Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

MỘT TRẬN SỐNG MÁI

 


Lãnh địa của Viên Thiệu (vàng) và Tào Tháo (cam) trong trận Quan Độ

Tập thứ chín: MỘT TRẬN SỐNG MÁI

 

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

“Trận chiến Quan Độ” năm 200 đã xảy ra, một trong ba chiến dịch lớn ở thời Tam Quốc. Đây là cuộc chiến tranh quyết định vận mệnh và tiền đồ của Trung Quốc thời đó. Viên Thiệu quyết tâm giành thắng lợi, Tào Tháo chỉ có thể thắng không thể bại. Tào Thào tuy có ưu thế về chính trị nhưng lực lượng quân sự rõ ràng là không bằng Thiệu. Vậy trong cuộc chiến này, Tào Tháo đã xuất kỳ bất ý thế nào để lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh?

 

 

Tháng ba năm Kiến An thứ IV (năm 199) thời Hán Hiến đế, Viên Thiệu bỏ ngoài tai những lời phản đối của mưu sĩ, quyết định tập kết mười vạn tinh binh thẳng tới Hứa huyện, phát động chiến tranh hòng tiêu diệt Tào Tháo. Lúc này Viên Thiệu đã tiêu diệt Công Tôn Toản chiếm cứ miền bắc, trong tay có cả bốn châu Ký, Thanh, Tinh, U, người đông thế mạnh, binh cường ngựa khỏe, có thể quyết một trận sống với Tào Tháo.

 

 

Lập tức Tào Tháo đưa quân lên bắc để nghênh địch. Tháng tám quân Tào vượt Hoàng Hà, lập trại tại Lê Dương (nay thuộc phía đông huyện Tuấn, Hà Nam). Tháng chín, Tào Tháo trở về Hứa huyện, đồng thời chia quân trấn giữ Quan Độ (nay thuộc phía bắc huyện Trung Mâu, Hà Nam). Tháng mười hai, lần nữa Tào Tháo lại đến Quan Độ, thiết lập đại bản doanh của mình ở đây. Tào Tháo cử Thái thú Đông quận là Lưu Diên đóng quân ở Bạch Mã (nay là phía đông huyện Hoạt, Hà Nam), Ích Thọ đình hầu Vu Cấm trấn giữ Diên Tân (nay là phía bắc Diên Tân, Hà Nam). Quân Tào và quân Thiệu ở hai bên bờ sông trong tư thế quyết chiến.

 

 

Chiến tranh sắp nổ ra.

 

 

Cuộc chiến sớm muộn gì cũng sẽ nổ ra. Tháng giêng năm Diên An thứ III, Lưu Bị mưu sát Dương Phụng; tháng mười một năm Diên An thứ III, Tào Tháo tiêu diệt Lã Bố; tháng sáu năm Diên An thứ IV, Viên Thuật lâm bệnh phải nằm; tháng mười một năm Diên An thứ IV, Trương Tú giơ tay xin hàng. Dương Phụng đã chết, Lã Bố, Viên Thuật đều đã chết, Trương Tú đã hàng, Lưu Biểu tuyên bố trung lập, Tôn Sách cố thủ phía đông. Cục thế lúc này đã rõ ràng, Viên Thiệu và Tào Tháo trỏ thành hai người hùng đối lập, xem đối thủ như Hạng Võ muốn tiêu diệt bằng được đối phương.

 

 

Chúng ta hãy nhìn vào trận chiến này.

 

 

Có thể chia cuộc chiến này làm bốn giai đoạn, trước hết là “giai đoạn giao phong”. Lúc này, hai bên xảy ra những trận đánh nhỏ. Viên Thiệu ra quân trước. Tháng hai năm Kiến An thứ V (năm 200) thời Hán Hiến đế, Viên Thiệu tiến quân đến Lê Dương, coi Lê Dương là đại bản doanh, rồi phái đại tướng Nhan Lương lĩnh quân tiến bộ đánh phá Bạch Mã, sau đó lại phải đại tướng Văn Sú đánh phá Diên Tân, nhưng Bạch Mã vẫn là trọng điểm của chiến tranh. Tháng tư, Lưu Diên chi có ba ngàn quân sợ giữ không nổi, liền có “thư lông gà” gửi Tào Tháo ở Quan Độ. Tào Tháo quyết định cứu viện Bạch Mã ngay, nhưng Tuân Du lại đề nghị phải đánh tới Diên Tân - Tào Tháo chợt hiểu ngay, Tuân Du muốn mình giương đông kích tây, như là chuẩn bị vượt Hoàng Hà đánh vào hậu phương của Viên Thiệu. Tào Tháo nghe lời Tuân Du. Quả nhiên Viên Thiệu đã bị lừa, liền phái quân đi cứu Diên Tân. Thế là Tào Tháo đã thống lĩnh quân lính, giương cờ dóng trống tiến quân lên bắc. Lúc gần đến Diên Tân lại đột nhiên cùng một toán nhỏ khinh kỵ tập kích vào Bạch Mã. Quân Nhan Lương vây thành Bạch Mã không kịp đề phòng, Nhan Lương bị Quan Vũ chém rơi xuống ngựa. Bạch Mã được giải vây.

 

 

Xin nói thêm một câu, ba tháng trước (tức là tháng giêng năm Kiến An thứ V) đã xảy ra vụ án “Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa nhận mật chỉ của hoàng thượng giấu trong đai áo nhằm giết Tào Tháo”, Đổng Thừa đã bị giết, Lưu Bi bỏ trốn. Sau khi đóng quân ở Quan Độ, Tào Tháo tranh thủ tiến đánh Lưu Bị. Lưu Bị không địch nổi đã chạy sang với Viên Thiệu; Quan Vũ bị bắt đã hàng Tào Tháo. Sau khi hàng Tào, Quan Vũ cảm kích trước sự tín nhiệm của Tào Tháo, mặt khác lại lưu luyến ân tình với Lưu Bị, nên đã quyết định sẽ báo đáp Tào Tháo xong rồi sẽ đi tìm Lưu Bị. Giết Nhan Lương, Quan Vũ lập công lớn với Tào Tháo.

 

 


Cái chết của Nhan Lương bị quy lỗi cho Viên Thiệu

Sau khi giải cứu xong Bạch Mã, Tào Tháo liệu đoán Viên Thiệu nhất định sẽ không chịu, sẽ quay lại đánh, sẽ trút giận lên trăm họ Bạch Mã, sẽ lạm sát họ. Tào Tháo liền đưa nhân dân Bạch Mã men theo Hoàng Hà đi về hướng tây (nhân dân đều biết Lưu Bị rút lui đem theo trăm họ, chứ không biết Tào Tháo cũng làm như vậy). Lúc đến gần phía nam Diên Tân đã gặp quân Viên vượt sông tới, trận chiến tao ngộ sẽ không tránh khỏi. Lúc bây giờ quân Tào ở trên sườn núi, quân Viên Thiệu đánh tới. Lính đi tuần về báo: bên phía địch có năm sáu trăm kỵ binh. Một lúc sau lại báo: có thể kỵ binh còn nhiều hơn, bộ binh thì vô số, đếm không xuể. Tào Tháo nói, không cần phải báo cáo! Thế rồi lệnh ban xuống: cởi yên ngựa nghỉ ngơi tại chỗ. Tất cả tướng lĩnh nhận lệnh mà ngơ ngác không hiểu, đều nói, quân địch nhiều như vậy, bao nhiêu quân trang quân dụng từ Bạch Mã đem tới đang để đầy đường, chúng ta phải vận chuyển về doanh trại trước đã! Chỉ có Tuân Du là hiểu ý Tào Tháo, Tuân Du cười nói, bao nhiêu mồi nhử ngon lành thế này chuyển về làm gì! Tào Tháo cũng cười và thần thái vẫn như không. Một lúc sau Văn Sú và Lưu Bị đưa sáu ngàn kỵ binh tới. Các tướng lĩnh đều hỏi, đã đến lúc lên ngựa chưa? Tào Tháo nói vội gì. Quả nhiên sau lúc kỵ binh của Văn Sú và Lưu Bị tới, phát hiện thấy quân trang quân dụng đầy đất, tất cả đã xuống ngựa đến cướp. Đúng lúc đó Tào Tháo mói hạ lệnh, và rồi tiếng thanh la, tiếng chiêng trống đã vang dậy trời đất, sáu trăm thiết kỷ nhanh chóng từ sườn núi phóng tới, quân Viên bị đánh cho tơi bời khói lửa.

 

 

Trận đánh đó thực nổi đình đám, ngay như Tam quốc chí tiếc bút mực là vậy mà cũng phải mô tả thật tỉ mỉ trong Vũ đế kỷ, gọi đó là trận “đại phá”. Văn Sú một viên tướng khác của Viên Thiệu bị chém dưới ngựa (nhưng không thể xác định đó là công lao của Quan Vũ), Lưu Bị chạy luôn. Thế rồi trong lúc quân Tào đang ăn mừng thắng lợi, Quan Vũ đã để lại một bức thư và tất cả những gì Tháo ban thưởng rồi lén ra khỏi doanh trại Tào Tháo, đi tìm người anh chạy còn nhanh hơn thỏ kia.

 

 

Tào Tháo giành được thắng lợi ban đầu, nhưng vẫn chưa yên tâm. Tào Tháo biết rõ thực lực của mình không bằng Viên Thiệu, vì vậy đã rời bỏ Bạch Mã và Diên Tân, toàn quân lui về Quan Độ. Làm như vậy có nhiều cái lợi, có thể tập trung binh lực, có thể tiết kiệm tài lực và còn có thể dụ địch vào sâu. Một khi quân địch vào sâu thì đường tiếp tế sẽ dài hơn. Đường tiếp tế dài hơn, giá thành cuộc chiến sẽ tăng thêm, khả năng thắng lợi sẽ giảm đi nhiều. Nhìn vào bản đồ chúng ta thấy rõ, tác chiến với Viên Thiệu ở Bạch Mã và Diên Tân Tào Tháo bất lợi, đưa chiến tranh đến Quan Độ là có lợi cho Tào Tháo. Vì vậy, trong lúc địch mạnh ta yếu thì nên “địch tiến ta lui” không nên tính toán đến sự được mất một thành trì nào đó.

 

 

Tào Tháo thực sáng suốt. Tào Tháo làm được như vậy vì tinh thần sung mãn, vì thấu hiểu đạo lý “đừng nên vì chuộng hư danh mà chuốc lấy họa”. Viên Thiệu thì trái lại, rất thích hư danh, nhất là thích được bộ hạ tâng bốc “thế không thể ngăn”, “không có đối thủ”. Vì vậy, khi Tào Tháo vừa lui, Viên Thiệu đã tiến quân hoàn toàn không ngờ rằng Tào Tháo lấy lui để tiến lấy thủ để công.

 

 

Tháng bảy, quân Viên Thiệu tiến vào Dương Võ. Tháng tám quân Viên Thiệu tiến thêm nữa, gần tới Quan Độ thì cho quân hạ trại, từ đông sang tây, doanh trại san sát kéo dài hàng hơn mười dặm. Lúc này thì Tào Tháo đã hết đường lui, đành phải lập doanh hạ trại. Chiến tranh đã bước vào giai đoạn hai - “giai đoạn đối đầu”.

 

 

Trong giai đoạn này “hàm lượng kỹ thuật” rất cao. Trước hết, Viên Thiệu cho dựng những lầu cao, đắp những núi đất trong quân doanh, rồi từ trên cao bắn tên vào doanh trại Tào. Quân Tào chết thực thê thảm. Những người còn lại đều phải lấy mộc che lên đầu (trong doanh đều là mộc), ai nấy đều thót tim (vô cùng sợ hãi). Đây cũng không phải là chuyện nhỏ và cũng không thể chống đỡ nổi, cần phải phản công. Tào Tháo cho chế tạo ngay những “máy bắn đá”, có thế bắn nhũng hòn đá to như quả đạn thẳng vào doanh trại quân Thiệu, làm sập đổ toàn bộ số lầu cao của Thiệu. Thời đó gọi đây là “vũ khí có tính sát thương với quy mô lớn”. Viên Thiệu kinh hồn lạc phách, gọi đó là “xe sấm sét”. Kế này không xong Viên Thiệu lại nghĩ ngay ra kế khác, cho công binh đào hầm ngầm, chuẩn bị đánh lén Tào Tháo. Tào Tháo cho đào những hào Nước để đối phó với Thiệu, còn cho kỵ binh tập kích vào đoàn xe lương của Thiệu khiến Thiệu phải kêu khổ. Chiến trận giữa hai bên lần này được coi là ngang ngửa.

 

 

Ngoài những lúc giao tranh chính diện, Viên Thiệu và Tào Tháo đều có những động tác nhỏ sau lưng đối phương. Lúc này Tào Tháo đang tác chiến ở Quan Độ thì Lưu Tích - tướng quân Khăn Vàng đã đầu hàng Tào Tháo, lại bội phản Tào Tháo ở Nhữ Nam và chạy sang bên Viên Thiệu. Viên Thiệu để Lưu Bị hội hợp với Lưu Tích ở huyện Hứa, kết quả đã bị Tào Phi đánh cho tan tác, Lưu Tích bị giết, Lưu Bị còn nhanh hơn thỏ đã chạy thoát. Đồng thời Tào Tháo cũng cho người liên lạc với quân phiệt Ô Hoàn ở phương bắc, khiến Viên Thiệu trước sau đều có địch. Lẩn này chiến trận giữa hai bên cũng được coi là ngang ngửa.

 

 

Tóm lại, trong giai đoạn này không ai thắng ai.

 

 

Nhưng chiến tranh kéo dài như vậy thì không ai chịu nổi, nhất là quần chúng nhân dân phải khổ nhiều bể, bản thân Tào Tháo cũng đã mệt mỏi. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ và Tư trị thông giám, vào một ngày tháng chín, nhìn thấy đoàn binh lính bao gian nan vất vả, dáng dấp bơ phờ vận chuyên lương thực về trại, Tảo Tháo nhìn mà không nỡ đã buột miệng nói thành lời, chỉ mười lăm hôm nữa thôi, ta nhất định sẽ tóm được Viên Thiệu, để các ngươi khỏi phải khổ sở thế này (mười lăm ngày nữa ta sẽ phá Viên Thiệu cho các ngươi, để các ngươi hết khổ sở).

 

 

Tào Tháo nói như vậy có đảm bảo gì không? Không có. Thực tế thì Tào Tháo không muốn đánh nữa. Tào Tháo đã hết sức chịu đựng. Nhưng Tuân Úc ở tận Hứa huyện lại luôn luôn động viên Tào Tháo phải kiên trì. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, Tuân Úc có thư nói, Viên Thiệu đã ra khỏi ổ, quyết tâm cùng ngài một trận tử chiến! Nhất định Viên Thiệu sẽ không cam chịu, quyết tâm không bỏ cuộc giữa đường, Trong tình thế này, ngài phải “lấy yếu thắng mạnh”. Nếu không thể chiến thắng thì sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, không thể có khả năng thứ ba. Cho nên Tuân Úc đã nói, Tào công ơi Tào công, thành bại là ở lúc này! Viên Thiệu bất quá cũng chỉ là “người hùng áo vải” còn minh công là “thần vũ minh triết”, hơn nữa minh công là “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục”, có lý nào để không thành công?

 

 

Giả Hủ cũng muốn Tào Tháo đánh tiếp. Theo Tam quốc chí. Giả Hủ truyện, Giả Hủ nói với Tào Tháo, minh công trí tuệ hơn Viên Thiệu, dùng người hơn Viên Thiệu, dũng cảm hơn Viên Thiệu, quyết đoán hơn Viên Thiệu. Có bốn ưu thế lớn đó, mà nửa năm rồi vẫn chưa thắng là bởi minh công cứ nghĩ vạn nhất sẽ thua. Thực ra thì nắm đúng thời cơ, quyết tâm đúng lúc thì nhất định sẽ thành công trong chớp mắt.

 

 

Ý kiến của hai người rất đúng. Chiến tranh, là một sự kiện cực kỳ nguy hiểm. Nhất là trong thời đại vũ khí thô sơ, rất khó nói chắc là ai sẽ thắng. Vì vậy ý chí và quyết sách của tướng soái luôn luôn là mấu chốt của thành bại; và thắng lợi cuối cùng luôn có trong nỗ lực của người kiên trì hơn. Cụ thể trong cuộc chiến này, rõ ràng phía Tào Tháo là lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, vì vậy cần phải có ý chí, biết kiên trì, cần phải nắm được thời cơ trong sự kiên trì đó, một khi thời cơ đến.

 

 

Thời cơ nói đến là đến. Trong lúc Tào Tháo nghiến răng nghiến lợi quyết tâm kiên trì, đã có ba sự kiện khiến cuộc chiến bước vào giai đoạn thứ ba - “giai đoạn bước ngoặt”.

 

 

Sự kiện thứ nhất “Lưu Bị ra đi”. Sau khi từ Nhữ Nam về tới đại bản doanh của Viên Thiệu, Lưu Bị đề xuất với Viên Thiệu cần liên hợp với Lưu Biểu, Lưu Bị với Lưu Biểu đều là người họ Lưu, liên lạc với Lưu Biểu nhất định phải là Lưu Bị, Viên Thiệu liền để Lưu Bị “đưa quân bản bộ đến Nhữ Nam”. Nhân cơ hội này Lưu Bị đã ra đi. Vì sao Lưu Bị phải ra đi? Một khả năng, lúc Lưu Bị bại trận ở Nhữ Nam về đến Lê Dương, Viên Thiệu tỏ ra khó chịu. Lưu Bị lo lắng, đành phải nghĩ cách để tự liệu. Khả năng này không nhiều lắm. Qua những gì ghi chép trong sử sách thì cha con Viên Thiệu luôn “một lòng kính trọng” Lưu Bị. Khả năng Viên Thiệu thấy khó chịu là có thể có. Nhưng xưa nay Lưu Bị chưa từng quyết định hành động của mình theo sự khó chịu của người khác. Vả Viên Thiệu có khó chịu, cũng không là điều gì ghê gớm; hơn nữa vì tiền đồ to lớn của mình, Viên Thiệu có thể nhẫn nhục, chịu đựng giữ nó lại. Lưu Bị đã đi theo nhiều người, theo Công Tôn Toản đánh lại Viên Thiệu, theo Đào Khiêm đánh phá Tào Tháo, theo Tào Tháo đánh Lã Bố, lúc này đang theo Viên Thiệu đánh lại Tào Tháo. Lưu Bị đã quen thói ăn đậu ở nhờ thì làm sao không nhịn được điều đó? Vì vậy, có khả năng Lưu Bị dã dự cảm được sự thất bại của Viên Thiệu nên mới rời bỏ Viên Thiệu. Lưu Bị là người rất nhạy bén với chính trị. Lưu Bị cũng giống như những chú chuột trên tàu biển, sớm nhận ra chiếc tàu nào rồi sẽ chìm. Xem ra, Lưu Bị đã nhận thấy, Viên Thiệu đang bị nguy cơ từ bốn phía, tốt nhất là ra đi, vì vậy Tam quốc chí. Tiên chủ truyện nói, “ngầm muốn bỏ Thiệu”. Lúc này thì lực lượng của Lưu Bị không mạnh. Đối với Viên Thiệu, Lưu Bị chỉ như món rau nguội vào đêm 30 tết, có thì Viên Thiệu cũng ăn tết, không có thì Viên Thiệu cũng ăn tết. Vì vậy, không mấy người để ý đến chuyện này. Nhưng theo tôi, bão nổi lên từ đầu ngọn cỏ tần. Lưu Bị ra đi là một điềm báo Viên Thiệu sẽ thất bại.

 

 

Sự kiện thứ hai, mấu chốt hơn, tức là “Hứa Du phản bội”. Có ba cách nói về nguyên nhân của việc này, riêng Tam quốc chí nói là có hai cách. Vũ đế kỷ nói, “Hứa Du tham tiền, Thiệu không chu cấp đủ, nên đi”, Tuân Úc truyện nói là, “Thẩm Phối coi nhà Du là bất pháp, liền bắt cả vợ con Du, Du giận quá liền phản Thiệu”, Tập Tạc Xỉ Hán Tấn Xuân Thu nói vì Viên Thiệu không nghe theo Hứa Du. Lúc đó Viên Thiệu và Tào Tháo đối đầu không xong, Hứa Du khuyên nên để lại một ít quân canh chừng Tào Tháo, sau đó đi tắt về Hứa huyện ép thiên tử, thì sẽ lập được công lớn- Viên Thiệu không theo còn nói, ta phải diệt xong Tháo đã. Thế là Hứa Du phẫn nộ (Du tức giận), chạy luôn sang với Tào Tháo.

 


Hứa Du khuyên Viên Thiệu, nhưng bị Thiệu mắng

 

Ba cách nói đó có thể hợp làm một, tức là Hứa Du phát hiện Viên Thiệu đã không thể nghe theo mình, lại không thể thỏa mãn yêu cầu của mình, vậy không đủ để lập mưu, không đủ để cộng sự, thêm vào đó, vợ con đều bị bắt, nên phải đi. Hứa Du đi khỏi, Viên Thiệu lỗ to, còn Tào Tháo thì lãi lớn, Hứa Du là người cũ của Viên Thiệu, kể từ lúc Viên Thiệu trở mặt với Đổng Trác, đến lập căn cứ ở Ký châu, Hứa Du đã theo Viên Thiệu. Hứa Du túc trí đa mưu, nắm giữ phần lớn tình báo quân sự. Hứa Du phản rồi chạy, không chỉ là tổn thất nặng nề đối với Thiệu, còn làm dao động lòng quân. Vì vậy Tào Man truyện nói, được tin Hứa Du chạy tới, Tào Tháo vui mừng xoa tay vào nhau mà cười ầm lên (vỗ tay cười nói), chuyến này việc của ta coi như xong (việc của ta trở nên dễ dàng).

 

 

Quả nhiên, vừa đến trại Tào, Hứa Du đã có kế “Đốt cháy Ô Sào” với Tào Tháo (trong tập Tào Tháo thật giả, chúng ta đã nói tới). Tào Tháo quyết luôn rồi tự mình thống lĩnh quân khinh kỵ thẳng tới Ô Sào. Ô Sào là kho lương của Viên Thiệu, không có trọng binh trông coi, Tào Tháo cải trang thành quân Viên, người ngậm tăm, ngựa buộc miệng, theo đường tắt tập kích vào Ô Sào rồi phóng hỏa thiêu trụi mọi vật tư quân nhu và thiết bị hậu cần của Viên Thiệu, trực tiếp làm phát sinh sự kiện thứ ba.

 

 

Sự kiện thứ ba phát sinh, khiến tình thế trong chốc lát có bước chuyển cơ bản, đó là “Trương Cáp làm phản”. Trương Cáp là đại tướng của Viên Thiệu, có dũng có mưu theo chân Viên Thiệu ở Ký châu, Theo Tam quốc chí. Trương Cáp truyện, Viên Thiệu đã được tin Tào Thảo tập kích Ô Sào. Trương Cáp chủ trương phải tăng viện ngay, nhưng Quách Đồ phản đối. Quách Đồ nói, Trương Cáp làm vậy là không đúng. Chủng ta nên đánh đại bản doanh của Tào Tháo. Tháo nghe tin sào huyệt bị phá, nhất định sẽ quay về cứu Quan Độ, Ô Sào tất được giải vây, gọi là “không cứu mà tự giải cứu”. Trương Cáp nói, về cơ bản không có khả năng làm như vậy, không thể trong chốc lát hạ được đại bản doanh của Tào Tháo. Quân lính Ô Sào cũng không chống được với quân Tào. Tào doanh không hạ được ngay, Ô Sào lại thất thủ, chúng ta rồi sẽ bị bắt ráo. Tiếc là Viên Thiệu không nghe, chỉ cử một ít quân đi cứu viện Ô Sào và cử trọng binh đi đánh Quan Độ. Kết quả hoàn toàn như những gì Trương Cáp đã tính toán. Lúc này Quách Đồ mới thấy lo. Nhằm vu oan giá họa, trút trách nhiệm sang cho người khác, Quách Đồ mới nói với Viên Thiệu, Trương Cáp biết tin lấy làm vui mừng, nói năng bừa bãi. Chúng ta còn lạ gì tính cách của Viên Thiệu, cà cuống đến đít vẫn còn cay. Nghe Quách Đồ nói vậy - Viên Thiệu khẳng định và cho bắt Trương Cáp để hỏi tội. Trương thấy phía trước bất lợi, phía sau đã bốc lửa đành cùng với bộ hạ là Cao Lãm đốt chiến xa và sang hàng Tào.

 

 

Lúc Trương Cáp đến hàng, Tào Tháo vẫn chưa về. Trấn thủ Quan Độ là Tuân Du và Tào Hồng. Tào Hồng không rõ Trương Cáp hàng thật hay hàng giả, không dám cho vào. Tuân Úc nói, việc gì phải nghi ngờ, nhanh chóng mở cửa doanh trại! Trương Cáp bước vào Tào doanh, Tào Tháo hay tin vui mừng hớn hở nói luôn, thế là Hàn Tín đã về với Lưu Bang! Về sau Tháo bái Trương Cáp là Biên tướng quân, phong Đô Đình hầu.

 

 

Lưu Bị ra đi, Viên Thiệu mất ngoại viện; Hứa Du phản chạy; Viên Thiệu mất nguồn trí tuệ; Trương Cáp làm phản, Viên Thiệu mất cánh tay. Từ nay Viên Thiệu đã mất đại thế, tiếp đến quân lính tan rã, khác gì băng tan núi lở.

 

 

Cuộc chiến nhanh chóng bước vào giai đoạn thứ tư - “giai đoạn quyết thắng”. Trương Cáp vừa đến hàng, Tào Tháo nhanh chóng làm theo ý kiến của Giả Hủ, nắm bắt thời cơ, tập trung binh lực, chuẩn bị phản công. Sau lúc chúng phản thân ly, Viên Thiệu mất hết ý chí chiến đấu, cùng con cả là Viên Đàm rời quân ngũ ra đi. Mất thống soái, quân Viên “tan rã mạnh”, đều biến thành tù binh, sách vở và báu vật của Viên Thiệu đều rơi vào tay Tào Tháo. Những thứ này vốn không nên đưa vào trong quân. Nhưng để chứng tỏ mình là “nho tướng phong độ” và “danh sĩ hàng đầu”, nên Viên Thiệu mới làm thế, kết quả là Tào Tháo “đã cười và nhận” toàn bộ. Viên Thiệu tự coi mình là cao sang, nhưng thực chất là phù hoa. Những người phù hoa, thích ra vẻ thì xưa nay không mấy ai hoàn thành được việc lớn. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, một năm trước, lúc Viên Thiệu quyết định phát động chiến tranh, Tào Tháo đã cười nói, Viên Thiệu “đất đai tuy rộng, lương thực tuy nhiều”, nhưng đó lại là lễ vật chuẩn bị cho ta (Cũng đủ để biếu ta). Số sách vở và báu vật kia có thể là thu nhập ngoài danh mục.

 

 

Trận chiến Quan Độ là bước ngoặt lớn trong lịch sử Trung Quốc thời đó, vì vậy các nhà sử học đã hết sức coi trọng. Tam quốc chí - Vũ đế kỷ thậm chí còn ghi vào một đoạn “thần thoại” (Cũng có thể gọi là “quỷ thoại”). Kể rằng, thời Hoàn đế sao Thổ xuất hiện ở giữa Sở (nay là Hồ Bắc, Hồ Nam) và Tống (nay là vùng Thương Khâu, Hà Nam), thế rồi “nhà tiên tri” có tên là Ân Đạo nói quả quyết, mười lăm năm nữa sẽ có chân mệnh thiên tử xuất hiện giữa nước Lương và nước Bái, hơn nữa còn “anh dũng và vô địch”. Quả nhiên, mười lăm năm sau ở huyện Tiêu nước Bái (nay là thị trấn Hào Châu, An Huy), Tào Tháo đã phá Viên Thiệu ở Quan Độ, từ đó, Thiên hạ không còn giặc”.

 

 

Đương nhiên, đây là mấy chuyện vô căn cứ. Ngay như nhiều chi tiết trong trận chiến Quan Độ, các nhà sử học cũng nói khác nhau. Tam Quốc sử thoại của Lã Tư Miễn khi nói về trận chiến này, gần như đã phủ nhận những điều ghi trong Tam quốc chí. Lã thậm chí còn nói: “Binh mưu trong Tam quốc chí phần lớn không tin được”. Cho rằng nguyên nhân để Tào Tháo thắng lợi không phải là do mưu lược mà chủ yếu là biết nghiến răng kiên trì tới cùng, chẳng có cách gì làm rõ được điều này, nếu bạn nào có hứng thú, xin cứ nghiền ngẫm xem sao.

 

 

Trận chiến Quan Độ kết thúc vào tháng mười năm Kiến An thứ X (năm 200) thời Hán Hiến đế. Từ đó Viên Thiệu không sao vươn lên được nữa. Và tháng năm niên hiệu Kiến An thứ VII (năm 202), Viên Thiệu lâm bệnh, ho ra máu mà chết. Tháng bảy năm Kiến An thứ IX (năm 204), Tào Tháo đánh bại Viên Thượng người thay thế Viên Thiệu. Tháng tám, Tào Tháo tiến vào Nghiệp Thành, khóc tế Viên Thiệu, Tào Phi thuận tay giết dê, “tiếp quản” người vợ mới của Viên Hi. Tháng giêng năm Kiến An thứ X (năm 205), Tào Tháo đánh Viên Đàm con cả của Viên Thiệu, bình được Ký châu, Viên Đàm bị giết. Tháng chín năm Kiến An thứ XII (năm 207), Thái thú Liêu Đông Công Tôn Khang mưu sát Viên Thượng - người thay thế Viên Thiệu và người con thứ hai là Viên Hi, mang thủ cấp đến doanh Tào Tháo. Gia tộc Viên Thiệu hoàn toàn bị diệt vong.

 

 

Việc Công Tôn Khang giết Viên Thượng và Viên Hi còn có hai tình tiết nhỏ. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, sau khi Viên Thượng và Viên Hi chạy sang với Công Tôn Khang, nhiều người chủ trương phải tấn công. Tào Tháo nói không cần, Công Tôn Khang sẽ nhanh chóng mang đầu chúng đến nộp. Vì sao vậy? Vì chúng đều là lũ lang sói, lợi dụng nhau và đề phòng nhau. Chúng ta bức quá, chúng sẽ đồng tâm hiệp lực, chúng ta bỏ qua, chúng sữ tàn sát lẫn nhau. Quả nhiên, Viên Thượng và Viên Hi mưu mô đoạt địa bàn của Công Tôn Khang, Công Tôn Khang liền quyết định giết Viên Thượng và Viên Hi mang đầu nộp cho Tào Tháo. Theo chú dẫn Điển lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện, Công Tôn Khang cho bày tiệc “Hồng Môn Yến” và tóm gọn Viên Thượng lẫn Viên Hi. Viên Thượng và Viên Hi bị trói, bị ném dưới đất lạnh băng, rất khó chịu. Cả hai xin đệm ngồi. Công Tôn Khang nói, đầu chúng bay sắp bay đi xa rồi, còn cần đệm ngồi làm gì! Liền cho giết hai đứa, tất cả đều đúng với dự đoán của Tào Tháo. Vì vậy mới nói, người thắng lợi luôn là người hiểu biết tình hình người khác.

 

 

Viên Thượng, Viên Hi, Viên Đàm chết, rốt cuộc vẫn là sự thất bại trong trận chiến Quan Độ. Từ lâu, đã có hai người thấy rõ kết cục này, đó là Thư Thụ và Điền Phong, họ đều là mưu sĩ của Viên Thiệu. Thư Thụ và Điền Phong đều kiên quyết phản đối cuộc chiến này. Theo Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện. Điền Phong từng nói với Viên Thiệu: “Tào công giỏi dùng binh, biến hóa khôn cùng, quân tuy ít, nhưng không được xem nhẹ” Điền Phong đề nghị, phải đánh lâu dài và đánh du kích. Trước hết, cần phải phát triển mạnh hơn. Một là, chân đứng mới vững (đứng vững giữa sơn hà), hai là, địa bàn mới rộng (có cả bốn châu), ba là, lập nên một chiến tuyến thống nhất (kết hợp với anh hùng các nơi), bốn là, tăng thêm nhiều thiết bị chiến tranh (tu bổ nông chiến). Như vậy mới không rơi vào tình trạng thất bại. Sau đó mới cho từng toán nhỏ binh lính đi quấy nhiễu Tào Tháo “Phân kỳ binh, tìm chỗ sơ hở mà đánh”. Tào Tháo cứu viện phía đông ta đánh phía tây, cứu viện phía tây ta đánh phía đông, “Khiến quân địch mệt mỏi, dân chúng vất vả không yên”, như vậy. “ta thì nhàn nhã, chúng thì khốn khổ”. Chưa đến hai năm, chúng ta có thể tọa hưởng thành quả. Lúc này chúng ta nên “bỏ kê” sách “miếu thắng” quyết một trận thắng bại”, vạn nhất để nhỡ, có hối cũng chẳng kịp. Viên Thiệu không nghe những lời can gián kiên quyết của Điền Phong. Viên Thiệu liền nổi giận, cho rằng Điền Phong đã cản trở đại kế bình định thiên hạ của mình, tội đáng muôn chết, lập tức cho hạ ngục và nói, chờ lúc thắng lợi khải hoàn, ta sẽ tính sổ với ngươi.

 

 

Điền Phong trong ngục, chờ hơn một năm, cuối cùng được tin thất bại. Bạn bè kéo tới chúc mừng Điền Phong, nói: rồi đây, nhất định túc hạ sẽ được trọng dụng. Điền Phong ngẩng cổ lên nhìn trời rồi thở dài nói, thế này thì ta chết là cái chắc. Mọi người không hiểu, hỏi vì sao, có thể nào lại như vậy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét