Lối vào khu tưởng niệm và nơi đặt mộ phần của Tào Thực |
Tập thứ ba mươi:
TRANH GIÀNH ĐOẠT ĐÍCH
Tác giả Dịch Trung Thiên
Trong những năm cuối đời của Tào Tháo, vấn đề người nối dõi luôn
được nói tới hàng ngày; việc tranh giành đoạt đích giữa Tào Phi, Tào Chương,
Tào Thực diễn ra hết sức dữ dội. Vì vậy Tào Tháo đã phải tạo ra những án oan và
huyết án. Nhưng điều thấy khó hiểu là, Thôi Diễm ủng hộ Tào Phi đã bị giết,
người ủng hộ Tào Thực là Dương Tu cũng bị giết, vậy cuối cùng thì Tào Tháo định
lập ai là người nối dõi?
Tập trước chúng ta đã nói, trước khi qua đời hơn một trăm ngày,
Tào Tháo đã giết Dương Tu “một đệ tử tài ba”. Thương cho họ Dương bốn đời tam
công khuynh đảo trong một lúc, nhưng đúng như người xưa nói: “gia tộc người
quân tử chỉ được năm đời”.
Lúc này, Dương Bưu - cha của Dương Tu còn sống - Dương Bưu từng
nhận chức tư không, tư đồ và còn là thái uý. Dương Bưu nhận cả ba chức vụ gọi
là “tam công”, rõ ràng là địa vị rất cao quý. Nhưng nay chỉ còn biết giương mắt
ra nhìn người con yêu quý bị giết. Người đầu bạc tiễn người đầu xanh, đau khổ biết
chừng nào. Theo Hậu Hán thư - Dương Bưu truyện, một hôm Tào Tháo gặp Dương
Bưu, Tào Tháo tỏ vẻ kinh ngạc khi thấy Dương Bưu hình dung tiều tuy. Tào Tháo
liền hỏi vì sao lại gầy guộc đến như vậy? Dương Bưu nói: tiếc không còn sáng
suốt và do trong lòng luôn thương con. Thế là “Tháo thay đổi sắc mặt”.
Tào Tháo hỏi ra vẻ quan tâm. Dương Bưu đáp là thực lòng. Điều đó
làm họ Tào không thể không “thay đổi sắc mặt”. Lúc này tuy đã bị bãi quan đoạt
phong, nhưng Dương Bưu vẫn là vị nguyên lão. Một nhân vật như vậy mà không thể
bảo toàn được người nhà, còn nói chi tới cái khác? Hơn nữa, Dương Bưu có con để
yêu, Tào Tháo không có sao? Dương Bưu không thể bảo toàn được người nhà, Tào
Tháo lại có thể chăng? Đừng tưởng lúc này Tào Tháo xưng bá một thời, uy phong
lừng lẫy, quy luật “gia tộc người quân tử chỉ được năm đời” vị tất đã vô hiệu
với ông ta. Điều đó không thể không làm cho Tào Tháo phải suy nghĩ nhiều hơn,
xa hơn.
Trên thực tế Tào Tháo luôn phải suy nghĩ vấn đề người nối dõi.
Nhưng tiếc là vấn đề đó rất khó giải quyết.
Theo thống kê, Tào Tháo có ít nhất là mười lăm người vợ và hai
mươi nhăm người con. Người có tư cách nối dõi nhất là Tào Ngang, nhưng đã chết
trận vào tháng giêng Kiến An năm thứ II (Công nguyên năm 197), người khác được
Tào Tháo yêu quý là Tào Xung thì ốm và qua đời vào tháng năm Kiến An thứ XIII
(Công nguyên năm 208). Các con khác thì chết yểu hoặc dung tục, Tào Tháo chỉ
còn hy vọng vào Tào Phi, Tào Chương và Tào Thực. Theo Tam quốc chí - Tào
Xung truyện, lúc Tào Xung ốm và qua đời là lúc Tào Tháo đau buồn nhất. Tào Phi
bước đến an ủi cha, Tào Tháo nói: “người này làm ta buồn, còn nhữ Tào làm ta
vui”. Cái gọi là “nhữ Tào” (các ngươi mấy người) đương nhiên là Tào Phi, Tào
Chương và Tào Thực.
Cả ba người đều muốn mình là người nối dõi. Trước hết họ đều là
con của Biện phu nhân. Vợ cả của Tào Tháo họ Đinh, Đinh phu nhân không sinh
con, con nuôi là Tào Ngang chết trận, bản thân đã li dị nên không phải suy nghĩ
việc “lập đích”. Sau khi họ Đinh bị phế, Biện phu nhân thay thế địa vị chính
thất. Theo nguyên tắc “lập đích” người nối dõi phải được chọn từ các con của họ
Biện. Biện phu nhân có bốn người con, trong đó Tào Hùng chết sớm, còn có thể
chọn một trong ba người là Tào Phi, Tào Chương và Tào Thực. Hai là, cả ba người
này đều có năng lực, được việc và trình độ cao hơn hẳn những người con khác của
Tào Tháo. Như vậy, dù là “lập đích” hay “lập hiền”, họ có tư cách nhất. Việc
“tranh giành đoạt đích” luôn xảy ra trong ba người con của Biện phu nhân.
Vậy Tào Tháo chọn ai?
Nhìn chung các sử gia đều cho rằng trước hết phải loại bỏ Tào
Chương. Không thể phủ nhận Tào Chương là một nhân vật. Theo Tam quốc chí -
Tào Chương truyện, người này từ bé đã giỏi cưỡi ngựa tài bắn tên, to gan lớn
mật, chiến đấu nhiều trận lập nhiều chiến công. Kiến An năm thứ XXIII (Công
nguyên năm 218), Ô Hoàn ở quận Đại làm phản, Tào Tháo bổ nhiệm Tào Chương là
Bắc Trung lương tướng, Hành kiêu kỵ tướng quân đi dẹp loạn. Trước lúc lên đường
Tào Tháo nói với Chương: con à, ở nhà là cha con, thụ mệnh là quân thần, con
biết phải làm như thế nào! Tào Chương hiểu rõ ý cha, nên trong chiến tranh Bắc
phạt đã xông pha hiểm trận, dẫn đầu tướng sĩ, bắn thẳng vào Hồ Kỵ “kẻ trước
người sau trúng tên gục ngã”. Bản thân Tào Chương “trúng mấy mũi tên”, nhưng “ý
chí ngoan cường”, kết quả “đại phá quân địch”. Người Tiên Ti trung lập thấy Tào
Chương anh dũng thiện chiến đã xin quy thuận. Vậy là “miền Bắc bình xong”. Sau
thắng lợi, Tào Chương tặng thưởng lớn cho tướng sĩ, mặt khác khi hội báo với
Tào Tháo lại theo kiến nghị của Tào Phi “quy công chư tướng”. Lúc này Tào Tháo
vô cùng mừng vui đã tóm lấy chòm râu vàng của Tào Chương, nói: “Râu vàng con,
con khá lắm”.
Thực tế thì Tào Tháo lấy làm kiêu hãnh khi có đứa con như thế.
Theo chú dẫn Nguỵ lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tào
Chương truyện, trong cuộc chiến ở Hán Trung, Lưu Bị ẩn mình trong núi, cử Lưu
Phong xuống núi khiêu chiến. Tào Tháo mắng lớn: kẻ bán giày cỏ kia, sao ngươi
cứ cho con nuôi ra đánh trận (luôn cho con giả đánh với con ta)? Chờ đây, ta sẽ
gọi đứa râu vàng đến!
Nhưng Tào Chương cũng có vấn đề, tức là hữu dũng vô mưu, không
thích đọc sách. Điều này Tào Tháo đã bảo ban, nói: con chỉ thích bắn tên múa
kiếm, ném ưng đuổi chó, như vậy chỉ là cái dũng của kẻ thất phu, đâu thành được
nghiệp lớn? Rồi sắp xếp cho Tào Chương đọc “Thi”, “Thư”. Tào Chương lại nói với
người bên cạnh, nam tử hán đại trượng phu phải giống như Vệ Thanh, Hoắc Khứ
Bệnh, bằng trăm vạn quân ra nơi biên cương dựng công lập nghiệp, dựa gì vào mấy
cuốn sách nát này làm người học rộng? Nghĩ như vậy rõ ràng không giống một
“nhân quân”.
Tào Tháo đã tìm hiểu Tào Chương. Một lần Tào Tháo hỏi các con
thích thú điều gì, từng người nói rõ ý của mình. Tào Chương trả lời “Thích làm
tướng”. Tào Tháo lại hỏi: “Làm tướng phải thế nào?” Tào Chương nói: “Mặc giáp
cầm giáo, gặp khó không ngại, dẫn đầu tướng sĩ, có công thì thưởng, có tội phải
phạt”. Thế là “Thái tổ cả cười”. Ý nghĩ lập Tào Chương là thái tử nếu có, cũng
chỉ một trận cười là hết. Vì Tào Tháo rất rõ, Tào Chương là một tướng giỏi,
nhưng vị tất là một quốc vương giỏi, một hoàng đế giỏi.
Còn lại Tào Phi và Tào Thực. Không ít người cho rằng, Tào Tháo vốn
muốn lập Tào Thực làm thái tử, chỉ vì Tào Phi giở trò, bản thân Tào Thực có
nhiều sai lầm, nên mới lập Tào Phi. Điều này không phải là không có căn
cứ. Tam quốc chí - Tào Thực truyện đã nói vậy và nói rất rõ, là “mấy
lần suýt nữa Tào Thực được là thái tử”. Có hai nguyên nhân: 1- Tào Thực có tài.
2- Tào Tháo rất thích Tào Thực. Hai nguyên nhân này có quan hệ nhân quả, chính
vì “mỗi lần gặp, hỏi khó, trả lời được ngay” thế mới “đặc biệt đáng yêu”. Nhưng
tôi cho rằng, với hai điều đó, lại có thể chứng minh rằng Tào Tháo không thể
lập Tào Thực.
Nói sự thích thú trước. Đúng, Tào Tháo thích Tào Thực. Dù là vậy
cũng không thể lập Tào Thực là thái tử. Vì sao vậy? Vì xưa nay có bốn cách lập
thái tử: lập con đầu của vợ cả, lập trưởng, lập hiền, lập yêu. Theo quan niệm
truyền thống người đáng lập nhất là con cả của vợ cả. Một người con, nếu là con
của chính thê sinh ra, lại là con cả (tuổi tác lớn nhất) vậy đương nhiên người
đó sẽ là thái tử, nếu con lớn không phải con vợ cả, con vợ cả không phải là con
lớn nhất, đành phải lập con vợ cả ít tuổi hơn, được gọi là “lập tử lấy đích
(con vợ cả) không lấy trưởng”. Nếu vợ cả có hai con trở lên hoặc vợ cả không
sinh con, sẽ lập người lớn tuổi nhất, không tính đến phẩm hạnh và tài năng, gọi
là “lập đích lấy trưởng không lấy hiền”. Đương nhiên, không phải tuyệt đối
không lập hiền, vì lập hiền cũng có lý. Lập vua hiền là có lợi cho nhân dân cho
đất nước, mọi người có thể đồng tình. Một khi đã hết cách mới lập yêu, vì đó
hoàn toàn là do tình cảm, thể nào cũng gặp điều không hay. Tóm lại, việc lập
thái tử phải theo lệ sau, trước tiên lập con vợ cả, thứ đến lập trưởng, thứ nữa
lập hiền, cuối cùng lập yêu. Lập Tào Phi là lập con vợ cả và cũng là lập
trưởng; lập Tào Thực là lập yêu. Bạn cho biết họ Tào sẽ lập ai? Đúng vậy, Tào
Tháo là người không mấy trọng quy chế, không theo một quy trình nhất định,
nhưng đâu dám mắc tội “lập yêu”, vả Tào Tháo đâu chi yêu riêng một mình Tào
Thực.
Tào Thực là nhà thơ sống vào thời Tam Quốc |
Có thể có người nói: Tào Tháo lập Tào Thực không phải “lập yêu”,
mà là “lập hiền”. Tào Tháo luôn chủ trương “có tài là dùng” đâu chịu trói buộc
bởi quan niệm truyền thống? Đương nhiên sẽ lập người tài hoa nhất là Tào Thực!
Điều này tưởng như là thực, nhưng không phải. Đúng, Tào Thực là con người kỳ
tài, nhưng là một thiếu niên tài tử. Theo Tam quốc chí - Tào Thực truyện,
Tào Thực biết làm văn khi còn rất nhỏ. Tào Tháo đọc tác phẩm của Thực, đã vô
cùng kinh ngạc, hỏi có phải đã nhờ người viết hộ không (mày nhờ người sao?) Tào
Thực trả lời: “mở miệng thành câu, cầm bút thành bài, mong được thử ngay, việc
gì phải nhờ”. Sau này khi đài Đồng tước xây xong, Tào Tháo lệnh các con lên đài
làm thơ, Tào Thực “cầm bút thành bài, rất hay, Thái tổ thấy lạ”, rõ ràng là có
tài về văn thơ.
Nhưng vấn đề là, chọn thái tử không phải là chọn chủ tịch hiệp hội
nhà văn, không thể chỉ là viết lách tốt hay không tốt, còn phải xem xem có tài
năng về chính trị không, về mặt này Tào Tháo từng đã thử thách Tào Thực và kỳ
vọng ở sau này. Kiến An năm thứ XIX (Công nguyên năm 214), Tào Tháo đánh Tôn
Quyền, để Tào Thực giữ Nghiệp Thành. Tào Tháo đã tâm sự với con, lúc hai mươi
ba tuổi cha làm Đốn binh lệnh, lúc này hồi tưởng lại thấy không có gì phải hối
hận. Lúc này con cũng hai mươi ba tuổi, tự biết phải làm gì! Tào Thực biểu hiện
như thế nào đây? Tam quốc chí - Tào Thực truyện không nói gì, có thể
là không tồi nên phần sau mới có câu “mấy lần suýt nữa được là thái tử”. Nhưng
sau này biểu hiện lại không tốt, kết quả là thất sủng.
Ở đây còn nhiều điểm đáng ngờ. 1- Lúc Tào Thực lưu giữ Nghiệp
Thành đã có những biểu hiện đột xuất gì? Nếu có, sao không thấy sử sách ghi
chép? 2- Lúc đầu Tào Thực thể hiện không tồi, vì sao sau này lại trở thành kém
cỏi? Đáng tiếc, mấy đoạn ghi trong “Tam quốc chí” lại quá hàm hồ, không rõ
ràng, khiến chúng ta có cảm giác đang che giấu việc gì đó! Tôi cho rằng, nếu
Tào Thực có những biểu hiện đột xuất về mặt chính trị, thể nào cũng lộ ra. Trên
thực tế, Tào Thực cũng không thể làm được việc gì to lớn khiến trời rung đất chuyển.
Một là, bản thân Tào Tháo là người mạnh mẽ, các con ông ngoài Tào Chương có thể
cầm quân đánh trận, còn lại đều khó làm nên chuyện. Hai là, Tào Thực cũng không
phải là người hiểu biết nhiều về mặt chính trị. Tam quốc chí - Tào Thực
truyện nói đến nguyên nhân Tào Phi đoạt đích thành công, Tào Thực thất
sủng, Xuân Thu nói là “Thực làm việc theo cảm tính, không biết kiềm chế, uống
rượu bừa bãi” còn Tào Phi “biết làm ra vẻ, tự biết khống chế, người người trong
cung thảy đều vui vẻ”, cũng tức là khéo vờ vĩnh, khống chế bản thân, thu phục
lòng người, vì vậy Tào Tháo quyết định lập Tào Phi là người nối dõi.
Tào Phi là như vậy nên số đông đồng tình với Tào Thực, không đồng
tình thậm chí là xem thường Tào Phi. Không còn nghi ngờ gì, chúng ta cũng thấy
“làm việc theo cảm tính” rõ ràng là đáng yêu hơn “tự biết khống chế”. “Tự biết
khống chế” không chỉ là không đáng yêu mà còn là đáng sợ. Nhung đó là cách nhìn
của chúng ta, không phải là cách nhìn của Tào Tháo. Không phải lúc đó Tào Tháo
muốn chọn “ai là người đáng yêu nhất” mà là nghĩ xem “ai là người đáng tin cậy
nhất”. Đáng tin cậy về mặt nào? Tin cậy về mặt chính trị. về mặt chính trị tin
cậy có nghĩa là gì? Là có thể đảm bảo cho chính quyền Tào Ngụy tồn tại mãi mãi.
Điều đó không thể xét về “tính tình” mà phải xét về mặt “tâm kế”. Người không
có cách nhìn đúng đắn không thể chọn làm người nối dõi của chính quyền Tào
Ngụy, “làm việc theo cảm tính” không phải là phẩm chất cần có của nhà chính
trị. Có người nói Tào Tháo cũng “làm việc theo sở thích”, Tào Thực “làm việc
theo cảm tính” lẽ nào lại không “có phần giống nhau”? Đúng vậy, Tào Tháo “làm
việc theo sở thích”, nhưng đừng quên Tào Tháo còn có mặt “gian dối xảo trá”,
đúng là không thể vừa có được tay gấu vừa có được cá. Đó mới là “điều khó xử”.
Kết quả của đấu tranh tư tưởng, lý trí đã chiếm ưu thế. Thời đó, thiên hạ loạn
lạc, trước sau chính quyền Tào Ngụy đều có địch. Chọn được người có tâm kế, rõ
ràng là yên tâm hơn. Trong Tào Tháo bình truyện, ngài Trương Tác Diệu nói:
“xét về đại kế trị quốc, thì rõ ràng Tào Thực không bằng Tào Phi”, kết luận như
vậy tôi cho là đúng.
Xét về góc độ tài năng, cũng nên chọn Tào Phi chứ không phải là
Tào Thực. Ba người con của Biện phu nhân, Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực, đều là
những nhân tài, nhưng không giống nhau. Trần Thọ miêu tả Tào Chương “võ nghệ
cao cường, có thế tướng lĩnh”; mô tả Tào Thực là “văn tài chói sáng, đúng là
một người tài hoa”. Tức là, hai người họ, một văn tài, một võ giỏi, Tào Phi
được coi là văn võ song toàn. Lúc đó Tào Phi là thi nhân nổi tiếng, cùng Tào
Tháo, Tào Thực xưng là “Tam Tào”. Đương nhiên trong “Tam Tào” thơ của Tào Phi
không bằng cha và em, nhưng địa vị trong văn học sử lại không hề thấp. Một là
có sáng tạo, như bài “Yến hành ca” được coi là tổ của loại thơ thất ngôn. Hai
là có lí luận, như Điển luận - Luận văn được coi là kinh điển phê
bình sử trong nền văn học Trung Quốc. Trong lúc giảng văn học sử, ngài Lỗ Tấn
còn gọi Ngụy Tấn là “thời đại Tào Phi”, nhận định Tào Phi là đại diện cho tinh
thần “văn học tự giác”. Một người có hai điều “làm mốc thời đại”, đó là Tào
Phi.
Võ công của Tào Phi cũng rất khá, cưỡi ngựa múa kiếm đều có hạng.
Tào Phi bắn tên cũng tài, đạt tới trình độ “đuổi thú từ mười dặm, trăm phát
trăm trúng”; kiếm thuật cũng giỏi, có thể so kiếm đấu võ với cao thủ võ lâm
thời đó. Theo Điển luận - Tự thuật, Tào Phi từng cầm cây mía thay kiếm so
tài với Uy Vũ tướng Đặng Triển, kết quả là đánh bại đối thủ. Vì vậy, không thể
vì Tào Thực có tài mà bảo là Tào Phi vô năng. Ngược lại, chúng ta còn phải thừa
nhận Tào Phi toàn diện hơn Tào Chương, Tào Thực.
Huống hồ Tào Phi còn có một ưu thế nữa, nhiều tuổi nhất. Lập đích
lấy trưởng, đó là truyền thống là quy chế, ngay như Cao hoàng đế Lưu Bang cũng
không thể không theo. Lúc Tào Tháo trưng cầu ý kiến thì ý của phái chính thống
cũng là vậy. Thôi Diễm truyện, Mao Giới truyện, Hình Ngung truyện, Giả Hủ
truyện trong Tam quốc chí đều ghi lại những ý kiến đó. Tập trước
chúng ta đã nói tới ý kiến của Thôi Diễm. Thái độ của Mao Giới cũng như Hình
Ngung cũng rất rõ ràng, đều cho rằng lập đích lấy trưởng là điều muôn thuở; cả,
thứ không rõ ràng thì hậu hoạ khôn lường. Mao Giới còn nhấn mạnh bài học từ chỗ
Viên Thiệu. Nhưng Giả Hủ là người có ý hay nhất. Tào Tháo từng hỏi riêng Giả
Hủ, cuối cùng nên chọn ai là thích hợp nhất, Giả Hủ yên lặng. Tào Tháo nói: ta
đang hỏi ái khanh, sao ái khanh không nói gì cả? Giả Hủ nói: đang mải nghĩ tới
một chuyện! Tào Tháo hỏi: nghĩ chuyện gì? Giả Hủ nói: chuyện của Viên và Lưu
Biểu. Chúng ta đều biết, Viên Thiệu và Lưu Biểu vì lập thứ không lập trưởng,
làm nội bộ mâu thuẫn, dẫn tới diệt vong. Điều đó, đương nhiên là Tào Tháo rõ.
Cuối cùng thì “Thái tổ cười lớn, thế là ngôi vị thái tử đã được chọn”.
Thực tế thì không phải Tào Tháo không nghĩ tới điều này. Kiến An
năm thứ XVI (Công nguyên năm 211), mấy người con của Tào Tháo đều được phong
hầu kể cả Tào Thực, Tào Phi không được phong, chỉ được bổ nhiệm là Ngũ Quan
trung lang tướng “về vị trí coi là phó thừa tướng”. Phẩm cấp Ngũ Quan trung
lang tướng không cao, chỉ là phân đội trưởng đội thị vệ cung đình, không có tư
cách thiết lập quan viên thuộc hạ, càng không thể trở thành phó thủ của thừa
tướng. Tào Tháo sắp xếp như vậy, như ngày nay gọi là “chức thấp quyền cao”,
chức vị rất thấp, nhưng địa vị rất cao, quyền lực rất lớn, thậm chí còn hơn cả
Vạn hộ hầu. Hiển nhiên, với Tào Phi, Tào Tháo đã đối xử khác với các con khác.
Vì vậy, Kiến An năm thứ XX (Công nguyên năm 217) tháng mười, Tào Tháo ban bố
“Cáo tử văn” là, “các con đều là hầu, riêng Tử Hằng không phong, chỉ là Ngũ
Quan trung lang tướng, thế là thái tử vậy”. Có thể nói, đó là tâm kế. Ba điều
kiện của Tào Phi, văn võ song toàn; con trưởng là nguyên nhân chủ yếu được Tào
Tháo chọn lựa.
Nếu nói Tào Phi thắng lợi còn có nguyên nhân nào khác thì đó là
được cao nhân chỉ điểm. Trên thực tế, kể từ lúc Tào Phi, Tào Thực bắt đầu tranh
giành ngôi vị thái tử, nội bộ tập đoàn Tào Tháo đã hình thành hai tập đoàn nhỏ
hoặc nói là hai phe chính trị, một phe ủng hộ Tào Phi, phe kia ủng hộ Tào Thực.
Như Tam quốc chí - Giả Hủ truyện nói: “ai có đảng nấy”. Bên phía Tào
Thực chủ yếu là các mưu sĩ Đinh Nghị, Đinh Dị, Dương Tu. Bên Tào Phi chủ yếu là
Ngô Chất. Tiếc là Đinh Nghị, Đinh Dị, Dương Tu “ba tay thợ vụng về” không những
đấu không nổi “Gia Cát Lượng” mà ngay cả Ngô Chất cũng phải bó tay.
Ngô Chất tự Quý Trọng, người Tế Âm (Định Đào, Sơn Đông ngày nay).
Theo chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Ngô
Chất truyện, Ngô Chất “tài học thông tuệ” được Tào Phi và chư hầu vô cùng yêu
quý. Trong việc tranh giành đoạt đích giữa Tào Phi và Tào Thực, Ngô Chất hướng
vào Tào Phi. Ngô Chất có chủ ý cho Tào Phi, cụ thể là hai điều, một là “tỏ ra
thành tâm”, hai là “gây mối nghi ngờ”. Theo chú dẫn Thế ngữ của Bùi
Tùng Chi trong Tam quốc chí - Ngô Chất truyện, một lần Tào Tháo xuất
chinh, Tào Phi, Tào Thực đều đứng bên đường đưa tiễn. Tào Thực chơi trò thông
minh, ca tụng công đức, lời lẽ hoa mỹ, mọi người đều tán thưởng, Tào Tháo cảm
thấy thoải mái dễ chịu, chỉ có Tào Phi không hài lòng. Lúc đó, Ngô Chất nói nhỏ
vào tai: “Vua ra đi, phải khóc chứ!” Tào Phi theo kế “vừa khóc vừa lạy”, tiếng
khóc thấu tới trời đất, Tào Tháo và mọi người thảy đều rơi lệ. Kết quả đã rõ,
Tào Tháo càng thêm xúc động, ai cũng thấy “lời nói hoa mỹ không bằng tiếng khóc
chân thành”. Thực không hổ với cái tên của mình, Ngô Chất đã đánh bại Tào Thực
bằng phương thức đơn giản nhất, chất phác nhất, chẳng đáng là bao.
Ngô Chất thực lợi hại. Phe cánh Tào Thực coi Ngô Chất như cái đinh
trong mắt, họ luôn chú ý đến từng hành động của Ngô Chất. Theo chú dẫn Thế
ngữ của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tào Thực truyện, một lần
Tào Phi ngầm đưa Ngô Chất vào trong phủ bằng cái sọt vứt đi (sọt được đan bằng
nhánh cây leo, nhành trúc hoặc cành liễu) để bàn cách đối phó Tào Thực, Dương
Tu phát hiện, đem chuyện báo với Tào Tháo. Có điều lúc đó không kịp xét, nên
cho qua, Tào Phi thấy căng thẳng, hỏi Ngô Chất nên làm thế nào? Ngô Chất nói:
sợ gì! Cứ thế mà làm là xong. Sau đó mấy hôm, Tào Phi lại cho khênh “sọt” vào
phủ. Dương Tu lại đi báo cáo. Lập tức có người đến tra xét. Khi mở ra thì trong
sọt toàn là lụa, kết quả “Thái Tổ bắt đầu nghi ngờ”. Nghi vấn điều gì? Nghi ngờ
Tào Thực, Dương Tu và những người khác âm mưu hãm hại Tào Phi.
Hiển nhiên là Ngô Chất thành công, vì ông không lạ gì Tào Tháo.
Ngô Chất biết Tào Tháo tuy trọng tài, nhưng còn trọng tình hơn, vì vậy mới để
Tào Phi “tỏ ra thành tâm”. Ngô Chất còn biết con người Tào Tháo rất đa nghi,
càng là người thông minh Tào Tháo càng nghi ngờ; vì vậy mới để Tào Phi “gây mối
nghi ngờ”. Nếu so sánh thì Dương Tu còn kém xa. Dương Tu luôn chơi trò thông
minh vặt, đưa ra những chủ ý cũ kỹ. Chúng ta đã nói ở phần trước, Dương Tu rất
thích dò đoán tâm tư của Tào Tháo, tiếc là đoán được nhưng không làm được. Theo
chú dẫn Thế ngữ của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tào Thực
truyện, giống như mình đã đối phó với Tào Tháo, Dương Tu giúp Tào Thực dự đoán
trước nhiều vấn đề, và viết lời giải. Mỗi khi Tào Tháo hỏi đến, Tào Thực liền
chọn những đáp án thích hợp đã chuẩn bị sẵn và cho người mang đi, mong Tào Tháo
có ấn tượng là “tài ba nhạy bén”. Nhưng Dương Tu không cẩn thận, không nắm vững
các tình tiết, dẫn tới “vừa hỏi đã trả lời ngay”. Kết quả là Tào Tháo sinh
nghi, Tào Thực có thông minh đến mấy cũng không thể nhanh như vậy! Cho người
kiểm tra, chân tướng rõ ràng. Từ đó Tào Tháo nhìn Tào Thực với con mắt khác và
cũng ghét cay ghét đắng Dương Tu.
Và mọi điều phỏng đoán của Dương Tu chưa phải hoàn toàn chuẩn xác.
Theo chú dẫn Thế ngữ của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tào
Thực truyện, một lần Tào Tháo lệnh anh em Tào Phi, Tào Thực ra khỏi Nghiệp
Thành làm việc, đồng thời mật lệnh cho lính gác không mở cửa thành. Dương Tu
đoán đúng ý đồ của Tào Tháo, nên Dương Tu dặn trước Tào Thực, vạn nhất lính gác
không để ngài ra, ngài đã có vương mệnh, thì cứ giết luôn đi. Kết quả Tào Thực
ra ngoài còn Tào Phi phải ở lại. Nhưng lần này Tào Tháo muốn khảo sát tổng hợp
về hai đứa con của mình. Xem xét về tài và quan trọng hơn là về đức. Bề ngoài
thì lần này Tào Thực đã thắng lợi, nhưng thực tế đã thua, vì Tào Tháo đã có ấn
tượng, Tào Phi nhân hậu, Tào Thực tàn nhẫn. Dương Tu biết một không biết hai,
nhìn nhận thiển cận, vì vậy mới là thông minh vặt. Dương Tu thông minh vặt
đương nhiên sẽ không đấu nổi Ngô Chất thông minh lớn. Hơn nữa, Tào Phi chỉ có
Ngô Chất là mưu sĩ, Tào Thực hình thành cả phe đảng. Tào Tháo cũng không chấp
nhận điều này.
Có điều, theo tôi, Ngô Chất tuy là cao hơn Dương Tu một bậc, nhung
lại kém Giả Hủ một tầng. Bởi vì Ngô Chất chỉ cho Tào Phi “cái thuật”, Giả Hủ
cho Tào Phi lại là “cái đạo”. Theo Tam quốc chí - Giả Hủ truyện, Tào Phi
từng cho người đến thỉnh giáo Giả Hủ, phải làm gì để có thể giữ được địa vị,
Giả Hủ trả lời luôn, chỉ mong tướng quân có thể nâng cao đạo đức, bồi dưỡng khí
tiết, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của kẻ sĩ, ân cần khẩn thiết, không biết
mệt mỏi, không vi phạm những điều hiếu đạo, thế là được (mong tướng quân thành
người đức độ, tận trách của một kẻ sĩ, sớm tối hết lòng, không phạm đạo lý. Thế
là đủ). Một số người cho đó là những lời nguyên tắc, nhung thực chất thì đó là
những lời chí tình chí lý, Giả Hủ đã nói tới những điều rất cơ bản. Trong thực tế,
dù bạn làm gì, làm công, làm quan, buôn bán, học vấn thì quy kết lại vẫn là làm
người. Làm người là điều cơ bản nhất. Làm người thành công thì làm việc gì cũng
sẽ thành công, bằng không, chỉ có thể nổi lên được một lúc. Đó chính là điểm
sáng của Giả Hủ. Tôi từng nói, Gia Cát Lượng dùng sự thông minh tài trí vào
việc trị nước, Giả Hủ lại dùng nó vào quân mưu. Nhưng so với “ba người thợ vụng
về kia” thì Giả Hủ là người trí tuệ lớn.
Tào Phi gắng công rèn luyện theo lời dạy của Giả Hủ, (ngày ngày
mài dũa), cuối cùng được Tào Tháo tín nhiệm. Nhưng dù được Giả Hủ thức tỉnh,
nhưng rồi cái đuôi con hồ ly của Tào Phi cũng lộ ra. Theo chú dẫn Thế
ngữ của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tân Tỉ truyện, khi được lập
làm thái tử, Tào Phi bất thần ôm lấy cổ Nghị lang Tân Tỉ: Tân quân ôi Tân quân,
biết tôi sung sướng thế nào không? Thời đó cho như vậy là tiểu nhân đắc chí,
chí ít cũng là kẻ thất thường. Ngược lại có hai người đàn bà lại rất lạnh lùng,
lý trí và lặng lẽ. Một người là Biện phu nhân, mẹ của Tào Phi, trong
tập Trăm sông về biển đã nói tới; còn một người nữa là Hiến Anh con
gái Tân Tỉ. Tân Tỉ về nhà kể với Hiến Anh những biểu hiện của Tào Phi, Hiến Anh
thở dài nói: Sao thái tử lại như vậy? Thái tử là thế nào? Thái tử là người sẽ
nhận ngôi vua trị vì đất nước. Thay vua thì phải cảm thấy đau khổ (ý là nhiệm
vụ quá nặng nề). Lẽ ra phải đau khổ, sợ hãi, đàng này lại vui mừng hớn hở, như
vậy liệu có được lâu không? E Ngụy quốc không thể phồn vinh cường thịnh mãi
mãi!
Bây giờ mới thấy rõ, Hiến Anh đã buồn bã mà nói ra điều đó. Tháng
mười Kiến An năm thứ XXII (Công nguyên năm 217), Tào Phi được lập làm thái tử,
tháng giêng Kiến An năm thứ XXV (Công nguyên năm 220) kế thừa ngôi vua, cùng
tháng mười năm đó bức Hán Hiến đế nhường ngôi, sau sáu năm yên vị ở ngôi hoàng đế,
Hoàng Sơ năm thứ VII (Công nguyên năm 226) tạ thế, thọ bốn mươi tuổi. Bốn mươi
nhăm năm sau khi Tào Phi qua đời, tức là Tấn Vũ đế Thái Thủy năm đầu (Công
nguyên năm 265) Ngụy vong.
Đương nhiên, việc Tào Phi vui mừng hớn hở lúc đó không phải là
nguyên nhân khiến Ngụy đoản mệnh, mà chính là vấn đề chế độ. Cần phải chỉ ra
rằng, một trong những nguyên nhân khiến Tào Phi “cướp Hán” thành công là do đã
thi hành cửu phẩm trung chính chế, cụ thể là để sĩ tộc lũng đoạn quan trường.
Tào Phi coi đó là phiếu bảo đảm để được sĩ tộc ủng hộ. Nhưng tiếc là thành cũng
do Tiêu Hà mà bại cũng do Tiêu Hà. Cuối cùng thì Tào Ngụy cũng mất trong tay sĩ
tộc. Ngược lại, chính quyền Thục Hán lại thi hành chế độ Hán sơ, bỏ cửu phẩm
trung chính chế kết quả không được sĩ tộc ủng hộ, nên cũng diệt vong. Cho nên,
chế độ đó là nguyên nhân Ngụy vong, cũng là nguyên nhân Thục vong.
Có điều lúc này nên quay lại nhìn đến Tôn - Lưu. Sau trận chiến
Xích Bích, Lưu Bị và Tôn Quyền như thế nào? Họ làm gì để phát triển lực lượng
của mình? Trong quá trình đó, họ có còn là một liên minh vững chắc như ban đầu
để chống lại Tào Tháo không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét