Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

ĐỂ TRỤ GIỮA DÒNG NƯỚC

 


Chu Du
Kimiya Masago người Nhật vẽ

Tập thứ hai mươi ba: ĐỂ TRỤ GIỮA DÒNG NƯỚC

 Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Sau khi nghe lời khuyên của Lỗ Túc và Gia Cát Lượng, Tôn Quyền thức thời độ thế, suy xét kỹ càng mới quyết định liên hợp với Lưu Bị, chống lại Tào Tháo. Nhưng tiến hành một cuộc chiến quan trọng đầy nguy hiểm như vậy không thể không tính đến khả năng về mặt quân sự. Vậy, ai là người giúp Tôn Quyền phân tích về khả năng đó, và cuối cùng, Tôn Quyền đã có quyết sách và sự bố trí như thế nào?

 

 

Ở tập trước chúng ta đã nói, Lỗ Túc nói rõ lợi hại với Tôn Quyền, nói thẳng ra rằng “Tướng quân nghênh đón Tào, hòng được yên thân”, từ đó, Tôn Quyền đã quyết tâm chống lại Tào Tháo. Nhưng Lỗ Túc chỉ giúp Tôn Quyền tính rõ về món nợ chính trị, không giúp được Tôn Quyền về mặt quân sự mà thực chất thì đây mới là vấn đề quan trọng. Rõ ràng Lỗ Túc đã hiểu được như vậy nên mới đề nghị Tôn Quyền nhanh chóng triệu Chu Du - đang trên đường đi Phiên Dương (nay là huyện Phiên Dương, Giang Tây) về gấp. Sau khi nhận được lệnh, Chu Du quay về Sài Tang ngay.

 

 

Trong Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện có ghi rõ việc này, nguyên văn là “Khi đó Chu Du nhận lệnh đến Phiên Dương, Túc khuyên triệu Chu Du về”. Nhưng Chu Du truyện không nói việc này, chỉ nói Tôn Quyền triệu tập hội nghị khẩn cấp, ở đó mọi người đều chủ trương đầu hàng, vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Chu Du. Vì vậy, lúc chú dẫn Chu Du truyện Bùi Tùng Chi lấy làm bất bình thay cho Lỗ Túc. Bùi Tùng Chi nói, Lỗ Túc là người đầu tiên đề xuất phải chống lại Tào Tháo (lập kế chống Tào công, Túc là người đầu tiên), quan điểm của Chu Du bất quá là tương đồng với Lỗ Túc (ngầm giống với Túc), mới có thể “cùng lập công lớn”. Nhưng trong Chu Du truyện không có một chữ nào nhắc tới, mưu hoạch trước đó của Lỗ Túc, khiến người ta có cảm giác “kế kháng cự đó” là của một mình Chu Du, như vậy là phủi sạch công lao của Lỗ Túc (gạt bỏ cái tốt của Lỗ Túc).

 

 

Có thể Bùi Tùng Chi đã nói hơi nặng. Trần Thọ viết như thế, chắc gì là muốn “gạt bỏ cái tết của Lỗ Túc” chẳng qua chỉ là tiếc mực như vàng, không muốn nhắc lại, nếu không phải thế thì đã chẳng có mấy câu như trong Lỗ Túc truyện. Cũng vậy, quan điểm của Chu Du cũng vị tất là “ngầm giống với Túc, chỉ sợ là “quá giống”, nếu không đã chẳng có chuyện Lỗ Túc đề nghị Tôn Quyền triệu gấp Chu Du về. Nếu Chu Du cũng giống bọn Trương Chiêu, đều thuộc phái đầu hàng, Lỗ Túc mời Chu Du quay về, chẳng phải đã gây thêm phiền hà cho mình sao? Lỗ Túc đâu có ngốc đến thế.

 

 

Cứ vậy mà xét, thì màn kịch “lấy trí khích Chu Du” trong Tam quốc diễn nghĩa đã trở thành chuyện khôi hài buồn cười, chẳng đứng đắn chút nào. Theo cách nói của Tam quốc diễn nghĩa thì thứ nhất, kiến nghị triệu Chu Du về không phải Lỗ Túc, mà là chủ ý của “Ngô quốc thái”. Thứ hai, Chu Du cũng không phải được Tôn Quyền triệu về, mà là tự về. Chu Du được tin quân Tào đông tiến, nên vội vã trở về, kết quả: “sứ chưa đi, Chu Du đã trở về”. Thứ ba, sau khi về đến Sài Tang, Chu Du không vội đi gặp Tôn Quyền, trước hết gặp văn thần võ tướng Đông Ngô, sau đó là gặp Gia Cát Lượng, sáng sớm ngày thứ hai mới đi gặp Tôn Quyền. Thứ tư, lúc gặp mặt số người đó, thái độ của Chu Du hết sức mềm mỏng, gặp người nói tiếng người, gặp quỷ nói tiếng quỷ. Chờ khi mọi người đi khỏi Chu Du mới “không ngớt cười nhạt”. Thứ năm, lúc này Gia Cát Lượng, Chu Du lại hát điệu đầu hàng, làm cho Lỗ Túc mụ mẫm cả đầu óc, tận khi Gia Cát Lượng nói tới câu “nhốt hai nàng Kiều ở bên Đông Nam” trong bài phú đài Đồng Tước, Chu Du mới nhảy lên và hiện nguyên hình, và cũng mới có lời nói khẳng khái chủ trương chống Tào trong hội nghị hôm sau. Đây chính là Khổng Minh dùng trí khích Chu Du, Tôn Quyền quyết kế phá Tào Tháo”.

 

 

Rõ ràng ở đây phần hư cấu và phần kịch quá nhiều. Như “Ngô quốc thái” là chuyện bịa ra. “Ngô quốc thái” vẫn là em gái Ngô phu nhân, cùng Ngô phu nhân đều là vợ Tôn Kiên. Chuyện này không có trong sử, có nhiều khả năng không phải vậy. Theo Tam quốc chí. Ngô phu nhân truyện, năm đó Tôn Kiên thấy Ngô phu nhân (lúc này phải gọi là Ngô cô nương) tài mạo song toàn, nên muốn cầu hôn; nhưng gia tộc bên nữ lại “hiềm vì Kiên ngông cuồng”, chuẩn bị cự tuyệt, Tôn Kiên vừa xấu hổ vừa căm hận. Ngô cô nương liền nói, việc gì phải vì một đứa con gái mà chuốc lấy hoạ? Nếu phải gả cho người chẳng ra gì thì đó cũng là số mệnh! Lúc này Ngô gia mới gả con gái cho Tôn Kiên. Mọi người nghĩ xem, ngay cả Ngô phu nhân, lúc đầu Ngô gia cũng có muốn gả đâu, thì làm sao lại còn thêm một cô em gái họ Ngô nữa?

 

 


Tôn Quyền nói chuyện với Ngô quốc thái (Bản in Tam quốc năm 1605)

Vậy vì sao phải tạo ra một “Ngô quốc thái” giả? Vì đối với quá trình quyết sách của Tôn Quyền Tam quốc diễn nghĩa lại nói khác. Hồi thứ bốn mươi ba và hồi thứ bốn mươi tư trong Tam quốc diễn nghĩa nói, sau khi Lỗ Túc và Gia Cát Lượng về đến Sài Tang, Lỗ Túc mời Gia Cát Lượng ra nghỉ ở nhà khách còn mình thì đi gặp Tôn Quyền. Đúng vào lúc Tôn Quyền và mọi người đang bàn về lá thư của Tào Tháo, mọi người đều chủ trương đầu hàng, riêng Lỗ Túc có ý kiến phản đối. Cũng tức là Lỗ Túc nói chuyện với Tôn Quyền trước lúc Tôn Quyền nói chuyện với Gia Cát Lượng. Thứ tự này khác với trong Tư trị thông giám, nhưng rõ ràng là hợp lý hơn nhiều.

 

 

Vấn đề là, Tam quốc diễn nghĩa muốn đề cao Gia Cát Lượng. Vì đề cao Gia Cát Lượng nên phải hạ thấp Lỗ Túc, phải giảm bớt ý nghĩa của buổi nói chuyện của Lỗ Túc, càng không thể để Lỗ Túc thành công nhanh chóng. Vì vậy, Tôn Quyền tuy tán thành Lỗ Túc, nhưng vẫn có nghi vấn. Thế là Lỗ Túc kiến nghị Tôn Quyền trò chuyện với Gia Cát Lượng, vì vậy mới có Khua lưỡi bẻ bọn nho của Gia Cát Lượng và buổi trò chuyện giữa Gia Cát Lượng và Tôn Quyền. Sau khi Gia Cát Lượng nói xong, Tôn Quyền mới nói: “Lời tiên sinh như vứt bỏ mây mù, ý ta đã quyết, hết mọi nghi ngờ. Sẽ bàn ngay việc khởi binh, cùng diệt Tào Tháo.” Nếu như vậy, thì Gia Cát Lượng là người có công trong việc thuyết phục Tôn Quyền. Nhưng lúc này thì Chu Du vẫn chưa xuất hiện! Chúng ta không thể không thấy hoặc xem nhẹ tác dụng của Chu Du! Thế nên Tam quốc diễn nghĩa mới có thêm tình tiết như thế này: tin tức về thái độ của Tôn Quyền truyền ra ngoài, bọn Trương Chiêu đều nói, đã trúng phải gian kế cùng lôi Đông Ngô xuống nước của Khổng Minh, và đến khuyên Tôn Quyền, Tôn Quyền càng thêm do dự. Lúc này, Lỗ Túc có đến nói gì thêm cũng vô ích. Vì lúc này Lỗ Túc đã bị nghi là “tư thông với nước ngoài”, lời nói không còn hiệu lực. Huống chi, để đề cao Gia Cát Lượng, Lỗ Túc dưới ngòi bút của La Quán Trung, trở thành người trung hậu thực thà nhung vô dụng. Không thể có chủ ý! Đã thế thì phải tìm người nói, tìm cách nói, nhớ lại di ngôn của Tôn Sách: “nếu có việc trong không quyết thì hỏi Trương Chiêu, việc ngoài không quyết thì hỏi Chu Du”, đây là cách nói tốt nhất. Ở hồi thứ hai mươi chín trong Tam quốc diễn nghĩa đã ghi như vậy. Đó là lời Tôn Sách nói với Ngô phu nhân, Tôn Quyền cũng biết. Vấn đề là, nhất thời Tôn Quyền không nhớ, Trương Chiêu có nói gì cũng không thích hợp, Ngô phu nhân đã qua đời từ năm Kiến An thứ VII hoặc năm thứ XII (lịch sử có hai cách nói), nên phải bịa ra một cô em gái là Ngô quốc thái. Đương nhiên, vị Ngô quốc thái này còn có một tác dụng nữa, là “lên chùa xem rể hiền” (hồi thứ năm mươi tư), để Tôn Quyền là gia trưởng bên nhà gái lúc gả em.

 

 

Kì thực, không chỉ vị Ngô quốc thái mà ngay cả di ngôn của Tôn Sách, đều là từ không mà có. Nhưng nếu không thế thì biết làm gì để có thể tăng thêm công lao của Gia Cát Lượng trong trận Xích Bích? Thực tế thì tất cả những cái đó đều vì sự xuất hiện của Gia Cát Lượng và để Gia Cát Lượng biểu diễn vở kịch hay “Dùng trí khích Chu Du”. Vở kịch này được biểu diễn vào đêm khuya, câu chuyện mọi người đã quen thuộc, không cần phải kể. Theo tôi, đây là vở kịch khôi hài, hình tượng của ba người đều chẳng ra gì. Lỗ Túc thì chẳng phải nói, ngẩn ngơ đần độn đến buồn cười. Chu Du và Gia Cát Lượng, một người lên mặt ta đây, một người vui buồn rất quái. Ba người bắt đầu câu chuyện, Chu Du vờ thuộc phái đầu hàng, ra sức bảo vệ cho việc đầu hàng. Kết quả thì Lỗ Túc “ngơ ngác”, Gia Cát Lượng “cười nhạt”. “Ngơ ngác” là có lý, với Lỗ Túc thì Chu Du phải là phái chủ chiến. Huống hồ trước đó Chu Du đã cho Lỗ Túc một viên định tâm: “Tử Kính đừng lo, tự Du đã có chủ trương”. Thì nay, vì sao chỉ trong nháy mắt đã thành phái đầu hàng? Điều này cần phải động não. Cũng tức là, sau khi ngơ ngác cần phải suy nghĩ. Nhưng Lỗ Túc lại không, cứ cho là thật và lo lắng. Điều đó thực khác hẳn với một nhà chính trị từng viết Long trung đối theo bản Đông Ngô?

 

 


Lỗ Túc (trái) và Chu Du
trong bộ phim Tân Tam quốc diễn nghĩa năm 2010

Gia Cát Lượng “cười nhạt” còn đáng buồn cười hơn. Với tài trí thông minh và giỏi quan sát, lẽ nào Gia Cát Lượng lại không thấy Chu Du đang vờ vĩnh? Lại cùng nhau dối trá, nói năng lung tung, mất cả tư cách. Gia Cát Lượng nói với Lỗ Túc, Tử Kính à, sao lại giống với Lưu Dự châu của chúng ta, không thức thời? Hãy nhìn xem, bây giờ thì Lưu Dự châu còn gì nữa đâu? Chủ ý của Công Cẩn huynh thực hay, có thể giữ được vinh hoa phú quý, có thể giữ được vợ con, quốc gia hưng vong gì gì, thì cứ mặc! Như vậy có giống với Gia Cát Lượng không ?

 

 

Chu Du cũng buồn cười. Rõ ràng là “nhận sự ký thác của Bá Phù, có lý gì lại uốn gối hàng Tào”; “Tự lúc rời khỏi hồ Phiên Dương, đã muốn bắc phạt”; nhưng mãi khi Gia Cát Lượng nói tới bài “phú đài Đồng Tước” mới nổi giận đùng đùng nói, “Ta và tên giặc già không thể cùng tồn tại”. Xin hỏi đây là cuộc tranh giành Trung Nguyên hay vì đố kỵ, đánh ghen? Đây là trận chiến Xích Bích hay là chiến tranh thành Tơ-roa.

 

 

Đương nhiên, Tam quốc diễn nghĩa đã viết như vậy, cũng không phải không có lý. Có lý như thế nào? Đúng như sau này Chu Du nói: “Lời vừa nói chỉ cốt để thử nhau thôi”. Thì ra Chu Du đang thăm dò Gia Cát Lượng. Vì sao Chu Du phải thăm dò Gia Cát Lượng? Theo Tam quốc diễn nghĩa thì đó là biểu hiện của tính cách. Con người Chu Du vốn hẹp hòi không rộng lượng. Vì hẹp hòi nên dễ dàng nghi ngờ người khác, muốn thăm dò. Vấn đề là, không thể chỉ nói tới tính cách, còn phải nói tới đạo lý. Hai người đại diện cho lợi ích của từng tập đoàn, vừa quen biết, lần đầu hợp tác, thì nói chung đều cần phải thăm dò, huống hồ quan hệ của hai tập đoàn Giang Đông và Kinh châu lại không hay lắm. Nhưng, thứ nhất, sự thăm dò này phải xuất phát từ cả hai phía, vì sao Gia Cát Lượng lại không thăm dò Tôn Quyền và Chu Du? Thứ hai, phải có nội dung thăm dò, không thể chỉ thăm dò vì phải thăm dò. Vậy, xin hỏi, Chu Du đang thăm dò cái gì? Lập trường? Thái độ? Thành ý? Thực không cần thiết! Sự việc đã quá rõ ràng. Nếu tập đoàn Lưu Bị có thể đầu hàng Tào Tháo thì việc gi còn phải chạy đến đây để xin các ngài? Đó chính là nguyên nhân để Gia Cát Lượng không phải thăm dò Tôn Quyền và Chu Du. Tức là, Lưu Bị đã cùng đường, chỉ có thể “cầu cứu Tôn tướng quân”. Lúc này, nếu như Tôn Quyền có ý đầu hàng thì Gia Cát Lượng cũng phải mặt dạn mày dày để giữ lại, níu lại, việc gì Gia Cát Lượng còn phải thăm dò? Gia Cát Lượng đã không còn đường lựa chọn thì việc gì các ngài còn phải thăm dò?

 

 

Và cũng chẳng có lý gì để phải “dùng trí khích Chu Du”. Chúng ta đều biết, Gia Cát Lượng lúc “chưa ra khỏi Long Trung đã hiểu thiên hạ sẽ chia ba”, rõ ràng, lúc thường Gia Cát Lượng rất quan tâm đến thời cuộc, đã hiểu rất rõ về tình hình phía Đông Ngô, không thể không biết về thái độ, lập trường của Chu Du. Mà dù trước đây chưa thực rõ thì trên đường từ Hạ Khẩu đến Sài Tang, Gia Cát Lượng đã phải hỏi Lỗ Túc cho rõ ràng. Gia Cát Lượng là người thận trọng thấu đáo, hiện đang nhận nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, lẽ nào lại không tìm hiểu mọi tình hình trước khi vào việc, lẽ nào lại không tìm hiểu về một nhân vật quan trọng như Chu Du? Lúc này Gia Cát Lượng và Lỗ Túc đã trở thành bạn bè, có cùng một chủ trương. Mà dù Gia Cát Lượng không hỏi, thì Lỗ Túc cũng sẽ chủ động giới thiệu về Chu Du. Vì vậy, Gia Cát Lượng hẳn phải biết rõ Chu Du là người như thế nào, hẳn phải biết rõ, không cần phải “khích” Chu Du.

 

 

Vậy, Chu Du là người như thế nào? Một câu thôi: “thuộc phái chim ưng cứng rắn”. Lỗ Túc đề nghị Tôn Quyền triệu Chu Du về, không chỉ vì Chu Du am hiểu việc quân sự, nắm rõ tình hình mà còn vì Chu Du thuộc “phái chim ưng cứng rắn”. Đây mới là điều quan trọng nhất. Năm Kiến An thứ VII (năm 2002), Viên Thiệu bệnh và qua đời, Tào tháo khí thê bừng bừng, đòi Tôn Quyền phải đưa con em làm con tin. Khi đó bọn Trương Chiêu “do dự không quyết”, còn Chu Du, với lời lẽ nghiêm chỉnh đã thuyết phục Tôn Quyền cự tuyệt sự o ép của Tào Tháo. Và cũng chính từ lần đó, Ngô phu nhân là mẹ của Tôn Quyền có thái độ rõ ràng, để con mình nhận Chu Du - chỉ kém Tôn Sách một tháng tuổi, là huynh trưởng, Chu Du là người như vậy, thì việc ‘lấy trí để khích” v.v... được coi là thừa.

 

 

Có thể có người hỏi, Chu Du trước kia có thái độ mạnh thì bây giờ sẽ không mềm yếu hay sao? Trước kia là “phái chim ưng” thì bây giờ sẽ không biến thành “phái bồ câu”? Không thể. Bởi vì thái độ đó của Chu Du không phải nhất thời hứng khởi, xúc động làm nên, mà là kết quả của sự suy nghĩ sâu xa, tích luỹ qua nhiều năm tháng. “Tam quốc chí. Chu Du truyện” cho chúng ta hay, Chu Du là “anh em son sắt” của Tôn Sách, hai người cùng lớn lên từ bé, luôn “tương thân tương ái”, đã tới trình độ “thăng đường bái mẫu, phúc hoạ cùng chịu”, về sau, không hài lòng khi ở bên Viên Thuật, Tôn Sách cùng bộ hạ rời khỏi đó đến Lịch Dương (nay là huyện Hoà, An Huy), thủ hạ chỉ có năm, sáu ngàn người, chính Chu Du “đem quân ra đón Sách”, phò tá Tôn Sách đạp bằng Giang Đông. Sau khi Tôn Sách qua đời, lại là Chu Du ủng hộ Tôn Quyền trước tiên và cùng với Trương Chiêu trở thành hai cánh tay của Tôn Quyền. Theo “Tam quốc chí. Lỗ Túc truyện”, Chu Du còn nói với Lỗ Túc, lúc này là “thời buổi các liệt sĩ vin rồng dựa phượng ruổi rong”, mà Tôn Quyền thì nhất định có thể trở thành đế nghiệp, Lỗ Túc liền tới theo Tôn Quyền. Rõ ràng quan hệ của Chu Du và Tôn Quyền chẳng khác gì quan hệ giữa Gia Cát Lượng và Lưu Bị, sẽ không bao giờ thay đổi. Đối với thái độ của Tôn Quyền và Tào Tháo, Chu Du vừa có cảm tính vừa có lí tính, hoàn toàn có thể tin tưởng, việc gì còn phải thăm dò, còn phải nói khích.

 

 

Thực tế thì, thái độ của Chu Du lần này cũng hết sức rõ ràng. Trong hội nghị do Tôn Quyền triệu tập, Chu Du đã biểu hiện rõ bản sắc anh hùng là Để Trụ giữa dòng nước, lời nói có gang có thép. Theo Tam quốc chí, trong hội nghị, Chu Du đã nói, Tào Tháo “danh nghĩa là Hán tướng, nhưng kỳ thực là Hán tặc”. Còn tướng quân, “thần vũ hùng tài” có thêm “sự oanh liệt của cha anh”, những việc đáng phải làm là “ngang dọc thiên hạ, trừ hại cho nhà Hán”. Lúc này Tào Tháo tự tìm đến cái chết, có lý gì khiến chúng ta phải đầu hàng (Tháo tự tìm đến cái chết, đi đón kẻ gian tà đó sao)?

 

 

Lời nói thực nặng tình nặng nghĩa và cũng hết sức cần thiết. Bởi vì chiến tranh là sự tiếp diễn của đấu tranh chính trị. Chỉ có chính trị chính xác thì mới là “quân chính nghĩa” mới có thể khích lệ sĩ khí. Vấn đề là, chính trị chính xác, không có nghĩa là quân sự sẽ ổn, ý kiến của “phái bồ câu” không phải hoàn toàn vô lý. Với họ, Tào Tháo chính là lang sói hổ báo ( Tào công là hổ, báo), lại còn “ép thiên tử, đánh bốn phương, lúc nào cũng danh nghĩa là triều đình”, thực khó đối phó. Nếu cứ công khai trở mặt với Tào, sự việc sẽ trở nên khó khăn thêm! Chống lại ngay thì sự việc sẽ bất lợi). Huống hồ phía Giang Đông xưa nay vẫn được che chở bởi sông Trường Giang. Nhưng nay Tào Tháo đã chiếm cứ Kinh châu, thu được hạm thuyền của Giang Lăng và Thuỷ quân của Lưu Biểu, Trường Giang hiểm trở “đã là của chung”. Thêm vào đó, Tào Tháo quân đông thế lớn, thuyền ngựa cùng đi, thuỷ lục cùng tiến, hai đường cùng xuống thì đối phó thế nào được? Rõ ràng điều quan trọng không phải nên hay không nên “trừ hại cho nhà Hán”, mà là có thể hay không có thể ngang dọc thiên hạ”. Chí ít là, lấy gì để nói “Tháo tự tìm đến cái chết”.

 

 

Đương nhiên, không phải Chu Du không nghĩ về điều này. Đánh thẳng vào mối lo của “phái bồ câu”, Chu Du nói Tào Tháo xuất chinh lần này có bốn điều bất lợi lớn. Trong nước bất an, hậu hoạ chưa trừ đã mạo muội xuống nam, đó là một; rời bỏ yên ngựa, sử dụng hạm thuyền, bỏ sở trường dùng sở đoạn, đó là điều hai; tháng mười rét buốt ngựa không có cỏ, nuôi dưỡng không đủ, đó là điều ba; quân đi xa mệt mỏi, thủy thổ không hợp tất sinh bệnh tật, đó là điều bốn. Chu Du nói, đó là điều đại kỵ của binh gia, Tào Tháo đã phạm phải cả bốn điều. Chỉ nội trong hôm nay sẽ bắt sống được tên giặc già này! Mong tướng quân ban cho năm vạn tinh binh. Chu Du đảm bảo sẽ phá được Tào Tháo cho tướng quân!

 

 

Điều này đúng như phán đoán của Gia Cát Lượng, có thể nói “anh hùng suy tính như nhau”. Ở tập trước, chúng ta đã nói tới những phán đoán của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng chỉ rõ ba vấn đề lớn trong cuộc chiến của Tào Tháo: quân vất vả đi đánh xa, bỏ sở trường dùng sở đoản, lòng người không phục. Nhất là Tào Tháo từ xa đến, cả quãng đường dài, tất phải mệt mỏi. Thêm vào đó, Tào Tháo bức xúc muốn thắng, khinh kỵ binh “ngày đêm đi hơn ba trăm dặm”, kết quả biến mình thành “cung mạnh đã giương hết cỡ”, “không thể bắn thủng được mảnh lụa mỏng”. Như vậy là phạm vào những điều đại kỵ “tất phải bại trước tướng quân”.

 

 

Mấy lời của Gia Cát Lượng đã giải đáp vấn đề của Tôn Quyền “Dự Châu vừa bại trận, đã có thể chống lại khó khăn đó”. Vậy, cuộc trò chuyện của Tôn Quyền và Gia Cát Lượng xảy ra vào lúc nào? Theo tôi, phải là sau khi trò truyện với Lỗ Túc và trước lúc trò chuyện với Chu Du. Thời gian cụ thể, là lúc Lỗ Túc đề nghị triệu Chu Du về, là lúc Chu Du đang trên đường quay về. Vì vậy có thể nói, Gia Cát Lượng và Chu Du đã đập tan câu chuyện thần thoại Tào Tháo là bất khả chiến thắng.

 

 

Tóm lại, Lỗ Túc giúp Tôn Quyền thanh toán rõ món nợ về chính trị, Gia Cát Lượng giúp Tôn Quyền tính rõ món nợ về liên minh, hơn nữa còn cùng Chu Du tính rõ món nợ về quân sự. Lỗ Túc giải quyết vấn đề có thể hay không có thể. Lúc này, Tôn Quyền đã có dự định, và ngả luôn bài ngửa: “từ lâu tên giặc già đã muốn phế Hán tự lập, muốn thanh toán hai Viên, Lã Bố, Lưu Biểu và cô! Nay, mấy người đó đã bị diệt, còn lại cô. Cô và lão giặc già sẽ không cùng tồn tại! Quân nói nên đánh rất hợp ý cô, từ nay quân nên giúp cô”. Xin chú ý, từ đây Tào Tháo không còn là ‘Tào công” mà là “lão giặc già”. Hiển nhiên, đó là cách gọi sau khi đã có quyết tâm. Theo chú dẫn “Giang Biểu truyện” của Bùi Tùng Chi trong “Tam quốc chí. Chu Du truyện”, để chứng tỏ lòng quyết tâm của mình, Tôn Quyền đã rút kiếm chặt đứt một góc bàn, rồi nghiêm giọng nói, còn kẻ nào cả gan chủ trương đầu hàng Tào Tháo thì sẽ được như chiếc bàn này!

 

 

Chừng như tối hôm đó Chu Du và Tôn Quyền có buổi nói chuyện riêng với nhau. Theo Giang Biểu truyện, Chu Du nói, số đồng sự tôn kính của tôi chỉ được xem thư của Tào Tháo, nói có tám mươi vạn đại quân, là bắt đầu hốt hoảng. Họ thậm chí không muốn đi xem hư thực thế nào, đã có ý đầu hàng luôn, thực hết sức phi lý, lúc này Chu Du xin tính rõ chuyện này với chúa công. Quân lính phương bắc mà lão giặc già thông lĩnh, số lượng không thể hơn mười lăm mười sáu vạn, và toàn là lũ đã mệt mỏi. Biên chế thêm số quân cũ của Lưu Biểu chừng bảy tám vạn người, giữa chúng còn hoài nghi nhìn ngó nhau. Một lũ quân lính mệt mỏi, lại hoài nghi nhìn ngó nhau, người tuy đông, nhưng có gì đáng sợ? Chỉ cần cho Chu Du năm vạn tình binh là đủ để đối phó với hai mươi vạn quân không còn sức chiến đấu. Mong tướng quân đừng do dự nữa!

 

 

Tôn Quyền nghe xong liền vuốt vai Chu Du nói, Công Cẩn à, lời khanh nói thực hợp với ý ta. Bọn Tử Bố (Trương Chiêu) chỉ nghĩ đến gia đình nhỏ của mình, hẹp hòi quá, khiến ta thất vọng, chỉ có Công Cẩn và Tử Kính là suy nghĩ giống ta. Đúng là trời xanh đã cử hai khanh đến giúp ta (trời xanh đã cử hai khanh đến cho cô) ! Trong một lúc thật khó tập kết được năm vạn người, ngựa. Ta mới có ba vạn người với đầy đủ hạm thuyền, lương thảo và vũ khí. Xin Công Cẩn và Tử Kính, Trình công (Trình Phổ) ra quân trước, ở phía sau ta sẽ “cử thêm người, với đầy đủ vật tư lương thảo, hỗ trợ cho khanh”. Công Cẩn huynh có thể đối phó được với Tào Tháo thì hay quá. Nếu có gì không thuận lợi thì cứ về, bản tướng quân sẽ quyết sống mái với Tào Mạnh Đức.

 

 

Ở đây có ba câu đáng lưu ý : “chỉ có khanh và Tử Kính là cùng suy nghĩ giống cô”; “Đã tuyển được ba vạn người, thuyền lương chiến cụ đầy đủ”; “gặp việc không như ý sẽ về với cô, cô sẽ quyết sống mái với Manh Đức”. Điều này một lần nữa lại chứng tỏ, trước đây Tôn Quyền đã có ý tham chiến, nên mọi thứ như người ngựa, thuyền bè, lương thảo, và vũ khí đều đã chuẩn bị xong. Qua buổi trò chuyện lần này, Tôn Quyền càng thêm tin tưởng. Tôn Quyền phái Chu Du, Trình Phổ là tả hữu đô đốc (chánh phó tổng chỉ huy), Lỗ Túc là tán quân hiệu uý (tham mưu trưởng), thống lĩnh quân Ngô tiến về hướng tây hội hợp cùng Lưu Bị.

 

 

Theo chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Tiên chủ truyện, lúc này theo sự sắp xếp của Lỗ Túc, Lưu Bị đã từ Hạ Khẩu tới Phàn Khẩu. Lúc này “Gia Cát Lượng còn ở bên Ngô chưa về”, quân Tào mỗi ngày một tới gần, Lưu Bị trong lòng như có lửa đốt, ngày ngày cho người ra giữ bến tàu, cuối cùng thì viện binh của Chu Du cũng đã tới, Lưu Bị cử người đền uý lạo quân sĩ, Chu Du nói, việc quân còn ở bên mình, bản tướng không dám rời bỏ cương vị. Nếu được Dự Châu hạ cố tới chơi, là điều mong muốn lớn của Chu Du này. Lưu Bị liền nói với Quan Vũ và Trương Phi, chúng ta chủ động liên minh với Đông Ngô, nếu ta không đi, e không tỏ rõ được thiện chí. Thế rồi Lưu Bị một mình “một cát tới hội” (lên một cát đi gặp Du). Cát là thuyền lớn như “huyền cát”, có lúc lại là thuyền nhỏ như “tẩu cát”. Tóm lại, Lưu Bị một mình một thuyền đi gặp Chu Du. Chúng ta đều biết, trong Tam quốc diễn nghĩa có câu chuyện Quan Vũ “một đao tới hội” (thực tế là hai bên đều “một đao tới hội”), không biết có phải Lưu Bị “một cát tới hội” không. Điều đó chứng tỏ, Lưu Bị đúng là anh hùng.

 

 

Lưu Bị gặp Chu Du tất phải có mấy lời thăm hỏi. Nhưng điều mà Lưu Bị quan tâm nhất lại là vấn đề quân sự. Lưu Bị hỏi, “nay chống Tào công, xin cho biết kế, quân sĩ có bao nhiêu?” Chu Du nói, ba vạn. Lưu Bị không thực hài lòng và yên tâm với con số đó, nhân tiện nói một câu, Giang Biểu truyện nói, Lưu Bị hoàn toàn không tin Chu Du có thể thắng lợi, lại còn có bụng hẹp hòi, có ý “bỏ mặc những khó khăn”, tự mình cùng hai ngàn người đến với Quan Vũ và Trương Phi, không liên hợp với Chu Du. Tôn Thịnh cho rằng điều này là không thực, đây là “cách nói bóng bảy của người Ngô”. Không bàn tới điều này nữa. Nhưng Lưu Bị không quan tâm là có thực, Lưu Bị nói là quá ít (hận vì ít quá)! Nhưng Chu Du lại hết sức tin tưởng nói, ba vạn người là đủ! Xin Lưu Dự Châu cứ yên tâm thoải mái xem tôi phá địch.

 

 

Thái độ của Chu Du là thái độ anh hùng khí khái, còn việc lo ngại của Lưu Bị cũng không hoàn toàn vô lý. Ba vạn người ngựa của Chu Du, thêm vào một vạn của Quan Vũ, một vạn của Lưu Kỳ, tổng cộng năm vạn; mà theo tính toán của Chu Du, quân Tào ít ra cũng có tới hai mươi vạn. Năm vạn chống lại hơn hai mươi vạn, có thắng nổi không?

 

 


Đáp án là một hiện thực, tức là Chu Du chỉ huy liên quân Tôn Lưu đã đại phá quân Tào ở Xích Bích. Tào Tháo bêu đầu sứt trán, vứt mũ bỏ giáp, tháo chạy như điên, dưới sự hiệp kích của Chu Du và Lưu Bị, quân Tào càng thêm rối loạn, may nhờ có Trương Liêu, Hứa Chử đến tiếp ứng, mới thoát được hiểm. Quân thuỷ bộ của Chu Du, Lưu Bị cùng tiến, truy kích Tào Tháo đến tận dưới thành Nam quận. Tào Tháo để Chinh nam tướng quân Tào Nhân và Hoành dã tướng quân Từ Hoảng giữ Giang Lăng, Triết Xung tướng quân Nhạc Tiến giữ Tương Dương, còn mình thì cùng lũ tàn binh bại tướng trở về phương bắc, và từ đó không quay lại nữa.

 

 

Đó là trận chiến Xích Bích. Đó là trận chiến lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh nổi tiếng của Trung Quốc, là trận chiến được đánh giá cao, được coi trọng nhiều, chưa từng có. Nhưng cũng có học giả cho rằng, thực ra lúc đó Tào Tháo chỉ có năm ngàn người và trận chiến Xích Bích chỉ là một trận đánh tao ngộ bình thường, các nhà sử học đã khuếch đại quy mô trận đánh. Đương nhiên đây chỉ là ý kiến của một người. Nhưng trận đánh đã được lịch sử nói tới nhiều lần. Về mục đích, quy mô, thời gian, địa điểm và cả nguyên nhân thất bại của trận đánh, các nhà sử học đã có ý kiến khác nhau. Ví dụ có học giả cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến Tào Tháo thất bại là quân lính gặp phải bệnh dịch, đành phải đốt hết thuyền bè và rút lui. Điều này có lời của Tào Tháo làm chứng. Theo chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí, Chu Du truyện, sau trận chiến Xích Bích, Tào Tháo có gửi thư cho Tôn Quyền nói, “trong trận Xích Bích, bệnh tật phát sinh, cô phải đốt thuyền lui quân, nhờ đó Chu Du mới có hư danh”. Vậy chúng ta muốn hỏi, đúng như vậy chăng? Hãy còn, Tam quốc diễn nghĩa đã mô tả trận đánh với nhiều hình nhiều vẻ, trong đó có nhiều câu chuyện đã phải kể đi kể lại nhiều lần như “khua lưỡi bẻ bọn nho”, “dùng trí khích Chu Du”, “mượn dao giết người” (ở hồi thứ bốn mươi nhăm, Chu Du cử Gia Cát Lượng “cắt đường chuyển lương của Tào Tháo”), “thuyền cỏ mượn tên”, “Hán Trạch dâng thư”, “Bàng Thống hiến kế” và “khổ nhục kế”, “mượn gió đông” v.v... đều là những điều chúng ta đã thuộc lòng. Vì vậy, chúng ta cũng nên hỏi một câu: có những chuyện đó chăng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét