Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

MẮT TINH ĐÃ THẤY

 


Đến lều tranh. Tranh  Kano-Oshin

     Tập thứ mười lăm: MẮT TINH ĐÃ THẤY

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Nếu như Lưu Bị là một câu đố thì Gia Cát Lượng cũng là một câu đố. Hình như thượng đế đã tạo ra Gia Cát Lượng riêng cho Lưu Bị, hình như Gia Cát Lượng luôn luôn chờ đợi tiếng gọi của Lưu Bị. Vậy cuối cùng Gia Cát Lượng là người như thế nào, vì sao Gia Cát Lượng lại nặng tình với Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã nhìn thấy gì trong con người Lưu Bị?

 

 

Tập trước đã nói, lúc các lộ anh hùng lần lượt đăng đàn, mưu sĩ lần lượt xuống núi thì Gia Cát Lượng vẫn ẩn mình ở Long Trung, không vội thể hiện phong thái. Gia Cát Lượng đang lặng lẽ chờ đợi tiếng gọi của Lưu Bị. Trong số chư hầu, Gia Cát Lượng ưng nhất Lưu Bị, Lưu Bị có gì làm xúc động Gia Cát Lượng, vì sao Gia Cát Lượng vừa nhìn đã ưng ngay Lưu Bị?

 

 

Muốn trả lời vấn đề này trước hết phải xem lúc trẻ Gia Cát Lượng là người thế nào?

 

 

Gia Cát Lượng anh tài từ nhỏ lại đẹp trai. Dâng biểu Gia Cát Lượng tập của Trần Thọ nói “ít có nhân tài như vậy, có khí anh bá, thân cao tám thước, dung mạo khôi vĩ khác hẳn người thường”. Về thân thế sử sách ghi không nhiều. Chúng ta chỉ biết Gia Cát Lượng là con côi, được người chú là Gia Cát Huyền nuôi dưỡng thành người. Gia Cát Huyền thân tình với Lưu Biểu, Gia Cát Lượng cùng theo chân đến Kinh châu. Sau khi Gia Cát Huyền qua đời, Gia Cát Lượng liền “theo nghề cầy cấy” ở Long Trung. Long Trung là mảnh đất Tương Dương và Nam Dương tranh giành nhau. Nghe kể từ thời nhà Thanh, Cố Gia Hành người Tương Dương được phái đến làm Tri phủ Nam Dương. Thế là có người ở Nam Dương muốn ngài tri phủ Nam Dương vốn người Tương Dương phải cho biết rốt cuộc Long Trung là của người Tương Dương hay Nam Dương. Cố không biết nói thế nào vì không muốn phải đắc tội với cả hai bên, đành chọn một câu đối nói: Tâm tại triều đình, bất kể là tiền chủ hậu chủ; danh cao thiên hạ, hà tất nói Tương Dương Nam Dương”, mới giải được “vụ kiện” đó. Kỳ thực vị trí địa lý Long Trung ở ngoài thành Tương Dương hai mươi dặm; khu vực hành chính lại thuộc huyện Đặng quận Nam Dương, nên nói là thuộc Tương Dương hay Nam Dương đều đúng. Huống chi lúc đó Tương Dương và Nam Dương đều thuộc Kinh châu, nói chung là không có vấn đề gì.

 

 

Sau khi đến Long Trung, Gia Cát Lượng vừa cày ruộng vừa đọc sách. Gia Cát Lượng từng nói trong Xuất sư biểu. “Thần là người áo vải, cày cấy ở Nam Dương, chỉ mong giữ toàn được tính mạng trong thời loạn, không cầu được hiển đạt vang danh với chư hầu”. “Giữ toàn tính mạng”, “Không cầu danh lợi” nói ở đây chỉ có thể coi là lời nói; “cày cấy ở Nam Dương” có thể là thực, nhưng chưa chắc đó là nghề chính nuôi thân, chỉ dựa vào nghề nông để duy trì sinh kế, chẳng qua chỉ là tham gia lao động. Bấy giờ người ta còn coi đó là “nhã sự”, không thể coi là thân phận. Như Kê Khang vốn thích nghề rèn, lẽ nào lại coi đó là thợ rèn? Đúng là Gia Cát Lượng có cày cấy, nhưng vị tất đã là nông dân. Đương nhiên Gia Cát Lượng coi việc cày cấy ở Lũng miếu là nhã hứng lúc nhàn rỗi, hay là nghề nghiệp mưu sinh, chúng ta không hiểu được. Nhưng bất kể trong tình huống nào thì Gia Cát Lượng vẫn là người thẳng thắn không câu nệ. Ngay cả khi là thừa tướng, Gia Cát Lượng vẫn cúc cung tận tụy, làm việc hết mình, có thế đây là thói quen được hình thành từ lúc “cày cấy ở Nam Dương”

 

 

Gia Cát Lượng thường đọc lướt qua các sách, chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện nói, Thạch Đào là bạn của Gia Cát Lượng và những người khác thường “chăm chú tỉ mỉ”, riêng Gia Cát Lượng chỉ cần “nắm điều đại lược”. Như vậy mới là biết đọc sách. Thực tế thì, một người nếu không cần học vấn giống như Đào Uyên Minh, thì “đọc sách không cần tỉ mỉ” tức là không tự mình húc đầu vào tường; còn như “nắm điều đại lược” tức là giỏi nắm bắt các điểm chính yếu. Từ điểm này có thể thấy, Gia Cát Lượng là người đại khí. Người đại khí đọc sách luôn biết nắm lấy những trí tuệ những tinh túy trong đó, không tầm chương trích các, nhấm nháp từng chữ, giống như các tướng lĩnh thống soái đại khí, không hề tính toán tới sự được mất của thành nọ thành kia.

 

 

Ngoải cày cấy và đọc sách ra, Gia Cát Lượng còn thích hai việc khác nữa. Một là thích “ôm gối hú dài” (có ghi trong Ngụy lược), hai là thích đọc “Lương phụ ngâm” (ghi trong chuyện này). Hú, có thể là thuật dẫn tới từ một loại khí công; “Lương phụ ngâm” là một khúc ca đưa ma thê thảm hoặc thơ Nhạc phủ phát triển từ ca khúc đưa ma. Qua hai điều này chúng ta thấy rõ Gia Cát Lượng lúc trẻ là người có tấm lòng khảng khái thê lương. Qua tiếng hú dài và thơ ca, Gia Cát Lượng muốn gửi gắm những tình cảm bi thương và sự quan tâm sâu sắc tới nhân tình thế thái.

 

 

Đây chính là “sĩ nhân” điển hình. Là “sĩ”, nhất là “quốc sĩ” phải có trách nhiệm với thiên hạ. Đương nhiên, nếu như chỉ có chí hướng thôi thì chưa đủ, còn cần phải có năng lực và điều kiện. Gia Cát Lượng có chí hướng, có năng lực và điều kiện. Luôn “tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị” là có chí hướng; sau này lại trị nước, bình thiên hạ, định càn khôn, tức là có năng lực. Còn như điều kiện, cũng có và có thế là rất tốt.

 

 

Trước hết, Gia Cát Lượng ở trong một hoàn cảnh rất tốt. Chúng ta đều biết họ Gia Cát là một họ đặc biệt. Trước tiên, người ông Gia Cát Phong từng là Tư Lệ hiệu úy. Tư Lệ hiệu úy chức cao quyền trọng, vào thời Tây Hán thấp hơn tam công, cao hơn cửu khanh, thời Đông Hán “ngang như” thượng thư lệnh, ngự sử trung thừa. Người cha là Gia Cát Khuê từng là quận thừa, người chú Gia Cát Huyền từng là thái thú, nhu vậy Gia Cát Lượng là “con em cán bộ”. Đương nhiên, Gia Cát Lượng phải biết một ít chuyện, một số quan hệ trong chốn quan trường.

 

 

Sự thực thì Gia Cát Lượng có mối quan hệ khá phức tạp. Mẹ vợ của Gia Cát Lượng là chị em ruột với người vợ sau của Lưu Biểu, đều là con gái Sái Phúng, chị của Sái Mạo. Cứ thế mà tính, Lưu Biểu là chú dượng của vợ Gia Cát Lượng, bản thân Gia Cát Lượng là cháu rể đằng ngoại nhà họ Sái. Lưu Biểu là trưởng quan Kinh châu, họ Sái là vọng tộc ở Tương Dương, Sái Mạo là thân tín của Lưu Biểu, Gia Cát Lượng có vốn chính trị như vậy, lẽ nào không phải là điều kiện tốt hay sao?

 

 

Tranh minh họa Hoàng Nguyệt Anh - vợ Gia Cát Lượng


Nói đến mối nhân duyên của Gia Cát Lượng cũng là nói đến một giai thoại. Hoàng Thừa Ngạn là danh sĩ đương thời, là bố vợ của Gia Cát Lượng. Người này vì rất thích Gia Cát Lượng, muốn gả con gái cho Gia Cát Lượng. Hoàng Thừa Ngạn nói, ta có đứa con gái, người rất xấu nhưng rất tài hoa, ngươi muốn cưới nó không? Gia Cát Lượng đồng ý, Hoàng Thừa Ngạn cho xe chở người con gái xấu xí đó đến ngay. Về việc này, các nhà sử học có nhiều cách nói khác nhau. Có người cho rằng, Hoàng Thừa Ngạn khiêm tốn, chứ con gái không xấu, cũng có người cho rằng đó là thử Gia Cát Lượng, xem Lượng trọng sắc hay trọng tài. Nhưng theo tôi con gái họ Hoàng là xấu. Thứ nhất lý do ở ngay lời của Hoàng Thừa Ngạn: “Con gái ta xấu, đầu vàng da đen”. Nếu là khiêm tốn thì sao phải nói cụ thể đến như vậy, hơn nữa “lại rất tài hoa” thì chẳng khiêm tốn một chút nào. Thứ hai, có nhiều người phản ứng lại. Tương Dương kí có ghi chuyện này, nói: “Thời đó cho là chuyện vui, dân gian có câu ca: Chẳng ai chọn vợ như Khổng Minh, lấy ngay phải cô Thừa xấu xí”. Rõ ràng ai cũng biết con gái họ Hoàng là cô gái xấu xí.

 

 

Vậy, vì sao Gia Cát Lượng lại đồng ý cuộc hôn nhân đó? Cũng có hai lời giải. Một cho rằng Gia Cát Lượng lấy vợ trọng đức trọng tài không trọng sắc, chọn người cao phong lượng tiết; ý kiến khác thì ngược lại, cái mà Gia Cát Lượng coi trọng là danh vọng xã hội và quan hệ xã hội của Hoàng Thừa Ngạn. Và vợ có xấu xí một chút cũng chả ngại, vì còn có thể lấy thiếp. Lấy vợ là lấy đức, chọn thiếp là chọn sắc, quan niệm thông thường thời đó là vậy. Còn cuối cùng là nguyên nhân nào, quả thực tôi không dám lạm bàn về cổ nhân, mong các vị độc giả xét cho! Nhưng với một mối quan hệ như vậy, nếu Gia Cát Lượng muốn có một chức quan nào đó ở chỗ Lưu Biểu, thực chẳng khó khăn gì.

 

 

Huống hồ Gia Cát Lượng còn có một cơ sở nữa, đều là những người nổi tiếng một thời. Họ luôn tâm đắc với Gia Cát Lượng. Sự thực thì nhờ Từ Thứ tiến cử, Lưu Bị mới biết Gia Cát Lượng. Ngoài ra còn Tư Mã Huy, Bàng Đức công danh sĩ Kinh châu và những người khác đều đánh giá cao Gia Cát Lượng. Tư Mã Huy từng đặt danh hiệu cho Gia Cát Lượng là “Ngọa Long”. Bàng Đức công để con trai mình lấy con gái thứ hai của Gia Cát Lượng làm vợ. Rõ ràng lúc đó Gia Cát Lượng tuy đã ẩn cư trong lều cỏ trên Long Trung, nhưng “nói cười có người giỏi, đi lại không một mình”. Những người có quan hệ đi lại với Gia Cát Lượng lúc đó không là cao quan cũng là danh sĩ. Vốn liếng chính trị và điều kiện chính trị của Gia Cát Lượng tốt hơn nhiều so với không ít người thời đó. Ví dụ như Giả Hủ, gia tộc bình thường, quan hệ bình thường, không có ai tuyên truyền giúp (ít người biết tới), một mình bước vào đời, gặp thời vận, lăn lộn trong đám thổ phỉ và quân phiệt, cuối cùng đến được chỗ Tào Tháo, được quan cao lộc hậu, thực chẳng dễ dàng gì?

 

 

Điều kiện của Gia Cát Lượng rõ ràng là tốt hơn nhiều. Hậu phương tốt, quan hệ tốt, nhiều người ủng hộ, nếu muốn tham chính thì chẳng khó khăn gì. Nhưng trước năm Kiến An thứ XII, Gia Cát Lượng gần như yên lặng “mong giữ toàn được tính mạng trong thời loạn không cầu được hiển đạt vang danh với chư hầu”, gần như quyết tâm ẩn cư ở Long Trung, vì sao lại như vậy?

 

 

Chí hướng của Gia Cát Lượng là khác thường. Ngụy lược nói, Gia Cát Lượng từng trò chuyện với ba người bạn của mình là Thạch Thao (Quảng Nguyên), Từ Thứ (Nguyên Trực), Mạnh Kiến (Công Uy), các bạn tham chính, quan có thể tới quận thú, thứ sử. Các bạn hỏi lại còn túc hạ thế nào? Gia Cát Lượng mỉm cười, không trả lời (Lượng chỉ cười và không nói). Thực ra lời đáp đã có từ lâu - “Luôn ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị”. Quản Trọng là người thế nào? Lả danh tướng. Như vậy, mọi việc đã quá rõ ràng, lý tưởng của Gia Cát Lượng không phải để xung vương, xưng đế, ngồi phương bắc nhìn về phương nam, không phải làm quan tạo phúc một vùng mà để phò tá người hiền minh, quét sạch bốn biển, bình trị thiên hạ, Ổn định Trung Nguyên.

 

 

Hiển nhiên, lại phải nói như Quách Gia, hãy chọn cho mình một ông chủ tốt. Nhưng người mà Gia Cát Lượng có thể chọn là rất nhiều. Như Lưu Biểu ở ngay trước mắt, lại có quan hệ thân thích. Tào Tháo và Tôn Quyền đang chiêu binh mãi mã, chiêu hiền nạp sĩ. Nhưng Gia Cát Lượng gần như không hứng thú với họ. Vì sao vậy?

 

 

Nguyên nhân rất đơn giản: Lưu Biểu là quá kém, Tào Tháo quá mạnh. Không gian nơi Tôn Quyền quá nhỏ. Sau này chúng ta còn biết tới sự kém cỏi của Lưu Biểu, ở đây chi nói tới một điểm. Lúc bấy giờ nhân sĩ Trung Nguyên về Kinh châu lánh nạn rất đông, nhưng Lưu Biểu không dùng một ai. Gia Cát Lượng xuống núi sẽ ra sao? Bên phía Tào Tháo, nhân tài chật ních, bản thân Tào Tháo là người mạnh, Gia Cát Lượng tới đó thực sẽ như thế nào? Theo chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Gia Cát Lượng truyện, lúc Mạnh Kiến đến chỗ Tào Tháo, Gia Cát Lượng đã nói: “Trung Quốc nhiều sĩ đại phu, ngao du hà tất ở cố hương”. Bùi Tùng Chi cho rằng nguyên nhân Gia Cát Lượng không đến chỗ Tào Tháo là vì lập trường chính trị, nhưng tôi lại nghĩ, ít ra thì đó cũng là một trong những suy nghĩ của Gia Cát Lượng, vẫn theo Ngụy lược, về sau khi Thạch Thao nhậm chức Quận thú, Điển nông hiệu úy ở Ngụy, Từ Thứ nhận chức Hữu trung lang tướng, Ngự sử trung thừa ở Ngụy, Gia Cát Lượng thở dài nói: “Ngụy rất nhiều sĩ! Vì sao hai người đó lại không được dùng?” Rõ ràng, được dùng không được dùng vẫn còn phải xem xét.

 

 

Và với Gia Cát Lượng chỉ “được dùng” e vẫn chưa đủ, mà vẫn phải “trọng dụng” thậm chí là “chuyên dùng”. Theo chú dẫn Viên Tử, của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Gia Cát Lượng truyện, trước trận chiến Xích Bích, Gia Cát Lượng sang sứ Đông Ngô, thuyết phục Tôn Quyền liên minh với Lưu Bị. Mưu sĩ hàng đầu của Tôn Quyền là Trương Chiêu đã thấy rõ sự phi phàm của Gia Cát Lượng ra sức tiến cử với Tôn Quyền. Tôn Quyền muốn giữ Gia Cát Lượng lại, nhưng Gia Cát Lượng đã cự tuyệt. Có người hỏi lý do, Gia Cát Lượng nói: Tôn tướng quân là chủ, nhưng xem thái độ, chỉ có thể tôn trọng Lượng, nhưng không thể tận dụng Lượng, ta sẽ không lưu lại”. Nghĩa là, Tôn Quyền thực ra là chủ tốt (xứng là chủ), nhưng nhiều nhất Tôn Quyền chỉ có thể tôn trọng (hiền Lượng), nhưng không thể phát triển hết tài của Lượng (tận dụng Lượng).

 

 

Bùi Tùng Chi cho rằng như vậy là không thực, ở hai lý do. Thứ nhất, Gia Cát Lượng và Lưu Bị quân thần tương ngộ là việc hiếm “thấy trên đời”. Một quan hệ không “vì lợi vì tiền”, ai có thể li gián được họ? Thứ Hai, cả đời Gia Cát Lượng có thể coi là trung trinh bất khuất. Sao lại có mới nới cũ? Bùi Tùng Chi nói, sau khi bị bắt, Quan Vũ ở chỗ Tào Tháo có thể coi là “tận dụng hết”, nhưng vẫn luôn luôn “vì nghĩa không quên gốc”, lẽ nào Gia Cát Lượng lại không bằng Quan Vũ?

 

 

Rõ ràng là Bùi Tùng Chi có lý. Thêm vào đó, chúng ta có thể nói: Lưu Bị là ông chủ, Gia Cát Lượng chọn sau nhiều lần cân nhắc. Đã vậy thì Gia Cát Lượng không thể dễ dàng chạy sang với Tôn Quyền. Vì vậy, dù Tôn Quyền có thể “tận dụng Lượng”, Gia Cát Lượng cũng không bao giờ phản lại Lưu Bị. Nhưng, trước lúc chọn Lưu Bị lẽ nào Gia Cát Lượng không thể chọn Tôn Quyền? Đương nhiên là có thể. Vậy, vì sao Gia Cát Lượng lại không chạy sang với Đông Ngô? Có thế Gia Cát Lượng đã sớm nhận ra Tôn Quyền “có thể coi trọng Lượng mà không tận dụng Lượng”. Lý lẻ rất đơn giản: Đông Ngô là tập đoàn lợi ích của ba thế hệ Tôn Kiên, Tôn Sách, Tôn Quyền kinh doanh và phát triển với bao gian nan vất vả. Bên phía Tôn Quyền nhân tài rất nhiều và có quan hệ mật thiết. Trương Chiêu là lão thần sáng nghiệp của Tôn Sách, Tôn Sách từng đưa Trương Chiêu “đến lạy mẹ, khác gi anh em” và coi như huynh trưởng, trước khi lâm chung còn gửi gắm cả Tôn Quyền (đưa em ủy thác cho Chiêu), và còn nói “nếu Trọng Mưu không đảm nhận được việc, thì tự ông hãy nhận lấy!”. Chu Du cũng là lão thần sáng nghiệp của Tôn Sách, đồng thời còn có tình anh em cọc chèo. Tôn Quyền cũng được nghe lời nói của mẹ, muốn Tôn Quyền coi Chu Du như anh trai (ta coi Du như con, mày phải coi nó như anh). Thực dễ hiểu, dù Gia Cát Lượng năng lực có mạnh, bản lĩnh có lớn, trình độ có cao thì khi tới Đông Ngô, địa vị có thể thấp hơn Trương, Du, còn không bằng Lỗ Túc. Hiển nhiên, Gia Cát Lượng không mong như vậy. Vì vậy, chữ “thái độ” trong lời Gia Cát Lượng “xem thái độ”, chỉ có thể tôn trọng Lượng, không thể tận dụng Lượng” e không phải là “độ lượng”, mà nên hiểu là “không gian”. Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện nói, năm đó khi khuyên Lỗ Túc về với Tôn Quyền, Chu Du đã mượn lời của Mã Viện, một danh tướng thời Đông Hán trả lời Quang Vũ đế Lưu Tú: “Thời thế lúc này, không phải vua chọn thần mà thần chọn vua”. Ngày nay gọi quan điểm này là “cả hai đều chọn lựa”, cũng với ý này, Quách Gia từng nói “Người trí phải chọn chủ cho mình”. Quách Gia, Chu Du đều “chọn vua”, cũng vậy, Gia Cát Lượng “chọn vua”. Nhưng yêu cầu chọn lựa của Gia Cát Lượng có phần cao hơn, muốn ông chủ đảm bảo thực hiện đường lối chính trị, lý tưởng nhân sinh của mình ở mức độ cao nhất.

 

 

Vậy, đường lối chính trị, lý tưởng nhân sinh của Gia Cát Lượng là gì? Từ chỗ “luôn ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị” cùng “Long Trung đối” sau này có thể thấy, Gia Cát Lượng muốn san bằng bốn biển, thống nhất chín châu, xây dựng cơ nghiệp lớn đời đời, lập nên kỳ công cái thế. Nghiệp lớn và kỳ công nói tới, có thể là “bá nghiệp” của Tề Hoàn công, có thể là “đế nghiệp” của Quang Vũ đế, nhưng phải là sự nghiệp vang trời dậy đất. Có thể thành “đế nghiệp” cố nhiên là tốt, có thể thành “bá nghiệp” cũng được. Thấp hơn một chút là thành thế chân vạc, cát cứ một phương. Như Trần Thọ nói “tiến thì như rồng lượn hổ vờn khắp trong bốn biển; lùi cũng vượt qua biên giới, chấn động trong nước”. Đó là tâm nguyện của Gia Cát Lượng sau khi Lưu Bị qua đời, nhưng vì trước chưa có nhân nên sau không thành quả. Tóm lại Gia Cát Lượng muốn trở thành một nguyên huân khai quốc lập nên một chính quyền mới, nhà nước mới, vương triều mới thực sự. Người chủ mà Gia Cát Lượng lựa chọn phải là người giúp Gia Cát Lượng thực hiện được ý nguyện và lý tưởng của mình.

 

 

Như vậy, tiêu chuẩn chọn lựa của Gia Cát Lượng đã quá rõ ràng. Thứ nhất, người đó có khả năng xây dựng một chính quyền mới, một đất nước mới, một vương triều mới. Người đó cần phải có chí hướng và điều kiện. Thứ hai, chí hướng và điều kiện của người đó còn chưa rõ ràng, đang trong tiềm thức, chí hướng đó chưa ai biết, ngay cả bản thân cũng chưa xác định rõ; còn điều kiện cũng chưa thành thục, thậm chí còn khiếm khuyết. Chính vì chưa xác định rõ, có khiếm khuyết, nên mới cần một người như Gia Cát Lượng. Cũng chính vì chưa xác định có khiếm khuyết, Gia Cát Lượng mới trở thành người định đỉnh, cao tay, tài ba.

 

 

Rõ ràng chỉ có Lưu Bị là người phù hợp với các điều kiện đó. Trước hết Lưu Bị là dòng dõi đế vương. Lưu Bị là đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng - con của Hán Cảnh đế. Theo Tam quốc diễn nghĩa nếu tính kỹ thì hoàng thượng ngày nay còn phải gọi Lưu Bị là “chú”. Mối quan hệ đó tuy còn nhiều điều đáng ngờ - Tam quốc chí nói Lưu Bị là đời sau của Lục Thành Đình hầu Lưu Trinh, Điển lược lại nói Lưu Bị “thuộc chi Lâm Ấp hầu”; tuy con của Lưu Thắng là Lưu Trinh cũng chỉ là Đình hầu, sau này mất cả tước vị; tuy bản thân Lưu Bị đã rơi vào cảnh “cùng mẹ dệt chiếu, bán dép”, không còn như con rồng cháu phượng; nhưng cũng không ai nghi ngờ thân phận “hoàng tộc” của Lưu Bị. Lưu Bị đã được hời về mặt chính trị. Và dù sau này như mọi người đã biết Hán thất không còn vực dậy được nữa, chữ “Hán” của Lưu Bang, Lưu Tú, nhưng khi Lưu Bị thay thế (hoặc kế thừa) Lưu Hiệp vẫn hợp tình hợp lý hơn số người chẳng liên quan gì đến hoàng gia như Tào Tháo, Tôn Quyền. Ngoài ra với hình tượng, thân cao bảy thước rưỡi (là l,725m), hai tai rủ tận vai, tay dài quá gối. Tam quốc chí nói là “tay dài quá gối, mắt nhìn thấy tai”), Lưu Bị hơn hẳn Tào Tháo. Vào thời đó, như vậy là có ưu thế.

 

 

Thứ nữa, Lưu Bị còn có chí đế vương. Tam quốc chí nói, lúc bé Lưu Bị từng nói, rồi ta phải ngồi lên xe của thiên tử (ta sẽ ngồi xe phủ bằng lông vũ). Điều đó có thực không, còn chưa rõ. Các sử gia thời cổ mỗi khi viết truyện về các hoàng đế dựng nước, không khỏi thêm vào những chuyện “đồng thoại” kiểu như thế, Hòng chứng tỏ người đó là “chân mệnh thiên tử”, từ nhỏ đã “ấp ủ chí lớn”. Và tên hai người con của Lưu Bị đủ để nói rõ điều này. Hai người con, một người là “Lưu Phong”, người kia là Lưu Thiền, hợp lại là “Phong Thiền”. Phong Thiền là lễ lớn của các vị quân vương hiền đức cúng tế trời đất (lên Thái Sơn lập đàn tế trời gọi là “phong”“, lúc xuống núi cúng đất gọi là “thiền”). Nếu như Lưu Bị không có ý muốn làm hoàng đế thì đặt tên con là Phong Thiền để làm gì?

 

 

Thứ ba, Lưu Bị có thuật của đế vương. Tuy là quan hệ huyết thống của Lưu Bị và Lưu Bang là đáng ngờ, nhưng về tính cách và tác phong thì lại có những chỗ giống nhau. Tam quốc chí từng nói, hai người giống nhau “không thích đọc sách, thích chó ngựa, hát xướng và quần áo đẹp”. Giỏi lung lạc nhân tài, thu phục nhân tâm, cũng giống nhau. Cùng thích hô hào bè bạn hành hiệp trượng nghĩa. Trần Thọ có phần có lý khi nói “Tiên chủ rộng rãi khoan hậu, hiểu người đãi sĩ, tác phong như Cao tổ, anh hùng nghĩa khí”. Có điều tính nết của họ lại không giống nhau hoàn toàn. Lưu Bang thích mắng người, còn Lưu Bị thì không. Không chỉ không mắng người, mà còn “ít nói, xử tốt với người dưới, buồn vui không để lộ”, nhìn bề ngoài có vẻ đôn hậu hơn Lưu Bang, vì đôn hậu, vì hiệp nghĩa, nên rất được lòng người. Tam quốc chí và lời chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi đều nói, lúc Lưu Bị là Bình Nguyên tướng, quân dân Lưu Bình xem thường Lưu Bị, “thấy mình nhục nhã dưới người khác”, nên đã sai thích khách đi giết Lưu Bị, thích khách không nỡ hạ thủ, “nói rồi bỏ đi”, Trần Thọ có lời bình “người được lòng dân thường là vậy”. Bùi Tùng Chi dẫn Ngụy thư lại nói, nguyên nhân trực tiếp khiến không nỡ hạ thủ là, Lưu Bị không biết người đến là ai, vẫn “hậu hĩnh đãi khách”, thích khách đã cảm động. Còn nguyên nhân cơ bản, chính là Lưu Bị “Ngoài thì chống giặc, trong lại ban thưởng, tốt với người dưới, ngồi cùng giường, ăn cùng mâm, không hề khác biệt”, vì vậy “mọi người mới theo về”. Lòng người, một thứ tài sản vô hình quý giá.

 

 


Cuối cùng Lưu Bị nhận lời tiếp quản Từ châu, nhận chức Từ châu mục.

Thứ tư, Lưu Bị có phúc của đế vương. Trong ba nhân vật cỡ lớn thời Tam Quốc, phải nói Lưu Bị và Tôn Quyền đều là người có phúc khí. Tôn Quyền phúc khí tốt nhất, cơ nghiệp có sẵn, nhân tài có sẵn. Vào những lúc mấu chốt, Lưu Bị thường có người cao minh giúp đỡ, có thể giải nguy thành an, đó là phúc khí của Lưu Bị, Lưu Bị vừa xuất hiện đã được Quan Vũ và Trương Phi. Ai cũng biết, nhân tài người trung thành dễ kiếm, người tài giỏi cũng dễ kiếm, nhưng người vừa trung thành vừa tài giỏi thì khó kiếm, Quan Vũ và Trương Phi đều là những người trung thành và tài giỏi. Đây là phúc khí lớn thứ nhất của Lưu Bị, vận khí sau này cũng không tồi. Như lúc Lưu Bị đang rầu rĩ vì chưa có cơ sở, thì Đào Khiêm chết, Lưu Bị dễ dàng có ngay Từ châu. Đang buồn vì chưa thoát khỏi sự khống chế của Tào Tháo thì may sao lại được Tào Tháo phái đi chặn đánh Viên Thuật, và thoát khỏi án “chiếu trong đai áo”. Sau khi đến Từ châu, cũng là lúc Viên Thuật chết (Thuật bệnh chết). Lần nữa, Lưu Bị lại được Từ châu và thiếu tí nữa là làm nên chuyện (nhiều quận huyện phản lại Tào, về với Tiên chủ, có tới mấy vạn người).

 

 

Có điều ra quân từ những năm cuối thời Linh đế tới năm Kiến An thứ VI chạy tới chỗ Lưu Biểu, Lưu Bị tuy vận khí tốt nhưng chưa gặp vận may. Con đường của Lưu Bị vô cùng gập ghềnh. Vừa mới được Từ châu thì Lã Bố lại đến cướp. Vừa mới chạy đến với Viên Thuật đã bị Tào Tháo đánh bại. Vừa mới theo Lưu Biểu, Lưu Biểu đã nghi ngờ (Biểu nghi ngờ ngấm ngầm muốn hại). Lòi chú dẫn “Cửu Châu Xuân Thu” của Bùi Từng Chi trong Tam quốc chí. Tiên chủ truyện nói, một lần Lưu Bị vào nhà tiêu, mới phát hiện thấy thịt vế mập ra và đã khóc. Lưu Biểu lấy làm lạ và hỏi vì sao. Lưu Bị nói, “ngày tháng qua nhanh, già đến nơi rồi, cơ nghiệp vẫn chưa thành, làm sao mà không buồn!” Tôi tin rằng đó là sự thực. Vào thời đó, một người hơn bốn mươi mà chưa làm được gì, thì đúng là chẳng còn hy vọng. Thực tế thì đúng lúc này, tất cả chúng ta, có Lưu Bị trong đó sẽ chẳng nhìn thấy một hi vọng nào nữa. Cho dù Lưu Bị có kiên nhẫn đến mấy thì chắc cũng không chịu đựng nổi.

 

 

Nhưng may sao, trời xanh không phụ người có tâm, cuối cùng thì Lưu Bị cũng chờ được cái ngày mà thời thế chuyển vần. Vào năm Kiến An thứ XII, Gia Cát Lượng đã xuất hiện, việc này có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ở tập trước chúng ta đã nói, Lưu Bị có chí của anh hùng, có hồn của anh hùng, có nghĩa của anh hùng, nhưng là người anh hùng chưa thành công vì chưa có đất dụng võ. Vừa rồi chúng ta cũng nói, Lưu Bị dòng dõi đế vương, có chí đế vương, có thuật đế vương, có phúc đế vương, nhưng vẫn phải ăn đậu ở nhờ, vì vẫn chưa tìm được con đường dẫn tới thành công. Tức là Lưu Bị còn thiếu hai thứ, Một là thiếu căn cứ địa vững chắc (đất dụng võ), hai là thiếu đường lối chính trị đúng đắn (con đường thành công), Gia Cát Lượng là người có thể giúp Lưu Bị giải quyết hai vấn đề đó.

 

 

Vào năm Kiến An thứ XII, cả Lưu Bị và Gia Cát Lượng đang cần đối phương và đều đang tìm đối phương. Thử so sánh một chút, tập đoàn Lưu Bị chẳng khác gì một xí nghiệp của dân rất có tiền đồ, nhưng lại thiếu một CEO tài năng không biết nên sản xuất gì kinh doanh như thế nào, vì vậy việc buôn bán cứ thường thường, không khởi sắc, Gia Cát Lượng chẳng khác gì một giám đốc vượt trội biết đường cải tử hoàn sinh cho xí nghiệp, nhưng bản thân lại không có công ty và cũng không muốn làm ông chủ. Chẳng trách họ vừa đến là hợp ngay.

 

 

Như vậy, chỉ còn lại một vấn đề, trong hai người đó, ai tìm ai trước. Tam quốc chí và Tam quốc diễn nghĩa đều nói, Lưu Bị đã ba lần vào lều tranh; Ngụy thư và Cửu Châu Xuân Thu đều nói chính Gia Cát Lượng đã chủ động xuống núi. Vậy, chân tướng sự việc ra sao? Lời văn và ý nghĩa đằng sau câu chuyện trong hai cuốn sách đó là gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét