Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

KHIẾU ĐÌNH DI HẬN

 


Chiến dịch Hào Đình (Di Lăng chi chiến)

Tập thứ ba mươi nhăm:         KHIẾU ĐÌNH DI HẬN


Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Tháng mười hai, Kiến An năm thứ XXIV, Lưu Bị trong tình trạng không có chuẩn bị gì về tư tưởng đã mất Quan Vũ lại mất luôn cả Kinh châu. Đối với Lưu Bị, người vừa lấy được Ích châu chưa lâu, đang dự định mở rộng địa bàn, thì đây là một đòn đả kích nặng nề. Nửa năm sau, Lưu Bị - người không dễ cam chịu, đã phát động cuộc chiến ở Di Lăng với ý đồ đoạt lại Kinh châu. Nhưng binh bại thân vong mà kết thúc. Vậy đó là trận chiến thế nào, và Lưu Bị tưởng đã nắm chắc phần thắng vì sao phải thất bại thảm hại?

 

 

Tập trước chúng ta nói tới trận chiến giành Kinh châu. Kết quả, Lưu Bị mất cả Quan Vũ lẫn Kinh châu. Quan Vũ là tướng yêu của Lưu Bị, Kinh châu là vận mệnh của Lưu Bị, đương nhiên Lưu Bị sẽ không cam chịu. Thế là nửa năm sau, Lưu Bị đông chinh, phát động chiến tranh đánh phá Tôn Quyền vào tháng bảy âm lịch, Công nguyên năm 221. Trước đó, tháng mười âm lịch, Công nguyên năm 220, Tào Phi xưng đế, cải nguyên là Hoàng Sơ. Tháng tư năm sau, Lưu Bị xưng đế, kiến nguyên Chương Vũ. Vì vậy, thời gian phát động chiến tranh, sử sách ghi là “tháng bảy Hoàng Sơ năm thứ II” hoặc “Tháng bảy Chương Vũ năm đầu”. Bấy giờ, Lưu Bị đóng quân ở Khiếu Đình (phía bắc Nghi Đô, Hồ Bắc ngày nay) hoặc Di Lăng (phía đông nam thị trấn Nghi Xương, Hồ Bắc ngày nay). Vì vậy sử sách ghi chép là “chiến tranh ở Di Lăng, Khiếu Đình” đơn giản là “chiến tranh Di Lăng” hoặc “chiến tranh Khiếu Đình”.

 

 

Chiến tranh ở Di Lăng, Khiếu Đình là chiến dịch quan trọng như cuộc chiến ở Quan Độ, ở Xích Bích. Hơn nữa cuộc chiến lần này cũng giống như cuộc chiến ở Quan Độ, cuộc chiến ở Xích Bích, đều kết thúc từ thất bại của người phát động chiến tranh. Viên Thiệu phát động cuộc chiến ở Quan Độ, kết quả Viên Thiệu thất bại, Tào Tháo phát động cuộc chiến ở Xích Bích, kết quả Tào Tháo thất bại, Lưu Bị phát động cuộc chiến ở Di Lăng, ở Khiếu Đình, kết quả Lưu Bị thất bại và sau đó thì qua đời. Vậy, vì sao Lưu Bị phải thất bại? Theo tôi có ba nguyên nhân: 1- Tôn Quyền có chuẩn bị nên vô hại; 2- Lưu Bị ra quân đơn độc; 3- Lục Tốn chỉ huy chắc chắn, về ba điểm này, chúng ta chỉ cần xem quá trình quyết sách của cuộc chiến và quá trình tiến hành cuộc chiến thì rõ ràng ngay.

 

 

Hãy nói điểm thứ nhất trước: Tôn Quyền có chuẩn bị nên vô hại.

 

 

Sau trận chiến giành Kinh châu, liên minh Tôn Lưu vốn yếu ớt đã bị vỡ. Tôn Quyền rất hận Lưu Bị, dứt khoát trở mặt với Lưu Bị, nghiêng hẳn sang phía Tào Tháo. Theo Lưu Chương truyện, Ngô chủ truyện trong Tam quốc chí và lời chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Vũ đế kỷ, sau khi đoạt lại Nam quận, Tôn Quyền tuyên bố không thừa nhận chức Ích châu mục của Lưu Bị, vẫn coi Lưu Chương là Ích châu mục, đóng tại Tỉ Quy. Tào Tháo cũng tiến cử Tôn Quyền là Phiêu kỵ tướng quân, giá tiết, lĩnh Kinh châu mục, phong Nam Xương hầu; Tôn Quyền dâng biểu xưng thần, còn chủ trương Tào Tháo nên xung đế. Tức là Tôn Quyền thừa nhận Tào Tháo là “trung ương”, Tào Tháo thừa nhận Kinh châu là của Tôn Quyền, Tôn Quyền không thừa nhận Ích châu là của Lưu Bị. Chúng ta đều biết, trước đó Lưu Bị là “mục của hai châu”, vừa là Kinh châu mục vừa là Ích châu mục. Lúc này, theo lập luận của Tào Tháo và Tôn Quyền, Lưu Bị chẳng là gì cả, đương nhiên Lưu Bị sẽ không chịu.

 

 

Tôn Quyền cũng biết Lưu Bị sẽ không chịu. Cho dù Tôn Quyền có thừa nhận Lưu Bị là Ích châu mục, Lưu Bị cũng sẽ không chịu. Vì lợi, Lưu Bị phải đoạt lại Kinh châu; vì nghĩa, Lưu Bị sẽ trả thù rửa hận. Khó tránh khỏi một trận đánh lớn, Tôn Quyền không thể không có chuẩn bị.

 

 

Vì vậy Tôn Quyền đã có chuẩn bị đầy đủ về cả hai mặt chính trị và quân sự. Về mặt chính trị, điều quan trọng là Tôn Quyền tích cực dựa hẳn vào Tào Ngụy. Kỳ thực, trước khi nổ ra chiến tranh giành giật Kinh châu, Tôn Quyền đã ngầm liếc mắt đưa tình với Tào Tháo. Mùa xuân năm Kiến An thứ XXII (Công nguyên năm 217), Tôn Quyền đã cử người sang “xin hàng” Tào Tháo, Tào Tháo cũng đánh tiếng sẽ lại kết làm thân gia với Tôn Quyền (thề lại kết hôn). Vì vậy mới có sự câu kết giữa hai bên khi nổ ra cuộc chiến giành Kinh châu. Sau trận chiến đó, Tôn Quyền vẫn tiếp tục dựa vào Tào Ngụy. Tháng mười, năm Kiến An thứ XXV, (Công nguyên năm 220), Tào Phi thay Hán xưng đế, tập đoàn Lưu Bị phản đối mãnh liệt, xỉ vả Tào Phi, nhưng phía Tôn Quyền vẫn giữ yên lặng. Đến tháng bảy, Tào Phi Hoàng Sơ năm thứ II (Công nguyên năm 221), lúc Lưu Bị đánh Ngô, thì tháng sau, Tôn Quyền đã dâng biểu xưng thần lên Tào Phi, và tháng mười một thì nhận xưng hiệu Ngô vương do Tào Phi sách phong, năm sau kiến nguyên là Hoàng Vũ. Lúc này, Tào Phi và Lưu Bị đã xưng đế, Tôn Quyền trở thành quốc vương một vương quốc độc lập, hình thế ba nước chân vạc đã hình thành.

 

 

Có điều về mặt danh nghĩa, lúc này Tôn Quyền chỉ là phiên vương của vương triều Tào Ngụy (Công nguyên năm 229 mới xưng đế). Đạt tới mức này, đối với Tôn Quyền chẳng dễ dàng gì. Bởi vì điều một, coi như đã thừa nhận Tào Phi “cướp Hán” là chính đáng. Điều hai, chứng tỏ quan hệ giữa Tào Phi và Tôn Quyền là quân thần. Vì vậy trong nội bộ tập đoàn Giang Đông mới có ý kiến khác nhau. Theo chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí- Ngô chủ truyện, Tôn Quyền nói luôn với bộ hạ, nghĩ xem năm đó chẳng phải Lưu Bang cũng đã nhận phong hiệu của Hạng Võ, là Hán vương sao? Chẳng qua chỉ là hợp thời, tùy cơ ứng biến mà thôi, quan trọng gì đâu?

 

 

Hiển nhiên, Tôn Quyền nhận phong hiệu của Tào Ngụy chỉ là kế tạm thời. Một khi thời cơ chín muồi, Tôn Quyền cũng sẽ xưng đế. Nhưng lúc này, Tôn Quyền chỉ có thể hòa hảo với Tào Phi, để tập trung sức lực đối phó với Lưu Bị. Trong thực tế, đồng thời với việc chuẩn bị về chính trị, Tôn Quyền đã chuẩn bị cả về mặt quân sự. Theo Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, trước đó bảy tháng, tức là vào tháng tư Hoàng Sơ năm thứ II (Công nguyên năm 221), sau khi Lưu Bị xưng đế Tôn Quyền đã dời bộ chỉ huy của mình từ Công An đến Ngạc Thành (thị trấn Ngạc Châu, Hồ Bắc ngày nay), đổi tên là Vũ Xương (không phải khu Vũ Xương thị trấn Vũ Hán, Hồ Bắc bây giờ), Vũ Xương quận gồm có sáu huyện: Vũ Xương, Hạ Trĩ, Tam Dương, Dương Tân, Sài Tang, Sa Tiện. Vào tháng tám, Tôn Quyền đã giải thích về điểm này. Tôn Quyền nói: các bậc tiên hiền, tiên triết đã dạy, ở yên phải nghĩ đến nguy, (tổn đừng quên vong, an tất nghĩ đến nguy, lời dạy của người xưa). Huống chi đang ở bên lang, sói, có thể không chuẩn bị để ứng biến sao? Vì vậy, Tôn Quyền không kể tới những lời phản đối, “thà uống nước Kiến Nghiệp chứ không ăn cá Vũ Xương” đã kiên quyết dời đô đến Vũ Xương, và sau khi Lưu Bị xuất quân đã lập những phòng tuyến dọc theo Trường Giang. Mới hay, Tôn Quyền luôn luôn đề phòng Lưu Bị. Và cũng rõ, Tôn Quyền đã chuẩn bị chu đáo cho trận đánh.

 

 

So sánh để thấy, Lưu Bị chuẩn bị chưa đủ. Sau trận chiến Kinh châu, Lưu Bị vừa tức vừa hận, nhưng lại không bình tĩnh rút kinh nghiệm, không để binh mã được nghỉ ngơi, lại sức, đã vội vàng xưng hoàng đế. Tháng tư năm Bính Ngọ, Tào Ngụy Hoàng Sơ năm thứ II (ngày 15 tháng 5 Công nguyên năm 221), Lưu Bị lên ngôi hoàng đế tại núi Vũ Đản phía tây bắc Thành Đô. Nghi lễ kết thúc vội vã, và ngay trong tháng sáu đã điều binh khiển tướng, tháng bảy ngự giá thân chinh, còn lệnh Trương Phi đem quân hội hợp ở Giang Châu (nay là Trùng Khánh). Kết quả, Trương Phi chưa kịp hành động, đã bị bộ hạ giết chết, thủ cấp được đưa đến cho Tôn Quyền.

 

 

Trương Phi chết rõ ràng là một tổn thất nặng nề đối với Lưu Bị. Chúng ta đều biết số tướng lĩnh bên phía Lưu Bị có mấy người được coi là “Ngũ hổ thượng tướng”. Thực ra thì sau khi xưng vương, Lưu Bị chỉ phong bổn viên thượng tướng, là Tiền tướng quân Quan Vũ, Hữu tướng quân Trương Phi, Tả tướng quân Mã Siêu, Hậu tướng quân Hoàng Trung, không có Triệu Vân. Triệu Vân vẫn chỉ là Dực quân tướng quân. Có điều khi viết Tam quốc chí, Trần Thọ đã đưa cả Triệu Vân và Quan Trương Mã Hoàng vào trong một truyện, nên dân gian mới nói là “Ngũ hổ thượng tướng”. Trương Phi chết, trong cái gọi là “Ngũ hổ thượng tướng” của Lưu Bị đã mất ba người. Còn lại Mã Siêu phải phòng Ngụy ở phía bắc, Triệu Vân không được tín nhiệm (sau này sẽ nói tới nguyên nhân). Trong đội ngũ Đông chinh không hề có những tướng lĩnh xứng đáng. Ngoài ra, Bàng Thống đã chết trận vào năm Kiến An năm thứ XIX (Công nguyên năm 214), Pháp Chính qua đời năm Kiến An thứ XXV (Công nguyên năm 220), Gia Cát Lượng trấn thủ Thành Đô không dứt ra được, vì vậy đội ngũ Đông chinh không có quân sư hoặc mưu thần. Có thể nói, Lưu Bị phát động chiến tranh quá vội vàng, ra quân bất lợi, tướng soái không đủ. Vậy, vì sao Lưu Bị vẫn muốn đánh trận này?

 

 

Điều này liên quan tới vấn đề thứ hai chúng ta sắp nói, Lưu Bị quá đơn độc.

 

 

Thực tế thì hàng loạt quyết định của Lưu Bị lúc đó, như việc Đông chinh, kể cả việc xưng đế, không ít người tỏ thái độ phản đối. Như Phí Thi đã nói ở phần trên. Còn có Thượng thư lệnh Lưu Ba và chủ hạ Ung Mậu, đều không tán thành Lưu Bị xưng đế. Dực quân tướng quân Triệu Vân và Tòng sự tế tửu Tần Mật phản đối Đông chinh. Nếu nói, lời nói của Tần Mật có thể coi là vọng ngôn (trong Tam quốc chí - Tần Mật truyện ghi là “nói là có thiên thời nhưng thực là bất lợi”) thì ý kiến của Triệu Vân là đúng. Theo chú dẫn Vân biệt truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Triệu Vân truyện, Triệu Vân nói với Lưu Bị, quốc tặc là Tào Tháo, không phải là Tôn Quyền. Nếu diệt xong Tào Ngụy thì Đông Ngô không thành chuyện. Lúc này tuy Tào Tháo đã chết, nhưng Tào Phi là con lại càng hư, vì vậy “không nên bỏ qua Ngụy, đánh Ngô trước”. Hơn nữa chiến tranh mà mở màn thì e khó giải quyết, khó kết thúc.

 

 

Đó là những lời nói chối tai. Chúng ta đều biết, lúc này Lưu Bị đã ở vào tuổi “thuận tai” như Khổng Tử nói: “thuận tai” tức là nói kiểu gì cũng lọt tai. Nhưng không hiểu vì sao Lưu Bị lại không “thuận tai”. Kết quả, Phí Thi bị giáng chức, Ung Mậu bị giết, Tần Mật “bị nhốt vào ngục” (về sau được tha), Lưu Ba sợ đến nỗi không dám nói gì nữa (sợ bị nghi ngờ, luôn giữ yên lặng, không gặp riêng ai, không là việc công không nói), Triệu Vân mất tín nhiệm, không được Đông chinh.

 

 

Nói ra cũng chẳng có gì là lạ. Thực tình thì Lưu Bị và Tào Tháo cũng giống nhau, đều là những nhân vật cường quyền, không muốn người khác phản đối phương châm chiến lược và đường lối chính trị của mình, vân đề là đường lối, phương châm đó đúng hay sai. Hãy chưa bàn đến việc xưng đế, nói tới việc Đông chinh. Vì sao Lưu Bị phải Đông chinh? Một số người nói vì muốn báo thù cho Quan Vũ. Tam quốc chí - Pháp Chính truyện cũng nói “rửa nhục cho Vũ” hoặc vì tức giận. Nói vậy là không đúng. Tam quốc sử thoại của ngài Lã Tư Miễn nói, báo thù thay cho nghĩa đệ “rõ ràng là nói đùa”, nói quân Lưu là đoàn quân phẫn nộ “cũng chưa hẳn là vậy”. Tôi thấy ngài Lã nói có lý. Vì sao? 1- Con người kiên định, khó lay chuyển như Lưu Bị sẽ không làm việc theo cảm tính. 2- Sau khi Quan Vũ bị hại, Lưu Bị không tỏ ra đau đớn lắm hoặc đập bàn tức giận mà đang mải mê với việc xung đế của mình, cũng không kịp phong hầu cho Quan Vũ, năm Cảnh Diệu thứ III (Công nguyên năm 260), hậu chủ Lưu Thiền mới truy ích Quan Vũ là Tráng mâu hầu. 3- Lúc Lưu Bị ra quân là nửa năm sau khi Quan Vũ mất, vậy đâu phải là sự rung động của tình cảm? Chỉ có thể nói đó là phương châm đã định.

 

 

Nhưng chúng ta đều biết, theo kế sách Long Trung của Gia Cát Lượng, phương châm định sẵn của Lưu Bị là liên Ngô chống Tào, Triệu Vân cũng nói: “hợp lòng dân phải sớm lấy Quan Trung”, không nên bỏ qua Tào Ngụy, đánh Đông Ngô trước. Vậy vì sao Lưu Bị làm việc không theo quy hoạch chiến lược của Gia Cát Lượng, cũng không nghe theo Triệu Vân? Ngài Lã cho rằng, rất giống với chủ trương của Lã Mông không đánh Từ châu mà đánh Kinh châu, giống như ăn thị phải chọn quả thật chín. Nói vậy là có lý. Tào Ngụy là kẻ thù mạnh đã có cả nửa thiên hạ, đâu phải miếng ăn dễ nuốt? Rõ ràng là phải tính toán. Vì vậy Lã Mông thấy dễ đối phó với Quan Vũ hơn, Lưu Bị thấy dễ lấn lướt với Tôn Quyền hơn. Lã Mông, người làm cho Lưu Bị, Quan Vũ bị hố to, thì sau khi tranh đoạt Kinh châu kết thúc, chưa kịp lĩnh thưởng đã qua đời, người thế chân là thư sinh Lục Tốn, chẳng nhẽ lại khó đối phó?

 

 

Bên phía Tào Ngụy đã có người thấy rõ điểm này. Theo Tam quốc chí - Lưu Hoa truyện, vào năm thứ hai sau khi Quan Vũ bị hại, tức là Ngụy văn đế hiệu Hoàng Sơ năm đầu (Công nguyên năm 220) Lưu Bị ra quân, Tào Phi xuống chiếu quần thần, mong họ đoán xem phải chăng Lưu Bị ra quân đánh Ngô để trả thù cho Quan Vũ, mọi người đều cho là không phải. Họ nói, Thục là nước nhỏ, một mình Vũ là đại tướng, nay Vũ chết, ai là người dám ra quân? Lưu Hoa khẳng định sẽ có người dám. Lưu Hoa nói, tuy Thục vừa nhỏ vừa yếu, nhưng sách lược của Lưu Bị lại là, phải bằng vũ lực để mạnh hơn, nên họ sẽ mở cờ gióng trống, diễu võ giương oai để tỏ rõ sức mạnh có thừa. Hơn nữa, Lưu Bị và Quan Vũ “nghĩa là quân thần, ân là cha con”, Quan Vũ chết nếu không báo thù thì coi sao được.

 

 

Lưu Hoa nói cũng có lý, có thể lúc đó Lưu Bị cũng nghĩ như vậy. Tóm lại, tôi thấy có ba nguyên nhân khiến Lưu Bị đánh Ngô: thứ nhất, tình cảm Quan Vũ và Lưu Bị như tay chân, cùng sống cùng chết, thù đó không thể không báo. Thứ hai, trong thời đại cá lớn nuốt cá bé, Lưu Bị bé nhỏ, tất phải lấy công để thủ; Tào Ngụy quá mạnh, chỉ có thể công kích Đông Ngô. Đương nhiên, ở đây còn một nguyên nhân quan trọng nữa, không thể không đoạt lại Kinh châu. Phần trước đã nói, Kinh châu là mạng sống của Lưu Bị, chẳng nhẽ cứ để ở trong tay Tôn Quyền? Nguyên nhân thứ ba chính là điều này.

 

 

Đương nhiên muốn đoạt lại Kinh châu phải tính kế lâu dài, phải chuẩn bị kỹ. Chí ít cũng phải đầy đủ mọi mặt trong quá trình chiến tranh. Theo Tam quốc chí - Hoàng Quyền truyện, Biên tướng quân Hoàng Quyền lúc đó lo ngại từ xa đánh thẳng vào là có phần mạo hiểm, từng nói với Lưu Bị nên đánh đâu chắc đó. Hoàng Quyền nói: quân Ngô kiêu dũng thiện chiến, đối phó không dễ; quân ta tiến xuống theo đường sông, tiến dễ lui khó. Vì vậy vi thần xin làm tiên phong thăm dò nông sâu trước, bệ hạ chỉ huy ở hậu phương là được. Lưu Bị không nghe, còn điều Hoàng Quyển đến Giang Bắc, và mặc tất cả, tự mình tiếp tục tiến tới.

 

 

Lưu Bị đã sai lầm. Thực tế thì trong cả trận đánh ở Khiếu Đình tình cảm Lưu Bị bộc lộ bằng hai chữ: nôn nóng. Tất nhiên, nếu đối phương cũng nôn nóng thì còn được. Tiếc rằng chủ soái của đối phương không những không nôn nóng, mà hết sức trầm tĩnh. Hơn nữa, Lưu Bị càng nôn nóng, đối phương càng lạnh lùng. Đây cũng là nguyên nhân thứ ba khiến Lưu Bị thất bại trong trận Khiếu Đình. Lục Tốn chỉ huy chắc chắn.

 

 


Ảnh: Hoa văn mô tả cảnh Lục Tốn gặp Hoàng Thừa Ngạn,
thời vua Sùng Trinh, khoảng 1640.

Lục Tốn là tổng chỉ huy quân Ngô trong trận Khiếu Đình. Theo Tam quốc chí - Lục Tốn truyện, sau khi Lưu Bị đưa quân xuống phía đông, Tôn Quyền lệnh Lục Tốn là đại đô đốc, giá tiết, (ý là có thượng phương bảo kiếm), sai Chu Nhiên, Phan Chương, Tống Khiêm, Hàn Đang, Từ Thịnh, Tôn Hoàn, Tiên Vu Đan lĩnh năm vạn quân ngược lên chống giặc. Lúc này nhìn lại, thấy quyết sách của Tôn Quyền là hoàn toàn chính xác, cách dùng người hết sức thỏa đáng. Thực tế cho hay, nêu trận đánh này không do Lục Tốn chi huy thì có khả năng kết quả sẽ khác.

 

 

Chúng ta hãy xem xem Lục Tốn đã dùng binh như thế nào?

 

 

Theo Tam quốc chí- Tiên chủ truyện, Thục, Chương Vũ năm thứ II, tức Ngô Hoàng Vũ năm đầu, tháng giêng Ngụy, Hoàng Sơ năm thứ III (Công nguyên năm 222), tiền quân Lưu Bị đã đến Đi Lăng (thành cổ về phía đông nam thị trấn Nghi Xương, Hồ Bắc ngày nay). Tháng hai, Lưu Bị đến Khiếu Thành (cách ba mười dặm về phía bắc thị trấn Nghi Đô, Hồ Bắc ngày nay). Theo chú dẫn Ngô thư và Tư trị thông giám của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Lục Tốn truyện và trong chuyện này, bấy giờ tướng lĩnh bên Ngô nhao nhao đòi đánh, nhưng Lục Tốn không đồng ý. Lục Tốn hiểu rõ, Lưu Bị vừa đến còn rất mạnh, cần phải bình tĩnh ứng chiến, còn nói với tướng lĩnh, đại quân Lưu Bị vừa xuôi dòng tới đây, khí thế đang hăng, nhuệ khí đang vượng, chiếm vùng cao điểm, ở nơi hiểm yếu, không thể dễ dàng phá được chúng, giành toàn thắng lại càng khó. Nếu ra quân bất lợi, ảnh hưởng toàn cục, vấn đề sẽ nghiêm trọng. Có điều, quân Thục hành quân trên núi, triển khai khó khăn, lâu ngày sẽ thành quân mệt mỏi, hãy chờ xem tình thế diễn biến thế nào. Tướng lĩnh nghe xong lại cho Lục Tốn là kẻ nhát gan sợ việc, “đều thấy phẫn nộ”.

 

 

Lục Tốn đã có suy nghĩ của riêng mình. Lục Tốn lệnh toàn quân lùi sâu về phía sau, nhường hàng mấy trăm dặm sườn núi hiểm trở cao ngất cho Lưu Bị, quân Ngô giữ vững trước trận ở Khiếu Đình, không ra ứng chiến. Chẳng còn cách nào khác, Lưu Bị đành phải lệnh tướng Ngô Ban lĩnh hàng mấy ngàn quân hạ trại chỗ đất bằng. Các tướng lĩnh bên Ngô đều nói: lúc trước quân Thục ở trong núi không đánh được, bây giờ trên đất bằng có thể đánh rồi chứ? Lục Tốn lại nói: khoan đã! Lưu Bị làm vậy tất có gian trá. Quả nhiên, Lưu Bị thấy mình không giấu được Lục Tốn, bèn cho cả tám ngàn quân mai phục trong hang núi đánh thẳng ra. Lúc này tướng lĩnh bên Ngô mới vỡ nhẽ, bái phục Lục Tốn liệu việc như thần.

 

 

Thực ra chỗ hơn người của Lục Tốn không chỉ ở biết thần cơ diệu toán mà còn có sự trầm tĩnh. Ai đã đọc Tào Quệ luận chiến đều rõ: “chiến tranh cần dũng khí. Một ra oai, hai yếu dần, ba cạn kiệt”. Quân Thục xuôi xuống, khí thế hung dữ, hận là không thể nuốt nốt Đông Ngô. Nhưng khi họ đến Di Lăng, đến tiền tuyến Khiếu Đình đã bị quân Ngô chốt chặt, suốt trong mấy tháng không tìm được cơ hội quyết chiến. Thêm vào đó, việc vận chuyển khó khăn, không đủ lương thực. Khí trời nóng bức, tinh thần ngày càng bạc nhược, sĩ khí cũng ngày càng sa sút. Lúc này Lục Tốn mới tuyên bố, giờ phút phản công đã tới.

 

 

Theo Tam quốc chí - Văn đế kỷ và Nhị Thập sử sóc nhuận biểu của Trần Viên, tháng sáu nhuận năm đó Lục Tốn quyết định phản công. Lục Tốn truyện nói: lúc đó tướng lĩnh quân Ngô lấy làm khó hiểu. Họ cho rằng, lúc Lưu Bị vừa nhập cảnh mới là lúc tiến công Lưu Bị. Lúc này kẻ địch đã vào sâu năm, sáu trăm dặm, hai bên đã kình địch bảy, tám tháng trời. Lúc này Lưu Bị đã vững chân, gia cố xong những nơi hiểm yếu, còn có thể đánh được không? Lục Tốn nói, Lưu Bị là kẻ giảo hoạt (Bị thật gian giảo), Kinh nghiệm phong phú, hiểu biết rộng (trải nhiều việc), lúc mới đến suy nghĩ chu đáo hơn, vì vậy chúng ta không nên giao đấu. Sau mấy tháng, quân sĩ đã mệt mỏi, ý chí giảm sút, chẳng còn chiêu gì đáng kể (binh mệt chí giảm, mưu kế đã hết). Nay chính là lúc chúng ta tiêu diệt lũ giặc đó.

 

 

Nói là vậy, nhưng Lục Tốn vẫn quyết định hành sự thận trọng, “đánh trước một doanh”, kết quả “bất lợi”. Chư tướng đều nói: xem kìa, chết uổng mất nhiều người. Lục Tốn cho là không phải chết uổng. Vì Lục Tốn đã thấy được chỗ sơ hở của Lưu Bị tìm được biện pháp để phá giặc.

 

 

Vậy, Lưu Bị bố trận có sơ hở gì, Lục Tốn có chiêu gì mới để phá địch? Sau khi đến tiền tuyến, Lưu Bị lệnh cho quân lính lập vô số những doanh trại san sát bên nhau hàng bảy trăm dặm từ Vu Hiệp đến Di Lăng. Theo Tam quốc chí - Văn đế kỷ, lúc đó Tào Phi cũng đoán Lưu Bị sẽ bại. Tào Phi nói: Lưu Bị không hiểu cách dùng binh (Bị không biết dùng binh), doanh trại san sát cách hàng bảy trăm dặm đâu có thể chống lại địch? Hơn nữa, không nên lập doanh trại ở đó. Chẳng bao lâu nữa sẽ có tin thắng trận của Tôn Quyền.

 

 

Tào Phi ở Lạc Dương xa xôi còn nhìn thấy sơ hở của Lưu Bị, lẽ nào chỉ cách nhau gang tấc, Lục Tốn lại không thấy? Theo Tam quốc chí - Lục Tốn truyện, trong lúc hai bên còn kình địch nhau, Lục Tốn từng dâng sớ lên Tôn Quyền trình bày kế sách của mình. Trong bản sớ tâu Lục Tốn nói: điều làm thần lo ngại nhất là Lưu Bị “thủy lục cùng tiến”. Nào ngờ Lưu Bị đã bỏ qua điều kiện thuận lợi đó, ngược lại để thủy quân lên bờ, hạ trại san sát bên nhau trong rừng núi. Điều đó khác gì tự mình chui vào đất bại. Vì vậy, sau lần trinh sát bằng hỏa lực đó, Lục Tốn đã có cách.

 

 

Biện pháp của Lục Tốn khá đơn giản - nổi lửa, trong trận chiên Xích Bích liên quân Ngô - Lưu đã từng dùng. Theo Tam quốc chí - Lục Tốn truyện, Lục Tôn lệnh từng binh sĩ mang theo một bó cỏ, và phóng hỏa gần doanh trại quân Bị, đồng thời tấn công luôn. Cùng với thế lửa rừng rực, các cánh quân khác nhất loạt xuất kích. Thế rồi Lục Tốn phát lệnh, chủ lực quân Ngô tề tập ở Khiếu Đình, tiến công quân Lưu, một lúc xóa sạch hơn bốn mươi doanh trại. Không kịp đề phòng, Lưu Bị kinh hồn lạc phách, chạy tới Mã Yên Sơn (phía tây bắc thị trấn Nghi Xương, Hồ Bắc ngày nay). Lục Tốn ra sức đánh tiếp, đốc thúc các quân áp sát từ bốn phía. Quân Thục “như băng tan núi lở, quân chết hàng mấy vạn”, Lưu Bị cùng một số tùy tòng chạy suốt ngày đêm về thành Bạch Đế. Thuyền bè, khí giới, vật tư của Lưu Bị “bỗng chốc sạch không”; thi thể quân lính “trôi nổi khắp trên mặt sông”. Lưu Bị thảm bại vừa xấu hổ vừa phẫn nộ đã ngẩng mặt nhìn trời than rằng: trẫm đã bị Lục Tốn hạ nhục, e đây là ý trời (không phải là ý trời sao)!

 

 

Xem ra Lưu Bị đã hoàn toàn không phục khi “bị Tốn làm nhục”. Có thể trong mắt Lưu Bị và Quan Vũ, Lục Tốn chỉ là một thư sinh, không đáng ngại, nói chi tới phải bại trận. Thực tình, Lục Tốn không phải thư sinh, mà là nho tướng, là nhà chính trị nhà quân sự bên phía Đông Ngô. Lục Tốn thành công không phải do ý trời mà do “mưu kế”. Phần trên đã nói: Lục Tốn từng có sớ dâng lên Tôn Quyền. Trong bản sớ đó, trước hết Lục Tốn đã nêu rõ tính chất quan trọng của cuộc chiến. Chúng ta đều biết, phía tây Lăng Hiệp là vùng cực đông ngã ba sông Trường Giang, cửa đông của tây Lăng Hiệp là huyện Di Lăng. Vì vậy Lục Tốn nói: Di Lăng là vùng đất chiến lược quan trọng, cùng là cửa lớn phía tây của vương quốc Đông Ngô chúng ta. Vùng này dễ chiếm và cũng dễ mất. Một khi không giữ được thì không chỉ mất một quận mà còn ảnh hưởng tới an toàn của cả Kinh châu, thực đáng lo ngại. Vì vậy trận này không thể thất bại, nhất định phải thắng (cuộc chiến này tất phải thắng). Đây chính là nguyên nhân thứ nhất khiến Lục Tốn thành công. Vô cùng coi trọng, có chí thì nên.

 

 

Rõ ràng Lục Tốn rất coi trọng cuộc chiến này, nhưng chẳng lẽ Lưu Bị lại không biết có chí thì nên sao? Thế là Lục Tốn lại phải tâu rõ với Tôn Quyền ba nhược điểm lớn của Lưu Bị. Thứ nhất, Lưu Bị vi phạm luật, không giữ sào huyệt, ra quân viễn chinh, là tự dấn thân vào chỗ chết; thứ hai, Lưu Bị chinh chiến cả đời, bại nhiều thắng ít, từ đó mà suy, lần này cũng không đáng ngại; thứ ba, “bỏ thuyền lên bộ, doanh trại khắp nơi”. Vì vậy, Lục Tốn mong Tôn Quyền cứ kê cao gối mà ngủ, chờ tin thắng trận. Đây lại là nguyên nhân thứ hai khiến Lục Tốn thành công, biết mình biết ta, sớm có ý đồ.

 

 

Nguyên nhân thứ ba là “trầm tĩnh ứng chiến, sau mới không chế”, tình hình cụ thể thế nào phần trước đã nói. Lúc này chỉ muốn nói, làm được điều này không phải dễ. Theo Tam quốc chí - Lục Tốn truyện, lúc Lục Tôn và Lưu Bị còn kình địch thì Tôn Hoàn đã bị quân Lưu Bị bao vây ở Di Đạo (thuộc tây bắc Chi Thành, Hồ Bắc ngày nay). Tôn Hoàn là cháu họ của Tôn Quyền (cha Hoàn là Tôn Hà có họ với Tôn Kiên), Hoàn là An Đông trung lang tướng. Vì vậy, Tôn Hoàn cầu viện với Lục Tốn, chủ tướng đều nói nên ra quân, nhưng Lục Tốn vẫn án binh bất động. Lục Tốn nói: An Đông rất được lòng người, Di Đạo tường cao hào sâu, lương thực đầy đủ, không gì phải lo. Chờ khi cơ mưu của bản soái được thi triển, quân vây Di Đạo không đánh cũng tan. Quả nhiên, lúc Lục Tốn vừa phóng hỏa, bên chỗ Tôn Hoàn đã được giải vây. Theo Tam quốc chí - Tôn Hoàn truyện và Lục Tốn truyện, sau khi được giải vây, Tôn Hoàn đã xẻ núi bắc cầu, khơi thông dòng chảy để nhanh tới cản đường Lưu Bị, khiến Lưu Bị phải vượt suối băng rừng mới thoát hiểm. Về sau Lưu Bị từng bực dọc nói: lúc trẫm đến Kinh Khẩu, Tôn Hoàn còn là đứa bé (lúc hai bên đánh nhau, Tôn Hoàn mới hai mươi nhăm tuổi), bây giờ hắn đã bức trẫm ghê vậy! Tôn Hoàn nói với Lục Tốn, Tôn mỗ cầu viện không được đã oán hận tướng quân, nghĩ lại mới thấy, tướng quân thật biết cách điều động!

 

 

Đúng là Lục Tốn bình tĩnh, có cách điều quân, nhất là biết nhẫn nhịn trước, chế ngự người khác sau, bảo đảm bên Ngô ra quân là thành công, giành toàn thắng. Lục Tốn là người nhìn xa trông rộng nên mới làm được như vậy. Số tướng lĩnh dưới quyền Lục Tốn lúc đó nếu không phải là chư tướng nguyên lão thì cũng là hoàng thân quốc thích, người người đều không biết sợ, không dễ phục tùng. Lục Tốn đã mở hội nghị, tay cầm bảo kiếm, giọng nói đanh thép. Lục Tốn nói: Lưu Bị là người nổi tiếng, ai cũng biết, ngay cả Tào Tháo cũng có phần nể sợ. Lúc này Lưu Bị lĩnh đại quân xâm phạm lãnh thổ nước ta, đó là đối thủ đáng gờm, không thể xem thường! Chư vị mang ân đất nước nên phải cùng ta chống kẻ thù chung, có lý gì không theo sự chỉ huy của ta? Lục mỗ tuy là thư sinh nhưng được phục mệnh chúa thượng. Chúa thượng xem trọng Lục Tốn vì Lục Tốn có thể nhẫn nhục gánh vác việc lớn. Nay nhiệm vụ không được thoái thác; quân lệnh như sơn, không thể vi phạm. Bản soái có lời nói trước!

 

 

Lời Lục Tôn như có đanh có thép, thêm vào đó Lục Tốn có tài cầm quân, nên ai nấy đều thán phục. Thế rồi Tôn Quyền đã hỏi, chư tướng không nghe chi huy, sao tướng quân không báo với quả nhân? Lục Tốn trả lời nói: vi thần tuy bình thường yếu đuối, nhưng từng được nghe chuyện của Lạn Tương Như, Khâu Tuân. Tôn Quyền cười lớn, thăng Lục Tốn làm phò quốc tướng quân, lĩnh Kinh châu mục, phong Giang Lăng hầu. Trong Lưu Bị truyện ngài Trương Tác Diệu tổng kết việc thành bại trong trận chiến Khiếu Đình cho rằng, có bốn nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của Tôn Quyền, một trong số đó “chọn soái đúng người” (ba điều khác là chiến bị đầy đủ, chiến lược chính xác, địa thế có lợi).

 

 

Trận chiến Khiếu Đình là đòn đánh mạnh vào Lưu Bị. Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, tháng tám Chương Vũ năm thứ II (Công nguyên năm 223), Lưu Bị bại trận lui về huyện Vu (Vu sơn thị trấn Trùng Khánh ngày nay), sau về thành Bạch Đế (phía đông Phụng Tiết, Trùng Khánh ngày nay), ít lâu sau thì nhiễm bệnh, liệt giường. Tháng hai Chương Vũ năm thứ III (Công nguyên năm 224), Lưu Bị biết mình sắp rời trần thế, đã cho triệu Gia Cát Lượng đến Vĩnh An (nguyên là Ngư Phục, huyện Trị, Bạch Đế thành) để bàn về hậu sự. Đây lại là việc làm để lại ảnh hưởng sâu rộng. Vậy Lưu Bị đã sắp đặt như thế nào? Đằng sau việc đó có vấn đề gì?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét