Tập thứ mười: THẮNG BẠI CÓ CỚ
Tác giả Dịch Trung Thiên
Trận chiến Quan Độ quyết định vận mệnh
và tiền đồ Trung Quốc thời đó đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về Tào
Thào, vào tháng mười năm Kiến An thứ V thời Hán Hiến đế. Khi đó Viên Thiệu có mười
vạn quân, tướng soái như hổ, mưu thần như lang. Lực lượng quân sự của Tào Tháo
rõ ràng là kém xa, bộ hạ cũng cho rằng không thể thắng được Thiệu. Nhưng cuối
cùng thì Tào Tháo đã lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, vậy nguyên nhân ở
đây là thế nào?
Tháng mười năm Kiến An thứ V (năm 200)
thời Hán Hiến đế, Tào Tháo giành thắng lợi trong trận chiến Quan Độ. Năm ngoái
Viên Thuật đã chết, lúc này Viên Thiệu lại bại, anh em họ Viên cử thế vô song
còn gì để hát nữa, miền bắc Trung Quốc bắt đầu thuộc họ Tào.
Thắng lợi gần như đã nằm trong dự đoán
của Tào Tháo.
Thực tế thì từ lâu Tào Tháo đã liệt
anh em Viên Thiệu vào danh sách đen. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, Bùi Tùng Chi
chú dẫn Dật sĩ truyện của Hoàng Phủ Bật, lúc phu nhân Viên Phùng qua đời, anh
em Viên Thiệu, Viên Thuật theo linh cửu về quy táng ở Nhữ Nam, đại hội tân
khách, người đến điếu chừng hơn ba vạn. Đối mặt với ngần ấy tân khách, Viên Thiệu
Viên Thuật tuy không thể không vờ như xót xa đau đớn, nhưng tự đáy lòng lại cảm
thấy vô cùng đắc chí. Nhưng với những gì đã nhìn thấy bằng con mắt khách quan của
mình, Tào Tháo đã nói nhỏ với Vương Tuấn - một người bạn, thiên hạ rồi sẽ đại
loạn. Kẻ cầm đầu gây họa chính là hai người này. Nếu muốn bình định thiên hạ, cứu
trăm họ, cần phải giết chúng. Vương Tuấn luôn nhận định Tào Tháo là “người hùng
trong thiên hạ”, nên đã trả lời nói, có thể bình định thiên hạ, ngoài túc hạ,
liệu còn ai nữa? Hai người “nhìn nhau mà cười”. Về sau, lúc Tào - Viên tranh
giành, Vương Tuấn còn khuyên Lưu Biểu giúp đỡ Tào Tháo, tiếc là Lưu Biểu không
theo.
Lúc đó Tào Tháo cũng chỉ nói vậy thôi,
cuối cùng thì xuất quân vô danh, chí có thừa nhưng lực không đủ. Thực tế thì
Tào Tháo đã phải đau đầu vì chẳng có cách gi để thắng được Viên Thiệu. Sau khi
Tào Tháo nghênh đón thiên tử, Viên Thiệu lại càng không phục, nên gấp rút mở rộng
quân và thiết bị, liên lạc với các chư hầu, cuối cùng đã có đất của bốn châu
Ký, Thanh, Tinh, U, người đông thế mạnh, quân tráng ngựa khỏe, “Thiên hạ nhìn
đó mà thấy sợ”. Còn Tào Tháo thì sao, bốn phía đều có địch: “Bắc có Thuật, thêm
vào đó là Tôn Sách - một người bụng dạ chẳng tốt đẹp gì. Lúc xảy ra trận chiến
Quan Độ, Tôn Sách chuẩn bị lén đánh Hứa huyện, về sau bị thích khách mưu sát
nên mới thôi. Vì vậy, Tào Tháo thường lo lắng và buồn rầu.
Tuân Úc là người thấu rõ tâm trạng của
Tào Tháo. Theo Tam quốc chí - Tuân Úc truyện, tháng giêng năm Kiến An thứ II,
Tào Tháo đã có hành vi, cử chỉ khác thường, mọi người đều coi việc Trương Tú
làm phản là lý do, riêng Tuân Úc bảo là không phải. Tuân Úc nói, Tào công là
người thông minh quyết không truy cứu chuyện cũ, nhất định là có nguyên nhân
khác. Khi hỏi thì quả nhiên là vậy. Thì ra, Viên Thiệu đã có thư gửi Tào Tháo,
với thái độ cực kỳ vô lễ, giọng điệu cũng cực kỳ ngạo mạn. Tào Tháo hỏi Tuân
Úc, ta luôn muốn đánh kẻ bất nhân bất nghĩa đó, tiếc là lực bất tòng tâm, phải
làm gì đây? Tuân Úc nói, không hề gì. Xưa nay vẫn vậy, việc thành bại ở người
không phải ở thế. Nếu là anh hùng chân chính thì dù lúc này yếu một chút, cũng
sẽ mạnh dần lên (người có thực tài, tuy yếu tất sẽ mạnh”). Ngược lại, nếu là
món hàng giả thì lúc này là mạnh; nhưng nhanh chóng sẽ yếu đi (nếu không phải
là người giỏi thì dù mạnh sẽ yếu đi ngay).
Đương nhiên là có lý. Nhưng liệu có khả
năng chuẩn bị từ to thành nhỏ từ yếu thành mạnh trong trường hợp cụ thể ở Tào
Tháo và Viên Thiệu hay không? Tuân Úc nói là có. Tuân Úc nói với Tào Tháo, tình
thế hiện nay người có thể tranh giành thiên hạ với minh công cũng chỉ có Viên
Thiệu. Viên Thiệu ngoài mạnh trong rỗng, còn minh công thì có bốn mặt mạnh hơn
Viên Thiệu. Thứ nhất, con người Viên Thiệu, bề ngoài thì khoan dung đại lượng,
nhưng thực chất là hay ghen tị với người hiền tài (bề ngoài thì đại lượng nhưng
bên trong hay nghi kỵ), muốn sử dụng nhân tài, nhưng lại không hoàn toàn tín
nhiệm (dùng người nhưng trong lòng lại không tin); còn minh công thì luôn đại
lượng không câu nệ tiểu tiết (minh công đại lượng không tiểu tiết), tín nhiệm
hoàn toàn vào nhân tài và để họ vào những vị trí thích hợp nhất (tài đâu thì để
vào đấy) đó chính là đại khí để thắng Viên Thiệu. Thứ hai, con người Viên Thiệu,
phản ứng trì trệ, mềm yếu quả đoán, quyết sách luôn chậm chạp (trì trệ không
quyết, mất thời cơ); còn minh công có thể quyết định tại chỗ và biến hóa khôn
lường (có thể quyết việc lớn, ứng biến vô cùng), đó là mưu lược để thắng Viên
Thiệu. Thứ ba, con người Viên Thiệu trị quân (trị quân lỏng lẻo, không tuân
theo lệnh), người ngựa tuy đông, nhưng không mấy tác dụng (binh lính tuy đông,
nhung khó sử dụng). Còn minh công chấp pháp như sơn, hành lệnh cấm chỉ, thưởng
phạt phân minh, lời nói được tin tưởng, việc làm có kết quả (pháp lệnh nghiêm
minh, thưởng phạt rõ ràng) quân tuy không đông, nhưng tướng sĩ đều giành nhau
ráng lên trước, liều mạng tử chiến (sĩ tốt tuy ít, nhưng luôn giành nhau tử chiến),
đó là anh vũ thắng Viên Thiệu. Thứ tư, con người Viên Thiệu ỷ vào thế lực gia tộc
“Bốn đời tam công”, ra vẻ ta đây, tìm kiếm danh dự (Thiệu dựa vào tiếng tăm cha
ông, ung dung vờ tài trí, cần có danh dự), vì vậy những người tự cho mình là
thanh cao thường tìm đến với Thiệu, đáng tiếc họ chi có bề ngoài, không được thực
tài thực học (những người theo đến thường không có học vấn). Còn minh công thì
đãi người chân thành, không màu mè giả dối (công nhân từ đãi người, không giả dối),
bản thân sinh hoạt giản dị (luôn thực hiện cần kiệm), người có công được khen
thưởng đích đáng (không tiếc với người có công). Vì vậy, những người vừa trung
thành vừa tài giỏi, đều đến quy thuận ngài (những người trung thành, tài ba
trong thiên hạ đều muốn được dùng), đó là nhân đức thắng Viên Thiệu. Tuân Úc
nói, có “bốn cái thắng” đó, thêm nữa minh công lại tôn phụng thiên tử, khôi phục
chính nghĩa, ra quân đường hoàng, danh chính ngôn thuận, có lý gì để không thắng?
Quách Gia cũng từng nói như vậy. Có điều, Quách Gia có phần huênh hoang hơn, một
hơi nói ra “mười điều thắng”: đạo thắng, nghĩa thắng, trị thắng, độ thắng, mưu
thắng, đức thắng, nhân thắng, minh thắng, văn thắng, võ thắng. Ngược lại với
đó, Viên Thiệu có “mười điều bại”. Có điều Tam quốc chí chỉ ghi “Bốn điều thắng”
của Tuân Úc, “mười điều thắng, mười điều bại” là lời chú thích của Bùi Tùng Chi
dẫn dụng lời nói “Phó Tử” của Phó Huyền thời Tây Tần. Lời nói của mưu sĩ không
phải là thực cả, nhất là Tuân Úc và Quách Gia lại đứng trên lập trường của Tào
Tháo, đôi khi phải nói vống lên để lấy thế cho Tào Tháo. Nhưng vấn đề sẽ sáng tỏ
nếu như mưu sĩ Viên Thiệu cũng nói như vậy.
Hãy xem bên phía Viên Thiệu đã nói những
gì.
Thư Thụ, Điền Phong là mưu sĩ của Viên
Thiệu chưa có được (cũng không thể) sự so sánh toàn diện về Tào Tháo và Viên
Thiệu, nhưng họ đã nêu ra một vấn đề rất cơ bản, tức là chiến tranh có chính
nghĩa không. Theo chú dẫn Hán Hiến đế, của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí -
Viên Thiệu truyện. Thư Thụ và Điền Phong nói với Viên Thiệu, chiến tranh liên
miên (Năm nào cũng ra quân), dân chúng mệt mỏi khốn khổ (trăm họ mệt mỏi), quốc
khố rỗng không (kho tàng không có tích lũy), thuế má chỉ có tăng không có giảm
(thuế má nặng nề), đó là họa nạn lớn nhất của đất nước. Vì vậy, cần phải phát
triển sản xuất, để dân chúng được yên, phái sứ giả đến trình bày thành tựu của
chúng ta với thiên tử. Nếu không đi được, phải tố cáo Tào Tháo ngăn cản đường
tôn vương, phá hoại đại nghiệp thống nhất, sau đó bằng vận động chiến, du kích
chiến và chiến tranh lâu dài đối phó với Tào Tháo. Không quá ba năm “việc sẽ
thành”.
Đó là sách lược chính xác. Trước hết,
đẩy Tào Tháo vào chỗ bất nghĩa, thế là “có lý”; lấy mạnh đánh yếu, lấy nhàn
đánh mệt, thế là “có lợi”; từng bước lập trại, tuân tự nhi tiến, thế là “có tiết”.
Nhưng Thẩm Phối và Quách Đồ lại phản đối. Có thể Thẩm Phối đã hồ đồ; Quách Đồ
chỉ là bợ đỡ. Quách Đồ biết rõ Viên Thiệu chỉ vì cái lợi trước mắt mà muốn đánh
gấp, nên tự cho mình là cao siêu, rồi cùng Thẩm Phôi nói, binh pháp cho hay,
bên ta gấp mười địch thì có thể bao vây, gấp năm lần thì tấn công, ngang nhau
có thể đánh một trận (mười thì bao vây, năm thì tấn công, ngang nhau có thể
đánh). Như chúa công uy vũ, có quân hùng mạnh tiêu diệt một kẻ nhỏ nhoi như Tào
Tháo, chẳng phái dễ như trở bàn tay sao? Lúc này không làm ngay e về sau sẽ
không kịp. Rõ ràng đây là lời khoa trương nói khống để nhỡ việc nước, nói không
thực chất, vì vậy Thư Thụ không thể không bài xích với những lời nói có phần nặng
nề.
Thư Thụ nói, bình định động loạn, tiêu
diệt tàn bạo, là “nghĩa binh” (cứu loạn diệt bạo là nghĩa binh). Cùng binh độc
võ, ỷ thế ép người, là “kiêu binh” (lấy mạnh ép người là kiêu binh). Nghĩa binh
đánh đâu thắng đó (nghĩa binh vô địch), kiêu binh thì tất bại (kiêu thì bị diệt).
Lúc này thiên tử ở Hứa, “cất quân đến miền nam là trái nghĩa” Huống hồ Tào Tháo
pháp kỷ nghiêm minh, sĩ tốt tinh nhuệ, đâu như Công Tôn Toàn ngồi chờ chết? Lấy
kiêu binh đánh nghĩa binh là điều bất lợi; không có lý gì để lấy vô danh đánh hữu
danh. Nếu không tính đến sách lược, chỉ nghĩ đến công lợi trước mắt là thất
sách. Vì vậy Thư Thụ nói: “Vứt bỏ kế vạn an, dấy quân vô danh, trộm lấy làm lo
sợ về điều đó”.
Thư Thụ nói tới điều rất cơ bản. Chúng
ta đều biết chiến tranh là sự kế tục của chính trị. Vì vậy, sự thành bại trong
chiến tranh không chỉ ở lực lượng quân sự mạnh hay yếu. Điều khiển trong trướng
mà thắng lợi ngoài ngàn dặm, cũng không thể chỉ nghĩ đến thực lực (thắng hay bại,
không chỉ ở mạnh hay yếu) mà phải nghĩ xem, về chính trị đã chính xác chưa, về
đạo nghĩa đã hợp lý chưa. Như Viên Thiệu, khởi binh bất nghĩa, ra quân vô danh
lẽ nào lại không thất bại? Tiếc là Viên Thiệu lại không hiểu điều đó, nghe theo
Quách Đồ, nói mạnh để át lý, kết quả, về chính trị, về đạo nghĩa đều thua Tào
Tháo, về mặt chiến lược, chỉ vì cái lợi trước mắt, muốn đánh gấp, (muốn hư danh
bỏ qua thực tế) đương nhiên là vỡ đầu sứt trán. Có thể nói, thất lợi về chính
trị, thất lý về đạo nghĩa, thất sách về chiến lược đều là những nguyên nhân
quan trọng khiến Viên Thiệu thất bại.
Về mặt chỉ huy, Viên Thiệu cũng mắc
sai lầm. Từ đầu đã trúng ngay kế giương đông kích tây của Tào Tháo, không giữ Bạch
Mã mà cho quân chi viện Diên Tân, là một; sau khi Tào Tháo đưa quân về Quan Độ,
Viên Thiệu không nghĩ là Tào Tháo lấy lui để tiến, lấy thủ để công, lại cho
quân đến Quan Độ, là hai; trong giai đoạn kình địch, lại phái Lưu Bị và Lưu
Tích đến quấy nhiễu vùng ngoài Hứa huyện, không nghe theo Hứa Du đi ép thiên tử,
là ba; lúc Tào Tháo tập kích Ô Sào, lại nghe theo Quách Đồ, phái khinh binh đi
cứu Ô Sào, phái trọng binh tiến đánh Quan Độ, là bốn. Có thể nói, Viên Thiệu đã
phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác trong lúc chỉ huy. Kết cục của trận chiến
Quan Độ nói là do Tào Tháo dụng binh như thần không bằng nói là do Viên Thiệu
quá ư ngu xuẩn. Người xưa nói, lính tồi chỉ mất một, tướng kém thì chết cả lũ.
Chủ soái sai lầm lại sai lầm, chiến tranh chỉ có bại.
Viên Thiệu vốn không phải là tướng
tài, đó là nguyên nhân cơ bản mắc sai lầm trong chỉ huy. Kể về đặc điểm của
Viên Thiệu, Tuân Úc nói “Thiệu trì trệ ít quyết, dễ mất thời cơ”; nghĩa là nhìn
việc chậm, phản ứng chậm, mềm yếu không quyết luôn để mất thời cơ. Ngược lại,
Tào Tháo “quyết ngay việc lớn, ứng biến không cùng”, có thể quyết ngay việc lớn,
tùy cơ ứng biến. Tam quốc chí - Vũ đế kỷ nói, tháng giêng năm Kiến An thứ V
(năm 200), đêm trước khi trận chiến Quan Độ mở màn, Tào Tháo lo việc đánh Lưu Bị.
Lúc đó mọi người nói, người tranh giành thiên hạ với minh công chẳng phải là
Viên Thiệu sao? Vì đâu minh công lại đánh Lưu Bị? Tào Tháo nói, Lưu Bị mới là
hào kiệt. Nên diệt đi để trừ hậu họa. Mọi người lại nói, quân Viên đang áp cảnh,
chúng ta đi đánh Lưu Bị, Viên Thiệu đem quân vòng ra phía sau chúng ta thì sao?
Tào Tháo nói cứ yên tâm! Viên Thiệu “tuy có chí lớn nhưng giải quyết việc chậm”,
hắn sẽ chẳng làm gì. Quả nhiên, cho tới khi Tào Tháo đánh Lưu Bị xong, bắt sống
Quan Vũ và vợ con Lưu Bị giải về đến Quan Độ, Viên Thiệu vẫn yên ắng. Theo Tam
quốc chí - Viên Thiệu truyện, khi đó, Điền Phong nói, nên thừa cơ tập kích Tào
Tháo. Viên Thiệu nói, con nhỏ đang bệnh, để không chịu xuất quân. Điền Phong tức
giận, giậm chân nói, cơ hội ngàn năm mới có! Sao lại nói là con ốm!
Một nguyên nhân khác dẫn tới chỉ huy
sai lầm là dùng người không thỏa đáng. Dưới trướng Viên Thiệu có rất nhiều nhân
tài. Nhan Lương, Văn Sú có dũng. Điền Phong, Hứa Du có mưu, Thư Thụ, Quách Đồ
có trí, Thẩm Phối, Phùng Kỷ tận trung, cho nên Khổng Dung mới quả quyết rằng
Tào Tháo không phải là đối thủ. Theo “Tam quốc chí - Tuân Úc truyện”, Khổng
Dung từng nói với Tuân Úc “Điền Phong, Hứa Du, những người mưu trí, lập kế cho
Thiệu; Thẩm Phối, Phùng Kỷ, những người tận trung, làm việc cho Thiệu; Nhan
Lương, Văn Sú, đứng đầu ba quân, thống binh cho Thiệu, thực khó địch nổi!
Nhưng vẫn còn những điều khiến Tuân Úc
phải lo nghĩ. Họ đều là những nhân tài, không thể phủ nhận, nhưng họ đều có nhược
điểm: “Điền Phong thẳng nhưng hay phạm thượng, Hứa Du tham và bất trị, Thẩm Phối
mạnh nhưng vô mưu, Phùng Kỷ quyết đoán, luôn cho mình là đúng”. Thẳng mà phạm
thượng, cơ mưu ít được dùng; tham mà bất trị, trung thành khó được bảo đảm; mạnh
mà vô mưu, quyết sách khó chu đáo; quả quyết luôn cho mình là đúng, làm việc
khó tránh khỏi bá đạo. Thậm chí Tuân Úc còn dự đoán, nếu người nhà Hứa Du phạm
pháp, hai người tận trung như Thẩm Phối, Phùng Kỷ tất sẽ không nể, chấp pháp
như sơn, Hứa Du nhất định sẽ làm phản. Còn Nhan Lương và Văn Sú, bất quá chỉ là
những kẻ thất phu hữu dũng, “chỉ một trận là tóm được”. Kết quả hoàn toàn như lời
Tuân Úc, Điền Phong vào tù, Hứa Du làm phản, Nhan Lương và Văn Sú đều bị mất đầu.
Nhưng nếu chỉ riêng số người đó có
khuyết điểm thì không đáng ngại. Ở đời được mấy ai thập toàn thập mỹ, ai cũng
có nhược điểm. Cái gọi là “hiểu người giao việc”, mấu chốt là phải hiểu rõ từng
người, đâu là ưu điểm, đâu là khuyết điểm, phải làm gì để phát huy sở trường, hạn
chế sở đoản. Tiếc là Viên Thiệu không hiểu như vậy. Nguyên tắc dùng người của
Viên Thiệu chỉ là thích hay ghét. Tiêu chuẩn để thích hay ghét rất đơn giản,
thích những kẻ hay ton hót, bợ đỡ; ghét những ai hay có ý kiến. Điền Phong hay
nêu ý kiến, Viên Thiệu cho Điền Phong vào nhà lao; Thư Thụ thích nêu ý kiến,
Viên Thiệu để Thư Thụ ngồi trên ghế lạnh, kết quả việc Thư Thụ ngồi trên ghế lạnh
là quyết sách của Viên Thiệu phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Viên Thiệu
tiến quân Lê Dương, phái Nhan Lương đi đánh Bạch Mã. Thư Thụ đã nhắc nhở, Nhan
Lương nóng nảy, khó nhẫn nhịn, tuy kiêu dũng, nhưng không thể một mình đánh một
mặt. Viên Thiệu không theo, kết quả Nhan Lương bị giết. Tào Tháo đưa quân về
Quan Độ, Thư Thụ khuyên Viên Thiệu nên đóng quân ở Diên Tân, chia quân đến Quan
Độ. Phía Quan Độ vừa đánh đã thắng, đại quân cứ đóng ở Diên Tân, sau đi cũng
không muộn. Nếu tiền phương bất lợi, chúng ta còn đường rút. Viên Thiệu lại
không theo, kết quả là bị Tào Tháo lôi vào đầm lầy. Tào Tháo tập kích Ô Sào,
Thư Thụ lại có ý kiến, phái Tưởng Kỳ dẫn đội biệt động cắt đường rút của Tào
Tháo. Viên Thiệu lại không theo, kết quả là toàn bộ vốn liếng bị đốt sạch. Tính
cách của Viên Thiệu khá đặc biệt, khả năng cũng khác lạ, phàm là ý kiến chính
xác, có lợi cho mình, theo bản năng Viên Thiệu nhất định sẽ chống lại, càng có
lợi Viên Thiệu càng không theo. Thực là điều kỳ lạ.
Chủ soái không danh nghĩa, mưu thần có
nhược điểm, đó là điều tệ hại và tệ hại hơn khi họ đấu với nhau. Trước là Quách
Đồ căm hận Thư Thụ, sau là Phùng Kỷ hãm hại Điền Phong. Ý kiến của Quách Đồ, Thẩm
Phối và Thư Thụ, Điền Phong khác nhau là chuyện thường. Trong lúc bàn luận, khó
tránh khỏi nhân nhìn trí, đâu có chuyện nhất trí hoàn toàn? Chỉ cần lấy công
tâm; không đề phòng mà tranh luận thì vẫn có thể hợp tác. Nhưng ở tập đoàn Viên
Thiệu thì không như vậy. Bàn bạc vừa xong, Quách Đồ đã đi nói xấu Thư Thụ, nói
Thư Thụ “nắm quyền trong ngoài, uy trấn ba quân”, nếu không khống chế ngay, e
sau này sẽ không kịp. Viên Thiệu bắt đầu nghi ngờ, không chỉ rút bớt quân quyền
của Thư Thụ mà còn không theo Thư Thụ. Thư Thụ muốn từ chức cũng không được, bất
đắc đĩ phải theo chân Viên Thiệu sang sông. Trước khi lên thuyền, Thư Thụ ngẩng
mặt nhìn trời than thở, Hoàng Hà bao la mênh mang, e rằng ta một đi mà không trở
lại!
Quả nhiên, Viên Thiệu bại trận, Thư Thụ
bị bắt, rơi vào tay Tào Tháo. Lẽ ra Thư Thụ đã cùng Viên Thiệu rút lui, nhưng
Viên Thiệu chạy thục mạng, có nghĩ gì đến sự sống chết của bộ hạ? Thư Thụ không
kịp sang sông, nên bị bắt làm tù binh. Được giải đi gặp Tào Tháo, trên đường Thụ
cứ gào to “Thụ không hàng đâu”. Lúc gặp Tào Tháo, Thụ nói “làm phúc giết nhanh
lên”. Thư Thụ cũng là bạn cũ của Tào Tháo. Tào Tháo bước đến nói, trời long đất
lở, bãi biển nương dâu, nào ngờ chúng ta lại gặp nhau. Thư Thụ nói, Viên công
sai lầm, cùng đường mạt lộ (Ký châu thất sách, phải chạy lên bắc). Trí tuệ và lực
lượng của Thụ đã dùng hết, có sống cũng chỉ là tù binh của ngài. Tào Tháo nói
“Bản Sơ vô mưu, không dùng kế của ông”, nay ông hợp tác với ta, thế nào? Thư Thụ
nói, tính mạng của cả nhà đang nằm trong tay Viên Thiệu, xin Tào công giết tôi
đi! Chẳng còn cách nào khác, Tào Tháo đành phải giết Thư Thụ. Tào Tháo nói, giá
ta có Thư Thụ sớm hơn, thì việc thiên hạ đã chẳng phải lo nghĩ nhiều.
Tranh vẽ Điền Phong của một danh họa đời nhà Thanh
Mưu sĩ của Viên Thiệu đang đấu với
nhau, việc nhà của Viên Thiệu cũng đang ầm ĩ. Viên Thiệu có ba con trai: Viên
Đàm, Viên Hi, Viên Thượng, người mà Viên Thiệu thích nhất là Viên Thượng. Lí do
rất đơn giản, Viên Thượng xinh đẹp nhất. Chúng ta đều biết, Viên Thiệu là một mẫu
người tài, Tam quốc chí nói, Thiệu “Tư thế uy vũ, dung mạo ngời ngời”. Viên Thiệu
nghĩ, thay thế người đẹp già phải là người đẹp trẻ, vì vậy muốn lập Viên Thượng
làm tự, nhưng không biết nói thế nào. Viên Thiệu liền mượn cớ muốn khảo sát
năng lực của chúng, để ba người con và một đứa cháu ngoại, mỗi người lĩnh một
châu: Viên Đàm là Thứ sử Thanh châu, Viên Hi là Thứ sử U châu, Cao Cán là Thứ sử
Tinh châu, Viên Thượng và mình cùng giữ căn cứ là Ký châu. Theo chú dẫn Cửu
Châu Xuân Thu, Thư Thụ phản đối luôn. Thư Thụ nói, một chú thỏ chạy đến ngã tư,
mọi người đều ra đuổi. Nếu có ai đó bắt được thỏ, mọi người sẽ không đuổi nữa
(một con thỏ chạy ra ngã tư, hàng vạn người đuổi bắt, một người bắt được, mới hết
người tham). Ngài làm vậy sẽ có mâu thuẫn “mầm họa bắt đầu”. Viên Thiệu không theo.
Quả nhiên, Viên Thiệu vừa mất, tai họa đã ập xuống với anh em Viên Thượng, mưu
sĩ cũng chia thành hai phái. Thẩm Phối, Phùng Kỷ ủng hộ Viên Thượng, Tân Bình,
Quách Đồ ủng hộ Viên Đàm, cuối cùng thì cuộc đấu giành quyền đoạt lợi đó cũng
quy về chữ hết.
Cho nên, còn phải thêm một điều nữa
vào chữ “mất” của Viên Thiệu, là về tổ chức thì mất hòa. Chính trị mất lợi, đạo
nghĩa mất lí, chiến lược mất sách, chỉ huy sai lầm, dùng người không thỏa đáng.
Với sáu điều “mất” đó, Viên Thiệu không bại, mói là lý trời không dung.
Chẳng trách Tào Tháo đầy đủ lòng tin.
Tam quốc chí - Vũ đế kỷ nói, sau khi tin tức Viên Thiệu xuất quân truyền đến Hứa
huyện, mọi người xung quanh Tào Tháo đều lo lắng, nghĩ rằng không thể chống nổi
quân Viên (chư tướng cho rằng không địch nổi). Bởi vì Viên Thiệu có mười vạn
tinh binh dũng tướng, binh lực của Tào Tháo không quá một vạn (Bùi Túng Chi
không thấy những số liệu này là chính xác). Nhưng Tào Tháo thì vẫn như thường.
Tháo nói, ta quá hiểu con người Viên Thiệu. Người này dã tâm lớn, nhưng trí tuệ
thì ít (chí lớn nhưng trí nhỏ); tuy hung hãn nhưng gan bé (khí sắc lợi hại
nhưng gan mỏng); nghi kỵ nhỏ nhen, nhân duyên không ra gì (nghi kỵ hà khắc
nhưng thiếu uy). Tập đoàn của Viên Thiệu “binh nhiều nhưng lộn xộn, kiêu tướng
nhưng khó thống nhất). Vì vậy, tuy Viên Thiệu có địa bàn rộng, lương thảo nhiều
(đất đai tuy rộng, lương thực tuy nhiều), Viên Thiệu củng chỉ là bộ trưởng hậu
cần của chúng ta (cung phụng thích ứng cho chúng ta).
Cuối cùng thì Tào Tháo vẫn là bạn cũ của
Viên Thiệu, thấu hiểu Viên Thiệu. Con người Viên Thiệu đúng là chí lớn tài sơ,
khí thế nhưng chẳng là gì, ngoài mạnh trong rỗng, chính kiến chính trị thiếu,
khả năng quân sự yếu, thiếu năng lực về tổ chức. Nhưng nếu nói, Viên Thiệu chẳng
có gì gọi là phong độ, tài hoa, nhẫn nhịn thì không phù hợp với thực tế. Sự thực
thì Viên Thiệu có bản lĩnh, có sức hấp dẫn. Là hậu của “Tứ thế tam công”, Thiệu
không tọa hưởng cơ nghiệp của cha ông, cũng không làm mất danh tiếng của cha
ông, mà bằng năng lực của mình, Thiệu còn giành được những thành tựu lớn hơn,
vinh dự cao hơn. Cần phải khẳng định điều này. Nhưng cứ vào những lúc mấu chốt
Thiệu lại tỏ ra xuẩn ngốc, cố chấp và bừa bãi, cuối cùng thì hết đường.
Viên Thiệu ngu xuẩn, cố chấp và bừa
bãi, nói ra là ba nhưng chỉ là một. Viên Thiệu vì làm liều nên mới bảo thủ, vì
bảo thủ mới ngu xuẩn lại vì ngu xuẩn nên mới bừa bãi. Viên Thiệu xuẩn ở chỗ
không tự biết mình. Vì không tự biết mình, Thiệu mới làm bừa, cho rằng mình là
thiên hạ vô địch, vì vậy mới ngu xuẩn. Vì ngu xuẩn mới cho rằng quyết sách của
mình là anh minh, vì vậy mới bảo thủ. Vì bảo thủ, Thiệu không nghe bất kỳ ai,
nên mới thất bại. Có thể nói, Viên Thiệu thất bại là thất bại ở cách làm người,
và cũng do tính cách đặc biệt nên mới dẫn tới thất bại ở cách làm người.
Tính cách đặc trưng của Viên Thiệu là
nội tâm phân liệt, Tuân Úc nói Viên Thiệu “ngoài khoan dung, trong nghi kỵ,
dùng người nhưng chưa tin tưởng. Tam quốc chí lại nói “ngoài khoan hùng” có hạn
chế, buồn vui không để lộ, trong lòng luôn nghi kỵ”. Cũng là nói, con người
Viên Thiệu, bề ngoài thì văn vẻ hòa nhã, khoan dung đại lượng, dáng dấp phong độ,
kỳ thực lòng dạ đen tối. Không muốn người khác phong quang hơn, thông minh hơn,
chính xác hơn. Viên Thiệu đánh Tào Tháo vì Tháo phong quang hơn; Viên Thiệu giáng
chức Thư Thụ vì Thư Thụ thông minh hơn. Theo chú dẫn Tiên hiền hành trạng của
Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Viên Thiệu truyện, sau khi bại trận ở Quan Độ,
tướng sĩ của Viên Thiệu, đấm tay vào ngực, khóc lóc rơi lệ mà rằng, nếu có Điền
Phong ở đây, chúng ta đâu đến đoạn thế này. Viên Thiệu cũng thấy mất hết sĩ diện,
mới hỏi Phùng Kỷ về thái độ của Điền Phong. Phùng Kỷ nói, ờ trong ngục Điền
Phong vui mừng vì hoạn nạn, đã vỗ tay cười ầm lên, nói là mình liệu việc như thần.
Kết quả, việc làm trước hết của Viên Thiệu lúc về tới Nghiệp Thành là giết Điền
Phong.
Dù không có lời gièm của Phùng Kỷ thì
Điền Phong cũng phải chết. Theo Tam quốc chí - Viên Thiệu truyện, lúc bè bạn đến
chúc mừng Điền Phong, “Ngài sẽ được trọng dụng”. Điền Phong trả lời là “nếu
quân có lợi, ta sẽ sống; nay quân bại, chắc ta phải chết”. Điền Phong hiểu quá
rõ về con người Viên Thiệu. Nếu Viên Thiệu thắng trận thì trong lòng sẽ vui sướng,
còn có thể phóng thích Điền Phong ra khỏi ngục, để tỏ rõ sự khoan dung đại lượng,
lại nữa, muốn lấy “ý kiến của người này” để chứng minh sự sáng suốt vĩ đại của
mình. Một khi thất bại thì vừa xấu hổ vừa bực tức, nhất định phải trút giận lên
đầu người khác, lấy đầu người khác cho hả giận, giết người chính xác hòng che
giấu lỗi lầm của mình. Một người như vậy thực không ra cái giống gì!
Ngay cả bà vợ của Viên Thiệu cũng chẳng
ra gì. Theo chú dẫn Điển luận của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Viên Thiệu
truyện, ngay trong lúc hài cốt của Viên Thiệu chưa được chôn cất (thi thể chưa
chôn) thì bà vợ của Viên Thiệu là Lưu thị đã cho giết toàn bộ năm người thiếp
yêu của Viên Thiệu, nói là năm con hồ li tinh này đã hại chết chồng bà ta.
Không chỉ giết mà còn đập nát mặt năm cô gái đó, để khi xuống cửu tuyền không
còn tiếp tục mê hoặc Viên Thiệu. Viên Thượng còn giúp Trụ làm chuyện bạo ngược,
giúp mẹ giết cả nhà năm người đàn bà đó. Tào Tháo thì khác hẳn. Lúc bại trận tự
xem xét mình, lúc thắng trận thì cảm tạ người khác. Phu nhân của Tào Tháo cũng
rất đôn hậu. Theo chú dẫn Ngụy lược của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Hậu
phi truyện, nhân lúc Tào Tháo ra ngoài. Biện thị thường cho đón Đinh phu nhân -
người đã li dị với Tào Tháo, đến ở, đối xử như với thiếp của chồng, những lúc
khác, thường cho người thăm hỏi, mang đến biếu quần áo, thức ăn. So sánh Tào
Tháo và Viên Thiệu, giữa những người vợ của họ, chẳng phải đã rõ ai nên thắng
ai nên thua rồi sao?
Đúng vậy, hưng vong là ai, thắng bại
chẳng phải vô có. Lúc này nhìn tại, Tào Tháo thắng lợi, Viên Thiệu thất bại, phải
nói là thắng bại có cớ. Thực tế thì sự khác biệt cao thấp giữa Tào và Viên đã
hiện rõ từ rất sớm. Theo Tam quốc chí - Vũ đế kỷ, ngay từ lúc khởi binh đánh Đổng
Trác, Viên Thiệu đã từng hỏi Tào Tháo, nếu đánh Trác không xong thì ông nói xem
chúng ta nên dựa vào nơi nào, lây đâu làm căn cứ (nơi nào là cứ)? Tào Tháo hỏi
lại, ý túc hạ thế nào? Viên Thiệu trả lời, nam dựa vào Hoàng Hà, bắc chiếm Yên
Đại (nay là vùng bắc bộ Hà Bắc và vùng đông bắc Sơn Tây), kiêm lĩnh Nhung Địch
(chỉ Ô Hoàn), tiến xuống phía nam giành thiên hạ, có thể sẽ thành công chăng?
Tào Tháo cười thầm và nghĩ, nếu là vô dụng thì tránh đi đâu cũng chỉ là vô dụng.
Tháo thủng thẳng nói, theo ta, nên dùng những người trí năng trong khắp thiên hạ,
thống soái họ bằng chính đạo, chính nghĩa thì chẳng có việc gì mà không thành
(ta dùng trí lực trong thiên hạ, lấy đạo mà xử sự thì việc gì cũng thành).
Ở đây Tào Tháo lợi dụng từ hội Hán ngữ
có nhiều nghĩa nói lên những hiểu biết về chính trị khác nhau giữa Viên Thiệu
và mình. Viên Thiệu hỏi “nơi nào và đâu là cứ”, hai chữ “nơi nào” có thế hiểu
là vị trí địa lý, cũng có thể hiểu là điều kiện chính trị; cứ, có thể hiểu là cứ
điểm, cũng có thể hiểu là bằng cứ. Như vậy, lời nói của Tào Tháo có thể hiểu
là: chỉ cẩn dựa vào chính nghĩa và nhân tài thì bất cứ đâu cũng đều là căn cứ địa.
Rõ ràng, Tào Tháo hiểu biết nhiều hơn Viên Thiệu nhiều. Về sau, đây cũng là
thái độ của Tào Tháo và Viên Thiệu lúc tranh giành ở Trung Nguyên: cậu dùng con
bài quân sự địa lý, mình dùng con bài chính trị nhân tài, anh em ta cùng chơi
thử xem!
Từ lâu, Tào Tháo đã hiểu rõ, ngọn cờ
chính nghĩa và đội quân tinh nhuệ chính là hai pháp bảo lớn để đánh địch, giành
thắng lợi. Tuân Úc nói, Viên Thiệu “người hùng áo vải, có người mà không biết
dùng”. Ngược lại, Tào Tháo có sức lôi cuốn người và biết dùng người. Vậy, vì
sao Tào Tháo tụ tập được người và cái đạo dùng người của Tào Tháo là gì?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét