Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

BẠI VỀ MẠCH THÀNH

 


Hình ảnh Bàng Đức (mặc khố) bị bắt sống trong trận chiến tại Phàn Thành

Tập thứ ba mươi tư: BẠI VỀ MẠCH THÀNH

Tác giả Dịch Trung Thiên

             

Cuộc giao tranh ở Kinh châu vào năm Kiến An thứ XXIV, do Tào Tháo và Tôn Quyền ngầm câu kết khiến cho tình thế nhanh chóng chuyển biến rất cơ bản. Tào Tháo và Tôn Quyền kẹp đánh từ hai phía nam, bắc, Quan Vũ trước sau đều có địch, tiến không thể tiến, thoái không thể thoái, cuối cùng thất bại chạy về Mạch Thành, hi sinh mạng sống, tập đoàn Lưu Bị cũng vì đó mất hẳn Kinh châu. Vậy, một hổ tướng từng “uy chấn Hoa Hạ” vì sao phải thảm bại? Về phía Lưu Bị, ai là người chịu trách nhiệm về lần thảm bại này?

 

 

Tập trước đã nói Lã Mông áo trắng qua sông, đánh lén vào Nam quận, giải cứu Phàn Thành. Tình trạng Quan Vũ lúc này nói theo Lưu Bị truyện của ngài Trương Tác Diệu là, “đã mất địa bàn, lại mất tướng sĩ”, mất cả lòng dân”. Bị “mất ba cái”, Quan Vũ đã cùng đường, chỉ còn cái chết.

 

 

Chừng như Quan Vũ cũng đã hiểu được điều này. Theo Tam quốc chí - Lã Mông truyện, Quan Vũ hiểu là mình đã thế đơn, lực mỏng, cùng đường mạt lộ (Vũ tự biết, cô cùng), liền chạy về Mạch Thành (phía sau huyện Đương Dương, Hồ Bắc ngày nay), rồi lại chạy khỏi Mạch Thành. Theo Ngô chủ truyện, sau khi Quan Vũ vào Mạch Thành, Tôn Quyền đã gọi hàng. Quan Vũ một mặt vờ đồng ý, mặt khác lại dựng cờ làm người giả trên tường thành rồi bỏ chạy. Trên đường, số binh sĩ bỏ trốn cũng nhiều, cuối cùng còn lại hơn chục người (lính trốn nhiều, còn lại hơn mười kỵ binh). Trong Lã Mông truyện gọi là “tây đến Chương Hương, chúng đều bỏ Vũ ra hàng”, cũng tức là từ Mạch Thành chạy về tây (Tây Bắc), khi đến Chương Hương (phía đông bắc huyện Đương Dương, Hồ Bắc ngày nay) lũ bộ hạ đều bỏ Vũ phản biến đầu hàng.

 

 

Tôn Quyền sớm biết Quan Vũ sẽ bỏ chạy nên đã sai Chu Nhiên, Phan Chương “chặn đường”. Theo Phan Chương truyện và Chu Nhiên truyện trong Tam quốc chí, Phan Chương và Chu Nhiên tiến tới Lâm Thư (tây bắc huyện Viên An, Hồ Bắc ngày nay), hạ trại ở Giáp Thạch (Đông bắc huyện Đương Dương, Hồ Bắc ngày nay). Tháng mười hai, Quan Vũ và con là Quan Bình cùng đô đốc Triệu Lụy bị bộ hạ của Phan Chương là Mã Trung bắt, về sau đều bị giết.

 

 

Sử sách ghi lại cái chết của Quan Vũ còn chưa thống nhất. Ai giết Quan Vũ, Quan Vũ chết ở đâu, mọi người còn tranh luận. Nguyên nhân tranh luận, vì cách nói trong “Tam quốc chí” không rõ ràng, tài liệu chú dẫn của Bùi, nhiều chỗ mâu thuẫn. Tam quốc chí - Ngô chủ truyện nói: “Mã Trung bắt được Vũ và con là Bình cùng đô đốc Triệu Lụy ở Chương Hương”. Tam quốc chí - Quan Vũ truyện nói: “Quyền sai tướng đánh Vũ, chém Vũ và con ở Lâm Thư”. Chương Hương và Lâm Thư là hai địa danh. Còn ai giết Quan Vũ thì theo Quan Vũ truyện phải là Phan Chương - người phụng mệnh đi “đánh Vũ”, thậm chí dứt khoát phải là Mã Trung bộ hạ của Phan Chương. Nhưng vẫn là truyện này, Bùi Tùng Chi chú dẫn Thục ký lại nói là Tôn Quyền quyết định. Hơn nữa, lúc đầu Tôn Quyền không định giết, nói là để “Vũ sống, địch lại Lưu, Tào”. Có điều bộ hạ đều không đồng ý, nói là “sói không thể nuôi, về sau có hại”, chẳng phải Tào công không kịp thời trừ khử Quan Vũ, nên suýt nữa đã phải dời đô sao? Lúc này Tôn Quyền mới chịu giết Quan Vũ.

 

 

Nói như vậy thì nhận định của Bùi Tùng Chi là sai. Bùi Tùng Chi nói: bấy giờ Tôn Quyền lệnh cho Phan Chương ngăn Quan Vũ, hạ lệnh “Vũ đến là giết”, đương nhiên khi bắt được Vũ, lập tức giết ngay. Vả lại, Lâm Thư cách Giang Lăng hai, ba trăm dặm, làm gì có chuyện không giết ngay, làm sao còn phải bàn nên giết hay không nên giết (lẽ nào không giết ngay, việc gì phải bàn việc sống chết)?

 

 

Ngài Trương Tác Diệu cũng không cho điều đó là đúng. Lưu Bị truyện nói: nhiệm vụ của Phan Chương chỉ là cản đường, không có quyền giết, các chuyện trong Tam quốc chí cũng không thấy ghi chép việc Tôn Quyền hạ lệnh “Vũ đến là giết”. Hơn nữa, từ Lâm Thư hoặc Chương Hương đến Giang Lăng, đường thủy cũng không quá trăm dặm, hoàn toàn có thể thỉnh thị. Ngoài ra, ngài Trương còn lấy ví dụ trong Tam quốc chí - Ngô Phạm truyện để bảo vệ quan điểm của mình. Ngô Phạm có thể coi là “người dự báo” khá thông thạo, ông thường “nói mấy lời trước khi có họa, và nhiều phần đúng”. Tôn Quyền và Lã Mông bàn định lén đánh Quan Vũ, nhiều người cho là không thể? Ngô Phạm nói có thể. Quan Vũ xin hàng Tôn Quyền, Tôn Quyền hỏi Ngô Phạm thật hay giả, Ngô Phạm nói giả. Tôn Quyền phái Phan Chương đi cản đường, thám tử cho hay Quan Vũ đã chạy, Ngô Phạm nói chạy không thoát. Tôn Quyền hỏi bao giờ thì bắt được, Ngô Phạm nói trưa mai. Trưa ngày thứ hai, gió làm rung tấm rèm che, Ngô Phạm vỗ tay nói: “Vũ đến rồi!”, trong nháy mắt, phía ngoài có tiếng hô vạn tuế, “báo đã bắt được Vũ”. Căn cứ vào đó, ngài Trương cho rằng, chính Tôn Quyền đã giết Quan Vũ.

 

 

Cách nói của ngài Trương vẫn còn phải bàn. Nói là “Vũ đến rồi!”. Không có nghĩa là Quan Vũ đã bị giải đến đại bản doanh của Tôn Quyền, chỉ có nghĩa là đã bắt được. Bởi vì trước đó không thể không có bất kỳ tin tức nào về Quan Vũ và vừa có tin thì người cũng được giải đến. Cái gọi là “báo đã bắt được Vũ”, tức là đã có tin bắt được Vũ. Hơn nữa quan điểm của Bùi Tùng Chi không phải là không có lý, cách nói trong Thục ký mới đáng ngờ. Nào là “Vũ sống để đối địch với Lưu, Tào”! Lợi dụng Quan Vũ đối phó với Tào Tháo thì còn được, muốn Quan Vũ đối phó với Lưu Bị, chỉ là kẻ ngốc nằm mơ!

 

 

Vì vậy tôi nghĩ, Phan Chương hoặc Mã Trung đã giết Quan Vũ, nhưng không phải “tự ý” mà là “theo lệnh”. Một khả năng, trước đó Tôn Quyền đã có lệnh “Vũ đến là giết”. Tuy sử sách không ghi lại việc này, nhưng không phải là không có. Vì vậy, có thể là Mã Trung đã giết Quan Vũ. Một khả năng khác, sau khi được tin Quan Vũ bị bắt, Tôn Quyền đã truyền lệnh đó. Theo Ngô chủ truyện, Quan Vũ bị bắt ở Chương Hương; theo Quan Vũ truyện, Quan Vũ bị giết ở Lâm Thư; còn như Phan Chương truyện, Phan Chương và  Chu Nhiên “ngăn đường Vũ, đến Lâm Thư, ở Giáp Thạch”, lấy Lâm Thư làm quân doanh, mai phục ở Giáp Thạch. Giáp Thạch ở về phía tây bắc Chương Hương. Từ đó có thể suy ra, sau khi Phan Chương bắt được Quan Vũ ở Chương Hương đã áp giải Vũ về quân doanh Lâm Thư. Lúc này, lệnh của Tôn Quyền cũng vừa tới, Phan Chương đã giết Quan Vũ. Vì vậy, nói Tôn Quyền giết Quan Vũ hoặc do Phan Chương giết đều được.

 

 

Thực ra, nếu nói việc giết Quan Vũ là do Phan Chương hoặc Mã Trung “tự ý”, Tôn Quyền vẫn phải chịu trách nhiệm, bao giờ Lưu Bị cũng ghi nợ lên đầu Tôn Quyền. Vì thế Tôn Quyền mới thấy sợ. Tôn Quyền liền nghĩ cách gạt tội sang người khác. Theo chú dẫn Ngô lịch của Bùi Tùng Chi trong Quan Vũ truyện, sau khi Quan Vũ bị giết, Tôn Quyền cho đem thủ cấp Quan Vũ sang chỗ Tào Tháo. Rõ ràng Tôn Quyền muốn đánh lạc hướng, muốn để mọi người hiểu, Tào Tháo đã giết Quan Vũ. Một mẹo nhỏ của Tôn Quyền lẽ nào Tào Tháo lại không nhìn ra? Tháo liền cho hậu táng Quan Vũ theo lễ của chư hầu. Ngang như tuyên bố với mọi người, ta không giết Quan Vũ. Nhưng vì sao Tào Tháo lại không đem thủ cấp Quan Vũ trả lại cho Tôn Quyền? 1- Làm như vậy có phần quá đáng, là trở mặt với Tôn Quyền, và lúc này hai bên còn có minh ước liên hợp cùng đánh Quan Vũ. 2- Lúc này Tào Tháo đang là thừa tướng vương triều nhà Đại Hán, là đại diện của “trung ương”, không lý gì lại đem trả vật mà “địa phương” dâng lên “trung ương”. Tào Tháo chỉ còn cách là hậu táng Quan Vũ để thanh minh cho bản thân.

 

 

Bất kể là thế nào, Quan Vũ chết thì Kinh châu cũng mất. Rõ ràng đây là tổn thất nặng nề của tập đoàn Lưu Bị. Vì vậy cũng phải hỏi, cuối cùng thì ai là người bên phía Lưu Bị chịu trách nhiệm về cuộc thảm bại này?

 

 

Có nhiều cách nói. Có người bảo do Quan Vũ, có người bảo do Lưu Bị, cũng có người bảo do Gia Cát Lượng. Có ba vấn đề lớn dẫn tới có nhiều cách nói khác nhau. Một là, Quan Vũ có cần phải phát động cuộc chiến ở Tương, Phàn không? Hai là, Lưu Bị có nên để Quan Vũ đô đốc Kinh châu không? Ba là, một mình Quan Vũ đơn độc tác chiến, sao tập đoàn Lưu Bị không cho quân cứu viện? Vấn đề thứ nhất là vấn để hết sức cơ bản, chúng ta bắt đầu từ vấn đề này.

 

 


"Gió đổi chiều" tại Phàn Thành - Tương Dương và Kinh Châu khi Tào Tháo - Tôn Quyền
bắt tay đánh bại Quan Vũ, buộc ông chạy về Mạch Thành những ngày cuối đời.

Chúng ta đều biết, nguyên nhân trực tiếp khiến Quan Vũ bại trận chạy đến Mạch Thành là Lã Mông và Lục Tốn lén đánh vào Nam quận, tập đoàn Tôn Quyền đâm một nhát vào lưng. Có điều, nếu Quan Vũ không tấn công Tương Dương, Phàn Thành thì những mưu kế từ lâu kia của Tôn Quyền và Lã Mông, Lục Tốn cũng chẳng có cơ hội để thực hiện. Cũng tức là không có chiến tranh Tương Phàn ở phía trước thì cũng không có bại trận chạy đến Mạch Thành ở phía sau. Ở đây lại có ba vấn đề nhỏ: 1- Ai quyết định đánh Tương Phàn? 2- Vì sao phải đánh Tương Phàn? 3- Có nên gây ra cuộc chiến ở Tương Phàn hay không?

 

 

Trước tiên nói tới vấn đề nhỏ thứ nhất, về vấn đề này có hai ý kiến khác nhau. Lưu Bị truyện của ngài Trương Tác Diệu cho rằng, “Quan Vũ với sự gợi ý của Lưu Bị, Gia Cát Lượng” đã phát động chiến tranh. Sau đó thì Lưu Bị và Gia Cát Lượng không có một biện pháp phối hợp nào. Không những không có biện pháp ứng cứu nào mà cũng không bố trí quân sư tướng tá, họ phóng tay để Quan Vũ một người hữu dũng vô mưu, quá tin vào sức mình “tự lo liệu”. Vì vậy Lưu Bị và Gia Cát Lượng khó tránh được trách nhiệm trong lần thất bại này, thậm chí “phải gánh lấy trách nhiệm chủ yếu”.

 

 

Tam quốc chí của ngài Hà Tư Toàn lại có quan điểm khác. Ngài Hà nói: “Quan Vũ tiến công Tương Dương, Phàn Thành, gần như không bàn bạc trước với Lưu Bị và Gia Cát Lượng”. Nói vậy là đúng. Bởi vì rà soát lại Tam quốc chí không hề thấy có “mệnh lệnh” nào hoặc “gợi ý” nào của Lưu Bị, Gia Cát Lượng để Quan Vũ tấn công Tương Phàn. Một quyết sách lớn lao như vậy sử sách không nên bỏ sót, vì vậy chỉ có thể giải thích là Quan Vũ tự nghĩ ra việc này. Có điều không thấy Lưu Bị trao quyền hoặc góp ý, cũng không thấy phản đối. Nếu có phản đối, chắc sử sách đã ghi lại. Nếu Lưu Bị kiên quyết phản đối, Quan Vũ sẽ phải thôi. Xem ra thái độ Lưu Bị lúc đó, nghe đó bỏ đó, hoặc ngầm cho phép, thậm chí là tán thành. Vì vậy, Lưu Bị không thể nói không có một chút trách nhiệm nào.

 

 

Gia Cát Lượng không chịu trách nhiệm. Theo Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, lúc đó trận chiến Tương Phàn quan hàm của Gia Cát Lượng “quân sư tướng quân” lo việc trong “phủ Tả tướng quân”. Lưu Bị sau khi chiếm Thành Đô đã sắp xếp như vậy. Lúc này quan hàm của Lưu Bị là Tả tướng quân, nha môn tại phủ Tả tướng quân. Gia Cát Lượng lo việc trong “phủ Tả tướng quân” chính là “Tổng lý đại thần” hoặc “đại quản gia” của Lưu Bị, nhiệm vụ là giúp Lưu Bị hoàn thành công việc, yên dân yên nước, lúc Lưu Bị ra ngoài thì “Trấn thủ Thành Đô, lo đủ lương thực lo đủ quân lính”. Tức là, Gia Cát Lượng không phải “Tổng tư lệnh ba quân” hoặc “Tổng tham mưu trưởng” của Lưu Bị, nhiệm vụ chủ yếu là hành chính, dân chính, không dính đến quân sự, vậy Gia Cát Lượng có trách nhiệm gì?

 

 

Có người nói, Quan Vũ phát động chiến tranh Tương Phàn là làm theo chiến lược tổng thể của Gia Cát Lượng. Làm theo phương châm định sẵn của Gia Cát Lượng mới có được Kinh, ích châu, trong “Long Trung đối” đã nói rõ. Vì vậy Gia Cát Lượng cũng có trách nhiệm. Nói vậy là không đúng. “Long Trung đối” của Gia Cát Lượng chỉ là quy hoạch tổng thể, không phải phương án thực hiện. Gia Cát Lượng không trực tiếp hạ lệnh Quan Vũ tiến công Tương Phàn, vả ông cũng không có quyền đó. Nếu chỉ vì Gia Cát Lượng có đối sách trong Long Trung mà đổ trách nhiệm lên đầu ông là không công bằng.

 

 

Hơn nữa trong Long Trung đối nói thế nào? Gia Cát Lượng đã nói rất rõ: “thiên hạ có biến, nên lệnh một thượng tướng cùng dân chúng Kinh châu đến Uyển, Lạc, tướng quân (Lưu Bị) dẫn dân chúng Ích châu ra khỏi Tần Xuyên”. Ý muốn nói tới quy hoạch của Gia Cát Lượng: một là, nếu thiên hạ có biến, hai là, cần đưa quân ra hai đường. Xin hỏi, lúc Quan Vũ tiến công Tương Dương và Phàn Thành thiên hạ có biến không? Không. Đưa quân ra hai đường chăng? Cũng không. Vậy sao có thể nói là quán triệt cách bố trí chiến lược của Gia Cát Lượng. Hơn nữa theo tôi, Quan Vũ không những không quán triệt ý đồ chiến lược của Gia Cát Lượng, mà còn phá hoại cách bố trí chiến lược đó. Bởi vì mất Kinh châu là vĩnh viễn mất luôn khả năng tiến quân bằng hai đường lên bắc tiêu diệt Tào Tháo, thống nhất thiên hạ!

 

 

Tôi nghĩ, không phải Gia Cát Lượng không hiểu điều này. Vậy vì sao Gia Cát Lượng lại không ngăn cản hành động của Quan Vũ? Điều nuối tiếc này, chúng ta sẽ nói tới sau. Lúc này hãy trả lời vấn đề nhỏ thứ hai đã nói tới: vì sao phải phát động cuộc chiến tranh ở Tương Phàn?

 

 

Ngài Lã Tư Miễn cho đó là việc làm nhằm phối hợp với hành động của Lưu Bị ở Hán Trung. “Tần Hán sử” của ngài Lã nói: “binh có lợi khi cùng ra quân, đầu đuôi tương ứng, tiếc là quân Lưu Bị chưa về, quân Quan Vũ đã nổi dậy”. Đối với điều này, tôi thấy có gì đó chưa đúng. Lưu Bị tiến quân Hán Trung vào năm Kiến An thứ XXIII (Công nguyên năm 218). Chém Hạ Hầu Uyên ở núi Định Quân vào tháng giêng năm Kiến An thứ XXIV (Công nguyên năm 219). Tào Tháo đến gần Hán Trung vào tháng ba năm đó, tháng năm đã đưa quân về Tràng An. Nếu Quan Vũ có ý hạn chế Tào Tháo, vì sao không ra tay sớm hơn? Chờ đến tháng bảy, lúc Lưu Bị đã chiếm Hán Trung, tự xưng là Hán Trung vương mới tấn công Tương Phàn, chẳng phải là thừa sao?

 

 

Vì vậy, hành động của Quan Vũ chỉ có thể hiểu là được voi đòi tiên. Nói dễ nghe là thừa thắng tiến tiếp, giành thắng lợi nữa; nói khó nghe là tham lam không biết lượng sức. Vậy cuối cùng rơi vào tình trạng nào? Điều này liên quan tới vấn đề nhỏ đã nói ở phần trước, tức là có nên tiến đánh Tương Phàn hay không?

 

 

Đã có hai ý kiến về vấn đề này. Một loại cho rằng “nên đánh”, có hai nội dung: 1- Theo quy hoạch đã bàn ở Long Trung cho Lưu Bị của Gia Cát Lượng, Tương Dương và Phàn Thành sớm muộn gì cũng phải lấy. Lấy Tương Phàn mới có được cả Kinh châu. Cái đó gọi là “tất phải đánh”; 2- Quan Vũ không phải hoàn toàn không có khả năng lấy Tương Phàn, chí ít là có điều kiện: 1. Hơn nửa năm trước đã có sự kiện phản lại Tào Tháo ở vùng Nam Dương, rõ ràng là nền thống trị của Tào Tháo ở phía bắc Kinh châu không ổn định; 2. Lưu Bị đã có Hán Trung, lại có thêm Thượng Dung, lòng quân phấn chấn, khí thế bừng bừng; 3. Ở phía đông Tôn Quyền tiến công Hợp Phì, có thể trống giong cờ mở. Bên phía Tào Tháo, vừa rút khỏi Hán Trung vừa phải đối phó với Tôn Quyền, không tránh khỏi, giữ chỗ này mất chỗ kia, thế gọi là “có thể đánh”. Cần phải đánh thêm có thể đánh, vậy kết luận là “nên đánh”.

 

 

Nhưng ngài Hà Tư Toàn lại có cách nhìn khác. Ông cho rằng, cuộc chiến Tương Phàn của Quan Vũ là cuộc chiến “mạo hiểm về quân sự, không đúng thời cơ”. Theo quan điểm của ngài Hà trong Tam quốc sử, Lưu Bị vừa đoạt Hán Trung đang cần ổn định thế cục, dưỡng quân nghỉ ngơi, đâu có thể vừa đánh lại đánh tiếp? Đó là điều một. Lưu Bị định xong Hán Trung. Quan Vũ đi lấy Tương Phàn, một trước một sau, không phải ra quân bằng hai đường, đông tây cùng kẹp đánh, hơn nữa thiên hạ không có biến động, không phù hợp với thiết kế của Gia Cát Lượng. Đó là điều hai. Quân của Quan Vũ, tiếng là đông đảo hùng mạnh, nhưng thực tế lực lượng có hạn. Nếu không có trận lũ giúp sức, thì e cũng không thể hàng phục Vu Cấm, chém đầu Bàng Đức. Đã vậy, Phàn Thành vẫn chưa bị hạ, và khi Từ Hoảng đem quân đột nhập, Quan Vũ đành phải rút. Cũng có nghĩa, uy lực của Quan Vũ đã được phóng to hơn. Vì vậy ngài Hà mới nói: Tôn Quyền lén đánh Nam quận, trận đánh quá dễ dàng. Nếu không có quân Tôn Quyền tập kích ở phía sau, Tào Tháo vẫn có thể phản kích, Quan Vũ cũng sẽ thất bại, có điều không phải thảm bại như thế này.

 

 

Riêng tôi cho rằng, ngài Hà đã rất đúng. Từ những điều đã nói, chúng ta có thể rút ra kết luận cho vấn đề lớn thứ nhất: Một là, Quan Vũ đã phát động chiến tranh Tương Phàn, Lưu Bị không trao quyền không góp ý, nhưng cũng không phản đối. Hai là, nguyên nhân Quan Vũ phát động chiến tranh Tương Phàn: mê muội trước những thắng lợi, đánh giá sai tình huống, cho rằng có thể thắng tiếp, một trận là sạch không; còn tập đoàn Lưu Bị thì như Lư Bật đã dẫn lời Hoàng Ân Đồng trong Tam quốc chí tập giải, “mải vui vì thắng, không lường được bại” đã để mặc cho Quan Vũ tấn công. Ba là, phát động chiến tranh Tương Phàn là sai lầm, vì không đúng thời cơ, chuẩn bị không đủ. Quan Vũ vì quá vui mừng trong thắng lợi nên đã phán đoán sai lầm. Từ đó chúng ta lại có thêm một vấn đề: Lưu Bị có nên để Quan Vũ là đô đốc Kinh châu không?

 

 

Đây là vấn đề rất khó trả lời, bởi vì không thể nói Lưu Bị đã chọn nhầm người. Trước hết, Quan Vũ rất trung thành, đúng như vậy. Thứ nữa, Quan Vũ giỏi giang. Từ lúc Lưu Bị ra quân, Nam chinh Bắc chiến, bất kể lúc nào, không chia quân thì thôi, một khi chia quân thì nhất định mình một cánh, Quan Vũ một cánh, rõ ràng Quan Vũ có tài. Ba là, Quan Vũ có nghề. Giữ Kinh châu, cần người biết về thủy quân, lại chính là Quan Vũ biết nghề này. Năm đó Lưu Bị bại trận ở Trường Bản, may nhờ Quan Vũ đem thủy quân tiếp ứng mới thoát được nguy hiểm. Quan Vũ là người phương bắc vừa đến miền Nam đã nắm được thủy quân, rõ ràng là người giỏi giang. Trung thành, giỏi giang, có nghề, Lưu Bị vào Thục, cần để một đại tướng ở lại giữ Kinh châu, tính toán kỹ người đó phải là Quan Vũ.

 

 


Quan Vũ bị Mã Trung băt sống

Nhưng về tính cách thì Quan Vũ có vấn đề, Quan Vũ tự cao tự đại, quá sức tự tin, say mê chiến công, muốn được đề cao. Theo Tam quốc chí - Quan Vũ truyện, năm Kiến An thứ XIX (Công nguyên năm 214), Lưu Bị tiến công Thành Đô, Mã Siêu đến hàng. Vì không biết Mã Siêu, Quan Vũ đã viết thư cho Gia Cát Lượng hỏi về tài năng của Mã Siêu, có thể so sánh với ai. Gia Cát Lượng biết Quan Vũ thích hơn người (Lượng biết Vũ thích hơn người), nên trả lời, Mã Mạnh Khỏi (Mã Siêu tự Mạnh Khởi) văn võ song toàn, mạnh mẽ hơn người, gọi là “tuấn kiệt một thời”, có thể ngang với Trương Dực Đức (Trương Phi) nhưng chưa thể là “tuyệt luận siêu quần” Mỹ Nhiệm Công (Quan Vũ)! Quan Vũ xem xong mừng rỡ vô cùng đã đưa thư của Gia Cát Lượng cho vị khách xem.

 

 

Có nhiều cách đánh giá về vấn đề này. Có người nói, Gia Cát Lượng giảo hoạt, muốn được lòng cả đôi bên. Tôi nghĩ không phải thế. Ngược lại, lúc này Gia Cát Lượng tuy chưa phải là thừa tướng nhưng đã biểu hiện tài của thừa tướng. Nhiệm vụ của thừa tướng là gì? Là “điều tiết âm dương”, tức là xử lý tốt mọi mối quan hệ. Mã Siêu vừa sang hàng, trong lòng còn băn khoăn lo lắng, cần phải khẳng định và vỗ về, vả Mã Siêu đúng là nhân tài, lẽ nào lại hạ thấp? Còn Quan Vũ không muốn ai hơn mình, nên chỉ có thể coi Mã Siêu là “tuấn kiệt một thời” và “tuyệt không sánh bằng”.

 

 

Đương nhiên nói vậy, Gia Cát Lượng đã gây nên tác dụng phụ, tức là đã quá “nuông chiều” Quan Vũ. Nhưng đây cũng không phải trách nhiệm của Gia Cát Lượng. Tập đoàn Lưu Bị và bản thân họ Lưu đều phải có trách nhiệm. Vì họ đều nhường Quan Vũ, quá đề cao Quan Vũ hoặc lấy biện pháp đề cao để đối phó với Quan Vũ. Tháng bảy Kiến An năm thứ XXIV (Công nguyên năm 219), Lưu Bị tự xưng Hán Trung vương, phong Quan Vũ Tiền tướng quân, Trương Phi là Hữu tướng quân, Mã Siêu là Tả tướng quân, đồng thời còn phong Hoàng Trung là Hậu tướng quân. Ngay lúc đó, Gia Cát Lượng hiểu là Quan Vũ không vui. Vì nói về quan hệ, Hoàng Trung không bằng được Trương Phi; về danh tiếng Hoàng Trung không bằng Mã Siêu. Quan Vũ đâu chịu “cùng hàng”? Lưu Bị nói: Không sao, ta sẽ có cách. Lưu Bị cử Phí Thi tới đó. Theo Tam quốc chí - Phí Thi truyện, Phí Thi vừa tới chỗ Quan Vũ, quả nhiên Quan Vũ đã lồng lên nói: đại trượng phu sao có thể ngồi cùng hàng với tên lính già! Phí Thi từ từ nói, nhà vua dùng người không câu nệ. Hán vương (Lưu Bị) phá lệ cất nhắc Hoàng Hán Thăng (Hoàng Trung) chỉ vì ông ấy vừa lập công lớn. Nhưng tận đáy lòng Hán vương Hán Thăng sao bì được với quân hầu (Quan Vũ). Quân hầu và Hán vương có quan hệ gì nào? Lòng dạ cùng nhau, máu thịt gắn kết, như là một người. Hán vương vinh nhục là quân hầu vinh nhục, Hán vương họa phúc cũng là họa phúc của quân hầu, lẽ nào quân hầu còn phải ngã giá với Hán vương? Phí Thi này chỉ là người đưa tin, quân hầu không tiếp nhận, Phí Thi xin về, chỉ sợ rằng quân hầu sẽ phải hối hận. Quan Vũ nghe xong đã hiểu ra, liền bái lạy nhận phong.

 

 

Phí Thi nói vậy, ngang như tập đoàn Lưu Bị đã dám sờ vào mông hổ, nhưng vẫn là vuốt lông thôi. Rõ ràng xưa nay tập đoàn Lưu Bị luôn chiều chuộng Quan Vũ, Quan Vũ biến thành “đứa trẻ hư vì được nuông chiều”. Một đứa trẻ như vậy sẽ có hai đặc điểm, một là phóng túng, hai là ngây thơ. Bởi được nuông chiều nhiều nên phóng túng; vì là trẻ con nên ngây thơ. Quan Vũ là loại người đó. Vì phóng túng nên mới phát động chiến tranh Tương Phàn; vì ngây thơ nên mới bị Lã Mông và Lục Tốn dụ dỗ. Vì vừa phóng túng vừa ngây thơ mới phạm sai lầm trong xử lý quan hệ giữa ta với kẻ thù hoặc bè bạn.

 

 

Có hai ví dụ để nói rõ vấn đề này. Theo chú dẫn của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Quan Vũ truyện, trong trận chiến Tương Phàn, Tôn Quyền chủ động có ý muốn giúp Quan Vũ, nhưng vẫn có ý đồ riêng. Tôn Quyền dặn quân sĩ không được hành quân quá nhanh, đồng thời sai sứ báo tin cho Quan Vũ. Quan Vũ không biết lợi dụng cơ hội đó làm yên lòng Tôn Quyền hoặc lợi dụng Tôn Quyền hạn chế Tào Tháo, ngược lại đã căm hận Tôn Quyền một cách phi lí. Quan Vũ nổi giận đùng đùng trước người vừa đến hàng là Vu Cấm, mở miệng chửi ầm lên, đồ vô lại! Ngươi dám chần chừ (tiểu tử vô lễ)! Chờ ta lấy Phàn Thành xong, sẽ tiêu diệt ngươi!

 

 

Bùi Tùng Chi không thừa nhận việc này. Bởi vì từ lâu Tôn Quyền và Lã Mông đã có ý đánh lén Quan Vũ. Nếu lấy cớ đến trợ chiến thì việc gì còn phải len lén áo trắng qua sông? Nhưng có một việc khác lại đúng, đó là việc Tôn Quyển muốn bàn việc hôn nhân với bên Quan Vũ, Quan Vũ đã mắng chửi sứ giả. Theo Quan Vũ truyện nguyên nhân là: “Quyền sai sứ đến hỏi con Vũ cho con trai mình, Vũ hạ nhục sứ giả và từ chối”. Chúng ta đều biết, xưa nay những loại hôn nhân đó đều vì chính trị, mục đích duy nhất là ủng hộ quan hệ liên minh. Tôn Quyền có thể gả em gái cho Lưu Bị thì sao Quan Vũ lại không thể gả con gái cho con trai Tôn Quyền? Đương nhiên, có thể Quan Vũ xem thường hoặc căm giận Tôn Quyền (Lúc này Tôn Quyền đã gọi em gái về), vẫn có thể từ chối hôn sự bằng lời lẽ ngoại giao, không nên mắng chửi.

 

 

Trong thực tế “đứa trẻ hư vì luôn được nuông chiều” còn có một đặc điểm, rất thích mắng chửi người khác. Chúng ta đã nói trong tập trước, quân Lã Mông vừa đến Nam quận thì hai viên tướng giữ thành đã đầu hàng. Một trong những nguyên nhân, hai người vừa bất mãn vừa khiếp sợ trước Quan Vũ. Theo Quan Vũ truyện, Quan Vũ không hề ghen tị, nhưng luôn tỏ ra xem thường họ, vì vậy họ “mới hiềm Vũ xem thường”. Quan Vũ ra trận, yêu cầu hai người phải “cung cấp quân lương”. Vì bất lực trong công việc nên họ bị Quan Vũ nhục mạ, còn nói “sẽ trừng trị”, kết quả hai người “thấy khiếp sợ”, Lã Mông gọi hàng, họ theo ngay. Nghĩ xem, bạn ra tiền phương đánh trận, để họ ở lại hậu phương trông nhà, một nhiệm vụ thật quan trọng, không thể nhẹ nhàng với họ một chút sao?

 

 

Qua những chuyện đó thấy rõ, cử Quan Vũ giữ Kinh châu là không hợp. Đúng. Quan Vũ có năng lực, có hiểu biết về một mặt nào đó, nhưng là ở giai đoạn đầu sự nghiệp Lưu Bị, không giữ nổi một thành nhỏ (như Hạ Phì), đánh thắng nổi địch (như Nhan Lương). Còn như giữ mảnh đất chiến lược như Kinh châu, đối phó với những kẻ gian hùng giảo hoạt như Tào Tháo, Tôn Quyền, phải tác chiến cùng lúc trên cả hai mặt chính trị và quân sự thì Quan Vũ không đủ sức. Quan Vũ không có đầu óc chính trị, không có nhãn quan chiến lược, chỉ dương dương tự đắc, làm việc đơn độc, về cơ bản không phù hợp với trách nhiệm một thừa tướng; hơn nữa với tính ngây thơ, phóng túng, ngang bướng kiêu ngạo sẽ có nhiều sơ hở trước kẻ thù. Nói cách khác, với tính cách ấy Quan Vũ chỉ có thể là một “đại hiệp” lang bạt giang hổ, không thể trở thành “đại soái” giành giật ở Trung Nguyên.

 

 

Như vậy, Lưu Bị và Gia Cát Lượng dùng người không hợp chăng? Cũng không phải thế. Gia Cát Lượng không có trách nhiệm gì, vì lúc này ông không có quyền dùng người, ông cũng không phải là người nói gì làm gì Lưu Bị nhất nhất nghe theo như mọi người từng nghĩ. Lưu Bị đương nhiên là có trách nhiệm, nhưng không phải là nặng. Bởi vì Lưu Bị cũng không thể nghĩ được xa. Lưu Bị cũng không ngờ, một khi lấy được Ích châu, Kinh châu sẽ đứng trước một áp lực chưa từng có; mà Quan Vũ thì không thể gánh nổi. Có thể, sau khi Lưu Bị làm chủ Thành Đô, cần phải nhanh chóng cử người giúp đỡ và hạn chế Quan Vũ. Nhung Lưu Bị có thể cử ai đây? Gia Cát Lượng không đi được (chính quyền mới thành lập ở Ích châu phải trông cậy vào Gia Cát Lượng), Bàng Thống đã chết, Pháp Chính không quen Quan Vũ, vậy cử Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu hay Hoàng Trung? E đều không được! Nói đi nói lại, Lưu Bị cũng chẳng còn cách nào khác. Vả lúc này Lưu Bị cũng đang say sưa trong thắng lợi.

 

 

Bây giờ chúng ta trả lời câu hỏi cuối cùng: Vì sao tập đoàn Lưu Bị thấy Quan Vũ đơn độc chiến đấu mà không cho quân cứu viện? Theo tôi có ba chữ: “Không ngờ tới”. Ngài Lã Tư Miễn nói trong Tần Hán sử: Vũ bại trận, Tào Tháo chưa kịp nghĩ tới, còn Tôn Quyền cũng chưa có kế khiến Vũ bại trận nhanh như vậy”. Cũng tức là, không ngờ tới, một người như Quan Vũ, kẻ thù nghe tiếng đã khiếp sợ, lại vừa đại phá quân Tào ở Phàn Thành, uy trấn thiên hạ, bức Tào Tháo suýt nữa phải dời đô, mà lại bại trận như núi lở. Tào Tháo không ngờ tới? Đúng, cũng không ngờ tới. So với Tào Tháo, Tôn Quyền thì Lưu Bị càng không ngờ tới. Đúng là Lưu Bị không hề biết Tào Tháo và Tôn Quyền đã ngấm ngầm câu kết, Lã Mông, Lục Tốn ra quân từ hai đường, áo trắng qua sông, lén đánh Nam quận, đúng là sấm gầm không kịp bịt tai. Đúng vậy, tháng bảy Kiến An năm thứ XXIV (Công nguyên năm 219), tiến đánh Tương Phàn, tháng mười hai cùng năm bại trận chạy về Mạch Thành, thời gian chưa đến nửa năm. Nhưng tình thế chiến tranh lại thay đổi trong nháy mắt. Nên nhớ, trước khi Tào Tháo phát tán lá thư của Tôn Quyền, Quan Vũ vẫn tin rằng mình sẽ thắng. Ngay cả khi đã biết ý đồ của Tôn Quyền, Quan Vũ vẫn chưa chịu rời bỏ Phàn Thành. Nghĩa là Quan Vũ cũng chưa nghĩ rằng mình sẽ thất bại, bên phía Lưu Bị chỉ nghe toàn tin thắng lợi thì việc gì phải cử viện binh. Chờ khi Quan Vũ chúng phản thân li, bại trận chạy về Mạch Thành, Lưu Bị có muốn cứu cũng không kịp, trừ phi Lưu Bị có quân lính từ trên trời xuống.

 

 

Kết luận cuối cùng là: Thất bại chạy về Mạch Thành, bỏ mất Kinh châu là kết quả việc Tôn Quyền và Tào Tháo liên kết nhằm ngăn cản tập đoàn Lưu Bị. Bên phía tập đoàn Lưu Bị, Quan Vũ chịu trách nhiệm trực tiếp. Lưu Bị chịu trách nhiệm của người lãnh đạo. Gia Cát Lượng không chịu trách nhiệm. Nhung bất kể là ai chịu trách nhiệm, Lưu Bị không thể nhận tất cả và cũng không chịu buông xuôi. Vậy Lưu Bị đã làm gì và kết quả sẽ như thế nào?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét