Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

QUỶ SAI THẢN KHIẾN

 


Giả Hủ bàn bạc với Trương Tú

Tập thứ tám: QUỶ SAI THẢN KHIẾN

 

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Sau khi Tào Tháo nghênh đón thiên tử và dời đô về huyện Hứa, đã có được nguồn nhân lực và vốn liếng chính trị to lớn. Thế là Tào Tháo một tay giương cờ, một tay rút đao, lấy đó để hiệu triệu thiên hạ, hiệu lệnh chư hầu, đạp bằng bốn biển, thống nhất chín châu. Làm được như vậy không phải dễ và không thể hoàn toàn thuận lợi. Trong cuộc đấu tranh gian khổ và khốc liệt đó, đã mấy lần suýt nữa toàn quân thua to, Tào Tháo phải chết sớm. Vậy, nguyên nhân gì khiến Tào Tháo có thể chuyển nguy thành an, chuyển bại thành thắng, và lại có ai được quỷ thần sai khiến đến bên cạnh, giúp đỡ Tào Tháo  trong lúc có tính quyết định đó?

 

 

Phần trên chúng ta đã nói, vào năm Kiến An năm đầu (năm 196) thời Hán Hiến đế, Tào Tháo làm được hai việc lớn, một là nghênh đón thiên tử, dời đô về huyện Hứa, hai là thực thi chế độ đồn điền. Việc trước khiến Tào Tháo có được ưu thế về mặt chính trị (Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục), việc sau khiến Tào Tháo được bội thu về mặt kinh tế (có hàng trăm vạn đấu thóc). Người người hướng về vị thiên tử đã được no đủ ở Hứa Đô, rất nhiều người đã đến nhờ cậy Tào Tháo. Ngay cả Lưu Bị lúc còn chưa thể hiện được gì, cũng đã cùng Quan Vũ, Trương Phi, chạy tới. Thế là, với cái vốn chính trị hùng hậu, nhân tài đông đúc, lương thực sung túc, Tào Tháo bắt đầu cuộc chinh phạt của mình.

 

 

Lúc đầu có nhiều thuận lợi đặc biệt. Tháng giêng năm Kiến An thứ II (năm 197), Tào Tháo nam chinh, Trương Tú cát cứ ở Uyển Thành (nay là thị trấn Nam Dương, Hà Nam) đã phải ra hàng. Lúc này cách lúc Tào Tháo thực hành chiến lược “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” chưa đến vài tháng. Vừa rút dao ra, quân không phải đổ máu đã giành được thắng lợi, Tháo có phần tự mãn, hành vi cử chỉ có phần tuỳ tiện thiếu thận trọng hơn. Theo chú dẫn Phó tử của Bùi Tùng Chi trong bản chính Tam quốc chí. Trương Tú truyện, lúc đó Tào Tháo đã làm hai việc không nên làm, một là cưỡng ép thím của Trương Tú (tức là vợ của Trương Tế) làm thiếp, Trương Tú cảm thấy nhục nhã (Tú rất hận); hai là lôi kéo Hồ Xa, bộ tướng luôn ở cạnh Trương Tú, Trương Tú cảm thấy bị uy hiếp (nghi rằng Thái tổ muốn để tả hữu giết mình). Nghe nói Trương Tú bất mãn, sợ có điểu bất trắc, Tào Tháo có ý muốn giết Trương Tú (Thái Tổ nghe Tú không vui, liền có mật kế giết Tú), nhưng không biết vì sao tin tức đã bị lộ (kế lộ). Thế là Trương Tú liền làm phản, trong lúc không kịp đề phòng, Tháo đã bị đánh đến tơi bời. Con cả là Tào Ngang (người mà Tháo ưng ý nhất), mãnh tướng Điển Vi (gần gũi Tào Tháo nhất) và một đứa cháu là Tào An Dân, đều phải chết trận, Tháo cũng bị trúng tên, suýt phải mất mạng.

 

 

Giả Hủ mưu sĩ của Trương Tú là người vạch kế hoạch cụ thể hành động mưu phản lần này. Giả Hủ tự Văn Hoà, người Vũ Uy, nghe nói là loại nhân vật như Trương Lương, Trần Bình, thậm chí còn được gọi là kỳ tài, quái tài, quỷ tài số một thời đại Tam quốc. Tự của Giả Hủ là “Văn Hoà” và “sứ mạng lịch sử” của Văn Hoà lại là “loạn võ” (đây là phát hiện của nhà văn Chu Trạch Hùng). Tam quốc chí. Giả Hủ truyện có ghi lại tường tận những câu kết “loạn võ” trước kia. Ví như việc Lý Thôi và Quách Dĩ uy bức hoàng đế, đất nước hỗn loạn, cũng là nghiệp chướng của Giả Hủ. Sau khi Đổng Trác bị Vương Doãn và Lã Bố đâm chết, Lý Thôi và Quách Dĩ thấy đại thế đã hết đâm thối chí, chán nản, chuẩn bị giải thể đội ngũ, theo đường tắt trở lại quê nhà. Giả Hủ liền ngăn hai người lại, sao các vị lại “bỏ quân ra đi một mình”, một viên đình trưởng nhỏ nhoi cũng có thể bắt hai vị về quy án. Chi bằng tập hợp đội ngũ, đánh thẳng về Tràng An, báo thù cho Đổng Trác. Việc mà thành, hai vị có thể “phụng đất nước để đánh thiên hạ”; việc không thành, hai vị bỏ chạy cũng chưa muộn! Lý Thôi và Quách Dĩ nghe có lí, liền đánh trở lại, kết quả đất nước, hoàng đế và nhân dân lại gặp hoạ. Có điều, Giả Hủ cũng là người hiểu rõ về mình. Lý Thôi, Quách Dĩ muốn phong hầu cho Giả Hủ, Giả Hủ nói, “Là kế cứu mệnh, chứ công lao gì đâu?” rồi từ chối không nhận. Lý Thôi và Quách Dĩ lại bái Giả Hủ là Thượng thư bộc xạ, Giả Hủ lại nói, “Hủ không chuộng hư danh, chẳng cần ai phải phục. Nay nếu vì cái danh cái lợi thì đất nước này sẽ ra sao”, kết quả là Lý Thôi và Quách Dĩ vừa kính trọng lại vừa sợ Giả Hủ. Về phần mình, Giả Hủ tự biết là có tội ác trầm trọng nên đã chế ngự được nhiều tội ác của hai người kia, bảo vệ được không ít đại thần, coi như lấy công chuộc tội!

 

 

Sau khi thiên tử rời khỏi Tràng An, Giả Hủ liền từ quan, và lọt vào trong quân của Trương Tú, Tú lấy phận là hậu bối để tạ lễ. Trương Tú chuẩn bị đánh lại Tào Tháo, Giả Hủ đã lập kế hoạch giúp. Theo chú dẫn Ngô thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Trương Tú truyện, lúc đó Trương Tú theo kế sách của Giả Hủ, nói với Tháo là quân lính cần di động một ít, nhưng thiếu xe cộ, tải trọng nặng, xin được phép để binh sĩ mặc giáp, tay được cầm giáo. Tháo không nghi ngờ gì, nên đã đồng ý. Kết quả là khi binh lính của Trương Tú ngang qua doanh trại của Tào Tháo, chúng liền xông vào tập kích. Tháo trở tay không kịp, đành phải tháo chạy.

 

 

Qua lần thảm bại này, Tào Tháo không đổ lỗi cho người khác, không truy cứu người cho Tú đầu hàng, mà nhận mọi trách nhiệm về mình. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, Tào Tháo nói với chư tướng, ta đã biết mình sai ở đâu rồi, sau này sẽ không phạm phải sai lầm như vậy nữa. Đương nhiên, Tào Tháo tự kiểm điểm như vậy chưa phải đã hết. Tháo nói nguyên nhân thất bại lần này là, quên không để vợ con Trương Tú làm con tin (quên không lấy con tin). Đấy chẳng qua chỉ lờ nói để xoa dịu tình hình. Nhưng không trách người khác mà tự trách mình mới có cơ hội tiến bộ. Vào tháng mười một năm Kiến An thứ II (năm 197) thời Hán Hiến đế, lần nữa Tào Tháo nam chinh Trương Tú quả nhiên đã giành toàn thắng. Trương Tú chẳng khác gì chó nhà có tang, liền chạy thẳng tới Nhương Thành ở miền nam (nay là thị trấn Trịnh Châu, Hà Nam).

 

 

Có điều, một người muốn thành thục cũng không thể nhanh như vậy. Tháng ba năm Kiến An thứ III (Công nguyên năm 198) thời Hán Hiến đế, lần thứ ba Tháo nam chinh Trương Tú, ra quân bất lợi, suýt nữa nguy khốn. Rất nhiều người đã phản đối lần ra quân này của Tào Tháo. Theo Tam quốc chí. Tuân Du truyện, Tuân Du, khi đó là quân sư Tế tửu (tham mưu) đã nói với Tào Tháo, do Giả Hủ tác hợp, lúc này Trương Tú đã liên mình với Lưu Biểu, nhưng hai người này chỉ là đồng sàng dị mộng. Trương Tú chỉ muốn Lưu Biểu cung ứng lương thực, Lưu Biểu thì không thể, nên sớm muộn gì họ cũng chia tay. Cứ chờ ít nữa, chẳng phải đánh, họ cũng bại (chi bằng cứ chờ, Tú sẽ bại). Nếu bức quá, Lưu Biểu nhất định sẽ đến cứu. Tiếc là Tào Tháo không theo, kết quả đã bị khốn ở Nhương Thành, quả nhiên Lưu Biểu đã ra quân, Tháo đành phải rút lui.

 

 

Tào Tháo vừa rút lui, Trương Tú đã hí hửng, phái quân truy đuổi, Giả Hủ nói, không đuổi, đuổi sẽ bại, Trương Tú nào có nghe, kết quả đã đại bại, quay về. Giả Hủ nói, bây giờ thì có thể đuổi được rồi. Phải nhanh lên, nhất định sẽ thắng. Trương Tú ngây người ra nghe rồi nói, vừa nãy không nghe lời ngài nên đã thảm bại. Lúc này bại thì đã bại rồi, còn đuổi gì nữa? Giả Hủ nói, tình thế đã thay đổi, phải đuổi nhanh lên! Trương Tú nửa tin nửa ngờ, thu lượm tàn binh bại tướng, đuổi lần nửa, quả nhiên đại thắng. Trương Tú suy nghĩ mà không hiểu. Trương Tú nói, vừa rồi lấy tinh binh đuổi quân lui, ngài nói sẽ bại; bây giờ đem quân bại đuổi quân thắng, ngài lại nói sẽ thắng. Mỗi lần ngài lại có một dự tính, Trương Tú thực không hiểu? Giả Hủ nói, cũng chẳng có gì kỳ lạ. Tướng quân tuy giỏi dụng binh, nói thẳng nói thật, vẫn chưa bằng Tào Tháo. Tào Tháo đã quyết định lui quân và tự mình sẽ đoạn hậu. Tướng quân có tinh binh, nhưng tướng thì không bằng Tào Tháo, quân của Tào Tháo cũng là quân tinh nhuệ, vì vậy tướng quân tất bại. Nhưng lúc Tào Tháo công phá tướng quân, không thất sách, cũng chưa hết sức, không thể đánh mà lui, tất ở hậu phương có chuyện gì đó. Tào Tháo đã đánh lui được quân truy kích của tướng quân, sẽ cảm thấy nhẹ gánh, yên tâm đi đường, để tướng lĩnh đoạn hậu sẽ không phải là đối thủ của tướng quân, vì vậy tất thắng. Trương Tú nghe mấy lời đó như người nằm mơ đã tỉnh hẳn, lòng dạ thấy vui sướng và bái phục, bái phục đến sát đất. Tôi đọc Tam quốc chí. Giả Hủ truyện, đọc đến đoạn này, tự nhiên đã đập bàn và kêu tuyệt.

 

 


Tào Tháo tế Điển Vi

Quả nhiên, Giả Hủ liệu việc như thần. Tào Tháo vội vàng lui quân, đúng là hậu phương đã có chuyện. Theo chú dẫn Hiến đế Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí – Vũ đế kỷ, Tào Tháo nhận được tình báo, Điền Phong mưu sĩ của Viên Thiệu đề nghị, tập kích Hứa huyện nhân lúc Tào Tháo nam chinh “Ép thiên tử để lệnh chư hầu, có thể định luôn được bốn biển”. Rõ ràng đây là chuyện lớn, Tào Tháo không thể không bỏ qua Trương Tú. Có điều, đúng như Giả Hủ đã suy nghĩ, Tào Tháo đã rút lui, không phải bại lui, nên quân lui có kế hoạch, có tổ chức từng bước, từng bước có trình tự, vì vậy trong quá trình lui quân vẫn có thể cho quân đánh trở lại. Tình hình lúc đó là vô cùng nguy cấp. Phía sau có Trương Tú truy sát, phía trước có Lưu Biểu ra ngăn đường, trước sau đều có địch. Nhưng Tào Tháo đã có tính toán của mình. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ. Tào Tháo có thư gửi Tuân Úc; người lưu giữ Hứa huyện, đừng ngại lũ giặc đuổi ta, hại ta một ngày chỉ đi được mấy dặm, nhưng chẳng cần lâu như vậy, chờ lúc về tới An Chúng (nay là miền đông nam huyện Trần Bình, Hà Nam) thì nhất định sẽ ngăn được giặc, giành thắng lợi.

 

 

Mục đích lá thư của Tào Tháo là muốn cho Tuân Úc uống một viên an thần, để họ khỏi bận tâm về sự an nguy của mình, ra sức chuẩn bị nghênh đánh Viên Thiệu. Có điều Tào Tháo cũng xác định rõ là mình sẽ thắng. Sau khi quân lính đã về triều, Tuân Úc mới hỏi Tào Tháo, vì sao lại có lòng tin là sẽ thắng. Tào Tháo nói, quân giặc đuổi quân ta đang lui, bức chúng ta vào đường chết, quân ta nhất định sẽ liều chết mà đánh, ở vào đất chết thì sẽ sống, ở vào đất vong thì sẽ tồn, vì vậy mới nghĩ là sẽ thắng.

 

 

Trái lại Viên Thiệu đã bỏ lỡ thời cơ. Quân lính của Tào Tháo đã bị quân nông dân Hắc Sơn và Công Tôn Toản kìm chế, không cựa quậy nổi, Tháo bị một phen kinh hoàng. Cuộc đấu tranh với Trương Tú có thể nói là ngang bằng, hai bên đều có thể thắng có thể thua. Tào Tháo nam chinh lần này không thể nói là thua lỗ, tối thiểu cũng là hoà, hơn nữa trong quá trình lui quân còn thể hiện đầy đủ thiên tài quân sự của mình. Nhưng Tào Tháo không tự mãn đắc chí. Tháo còn kiểm điểm trước Tuân Úc, vì không nghe theo lời tiên sinh nên mới thế này.

 

 

Trong thực tế, khen người khác tự trách mình luôn là tác phong của Tào Tháo. Năm 207 (năm Kiến An thứ XII thời Hán Hiến đế), Tào Tháo bắc chinh Ô Hoàn và giành được toàn thắng. Trên đường về lúc đến Ký châu, trời lạnh giá, không một bóng người, hành quân suốt hai trăm dặm không có một giọt nước, quân lương cũng chẳng còn bao nhiêu “đã phải giết hàng ngàn con ngựa để làm lương, đào xuống đất hàng ba mươi trượng vẫn không có nước”. Sau khi về tới Nghiệp Thành, Tào Tháo đã phong thưởng cho từng người. Tào Tháo nói, lần này thắng lợi, hoàn toàn là do may mắn. Lời khuyên của các vị chính là kế sách vẹn toàn. Vì vậy mới cảm tạ các vị, từ nay rất mong được các vị có gì nói nấy, cái gì đáng nói thì nói, không phải lo nghĩ (không có gì khó nói). Việc này được ghi trong Tào Man truyện, Một cuốn sách không mấy thân thiện với Tào Tháo, có thể tin được.

 

 

Ngay từ tháng hai năm đó, Tào Tháo đã cho ban “Phong công thần lệnh”, nói: Ta khởi nghĩa binh, trừ bạo loạn, đến nay đã mười chín năm rồi, chiến tất thắng, công tất khắc, chinh tất phục, chẳng lẽ đó là công lao của ta? Tất cả đều nhờ vào sức lực các vị hiệp sĩ đại phu!

 

 

Bại trận thì tự kiểm điểm, thắng trận lại cảm tạ người khác, cảm tạ cả những người khuyên không nên đánh trận, tình cảm đó, tấm lòng đó thực khác xa với tình cảm của lũ Viên Thiệu, Viên Thuật. Tào Tháo không hổ là đại anh hùng, có khí thế to lớn, có tấm lòng rộng mở. Trên thực tế, chính nhờ sự gan dạ hiểu biết phi phàm đó, nhờ có tác phong biết khen người và trách mình đó, Tào Tháo đã liên tục chiến thắng kẻ thù, đối thủ, lần lượt thu nhận được nhiều dũng tướng và mưu thần và cũng là một trong những nguyên nhân để nhiều lần Tào Tháo chuyển bại thành thắng, biến khó thành dễ. Khí thế và lòng gan dạ sự hiểu biết đó đã có sức kêu gọi, có sức ngưng tụ. Ngay như Trương Tú, một người đã phản lại Tào Tháo thì lần nữa lại đến hàng Tào Tháo, chuyện xảy ra vào tháng mười một năm Kiến An thứ IV (năm 199) thời Hán Hiến đế.

 

 

Theo ý của Giả Hủ, lần thứ hai Trương Tú xin hàng Tào Tháo. Theo Tam quốc chí. Giả Hủ truyện, bấy giờ Viên Thiệu và Tào Tháo đang quyết đấu một trận sống mái, cả hai đều đang tranh thủ lực lượng trung gian. Viên Thiệu cho người đến chiêu nạp Trương Tú, Giả Hủ khuyên nên sang hàng Tào Tháo. Giả Hủ tự ý nói với sứ giả của Viên Thiệu, phiền túc hạ về nói lại với Viên Bản Sơ, là anh em mà họ chẳng thể dung được nhau, lại dung được quốc sĩ thiên hạ sao? Tại trận, Trương Tú nghe mấy lời đó đã kinh hoàng thất sắc, hỏi lại “sao ngài nói vậy? Nhưng điều cần nói Giả Hủ đã nói và đó là sự thực. Thế là Trương Tú liền hỏi nhỏ Giã Hủ, ngài chẳng nể nang gì cả, đã để sứ giả của Viên Thiệu đi mất, chúng ta phải làm gì đây? Giả Hủ nói dễ thôi, chúng ta sang chỗ Tào Tháo. Trương Tú nói, Viên Thiệu lớn mạnh, Tào Tháo nhỏ yếu, lại hận chúng ta, vì sao vẫn phải sang với Tào Tháo? Giả Hủ nói, chính vì thế mà nên sang với Tào Tháo. Thứ nhất, Tào Tháo “Phụng thiên tử để lệnh thiên hạ” (chú ý, Già Hủ nói là “Phụng thiên tử” không phải là “Ép thiên tử”) nên có ưu thế về chính trị, sang với Tào Tháo mới là danh chính ngôn thuận. Thứ hai, Viên Thiệu người đông thế mạnh, Tào Tháo người ít thế yếu, chúng ta đến với Viên Thiệu thì chẳng thấm vào đâu, nhưng đến với Tào Tháo thì khác gì lúc đói bụng được một miếng cơm, chúng ta sẽ được coi trọng, sẽ có lợi. Thứ ba, phàm những người có chí bá vương sẽ không mấy để ý tới ân oán cá nhân, ngược lại chúng ta sẽ là tấm gương để họ nói với thiên hạ, lòng khoan dung độ lượng của Tào Tháo, biết lấy đức báo oán, chúng ta mới được an toàn. Vậy, xin tướng quân cứ yên tâm.

 

 

Giả Hủ tính toán rất đúng. Trương Tú vừa đến, Tào Tháo đã ra đón và vui mừng kéo tay Tú (cầm tay Tu), bày tiệc để Tú tẩy trần (vui vẻ thết yến) và lập tức bổ nhiệm Trương Tú là Dương Võ tướng quân, phong Liệt hầu. Hơn nữa đế biểu lộ thành ý của mình, Tào Tháo để con là Tào Quân cưới con gái của Trương Tú làm vợ, hai người trở thành thông gia, giống như năm nào Lưu Bang đối đãi với Hạng Bá, trước Hồng Môn Yến. Còn như ân ân oán oán thì một chữ cũng không nhắc tới, Từ đó, Trương Tú trở thành chiến tướng võ dũng dưới trướng Tào Tháo, và Giả Hủ trở thành mưu thần quan trọng luôn ở bên Tào Tháo. Tiếp đó, hai người đã lập công lớn trong trận chiến Quan Độ. Tam quốc chí. Trương Tú truyện nói, “Trong chiến dịch Quan Độ, Tú chiến đấu lập công”. Sau này chúng ta sẽ nói tới những công hiến của Giả Hủ.

 

 


Trương Tú - Tranh vẽ của một danh họa đời nhà Thanh

Thực tình, Trương Tú chỉ đến hàng chứ có biết gì đâu. Còn Tào Tháo và Giả Hủ thì lòng dạ sáng như gương, biết mà không nói. Hai người này rất hiểu về chính trị. Họ đều hiểu rõ một đạo lý: cái mà thiên hạ tranh giành chính là lòng người. Được lòng người thì được thiên hạ, mất lòng người thì mất thiên hạ. Và muốn giành được thiên hạ thì phải biết khoan dung đại lượng, phải có chính sách không nhắc lại chuyện cũ, dù là vờ thì cũng phải vờ cho khéo. Điều đó phải có điển hình, có mẫu. Sức mạnh của mẫu là vô cùng, nó tốt hơn những lời nói khéo rất nhiều. Vừa hay Trương Tú là tài liệu tốt nhất để thành điển hình, thành mẫu. Trương Tú đã bị đánh tơi bời, phải tháo chạy. Trương Tú có hận thù với Tào Tháo và là người đã đầu hàng lại phản bội. Một người như vậy mà Tào Tháo còn dung thì liệu ai là người Tào Tháo không dung? Tào Tháo tin tưởng một người như vậy thì liệu còn ai Tào Tháo không tin tưởng? Ngược lại, Viên Thiệu ngay cả em mình cũng không tin thì mong gì được người thiên hạ quy thuận, theo về?

 

 

Trương Tú đến rất đúng lúc. Lúc này Tào Tháo “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” đã ba năm, còn nhiều người trong thiên hạ chưa phục. Tiếng tăm Tào Tháo cũng chưa thật tốt. Về sau Trần Lâm thay mặt Viên Thiệu khởi thảo hịch văn đánh Tào, đã mắng chửi Tào Tháo đến tối tăm mặt mũi, coi là một con người không hề biết đến đạo đức, chỉ giỏi như vuốt của con chim ưng, thậm chí còn nói “Xem trong sách vở xưa nay những kẻ tham tàn bạo ngược vô đạo cũng chưa bằng Tào Tháo”, đúng là lưu manh số một, tồi tệ nhất trên đời. Xưa nay lời lẽ vạch trần tội ác đến thế là cùng, trong đó không khỏi có chỗ chưa thực, vu khống, nhưng không có lửa thì làm sao có khói, nên có những việc, Tào Tháo không nói rõ ràng, không biện giải được. Như việc giết Biên Nhượng, chém giết cả thành Từ châu là nỗi nhục không sao rửa sạch được. Mùa thu năm Sơ Bình thứ IV (năm 193) thời Hán Hiến đế, Tào Tháo thân dẫn đại quân xông thẳng đến Từ châu để trả thù cho cha là Tào Tung em là Tào Đức bị Trương Khải là bộ tướng của Từ châu mục Đào Khiêm cướp bóc và giết chết. Đào Khiêm chạy về Đàm Thành (nay là huyện Đàm Thành, Sơn Đông), Tào Tháo liền trút giận lên đầu nhân dân Từ châu, cho quân càn quét, lạm sát người vô tội, bên sông Tứ Thuỷ “hàng mấy vạn nam nữ bị giết”, trên sông Tứ Thuỷ ngập đầy xác chết, dòng nước ngừng chảy. Nhiều thành trì trong khu vực Từ châu “mất cả hình lẫn dáng”, không chỉ không có bóng người mà gà chó cũng bị giết sạch, một thảm cảnh nơi trần thế. Vì vậy sau này lúc Tào Tháo dự định sẽ đánh Từ châu một lần nữa, Tuân Úc nói thẳng, nhất định quân dân Từ châu sẻ chống cự cho đến chết, quyết không đầu hàng, vì lần trước đã bị giết quá nhiều người. Đúng, lần trước Tào Tháo đã báo thù quá mức. Dù tội ác của Đào Khiêm là quá lớn, nhưng nhiều nhất cũng chỉ nên giết Đào Khiêm hoặc một số người, liên quan gì đến trăm họ? Lạm sát người vô tội như vậy, lẽ nào không phải là bệnh cuồng, tán tận lương tâm?

 

 

Vì vậy Tào Tháo rất mong có cơ hội để thể hiện tình cảm cao thượng và tấm lòng rộng mở của mình; rất cần có điển hình để chứng minh sức dung người và trái tim nhân ái của mình. Trương Tú đến đúng lúc, Tào Tháo vui mừng khôn xiết. Vì vậy, Tào Tháo không chỉ bỏ qua mọi hiềm khích mà trước sau như một ra mặt tin tưởng Trương Tú, phong thưởng hậu hĩnh hơn các tướng lĩnh khác. Lần cuối cùng Trương Tú được phong tới hai ngàn hộ, những người khác không quá một ngàn hộ.

 

 

Đương nhiên, tấm biển mà Tào Tháo dựng nên, về sau có thể đã bị báo thù. Sau đó tám năm, Trương Tú theo chân Tào Tháo đi đánh Ô Hoàn, giữa đường không rõ vì sao đã chết. Ngụy lược nói, chết vì sợ Tào Phi. Để lấy lòng Tào Phi, nhiều lần Trương Tú đã mời Tào Phi tụ tập chơi bời, nào ngờ Tào Phi đã phẫn nộ nói, người giết anh ta, sao còn dám mặt dày mày dạn đến gặp ta! Trương Tú “thấy sợ và tự sát”. Án thực đáng ngờ, nhưng không bàn tiếp. Nhưng việc con của Trương Tú là Trương Tuyền bị giết là sự thực. Trương Tuyền liên quan tới án mưu phản của Ngụy Phúng nên bị giết. Nghe nói vụ án “có đến mấy ngàn người liên quan bị giết”, lúc đó là năm Kiến An thứ XXIV (năm 219), hai mươi năm sau khi Trương Tú đầu hàng. Đây là lần thanh lọc cuối cùng khi Tào Tháo còn sống và Tào Phi là người ra tay. Lúc này cũng chẳng có cách gì để xét rõ vì sao Trương Tuyền lại bị cuốn vào vụ án đó. Nguyên nhân thứ nhất, có thể vì Tào Phi đã bức chết cha mình, nên vì lòng hận thù hoặc vì khiếp sợ, Trương Tuyền tham gia phản đảng của Ngụy Phúng. Nguyên nhân thứ hai, có thể bị nghi đã gián tiếp mưu hại Trương Tú, Tào Phi lo sợ Trương Tuyền báo thù, nên bức Tuyền mưu phản, rồi giết Tuyền diệt khẩu. Nguyên nhân thứ ba có thể là Tào Phi không bức chết Trương Tú, nhưng cũng hiểu rằng, Tào Tháo mua chuộc Trương Tú hoàn toàn là do nhu cầu chính trị, chứ đâu có quên được mối thù giết con, muốn trả thù nhưng không thể nhằm vào Trương Tú, nên phải đem Trương Tuyền ra thế mạng. Tóm lại, Trương Tuyền chết có nhiều khả năng là án oan hoặc bị bức lên Lương Sơn. Sự thực thì lòng dạ báo thù của Tào Tháo rất nặng nề. Và mỗi khi báo thù thì không hề run tay. Có ai đó đã nói rằng Tào Tháo không biết báo thù thì xin nói là đã nhầm rồi. Có điều, đã nhẫn nhịn suốt hai mươi năm rồi mới báo thù thì không hố là “gian hùng”.

 

 

Nhưng Tào Tháo lẫn Tào Phi đều rất tốt với Giả Hủ. Vì qua việc này, người được lợi nhất vẫn là Tào Tháo. Trương Tú chẳng qua là tìm được lối thoát, Giả Hủ như người tìm được nhà, còn Tào Tháo mới là người thu được vốn liếng chính trị rất lớn. Vì vậy, thái độ Tào Tháo đối với Giả Hủ và Trương Tú là khác nhau. Với Trương Tú là lôi kéo và đề phòng, nhưng vờ như không đề phòng; với Giả Hủ thì vừa cảm kích vừa tán thưởng, và cảm kích thực sự, tán thưởng thật sự. Lúc Trương Tú đến đầu hàng, Tào Tháo đã cảm kích cầm tay Giả Hủ nói, ngài đã để người thiên hạ tin tưởng ta. Đó là lời chân thực không phải khách sáo. Tào Tháo như người chết đuối vớ được cọc nên đã cảm kích thực sự, Tào Tháo tán thưởng sự mưu lược hơn người của Giả Hủ. Từ đó, ngay cả đại kế lập tự cũng bàn riêng với Giả Hủ. Đây hoàn toàn không phải lấy đức để khuất phục người khác mà chân thành coi người khác là tri kỷ.

 

 

Giả Hủ có thể là người thông minh nhất thời Tam Quốc. Nhiều người trong số mưu sĩ danh nhân thời Tam Quốc đều có kết cục không hay. Nói ngay như những người bên Tào Tháo, có người chết yểu (như Quách Gia), có người phản lại (như Mao Giới), có người chết một cách thần bí (như Tuân Úc), có người chết oan (như Hứa Du). Giả Hủ thì an nhàn vô lo, sống đến trọn đời. Giả Hủ phục vụ hai đời tập đoàn Tào thị, là Thái uý dưới thời Văn đế Tào Phi, qua đời lúc 77 tuổi, ích là Tiêu hầu, kết cục tốt đẹp hơn nhiều người khác.

 

 

Giả Hủ là người thông minh, giỏi biết tính người, nhìn thấu tâm tư người khác. Theo Tam quốc chí. Giả Hủ truyện, sau khi đưa được hai con “sói Tây Bắc” là Lý Thôi và Quách Dĩ vào Tràng An, Giả Hủ không cùng đường với họ nữa, tìm cơ hội rời xa họ. Ra khỏi Tràng An, Giả Hủ đến với Đoạn Uy, về sau lại đến với Trương Tú. Lúc rời khỏi Đoạn Uy có người hỏi, Đoạn Uy tốt với ngài như vậy, sao ngài bỏ đi? Giả Hủ nói, đặc điểm con người Đoạn Uy là đa nghi. Ông ta khách khí với tôi là có ý đề phòng, sợ tôi thay thế, như vậy, sẽ có một ngày ông ta giết tôi. Lúc này tôi rời ông ta, hy vọng có được ngoại viện, ông ta tất sẽ hậu đãi người nhà của tôi. Trương Tú chưa có mưu sĩ, hy vọng tôi có thể đi. Như vậy, tôi và gia đình tôi đều được yên. Về sau, đúng như Giả Hủ đã dự đoán Trương Tú luôn nghe theo Giả Hủ, Đoạn Uy đối với gia đình Giả Hủ cũng tốt hơn. Xuất mưu như thần, bí mật là ở chỗ này. Rất nhiều người đã bị Tam quốc diễn nghĩa lừa, cho rằng ở đời này đúng là có “cẩm nang diệu kế”, thực ra thì làm gì có? Người liệu việc như thần là người hiểu người như thần. Vì vậy, suy tính về cơ mưu không mấy tác dụng mà nên suy nghĩ về nhân tính đã!

 

 

Người biết người cũng tự biết mình. Sau khi đầu hàng Tào Tháo, Giả Hủ hiểu rõ thân phận địa vị của mình, hiểu rõ một người đa mưu nhiều kế như mình thì luôn là đối tượng để mọi vị quân chủ lợi dụng và đồng thời cũng là nhân vật nguy hiểm, huống chi mình còn là loại “phản đồ”? Vì vậy, thái độ đối nhân xử thế phải hết sức dè dặt, Giả Hủ bắt đầu trầm tư ít nói, rất ít xuất mưu vạch kế, không mấy giao du bạn bè, ngay cả việc hôn nhân của con gái cũng không dám kết thân với hào môn vọng tộc (Hủ thấy mình không phải cựu thần của Thái tổ, mà mưu sâu kế xa, sợ bị nghi ngờ, nên đóng cửa nhà, không giao kết bạn bè, nam nữ kết hôn, cũng không đến với cao môn). Giả Hủ khép mình rất chặt thực sự là thông minh.

 

 

Bây giờ nhìn lại mới thấy sự kiện xuất sắc nhất trong đời một người thông minh như Giả Hủ là đã thúc đẩy Trương Tú đến với Tào Tháo. Một việc như được quỷ sai thần khiến, và Trương Tú đã đến hàng Tào Tháo cũng thật đúng lúc. Mấy tháng trước Viên Thiệu đã tập kết mười vạn tinh binh, tiến về hướng Hứa Xương và hai tháng trước đây quân lính của Tào Tháo đã đến Quan Độ, và chiến tranh quyết định vận mệnh, tiền đồ của Trung Quốc thời đó sắp xảy ra. Vậy đây là chiến tranh như thế nào?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét