Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

BA LƯỢT ĐẾN LỀU TRANH

 


Tam Cố Đường là nơi đánh dấu điển tích Lưu Bị ba lần tới lều cỏ mời Gia Cát Lượng ,
nơi Gia Cát Lượng viết Long Trung đối sách

Tập thứ mười sáu: BA LƯỢT ĐẾN LỀU TRANH

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Gia Cát Lượng xuống núi, chỉ có một dòng trong Tam quốc chí: “Tiên chủ muốn có Lượng, ba lần đến, mới gặp”. Hàng chữ đó được La Quán Trung dựng thành câu chuyện khá tinh tế. Còn Ngụy lược và “Cửu Châu Xuân Thu” lại nói, Gia Cát Lượng chủ động đi gặp Lưu Bị. Vậy, chân tướng sự việc là thế nào? Câu chuyện ba lần đến lều tranh vì sao lại được truyền tụng mãi?

 

 

Tập trước đã nói, Lưu Bị sau mấy lần đi lại mới gặp được Gia Cát Lượng, từ đây đã có bước ngoặt, sự nghiệp chuyển biến từng ngày. Nhưng vấn đề là ai gặp ai. Là Lưu Bị lễ hiền hạ sĩ, hay Gia Cát Lượng đã chạy đến tìm? Lịch sử đã nói khác nhau về vấn đề này. Ngụy thư và Cửu Châu Xuân Thu nói sau khi đến Kinh châu, Lưu Bị đóng quân ở Phàn Thành. Năm Kiến An thứ XII Tào Tháo bình định xong phương bắc, Gia Cát Lượng tính rằng mục tiêu đánh phá tiếp theo của Tào Tháo sẽ là Kinh châu, Lưu Biểu thì “chậm chạp, không hiểu về quân sự”, nên Gia Cát Lượng "lên bắc gặp Bị”, Lưu Bị không biết Gia Cát Lượng (Bị và Lượng chưa quen). Không mấy để ý tới người trẻ tuổi đó, tiếp đón như với một nhân sĩ nói chung (thấy người này ít tuổi, tiếp đón bình thường). Trò chuyện xong, mọi người ra về, chỉ một mình Gia Cát Lượng lưu lại, Lưu Bị cũng không hỏi xem Gia Cát Lượng có gì muốn nói, mà thuận tay cầm thứ đồ chơi kết bằng đuôi bò. Gia Cát Lượng nói luôn, tướng quân có hùng tâm chí lớn, lẽ nào lại chơi thứ tết bằng lông đuôi bò? Lưu Bị biết Gia Cát Lượng không phải người tầm thường, mới nói, sao lại nói thế! Tôi chỉ “làm một chút cho đỡ buồn”. Gia Cát Lượng nói, mong tướng quân cho biết Lưu Trấn Nam (chỉ Lưu Biểu) so với Tào Tháo thì thế nào? Lưu Bị nói, không bằng. Gia Cát Lượng lại hỏi thế tướng quân thì sao? Lưu Bị nói, cũng không bằng. Gia Cát Lượng nói, đều không bằng, thế chẳng nhẽ đợi người ta đến để chịu chết sao? Lưu Bị nói, tôi cũng đang buồn đây, thế phải làm gì bây giờ? Gia Cát Lượng liền nói ý mình, để Lưu Bị có ý kiến với Lưu Biểu khích lệ mọi người tự lực cánh sinh, ghi tên vào danh sách nhằm tăng cường thực lực cho Kinh châu.

 

 

Cách nói đó rõ ràng là khác với Xuất sư biểu của Gia Cát Lượng, vì vậy Bùi Tùng Chi cho là không thực (rõ ràng không phải Lượng đi tìm Bị). Nhưng đồng thời cũng thấy khó hiểu, Bùi Tùng Chi nói: tuy rằng ý kiến khác nhau, hai bên đều tin vào cách nói của mình, nên ai cũng thấy lạ. Sự thực cũng không có gì lạ, vấn đề sẽ sáng tỏ ngay. Cách nói trong Ngụy lược và Cửu Châu Xuân Thu tuy không cùng một quan điểm, nhưng không phải là không có người ủng hộ. Nghi chất về “ba lần lều tranh” của ngài Lưu Khiếu tán thành nói như vậy. Lưu Khiếu cho rằng, nhiều người chỉ biết Lưu Bị cầu hiền như khát nước, mà không thấy Gia Cát Lượng cũng rất cần Lưu Bị. Thứ nhất, Gia Cát Lượng nhất định sẽ xuống núi và Lưu Bị là ông chủ mà Gia Cát Lượng thích chọn nhất. Nếu cứ nhất định chờ Lưu Bị ba lần đến lều tranh mới xuống núi thì chẳng khác gì nói: “ngài không đến mời tôi ba lần thì cả đời này tôi sẽ làm ruộng ở Nam Dương”. Như vậy là không đúng. Thứ hai, Lưu Bị cần nhân tài, nhưng trước khi gặp Gia Cát Lượng, Lưu Bị cần nhiều người, tức là cần nhiều “hiền thần”, không nhất thiết là cần bằng được một người nào đó, còn Gia Cát Lượng chỉ cần một người, một “minh quân”, tức là Lưu Bị. Phạm vi lựa chọn của Gia Cát Lượng là rất nhỏ, thậm chí không có để chọn. Thứ ba, với sự nhạy bén của mình, Gia Cát Lượng phát hiện ra Lưu Bị hơn là Lưu Bị phát hiện ra mình. Và cơ hội chỉ đến với Gia Cát Lượng, lẽ nào Gia Cát Lượng chịu ngồi ở Long Trung chờ “ba lần” đó? Và tình thế lúc đó đã như nước sôi lửa bỏng, đâu còn thời gian để Gia Cát Lượng ra giá ở Long Trung? Vì vậy Lưu Khiếu mới nói “khó có ai chấp nhận được” cái logic ba lần đến lều tranh.

 

 

Lưu Khiếu nói có lý, nhưng cũng không thể phủ nhận lời trong Xuất sư biểu. Không có gì phải tranh cãi về những lời Gia Cát Lượng viết trong Xuất sư biểu (thường gọi là trước Xuất sư biểu). Ở đó, Gia Cát Lượng viết rất rõ: “thần vốn áo vải, làm ruộng ở Nam Dương, mong giữ được tính mạng trong thời loạn, không cầu mong hiển đạt vang danh với chư hầu. Tiên đế không chê thần quê mùa, mà hạ cố tới đây, ba lần tới lều tranh tìm thần, cùng thần bàn bạc. Do đó thần lấy làm cảm kích, bằng lòng bôn tẩu ruổi rong giúp rập tiên đế”. Thế là quá rõ ràng. Thứ nhất đúng là Lưu Bị có đến Long Trung tìm Gia Cát Lượng và đến nhiều lần. Thứ hai, Lưu Bị đến Long Trung tìm Gia Cát Lượng “bàn chuyện thế sự”. Thứ ba, Gia Cát Lượng quyết định xuống núi phò tá Lưu Bị vì Lưu Bị đã ba lần tới lều tranh. “Do đó” và “bằng lòng”, ý tứ rất rõ ràng. Đương nhiên không thể tin hoàn toàn lời tự thuật của cổ nhân, nhưng nếu nói Gia Cát Lượng đã bịa ra câu chuyện “ba lần đến lều tranh”, là không thể, vì bản thân Gia Cát Lượng là loại người nào, và tình hình thực tế lúc đó ra sao. Từ lúc Gia Cát Lượng xuống núi đến lúc dâng biểu chỉ là hai mươi mốt năm, nhiều người biết chuyện vẫn còn sống, liệu Gia Cát Lượng có thể bịa được không?

 

 

Vì vậy khi viết chuyện Gia Cát Lượng, Trần Thọ không nói, “Tới cửa tự tiến cử” mà nói “Ba lần đến lều tranh”. Ngoài ra, trong Dâng biểu Gia Cát Lượng tập của mình, Trần Thọ đã miêu tả rất rõ ràng. Trần Thọ nói: ‘Tả tướng quân Lưu Bị thấy Lượng có tài, nên ba lần đến lều tranh tìm. Lượng cảm thấy Bị hùng tài kiệt xuất, tiếp nhận”. Thế là nguyên nhân và hậu quả đã hết sức rõ ràng.

 

 

Nhưng vấn đề là, nói vậy quả là quá mạo hiểm, khiến người ta có cảm giác như chuyện “truyền kỳ”, như là “ngàn năm chỉ là chốc lát”. Chúng ta muốn biết, lẽ nào Gia Cát Lượng đã đoán ra chuyện Lưu Bị “Ba lần đến lều tranh”? nếu không đến hoặc chỉ đến một lần thì sao? Gia Cát Lượng sẽ ở Long Trung đến già? Hơn nữa, “một người luôn tự sánh mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị” thì ở lại Long Trung để làm gì? Xây dựng “một nông thôn mới xã hội chủ nghĩa” chăng?

 

 

Xem ra, cũng không thể dễ dàng phủ nhận cách nói của Ngụy lược và Cửu Châu Xuân Thu. Nhưng nếu muốn tiếp thu Ngụy lược và “Cửu châu xuân thu” thì đồng thời cũng không thể phủ nhận Xuất sư biểu và Tam quốc chí. Vậy chỉ có một khả năng, chấp nhận cả hai cách nói và “Đến cửa tự tiến cử” là trước và “Ba lần đến lều tranh” là sau. Tức là Gia Cát Lượng đến tìm Lưu Bị trước, Lưu Bị chấp nhận ý kiến của Gia Cát Lượng, nhưng vẫn chưa có sự coi trọng cần thiết, do đó Gia Cát Lượng phải quay về. Cho tới khi Lưu Bị ý thức được giá trị thực sự của Gia Cát Lượng, mới phải tự mình, ba lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi, chính vì có chút dích dắc lần trước, mới phải tự mình, mới phải “ba lần đến” mà không phải “một lần”. Nhưng lịch sử chưa từng nói tới điều này bao giờ, nên sự  phỏng đoán này có mạnh bạo quá không?

 

 

Song ở đây vẫn còn tồn tại một vấn đề, Lưu Bị từng ở Kinh châu sáu, bảy năm liền, từ Kiến An năm thứ VI (năm 201) đến Kiến An năm thứ XII (năm 207), vì sao Lưu Bị và Gia Cát Lượng chưa hề gặp mặt nhau? Có thể nói là họ chưa quen nhau, không thể nói là họ chưa từng nghe nói về nhau. Một người có tiếng là “Kiêu hùng thiên hạ” như Lưu Bị, Gia Cát Lượng hẳn đã nghe. Nếu quan điểm của Lưu Khiếu đúng thì, vì sao Gia Cát Lượng không đi tìm Lưu Bị sớm hơn, mà tận lúc nước sôi lửa bỏng mới xuống núi? Cũng vậy, dù Gia Cát Lượng có im hơi lặng tiếng đến mấy thì cũng không thể sau sáu năm Lưu Bị mới phát hiện ra nhân tài số một như vậy? Có người nói, Lưu Bị sớm đã biết Gia Cát Lượng, đã đến hai lần nhưng không gặp, tận năm Kiến An thứ XII, lần thứ ba đến mới gặp. Nói như vậy cũng chưa đúng. Nói trong một năm đi ba lần còn nghe được. Trong sáu năm đi ba lần, như vậy chăng? Với chí tiến thủ và cảm giác bức bách như ở Lưu Bị có thể kéo dài sự việc đó ngần ấy năm chăng? Còn nói rằng Gia Cát Lượng ở rất kín rất khó tìm, lại càng không đúng. Lưu Bị là loại người nào? Thủ hạ có nhiều chân rết nếu đã quyết tâm tìm một người, lẽ nào lại không tìm ra? Vả Gia Cát Lượng đâu phải là nhân vật thần bí, mai danh ẩn tích, trốn tránh kẻ thù, Gia Cát Lượng vẫn thường đi lại với quan lại, nhân sĩ, tầng lớp thượng lưu ở Kinh châu, sao không tìm được?

 

 


Tranh vẽ chân dung Tư Mã Huy của một danh họa đời nhà Thanh

Về điểm này Doãn Vận công giải thích là: trước ba lần đến lều tranh, Lưu Bị tuy có nghe tiếng Gia Cát Lượng, nhưng mọi người đánh giá còn chưa rõ. Tuy Tư Mã Huy, Bàng Đức công v v... đã gọi Gia Cát Lượng là “Ngọa Long”, Gia Cát Lượng cũng “tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị”, nhưng đây mới chỉ là việc trong một nhóm người “chưa thể tin được”, nhiều người chưa nghĩ vậy (người đương thời chưa hiểu hết), Lưu Bi đánh giá có phần chưa đúng. Lúc Từ Thứ tiến cử Gia Cát Lượng, Lưu Bị liền nói “ông cũng cùng tới”, rõ ràng chưa thấy hết được sự tài ba của Lượng. Cũng không có gì là lạ. Ngay như Lưu Biểu là “chú dượng” của Gia Cát Lượng, có coi Lượng là gì đâu, nói chi tới Lưu Bị?

 

 

Trong lòng Gia Cát Lượng cũng có chỗ vướng, tức là quan hệ giữa Lưu, Quan, Trương mật thiết quá. Theo Tam quốc chí, Quan Vũ truyện, ba người họ “ngủ cùng giường, ân tình như anh em”, quan hệ vững còn hơn cả thép, không ai có thể chen vào được. Cũng tức là tập đoàn Lưu Bị, cái tập thể nhỏ đó có tính loại trừ rất mạnh, bất kể người nào đó đến sau đều không thế đứng lên trước; còn Gia Cát Lượng muốn là “quan chấp hành hàng đầu”, là thiên lý mã không thể đi kéo cối xay. Không có đảm bảo chắc chắn, Gia Cát Lượng quyết không xuống núi. Vì vậy, giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng cần phải có thời gian để hai người quan sát, tìm hiểu và thăm dò lẫn nhau.

 

 

Như vậy là có lý, Nhưng theo tôi, cần phải chú ý tới một vấn đề khác nữa, đó là tuổi tác. Nên nhớ rằng Lưu Bị hơn Gia Cát Lượng đúng hai mươi tuổi. Gia Cát Lượng xuống núi lúc hai mươi sáu tuổi. Muốn một người bốn mươi sáu tuổi chân thành cảm phục một người hai mươi sáu tuổi e hơi khó. Sao lại có thể yêu cầu một người đã bốn mốt, bốn hai tuổi hoặc bốn ba, bốn tư tuổi đi bái kiến một người hai mốt hai hai tuổi hoặc hai ba, hai bốn tuổi?

 

 

Tóm lại, chờ đến lúc Gia Cát Lượng đã hai mươi sáu tuổi, Lưu Bị đã bốn sáu tuổi, hai bên đều cảm thấy thời gian không chờ đợi mình và do một cơ duyên nào đó họ đã gặp được nhau. Sự tiến cử của Tư Mã Huy và Từ Thứ là vô cùng quan trọng, một lần Lưu Bị đến thỉnh giáo Tư Mã Huy, Huy nói muốn thành đại nghiệp, không thể dùng bọn mọt sách, mọt sách thì hiểu được cái gì? “Hiểu việc đời chỉ có tuấn kiệt”, Ngọa Long và Phượng Sồ mới là tuấn kiệt của chúng ta. Lưu Bị hỏi họ là ai, Tư Mã Huy nói, là Gia Cát Lượng và Bàng Thống.

 

 

Từ Thứ tiến cử được coi là nguyên nhân trực tiếp. Từ Thứ nói với Lưu Bị, Gia Cát Khổng Minh có thể coi là rồng ẩn mình, chẳng nhẽ tướng quân lại không muốn đến thăm? Từ Thứ là người được Lưu Bị coi trọng và tin tưởng (Tiên chủ coi trọng). Lưu Bị nói, vậy mời người đó và túc hạ đến chơi! Từ Thứ nói, đối với người này không thể tùy tiện, mong tướng quân vất vả tới thăm vậy!

 

 

Còn một điểm nữa cần nói rõ, chúng ta không thể coi việc làm của Tư Mã Huy và Từ Thứ đơn giản là hành vi của cá nhân họ. Chúng ta đều biết, Kinh châu là nơi có nhiều nhân tài. Ngoài nhân tài tại chỗ, còn có vô số nhân tài từ Trung Nguyên đến lánh nạn. Số người này luôn quan tâm đến việc lớn của đất Nước, đến sự an nguy của cả Kinh châu. Lúc họ phát hiện thấy không thể dựa vào Lưu Biểu, thì mọi kỳ vọng đều trông mong ở Lưu Bị, hình thành một cục diện được Tam quốc chí. Tiên chủ truyện gọi là “Hào kiệt Kinh châu đến với Tiên chủ ngày một nhiều”; và những người đã xuống núi (như Tư Mã Huy) sẽ giúp Lưu Bị phát hiện ra nhân tài. Vì vậy cũng có thể coi đây là lời tiến cử của tập đoàn nhân sĩ Kinh châu.

 

 

Cũng có thể coi đây là phúc khí đã đến với Lưu Bị. Bất kể xuất phát từ nguyên nhân nào, cầu hiền như khát nước cũng được, tín nhiệm Từ Thứ cũng được, bệnh cấp phải tìm thầy cũng được, tóm lại, Lưu Bị đã có quyết định chính xác. Lưu Bị tạm gác cái thế của hoàng tộc, cái giá của trưởng bối, thân đến thăm một người chả có chức vụ gì? ít hơn mình hàng hai mươi tuổi. Trước lúc đến thăm, Gia Cát Lượng đã tìm đến Lưu Bị chưa, chúng ta chưa biết chính xác. Trước khi đưa ra “giả thuyết”, chúng ta chỉ có thể nói, ba lần đến lều tranh có thể khẳng định, đến cửa tự tiến cử tạm thời còn nghi vấn. Vấn đề lúc này là, Lưu Bị ba lần đến lều tranh đều gặp được Gia Cát Lượng hay chỉ gặp có một lần?

 

 

Có học giả (như Doãn Vận công) cho rằng gặp ba lần, nói chuyện ba lần. Có khả năng là như vậy. Xuất sư biểu của Gia Cát Lượng và Dâng biểu (Gia Cát Lượng tập) của Trần Thọ, một chỗ nói “Ba lần gặp thần trong lều tranh”, một chỗ nói “Thế là ba lần thăm Lượng trong lều tranh”, cùng một ý ấy cả. Còn như “Gia Cát Lượng truyện” nói “Thế là ba lần đến, liền gặp”, cũng không phải là đi ba lần mới được gặp. Cách dùng từ có khác nhưng đều cùng một ý. Vì vậy, “Thế là ba lần đến, liền gặp” phải hiểu là: tổng cộng đi ba lần, đã gặp mặt.

 

 

Nếu nói vậy mà vẫn chưa rõ, chủng ta có thể tham khảo cách suy nghĩ của người thời Đường. Đỗ Phủ nói “ba lần đến mấy lần bàn kế thiên hạ”, Chu Nhữ Xương giải thích là “mấy lần” còn nói thêm “không phải quá nhiều lần”. Đương nhiên là không phải. Vì ba lần đến không phải là “đến mời” mà phải hiểu là “thăm hỏi”, “đến hỏi”. Thậm chí “ba lần đến” không nhất thiết là sự thực, không phải chỉ có đi ba lần, có thể hiểu là nhiều lần, “hết lần này đến lần khác”, “rất nhiều”. Có nghĩa là, nhiều lần Lưu Bị đến Long Trung, thỉnh giáo Gia Cát Lượng về “chuyện thế sự”, hai người càng nói càng trúng, càng nói càng hợp, cuối cùng Gia Cát Lượng quyết định xuống núi phò tá Lưu Bị. Đúng, hai người hợp tác với nhau là rất quan trọng, làm gì có chuyện chỉ ngồi với nhau một lần là xong?

 

 

Vì vậy “Lưu Huyền Đức ba lần đến lều tranh” trong Tam quốc diễn nghĩa chỉ là cách diễn nghĩa. Và “thế là đến ba lần, liền gặp” là đi ba lần mới gặp được trong chuyện của La Quán Trung cũng là diễn nghĩa. Có điều cách diễn nghĩa đó là tinh tế, rất có ý nghĩa. La Quán Trung đã sắp xếp một số tiết mục cho chuyến đi đầu tiên của Lưu Bị, trước hết là nghe hát, rồi nhìn núi, rồi gặp trở ngại, rồi ngắm cảnh, rồi gặp Thôi Châu Bình. Núi là “non xanh dị thường”, cảnh là “nhìn kháng chán mắt”, người là “dung mạo ngời ngời”, tất cả đều rất lạ: đồng tử chưa hiểu việc, người nông dân biết ca hát, bạn bè thì kinh luân đầy bụng, Lưu Bi cứ trố mắt, há miệng cảm thán không ngớt, cảm thấy Long Trung là nơi thần bí, khó lường, người ẩn trên gò Ngọa Long nhất định là cao nhân.

 

 

Lẩn thứ hai đi, không cần xem phong cảnh mà chỉ xem người. Trước tiên là thấy bạn, thứ đến là thấy em, thứ nữa là thấy bố vợ của Gia Cát Lượng. Nếu như lần trước khiến Lưu Bị được mở mang tầm mắt, thì lần này khiến cho Lưu Bị càng không yên. Nghĩ xem, bạn của Gia Cát Lượng, rồi em trai rồi bố vợ đều là những người siêu quần thoát tục thì bản thân Gia Cát Lượng lẽ nào lại không phi phàm?

 

 

Vì vậy lần thứ ba Lưu Bị phải chọn ngày lành, tắm gội trai giới và thay quần áo. Hơn nữa, cách lều cỏ chừng nửa dặm đã xuống ngựa, đi bộ; chắp tay, đứng đợi bên ngoài lều cỏ; Gia Cát Lượng ngủ chưa dậy, Lưu Bị đợi và lại đợi. Tâm tình đó thực khác với ở người lễ hiền hạ sĩ đi mời khách mà đúng với một kẻ si tình lúc đến cửa cầu hôn.

 

 

Lưu Bị lần đầu đến Long Trung được nghe tiếng hát, ngắm nhìn núi non, lòng dạ đã sinh kính nể. Vì vậy lúc Lưu Bị “tự mở cửa phên” nói chuyện cùng đồng tử có phần giống như lúc Trương Sinh gặp Hồng Nương trong Tây sương ký. Lúc gặp Hồng Nương, Trương Sinh đã nói thế nào? “Tiểu sinh là Trương Sinh tên Củng, tự là Quân Thụy, người Tây Lạc, hai mươi ba tuổi, sinh vào giờ Tý, ngày mười bảy tháng Giêng, chưa từng có vợ”. Kết quả là Hồng Nương đã ngắt lời: “Ai bảo người này đến?” Lưu Bị nói thế nào? “Hán tử tướng quân Nghi Thành đình hầu, Dự Châu mục, hoàng thúc Lưu Bị xin đến bái kiến tiên sinh”. Kết quả cũng như giẫm phải gai: “Tôi không thể nhớ được tên nhiều người như vậy”. Hai trường hợp sao mà giống nhau đến thế?

 

 

Đương nhiên là giống nhau. Nếu như Thôi Oanh Oanh trong tuồng là “đợi chữ trong khuê phòng” thì Gia Cát Lượng trong tiểu thuyết là “chờ giá nơi Long Trung”. Họ đều là những người tâm khí cao thượng, quyết không thể tùy tiện “trao thân gửi phận”. Vì vậy, họ phải bày đủ giá, nói đủ lời, nếm đủ mùi nhằm đảm bảo đối phương thành tâm, vượt mọi thử thách.

 

 


Từ Thứ

Mặt khác họ cũng có chỗ hơi khác nhau. Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh vừa gặp đã chung tình; còn Lưu Huyền Đức và Gia Cát Lượng, theo La Quán Trung hận vì đã gặp nhau quá muộn. Vì sao Lưu Bị lại muốn gặp Gia Cát Lượng đến vậy? Bởi vì “Thủy Kính tiên sinh” đã giúp Lưu Bị hiểu rằng, nguyên nhân chậm thành công là bởi thiếu một nhân vật có trí tuệ có thể ngồi trong trướng mà vận trù được toàn cục, một Khương Thượng và Trương Lương của thời đại. Khó khăn lắm mới có được Từ Thứ thì Từ Thứ lại đi mất. Kỳ thực, Từ Thứ rời Lưu Bị là sau khi Gia Cát Lượng xuống núi. Tam quốc chí ghi chép rất rõ, sau khi Gia Cát Lượng xuống núi, Tào Tháo nam chinh, Lưu Tôn đầu hàng, Lưu Bị “Đưa dân chúng về miền nam, Lượng và Từ Thứ đi theo, Tào buộc phải bắt mẹ Thứ”, Tam quốc diễn nghĩa chữa thành (Nguyên Trực đi, mới tiến cử Gia Cát). Chữa như vậy là sinh chuyện. Thử hỏi, Từ Thứ đã biết Gia Cát Lượng là thiên tài chính trị đặc biệt sao không sớm tiến cử, để khi mình ra đi mới nói? Phải chăng Từ Thứ sợ Gia Cát Lượng cướp mất vị trí và vai trò của mình chăng? Rõ ràng La Quán Trung có nghĩ tới điều này nên mới nói thêm, sau khi tiến cử Gia Cát Lượng, Từ Thứ còn đến động viên, thuyết phục, kết quả bị Gia Cát Lượng mắng cho một trận. Nghĩa là, vì sao Từ Thứ không đến tiến cử sớm vì Từ Thứ đã biết Gia Cát Lượng không chịu xuống núi. Và nếu như vậy thì Gia Cát Lượng lại có vấn đề về phẩm chất đạo đức. Một người luôn “tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị”, khi được Từ Thứ tiến cử lại tự coi mình là con dê thí tội, là vật hy sinh và đùng đùng nổi giận, chẳng phải là quá kiêu ngạo sao? La Quán Trung muốn đề cao Gia Cát Lượng, kết quả lại như trát trấu vào mặt Gia Cát Lượng. Có khác gì nói “Gia Cát Lượng đa trí nhưng quái gở”, đúng là đã uốn thẳng thành cong.

 

 

Câu chuyện kể ở phần trên cũng như vậy. Dù cho La Quán Trung đã cố gắng nói cho kín kẽ, nhưng thực tế nhiều chỗ đã để lòi đuôi, khiến ai cũng thấy rõ những buổi gặp lạ, gặp may của Lưu Bị ở Long Trung là đều do Gia Cát Lượng bày đặt. Thế nào là người nông dân biết hát, đồng tử chẳng hiểu việc, người bạn bụng đầy kinh luân, cụ già đạo mạo tự nhiên, đều được Gia Cát Lượng “nhờ vả”. Mục đích là, biến thị trường bên mua thành thị trường bên bán, khiến Lưu Bị phải mua đứt mình với giá cao.

 

 

Vì vậy câu chuyện “ba lần đến lều tranh” trong Tam quốc diễn nghĩa hoàn toàn có thể coi là cuốn giáo tài về kinh doanh mua bán thời Tam Quốc. Lưu Bị trong câu chuyện ví như nhà đầu tư, Lưu Bị cần mua đứt Gia Cát Lượng, nhưng lại chưa biết món hàng như thế nào. Đây cũng là tâm lý thường của con buôn, nhưng Lưu Bị cũng có điểm mạnh, như Tam quốc diễn nghĩa nói, vốn liếng đầu tư của công ty Lưu gia chính là chiêu bài “hoàng thúc của Lưu Bị”; tuy thân phận hoàng thúc đó không phải là giả mạo, nhưng hàm lượng vàng trong đó cũng không cao, khác gì “miếng thịt thấm nước”. Vì thế Lưu Bị sẽ nghĩ, danh phận “hoàng thúc” của ta khác gì miếng thịt thấm nước, còn Gia Cát Lượng, “Quản Trọng”, “Nhạc Nghị” kia thực giá bao nhiêu? Lưu Bị ta có thể làm rối thiên hạ, Gia Cát Lượng có thể làm rối ta? Cần phải xem thực hư thế nào. Vì vậy, sau khi nghe Từ Thứ tiến cử, Lưu Bị không hề xúc động như Lưu Bang tổ tông của mình. Lưu Bang nghe lời tiến cử của Tiêu Hà đã phong luôn Hàn Tín là Đại tướng quân, còn Lưu Bị thì thư thư, để xem đã (Đương nhiên mũ quan trong tay Lưu Bị cũng không nhiều). Vì vậy, Lưu Bị ba lần đến lều tranh, bề ngoài là lễ hiền hạ sĩ, nhưng thực tế là để khảo sát, mấy ý đồ đó của Lưu Bị, một người thông minh như Gia Cát Lượng lẽ nào lại không biết? Gia Cát Lượng muốn Lưu Bị phải hiểu, muốn bắt thì phải thả, ngõ quanh cho nên tối. Tôi nghĩ là “ba lần đến lều tranh” trong “Bản La Quán Trung” là như vậy.

 

 

Đương nhiên không tránh khỏi có phần “Lấy bụng của kẻ tiểu nhân để đo lòng người quân tử”, Đây chẳng qua chỉ là chút “ý kiến cá nhân” tôi. Không thể là “ý kiến thời đại”, càng không phải là “ý kiến lịch sử” và cũng không phải là ý kiến của La Quán Trung. Vậy, vì sao La Quán Trung lại viết như thế? Ý tôi, một trong những nguyên nhân là viết cho hay. Phàm đã xem qua Tam quốc diễn nghĩa dù tin hay không tin, đều thừa nhận câu chuyện rất tinh tế. Một nguyên nhân khác, La Quán Trung có thể gửi gắm lý tưởng nhân sinh của mình vào trong đó. La Quán Trung là người thời cuối Nguyên đầu Minh, nghe nói từng là mạc liêu của Trương Sĩ Thành - lãnh tụ nghĩa quân. Bại sử hội biên của Vương Kỷ nói, La Quán Trung “có chí xưng vương”, có điều, tráng chí còn chưa đủ. Vì vậy, lúc viết Tam quốc diễn nghĩa, không tránh khỏi mượn rượu cổ nhân để vơi bớt nỗi sầu trong lòng, gán lý tưởng tâm sự của mình lên người nhân vật. Những người đọc sách thời cổ thường có “tình cảm với Gia Cát Lượng”. Họ kính phục tài trí của Gia Cát Lượng, ngưỡng mộ nhân phẩm của Gia Cát Lượng, cảm động vì sự “cúc cung tận tụy cho đến chết”, thương tiếc Gia Cát Lượng “Xuất sư chưa thành thì thân đã chết”. Giữa họ và Gia Cát Lượng như có một tiếng nói chung.

 

 

Vấn đề là, trong lịch sử số người có phẩm chất ưu tú như Gia Cát Lượng cũng không ít, một số người trở thành thần tượng của những người đọc sách, nhưng vì sao Gia Cát Lượng lại được sùng bái đến như vậy? Một trong những nguyên nhân là chỗ “ba lần đến lều tranh”. Những người đọc sách thời cổ Trung Quốc thường có mâu thuẫn về mặt tâm lý. Một mặt họ hi vọng mình sẽ là tướng soái, xây dựng cơ nghiệp, chí ít cũng được một chức quan nào đó, hòng rạng rỡ tổ tiên. Mặt khác họ lại rất thanh cao mềm yếu, không muốn va chạm, không chịu được sự lạnh nhạt. Đúng vậy, “Nam nhi tính rất thận trọng”, nhưng lại cũng muốn có “lời mời của thiên tử”. Những thứ như cơ hội, chức vụ, mũ ô sa không phải tự mình đi cầu, đi xin, mà tốt nhất là do chủ nhân cung kính mang tới, với kiệu tám người khênh, mời bạn xuống núi. Gia Cát Lượng được đãi ngộ như vậy. Gia Cát Lượng được Lưu Bị “mời” xuống núi, mời tới ba lần, thực xứng đáng.

 

 

Mọi người rất hâm mộ, rất muốn hướng tới, vì vậy cần phải nói nhiều, nói mãi. Người đọc sách chẳng có quyền lực gì, nếu có chỉ là “quyền được nói”. Vậy, còn không nhanh chóng viết thành văn thành bài? “Ba lần đến lều tranh” của La Quán Trung bản đã ra đời như vậy. Nhưng tiếc là Gia Cát Lượng của La Quán Trung chắc gì đã là Gia Cát Lượng thực.

 

 

Sự gặp gỡ giữa vua tôi Lưu Bị và Gia Cát Lượng, là Lưu Bị “ba lần đến lều tranh”, hay Gia Cát Lượng “đến cửa tự tiến cử” và Lưu Bị có đi ba lần, gặp mặt ba lần, nói chuyện ba lần hay không, đều không quan trọng, điều quan trọng là họ đã nói những gì. Nếu đúng là họ đã nói chuyện nhiều lần thì chúng ta bây giờ không hoàn toàn và chính xác biết được họ đã nói những gì. Điều mà chúng ta có thể biết chỉ là những ý kiến có tính kết luận như bản Long Trung đối nổi tiếng. Thiên tài chính trị của Gia Cát Lượng được thể hiện hết sức lâm li và tường tận. Cuộc trò chuyện giữa hai người cũng đầy khí thế, hấp dẫn chẳng khác gì “Lưu Huyền Đức ba lần đến lều tranh” của La Quán Trung.

 

 

Điều đó có ý nghĩa hơn nữa, là từ năm Kiến An thứ V (năm 200) tức là trước lúc Tôn Quyền - Lưu Bị gặp nhau chừng bảy năm, đã có người đề xuất quy hoạch chiến lược như vậy cho Tôn Quyền, được gọi là Tôn Quyền bản hoặc Long Trung đối theo Đông Ngô bản. Người này cũng như Gia Cát Lượng từng dự đoán “Thiên hạ chia ba”. Vậy người đó là ai? Tôn Quyền bản hoặc Long Trung đối theo Đông Ngô bản của người này có gì hay ho hoặc giống và khác nhau với Long Trung đối của Gia Cát Lượng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét