Khẩu chiến quần Nho |
Tập thứ hai mươi mốt: LÂM NGUY VÂNG MỆNH
Tác giả
Dịch Trung Thiên
Tào Tháo nam chinh Kinh châu, thế như
chẻ tre, Lưu Bị bại về Đương Dương, cầu cứu Giang Đông. Tập đoàn Giang Đông vốn
có kế hoạch đoạt Kinh châu, rồi cùng Tào Tháo vạch sông để trị, nay rơi vào
hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, biết chọn ai. Không giúp Lưu Bị thì môi hở răng lạnh;
giúp Lưu Bị, như nuôi hổ để hậu hoạ. Trước khó khăn đó, ai là người giúp Tôn
Quyền có quyết sách?
Phần trước chúng ta đã nói, Lỗ Túc từ
Sài Tang đến Đương Dương thuyết phục Lưu Bị liên hợp với Tôn Quyền và cùng đến
Hạ Khẩu. Lúc này Tào Tháo đã chiếm Giang Lăng, thu được một khối lượng lớn quân
nhu vật tư, chuẩn bị xuôi dòng xuống phía đông. Cảm thấy tình thế nghiêm trọng,
lúc lâm nguy Gia Cát Lượng vâng mệnh chạy đến Giang Đông “cầu cứu Tôn tướng
quân”. Trong tình thế rối ren đó, Lỗ Túc, Gia Cát Lượng đang ứng phó với biến cố
đột nhiên xảy ra bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình và họ có thành công hay
không. Tuỳ thuộc vào quyết sách của Tôn Quyền như thế nào.
Điều này rất khó đối với Tôn Quyền.
Tôn Quyền sẽ phải chọn ai, Lưu Bị hay Tào Tháo. Luận về thân sơ, Tôn Quyền còn
có chút tình với Tào Tháo - cháu gái Tào Tháo lấy em trai Tôn Quyền (Tôn
Khuông), con Tào Tháo (Tào Chương) lấy cháu gái Tôn Quyền. Quan hệ họ hàng tuy
có chút phức tạp, nhưng là thân tình. Không giống như Lưu Bị, không thân không
quen, cách nhau hàng dặm. Bàn về mạnh, yếu, theo cách nói trong Tam quốc chí.
Lưu Hoa truyện, Tào Tháo lúc nam chinh Kinh châu trong số chín châu trăm quận
là mười đã lấy được tám, uy chấn thiên hạ, bốn biển khiếp sợ”, thực lực hùng hậu;
Lưu Bị đã không có lực lượng, còn bị tấn công, thui thủi như chó nhà có tang. Về
tình cảm, đối với Tào Tháo, Tôn Quyền vừa hận vừa sợ lại vừa cung kính, còn đối
với Lưu Bị “Kiêu hùng thiên hạ” không thể nói là thích hay không thích, không
đáng phải lo cho sự sống chết của người đó. Nhưng lúc này Tào Tháo đã gần kể,
Tôn Quyền cảm thấy khó nghĩ, chẳng thích thú một chút nào. Hơn nữa, lần này người
bị tiêu diệt là Lưu Bị, lần sau chắc sẽ đến lượt mình, chí ít cũng không thực
hiện được kế hoạch chiếm đoạt Kinh châu. Cảm giác môi hở răng lạnh không phải
Tôn Quyền không có; từ đó dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, Tôn Quyền không thể
không suy nghĩ.
Quyết định như thế nào, thực khó khăn.
Vì có một món nợ rất rõ ràng, ở đời không hề có bữa ăn trưa nào miễn phí, không
hề có chuyện lấy hạt dẻ trong lửa mà không bỏng tay. Một khi xen vào cuộc đấu
tranh của Tào - Lưu, thì không tránh khỏi có quan hệ. Huống chi, Lưu Bị “kiêu
hùng thiên hạ” cũng không phải “loại hiền”, giúp Lưu Bị là giúp giặc, làm không
khéo sẽ là dẫn sói vào nhà. Nhưng phủi tay bàng quan liệu có an toàn không?
Chưa chắc. Nhớ lại năm đó, Lưu Biểu giữ thái độ trung lập trong trận chiến Quan
Độ, kết quả, Tào Tháo diệt xong Viên Thiệu lại đến diệt Lưu Biểu. Tóm lại, giúp
đỡ Lưu Bị, khác gì dẫn lửa đến bên mình; không giúp Lưu Bị, tức là giúp Trụ bạo
ngược. Ngược lại thì vẫn thế. Không giúp Lưu Bị thì sẽ môi hở răng lạnh; giúp
Lưu Bị, khác gì nuôi hổ để lại hậu hoạ. Không liên Lưu, không hàng Tào, cũng
không thể trung lập, thực khó nghĩ, khó khăn cả đôi đường. Đi đâu, theo ai, với
một người trẻ tuổi như Tôn Quyền (hai mươi sáu tuổi) quả là điều hết sức khó
nghĩ.
Lúc này Tôn Quyền hết sức do dự, vả lại
tình thế hiện tại cũng chưa thực sự nghiêm trọng, chưa thực sự rõ ràng. Tam quốc
chí. Gia Cát Lượng truyện nói, bấy giờ Tôn Quyền “đóng quân ở Sài Tang, chờ xem
thành bại”, mô tả như vậy là chính xác. Nhưng cuối cùng Tôn Quyền đã quyết định
liên Lưu chống Tào. Chính do quyết sách của Tôn Quyền, thế lực của Tào Tháo hết
cách xuống miền nam, lịch sử cũng từ các cuộc chiến tranh liên miên của các chư
hầu biến thành ba nước theo thế chân vạc, có thể nói đây là một quyết sách mang
tính thời đại. Nhưng vấn đề là Tôn Quyền vốn muốn “Chờ xem thành bại”, nhưng vì
sao cuối cùng lại quyết định xen vào cuộc chiến Lưu - Tào? Ai là người làm cho
Tôn Quyền quyết định như vậy?
Nói chung mọi người đều cho rằng Gia
Cát Lượng là người lay chuyển được càn khôn. Như vậy, rõ ràng chịu ảnh hưởng của
Tư trị thông giám và Tam quốc diễn nghĩa. Nhất là Tam quốc diễn nghĩa đã sắp xếp
hai phần Khua lưỡi bẻ bọn nho và Dùng trí kích Chu Du, Gia Cát Lượng không chỉ
đánh mạnh vào luận điệu đầu hàng của “phái chủ hoà” mà còn phải “khích lệ” cả
Chu Du. Lỗ Túc thì lúc nào cũng băn khoăn lo lắng. Tam quốc diễn nghĩa là tiểu
thuyết, không cần phải nói tới. Tư trị thông giám là lịch sử, không thể không
bàn xem sao.
Hãy xem Tư trị thông giám đã nói những
gì. Tư trị thông giám nói, sau khi Lỗ Túc đến Đương Dương gặp lại Lưu Bị và Gia
Cát Lượng, hai bên ưng ý, hợp nhau. Vì vậy Lưu Bị đã theo kế sách của Lỗ Túc (Bị
dùng kế của Túc), đến Phàn Khẩu huyện Ngạc (nay là thị trấn Ngạc Châu, Hồ Bắc),
Gia Cát Lượng cùng Lỗ Túc đến Sài Tang (gần thị trấn Cửu Giang, Giang Tây) đi gặp
Tôn Quyền, ở đây có vấn đề, tức là Tiên chủ truyện, Quan Vũ truyện, Ngô chủ
truyện, Chu Du truyện và Lỗ Túc truyện trong Tam quốc chí đều nói đến Hạn Khẩu,
không phải Phàn Khẩu. Giang Biểu truyện nói là Phàn Khẩu, nhưng là sau khi Gia
Cát Lượng sang sứ nước Ngô. Nhưng là vấn đề nhỏ, xem tiếp phần sau đã nói gì.
Theo mô tả của Tư Mã Quang, Gia Cát Lượng
đã nhanh chóng gặp được Tôn Quyền. Gia Cát Lượng vừa xuất hiện đã thể hiện tài
ngoại giao và trí tuệ chính trị phi phàm của mình. Là đại diện phía Kinh châu,
lần đầu tiên Gia Cát Lượng gặp Tôn Quyền, tất nhiên phải có mấy câu mở đầu nhằm
phân tích tình thế, giới thiệu tình hình, nêu rõ ý của mình. Nếu là người bình
thường thì chỉ nói được những câu cứng nhắc, khách sáo. Nhưng đối với Gia Cát
Lượng thì đó là những câu kinh điển trong các bữa tiệc, có thể coi là giáo tài
tuyệt diệu của ngành ngoại giao học.
Câu đầu của Gia Cát Lượng là thế này:
“Trong nước đại loạn, tướng quân khởi binh ở Giang Đông, Lưu Dự châu cầm quân ở
Hán Nam, cùng Tào Tháo tranh giành thiên hạ.” Lời nói thật tinh tế! Bề ngoài tưởng
như Gia Cát Lượng chỉ mô tả qua về tình thế, nhớ lại lịch sử, nhưng ẩn ý trong
vài câu nói đó lại là những ý rất sâu xa. Chúng ta đều biết, thiên hạ đại loạn
quần hùng nổi dậy tranh cướp ở Trung Nguyên, không phải chỉ có ba nhà Tào Tháo,
Lưu Bị, Tôn Quyền. Có những người đã bị tiêu diệt như Viên Thiệu, Viên Thuật,
Lã Bố v.v... hoặc có những người không cần nói tới, ngay như Lưu Chương, Trương
Lỗ, Mã Siêu cũng không cần nhắc tới? Gia Cát Lượng đã không nhắc tới bất kì một
ai. Nguyên nhân có thể là họ không đáng được nhắc tới, có thể vì những việc sẽ
nói tới hôm nay không liên quan gì đến họ. Nhưng đã nói tới việc tranh giành
trước mắt, phải nói là “Tranh giành Kinh châu”, không nên nói ‘Tranh giành
thiên hạ”. Nói “Tranh giành thiên hạ” ngang như nói thiên hạ chia ba là việc của
chúng ta hoặc người có thể tranh giành thiên hạ là ba nhà chúng ta. Như vậy là
vô tình mọi tư tưởng và quan niệm trong Long Trung đối đã truyền vào tai Tôn
Quyền.
Đồng thời, chẳng mất công mất sức gì,
Gia Cát Lượng đã nói tới điều thứ hai, tức là trong ba nhà, thì hai nhà chúng
ta là một mặt trận thống nhất, vì hai nhà chúng ta “cùng Tào Tháo tranh giành
thiên hạ”, Tào Tháo là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta đều biết, làm rõ ai là bạn
của chúng ta, ai là thù của chúng ta luôn là vấn đề hàng đầu trong đấu tranh
chính trị. Đây là vấn đề không thể không nói, nhưng lại không thể nói thẳng ra.
Nói thẳng ra có lúc sẽ làm cho người ta nghi ngờ, hoặc dẫn tới sự phản ứng, nhất
là làm người đại diện cho Lưu Bị lại càng không thể nói như vậy. Bởi vì nói về
thực lực thì tình hình của ba nhà có khác nhau. Tào Tháo đã có gần nửa Trung Quốc,
mấy chục vạn đại quân; Tôn Quyền chỉ có sáu quận Giang Đông, hơn mười vạn binh
lính. Còn Lưu Bị thì sao? Xin lỗi, chỉ có một quận và hai vạn người ngựa, tất
nhiên gồm cả một phần quân của Lưu Kỳ. Nếu Gia Cát Lượng công khai giương cao
ngọn cờ “Thống nhất kháng chiến” thì e Tôn Quyền sẽ phải cười thầm: Lưu Dự châu
chẳng có một cái gì, lại muốn ngang hàng với chúng ta sao? Nhưng lúc này Gia
Cát Lượng chỉ nói lịch sử, nói tình hình. Tôn Quyền không nói, tức là đã thừa
nhận.
Gia Cát Lượng - Lỗ Túc |
Thế là chi với một câu nhẹ tênh “Tướng
quân khởi binh ở Giang Đông, Dự châu mục cầm quân ở Hán Nam” khiến Lưu Bị có thể
ngồi ngang hàng với Tôn Quyền, mình có thể đàm phán trực diện với Đông Ngô, chẳng
mất sức gì đã kéo được Tôn Quyền về phía mình, đưa Tôn Quyền vào vị trí đối địch
với Tào Tháo. Đúng là một mũi tên trúng hai đích. Tốt rồi, hai nhà chúng ta đã ở
trong mặt trận thống nhất, Tào Tháo đã là kẻ thù chung của chúng ta, thế sao
ngài còn không nhanh ra quân giúp chúng tôi đánh? Nên nhớ, đây là mục đích
chính việc Gia Cát Lượng sang sứ Đông Ngô. Điều mấu chốt này không phải nói thẳng
ra, mà là ẩn ý được giấu trong mấy lời mở đầu nọ. Người ta không thể không bái
phục năng lực ngoại giao của Gia Cát Lượng.
Thực tế thì ý nghĩa của vài câu nói
“Tướng quân khởi binh ở Giang Đông, Dự châu cầm quân ở Hán Nam” không chỉ có thế.
Tập đoàn Tôn Quyền đúng là khởi gia lập nghiệp ở Giang Đông, nên nói “Tướng
quân khởi binh ở Giang Đông” là không có vấn đề gì. Nhưng không phải Lưu Bị khởi
binh ở Hán Nam, Lưu Bị khởi binh ở huyện Trác thuộc Trác quận, tức là thị trấn
Trác Châu, Hà Bắc ngày nay, vì sao phải nói là “cầm quân ở Hán Nam”? Theo tôi,
dụng ý của Gia Cát Lượng là khá sâu sắc. Chúng ta đều biết, vào cuối thời Hán
Linh đế, Lưu Bị khởi binh đều nhờ Lưu Biểu, luôn trong cảnh ăn đậu ở nhờ, không
có quyền độc lập. Một tập đoàn không có quyền độc lập thì không đủ tư cách đối
thoại với vua một nước độc lập như thế này. Nhưng lúc này thì Lưu Biểu đã chết,
Gia Cát Lượng đã đến và Lưu Bị có độc lập. Cho nên, dù là nhớ lại lịch sử, dù
là mô tả lại hiện trạng, Gia Cát Lượng không thể nói “Khởi binh ở Trác quận”,
chỉ có thể nói “Cầm quân ở Hán Nam”. Như vậy là nói với Tôn Quyền, Lưu Dự châu
của chúng tôi chẳng khác gì ngài, đã là vua của một đất nước độc lập và sau này
chúng ta còn phải chia ba thiên hạ. Lúc này, cần phải nhanh chóng “Tranh giành
thiên hạ với Tào Tháo!”.
Đó là những ẩn ý trong mấy câu nói
“Trong nước đại loạn, tướng quân khởi binh ở Giang Đông, Lưu Dự châu cầm quân ở
Hán Nam, cùng Tào Tháo tranh giành thiên hạ” của Gia Cát Lượng, vẻn vẹn trong
hai mươi sáu chữ đã có bao nhiêu ẩn ý, rõ ràng không hổ là một cao thủ trong
đàm phán!
Có điều bên phía Đông Ngô chưa hẳn đã
hồ đồ tất cả. Thôi được, cứ nói như Lưu Dự châu các ông cũng như Tôn thảo Lỗ
chúng tôi, cùng là bá chủ một phương, thậm chí có thể chống chọi ngang với sức
Tào thừa tướng, vậy sao không tiếp tục ở lại Kinh châu? Việc gì phải chạy đến
chỗ chúng ta xin viện binh? Điều này cần được rõ ràng minh bạch. Nhưng việc này
chỉ có thể phô diễn, không thể nghiên cứu. Thế là Gia Cát Lượng đã nhẹ nhàng
nói mấy câu như sau: “Lúc này, Tào Tháo đã bình định Trung Nguyên, công phá
Kinh châu, uy trấn bốn biển. Lưu Dự châu chúng tôi “anh hùng không đất dụng võ”
(Tam quốc chí nói là “anh hùng không nơi dụng võ”), vì vậy mới tới đây (Dự châu
mới tìm đường tới đây), mong tướng quân, với lực lượng của mình cho ý kiến, nên
làm như thế nào (mong tướng quân lượng sức mà xử lý).
Đúng là một cao thủ! Một câu “anh hùng
không nơi dụng võ”, một câu “lượng sức mà xử lý” nhẹ nhàng biến bốn lạng thành
ngàn cân, quả bóng đã được đá sang Tôn Quyền. Cứ theo cách nói của Gia Cát Lượng
thì Lưu Bị không hề chiến bại, không có nhiều khó khăn, người gặp phiền hà lại
chính là Tôn Quyền, nên mong Tôn Quyền “lượng sức mà xử lý”, và cũng không nói
thêm Tôn Quyền đã chuốc lấy sự phiền hà đó từ ai.
Nhưng bạn cũng không thể nói Gia Cát
Lượng không đúng, bởi trong lời nói của Gia Cát Lượng có ẩn ý, hơn nữa Gia Cát
Lượng đã nói rõ với Tôn Quyền. Đúng vậy, đúng là Lưu Dự châu không có đất dụng
võ, nhưng cũng vì thế mà không bị phiền hà, cùng lắm là con đường chết, và quyết
liều mạng để cá chết thì lưới cũng tan. Ngược lại Tôn tướng quân các ngài, tuy
có đất dụng võ, nhưng cũng có không ít phiền hà. Vì sao vậy? Bởi vì các ngài cứ
nghi ngại đứng nhìn, do dự không quyết, “Việc đã gấp mà không quyết đoán”! Vì vậy
Gia Cát Lượng mới nói với Tôn Quyền, nếu Giang Đông có thể chống lại Trung
Nguyên, chi bằng nên sớm cắt đứt với Tào Tháo. Nếu không thể thì nên cuốn cờ dẹp
trống, phủ phục xưng thần, như tướng quân đây, bề ngoài ra vẻ phục tùng, nhưng
trong lòng lại có ý khác (ngoài thì vờ phục tùng, nhưng bên trong lại do dự),
Nước đến chân mà vẫn ngập ngừng, không khéo hoạ lớn sẽ ập đến ngay (hoạ đến
không hẹn). Ý này thực hết sức rõ ràng: Lưu Dự châu của chúng ta là anh hùng
không đất dụng võ, Tôn tướng quân của ngài có đất dụng võ. Nhưng nếu dụng không
tốt là phiền hà đấy, các hạ cứ xem đó mà làm! (Cứ lượng sức mà xử lý)!
Rõ ràng là mình đã hết đường, đành phải
“cầu cứu Tôn tướng quân”, nhưng lại nói là Tôn Quyền gặp nhiều phiền hà, còn ra
bộ phải xả thân mưu hoạch cho Tôn Quyền, rõ ràng đã đổi chủ thành khách, giành
phần hơn! Đương nhiên là Tôn Quyền không mắc lỡm, đã nhanh chóng uốn lưỡi hỏi lại,
đã vậy, sao Lưu Dự châu các ngươi không đi đầu hàng đi?
Lời nói rất ác, vừa châm chọc vừa đánh
đúng vào nỗi khổ của người khác, không biết nên trả lời sao. Gia Cát Lượng vẫn
thản nhiên đáp, nhớ năm đó, Điền Hoành tráng sĩ của nước Tề bất quá chỉ là một
thất phu mà không chịu đầu hàng (giữ nghĩa không nhục), huống chi đây là Lưu Dự
châu! Lưu Dự châu chúng ta dòng dõi vương thất, anh tài cái thế, người người
quy thuận (chúng sĩ ngưỡng mộ, như nước đổ ra biển)! Chúng tôi sẽ chống đối đến
cùng. Nếu có thất bại thì đó cũng là ý trời (là do trời). Đầu hàng, thì không
bao giờ!
Đây chỉ có thể xem là lời lẽ ngoại
giao. Đúng, Lưu Bị đương nhiên là anh hùng, nhưng không phải xưa nay chưa từng
dựa vào người khác, đầu hàng người khác. Trước đây, Lưu Bị luôn phải thay đổi
nơi ở, phải dựa vào Tào Tháo, phải đầu hàng người khác. Lúc Lã Bố đến đánh, từng
bắt vợ con Lưu Bị, Lưu Bị chả phải “cầu hoà với Lã Bố” đó sao? Lúc đó, lẽ nào
Lưu Bị không phải là dòng dõi vương thất, anh tài cái thế, chúng sĩ ngưỡng mộ,
như nước đổ ra biển” ? Lưu Bị lúc dựa vào Đào Khiêm, lúc dựa vào Lã Bố, lúc dựa
vào Tào Tháo, lúc dựa vào Viên Thiệu, những lúc đó “cốt khí” đã biến đi đâu rồi?
Cuối cùng thì người ở dưới nóc nhà, không thể không cúi đầu. Huống chi vị “Lưu
hoàng thúc” của chúng ta lại biết co biết duỗi. Gần đây lại học tập được cách
thức của chim của rùa, lúc đáng rụt đầu có thể rụt đầu, đó mới là tác phong thường
xuyên của Lưu Bị. Tam quốc diễn nghĩa có thơ vịnh Lưu Bị như sau “Gượng vào
hang ổ, tạm nương mình, nói rõ anh hùng nghe mà kinh. Mượn tiếng sấm vang, hòng
che giấu, tuỳ cơ ứng biến thật tài tình!” Như vậy đã nêu rõ được tính cách của
Lưu Bị. Thấy rõ “giữ nghĩa không nhục” là nói khoác, “Tuỳ cơ ứng biến” mới là
thật. Đương nhiên chúng ta không vì thế mà chê trách hoặc xem thường Lưu Bị,
nhưng cũng đừng cho rằng Lưu Bị là con người “cứng như thép” thà gãy chứ không
cong. Thực tế thì lần này Lưu Dự châu không chịu đầu hàng không phải vì xương cốt
cứng? Vì biết chắc rằng lần này Tào Tháo quyết không tha cho Lưu Bị, có hàng
cũng chẳng ích gì, chỉ có thể quyết đấu tới cùng.
Đương nhiên, Gia Cát Lượng không thể
nói thẳng ra như vậy, huống hồ cách nói của Gia Cát Lượng cũng rất hay. Nên nhớ,
tình cảnh của tập đoàn Lưu Bị lúc này rất nguy hiểm, chỉ còn cách là chống đối
tới cùng. Lúc này phía Tôn Quyền vẫn còn đắn đo nhiều. Với tình hình đó, là sứ
giả phía Lưu Bị chỉ có khích lệ đối phương bằng đạo đức cao thượng của mình,
quyết không thể lấy ý chí người khác làm mất uy phong của mình. Ít ra thì Gia
Cát Lượng đã truyền lại được tin tức Lưu Bị chuẩn bị quyết chiến đến cùng tới
Tôn Quyền. Với sự hợp tác của hai bên, điều này là hết sức quan trọng. Ngoài
ra, Gia Cát Lượng đã khích được Tôn Quyền - một người mới hai mươi sáu tuổi,
khí huyết còn rất mạnh. Quả nhiên Tôn Quyền thấy bực bội, mặt biến sắc nói, Tôn
mỗ ta có đủ sáu quận, mười vạn tinh binh, lại chịu để người khác khống chế sao?
Thế rồi biểu lộ thái độ luôn: “Ta đã quyết, không phải Lưu Dự châu, ai dám chống
Tào Tháo !”
Gia Cát Lượng đã đạt được mục đích.
Tôn Quyền đã cảm phục Lưu Bị, không nói tới chuyện “anh hùng không nơi dụng võ”
nữa. Nhưng Tôn Quyền vẫn chưa thực yên tâm, nên mới hỏi luôn: “Dự Châu vừa bại
xong, sao có thể vượt qua được khó khăn này” Gia Cát Lượng lại trình bày tiếp với
Tôn Quyền về khả năng chiến thắng Tào Tháo, khả năng Tào Tháo sẽ thất bại. Gia
Cát Lượng nói, Tào Tháo thống lĩnh khinh kỵ binh trải qua hàng ngàn dặm đường,
nay như cung đã giương hết cỡ, lấy đâu ra sức chiến đấu nữa? Người phương bắc
không quen thủy chiến, thì đánh đấm thế nào? Thực tế chứng minh, những phán
đoán của Gia Cát Lượng là hoàn toàn chính xác. Và điều quan trọng hơn, Gia Cát
Lượng đã đưa tới một tin tức quan trọng, Lưu Bị tuy thất bại ở Trường Bản,
nhưng vẫn còn hơn một vạn người ngựa, bao gồm cả thuỷ quân của Quan Vũ. Chỗ Lưu
Kỳ cũng còn hơn một vạn. Thuỷ quân Kinh châu cũng không hoàn toàn rơi vào tay
Tào Tháo. Trên thực tế, tập đoàn Giang Đông đang không ngớt tranh luận là nên
hoà hay nên đánh, cho rằng quân Lưu Bị đã hoàn toàn bị xoá sổ, toàn bộ Kinh
châu đã rơi vào thế hiểm. Nay biết tin bên phía Lưu Bị vẫn còn ngần ấy lực lượng,
mọi người thực vui mừng và yên tâm!
Thế là “Quyền vui mừng, lại cùng mọi
người bàn bạc”. Nhưng trưởng sử (Bí thư trưởng) Trương Chiêu và một số người vẫn
chủ trương nên hàng Tào, chỉ có Lỗ Túc tỏ ra không đồng ý và khuyên Tôn Quyền
cho triệu Chu Du từ ngoài về. Đương nhiên, Chu Du thuộc phe chủ chiến. Được hai
người ủng hộ, cuối cùng Tôn Quyền đã quyết tâm, chi viện để Lưu Bị tác chiến với
Tào Tháo và cho bố trí quân lính. Đó là toàn bộ quá trình mà Tư trị thông giám
coi là quyết sách của Tôn Quyền. Trước hết là Gia Cát Lượng thuyết phục Tôn Quyền,
Lỗ Túc ở cạnh thúc đẩy thêm và cuối cùng là sự hỗ trợ của Chu Du - hoạt động
ngoại giao của Gia Cát Lượng có thành quả huy hoàng là liên minh Tôn - Lưu.
Không thể phủ nhận, đoạn mô tả trên của
Tư trị thông giám là có căn cứ. Điều cơ bản là đã sử dụng chính văn trong Tam
quốc chí và lời chú dẫn của Bùi Tùng Chi, về văn từ tuy có đôi chỗ khác nhau
(nói “anh hùng không nơi dụng võ” thành “anh hùng không có đất dụng võ”) nhưng
không phải là thêm mắm thêm muối, không hề gì, phải nói là chân thực, đáng tin.
Nhưng ở đây cũng có vấn đề, mấu chốt của vấn đề là Tam quốc chí không cho chúng
ta hay cuộc trò chuyện giữa Gia Cát Lượng và Tôn Quyền là vào lúc nào. Trước
hay sau lúc cùng “mọi người” bàn bạc, thương lượng? Tam quốc chí không nói rõ
điều này. Vì vậy chúng ta muốn hỏi, phải chăng Tôn Quyền không hề bàn bạc với
ai, chỉ bằng vào cuộc trò chuyện với Gia Cát Lượng đã đập bàn tỏ ngay thái độ?
Theo tôi, không thể nói như vậy.
Thứ nhất, Tào Tháo phát động chiến
tranh không hề có ý muốn đấu với Tôn Quyền. Tam quốc chí - Vũ đế kỷ nói rất rõ:
“Tháo tự Giang Lăng đánh Lưu Bị”, “Tháo đến Xích Bích tác chiến với Lưu Bị”.
Cũng tức là, cuộc chiến tranh này, bao gồm cả trận Xích Bích sau này, chỉ là
chiến tranh giữa Tào Lưu, Tôn Quyền bị kéo vào đó. Tào Tháo muốn đánh Lưu Bị,
muốn đoạt Kinh châu, chẳng liên quan gì tới Tôn Quyền, có chi, chỉ bằng một buổi
nói chuyện với Gia Cát Lượng, Tôn Quyền đã bị cuốn vào chốn thị phi đó, bị rơi
vào hố nước đục đó? Có người nói, Gia Cát Lượng đã dùng phương pháp kích tướng.
Như vậy là có phần quá “trẻ con”, khác gì văn học hoá lịch sử, coi chính trị là
trò đùa. Nên nhớ rằng, nhà chính trị không vì tình cảm mà quyết định một điều
gì đó, Tôn Quyền cũng không ngoại lệ. Đúng vậy, khi đó Tôn Quyền còn trẻ, nhưng
là một thiếu niên đã trưởng thành, không giống như Tôn hầu tử trong Tây Du kí cứ
bị kích là nhảy lên luôn.
Thứ hai, nội bộ tập đoàn Tôn Quyền,
luôn có cách nhìn khác nhau về vấn đề này. Không ít người chủ trương nghiêng về
Tào Tháo, thậm chí là đầu hàng Tào Tháo. Chúng ta chẳng ngại gì khi gọi đó là
“Phái chủ hòa”, hoặc “phái hàng Tào”, hoặc “phái bồ câu”. Lỗ Túc, Chu Du và những
người khác lại chủ trương liên hợp Lưu Bị, chống lại Tào Tháo. Có thể gọi đây
là “phái chủ chiến” hoặc “phái liên Lưu” hoặc “phái chim ưng”. Hai phái khác biệt
rất lớn. Tranh luận gay gắt, gọi là “văn chủ hoà, võ chủ chiến, ầm ĩ bất định”.
Đương nhiên đây là lời nói trong kịch, không thể coi là sử liệu; từ văn thần và
võ tướng để phân biệt thành hai phái, có phần không đơn giản. Nhưng “ầm ĩ bất định”
thì lại là đúng, có thể lấy những điều ghi chép trong Ngô chủ truyện, Chu Du
truyện và Lỗ Túc truyện nói “lúc này Tào công có thêm quân của Biểu, nên hình
thế cực mạnh, các nơi nhìn vào đều khiếp sợ, nhiều ngươi khuyên Quyền nên
nghênh đón, duy Du và Túc chống lại ý đó”; Chu Du truyện nói Tôn Quyền “gặp mọi
người, hỏi kế sách”, mọi người chủ trương khuyên Quyền nên nghênh đón, riêng
Túc không nói năng gì”. Rõ ràng là “ầm ĩ bất định”.
Vấn đề ở chỗ, sự “ầm ĩ bất định” đó có
đúng như lời Tư Mã Quang, xảy ra sau khi Tôn Quyền trò chuyện với Gia Cát Lượng
và đã tỏ thái độ? Theo tôi, không phải như thế. Tập đoàn Giang Đông luôn chú ý
tới Kinh châu, từ lâu đã có phản ứng. Nghĩa là “phái chim ưng” và “phái bổ câu”
đã sớm hình thành, Tôn Quyền cũng đã có những tính toán. Với Tôn Quyền, một người
giỏi về “dùng hiền tài, ai nấy đều hết lòng” sao có thể khinh suất tỏ thái độ với
một người ngoài đang rơi vào tình trạng cạnh tranh với đối thủ, khi không có việc
bàn bạc thống nhất tư tưởng trong nội bộ?
Ngay La Quán Trung cũng không nghĩ tới
vấn đề này. Vì vậy, trước lúc Gia Cát Lượng gặp Tôn Quyền Tam quốc diễn nghĩa
có mục Khua lưỡi bẻ bọn nho. Đáng tiếc việc này không có trong sử, coi như
không tính. Và nếu có là sự thực thì cũng chỉ là biện luận giữa “phái chim ưng
Kinh châu” và “phái bồ câu Giang Đông”, không phải là buổi thảo luận trong nội
bộ tập đoàn Tôn Quyền. Đương nhiên, việc thảo luận là có, bởi hội nghị nội bộ tập
đoàn Tôn Quyền được Tam quốc diễn nghĩa sắp đặt vào trước cuộc trò chuyện giữa
Tôn Quyền và Gia Cát Lượng, nhưng tiếc là hội nghị không có kết luận. Hơn nữa,
có kết luận cũng chẳng ích gì, vì nó không khớp với thứ tự thời gian trong Tư
trị thông giám.
Thứ ba, hành động lần này của Gia Cát
Lượng thành công hay không, không hoàn toàn dựa vào tài năng ngoại giao của Gia
Cát Lượng mà tuỳ thuộc vào lợi ích chính trị của tập đoàn Giang Đông. Cuối cùng
thì Tôn Quyền đã quyết định ra quân giúp Lưu Bị, nhưng đây không phải là động
thái hành hiệp trượng nghĩa, giữa đường thấy sự bất bằng, mà là để bảo vệ lợi
ích đã có, thậm chí là để thực hiện kế hoạch trước đó. Kỳ thực, để có được một
quyết sách lớn lao như vậy, người ta đã phải cân nhắc kỹ càng lợi ích chính trị,
tính toán mọi mặt về được, mất. Nhưng ở phần trước chúng ta đã nói, món nợ này
thực khó trang trải. Làm tốt thì có thể coi là đã lấy được hạt dẻ trong lò lửa,
làm không tốt thì khác gì dẫn lửa vào nhà. Thực tế, hệt giống như chơi trò đỏ
đen, bài bạc. Nếu Tôn Quyền tính kỹ; tính chính xác thì không cần có Gia Cát Lượng
vẫn có quyết sách, Chính vì nhất thời không nắm được chính xác nên mới do dự.
Qua đây, có thể khẳng định, Tôn Quyền đã tỏ thái độ với Gia Cát Lượng, nhưng
không phải ngay từ đầu, cũng không phải do Gia Cát Lượng đã kích tướng. Tôn Quyền
đã bằng lòng giúp Lưu Bị, vì trước đó đã có người giúp Tôn Quyền tính toán kỹ
càng món nợ khó.
Có thể có người hỏi, lẽ nào người đó
không phải là Gia Cát Lượng? Tôi cho là không phải. Bởi vì Gia Cát Lượng không
có khả năng giúp Tôn Quyền tính toán kỹ càng về lợi ích chính trị cũng như cân
nhắc mọi mặt của việc được mất. Không phải Gia Cát Lượng không làm việc đó, mà
là làm không đến nơi đến chốn. Làm không đến nơi đến chốn không phải không có
trình độ mà vì lập trường không cho phép. Là sứ giả của tập đoàn Lưu Bị, Gia
Cát Lượng có thể đại diện cho lợi ích của Lưu Bị, không thể đại diện cho lợi
ích của Tôn Quyền. Vì lợi ích của Lưu Bị, Gia Cát Lượng có thể giúp Tôn Quyền lập
kế hoạch, có thể xả thân về kế hoạch đó. Nhưng dù phải xả thân thì lập trường
cũng không đổi, sức thuyết phục vẫn như cũ. Phần sau chúng ta sẽ nói tiếp về điểm
này.
Huống hồ điều mà Tôn Quyền phải suy
nghĩ, ngoài lợi ích của tập đoàn Giang Đông, còn có lợi ích riêng của Tôn Quyền.
Từ đó có thể thấy, người có thể thuyết phục Tôn Quyền, giúp Tôn Quyền có quyết
sách, chỉ có thể là “người của mình” trong nội bộ tập đoàn. Người đó phải hiểu
rõ những suy nghĩ trong thâm tâm của Tôn Quyền, có thể giúp Tôn Quyền thật
chính xác. Vậy người đó là ai?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét