Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

TRĂM SÔNG VỀ BIỂN

 


Hán Hiến đế, Tào Tháo và Tôn Sách,
do Tsukioka Yoshitoshi vẽ năm 1883

Tập thứ mười một: TRĂM SÔNG VỀ BIỂN

 

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Từ lâu, Tào Tháo đã hiểu, ngọn cờ chính nghĩa và đội ngũ tinh nhuệ sẽ là hai pháp bảo lớn để đánh giặc giành thắng lợi. “Phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần phục” là giương cao ngọn cờ chính nghĩa; ban bố “cầu hiền lệnh”, chủ trương “có tài là dùng”, là xây dựng một đội ngũ tinh nhuệ. Thực tế thì Viên Thiệu và Tào Tháo đều muốn dùng người. Vậy, đạo dùng người của Viên và Tào có gì khác nhau. Tào Tháo cao minh ở chỗ nào?

 

 

Ở tập này, chúng ta nói tới đạo dùng người của Tào Tháo.

 

 

Đây là vấn đề rất quan trọng. Phần cuối trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ có câu nói: “Cuối thời Hán, thiên hạ loạn lạc, anh hùng nổi dậy” Viên Thiệu nhìn khắp bốn châu, cường thịnh vô địch. Thái tổ vận trù mưu lược, tiến đánh khắp cõi, sử dụng pháp thuật của Thân, Thương, gồm đủ kế hay sách lạ của Hàn, Bạch, quan phương trao chức đều đúng với năng lực, tính toán khác thường, không nhớ tội ác cũ, cuối cùng đã phụng thiên tử, hoàn thành nghiệp lớn, là sách lược sáng suốt, tối ưu. Có thể coi là người phi thường, một kiệt xuất cái thế.” Trần Thọ đã đánh giá chung về Tào Tháo như vậy. Qua lời bình trên thấy rõ, chiến thắng Viên Thiệu là thành công lớn nhất trong cuộc đời Tào Tháo; Tào Tháo thành công được vì tinh thông mưu lược và giỏi dùng người. Mới hay, đạo dùng người là nội dung chính trong đạo thành công của Tào Tháo.

 

 

Trong đạo dùng người có hai vấn đề, 1- Dùng người nào. 2- Dùng như thế nào. Chính trên hai vấn đề này, Tào Tháo và Viên Thiệu đã thể hiện hai phong cách khác nhau hoàn toàn.

 

 

Trước hết nói tới, dùng người nào.

 

 

Cần phải khẳng định, Viên Thiệu có sức hút và cũng hiểu được nhân tài và nhân duyên là quan trọng. Lời chú dẫn Anh hùng kí của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Viên Thiệu truyện nói, lúc còn ít tuổi ở kinh thành, Viên Thiệu giao thiệp rộng rãi với nhiều người hào hiệp, trong hào môn đại viện luôn bày yến tiệc, mở dạ hội, tiếp đón toàn những người hiển đạt nổi danh trong xã hội, người đi kẻ đến, xưng hô anh anh em em vô cùng náo nhiệt. Một thời nhà đương cục đã không hài lòng, nói Viên Thiệu “không nên hô hào, nuôi tử sĩ”, cái cậu này, định làm gì đây? Người chú là Viên Uy cũng mắng Viên Thiệu, định hủy hoại Viên gia! Viên Thiệu trở nên dè dặt hơn, rồi chạy đến làm việc ở chỗ Đại tướng quân Hà Tiến.

 

 

Rõ ràng, trong triều đã có người phát hiện thấy, Viên Thiệu đang làm theo công tử Quý Giới trước thời Tần, giao hào hiệp, nuôi môn khách, lập tập đoàn nhỏ. Hình như Viên Thiệu cũng ngấm ngầm muốn mình được như “Bốn đại công tử” thời Chiến Quốc. Quá Tần luận của Giả Nghị nói, thời đó ‘Tần có Mạnh Thường, Triệu có Bình Nguyên, Sở có Xuân Thân, Ngụy có Tín Lăng, là bốn quân tử, sáng suốt và trung tín, khoan hậu và yêu người, tôn hiền và trọng sĩ”, đều nổi tiếng thiên hạ, nhất hô bách ứng. Rất nhiều người đã ngưỡng mộ lối sống đó. Viên Thiệu xuất thân cao quý, là mẫu người tài, là thiếu niên xinh đẹp, cảm thấy rất có tư cách và rất nên trở thành những công tử như vậy.

 

 

Rất tiếc Viên Thiệu chỉ học được một chút bề ngoài, chưa học được cái tinh túy bên trong. Có thể mới học được cách tiêu tiền (không tiếc những thứ quý giá, đất đai màu mỡ), còn thì chưa biết “Minh trí và trung tín, khoan hậu và yêu người, tôn hiền và trọng sĩ”. Viên Thiệu chơi với người khác theo một nguyên tắc, “không phải người nổi tiếng, không chơi”. Như vậy là phiến diện và cũng là muốn ra oai ra vẻ. Viên Thiệu làm như vậy là muốn nói với mọi người, đại công tử họ Viên không muốn tùy tiện gặp gỡ với bất kỳ loại người nào (không gặp khách bừa bãi). Đó chẳng phải muốn ra vẻ thì là gì? Điều quan trọng hơn còn là, Viên Thiệu kết giao với người nổi tiếng là để đề cao mình, không phải thực lòng muốn sử dụng tài trí của họ. Viên Thiệu luôn coi mình là người phi phàm, không thừa nhận có người thông minh hơn mình, vì vậy không dùng nổi những nhân tài thực sự, chỉ cần những người ra vẻ hiểu biết một chút là được. Đó chính là ra oai. Vì vậy Viên Thiệu có thể vờ “là người bình thường muốn hiểu biết” nhưng trong lòng không muốn nghe theo người khác. Đó cũng là nguyên nhân cơ bản, Viên Thiệu “có thể tụ tập người nhưng không thể dùng người”. Tuân Úc phê phán rất đúng “Thiệu dựa vào cơ nghiệp, làm người tài giỏi, mong có hư danh, nên chỉ những người ít tài, thích hư danh mới theo đến” nghĩa là: Viên Thiệu dựa vào vốn liếng tích lũy của gia tộc, vờ như lễ hiền hạ sĩ, mong có hư danh, vì vậy những kẻ nào chuộng hư danh mới đến với Thiệu.

 

 

Viên Thiệu luôn luôn: ra oai diễn vở, mong cầu hư danh cho ra vẻ, dương dương tự đắc.

 

 

Tào Tháo thì ngược lại, phương châm là: thực sự cầu thị, có tài là dùng, không hề câu nệ, ai đến cũng nhận. Với tiền đề đó, Tào Tháo đã xử lý thỏa đáng năm loại quan hệ.

 

 

Thứ nhất, danh và thực. Chính sách của Tào Tháo là: danh đến thực về, thực tế quan trọng hơn.

 

 

Tào Tháo hiểu rõ tầm quan trọng của nhân tài và cũng hiểu rõ về mình. Tào Tháo biết, một hảo hán phải có ba người trợ lực, muốn thành sự nghiệp, cần có người giúp. Tào Tháo cũng biết, về bối cảnh, lai lịch, địa vị, thực lực, mình không bằng người khác. Không được như Viên Thiệu, có cả một gia tộc hùng hậu; không được bằng Tôn Quyền, sẵn có cả một cơ nghiệp; thậm chí không bằng cả Lưu Bị, có một tấm danh thiếp sáng lóa. Tào Tháo có rất ít vốn liếng về chính tri, vì vậy cần có sự giúp đỡ, ủng hộ của nhiều người, nhất là sự hợp tác của nhiều cao môn thế tộc, để có vốn kêu gọi. Có thể giúp được là tốt, bất kể là giúp theo kiểu gì. Có tài, cần, có tiếng, cần, có hư danh cũng cần, tóm lại, càng nhiều càng tốt. Thậm chí Tào Tháo không yêu cầu họ phải có tác dụng thực tế, chỉ cần họ nắm được một ít kiến thức. Cũng không yêu cầu họ phải thực bụng giúp mình, chỉ cần họ không chống đối công khai. Vì vậy, sau khi nghênh đón thiên tử, dời đô về huyện Hứa, Tào Tháo đã có vô số nhân tài, bao gồm cả những người như Khổng Dung. Đương nhiên, họ không đến để giúp Tào Tháo. Họ nói, xin hết lòng vì đất nước và hoàng đế. Nhưng trong tình hình Tào Tháo nắm trọn đại quyền thì việc hết lòng vì hoàng đế hay hết lòng vì Tào Tháo có khác gì nhau? Chí ít, thì bên phía Tào Tháo người cũng đông nghìn nghịt.

 

 

Có điều Tào Tháo càng thêm vui mừng vì có vô số người có chân tài thực học. Tào Tháo là người có ý thức bình dân và tinh thần thiết thực. Tào Tháo có câu danh ngôn: “Đừng vì hư danh mà chuốc lấy họa thực”. Tào Tháo xem thường hư danh. Tào Tháo nhường chức vị Đại tướng quân cho Viên Thiệu, là biểu hiện không chuộng hư danh. Tào Tháo cũng không sùng bái danh nhân. Ngay từ thời liên quân Quan Đông, Tào Tháo đã được lĩnh giáo từ “những người có hư danh”. Đúng, không nên mê tín danh nhân, danh nhân và năng nhân là hai khái niệm. Danh nhân không nhất thiết là những người có bản lĩnh thực sự, họ luôn luôn là “người có danh tiếng, nhưng số đông chỉ là hư danh”. Nhất là vào cuối thời Đông Hán, thời kỳ nước sôi lửa bỏng đó, số người thao thao bất tuyệt nhưng trong ngoài bất nhất chăng lẽ còn là ít sao? Tào Tháo không hề bị lừa!

 


Chân dung của Biện phu nhân

Thái độ của Tào Tháo trong vấn đề hôn nhân cũng vậy. Biện thị, phu nhân thứ hai của Tào Tháo xuất thân là “con hát”. Thời đó nghề hát xướng không chỉ là nghề ti tiện mà còn là nghề bị khinh rẻ. Biện phu nhân xuất thân tuy hèn kém, nhưng nhân phẩm lại rất tốt, đối nhân xử thế cũng rất nhũn nhặn. "Tam quốc chí. Hậu phi truyện” nói, sau khi Tào Phi được lập làm thái tử, những người chung quanh vui cười muốn Biện phu nhân phải chiêu đãi. Biện phu nhân nói, ta không làm con cái hư đã là mãn nguyện rồi. Bùi Tùng Chi chú dẫn Ngụy thư nói, Tao Tháo để Biện thi chọn lấy hai thứ trong số báu vật, lần nào Biện thị cũng chọn thứ vừa vừa. Tào Tháo hỏi vì sao, Biện thị nói, chọn thứ quý nhất là tham lam, chọn thứ kém nhất là không thực nên chỉ chọn thứ vừa vừa. Tháo rất thích thú với câu nói đó. Thực tế, thì sau khi ly dị với Đinh phu nhân, Tào Tháo bất kể quan niệm thế tục “môn đăng hộ đối”, khi đó đã lập Biện thị làm vợ, e đó cũng là quan niệm thiết thực. Đúng, Biện thị xuất thân ti tiện, nhung là người tài đức vẹn toàn, vậy, còn gì phải chọn lấy con nhà danh môn?

 

 

Thứ hai, là đức và tài. Chính sách của Tào Tháo: đức tài đầy đủ, có tài là dùng.

 

 

Tào Tháo có ý thức của người bình dân và tinh thần thiết thực, nên, khi tuyển chọn cất nhắc nhân tài, Tào Tháo không giống như Viên Thiệu “không nổi tiếng, không cho gặp” hoặc giống chủ trương của một số người nào đó “Phải là hiền sĩ thì mới dùng”. Tào Tháo cần những người có thể mạnh dạn giúp mình bình trị thiên hạ. Vì vậy, trước sau ba lần vào những năm Kiến An thứ XV (năm 210), Kiến An năm thứ XIX (năm 214), Tào Tháo ban bố “cầu hiền lệnh”, xác định rõ chính sách nhân tài “có tài là dùng”. Tào Tháo nói, lúc này thiên hạ chưa định là lúc rất cần người tài (đây là lúc cầu hiền cấp bách), vì vậy chỉ cần nói biết làm hay không biết làm, không thể cứ bới lông tìm vết, đòi hòi quá nhiều. Nếu nhất định cứ yêu cầu đạo đức phẩm chất phải đầy đủ, thập toàn thập mỹ, thì làm sao Tề Hoàn công có thể hoàn thành nghiệp bá? Cao hoàng đế sao có thể lập nên Đại Hán? Cho nên, chỉ cần là nhân tài, có “thuật trị quốc dùng binh” thì dù là danh tiếng không tốt (danh tiếng ô nhục), làm điều khiến mọi người chê cười (hành vi bị chê cười), thậm chí là “bất nhân bất hiếu”, mong mọi người cứ tiến cử, đáng thế nào sẽ dùng thế ấy (ta được và sẽ dùng).

 

 

“Cầu hiền lệnh” của Tào Tháo là một sự kiện lớn trong lịch sử Trung Quốc. Nó thay đổi cách dùng người của đế quốc (chế độ sát cử thời Lưỡng Hán rời khỏi vũ đài lịch sử, thay thế bằng chế độ tiến cử thời Ngụy Tấn, đến Tùy Đường lại thay bằng chế độ khoa cử) và cũng là vấn đề lý luận quan trọng khiến mọi người tranh luận trong một thời gian dài, tức là quan hệ giữa đức và tài. Điều lý tưởng nhất, đương nhiên là đức tài đầy đủ. Nhưng, một khi đức và tài chưa có đủ thì cái nào là tay gấu, cái nào là vây cá? Cách làm truyền thống là lấy đức không lấy tài, ít ra thì đức trước tài sau, nhưng Tào Tháo lại nói rõ “có tài là dùng”. Thế nào là “có tài thì dùng”, tức là chỉ cần có tài là được, đức có thể chưa, thậm chí là “bất nhân bất hiếu” cũng chẳng sao. Đương nhiên, nói vậy thì hơi lạ, dễ dàng hiểu sai đi, vì vậy cần phải giải thích thêm một chút.

 

 

Thực ra, không phải Tào Tháo không cần đức. Thực tế thì Tào Tháo rất chú trọng mặt đạo đức. Tào Tháo rất tôn trọng những người đạo đức chân chính, cao thượng. Thôi Diễm là người nho nhã chính phái, Tào Tháo rất kính nể; Mao Giới là người liêm khiết công minh, Tào Tháo rất kính trọng. Tào Tháo thường nói với mọi người, Thôi Diễm là tấm gương cho mọi người, là mẫu mực của thời đại. Nếu quan lại ai cũng được như Thôi Diễm và Mao Giới, đều tự giác chấp hành mọi luật lệ thì có thể, ta chẳng còn việc gì mà làm.

 

 

Nhưng Tào Tháo hoàn toàn không phải là người “Duy đạo đức luận” (Năm Kiến An thứ VIII, Tào Tháo ban bố lệnh phê phán “Duy đạo đức luận”). Tào Tháo không coi đạo đức là tiêu chuẩn duy nhất trong tuyển chọn nhân tài, thậm chí không coi đó là tiêu chuẩn số một. Vì sao vậy? Bởi một khi lấy đạo đức làm tiêu chuẩn duy nhất và tiêu chuẩn số một sẽ nảy sinh ra ba vấn đề. 1- Có đức không có tài. Một người được tuyển chọn, về phẩm chất đúng là không có vấn đề nhưng tiếc là cái gì cũng không biết, không làm được thì chỉ là một người tốt, vô dụng. 2- Quá cầu toàn. Một số người có tài, thậm chí có tài đặc biệt, nhưng vì phẩm chất đạo đức có sai sót hoặc có vấn đề sẽ không được tuyển chọn. 3- Có sự dối trá. Một người muốn được tuyển chọn tất phải ra vẻ chính trị, ra vẻ đạo đức, kết quả đạo đức trở thành vô đạo đức, tình hình cuối thời Đông Hán là như vậy.

 

 

Vậy, chủ trương “Đức tài đầy đủ” không được sao? Thôi Diễm, Mao Giới chẳng phải đức tài đầy đủ sao? Đức tài đầy đủ đương nhiên là tốt, nhưng đó là điều lý tưởng. Trong thời bình, lúc thiên hạ đại trị, không có nhiều yêu cầu dặc biệt có thể cứ từ từ, tuyển chọn từng người một. Nhưng đây lả thời kỳ đặc biệt, Tào Tháo muốn làm những việc phi thường thì không thể từ từ, từng bước từng bước, phải trọng thưởng người có công, phải trọng dụng người tài năng. Nói như lời trong Thưởng công năng lệnh được Tào Tháo ban bố vào năm Kiến An thứ VIII (năm 203) tức là “Thời bình xét về phẩm đức, lúc có việc thưởng về công năng”.

 

 

Thực tế, đức và tài không thể có đầy đủ, danh và thực cũng vị tất đã thống nhất. Người có phẩm hạnh không nhất định là có năng lực (người có đức vị tất đã có thể tiến thủ). Người có năng lực cũng không nhất định đã có phẩm hạnh (người biết tiến thủ vị tất đã có đức hạnh). Cũng vậy, người xuất thân tốt không nhất định có trình độ, người có trình độ không nhất định là xuất thân tốt. Tào Tháo nói, Y Doãn và Phó Thuyết chẳng phải là nô lệ sao? Tiêu Hà và Tào Tham chẳng phải là huyện lại sao? Trần Bình từng mang tiếng ác. Hàn Tín từng bị chê cười, Quản Trọng thì khỏi phải nói, luận về lập trường thì đó là “kể thù”; luận về phẩm hạnh thì đó là “tiểu nhân”. Nhưng Thương Thang, Vũ Đinh, Tề Hoàn và Cao Hoàng đế chúng ta đã trọng dụng họ, dựa vào họ để thành công thắng lợi. Như thế chưa đủ để vấn đề được sáng tỏ sao?

 

 

Huống chi, cái gọi là “Đức tài gồm đủ” từ thời Đông Hán lại đây, thục tế chỉ là cần đức không cần tài, dù cho “đức” là đức giả. Thậm chí trong lúc Tào Tháo thu nhận vô số nhân tài, lại có người chủ trương, dù là có công, có tài nhưng nếu “đức hạnh không đủ”, “quận quốc cũng không tuyển”. Vậy nên phải sửa đổi, sửa cho đúng, đúng và làm theo. Vì thế không thể thẳng băng mà yêu cầu phải “có đủ tài đức” nên cứ phải nói “theo tài mà cất nhắc”.

 

 

Thứ ba, liêm và tham. Chính sách của Tào Tháo là trọng dụng thanh quan, không lánh tiểu tham.

 

 

Đã có tài là dùng, thì không câu nệ. Đức tài đầy đủ tất nhiên là tốt, có một chút nhược điểm thì cũng chẳng sao. Ngụy thư có ghi lại một câu chuyện, Tào Tháo có người đồng hương là Đinh Bùi, thích vơ vét những thứ chẳng ra gì, từng lợi dụng chức quyền đổi con bò gầy của nhà lấy con bò béo của tập thể, kết quả bị bãi quan. Tào Tháo gặp người này và cố ý hỏi: Văn hầu à, quan ấn của cậu đâu rồi? Đinh Bùi nhăn nhở nói: Đổi lấy bánh ăn rồi. Tào Tháo cười khà, rồi quay lại nói với lũ tùy tùng: Mao Giới nhiều lẩn bảo ta phải xử nặng Đinh Bùi, ta nói Đinh Bùi chẳng khác gì chú mèo giỏi bắt chuột nhưng lại thích ăn vụng, vẫn còn có tác dụng nên giữ lại. Chuyện đó nếu có thực, sẽ được coi là “miêu luận” sớm nhất Trung Quốc.

 

 

Thứ tư, hàng và phản. Chính sách của Tào Tháo là: chiêu hàng nạp phản, không tính hiềm khích cũ.

 

 


Điển Vi và Hứa Chử

Không câu nệ, không hỏi đến xuất thân, thậm chí là người trong trại địch, Tào Tháo luôn tìm cách lôi kéo để sử dụng. Trong tay Tào Tháo có năm viền đại tướng thì ba viên từ doanh trại địch tới; Trương Liêu vốn là bộ tướng của Lã Bố, Trương Cáp vốn là bộ tướng của Viên Thiệu, Từ Hoảng vốn là bộ tướng của Dương Phụng, Nhạc Tiến và Vu Cấm được Tào Tháo cất nhắc từ cơ sở lên. Đúng là “Đưa Vu Cấm, Nhạc Tiến từ trong trận lên, từ trong đám tù binh tìm ra Trương Liêu và Từ Hoảng, ai cũng ra sức lập công, trở thành danh tướng", (Lời chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Vũ đế kỷ). Về sau, Trần Thọ đã viết về năm viên đại tướng này, gọi là “Lương tướng một thời, là năm người này”; Tào Tháo cũng ca ngợi họ “sức mạnh hơn người, mưu kế đầy đủ, mạnh mẽ khác thường, phá tan tất cả”.

 

 

Sự thực thì, cứ sau mỗi chiến tháng, Tào Tháo luôn phát hiện và chiêu mộ nhân tài từ trong đám tù binh. Ngay cả Lã Bố, Tào Tháo cũng muốn giữ lại, về sau do Lưu Bị khuyên can nên mới thôi. Theo Tam quốc chí. Lã Bố truyện và “Hậu Hán thư. Lã Bố truyện” tại Bạch Môn lầu lúc đó, Lã Bố tuy là tù binh, nhưng vẫn ra vẻ cao ngao. Lã Bố với vẻ phấn chấn nói với Tào Tháo: Tốt rồi, chuyện cũ coi như hết, thiên hạ yên định! Thế là nghĩa làm sao, Tào Tháo hỏi lại. Lã Bố nói, cái họa trong lòng minh công chẳng phải Lã Bố này sao? Lúc này thì Lã Bố thuần phục ngài rồi! Nếu để Lã Bố soái lĩnh kỵ binh, minh công soái lĩnh bộ binh thì thiên hạ còn ai ngăn cản nổi? Lại quay sang nói với Lưu Bị “Huyền Đức công à! Ngài là thượng khách, tôi là tù ở dưới thềm, dây buộc quá chặt ngài không thể nói giúp tôi một câu sao?” Tào Tháo cười khà khà nói “Trói lão hổ mà, không thể không trói chặt hơn”. Tháo định hạ lệnh cởi trói, Lưu Bị ngồi cạnh, giọng nói lạnh lùng “Minh công không thấy Lã Bố đối xử với Đinh Nguyên Đổng Trác như thế nào sao?” Tào Tháo như sực tỉnh, một kẻ vong ân bội nghĩa, phản phúc vô thường, nếu rộng rãi quá hóa hố, đành phải giết Lã Bố.

 

 

Trong số các mưu thần, không ít người từ phía địch tới. Hứa Du từ doanh Viên Thiệu tới, Tào Tháo đã vội vã, chân không ra đón. Khoái Việt và Lưu Tôn cùng nhau đầu hàng, Tào Tháo vui vẻ nói, không phải mình được Kinh châu mà là được Khoái Việt. Trong lúc viết hịch văn cho Viên Thiệu, Trần Lâm đã chửi ba đời tổ tông Tào Tháo. Sau khi là tù binh, Trần Lâm được là Tư không quân mưu tế tửu. Nhưng điều làm mọi người cảm động nhất lại là chuyện của Vương Tu. Vương Tu trước là người của Viên Đàm. Sau khi Viên Đàm bị giết, Vương Tu khóc lóc và đi tìm Tào Tháo, xin Tào Tháo cho được chôn cất Viên Đàm. Tào Tháo cố ý không đáp, Vương Tu nói: “Nhận ân sâu của Viên thị, nếu được chôn cất Đàm rồi có chết cũng không ân hận”. Tào Tháo “vui vì nghĩa mà thuận”. Sau khi chôn Viên Đàm xong. Vương Tu trở thành mưu thần quan trọng của Tào Tháo, Tam quốc chí có ghi truyện của Vương Tu.

 

 

Đương nhiên, không phải tất cả người bên doanh trại địch đều đầu hàng Tào Tháo. Thư Thụ là người Tào Tháo rất muốn có. Lời chú dẫn Hiến đế truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Vũ đế kỷ và Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện đều nói, Thư Thụ sau khi bị bắt làm tù binh, được Tào Tháo khuyên hàng và hứa “hậu đãi”. Nhưng vì cả nhà lớn, bé còn ở bên Viên Thiệu, nên Thư Thụ không chịu hàng, còn "Tìm cách trở về với Viên Thiệu”. Chẳng còn cách nào khác, Tào Tháo đành phải giết Thư Thụ. Tảo Tháo cũng rất muốn có Thẩm Phối. Lời chú dẫn Tiên hiền hành trạng của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện nói, trong trận chiến Nghiệp Thành, Thẩm Phối bị bắt làm tù binh, Tào Tháo hỏi: “Lúc ta vây thành, vì sao các ngươi bắn tên nhiều đến như vậy?”. Thẩm Phối nói: “Hận là còn quá ít”. Tào Tháo liền nói: Túc hạ trung thành với cha con Viên Thiệu, nên không thể không như vậy”. Tào Tháo nói thế, ngoài ý muốn chạy tội cho Thẩm Phối còn có ý “muốn tha”. Nhưng Thẩm Phối hoàn toàn không có ý muốn hàng, (Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện nói là “giọng nói sang sảng, không có ý xin xỏ”), những kẻ khác thì khóc khóc mếu mếu, cuối cùng Tào Tháo đành phải giết Thẩm Phối.

 

 

Thứ năm, to và nhỏ. Chính sách của Tào Tháo là: bắt to bỏ nhỏ, không câu nệ tiểu tiết.

 

 

“Trọng dụng thanh quan, không lánh tiểu tham” cũng được, “chiêu hàng nạp phản, bỏ qua hiềm khích cũ” cũng được, đều không phải là kĩ xảo, mà là khí độ; là đạo dùng người, không phải thuật dùng người. Như Trương Tú, người có “thâm thù đại hận”, vừa thấy đến, đã tay bắt mặt mừng, phong quan tiến tước; như Hứa Du “tham lam cuồng vọng”, vừa nghe tới, đã mừng vui, chân không ra đón; như Trần Lâm, người đã “công kích ác độc”, vì quý cái tài, không hề suy tính, thản nhiên quên mọi chuyện; như Tất Kham, một kẻ “bội tín bất nghĩa”, chỉ vì sự hiếu đễ của người đó mà bỏ qua chuyện cũ, tín nhiệm như cũ. Từ bao chuyện như vậy đã có thể giãi bày được khí độ anh hùng và tầm lòng rộng lớn của Tào Tháo.

 

 

Cũng với tấm lòng và khí độ đó, đã khiến bao nhân tài từ doanh trại đối phương đã vui vẻ thuần phục chạy đến với Tào Tháo và Tào Tháo cũng đối xử với họ thật rộng lượng và chân thành. Như Văn Sính, vốn là đại tướng của Lưu Biểu, được phái đi trấn thủ phương Bắc. Sau khi Lưu Biểu mất, người thay thế là Lưu Tôn đầu hàng, Tào Tháo muốn có cả Văn Sính, nhưng Văn Sính không theo. Văn Sính nói, Văn Sính này không thể giữ trọn được châu quận, nên chịu tội với người châu quận. Về sau, Tào Tháo xuống phía nam, vượt qua Hán Thủy, Văn Sính mới chịu đến chào Tào Tháo. Tào Tháo nói vui: “Sao túc hạ đến muộn vậy?”. Văn Sính nói: "Trước kia tôi không thể phò tá Lưu Kinh châu (Lưu Biểu) vì đất nước. Nay Lưu Kinh châu đã qua đời, đành phải trông coi Hán Xuyên, bảo toàn trăm họ, có thể “sống không phụ người cô đơn yếu đuối” (Chỉ Lưu Tôn), “chết không hổ với người đã khuất” (Chỉ Lưu Biểu). Nay mọi việc đã thay đổi nên mới rơi vào cảnh ngộ này. Văn Sính này vừa đau xót vừa hổ thẹn, còn mặt mũi nào đến gặp minh công sớm hơn”. Nói xong, khóc lóc rơi lệ. Tào Tháo cũng rơi lệ theo (vì thương xót), “Túc hạ xứng đáng là trung thần”. Sau đó lại bổ nhiệm Văn Sính là Thái thú Giang Hạ. Hơn chục năm Văn Sính giữ chức vị này (nhưng tước vị thì ngày một cao hơn, từ Quan nội hầu đến Đình hầu, Hương hầu, Huyện hầu), đánh Quan Vũ, chế ngự Tôn Quyền “tiếng vang nước địch, giặc không dám đến”, giữ trọn mảnh đất - các binh gia thường tranh giành, cho Tào Tháo (Xem Tam quốc chí. Văn Sính truyện).

 

 

Qua đây mới thấy, kỳ thực Tào Tháo rất coi trọng đạo đức, và cũng chủ trương đức tài gồm đủ. Văn Sính được coi là đức tài đầy đủ nhất. Nhưng đức mà Tào Tháo chú trọng là đức lớn, tức là trung và nghĩa, không bới lông tìm vết, bỏ qua các tiểu tiết, như là tác phong sinh hoạt v.v... chỉ cần đại tiết tốt đẹp, những việc bé nhỏ khác, Tào Tháo mắt nhắm mắt mở, coi như không hay. Tam quốc chí. Quách Gia truyện nói, Quách Gia mưu sĩ hạt nhân của Tào Tháo bị Trần Quần - một mưu sĩ quan trọng chỉ trích, nói hành vi của Quách Gia đáng phải kiểm điểm (bất trị phải kiểm điểm), đã nhiều lần phê phán giữa triều đường, Quách Gia vẫn như thường, vô sự (Gia vẫn như cũ); Tào Tháo cũng không hỏi tới, vẫn tín nhiệm như cũ, càng thêm trọng dụng (giao việc quan trọng hơn). Bản thân Trần Quần là người đúng mực, Tào Tháo cũng luôn tán thưởng (Quần ngay thẳng đúng mực, thấy rất vui). Tào Tháo vờ hồ đồ, nhập nhằng, bên nào cũng được, đó là “Đạo trung dung” mà mọi người thấy khó hiểu và Tháo đã đạt tới cái tinh túy của “Trung dung”. “Trung dung”, tức là lấy cái có thể đúng, lấy cái lớn bỏ cái nhỏ, có kinh có quyền, đã có tính nguyên tắc (kinh) lại có tính linh hoạt (quyền). Phải giữ vững đạo đức, không giữ thì sẽ hỏng hết, tất cả chỉ là lũ tiểu nhân. Cũng vậy, không nên tính toán những tiểu tiết, tính toán cho đến bao giờ, ai ai cũng thấy có phần nguy hiểm. Vì vậy, Tào Tháo mới khẳng định Trần Quần và cũng không truy cứu Quách Gia. Tào Tháo nắm chắc phương hướng đó, nắm đến từng ly từng tí.

 

 

Xem ra, Tào Tháo là thống soái của tài. Tào Tháo biết rõ là thống soái phải biết thu nhận tất cả, thu hút một lượng lớn nhân tài và sử dụng nhân tài. Phải biết bao dung, bao gồm cả những người mà người khác không thể bao dung. “Trăm sông về biển, có dung có mạnh”, nghĩa là không từ chối, có thể thu nạp tất cả , Nghĩ xem, trăm sông về biển, hẳn trong đó có cả bùn, cát. Nêu biển cả chỉ nhận nước trong, không nhận bùn cát thì gọi thế nào là biển cả?

 

 

Tào Tháo có tấm lòng giống như biển cả. Chính vì tấm lòng biển cả đó, mới thu hút được một lượng lớn nhân tải về trận doanh của mình. Có người đả thống kê, cho tới lúc chết, số mưu sĩ hạt nhân, mưu sĩ quan trọng, cùng những duyện thuộc ở các cấp, Tào Tháo có được 102 người. Trong số mấy vị quan trọng ở thời kỳ đầu có Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ, Quách Gia và Trình Dục. Điều đáng chú ý là, các vị này đều chủ động đến với Tào Tháo, Giả Hủ còn mang theo Trương Tú, Tuân Úc và Quách Gia đến từ chỗ Viên Thiệu. Điều này cũng chưa có gì đáng kể. Thời đó mưu sĩ và võ tướng từ trận doanh này chạy đến trận doanh khác cũng là chuyện thường, giống như ngày nay, một người làm ở xí nghiệp này chạy tới xí nghiệp khác. Tình trạng người một nhà phục vụ hai nơi khác nhau cũng rất nhiều, như anh em Gia Cát Cẩn, Gia Cát Lượng, người phục vụ Tôn Quyền, người phục vụ Lưu Bị, ai vì chủ nấy, “không nói tới tình riêng”, cũng không ảnh hưởng tới tình cảm anh em. Điều đáng nói là, Tuân Úc và Quách Gia từ chỗ Viên Thiệu bỏ đi là có nguyên nhân, thậm chí Quách Gia còn nói với hai người đồng hương (Vĩnh Xuyên) là Tần Bình và Quách Đồ, kể lại những suy nghĩ thực khi bỏ Viên đến với Tào. Có thể coi câu chuyện đó là phá thiên cơ. Vậy, Quách Gia đã nói những gì, trong đó có gì là huyền cơ?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét