Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

LONG TRUNG ĐỐI SÁCH

 


Cổ Long Trung (古隆中)

Tập thứ mười bảy: LONG TRUNG ĐỐI SÁCH

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Lưu Huyền Đức ba lần đến lều tranh, cùng Gia Cát Lượng bàn tính nhiều về tình hình thiên hạ và xu thế sắp tới. Trong cuộc gặp có tính lịch sử đó, Gia Cát Lượng và Lưu Bị ra quy hoạch chiến lược lâu dài, được gọi là Long Trung đối nổi tiếng. Thực ra trước đó cũng có người vạch ra quy hoạch tương tự cho Tôn Quyền, là Long Trung đối Đông Ngô bản. Vậy, ý nghĩa hai bản quy hoạch chiến lược đó là gì, giống và khác nhau ở điểm nào ?

 

 

Ở tập này chúng ta nói về Long Trung đối.

 

 

Đây là cuộc hội đàm bí mật giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng, bên hỏi bên đáp. Tam quốc chí. Gia Cát Lượng truyện đã nói rất rõ về tình hình buổi nói chuyện này - “xin nói lại”, không hề có mặt người khác. Vì sao nội dung cuộc hội đàm này lại truyền ra ngoài, đến nay vẫn còn là câu đố.

 

 

Lưu Bị hỏi trước “Hán thất suy sụp, gian thần đòi mạng, chúa thượng mê muội. Cô chưa đủ đức đủ lực, nhưng vẫn muốn thiên hạ tin vào đại nghĩa, nhưng trí thuật nông cạn, nên bị nghiêng đổ cho đến hôm nay. Nhưng chí vẫn chưa thôi, mưu kế phải từ đâu?”. Mấy lời trên tuy không nhiều, nhưng ý tứ lại rất phong phú. Ngay phần mở đầu cũng không đơn giản, vẻn vẹn chỉ có mười hai chữ, bề ngoài là bình thường, nhưng không phải thế. Lưu Bị cần phải nói như vậy, với danh nghĩa là “dòng dõi đế thất”, không thể không thể hiện thái độ lo lắng vì thiên hạ, lập trường gắn bó với hoàng thất. Với tiền đề “chính trị chính xác” như vậy thì việc xây dựng đại nghiệp của mình mới hợp tình hợp lý; mỗi người khi gặp khó khăn cần người giúp đỡ mới được mọi người đồng tình. Huống chi Lưu Bị còn muốn gửi gắm mọi hy vọng của mình vào Gia Cát Lượng. Lưu Bị đến Long Trung không phải để tìm nhân tài có kĩ thuật giải quyết các vấn đề cụ thể mà muốn tìm được nhân tài định được đường lối chính trị và chiến lược tổng thể, tất nhiên Lưu Bị phải bắt đầu từ đại thế thiên hạ.

 

 

Mấy lời sau đó cũng có tác dụng, tức là nói rõ tình thế, tuyên bố quyết tâm, thể hiện thành ý và nêu vấn đề. Lưu Bị thực lòng nói ra: tình hình lúc này là không tốt (càn rỡ làm bừa), nhưng cũng chẳng còn cách gì (trí thuật nông cạn), nhưng vẫn còn sống, tâm chưa chết (chí chưa hề mất), vậy xin hỏi phải làm thế nào (ngài có kế gì hay xin cho biết)?

 

 

Đương nhiên là Gia Cát Lượng biết rõ những điều đó. Gia Cát Lượng hiểu tâm tình Lưu Bị, biết Lưu Bi chân tình, đồng thời cũng hiểu rõ cái gọi là “mưu kế tính từ đâu”, không phải muốn hỏi hoàng thượng mê muội “thì sẽ phải làm gì” mà là đến nay Lưu Bị vẫn chưa “định được kế sách”. Thế là Gia Cát Lượng phân tích tình thế với Lưu Bị. Là tình thế gì?”. Là từ Đổng Trác tới nay, hào kiệt nổi dậy khắp nơi, những người có địa bàn xuyên châu xuyên quận không kể xiết. Ý tứ câu nói thực quá rõ ràng, tức là, “Hán thất khuynh đảo, gian thần đòi mạng, chúa thượng mê muội” không phải vấn đề lớn nhất hiện nay, mà hiện nay mọi người đang giành nhau địa bàn. Đại Hán chúng ta đang tiến vào thời đại đua tranh giành giật, chiếm cứ địa bàn, kể gì đến sống chết của hoàng đế. Lúc này mà nói tới “không đội trời chung với Hán tặc là phí lời, chẳng có ý nghĩa gì”, trước mắt phải giành lấy một mảnh căn cứ cho riêng mình. Địa bàn là cái cần thiết. Bất kể là bạn muốn hay không “khôi phục Hán thất” nhưng nếu không có căn cứ thì đấy chỉ là lời nói suông!

 

 

Vậy một người tay trắng, chẳng có gì như Lưu Bị, cũng có thể có được địa bàn sao? Có thể, Gia Cát Lượng nói: “về danh tiếng và số người Tào Tháo đều kém Viên Thiệu, nhưng Tháo có thể thắng Thiệu, yếu thắng mạnh, không chỉ có thiên thời mà còn có mưu người nữa”. Điều này cũng rất rõ ràng, tức là mạnh thắng yếu; có, không, luôn được chuyển hóa. Kẻ mạnh có thể thành yếu, kẻ yếu có thể biến thành mạnh. Năm đó Tào Tháo so với Viên Thiệu khác nào tướng quân lúc này sánh với Tào Tháo, được coi là “danh tiếng và số người đều kém”. Thế mà Tháo có thể thắng Thiệu, vậy, vì sao tướng quân lại không thể thắng Tào Tháo? Mấu chốt thứ nhất là phải nắm lấy thời cơ (thiên thời), hai là giỏi đường quy hoạch (mưu người)!

 

 

Gia Cát Lượng bắt đầu tìm mưu vạch kế giúp Lưu Bị. Tào Tháo “Quân có trăm vạn, ép thiên tử để lệnh chư hầu”, chúng ta không thể đánh vào điểm đó (không thể tranh hơn ở điểm này). Tôn Quyền “có cả Giang Đông đã ba đời, đất hiểm dân theo, biết dùng hiền tài”, không thể lấy được, chỉ có thể liên kết (có thể giúp nhau, không thể diệt) Chỉ có Kinh châu và Ích châu là có thể ra tay. Kinh châu bao gồm Nam Dương, Nam quận, Giang Hạ, Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng (Chương Lăng bị phế không tính). Kinh châu, phía bắc là Hán Thủy, Miện Thủy (bắc có Hán, Miện), phía nam là Quảng Đông Quảng Tây (ra tận Nam Hải), phía đông liền với Giang Tô Triết Giang (Đông liền Ngô Cối), phía tây thông đến Trùng Khánh, Tứ Xuyên (tây thông Ba Thục), đúng là “đất dụng võ”. Nếu lấy được một nơi như vậy thì cả ván cờ sẽ linh hoạt hẳn lên. Vậy có thể lấy được không? Có thể. Bởi vì “chủ nhân của nó không thể giữ nổi”. Đúng là trời đã ban cho tướng quân đó (đó là trời ban cho tướng quân), nhưng phái xem xem tướng quân có cần không đã (tướng quân có muốn lấy không).

 

 

Đây là điều rõ ràng còn phải hỏi và đây cũng là lời nghĩ thực nói thực. Lưu Bị lúc này, trên, không có gì để che nắng che mưa, dưới, một tấc đất cắm dùi cũng không, giá có được một nơi nào đó thì càng hay, huống hồ đây lại là Kinh châu, làm gì có lý không muốn lấy? Nhưng Gia Cát Lượng cần phải hỏi như vậy, vì Kinh châu là địa bàn của Lưu Biểu, Lưu Bị vá Lưu Biểu cùng họ Lưu, làm gì có chuyện người nhà lại lấy của nhau? Vì vậy cần phải nói rõ, đó là “trời ban cho tướng quân” vì “chủ nhân của nó không thể giữ nổi”; và cũng cần phải hỏi thêm: “Tướng quân có muốn lấy hay không”, bởi vì nếu bạn không muốn thì người khác sẽ muốn. Đáp án tuy không nói nhưng đã hiểu, vì vậy cũng không cần phải trả lời rõ ràng.

 

 

Tình hình ở Ích châu cũng gần như vậy. Ích châu bao gồm Hán Trung, Quảng Hán, Ba quận, Thục quận. v.v... Vùng này là đất hiểm với ngoài và là đất lành với trong. Bình nguyên Hán Trung và bình nguyên Thành Đô “đất đai ngàn dặm, phì nhiêu màu mỡ. “Cao hoàng đế (Lưu Bang) đã dựng nên cơ nghiệp tại chính nơi đây (cụ thể là Hán Trung). Nhưng Lưu Chương ở Thành Đô cũng được, Trương Lỗ ở Hán Trung cũng được, đều là chỗ “nước giàu dân mạnh, không biết tới nghèo khó”, vì vậy “nhiều nhân sĩ tài giỏi muốn có được vua hiền”. Cũng có nghĩa là, gán như vùng này cũng là “trời ban cho tướng quân”, có điều phải ra tay mà chiếm lấy.

 

 

Lấy được Kinh châu và Ích châu rồi thế nào nữa? Gia Cát Lượng nói, với thân phận là “dòng dõi đế thất”, với danh vọng (tín nghĩa rải khắp bốn biển) của tướng quân, thêm vào đó là sức hiệu triệu “thâu tóm anh hùng, cầu hiền như khát nước”, một khi đã có được Kinh châu và Ích châu, ta có thể xây dựng một căn cứ địa. Sau khi có căn cứ địa, chỉ cần thực hiện chính sách “tây hòa với các Nhung, Nam phủ dụ Di Việt, ngoài kết với Tôn Quyền, trong sửa sang chính sự”, có thể phát triển sự nghiệp, mở rộng lực lượng. Sau này một khi lực lượng thay đổi (thiên hạ có biến), có thể phái một viên đại tướng xuất phát từ Kinh châu, qua đường Uyển Thành thẳng tới Lạc Dương; còn tướng quân có thể từ Ích châu lên bắc, qua đường Tần Xuyên thẳng tới Tây An. Tới lúc đó, nhân dân trăm họ sẽ đem cơm rượu kéo ra đường hoan nghênh chúng ta (trăm họ đâu dám không mang cơm rượu ra nghênh đón tướng quân)? Cuối cùng Gia Cát Lượng nói: “nếu được vậy thì bá nghiệp sẽ thành, Hán thất được phục hưng”.

 


Long Trung quyết kế thiên hạ chia ba, tranh tường ở 
Di Hòa Viên.

Mấy lời đó chẳng khác gì chén rượu nồng, Lưu Bị như trong mơ chợt tỉnh, bỗng thấy sáng sủa. Thì ra “bá nghiệp” hay “đế nghiệp” đều được thực hiện như vậy. Có điều, việc thực hiện mục tiêu cuối cùng cần phải có tiền đề, đó là “thiên hạ có biến”. Vậy, khi thiên hạ không có biến thì sao? Đành phải giữ mãi ở Kinh châu và Ích châu vậy! Có được địa bàn lớn như vậy là đủ dùng. Như vậy theo lời Gia Cát Lượng, Lưu Bị tin có thể thống nhất Trung Hoa, thoái có thể chia ba thiên hạ, “đế nghiệp” không thành còn có “bá nghiệp”, “bá nghiệp” không thành còn có “sự nghiệp”. Chẳng trách Lưu Bị đã nói: “cô có Khổng Minh như cá có nước”. Lưu Bị có thể như cá chép vượt long môn, chỉ cần Gia Cát Lượng báo cho biết nước ở đâu!

 

 

Gia Cát Lượng có thể đưa “nước” đến cho Lưu Bị vì Gia Cát Lượng rất thực tế. Không phải Lưu Bị có biểu hiện thương nước thương dân mà Gia Cát Lượng hùa theo, cao giọng hát bài đạo đức, Gia Cát Lượng chỉ đưa ra cho Lưu Bị một phương án thực tế và khả thi. Thực tế đã chứng minh, tình thế phát triển sau này hoàn toàn như dự liệu của Gia Cát Lượng. Vì vậy các sử gia từng bình luận, Gia Cát Lượng “chưa ra khỏi Long Trung đã biết thiên hạ sẽ chia ba”, thậm chí có người cho rằng “chưa ra khỏi Long Trung đã định chia ba thiên hạ”. Đương nhiên cuối cùng thì mục tiêu “phục hưng Hán thất” chưa thực hiện được, nếu không thì Lưu Bị đã đến Lạc Dương hoặc Tây An làm hoàng đế, lịch sử Trung Quốc lại có thêm tên “Hậu Hậu Hán” .

 

 

Lưu Bị ba lần đến lều tranh mời được Gia Cát Lượng, từ đó Lưu Bị có được một vị tổng thiết kế sư khiến Lưu Bị từ chỗ tay trắng có được thiên hạ chia ba. Nhưng Gia Cát Lượng từ sau khi ra khỏi Long Trung chỉ là cố vấn riêng cho Lưu Bị, cùng Lưu Bị “tình cảm ngày một nồng thắm”, chưa hề có chức vụ gì cụ thể. Và không lạ về điều đó. Thứ nhất, Lưu Bị vẫn chỉ là “tư lệnh không có quân”, thì dù có phong cho Gia Cát Lượng chức vụ “Thượng hiệu đoàn phó” đi nữa, cũng có ý nghĩa gì? Thứ hai, Gia Cát Lượng lúc này vẫn chỉ là “bàn việc quân trên giấy”, chưa hề có thao tác thực tế nào thể hiện được năng lực xử lý công việc cụ thể, Lưu Bị sao có thể ban chức vụ cho Gia Cát Lượng? Thứ ba, mẫu, “thiên hạ chia ba” của Gia Cát Lượng lúc này cũng mới chỉ là sơ đồ trên giấy, chưa có phương án thực thi. Ví dụ nói, lấy và thay thể Lưu Biểu, nhưng lấy thế nào, thay thế ra sao, chưa có biện pháp cụ thể. Cũng không phải Gia Cát Lượng chưa có biện pháp, mà cần phải có cơ hội, cuối cùng thì Lưu Biểu cũng là đồng tông với Lưu Bị, Lưu Bị vẫn là khách của Lưu Biểu. Lưu Bị vẫn không muốn như tu hú cướp tổ quạ, cũng không thể công khai cầm gậy đi cướp! Vả Lưu Bị cũng chẳng có khả năng đó.

 

 

Cũng vậy, bên phía Gia Cát Lượng cũng gặp những trở ngại. Cuối cùng thì Lưu Biểu cũng là chú dượng của vợ Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng là cháu rể ngoại của vợ Lưu Biểu. Dù có vạch mưu tìm kế cho Lưu Bị thì cũng không thể để Lưu Bị mưu sát Lưu Biểu. Tức là Lưu Bị chỉ có thể lấy cho khéo, không thể cưỡng đoạt. Gia Cát Lượng muốn Lưu Bị nhân có lửa mà cướp, mà lửa đó cũng không phải do mình tạo nên. Ở Long Trung Gia Cát Lượng đã nói rất rõ điều này: “Là nước có thể dụng võ mà chủ không giữ được, chính là trời ban cho tướng quân, tướng quân có ý chăng?”. Nói như vậy là rõ ràng: Tôi không muốn ngài đi cướp địa bàn của người khác, bởi vì người đó không giữ nổi, trời xanh mới ban cho ngài, thì ngài đừng chối phắt, chỉ cốt là ngài cần hay không cần. Nhưng nơi này cũng không phải chúng ta muốn có là được, phải chờ tới lúc “chủ nó không giữ nổi”, phải đưa đến cửa cho chúng ta. Vậy người ta không đưa tới cửa thì sao? Gia Cát Lượng không nói, có thể cứ phải chờ. Và cứ thế này thì người ta phải lo đến chết mất? Ngay cả La Quán Trung cũng đã nghĩ tới điểm này. Vì vậy mới để Tư Mã Huy nói với Lưu Bị, tôi đã xem mệnh, lời hát trong dân gian cũng đã ám chỉ, chẳng bao lâu nữa Lưu Biểu sẽ ra đi, thiên mệnh đều rơi vào người tướng quân.

 

 

Đương nhiên đó là lời ma lời quỷ, nhưng việc Lưu Biểu mất Kinh châu là thật. Gia Cát Lượng đã nhìn ra điểm này, những người khác cũng đã thấy. Sự thực thì ngay từ năm Kiến An thứ V (năm 200), tức là bảy năm trước lúc Lưu Bị và Gia Cát Lượng gặp nhau, đã có người lập quy hoạch chiến lược tương tự cho Tôn Quyền và quan điểm giông hệt như Long Trung đối của Gia Cát Lượng. Vậy người đó là ai?

 

 

Là Lỗ Túc.

 

 


Lỗ Túc - đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ bấp bênh giữa Ngô - Thục.

Nói đến Lỗ Túc, chúng ta đều chịu ảnh hưởng của Tam quốc diễn nghĩa, luôn có cảm giác Lỗ Túc là người trung hậu thực thà gần như vô dụng, thực ra không phải thế. Trong lịch sử, Lỗ Túc là người hào sảng hiệp nghĩa, được mọi người quý mến. Chú dẫn Ngô thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện nói, “Lỗ Túc có thể mạo khôi vĩ, không hào nhoáng, có nhiều kế lạ”, truyện còn kể Lỗ Túc “hay làm từ thiện”. Gia cảnh thì giàu có sung túc, nên Lỗ Túc không nhân việc nước để thu vén (không lo việc nhà), lại thường “phát tán tài sản”, tiếp tế người nghèo, trợ giúp anh hùng. Lúc Chu Du là huyện trưởng Cư Sào (nay là huyện Sào, An Huy) từng mượn quân lương ở chỗ Lỗ Túc. Trong nhà Lỗ Túc có hai vựa thóc lớn, mỗi vựa đựng chừng ba ngàn thạch, Lỗ Túc chỉ vào một vựa để tặng Chu Du. Đây là chuyện Tặng cả vựa thóc nổi tiếng. Từ đó Chu Du và Lỗ Túc trở thành bè bạn. Với đề nghị và tiến cử của Chu Du, Lỗ Túc đến với Tôn Quyền, cùng với Trương Chiêu và Chu Du, Lỗ Túc được tín nhiệm nhất, và trên thực tế Lỗ Túc còn có tác dụng hơn cả Trương Chiêu.

 

 

Lỗ Túc cũng là người có đầu óc chính trị. Sau khi Lỗ Túc chạy đến với Tôn Quyền, Tôn Quyền đã tiếp kiến ngay và hai người đã có buổi vừa uống rượu vừa mật đàm (ngồi cùng giường uống rượu). Buổi mật đàm đó được gọi là Lỗ Túc bản hoặc Long Trung đối Đông Ngô bản. Lúc đó Tôn Quyền đã hỏi, nay “Hán thất nghiêng đổ, bốn phương nổi dậy , Tôn mỗ đã kế thừa cơ nghiệp của cha anh, nhưng cũng muốn dựng nên bá nghiệp như Tề Hoàn công, Tấn Văn công (muốn lập nên công trạng như Hoàn Văn) Tiên sinh đã coi trọng Tôn mỗ, không biết có biện pháp gì, Tôn mỗ xin được chỉ giáo (quân đã trọng muốn được chỉ bảo).

 

 

Cũng giống như câu hỏi của Lưu Bị vậy, nhưng Lỗ Túc đã giội một gáo nước lạnh ngay tại trận. Nói, chỉ sợ tướng quân không được như Tề Hoàn công và Tấn Văn công. Nhớ năm đó, Cao Hoàng đế (Lưu Bang) cũng muốn tôn phụng Nghĩa đế để thành bá nghiệp, nhưng không xong, bởi có Hạng Võ cản đường. Tào Tháo ngày nay chính là Hạng Võ năm nào. Tào Tháo còn thì tướng quân sao có thể trở thành Tề Hoàn, Tấn Văn?

 

 

Nhưng như vậy không có nghĩa là không thể làm được việc gì? Không thành được Tề Hoàn và Tấn Văn thì làm gì? Thì làm hoàng đế! Tiếp đó Lỗ Túc nói thêm hai câu rất quan trọng: “Hán thất không thể phục hưng, Tào Tháo không thể loại bỏ”. Hán vương triều không còn hy vọng gì. Còn Tào Tháo, cũng không thể loại bỏ một sớm một chiều. Vì vậy kế của tướng quân là “Giang Đông thành chân vạc, nhìn thiên hạ tan vỡ”. Thiên hạ có tan vỡ không? Có. Vì “miền bắc sinh lắm chuyện, lắm chuyện tất tan vỡ”. Chờ khi miền bắc sinh chuyện, chúng ta sẽ hướng về hướng tây, diệt Hoàng Tổ, đánh Lưu Biểu, chiếm trọn lưu vực Trường Giang (nhân nhiều chuyện mà trừ Hoàng Tổ, tiến đánh Lưu Biểu, chiếm trọn lưu vực Trường Giang). Tới đó tướng quân có thể “xưng đế, lấy thiên hạ”. Giống như cơ nghiệp Cao hoàng đế!

 

 

Đương nhiên, đây là cảnh tượng hùng vĩ. Nhưng vào năm Kiến An thứ V (năm 200), với Lỗ Túc chỉ có thể nói như vậy; với Tôn Quyền cũng chỉ có thể nghe như vậy, lúc đó Tôn Quyền mới mười tám tuổi, vẫn là vị thành niên vì theo quy chế, con trai hai mươi tuổi mới làm lễ đội mũ. Tôn Quyền ngồi chưa yên chỗ vì mới lên thay người anh là Tôn Sách. (Tam quốc chí. Ngô chủ truyện) nói, “nơi thâm hiểm chưa theo hết, anh hào thiên hạ còn ở châu, quận, nhân sĩ tân khách đến nhờ còn lo nghĩ về sự an nguy, quân thần chưa được bền chặt”. Hai người anh họ của Tôn Quyền còn giở trò ở bên dưới. Tôn Phụ câu kết ngầm với Tào Tháo, Tôn Hạo lập mưu đoạt quyền, với nội bộ suýt mất ổn định, Tôn Quyền còn bụng dạ nào thực hiện ước mơ đánh Kinh châu làm hoàng đế? Mà dù có “dã tâm” đó thì cũng không “đủ sức, đủ lực”. Vì vậy Tôn Quyền chẳng mặn mà gì, chỉ nói: “Nay cứ cố gắng giữ để phò tá nhà Hán, chưa thể theo được lời đó”. Rõ ràng đó là mấy lời khách sáo, nhưng cũng chỉ có thể nói như vậy. Đừng nghĩ là Tôn Quyền còn ít tuổi, về mặt chính trị Tôn Quyền đã khá chín chắn.

 

 

Nhưng vào năm Kiến An thứ XIII (năm 208) tình hình đã khác trước. Lúc này Tôn Quyền không chỉ có “dã tâm” mà còn “đủ sức”, “đủ lực”. Có người đã nhắc tới quy hoạch mà Lỗ Túc từng nói và chủ trương thực thi ngay, người đó là Cam Ninh.

 

 


Cam Ninh, tác giả ảnh là Kimiya Masago người Nhật, sinh năm 1960,
một nghệ sĩ vẽ tranh minh họa (illustrator) các nhân vật lịch sử Nhật và Trung.

Cam Ninh tự Hưng Bá, người Lâm Giang, Ba quận. Tam quốc chí. Cam Ninh truyện nói, Ninh “lúc bé khỏe mạnh, giao du với hiệp khách”, tụ tập thành hội “Khinh bạc thiếu niên”, tự làm lãnh tụ, kéo bè kết đảng, suốt ngày lang thang. Gặp bất kỳ ai, tốt thì kết bạn, không thì cướp bóc. Ngô thư nói Ninh “giết người như ngóe, trốn nhà bừa bãi, nổi tiếng khắp quận”; mỗi lúc ra ngoài thường là “Trên bộ thì xe ngựa nghênh ngang, dưới nước thuyền bè tấp nập, theo chân là những người ăn mặc lụa là, trông như một dải sóng, lúc thuyền neo đậu, lấy tơ lụa kết làm thừng để buộc, lúc ra đi thì cắt đứt và bỏ luôn (lúc lưu lại thì lấy tơ lụa buộc thuyền, lúc ra đi thì cắt đứt và vứt bỏ). Xem ra Ninh là kẻ mạnh chân khỏe tay luôn hoành hành bá đạo hoặc Ninh là trùm xã hội đen thích đẹp và chơi trội.

 

 

Về sau Cam Ninh bỗng cải tà quy chính. Ninh không vơ vét cướp bóc nữa, bắt đầu đọc sách “thích đọc Chư Tử”. Lúc này Cam Ninh tự thấy không thể sống bừa bãi như hồi trẻ, nên làm những việc xứng đáng hơn, mới chạy sang chỗ Lưu Biểu. Nhưng Lưu Biểu không lấy làm điều (không nhiệm dụng), Cam Ninh lại chạy sang chỗ Hoàng Tổ. Tổ cũng vậy, không lưu tâm. Cam Ninh chạy đến với Tôn Quyền. Lúc Cam Ninh chạy đến với Tôn Quyền là lúc nào. Tư trị thông giám khảo dị nói, “không còn ngày tháng để làm căn cứ”, đương nhiên, chúng ta không thể biết được. Nhưng chúng ta đều biết, chính Chu Du và Lã Mông đã tiến cử Cam Ninh với Tôn Quyền; Tôn Quyền càng thêm quý mến Cam Ninh “như các cựu thần”.

 

 

Mùa xuân năm Kiến An thứ XIII (năm 208), Cam Ninh hiến kế cho Tôn Quyền. Theo Tam quốc chí. Cam Ninh truyện, Cam Ninh nói với Tôn Quyền, lúc này vận nước vương triều Đại Hán đã suy sụp (vận Hán ngày một yếu). Tào Tháo cũng ngày một điên cuồng (Tào Tháo sinh kiêu), cuối cùng đã thành quốc tặc (muốn cướp ngôi). Vùng Kinh châu “núi non hiểm trở, sông nước lưu thông”, là bình phong che chắn phía tây Đông Ngô (thế giữ phía tây). Thần từng là thủ hạ của Lưu Biểu, thần thấy Lưu Biểu chẳng có mưu sâu kế xa gì (không biết nhìn xa), người nối nghiệp lại càng kém (con cái kém cỏi), không thể giữ được vùng đó (người kế thừa không có năng lực). Tướng quân nên ra tay trước, đừng tụt hậu so với Tào Tháo (nên làm sớm, không thể sau Tào Tháo). Các bước cụ thể, tiêu diệt Hoàng Tổ trước, sau đó mở thông đường, thừa thắng tiến xuống phía tây. Lúc này trời đất thênh thang nếu muốn chiếm Ba quận, Thục quận, cả Ích châu nữa, chẳng có gì là khó (phá xong quân Tổ, thẳng xuống phía tây đến Sở quan, đại thể đã mạnh lấy dần Ba Thục). Ý tứ của Cam Ninh giống với suy nghĩ của Lỗ Túc, nhưng có phần cụ thể hơn, đáng được xem là phương án thực thi của Long Trung đối Lỗ Túc bản.

 

 

Đến lúc này chúng ta đã có bốn bản Long Trung đối. Thứ nhất, Thư Thụ từng nói “Ép thiên tử lệnh chư hầu, tích thêm binh mã, đánh kẻ không theo” đó là Viên Thiệu bản”. Thứ hai, Mao Giới nói, “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục, lo cấy cầy tích quân lương”, đó là Tào Tháo bản. Gọi là Long Trung đối vì đó đều là quy hoạch chiến lược thực hiện “nghiệp bá vương”. Từ ý nghĩa trên mở rộng ra có thể gọi đó là Long Trung đối, đương nhiên so với Long Trung đối của Gia Cát Lượng còn khác xa. Xứng đáng với Long Trung đối nữa, còn có quy hoạch của Lỗ Túc.

 

 

Quy hoạch của Lỗ Túc và quy hoạch của Gia Cát Lượng đưa cho Lưu Bị, được xem là anh hùng dễ gặp nhau, là cùng lời nhưng khác khúc. Cả hai phương án đều cho rằng Tào Tháo là kẻ địch mạnh (không thể giành lên trước) và khó đối phó nhất (không thể loại bỏ). Đồng thời cả Lỗ Túc và Gia Cát Lượng đều nhận rõ, lực lượng của mình còn nhỏ và yếu, đại nghiệp thống nhất khó hoàn thành được ngay, vì vậy đều chủ trương trước hết phải chia ba thiên hạ. Đó là điểm giống nhau quan trọng trong hai phương án, thực tế thì tập đoàn Tôn Quyền và tập đoàn Lưu Bị, về cơ bản đều thực thi theo quy hoạch của hai người, về sau, trong hai tập đoàn, quan hệ giữa Lỗ Túc và Gia Cát Lượng là tốt nhất, một nguyên nhân quan trọng là, họ có cùng quan điểm cùng chủ trương.

 

 

Nhưng trong hai phương án đó cũng có nhiều chỗ khác nhau. Thứ nhất, Lỗ Túc chia ba là Tôn Quyền, Lưu Biểu, Tào Tháo; Gia Cát Lượng chia ba là Lưu Bị, Tôn Quyền, Tào Tháo. Cũng không có gì là lạ. Gia Cát Lượng quy hoạch cho Lưu Bị, giúp Lưu Bị lấy Kinh châu, đương nhiên Lưu Biểu sẽ không có phần; còn lúc Lỗ Túc quy hoạch cho Tôn Quyền, Lưu Bị còn là người ăn đậu ở nhờ, nên không nghĩ đến Lưu Bị, nhưng sau khi Lưu Biểu qua đời, Lỗ Túc đã điều chỉnh chiến lược, chủ trương liên hợp với Lưu Bị, chống Tào Tháo.

 

 

Thứ hai, mục tiêu của Gia Cát Lượng là “Hán thất có thể hưng”, còn Lỗ Túc thì nói thẳng “Hán thất không thể phục hưng”. Lập trường khác nhau đã dẫn đến điểm này. Sự thực thì trong lòng họ đều rõ, nhà “Hán” của Lưu Tú hoặc Lưu Hiệp đều không thể vực dậy nổi. Nhưng Lỗ Túc là người của Tôn Quyền, nên có thể nói thẳng “dựng kiệu đế vương để lấy thiên hạ”. Còn Gia Cát Lượng thì không được chỉ có thể giương cao ngọn cờ “phục hưng Hán thất”, về sau khi có điều kiện sẽ bàn tiếp. Chẳng khác gì Tuân Úc đã đội mũ cao cho Tào Tháo, điều này đã trở thành gánh nặng chính trị đối với Gia Cát Lượng, chúng ta sẽ còn bàn tiếp.

 

 

Thứ ba, phương án thực thi của Lỗ Túc là đoạt Kinh châu rồi chiếm Ích châu, từ chia ba mà thành hai, tức là biến Tam Quốc thành Nam Bắc triều; phương án thực thi của Gia Cát Lượng là liên hợp với Tôn Quyền, chiếm lĩnh Kinh, Ích, chờ khi Tào Tháo và Tôn Quyền thất bại sẽ đông tiến lên bắc, và biến Tam quốc thành “Đông Tây Hán”. “Chia ba của Lỗ Túc là thời hiện tại, “chia ba” của Gia Cát Lượng là thời tương lai. Nhưng cả hai đều muốn đánh Kinh châu. Kiến nghị của Cam Ninh đã dẫn tới bước thứ nhất.

 

 

Nhưng Trương Chiêu mưu thần hàng đầu của Tôn Quyền lại tỏ ý phản đối. Trương Chiêu nói, tình hình của chúng ta không lạc quan như vậy (nước Ngô có khó khăn), cần phải lưu tâm thận trọng. Một khi đại quân xuất phát thì e tai họa sẽ đến ngay (nếu quân đi thì tất loạn). Cam Ninh phản ứng lại ngay, đất nước coi các hạ như Tiêu Hà, cớ chi lại khiếp sợ, rụt đầu rụt cổ? Vì sao Trương Chiêu và Cam Ninh lại nói năng như vậy? Thái độ của Tôn Quyền ra sao? Kết quả việc đó sẽ như thế nào?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét