Xích Bích đồ của họa sĩ Vũ Nguyên Trực thời nhà Kim (1115-1234). Niên đại khoảng 1190-1196. |
Tập thứ hai mươi tư: NGHI ÁN XÍCH BÍCH
Tác giả
Dịch Trung Thiên
Qua lời khuyên của Lỗ Túc, Chu Du
trong tập đoàn và Gia Cát Lượng sứ giả của tập đoàn Lưu Bị, Tôn Quyền đã cân nhắc
nhiều lần về thời thế và quyết định liên hợp với Lưu Bị chống lại Tào Tháo, nên
mới có trận chiến Xích Bích. Nhưng còn rất nhiều nghi vấn trong những ghi chép
và mô tả của lịch sử về trận chiến này; cách nhìn của các nhà sử học cũng còn
nhiều vấn đề, thậm chí có người cho rằng đây chỉ là cuộc chiến tao ngộ bình thường.
Vậy, sự thực về trận chiến Xích Bích là như thế nào?
Ở tập này chúng ta bàn về trận chiến
Xích Bích.
Trận chiến Xích Bích chừng là một trận
đánh nổi tiếng nhất trong thời đại Tam Quốc. Nói đến Tam Quốc thì nhiều người
đã biết về trận chiến Xích Bích. Người có công trong việc này phải là La Quán
Trung. Bởi vì trong Tam quốc diễn nghĩa thì phần này là phần được hư cấu nhiều
nhất, được viết tinh tế nhất. Thực tình thì chính sử ghi chép về trận chiến này
không nhiều và còn tồn tại nhiều vấn đề. Vì vậy, đã nhiều lần trong giới sử học
nổ ra “trận chiến Xích Bích mới”. Người ta nói tới các điểm sau: 1- Chiến tranh
của ai?; 2- Quy mô như thế nào; 3- Thời gian địa điểm; 4- Nguyên nhân thắng bại.
Các nhà sử học đã tranh cãi nhiều, thậm chí có nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Như binh lực của Tào Tháo ném vào đó, có người nói thực tế là năm mươi vạn và kỳ
thực là năm ngàn người (ngoài ra còn có người nói bốn mươi vạn, ba mươi vạn và
hơn hai mươi vạn) rõ ràng là khác biệt lớn. Bách gia giảng đàn không phải là học
thuật luận đàn, chẳng có cách nào để bàn về những vấn đề này, chỉ có thể nói một
chút về “ý kiến cá nhân”.
Nên nói về vấn đề thứ nhất trước, tức
là ai đã phát động trận chiến này. Ai cũng rõ, lần này Tào Tháo xuống phía nam
nhằm đánh Lưu Biểu, đoạt Kinh châu. Phải nói rằng mục đích đã trở thành hiện thực
sau khi Lưu Tôn đầu hàng, Lưu Bị chiến bại, Giang Lăng rơi vào hiểm hoạ. Vì thế
mới có chuyện Giả Hủ khuyên Tào Tháo nên dừng lại, ở tập Trời sinh kì tài,
chúng ta đã nói chuyện này. Đương nhiên, Lưu Bị tuy đã trở thành kẻ “cùng đường”,
nhưng “người vẫn còn, con tim còn đập”, nên phải truy đuổi tiếp. Nhưng tôi
nghĩ, không loại trừ một khả năng khác, tức là sau khi đã diệt được Lưu Bị, Tào
Tháo sẽ nhân thế đó, tiêu diệt nốt Đông Ngô. Tam quốc chí. Giả Hủ truyện nói,
“Thái tổ phá Kinh châu, muốn xuôi dòng xuống phía đông”. Chẳng nhẽ chỉ để diệt
Lưu Bị mà phải “xuôi dòng xuống phía đông” sao? Trước lúc Chu Du xuất chinh,
Tôn Quyền đã nói những gì? Tôn Quyền nói: “Khanh đã quyết tâm thì cứ làm, nếu
có điều gì bất lợi thì cứ về, bản tướng quân sẽ quyết sống mái với Tào Mạnh Đức”.
Nếu như lần này, đúng là Tào Tháo chỉ định đánh Lưu Bị thì e Tôn Quyền sẽ chỉ
nói, Du ca à, cứ thử đánh xem. Nếu đánh thắng thì đánh, cứ liệu mà làm; đánh
không thắng thì về, sống chết thế nào mặc xác ông “Lưu hoàng thúc đó”.
Nếu sự việc là như vậy thì mấy vấn đề
sau này thực dễ hiểu. Nên kết luận thế này: quy mô cuộc chiến là tương đối lớn,
thời gian là tháng mười hai năm Kiến An thứ XIII, địa điểm là thị trấn Xích
Bích, Hồ Bắc ngày nay (trước là huyện Bồ Kỳ). Vì sao lại nói như vậy? Bởi các học
giả chủ trương trận chiến Xích Bích là “Trận chiên cỡ nhỏ” đã mô tả trận chiến
đó như sau: tháng bảy năm Kiến An thứ XIII Tào Tháo ra quân, tháng tám Lưu Biểu
chết vì bệnh, tháng chín Lưu Tôn đầu hàng. Tào Tháo cho rằng “Giang Lăng có tiềm
năng về quân sự, e Tiên chủ chiếm mất”, nên đã thống lĩnh năm ngàn kỵ binh tinh
nhuệ vượt ba trăm dặm một ngày đêm, truy đuổi Lưu Bị, hai quân gặp nhau ở Đương
Dương. Lưu Bị thua chạy về Hạ Khẩu. Tào Tháo tiến vào Giang Lăng. Sau khi đã
thu được nhiều vật tư quân nhu, Tào Tháo lại lập tức xuôi dòng xuống phía dưới,
kết quả, đụng vào liên quân Tôn Lưu đang ngược dòng lên và bất ngờ xảy ra ‘Tao
ngộ chiến”. Vì không hẹn mà gặp, vì bất ngờ mà phải ứng chiến, và vì một số nguyên
nhân khác nữa, Tào Tháo đã thất bại.
Nếu tán thành cách nói trên thì phải
thừa nhận thời gian xảy ra trận chiến là tháng mười. Vì đến tháng mười hai thì
hậu quân của Tào Tháo hẳn đã đến, binh lực sẽ không phải là năm ngàn. Vậy năm
ngàn tinh binh của Tào Tháo đến Xích Bích vào tháng mười để làm gì? Đương nhiên
là nhằm đánh Lưu Bị, không phải đánh Tôn Quyền. Theo Tam quốc chí. Trình Dục
truyện, lúc này “Lưu Bị đang chạy về Ngô”, rất nhiều mưu sĩ của Tào Tháo dự
đoán Tôn Quyền sẽ giết Lưu Bị, chỉ có Trình Dục không cho là như vậy. Tào Tháo
nghĩ sao? Không thấy nói. Vì vậy có thể tưởng tượng phán đoán của Tào Tháo lúc
đó, sẽ không có liên minh Tôn Lưu. Nhưng thực không ngờ họ đã liên minh với
nhau và tập kết được năm vạn quân. Đương nhiên, năm ngàn quân không phải là đối
thủ của năm vạn quân và là “cuộc chiến cỡ nhỏ”.
Nói như vậy, cũng không phải là không
có lý có cứ, chứng cứ có trong Tam quốc chí. Gia Cát Lượng truyện. Ở đó, Gia
Cát Lượng đã nói với Tôn Quyền: “Quân Tào Tháo tù xa đến tất đã mệt mỏi, còn đuổi
Dự Châu, quân khinh kỵ ngày đêm đi ba trăm dặm, khác nào cung đã giương hết cỡ,
chưa chắc đã bắn thủng được mảnh lụa mỏng”. Theo cách nói này, thì binh lực của
Tào Tháo chỉ có năm ngàn và là đoàn khinh kỵ hành quân qua một chặng đường dài
từ Tương Dương đến Giang Lăng.
Nhưng ở đây đã có vấn đề, nếu đúng là
Tào Tháo chỉ xuống phía đông với năm ngàn quân, thì vì sao khi Chu Du đưa ba vạn
người ngựa đến cứu viện, Lưu Bị lại “hận là rất ít”? Rõ ràng, binh lực của Tào
Tháo ít ra cũng có mười vạn. Hoặc, lúc Gia Cát Lượng nói, chỉ có năm ngàn, sau
đó không ngừng tăng thêm. Điều đó cần phải có thời gian, vì vậy chiến tranh phải
nổ ra vào tháng mười hai. Còn về địa điểm giao chiến, nhà sử học tỉnh Hồ Bắc đã
nói là “Văn võ Xích Bích”. Trận chiến Xích Bích tức là Bồ Kỳ Xích Bích thì gọi
là “võ Xích Bích”, từ phú của Tô Đông Pha tức là Hoàng Châu Xích Bích thì gọi
là “văn Xích Bích”), không bàn tiếp.
Kỳ thực, chỉ cần đầu mâu của Tào Tháo
chỉ vào Tôn Quyền, hoặc Lưu Bị trừ bỏ Tôn Quyền, hoặc Tôn Quyền trừ bỏ Lưu Bị,
Tào Tháo sẽ không khinh địch đến nhường ấy. Ở trận Tương Dương, Lưu Bị đã là tướng
bại trận, chim sợ cung, với năm ngàn tình binh có thể đối phó được. Nhưng Tôn
Quyền thì lại khác. Gia Cát Lượng từng nói “Tôn Quyền có Giang Đông, đã trải ba
đời, có thế hiểm dân theo, biết dùng người hiền năng”, Tào Tháo không thể không
biết điều này. Vậy, nếu muốn đánh Tôn Quyền, Tào Tháo không thể chỉ có năm ngàn
người. Thực tế thì Tam quốc chí Chu Du truyện đã nói rất rõ: ‘Tào vào Kinh
châu, Lưu Tôn đưa quân xin hàng, Tào công có được thủy quân, thuyền, bộ binh kể
là chục vạn”, sao lại chỉ có năm ngàn? Có điều, chúng ta không thể làm rõ được
là mấy mươi vạn; Tào Tháo nói mình có tám mươi vạn, đó là nói khống. Nhưng nếu
bớt đi một nửa, cũng có bốn mươi vạn; lại bớt đi một nửa nữa, cũng có hai mươi
vạn. Con số mà Chu Du tính toán cũng là vậy. Có học giả cho rằng, con số Chu Du
tính tới là toàn bộ binh lực của Tào Tháo, không phải là số quân tham chiến. Vậy
nếu bớt đi một nửa thì cũng có mười vạn. Hơn nữa, truy đuổi Lưu Bị là năm ngàn
kỵ binh, làm gì có hạm thuyền “đầu đuôi liên tiếp”, làm gì có chuyện hoả thiêu
Xích Bích? Cho nên, nói trận chiến Xích Bích là “trận tao ngộ” e chỉ có một người.
Sau khi đã xác định quy mô tương đối lớn,
trận chiến Xích Bích có bốn giai đoạn, là quyết sách, chuẩn bị, giao chiến,
hoàn thành. Quá trình này, Tam quốc diễn nghĩa viết rất tinh tế, lưu lại một di
sản quý báu trong kho tàng văn học cổ đại Trung Quốc. Nhưng lấy làm tiếc khi phải
chỉ ra rằng, văn học không phải lịch sử. Tam quốc diễn nghĩa đã tốn hết tám hồi
để mô tả đậm nét về quá trình chiến tranh, nhất là những câu chuyện làm khoái
khẩu mọi người, nhưng phần lớn lại là hư cấu.
Ở đây cũng có hai tình huống. Một loại
hoàn toàn không có trong sử, như “Uốn lưỡi bẻ bọn nho”, “Lấy trí khích Chu Du”,
“Hám Trạch dâng thư”, “Bàng Thống hiến kế”, cùng “Mượn gió đông” v.v... Một loại
có một chút trong sử, nhưng đã bị ghép hoa chiết cành hoặc phóng đại lên. Như
nói, “Tưởng Cán trúng kế”, không phải hoàn toàn bịa đặt. Chí ít, con người Tưởng
Cán là có thật, từng đến doanh trại Chu Du. Nhưng đáng tiếc, đó là sau trận chiến
Xích Bích, Tư trị thông giám ghi năm Kiến An thứ XIV (Công nguyên năm thứ 209).
Đương nhiên là không bị lừa lấy trộm thư sách nào đó. Về sau sẽ nói thêm về
chuyện này.
“Thuyên cỏ mượn tên” cũng là truyện có
một ít trong sử, nhưng sự việc lại phát sinh rất muộn, tận năm Kiến An thứ
XVIII (năm 213). Chẳng qua là phát sinh trên người Tôn Quyền và cũng không phải
vì mượn tên. Sau này sẽ nói tiếp. Thực tế thì, về mặt kỹ thuật không thể thực
hiện được “thuyền cỏ mượn tên”. Có người đã tính toán rất kỹ về điều này, không
bàn tiếp ở đây.
Xem ra, trong Tam quốc diễn nghĩa có
nhiều vở kịch hay mà lịch sử chưa từng diễn.
Thực tế, chính sử ghi chép rất đơn giản
về trận đánh này, và cách nói của Trần Thọ còn nhiều mâu thuẫn. Như ai đã phóng
hoả ở trận chiến Xích Bích? Có hai cách nói. Tiên chủ truyện và Chu Du truyện
nói liên quân Tôn Lưu đã đốt thuyền; Quách Gia truyện và Ngô chủ truyện nói
chính Tào Tháo đã đốt thuyền. Để không ảnh hưởng tới tình cảm của độc giả, tôi
đã ghi lại cả hai cách nói ở phần sau, nếu độc giả nào không có hứng thú thì
hãy bỏ qua đoạn này, đọc tiếp phần sau.
Có hai cách nói về chuyện đốt thuyền:
Tiên chủ truyện nói, “Quyền phái Chu
Du, Trình Phổ, mấy vạn thủy quân hợp lực cùng Tiên chủ, đánh nhau với Tào công ở
Xích Bích, đốt phá hạm thuyền của chúng. Tiên chủ và quân thuỷ lục của Ngô cùng
truy đuổi tới Nam quận. Bấy giờ có dịch, quân Bắc chết nhiều, Tào công cho lui
quân”. Quách gia truyện nói, “Du, Phổ là tả hữu đô đốc, mỗi người lĩnh một vạn
quân, cùng Bị tiến tới, gặp nhau ở Xích Bích và đại phá quân Tào. Tháo tự đốt
thuyền, cho quân lui, quân sĩ đói khát, dịch bệnh chết quá nửa, Bị, Du đuổi tới
Nam quận, Tào công rút về phương bắc. Chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng
Chi trong “Chu Du truyện” thậm chí còn nói, sau đó Tào Tháo còn viết thư cho
Tôn Quyền, nói: “Chiến dịch Xích Bích, xảy ra dịch bệnh, cô tự đốt thuyền và
lui quân, Chu Du mới có hư danh”. Theo cách nói đó, chính Tào Tháo đã đốt các
chiến hạm của mình, chẳng có việc gì của Chu Du và cũng chẳng có việc gì của
Gia Cát Lượng.
Lá thư của Tào Tháo, đương nhiên không
thể tin tưởng hoàn toàn, nhưng cũng không phải là không có một chút căn cứ nào.
Theo tôi, có thể tin được một phần, phải nói như trong Chu Du truyện: “Lúc đó
trong quân Tào đã lan tràn dịch bệnh, vừa giao chiến, quân Tào đã bại lui, lần
nữa về Giang Bắc, Du ở bờ nam”. Cũng tức là, quân Tào từ Giang Lăng xuôi dòng
xuống, liên quân Tôn Lưu từ Phàn Khẩu ngược dòng lên, hai quân gặp nhau ở Xích
Bích, kết quả là quân Tào bại trận, “lần nữa về Giang Bắc”, để chiến hạm ở Ô
Lâm (nay là thị trấn Hồng Hồ, Hồ Bắc), bên bờ đối diện.
Vì sao hai quân vừa giao chiến, Tào
Tháo đã bị bại? Tào Tháo bình truyện của ngài Trương Tác Diệu đã nêu ra bốn
“nguyên nhân trực tiếp”. Thứ nhất, dịch bệnh lan truyền trong quân Tào, người bệnh
nhiều, sức chiến đấu giảm sút. Tam quốc chí - Vũ đế kỷ nói: “Tháo đến Xích Bích
đánh nhau với Bị, thấy bất lợi. Đại dịch bùng phát, quân sĩ chết nhiều, nên cho
lui quân”. Tưởng Tế truyện cũng nói, “đại quân đánh Kinh châu, gặp dịch bệnh”.
Thứ hai, quân Tào không quen thủy chiến, đứng còn chưa vững, đánh đấm sao được?
Thứ ba, Tào Tháo chưa thấu hiểu về địch, những tưởng minh hung hăng là vô địch,
nào ngờ lại bị đánh phủ đầu lúc vừa gặp nhau. Thứ tư, hai quân gặp nhau ở chỗ
đường hẹp, lại là giữa sông, Tào Tháo đông người rất khó xoay xở, quân bộ lại
càng khó sử dụng. Vì vậy, ngài Trương nói, trong những tình huống đặc biệt như
vậy Tào Tháo vốn có ưu thế, ngược lại đã rơi vào thế cùng.
Gia Cát Lượng và Chu Du, gần như đã
tính đến cả bốn nguyên nhân đó. Như Chu Du đã tính đến tật bệnh. Chu Du và Gia
Cát Lượng đều đã nói tới hai điều: quân lính mệt mỏi và lòng người không phục,
e cũng là những điều quan trọng. Còn một điểm nữa cũng không thể không chỉ rõ,
tức là Tào Tháo đã gây “chiến tranh xâm lược” còn liên quân Tôn Lưu đã sử dụng
“chiến tranh bảo vệ”. Thỏ khi giận còn cắn người, nữa là Chu Du và Lưu Bị? Nhìn
vào sử liệu, chúng ta thấy ý chí chiến đấu bên liên quân Tôn Lưu rất mạnh. Tôi
tin rằng khi đến Xích Bích, mọi tướng sĩ đều xoa tay, giậm chân đòi đánh thử.
Còn bên phía Tào Tháo thì sao? Gần như không có ghi chép gì. Hai quân đối địch,
kẻ mạnh sẽ thắng! Vừa vào trận, liên quân Tôn Lưu đã báo tin thắng trận, thực
chẳng có gì là lạ.
Đường tiến quân của Tào Tháo và bản đồ trận Xích Bích. Điểm đánh dấu trên bản đồ nằm gần vị trí của thành phố Xích Bích ngày nay. |
Vừa đánh nhau đã thất lợi, Tào Tháo
không thể không ngừng lại, chiến thuyền đều quay vào bờ. Lúc này là mùa đông
giá rét, gió bắc thổi mạnh, thuyền bè chao đảo, trong quân Tào nhiều người mắc
bệnh. Để giải quyết vấn đề này, Tào Tháo lệnh, khoá các chiến hạm vào với nhau,
lục quân thì lập doanh hạ trại ngay trên bờ. Cách làm này là do Tào Tháo tự quyết,
hay là ý kiến của mưu sĩ nào, chúng ta không được biết, nhưng có thể khẳng định
Bàng Thống không liên quan. Tam quốc chí. Bàng Thống truyện ghi chép rất rõ
ràng, Bàng Thống không tham dự trận chiến này.
Liên quân Tôn Lưu sẽ nhanh chóng biết
được tình hình bên phía Tào. Theo Tam quốc chí. Chu Du truyện, lúc đó bộ tướng
Hoàng Cái nói với Chu Du: “Nay giặc đông ta ít, khó chống giữ lâu. Nhưng xem hạm
thuyền của quân Tào đầu đuôi liên tiếp, có thể phóng hoả mà đốt”. Rõ ràng binh
lực bên phía Tào nhiều hơn bên liên quân, nên mới có câu “giặc đông ta ít”.
Nhưng vào lúc đó bên phía quân Tào đang lan truyền dịch bệnh nghiêm trọng, mất
sức chiến đấu nên mới thua. Tào Tháo còn phạm vào một sai lầm khác là đã khoá
thuyền vào với nhau, Hoàng Cái mới có ý phóng hoả.
Chu Du nghe kế và Hoàng Cái trá hàng,
phóng hoả, quân Tào đại bại. Nghe nói hôm đó Hoàng Cái chuẩn bị mấy chục chiếc
thuyền nhỏ, trên thuyền chất đầy cỏ khô có tẩm dầu, tất cả được che bằng vải
xanh trên cắm cờ, rầm rầm rộ rộ tiến lên bờ bắc. Tất cả quân Tào thò đầu rướn cổ
nhìn, chỉ chỉ trỏ trỏ kháo nhau Hoàng Cái đã đến hàng, ngờ đâu sau khi đoàn
thuyền của Hoàng Cái lướt qua, tất cả nhất tề phóng hoả. Bấy giờ gió đông nam
thổi mạnh, thế lửa lướt thẳng tới bờ. Toàn bộ chiến hạm và doanh trại của Tào
Tháo đều bị bốc cháy, chốc lát “Khói lửa ngút trời”. Quân Tào người bị thiêu
sông, kẻ bị đè chết, người ngã ngựa nhào, Tào Tháo đành phải rút lui. Trước khi
lui quân, Tào Tháo cho đốt hết những thuyền bè còn lại. Ngô chủ truyện mới nói,
“Tháo đốt hết số thuyền còn lại rồi lui”. Nói như vậy, nghe hợp hơn.
Tào Tháo bại lui, quân lính vô cùng rối
loạn. Theo chú dẫn Sơn Dương công tải kí của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí -
Vũ đế kỷ, sau khi thuyền bè bị đốt cháy (trong sách nói là Lưu Bị đốt), Tào
Tháo thống lĩnh tàn quân “rút theo đường Hoa Dung”. Lúc đó đường sá lầy lội,
không sao đi được, trời lại gió to, Tào Tháo lệnh cho “Luy binh” phải vác cỏ
lót đường. Luy tức là gầy yếu. “Luy binh” là bộ phận binh lính không còn sức
chiến đấu, thậm chí có thể là thương bệnh binh. Đường vừa tạm chữa xong, đoàn kỵ
binh đã xông thẳng lên phía trước, mặc sự sống chết của họ. Kết quả là số luy
binh đã bị người ngựa giẫm đạp, mất mạng ngay trên đoạn đường vừa sửa xong.
Chúng ta không rõ số luy binh đó là bộ phận nào, là số quân mà Tào Tháo đưa từ
phương bắc tới, hay là số binh lính của Lưu Tôn đầu hàng; cũng không biết có phải
họ đã mất hết sức chiến đấu, hay đã bị nhiễm bệnh trong chiến tranh. Nhưng dù
sao đi nữa, họ vẫn luôn là những đối tượng cần được cứu trợ. Theo tinh thần
nhân đạo, Tào Tháo phải để số luy binh đi trước, còn mình thì thống lĩnh tinh
binh đoạn hậu. Nhưng hình như thời đó chưa có quan niệm về chủ nghĩa nhân đạo
và ở Tào Tháo càng không có.
Cách nói trong Tư trị thông giám của
Tư Mã Quang là như vậy. Từ đó thấy rõ, Tào Tháo thất lợi trong trận Xích Bích,
một là nhiễm bệnh, hai là bị đốt, mới quyết định rút quân. Vì vậy trong lời chú
thích Giả Hủ truyện, Bùi Tùng Chi nói: “Bại ở Xích Bích là do vận số. Là do dịch
bệnh lan mạnh, sức chiến đấu suy giảm; lại có gió từ Nam, lửa càng được thế. Đó
là trời làm, đâu phải việc của người!” Trước hết bởi gặp “trận đánh lạ” hoặc
“lây bệnh từ chim muông” (dịch bệnh lan tràn), sức chiến đấu giảm sút (tổn hại
đến sức chiến đấu). Thứ nữa, không ngờ mùa đông tháng chạp lại có gió đông nam,
giúp Hoàng Cái đánh hoả công (nhờ thế lửa bốc mạnh). Tào Tháo thất bại, do vận
khí không tốt.
Kỳ thực thì sự việc đâu có đơn giản
như vậy. Tào Tháo thất bại, có nguyên nhân khách quan, cũng có nguyên nhân chủ
quan. Ngài Trương Tác Diệu đã có tổng kết rất hay trong Tào Tháo bình truyện.
Chúng ta đều biết, Tào Tháo có ưu thế rất rõ ràng. Thứ nhất, Tào Tháo ép thiên
tử để lệnh chư hầu, chư hầu không dám tranh giành, đó là ưu thế về chính trị;
thứ hai, Tào Tháo đoạt Kinh châu, uy trấn bốn biển, nhiều người chợt nghe đã hồn
bay phách lạc, đó là ưu thế về tâm lý; thứ ba, Tào Tháo xuống phía nam, thế như
chẻ tre, lòng quân phấn chấn, lấy thế của kẻ thắng đánh quân đã khiếp vía, đó
là ưu thế về khí thế; thứ tư, binh lực của Tào Tháo gấp bội so với liên quân
Tôn Lưu, đó là ưu thế về quân sự. Đây là bốn điều ngài Trương đã nêu ra trong
sách. Nhưng vì sao Tào Tháo vẫn bị bại trận?
Cũng có mấy nguyên nhân. Căn cứ theo
phân tích của ngài Trương có tham khảo thêm quan điểm của một số học giả khác,
tôi cho rằng, chủ yếu là sai lầm về chiến lược. Tức là, Tào Tháo không xác định
rõ mục tiêu chiến lược của mình là gì, đoạt Kinh châu, hay là đoạt Giang Đông?
Là tiêu diệt Lưu Bị hay tiêu diệt luôn cả Tôn Quyền? Lúc này nhìn lại như là ý
sau, hoặc cả hai ý, tóm lại là không rõ ràng. Thực ra thì khẩu vị của Tào Tháo
không nên quá lớn như vậy. Cần phải xác định rõ mục tiêu của mình là Kinh châu
và Lưu Bị. Nếu là vậy, thì Tào Tháo nên thế này, sau khi đánh bại Lưu Bị phải
chạy đến Hạ Khẩu, giết nốt những kẻ khác, có thể đã bắt được cả Lỗ Túc. Và dù
không tiêu diệt được Lưu Bị thì cũng chặn được đường, Lưu Bị không thể liên hệ
với Giang Đông, buộc phải xuống phía nam chỗ Thương Ngô. Như vậy thì kết quả
lúc này đã khác hẳn.
Nhưng không hiểu vì sao, Tào Tháo lại
bỏ qua Lưu Bị, quay đầu tiến thẳng tới Giang Lăng. Kỳ thực số quân nhu vật tư ở
Giang Lăng hoàn toàn có thể để bộ phận phía sau giải quyết. Lưu Tôn đã đầu
hàng, Tương Dương đã ở trong tay, lẽ nào Giang Lăng không phải là vật trong
túi? Thả Lưu Bị tức là thả hổ về rừng. Nhưng chưa phải là điều đáng ngại. Lúc
này, sau khi nghỉ ngơi chốc lát, Tào Tháo vẫn có thể nhanh chóng tiến về đông,
phá liên minh Tôn Lưu trước khi có thể hình thành. Nên nhớ rằng, việc này cũng
cần có một quá trình, chỉ cần liên minh Tôn Lưu không thành, thì việc tìm diệt
một mình Lưu Bị cũng đủ để lực lượng của Tào Tháo mạnh lên gấp bội.
Nhưng Tào Tháo chỉ dừng ở Giang Lăng
chừng hai tháng. Đương nhiên, lúc này có nhiều việc Tào Tháo cần phải làm, như ổn
định việc quan việc dân ở Kinh châu, bao gồm cả việc phái cử Lưu Tôn, là Thứ sử
Thanh Châu, Văn Sính là Thái thú Giang Hạ, phóng thích Hàn Tung bị Lưu Biểu
giam cầm, phong Khoái Việt cùng mười lăm người khác là hầu. Nhưng đã vậy thì phải
nghe theo ý của Giả Hủ, dứt khoát sử dụng chính sách mềm dẻo để Giang Đông phải
thần phục Nhưng Tào Tháo lại không. Sau khi dừng lại hai tháng ngắn ngủi ở
Giang Lăng, bỗng Tào Tháo vội vã đông tiến. Ở đây sự việc trở nên tồi tệ chính
bởi bốn chữ “không dài không ngắn”. Nếu thời gian dừng chân ngắn, liên minh Tôn
Lưu không thể hình thành, kẻ thù của Tào Tháo là một mình Lưu Bị; thời gian dừng
chân dài, thời gian chuẩn bị chiến tranh đầy đủ hơn. Thời gian tác chiến cũng hợp
lí hơn. Ví như, sau lúc khai xuân năm sau mới tiến quân vào Xích Bích, có lẽ đã
không có nhiều phiền hà đến vậy.
Tào Tháo vẫn có cách lựa chọn thứ ba,
tức là lưu lại Giang Lăng, phái một đại tướng khác cầm quân tiến đánh Hạ Khẩu,
chiếm Hạ Khẩu hoặc trấn giữ tại Hạ Khẩu. Chúng ta đều biết, lúc đó Lưu Kỳ ở Hạ
Khẩu có một vạn người; Quan Vũ ở Giang Lăng cũng có một vạn người. Sau khi bại
trận ở Đương Dương, Lưu Bị không thể đến Giang Lăng, để “vòng qua Hán Tân” (Hán
Tân là bến đò ở Kinh Môn, Hồ Bắc ngày nay) cùng hội hợp với Quan Vũ đến tiếp ứng,
cả hai vượt tiếp Miện Thủy gặp Lưu Kỳ Thái thú Giang Hạ và cùng đến Hạ Khẩu.
Lúc này, nếu Tào Tháo đưa năm ngàn khinh kỵ đi đánh Lưu Bị là mạo hiểm. Nhưng
phái đại quân (bộ binh và kỵ binh) xuất phát từ Tương Dương hoặc từ Giang Lăng
thì lại hay hơn. Chí ít, khi đại quân áp cảnh Hạ Khẩu cũng là một uy hiếp với tập
đoàn Tôn Quyền. Khi đó, chẳng cần nói tới bọn Trương Chiêu, mà ngay cả bản thân
Tôn Quyền cũng phải có thái độ khác.
Thực ra thì lúc đầu Tào Tháo cũng muốn
coi lục quân là chủ lực, bằng đường bộ tiến tới phía đông, từ chỗ hiểm ở hai bờ,
chọn chiến trường thích hợp. Lục quân của Tào Tháo từng trải xa trường, anh
dũng thiện chiến. Nhưng thủy quân lại còn nhiều vấn đề, tự huấn luyện không có
kinh nghiệm chiến đấu, còn li tâm li đức lúc Kinh châu đầu hàng. Một đội ngũ
như vậy, không thể làm tiên phong, càng không thể là quân chủ lực.
Coi như đều chưa làm những việc đó, hoặc
đều có sai lầm, nhưng Tào Tháo vẫn còn một cơ hội khác, tức là lúc đó quân lính
đang ở Ba Khâu (nay là thị trấn Nhạc Dương, Hồ Nam), lúc gặp bệnh dịch thì nên
dừng lại, thậm chí là quay lại Giang Lăng. Lưu lại Ba Khâu, liên quân Tôn Lưu sẽ
không đến, có thể là như vậy; nhưng về lại Giang Lăng thì dứt khoát có thể
tránh được va chạm. Có thể nói, Tào Tháo đã sai lại thêm sai.
Nhưng vì sao, một người đã trải qua
trăm trận, lắm mưu nhiều kế như Tào Tháo lại có thể phạm những sai lầm đó?
Trong Tào Tháo bình truyện của mình, ngài Trương Tác Diệu cho rằng “nguyên nhân
cơ bản là trong tư tưởng đã có sự kiêu ngạo và khinh địch”, còn nói thêm, đây
cũng là nhận thức chung của các sử gia. Nói như vậy là có lý. Có thể vì nguyên
nhân này, Tào Tháo đánh giá chưa hết về liên minh Tôn Lưu, luôn nghĩ rằng Tôn
Quyền rồi cũng như Công Tôn Khang, sẽ mang đầu Lưu Bị đến nộp. Nhưng Tào Tháo
không nghĩ tới, Tôn Quyền không phải Công Tôn Khang, lúc này cũng không phải là
lúc đó. “Độc Thông giám luận” của Vương Phu Chi nói, sở dĩ Tào Tháo có thể định
xong phương bắc, bởi các chư hầu tự tàn sát lẫn nhau, cuối cùng chỉ còn lại hai
nhà Tôn Lưu. Nếu như hai nhà không đoàn kết thì chỉ có đường chết. Vì vậy liên
minh Tôn Lưu là thế tất yếu.
Nhìn chung lại, chúng ta có thể nói,
Tào Tháo bại vì khinh địch; Tôn Quyền thắng vì có liên minh. Đây là nguyên nhân
hết sức quan trọng. Còn như mấy việc, Tào Tháo không biết Hoàng Cái trá hàng,
không ngờ mùa đông có gió đông nam, đều là những vấn đề nhỏ.
Ngoài ra, Tào Tháo thất bại, có thể
còn một nguyên nhân nữa, là Tào Tháo đã già. Nhà sử học nổi tiếng, Ngô Hàm đã
có biểu liệt kê về tuổi tác trong bài ‘‘Bàn về Chu Du, Gia Cát Lượng, Trương
Chiêu trong trận chiến Xích Bích”. Ngài Ngô nói, trong trận Xích Bích Tôn Quyền
hai mươi bảy tuổi, Gia Cát Lượng hai mươi bảy tuổi, Chu Du ba mươi tư tuổi, Lỗ
Túc ba mươi bảy tuổi, Tào Tháo năm mươi tư tuổi. Vì vậy Ngô Hàm nói, đây không
chỉ là trận yếu đánh bại mạnh, kẻ bị đánh, đánh bại kẻ tiến công, ai binh đánh
bại kiêu binh mà còn là trận đánh “Thanh niên đánh bại lão tướng”. Ngài Ngô Hàm
còn chưa tính đến một người, đó là Lưu Bị bốn mươi bảy tuổi. Nhưng nếu thêm cả
Lưu bị thì tuổi bình quân bên phía liên quân cũng chỉ là ba mươi tư tuổi, đúng
bằng tuổi của Chu Du. Chu Du là tổng chỉ huy liên quân Tôn Lưu. Cho nên, trận
chiến Xích Bích có thể coi là Chu Du đã đánh bại Tào Tháo, ba mươi tư tuổi đánh
bại năm mươi tư tuổi.
Có điều Tào Tháo luôn là Tào Tháo. Tuy
đã già, đã bại nhưng bản sắc anh hùng tiếu ngạo giang hồ thì vẫn y nguyên “Sơn
Dương công tải kí” nói, sau khi ra khỏi đường Hoa Dung Tào Tháo lại vui vẻ như
thường. Mọi người hỏi vì sao, Tào Tháo nói, Lưu Bị đúng là đối thủ của ta,
nhưng tiếc là động tác có phần hơi chậm. Nếu biết chặn đường và phóng hoả thì e
chúng ta đã trở thành tro bụi hết. Một lúc sau, thì đúng là Lưu Bị đã phóng hoả,
nhưng Tào Tháo đã đi khỏi. Nhân tiện nói thêm, lúc biên tuyển Tư trị thông
giám, Tư Mã Quang đã lược bỏ đoạn này. Cũng xin nói thêm, toàn bộ quá trình này
không liên quan đến Quan Vũ.
Trận chiến Xích Bích là tổn thất lớn nhất mà Tào Tháo gặp phải trong lúc nam chinh bắc chiến, nhưng Tào Tháo vẫn cười. Vậy, Tào Tháo có thể cười đến tận cùng được không?
HẾT TẬP 1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét