Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

MẢNH ĐẤT PHẢI LẤY

 

Bản đồ Kinh châu thời Tam Quốc

Tập thứ mười chín: MẢNH ĐẤT PHẢI LẤY

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Trong quy hoạch chiến lược mà Quách Gia, Lỗ Túc và Gia Cát Lượng đề xuất với chủ của mình thì Kinh châu luôn là mảnh đất phải lấy; Gia Cát Lượng và Cam Ninh luôn đoán rằng Lưu Biểu sẽ không giữ được Kinh châu. Sự thực việc giành giật Kinh châu đã làm thay đổi trạng thái của Trung Quốc thời đó, kết quả việc giành giật là tiền đề để Tam Quốc chia ba. Kinh châu, cuối cùng là mảnh đất như thế nào; châu mục Kinh châu Lưu Biểu là người như thế nào?

 

 

Ở mấy tập trước chúng ta đã nói, bất kể là Gia Cát Lượng hay Quách Gia, Lỗ Túc, mỗi khi đưa ra quy hoạch cho chủ của mình thì đều coi Kinh châu là mảnh đất phải giành lấy. Hơn nữa, Gia Cát Lượng và Cam Ninh còn đoán rằng Lưu Biểu sẽ không giữ được Kinh châu. Lỗ Túc tuy chưa nói ra nhưng gần như cũng có ý đó. Vậy ở đây có chuyện gì, vì sao Lưu Biểu lại không giữ được Kinh châu?

 

 

Bây giờ chúng ta sẽ nói về Lưu Biểu.

 

 

Nếu nói Tào Tháo là “gian hùng đáng yêu” thì ấn tượng Lưu Biểu để lại cho mọi người là “bao cỏ xinh xắn”. Lưu Biểu tự Cảnh Thăng, cũng như Lưu Bị là “dòng dõi nhà Hán”, là danh sĩ đương thời. Hậu Hán thư nói, Lưu Biểu là cháu chắt của Lỗ Cung vương, “thân cao hơn tám thước, tư mạo khôi vĩ” cùng mấy người như Trương Kiện được gọi là “bát cố” (tám người với đức hạnh của mình hướng dẫn người khác). Tam quốc chí nói Lưu Biểu “từ nhỏ đã nổi tiếng, gọi là bát tuấn, cao hơn tám thước, tư mạo khôi vĩ”. Xem ra có phần đúng, Lưu Biểu là “dòng dõi nhà Hán”, không như “thân phận hoàng tộc” của Lưu Bị, còn có điều mơ hồ. Lưu Biểu là danh sĩ, cũng đúng, còn được ghi tên lên bảng. Lưu Biểu còn là một soái ca, Lưu Biểu cao hơn Gia Cát Lượng một chút trông lại đẹp đẽ. Ngoài ra danh tiếng của Lưu Biểu cũng tốt, là “một trong đảng cố” (nhân sĩ chính phái bị hại) vào năm cuối thời Đông Hán, từng bị tập đoàn hoạn quan truy xét, vì trốn nhanh nên mới thoát nạn (chiếu thư vây bắt người trong đảng, Biểu chạy nhanh mới thoát). Đó là vốn liếng để Biểu hoàn thành sự nghiệp.

 

 


Lưu Biểu

Lưu Biểu cũng có bản lĩnh. Tam quốc chí và Hậu Hán thư đều có ghi chép và miêu tả về điểm này. Theo hai cuốn trên (phần dưới nếu không có chú thích thì đều được lấy ở hai cuốn trên), vào năm Sơ Bình đầu tiên (năm 190) thời Hán Hiến đế, lúc cha của Tôn Quyền là Thái thú Trường Sa Tôn Kiên giết chết Thứ sử Kinh châu là Vương Duệ, triều đình đã phải cử Lưu Biểu đảm nhiệm chức vụ đó. Vùng đất Kinh châu không yên ổn “giặc giã khắp nơi”, “quân Thiệu cản trở”, Lưu Biểu không đến được Kinh châu (Biểu không thể đến), đành phải “đơn thương độc mã đến Nghi Thành” (nay là Nghi Thành, Hồ Bắc). Lúc này, Lưu Biểu đã có một quyết sách chính xác, dựa vào hào tộc địa phương để bình định Kinh châu. Lưu Biểu đã tìm được hai người, một là Khoái Việt người Nam quận, một là Sái Mạo người Tương Dương. Sái Mạo nhiều tài, thô lỗ, có hàng trăm thê thiếp, gia sản giàu có. Về sau, Sái Mạo còn có quan hệ hôn nhân với nhà Lưu Biểu. Lưu Biểu, là chú dượng của vợ Gia Cát Lượng. Khoái Việt túc trí đa mưu, là nhân sĩ Kinh châu được Tào Tháo mến mộ nhất. Lời chú dẫn Phó Tử của Lý Hiền trong Hậu Hán thư. Lưu Biểu truyện nói, năm Kiên An thứ XIII, Lưu Tôn đầu hàng, Tào Tháo không tốn một mũi tên hòn đạn nào cũng hạ được Kinh châu, Tào Tháo đã viết thư cho Tuân Úc: “Không thích lấy được Kinh châu, chỉ thích có Dị Độ” (Khoái Việt là Dị Độ). Điều đó chứng tỏ Tào Tháo cầu hiền như khát nước, và cũng cho ta thấy rõ Khoái Việt là người khác thường. Lưu Biểu tìm được hai người, coi như công việc đã hoàn thành một nửa.

 

 

Khoái Việt đề xuất đương lối vừa cương vừa nhu cho Lưu Biểu. Khoái Việt cho Lưu Biểu hay, có hai mối họa cho Kinh châu là Viên Thuật và Tông tặc. “Tông tặc” chừng là trung tâm đại tộc hào môn, là lực lượng vũ trang vô chính phủ, một tổ chức mang tính chất địa phương theo quan hệ của tông tộc. Chính chúng đã làm khó dễ khiến Lưu Biểu không vào được Kinh châu. Vậy, phải làm gì đây? Khoái Việt nói: “Đối với người bình thường xử sự bằng nhân nghĩa, với kẻ loạn dùng quyền mưu. Binh không cốt ở nhiều, quý là được lòng dân”. Tức là trị lý Kinh châu bằng hai cách, hiệu triệu bằng đạo đức và lấy vũ lực để uy hiếp. Chẳng phải kẻ địch của tướng quân là Viên Thuật và Tông tặc sao? Đặc điểm của Viên Thuật là gì? Là “kiêu ngạo, vô mưu”. Còn đặc điểm của Tông tặc? Là “đông và tham bạo”, vì vậy cần phải diệt Tông tặc trước, sau mới ngăn Viên Thuật. Cách làm cụ thể là “diệt kẻ vô đạo, sử dụng người tài năng”. Sứ quân "uy đức đã đủ”, mọi người sẽ theo về (sẽ mạnh lên). Sau đó, sứ quân “nam chiến Giang Lăng, bắc giữ Tương Dương”, có thể “truyền hịch mà định” cả tám quận Kinh châu. Nếu lúc đó, Viên Thuật đem quân đánh tới cũng chẳng hề gì (Công Lộ có tới cũng chẳng làm được gì)?

 

 


Minh họa Khoái Việt của họa sĩ Hứa Lực
cho thấy Việt đang cầm Kinh Châu trong tay

Lưu Biểu dùng kế sách của Khoái Việt, để Khoái Việt triệu mười lăm kẻ đầu mục Tông tặc tới và “chém đầu thị chúng”. Kết quả “Giang Nam được yên” (Giang Nam ngày đó thì nay là phía nam khu vực Lưỡng Hồ của Trường Giang), Lưu Biểu ngồi giữ Tương Dương (quân ở Tương Dương), về sau Viên Thuật hợp tác với Tôn Kiên, Viên Thuật phái Tôn Kiên đi đánh Lưu Biểu, bộ tướng Hoàng Tổ của Lưu Biểu đến cứu viện, Tôn Kiên trúng tên lạc mà chết, từ đó thế lực của Viên Thuật hết cách đến Kinh châu. Triều đình nhiệm mệnh Lưu Biểu là Trấn nam tướng quân, Kinh châu mục, phong Thành Võ hầu, giá tiết (ý là có thượng phương bảo kiếm), Lưu Biểu đã thành công.

 

 

Cần phải nói một chút về chế độ hành chính địa phương thời Hán. Những năm đầu thời Tây Hán, vương triều nhà Hán thực hành “quận quốc chế”, tức là quận huyện và phong quốc cùng tồn tại “một triều hai chế” (một vương triều, hai chế độ). Sau khi Hán Cảnh đế dùng lời của Triều Thác diệt Phiên, đến thời Hán Vũ đế, phong quốc chỉ là hư danh, thực tế là thực hành chế độ quận huyện, tức là quản lý ba cấp trung ương, quận và huyện. Huyện thuộc quận, quận thuộc trung ương, cả nước có hơn một trăm quận, hơn một ngàn huyện. Quan đứng đầu một huyện gọi là huyện lệnh hoặc huyện trưởng, quan đứng đầu một quận gọi là quận thú, sau gọi là thái thú. Phần trước có nhắc tới Trường Sa Thái thú Tôn Kiên, Giang Hạ Thái thú Hoàng Tổ, họ đều là quan đứng đầu một quận.

 

 

Có điều, thái thú thời Đông Hán và thái thú thời Tây Hán có phần khác nhau. Trên thái thú thời Tây Hán không còn trưởng quan hành chính địa phương, thời Đông Hán vẫn còn, đó là thứ sử hoặc châu mục. Việc này được bắt đầu từ thời Tây Hán. Năm Nguyên Phong thứ V (năm 106 trước Công nguyên) thời Tây Hán, Hán Vũ đế chia thiên hạ thành mười ba châu bộ, tức là mười hai châu và một bộ (Tư Lệ bộ), mỗi châu được phái đến một viên thứ sử. Trung ương phải cử một đặc phái viên (sử) đến địa phương giám sát bất pháp (thứ), gọi là “thứ sử”. Cấp bậc của thứ sử là sáu trăm thạch, chức trách là tuần tra giám sát, không có nơi làm việc cố định, không có nơi thường trú, không thể can dự vào công việc hành chính địa phương. Đến thời Đông Hán thì tình hình đã thay đổi. Thiên hạ gồm mười ba châu: Tư Lệ, Dự châu, Kí châu, Duyện châu, Từ châu, Thanh châu, Kinh châu, Dương châu, Ích châu, Lương châu, Tinh châu, U châu, Giao châu, nhưng cả mười ba châu đã biến thành khu vực hành chính địa phương một cấp, chế độ quản lí hai cấp quận quản huyện đã thành khu vực quản lí ba cấp, châu quản quận, quận quản huyện. Trưởng quan ở châu, có lúc gọi là thứ sử, có lúc gọi là châu mục, có lúc vừa có thứ sử vừa có châu mục. Nói một cách tương đối, thứ sử uy nhẹ, châu mục quyền nặng. Thời Hán Linh đế, châu mục trách nhiệm nặng nề, ngôi cao, quyền lớn; châu mục thời Hán Hiến đế, nhiều người là kiêu hùng thiên hạ, chư hầu một phương, như Kí châu mục Viên Thiệu, Duyện châu mục Tào Tháo. Lưu Biểu từ thứ sử biến thành châu mục là một thành công lớn!

 

 

Sau khi đảm nhiệm Kinh châu mục, Lưu Biểu tỏ ra phi phàm. Kiến An năm đầu (năm 196), tức là năm Tào Tháo nghênh đón thiên tử. Phiêu kỵ tướng quân Trương Tế là chú của Trương Tú vì hết lương đã thâm nhập Tương Thành (nay là thị trấn Đăng Châu Hà Nam), quận Nam Dương Kinh châu, rồi trúng tên mà chết. Quan viên Kinh châu đều đến chúc mừng Lưu Biểu. Lưu Biểu lại nói, Trương Tế vì cùng đường mới đến Kinh châu. Chúng ta là những chủ nhân vô lễ, mới dẫn đến chiến tranh, nhưng đấy không phải ý muốn của ta, vì vậy châu mục ta xin nhận lời điếu, không nhận lời chúc (Tế cùng đường đến, chủ nhân vô lê, dẫn tới giao tranh, ta không muốn vậy, xin nhận lời điếu không nhận lời chúc). Trương Tú liền đóng quân ở Uyển Thành (nay thị trấn Nam Dương, Hà Nam), liên minh cùng Lưu Biểu.

 

 

Thái độ Lưu Biểu rất được lòng người, Tam quốc chí nói, quân lính của Trương Tế “luôn phục tùng”, Hậu Hán thư nói, “đã phục tùng”. Đến năm Kiến An thứ III (năm 198), Lưu Biểu không chỉ có đủ bảy quận Kinh châu (Nam Dương, Nam Quận, Giang Hạ, Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng), mà còn mở rộng được lãnh thổ, “nam tiếp với Ngũ Lĩnh, bắc chiếm Hán Xuyên, đất rộng hàng ngàn dặm, quân lính hơn mười vạn”, trong nước, “yên bình hàng vạn dặm, lớn bé vui mừng đến theo”, nghiễm nhiên trở thành một vương quốc độc lập. Nhân sĩ Trung Nguyên thấy vậy, đã kéo đến Kinh châu lánh nạn, có hàng ngàn học sĩ đã theo về Lưu Biểu, Lưu Biểu luôn an ủi vỗ về, còn giúp đỡ cả vàng bạc”. Đồng thời, Lưu Biểu còn cho xây dựng cả trường học, hưng thịnh nho thuật, biến Kinh châu thành “Vượng đạo lạc thổ” trong thời loạn. Lưu Biểu đúng là một châu mục tốt.

 

 

Lưu Biểu bản lĩnh như vậy, sao còn gọi là “bao cỏ”? Có mấy nguyên nhân sau.

 

 

Thứ nhất, Lưu Biểu chí không lớn. Lưu Biểu chẳng hùng tài đại lược gì, không có gì bức bách, không có chí tiến thủ. Quách Gia từng chỉ thẳng ra rằng: “Biểu, chỉ ngồi trò chuyện với khách” Tam quốc chí. Quách Gia truyện, Tào Tháo cũng nói: “Ta đánh Lã Bố, Biểu không đến cướp; trận chiến Quan Độ, không cứu Viên Thuật chỉ là một tên giặc ngồi giữ thành”. Ngụy thư cũng đã nhìn thấu Lưu Biểu. Sự thực thì nguyện vọng của Lưu Biểu chỉ là, giữ lấy đất đai của mình, vợ con cùng bếp lửa. Cho nên, mặc cho ai phát sinh mâu thuẫn, chiến tranh với ai, Lưu Biểu luôn án binh bất động, ngồi nhìn thành bại với bao tâm tư “muốn giữ Giang Hán, nhìn thiên hạ biến đổi”. Lúc trận chiến Quan Độ, Viên Thiệu cử người đến cầu viện Lưu Biểu, Lưu Biểu bằng lòng nhưng rồi cũng không ra quân và cũng không giúp đỡ Tào Tháo, về sau Tào Tháo đánh Ô Hoàn, Lưu Bị khuyên Lưu Biểu tập kích Hứa huyện, Lưu Biểu cũng bất động, kết quả là để mất thời cơ. Tào Tháo và Quách Gia xem thường Lưu Biểu, không phải là không có lý.

 

 

Thứ hai, Lưu Biểu không độ lượng. Lúc trận chiến Quan Độ, Lưu Biểu tọa sơn quan hổ đấu, có hai bộ hạ là Hàn Tung và Lưu Tiên nói với Lưu Biểu: “Hào kiệt tranh giành, hai hùng đối nhau, tướng quân nên xem thiên hạ làm trọng”. Nếu tướng quân định làm gì, nên ra tay luôn (nếu muốn làm gì, nên thừa cơ mà làm). Nếu không định làm gì, nên chọn lấy một bên (nếu không, nên chọn một mà theo). Lúc này tướng quân có nhiều người, sao cứ ngồi mà nhìn”, nhìn thấy người đáng giúp lại không thể giúp (thấy người hiền mà không giúp), khuyên họ giảng hòa cũng không xong (giảng hòa mà không được), kết quả cuối cùng, mối hận của hai bên sẽ tập trung vào tướng quân. Tới lúc đó, tướng quân muốn trung lập e cũng không xong (tướng quân không thể trung lập)! Đại tướng Khoái Việt cũng từng khuyên Lưu Biểu như vậy. Thế là Lưu Biểu liền cử Hàn Tung đến chỗ Tào Tháo tìm hiểu hư thực. Sau khi trở về, Hàn Tung “kể chuyện Thái tổ uy đức”, Lưu Biểu liền nghi ngờ Hàn Tung đã bội phản, muốn giết Hàn Tung, có điều, tra đi xét lại không tìm thấy gì, nên thôi.

 

 

Lưu Biểu làm việc đó thật phi lý. Theo Hậu Hán thư, trước lúc lên đường, Hàn Tung nói, theo ngu ý của Hàn Tung, với sự anh minh của mình, Tháo tất lấy được thiên hạ. Nếu tướng quân có ý định dựa vào Tào Tháo, phái Hàn Tung đi sứ Trung Nguyên là có thể. Nếu còn nghi ngờ thì thực không thích hợp. Vì sao vậy? Vì Hàn Tung vào kinh thành, có thể hoàng thượng sẽ cho Hàn Tung một chức quan nào đó, Hàn Tung có thể từ chối, đương nhiên là không hề gì; nhưng nếu từ chối không được thì từ đây, Hàn Tung trở thành thần mới của thiên tử, và là quan cũ của tướng quân. “Hàn Tung chỉ muốn là quan của tướng quân, suốt đời vì tướng quân”, mong tương quân suy xét kỹ.

 

 

Hàn Tung đã hết sức chân thành, nhưng Lưu Biểu không nghe, nhất định sai Hàn Tung lên bắc. Quả nhiên, Hán Hiến đế phong Hàn Tung là Thị trung, Linh Lăng thái thú, lúc này Hàn Tung đã nói theo lập trường của triều đình và Tào Tháo, Lưu Biểu tức giận muốn giết Hàn Tung, Hàn Tung thần sắc vẫn như thường, nhắc lại một lần nữa mấy câu nói trước lúc lên đường, vợ Lưu Biểu cũng ra can, nhưng Lưu Biểu vẫn cứ tức giận. Cuối cùng tra xét Hàn Tung không có vấn đề gì, mới hạ ngục Hàn Tung. Tận khi Tào Tháo lấy được Kinh châu, Hàn Tung mới được thả ra. Vì vậy, Trần Thọ mới bình rằng “Biểu bề ngoài thì nho nhã, bên trong hay nghi kỵ, cũng là thế cả!”

 

 

Đã không có chí lớn, lại không độ lượng dẫn tới vấn đề thứ ba của Lưu Biểu - không biết dùng người. Lưu Bị là kiêu hùng thiên hạ, Gia Cát Lượng là rồng, hai người đều ở bên cạnh ở trước mặt, nhưng Lưu Biểu nhìn mà không thấy; nhân sĩ Trung Nguyên xuống phía nam, đến Kinh châu cả ngàn người, chỉ thây Lưu Biểu sắp xếp, không thấy Lưu Biểu trọng dụng. Lúc Lưu Bị mới đến Kinh châu, Lưu Biểu lễ nghĩa đãi rất hậu. Tam quốc chí. Tiên chủ truyện nói, Lưu Biểu ra tận ngoại thành nghênh đón “đãi như thượng khách”, còn chia quân cho Lưu Bị. Nhưng, cùng với việc “Hào kiệt Kinh châu theo Tiên chủ ngày càng nhiều”, Lưu Biểu bắt đầu nghi ngờ “muốn ngấm ngầm trừ đi”. Lời chú dẫn Thế ngữ của Bùi Tùng Chi còn nói, Lưu Biểu còn bày “Hồng Môn Yến”, Khoái Việt và Sái Mạo chuẩn bị ra tay ngay trong tiệc, Lưu Bị thấy rõ điều đó, nên mới mượn cớ ra nhà tiêu để chuồn. Chạy đến Đàn Khê, Lư mã một bước vượt qua ba trượng, mới thoát nạn. Thế ngữ nói là “Bị đóng ở Phàn Thành, Lưu Biểu đãi hậu, nhưng rồi lại nghi ngờ, không thật tin dùng. Từng mời Bị dự tiệc, Khoái Việt, Sái Mạo muốn giết Bị, Bị cảm thấy, liền vờ đi tiêu để trốn. Bị thường cưỡi Lư mã, đến suối Đàn Khê phía tây thành Tương Dương, ngựa không qua được. Bị hốt hoảng nói: “Đích Lư, hôm nay nguy rồi, phải gắng lên!' Đích Lư vọt cao ba trượng, mới qua được”. Về sau La Quán Trung theo đó viết thành “Lưu Hoàng thúc nhẩy ngựa vượt Đàn Khê”, câu chuyện phức tạp hơn nhiều và cũng hay hơn nhiều.

 

 

Nhung không thể tin được. Tôn Thịnh cũng nói không thể có khả năng đó (không thể như vậy). Vì lúc đó, Lưu Bị đang nhờ vả Lưu Biểu, lực lượng hai bên khá chênh lệch. Nếu Lưu Biểu có ý muốn giết Lưu Bị, thì Lưu Bị có thể yên ổn trong suốt hai năm ở Kinh châu? Vì vậy, Tôn Thịnh nói “vẫn là vọng ngôn thế tục, không phải sự thực”. Lúc chú dẫn Tam quốc chí, Bùi Tùng Chi cũng dẫn lời Thế ngữ sử dụng lời phê bình của Tôn Thịnh, xem ra Bùi Tùng Chi đã tán thành Tôn Thịnh.

 

 


Ngựa vọt Đàn Khê - tranh thời Thanh

Có điều, câu chuyện “Lưu Hoàng thúc nhảy ngựa vượt Đàn Khê” tuy là “vọng ngôn thế tục”, nhưng “Bị đóng ở Phàn Thành, Lưu Biểu đãi hậu, nhưng rồi lại nghi ngờ, không thật tin dùng”, mười tám chữ này lại rất chuẩn xác. Vả lại Lưu Biểu đề phòng Lưu Bị thì có gì không hợp lý, con người Lưu Bị luôn khiến các chư hầu phải đau đầu nhức óc. Một mặt, Lưu Bị dựa vào ai thì người đó xúi quẩy, đi tới đâu thì ở đó náo loạn ầm ĩ; mặt khác ngoài Viên Thuật ra, ai cũng thừa nhận Lưu Bị là nhân vật anh hùng, vì vậy ai cũng kính nể tiếp đãi, kể cả Viên Thuật, kể cả Tào Tháo. Có thể nói, Lưu Bị là nhân vật kiểu “ưng đầu mèo”, nói hay hơn là “kiêu hùng thiên hạ”. Một nhân vật như vậy đến nhờ thì Lưu Biểu cũng hết cách. Quách Gia từng nói toạc ra như sau: “Biểu chỉ biết ngồi nói chuyện với khách! Tự biết tài không đủ để chế ngự Bị, dùng vào việc lớn thì không điều khiển nổi, dùng vào việc bé thì Bị không chịu”, cái mà Biểu làm được là tôn Bị lên cao và luôn đề phòng!

 

 

Ván đề thứ tư của Lưu Biểu là “không còn ai tiếp tục”, không có nghĩa là Lưu Biểu không có người thay thế, mà là người thay thế Lưu Biểu chẳng ra gì, Lưu Biểu lại sắp đặt sai lầm. Lưu Biểu có hai người con, con cả là Lưu Kỳ, con thứ là Lưu Tôn. Lưu Kỳ và Lưu Tôn đều là con người vợ trước của Lưu Biểu, nhưng người vợ sau của Lưu Biểu là Sái phu nhân đem cháu gái gán cho Lưu Tôn, mong sau này Lưu Tôn sẽ là người thay thế. Sái Mạo cùng mấy người khác cũng giúp đỡ Lưu Tôn, thực tế thì gia tộc Sái thị đã khống chế Lưu Biểu. Lưu Kỳ biết rõ điều đó, đã nhiều lần mong được Gia Cát Lượng chỉ giáo. Luận về thân phận Gia Cát Lượng là bộ hạ của Lưu Biểu; luận về tuổi tác là vãn bối của Lưu Biểu; luận về quan hệ là cháu rể của Sái phu nhân; luận về thân sơ thì với Lưu Kỳ và Lưu Tôn là như nhau. Gia Cát Lượng cảm thấy khó xử, nên mới có chuyện đầy kịch tính. Tam quốc chí. Gia Cát Lượng truyện nói, Lưu Kỳ nhiều lần xin Gia Cát Lượng chỉ giáo “cho lời để được yên” và “Lượng cho là không được, không nói gì”. Lưu Kỳ hết cách, nên trong lúc đi dạo đã mời Gia Cát Lượng lên lầu, cho người cất thang đi rồi nói: “Ở đây, trên không đến trời, dưới không đến đất, miệng ngài nói ra chỉ có tai Kỳ nghe thấy, có thể nói được chưa?” Gia Cát Lượng mới nói: “Công tử không thấy Thân Sinh ở trong thì nguy, Trùng Nhĩ ở ngoài thì yên sao?” Thân Sinh và Trùng Nhĩ đều là con của Tần Hiến công thời Xuân Thu. Hiến công quá yêu người vợ sau là Lệ Cơ, muốn lập Hề Tề con của Lệ Cơ làm người thừa kế. Kết quả, thái tử Thân Sinh ở trong Nước đã bị giết, công tử Trùng Nhĩ chạy ra ngoài, sau này lại trở về nước làm vua, là Tấn Văn công. Lưu Kỳ bỗng ngộ ra lời Gia Cát Lượng, liền nghĩ ra cách có được chức Thái thú Giang Hạ, rời bỏ mảnh đất thị phi này. Có thể Gia Cát Lượng cũng không nghĩ rằng, với tài trí kinh thiên động địa như mình, vừa ra khỏi lều tranh đã phải lập kế lo việc nhà cho người khác, và chính cái việc vô bổ đó đã giúp Lưu Bị lập công lớn. Vì sao vậy? Vì hơn một vạn người Lưu Kỳ mang theo về sau trở thành nửa số vốn liếng của Lưu Bị trong trận chiến Xích Bích.

 

 

Cách sắp đặt của Lưu Biểu đã trở thành mối họa sau này khiến Kinh châu bị phân hóa. Sau khi Lưu Kỳ ra đi, tập đoàn Kinh châu đã chia thành hai phái. Phái thứ nhất do Lưu Tôn đại diện, đằng sau có Sái Mạo, Khoái Việt v.v... những người này đều muốn hướng về Tào Tháo, Sái Mạo có thể còn là bạn cũ của Tào Tháo. Tương Dương kì cựu truyện nói Mạo “còn thân thiết với Ngụy Vũ”, hơn nữa sau khi Lưu Tôn đầu hàng, Tào Tháo còn vào nhà trong thăm vợ Sái Mạo. Về sau động viên Lưu Tôn đầu hàng Tào Tháo cũng là mấy người này. Phái này được gọi là “phái hàng Tào”. Một phái khác do Lưu Kỳ đại diện, đằng sau có Lưu Bị, Gia Cát Lượng v.v.. Lưu Bị kiên quyết chống Tào Tháo, Gia Cát Lượng chủ trương liên Ngô chống Tào, đây là “phái chống Tào”. Còn tâm tư của Lưu Biểu, e là không muốn hàng Tào, cũng không muốn liên Ngô, tốt nhất là giữ trung lập, nhìn thời thế biến đổi. Nhưng Lưu Biểu chỉ quản được việc khi còn sống, những việc sau này thì chịu. Hai người con đều không lập nên sự nghiệp. Huống chi, trận chiến Xích Bích tranh giành Kinh châu còn chưa bắt đầu, thì trong nhà đã sắp đánh nhau. Lưu Biểu không sắp xếp nổi hậu sự, há chẳng phải là “bao cỏ”?

 

 

Vì những chuyện này, sử sách đánh giá Lưu Biểu không cao. Thậm chí, Trần Thọ cho rằng Lưu Biểu chẳng khác gì Viên Thuật, cùng một mẫu người. Trần Thọ nói, Lưu Biểu và Viên Thuật đều có nghi biểu (uy dung), có phong độ (khí quan), có danh khí (tiếng tăm) có thành tựu (Biểu vượt qua Hán Nam, Thiệu giương oai Hà Sóc), nhưng đều là “ngoài khoan dung, trong nghi kị, có mưu nhưng không quyết, có tài mà không dùng, có hiền mà không lấy, phế đích lập thứ, chỉ vì sủng ái”, có thể coi là ‘bao cỏ xinh xắn”, vì vậy thất bại là điều đương nhiên (không phải là bất hạnh).

 

 

Phải nói sự đánh giá đó rất có lý, Lưu Biểu và Viên Thuật không ít những chỗ giống nhau, vì vậy Hậu Hán thư đã đem Viên Thiệu và Lưu Biểu viết thành một truyện; đem Lưu Yên, Viên Thuật, Lã Bố viết thành một truyện. Tam quốc chí đem Đổng Trác, Viên Thuật, Viên Thiệu viết thành một truyện. Nhưng tôi vẫn cảm thấy nên nói thêm vài câu đúng đắn về Lưu Biểu. Thứ nhất, Viên Thiệu, Lưu Biểu tuy đều thất bại, nhưng Viên Thiệu tự chuốc lấy diệt vong, còn Lưu Biểu thì số là vậy, tránh sao khỏi, tuy bản thân Lưu Biểu không vời ai cũng không rước ai. Thứ hai, với thực lực và sự nhẫn nại của mình thì ngoài việc là “giặc giữ nhà”, Lưu Biểu cũng chả còn cách lựa chọn nào khác. Rõ ràng Lưu Biểu đã không hiểu một điều, chỉ dựa vào giữ là giữ không được, có lúc phải lấy “công để thủ”. Thứ ba, cũng chính vì Lưu Biểu đã thực hành chiến và sách lược “thương dân dưỡng sĩ, ung dung ngồi giữ”, nên khu vực Kinh châu mới được bình yên hơn mười năm trời, không ít nạn dân từ bắc xuống nam được giúp đỡ vẹn toàn. Có thể nói Lưu Biểu đã làm được những việc tốt.

 

 

Cho nên, đánh giá Viên Thiệu là “Bao cỏ xinh xắn”, đại thể là chính xác. Đương nhiên con người Viên Thiệu cũng có bản lĩnh, không thể hoàn toàn coi là ‘bao cỏ”. Chẳng qua là Viên Thiệu gặp phải đối thủ quá mạnh, nên mới giống như “bao cỏ”. Nhưng nói gì thì nói, Viên Thiệu vẫn tự cho mình là đúng, dương dương tự đắc, tự thổi phồng mình, tự tô vẽ cho mình. Viên Thiệu xem trọng “cái đẹp” và cũng rất coi trọng “năng lực”. Vì vậy, nói Viên Thiệu là “bao cỏ xinh xắn” cũng không phải là oan uổng quá.

 

 

Lưu Biểu lại có phần oan uổng. Lưu Biểu không cho mình là phi phàm, mà tự biết mình, nên mới thực hiện chính sách, sách lược “thương dân dưỡng sĩ, ung dung ngồi giữ”, mong có thể “toàn vẹn được Kinh châu trong thời loạn”. Vì vậy nên đánh giá một cách tương đối như nhà sử học Hà Tư Toàn. Trong Tam quốc chí sử ngài Hà nói, nếu Tào Tháo là “năng thần thời bình, gian hùng thời loạn” thì Lưu Biểu sẽ là hiền thần thời bình, người thường thời loạn”. Xem ra Lưu Biểu bất hạnh lớn nhất là sinh nhầm thời đại, một thời loạn cá lớn nuốt cá bé. Đó không phải là sai lầm mà là vận khí không hay.

 

 


Lưu Bị dự hội tại Kinh Châu. Bản in năm 1591

Đương nhiên, không phải Lưu Biểu không có chút vận khí nào. Lưu Biểu được phái tới Kinh châu đó là vận khí. Kinh châu là một trong hai châu lớn nhất vào thời Đông Hán. Hai châu đó là Kinh và Ích, đều có trên một trăm huyện. Thứ đến là U châu hơn tám mươi huyện. Kinh châu và Ích châu tuy lớn nhưng không quan trọng lắm. Thời đó, trung tâm chính trị của Trung Quốc là phương bắc, chiến trường tranh giành chủ yếu là ở phương bắc, Kinh châu, Ích châu còn tạm chưa rơi vào miệng hổ, là nơi thích hợp nhất để Lưu Biểu thế yếu sinh tồn, là nhà của tập đoàn nhỏ bé Lưu Bị. Rõ ràng là vận khí của Lưu Biểu không phải là rất tồi và Gia Cát Lượng là người nhìn xa trông rộng như thế nào với quy hoạch cho Lưu Bị khi còn ở Long Trung.

 

 

Đáng tiếc, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, thượng đế và những người khác không muốn Lưu Biểu bình an vô sự. Gia Cát Lượng có sách lược lấy mà thay cho Lưu Bị, Tào Tháo từ phía bắc, Tôn Quyền ở mặt đông cũng đang nhìn chằm chằm vào đó. Thực tình một người như Lưu Biểu, lúc thiên hạ còn loạn lạc, có thể sống yên ổn ở một góc như vậy. Một khi thiên hạ yên bình, lại có thể sống nốt những ngày tươi đẹp đó. Có được tất cả những cái đó vì Lưu Biểu là Kinh châu mục, Kinh châu cho Lưu Biểu thành công, Kinh châu khiến Lưu Biểu thất bại; Lưu Biểu sống ở Kinh châu, chết cũng ở Kinh châu.

 

 

Từ ý nghĩa đó mà xét, Lưu Biểu là người “Hạnh vận bất hạnh”.

 

 

Thực tế thì năm Kiến An thứ XIII (năm 208), Tôn Quyền và Tào Tháo bắt đầu ra tay, Lưu Biểu và Kinh châu đứng trước biến cố vô cùng lớn lao. Ngay cả Lưu Bị đang nhờ vả Lưu Biểu cũng đang đứng trước họa diệt vong. Vậy, vào năm Kiến An thứ XIII, khu vực Kinh châu đã xảy ra chuyện gì trong những ngày không bình thường đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét