Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

NHÂN YẾU MÀ VÀO

 


Lưu bị và Lưu Chương

Tập thứ ba mươi mốt: NHÂN YẾU MÀ VÀO

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Sau trận chiến Xích Bích, Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền chia ba Kinh châu, và mục tiêu tranh giành lại là Ích châu, Lưu Bị giành thắng lợi cuối cùng. Vì sao Lưu Bị có thể giành thắng lợi trong cuộc tranh chấp này? Vì sao Tào Tháo và Tôn Quyền lại chẳng được gì ? Lưu Chương nguyên ở Ích châu vì sao lại để mất địa bàn?

 

 

Sau trận chiến Xích Bích, lại là chiến tranh, mặc cả, thỏa thuận, cuối cùng Lưu Bị chiếm được một nửa quận Nam và bốn quận: Vũ Lăng (trị sở ở Thường Đức ngày nay); Trường Sa (trị sở tại Trường Sa ngày nay); Quế Dương (trị sở ở Sâm Châu ngày nay); Linh Lăng (trị sở tại Linh Lăng ngày nay), lên làm Kinh châu mục; Chu Du công phá Giang Lăng, Tôn Quyền khống chế tây từ Di Lăng (nay là Nghi Xương, Hà Bắc) đông đến phòng tuyến Trường Giang của Tam Dương (này là Cửu Giang, Giang Tây), chiếm cả quận Giang Hạ; Tào Tháo lui về phương Bắc, vẫn chiếm quận Nam Dương và một nửa quận Nam, trung tâm là Tương Dương. Tào, Lưu, Tôn chia ba Kinh châu. Lúc đó, chẳng ai nuốt được ai, họ có ý đánh vào Ích châu.

 

 

Ích châu bao gồm Hán Trung, Quảng Hán, Ba quận, Thục quận, là một trong hai châu lớn nhất Đông Hán, ruộng đất phì nhiêu bát ngát, còn gọi là đất nước thiên phủ. Thêm vào đó, người chủ là Lưu Chương không mấy bản lĩnh, sẽ giữ không nổi, chẳng khác gì con dê mà bầy lang sói muốn ăn tươi nuốt sống. Sau hồi tranh đoạt, Lưu Bị lấy được Ích châu, Tôn, Tào hụt hẫng. Từ đây hình thành ba nước theo thế chân vạc. Chúng ta đều biết, Lưu Bị ở thế yếu nhất trong ba nhà, chiếm hữu bốn quận Kinh châu cũng là nơi nghèo khổ nhất. Nhưng người mạnh thì về không, người yếu lại được, vì sao như vậy?

 

 

Có bốn nguyên nhân.

 

 

Thứ nhất, Tôn Quyền có khó khăn. Sau khi lấy Thục, Tôn Quyền có hai con đường. 1- Lên bắc qua An Khang vào Hán Trung. 2- Theo đường nam dọc theo Trường Giang, Tây tiến. Nhưng hai đường này đều bị tắc. Theo đường nam phải đi qua địa bàn của Lưu Bị; lên miền Bắc, Tào Tháo không chấp nhận. Tôn Quyền có biện pháp là liên hợp với Lưu Bị, cùng nhau lấy Thục. Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, lúc đó Lưu Bị, em rể của Tôn Quyền đã thương lượng với thủ hạ, có người bằng lòng, vì nếu không, Tôn Quyền sẽ không thể vượt qua địa bàn chúng ta, chiếm lĩnh Ích châu, Ích châu đã là của chúng ta rồi (Ngô không thể vượt Kinh để có Thục). Nhưng có người tên là Ân Quan lại không đồng ý, Ân Quan nói: Kinh châu liên hợp đánh Thục, chúng ta nhất định là quân tiên phong. Lấy được Ích châu thì tốt, nếu không lấy được, quân Đông Ngô ở mặt sau, chúng ta lâm vào thế ba mặt đều có địch.

 

 

Ân Quan nói đúng ý nghĩ của Tôn Quyền. Liên hợp lấy Thục cái gì? Thực ra chỉ muốn điều Lưu Bị ra khỏi Kinh châu, đương nhiên, Lưu Bị sẽ không bị lừa. Ngay cả khi liên hợp lấy Thục thành công, Lưu Bị cũng không muốn. Theo chú dẫn Hiến đế Thiên Thu của Bùi Tùng Chi nói: ý của Lưu Bị là “muốn tự mình lấy Thục” sao có thể hợp tác cùng Tôn Quyền? Có điều lúc đó không thể đắc tội với Tôn Quyền. Và rồi Ân Quan lại hiến kế, chúng ta ủng hộ Tôn Quyền đánh Thục, nhưng không ra quân. Cho hay chúng ta vừa lấy bốn quận, tình thế chưa ổn định, không thể khinh suất manh động và chắc họ cũng không dám vượt qua phòng tuyến của chúng ta để lấy Thục. Lưu Bị theo kế đó, quả nhiên Tôn Quyển đã vứt bỏ ý định của mình (Tiên chủ nghe theo, Quyền đã bỏ kế).

 

 

Đó là cách nói trong Tiên chủ truyện. Tình hình thực tế có thể còn phức tạp hơn. Theo lời chú dẫn Hiến đế Xuân Thu của Bùi Tùng Chi về chuyện đó, bấy giờ Lưu Bị có thư trả lời Tôn Quyền, nêu ra hai lí do không thể đánh Thục. 1- Thục dân giàu nước mạnh, dễ giữ khó lấy, e là Ngô Khởi, Tôn Vũ cũng khó đối phó. 2- Quân Tào Thào lớn mạnh còn đó, Kinh Ngô cần phải liên hợp với Thục (Lưu Chương) với Hán (Trương Lỗ), không thể để Tào Tháo có cơ hội. Lưu Bị nói, Tào Tháo tuy là gian tặc dã tâm to lớn (không coi vua ra gì), nhưng bề ngoài vẫn là tôn phụng thiên tử, về danh nghĩa vẫn là thần tử Đại Hán (có tiếng là thờ vua), có ưu thế về mặt chính trị. Có người nói: Tào Tháo thất lợi ở Xích Bích, sức cùng lực kiệt, hùng tâm tráng khí mất sạch, kỳ thực không phải. Nay, Tào Tháo “thiên hạ chia ba đã có hai phần”, lại đang chuẩn bị “cho ngựa uống nước ở biển cả, xem duyệt binh ở Ngô Cối”, sao có thể ngồi nhà chờ chết (đâu chịu ngồi yên đến lúc già)? Nếu chúng ta cùng Lưu Chương, Trương Lỗ tàn sát lẫn nhau, Tào Tháo nhất định sẽ nhân yếu mà vào, đây không phải là kế lâu dài.

 

 

Đương nhiên là Tôn Quyền không ăn phải bả, vẫn cử Phấn Vũ tướng quân Tôn Du đến đóng quân ở Hạ Khẩu. Tất nhiên, Lưu Bị sẽ không để Tôn Du đi qua, và thi hành đường lối cương nhu. Theo Tam quốc chí - Lỗ Túc truyện, Lưu Bị lại gửi thư cho Tôn Quyền, nói: Lưu Bị tôi và Lưu Chương đều vì tôn thất Đại Hán, đồng tâm hợp hiệp lực phò trợ vương triều Đại Hán. Nay Lưu Chương đắc tội với tướng quân, Lưu Bị hết sức lo sợ, mong tướng quân rộng lòng khoan dung. Còn như việc đánh lấy Ích châu, Lưu Bị này thực không thể nghe theo. Nếu tướng quân không tha cho Lưu Chương thì Lưu Bị đành phải xoã tóc vào núi ẩn cư.

 

 

Đương nhiên đó chỉ là cái kim giấu trong bọc, đi đôi với nó phải có những hành động quân sự tương ứng! Lưu Bị phái Quan Vũ ra đóng quân ở Giang Lăng, Trương Phi ra Tỉ Quy, Gia Cát Lượng ra Nam quận, còn mình thì đến Chiêm Lăng. Tôn Quyền đã hiểu, liền để Tôn Du lui quân. Nhưng khi Tôn Du vừa đi khỏi, Lưu Bị có ý đánh luôn Ích châu. Kiến An năm thứ XVI (Công nguyên năm 211), Lưu Bị dẫn quân vào Thục. Theo Tam quốc chí - Lỗ Túc truyện, Tôn Quyền biết tin đã chửi ầm lên, nói Lưu Bị là giảo hoạt dám dùng gian kế (đồ mọi rợ dám dối trá).

 

 

Trên lập trường của riêng mình, Tôn Quyền đã nói vậy. Nhưng với lập trường của Lưu Bị có thể là “binh không thể không dối trá”. Không hề có chuyện trượng nghĩa hay không, thành thực hay không. Không thể nói Ích châu là nơi Tôn Quyền cần lấy, Lưu Bị không thể lấy? Chỉ có điều Tôn Quyền muốn lấy Ích châu là rất khó khăn, còn Lưu Bị thì thuận lợi hơn nhiều. Lưu Bị tuy có thuận lợi, nhưng Ích châu là của người khác, sao có thể muốn lấy là lấy được ngay?

 

 

Cần phải nói tới nguyên nhân thứ hai mà Lưu Bị có trong tay - Lưu Chương ươn hèn.

 

 


Lưu Chương

Quả thực Lưu Chương tương đối ươn hèn, hoặc nói là tương đối ôn hòa, nhu nhược. Lưu Chương giống Lưu Biểu chỉ muốn giữ lấy ba tấc đất của mình. Nhưng bất hạnh là cả hai đều giống nhau, đều không giữ được. Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, Kiến An năm thứ XVI (Công nguyên năm 211), Lưu Chương nghe nói Tào Tháo muốn Tây chinh Trương Lỗ (thực tình là muốn Mã Siêu, Hàn Toại làm phản, đã nói ở tập Giữa đường phải bỏ), cảm thấy hoang mang lo sợ. Lúc đó bộ hạ là Trương Tùng chạy đến nói, Tào công là vô địch thiên hạ! Một khi lại có thêm quân nhu và quân lính của Trương Lỗ, tới đánh Ích châu, thử hỏi ai là người chống cự nổi? Lưu Chương nói: không thấy ta cũng đang rất buồn sao? Trương Tùng nói: có thể dựa vào Lưu Dự Châu. Lưu Dự Châu là người nhà của tướng quân, là đối thủ sống chết với Tào Tháo, lại giỏi dùng binh, chi bằng mời ông ta đi đánh Trương Lỗ. Đánh xong Trương Lỗ, Ích châu sẽ hùng mạnh, sợ gì Tào Tháo đến đánh. Lưu Chương thấy có lí, nên nghe theo Trương Tùng, cử Pháp Chính đem bốn ngàn quân, nghênh đón Lưu Bị.

 

 

Ý của Trương Tùng chỉ có lợi cho bên ngoài, chí ít cũng là ý kiến chẳng hay ho gì! Lưu Bị vốn là “thiên hạ kiêu hùng”, ai mà chẳng biết, mời Lưu Bị vào Thục, chẳng phải là “dẫn sói vào nhà”? Bước đầu cũng là “mời thần dễ, tiễn thần khó”. Vì vậy nhiều người đã lo ngại, nhiều người đã phản đối. Theo chú dẫn Linh Lăng tiên hiền truyện và Lưu Chương truyện trong Tam quốc chí - Hoàng Quyền truyện, Lưu Ba truyện, Hoàng Quyền và mấy người đã ra sức can ngăn Lưu Chương thi hành kế đó. Hoàng Quyền nói: Tả tướng quân (chỉ Lưu Bị) từng nổi tiếng, tướng quân mời ông ấy đến, thử hỏi phải đối đãi thế nào? Coi là bộ hạ chăng, ông ta không vừa ý (như gặp bộ hạ, chắc sẽ bất mãn); ngồi ngang hàng chăng, trong một đất nước không thể có hai vua (muốn đãi như tân khách, một nước không thể có hai vua). Hai anh hùng sánh vai, đối phương vững như Thái Sơn, còn ta như quả trứng chênh vênh (nếu không yên như Thái Sơn thì chỉ như quả trứng xếp chổng), đừng bao giờ dùng kế đó. Lưu Ba cũng nói: Lưu Bị là người có hùng tâm tráng khí “vào tất có hại” không nên mời. Còn một người nữa là Vương Lụy, Vương Lụy rất kiên quyết “dù có phải ngã dưới cửa châu cũng can gián”. Và theo Hoa Dương đồng chí, cuối cùng thì Vương Lụy đã “tự vẫn dưới cửa châu, để làm rõ”.

 

 

Ý kiến của Hoàng Quyền, Lưu Ba, Vương Lụy rõ ràng là đúng, nhưng Lưu Chương đã bịt tai không nghe. Thực kỳ lạ! Dù Lưu Chương ươn hèn tới đâu cũng không thể hồ đồ tới mức không hiểu rằng những lời nói đó là đúng, vì sao vẫn cứ nhất nhất làm theo?

 

 

Thì ra Lưu Chương còn có tính toán khác. Theo Tam quốc chí - Lưu Chương truyện, Trương Tùng còn nói nữa với Lưu Chương, lúc này các tướng trong châu như Bàng Hy, Lý Dị “đều cậy công ngạo mạn” còn muốn thông với địch làm loạn (có ý khác). Nếu chúng ta không mời Lưu Dự Châu đến, thì một khi “địch đánh ngoài, dân đánh trong”, phiền phức to.

 

 

Câu nói đánh đúng tim đen của Lưu Chương. Đối với Ích châu chính quyền mà Lưu Chương và người cha Lưu Yên dựng lên vẫn là chính quyền ngoại lai. Khi Lưu Yên vào Xuyên, thân bằng cố hữu đi theo rất nhiều. Lưu Yên coi những người này là cốt cán, còn biên chế những người từ Tràng An, Nam Dương theo đến thành đội ngũ gọi là “Đông Châu binh”, hình thành “Tập đoàn Đông Châu” của “Khách tịch”. Đồng thời tầng lớp sĩ tộc địa phương cũng hình thành “tập đoàn Ích châu” của “Thổ Trước”. Mâu thuẫn giữa hai tập đoàn này rất lớn. Lúc Lưu Yên còn sống đã phải trấn áp họ. Sau khi kế vị, Lưu Chương cũng phải trấn áp, nhưng vẫn không yên. Vì vậy Lưu Chương mới nghe theo Trương Tùng, đúng như lời của ngài Lã Tư Miễn trong Tần Hán sử, vì lo có nội loạn (chư tướng trong Thục có thể gây họa bất cứ lúc nào), nên mới mong được Lưu Bị trong tôn thất ra tay giúp đỡ. Nhưng vô duyên vô cớ mời Lưu Bị đến thì e “mọi người sẽ sinh nghi”, vì vậy mới mượn cớ đi đánh Trương Lỗ. Đối với Lưu Chương mà nói, thế là nhất cử lưỡng tiện, chỉ có lợi không có hại. Lưu Chương nghĩ nên để Lưu BỊ đi đánh Trương Lỗ. Đánh xong, Lưu sẽ phải đợi ở Hán Trung. Trường hợp Trương Lỗ bội phản thì Hán Trung cũng chẳng còn. Để Trương Lỗ chiếm Hán Trung chi bằng giao Hán Trung cho Lưu Bị. Lưu Bị là đối thủ sống mái của Tào Tháo. Để ông ta trông coi Bắc môn thì chỉ việc kê cao gối mà ngủ. Hơn nữa Hán Trung và Thục quận tuy cùng một châu nhưng lại có chính quyền riêng. Lưu Bị ở Hán Trung, mình ở Thục thì làm gì còn chuyện “một nước không thể hai vua” như Hoàng Quyền nói. Ngược lại còn có thể dựa giẫm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hình thành một lực lượng có thể uy hiếp (tướng Thục) bên trong, (Tào Tháo) bên ngoài. Vì vậy, ngài Lã mới nói: “với Chương thì đó là kế hay”.

 

 

Tiếc là tình hình lại khác hẳn. Lưu Bị vào Xuyên, không những không giúp Lưu Chương trông coi nhà cửa mà ngược lại đã ăn tươi nuốt sống Lưu Chương. Xét về cơ bản, Lưu Chương không nên có ý nghĩ lợi dụng người khác. Anh lợi dụng người ta, người ta không biết lợi dụng anh? Anh tính toán với người khác, người khác không biết tính toán với anh? Lợi dụng người khác tất bị người khác lợi dụng, tính toán với người khác tất bị người khác tính toán lại, kết quả của việc dẫn sói vào nhà nhất định là chơi với lửa sẽ bị lửa thiêu. Từng có những bài học về điều này. Xa không nói, gần là vết xe người trước, Hà Tiến, Viên Thiệu đưa Đổng Trác vào Lạc Dương. Cuối cùng vẫn là, làm người phải thành thực, không nên coi người khác là xác pháo. Nhưng lại nói tới việc cụ thể của Lưu Chương, Lưu Chương tính sai vì có hai điều “không nghĩ tới”.

 

 

Điều thứ nhất “không nghĩ tới”, đâu ngờ Lưu Bị không nghe theo sự chỉ huy của mình. Điều thứ hai “không nghĩ tới”. Trương Tùng và Pháp Chính vốn chẳng phải là đại trung thần gì, từ lâu họ đã có ý dâng Ích châu cho Lưu Bị. Trương Tùng căm ghét Tào Tháo nên đã câu kết với Lưu Bị; Pháp Chính câu kết với Lưu Bị vì bất mãn với Lưu Chương. Kiến An năm thứ XIII (Công nguyên năm 208), Trương Tùng được Lưu Chương cử đi gặp Tào Tháo để tỏ thiện chí, kết quả là xúi quẩy, bị xỉ nhục. Từ đó Trương Tùng luôn nói xấu Tào Tháo và chủ trương liên hợp với Lưu Bị. Pháp Chính thì luôn không hài lòng khi ở bên Lưu Chương. Trong Tam quốc chí đã nói rõ “vừa không được dùng vừa bị người trong châu phi báng, nói mà không làm, thực bất đắc chí”, cũng tức là Lưu Chương không trọng dụng, phe “Thổ trước” và “khách tịch” đều kể xấu, Pháp Chính rất bất mãn. Trương Tùng bị Tào Tháo làm nhục, Pháp Chính bất mãn về Lưu Chương, hai người thân thiết với nhau và đều cho rằng Lưu Chương chẳng nên cơm cháo gì (Lưu Chương sẽ chẳng làm được gì), họ trở thành “nội tuyến” của Lưu Bị ở Ích châu, dâng cả bản đồ cho Lưu Bị. Ai đem dâng tấm bản đồ đó? Tam quốc diễn nghĩa, theo chú dẫn Ngô thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tiên chủ truyện nói là Trương Tùng, nhưng các nhà học thuật lại cho hay, mấy điều ghi trong Ngô thư không đáng tin cậy. Tư trị thông giám khảo dị của Tư Mã Quang nói: Trương Tùng không hề gặp Lưu Bị, trong Lưu Bị truyện của ngài Trương Tác Diệu cũng nói: mấy truyện kể trong Tam quốc diễn nghĩa “đều không tồn tại”. Vậy có khả năng Pháp Chính đã dâng tấm bản đồ đó. Sau khi từ chỗ Tào Tháo về, Trương Tùng luôn chủ trương phải kết hợp với Lưu Bị và đề cử Pháp Chính làm “người liên lạc”. Theo Tam quốc chí - Pháp Chính truyện, Pháp Chính từ chỗ Lưu Bị trở về, luôn ca tụng Lưu Bị hùng tài đại lược (nói Tiên chủ là hùng lược) với Trương Tùng. Hai người ngầm bàn nhau tôn Lưu Bị làm vua (cùng mật bàn, nguyện cung phụng). Có thể là lần này, Pháp Chính đã “dâng bản đồ”.

 

 

Xem ra, lần này Lưu Chương cử Pháp Chính đem bốn ngàn quân nghênh đón Lưu Bị vào Thục, không chỉ là “dẫn sói vào nhà” mà còn là “mang lễ vật ra tận cửa”. Theo Tam quốc chí - Pháp Chính truyện và Tư trị thông giám, Pháp Chính gặp Lưu Bị. Pháp Chính nói: bằng vào sự anh minh của tướng quân, có thêm bọn Trương Tùng làm nội ứng, đối phó với Lưu Chương nhu nhược, hoàn thành đại nghiệp chẳng dễ như trở bàn tay sao?

 

 

Lưu Bị nghe lời Pháp Chính nhưng còn do dự (Bị nghi chưa quyết). Lại có thêm Bàng Thống đến hùn vào. Bàng Thống tự Sĩ Nguyên, người Tương Dương. Tam quốc chí nói: Bàng Thống từng là bộ hạ của Lưu Biểu. Giang Biểu truyện nói: Bàng Thống còn là bộ hạ của Chu Du, chức vụ đều là Công tào. Công tào là quan văn lo chuyện hàng ngày. Sau khi Lưu Bị nhận chức Kinh châu mục, Bàng Thống đến với Lưu Bị là “tòng sự” kiêm chức huyện lệnh Lỗi Dương, vẫn là một biện sự viên, về sau bị bãi quan. Theo Tam quốc chí - Bàng Thống truyện, bấy giờ Lỗ Túc có thư gửi Lưu Bị nói: Bàng Thống không chỉ để làm huyện quan, mà nên trọng dụng mới có cơ thể hiện hết tài năng. Gia Cát Lượng cũng nói như vậy. Lưu Bị mới nói chuyện với Bàng Thống, thấy rõ “đại khí”, liền để Bàng Thống và Gia Cát Lượng đảm nhiệm chức vụ quan trọng (cùng Lượng là quân sư Trung lang tướng), thân cận đãi ngộ chỉ dưới có Gia Cát Lượng (thân đãi thấp nhiều so với Gia Cát Lượng).

 

 

Việc này có mấy điểm đáng ngờ. Thứ nhất, theo Tương Dương ký của Tập Tạc Xỉ người Tấn, ngài Bàng Đức từng nói: Gia Cát Lượng là Ngọa Long, Bàng Thống là Phượng Sồ. Tam quốc diễn nghĩa mượn lời ngài Thủy Kính nói: “hai người được một là có thể yên thiên hạ”, nhưng sao lúc họ ở chỗ Lưu Bị, đãi ngộ ban đầu lại khác biệt đến như vậy? Thứ hai, Lưu Bị là người cầu hiền như khát nước, khi nghe nói “Ngọa Long”, “Phượng Sồ” sao có thể xem thường Bàng Thống? Thứ ba, người đầu tiên tiến cử Bàng Thống với Lưu Bị sao lại là Lỗ Túc? Vì sao sau khi Lỗ Túc đã tiến cử Gia Cát Lượng mới “có lời với tiên chủ”? Trong Lưu Bị truyện của Trương Tác Diệu đã hỏi vấn đề này. Có điều chúng ta cũng không rõ lắm, có nhiều khả năng là cách nói trong Tương Dương ký không chuẩn xác. “Ngọa Long” thì có, nhưng “Phượng Sồ” thì không.

 

 

Trong thực tế cũng không thể xét Bàng Thống ngang Gia Cát Lượng. Bàng Thống chỉ có công giúp Lưu Bị lấy được Ích châu. Theo chú dẫn Cửu Châu Xuân Thu và Tư trị thông giám của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Bàng Thống truyện, Pháp Chính hiến kế, Lưu Bị do dự, Bàng Thống liền ra sức cổ vũ. Bàng Thống nói: Kinh châu này (chỉ bốn quận Kinh châu Lưu Bị đang có) vừa không giầu có vừa không lớn mạnh, cần tiền không có tiền, cần người không có người, mặt đông có Tôn Ngô, mặt bắc có Tào Tháo, rất khó hình thành nên thế chân vạc. Ích châu “nước giầu dân mạnh, hàng trăm vạn dân”, dân khỏe ngựa mạnh đủ để chi dùng, muốn thành đại nghiệp tất phải có nó.

 

 

Lưu Bị vẫn lưỡng lự, nói: không được đâu! Nay thế của Tào Tháo như nước và lửa với chứng ta. Tào Tháo gay gắt, chúng ta phải khoan hòa; Tào Tháo tàn bạo, chúng ta phải nhân từ; Tào Tháo gian trá, chúng ta phải trung hậu. Từng việc chúng ta phải khác với Tào Tháo mới thành công (phải ngược với Tháo, việc mới thành). Nếu chỉ vì một nguyên nhân nhỏ mà thất tín với thiên hạ thì không nên làm! Ngài Trương Tác Diệu cho là “nói không thật lòng”. Còn tôi thì cho là nửa giả nửa thật. Theo Gia Cát Lượng, lấy Ích châu làm căn cứ, thực hiện mơ ước thành bá nghiệp, hưng Hán thất, có thể coi là “chuyện nhỏ” được sao? Rõ ràng là “việc lớn”! Nhưng Lưu Bị vẫn thấy vướng, đó là thực, bởi Lưu Bị luôn tương phản với Tào Tháo - “Tháo lấy cấp, ta lấy khoan; Tháo lấy bạo, ta lấy nhân; Tháo lấy gian, ta lấy trung”. Chữ “lấy” làm động từ, có nghĩa ngang như chữ “mượn”. Tức là Lưu Bị lấy “ngược với Tháo” làm tiêu chuẩn, làm sách lược. Lúc này Lưu Chương mời, muốn ta giúp đỡ, nếu ta diệt họ thì ăn nói sao đây. Có điều theo quy hoạch của Gia Cát Lượng, trước sau gì cũng phải lấy Ích châu. Việc Lưu Chương mời, không thể nói đây không phải là cơ hội. Huống hồ, đúng như lời Gia Cát Lượng nói trong Tam quốc chí - Pháp Chính truyện, lúc đó Lưu Bị bị kẹp giữa Tào Tháo và Tôn Quyền, bên cạnh còn có Tôn phu nhân nhìn ngó, có nhiều khó khăn, không thể không phát triển về hướng tây. Vì vậy, Lưu Bị vừa muốn làm, lại vừa phải suy nghĩ. Vì lẽ đó, khi ghi lại mấy lời này Tư Mã Quang đã sửa đi một chút, từ câu phủ định chữa thành câu phản vấn, không còn là “Ta không lấy” mà là “làm sao đây”, có thể nói là tinh tế và chuẩn xác.

 

 

Bàng Thống hiểu rõ những suy nghĩ đó, nên đã giúp Lưu Bị giải tỏa được nhiều điều. Bàng Thống nói: phàm là việc phải có đường lối, có quyền lực, không nên cứ cố chấp (lúc quyền biến không thể chỉ nói một câu là xong). Thôn tính nhược tiểu, công kích ngu muội, là điều muôn thuở. Chỉ cần phong cho họ một nước lớn, thế là xứng đáng rồi! Nay chúng ta không lấy, sớm muộn gì người khác cũng lấy.

 

 


Bàng Thống không làm tròn chức quan nhỏ ở huyện Lỗi Dương

Nói vậy là cả vú lấp miệng em, giậu đổ bìm leo. Cướp đất người khác còn gọi là “báo nghĩa”, “không thất tín”, đúng là cách nói của lũ cướp. Kỳ thực thì Bàng Thống hoàn toàn có thể nói năng hay ho hơn. Bàng Thống có thế nói, nghĩa, không thể không cần, không thể không nói tới. Nhưng cũng có nhiều loại nghĩa. Có chính nghĩa, có đạo nghĩa, có tín nghĩa, có tình nghĩa, không thể làm được tất cả các điều đó. Nếu không thể cùng lúc có được vừa tay gấu vừa tay cá, thì nên bỏ nghĩa nhỏ mà lấy nghĩa lớn. Chống lại giặc Tào, hưng phù Hán thất, bình định thiên hạ, đó là nghĩa lớn. So sánh một chút, ân nghĩa với Lưu Chương là nghĩa nhỏ. Đạo lí lớn quản đạo lý nhỏ. Vì sự tồn vong của thiên hạ, đành phải đụng tới Lưu Quý Ngọc. Vả cái chúng ta muốn là đất chứ không phải là đầu của Lưu Chương. Hơn nữa, đối với tướng quân Quý Ngọc, bị Tào Tháo thôn tính không bằng nhường cho chúng ta, chí ít chúng ta cũng cư xử thỏa đáng hơn!

 

 

Có điều Bàng Thông đã không nói như vậy và Lưu Bị cũng không hỏi thêm. Xem ra cái mà Lưu Bị cần lúc đó chính là câu nói này. Chỉ cần nói qua thôi hoặc bản thân thấy được là xong. Và đúng là “hôm nay không lấy, người khác sẽ được lợi”. Vả Lưu Chương cũng chẳng thể giữ được Ích châu. Nếu vậy để Tào Tháo, Tôn Quyền chiếm, không bằng để Lưu Bị ta chiếm! Đối với phía Tôn Quyền cũng dễ giải thích. Vì lần ra quân này không phải để chiếm địa bàn, mà là được mời đến giúp Lưu Chương, chí ít về danh nghĩa là như vậy.

 

 

Rồi vào tháng mười hai năm Kiến An năm thứ XVI (Công nguyên năm 211), Lưu Bị để Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi giữ Kinh châu, Triệu Vân lo hậu cần, còn mình và Bàng Thống dẫn quân ngược dòng lên phía tây, tiến về phía Ích châu. Do trước đó đã có lời mời của Lưu Chương, nên Lưu Bị Tây tiến trên đường có treo đèn xanh. Theo Tam quốc chí, Lưu Bị “nhập cảnh như về nhà”, tiến vào nước khác như về nhà mình. Lưu Chương thân tự Thành Đô đến huyện Phù (nay là thị trấn Cẩm Dương, Tứ Xuyên) nghênh tiếp, chủ khách vui mừng gặp mặt. Lun Chương còn giúp Lưu Bị rất nhiều vật tư. Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, Lưu Bị lúc đó “hơn ba vạn quân, xe giáp binh khí vật tư rất nhiều” đủ để đối phó với Trương Lỗ. Vậy Lưu Bị đã đi chưa?

 

 

Chưa.

 

 

Lưu Bị nhận xong vật tư của Lưu Chương thì đưa quân lên bắc, đến huyện Phù của Lưu Chương và vùng Gia Manh (nay là vùng biên Quảng Nguyên, Tứ Xuyên), giáp ranh giữa Bình Dương quan và Trương Lỗ thì dừng lại. Lưu Bị dừng ở Gia Manh để làm gì, liệu có tiến đánh Trương Lỗ hay không?

 

 

Phải nói tới nguyên nhân thứ ba khiến Lưu Bị thành công. Lưu Bị thật lợi hại.

 

 

Như trên đã nói, Lưu Bị từ lâu đã muốn lấy Ích châu. Lưu Bị và Gia Cát Lượng đã bàn chuyện này ở Long Trung. Nay có thêm cơ hội là lời mời của Lưu Chương. Lời khuyên của Pháp Chính, Bàng Thống như thêm gió để phất cờ. Nhìn lại thấy Lưu Bị không hổ là một nhà chính trị. Trương Tùng, Bàng Thống chỉ được coi là chính khách. Theo Tiên chủ truyện và Bàng Thống truyện trong Tam quốc chí, lúc hai họ Lưu gặp mặt ở huyện Phù, Trương Tùng và Bàng Thống kiến nghị Lưu Bị nên giết luôn Lưu Chương (Pháp Chính nói lại, ý Trương Tùng là vậy). Lưu Bị nói với Pháp Chính “đây là việc lớn, không thể làm bừa”, còn nói với Bàng Thống “vừa vào nước người, ân tín chưa lớn, không làm như vậy”, về mặt chính trị, Lưu Bị cao minh hơn cánh Trương Tùng và đã lưu lại Gia Manh “tưới rải ân đức, thu phục lòng dân”, chờ đợi thời cơ.

 

 

Cơ hội nói đến là đến. Theo Tam quốc chí - Tiên chủ truyện, tháng mười Kiến An năm thứ XVII (Công nguyên năm 212), Tào Tháo Nam chinh Tôn Quyền. Tháng mười hai, Tôn Quyền cầu cứu Lưu Bị. Lưu Bị liền viết thư cho Lưu Chương nói: Tôn Quyền với mình như môi với răng, Quan Vũ ở Kinh châu thế đơn lực mỏng, Trương Lỗ bất quá chỉ là tên giặc cố thủ không đáng ngại, nên nhờ Lun Chương cấp cho một vạn binh mã, quân trang quân dụng để trở về cứu viện Kinh châu. Lưu Chương vốn đã nghi ngờ việc làm của Lưu Bị ở Gia Manh, nay lại nói “muốn đi về đông” nên lại càng nghi. Vì vậy Lưu Chương chỉ cho bốn ngàn quân, những thứ khác đều giảm một nửa. Được tin, Trương Tùng thất kinh, liền viết thư cho Pháp Chính nói: việc của chúng ta đã sắp thành công, sao lại có thể bỏ đi (đại sự sắp thành, vì sao lại bỏ đi)? Kết quả bị anh trai là Trương Túc thái thú Quảng Hán tố giác. Lưu Chương cho giam Trương Tùng vào ngục và chém đầu.

 

 

Với sự hồ nghi của Lưu Chương và sự nóng vội của Trương Tùng, Lưu Bị đã có cớ để đánh Thục. Bấy giờ, Bàng Thống đưa ra thượng, trung và hạ ba sách cho Lưu Bị. Thượng sách là chọn lựa tinh binh, ngày đêm hành quân, đột kích vào thành Đô; hạ sách là lui về Bạch Đế củng cố Kinh châu, tính kế lâu dài. Lưu Bị thực hiện trung sách, giết tướng giữ cửa Bạch Thủy (nay là biên trại Quảng Nguyên, Tứ Xuyên) của Lưu Chương, sau đó quay lại đánh mạnh vào huyện Phù. Tháng năm, Kiến An năm thứ XVIII (Công nguyên năm 213), từ huyện Phù, Lưu Bị để Quan Vũ giữ Kinh châu, Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân đưa quân vào Thục, chia nhau chiếm đất. Mùa hạ, Lưu Bị công phá Lạc Thành (nay thuộc phía bắc Quảng Hán, Tứ Xuyên) rồi hội quân cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân, tiến vào Thành Đô. Lúc này Mã Siêu đã sang hàng Lưu Bị, Lưu Chương trở thành cá trong chậu. Theo Tam quốc chí - Lưu Chương truyện, bấy giờ Lưu Chương nói: cha con chúng ta hơn hai mươi năm nay ở Ích châu, chưa có ân đức gì với dân, nay trăm họ lại phải khổ sở trong ba năm chiến tranh, lòng ta thực không nỡ! Liền cho họ mở cổng thành đầu hàng. Các sử gia đánh giá khác nhau việc Lưu Bị đoạt Ích châu, đuổi Lưu Chương và Lưu Chương nhục nhã đầu hàng. Phần tôi, tôi có cùng quan điểm với ngài Trương Tác Diệu trong Lưu Bị truyện. Lưu Bị lòng dạ luôn ân hận vì đã phải dùng nhiều thủ đoạn bỉ ổi để đoạt Ích châu, đuổi Lưu Chương, nhưng xét về đại cục cũng không đáng trách. Lưu Chương chịu nhục đầu hàng để nhân dân tránh được tai nạn của chiến tranh, người đời sau lại trách là yếu đuối, vô năng. Không thể trách người đó là nhu nhược. Đối với nhân vật lịch sử cần phải có “sự đồng tình của lịch sử”.

 

 

Ở đây có thể bổ sung thêm hai sử liệu. 1- Theo Tam quốc chí - Bàng Thống truyện, sau khi chiếm xong Phù huyện, Lưu Bị mở tiệc chúc mừng, uống rượu làm vui, còn nói với Bàng Thống: “hội hôm nay có thể coi là vui lắm!”. Bàng Thống nói: chiếm địa bàn người khác làm vui, e không phải là “quân nhân nghĩa”? Lúc này Lưu Bị đã say, liền nổi giận nói: Vũ vương đánh Trụ, trước ca sau múa, lẽ nào cũng không phải là người nhân? Ra chỗ khác! Lúc sau Lưu Bị cảm thấy không thỏa, liền triệu Bàng Thống trở lại. Bàng Thống cũng không xin lỗi, ngồi xuống luôn, lại ăn uống như thường. Lưu Bị hỏi, vừa nãy ai sai? Bàng Thống nói: quân thần đều sai. Lưu Bị cười ầm lên và tiếp tục uống rượu làm vui. 2- Lúc Lưu Bị tiến công Thành Đô, có người tên là Trịnh Độ kiến nghị Lưu Chương phải củng cố thành trì, di dân, làm vườn không nhà trống nhưng Lưu Chương không đồng ý. Lưu Chương nói: “ta cự địch an dân, chưa nghe chuyện phải động dân để tránh địch”. Kết quả, toàn bộ kho tàng, mùa màng dọc đường đi, đều thuộc về Lưu Bị. Nên nhìn nhận thế nào hai sự kiện đó, tin rằng độc giả sẽ xét rõ. Tóm lại, Lưu Chương dẫn sói vào nhà, Lưu Bị nhân yếu mà vào là nguyên nhân chủ yếu khiến Ích châu phải đổi chủ.

 

 

Còn một nguyên nhân nữa giúp Lưu Bị thắng lợi, Tào Tháo đã sai lầm. Tào Tháo lấy Thục phải qua đường bắc. Muốn thế trước tiên phải tiêu diệt Mã Siêu, Hàn Toại, Trương Lỗ, lấy Hán Trung. Đây là khó khăn của Tào Tháo. Nhưng tính toán chưa đủ về Lưu Bị thì không thể không nói là sai lầm. Lưu Bị cần ba năm để lấy Thục. Tào Tháo không có bất kỳ một động tác nào (ví dụ hạn chế việc quấy nhiễu), ngược lại còn giễu võ dương oai với Tôn Quyền. Tào, Tôn như trai, cò tranh nhau, ngư ông Lưu Bị được lợi, đây coi như là nhân yếu mà vào!

 

 

Lưu Bị lấy xong Ích châu, Tôn Quyền biết ngay là việc lớn đã hỏng. Tôn Quyền chửi Lưu Bị là bội tín bội nghĩa, còn cho người đến đòi lại Kinh châu. Như vậy Lưu Bị đã mượn Kinh châu của Tôn Quyền? Lưu Bị mượn như thế nào, vì sao Tôn Quyền lại cho mượn, bây giờ có đòi được không? Nếu như đòi không được thì sẽ ra sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét