Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

QUÂN ĐẾN DƯỚI THÀNH

 


Địa bàn Tôn Sách trước trận Quan Độ

Tập thứ hai mươi: QUÂN ĐẾN DƯỚI THÀNH

 Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Năm Kiến An thứ XII, Tào Tháo bình định phương bắc, Tôn Quyền giữ vững giang sơn, Lưu Bị được Gia Cát Lượng, Lưu Biểu vốn đang hy vọng chuẩn bị binh lính ở Tương Dương ngồi nhìn thời thế biến đổi, ngày lành cũng sắp tới. Năm Kiến An thứ XIII, Tôn Quyền và Tào Tháo bắt đầu xuống tay với Kinh châu, Lưu Biểu và Kinh châu, bao gồm cả Lưu Bị đang nhờ vả ở đó đều đứng trước nguy cơ. Vậy, số phận họ rồi sẽ ra sao?

 

 

Ở tập trước chúng ta đã nói, Lưu Biểu không chí lớn không hùng tài đại lược chỉ muốn được an thân trong thời đại quần hùng, cá lớn nuốt cá bé. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, Kinh châu trở thành đối tượng các bên tranh giành. Tôn Quyền đã ra tay trước. Mùa xuân năm Kiến An thứ XIII (năm 208), Tôn Quyền thực hiện quy hoạch chiến lược của Lỗ Túc và Cam Ninh, nhân lúc Tào Tháo vừa từ Ô Hoàn trở lại Nghiệp Thành đã ra quân tây chinh, tiêu diệt luôn đại tướng của Lưu Biểu là Hoàng Tổ thái thú Giang Hạ. Đây là lần thứ ba Tôn Quyển đánh Hoàng Tổ. Lần thứ nhất, năm Kiến An thứ VIII (năm 203), kết quả “phá các hạm đội tàu”; lần thứ hai vào năm Kiến An thứ XII (năm 207), kết quả “có được nhiều dân chúng”. Lần này lợi hại nhất “đồ thành” và “giết kẻ đứng đầu”, Hoàng Tổ hoàn toàn diệt vong (đồ thành tức là “phá hủy thành trì, giết dân chúng, như đồ tể vậy” một hành động cực kì dã man trong lịch sử).

 

 

Tôn Quyền diệt Hoàng Tổ là có lý do. Bề ngoài là báo thù giết cha (Tôn Kiên trong lúc tác chiến với Hoàng Tổ trúng tên lạc mà chết); nhưng nguyên nhân chính là muốn lấy Kinh châu. Kinh châu ở thượng lưu nước Ngô. Để được an toàn, Tôn Quyền quyết ý đánh Kinh châu; Hoàng Tổ lúc này là Thái thú Giang Hạ, gần Giang Đông nhất, đương nhiên phải đánh Hoàng Tổ. Thực tế, sau khi phá Giang Hạ, diệt Hoàng Tổ, thế lực đã phát triển về hương tây, Tôn Quyền muốn có Giang Lăng, muôn lấy Tương Dương, nuốt gọn Kinh châu.

 

 

Tôn Quyền thắng lợi khiến Tào Tháo cảm thấy thời gian không chờ mình. Tào Tháo rất rõ, một khi Tôn Quyền có được Kinh châu thì tình thế cả Trung Quốc sẽ biến đổi cực kỳ to lớn. Phần trước đã nói, từ lâu Tào Tháo đã muốn có Kinh châu, đã có chuẩn bị. Tháng giêng năm Kiến An thứ XIII, Tào Tháo lập hồ Huyền Vũ ở Nghiệp Thành, cho luyện tập thủy quân. Đó là chuẩn bị về quân sự. Tháng sáu Tào Tháo bãi quan tam công, lập lại chức thừa tướng và ngự sử đại phu, và tự làm thừa tướng, nắm trọn đại quyền. Đó là chuẩn bị về chính trị. Ngoài ra, Tào Tháo còn cử Trương Liêu đóng quân ở Trường Xã (nay là Trường Cát, Hà Nam), Nhạc Tiến đóng quân ở Dương Địch (nay là thị trấn Vũ Châu, Hà Nam), nhằm bảo vệ Hứa huyện, đề phòng bất trắc. Tào Tháo còn vỗ về Mã Đằng, tiến cử Mã Đằng là vệ úy, đồng thời cho chuyển cả nhà Mã Đằng về Nghiệp Thành, thực chất là làm con tin, nhằm giải trừ hậu họa, mọi việc chuẩn bị đã xong. Vào tháng bảy, Tào Tháo ra quân nam chinh Lưu Biểu.

 

 

Cũng gần như vào lúc đó, Lưu Biểu bệnh nằm liệt giường và tháng tám thì qua đời. Theo lời chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Tiên chủ truyện, trước lúc lâm chung, Lưu Biểu đã gửi nước cho Lưu Bị, Bị đã khéo léo từ chối. Lưu Biểu nói: “con ta bất tài, chư tướng thì lạnh nhạt. Sau khi ta chết, khanh hãy giữ lấy Kinh châu.” (Anh hùng kí nói, là thứ sử trông nom Kinh châu), Lưu Bị nói: “con cái hiền minh, ngài không nên lo vì bệnh tật”. Có người khuyên Lưu Bị tiếp nhận, Lưu Bị nói: “Người này đối với ta rất hậu, nếu nghe theo, người đời sẽ khinh ta, thật không nỡ”.

 

 

Bùi Tùng Chi không thừa nhận việc này (sự thật không phải thế), tôi cũng thấy không đáng tin. Ở tập trước đã nói, thái độ của Lưu Biểu đối với Lưu Bị, nói như Tam quốc chí. Tiên chủ truyện là “trong lòng nghi kỵ, muốn trừ đi”, vậy sao có thể chắp tay nhường lại Kinh châu? Hơn nữa, từ lâu Lưu Biểu cùng vợ đã chọn người thừa kế là Lưu Tôn. Bùi Tùng Chi nói, “vợ chồng Biểu rất yêu Tôn, đã bỏ đích để lập thứ, tính kế lâu dài, lúc lâm chung lại vô cớ đem Kinh châu nhường cho Bị”. Nói vậy là có lý. Hậu Hán thư. Lưu Biểu truyện nói, Lưu Biểu bệnh nặng, con cả Lưu Kỳ từ Hạ Khẩu về Tương Dương thăm, nhưng bị ngăn lại, không cho gặp. Lưu Kỳ không được gặp cha, sao Lưu Bị lại được gặp? Lưu Bị và Gia Cát Lượng ngầm ủng hộ Lưu Kỳ, bọn Sái Mạo không phải không biết, lẽ nào họ lại để Lưu Bị gặp Lưu Biểu, để rồi Lưu Biểu gửi nước cho Lưu Bị? Giả sử họ không biết quan hệ giữa Lưu Bị và Lưu Kỳ, nhưng họ hẳn phải biết Lưu Bị kiêu hùng không chịu ở dưới người khác, vậy trong lúc mấu chốt đó họ lại để Lưu Bị gặp Lưu Biểu? Qua cách nói của Hậu Hán thư rõ ràng từ lúc bệnh nặng, Lưu Biểu đã bị số người đó khống chế; và Lưu Bị đang đóng quân ở Phàn Thành cũng không có nhiều tin tức (Lưu Bị như người ngồi trong trống, không hề hay biết tin Lưu Tôn hàng Tào Tháo). Có thể nói, Lưu Bị không có khả năng gặp Lưu Biểu.

 


Sái Mạo và Sái phu nhân (vợ Lưu Biểu)

 

Một việc không có khả năng xảy ra, nhưng sao lại có người tin rằng có khả năng đã xảy ra? Thì ra Lưu Bị đã tự nói. Bùi Tùng Chi chú dẫn Hán Ngụy Xuân Thu của Khổng Diên trong Tam quốc chí. Tiên chủ truyện cho hay, Lưu Bị đã nói với người khác ‘Trước lúc lâm chung Lưu Kinh châu đã gửi con cho ta”. Tư Mã Quang tin là thực nên đã ghi lời nói đó vào trong Tư trị thông giám của mình. Đương nhiên “gửi con” và “gửi nước” có phần khác nhau. Nhưng giao Lưu Kỳ, Lưu Tôn cho Lưu Bị, khác gì giao Kinh châu cho Lưu Bị. Nhưng “gửi con” cũng được “gửi nước” cũng được, hai người tất phải gặp mặt, nhưng Lưu Bị không có khả năng gặp Lưu Biểu thì làm gì có chuyện “gửi con”.

 

 

Cũng có thể có hai khả năng.

 

 

Một là Lưu Bị đã nói dối. Điều đó không quan trọng, Lúc đó, quân Tào sẽ nhanh chóng kéo đến chân thành, họa lớn của Kinh châu sắp rơi xuống đầu mọi người. Một số người không muốn Kinh châu rơi vào tay Tào Tháo, và cũng biết dù Lưu Kỳ hay Lưu Tôn đều không thể chống lại thế lực từng trải của Tào Tháo, nên họ trông mong cả vào Lưu Bị. Bản thân Lưu Bị cũng không muốn mất Kinh châu, nhất là lòng dân Kinh châu. Kinh châu với Lưu Bị, tiến, là căn cứ địa thành bá nghiệp, thoái, là mảnh đất nghỉ ngơi, bảo tồn tính mạng. Cũng tức là, Lưu Bị cần Kinh châu, Kinh châu cũng cần Lưu Bị. Lời nói của Lưu Bị cũng có thể coi là sách lược để yên lòng dân.

 

 

Khả năng thứ hai, Lưu Biểu đã từng “gửi nước” cho Lưu Bị, nhưng không thực lòng, chỉ là thăm dò. Chúng ta đều biết, sau khi đến Kinh châu, Lưu Bị đã lung lạc lòng người lôi cuốn nhân tài, khiến Lưu Biểu phải cảnh giác, Tam quốc chí. Tiên chủ truyện nói rất rõ: “Hào kiệt Kinh châu về với tiên chủ ngày càng nhiều, Biểu nghi hoặc, muốn trừ đi.” Lúc thường Lưu Biểu luôn lo lắng nghi ngờ, vậy trước lúc lâm chung có yên tâm được không? Một việc cần phải thăm dò, thậm chí là uy hiếp. Tôi nghi ngờ câu nói của Lưu Biểu “sau khi ta chết khanh tự giữ lấy Kinh châu”, nhưng bên bọn Sái Mạo đã cho mấy tay đao mai phục. Lưu Bị “kiêu hùng thiên hạ”, kinh nghiệm chính trị phong phú, lẽ nào không thấy được sự lợi hại? Lại nói một câu bóng bảy “con cái hiền minh, ngài không nên lo vì bệnh tật”. Kỳ thực, hai người con bảo bối của Lưu Biểu hiền hay không, trong lòng hai người là rõ nhất, mấy câu đó chỉ có trong vở diễn sao cho hay. Cũng vậy, không có gì là lạ, trong thời loạn lúc mà kẻ mạnh thắng người yếu, cá lớn nuốt cá bé thì việc gì cũng có thể xảy ra.

 

 

Vì vậy, coi việc “gửi nước” của Lưu Biểu và sự “khiêm nhường” của Lưu Bị là “hào hoa phong nhã”, chỉ là ý kiến của hủ nho. Cần phải hiểu thêm một chút “ý kiến lịch sử” về vấn đề này. Tức là, ở thời đại đó, mạnh thắng yếu, kẻ mạnh làm vua, là điều thiên kinh địa nghĩa; và Lưu Bị tiếp quản Kinh châu là phương án bảo toàn Kinh châu tốt nhất, có gì để phải từ chối? Chẳng phải là từ lâu Gia Cát Lượng đã nói “Đó là trời ban cho tướng quân, sao tướng quân lại có ý đó”? Rõ ràng đây không phải là vấn đề vô đạo đức. Thực tế thì lúc đó Lưu Bị chưa vui vẻ theo lệnh lấy mà thay, không phải là không nỡ, mà vì không thể. Câu nói “ta không nỡ” v.v... chỉ là làm trò. Cũng vậy, Gia Cát Lượng đề Lưu Kỳ ra làm Thái thú Giang Hạ vừa để giúp Lưu Kỳ vừa là để cho Lưu Bị một con đường.

 

 

Lưu Kỳ đi chưa được bao lâu, Lưu Biểu đã ra đi ô hô, người thay thế tự nhiên là Lưu Tôn. Lúc này quân Tào cũng đang trên đường, chẳng bao lâu nữa sẽ đến dưới thành. Tam quốc chí. Lưu Biểu truyện nói: lúc đó Khoái Việt, Hàn Tung, Phó Huấn đều khuyên Lưu Tôn ra hàng Tào. Lưu Tôn nói, tôi cùng các vị không giữ được cơ nghiệp tiên quân để lại, ngồi nhìn thiên hạ biến đổi sao? Phó Huấn nói, không thể: “Nghịch thuận đã có chế, mạnh yếu đã thành thế”. Là thần chống chúa là nghịch chống thuận; là địa phương chống trung ương là lấy yếu đánh mạnh; Lưu Bị chống Tào Tháo khác gì lấy trứng chọi đá. Cả ba mặt chúng ta đều chẳng ra gì, vẫn muốn chống lại vương sư, ấy là tìm đến cái chết. Có điều lời nói thuyết phục nhất là lời nói sau đây của Phó Huấn. Phó Huấn hỏi: Lưu Tôn, tướng quân nghĩ xem mình có sánh được với Lưu Bị không? Lưu Tôn nói, không sánh được. Phó Huấn nói, vậy được “nếu Lưu Bị không đánh được Tào công, tuy là giữ đất Sở, nhưng cũng không giữ được; còn như Lưu Bị thắng được Tào Tháo, thì hẳn là Lưu Bị không muốn ở dưới tướng quân”. Nghĩa là, nếu Lưu Bị không đánh được Tào Tháo, tướng quân cũng chẳng có cách gì để tự vệ; còn Lưu Bị thắng Tào Tháo thì Lưu Bị vẫn còn là bộ hạ của tướng quân sao? Lưu Tôn nghe và đã hiểu. Chống lại Tào Tháo dù thắng thua đều chẳng có gì hay ho, chi bằng là đầu hàng!

 

 

Lưu Tôn đầu hàng và không dám báo cho Lưu Bị. Lưu Bị cũng không biết. Chờ khi đại quân của Tào Tháo đến Uyển Thành Nam Dương, Lưu Tôn mới cử Tống Trung đến báo với Lưu Bị. Tam quốc diễn nghĩa nói, Tông Trung được Lưu Tôn phái đến Uyển Thành đưa thư xin hàng lên Tào Tháo, trên đường về bị Quan Vũ tóm được, sự thực không phải thế. Theo lời chú dẫn Hán Ngụy Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Tiên chủ truyện, sự thực là Lưu Tôn phái Tống Trung đến chỗ Lưu Bị “tuyên chỉ”, Lưu Bị “vô cùng kinh hãi” nói, sao các ngươi lại làm ăn như vậy, họa lớn gần kề mới đến báo, không thấy là quá đáng lắm sao? Lưu Bị liền rút dao chỉ vào Tống Trung, hôm nay có giết ngươi, cũng không giải được hận, có điều ta không muốn làm bẩn dao này, cũng không muốn để mất người của ta!

 

 

Đã đến nước này, có nói gì cũng vô ích, Lưu Bị chỉ còn cách “tẩu vi thượng sách”, liền cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ chạy về hướng nam. Tam quốc diễn nghĩa nói, trước khi Lưu Bị ra đi, Gia Cát Lượng hỏa thiêu Tân Dã, sử sách không còn căn cứ. Trước đó “Lửa cháy gò Bác Vọng” là có, nhưng đó là lửa của Lưu Bị (Tiên chủ có phục binh, tự thiêu, vờ rút chạy, bọn Đôn đuổi tới, phục binh đã phá xong) không liên quan tới Gia Cát Lượng.

 

 

Trên đương rút về nam mới có chuyện, và là chuyện nhỏ. Tam quốc chí. Tiên chủ truyện nói, bấy giờ Lưu Bị đóng quân ở Phàn Thành, ở phía bắc Hán Thủy, Tương Dương của Lưu Tôn ở Giang Nam, Gia Cát Lượng liền khuyên Lưu Bị nên tấn công Lưu Tôn. Theo ý Gia Cát Lượng, Lưu Tôn sẽ không chịu nổi một đòn và chỉ cần lấy được Tương Dương, coi như Kinh châu đã thuộc về mình. Nhưng Lưu Bị nói, ‘Ta thực không nỡ” và không theo ý của Gia Cát Lượng. Ngài Lã Tư Miễn cho rằng việc này chưa chắc đã chính xác, Ngài Lã nói, “Bấy giờ lòng người Tương Dương là bất định, công phá rất dễ, (nhưng) trong chốc lát đại quân Tào Tháo kéo đến, liệu có giữ nổi không? Gia Cát Lượng là người thận trọng, chắc gì đã nói như vậy?” nhưng, như vậy cũng vẫn chưa rõ. Ngược lại Lưu Bị không đánh Tương Dương, trên đường, lúc ngang qua Tương Dương có nói to với Lưu Tôn mấy câu, sau đó tiếp tục xuống phía nam.

 

 

Lưu Bị chạy nhanh, Tào Tháo đuổi cũng nhanh. Theo Tam quốc chí. Tuân Úc truyện, trước lúc xuất chinh, Tào Tháo hỏi kế Tuân Úc. Tuân Úc cho rằng, lúc này “Hoa Hạ đã định, đất nam có khó khăn”, là lúc có thể lấy được Kinh châu, nhưng cần phải đánh nhanh thắng nhanh. Vì vậy Tuân Úc đề nghị với Tào Tháo: “Ra quân từ Uyển Thành, đồng thời cho khinh kỵ xuất phát từ Nhiếp, đánh bất ngờ”, tức là giương cờ gióng trống ra quân từ Uyển Thành, (nay là thị trấn Nam Dương, Hà Nam), đồng thời tiến quân từ huyện Nhiếp (nay, phía nam huyện Nhiếp, Hà Nam), thống lĩnh khinh kỵ binh theo đường tắt đánh thẳng tới Tương Dương và Giang Lăng. Tào Tháo nhanh chóng hiểu rõ vấn đề: Tương Dương là sào huyệt của Lưu Biểu, quân nhu vật tư, cả những hạm thuyền thủy chiến đều tập trung ở Giang Lăng. Như vậy, không bao giờ được để rơi vào tay Lưu Bị. Tào Tháo liền theo kế của Tuân Úc, ra quân rầm rộ từ Uyển Thành, huyện Nhiếp kéo thẳng tới Kinh châu (Ra quân từ Uyển, Nhiếp theo kế của Úc), được nửa đường thì bỏ lại mọi trang bị nặng, tự thân thống lĩnh khinh kỵ tiến thẳng tới Tương Đương, Tam quốc chí. Tiên chủ truyện nói là “Tào công cho Giang Lăng có quân, e Tiên chủ ở đó, liền bỏ lại trang bị nặng, khinh kỵ tới thẳng Tương Dương”. Sau lúc đến Tương Dương, Tào Tháo mới biết Lưu Bị đang chạy về Giang Lăng, Tháo thân dẫn theo năm nghìn khinh kỵ tinh nhuệ, ngày đêm vượt ba trăm dặm truy đuổi, hòng tiêu diệt Lưu Bị như cái đinh trong mắt, cái gai đâm vào thịt.

 

 

Tào Tháo với tốc độ nhanh, còn Lưu Bị nói là chạy rất nhanh nhưng lại đi rất chậm. Nói Lưu Bị chạy rất nhanh là nói tới quyết tâm, còn thực tế lại đi rất chậm. Nguyên nhân việc đi rất chậm, Lưu Bị đường qua Tương Dương, có vô số nhân sĩ, dân trăm họ, kể cả bộ hạ của Lưu Tôn luôn đi theo xuống phía nam, tất cả gồm mười mấy vạn người, chiến xa cỡ hàng ngàn chiếc. Một đội ngũ như vậy, suốt ngày í ới, già dắt trẻ, trẻ dựa vào già, một ngày chỉ đi được mười mấy dặm. Tam quốc chí. Tiên chủ truyện nói, bấy giờ có người khuyên Lưu Bị bỏ mặc mọi người, phải nhanh chóng cùng khinh quân đến Giang Lăng. Nhưng Lưu Bị không chịu. Lưu Bị cử Quan Vũ thống lĩnh thủy quân, nhanh chóng về hội hợp ở Giang Lăng. Bản thân Lưu Bị nhất định đi cùng mọi người. Lưu Bị đã giải thích như sau: “Muốn làm việc lớn phải lấy dân làm gốc. Nay mọi người theo ta, ta nỡ lòng nào vứt bỏ họ!”

 

 

Theo nhà sử học Chu Duy Tranh thì đây chính là xuất xứ của mấy từ “lấy dân làm gốc”. Nhưng cũng phải nói, ý nghĩa của “lấy dân làm gốc” mà Lưu Bị nói và chúng ta nói ngày nay là có phần khác nhau. Ngày nay chúng ta luôn coi dân là “căn bản” còn Lưu Bị có lẽ coi dân là “vốn liếng”. Chúng ta đều biết, trong nền chính trị nhiều vẻ ở cuối thời Đông Hán thì vốn liếng hoặc tài sản của Lưu Bị là không nhiều. Nhưng Lưu Bị đi đến đâu cũng được tôn kính và hoan nghênh, như Trình Dục đã chỉ ra nguyên nhân điều đó, Lưu Bị “hùng tài và rất được lòng dân”. Nhân vọng, nhân tâm, nhân duyên, đều là tài sản của Lưu Bị và cũng là cơ bản và cơ sở của Lưu Bị. Một khi để mất thì chẳng còn gì. Huống hồ, được lòng người là được thiên hạ, mất lòng người là mất thiên hạ. Lưu Bị đã có ý lấy thiên hạ, thì trước hết cần phải được lòng thiên hạ, đó là hàm nghĩa câu “muốn làm việc lớn phải lấy dân làm gốc”. Vì vậy, mặc cho quân đuổi ở phía sau, nguy hiểm ở trước mặt, Lưu Bị không thể để mất “vốn”. Đúng như ngài Lã Tư Miễn đã nói: “muốn nên nghiệp thì xung quanh mình phải có người”, còn như đạo đức hay không đạo đức, nhân từ hay không nhân từ, không thành vấn đề.

 

 

Cũng vậy, nhiều người dân Tương Dương đi theo Lưu Bị, nhưng chưa hẳn trong mắt họ, Lưu Bị là tốt, Tào Tháo là xấu; chưa hẳn là theo Lưu Bị lấy giang sơn, không để giang sơn rơi vào tay Tào Tháo. Ngài Lã Tư Miễn nói rất đúng: ‘Trăm họ chỉ mong được ăn no mặc ấm, sống yên vui, ai lo chuyện tranh giành cướp đoạt của mấy người?” Có người nói, quân dân Tương Dương đi theo Lưu Bị, vì sợ Tào Tháo lại đốt thành. Nói vậy là chưa chính xác. Đúng, Tào Tháo đã từng đốt thành. Hưng Bình năm đầu (năm 194), lúc đánh Từ châu, Tào Tháo “đến đâu cũng đốt sạch, giết sạch”. Việc làm của Tào Tháo đã có ảnh hưởng rất xấu, Tuân Úc từng phê phán Tào Tháo, về sau Tào Tháo đã tiếp thu lời giáo huấn đó, chúng ta sẽ không nói tới nữa. Sau sự kiện Từ châu, Tào Tháo hiểu rõ, hành động đốt thành dã man đó là bất lợi cho sự nghiệp thống nhất thiên hạ của mình, ở đây Lưu Tôn không đánh mà hàng, thì có lý do gì để giết người vô cớ? Tào Tháo vẫn chưa ngốc đến mức ấy.

 

 


Thành Tương Dương (襄陽城)

Tóm lại, chưa biết lý do gì mà rất nhiều người đi theo Lưu Bị. Theo phong tục thời đó, một khi nhân sĩ và quan viên di dời, họ thường mang theo cả nhà, cả họ tộc, nên số người đi theo là rất đông. Tình thế hai bên thực khác biệt. Tào Tháo một ngày đi ba trăm dặm. Lưu Bị một ngày mười mấy dặm, chẳng bao lâu nữa Tào Tháo sẽ đuổi kịp Lưu Bị. Hai quân gặp nhau ở cầu Trường Bản, Đương Dương (phía đông bắc huyện Đương Dương, Hồ Bắc ngày nay), thắng thua thế nào đã rõ. “Tam quốc chí. Tiên chủ truyện” ghi vẻn vẹn có một dòng, nhưng cảnh khốn đốn của Lưu Bị thời đó đã tốn rất nhiều giấy mực: ‘Tiên chủ vứt vợ con, cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân cùng mấy chục tên khinh kỵ ra đi, Tào công thu được dân chúng và nhiều trang bị nặng”. Đáng thương cho Lưu Dự châu, lúc này không chỉ không nói được “Lây dân làm gốc”, ngay cả vợ con cũng không nhìn tới.

 

 

Trận này Lưu Bị thảm bại, nhưng các nhà văn, nhà nghệ thuật ủng hộ Lưu Bị đã có nhiều bài viết. Triệu Tử Long một mình một ngựa cứu chúa, Trương Dực Đức đại náo cầu Trường Bản đều là những câu chuyện quen thuộc với mọi người. Mấy việc này đều có căn cứ đầy đủ. Tam quốc chí. Triệu Vân truyện nói: “Tiên chủ bị Tào công bức ở cầu Trường Bản, Đương Dương, bỏ vợ con, chạy xuống phía nam, Vân ôm đứa trẻ yếu đuối, là hậu chủ sau này, bảo vệ Cam phu nhân, tức là mẹ của hậu chủ, mới thoát nạn”. Trương Phi truyện nói, “Tiên chủ nghe tin Tào công đến, đã bỏ vợ con mà chạy, để Trương Phi và hai chục kỵ sĩ đi ở phía sau. Phi ngăn sông phá cầu, cầm ngang ngọn mâu trừng mắt mà nói: “Ta là Trương Dực Đức, ai dám đến liều chết!” kẻ địch không dám đến gần, vì vậy mới thoát”. Việc Triệu Vân cứu A Đẩu là thực, nhưng Lưu Bị không hề vứt con; ‘Trương Phi hét to trên cầu Trường Bản” là thực nhưng không phải vì thế mà “cầu gẫy, nước chảy ngược”, Trương Phi đã chặt gẫy cầu đó.

 

 


Triệu Vân trong trận Trường Bản.

Nhờ có Trương Phi, Lưu Bị không phải bỏ mạng, nhờ Triệu Vân tìm được vợ con, nhưng vẫn không có đường thoát. Trước mặt, Tào Tháo đã chặn mất đường đến Giang Lăng, Lưu Bị chỉ còn biết đi về hướng đông hội hợp với Quan Vũ và Lưu Kỳ. Nhưng trong tay Lưu Kỳ chỉ có một vạn binh mã; trong tay Quan Vũ chỉ có một vạn quân thủy. Hai vạn người hợp lại, liệu có địch nổi quân Tào nặng như núi Thái Sơn ép xuống không?

 

 

Trong lúc Lưu Bị còn băn khoăn suy tính thì Lỗ Túc đến. Lỗ Túc đi suốt ngày đêm để tới đây, từ sau khi Lưu Biểu bệnh và qua đời, một người cực kỳ nhạy bén về chính trị như Lỗ Túc đã ý thức được tính quan trọng của sự việc đối với Giang Đông. Theo Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện, Lỗ Túc nói với Tôn Quyền, Kinh châu có ý nghĩa chiến lược quan trọng, không thể để mất dễ dàng. Lỗ Túc nói, Kinh châu “tiếp giáp với các Nước láng giềng, thuận dòng chảy về bắc, ngoài có Giang Hán che chở, trong có sơn lăng ngăn cách, có kinh thành vững chắc, đồng ruộng mênh mông, người người no đủ”, nếu có thể “giành được nó” thì đó là “cơ nghiệp của đế vương”. Lúc này Lưu Biểu đã khuất, từ lâu hai đứa con mâu thuẫn, tướng lĩnh trong quân lại chia làm phe phái, thêm vào đó, còn có “kiêu hùng thiên hạ” Lưu Bị kẹp vào giữa, tình thế sau này thực đen tối. Lưu Bị bất đắc chí ở chỗ Lưu Biểu (Biểu ghen ghét mà không dùng), còn có mâu thuẫn với Tào Tháo (với Tháo có hiềm khích). Nếu lúc này Lưu Bị đồng tâm hiệp lực với Lưu Kỳ, Lưu Tôn thì chúng ta sẽ liên minh với họ; còn như họ đồng sàng nhưng dị mộng, thì chúng ta sẽ tấn công từng người một để hoàn thành nghiệp lớn. Vì vậy, mong được tướng quân cho tôi đi sứ Kinh châu với danh nghĩa là viếng tang, xem xét tình hình hư thực, còn lo chuẩn bị.

 

 

Lỗ Túc suy nghĩ hết sức rõ ràng, tức là nhân cơ hội Lưu Biểu qua đời để thực hiện Long Trung đối, bản Đông Ngô hoặc bản Tôn Quyền. Mục tiêu chiến lược là chiếm bằng được Kinh châu”, vì đó là “vốn liếng đế vương” của Tôn Quyền; và phương án chiến thuật là liên hợp với Lưu Bị, chống lại Tào Tháo, (nói Bị vỗ về trăm họ của Biểu, đồng tâm nhất trí cùng đánh Tào Tháo). Lỗ Túc còn dự đoán rằng Lưu Bị “tất sẽ vui và nghe theo”. Và như vậy thì “có thể định được thiên hạ”- Vì vậy, Lỗ Túc mong Tôn Quyền sớm quyết định. Nếu chậm thì e Tào Tháo đã cướp mất (e Tháo giành trước).

 

 

Thực chẳng dễ dàng gì để quyết định được. Tôn Quyền và Lưu Biểu hoặc nói tập đoàn Giang Đông và tập đoàn Kinh châu vốn đã có thù sâu. Cha Tôn Quyền bị Hoàng Tổ giết chết, và Hoàng Tổ cũng vừa bị Tôn Quyền giết, nhưng Tôn Quyền là nhà chính trị, nhà chính trị không làm việc theo cảm tính. Tôn Quyền phê chuẩn ngay kế hoạch của Lỗ Túc, Lỗ Túc cũng lập tức lên đường. Nhưng động tác của Tào Tháo cũng rất nhanh. Lỗ Túc từ Sài Tang (nay là thị trấn Cửu Giang, Giang Tây) đến Hạ Khẩu (nay là Hán Khẩu, Vũ Hán), quân Tào đang tiến đến Kinh châu; đến Giang Lăng thì Lưu Tôn đã ra hàng. Lưu Bị trở tay không kịp, đã phải bỏ Phàn Thành, chuẩn bị xuống phía nam vượt Trường Giang. Lỗ Túc được tin, lập tức lên bắc, gặp Lưu Bị ở Trường Bản Đương Dương.

 

 

Đối với Lưu Bị binh bại như núi đổ, đang vô cùng khốn đốn, thì Lỗ Túc chẳng khác gì vị tiên sống từ trên trời rơi xuống. Theo chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Tiên chủ truyện, Lỗ Túc đã có buổi trò chuyện với Lưu Bị. Lỗ Túc hỏi Lưu Bị, lúc này Dự châu chuẩn bị đi đâu? Lưu Bị nói, chuẩn bị đến với Thái thú Thương Ngô Ngô Cự. Lỗ Túc nói, Ngô Cự bình thường, lại ở rất xa, bản thân khó giữ, còn có thể giữ cho tướng quân được chăng? Theo ngu ý của Lỗ Túc, chi bằng liên hợp với Tôn tướng quân, cùng mưu đồ đại nghiệp. Tôn tướng quân thông minh trí tuệ, lễ hiền hạ sĩ, quân nhiều tướng mạnh, dân chúng theo về lại có cả sáu quận Cối Khê, Đan Dương, Ngô Quận, Dự Chương, Lư Lăng, Lư Giang. Nếu hai bên cùng liên minh thì đủ để thành đại nghiệp! Hơn nữa, theo Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện, để công việc được thuận lợi, Lỗ Túc còn nói thêm với Gia Cát Lượng, tôi là bạn thân với lệnh huynh, ngài Gia Cát Cẩn!

 

 

Có thế nói như vậy và có thể không, vì phương án đó rất hợp với tâm tư của Lưu Bị và cũng hợp với quy hoạch và phương lược của Gia Cát Lượng ở Long Trung. Kết quả như Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện nói, họ “kết giao với nhau”. Thế rồi Lưu Bị, Gia Cát Lượng và Lỗ Túc cùng với mấy người vừa đến tiếp ứng như Quan Vũ, Lưu Kỳ đưa quân xuống phía đông, từ Đương Dương đến Hạ Khẩu (sau đó lại đến Phàn Khẩu). Lúc này Tào Tháo không truy sát Lưu Bị mà đưa quân thẳng đến Giang Lăng. Lưu Bị đã cảm thấy dễ thở hơn.

 

 

Nhưng Tào Tháo đã không để cho Lưu Bị được yên lâu. Sau khi có được quân nhu, vật tư từ Giang Lăng, Tào Tháo quyết định xuôi dòng xuống phía đông. Đầu mâu của Tào Tháo chĩa thẳng vào Lưu Bị, ít ra Lưu Bị cũng là người chịu đòn đầu tiên; còn thái độ và lập trường của Tôn Quyền thì không rõ ràng và cũng không trong sáng, Tam quốc chí. Gia Cát Lượng truyện nói, “lúc này Quyền đóng quân ở Sài Tang, ngồi xem thành bại”. Như vậy thực nguy hiểm. Bởi vì, Gia Cát Lượng đã đề xuất với Lưu Bị nhanh chóng sai sứ sang Đông Ngô, thuyết phục Tôn Quyền liên minh chống Tào. Gia Cát Lượng nói “việc quá gấp, xin phụng mệnh cầu cứu Tôn tướng quân”.

 

 

Lời nói có thanh sắc đầy sức mạnh, nhưng trong Tam quốc diễn nghĩa lại có đoạn thẻ thót: “Túc nhất định mời Khổng Minh cùng đi, Huyền Đức có vẻ không hài lòng”. Đây đúng là lời của các tiểu thuyết gia, sự thực phải là Gia Cát Lượng bước thẳng ra, Lưu Bị quyết định ngay, không hề có việc làm ra vẻ. Giữa sự sống và cái chết, còn diễn trò làm gì? Về sau, trong Xuất sư biểu Gia Cát Lượng đã nhớ lại “sau lúc nghiêng đổ, thần được bổ nhiệm giữa lúc quân binh bại trận, phụng mệnh trong lúc nguy nan”. Qua lời nói của Gia Cát Lượng, chúng ta thấy rõ không khí lúc đó.

 

 

Rõ ràng đây là việc can hệ tới sự sống chết tổn vong của tập đoàn Lưu Bị. Nhưng việc đó có thành công hay không, không quyết định bởi ý nguyện bên phía Lưu Bị và cũng không hoàn toàn quyết định ở tài năng ngoại giao của Gia Cát Lượng. Lợi ích chính trị của tập đoàn Giang Đông mới có vai trò quyết định. Vậy, thái độ của tập đoàn Tôn Quyền như thế nào? Gia Cát Lượng có hoàn thành được sứ mạng của mình không?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét