Phế Hán Thiếu đế hôn ám, lập Trần Lưu vương là “tội ác” thứ nhất của Đổng Trác |
Tập thứ sáu: MƯU SÂU NGHĨ XA
Tác giả Dịch Trung Thiên
Đổng Trác phế lập, Viên Thiệu lập người
khác, Viên Thuật tự lập, điều đó nói rõ, nhiều lắm họ chỉ là “Kiêu hùng thời loạn”,
ngược lại, Tào Tháo mới là nhà chính trị thiên tài. Bởi vì chỉ có Tào Tháo mới
đưa ra được sách lược chính trị với vốn liếng thấp nhất, mạo hiểm ít nhất và lợi
ích cao nhất trong thời buổi hỗn loạn đó. Vậy, sách lược của Tào Tháo là gì?
Tập trước, chúng ta đã nói tới ba vị
“kiêu hùng thời loạn”. Đổng Trác và Viên Thiệu, Viên Thuật, có ba thái độ ba
cách làm trong vấn đề hoàng đế: Đổng Trác phế lập, Viên Thiệu lập người khác,
Viên Thuật tự lập. Ba cách này không thể nói là sai, nhưng ít nhất cũng là
không quang minh vì giá thành cao, mạo hiểm lớn và lợi ích thấp. So sánh một
chút thì thấy, biện pháp của Tào Tháo rõ ràng là cao minh hơn nhiều. Tháo không
phế lập, cũng không lập người khác, càng không tự lập. Tháo nghênh đón hoàng đế
hiện tại về căn cứ địa của mình rồi chăm lo, cung phụng. Sau đó lợi dụng cờ hiệu
của hoàng đế, với danh nghĩa là quốc gia để hiệu lệnh thiên hạ, đánh phá bốn
phương.
Cái gọi là “Ép thiên tử để lệnh chư hầu”
thông thường là như vậy. Chúng ta có thể bàn thêm về vấn đề “Ép thiên tử”. Bao
gồm cả Tào Tháo, Tào Tháo có định làm và có thể làm được như vậy hay không, đều
có thể bàn. Bởi vì Tào Tháo và cả những mưu sĩ của mình, chưa ai nói như vậy,
cũng chưa ai “Ép thiên tử”. Câu này là do người khác nói. Gia Cát Lượng nói Tào
Tháo “Ép thiên tử để lệnh chư hầu”, người bên Tôn Quyền cũng nói Tào Tháo “Ép thiên
tử để đánh bốn phương”, Viên Thiệu thì nói Tào Tháo còn muốn “Ép thiên tử để lệnh
ta”. Chúng ta đều biết, cuộc đấu tranh chính trị thời đó là vô cùng ác liệt. Lời
nói của đối phương chắc gì đã đúng.
Cách nói bên phía Tào Tháo là “Phụng
thiên tử” là “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” (Mao Giới) hoặc “Phụng
thiên tử để lệnh thiên hạ” (Giả Hủ). Mới nhìn thì thấy hai cách nói có phần giống
nhau, nhưng thực ra là khác nhau rất xa. Vậy “Phụng thiên tử” và “Ép thiên tử”
khác nhau những gì? Vì sao Tào Tháo lại làm như vậy? Đó là chủ ý của ai? Tào
Tháo đã thực hiện như thế nào? Và thực hiện như vậy có lợi gì?
Có điều, trước khi trả lời những câu hỏi
này, chúng ta nên giới thiệu sơ qua về tình hình lúc đó. Năm Sơ Bình thứ III
(năm 192) thời Hán Hiến đế, tư đồ Vương Doãn liên hợp với Lã Bố phát động chính
biến cung đình, mưu giết Đổng Trác. Tam quốc diễn nghĩa nói thành, Vương Doãn
thực hiện mĩ nhân kế và kế li gián. Đây đương nhiên là tiểu thuyết gia nói,
Điêu Thuyền cũng là nhân vật trong hí kịch từ thời Nguyên; vở tạp kịch Liên
hoàn kế thời Nguyên nói, Điêu Thuyền là con gái Nhiệm Ngang tên là Hồng Xương,
làm nhiệm vụ giữ mũ điêu thuyền ở trong cung, nên gọi là Điêu Thuyền. Có điều
việc Đổng Trác và Lã Bố hay tư tình với mấy nàng hầu có thế là có; Đổng Trác vì
việc nhỏ đó đã nổi giận lôi đình, cầm kích ném Lã Bố, cũng có thế có. Vì việc
đó, Lã Bố đến kể khổ với Vương Doãn nói, đã mấy lần Đổng Trác định giết nên rất
sợ. Những câu chuyện này đều ghi trong Tam quốc chí. Tam quốc chí. Lã Bố truyện
nói, Vương Doãn biết vậy, muốn Lã Bố tham gia vào hành động của mình và là sát
thủ. Lả Bố do dự nói: “Đã coi nhau như cha con”. Vương Doãn nói: “Ngài họ Lã,
không phải tình cốt nhục, việc gì phải sợ, đâu còn là cha con”. Nhân lúc lên
triều Lã Bố đã giết Đổng Trác.
Câu chuyện xảy ra, mọi người lấy làm hồ
hởi. Theo chú dẫn Anh hùng kí của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Đổng Trác
truyện, sau khi Đổng Trác chết, người ta ném xác hắn ra đường, người trông xác,
nhét bấc đèn vào rốn hắn, biến cái bụng đầy mỡ kia thành một đĩa dầu và châm lửa
cho cháy suốt đêm. Nhưng sau này Vương Doãn lại phạm phải sai lẩm tựa như Viên
Thiệu, tức là giết nhiều người, giết người vô cớ, cha của Sái Văn Cơ, đại học
giả Sái Ung cũng bị giết. Theo Tam quốc chí. Đổng Trác truyện, lúc chú dẫn Hậu
Hán thư của Tạ Thừa, Bùi Tùng Chi nói, lúc giết Sái Ung rất nhiều người phản đối,
từng đến khuyên. Vương Doãn nói, năm xưa Hiếu Vũ hoàng đế không giết Tư Mã
Thiên, nên đã có cuốn sách rất xấu. Lúc này vận nước đang xuống, loạn lạc khắp
nơi, quân lính của Đổng Trác còn ở ngoài thành, sao có thể đế kẻ gian cầm bút đứng
cạnh hoàng đế nhỏ tuổi? Bùi Tùng Chi không thừa nhận việc này, nhưng Vương Doãn
giết Sái Ung, giết nhiều người khác, đả kích hàng loạt, lại là việc có thực.
Sái Ung bị Vương Doãn giết.
Sái Ung là danh sĩ nổi tiếng cuối Đông Hán.
Rất nhiều ghi chép lịch sử về sau đều dẫn ý kiến bình luận Sái Ung
Điều này buộc bộ hạ cũ của Đổng Trác
phải liều mạng đánh vào Tràng An. Đến lượt Vương Doãn bị bêu xác, chỉ có Lã Bố,
mở đường chết ra Vũ Quan, chạy sang Viên Thuật ở Nam Dương, triều đình rơi vào
tay bộ hạ cũ của Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ. Hai người này còn thô lỗ hơn cả
Đổng Trác, thương cho Hán Hiến đế vừa thoát khỏi hang hùm đã rơi luôn vào ổ
sói. Điều tệ hại hơn là hai con sói còn đấu với nhau ngay trong ổ. Lý Thôi đưa
hoàng đế về doanh trại, Quách Dĩ cướp trăm quan vào trong quân, đúng là “một kẻ
cướp thiên tử, một kẻ giật công khanh”. Về sau hai bên đánh nhau đến sức cùng lực
kiệt, thương vong lên tới hàng vạn, tình hình mới tạm yên. Tháng bảy năm Hưng
Bình thứ II (năm 195) bộ tướng của Lý Thôi là Dương Phụng mới cùng Đổng Thừa
cháu của Đổng thái hậu, hộ tống thiên tử về kinh (Lạc Dương). Sau một năm trời
phải phiêu bạt, lưu ly, thiên tử nay đã biến thành lãng tử. Tháng bảy niên hiệu
Kiến An năm đầu (năm 196), hoàng đế đã về tới Lạc Dương. Nhìn thấy kinh thành bị
Đổng Trác tiêu hủy không còn gì, thiên từ muốn khóc nhưng không còn nước mắt.
Đất nước và dân tộc đứng trước một cục
diện hỗn loạn, là điều bất hạnh lớn, nhưng lại là cơ hội lớn cho chư hầu tranh
giành bá nghiệp. Từ đây họ được thử nghiệm, thử xem ai trung thành với đất nước
với nhân dân, thử nghiệm xem ai có thể nắm bắt được cơ hội phát triển của mình.
Lúc này nhìn lại mới thây rõ, tập đoàn Tào Tháo thử nghiệm hợp cách nhất. Sau
khi đến Duyện châu, Tào Tháo cùng mưu sĩ tạo dựng nền móng cho chiến lược chính
trị, chiến lược kinh tế, chiến lược quân sự trong một thời gian dài. Có thể coi
đó là “Long Trung đối” theo “Bản của Tào Tháo” hoặc “Bản của Mao Giới”.
Trước hết Mao Giới phân tích tình hình
cho rằng, lúc này xã hội loạn lạc (thiên hạ đại loạn), đất nước mất ổn định (quốc
chủ di dời), kinh tế suy sụp (dân sinh bại hoại), tai họa hoành hành (đói rét
lưu vong), có thể nói quốc không thái (kho tàng nhà nước rỗng không), dân không
yên (dân chúng không được yên). Đây không phải là kế lâu dài (khó giữ được).
Như lúc này cần có người hùng tài đại lược đứng ra lo liệu. Đây là việc được gọi
là “nghiệp bá vương”. Nhưng một số người có điều kiện như Viên Thuật, Lưu Biểu,
quân dân đều mạnh, nhưng không nhìn xa trông rộng, không có được nền tảng cơ bản.
Cơ bản là cái gì? Một là chính nghĩa, hai là thực lực. Thực lực, phải nói tới
thực lực về kinh tê. Bởi phải tính chuyện lương thảo trước khi tính tới chuyện
binh mã. Lương thảo không đủ thì đừng nói tới chuyện đánh nhau. Thực tế thì đấu
tranh không chỉ là so sánh về lực lượng quân sự, còn là sự so sánh về kinh tế.
Đương nhiên chiến tranh không chỉ là thực lực mà còn là nhân tâm. Được lòng người
là được thiên hạ. Có ngọn cờ chính nghĩa thì ra quân được danh chính ngôn thuận,
mới có thể phá giặc giành thắng lợi, gọi là “người có nghĩa quân là người thắng”.
Có kinh tế tức là tài lớn khí mạnh, tiến thoái dễ dàng, tức là “giàu mới giữ được
địa vị”. Tóm lại, nếu có hai điều kiện đó thì tiến có thể đánh, thoái có thể giữ.
Vì vậy, Mao Giới đưa ra ba ý kiến với
Tào Tháo: phụng thiên tử, lo cấy trồng, trữ quân lương. Mao Giới nói “có nghĩa
quân mới thắng, giàu mới giữ được địa vị, phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần
phục, lo cấy trồng, trữ quân lương, như vậy nghiệp bá vương sẽ thành”. Vì sao lại
phải “Phụng thiên tử”? Vì, thời đó hoàng đế không chỉ là nguyên thủ quốc gia,
mà còn là dòng chính của trời xanh, tức là “thiên tử”, còn là người cha của
thiên hạ, tức là “vua cha”. Quan niệm này được hình thành từ rất sớm, từ thời
Tây Chu. Thời Tây Chu không có hoàng đế chi có thiên tử, Chu vương là “chủ
chung của thiên hạ”, về sau, Tần diệt sáu nước, thống nhất thiên hạ “Vương chế”
biến thành “đế chế”, “chủ chung” biến thành “chủ riêng”, còn hoàng đế thay cho
“vua” thì vẫn là “thiên tử”. Lúc này, dòng chính của trời xanh, chủ của người
thiên hạ đã phiêu bạt lưu ly, ăn không đủ no, ở không cố định, chư hầu cát cứ một
phương không giơ tay cứu vớt, rất nhiều người căm phẫn bất bình, không muốn như
thế. Nếu có ai có thể tôn phụng thiên tử thì người đó sẽ được lòng người. Mao
Giới là người mưu sâu nghĩ xa. Còn như “lo cấy trồng, trữ quân lương” đã nói rõ
ở phần trước. Tóm lại “phụng thiên tử” là chiến lược chính trị, lo cấy trồng”
là chiến lược kinh tế, “trữ quân lương” là chiến lược quân sự, nên như lời Mao
Giới, đây là “văn kiện có tính cương lĩnh”.
Tào Tháo nghe ngay lời của Mao Giới.
Tam quốc chí nói là “kính theo lời đó”, và cho thi hành luôn. “Đồn điền” nói ở
phần trước chính là “lo cấy trồng, trữ quân lương”. Còn việc cần làm khác chính
là “phụng thiên tử”.
Nhưng làm được điều này không phải dễ.
Sau khi Mao Giới có ý kiến, Tháo đã phái sứ giả đến Tràng An liên lạc với triều
đình. Nhưng Thái thú Hà Nội là Trương Dương đã cản trở sứ giả, không cho quá cảnh.
Lúc này, có một người tên là Đổng Chiêu ra giúp. Theo Nhàn thoại tam phân của
Trần Nhĩ Đông thì Đổng Chiêu còn không được coi là nhân vật thứ yếu trong Tam
Quốc. Nhưng theo tôi, “vai diễn” của Đổng Chiêu tuy không quan trọng nhưng lại
thường xuất hiện vào những lúc mấu chốt. Như lúc Tào Tháo nghênh đón thiên tử,
Trần Nhĩ Đông nói “Đổng Chiêu bảo lấy “chiêu bài hoàng đế”; về sau Tào Tháo trở
thành “Ngụy công”, “Ngụy vương”, (Tam quốc chí) cũng nói “Do Chiêu bày ra”. Thực
tế thì những việc của Tào Tháo không phải là công của riêng Đổng Chiểu. Như “Phụng
thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” đầu tiên là ý kiến của Mao Giới. Có điều để
làm được như vậy Đổng Chiêu đã có tác dụng rất lớn.
Đổng Chiêu vốn là người của Viên Thiệu,
Thiệu nghe lời dèm đã sinh nghi. Đổng Chiêu phải bỏ Thiệu đến Lạc Dương nửa đường
thì Trương Dương thu nhận. Sau khi biết sứ giả của Tào Tháo bị Trương Dương cản,
Đổng Chiêu liền nói, tướng quân không nên nghĩ Thiệu và Tháo là người một nhà,
theo tôi, một ngày nào đó họ sẽ trờ mặt và người thắng sẽ là Tào Tháo, vì Tào
Tháo chính là anh hùng thiên hạ lúc này. Nay Tháo ở Duyện châu, phái sứ giả triều
kiến thiên tử, đường qua chỗ tướng quân (kỳ thực đã bị Trương Dương ngăn lại)
thì đây là duyên phận giữa tướng quân và Tào Tháo! Chi bằng tướng quân cứ thuận
theo lòng dân thì sau này hai người sẽ trở thành bè bạn. Trương Dương bèn dâng
thư lên triều đình tiến cử Tào Tháo. Đổng Chiêu còn tự bỏ tiền ra dâng lễ lên
Lý Thôi, Quách Dĩ với danh nghĩa của Tào Tháo, từ đó Tào Tháo đã có quan hệ đi
lại với triều đình. Đó là việc của năm Sơ Bình thứ III (năm 192) thời Hán Hiến
đế.
Đến tháng mười năm Hưng Bình thứ II
(năm 195), Tào Tháo chính thức là Duyện châu mục, lực lượng càng thêm mạnh; và
vào khoảng tháng bảy niên hiệu Kiến An năm đầu (năm 196) thời Hán Hiến đế, tức
là sau đó một năm, trải qua bao năm gian nan vất vả, hoàng đế đã về đến Lạc
Dương, điều kiện nghênh đón thiên tử đã chín muồi. Tào Tháo phái người em họ của
mình là Dương Vũ tướng quân Tào Hồng đi Lạc Dương, nhưng đã bị Vệ tướng quân Đổng
Thừa và Viên Thuật ngăn cản. Lúc này may sao lại có Đổng Chiêu, Đổng Chiêu đi
tìm Dương Phụng. Đổng Chiêu phát hiện thấy số quân phiệt như lang như hổ bên cạnh
hoàng đế có Dương Phụng thực lực tuy mạnh nhưng địa bàn lại mỏng đang hy vọng
có ngoại viện. Đổng Chiêu thay mặt Tào Tháo viết một bức thư, trước hết là những
lời ca ngợi Dương Phụng, sau mới nói, nay thiên hạ hỗn loạn “Những người hiền
phải làm sạch vương pháp, nhưng việc không phải của một người”, cần phải liên hợp
lại. Liên hợp như thế nào? “tướng quân là nội chủ, tôi ngoại viện. Nay tôi có
lương, tướng quân có lính, điều gì còn thiếu, ta giúp đỡ nhau”. Hơn nữa Đổng
Chiêu còn thay Tào Tháo có lời thề “thề cùng nhau sống chết”. Dương Phụng đọc
thư, luôn gật đầu cho là phải, liền cử Tháo là Trấn đông tướng quân và được thừa
tập tước của cha là Phí Đình hẩu. Vừa lúc Đổng Thừa gây mâu thuẫn với nhiều người
trong triều, còn phái người đến mời Tào Tháo ra quân đến Lạc Dương. Tào Tháo
không còn trở ngại gì trong việc nghênh đón thiên tử.
Ngày 18 tháng 8 Kiến An năm đầu (năm
196) thời Hán Hiến đế, Tào Tháo vào Lạc Dương bái kiến Hán Hiến đế. Tào Tháo
mang đến cho hoàng đế lời thăm hỏi li biệt lâu ngày, đem đến cho hoàng đế lương
thực, rượu thịt lâu nay chưa thấy. Quân thần gặp nhau cảm khái muôn phần. Tào
Tháo không ngờ rằng thiên tử chí tôn mà bấy lâu nay ăn uống chẳng khác gì ăn
mày. Hoàng đế cũng không ngờ, trong thời buổi loạn lạc thế này mà vẫn có người
nhớ tới mình. Thiên tử liền xuống chiếu ban cho Tào Tháo phù tiết và hoàng việt,
chức Lục Thượng thư sự. Cầm phù tiết là có quyền chấp pháp trong quân, cầm
hoàng việt là có quyền chi huy trong ngoài, Lục Thượng thư sự có quyền chấp
pháp tối cao. Bước đầu, Tào Tháo đã thành công.
Nhưng chỉ có thể coi đây là bước đầu
tiên của cuộc vạn lý trường chinh. Bởi lúc này hoàng đế đang trong tay người
khác thì quyền uy gì. Tào Tháo đang phải dựa vào địa bàn người khác và hoàng đế
thì không có quyền uy. Vậy thực hiện quyền chấp pháp với ai, lấy gì để thực hiện
quyền chỉ huy, quyền hành chính tối cao! Phụng thiên tử lệnh kẻ chưa thần phục,
đơn giản chi là việc ngày rộng tháng dài. Vì vậy; Tào Tháo cần phải bước tiếp
bước thứ hai, đưa hoàng đế về bên cạnh mình.
Trong bước thứ hai cũng có công sức của
Đổng Chiêu. Sau khi đến Lạc Dương, Tào Tháo có cuộc trò chuyện với Đổng Chiêu.
Tào Tháo mời Đổng Chiêu ngồi cùng, cảm tạ Đổng Chiêu vì đã âm thẩm giúp đỡ, đồng
thời hỏi kế tiếp theo. Đổng Chiêu nói, tướng quân cử nghĩa quân trừ bạo loạn,
đưa thiên tử vào triều, phò tá hoàng thất, đó là sự nghiệp của Tề Hoàn công và
Tấn Văn công năm nào! Nhưng lúc này số tướng lĩnh bên cạnh thiên tử “khác người
khác lòng, chắc gì họ đã phục tùng”. Nếu cứ ở lại Lạc Dương phò tá hoàng thượng
“sự thể sẽ bất tiện”. Biện pháp duy nhất “Di giá về Hứa”, tức là mời hoàng thượng
về huyện Hứa, căn cứ địa của tướng quân. Có điều, Trương Chiêu cũng nói, việc
này chẳng dễ dàng gì. Bởi vì Đổng Trác đã ép hoàng đế đến Tràng An, dân chúng
đã oán than bội phần. Chẳng dễ dàng gì hoàng đế mới về được Lạc Dương, thiên hạ
cúi đầu mong chờ, hy vọng từ nay thiên hạ sẽ yên ổn. Nếu lúc này lại đi giá, e
người người sẽ không phục. Đúng là “một việc khó khăn”. Sau đó, Đổng Chiêu nhân
mạnh “Làm việc phi thường, mới có công phi thường, mong tướng quân cân nhắc kỹ”.
Rõ ràng đây là một thử thách với Tào
Tháo. Tào Tháo nói luôn, tôi đã nghĩ tới chuyện này. Có điều, Dương Phụng ở
ngay bên, nghe nói quân lính Dương Phụng quá lợi hại, sợ lại bị ngăn cản. Đổng
Chiêu nói, không hề gì, Dương Phụng hữu dũng vô mưu, lại không có phe đảng,
không phải lo lắng. Tướng quân nên có thư cho Dương Phụng với hậu lễ và nói, Lạc
Dương không có lương thực, phải đi lấy lương ở Lỗ Dương. Lỗ Dương cách huyện Hứa
trong gang tấc, nhưng đâu phải nói đi là đi được ngay? Lỗ Dương cách huyện
Lương, địa bàn của Dương Phụng cũng không xa, Dương Phụng tất chẳng nghi ngờ,
việc gì còn phải e ngại. Tào Tháo làm theo kế, quả nhiên đưa được hoàng đế về
huyện Hứa!
Lúc này, Dương Phụng mới biết là mình
bị lừa. Lúc Đổng Chiêu với danh nghĩa là Tào Tháo gửi thư đến, Dương Phụng
nghĩ, Tào Tháo sẽ hợp tác với mình như lời lẽ trong thư, Phụng xuất quân, Tháo
xuất lương. Dương Phụng chủ trì triều chính, Tào Tháo là ngoại viện. Dương Phụng
đâu có ngờ, lẽ nào Tào Tháo lại chịu làm bộ tướng hậu cần cho người khác? Mà gần
như người khác phải làm bộ tướng hậu cần cho Tào Tháo! Đương nhiên, Dương Phụng
càng không ngờ Tào Tháo với danh nghĩa là “tạm về Lỗ Dương” nhưng thực chất là
đã “dời đô về Hứa huyện”. Dương Phụng bực tức muốn thanh toán nợ nần với Tào
Tháo, nhưng lại bị Tào Tháo đốt mất sào huyệt, cuối cùng đành phải chạy sang với
Viên Thuật.
Hoàng đế dời đô về Hứa huyện ở tạm
trong hành viên của Tào Tháo, thiên tử đã cảm thấy mãn nguyện. Trước khi về Hứa
huyện, hoàng đế và các quan chẳng khác gì những kẻ ăn xin. Theo Hậu Hán thư. Hiến
đế kỷ, lúc ở Lạc Dương, hoàng đế ở tạm trong nhà lão thái giám Triệu Trung, còn
“trăm quan thì chẳng biết ăn đâu ở đâu”, các quan từ thượng thư lang trở xuống
phải đi kiếm rau dại về ăn, có người đã chết vì đói, có người bị loạn quân giết
chết. Tào Tháo đã cải thiện nhiều cuộc sống của họ, Tào Tháo làm việc gì cũng
chu đáo tỉ mỉ khác gì một quản gia! Điều khiến thiên tử càng thêm cảm động là,
những lúc cung cấp vật dụng hàng ngày cho thiên từ, Tào Tháo luôn dùng phương
thức “vật dụng được trở về” và với một đạo “Dâng lên vật sơ mọn”. Tào Tháo nói,
đây là mấy thứ tiên đế ban tặng cho ông của thần. Đây là ân sủng của tiên đế,
lúc ở nhà, ông của thần đâu dám dùng tới. Nay hoàng thượng ăn ở bất tiện, thần
chăng có chút công lao nào, sao dám giữ lại? Cần được trả về.
Đây là điều rất hay. Nên nhớ, khi giúp
đỡ ai, điều quan trọng là đừng đế người ta cảm thấy như đang nhận của bố thí,
thiếu hẳn tình người, càng không như người đến nhắc nhở người khác là họ đang
được mình giúp đỡ. Hứa Du đã sai lầm từ điều này và phải chết sớm. Đương nhiên,
thần tử dâng vật dụng lên hoàng thượng, xưa nay đều gọi là “hiếu kính”. Nhưng
trong những thời điểm đặc biệt thế này thì “hiếu kính” và “bố thí” khác gì nhau
đâu. Lúc này, thần tử nói được chữ “hiếu kính” coi như đã khá đủ. Nhưng ờ đây
Tào Tháo lại nói “trả về”! “Trả về” và “hiếu kính” là khác nhau. Nói “hiếu
kính” thì vật đó là của bạn, hoàng đế đã phải nợ một chút tình người. “Trả về”,
ý nói vật đó vốn là của hoàng thượng, Tào Tháo không mất một chút tình người,
Hoàng thượng nhận mà không hổ, Tào Tháo thì nên làm. Như vậy là tình người đã đủ.
Có tình người mà như không có, Tào Tháo thật là cao minh.
Phần tinh tế của Tào Tháo khiến hoàng
đế phải cảm động, khiến người khác cảm nhận Tào Tháo là một đại trung thần.
Hoàng đế cảm thấy sung sướng vì có một trung thần như vậy, sung sướng hơn vì trời
xanh đã ban cho mình một cứu tinh như vậy. Từ nay không phải lưu ly khổ sở,
không còn là món hàng ký gửi trong tay bọn quân phiệt, không lo sẽ bị phế truất,
bị sát hại bất cứ lúc nào. Đã có vị thần hộ vệ, được sống những ngày yên ổn.
Thế rồi, thiên tử lại xuống chiêu, bổ
nhiệm Tào Tháo làm Đại tướng quân, phong Vũ Bình hầu. Vũ Bình hầu cao hơn hai cấp
so với Phí Đình hầu (trên đình hầu là hương hầu, trên hương hẩu là huyện hầu).
Quan Đại tướng quân là chức vụ thực quyền cao nhất của vương triều Đại Hán kể từ
thời Vũ đế sánh với “Tam công” địa vị cao hơn, quyền lực lớn hơn. Thế là Tào
Tháo đã hoàn thành trình tự “phụng thiên tử”, đạt tới địa vị cao quý “dưới một
người, trên vạn người”, Tào Tháo đã có thể “lệnh chư hầu” được chưa?
Chưa. Thứ nhất, Viên Thiệu không nghe
lời Tào Tháo. Sau khi là Đại tướng quân, có thể vì muốn có sự cân bằng hoặc vì
muốn an ủi bạn cũ, Tào Tháo, mượn danh nghĩa hoàng đế, bổ nhiệm Viên Thiệu làm
thái úy, phong Nghiệp hầu. Viên Thiệu đã nhảy lên cự tuyệt không tiếp nhận, vì
thái úy tuy là chức quan cao nhất nắm quân sự trong cả nước, là một tam công,
nhưng địa vị lại ở dưới Đại tướng quân. Theo chú dẫn Hiến đế Xuân Thu của Bùi
Tùng Chi trong Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện, Viên Thiệu đã phẫn nộ nói với
người khác, Tào Tháo đã suýt chết mấy lần, lần nào ta cũng cứu hắn, sao giờ hắn
lại dám đái lên đầu ta, hắn là cái thá gì vậy! Chẳng lẽ lại muốn “Ép thiên tử để
lệnh ta”?
Con người Viên Thiệu tuy xuất thân cao
quý nhưng lại rất hẹp hòi. Có thể đây là một trong số những nguyên nhân khiến
cuối cùng Viên Thiệu thất bại. Ngược lại, Tào Tháo rất đại lượng. Biết rằng lúc
này không thể trở mặt với Viên Thiệu, Tào Tháo đã dâng biểu xin từ chức Đại tướng
quân để nhường cho Viên Thiệu. Lúc này, Viên Thiệu thấy mình không mất sĩ diện,
mới không phá nữa. Thực tình, thì Viên Thiệu cũng không ở trong triều, nên dù
có hiệu lệnh thì hiệu lệnh đó cũng chỉ quanh quẩn trong địa bàn của mình, nên Đại
tướng quân hay Tiểu tướng quân có khác gì nhau? Huống hồ đây là chức vị Tào
Tháo nhường cho thì có gì là sĩ diện, chỉ để cho hậu thế chê cười.
Hơn nữa Tào Tháo chỉ giữ “sĩ diện” cho
Viên Thiệu, không hề cho Viên Thiệu thực quyền và cũng không nghe Viên Thiệu chỉ
huy. Theo chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, lúc
đó Viên Thiệu còn muốn Tào Tháo tìm bừa ra tội gì đó để giết Dương Bưu và Khổng
Dung, Tào Tháo không nghe lời Thiệu. Tào Tháo biết Viên Thiệu có thù với Dương
Bưu và Khổng Dung, bản thân mình cũng chẳng thích gì Dương Bưu và Khổng Dung,
nhưng biết lúc này không phải là lúc giết người, càng không thê giết bừa danh
sĩ, mà dù có giết thì đó đâu phải là việc của mình, đâu cần đến sự chỉ huy của
Viên Thiệu? Tào Tháo liền có thư nói rõ tình hình hiện nay cho Viên Thiệu,
“Thiên hạ đang lúc băng tan núi lở, hào kiệt nổi lên khắp nơi”, quân thần nhìn
nhau, đã không cùng lòng cũng không cùng đức “trên dưới còn nghi ngờ lẫn nhau”.
Là người chấp chính, nếu không thành tâm cư xử với người khác, sẽ không có được
lòng tin của mọi người. Nếu lại muốn giết hai người đó, thì tránh sao khỏi mọi
người sẽ lo lắng? Nhớ trước đây, để ổn định cả triều đình, Cao hoàng đế đã
phong hầu Ưng Si - người đã xích mích với mình, chẳng nhẽ các hạ lại quên chuyện
này sao? Viên Thiệu được tin, tức đến muốn chết, cho rằng, bề ngoài Tào Tháo là
chí nhân vô tư, thực tế trong lòng đầy quỷ kế, còn muốn giở trò trách móc người
khác, thực đáng hận!
Đương nhiên, Tào Tháo cũng hiểu rõ tâm
tư của Viên Thiệu và sẽ có một ngày hai bên công khai trở mặt. Có điều, qua việc
quậy phá của Viên Thiệu, Tháo ý thức được việc không đơn giản như suy nghĩ. Đừng
tường rằng cứ nắm được tiểu hoàng đế, cứ làm Đại tướng quân thì thiên hạ sẽ là
của mình. Không hề gì! Thực tế, Viên Thiệu không theo, Viên Thuật cũng không
theo, lũ quân phiệt nhỏ như Lã Bố, Trương Tú cũng không theo, chưa nói đến những
người ở xa như Lưu Biểu và Tôn Sách. Cờ hiệu của hoàng đế không thể thay thế
gươm giáo, muốn có thiên hạ phải giở nắm đấm ra.
Vì vậy, nếu nói Tào Tháo sau khi về Hứa
Đô đã “Ép thiên tử để lệnh chư hầu” là không đúng. Vào thời đó, Tào Tháo chưa
có bản lĩnh và cũng chưa chắc đã nghĩ tới điều đó. Vì vậy Mao Giới kiến nghị
“Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” không phải “Ép thiên tử để lệnh chư
hầu”. Hai điều đó khác nhau về bản chất. Phụng là tôn phụng, ủng hộ; ép là ép
buộc, lợi dụng, lệnh kẻ chưa thần phục là muốn địa phương phục tùng trung ương;
lệnh chư hầu, là muốn người khác phải phục tùng mình. Vì vậy, “Phụng thiên tử để
lệnh kẻ chưa thần phục” là cương lĩnh chính trị với mục đích là thực hiện thống
nhất đất nước; “Ép thiên tử để lệnh chư hầu” là sách lược chính trị, mục đích
là thực hiện dã tâm cá nhân. Hai cách nói đó sao có thể hỗn hợp làm một?
Vậy, Tào Tháo thực lòng
muốn “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” hay là “Ép thiên tử để lệnh chư
hầu”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét