Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

ÁO TRẮNG QUA SÔNG

 


Tranh vẽ Lã Mông của họa sĩ đời nhà Thanh. 

Tập thứ ba mươi ba: ÁO TRẮNG QUA SÔNG

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Việc tranh giành Kinh châu vào năm Kiến An năm thứ XX được kết thúc do Tôn Quyền, Lưu Bị thỏa hiệp, cùng nhau chia đất, nhưng cả hai đều không thỏa mãn. Tôn Quyền nghe theo Lã Mông, lấy việc đoạt Kinh châu làm nhiệm vụ hàng đầu; Quan Vũ lại lợi dụng một cơ hội có lợi, phát động chiến tranh đoạt lấy Tương Dương, Phàn Thành từ tay Tào Tháo. Ba nhà Tào, Tôn, Lưu đã mở rộng cuộc đấu tranh vừa trí vừa dũng trên cả vùng Kinh châu. Vậy, kết quả của cuộc đấu tranh đó như thế nào?

 

 

Kiến An năm thứ XXII (Công nguyên năm 217), Lỗ Túc qua đời, Lã Mông là người thay thế.

 

 

Đây là câu chuyện thú vị. Phần trên đã nói, sau trận chiến Xích Bích, nội bộ tập đoàn Giang Đông chia thành hai phái: phái “nuốt Lưu” và phái “liên Lưu”. Sau khi Chu Du phái “nuốt Lưu” qua đời, Lỗ Túc người chủ trương “liên Lưu” thay thế. Sau khi Lỗ Túc phái “liên Lưu” qua đời, lại được thay thế bằng Lã Mông, người chủ trương “nuốt Lưu”. Đúng là ba mươi năm Hà Đông lại ba mươi năm Hà Tây, phong thủy luân lưu thay đổi, tiếng hô “nuốt Lưu đoạt Kinh” bắt đầu vang dậy ở Giang Đông.

 

 

Vậy Lã Mông là ai, vì sao Lã Mông lại chủ trương “nuốt Lưu đoạt Kinh”?

 

 

Lã Mông cũng coi như là bạn của Lỗ Túc, họ đi lại với nhau kể ra có nhiều điều vui. Theo Tam quốc chí - Lã Mông truyện, cuối năm Kiến An năm thứ XV (Công nguyên năm 210), Chu Du lâm bệnh qua đời, Lỗ Túc thay thế, Lỗ Túc đường đến Lục Khẩu phải đi qua đất của Lã Mông. Bấy giờ, có người đề nghị Lỗ Túc phải đến chào Lã Mông. Người đó nói: Lã tướng quân lúc này công lao, danh tiếng ngày càng lớn, chúng ta không thể cư xử với tướng quân như trước. Lỗ Túc nghĩ cũng phải, đã đi thăm Lã Mông, nhưng thực sự trong thâm tâm không mấy quan tâm. Chúng ta đều biết, Lã Mông xuất thân bần hàn, không học hành, không đọc sách. Nếu muốn dâng sớ, viết thư thì cứ đọc đã có người khác chấp bút. Mọi người luôn có cảm giác Lã Mông là kẻ vũ phu hữu dũng vô mưu. Lỗ Túc có phần xem thường (có ý xem nhẹ Mông).

 

 

Nhưng lần gặp mặt này làm Lỗ Túc thấy sợ. Lỗ Túc đến thăm Lã Mông, Lã Mông bày tiệc tiếp đón. Sau ba tuần rượu, Lã Mông nói: lần này các hạ nhận trọng trách, lại ở cạnh Quan Vũ, xin hỏi đã có những mưu kế gì để phòng bất trắc? Lỗ Túc vốn xem thường Lã Mông, nên đã thuận miệng nói luôn, tùy cơ ứng biến là được. Lã Mông nói: có lẽ không nên! Lúc chúng ta và Lưu Bị bề ngoài như người một nhà, kỳ thực Quan Vũ là hổ, gấu, lẽ nào không có phòng bị? Còn đưa ra năm cơ mưu với Lỗ Túc. Lỗ Túc nghe xong, đã bỏ chỗ ngồi đến bên Lã Mông, tay vuốt lưng Lã Mông miệng nói: Lã Tử Minh ôi Lã Tử Minh, thực không ngờ tài lược người anh em đã tới mức này! Rồi, Lỗ Túc vào nhà trong bái kiến mẹ Lã Mông, từ đó hai người kết thành bè bạn thân thiết rồi mới tạm biệt.

 

 

Trong chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi đã nói tỉ mỉ chuyện này. Nghe nói khi đó Lỗ Túc sờ lưng Lã Mông nói: người anh em lớn à, vẫn tưởng ông chỉ biết đánh trận! Thì ra học vấn cũng nhiều, không còn là “Ngộ hạ A Mông” năm nào! Lã Mông nói: “lâu không gặp, mọi thứ đã thay đổi”! Đại ca (anh cả) nghĩ xem Quan Vũ là người như thế nào? Cần mẫn hiếu học, thuộc lòng Tả truyện, cương nghị quyết đoán, hùng khí mười mươi, nhưng cũng thanh cao tự phụ, cả tiếng sỉ nhục người khác. Đối phó với một người như vậy có thể không cần một kế sách đặc biệt, hơn người hay sao? Rồi hiến kế cho Lỗ Túc. Lỗ Túc “kính mà nhận, giữ kín không lộ ra”.

 

 

Vậy thì vì sao Lã Mông có thể từ một người “trẻ tuổi thô lỗ” trở thành “người mưu lược”? Chính là nhờ Tôn Quyền chỉ dẫn bảo ban. Theo Giang Biểu truyện, Tôn Quyền từng nói với Lã Mông và Tưởng Khâm, hai người lúc này đã làm quan, cần phải đọc sách nhiều hơn. Lã Mông nói: việc quân nhiều vô kể, còn đâu thời gian mà đọc sách! Tôn Quyền nói: cô đâu có muốn hai người phải là tri thức, là bác sĩ? Cũng chỉ là hiểu thêm một chút lịch sử thôi! Hai người bận việc chẳng nhẽ lại bận hơn cả cô đây? Quang Vũ đế Nam chinh Bắc chiến tay không rời sách, Tào Mạnh Đức là nguyên lão trong triều mà vẫn ham học, sao các ngươi không gắng sức? Thế rồi Lã Mông bắt đầu đọc sách, đọc nhiều hơn nhiều nho sinh.

 

 

Lã Mông vốn là người có trí nhớ tốt, thấu hiểu rất nhanh, là người từng trải. Một khi đã đọc sách là thấu lý lẽ. Có điều, cái lý mà Lã Mông hiểu lại khác với Lỗ Túc. Lỗ Túc cho rằng, Tào Tháo là kẻ thù hàng đầu, cần phải hiệp đồng với Lưu Bị, cùng nhau chống giặc, Lã Mông khác ý. Lã Mông cho rằng: Quan Vũ là một đại anh hùng, luôn có bụng nuốt Ngô để phát hiển. Lưu Bị luôn có lợi vì ở trên thượng du, liên minh với họ sẽ không lâu dài, nên đã “ngầm có mật kế” cho Tôn Quyền. Theo Tam quốc chí -Lã Mông truyện, “mật kế” nói tới hai vấn đề, 1- Đối kháng với Tào Tháo có nhất thiết phải dựa vào Quan Vũ không; 2- Quan Vũ có đáng tin cậy không? Lã Mông nói với Tôn Quyền: chúa công có thể phái cử Tôn Hiệu ra đóng ở Nam quận, Phan Chương ra Bạch Đế, Tưởng Khâm thống lĩnh một vạn quân tuần tra vùng thượng du Trường Giang, bản thân mạt tướng xin thay chúa công ra đóng ở Tương Dương. Chỉ cần bố quân như vậy thì sợ gì Tào Tháo (không phải lo lắng về Tháo) hà tất còn phải dựa vào Quan Vũ (không cần dựa vào Vũ)?

 

 

Hơn nữa Quan Vũ không đáng tin. Lã Mông nói: Quan Vũ là quân thần, khéo biết cưỡng đoạt, phản phúc không lường, không bao giờ được coi là người của mình (không được coi như tâm phúc). Sớm muộn gì họ cũng sẽ trở mặt với chúng ta. Sở dĩ lúc này họ còn chưa ra tay vì còn chúa công thần vũ thánh minh, còn mạt tướng và những người khác. Nếu lúc này không hạn chế ngay đi, chờ khi mọi người chúng ta đều ô hô ai tai, thì còn kịp nữa không?

 

 

Tôn Quyền thấy như vậy là đúng, nhưng ít nhiều còn băn khoăn vì giữa Kinh châu và Từ châu chưa biết nên lấy cái nào trước. Lã Mông nói: lấy Từ châu thì không khó, nhưng khó là có giữ được hay không. Từ châu là vùng đất dễ lấy, thích hợp để kỵ binh miền Bắc tung hoành. Nay chúng ta lấy Từ châu thì mai Tào Tháo sẽ đến cướp. E rằng bảy tám vạn người cũng không giữ được. Chi bằng trừ khử Quan Vũ trước, chiếm cứ cả vùng Trường Giang, thế lực chúng ta sẽ lớn mạnh. Tôn Quyền cảm thấy lý luận đó hết sức tinh tế.

 

 

Trên lập trường của tập đoàn Giang Đông, Lã Mông rất chuẩn xác. Theo Tam quốc chí tuyển chú của ngài Miêu Việt, Lã Mông nói những lời đó vào năm Kiến An năm thứ XVI (Công nguyên năm 211). Lúc đó Lưu Bị đã vào Thục, nhưng chưa lấy được Thục. Nhưng sau khi lấy được Thục, Lưu Bị vẫn không trả Kinh châu, Tôn Quyền cũng không đòi được, đúng là “Không nên coi như tâm phúc”, cũng đúng là tập đoàn Giang Đông chỉ có thể đoạt lại Kinh châu bằng vũ lực. Lã Mông sáng suốt đã đoán trước được điều đó.

 

 

Có điều Quan Vũ vẫn là Quan Vũ, đâu muốn trừ khử là trừ khử được, cần có thời cơ. Năm Kiến An thứ XXIV (Công nguyên năm 219) mới có cơ hội. Theo Tư trị thông giám, tháng năm năm đó, Lưu Bị đoạt được Hán Trung từ tay Tào Tháo; tháng bảy, tự xưng là Hán Trung vương đưa quân về Thành Đô, cử Hứa Tĩnh là Thái phó, Trương Phi là Hữu tướng quân, Mã Siêu là Tả tướng quân, Hoàng Trung là Hậu tướng quân. Hàng loạt những tin vui đã cổ vũ tập đoàn Lưu Bị, thêm vào đó, Tôn Quyền đang tiến công Hợp Phì ở phía Đông, Quan Vũ liền thừa thế phát động chiến tranh Tương, Phàn đoạt lấy Tương Dương và Phàn Thành.

 

 

Cuộc chiến này thực kinh hồn lạc phách. Lúc này, Tào Tháo vừa từ Hán Trung, lui quân về đến Tràng An, nghe tin Quan Vũ đánh phá Phàn Thành, liền phái Tả tướng quân Vu Cấm đem quân tăng viện. Tướng giữ Tương, Phàn Tào Nhân để Vu Cấm và Lập nghĩa tướng quân Bàng Đức giữ phía bắc Phàn Thành. Vu Cấm là tướng yêu được Tào Tháo cất nhắc, Tam quốc chí - Vu Cấm truyện nói Vu Cấm là “danh tướng ngang như Trương Liêu, Nhạc Tiến, Trương Cáp, Từ Hoảng”, thậm chí Tào Tháo còn khen Vu Cấm “là danh tướng cũ, có thể cất nhắc”. Bàng Đức vốn là thuộc hạ của Mã Siêu đã hàng Tào Tháo trong chiến dịch Vị Nam. Vì vậy được phong là “Lập nghĩa tướng quân”. Theo Tam quốc chí - Bàng Đức truyện, trong trận chiến Tương Phàn, Mã Siêu đã về với Lưu Bị, Bàng Nhu người anh họ của Bàng Đức đang làm việc dưới trướng Lưu Bị, nên tướng giữ Phàn Thành đã nghi ngờ lòng trung của Bàng Đức. Bàng Đức nói: nhận hậu ân của đất nước, ta nguyện chết ngoài chiên trường. Hôm nay ta không giết Quan Vũ, thì Quan Vũ sẽ giết ta. Sau đó hai người giao chiến, một mũi tên đã bắn trúng trán Quan Vũ, quân lính của Quan Vũ đều gọi Bàng Đức là “Bạch mã tướng quân”, nghe tên đã sợ mất mật. Có hai viên tướng như thế này giữ mạn bắc Phàn Thành, có thể chống đỡ được.

 

 

Nhưng trời xanh đã không giúp. Tháng tám, trời mưa như trút, nước sông Hán Thủy dâng cao, tràn ra ngoài đê, Phàn Thành bị nước lũ vây kín, Vu Cấm cùng Thất quân bị chìm trong nước, gọi là “thủy dìm Thất quân”. Nhưng Tam quốc chí - Quan Vũ truyện chỉ nói “Thu, mưa lớn, Hán Thủy ngập tràn, Cấm cùng Thất quân bị dìm”, không nói Quan Vũ đã khơi nước, càng không nói Quan Vũ đã biết trước có lũ lụt. Tư trị thông giám cũng không nói như vậy. Sự thực, cái gọi là “nước dìm Thất quân” chỉ là thiên tai, Quan Vũ thừa cơ tấn công, kết quả Vu Cấm bị bắt và hàng phục, Bàng Đức bị bắt nhưng vẫn giữ nghĩa. Theo Tam quốc chí - Bàng Đức truyện, lúc đó Bàng Đức không chịu quỳ, Quan Vũ hết lời khuyên. Quan Vũ nói: anh túc hạ đang ở Hán Trung, bản soái cũng muốn mời túc hạ làm tướng, vì sao túc hạ vẫn chưa chịu hàng? Bàng Đức chửi ầm lên, kẻ nô bộc kia, nói cái quái gì thế? Ngụy vương có trăm vạn hùng binh, uy trấn thiên hạ, xưa nay vô địch. Lưu Bị các ngươi là gì chứ? Là một kẻ tầm thường, không thể là đối thủ của Ngụy vương chúng ta! Bàng Đức ta nguyện làm quỷ của triều đình, quyết không làm tướng giặc! Quan Vũ đành phải giết Bàng Đức. Tin tức truyền sang bên Tào, Tào Tháo “nghe mà buồn đến rơi lệ”.

 

 

Vu Cấm hàng, Bàng Đức chết, tướng giữ thành Tào Nhân đau đớn như mất cả hai tay. Thêm vào đó tường thành bị ngâm nước làm đổ sập, quân lính trong thành đều hoang mang. Theo Tam quốc chí - Mãn Sủng truyện, lúc đó có người kiến nghị Tào Nhân, nhân lúc thế hợp vây của Quan Vũ chưa hoàn thành, rút khỏi Phàn Thành khi trời tối, nhưng Mãn Sủng nói: lũ lụt ư, đến nhanh và rút cũng nhanh, không lâu đâu. Quan Vũ ư, sẽ không dám tiến công bừa, bởi vì hậu phương của họ không an toàn. Nếu hôm nay chúng ta rút thì vùng đất phía nam Hoàng Hà này sẽ không bao giờ là của triều đình nữa. Tào Nhân nói, đúng! Mãn Sủng cho lệnh giết Bạch Mã cùng tướng sĩ thề ra sức tử chiến. Vừa hay lúc đó viện quân của Từ Hoảng kéo đến, Quan Vũ đành phải lui quân.

 

 

Tạm thời Quan Vũ ngừng việc bao vây Phàn Thành, nhưng chiến tranh không hề kết thúc, Quan Vũ chưa bỏ qua. Đối với tập đoàn Tôn Quyền. Từ lâu có quyết tâm đoạt lại Kinh châu, thì đây là cơ hội tốt. Bởi vì Quan Vũ muốn cắn miếng xương cứng là Tương Dương và Phàn Thành, đối phó với hai viên đại tướng Tào Nhân, Từ Hoảng thì binh lực phải đủ, mạnh. Nhưng một khi điều quân ở hậu phương thì Nam quận sẽ suy yếu. Nhưng nêu không đủ binh lực thì tiền phương sẽ rất căng thẳng? Đây là chỗ khó của Quan Vũ. Thế là Lã Mông nói luôn với Tôn Quyền, trước hết hãy suy nghĩ cách dồn hết quân lính của Quan Vũ về phía Tương, Phàn, sau đó nhân yếu mà vào, đâm một nhát vào sau lưng họ. Nghĩ như vậy là rất đúng, nhưng ván đề là tập đoàn Giang Đông có thể dồn được Quan Vũ không?

 

 

Có thể.

 

 

Thực ra thì từ lâu Lã Mông đã dồn được Quan Vũ. Theo Tam quốc chí - Lã Mông truyện, tuy Lã Mông luôn chủ trương phải tiêu diệt Quan Vũ, nhưng sau khi thế chức vụ của Lỗ Túc, thì bề ngoài lại là “thêm ân dày và kết với Vũ”. Chúng ta đều biết, năm đó lúc hai quân Lỗ Túc, Quan Vũ ở gần nhau, do giữa minh quân còn nghi ngờ lẫn nhau (nhiều lần hồ nghi), hai bên thường tranh giành ở biên giới (gây sự ở cương trường), tranh giành cãi cọ là không ít, nhiều lần Lỗ Túc phải hòa giải (Túc thường vui vẻ, vỗ về). Vì vậy, Lã Mông “thêm ân dày”, không làm cho Quan Vũ phải hoài nghi, mà cho rằng chính sách của Lỗ Túc đang tiếp tục thực hiện. Đó là chiêu thứ nhất của Lã Mông - vờ hòa thuận.

 

 

Chiêu thứ hai của Lã Mông là vờ ốm. vẫn theo Tam quốc chí - Lã Mông truyện, Lã Mông dâng thư lên Tôn Quyền, nói: Quan Vũ Bắc chinh Phàn Thành nhưng vẫn để lại nhiều quân, nhất định là sợ Lã Mông đánh vào sau lưng mình. Mọi người nghe xong đều hiểu, Lã Mông vốn người không khỏe, thường ốm đau luôn. Lúc này xin chúa công cho phép thần đem quân về Kiến Nghiệp trị bệnh. Quan Vũ biết tin, tất sẽ điều hết quân ở Nam quận đến Tương Dương. Bây giờ chúng ta “cho đại quân vượt sông, hành quân ngày đêm, tập kích vào chỗ không người” như vậy sẽ lấy được Nam quận, bắt sống được Quan Vũ. Thế rồi Lã Mông kêu mình bệnh nặng, Tôn Quyền có công văn, cố ý không dán kín, triệu Lã Mông về, quả nhiên Quan Vũ mắc bẫy.

 

 

Chiêu thứ ba vờ làm Tôn Tử. Có điều Lã Mông không thực hiện chiêu này mà là Lục Tốn. Lục Tốn tự Bá Ngôn, người quận Ngô, huyện Ngô (thị trấn Tô Châu, Giang Tô ngày nay), đời đời là đại tộc ở Giang Đông, bản thân là cháu rể của Tôn Quyền (Quyền gả con gái của Sách cho Tốn). Theo Tam quốc chí - Lục Tốn truyện, Lã Mông vờ ốm trở về Kiến Nghiệp, khi ngang qua Vu hồ, Lục Tốn rẽ vào thăm. Lục Tốn nói: Quan Vũ phòng giữ thượng du tiếp giáp với khu vực của tướng quân. Nay tướng quân chạy tới hạ du, lẽ nào tiền phương không có điều gì đáng lo ngại? Lã Mông nói: túc hạ nói rất đúng, có điều bệnh của bỉ nhân quá nặng, không thể không về Kiến Nghiệp trị bệnh. Lục Tốn nói: tướng quân về Kiến Nghiệp trị bệnh là điều nên làm, có điều Lục Tốn mong rằng khi gặp chúa công tướng quân nên nói rõ ràng. Quan Vũ thường ỷ thế kiêu dũng anh vũ để si nhục người khác. Nhất là lúc này, Quan Vũ đang vây khốn Phàn Thành, gọi hàng Vu Cấm, giết chết Bàng Đức, chiến công huy hoàng, là lúc đắc chí hài lòng. Lúc này họ đang nghĩ tới chuyện Bắc phạt, chẳng để ý đến chúng ta (nghĩ việc Bắc tiến, không nghi chúng ta). Nghe tướng quân bệnh nặng, càng coi chúng ta chẳng ra gì. Nếu nhân đây, xuất kỳ bất ý giáng cho chúng một đòn, sẽ tóm được chúng như chơi. Lã Mông thâm tâm cho là phải, nhưng đây là việc cơ mật, không tỏ thái độ ngay, chỉ cố nói, đối phó với Quan Vũ đâu có dễ dàng như thế? 1- Quan Vũ anh dũng thiện chiến, nổi tiếng thiên hạ, đó là uy phong; 2- Quan Vũ đã “chiếm Kinh châu, ân tín nổi khắp”, đó là uy vọng; 3- Quan Vũ vừa đánh đã báo thắng, cực kỳ gan dạ, đó là uy lực. Con người như vậy, chỉ sợ “khó mà thắng”.

 

 


Cửa ngõ để tiến vào sông Trường Giang chính là sông Nhu Tu.

Lã Mông nói vậy, nhưng trong lòng rất coi trọng Lục Tốn. Vừa về tới Kiến Nghiệp, Lã Mông đã tiến cử Lục Tốn với Tôn Quyền. Lúc đó Tôn Quyền hỏi Lã Mông, sau khi rời chức, ai là người có thể thay thế trấn thủ Lục Khẩu. Lã Mông nói: Lục Tốn thích hợp nhất vì hai lẽ. 1- Lục Tốn là nhân tài hiếm hoi, Lã Mông đánh giá Lục Tốn “ý tưởng sâu sắc, có tài nhưng chưa có tiếng, cuối cùng rất được việc”. “Ý tưởng” nói tới ở đây tức là ý niệm, sự suy nghĩ. Gọi là “ý tưởng sâu sắc” cũng là nghĩ sâu, nghĩ xa. Vả đối với chiến tranh, Lục Tốn đã quen, đã thành thục, đương nhiên là người được chọn thích hợp nhất. 2- Lục Tốn tuy “có tài đáng trọng dụng”, nhưng “chưa có tiếng”, Quan Vũ sẽ không nghi ngờ gì “Vũ không nghi”, có thể tiếp tục lung lạc Quan Vũ. Cho nên Lã Mông nói: không có ai thích hợp hơn Lục Tốn (không ai hơn).

 

 

Theo đó, Tôn Quyền bổ nhiệm Lục Tốn là Biên tướng quân, hữu đô đốc, thay thế Lã Mông. Lã Mông có sách lược cho Lục Tốn “bề ngoài thì che giấu, bên trong lo quan sát mọi diễn biến”, tức là bề ngoài vờ Tôn Tử, sau lưng mài dao. Lục Tốn làm đúng như vậy. Vừa tới Lục Khẩu, Lục Tốn bằng hết khả năng biên thư luôn cho Quan Vũ. Lời trong thư hết sức bóng bẩy, nhưng ý tứ lại đơn giản. Một là ca tụng Quan Vũ, nói chiến tích của tướng quân chưa hề có trong lịch sử, ngay như Hàn Tín cũng không bằng; hai là hạ thấp mình, nói mình chỉ là một thư sinh, chưa xứng với chức vụ này, mong được tướng quân dạy bảo nhiều; ba là vờ vui vẻ để chúc mừng, nói thắng lợi của minh quân là hết sức có lợi, bên phía Giang Đông thảy đều vỗ tay tán thưởng; bốn là vờ vĩnh nhắc nhở Quan Vũ, nói: Tào Tháo gian ngoan giảo hoạt, tướng quân không nên xem nhẹ, thực tế muốn dồn quân Quan Vũ ra tiền tuyến.

 

 

Lần này thì Quan Vũ mắc bẫy, bị lừa. Quan Vũ cảm thấy bên phía Đông Ngô đời đời khác hẳn nhau. Khởi đầu, tướng lĩnh thủ quân là Chu Du. Người này hùng tài, dạ sói, tiếc là phải chết sớm, là “con quỷ đoản mệnh”. Chu Du chết, đổi thành Lỗ Túc, tuy cũng rất lợi hại nhưng là “kẻ hòa nhã”. Lỗ Túc chết, đổi thành Lã Mông, tuy cũng là một viên chiến tướng, nhưng là “mầm bệnh”. Lúc này đổi là Lục Tốn, chưa có tiếng tăm và là “con mọt sách”. Đúng là bên phía Tôn Quyền đã hết cái hay, chẳng đáng bận tâm. Quan Vũ từng bước điều quân ra phía Phàn Thành.

 

 

Tin Quan Vũ vừa rút quân được Lục Tốn báo ngay đến Tôn Quyền, kèm theo là kế hoạch vây bắt và tiêu diệt, Tôn Quyền cũng bắt đầu điều binh khiển tướng, còn Quan Vũ thì hoàn toàn như người ngồi trong trống. Quan Vũ không hề biết, bề ngoài là “mầm bệnh” ôn hòa, khiêm nhường và “con mọt sách”, kỳ thực là “lũ cáo” lòng dạ lang sói; bề ngoài là minh quân đang vỗ tay tán thưởng chiến tích ở Phàn Thành, kỳ thực là kẻ thù nhanh chóng đang mài dao ở phía sau. Đương nhiên Quan Vũ không hề nghĩ rằng, người bạn đồng minh này đang câu kết với kẻ thù, cùng nhau liên hợp nhằm lấy đầu mình.

 

 

Tôn Quyền câu kết với Tào Tháo, không chỉ nằm ngoài ý nghĩ của Quan Vũ, còn làm cho rất nhiều người thấy khó hiểu. Chẳng phải Tôn Quyền là kẻ thù của Tào Tháo và là đồng minh của Lưu Bị hay sao? Sao có thể từ thù thành bạn với Tào Tháo, trở mặt coi Lưu Bị thành thù? Thực ra trong quan hệ chính trị của nhiều phía, chưa hề có gì là bạn vĩnh viễn, là thù vĩnh viễn. Trong trận chiến Xích Bích, Tào Tháo là mối uy hiếp lớn nhất thì đương nhiên phải liên minh với Lưu Bị. Nhưng lúc này, sau khi Lưu Bị “mượn” để có Nam quận, rồi đoạt Ích châu, đóng ở Hán Trung, lại chiếm nốt Phòng Lăng (nay là huyện Phòng, Hồ Bắc) rồi Thượng Dung (nay là Trúc Sơn, Hồ Bắc), địa bàn của Lưu Bị ngày một lớn và nối liền thành một dải. Nếu Quan Vũ lấy nốt Tương Dương, Phàn Thành sẽ trở thành mối uy hiếp lớn đối với Giang Đông. Là chính quyền cát cứ vùng hạ du sông Trường Giang, tập đoàn Giang Đông không thể cứ giương mắt nhìn Lưu Bị, Quan Vũ càng ngày càng mạnh trên vùng thượng du của mình. Đây không còn là vấn đề “nuốt Lưu” để “tự mạnh” mà là vấn đề “ngăn đường Lưu” để “tự bảo vệ”.

 

 

Nhưng, chỉ với lực lượng của tập đoàn Tôn Quyền thì không đủ để ngăn cản Lưu Bị. Giống lúc ở Xích Bích, chỉ có liên hợp với Lưu Bị mới có thể chống lại Tào Tháo và lúc này chỉ có liên hợp với Tào Tháo mới có thể loại bỏ được sự uy hiếp của Lưu Bị và Quan Vũ. Vừa đúng lúc bên phía Tào Tháo cũng đang mong có sự liên hợp. Tại Phàn Thành, Quan Vũ đã gọi hàng Vu Cấm, chém đầu Bàng Đức, vừa đánh vừa thắng người người đều thấy, khắp nơi kinh động, Tam quốc chí - Quan Vũ truyện nói: “Vũ uy hiếp Hoa Hạ, Tào công định về Hứa Đô để lánh nạn”. Cũng tức là nói: Tào Tháo đã phải nghĩ tới chuyện dời đô. Tần Hán sử của ngài Lã Tư Miễn cho rằng, nói vậy chưa hẳn đã đúng, bất quá chỉ là “lời đồn”, nhưng sự thực thì đúng là Tào Tháo đã cảm thấy căng thẳng. Biện pháp tốt nhất là liên hợp với Tôn Quyền, Nam Bắc cùng kẹp đánh, khiến Quan Vũ đầu đuôi khó tránh, giữ chỗ nọ thì mất chỗ kia. Đây là chủ trương của một số mưu sĩ bên phía Tào Tháo. Theo Tam quốc chí - Tưởng Tế truyện, lúc Tào Tháo bàn chuyện dời đô cùng bộ hạ, Tư Mã Ý và Tưởng Tế nói với Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền bề ngoài là thân mật, thực chất là xa lánh. Quan Vũ đắc chí, Tôn Quyền tất không vui. Chi bằng cho người đến khuyên Tôn Quyền đánh lén vào phía sau Quan Vũ và hứa phong cho Quyền đất Giang Nam thì Phàn Thành sẽ được giải vây, khỏi phải bàn tới việc dời đô.

 

 

Tào Tháo thực hiện ý đó, giơ cành trám ra trước Tôn Quyền. Tôn Quyền bằng lòng ngay, còn viết thư cho Tào Tháo, hứa sẽ đánh Quan Vũ báo đáp triều đình, Tam quốc chí - Ngô chủ truyện nói: “xin đánh Vũ để báo đáp”. Theo Tam quốc chí - Đổng chiêu truyện, bấy giờ Tôn Quyền bảo đảm với Tào Tháo, nhất định sẽ đưa quân lên miền tây đánh lén Quan Vũ, mong phía Tào Tháo giữ kín, phòng Quan Vũ có chuẩn bị. Tào Tháo hỏi ý kiến bộ hạ, mọi người đều nói phải giữ bí mật, riêng người mưu sâu kế xa như Đổng Chiêu lại chủ trương phải để lộ. Đổng Chiêu cho rằng, bảo mật là có lợi cho Tôn Quyền, lộ ra thì có lợi cho Tào Tháo. Vì sao? Bởi vì sau khi biết tin, có thể Quan Vũ sẽ có hai phản ứng. Một, đưa ngay quân về cứu viện, Phàn Thành lập tức được giải vây, còn có khả năng bọn họ sẽ đánh nhau, chúng ta ngồi hưởng lợi. Nhưng con người Quan Vũ vốn hoành hành bá đạo, phần nhiều sẽ không chịu lui quân ngay. Lúc này nếu thủ quân trong thành không biết đã được cứu thì rất bất lợi cho chúng ta. Vì vậy, nói bằng lòng bảo mật, nhưng thực tế lại cố ý làm lộ tin. Tào Tháo hoàn toàn nghe theo, liền lệnh Tử Hoảng sao thư của Tôn Quyền thành nhiều bản rồi bắn tin vào Phàn Thành và quân doanh Quan Vũ, công bố tin tức Tôn Quyền sẽ lén đánh Giang Lăng, Công An.

 

 

Đổng Chiêu dự liệu rất đúng. Thủ quân trong thành được tin, sĩ khí tăng bội, quyết tâm giữ thành càng lớn, còn Quan Vũ thì do dự, chưa quyết. Vì sao Quan Vũ lại lưỡng lự? Quan điểm của Hồ Tam Tỉnh trong lời chú dẫn Tư trị thông giám là Quan Vũ cho rằng Tôn Quyền “không dễ phá” được Giang Lăng, Công An, thành trì kiên cố; còn Phàn Thành đã bị nước lũ bao vây, như miếng thịt đã đến miệng, lẽ nào phải vứt bỏ công lao đã có? Thực không cam lòng.

 

 

Quan Vũ do dự, Từ Hoảng đã có cơ hội. Từ Hoảng nhận lệnh đến cứu Phàn Thành, nhưng vẫn án binh bất động, một mặt vì binh lực “không đủ để giải vây” mặt khác thời cơ chưa đến. Vừa khéo lúc này Tào Tháo lại cử thêm mười hai doanh nữa, thế là Từ Hoảng quyết định tấn công. Theo chú dẫn Thục ký của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Quan Vũ truyện, lúc đó Từ Hoảng và Quan Vũ đang đứng xa nhau ngoài chiến trường, nói chuyện phiếm “nói chuyện cũ không nói chuyện quân”, vì hai người trước đây là bạn bè khi còn dưới quyền Tào Tháo. Nhưng, chỉ trong nháy mắt, Từ Hoảng đã xuống ngựa đọc lệnh “chặt đầu Quan Vân Trường, thưởng ngàn cân vàng”. Quan Vũ ngẩn người, sao đại ca lại nói như vậy? Từ Hoảng nói: đây là việc công. Cũng tức là, việc tư là việc tư, việc công là việc công, Từ Hoảng làm việc công quyết không nương tay. Kết quả, Quan Vũ bị đánh tơi bời, đành phải rút khỏi Phàn Thành.

 

 

Phàn Thành được giải vây, nhưng Tào Tháo lại không thừa thắng truy kích. Đó không phải vì Tào Tháo nhân từ hoặc nghĩ tình cũ mà chỉ muốn ngồi nhìn hai hổ đấu với nhau. Tào Tháo tin rằng: Tôn Quyền đã mài dao từ lâu, tất sẽ không buông tay bỏ cuộc.

 

 

Tào Tháo dự liệu hoàn toàn chính xác. Quan Vũ do dự, Tôn Quyền không do dự. Không chỉ không do dự mà động tác nhanh nhẹn, kế hoạch tỉ mỉ. Theo Tam quốc chí - Lã Mông truyện, sau khi Lã Mông phụng mệnh đến Tầm Dương, nhằm che mắt địch, tinh binh ẩn trong thuyền lớn, để binh sĩ mặc áo trắng chèo thuyền, biến quân nhân thành thương nhân, binh thuyền cải trang thành thương thuyền. Lén tiêu diệt hết những vọng gác của Quan Vũ ở dọc đường và thần không biết quỷ không hay cả đoàn đã đến Nam quận. Sĩ Nhân giữ Công An, Mi Phương giữ Giang Lăng. Hai người này vừa bất mãn vừa sợ hãi Quan Vũ. Vì vậy khi đại quân Lã Mông vừa tới, họ đã lần lượt ra hàng. Chờ khi Quan Vũ hiểu ra, Nam quận đã thuộc về họ Tôn. Đây chính là Áo trắng vượt sông.

 

 

Quan Vũ được tin Nam quận thất thủ, vội vã quay về, nhưng tất cả đã muộn, Lã Mông đã giành được lòng người Nam quận. Bây giờ nhìn lại, thấy rõ Lã Mông là người rất có đầu óc chính trị. Sau khi vào Nam quận, Lã Mông vỗ về dân chúng, với chính sách mềm mỏng đã nhanh chóng ổn định được tình thế. Vậy Lã Mông đã làm những gì? 1- Hạn chế binh sĩ, kỷ luật nghiêm minh, không tơ hào của dân; 2- Xuống với trăm họ, hỏi han tình hình, chăm sóc sức dân; 3- Niêm phong kho tàng của Quan Vũ, chờ đợi Tôn Quyền; 4- Hậu đãi gia quyến Quan Vũ và các tướng sĩ, thu phục lòng dân. Theo Tam quốc chí - Lã Mông truyện, bấy giờ Quan Vũ vừa lo quay về vừa lo cử người đến liên hệ với Lã Mông. Mỗi lần như vậỵ, Lã Mông luôn hậu đãi sứ giả, để họ đi dạo ở trong thành, có thể thăm hỏi từng hộ từng nhà, thậm chí còn chuyển hộ thư tín của người nhà cho họ, khiến tùy viên của Quan Vũ biết được gia đình vẫn bình an, sinh hoạt khấm khá. Kết quả, Quan Vũ không về được, bộ hạ đã “mất hết ý chí”, không còn ai muốn liều mạng vì Quan Vũ.

 

 

Cùng lúc này, bên Lục Tốn cũng đã khải hoàn. Tướng giữ thành của Lưu Bị, người chạy đã chạy (như Nghi Đô Thái thú Phàn Hữu), người bại đã bại (như Phòng Lăng Thái thú Đặng Phụ), kẻ hàng đã hàng (như tướng Thục Trần Phượng). Theo Tam quốc chí - Lục Tốn truyện, Lục Tốn “trước sau giết, chiêu nạp, có đến mấy vạn”. Tam quốc chí - Ngô chủ truyện nói, sau khi lấy xong Nghi Đô, Lục Tốn chiếm nốt Tỉ Quy, Kỳ Giang, Di Đạo, đóng quân ở Di Lăng, canh giữ Giáp Khẩu, phòng quân Thục tấn công. Theo Tam quốc chí - Lã Mông truyện, không lâu sau, Tôn Quyền đến Nam quận, lo việc chỉ huy, mở rộng mạng lưới, chờ Quan Vũ đến nộp mạng.

 

 

Lúc này Quan Vũ trước sau đều có địch. Lúc Quan Vũ rời khỏi Phàn Thành, bộ hạ của Tào Nhân chủ trương thừa thắng truy đuổi, bắt giết Quan Vũ, chỉ có Triệu Nghiễm phản đối, chủ trương lưu giữ Quan Vũ làm mối họa đối với Tôn Quyền (giữ lại nhằm hại Quyền). Triệu Nghiễm là nghị lang, nhiệm vụ là “giúp (Tào) Nhân về quân sự”, Tào Tháo phái Triệu đến chỗ Tào Nhân nhằm thực hiện ý đồ của mình. Về mặt thực tế, ý nghĩ của Tào Tháo và Triệu Nghiễm hoàn toàn giống nhau, để Tôn Quyền tiêu diệt Quan Vũ, Lưu Bị sẽ có mối thù sâu với Tôn Quyền. Vậy, bản thân Tào Tháo đã thực hiện được chưa? Chờ đợi Quan Vũ, số phận sẽ như thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét