Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

CHỐNG CHỌI VỚI SÓNG DỮ

 


Chu Du trở về gặp Tôn Quyền
(Bản in Tam quốc diễn nghĩa thời Minh Vạn Lịch)

Tập thứ hai mươi hai: CHỐNG CHỌI VỚI SÓNG DỮ

 Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Lời khuyên của Gia Cát Lượng đối với Tôn Quyền rõ ràng là một nét tinh tế trong hoạt động ngoại giao của Gia Cát Lượng. Nhưng từ lợi ích cơ bản của tập đoàn khiến Tôn Quyền cuối cùng cũng phải quyết định liên Lưu chống Tào. Là người phát ngôn cho tập đoàn Lưu Bị, đương nhiên Gia Cát Lượng không thể đại diện cho lợi ích tập đoàn Tôn Quyền. Vậy, ai có thể từ góc độ lợi ích cơ bản giúp Tôn Quyền phân tích, giúp Tôn Quyền có được quyết tâm?

 

Tập trước chúng ta đã nói, liên Lưu chống Tào là quyết định của Tôn Quyền căn cứ vào lợi ích cá nhân, lợi ích của tập đoàn. Vì vậy, người giúp Tôn Quyền phải là “người của mình” trong nội bộ tập đoàn, không thể là Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng vốn là sứ giả của tập đoàn Lưu, đại diện cho lợi ích của Lưu Bị, phải giữ vững lập trường của Lưu Bị. Gia Cát Lượng sao có thể thâm nhập vào thế giới nội tâm của Tôn Quyền, hết lòng hết sức nghĩ thay cho Tôn Quyền? Không thể thâm nhập vào nội tâm người khác, sao có thể tính toán sòng phẳng món nợ đó?

 

Đương nhiên nợ thì vẫn phải trả. Và, biện pháp chủ yếu để Gia Cát Lượng thuyết phục Tôn Quyền cũng là cách thanh toán món nợ đó. Gia Cát Lượng giúp Tôn Quyền thanh toán ba món nợ. Một là, trong lúc mấu chốt, kỵ nhất là do dự. Điều đáng quyết mà không quyết, tất sẽ gặp hoạ. Như ngài hiện nay “ngoài thì có vẻ thuận, nhưng trong lòng lại do dự”. Kết quả tất nhiên là mất lòng cả hai phía. Hai, Giang Đông binh nhiều lương đủ, Kinh châu thế mạnh, chỉ cần hai bên chúng ta “Đồng tâm hiệp lực” là có thể “phá được quân Tào”. Ba, một khi quân Tào thất lợi sẽ phải lui về phương Bắc. Và như vậy, Kinh châu của chúng tôi và lực lượng Đông Ngô của các ngài sẽ thêm mạnh, tình thế ba chân của đỉnh sẽ hình thành (như vậy Kinh, Ngô, thế sẽ mạnh, chân đỉnh sẽ thành), cho nên “cơ hội thành bại, quyết định từ hôm nay”.

 

Đương nhiên, điều này đã làm cho Tôn Quyền phải suy nghĩ, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt nhất. Bởi vì ba món nợ mà Gia Cát Lượng nói tới vẫn chưa phải là cái có thể đụng tới, điều bí mật ẩn náu trong lòng Tôn Quyền. Hơn nữa cách tính toán của Tôn Quyền cũng có vấn đề. Là vấn đề gì? Có hai món nợ chưa tính đến. Thứ nhất, Gia Cát Lượng chỉ nói vì sao ngài phải đầu hàng, vì sao phải tranh đấu, không thể ngồi nhìn, do dự không quyết, nhưng chưa nói đầu hàng thì sẽ như thế nào. Và đây mới là vấn đề mấu chốt. Nếu đầu hàng mà tốt thì sao lại không? Thứ hai, Gia Cát Lượng đã nói, nếu chiến thắng được Tào Tháo, có thể chia ba thiên hạ, ít ra cũng có thể chia ba Kinh châu, còn khi bại thì thế nào? Lưu Dự châu các người bại trận là tự chuốc lấy. Còn Tôn tướng quân là bị người kéo xuống nước. Ta mà bại thì ai là người sẽ chôn cất ta? Điều đó Gia Cát Lượng cũng không nói. Như vậy, chẳng khác gì nói, chúng ta đi cướp ngân hàng vậy! Cướp xong, cả đời tha hồ mà tiêu tiền. Nhưng bị phát hiện thì sẽ ngồi tù, bị chém đầu, nhưng không có ai bảo cho biết. Cảnh sát đến bắt, ta cũng mặc anh. Mọi người nghĩ xem, có ai bảo cho biết những điều đó không? Nếu tôi là Tôn Quyền, tôi sẽ chẳng mắc vào cái bẫy đó.

 

Kỳ thực, binh mà chưa động, chưa nên nghĩ tới thất bại, chân lý này không phải Gia Cát Lượng không biết! Cũng vậy, mưu hoạch cho ai thì phải nói hết với người ta, chân lý này không phải không biết. Nhưng vì sao Gia Cát Lượng lại không nói? Vì không có cách nào khác. Quân Tào đang trên đường, sát khí đằng đằng, mắt nhìn hau háu. Nếu Tôn Quyền không ra quân, Lưu Bị chỉ còn đường chết. Gia Cát Lượng thì sao? Cùng Lưu Bị “kết tình sâu sắc”, quyết tâm cùng hoạn nạn, cùng sống chết. Và kể từ lúc Lưu Bi ba lần đến lều tranh, Gia Cát Lượng mới chỉ bàn việc binh trên giấy, chưa có chút công trạng nào. Lần này sang sứ Đông Ngô thuyết phục Tôn Quyền, đây chính là “công” đầu từ lúc ra khỏi lều tranh của Gia Cát Lượng. Bất luận là đạo nghĩa hay là sách lược, Gia Cát Lượng chỉ có thể tìm trăm phương ngàn kế để du thuyết Tôn Quyền, không còn cách lựa chọn nào khác! Cho nên, chúng ta không thể trách Gia Cát Lượng không nói rõ ràng, e cũng không phải. Tôn Quyền sở dĩ không truy hỏi mà chỉ vui vẻ hưởng ứng lời Gia Cát Lượng vì trước đó đã có người thuyết phục. Vậy, người đó là ai?

 

Tôi nghĩ, đó là Lỗ Túc.

 

Vì sao lại là Lỗ Túc? Vì Lỗ Túc là nhà thiết kế sách lược chính sách và đường lối chính trị của tập đoàn Đông Ngô. Phần trước đã nói, Lỗ Túc là người có Long Trung đối, bản Đông Ngô. Căn cứ vào quy hoạch của Lỗ Túc, vào di chúc chính trị của Tôn Sách, đường lối chính trị của Đông Ngô sẽ là “giữ Giang Đông” mà “nhìn thành bại”, chia ba trước thống nhất sau. Bước một, củng cố và phát triển cơ nghiệp của Tôn Sách để lại; bước hai, đoạt Kinh châu và Ích châu, cùng Tào Tháo vạch sông để trị; bước ba, chờ lúc thích hợp sẽ bắc phạt, thống nhất Trung Quốc, xây dựng vương triều mới.

 

Phải nói đây là quy hoạch rất hay, bao gồm được ba bước gần, vừa, xa; ba mục tiêu cao, vừa, thấp. Cương lĩnh cao nhất, mục tiêu xa nhất là thống nhất thiên hạ, cương lĩnh thấp nhất, mục tiêu gần nhất là giữ vững Giang Đông, giai đoạn ở giữa là đoạt Kinh và Ích châu. Đương nhiên Kinh châu và ích châu không phải Tôn Quyền và Lỗ Túc nói muốn lấy là lấy được ngay. Một khi chèo thuyền trên dòng nước ngược, không tiến thì chỉ có thoái. Có một sách lược “lấy công để thủ”, như vậy, nếu kém cũng có thể xưng cô cát cứ một phương, vì vậy có thể nói đó là cách tính toán như ý nhất. Nhưng cách tính toán như có ý đó cần có tiền đề quan trọng, đó là Kinh châu còn nằm trong tay Lưu Biểu. Lưu Biểu phản ứng chậm chạp, yếu đuối vô năng, không có chí tiến thủ, ít bàn đến nước Ngô, đương nhiên mới có kế hoạch đánh Lưu Biểu.

 

Vì vậy, Tào Tháo nam chinh và Lưu Biểu qua đời làm tan mất giấc mộng đẹp của Tôn Quyền và Lỗ Túc. Lỗ Túc ý thức ngay được tính nghiêm trọng của sự việc, mới xin phép được sang Kinh châu ngay, lập tức Tôn Quyền đã phê chuẩn hành động của Lỗ Túc. Thực đáng tiếc, Tôn Quyền, Lỗ Túc cũng vậy, Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng vậy, đều không ngờ Tào Tháo lại nhanh đến vậy, kết quả “Túc chưa đến mà Tào công đã gần kề”. Thế là Lỗ Túc quyết đoán ngay, đề xuất với Lưu Bị, hai bên liên hợp “cùng lo sự nghiệp lớn trên đời”. Thực tế là muốn Lưu Bị là mũi tên cản địch, không để Kinh châu rơi vào tay Tào Tháo. Như vậy, liệu Tôn Quyền có đồng ý liên Lưu chống Tào hay không, cố nhiên Gia Cát Lượng rất sốt ruột, Lỗ Túc cũng sốt ruột.

 

Lúc này Tào Tháo đã giúp đỡ hai người. Do chúng ta không thể xác định được nguyên nhân, không hiểu vì sao Tào Tháo đã có thư gửi Tôn Quyền, “Ta phụng mệnh đi đánh kẻ có tội, gương cờ xuống phía nam, Lưu Tôn bó tay. Nay ta đưa tám mươi vạn thủy quân, muốn đến nước Ngô cùng đi săn với tướng quân”. Có thể dịch nghĩa như sau: gần đây lão phu phụng mệnh triều đình đi đánh kẻ có tội. Quân kỳ chỉ xuống phía nam, Lưu Tôn giơ tay xin hàng, lúc này lão phu lại chuẩn bị tám mươi vạn thuỷ quân, để cùng tướng quân đi săn trên đất Ngô. Đúng là khẩu khí mạnh mẽ hay ho. Cho nên, lúc Tôn Quyền chuyển bức thư cho bộ hạ “ai nấy đều bị chấn động, thất sắc”.

 

Lá thư của Tào Tháo là điểm mâu chốt của bản án, vì nó là thư tuyên chiến của Tào Tháo với nước Ngô, cũng là bước ngoặt trong tình thế biến chuyển gấp. Trước đó đây là trận chiến giữa Tôn Lưu, tức là Tào Tháo, đánh Lưu Biểu, hàng Lưu Tôn, đánh Lưu Bị. Lúc này Tôn Quyền có thể đứng xa mà nhìn lửa. Nhưng khi bức thư vừa tới, trận chiến Tào Lưu đã biến thành trận chiến Tào Tôn, việc của Lưu Bị đã biến thành việc của bản thân Tôn Quyền. Tôn Quyền chẳng còn cách nào để ngồi xem thành bại. Điều này thực khác thường. Vì vậy, chúng ta muốn hỏi, Tào Tháo có viết bức thư đó không? Vì sao Tào Tháo lại viết bức thư đó? Bức thư của Tào Tháo gửi đến chỗ Tôn Quyền vào lúc nào?

 

Nguyên văn bức thư của Tào Tháo không thấy trong chính văn Tam quốc chí, mà thấy ở lời chú dẫn “Giang Biểu truyện” của Bùi Tùng Chi trong Ngô chủ truyện. Cách nói trong chính văn là “Tào công vừa mới thắng Biểu, tình thế rất mạnh, ai nấy cũng khiếp sợ, nhiều người khuyên Quyền ra nghênh đón”, Chu Du truyện cũng nói, sau khi Tào Tháo đoạt được Kinh châu, bên Giang Đông “Tướng sĩ nghe tin đều sợ”, cũng không thấy nói đến thư từ gì cả. Chúng ta đều biết, Giang Biểu truyện là tác phẩm của Ngô Phổ người nước Tấn, sau này người bà con là Ngu Bột đem tặng cho Tôn Nguyên đế. Đó là việc của thời Đông Tấn, đương nhiên là Trần Thọ không biết. Nhưng Tào Tháo viết thư cho Tôn Quyền, được coi là việc lớn, Trần Thọ cũng không biết sao? Vì sao Tam quốc chí không ghi bức thư đó mà cùng cách nói như “trông thấy mà sợ”, “nghe thấy mà hãi”. Vì vậy, Tào Tháo có viết bức thư đó hay không, đến nay vẫn còn là nghi vấn.

 

Việc Tào Tháo viết thư được coi là kỳ quặc. Như trước đã nói, mục đích ban đầu cuộc chiến Tào Tháo phát động là đánh Lưu Biểu, diệt Lưu Bị, chiếm đoạt Kinh châu, không liên quan tới Tôn Quyền. Theo Tam quốc chí. Trình Dục truyện, lúc Lưu Bị chạy đến Hạ Khẩu, trừ Trình Dục, rất nhiều mưu sĩ của Tào Tháo đều cho rằng, Tôn Quyền nhất định sẽ giết Lưu Bị (ai cũng bảo Tôn Quyền sẽ giết Bị). Đó là ý nghĩ chung của tập đoàn Tào Tháo. Hiển nhiên, lúc này điều mà Tào Tháo mong muốn nhất là Tôn Quyền giúp mình giết Lưu Bị, ít ra thì cũng giữ trung lập. Có gì Tào Tháo lại viết bức thư châm chọc như vậy?

 

Có học giả (như ngài Doãn Vận Công) cho rằng, Tào Tháo viết thư để uy hiếp, nghe có lý. Bởi vì binh lực của Tào Tháo có thêm nữa cũng không đủ tám mươi vạn, lấy đâu ra tám mươi vạn thuỷ quân? Rõ ràng đây là trò hư trương thanh thế!

 

Vậy, vì sao Tào Tháo phải hư trương thanh thế? Là để cảnh cáo Tôn Quyền hoặc để nhắc nhở Tôn Quyền: chú nhóc đừng có dính vào việc của người khác! Không nên giúp đỡ Lưu Bị, càng không nên nhòm ngó tới Kinh châu. Nếu ngươi cứ chọc ngoáy lung tung thì đừng trách lão phu!

 

Uy hiếp đương nhiên cũng là một thủ đoạn thường dùng trong chiến tranh, huống chi Tào Tháo một “gian hùng”! Rõ ràng “binh được dối trá”, nhưng ở đây cũng có một vấn đề, làm như vậy liệu có bị một kết quả ngược lại không? Theo dự đoán của mưu sĩ Trình Dục, Tôn Quyền có khả năng sẽ liên kết với Lưu Bị. Trình Dục nói, Tào công vốn là vô địch thiên hạ, gần đây lại lấy được Kinh châu “uy trấn Giang Biểu”. Tôn Quyền tuy có dũng có mưu, nhưng tuổi trẻ, từng trải ít, cầm quân chưa lâu, đơn phương độc mã tỏ ra lực bất tòng tâm. Lưu Bị có chất anh hùng, Quan Vũ, Trương Phi đều “địch muôn người”, nhất định Tôn Quyền sẽ lợi dụng họ đối phó với Tào công. Nếu họ bắt tay nhau, tình thế sẽ khó phân giải, giết Lưu Bị càng trở nên khó khăn.

 

Trình Dục dự kiến rất có lý. Tôn Quyền bị uy hiếp tất phải tìm người giúp đỡ - Lưu Bị bại trận tất phải chạy sang phía Đông Ngô - với Tào Tháo mà nói thì kết quả tốt nhất là, Tôn Quyền lại giống như Viên Thiệu, Lưu Biểu, chỉ nuôi sống Lưu Bị chứ không dung cũng không giúp. Trong tình thế đó, ta đe dọa Tôn Quyền há chẳng phải đã bức họ phải kết bè đảng, kết đồng minh với nhau sao? Tào Tháo hiểu được điều đó. Một năm trước đây, Viên Thượng và Viên Hi bị Tào Tháo đánh cho tơi tả đã phải chạy về Liêu Đông, Tào Tháo không truy đuổi, cũng không tiến đánh Công Tôn Khang - người đã chứa chấp hai kẻ đó. Tào Tháo nói, “bức lắm chúng sẽ hợp lại, cứ từ từ, chúng sẽ giết nhau”, chi bằng cứ để chúng đánh lẫn nhau. Trước đó một thời gian, lúc đánh Viên Đàm, Viên Thượng, Quách Gia cùng từng nói như vậy. Thế mới thực là sáng suốt. Vậy, vì sao lần này Tào Tháo lại không chờ để họ “tự giết nhau”, lại muốn “ép họ”?

 

Vì vậy cũng không loại trừ một khả năng khác, tức là sau khi chiếm được Kinh châu một cách thuận lợi. Tào Tháo mới có ý được voi đòi tiên, muốn nhân thế mà tiến tới diệt nốt Đông Ngô. Cuối cùng thì trong tay Tào Tháo không chỉ có năm ngàn khinh kỵ binh, mà phía sau còn có mười mấy vạn đại quân. Có khả năng là như vậy. Tam quốc chí. Giả Hủ truyện nói, “Thái tổ phá Kinh châu, muốn thuận dòng xuống Giang Đông”, và Giả Hủ đã phản đối. Giả Hủ cho rằng, “trước phá Viên thị, nay thu Hán Nam”, đã “uy danh vang xa”. Bước sau, nên thực hành chính sách mềm mỏng, phủ dụ sĩ dân Kinh châu, để họ an cư lạc nghiệp, sống những ngày hoà bình, ổn định. Và như vậy thì “quân lính sẽ được nghỉ ngơi mà Giang Đông cũng sẽ thần phục”. Qua mấy lời trên thấy rõ, khi đó Tào Tháo “thuận xuống Giang Đông” là để đánh Tôn Quyển.

 

Vì vậy có ba khả năng để Tào Tháo viết lá thư đó: một, Tào Tháo muốn hạ chiến biểu với Tôn Quyền; hai, Tào Tháo muốn hù dọa Tôn Quyền; ba, Tào Tháo không viết thư. Tôi cho rằng lá thư đó có thể có và cũng có thể không. Nhưng nếu có viết, thì đó là hạ chiến biểu với Tôn Quyền, còn như lá thứ đó đến Giang Đông vào lúc nào, sau này sẽ nói tiếp.

 

Và, cứ nói như Tào Tháo không viết lá thư này thì tình hình bên phía Đông Ngô cũng đã hết sức khẩn trương. Riêng việc Tào Tháo tấn công ào ạt vào Kinh châu cũng đủ để họ “nghe thấy mà sợ”. Hơn nữa, bất kể là nói thế nào, Tào Tháo “thuận dòng xuống phía đông”, đầu mâu chĩa thẳng vào chính là Tôn Quyền. Vì vậy, bất kể là Tào Tháo có viết bức thư kia hay không thì mọi người ở Giang Đông đều có cảm giác hoạ lớn đã gần kề. Chính vì vậy mới có chủ trương đầu hàng Tào Tháo. Nếu Tào Tháo chỉ muốn diệt Lưu Bị thì việc gì họ phải đầu hàng?

 

Đã đến lúc “lửa mạnh mới biết đâu là vàng thực”.

 

Bấy giờ, Tôn Quyền quyết định triệu tập hội nghị khẩn cấp, với lý do được tin quân Tào tới đánh. Tư trị thông giám và Tam quốc diễn nghĩa đều nói là đã nhận được thư của Tào Tháo, Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện nói là “Được tin Tào Tháo muốn xuống phía đông”. Nhiều khả năng đó là tin tức tình báo. Thời đó công tác tình báo của các bên đều làm rất tốt. Tóm lại, Tôn Quyền đã biết chắc là, Tào Tháo sẽ đánh tới, nên mới cũng bộ hạ bàn xem nên làm thế nào. Kết quả, từ trên xuống dưới đều là một giọng đầu hàng, quan viên lớn bé đều “khuyên Tôn Quyền ra nghênh đón”, chỉ có Lỗ Túc là yên lặng (Túc không nói gì). Tôn Quyền thấy khó chịu liền bỏ ra nhà tiêu, Lỗ Túc theo luôn ra tới hành lang. Với sự thông minh của mình, Tôn Quyền biết ngay Lỗ Túc có gì muốn nói, hơn nữa là cái gì đó rất quan trọng, liền cầm lấy tay Lỗ Túc, Túc hạ có điều gì muốn nói với ta phải không?

 

Đúng là Lỗ Túc có điều muốn nói và hiểu rằng đây là cơ hội tốt nhất để thuyết phục Tôn Quyền, có điều không tiện nói trước mặt mọi người. Vì sao vậy? Chúng ta đều biết, việc Lỗ Túc đến Tương Dương gặp Lưu Bị. Khuyên Lưu Bị liên hợp với Tôn Quyền, đã được Tôn Quyền phê chuẩn. Lúc xin phép, Lỗ Túc đã nói rất rõ, mục đích chuyến đi là “thuyết phục Bị đem quân Biểu, đồng tâm nhất trí, cùng đánh Tào Tháo”. Nhưng đã vậy thì sao Tôn Quyền còn do dự? Vì còn một món nợ chưa biết tính thế nào. Không giúp Lưu Bị, Kinh châu là của Tào Tháo; giúp Lưu Bị, Kinh châu lại thuộc về Lưu Bị. Còn như không giúp ai, xuôi tay bàng quan thì Kinh châu cũng chẳng thể biến thành của mình. Thực khó để có được quyết sách. Nhưng lúc này thì vấn đề đã biến đổi, không còn là có nên giúp Lưu Bị không, hoặc có nên hàng Tào không? Món nợ đã dễ giải hơn nhiều. Món nợ được rõ ràng thì mọi việc cũng được rõ ràng.

 

Thế rồi Lỗ Túc đã nói với Tôn Quyền, mấy lời của mọi người ban nãy đều là lừa dối tướng quân. Đầu hàng Tào Tháo có thể, nhưng còn phải xem người đó là ai, như Lỗ Túc có thể; còn Tướng quân thì không được. Vì sao vậy? Lỗ Túc hàng Tào, sẽ được Tào Tháo cho về quê hương, được địa phương bình phẩm, được giám định tài năng và phẩm hạnh. Sau đó Lỗ Túc có thể làm một viên quan nhỏ ở cơ sở, ngồi trên xe trâu, cùng bọn tùy tòng, giao thiệp cùng sĩ đại phu, rồi từng bước từng bước thăng tiến, làm quận thú, châu mục là không thành vấn đề. Nhưng nếu tướng quân cũng đầu hàng Tào Tháo, thì tướng quân sẽ đi về đâu?

 

Đương nhiên, cũng chỉ có thể nói nhỏ với nhau như vậy thôi, nhưng mấy lời đó đã trúng tim đen của Tôn Quyền. Tôn Quyền thở dài, ta lấy làm thất vọng về mấy lời của họ. Chỉ có lời của nhân huynh mới là mưu sâu kế xa, thực trúng với ý ta, đúng là trời xanh đã ban nhân huynh cho ta (kế lớn khanh vừa nói, cũng là ý của cô, đúng là ý trời ban khanh cho cô)!

 

Lỗ Túc đã nhìn thấy tâm tư của Tôn Quyền nên mới nói vậy; và Lỗ Túc có thể hiểu Tôn Quyền, còn vì Lỗ Túc và Tôn Quyền có cùng một suy nghĩ. Ở tập trước chúng ta đã nói, những quy hoạch trong Long Trung đối, bản Đông Ngô của Lỗ Túc có nói “dựng đế vương rồi lấy thiên hạ”. Lúc nghe xong, Tôn Quyền tỏ ra lạnh nhạt, lúc này ta “ra sức vì một phương”, cốt để phò tá Hán thất, những điều túc hạ nói “liệu có ích gì”? Với tình thế đất nước và lực lượng Đông Ngô khi đó, Tôn Quyền cũng chỉ nói được như vậy, nhưng trong lòng chắc đã tán thành và sung sướng. Theo Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện, hai mươi năm sau, trước lúc đăng đàn xưng đế, Tôn Quyền còn quay lại nói với mọi người, từ lâu Lỗ Tử Kính đã nói tới ngày này, đúng là “giỏi về thế sự”. Rõ ràng “liệu có ích gì” là lời nói dối, còn “giỏi về thế sự” mới là lời nói tự đáy lòng. Tôn Quyền đã xưng cô ở miền nam, lẽ nào lại có thể xưng thần với miền bắc? Lỗ Túc đã tính toán rõ ràng món nợ đó.

 

Không đầu hàng Tào Tháo thì chỉ còn cách là liên hợp với Lưu Bị. Đúng là không còn cách lựa chọn nào khác. Nhưng nếu đánh không thắng thì sao. Lỗ Túc không nói, Tôn Quyền cũng không hỏi, Bởi vì kết quả của chiến bại và đầu hàng chẳng khác gì nhau, nhưng chiến đấu thì quang vinh hơn nhiều, nhưng ý đó chỉ có người của mình nói ra mới hợp và Tôn Quyền nghe mới lọt. Cũng vậy, cũng chỉ có Lỗ Túc và Tôn Quyền mới có được những lời nói tự đáy lòng. Vả, Tôn Quyền thực đã hiểu, với mình thì kết quả của đầu hàng hoặc chiến bại là như nhau và cũng cần thiết phải hỏi thêm Gia Cát Lượng. Cho nên buổi nói chuyện giữa Lỗ Túc và Tôn Quyền là trước lúc với Gia Cát Lượng và gần như mọi việc đã được định đoạt.

 

Về vấn đề này, chúng ta không thể mê tín Tư trị thông giám. Đây là cuốn sách có đường hướng rõ rệt. Chúng ta đều biết, nhà sử học Tư Mã Quang không thể bịa ra truyện, nhưng ngài Tư Mã có thể chọn truyện và sử liệu có lợi cho Tào Tháo, hoặc không có lợi cho Lưu Bị. Câu nói “Trời xanh đã ban khanh cho ta”, Tôn Quyền nói với Lỗ Túc cũng bị lược bỏ. “Trận chiến Thừa thị” giữa Tào Tháo và Lã Bố từ hai ngày đổi thành một ngày. Những “nét gợn” như vậy trong Tư trị thông giám khá nhiều, sao chúng ta lại không thể có thêm một cách nhìn khác?

 

Tư Mã Quang không chỉ, chỗ lấy chỗ bỏ về mặt sử liệu mà ngay cả về mặt thứ tự thời gian cũng không rõ ràng. Chúng ta đều biết Tam quốc chí của Trần Thọ là loại sách sử. Đặc điểm của sách là, những sự kiện phát sinh trong cùng một thời kỳ thường thấy rải rác trong truyện của từng người, nhưng nếu không đưa ra được một thời gian chính xác thì biết thế nào đâu là trước đâu là sau. Lời của Lỗ Túc và Gia Cát Lượng là như vậy. Nhưng Tư trị thông giám là sách sử theo năm tháng thì phải có vấn đề trước và sau. Ai trước ai sau, cũng sẽ biến thành loại “bút pháp Xuân Thu”.

 

Trong quá trình quyết sách của Tôn Quyền cũng có vấn đề này. Theo ghi chép trong Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện, sau lúc Lưu Bị và Lỗ Túc bàn định xong, Lưu Bị “thẳng tới Hạ Khẩu, để Lượng thay quyền, cùng Túc trở về”, cho nên Tư trị thông giám nói, Gia Cát Lượng và Lỗ Túc đến Sài Tang “đi gặp Tôn Quyền”, là không có vấn đề. Vấn đề là ở mấy chữ “đi gặp Tôn Quyền”, là hai người cùng đi gặp hay từng người một. Mọi người đều nói từng người một. Vậy, ai gặp trước, ai gặp sau? Tư Mã Quang nói Gia Cát Lượng gặp trước và sau khi Gia Cát Lượng thuyết phục được Tôn Quyền, Tôn Quyền mới đi gặp toàn thể quần thần, trong đó có Lỗ Túc. Tư Mã Quang nói, “Quyền mừng rỡ, cùng với quần thần lập mưu”. Và như vậy, Gia Cát Lượng “vào trước là chủ”, công đầu thuyết phục Tôn Quyền thuộc về Gia Cát Lượng.

 


Cổng phía đông thành Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay)


Tiếc rằng, câu nói “Quyền mừng rỡ, cùng với quần thần lập mưu” là lời của Tư Mã Quang. Tam quốc chí. Gia Cát Lượng truyện nói, “Quyền mừng rỡ, liền cử Chu Du, Trình Phổ, Lỗ Túc và ba vạn thủy quân, theo Lượng cùng Tiên chủ hợp lực, chống lại Tào công”. Theo mấy lời trên thì Tôn Quyền chưa hề nói chuyện với Lỗ Túc và Chu Du hoặc cuối cùng mới nói chuyện với Gia Cát Lượng. Đương nhiên là không đúng. Vì vậy, chân tướng sự việc phải là thế này: Lúc Lỗ Túc và Gia Cát Lượng về đến Sài Tang thì thư của Tào Tháo cũng vừa tới. Tư Mã Quang đã thừa nhận điểm này, vì vậy mới sử dụng từ “là thời” (lúc này). Lúc này, đương nhiên là Tôn Quyền chưa hề gặp ngay Gia Cát Lượng, mà trước hết phải thống nhất nhận thức trong nội bộ. Vì vậy mới có chuyện Tôn Quyền triệu tập họp khẩn cấp, và có cuộc nói chuyện riêng với Lỗ Túc. Thời gian biểu trong Tam quốc diễn nghĩa là như vậy, chính là lần trò chuyện này, khiến Tôn Quyền hiểu ra rằng, đầu hàng Tào Tháo là hết đường. Chỉ có liên Lưu chống Tào, mới có thể xưng cô như hiện nay và tương lai sẽ thành đế nghiệp. Lỗ Túc gọi là “một lời hưng bang”.

 

Lòng dạ Tôn Quyền hiểu rất rõ về điểm này. Theo Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện, sau khi Tào Tháo thất bại trong trận chiến Xích Bích, Lỗ Túc trở về nước, Tôn Quyền phái rất nhiều nhân vật hàng đầu ra nghênh đón (mời chủ tướng ra đón Túc). Lỗ Túc đến trước điện, đang muốn vào hành lễ, Tôn Quyển đã đứng lên, gọi tên tục Lỗ Túc, Tử Kính à, bản tướng quân muốn “xuống ngựa nghênh đón, đã đủ để hãnh diện chưa?” Lỗ Túc bước gấp lên trước nói, không phải thế. Nghe nói vậy, mọi người vô cùng ngạc nhiên. Chờ khi mọi người đã yên vị, Lỗ Túc mới từ từ nâng chiếc roi trong tay nói, nguyện vọng của Túc là mong tướng quân ở ngôi chí tôn, uy khắp bốn biển, nhất thống chín châu, dựng thành nghiệp đế, sau đó phái một chiếc xe nhỏ, thoải mái đến đón Lỗ Túc, thế mới thực là hãnh diện! Tôn Quyền nghe xong vỗ tay cười lớn, bởi vì những lời đó đã trúng ý của mình.

 

Chúng ta còn có thể đưa thêm ra một chứng cứ nữa. Theo Giang Biểu truyện, Lúc Tôn Quyền đăng cơ, quần thần đều đến chúc mừng. Trương Chiêu cũng nâng hốt chuẩn bị ca tụng công đức. Tôn Quyền đã ngăn lại nói, năm đó nếu trẫm nghe lời Trương công, e bây giờ đã phải đi ăn xin! Kết quả, Trương Chiêu toát mồ hôi phủ phục ngay xuống. Xem ra Tôn Quyền không bao giờ quên được buổi tranh luận thẳng thắn năm nào. Từ đó mà suy, thực sự đánh động được Tôn Quyền, nhất định là câu nói của Lỗ Túc lúc đó: “Tướng quân nghênh đón Tào Tháo, là muốn được yên chăng?”

 

Thái độ các sử gia Trần Thọ, Bùi Tùng Chi trước thời Tư Mã Quang, về vấn đề này rõ ràng là khách quan và đúng đắn hơn nhiều. Trong lời chú dẫn Lỗ Túc truyện và Chu Du truyện của mình, Bùi Tùng Chi nói rất rõ: “Lưu Bị và Tôn Quyền hiệp lực, cùng chống Tào Tháo, là theo kế của Túc”; “Lập kế chống Tào công, thực từ Lỗ Túc”. Cũng tức là nói, Lỗ Túc kiến nghị Lưu Bị liên hợp với Tôn Quyền, thuyết phục Tôn Quyền liên hợp với Lưu Bị cũng chính là Lỗ Túc. Lỗ Túc là người đầu tiên ủng hộ liên minh Tôn Lưu, cũng là công thần thứ nhất của liên minh Tôn Lưu.

 

Có điều, Lỗ Túc chỉ là người giúp Tôn Quyền tính rõ món nợ về chính trị, giải quyết vấn đề đánh hay không đánh, Lỗ Túc không giúp Tôn Quyền tính toán món nợ về quân sự, mà không giúp giải quyết vấn đề này thì đánh thế nào được. Vậy, ai đã giải quyết vấn đề có thể đánh được không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét