Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

CƠ NGHIỆP GIANG ĐÔNG

 


Tôn Quyền đón nhận cơ nghiệp Giang Đông (Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1591)

Tập thứ mười tám: CƠ NGHIỆP GIANG ĐÔNG

 Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Long Trung đối của Gia Cát Lượng nói, tập đoàn Tôn Quyền “có thể viện mà không thể lấy” Long Trung đối theo bản Lỗ Túc thì cho rằng họ có thể “Dựng hiệu đế vương để lấy thiên hạ”. Sự thực thì tập đoàn Giang Đông do Tôn Quyền cầm đầu cũng là một chân không thể thiếu trong chiếc đỉnh Tam Quốc., Vậy, đây sẽ là một chính quyền như thế nào?

 

 

Ở tập trước chúng ta đã nói, lúc ở Long Trung, Gia Cát Lượng đã vạch ra quy hoạch chiến lược cho Lưu Bị, là tiếp quản Kinh châu, chiếm lĩnh Ích châu, liên hiệp với Tôn Quyền chống lại Tào Tháo, chia ba thiên hạ trước và sau là thống nhất. Bảy năm trước đó, Lỗ Túc cũng đã vạch ra quy hoạch chiến lược cho Tôn Quyền, lấy Kinh châu trước, rồi lấy Ích châu và do chia ba mà thành hai, cùng Tào Tháo vạch sông để trị, sau mới tìm đến thống nhất. Giang Đông rõ ràng là chuyện phải nói tới. Trước hết phải làm rõ lợi ích của tập đoàn đã đóng tại địa bàn này.

 

 

Trong Long Trung đối của mình, Gia Cát Lượng đã phán đoán và mô tả chuẩn xác về điểm này: “Tôn Quyển ở Giang Đông, đã có ba đời, đất hiểm dân theo, sử dụng hiền năng, chỉ có thể viện mà không thể lấy”. Giang Đông chừng là vùng đất phía nam sông Trường Giang thuộc ba tỉnh Giang Tô, Triết Giang, An Huy. Vì Trường Giang là nhánh sông hẹp ở tận phía bắc giữa Vu Hồ và Nam Kinh, người xưa đã gọi hai bờ của con sông này là Giang Đông và Giang Tây gọi Hồ Nam ngày nay là Giang Nam. Vì vậy “tập đoàn Giang Đông” là chính quyền cát cứ đã qua hai đời và ba thế hệ. Tôn Kiên là người sáng lập, Tôn Sách là người đặt nền móng và Tôn Quyền là lãnh tụ xứng đáng.

 

 

Tôn Kiên tự Văn Đài, người Phú Xuân Ngô quận (nay là Phú Dương, Triết Giang. Tam quốc chí nói, Tôn Kiên là cháu chắt của Tôn Vũ, e chưa đúng; nhưng Ngô thư nói, gia tộc họ Tôn lâu đời làm quan, chừng như đúng. Tôn Kiên từ nhỏ đã gan dạ giỏi giang hơn người. Năm mười bảy tuổi, Kiên cùng cha ngồi thuyền đi Tiền Đường, giữa đường gặp lũ cướp biển đang chia chác những thứ cướp được ở trên bờ, thuyền bè đều không dám đi tiếp. Tôn Kiên nói, có thể cho lũ cướp bọ này một trận, rồi xách đao lên bờ chỉ chỉ trỏ trỏ, giống như đang chỉ huy quân lính. Lũ cướp tưởng quan binh tới đã tháo chạy. Tôn Kiên liền truy đuổi, tóm được một tên chặt đầu rồi mới quay lại. Từ đó, Tôn Kiên nổi tiếng, được quan phủ bổ nhiệm làm Đại lý huyện úy (Cục trưởng công an huyện cấp phó), về sau thăng lên Huyện thừa (phó huyện trưởng).

 


Tôn Kiên, tác giả ảnh là Kimiya Masago người Nhật, sinh năm 1960,
một nghệ sĩ vẽ tranh minh họa (illustrator) các nhân vật lịch sử Nhật và Trung.


Nhưng mãi tới trận chiến đánh Đổng Trác, người thiên hạ mới nhìn nhận Tôn Kiên. Như phần trước đã nói, bấy giờ nghĩa quân Quan Đông đã thành lập liên minh do Viên Thiệu cầm đầu, nhưng liên quân “suốt ngày chỉ rượu chè, bài bạc, không có chí tiến thủ”, chỉ có hai người biết lo cho dân cho nước, ra quân chiến đấu là Phấn Vũ tướng quân Tào Tháo và Thái thú Trường Sa Tôn Kiên. Tào Tháo đã bị Đổng Trác đánh bại. Riêng Tôn Kiên thì uy phong lẫm liệt, đấu trí cao vợi. Ai dám ngăn Tôn Kiên, ai làm vướng chân Tôn Kiên người đó sẽ bị diệt. Ở Kinh châu Tôn Kiên đã giết Vương Duệ Thứ sử Kinh châu với tội danh “không biết gì” (nói năng khinh xuất với Tôn Kiên); ở Nam Dương Tôn Kiên giết Trương Tư Thái thú Nam Dương với tội danh “không làm gì” (không nghiêm trị quân, vật tư không đủ, nghĩa quân trễ nãi, quân giặc tới đánh). Thế là “cả quận chân động, đánh đâu thắng đó”, quân lính Tôn Kiên ca vang trên đường, đột tiến mạnh mẽ, cuối cùng đại phá quân Trác ở vùng Lỗ Dương (nay là huyện Lỗ Sơn, Hà Nam), giết Đô đốc Hoa Hùng của Đổng Trác (không phải Quan Vũ giết).

 

 

Lúc này đã nảy sinh ra hai khúc mắc nhỏ. Một là Viên Thuật nghe lời gièm không chuyển lương cho Tôn Kiên. Ngay đêm đó Tôn Kiên đã vượt hàng trăm dặm đường đến gặp Viên Thuật. Tôn Kiên nói, Tôn Kiên tôi đời trước không có oán, đòi sau không có thù với Đổng Trác, sở dĩ tôi ra sức đánh Đổng Trác là trước muôn giết giặc cho đất nước, sau để báo thù cho tướng quân (Đổng Trác đã giết hại cả nhà Viên Thuật), vậy vì sao tướng quân còn nghi kỵ Tôn Kiên này? Viên Thuật cảm thấy ngượng ngùng và cho điều quân lương ngay. Thứ hai, Đổng Trác thấy Tôn Kiên kiêu dũng đã cho người đến cầu hòa và hứa thân. Tôn Kiên nói, Đổng Trác tội ác tầy đình, có chết cũng chưa hết tội. Nếu Tôn mỗ này không diệt được ba họ hắn, không treo được đầu hắn, làm răn cho thiên hạ, e khi chết sẽ không nhắm được mắt, nói chi tới chuyện hòa thân! Tôn Kiên liền khua chiêng gõ trống, tiến thẳng đến hang núi cách Lạc Dương chừng mười chín dặm, Đổng Trác sợ quá, liền ép hoàng đế cùng trăm quan, dân chúng trăm họ, vòng đường Lạc Dương chạy thẳng về Tây An. Dã sử còn ghi, sau khi vào Lạc Dương, Tôn Kiên tìm thấy miếng ngọc tỉ truyền quốc từ thời Hán ở trong cung. Về sau miếng ngọc tỉ đó bị Viên Thuật cướp mất, trở thành một chứng cứ để sau này Viên Thuật xưng đế. Tôn Kiên không hổ là “anh hùng thời loạn” lúc đó.

 

 

Tiếc thay anh hùng cũng có bệnh của anh hùng, bệnh kiêu ngạo. Vì khinh địch, nên trong trận chiến với Hoàng Tổ, Tôn Kiên đơn phương độc mã rơi vào hiểm trận và bị giết lúc mới ba mươi bảy tuổi. Kế thừa cơ nghiệp là Tôn Sách - con cả của Tôn Kiên, lúc mười tám tuổi.

 

 

Tôn Sách tự Bá Phù, anh vũ giống cha, là một mẫu nhân tài, rõ ràng là anh hùng nhỏ tuổi, ở đó người ta gọi Tôn Sách là “Tôn soái ca” (hô là Tôn lang). Lúc thái thú Ngô quận là Hứa Công dâng thư lên triều đình, nói Tôn Sách rất giống với Tây Sở bá vương Hạng Võ năm nào (Tôn Sách kiêu hùng rất giống với Hạng Tịch, nên người người mới gọi là “tiểu bá vương”, có nghĩa là “Tiểu Hạng Võ”.

 

 

Tôn Sách, tranh minh họa thời Thanh

Tôi thấy Tôn Sách còn đáng yêu hơn cả Hạng Võ. Tam quốc chí. Tôn Sách truyện nói, Tôn Sách dáng người đẹp và cũng thích đẹp (tư thế nhan sắc đều đẹp), thích pha trò (nói chuyện vui), tính cách phóng khoáng (tính khoáng đạt), nghe lọt tai những ý kiến khác nhau (chịu nghe), còn “giỏi dùng người”, vì vậy “ai ai cũng hết lòng, Vui vẻ cho đến chết”. Đó là những ưu điểm mà Hạng Võ không có. Chúng ta đều biết Hạng Võ không biết dùng người. Lúc tổng kết những nguyên nhân khiến mình thành công, Lưu Bang có một câu: “Hạng Võ có Phạm Tăng mà không biết dùng, lại để ta tóm được”. Bên phía Tôn Sách thì nhân tài đông đúc. Trình Phổ, Hoàng Cái là lão thần của Tôn Kiên, còn Chu Du, Trương Chiêu là đội ngũ của Tôn Sách. Trương Chiêu tự Tử Bố người Bành Thành (nay là thị trấn Từ Châu, Giang Tô). Trương Chiêu thông minh ham học lầu thông kinh sử, chữ viết rất đẹp. Tam quốc chí. Trương Chiêu truyện nói, buổi đầu lập nghiệp, Tôn Sách để Trương Chiêu là Trưởng sử (bí thư trưởng), Phủ quân trung lang tướng (là tướng quân hai ngàn thạch). Mọi việc về quân sự đều do Chiêu xử lý. Trương Chiêu từng trông coi mọi việc, tiếng tăm tương đối lớn, vì vậy sĩ đại phu phương bắc, luôn có thư quy công lao cho Trương Chiêu. Trương Chiêu thấy không yên, nhưng không biết phải làm thế nào. Báo với Tôn Sách thì khác gì là khoe khoang; yên lặng, lại sợ bị nghi là ăn ở hai lòng. Sau khi biết được việc này Tôn Sách lấy làm mừng. Tôn Sách liền kể một câu chuyện, chuyện rằng năm đó Tề Hoàn công coi Quản Trọng như cha vậy, xưng là “trọng phụ” (tức thúc phụ), mọi việc đại sự quốc gia đều giao cho Quản Trọng. Thuộc hạ có việc gì hỏi, Hoàn công đều bảo đi báo với Trọng phụ. Nếu hỏi tiếp lại nói đi báo với Trọng phụ. Bên cạnh có người nói, một báo với Trọng phụ, hai, báo với Trọng phụ, làm vua cũng dễ dàng vậy sao! Hoàn công nói, làm vua có lúc mệt mỏi, có lúc nhàn nhã. Mệt mỏi lúc cầu hiền, nhàn nhã lúc có người. Lúc chưa có Trọng phụ, ta rất khó khăn; lúc có Trọng phụ thì làm vua rất dễ. Vì vậy, Tôn Sách mới cười, nói, chính vì Hoàn công “một là Trọng phụ, hai cũng là Trọng phụ”, nên mới thành bá nghiệp. Lúc này, Tử Bố chính là đại hiền trị lý đất nước! Ta dùng Tử Bố, lẽ nào đây chẳng phải là công lao và danh tiếng của ta.

 

 


Trương Chiêu

Đó mới là anh hùng chân chính! Phải mạnh bạo đại khí và thông minh. Nên nhớ rằng, là bộ hạ sợ nhất công cao hơn chủ, hoặc sợ nhất là bị người khác cho là công cao hơn chủ. Trong thực tế, không ít người lãnh đạo hoài nghi bộ hạ, ghen ghét người hiền năng, như Viên Thiệu đấy. Những người như vậy chỉ có thể dùng được những người kém hơn mình, chỉ có thể làm được một chút gì đó. Nếu gặp phải những người như Tào Tháo và Tôn Sách thì chỉ có thể thất bại. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, Tôn Sách đã giành được một vùng đất rộng lớn, không thể không nói Tôn Sách là lớp người đại khí và thông minh.

 

 

Với đại khí và sự thông minh đó, Tôn Sách khí khái hơn người, có sức hấp dẫn đặc biệt, cùng với các vị anh hùng khác lấp lánh như các vì sao. Thái Sử Từ một bộ tướng của Lưu Do cũng như vậy, một lần Tôn Sách và Thái Sử Từ gặp nhau trên quãng đường hẹp, cùng nhau giao chiến. Tôn Sách tóm được đoản kích phía sau lưng Thái Sử Từ, người này cũng cướp được mũ trụ của Tôn Sách, cuối cùng bất phân thắng bại. Về sau, trong trận đánh khác, Thái Sử Từ bị bắt. Tôn Sách đến cởi trói và cầm tay Thái Sử Từ, nói: nếu ta bị bắt thì không biết sẽ ra sao? Thái Sử Từ nói, chưa biết rồi sẽ thế nào! Tôn Sách cười vang, từ nay chúng ta sẽ cùng nhau làm việc lớn! Liền bái Thái Sử Từ là Chiết xung trung lang tướng, còn để Từ quay về chiêu mộ bộ hạ cũ của Lưu Do. Những người đứng gần đó đều nói, chuyến này thì Thái Sử Từ một đi không trở lại, Tôn Sách thì hết sức tin tưởng nói, Tử Nghĩa (tự của Thái Sử Từ) không theo ta thì có thể theo ai (Tử Nghĩa bỏ ta thì còn có thể đến với ai). Quả nhiên sáu mươi ngày sau, Thái Sử Từ đã quay lại đúng hạn và từ đó trở thành chiến tướng kiêu dũng của Tôn Sách, ngay như Tào Tháo cũng muốn có Từ. Một lần Tào Tháo đã gửi cho Từ một chiếc túi nhỏ, trong có một vị thuốc là đương quy. Nhưng Thái Sử Từ nhất quyết cả đời chỉ là bộ hạ của anh em Tôn thị, có thể coi đó là ma lực trong nhân cách của Tôn Sách.

 

 


Tôn Sách và Thái Sử Từ

Câu chuyện của Thái Sử Từ và Tôn Sách được ghi trong Tam quốc chí. Thái sử Từ truyện và ở hồi thứ mười lăm Thái Sử Từ ham đả tiêu bá Vương Tam quốc diễn nghĩa nhưng lời của Tôn Sách “Tử Nghĩa bỏ ta thì còn có thể đến với ai” được đổi thành “Tử Nghĩa là người tín nghĩa, tất không phản ta”, ý nghĩa khác xa. Thực tế thì câu nói trong Tam quốc chí chứng tỏ Tôn Sách tự tin; lòng tự tín chính là ma lực của người anh hùng. Người biết tự tin là người có ma lực, người có ma lực là người có sức hấp dẫn, hơn nữa Tôn Sách còn là người đối xử chân thành!

 

 

Tôn Sách đối nhân xử thế hay hơn Hạng Võ, quân kỷ cũng tốt hơn Hạng Võ. Không như Hạng Võ đến đâu cũng thiêu hủy cung điện, đốt phá thành trì, chôn sống tù binh, giết người vô tội. Lời chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Tôn Sách truyện nói, lúc đầu thì mọi người chưa thật hiểu Tôn Sách, nghe nói “tiểu bá vương” đến, thì họ kinh hồn lạc phách. Nhưng khi quân Tôn đến “quân sĩ tuân lệnh, không dám cướp bóc, chó gà rau cỏ, không phạm mảy may”, tất cả đều ủng hộ, đua nhau úy lạo quân sĩ, đây thực là điều hiếm thấy trong thời loạn.

 

 

Nhưng điều hiếm thấy hơn nữa còn là lập trường chính trị của Tôn Sách. Có hai việc có thể chứng minh rõ điều này. Thứ nhất, sau khi xưng đế Viên Thuật đã lôi kéo Tôn Sách, nhưng Tôn Sách nhất quyết cự tuyệt. Chúng ta đều biết lực lượng của Tôn Kiên vốn thuộc hệ thống lực lượng của Viên Thuật. Chính Viên Thuật đã phái Tôn Kiên đi đánh Lưu Biểu (Thuật sai Kiên đánh Kinh châu hạ Lưu Biểu). Sau khi Tôn Kiên chết trận, Tôn Sách cũng chạy đến nhờ vả Viên Thuật. Nên, nói về quan hệ thì Tôn Sách là bộ hạ của Viên Thuật; nói về vai vế thì Viên Thuật là cha, chú của Tôn Sách. Và Viên Thuật cũng rất khoái Tôn Sách, từng có câu: “nếu Thuật có đứa con như Tôn Lang, thì dù có phải chết cũng không ân hận”, mười lăm năm sau, Tào Tháo cũng đã khen ngợi Tôn Quyền “con cái phải được như Tôn Trọng Mưu”. Nhưng khi Viên Thuật ngang nhiên “đại nghịch bất đạo”, Tôn Sách đã “đại nghĩa diệt thân”, lập tức tuyên bố cắt đứt quan hệ với “Viên bá bá”. Đương nhiên, Tôn Sách cũng có phần oán Viên Thuật (Viên Thuật nhiều lần hứa phong quan cho Tôn Sách, nhưng mấy lần nói đấy bỏ đấy). Tôn Sách phản đối Viên Thuật xưng đế chưa hẳn vì lòng trung với Hán thất, nhưng không đời nào Tôn Sách lại hồ đồ theo chân Viên Thuật. Rõ ràng Tôn Sách có đầu óc chính trị.

 

 

Việc thứ hai, khi Tào Tháo “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục”, Tôn Sách cũng có những ý nghĩ tương tự. Trong trận chiến Quan Độ, giữa Tào Tháo và Viên Thuật, Tôn Sách điều binh khiển tướng “ngầm muốn lấy Hứa, nghênh đón Hán đế”, tiếc là bị thích khách mưu sát nên chưa thành. Nghe nói lúc đó Quách Gia đã đoán được điều này. Quách Gia nói, Tôn Sách kiêu ngạo, khinh địch, chẳng đề phòng gì, nên "Tuy quân có trăm vạn, cũng không lấy được Trung Nguyên”. Chỉ cần phái một thích khách là nên chuyện, nhất định Tôn Sách sẽ “chết trong tay một kẻ thất phu”. Quả nhiên Tôn Sách chưa kịp sang sông đã bị đâm chết. Đây không phải là truyện ghi trong dã sử, được ghi trong Tam quốc chí. Quách Gia truyện nhưng Tôn Sách không sớm không muộn chết đúng vào giai đoạn quan trọng của trận chiến Quan Độ, thực quá khéo! Vì vậy, lúc chú thích, Bùi Tùng Chi nói, Quách Gia “thực giỏi đoán việc”, nhưng Quách Gia có thần cơ diệu toán đến mấy cũng không thể đoán được ngày tháng Tôn Sách chết”, vì vậy, Tào Tháo đã tránh nói tới điểm này, cho rằng chết là do vận khí (một việc ngẫu nhiên), nào phải Quách Gia liệu việc như thần.

 

 

Đương nhiên, giới học thuật nói cũng khác nhau. Ngài Lã Tư Miễn cho rằng lời ghi chép việc Tôn Sách muốn lén đánh Hứa huyện là “lời ngu”, vì so với Hà Bắc thì Giang Đông cách xa Hứa huyện hơn nhiều, Tôn Sách có đến được hay không còn là vấn đề, nói chi tới việc cướp hoàng đế? Vì vậy, ngài Lã cho rằng, nói như Giang Biểu truyện đáng tin hơn - Tôn Sách lên bắc là để đánh Trần Đăng. Chúng ta không bàn thêm vân đề này. Điều đáng nói là, nếu như Tôn Sách cướp được hoàng đế, thì không rõ ai là người “Ép thiên tử để lệnh chư hầu”, có khả năng lịch sử phải chia lại. Chí ít, Tôn Sách không còn là “tiểu bá vương” mà là “đại bá vương”, về chính trị rõ ràng Tôn Sách đã mạnh tay hơn Hạng Võ.

 

 

Tôn Sách đánh nhau với Nghiêm Bạch Hổ

Có điều, Tôn Sách cũng có những nhược điểm như Hạng Võ, tức là quá cứng nhắc, thích giết người, nói giết là giết. Như chuyện của Nghiêm Hưng. Nghiêm Hưng là em trai Nghiêm Bạch Hổ, thay mặt Hổ đi giảng hòa, Tôn Sách cũng đồng ý. Nhưng trong lúc hội đàm, Tôn Sách lại giết Nghiêm Hưng. Theo chú dẫn Ngô lục của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Tôn Sách truyện lúc đó, Tôn Sách đột nhiên rút dao chặt đứt một góc bàn. Cả người Nghiêm Hưng run lên, Tôn Sách nói, nghe nói túc hạ biết khinh công, có thể ngồi mà bật dậy, vì vậy mới đùa một chút. Nghiêm Hưng nói, cứ nhìn thấy dao là người lại như vậy (nhìn dao là thế), Tôn Sách liền ném kích tới, giết chết Nghiêm Hưng.

 

 

Nếu nói giết là để uy hiếp kẻ thù (sau khi Nghiêm Hưng chết thì đồng đảng của người này cũng tan rã theo) thì việc Tôn Sách giết Nghiêm Hưng ít nhiều còn có lý; còn như Tôn Sách giết Cao Đại thì hoàn toàn vì sĩ diện. “Ngô lục” nói, lúc đó Cao Đại ẩn cư tại Từ Diêu, Tôn Sách mời Cao Đại đến bàn về Tả truyện, Tôn Sách chuẩn bị rất chu đáo. Lúc đó có kẻ trung gian đã nói khống. Người đó nói với Tôn Sách, Cao Đại có coi tướng quân ra gì đâu, bảo ngài chỉ có võ mà không có văn. Lúc hai người bàn về học thuật thì Cao Đại nhất định sẽ chẳng buồn trả lời, cứ nói là mình không biết. Người này lại đến nói với Cao Đại, Tôn Sách chúa ghét những người hơn mình. Nếu tôn Sách có hỏi gì thì cứ nói là không biết. Nếu cứ tranh luận thì e sẽ nguy hiểm. Cao Đại tin là thực và làm theo người đó. Kết quả, Tôn Sách cho rằng Cao Đại khinh mình, liền cho nhốt Cao Đại. Bây giờ có nhiều người đến cầu xin cho Cao Đại. Tôn Sách lên lầu nhìn, người đông nghìn nghịt (Trong lầu chật người), Tôn Sách lại càng hận (Đại được lòng quần chúng), cho giết luôn Cao Đại. Ngoài ra, Tôn Sách giết Vu Cát, cũng chỉ vì người theo Vu Cát rất đông, khiến chủ tướng “không giữ đúng lễ quần thần”, làm tổn hại đến lòng tự tôn của mình. Vì vậy, chúng ta rất mừng khi Tôn Sách không thể “Ép thiên tử để lệnh chư hầu”, còn nếu được thì e Tôn Sách giết người còn hơn cả Tào Tháo.

 

 

Sự thực thì, hai nhược điểm chí mạng của Tôn Sách là thích giết người và sĩ diện, Tôn Sách sẽ chết vì hai nhược điểm đó. Tam quốc chí. Tôn Sách truyện ghi rõ “Khách của cố Ngô quận Thái thú Hứa Cống đã giết Tôn Sách” còn Giang Biểu truyện và Ngô lịch nói có phần kịch tính hơn. Phần trước đã nói, bấy giờ Ngô quận Thái thú Hứa Cống dâng thư lên triều đình, “Tôn Sách kiêu hùng, giống như Hạng Tịch”, nhưng sau đó Hứa Công có kiến nghị: Triều đình nên triệu Tôn Sách về kinh quản lý chặt chẽ. Không để Tôn Sách làm loạn ở bên ngoài. Sau khi đọc biểu văn đó, Tôn Sách liền sai giết Hứa Cống. Người hầu cùng môn khách của Hứa Cống đã giết Tôn Sách để trả thù. Thích khách làm thương tổn đến phần mặt của Tôn Sách, hoàn toàn có thể chữa khỏi (thầy thuốc nói có thể chữa được), nhưng phải tĩnh dưỡng đủ một trăm ngày (phải giữ gìn, một trăm ngày bất động) - Nhưng Tôn Sách lại đi soi gương, soi xong, liền nói với người bên cạnh, mặt mũi biến dạng thế này, ta còn lập công dựng nghiệp được chăng (mặt thế này còn lập công dựng nghiệp được không)? Liền xô chiếc bàn ra và hét ầm lên, kết quả làm vết thương bị vỡ, máu chảy lênh láng, Tôn Sách đã tắt thở lúc hai mươi sáu tuổi. Đây là điển hình “chết vì sĩ diện”.

 

 

Như vậy, Tôn Sách vẫn là một “Tiểu Hạng Võ”, nhưng nhiều ưu điểm hơn Hạng Võ. Trong cuốn Nhàn thoại tam phân của ngài Trần Nhĩ Đông nói, Tôn Sách đối với mẹ là con có hiếu; đối với vợ là cuộc giai ngộ; đối với em là anh cả tốt. Nói vậy là rất đúng. Lời chú dẫn Cối Kê điển lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Ngô phu nhân truyện nói, có một lần cũng chỉ vì sĩ diện, Tôn Sách định giết Ngụy Đằng, không ai có thể cứu được. Lúc đó, mẹ Tôn Sách đang đứng bên giếng nước, bà nói, con còn giết bừa những người góp ý thì mẹ sẽ nhảy xuống giếng để khỏi phải trông thấy con diệt vong. Tôn Sách kinh hãi, liền cho thả Ngụy Đằng. Đúng là hiếu tử. Theo chú dẫn Lưu Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Chu Du truyện, Tôn Sách và Chu Du, người lấy Đại Kiều, người lấy Tiểu Kiều, hai người đẹp ở Giang Đông. Khi đó Tôn Sách và Chu Du mới hai mươi bốn tuổi, đều là nhân sĩ thành đạt, vì vậy Tôn Sách nói với Chu Du, hai người con gái của Kiều công tuy là sắc nước hương trời, nhung được hai chúng ta là chồng, chắc cũng mãn nguyện. Đúng là cuộc giai ngộ. Một điểm cuối cùng nữa, lúc Tôn Kiên chết, Tôn Sách mười tám tuổi, Tôn Quyền mới mười một tuổi, hai người em nữa còn rất nhỏ - Tôn Sách nhờ bạn trông nom mẹ và các em còn nhỏ, còn mình thì mang theo Tôn Quyền để Quyền được rèn luyện về chính trị, quân sự, trước lúc lâm chung còn trao quyền lực cho Tôn Quyền, lưu lại một ít cơ nghiệp và rất nhiều lương thần. Đúng là người anh cả tốt. Nhưng ngài Trần đã nói thêm, để mẹ tóc bạc phải tiễn người con tóc xanh thì chưa thể nói là người con tốt. Vị Tôn soái ca đoản mệnh này e chỉ có thể là người anh cả tốt.

 

 

Lời Trần tiên sinh là vô cùng tế nhị, nhưng tôi nghĩ vẫn nên bổ sung một điểm: Tôn Sách còn có thể coi là lãnh tụ tốt đối với tập đoàn Giang Đông. Cũng có hai lí do: Thứ nhất, Tôn Sách đã có cơ sở vững chắc; thứ hai, Tôn Sách đã tìm được người thay thế xứng đáng. Chúng ta đều biết, Tôn Kiên nam chinh bắc chiến chủ yếu là để gây uy thế, Tôn Sách nam chinh bắc chiến chủ yếu để gây dựng địa bàn. Tôn Sách đã bình định xong sáu quận ở Giang Đông, vì vậy Trần Thọ nói, “Giang Đông là cơ đồ của Tôn Sách”. Có thể nói, Tôn Sách cầm quân lúc mười tám tuổi, hai sáu tuổi thì qua đời, vẻn vẹn trong bảy tám năm ngắn ngủi đã làm được việc mà người khác phải lâu dài, thậm chí là cả đời mới làm xong, thực là hiếm thấy! Đương nhiên, Tôn Sách không dễ dàng gì trao cho người khác cơ nghiệp đấy. Lời chú dẫn Điển lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Tôn Dực truyện nói, lúc đó Trương Chiêu cùng nhiều người khác vẫn tưởng Tôn Sách sẽ trao quyền lực cho người em thứ ba là Tôn Nghiễm, cũng tức là Tôn Dực, vì Tôn Dực “kiêu dũng quyết liệt, tác phong như Sách”. Nhưng Tôn Sách lại chọn Tôn Quyền. Sự thực chứng minh, Tôn Sách đã đúng. Ba người đầu trò trong thời đại Tam Quốc. Tôn Quyền là người sống lâu nhất, bảy mươi mốt năm (thứ đến Tào Tháo sáu mươi sáu năm; thứ nữa là Lưu Bị, năm mươi tám năm); trong ba chính quyền thời Tam Quốc thì Tôn Ngô vẫn là dài nhất, năm mươi mốt năm (thứ đến là Tào Ngụy bốn mươi sáu năm; rồi mới đến Lưu Thục, bốn mươi hai năm). Đông Ngô là nước tương đối ổn định, điều này liên quan đến việc Tôn Sách chọn đúng người thay thế. 

 


Tôn Quyền gục trên giường khóc lóc thảm thiết

Vậy, vì sao Tôn Sách lại chọn Tôn Quyền?

 

 

Đáp án có trong lời nói cuối cùng của Tôn Sách. Tam quốc chí. Tôn Sách truyện nói, trước lúc lâm chung, Tôn Sách cho mời Trương Chiêu và những người khác đến nói với họ “Trung Quốc hỗn loạn, có dân chúng Ngô Việt, ba sông hiểm trờ, đủ để nhìn thành bại, mong công ủng hộ em ta!”. Sau đó thì gọi Tôn Quyền đến, trao mũ ấn và nói “Cử quân Giang Đông, quyết mưu giữa hai trận đánh, tranh giành thiên hạ, khanh không bằng ta, dùng người hiền tài để họ hết lòng gìn giữ Giang Đông, ta không bằng khanh”. Như vậy là quá rõ ràng, Tôn Sách hiểu rất rõ, lấy giang sơn bằng vũ lực là sứ mạng lịch sử của mình, và về cơ bản sứ mệnh đó đã hoàn thành. Với vốn liếng chính trị và lực lượng quân sự của tập đoàn, “thiên hạ” của Giang Đông cứ tạm thời như vậy đã. Bước sau chỉ có thể là “gìn giữ Giang Đông” và “ngồi chờ thành bại”. Và như vậy, người thay thế mình không phải có tài về quân sự, mà phải có tài về chính trị, không phải anh dũng thiện chiến mà là giỏi mưu giữ nước. Vì vậy Tôn Sách không chọn Tôn Dực - người có tính cách tác phong giống với mình, mà chọn Tôn Quyền người khác với mình. Chúng ta đều biết, điều kiện để chọn người kế thừa trong thời đại đế chế, phải là “rất giống với nhà vua”. Đằng này Tôn Sách đã chọn người “không giống”, đó chính là chỗ hơn người của Tôn Sách. Một lần nữa lại chỉ rõ, Tôn Sách là người có nhãn quan và đầu óc chính trị.

 

 

Và như vậy, đường lối chính trị của tập đoàn Giang Đông từ nay có thay đổi, tức là lấy “giữ” làm điều “cơ bản của quốc sách”, lấy giữ làm tiền đề rồi mới lập mưu tiến lấy. Rõ ràng quyết sách đó là đúng đắn. Trong lúc trận chiến Quan Độ còn dùng giằng, Tào Tháo, Viên Thiệu thư hùng chưa quyết, thì các lộ chư hầu, lòng dạ ma quái, đang nhìn chằm chằm. Kinh châu có Lưu Biểu, Ích châu có Lưu Chương, Hán Trung có Trương Lỗ, Quan Trung có Mã Đằng, đúng là Trung Nguyên hỗn loạn thiên hạ chưa định. Vào lúc này, tập đoàn Giang Đông với một quy mô nhất định coi mình là người đi sau, không thể nhất thời “tiêu hóa” được họ với chiếc “dạ dày” khổng lồ, mà chỉ có thể “gìn giữ Giang Đông” và “ngồi nhìn thành bại”, trước hết phải củng cố thành quả, và chờ thời cơ, tìm phương hướng tiến tới.

 

 

Có điều, giữ cũng có nhiều cách giữ. Ôm tàn khuyết mà giữ là một loại, lấy đánh mà giữ cũng là một loại. Thực tế, trong thời Tôn Quyền, nội bộ tập đoàn Giang Đông luôn tồn tại hai loại ý kiến khác nhau, đại biểu cho hai đường lối khác nhau. Phái thứ nhất mà Trương Chiêu là đại diện, chủ trương bảo thủ, được gọi là “phái bồ câu”. Phái thứ hai, đại diện là Chu Du, chủ trương tiến công, được gọi là “phái chim ưng”. Tôn Quyền giữ thăng bằng giữa hai phái, nhưng xương cốt là ở “phái chim ưng”. Vì vậy, lúc Cam Ninh nêu ý kiến đánh Hoàng Tổ, Tôn Quyền tỏ thái độ ngay. Tôn Quyền nâng chén rượu nói, việc này chẳng khác gì chén rượu đây, nên phó thác cho khanh!

 

 

Sự thực, anh em Tôn thị luôn tấn công Hoàng Tổ. Tôn Sách, Tôn Quyền từng ra quân vào các năm Kiến An thứ V (Công nguyên năm 200) và Kiến An năm thứ VIII (Công nguyên năm 203) và đây là lần ra quân thứ ba. Hiển nhiên họ có thù giết cha với Hoàng Tổ và quan trọng hơn đây còn là lợi ích của cả tập đoàn. Ngay như Lưu Bị và Lưu Biểu chẳng có thù oán gì, vẫn có ý định đánh lấy mảnh đất này. Kỳ thực thèm muốn Kinh châu đâu chỉ có tập đoàn Tôn Quyền, tập đoàn Lưu Bị, mà Tào Tháo cũng đang nhìn chằm chằm. Từ buổi đầu tiên lập kế cho Tào Tháo, Quách Gia cũng muốn nhanh chóng lấy được Kinh châu. Kinh châu chẳng khác gì dê giữa bầy lang sói.

 

 

Vậy tình hình Kinh châu là thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét