Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

VÀO TRƯỚC LÀ CHỦ

 


Viên Thiệu chủ trương dùng bạo lực để đập tan lực lượng chính trị-quân sự của địch


Tập thứ bảy: VÀO TRƯỚC LÀ CHỦ

 

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Tào Tháo là một thiên tài về chính trị, tập trung biểu hiện ở việc nghênh đón thiên tử, dời đô về Hứa huyện. Có thể có hai cách giải thích về động cơ của việc này. 1 – Để ủng hộ việc thống nhất đất nước, cần phải ủng hộ hoàng đế, người tượng trưng cho sự thống nhất, loại bỏ các chư hầu dẫn đến chia cắt đất nước, tức là “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục”; 2 - Tào Tháo muốn thực hiện dã tâm chính trị cá nhân, coi hoàng đế như một con bài, hòng tiêu diệt những kẻ khác ý, tức là “Ép thiên tử để lệnh chư hầu”. Vậy, suy nghĩ thực tế của Tào Tháo là gì?

 

 

Tập trước đã nói, sau khi đến Lạc Dương gặp hoàng đế, Tào Tháo nghe theo kế của Đổng Chiêu, mời thiên tử về căn cứ địa của mình, từ đó dời đô về Hứa huyện. Nhiều người cho rằng Tào Tháo bắt đầu “Ép thiên tử để lệnh chư hầu”. Nhưng phần trước chúng ta đã nói, cương lĩnh chính trị của Tào Tháo là “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục”,  không phải “Ép thiên tử để lệnh chư hầu”. Vậy, câu nói ‘Ép thiên tử để lệnh chư hầu” là từ đâu ra?

 

 

Chính mưu sĩ của Viên Thiệu đã nói.

 

 

Viên Thiệu có hai mưu sĩ đã nói câu này, một là Thư Thụ, Hai là Điền Phong. Thư Thụ nói là “Ép thiên tử để lệnh chư hầu, sẵn sàng binh mã đánh kẻ chưa thần phục”, Điền Phong thì nói là “Ép thiên tử để lệnh chư hầu, chỉ cần chỉ tay là bốn biển yên bình”. Ở lời chú dẫn Hiến đế Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ có ghi lời của Điền Phong, lời của Thư Thụ ghi trong lời chú dẫn “Hiến đế truyện” của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện. Lời Thư Thụ nói trước nói tường tận, chúng ta nói về Thư Thụ.

 

 

Sau khi lừa lấy được Ký châu từ tay Hàn Phức, nhân tiện, Viên Thiệu nhận Thư Thụ làm mưu sĩ. Trình độ Viên Thiệu cao hơn Hàn Phức nhiều. Nên Thư Thụ bằng lòng làm việc cho Viên Thiệu. Theo Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện, sau khi Thư Thụ về với Viên Thiệu, hai người đã có buổi trò chuyện. Giống như lời nói của Mao Giới có thể coi là “Long Trung đối” “Bản Viên Thiệu”, hết sức bóng bảy. Thư Thụ nói, tướng quân anh hùng cái thế, tuổi nhỏ tài cao tuấn tú. Tuổi trẻ mới vào triều đình mà tiếng tăm đã vang xa bốn biển “vừa đội mũ lên triều, nổi tiếng cả nước” trước Đổng Trác bạo hành phản nghịch, ngài biểu hiện đại nghĩa lẫm liệt (cạnh sự phế lập là trung nghĩa ngời ngời); một mình một ngựa phá vòng vây, Đổng Trác phải kinh hồn lạc phách (cưỡi ngựa thoát vây, Đổng Trác kinh hoàng); vượt Hoàng Hà nhận chức Bột Hải (dấy quân một trận) đã được cả Ký châu ủng hộ, thật là “uy trấn hải hà, danh cồn thiên hạ”! Lúc này thiên hạ còn chưa thái bình (Khăn Vàng quấy nhiễu, Hắc Sơn phá phách), nhưng liệu có ai dám ngăn cản bước tiến của ngài? Lúc này ngài “Cất quân về phía đông, sẽ lấy được Thanh châu; quay lại đánh Hắc Sơn, Trương Yên sẽ chết; đưa quân về phía bắc, Công Tôn tất bại; làm chấn động Nhung Địch, Hung Nô tất phải theo”, hoàn toàn có thể “Tung hoành phía bắc sông lớn, hợp cả bốn châu lại, thu nhận tài trí của anh hùng, quân sẽ có hàng trăm vạn” ngài sẽ trở thành anh hùng cứu thế giữ địa vị quan trọng. Bấy giờ ngài mời hoàng đế từ Tràng An về (nghênh giá từ Tây kinh), khôi phục xã tắc và tổ miếu ở Lạc Dương (Dựng lại tông miếu ở Lạc Ấp), sau đó “Hiệu lệnh thiên hạ, đánh kẻ chưa thần phục”. Tướng quân có ưu thế chính trị nhường ấy thì ai dám tranh cao thấp với tướng quân (từ đây tranh cao thấp ai địch nổi)? Chẳng bao lâu công lớn sẽ thành. Viên Thiệu nghe thấy mà nóng ran cả người, và biểu lộ “lời nói thực hợp lòng ta”, nhưng tiếc là chưa được thi hành.

 

 

Sau lần đó còn có thêm một lần trò chuyện nữa, lời nói càng rõ ràng hơn, thời gian là trước lúc Tào Tháo nghênh đón thiên tử không lâu. Theo chú dẫn Hiến đế truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện, Thư Thụ nói, từ lúc Đổng Trác gây mầm họa lớn, thiên tử lưu ly thất sở, tông miếu bị hủy hoại, chư hầu với danh nghĩa là cất nghĩa quân, nhưng thực tế là tàn sát lẫn nhau (ngoài là nghĩa quân, trong là tàn sát), không ai tôn sùng thiên tử, nghĩ đến trăm họ (không biết tôn vua, thương dân). Bây giờ, về sơ bộ, tướng quân đã giữ yên được châu vực, nên nghênh đón thiên tử về định đô ở Nghiệp Thành rồi “Ép thiên tử để lệnh chư hầu, sẵn sàng binh mã đánh kẻ chưa thần phục” và còn ai địch nổi với ngài?

 

 

Những lời đó, Viên Thiệu nghe rất lọt tai, nhưng tiếc thay những người khác lại phản đối. Hán Hiến đế nói người phản đối là Quách Đồ. Nhưng Tam quốc chí lại nói Quách Đồ là người tán thành và còn chủ trương “nghênh đón thiên tử và dời đô về Nghiệp Thành”. Chúng ta cũng chưa rõ về điểm này. Có điều, những người bát nháo đã nói, vương triều Đại Hán sắp đi đứt rồi, chúng ta còn lo vực dậy há chẳng phải là mua việc hay sao? Lúc này mọi người đang muốn chiếm Trung Nguyên. Người ra tay trước là người mạnh, có thể là vương ngay. Nếu lại đưa bảo bối là hoàng đế đến bên mình, để ngày ngày phải thỉnh thị, việc việc phải hội ý, thực là phiền hà. Nếu nghe theo hoàng đế thì mình chẳng là gì cả (nghe thì mất quyền); nếu không nghe sẽ là vi mệnh (không nghe là chống lệnh), chịu sao nổi (không phải là kế hay). Viên Thiệu thì sao, nghĩ tới Hán Hiến đế là do Đổng Trác dựng nên (không phải ý Thiệu), trong lòng lại thấy bực, quên ngay ý nghĩ đó.

 

 

Không thể bỏ lỡ thời cơ, thời cơ sẽ không đến lần thứ hai. Viên Thiệu do dự. Tào Tháo đã nẫng tay trên. Phen này đến lượt Viên Thiệu tròn xoe mắt kinh ngạc. Sau khi Tào Tháo nghênh đón Hiến đế, dời đô về huyện Hứa, không những không mất đi một thứ gì hoặc bị người khác trói buộc, mà ngược lại còn thu được nhiều thứ. Tào Tháo được một vùng đất rộng ở phía nam Hoàng Hà, nhân dân vùng Quan Trung đua nhau theo về (nhận đất Hà Nam, Quan Trung theo về). Quan trọng hơn, Tào Tháo có được nguồn vốn chính trị to lớn, không chỉ trở thành anh hùng khôi phục Hán thất, có địa vị “Dưới một người trên vạn người” có thể đưa phái phản đối vào vị trí bất lợi trở thành những kẻ bất nhân bất nghĩa. Từ đó, mọi việc như bổ nhiệm quan lại, mở rộng địa bàn hoặc đánh những kẻ khác cánh, địch thủ về chính trị, Tào Tháo đều có thể lấy danh nghĩa của hoàng đế, việc làm bất nghĩa trờ thành việc làm chính nghĩa. Còn lũ đối thủ thì sao? Đều rất bị động. Phản đối Tào Tháo thật nguy hiểm, chẳng khác gì phản đối hoàng thượng. Dù có giương cao ngọn cờ “quét sạch lũ nịnh thần” thì cũng không bằng Tào Tháo trực tiếp dùng danh nghĩa hoàng đế để xuống chiếu vừa danh chính ngôn thuận vừa được lợi. Sau này, lúc Viên Thiệu muốn đánh Tào Tháo, Thư Thụ và Thôi Diễm đã nói “Thiên tử ở Hứa”, đánh Hứa là “phạm điều nghĩa”. Gia Cát Lượng cũng nói về Tào Tháo “Ép thiên tử để lệnh chư hầu, thực không thể tranh cao thấp” Tào Tháo vào trước sẽ là chủ, được nhiều điều lợi.

 

 

Viên Thiệu chịu nhiều thiệt thòi. Theo Hậu Hán thư. Viên Thiệu truyện, Tào Tháo vừa nghênh đón hoàng đế về huyện Hứa, đã lập tức với danh nghĩa hoàng đế có một đạo chiếu thư cho Viên Thiệu, trách Thiệu “đất rộng quân đông, chi lo lập phe đảng”, không thấy ra quân cần vương, nay đánh người này, mai đánh người khác. Viên Thiệu tiếp chiếu, trong lòng giận sôi lên, nhưng đành phải nín nhịn, dâng thư giải trình. Viên Thiệu hối hận, liền nghĩ cách bổ cứu. Lấy lí do Hứa Đô là vùng đất trũng, Lạc Dương bị tàn phá, yêu cầu Tào Tháo dời hoàng đế về Quyển Thành (nay là huyện Quyển Thành, Sơn Đông) gần với chỗ của mình, mong được cùng Tào Tháo hưởng vương bài. Đúng là nằm mơ lấy được vợ. Tháo cười thầm, rồi cương quyết cự tuyệt. Lúc đó, mưu sĩ là Điền Phong nói với Thiệu, việc dời đô đã không thành, phải nhanh chóng đánh huyện Hứa (kế dời đô đã không thành, phải lấy Hứa để phụng nghênh thiên tử), nếu không lại không kịp. Viên Thiệu không theo.

 

 


Tào Tháo

Thực tế, về việc này Tào Tháo đã cao hơn Viên Thiệu một cái đầu. Cao hơn ở chỗ nào? Cao ở cách điệu, cao ở phẩm vị. Nên nhớ, kiến nghị của Thư Thụ (Ép thiên tử để lệnh chư hầu) là khác với kiến nghị của Mao Giới (Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục). Ở tập trước đã nói: phụng là tôn phụng, ủng hộ, ép là ép buộc, lợi dụng. Mục đích của “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” là thực hiện thống nhất đất nước “Ép thiên tử để lệnh chư hầu” mục đích là thực hiện dã tâm cá nhân. Một đường là quang minh, một đường là ma quỷ, sao có thể giống nhau? Mao Giới nói đúng “nghĩa quân sẽ thắng”. Về khí thế thì bất nghĩa là kém xa.

 

 

Và dù Tào Tháo nghe theo Mao Giới nghênh phụng thiên tử không phải thực lòng muốn vực dậy Hán thất đã sụp đổ, mà chỉ coi hoàng đế là lá bài, thì về sách lược đã cao hơn Viên Thiệu. Bời vì hoàng đế không chỉ là lá bài, mà còn là lá bài rất tuyệt. Lá bài tuyệt ở chỗ vừa hư vừa thực. Nói là hư, vì lúc này hoàng đế, đừng nói tới “kiên cường độc đoán” mà ngay cả tự do về thân thể cũng chẳng có, hoàn toàn do người khác sắp đặt giống con rối đeo dây. Vì vậy, chỉ cần giơ tay ra là có lá bài đó. Nói là thực, vì mọi người đều biết hoàng đế là không thực, là vật để trang trí, nhưng liệu ai dám nói không, có thể không cần, chẳng ai dám nói hoàng đế cởi truồng như trong đồng thoại. Hoàng đế có dặn dò gì, có hiệu lệnh gì, mọi người đều phải ra vẻ phục tùng (Có một số việc phải làm theo), không dám giương mắt, há miệng nói ngược. Chỉ có thể là như vậy, khi hai bên đối địch, thì bên nào cũng nói được hoàng đế cho phép. Trong triều, buộc hoàng đế phải xuống chiếu, ờ nơi khác nói khống là mật chiếu của hoàng đế, có vậy thì hành động của mình mới đúng, mới chính nghĩa. Như vậy, hoàng đế là lá bài rất có ích, hơn nữa là vương bài thì kể gì từ đâu tới?

 

 

Còn như nói, để hoàng đế ở cạnh rồi việc gì cũng phải thỉnh thị, chi bằng cứ xa ra, rồi muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn làm gì thì làm, đúng là ý nghĩ điển hình của lũ tướng cướp, đầu óc chính trị rỗng không. Trời thì cao hoàng đế thì xa, nếu vị hoàng đế này là con rối thì gần hơn một chút chẳng tiện hơn sao? Thỉnh thị hội báo, khấu đầu hành lễ đương nhiên là vẫn cần. Nhưng chỉ cần suy nghĩ một chút cũng hiểu ngay đó là việc nhỏ. Tiểu hoàng đế lúc đó mới 16 tuổi, còn là một đứa trẻ. Lúc đầu nằm trong tay Đổng Trác, về sau lại rơi vào tay Vương Doãn và những người khác, chưa hề nắm quyền. Lý Thôi, Quách Dĩ cắn xé lẫn nhau quân binh gặp nhau ở thành Tràng An, hoàng đế cử người đến giảng hòa, nhưng chẳng ai chịu theo. Đường đường là thiên tử, chưa nói tới việc hiệu lệnh thiên hạ, một việc cỏn con như vậy cũng không hoàn thành. Hoàng đế đáng thương, đến chỗ Viên Thiệu thì còn gì là dáng vẻ một thiên tử, có thể không cùng sống được với Viên đại nhân? Đấu tranh chính trị và làm nghề buôn bán là giống nhau, phải chiếm được cơ hội buôn bán. Vương bài chỉ có một tấm, bạn không chiếm thì người khác sẽ chiếm. Thư Thụ từng nói: “Quyền không thể lỡ, cốt ở thần tốc”, “Nếu để chậm, sẽ có người lấy mất”. Tiếc là Viên Thiệu nghe không lọt tai.

 

 

Mới hay, việc nghênh phụng thiên tử cũng có hai cách nói. Mao Giới nói một cách, Thư Thụ nói một cách. Vậy, suy nghĩ thực của Tào Tháo là gì? Tháo muốn “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” hay muốn “Ép thiên tử để lệnh chư hầu” đây?

 

 

Rõ ràng các mưu sĩ của Tào Tháo chủ trương cách nói trước. Quan điểm của Mao Giới và Tuân Úc là như vậy. Tuân Úc vốn là người của Viên Thiệu, nhưng Tuân Úc “đồ rằng Thiệu không thành được việc lớn”, nên ngay từ năm Sơ Bình thứ II (năm 191) thời Hán Hiến đế đã rời Viên Thiệu chạy đến với Tào Tháo, lúc đó chỉ là Thái thú Đông quận, Tào Tháo sung sướng nói, đây chính là Trương Lương của ta! Kiến An năm đầu (năm 196), lúc Tào Tháo quyết định nghênh đón thiên tử, nhiều người không tán thành (chư tướng còn nghi ngờ), Tuân Úc và Trình Dục ra sức ủng hộ. Chúng ta không sao hiểu được Trình Dục đã nói những gì, còn những điểu Tuân Úc nói đã được ghi trong Tam quốc chí. Tuân Úc truyện. Chúng ta xem Tuân Úc đã nói những gì.

 

 

Tuân Úc nói, muốn đấu tranh chính trị, phải có chính nghĩa, ít ra cũng phải có một ngọn cờ chính nghĩa. Năm đó, Tấn Văn công nghênh đón Chu Tương vương, bị vương tử Đới đuổi cổ, về Vương Thành, kết quả các chư hầu đều hưởng ứng; Cao hoàng đế mặc áo gài chữ hiếu với Sở Hoài vương - bị Sở Bá vương sát hại, kết quả là thiên hạ đồng lòng. Đây chính là sức hiệu triệu của lá cờ chính nghĩa. Lúc Đổng Trác gây họa nạn cho đất nước, ngài là người đầu tiên giương cao ngọn cờ chính nghĩa đi dẹp loạn (kêu gọi nghĩa quân); lúc thiên tử lưu ly thất sở, chính ngài đã không quản nguy hiểm, phái cả sứ giả đi (thông sứ không kể nguy hiểm). Điều đó nói lên cái gì? Ngài từng giây từng phút nghĩ đến vương thất (lòng dạ luôn nghĩ tới vương thất), ngài luôn tâm nguyện khôi phục lại thiên hạ (tướng quân có chí khôi phục lại thiên hạ)! Lúc này thiên tử còn ngỡ ngàng (xa giá còn quẩn quanh), Lạc Dương hoang tàn (Đông Kinh cây cỏ mọc đầy), người trung nghĩa luôn hy vọng giữ được quốc bản (nghĩa sĩ muốn giữ được cái gốc), nhân dân càng thêm đau buồn khi nhớ lại những ngày huy hoàng của Đại Hán lúc trước (trăm họ nhớ cái cũ mà thêm đau). Vậy phải hành động ngay, làm những việc mà tướng quân muốn làm. Đế lỡ thời cơ, lòng người sẽ hỗn loạn. Chờ lúc mọi người chia cắt (bốn phương xâu xé), mới đứng ra lo liệu thì e đã muộn.

 

 

Từ đó, Tuân Úc đưa ra ba cương lĩnh lớn cho Tào Tháo, thuận theo ý dân tôn phụng thiên tử (phụng chúa thượng theo nguyện vọng của dân), chí công vô tư để cường hào phải hàng phục (lấy chí công để thu phục hùng kiệt), đề cao chính nghĩa “đề cao chính nghĩa có nhiều nhân tài” để chiêu mộ anh hùng. Tuân Úc nói: “Phụng chúa thượng theo nguyện vọng của dân” là xu thế lớn nhất hiện nay, là “đại thuận”; “Lấy chí công để thu phục hùng kiệt”, là chiến lược lớn nhất, “đại lược”; “đề cao chính nghĩa có nhiều nhân tài”, là đức hạnh lớn nhất, là “đại đức'“. Đại thuận chí tôn, đại lược chí công, đại đức chí nghĩa. Có ba cương lĩnh lớn đó, thì đường đường chính chính, khí trùm sông núi, còn gì mà không thắng. Nếu có kẻ nào hô hào chống lại, gây rắc rối, thì cũng chỉ là bọ ngựa cản đường, châu chấu đá voi, chuốc lấy diệt vong.

 

 

Lời nói của Tuân Úc thấm đậm điều đại nghĩa, Tào Tháo lấy làm kính phục. Nếu so sánh lời lẽ của Tuân Úc và Thư Thụ, thì trình độ, phẩm vị cao thấp khác nhau rõ ràng. Tuân Úc để tâm vào chữ “nghĩa”, Thư Thụ nhìn vào chữ “lợi”; Tuân Úc trước sau chi nghĩ tới một việc: Bảo vệ hoàng đế hiện nay cũng là bảo vệ sự thống nhất đất nước, đó là “đại nghĩa”. Thư Thụ nhắc đi nhắc lại lần nữa sách lược: nắm lấy hoàng đế hiện nay sẽ có vốn liếng về chính trị, đó là “lợi lớn”. Cho nên cả hai người đều cho là phải nắm lấy thời cơ, chỉ khác nhau về cách nhìn. Tuân Úc nói, chờ lúc mọi người chia cắt, mới đứng ra lo liệu e là đã muộn. Còn Thư Thụ, nếu không mạnh bạo ra tay trước, đế người khác cướp mất lá bài hoàng đế thì sẽ không còn kịp nữa. Đương nhiên, Thư Thụ nói “nay nghênh triều đình để giữ chữ nghĩa” nhưng giọng nói chẳng mặn mà gì. Nói chẳng mặn mà gì thật không giống với giọng điệu của Thư Thụ, mà hệt như giọng điệu của Viên Thiệu. Mưu sĩ muốn thuyết phục chủ của mình thì luôn phải nói theo sự suy nghĩ của chủ. Thư Thụ hiểu ra chữ “lợi” vì Viên Thiệu trọng “lợi”; Tuân Úc chọn chữ “nghĩa” vì Tào Tháo trọng “nghĩa”, chí ít thì vào năm 196, Tào Tháo cũng trọng “nghĩa” hoặc vờ như trọng “nghĩa”.

 

 

Có điều, bất kể là quyết sách nào, cách nói nào thì đều là con dao hai lưỡi. Mao Giới và Tuân Úc đã vạch ra “đường lối chính trị chính xác” và “ngọn cờ chính nghĩa” cho Tào Tháo, đội mũ cao cho Tào Tháo và cũng thắt một cái đai nguyền rủa cho Tào Tháo. Nhất là ba cương lĩnh lớn, tôn phụng thiên tử, chí công vô tư và nêu cao chính nghĩa mà Tuân Úc đề xuất đã khống chế toàn diện dã tâm cá nhân của Tào Tháo; và hai câu nói “lòng dạ luôn nghĩ tới vương thất”, “tướng quân có chí khí khôi phục lại thiên hạ”, được coi là lời của Tào Tháo, đã quản Tào Tháo rất chặt, khiến cho Tào Tháo suốt đời không dám thay thế hoàng đế không dám xưng đế. Có thể vì nguyên nhân đó, nên khi dã tâm của Tào Tháo bành trướng, Tào Tháo đã oán hận hai người. Tuân Úc bị bức phải tự sát, Mao Giới cũng bị hạ ngục, suýt nữa thi chết.

 

 

Đó đều là những chuyện về sau này. Vào năm 196, về cơ bản, Tào Tháo vẫn muốn là “anh hùng thời loạn”, luôn chủ trương tôn phụng hoàng đế, ủng hộ việc thống nhất đất nước. Theo chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, sáu năm trước khi Viên Thiệu muốn lập Lưu Ngu làm hoàng đế, Tào Tháo từng trả lời Viên Thiệu, rằng: Tội ác của Đổng Trác nổi khắp bốn biển. Liên quân của chúng ta, sờ dĩ được nhiều người ủng hộ và hưởng ứng, bởi chúng ta là chính nghĩa. Nay hoàng đế tuổi nhỏ, thế cô lực mỏng, bị gian thần khống chế, bản thân chưa có sai lầm gì. Một khi bị thay đổi thì thiên hạ yên tâm sao được? Cuối cùng Tào Tháo vừa bi vừa phẫn nói: “các vị cứ lên bắc, riêng tôi sẽ về phía tây!” Cũng tức là nói, các vị cứ đến U châu mà triều bái hoàng đế mới, cá nhân tôi sẽ về hướng tây vào Tràng An, để bảo vệ hoàng đế.

 

 

Lời Tào Tháo không dài, nhưng hàm chứa nhiều ẩn nghĩa, biểu hiện rõ lập trường chính trị: chủ trương thống nhất, phản đối chia cắt, bởi vì chia cắt cũng là chiến tranh cũng là khổ đau cho trăm họ. Tào Tháo đã có một bài thơ, bài “Hao lý hành”. Đó là lời than khóc khắp nơi, người chết đói đầy đường, thực là thê thảm, Tào Tháo nói: “Quan Đông có nghĩa sĩ, khởi binh đánh hung tàn. Hợp quân ờ Minh Tần, lòng nghĩ về Hàm Dương. Hợp quân, lực không đủ, dàn quân mà đợi chờ. Tranh nhau về lợi thế, lại cùng nhau tương tàn. Hoài Nam đệ xưng hiệu, khắc tỉ ở bắc phương. Giáp trụ đầy chấy rận, trăm họ chuốc thương vong. Xương trắng phơi đồng xa, ngàn dặm không tiếng gà, Dân sinh trăm còn một, nghĩ mà đau nhức ruột”. Tào Tháo không nỡ nhìn hết cảnh đó.

 

 

Vì vậy, Tào Tháo chủ trương thống nhất đất nước và cả đời ra sức phấn đấu. Muốn thống nhất đất nước cần có sự tượng trưng cho thống nhất. Lúc này chính là hoàng đế. Hoàng đế là ai không quan trọng. Lúc điều kiện thành thục; cũng có khả năng mình sẽ làm hoàng đế, cũng không thể có hai hoàng đế. Tào Tháo phản đối Đổng Trác, vì Trác đã làm mất hết giá trị của hoàng đế. Tào Tháo phản đối Viên Thiệu, vì Thiệu muốn lập một hoàng đế khác, Tào Tháo quyết không rút khỏi vũ đài chính trị và ngay cả khi điều kiện thành thục cũng sẽ không lên thay Hán Hiến đế, bởi vì “giả sử đất nước không có ta, không biết đã có mấy người xưng đế, mấy người xưng Vương”. Vì vậy, để thống nhất đất nước, Tào Tháo nguyện sẽ nhẫn nhịn, để không thể có cả đống hoàng đế.

 

 

Nhưng nếu nói, lúc này Tào Tháo không có chút dã tâm nào thì không đúng. Theo lời chú dẫn “Hán kỷ” Trương Phan của Bùi Tùng Chi trong “Tam quốc chí. Vũ đế kỷ”, một sử liệu, không chắc lắm, lúc đó có cả Thái sử công là Vương Lập đã nhiều lần nói với hoàng đế, thiên mệnh đã sắp hết, ngũ hành không còn thịnh. Thay thế nhà Hán tất là Ngụy. Chỉ có Tào thị mới yên được thiên hạ. Tào Tháo nghe vậy, liền cho người nói với Vương Lập: “Ngài trung với triều đình, đạo trời là sâu xa, xin đừng nhiều lời”. Điều này thật khó tin nhất là câu “người thay Hán lại là Ngụy”, trong lúc đó Tào Tháo vừa nghênh phụng thiên tử, lẽ nào lại có người nói như vậy. Có điều, những lời Tào Tháo được ghi trong sách lại rất phù hợp với suy nghĩ thật của Tào Tháo. Lúc này, có thể Tào Tháo đã có dã tâm, ít ra cũng thấy thoải mái khi nghe những lời như vậy, nhưng Tào Tháo hiểu là không thể nói.

 

 

Không thể nói, không có nghĩa là không thế làm. Sau khi dời đô về huyện Hứa, Tào Tháo dần dần từ “phụng thiên tử” biến thành “Ép thiên tử”. Sự chuyển biến đó là vô tình hay hữu ý, là có dự định từ trước hay tự nhiên, đến nay vẫn chưa có cách gì làm rõ. Trái lại, Tào Tháo ngày một chuyên quyền, ngày một bạo ngược, ngày một bá đạo, không coi hoàng đế ra gì, bản thân hoàng đế cũng cảm thấy từ chỗ “được tôn phụng” biến thành “bị giam lỏng”, nên mói có sự kiện “chiếu trong đai áo” vào năm Kiến An thứ V (năm 200). Việc này có ghi trong Tam quốc chí và Hậu Hán thư, được coi là thực. Tam quốc chí. Tiên chủ truyện nói “Hiến đế cữu (nhạc phụ). Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa nhận mật chiếu trong đai áo, để giết Tào công... sự việc bại lộ, Thừa và những người khác đều bị giết” Hậu Hán thư. Hiến đế kỷ cũng nói, “tháng giêng năm thứ V, Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa, Biên tướng quân Vương Phục, Việt Kỵ hiệu úy Chủng Tập nhận mật chiếu giết Tào Tháo, sự việc bại lộ. Năm Nhâm Ngọ, Tào Tháo giết Đổng Thừa và những người khác, tru di cả ba họ”. Chúng ta đều biết Hán Hiến đế trưởng thành trong hỗn loạn, tai nạn, sớm trở thành người biết nhẫn nhịn. Nếu không bị bức quá thì không có việc phải ra mật chiếu, mới hay lúc đó Tào Tháo đã điên cuồng tới mức nào.

 

 

Có điều việc này rất khó nói, vì những điều ghi trong chính sử chưa hẳn đã là thực tất cả. Trần Nhĩ Đông cũng nói, sự kiện “chiếu trong đai áo” “vẫn còn là nghi án xưa nay”, đại sư sử học Lã Tư Miễn cũng tỏ ra nghi ngờ. Về sau chúng ta còn nói lại chuyện này. Sự thực thì “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” và “Ép thiên tử để lệnh chư hầu” cũng không mâu thuẫn gì. Bởi vì muốn duy trì sự thống nhất của đất nước thì cần phải loại bỏ số chư hầu dẫn đến chia cắt đất nước, còn như muốn thực hiện dã tâm chính trị của mình thì cần phải tiêu diệt những kẻ khác ý. Mục đích tuy khác nhau, nhưng kết quả sự việc lại như nhau. Ở chỗ Tào Tháo thì sự việc này không hề có mâu thuẫn, vì dã tâm của cá nhân Tào Tháo và đại nghiệp thống nhất đất Nước có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tào Tháo hiểu rõ, muốn thực hiện dã tâm cá nhân, phải thực hiện thống nhất đất nước; chỉ có thực hiện thống nhất đất nước, Tháo mới thực hiện được dã tâm cá nhân. Vì vậy, về mặt chiến lược, trước đám đông trong triều đình Tào Tháo phải “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục”, lúc nào thì “Ép thiên tử để lệnh chư hầu” là thủ đoạn là con bài. Lúc nào thì giương cờ, lúc nào thì “Ép thiên tử để lệnh chư hầu”, Tào Tháo biết rất rõ và làm rất khéo.

 

 

Huống chi việc này còn có cái lợi khác, tức là Tào Tháo còn có vô số nhân tài có lợi hơn bất kỳ ai khác. Với danh nghĩa của chính phủ trung ương, Tào Tháo có thể có được vô số những người hiền minh thậm chí là chiêu nạp nhiều người đến đầu hàng, đều là những người hy vọng được vì nước vì dân, và chỉ có đến chỗ Tào Tháo mới tỏ rõ được quang minh chính đại, danh chính ngôn thuận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân Lưu Bị và Tôn Quyền phân biệt Tào Tháo và Hán thất, coi Tào Tháo là “Hán tặc”. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì về mặt này, Tào Tháo xúng đáng hơn nhiều người khác. Bởi vì ra sức vì hoàng đế xứng đáng hơn ra sức vì chư hầu, và ra sức vì hoàng đế có khác gì ra sức vì Tào Tháo. Ít ra, Tào Tháo có thể gia quan tiến tước cho số nhân tài của mình với danh nghĩa hoàng đế, với bổng lộc của đất nước. Quan vị là của đất nước, nhân tài là của mình, Tào Tháo làm khá gọn cuộc mua bán này.

 

 

Tóm lại, sau khi đưa hoàng đế về huyện Hứa, Tào Tháo bước lên một nấc thang mới. Tào Tháo có đủ nguồn nhân lực có đủ vốn liếng về chính trị. Tào Tháo một tay giơ cao ngọn cờ chính nghĩa để ủng hộ Hán thất đế hiệu triệu thiên hạ, hiệu lệnh chư hầu, nghiễm nhiên trở thành chúa cứu thế của vương triều Đại Hán; một tay khác lại len lén rút dao từ sau lưng và ra tay cực nhanh. Tào Tháo muốn bằng ngọn đao đó để đạp bằng bốn biển, thống nhất chín châu. Vậy, Tào Tháo có được thuận lợi không?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét