sao lại như thế.

 

 

Trước tiên, nói tới việc thứ nhất.

 

 

Năm Kiến An năm XVI (Công nguyên năm 211), Tào Tháo quyết định đánh Mã Siêu và Hàn Toại ở phía tây. Đây là lần đầu tiên Tào Tháo ra quân với quy mô lớn sau trận chiến Xích Bích. Nói về lý, thì sau hơn hai năm chỉnh đốn, tích lương, lần nữa Tào Tháo phải đưa quân xuống miền Nam đánh Tôn Quyền và Lưu Bị, trừ họa trong lòng, rửa nhục ở Xích Bích, nhưng vì sao phải đánh về hương Tây? Trong Tào Tháo truyện, ngài Trương Tác Diệu nói tới ba nguyên nhân. Thứ nhất, liên minh Tôn, Lưu đã biến thành hơi, sớm muộn gì cũng sẽ hết; thứ hai, Mã Siêu, Hàn Toại cầm quân ở Trung Nguyên, trước sau gì cũng phải bỏ; thứ ba, Tôn Quyền có ý muốn liên hợp với Mã, Hàn, nhưng chưa thực hiện được vì Chu Du ốm và qua đời. Theo Tam quốc chí - Chu Du truyện, vào tháng mười hai, Kiến An năm XV, Chu Du đã kiến nghị đoạt Thục (Lưu Chương), bình Trương (Trương Lỗ), liên Mã (Mã Siêu). Sáng tỏ điều này, chúng ta dễ dàng hiểu rõ vì sao mùa xuân năm XVI, Tào Tháo chuẩn bị ra tay với Mã Siêu và Hàn Toại.

 

 


Mã Siêu đại chiến Hứa Chử tại ải Đồng Quan 
 tranh vẽ trên Trường lang Di Hòa viên ở Bắc Kinh

Nhưng tấn công Mã Siêu, Hàn Toại không phải chuyện dễ. Vì họ đều là mệnh quan triều đình do Tào Tháo tiến cử, lại không có chứng cứ phản nghịch. Tự nhiên vô cớ ra quân đánh họ, nói sao cho lọt. Thế là Tào Tháo đành phải sử dụng âm mưu, quỷ kế. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, tháng ba năm đó, Tào Tháo lệnh Tư Lệ hiệu úy Chung Do tây chinh Trương Lỗ, lệnh Chinh Tây hộ quân Hạ Hầu Uyên ra khỏi Hà Đông hội quân với Chung Do cùng nhau tiến quân. Chúng ta biết, quân chủ lực của Trương Lỗ ở Hán Trung, tấn công Trương Lỗ tất phải đi qua địa phận của Mã Siêu, Hàn Toại. Vì vậy, lệnh vừa ban đã bị rất nhiều người phản đối (như Trị thư Thị ngự sử Vệ Ký, Thương Tào thuộc Cao Nhu). Họ cho rằng Mã Siêu, Hàn Toại là loại vũ phu tâm trí thấp hèn, cầu an yên phận. Trương Lỗ ở nơi thâm sơn, đường sá cách trở. Triều đình ra quân xa xôi đánh giặc, chỉ e chưa diệt được quân Trương Lỗ đã kích động đến Mã Siêu, Hàn Toại thì phiền phức lớn. Tào Tháo nghe vậy, trong bụng cười thầm, bởi họ Tào đang muốn bức Mã, Hàn làm phản.

 

 

Cùng chuyện này trong Tam quốc chí - Vệ Ký truyện, Bùi Tùng Chi chú dẫn Ngụy thư lại nói cách khác. Ngụy thư nói người có chủ ý đó là Chung Do. Người này cho rằng bọn Mã Siêu, Hàn Toại “Bề ngoài thì tuân theo, nhưng bên trong thì chưa chắc”, nên mượn có tấn công Trương Lỗ buộc Mã Siêu phải nộp con tin: “có trách nhiệm cùng bắt con tin”. Tào Tháo cho Tuân Úc đi hỏi Vệ Ký, Vệ Ký phản đối. Nhưng Tào Tháo lại cho rằng Chung Do “trông coi công việc ấy” thì cứ làm. Kết quả là Quan Tây phản lớn. Tào Tháo đành tự dẫn quân đi dẹp loạn. Mấy vạn người chết mới được yên. Thế là Tào Tháo “hận đã không theo lời Ký”.

 

 

Đây đương nhiên cũng là một cách nói. Nhưng tôi cho rằng, một người quyền mưu như Tào Tháo e đã không cả tin Chung Do! Hồ Tam Tỉnh chú giải Tư trị thông giám lại cho rằng, cái gọi là: “nói đánh Trương Lỗ, nhưng ngầm đánh Mã, Hàn” là chủ ý của họ Tào. Đây là kế “đánh Quắc lấy Ngô”, mục đích buộc Ma Siêu, Hàn Toại phải làm phản, rồi đem quân tiến đánh: “nhanh chóng dẹp loạn, sau mới thêm quân”. Không cần bàn thêm điều này. Đúng là Chung Do vừa xuất quân, mười lộ Quan Tây của Mã Siêu, Hàn Toại đều nổi dậy làm phản. Mười vạn người hợp lại chiếm cứ Đồng Quan, chuẩn bị sống mái với họ Tào.

 

 

Lúc này danh chính ngôn thuận, Tào Tháo đã có cớ để đánh họ. Tháng bảy năm đó, sau những bố trí chiến lược, Tào Tháo lên ngựa, ngày đêm không nghỉ ra tiền tuyến. Lúc này Tào Tháo đã năm mươi bảy tuổi. Theo trích dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, lúc đó có người đã lưu ý Tào Tháo, nói: “Quân Quan Tây quen dùng mâu dài, rất lợi hại”. Tào Tháo thản nhiên nói: “Không hề gì! Quyền chủ động chiến tranh thuộc về chúng ta. Mâu dài tuy lợi hại, nhưng chúng không giết được ta, các vị cứ chờ xem!”.

 

 

Thực tế chiến tranh không diễn ra nhẹ nhàng như lời họ Tào. Tháng tám nhuận năm đó, Tào Tháo đã suýt mất mạng lúc vượt sông Hoàng Hà tiến quân lên Bắc. Theo chú dẫn Tào Man truyện và Tư trị thông giám của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, họ Tào cho quân vượt sông Hoàng Hà trước, còn mình thì cùng hơn trăm tinh binh chặn hậu tại bờ nam. Vừa định sang sông, thì Mã Siêu thống lĩnh hơn vạn bộ, ky binh đánh tới, Tào Tháo “ra vẻ ngồi yên vuốt râu”. Hứa Chử, Trương Cáp thấy tình thế nguy cấp liền cùng mọi người đỡ nhanh Tào Tháo lên thuyền. Nước sông chảy xiết. Thuyền muốn sang bờ bắc nhưng đã bị nước cuốn đi hàng bốn, năm dặm. Mã Siêu cho quân truy bắn, “tên bay như mưa”. Các tướng sĩ hết thảy đều sợ hãi vì không biết họ Tào ở đâu. Chờ lúc Tào Tháo sang sông gặp mặt, mọi người buồn vui lẫn lộn, nước mắt tuôn trào. Trái lại, Tào Tháo miệng cười khanh khách nói: “Hôm nay suýt nữa đã bị chết bởi tay một tên giặc cỏ”.

 

 

Nhưng đến tháng chín, tình thế đã khác hẳn. Toàn quân Tào đã vượt sông Vị Thủy, Mã Siêu cùng nhiều người khác còn gì để nói nữa. Theo Tam quốc chí - Giả Hủ truyện, lúc đó Mã Siêu có ý cắt đất cầu hòa, tình nguyện để con em làm con tin. Họ Tào hỏi ý Giả Hủ. Giả Hủ nói: “Có thể vờ bằng lòng (hứa giả)”. Tào Tháo lại hỏi: “Vờ bằng lòng và sau đó thì sao?”. Giả Hủ nói: “Li thôi mà”. Tào Tháo rõ ngay - dùng kế li gián.

 


“Mã Mạnh Khởi đại chiến tại Vị Kiều” trong “hình ảnh Tam Quốc Chí”

 

Cần phải nói thêm một chút về bối cảnh, tức là đội quân phản nghịch của Mã Siêu, Hàn Toại, tuy gọi là mười vạn đại quân, người ngựa mười lộ, nhưng thực chất chỉ là một đội quân ô hợp. Giữa các vị chủ soái cũng không đồng tâm đồng đức. Mã Siêu là con Mã Đằng, quan hệ giữa Mã Đằng và Hàn Toại cũng phức tạp. Họ vốn là bạn bè cũ, tiếp đến lại thành thù địch. Sau này được Tào Tháo đứng ra hòa giải, điều Mã Đằng vào triều, Mã Siêu mới hòa hợp với Hàn Toại. Ở đây có điều thực đáng nói: Vừa lúc, Hàn Toại muốn gặp Tào Tháo. Họ Tào đã khéo léo lợi dụng cơ hội này. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, bấy giờ Tào Tháo và Hàn Toại từ quân doanh cưỡi ngựa đến nơi trung gian, thân mật trò chuyện rất lâu: “ngồi trên ngựa vừa đi vừa nói”. Họ nói những gì? “Không bàn về quân sự, chỉ nhắc tới bạn cũ ở kinh đô”. Điều đó cũng chẳng có gì là lạ. Tào Tháo và cha Hàn Toại là “Hiếu liêm cùng năm” và “cùng thời” với Hàn Toại, cùng nhau nhắc lại chuyện cũ cũng là việc bình thường. Hơn nữa, khi nói tới chuyện tâm đắc, cả hai còn “vỗ tay cười ầm lên”. Sau khi Hàn Toại trở về, Mã Siêu hỏi hai người đã nói những gì, Hàn Toại trả lời: “Không có gì đáng nói”. Đương nhiên “Không có gì đáng nói”, bởi vì họ có nói gì đâu, nhưng Mã Siêu và những người khác đều không tin. Mọi người đều tận mắt nhìn thấy hai người trò chuyện vui vẻ hồi lâu, sao bảo là “Không có gì đáng nói”?

 

 

Sau lúc Mã Siêu sinh nghi, họ Tào lại có tính toán mới. Theo lời chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ và Tam quốc chí - Hứa Chử truyện, Tam quốc chí - Mã Siêu truyện, sang ngày thứ ba, Tào Tháo lại gặp mặt Hàn Toại. Lần này có cả Mã Siêu và thái độ Tào Tháo cũng khác lần trước. Tại hiện trường có một “hàng ngựa gỗ” làm bình phong, Tào Tháo cho Hứa Chử cầm dao đứng ở phía sau, rõ ràng là không tin tưởng Mã Siêu. Sự thực chứng tỏ họ Tào cảnh giác là đúng. Mã Siêu có ý tập kích Tào Tháo trong lần gặp mặt này, chỉ vì sợ Hứa Chử mà chưa dám ra tay.

 

 

Còn chuyện nữa cũng đáng nói trong lần gặp mặt này. Đó là lúc Tào Tháo ung dung xuất hiện trước mọi người, các thuộc tướng của Mã Siêu, Hàn Toại trên lưng ngựa đều chắp tay vái chào. Anh em binh sĩ giành nhau tụ thành một đám đông, mong được nhìn thấy Tào Tháo. Họ Tào cười, nói với mọi người: “Tào Tháo cũng chỉ là một người bình thường, không hề có bốn mắt, hai miệng, chỉ hơn một chút trí tuệ mà thôi”. Lũ bộ hạ của Mã Siêu, Hàn Toại nghe nói vậy mới đưa mắt nhìn trước sau, phát hiện thấy Tào Tháo “ánh mắt ngời sáng, đã bố trí năm ngàn quân thiết kỵ vây quanh”, ai nấy kinh hồn lạc phách. Đấu chí sụt giảm, sức chiến đấu rã rời.

 

 


“Hứa Chử đại chiến Mã Mạnh Khởi” trong “hình ảnh Tam Quốc Chí” 

Nhân đó, Tào Tháo lại sử dụng một kế khác. Họ Tào gửi cho Hàn Toại một bức thư, rồi cố ý khoanh chỗ nọ, đánh dấu chỗ kia, vờ như Hàn Toại đã sửa chữa. Tào Tháo nói những gì trong thư, chúng ta không biết và cũng không quan trọng. Quan trọng là mấy điểm ngài Trương Tác Diệu đã chỉ rõ: 1- Tào Tháo đoán biết thế nào Mã Siêu cũng xem thư; 2- Lời lẽ trong thư bóng bẩy, có nhiều cách hiểu khác nhau; 3- Nhìn thư biết ngay người nhận thư đã sửa chữa. Kết quả là Mã Siêu đã xem thư, đã nghi ngờ, hết tin Hàn Toại.

 

 

Chúng ta đều biết, trong lúc liên quân tác chiến, điều sợ nhất là chủ soái bất hòa. Hàn Toại, Mã Siêu nghi ngờ lẫn nhau, lòng quân dao động, trận đánh không thể thắng lợi. Tào Tháo nắm đúng thời cơ, một trận đã đuổi Hàn Toại, Mã Siêu ra tận Kinh châu. Sau thắng lợi, Tào Tháo để Hạ Hầu Uyên giữ Tràng An, còn mình trở về Nghiệp Thành vào năm sau, năm Kiến An thứ XVII (Công nguyên năm 212). Về sau Hàn Toại bị các tướng Tây Bình, Kim Thành giết chết, vào năm Kiến An thứ XX (Công nguyên năm 215) cũng là năm Tào Tháo đánh Trương Lỗ; Mã Siêu đầu hàng Lưu Bị vào năm Lưu Bị công phá Lưu Chương năm Kiến An thứ XIX (Công nguyên năm 214).

 

 

Sẽ nói tới sự kiện thứ hai - đánh Tôn Quyền.

 

 

Một trong những mục đích Tào Tháo đánh Hàn, Mã là trừ hậu họa. Quan Trung đã bình định, muốn bàn bạc trước khi tiến đánh Tôn Quyền. Trong lúc chuẩn bị, Tào Tháo để Nguyễn Vũ viết một bức thư dài cho Tôn Quyền, lời lẽ vừa cứng vừa mềm, đưa ra mấy điều kiện: 1- nếu có thể “Trong diệt Tử Bố, ngoài đánh Lưu Bị” thì ông sẽ mãi mãi cai trị vùng Giang Đông, còn được thăng quan, ban tước; 2- Nếu không nỡ giết Trương Chiêu, chỉ giết Lưu Bị cũng được. Đương nhiên, Tôn Quyền sẽ từ chối. Để chống lại Tào Tháo, ngay từ năm Kiến An thứ XVI, cũng là năm Tào Tháo đánh Hàn Toại, Mã Siêu, Tôn Quyền theo ý kiến của Trưởng sử Trương Hoành dời đô từ Kinh Khấu (nay là thị trấn Giang Thị, Giang Tô) về Mạt Lăng (nay là Nam Kinh, Giang Tô) và đổi tên thành Kiến Nghiệp. Còn nghe theo Lã Mông lập quân cảng ở Nhu Tu Khẩu (nay huyện Vô Vi, An Huy). Thái độ Tôn Quyền là vậy, một lòng quyết chiến.

 

 

Thế là tháng mười năm Kiến An thứ XVII, Tào Tháo thống lĩnh đại quân bốn mươi vạn đi đánh Tôn Quyền. Tháng giêng năm Kiến An thứ XVIII (Công nguyên năm 213) đại quân tiến vào Nhu Tu Khẩu. Bây giờ thấy rõ Tào Tháo tính toán chưa hết về thiên thời, địa lợi trong cuộc chiến đó, nên vừa ra quân đã rơi vào thế bị động, hai quân trong trạng thái kình địch chờ đợi. Theo lời chú dẫn Ngô lịch của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, khi đó Tôn Quyền luôn khiêu chiến Tào Tháo. Tào Tháo thì “cố thủ không ra”. Thế là Tôn Quyền thân lên một chiếc thuyền nhỏ (tính ra phải có một đội thuyền), từ Nhu Tu Khẩu đến trước thủy trại quân Tào. Họ Tào nhìn biết Tôn Quyền đã tới, chắc Tôn Quyền muôn thấy tận mắt trận thế của quân Tào “muốn biết đội ngũ quân ta đây”, liền hạ lệnh ba quân phải canh phòng cẩn mật, cung tên “không bắn bừa bãi”. Đội thuyền Tôn Quyền “Thuyền bè binh khí quân ngũ tề chỉnh”, đi chừng năm, sáu dặm trước doanh trại quân Tào rồi mới về. Trước lúc rút còn “Khua chiêng, gõ trống” ầm ĩ một hồi lâu. Tào Tháo tận mắt nhìn rõ tất cả, bất giác than rằng: “Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu, con cái Lưu Cảnh Thăng chỉ là loài chó lợn!”.

 

 

Nhưng trong Ngụy lược lại nói khác, nói khi Tôn Quyền đến xem doanh trại quân Tào đã đi thuyền to. Tào Tháo hạ lệnh bắn tên, không phải “cung tên không bắn bừa bãi”. Kết quả là thuyền của Tôn Quyền bị nghiêng về một bên vì bị dính nhiều tên. Thế là Tôn Quyền hạ lệnh quay thuyền để mặt kia cũng dính nhiều tên, “thuyền trở lại thăng bằng” và Tôn Quyền đã lui về. Sau sự kiện này, La Quán Trung đã thêm mắm thêm muối biến nói thành những chiếc “thuyền cỏ mượn tên” của Gia Cát Lượng trong trận chiến Xích Bích. Thực ra, về mặt kỹ thuật không thể có loại “thuyền cỏ mượn tên” và Tôn Quyền cũng không “mượn tên”.

 


Sa lầy ở Nhu Tu Khẩu, Tào Tháo đã muốn rút khỏi chiến sự,
Tôn Quyền đã gửi thư cho họ Tào nói: “nay xuân vừa tới, ông nên đi nhanh”.
 
 

Bùi Tùng Chi đã chú thích cả hai sự kiện trên trong Ngô chủ truyện. Việc này không thể nảy sinh hai lần, nhiều học giả cho cách nói trong Ngô lịch là đúng. Điều này chúng ta cũng chưa hiểu. Nhưng dù là đúng hay sai thì khí phách anh hùng của Tôn Quyền cũng đã hiển hiện trên giấy. Đương nhiên, cách nói trong Ngô lịch có nhiều giá trị thẩm mỹ hơn. Nghĩ xem, Tôn Quyền đi trên chiếc thuyền con nhìn Tào Tháo, từ trong quân doanh Tào Tháo nhìn Tôn Quyền, cảnh tượng khiến mọi người phải suy nghĩ, khiến tôi nhớ tới Đoạn chương của Biện Chi Lâm: “Anh đứng trên cầu ngắm nhìn phong cảnh, ở trên lầu người ngắm phong cảnh lại nhìn anh. Trăng sáng làm đẹp song cửa nhà anh, anh làm đẹp giấc mơ người khác”. Đương nhiên, chiến tranh không phải là nghệ thuật, là thơ ca. Nếu nói Tôn Quyền làm đẹp giấc mộng Tào Tháo, thì e đó là ác mộng.

 

 

Theo lời chú dẫn Ngô lịch của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Ngô chủ truyện thì sau khi trở về, Tôn Quyền đã gửi thư cho họ Tào nói: “nay xuân vừa tới, ông nên đi nhanh”. Còn viết thêm tám chữ: “túc hạ không chết, ta không được yên” vào một tờ giấy khác. Tào Tháo xem xong lấy làm cảm thán mãi. Đúng vậy, mưa xuân liên miên, lụt lội sắp tới, binh lính phương bắc tác chiến lúc này thật bất lợi. Quả thật “túc hạ không chết, ta không được yên”. Tào Tháo gật đầu nói với chư tướng: “Tôn Quyền không lừa ta”, rồi hạ lệnh lui quân. Tháng tư năm đó về tới Nghiệp Thành. Đương nhiên, sau này hai bên còn đánh nhau mấy lần nữa. Khi có dịp sẽ nói tiếp, còn bây giờ sẽ nói tới sự kiện thứ ba.

 

 

Sự kiện thứ ba: đánh Trương Lỗ tương đối đơn giản.

 

 

Tháng ba năm Kiến An thứ XX (Công nguyên năm 215), Tào Tháo khởi binh đánh Trương Lỗ. Lúc này Tào Tháo đã sáu mươi mốt tuổi, nhưng vẫn thân chinh, bôn ba nơi chiến trường. Tháng bảy, quân Tào đến cửa Dương Bình (phía Tây huyện Miễn, Thiểm Tây). Trương Lỗ nghe nói đã chuẩn bị đầu hàng, nhưng người em trai Trương Vệ không đồng ý, nên chiến tranh đã xảy ra. Trận đánh này gần như một vở kịch. Nghe nói lúc đó Tào Tháo phát hiện thấy cửa Dương Bình không dễ đánh như đường dây báo cáo, liền hạ lệnh lui quân. Sau khi lui quân lại đánh trở lại. Trương Vệ bị đánh tơi bời, Trương Lỗ chạy tới Ba Trung. Sử sách ghi chép việc này không thống nhất Tam quốc chí - Vũ đế kỷ nói đánh quay lại là mật lệnh của Tào Tháo; Lưu Hoa truyện nói đó là ý kiến của Lưu Hoa; lời chú dẫn Ngụy danh thần tấu và Thế ngữ trong Trương Lỗ truyện lại nói là việc ngẫu nhiên. Trong Ngụy danh thần tấu đăng biểu văn cửa Đổng Trọng nói, bấy giờ vốn muốn lui quân, nhưng đội quân dẫn đầu lại lạc đường, lạc vào quân doanh Trương Vệ. Quân Trương Vệ tưởng quân Tào nhân đêm tối đến tập kích, nên sợ quá mà tan. Tào Tháo được tin, nhân lợi thế mà đổi lệnh lui quân thành lệnh tiến công. Thế ngữ lại nói, xông vào quân doanh Trương Vệ không phải là quân Tào mà là mấy ngàn hươu nai. Cao Tộ là bộ tướng của Tào Tháo cho đánh trống gõ chiêng tập hợp quân lính. Trương Vệ tưởng đại quân kéo tới, nên sợ quá đầu hàng. Tóm lại, lúc đầu Tào Tháo đánh Trương Lỗ rất khó khăn, nhưng tin vui thắng trận lại rất nhanh chóng. Vì vậy Vương Sán có thơ ca ngợi: “Người ta theo thần võ, sao được nhọc quân lâu”. Nhưng tôi cho rằng, nói Tào Tháo thắng lần này là “Theo thần võ”, không bằng nói tập đoàn Trương Lỗ đã mất hết ý chí chiến đấu.

 

 

Tập đoàn Trương Lỗ vừa đánh đã tan. Tháng mười một năm đó, Trương Lỗ đã đầu hàng, được Tào Tháo ưu đãi. Trương Lỗ đầu hàng, Hán Trung thuộc Tào Tháo. Hán Trung là cửa ngõ, là yết hầu của Ích châu. Lấy xong Hán Trung đã có thể ra tay với Thục quận. Cho nên vừa lấy xong Thục quận làm cho Lưu Bị đang chiến đấu tranh giành Kinh châu phải lo lắng, cả vùng Thành Đô vô cùng hoang mang. Theo chú dẫn Phó tử của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Lưu Hoa truyện, bấy giờ “trong Thục một ngày kinh động hàng mấy chục lần”, Lưu Bị (nói chính xác là Lưu Bị lưu giữ Thành Đô) luôn phải giết người mà vẫn không yên (Tuy Bị đã giết nhưng vẫn không yên). Trong tình hình đó, thừa thắng tiến tới, thừa thế vào Thục, đạp bằng Ích châu, tiêu diệt Lưu Bị, phải nói đó là một phương án có thể nghĩ tới.

 

 

Hai vị chủ bạ (mạc liêu cao cấp tham dự cơ yếu) của Tào Tháo khi đó là Lưu Hoa và Tư Mã Ý đều đưa kiến nghị, mong chủ thực thi. Kiến nghị của họ được ghi riêng trong Tam quốc chí -Lưu Hoa truyện và Tấn thư - Tuyên đế kỷ. Lưu Hoa nói, sau khi minh công lấy xong Hán Trung, người Thục nghe mà khiếp đảm. Chỉ cần thúc quân tiến tới thì Thục quận có thể “truyền hịch mà lấy”. Lúc này Thục quận đang trong tay Lưu Bị. Lưu Bị là anh hùng, tiếc là phản ứng hơi chậm, vào Thục chưa lâu, uy vọng chưa cao. Với sự thần võ của minh công, với thịnh thế quân ta, vào Thục lúc này “không gì ngăn cản nổi”. Nếu để lỡ thời cơ, để Lưu Bị kịp hoàn hồn thì phiền phức lớn. Vì sao vậy? Vì Lưu Bị có minh tướng Gia Cát Lượng, giỏi đường trị nước; võ có Quan Vũ, Trương Phi làm tướng cầm đầu ba quân. Gia Cát Lượng có thể an định dân Thục, Quan Vũ, Trương Phi biết giữ nơi hiểm yếu. Nước hiểm dân theo thì khó mà đánh đổ!

 

 

Tư Mã Ý cũng coi đây là thời cơ thuận lợi lớn. Lúc này hai nhà Lưu Bị, Tôn Quyền đang bày quân kình địch giành Kinh châu. Đây là cơ hội tốt để Tào Tháo tiến quân. Vì vậy Tư Mã Ý nói, Lưu Bị do khôn khéo mới diệt được Lưu Chương, người Thục còn chưa quy thuận đã đi đánh Giang Lăng, cần phải nắm lấy cơ hội này. Họ Tư nói: “Thánh nhân không thể nhỡ thời, không nên để mất thời cơ”. Cũng tức là, thời cơ chưa tới, điều kiện chưa thành thục bạn không thể đến. Khi có thời cơ, điều kiện thành thục thì không nên bỏ lỡ. Đối với một người không thể có hai lần gặp cùng một cơ hội.

 

 

Mấy lời đó thật đúng, nhung Tào Tháo không theo. Theo Tấn thư - Tuyên đế kỷ, Tào Tháo vô cùng xúc động thốt thành lời: “Con người không biết thế nào là đủ, đã được Lũng còn muốn cả Thục!”.

 

 

Lời nói ngược với điển tích. Lúc trước Hán Quang Vũ đế Lưu Tú nói với đại tướng quân Sầm Bành câu đó. Theo Hậu Hán thư - Sầm Bành truyện, Kiến Vũ năm thứ VIII (Công nguyên năm 32), Sầm Bành theo Lưu Tú phá Thiên Thủy, vây Tây Thành, thắng lợi đã trong tầm tay. Không lâu sau, Lưu Tú quay về hướng Đông, có thư gửi Sầm Bành, nói: “Con người nếu chưa thấy đủ, thì được Lũng lại nhìn Thục”. Sầm Bành hiểu ý Lưu Tú, sau khi bình Lũng đã vào Thục giết chết Công Tôn Thuật. Rõ ràng ý Lưu Tú là: con người, luôn không biết thế nào là đủ, được Lũng phải nhìn vào Thục. Ý Tào Tháo là ngược lại: con người, không thể không biết thế nào là đủ, được Lũng thì không nên nhìn vào Thục!

 

 

Tào Tháo vừa lui quân, Lưu Bị liền thấy phấn chấn. Lưu Bị vốn rất lo lắng. Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, sau khi nghe tin “Tào công định Hán Trung, Trương Lỗ chạy sang Ba Tây” Lưu Bị liền giảng hòa ngay với Tôn Quyền, hai nhà phân chia Kinh châu (phần sau chúng ta còn nói tới chuyện này), còn cử ngay đại tướng quân Hoàng Quyền dẫn quân đón Trương Lỗ, tiếc là chậm mất một bước, Trương Lỗ đã đầu hàng. Nhưng quyết sách lui quân của Tào Tháo lại là cơ hội Lưu Bị có thể lợi dụng. Từ lâu tập đoàn Lưu Bị đã hiểu rõ tầm quan trọng của Hán Trung. Cuối Kiến An năm thứ XXII (Công nguyên năm 217), Lưu Bị phái Trương Phi, Mã Siêu đóng quân ở Hạ Biên (phía Tây huyện Thành, Cam Túc), năm sau thân lĩnh chủ tướng tiến quân, bắt đầu một chiến dịch quân sự quy mô lớn đối với Hán Trung.

 

 

Mưu thần số hai của Lưu Bị là Pháp Chính, người chủ mưu tiến quân đoạt lấy Hán Trung. Vì sao nói Pháp Chính là mưu thần số hai? Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, thì Kiến An năm thứ XIX, Lưu Bị vào Thục là Ích châu mục, với “Gia Cát Lượng là thân thích, Pháp Chính là mưu chủ, Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu là nanh vuốt”. Xem ra lúc này Gia Cát Lượng chính là Tổng lý quân chính; Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu nam chinh bắc chiến; Pháp Chính xuất mưu lập kế.

 

 

Theo Tam quốc chí - Pháp Chính truyện, sau lúc họ Tào lui quân, Pháp Chính tìm Lưu Bị và nói: “Lúc này trời đã giúp ta, không thể bỏ lỡ thời cơ”. Kết quả “Tiên chủ đã theo kế” thân chinh Hán Trung, Pháp Chính theo chân, Gia Cát Lượng lưu giữ Thành Đô. Quyết định của Lưu Bị là chính xác, đương nhiên là vậy. Chúng ta đều biết, trên đời này Lưu Bị chỉ sợ có một người là Tào Tháo. Lưu Bị không hề sợ bộ tướng của họ Tào, nói chi tới Hạ Hầu Uyên, hiện trấn thủ Hán Trung, một “tướng quân thùng rỗng” (một tướng lĩnh kém cỏi), hữu dũng vô mưu, không biết dùng quân. Vả Lưu Bị cũng biết rõ, có lấy được Hán Trung thì tình thế mới thay đổi cơ bản, thiên hạ mới có thể chia ba cùng Tào Tháo và Tôn Quyền. Vậy Lưu Bị quyết định phải đánh.

 

 

Nhưng chiến tranh vừa mở đầu đã bất lợi. Chủ tướng của Tào Tháo đánh nhau dữ dội với Lưu Bị ở Dương Bình quan. Lưu Bị nhận thấy, tuy không có Tào Tháo, nhưng không dễ đối phó với quân Tào. Lưu Bị vội vàng biên thư cho Gia Cát Lượng, quân sư tướng quân lúc đó để có thêm quân. Nhưng không hiểu vì sao, có thể vì vừa vào Thục hoặc vì thận trọng trong công việc, Gia Cát Lượng có phần do dự. Theo Tam quốc chí - Dương Hồng truyện, Lưu Bị “Thư gấp để phát binh”, Gia Cát Lượng cầm thư đến hỏi Dương Hồng - một vị quan trong Thục, Dương Hồng nói: “Hán Trung là yết hầu của Ích châu, quan hệ tới tồn vong. Nếu không có Hán Trung thì cũng không có Thục (nếu không có Hán Trung tức là không có Thục vậy). Mất Hán Trung thì họa gần kề (họa bên cửa)! Lúc này con trai nên ra trận (nam đi chiến đấu), nữ lo việc hậu cần (nữ lo vận chuyển). Mong quân sư nhanh chóng ra quân, còn do dự gì nữa! (đừng nghi ngờ, phát binh ngay)”.

 

 

Dương Hồng đã nói tới điều cơ bản: “Nếu không có Hán Trung tức là không có Thục vậy”. Đây là điều khác biệt giữa Tào và Lưu: Tào Tháo có thể được Lũng thì không nhìn Thục, ngược lại, Lưu Bị không được Lũng, không thể giữ được Thục, một người có chí thì được, một người giữ được thì giữ. Vì vậy chiến tranh mở màn đã biết ngay thắng, bại. Thực tế thì trong hai năm quân Lưu luôn nắm quyền chủ động và tháng giêng Kiến An năm XXIV (Công nguyên năm 219) đã giết chết Hạ Hầu Uyên chủ soái quân Tào trên núi Định Quân. Vì vậy chờ đến tháng ba năm đó, khi Tào Tháo thân đến Hán Trung lần nữa thì cục thế đã hết đường cứu vãn. Tào Tháo nhìn thời thế mà thở dài rồi truyền khẩu lệnh “gân gà” ngay trong đêm, cho quân lui ngay về Tràng An. Từ đây Hán Trung thuộc họ Lưu. Tháng bảy năm đó, Lưu Bị xưng là Hán Trung vương. Đương nhiên, không bao giờ Tào Tháo chịu khoanh tay nhường cả thiên hạ cho người khác. Con người giỏi cầm quân này đã lập phòng tuyến ở Trần Thương, trên đường giao thông quan trọng giữa Hán Trung và Quan Trung. Trần Thương cũng là mảnh đất các binh gia đều muốn có. Quyết sách đó khống chế có kết quả đường tiến quân của Lưu Bị. Suốt đời Lưu Bị, Gia Cát Lượng không sao vượt khỏi được phòng tuyến này.

 

 

Tào Tháo được Lũng thì không nhìn Thục, kết quả đã mất luôn cả Lũng Hữu. Họ Tào mãi mãi mất hết khả năng vào Thục, từ đây lý tưởng thống nhất thiên hạ đã biến thành mây khói. Bởi thế chúng ta rất muốn biết cuối cùng là vì sao.

 

 

Có thể lời Pháp Chính là đúng. Ban đầu khi Pháp Chính khuyên Lưu Bị tấn công Hán Trung thì câu đầu tiên đã nói tới vấn đề này. Pháp Chính nói: “Tào Tháo vừa ra quân đã hàng phục được Trương Lỗ, bình định Hán Trung, không thừa thắng tiến quân lấy luôn Ba, Thục, lại vội vàng lui quân. Không phải Tào Tháo nghĩ không thấu, quân không đủ (không phải trí không nhanh, quân không đủ) nhất định là trong nội bộ có vấn đề khiến họ Tào cảm thấy bị uy hiếp”.

 

 

Vậy, sự việc đúng như thế chứ? Nếu là vậy thì Tào Tháo đã ứng phó ra sao?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét