Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

ÂM MƯU THÁNG TRĂNG MẬT

 


Tranh vẽ ba vị phu nhân của Lưu Bị, từ trái qua phải là Mi phu nhân, Cam phu nhân và Tôn phu nhân.

Tập thứ ba mươi hai: ÂM MƯU THÁNG TRĂNG MẬT

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Trong thời gian trận chiến Xích Bích, Tôn Quyền và Lưu Bị đã kết thành liên minh chống kẻ thù chung. Đó là nguyên nhân quan trọng để hạn chế địch, giành thắng lợi. Nhưng đây là nguyên nhân không bền vững. Một khi kẻ địch uy hiếp mạnh thì tạm thời hòa hợp; lúc lợi ích hai bên phát sinh mâu thuẫn, liên minh luôn có cơ bị vỡ. Thực tế, ngay trong “kỳ trăng mật”, những ngày vui vẻ của hai nhà Tôn, Lưu, rất nhiều âm mưu chính trị đã lần lượt xuất hiện. Vậy, phía Tôn Quyền đã sử dụng mưu kế gì đối với Lưu Bị?

 

 

Như phần trên đã nói, trận chiến Xích Bích kết thúc bằng thất bại của Tào Tháo, Tôn Quyền và Lưu Bị thừa cơ khuyếch đại kết quả thắng lợi của mình. Và ngay trong năm đó Lưu Bị đã lấy xong bốn quận: Vũ Lăng, Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, cử Gia Cát Lượng là quân sư Trung lang tướng, tổng đốc ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng lo “việc thuế má lấy tiền sung quân”. Chu Du qua đời vào năm này, tháng mười hai năm sau phá xong Giang Lăng. Lưu Bị dâng biểu triều đình, tiến cử Tôn Quyền “Hành xa kỵ tướng quân, nhận Từ châu mục”, Tôn Quyền đồng ý để Lưu Bị “chức Kinh châu mục”, còn gả em gái cho Lưu Bị, liên minh Tôn, Lưu bước vào “thời kỳ trăng mật”.

 

 

Nhưng đây lại là “kỳ trăng mật” đầy âm mưu. Trong thời gian này có ba sự kiện đáng chú ý, Tôn Quyền gả em gái, Chu Du xuất chiêu độc, Lỗ Túc cho mượn Kinh châu. Từ ba sự kiện này thấy rõ quan hệ giữa Tôn, Lưu là mong manh. Trước tiên, nói tới sự kiện thứ nhất - Tôn Quyền gả em gái.

 

 

Tôn Quyền gả em gái là âm mưu chăng? Thực khó nói. Tam quốc diễn nghĩa nói đó là một âm mưu, còn nói đó là chủ ý của Chu Du. Khổng Minh đoán biết âm mưu đó, và tương kế tựu kế, thế rồi Lưu Huyền Đức động phòng ân ái, Chu Công Cẩn xin lỗi phu nhân và lui quân. Nhưng đó là diễn nghĩa, thật khó tin. Còn về đoạn hôn nhân này, Tam quốc chí - Tiên chủ truyện chỉ vẻn vẹn có mấy chữ: “(Lưu) Kỳ ốm chết, mọi người đưa Tiên chủ làm Kinh châu mục, trị Công An. Quyền hơi sợ, gả em để giữ”. Công An là huyện Công An, Hồ Bắc, vốn tên là Du Giang khẩu, còn là Du Khẩu. Lưu Bị đã đổi tên thành Công An. Trị sở Kinh châu đặt tại Tương Dương, nhưng Tào Tháo đã chiếm Tương Dương, nên trị sở chức Kinh châu mục tự phong của Lưu Bị đành phải để ở Công An.

 

 

Lưu Bị có được bốn quận trong số bảy quận của Kinh châu và tuy là bốn quận nghèo nhất, nhung dần dà Tôn Quyền đã không dám xem thường (Quyền hơi sợ), thế nên “gả em để giữ”, tức là muốn thông qua quan hệ hôn nhân để củng cố liên minh. Đây là ý tốt, ít nhất cũng không phải ác ý. Hơn nữa đó cũng là biện pháp đã có từ xưa, Tào Tháo và Tôn Quyền đã có loại quan hệ đó. Vậy, gọi là “hôn nhân chính trị” còn được; gọi là “âm mưu chính trị” e không thoả đáng. Nếu cần, chỉ có thể gọi là “kế mưu” hoặc “dương mưu”.

 

 

Có điều, phần hôn nhân đó có hạnh phúc không, đôi vợ chồng đó có hợp được không, có thể bàn xem. Ít ra thì tuổi tác cũng không hợp. Lúc Tôn Quyền gả em gái, bản thân mới hai mươi chín tuổi, em gái mới chừng mười chín tuổi, Lưu Bị đã bốn mươi chín tuổi. Vì vậy, lúc kịch diễn tới đoạn lấy vợ, Lưu Bị được “Kiều Quốc lão” bảo lấy thuốc ô tu nhuộm cho râu đen lại. Thực ra không có việc này, vì Lưu Bị làm gì có râu. Tam quốc chí - Chu Quần truyện nói rất rõ: “Tiên chủ không có râu”. Sách đó còn viết, lúc Lưu Bị và Lưu Chương gặp mặt ở huyện Phù, cùng ngồi còn có một người nữa là Trương Dụ. Dụ râu đầy mặt. Lưu Bị còn châm biếm người này bằng một câu nói vui, ý là “lông lợn che kín cả miệng” cũng nói với câu nói kiểu đó, ý của Trương Dụ là “không có lông lộ ra cái mõm lợn”. Lưu Bị cứ canh cánh trong lòng việc đó, về sau đã kiếm cớ giết Trương Dụ, Gia Cát Lượng ra mặt cứu, nhưng cứu không được. Cách nói của Lưu Bị là, dù là hoa lan, nhưng nếu vướng cửa, cũng phải nhổ đi! Đương nhiên đó là chuyện sau này hoặc chỉ là tình tiết thêm vào, chúng ta nên nói sang chuyện em gái Tôn Quyền!

 

 

Em gái Tôn Quyền nghe nói tên là Tôn Nhân. Tên không có chữ đệm giống bốn người anh của mình: Tôn Sách, Tôn Quyền, Tôn Dực, Tôn Khung. Tôn Nhân xuất thân trong gia đình Tôn thị, được gả cho châu mục Kinh châu, là tiểu thư số một Giang Đông, là đệ nhất phu nhân Kinh châu, nên không thể xem thường. Theo Tam quốc chí - Pháp Chính truyện, Tôn tiểu thư “tài dũng mãnh, như mấy người anh”. Người hầu hạ ở cạnh có hơn trăm, ai nấy cầm dao đứng thành hai hàng. Mỗi lần Lưu Bị vào phòng của tiểu thư thì thường là “lo lắng lẫm lẫm”. Lẫm lẫm, Từ Hải giải nghĩa là mặt lành lạnh, mặt lo ngại, mặt kinh hãi, loại giải thích thứ ba cũng chính là đoạn viết trên. Tức là, một người đã trải qua trăm trận như Lưu Dự châu, mỗi lần vào gặp vị phu nhân này đều cảm nhận một luồng khí lạnh, trong lòng thấy kinh hãi. Loại kinh hãi này nói như chú dẫn Tư trị thông giám của Hồ Tam Tỉnh là “sợ bị người khác giết”.

 

 

Về điểm này, Gia Cát Lượng và Lưu Bị đều đã rõ. Vẫn theo Tam quốc chí - Pháp Chính truyện, về sau khi nhớ lại đoạn lịch sử này, Gia Cát Lượng nói: “sợ Tôn phu nhân sinh biến ngay bên cạnh”; còn Lưu Bị để Triệu Vân ở gần đề phòng bất trắc. Theo chú dẫn Vân biệt truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Triệu Vân truyện, bấy giờ vị phu nhân này ỷ mình là em gái Tôn Quyền nên vô cùng “kiêu ngạo”. Bà ta đem theo nhiều quan viên và quân lính Đông Ngô (nhiều tướng Ngô, quan binh), tự do “tung hoành bất pháp”. Lưu Bị chẳng còn biện pháp nào, đành phải để Triệu Vân - một người nghiêm chỉnh, thận trọng làm “Nội vụ bộ trưởng” (nắm vững nội vụ), giúp mình đối phó và trông coi Tôn phu nhân - con người bỏ thì thương, vương thì tội.

 

 

Sự thực cho hay, Lưu Bị, Gia Cát Lượng lo lắng không thừa. Tháng mười hai Kiến An năm thứ XVI (Công nguyên năm 211), Lưu Bị đưa quân vào Thục. Tôn Quyền được tin đã chửi rủa Lưu Bị bội tín bội nghĩa, còn cho đội thuyền đi đón em gái, Tôn phu nhân chuẩn bị mang theo cả Lưu Thiền. Nhung vì Triệu Vân và Trương Phi “đem quân chặn sông”, nên việc không thành. Việc này thấy trong dã sử Vân biệt truyện, nhưng Tư trị thông giám lại tin, nên coi là thực. Theo chú dẫn Hán Tấn Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Tiên chủ mục hậu truyện lại nói Gia Cát Lượng cử Triệu Vân đi ngăn sông. Điều này có trong hổi sáu mươi mốt “Triệu Vân chặn sông giằng lại A Đẩu” trong “Tam quốc diễn nghĩa”. Rõ ràng, sau khi họ Tôn được gả sang Kinh châu thì phía Kinh châu không thoải mái. Đúng như lời ngài Trần Nhĩ Đông trong Nhàn thoại tam phân: “Gia Cát Lượng lặng lẽ chú ý phía sau, Triệu Vân ra vào canh giữ mặt trước, lúc nào cũng canh cánh trong lòng”.

 

 

Người em gái họ Tôn tự mình làm vậy hay do Tôn Quyền chỉ dẫn? Thực chẳng rõ ràng gì cả. Nếu là ý sau thì cuộc hôn nhân này là “âm mưu tháng trăng mật” trăm phần trăm; còn nếu là ý trước thì chúng ta không thể không khâm phục Tôn phu nhân là bậc “nữ nhi anh hùng”. Trong Đại trí đại dũng Tôn phu nhân, ngài Chúc Tú Hiệp nói: nữ nhân tài trong ba nước, Tôn phu nhân là số một. Tuy nhiệm vụ chưa hoàn thành, nhưng tiến thoái tuỳ ý, uy phong mọi mặt, lấy chồng nước khác mà như đến chỗ không người, dễ gì một người con gái bình thường làm được? Đúng là như vậy. Nhưng tôi cảm thấy một người đàn bà như vậy là bất hạnh. Lấy chồng không tự nguyện, li dị cũng không phải ý mình. Trong thực tế không thấy nói tới sau lúc trở về, Tôn phu nhân sẽ ra sao? Đương nhiên Tôn phu nhân và Lưu Bị không thể lại “Uyên ương trùng phùng” và người khác cũng rất khó để có được cái gọi là “Lang Kiều di mộng” hoặc “Hồn đoạn Lam Kiều”.

 

 


Rất may, Vân cùng với Trương Phi giăng binh chẹn sông,
mang được Hậu chủ về.
 

Trên thực tế, Tôn phu nhân không chỉ là vật hi sinh uổng phí mà ngay cả việc cướp Lưu Thiền làm con tin, bên phía Tôn Quyền cho là hạ sách, bất đắc dĩ, cũng không làm được. Họ vẫn muốn bắt Lưu Bị làm con tin. Vì vậy phải nói tới sự kiện thứ hai - Chu Du ra chiêu độc.

 

 

Theo Tư trị thông giám, tháng mười hai năm Kiến An thứ XIV (Công nguyên năm 204) (cũng là thời gian Tưởng Cán đến Chu doanh ngầm cổ động Chu Du), Tôn Quyền gả em gái. Năm sau, tháng mười hai năm Kiến An thứ XV (Công nguyên 210), Lưu Bị tự đến Kinh Khẩu (thị trấn Trân Giang, Giang Tô ngày nay), gặp ông cậu lớn của mình là Tôn Quyền. Việc này có ghi trong Tiên chủ truyện nói: mục đích chuyến đi lần này của Lưu Bị là muốn chức “đô đốc Kinh châu”. Chúng ta đều biết, sau khi Chu Du lấy được Giang Lăng, Tôn Quyền bổ nhiệm Chu Du là Thái thú Nam quận, đóng ở Giang Lăng. Lúc này, Lưu Bị đã dâng biểu tiến cử Tôn Quyền là “Hành xa kỵ tướng quân, là Từ châu mục”, Tôn Quyền cũng đồng ý Lưu Bị “nhận Kinh châu mục”, Chu Du nhường Lưu Bị vùng bờ Nam, Lưu Bị phải đặt trị sở Kinh châu mục của mình ở Công An. Nhưng Lưu Bị bị không hài lòng, nên mới đến Kinh Khẩu tìm địa bàn. Theo chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tiên chủ truyện: “Bị thấy Du nhường ít đất, không đủ để an dân, mới theo Quyền mượn mấy quận ở Kinh châu”. Đó là điều người ta thường gọi là “mượn Kinh châu”.

 

 

Nói là “mượn Kinh châu” đã đúng chưa? Chúng ta sẽ nói tới ở phần sau. Lưu Bị cũng không muốn “mượn” Kinh châu, Lưu Bị cần là cần Nam quận, Nam quận khống chế Trường Giang, bắc có thể đánh Trung Nguyên, nam có thể tiến vào Ích châu, là vùng đất binh gia thường tranh giành, đương nhiên Lưu Bị cũng muốn có. Nhưng Lưu Bị không tiện nói ra như vậy, chỉ có thể nói tôi muốn “đô đốc Kinh châu”. Nghĩa là thế nào? Tức là, hiện nay tôi chẳng phải là Kinh châu mục sao? Kinh châu mục phải đến làm việc ở trị sở Kinh châu. Trị sở Kinh châu ở đâu? Ở Tương Dương. Tương Dương thuộc quận nào? Thuộc Nam quận. Nhưng hiện nay Tào Tháo đã chiếm mất Tương Dương. Không thể tới đó, đành phải tìm nơi khác ở Nam quận. Nơi nào vậy? Giang Lăng. Vì Giang Lăng là trị sở của Nam quận. Không đến được trị sở của Kinh châu, đến trị sở của Nam quận coi là tạm được. Vi vậy Lưu Bị mới nói “cầu đô đốc Kinh châu”. Cũng là nói, Lưu Bị “mượn Kinh châu”, kỳ thực là mượn Nam quận, muốn có Giang Lăng.

 

 

Chu Du chẳng lạ gì, họ muốn mượn da hổ. Chu Du phải mất sức gần một năm mới lấy được Giang Lăng, sao có thể cho Lưu Bị? Đương nhiên, Lưu Bị muốn có Giang Lăng cũng không phải là vô lý, bởi Chu Du đánh Giang Lăng, Lưu Bị có góp sức, lời chú dẫn Ngô lục của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Chu Du truyện nói rõ điều này. Chu Du không cho là vậy, miếng mỡ đã đến miệng, dễ gì đem cho người khác. Không những không cho mà còn quyết ngăn Lưu Bị. Theo Tam quốc chí - Chu Du truyện, Lưu Bị từ Công An đến Kinh Khẩu, Chu Du dâng sớ lên Tôn Quyền nói, Lưu Bị “có thế kiêu hùng”, Quan Vũ, Trương Phi đều “là tướng hổ, gấu”, đâu muốn cúi mình để người khác lợi dụng lâu dài? Chi bằng để Lưu Bị đến huyện Ngô (thị trấn Tô Châu, Giang Tô ngày nay) cấp cho nhà sang, gái đẹp, để Lưu Bị suốt ngày chìm đắm trong tửu sắc. Sau đó điều Quan Vũ, Trương Phi đi, mỗi người mỗi nơi cách biệt. Lại cử một người như Chu Du này đem họ đi giết giặc, công việc thế là xong! Ngược lại, nếu cắt đất giúp họ, để họ bên nhau như lúc này thì e rằng khi gặp mây mưa, họ sẽ không là giao long trong đầm nữa. Đây là chiêu độc của Chu Du, nhưng tiếc là không được thực hiện. Ngăn Lưu Bị không khó, nhưng ngăn Lưu Bị để điều Quan Vũ, Trương Phi đi thì khác gì kẻ ngốc nằm mơ. Quân lính thời Tam Quốc luôn trung thành với chủ tướng. Quân của Lã Bố chỉ nghe Lã Bố, quân của Mã Siêu chỉ nghe Mã Siêu, quân của Quan Vũ, Trương Phi cũng chỉ nghe Quan Vũ, Trương Phi, lẽ nào họ lại nghe Chu Du? Đương nhiên Quan Vũ, Trương Phi càng không bao giờ phục tùng Chu Du. Họ trung thành với một người, đó là Lưu Bị. Nghĩ xem, lúc trước Tào Tháo đối với Quan Vũ thế nào? Cuối cùng Quan Vũ vẫn bỏ Tào Tháo. Lúc này, lại muốn giam lỏng Lưu Bị, còn muốn họ phải phục tùng, thì khác gì muốn trời sụp? Sợ rằng họ sẽ đánh tới đoạt Lưu Bị về. Đoạt không được, sẽ kết thành mối tử thù. Vì vậy, đó là chủ ý sai lầm. Có thể Tôn Quyền cũng nhận ra, thêm vào đó là sự phản đối của Lỗ Túc và những người khác, nên mới không thực hiện, Chu Du truyện nói: “Quyền có Tào cộng ở bắc, muốn thu phục anh hùng, gặp Bị khó phục, nên mới không theo”. Tôn Quyền rõ ràng là sáng suốt khi quyết định như vậy. Qua việc này, về sau Lưu Bị mới thấy sợ. Theo chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Bàng Thống truyện, một lần Lưu Bị chuyện phiếm với Bàng Thống, hỏi: lúc trước ông là công tào chỗ Chu Công Cẩn phải không? Nghe nói khi cô tới Kinh Khẩu, có người muốn Trọng Mưu giữ cô lại, có chuyện đó không? Ngại gì, cứ nói thẳng ra xem nào. Bàng Thống nói là có. Lưu Bị thở dài nói: lúc đó cô chẳng còn cách nào khác! Muốn cầu xin người khác mà! Vì vậy không thể không đi, suýt nữa đã rơi vào tay Chu Du. Người cơ mưu trong thiên hạ, người anh hùng ý kiến gần giống nhau. Lúc đó, Khổng Minh luôn khuyên cô đừng đi, lời lẽ rất khẩn thiết, Khổng Minh suy nghĩ thấu đáo vô cùng. Lúc đó cô nghĩ, chẳng phải là kẻ thù của Tôn Trọng Mưu ở phương bắc sao? Chẳng phải họ Tôn muốn dựa vào cô sao? Thế mới “quyết chí không nghi nữa”. Nhìn lại mới thấy cô thật mạo hiểm, không phải là “kế vạn toàn”!

 

 

Bây giờ nhìn lại, e rằng đó cũng là một nguyên nhân để Lưu Bị đoạt Ích châu. Phần trước đã nói: Lưu Bị từ khách thành chủ, đoạt Ích, đuổi Chương, việc làm có chút mờ ám, nhung Lưu Bị chẳng còn cách nào khác. Không xây dựng được căn cứ địa vững chắc cho mình thì khó tránh khỏi bị kẻ khác thanh toán hoặc tống cổ. Nói tới cùng, chỉ trách cái đạo lý thời đó. Nếu là những năm tháng hòa bình thì với con người và tài năng của Lưu Bị, Lưu Bị đã có thể là viên quan địa phương giỏi.

 

 

Lưu Bị thoát lần đó, Chu Du không quên và quyết không thôi. Kế đó không thành, Chu Du lại nghĩ ra kế khác và lập tức đến Kinh Khẩu gặp Tôn Quyền, Chu Du đưa ra chiến lược quan trọng: đoạt Thục (Lưu Chương), bình Trương (Trương Lỗ) và liên Mã (Mã Siêu). Theo Tam quốc chí - Chu Du truyện Chu Du nói, với Tôn Quyền, Tào Tháo bại trận ở Xích Bích đang lo nội bộ sinh biến, còn sức đâu để đánh nhau với chúng ta. Lúc này là cơ hội tốt nhất. Vì vậy, mong tướng quân phê chuẩn để Chu Du và Phấn vũ tướng quân (tức là Tôn Du con của Tôn Tĩnh, Tôn Tĩnh là em út của Tôn Kiên) cùng nhau đánh Thục, diệt xong Lưu Chương sẽ diệt nốt Trương Lỗ. Sau đó, tướng quân để Tôn Du lưu giữ Ích châu, Chu Du sẽ quay về cùng tướng quân cố thủ Tương Dương, uy bức Tào Tháo và có thể “định được phương bắc”.

 

 

Kế hoạch này, bề ngoài như là đối địch với Tào Tháo, nhưng thực tế là muốn ngầm thanh toán Lưu Bị. Vì nếu Chu Du có thể lấy được Ích châu thì thượng và hạ du Trường Giang đều thuộc về Tôn Quyền. Lưu Bị bị kẹp vào giữa, thì dù có lợi hại đến mấy cũng chẳng làm được gì. Vả chúng ta cũng chưa biết, Chu Du sẽ đi đường nào để đánh Thục, liệu có phải giữa đường sẽ quay lại đánh Lưu Bị? Trong “Tần Hán sử”, ngài Lã Tư Miễn từng nói: “kế của Du có thể coi là hùng”. So sánh một chút thấy, nó gần như mưu kế liên Lưu lấy Thục vậy.

 

 

Tôn Quyền phê chuẩn phương án của Chu Du, Chu Du quay về Giang Lăng chuẩn bị hành trang. Nhưng thực bất hạnh, khi về đến Ba Khẩu (thị trấn Nhạc Dương, Hồ Nam ngày nay), Chu Du lâm bệnh và qua đời lúc ba mươi sáu tuổi. Trước lúc lâm chung, Chu Du còn dâng sớ lên Tôn Quyền nói: Một là đề cử Lỗ Túc kế nhiệm; hai là không hề quên được Tào, Lưu. Theo chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi, Chu Du nói: “Tào công ở bắc, biên cương không yên; Lưu Bị ở nhờ, khác gì nuôi hổ”. Chu Du coi Tào Tháo và Lưu Bị là hai kẻ thù lớn của Đông Ngô.

 

 

Lỗ Túc lại nghĩ khác.

 

 

Lỗ Túc và Chu Du là bè bạn thân thiết. Trước trận chiến Xích Bích, hai người có chung quan điểm, cần phải liên hợp với Lưu BỊ, chống lại Tào Tháo. Nhưng sau đó, tình hình lại khác. Chu Du chủ trương nuốt Lưu để lớn mạnh, Lỗ Túc kiên trì liên Lưu chống Tào, thế là tập đoàn Giang Đông đã biến thành hai phái, phái “nuốt Lưu” Chu Du cầm đầu, phái “liên Lưu” Lỗ Túc cẩm đầu. Tuy vậy, trước lúc lâm chung Chu Du vẫn đề cử Lỗ Túc thay mình. Đó là điều khiến chúng ta luôn phải kính trọng Chu Du. Vì thế, không hay sau này Lỗ Túc có biết đền ơn đáp nghĩa mà thay đổi thái độ chăng?

 

 

Lúc này phải nói tới điều kiện thứ ba - Lỗ Túc cho mượn Kinh châu.

 

 

Sau khi thay chân Chu Du, Lỗ Túc đã điều chỉnh chính sách, thuyết phục Tôn Quyền đưa Giang Lăng cho Lưu Bị. Đó gọi là “cho mượn Kinh châu”. Phần trước đã nói, “cho mượn Kinh châu” là cách nói chưa thật đúng. 1- Lưu Bị đâu có muốn cả Kinh châu. Lưu Bị muốn cũng không được, Tôn Quyền cũng không cho. Nam Dương và một phần Nam quận đã thuộc Tào Tháo, Lưu Bị làm sao có thể mượn ở Tôn Quyền? Thực tế, cái mà Lưu Bị “mượn” chỉ là Nam quận, và là một phần của Nam quận là Giang Lăng. Vì vậy, không thể nói là “cho mượn Kinh châu”, chỉ có thể nói là “mượn Giang Lăng”. 2- Cứ coi là “cho mượn Giang Lăng”, nhưng cũng chưa đúng, bởi vì Lưu Bị muốn có Giang Lăng, nhưng không thể gọi là “cho mượn”. Điều này đã có người giải thích. “Chấp Nhị Sử Lễ Ký - cho mượn Kinh châu là sai” của Triệu Dực đời Thanh nói: thế nào gọi là “cho mượn”? Bạn có một vật nào đó, tạm cho người khác dùng, đấy mới gọi là “mượn” (vật vốn là của tôi, tạm đưa cho người khác). Vậy, Kinh châu cũng được, Giang Lăng cũng được, đều là của Tôn Quyền? Không, Kinh châu vốn của Lưu Biểu. Lưu Biểu chết, lại thuộc về người con. Vì vậy, sau trận chiến Xích Bích, Lưu Bị dâng biểu đề cử Lưu Kỳ là Thứ sử Kinh châu, và chưa hề nói Kinh châu là của mình, về sau Lưu Kỳ lâm bệnh, qua đời, Lưu Bị được mọi người đề cử thay thế là Kinh châu mục. Theo quan hệ kế thừa, Kinh châu phải là của Lưu Bị. Kinh châu là của Lưu Bị, Giang Lăng và Nam quận đương nhiên phải là của Lưu Bị. Chỉ vì Giang Lăng bị Chu Du chiếm, nên mới đến đòi lại. Vì vậy, “Tư trị thông giám” không nói là “mượn Quyền một số quận Kinh châu” mà nói là “cầu đô đốc Kinh châu”. Vì vậy xét từ quan hệ kế thừa và quan hệ thuộc quyền, Lưu Bị muốn có Giang Lăng từ Tôn Quyền, chỉ có thể nói là “đòi Kinh châu”, không thể nói “mượn Kinh châu”.

 

 


Bản đồ các thế lực ở Kinh Châu sau thỏa hiệp Tôn-Lưu.

Vậy thì từ đâu lại nói là “cho mượn Kinh châu”? Từ Tam quốc chí - Lỗ Túc truyện nói: “Bị đến Kinh gặp Quyền, cầu đô đốc Kinh châu, duy Túc khuyên Quyền cho mượn, cùng nhau chống Tào”. Sau này Lỗ Túc gặp Quan Vũ cũng nói: “vốn đã cho bên nhà mượn đất”. Chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tiên chủ truyện cũng nói: “Từ Quyền mượn mấy quận Kinh châu”. Rõ ràng đây là cách nói bên phía Đông Ngô. Họ nói vậy là theo lý của họ. Trong những năm chiến tranh, không còn gì là “quyền thừa kế” nữa. Ai lấy được vùng đất nào bằng vũ lực thì vùng đất đó là của họ. Bạn muốn lấy hoặc muốn đòi lại thì phải dùng vũ lực. Lưu Bị không thể dùng vũ lực với Tôn Quyền, nên đành phải nhẫn nhịn nói là “mượn”. Đương nhiên, chúng ta cũng không rõ lúc đó Lưu Bị đã nói những gì? Có thể là ấp úng bằng mấy từ “cầu đô đốc Kinh châu”, về phía Tôn Quyền có thể hiểu là “mượn Kinh châu”.

 

 

Nhưng cũng vì chữ mượn đó, mấy nét bút, gây mầm hoạ, cuối cùng đã phá vỡ liên minh Tôn, Lưu. Bởi vì Tôn Quyền không muốn cho Lưu Bị mượn lâu dài, về phần mình, Lưu Bị lại không muốn “trả”. Lưu Bị nghĩ, Nam quận và Giang Lăng vốn là của mình, sao lại phải “trả”? Coi như là “mượn” đi, nhưng là “hổ mượn lợn”. Nghĩ rằng cả hai phía Tôn, Lưu đều hiểu rõ cái lý đó. Thế là, chúng ta lại có một câu hỏi: Vì sao Tôn Quyền lại đồng ý cho Lưu Bị mượn Kinh châu?

 

 

Điều chủ yếu là để đối phó với Tào Tháo. Theo chú dẫn Hán Tấn Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Lỗ Túc truyện, lúc Lưu Bị đến Kinh Khẩu “cầu đô đốc Kinh châu”, Chu đề nghị giam lỏng Lưu Bị, Lã Phạm có cùng chủ trương đó, Lỗ Túc ngược lại, không đồng ý. Lý do Lỗ Túc thuyết phục Tôn Quyền là “uy lực Tào công quá lớn”, cần có thêm lực lượng của Lưu Bị để chống lại Tào Tháo. Khuyên Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn đất cũng với nguyên nhân ấy, tức là “cùng cự Tào công”. Lỗ Túc truyện còn nói: nghe được tin này, Tào Tháo đang viết, đã để “rơi bút xuống đất”. Những điều này tuy được ghi trong chính sử, nhưng vẫn có người không tin. Tư trị thông giám khảo dị của Tư Mã Quang nói: “e Tháo không sợ đến như vậy”. Nhưng rõ ràng việc này là điều bất lợi với Tào Tháo!

 

 

Người hời nhất là Lưu Bị. Lưu Bị có mảnh đất chiến lược đó, tiến có thể đánh, lui có thể giữ. Tôn Quyền cũng được lợi (không lợi đã không làm). 1- Củng cố liên minh Tôn - Lưu, Tào Tháo không dám tuỳ tiện xuống phía nam; 2- Giải trừ được mối lo từ phía sau, có thể rảnh tay giải quyết vấn đề nội bộ; 3- Với danh nghĩa cho “mượn đất”, có thể triển khai thế lực đến các vùng chiếm đóng của Lưu Bị. Điều lợi thứ ba này đã được ngài Trương Tác Diệu kể tường tận trong Lưu Bị truyện. Tóm lại, Tôn Quyền và Lỗ Túc cho “mượn Kinh châu” chẳng phải bụng dạ bồ tát gì, hay là thích Lưu Bị. Họ luôn xem Lưu Bị là kẻ thù giấu mặt, chẳng qua là Lưu còn có giá trị sử dụng. Cũng tức là: họ cũng giống Lưu Chương muốn để Lưu Bị trông nom nhà cửa giúp họ.

 

 

Tiếc rằng bàn tính thì ai cũng có thể gõ, nhưng cách tính thì khác nhau. Tôn Quyền có cách tính của Tôn Quyền, Lưu Chương có cách tính của Lưu Chương, tất nhiên Lưu Bị cũng có cách tính của Lưu Bị. Kết quả của các phép tính đó, Lưu Bị được lãi, Tôn Quyền, Lưu Chương đều bị lỗ. Lưu Chương thảm hại nhất - Công ty phá sản, thân bại danh liệt; Tôn Quyền giương mắt nhìn Lưu Bị toạ hưởng kỳ thành - thu lời hai châu (vừa là Kinh châu mục vừa là Ích châu mục), được voi đòi tiên. Lưu Bị không những không trông coi nhà cửa cho Lưu Chương mà còn quay lại lấy sạch của Lưu Chương.

 

 

Tôn Quyền thì khác. Theo Tam quốc chí - Ngô chủ truyện và “Tư trị thông giám”, tháng năm, Kiến An năm thứ XX (Công nguyên năm 215), Tôn Quyền cử Gia Cát Cẩn là anh Gia Cát Lượng đến gặp Lưu Bị đòi lại Kinh châu. Lưu Bị không trả, nói: hiện ta đang chuẩn bị đánh phá Lương châu. Chờ khi lấy được Lương Châu, ta sẽ trả tất cả các vùng đất Kinh châu cho các vị. Tôn Quyền nói: rõ là mượn Kinh châu không muốn trả hay không trả nữa, nên cử luôn quan viên đến ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng hiện Lưu Bị đang quản lý. Lúc này Quan Vũ đang là tổng đốc Kinh châu. Quan Vũ đâu có chịu cảnh đó? Quan Vũ liền đuổi luôn mấy viên quan Tôn Quyền phái đến ra khỏi biên cảnh. Tôn Quyền tức giận, lập tức cử Lã Mông đưa hai vạn quân đi lấy ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng; lệnh Lỗ Túc đưa một vạn quân vào giữ Ba Khâu (thị trấn Nhạc Dương, Hồ Nam ngày nay) chống lại Quan Vũ, còn mình thì đóng ở Lục Khẩu (từ phía tây nam sông Lục Thuỷ, thị trấn Gia Ngư, Hồ Bắc ngày nay) để chỉ huy điều động. Được tin, Lưu Bị biết tình thế căng thẳng, liền để Gia Cát Lượng ở lại giữ Thành Đô, còn mình thống lĩnh năm vạn đại quân và chừng tháng sáu về tới Công An, đồng thời lệnh Quan Vũ thông lĩnh ba vạn quân đến đóng ở ích Dương, quyết sống mái với Tôn Quyền.

 


Hình nhân vật Quan Vân Trường một mình cưỡi ngựa (không phải ngựa Xích Thố) đi ngàn dặm.
(Di Hòa Viên, Bắc Kinh).

Trước lúc vào trận có cuộc hội đàm giữa Lỗ Túc và Quan Vũ. Theo Tam quốc chí - Lỗ Túc truyện, lúc đó hai bên quy định, hai quân cách nhau trăm bước, từng người xách dao vào hội (không phải chỉ có một mình Quan Vũ). Lỗ Túc trách Quan Vũ, nói: bỉ quốc có ý tốt cho quý phương mượn đất (quốc gia lấy đất cho bên khanh mượn), vì quý quân vừa bại trận, lại từ xa đến, không có chỗ đặt chân. Lúc này các vị đã lấy được Ích châu thì nên trả Kinh châu. Bên tôi chỉ cần ba quận, các vị đều không chịu trả! Lời vừa dứt, một người bên phía Quan Vũ đã xen vào nói, đất đai trong thiên hạ chỉ thuộc về người có đức, có cái gì là vĩnh hằng bất biến! Lỗ Túc nghiêm mặt trách mắng người đó, Quan Vũ liền cầm dao đứng dậy nói với người này, đây là điều chúa công suy nghĩ, ngươi hiểu cái gì! Rồi ra hiệu cho người đó ra chỗ khác, hội đàm không có kết quả?

 

 

Thực ra, Lỗ Túc nói không đúng. Khi Lưu Bị “mượn Kinh châu” đâu phải “quân bại từ xa đến, không còn thứ gì”. Ba quận mà Tôn Quyền đòi - Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng đâu phải của Đông Ngô, mà là của Lưu Bị lấy được, vậy bằng vào cái gì mà phải trả lại? Lẽ nào chỉ “mượn” Nam quận thì coi là Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng cũng là “mượn” hay sao? Chính lời chú dẫn Ngô thư của Bùi Tùng Chi mới có phần hợp lý. Theo Ngô thư, Quan Vũ nói: trong trận chiến Xích Bích, Tả tướng quân (Lưu Bị) thân ra trận dũng mãnh chống địch, lẽ nào lại là công cốc, đến một chút địa bàn cũng không có, có một chút bên ấy lại đến đòi? Lỗ Túc nghe xong, lại chống chế. Lỗ Túc, Quan Vũ bàn bạc chẳng đi tới đâu, chỉ còn một cách gặp nhau ngoài chiến trường.

 

 

Chiến tranh, chừng sắp nổ ra.

 

 

Lỗ Túc rất đau khổ về chuyện đó. Là lãnh tụ “phía liên minh” bên Đông Ngô (Gia Cát Lượng là lãnh tụ “phía liên minh” bên Lưu Bị), Lỗ Túc không muốn có kết quả đó, Gia Cát Lượng ở tận Thành Đô chắc cũng không muôn thế.

 

 

Lúc này Tào Tháo đang giúp đỡ họ. Tháng ba năm đó Tào Tháo tây chinh Trương Lỗ, tháng bảy tiến vào Hán Trung. Tin tức truyền đến, lập tức Lưu Bị hiểu rõ lúc này không phải là lúc trở mặt với Tôn Quyền, nên đã phái người đến cầu hòa với Tôn Quyền. Tôn Quyền cũng không muốn giao tranh với Lưu Bị, nên đã phái Gia Cát Cẩn đi đàm phán. Cuối cùng hai bên đã đi tới thỏa thuận, phân chia Kinh châu lấy Tương Thủy làm ranh giới. Từ phía đông Trường Giang, Giang Hạ, Quế Dương quy về Tôn Quyền, từ phía tây Nam quận, Linh Lăng, Vũ Lăng quy về Lưu Bị, Nam Dương và Tương Dương Nam quận vẫn thuộc về Tào Tháo. Lưu Bị mất khu vực phía đông Tương Thủy, nhưng tránh được Tào Tháo và Tôn Quyền kẹp đánh từ hai phía, có thể coi là “bỏ đất đổi lấy hòa bình”.

 

 

Lần tranh đấu này, Tôn Quyền không đòi được Kinh châu, chỉ đón được em gái về, đương nhiên Tôn Quyền không cam lòng. Huống hồ trong tập đoàn Giang Đông vẫn còn nhiều người muốn đoạt lại Kinh châu, như Lã Mông. Vậy, Lã Mông là người thế nào? Có thể thay Tôn Quyền đoạt lại Kinh châu không? Nếu được, Lã Mông sẽ phải làm gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét