Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

CÂU ĐỐ GIAN HÙNG

 


Tào Tháo

Tập thứ hai: CÂU ĐỐ GIAN HÙNG

 

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Là người có tính cách phức tạp nhất, hình tượng đa dạng nhất trong lịch sử, Tào Tháo là chân thực, có bản sắc. Vì có bản sắc nên Tào Tháo mới thành anh hùng và là đại anh hùng. Có điều, người đại anh hùng này đồng thời còn được coi là đại gian hùng. Ở tập trước chúng ta nói Tào Tháo là “gian hùng thật đáng yêu”. Vậy, Tào Tháo là “gian hùng” chăng? Là “gian hùng”, có “đáng yêu” không?

 

 

Ở tập trước, chúng ta có kết luận: Tào Tháo là “gian hùng thật đáng yêu”. Ở đây, chúng ta phân tích kết luận này.

 

 

Trước nói, “gian hùng” sau nói “đáng yêu”.

 

 

“Gian hùng” là “người gian mà hùng”. Như Nghiêm Tung, ma ma quỷ quỷ, lén lén lút lút, gian mà không hùng, nên chỉ có thể là “gian tặc”; như Đổng Trác, hoành hành bá đạo, ngang ngược làm bừa, hùng mà không gian, chỉ có thể gọi là “kiêu hùng”. Có nhiều cách giải thích về kiêu hùng. Kiêu, là chim ưng đầu mèo, dẫn ra để chỉ thủ lĩnh, khôi thủ, hùng trường, như diêm kiêu, độc kiêu; dẫn ra để chỉ kiêu dũng, hào hùng, ngạo mạn không theo, như kiêu kỵ, kiêu tướng. Cho nên, trong Hiện đại Hán ngữ từ điển đã giải thích “kiêu hùng” là “nhân vật mạnh mẽ có dã tâm; là nhân vật trí dũng kiệt xuất; khôi thủ”. Lỗ Túc nói “Lưu Bị là kiêu hùng thiên hạ” (Tam quốc chí – Lỗ Túc truyện), Hoàng Quyền nói “Lưu Bị có kiêu danh” (Hậu Hán thư – Lưu Yên truyện), họ đều nhận ra Lưu Bị là “nhân vật trí dũng kiệt xuất”, là kiêu dũng, hào hùng, ngạo mạn không theo; và chúng ta coi Đổng Trác là kiêu hùng, là “mạnh mẽ và có dã tâm”. Kiêu hùng là “mạnh mẽ và có dã tâm”, gian tặc là “gian giảo và có tặc tâm”, gian hùng là “gian giảo có hùng tâm”. Người gian hùng, vừa gian trá vừa hào hùng. Phải chăng Tào Tháo đúng là một nhân vật như vậy?

 

 

Đúng.

 

 

Từ bé Tào Tháo đã gian giảo. Tháo xuất thân không tốt, gia giáo không hay, biểu hiện thuở  nhỏ cũng không tốt. Tào Tháo, tự Mạnh Đức, tên cúng cơm A Man, còn gọi là Cát Lợi, người huyện Tiêu nước Bái (nay là thị trấn Hào Châu, An Huy). Tam quốc chí của Trần Thọ nói Tào Tháo là đời sau của Tào Tham tướng quân thời tây Hán, không đúng như vậy. Tháo vốn không phải họ Tào, nhưng là họ Tào vì Tào Tung cha Tào Tháo được Tào Đằng nuôi dưỡng. Tào Tung và Tào Đằng không hề có quan hệ huyết thống, cho dù đã chứng minh được Tào Đằng là đời sau của Tào Tham, nhưng như vậy cũng chẳng liên quan gì đến Tào Tháo. Thực tế thì cha mẹ đẻ của Tào Tung là ai vẫn là một câu đó, ngay đến Trần Thọ cũng chỉ biết nói “chưa thể biết được dòng dõi thế nào” Bản thân Tào Tháo cũng che dấu kín đáo. Khi viết Gia truyện, Tào Tháo tự xưng là “đời sau của Tào thúc Chấn Đạc”, rồi truy ngược lên tận chỗ Chu Văn vương, như vậy lại càng sai. Nhưng những năm cuối thời Đông Hán, trên xã hội và trong quan trường đều hết sức coi trọng môn đệ và xuất thân, Tào Tháo tuy chán ghét cung cách này, nhưng xuất phát từ nhu cầu chính trị nên vẫn phải liều lĩnh tự đề cao mình.

 

 

Thực tế, Tào Tháo ra đời và trưởng thành trong một gia đình hoạn quan. Tào Tung là cha Tào Tháo, là con nuôi của Tào Đằng. Thời đó Tào Đằng là đại hoạn quan có tiếng, được phong Phí Đình hầu, là Đại trường thu. Đại trường thu là đại quan trong hoạn quan, trật hai ngàn thạch, như ngày nay là “cấp tỉnh bộ”. Tào Đằng là một trong số hoạn quan khéo đường cư xử, có quan hệ tương đối tốt với sĩ nhân. Tào Đằng từng làm một số việc chẳng đẹp đẽ gì, nhưng cũng làm được một số việc lớn việc tốt, vì vậy trong Hậu Hán thư có truyện của Tào Đằng. Nhưng dù gì đi nữa thì Tào Tháo vẫn là con của con nuôi hoạn quan. Thời đó, như vậy là xuất thân không tốt. Nhưng gia cảnh thì tốt, ít ra cũng không thiếu tiền tiêu. Tào Tung, cha của Tào Tháo, quan đến thái úy (về danh nghĩa là chức quan quân sự cao nhất cả nước), phải mất gần triệu đồng mới mua được chức quan đó. Nhà Tào Tháo có tiền, lúc nhỏ, cuộc sống của Tào Tháo là cuộc sống của con nhà giàu sang.

 

 

Có thể Tào Tháo không có được sự giáo dục của gia đình đến nơi đến chốn. Tào Tung ít khi hỏi đến con cái. Tào Tháo từng có câu: “Đã không tam tỉ giáo, chẳng nghe quá đình lời”. Mẹ thầy Mạnh Tử muốn con mình có hoàn cảnh tốt, không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xấu, đã phải dời nhà ba lần gọi là “tam tỉ”. Khổng Tử thấy con hai lần đi qua sân, thì đều gọi lại để giáo dục, làn thứ nhất bảo học Thi, lần thứ hai bảo học Lễ, gọi là “quá đinh”. Những việc như vậy không hề có ở gia đình Tào Tháo. Xem ra lúc còn nhỏ, Tào Tháo không được dạy dỗ.

 

 

Cha mẹ không dạy dỗ, gia cảnh lại khá, Tào Tháo đã trở thành một “đứa trẻ có vấn đề”. Theo chú dẫn Tào Man truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí, Tào Tháo lúc nhỏ thường “Như ưng bay chó chạy, phóng túng vô độ”. Người chú thấy khó chịu, liền nhắc nhở, mong Tào Tung lưu tâm đến con cái. Tào Tháo biết vậy, đã có ngay quỷ kế để đối phó với người chú rỗi hơi, hay xen vào chuyện người khác. Một hôm, từ xa thấy người chú đi lại, Tháo vờ như người bị méo mồm ngoẹo cổ. Chú hỏi nguyên cớ, Tháo nói mình bị trúng phong. Người chú liền báo ngay với Tào Tung. Khi Tào Tung gặp Tháo thì không thấy có chuyện gì. Nhân đó Tháo nói luôn, con đâu có trúng phong! Chẳng qua vì chú không thích con, nên hay nói xấu con. Có được câu chuyện “Sói đến rồi” làm vật đệm, người chú có nói gì nữa thì Tào Tung đều không tin, Tháo càng được thể, quậy phá bừa bãi.

 

 

Viên Thiệu và Trương Mạc là bạn bè thân thiết với Tào Tháo, có lẽ cũng cùng loại. Họ thường tụ tập quậy phá, làm đủ việc, việc gì cũng ra vẻ. Thế thuyết tân ngữ của Lâm Xuyên vương Lưu Nghĩa Khánh Nam triều thời Tống nói, một lần có đám kết hôn, Tháo và Thiệu ra xem, và đột nhiên có ý muốn cướp dâu. Họ liền trốn vào trong vườn nhà đó, chờ lúc trời tối mịt mới kêu ầm lên: Có cướp! Những người tham dự hôn lễ liền chạy hết ra ngoài, nhân lúc mọi người lộn xộn, Tháo vào động phòng cướp dâu. Trong lúc vội vã đã chạy nhầm đường, Viên Thiệu rơi vào bụi cây đầy gai, không sao dậy nổi. Trong lúc nguy cấp, Tháo sinh kế và kêu ầm lên: giặc ở đây rồi! Viên Thiệu sợ quá, gồng mình chạy thoát.

 

 

Rõ ràng lúc nhỏ, Tào Tháo là một công tử điển hình, chơi bời lêu lổng, không lo học hành, luôn có quỷ kế và ý nghĩ xấu xa. Ở đây nói lên cái gì? Nói rõ, Tháo là đứa trẻ ngang bướng khó bảo, vô phép vô tắc, gian giảo xảo trá, quỷ kế đa đoan. Cho nên Tam quốc chí nói Tháo “cơ trí nhạy bén, ứng biến, chơi bời phóng đãng, không lo học hành”, vì vậy nhiều người không coi Tháo ra gì (người đời xem thường), thậm chí còn miệt thị Tháo, (coi thường nhân cách của Tháo). Danh sĩ Tông Thế Lâm người Nam Dương, tự cho mình có “chí của tùng bách” kiên quyết không đi lại với Tào Tháo (xem Thế thuyết tân ngữ - Phương chính).

 

 

Nhưng thái úy Kiều Huyền thời đó lại là người vô cùng xem trọng Tào Tháo. Kiều Huyền cho rằng, Tháo là nhân tài hiếm có, bình định thiên hạ sau này phải nhờ cả vào Tháo, còn đưa vợ con sang gửi ở chỗ Tào Tháo. Kiều Huyền nói: “Thiên hạ tất loạn, không có tài cái thế, không trị được. Người an được loạn chỉ là ngài vậy!”. Tào Tháo không phải loại lưu manh tầm thường hoặc con nhà giàu sang nói chung, nên lời nói trên đáng tin cậy và có lý, được ghi trong chính văn Tam quốc chí. Dị đồng tạp ngữ của Tôn Thịnh nói, Tháo “tài võ hơn người, khó có thể hại, tinh thông sử sách, giỏi hơn về binh pháp”. Một lần đi hành thích Trương Nhượng, Tháo đã múa kích trong tay mà rút. Điều đó nói rõ, Tào Tháo là người ôm ấp chí lớn, hùng tâm mạnh mẽ. Đã hùng tâm mạnh mẽ lại gian trá xảo quyệt, nên rất phù hợp với định nghĩa “gian hùng”.

 

 

Vậy Tào Tháo tự nghĩ mình như thế nào?

 

 

Bản thân Tào Tháo gần như đồng ý với lời bình là “gian hùng”. Đó là lời bình của Hứa Thiệu, do lời đề nghị của Kiều Huyền, Tào Tháo và Hứa Thiệu đã đi lại với nhau. Hứa Thiệu tự Tử Tương, người Bình Hưng, Nhữ Nam, là nhà giám thưởng, nhà bình luận nổi tiếng nhất thời đó. Thường thì mùng một hàng tháng, Hứa Thiệu có bài bình về nhân vật, gọi là “Nguyệt đán bình”, còn là “Nhữ Nam nguyệt đán bình”. Bất luận là ai, một khi được bình thì thân giá lớn lên gấp bội, trở thành tầng lớp trên của xã hội. Tào Tháo cũng muốn được Hứa Thiệu bình phẩm tốt hơn. Nhưng không hiểu vì Tào Tháo khó bình hay vì thiên cơ bất khả lộ, Tào Tháo có cầu xin đến mấy, Hứa Thiệu vẫn không chịu bình. Cuối cùng thì Hứa Thiệu bị Tào Tháo bức bách quá, đành phải thốt thành lời: “ông à, ông là năng thần thời bình, gian hùng thời loạn”.

 

 

Tài liệu này không có trong Tam quốc chí, chỉ thấy trong lời chú thích của Bùi Tùng Chi có dẫn Dị đồng tạp ngữ của Tôn Thịnh. Kỳ thực việc này đều có ghi trong Hậu Hán thư và Thế thuyết tân ngữ, nhưng lời lẽ lại khác nhau. Hậu Hán thư nói, “gian tặc thời bình, anh hùng thời loạn”; Thế thuyết tân ngữ nói: “anh hùng thời loạn, gian tặc trị thế” và cho là lời của Kiều Huyền. Ý tứ của hai câu này là gần như nhau, cách nói trong Dị đồng tạp ngữ của Tôn Thịnh thì ngược lại, vậy lời nào đáng tin hơn? Tào Tháo bình truyện của ngài Trương Tác Diệu cho rằng “Hậu Hán thư” nói thực, cách nói trong Dị đồng tạp ngữ của Tôn Thịnh đã “sửa đổi”. Ngài Trương đương nhiên là có lý của ngài Trương, nhưng vấn đề là: Tôn Thịnh tác giả của Dị đồng tạp ngữ là người Tấn, Phạm Hoa tác giả Hậu Hán thư là người Nam triều Tống, nhưng không biết cuốn Dị đồng tạp ngữ đã được “sửa đổi” thế nào để trở thành Hậu Hán thư? Ngoài ra, Bùi Tùng Chi và Phạm Hoa còn là người cùng thời. Lời chú thích Tam quốc chí của Bùi Tùng Chi hoàn thành vào thời Tống Văn đế niên hiệu Nguyên Gia năm thứ VI (năm 429). Hậu Hán thư của Phạm Hoa mở đầu từ Tống Văn đế niên hiệu Nguyên Gia năm đầu (năm 424), thời gian cách nhau không nhiều. Bùi Tùng Chi lại không sử dụng cách nói của Phạm Hoa mà dùng cách nói trong Dị đồng tạp ngữ của Tôn Thịnh, vụ kiện văn chương này không biết nên xử thế nào?

 

 

Thực tế thì, Dị đồng tạp ngữ của Tôn Thịnh cũng được, Hậu Hán thư và Thế thuyết tân ngữ cũng được, có thể đều là những điều nghe thấy. Đừng cho rằng những điều ghi trong sử sách là đáng tin cả, có khi những điều ghi trong chính sử cũng chưa tin được. Trong cuốn Tam quốc sử thoại của ngài Lã Tư Miễn, một bậc thầy trong môn sử học, có sử dụng tài liệu trong nhiều sử sách, trong đó có cuốn Tam quốc chí thì sau cùng bao giờ cũng có một câu: “lời này e chưa tin được”, “chưa hẳn đây đã là sự thực” hoặc “điều này cũng thuộc loại gán ghép tô vẽ về sau”. Như Tam quốc chí và Hậu Hán thư đều nói Tào Tháo đánh Đào Khiêm là để trả thù cho cha, nhưng Lã tiên sinh lại nói, “nói vậy là không chính xác”. Có nhiều chỗ là như vậy. Ngài Lã cho chúng ta hay: “Những điều trong sử hoặc truyền miệng, nhìn chung chỉ là cái bề ngoài, có lúc cái bề ngoài đó cũng chưa tin được, chúng ta luôn phải lấy tình ý mà suy đoán, khảo chứng, giải thích”. Những sự việc khác nhau trong Tam quốc chí và Hậu Hán thư cần phải đánh dấu hỏi, những câu nói khác nhau phải được phân biệt. Tiếc là có những điểm chúng ta không sao làm sáng tỏ được.

 

 

Có khả năng Bùi Tùng Chi đã có lý. Trước hết hãy xem lúc dẫn Dị đồng tạp ngữ của Tôn Thịnh, Bùi Tùng Chi đã nói thế nào. Từ những đặc trưng trong cá tính của Tháo, những gì Tháo đã nghĩ đã làm, Tôn Thịnh nói Tháo “tài võ hơn người, khó có thể hại, tinh thông sử sách, giỏi hơn về binh pháp”, sau đó còn kể chuyện Tháo sao chép binh pháp, chú thích binh thư. Nói hết mọi điều, mới nói đến lời bình của Hứa Thiệu “năng thần thời bình, gian hùng thời loạn”. Hơn nữa, Tôn Thịnh còn ghi lại phản ứng khi đó của Tào Tháo “Thái tổ cười lớn”. Chúng ta đều biết, Dị đồng tạp ngữ của Tôn Thịnh không chỉ để ca ngợi công đức mà còn bóc trần cả những điều không hay của Tào Tháo. Vì vậy có thể khẳng định cuốn sách này là một phần của Tào Tháo, có thể tin tưởng được.

 

 

Nhưng đến Tam quốc diễn nghĩa thì mấy lời đó không còn là vật đệm như trước đây. “Thái tổ cười lớn” cũng biến thành “Tháo nghe mà thích quá”. Sửa đổi như vậy là quá nông cạn. Có người nói, cách nói trong Hậu Hán thư là tương tự, là “Tháo thích quá mà đi”. Thích và vui không khác nhau là mấy, lẽ nào Hậu Hán thư, một trong “bốn cuốn sử trước đây” lại nông cạn như vậy? Tôi nói Tam quốc diễn nghĩa nông cạn, Hậu Hán thư không nông cạn. Vì sao thế? Vì lời Hứa Thiệu ghi trong hai cuốn sách đó không giống nhau, hoàn cảnh nói cũng khác nhau. Đó đâu phải là lời nói cùng một lúc?

 

 

Chúng ta xem Hậu Hán thư đã nói những gì. Hậu Hán thư – Hứa Thiệu truyện nói: “Lúc đầu Tháo thường nói khéo dâng lễ, momg được chú ý. Thiệu khinh rẻ nên không đáp. Tháo tìm cách bức Thiệu, Thiệu buộc phải nói “ngài là gian tặc thời bình, là anh hùng thời loạn” Tháo vui quá mà đi”. Không còn gì rõ ràng hơn. Trước hết, Tào Tháo hy vọng được Hứa Thiệu bình phẩm mình, mong được nổi tiếng hơn, vì vậy mới tiếp đón, tặng lễ vật, nói ngon nói ngọt (nói khéo đưa lễ, mong được lưu tâm). Tiếc là Hứa Thiệu vốn xem thường Tháo, nên không theo (khinh rẻ nên không đáp). Tào Tháo không còn cách nào khác, đành giở thủ đoạn (uy hiếp Thiệu), buộc Hứa Thiệu phải nói thành lời.

 

 

Có thể lúc đó Hứa Thiệu rất khó nghĩ. Không nói không được, vì bị Tháo uy hiếp. Nói khó nghe cũng không được, Tháo sẽ không tha. Nói khác với thực tế cũng không xong, không thể vứt bỏ tiếng tăm học thuật của nhà phê bình, nên mới nói “gian tặc thời bình, anh hùng thời loạn”. Có hai chữ “gian tặc” người ghét Tào Tháo sẽ hài lòng. Có hai chữ “anh hùng” chắc Tào Tháo sẽ vừa ý. Huống chi, khả năng thời bình là rất ít, có nhiều khả năng là “anh hùng thời loạn”, có vẻ hợp với nguyện vọng của Tháo, nên mới “vui quá mà đi”. Cho nên Hậu Hán thư không hề nông cạn; và đừng quên rằng lúc đó Hứa Thiệu đang bị uy hiếp như thế nào.

 

 


Nhưng Tam quốc diễn nghĩa lại lược bỏ cảnh ngộ đó, và sử dụng cách nói của Tôn Thịnh “năng thần thời bình gian hùng thời loạn”, còn đổi “cười lớn” thành “vui lớn”. Vui lớn có nghĩa là vui mừng, vui mừng phấn chấn làm gian hùng, như là Tào Tháo quyết chí để trở thành gian hùng . Điều đó là không đúng, là nông cạn. Bởi trên thế gian này chẳng có ai từ bé đã quyết chí làm gian hùng, bị bức quá mới thành gian hùng. Vào thời bình là năng thần; vào thời loạn là gian hùng. Đương nhiên “năng thần thời bình gian hùng thời loạn”, có thể giải thích là “năng thần trị lý thiên hạ, gian thần nhiễu loạn thiên hạ”. Như vậy, gian hay không phải xem nguyện vọng chủ quan của Tào Tháo. Hiển nhiên, Hứa Thiệu đã nhìn thấy nhân vật này. Còn việc trở thành năng thần hay trở thành gian hùng còn phải xem xem Tào Tháo ở vào lúc trị thế hay loạn thế hoặc phải xem xem Tào Tháo muốn trị an thiên hạ hay muốn nhiễu loạn thiên hạ.

 

 

Phân tích, hàm nghĩa hai chữ “cười lớn” của Tào Tháo trở nên phức tạp hơn nhiều. 1 – sao tôi có thể là “năng thần thời bình, gian hùng thời loạn thế” đây? Thực buồn cười! 2 – Là “năng thần thời bình” cố nhiên là muốn rồi, còn không, là “gian hùng thời loạn” cũng tốt. 3 – Tôi muốn là năng thần có thể trở thành năng thần, muốn là gian hùng có thể là gian hùng, thế thì tốt quá! Ngược lại, nhất định Tào Tháo muốn thành một nhân vật, còn là “năng thần” hay “gian hùng”, không thành vấn đề! Thực tế, “không thành vấn đề” chính là một loại “đại khí”, một loại tính cách phóng khoáng bất kể sống chết thành bại, tiến thoái vinh nhục, một loại bản sắc anh hùng tiếu ngạo giang hồ, tự làm tự chịu.

 

 

Tào Tháo đúng là đại khí. Đọc văn, thơ của Tào Tháo luôn cản thấy khí thế anh hùng, Dù là một chương ngắn với những thích thú cá nhân, vui buồn hỉ nộ, nhưng luôn có đại khí, không thô tục. Nhất là bài Quan thương hải, vô cùng khí thế: “Đông đến Kiệt Thách, nhìn ra biển khơi. Nước lững lờ trôi, sơn đảo sừng sững. Cây cối xanh tươi, hoa cỏ rậm rạp. Gió thu lạnh lùng, sóng hồng cuồn cuộn. Ngày tháng trôi qua, như ra từ đó; sao Hán sán lạn, từ đó mà ra.” Những bài thơ như thế này, phải là một tay bút giỏi mới làm được, Chung Vanh nói: “Tào công xưa nay vẫn có những câu thực thê thảm”. Ngoài lời của Lưu Hiệp: “do loạn li chồng chất quá nhiều, phong tục suy đồi, có tâm cao nét bút khỏe, nên mới cảm khái và đầy khí thế”, nhưng tình cảm thê thảm đó còn liên quan đến tư duy triết học về nhân sinh vũ trụ của Tào Tháo. Cuối cùng thì Tào Tháo là anh hùng thời loạn, Tào Tháo đã nhìn thấy, nghĩ tới nhiều hơn ai hết về những sinh mệnh bị hủy diệt. Ít nhiều Tào Tháo đã quan tâm, thương cảm nên mới xúc động như vậy.

 

 

Có thể vì thấu hiểu về nhân sinh vũ trụ, nên bao giờ Tào Tháo cũng tươi cười vui vẻ trước những khó khăn vất vả, những khúc mắc hiểm hóc. Nếu đọc lại Tam quốc chí – Vũ đế kỷ chúng ta luôn thấy những chữ như cười, cười nói, Thái tổ cười lớn. Đương nhiên, Tào Tháo có nhiều cách cười. Cười ầm lên, cười thoải mái, xót xa mà gượng cười, cười vui, cười châm biếm, cười nhạt, thậm chí là cười nhạt đầy sát khí. Rõ ràng là Tào Tháo luôn luôn cười. Tất nhiên, cũng có lúc Tào Tháo khóc. Khi chiến hữu qua đời, bạn bè, người thân qua đời, Tào Tháo đã gào khóc. Nhưng nếu làm sai chuyện gì, hay thua trận, bị người khác làm nhục, thì không bao giờ Tào Tháo khóc, mà chỉ cười. Bởi vì Tào Tháo là người vui vẻ khoáng đạt, có bản sắc anh hùng, một người tính tình bình thường.

 

 

Với bản sắc đó, Tào Tháo từ chỗ được bình là “gian hùng” có thêm nhiều điều đáng yêu. Trong sinh hoạt, Tào Tháo rất đáng yêu, Tháo thường mặc áo lụa mỏng, lưng thắt đai da, tay cầm mấy thứ lặt vặt như khăn lau mặt, có lúc còn đội mũ thường bằng lụa để tiếp khách. Lúc nói chuyện với mọi người luôn thoải mái, nghĩ gì nói nấy, muốn nói gì thì nói luôn. Nói đến chỗ vui thì cười ngặt nghẽo, đầu gục xuống khay trà, mũ tóc ướt hết. Những tình tiết này được cuốn Tào Man truyện, không mấy thiện chí với Tào Tháo, cung cấp cho chúng ta, với ý đồ là chụp mũ Tào Tháo, cho là “dễ dãi không uy quyền” (xem nhẹ). Nhưng qua đó tôi lại thấy, Tào Tháo là người vui tính thẳng thắn, phóng khoáng và hòa hợp.

 

 

Tào Tháo đúng là vui tính. Tào Tháo thích nói vui, ngay cả khi có việc nghiêm chỉnh. Tam quốc chí – Mao Giới truyện cho hay, vào năm Kiến An thứ XVII, lúc cải cách cơ cấu, có người yêu cầu phân chia Đông Tào, có ý trách Đông Tào duyên Mao Giới nặng về lý nhẹ về tình. Tào Tháo trả lời sâu sắc và rất vui: mặt trời mọc đàng đông, trăng sáng từ hướng đông. Đông tây, đông tây, người ta luôn nói đông trước rồi mới đến tây, vì sao phải phân chia Đông Tào? Kết quả, đã phân chia Tây Tào. Như vậy, cơ cấu được cải tổ và Mao Giới được bảo vệ.

 

 

Trên chiến trường Tào Tháo cũng rất đáng yêu. Theo chú dẫn Ngụy thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí – Vũ đế kỷ, năm Kiến An thứ XVI, lúc Tào Tháo tây chinh Mã Siêu, Hàn Toại trên chiến trường Tào Tháo gặp Hàn Toại. Binh lính của Hàn Toại nghe tin có Tào Tháo đã giành nhau, rướn cổ ra nhìn. Tháo liền nói to: các người muốn xem Tào Tháo phải không? Nói để các người hay, ta cũng như các ngươi, cũng là con người, không có bốn mắt, hai miệng, chỉ hơn một chút là trí tuệ! Lời nói rất thật, rất đáng yêu và cũng rất thoải mái.

 

 

Tào Tháo còn là một người bạn đáng yêu hơn. Tào Tháo thích nói vui, và cũng là người bạn thích nói vui. Thái úy Kiều Huyền là người hiểu biết Tào Tháo sớm nhất, được coi là “bạn vong niên” với Tào Tháo. Theo chú thích Tam quốc chí – Vũ đế kỷ của Bùi Tùng Chi, trong văn tế Kiều Huyền của Tào Tháo có một câu, năm đó Kiều lão cùng ta “ung dung thề bồi”: “Sau khi ta qua đời, lúc ngang qua mộ ta, nếu không có một bình rượu, một con gà vào lễ, thì lúc xe đi được ba bước nếu có đau bụng thì đừng trách”. So với lời điếu của các quan thì bài văn tế này rất đáng yêu, và tình cảm, chân thực hơn nhiều.

 

 

Tào Tháo nói thực là điều rất đáng yêu nhưng đồng thời cũng là điều mà mọi người căm hận. Trong đấu tranh chính trị, bươn chải nơi quan trường, tránh sao khỏi phải giả dối, ít ra cũng là lời nói trong chốn quan trường, huống chi Tháo lại là “gian hùng”. Nhưng chỉ cần có điều kiện là Tháo nói thật, hoặc gần như thật, không có vẻ gì là quan cách. “Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh” (Còn gọi là “Thuật chí lệnh”) vốn là bài chính trị cực kỳ quan trọng, xứng đáng với bốn chữ “cương lĩnh chính trị”, nhưng lại viết rất thật, rất rõ ràng, không hề quan cách.

 

 

Mở đầu Tháo nói, cá nhân tôi vốn chẳng có hùng tâm tráng khí gì. Vì tôi biết, mình xuất thân không tốt, chẳng nổi tiếng ghê gớm gì, còn sợ bị xem thường. Vì vậy “chỉ muốn là quận thú, theo đường chính giáo, kiến danh lập nghiệp, mong được biết đến”. Về sau đất nước gặp nạn, nam tử hán phải ra sức vì đất nước, lập công dựng nghiệp, tôi cầm quân ra trận, được làm Chinh tây tướng quân, chẳng cao xa gì, để khi chết có được hàng chữ “mộ của Tào Tháo, cố Hán Chinh tây tướng quân” khắc lên bia trước mộ, thế là mãn nguyện. Nhưng dù là lúc này, tôi cũng không muốn có nhiều quân. Bởi vì thực lực càng mạnh thì kẻ thù càng nhiều! Cho nên cứ thắng một lần là tôi lại giảm quân đi một lần, điều đó nói lên cái gì? Nói rằng, chí hướng tôi có mức độ (ý chí có hạn). Nhưng tôi cũng không ngờ, sao lúc này tôi đã nổi đình nổi đám. Dã tâm cũng lớn hơn một chút. Tôi muốn làm gì đây? Tôi muốn là Tề Hoàn công, Tấn Văn công. Vì lúc này thiên hạ đại loạn, chư hầu cát cứ. Tôi chỉ muốn xưng bá, không muốn xưng đế. Lúc này tôi là Thừa tướng triều Đại Hán. Là nhân thần cao quý, tới cực điểm, tôi đã vừa lòng, hết mọi tham vọng. Nhưng tôi cần ngồi ở vị trí này. Vì sao vậy? Vì, “một khi đất nước không có tôi, liệu sẽ có mấy người xưng đế, mấy người xưng vương”. Nếu không có Tào mỗ này trấn ở đây thì số kẻ bát nháo kia lẽ nào lại không lật? Có người nói, Tào Tháo tôi đã thành công thì nên lui đi, nên về hầu quốc đất phong mà an hưởng tuổi già, nên giao chức vụ và quyền lực cho người khác. Xin lỗi, không được! Chức vụ tôi sẽ không từ, quyền lực tôi sẽ không giao. Vì sao vậy? “E lúc đã rời quân thì người sẽ gặp nạn”. Ai mà chẳng hiểu, lúc này binh quyền còn trong tay mới có được quyền uy nhất hô bách ứng. Một khi đã giao hết thì liệu các người có hại tôi không? Tới lúc đó thì vợ con tôi sẽ không được bảo vệ, hoàng thượng cũng không được an toàn. “Vừa là kế cho con cháu, nếu bại thì đất nước sẽ nghiêng ngả”, vì vậy không bao giờ tôi giao quyền. Còn như đất đai mà hoàng thượng phong cho kia tôi không cần. Cần nhiều đất đai như vậy để làm gì? Tôi có thể nhường tất. Tóm lại, “khi giang hồ còn chưa yên, không thể nhường chức vị; còn như ấp đất, có thể từ chối”. Thế gọi là “không thể mộ hư danh mà chuốc lấy họa thật”.

 

 

Những lời trên là hết sức rõ ràng chân thực, rõ ràng chân thực không còn gì để nói. Bảo tôi không có dã tâm? Tôi có một ít, và dã tâm đó ngày càng lớn. Bảo dã tâm của tôi rất lớn? Tôi không muốn làm hoàng đế, tôi chỉ muốn là Tấn Văn công, Tề Hoàn công, cửu hợp chư hầu, thống nhất Trung Quốc. Bảo tôi thanh cao? Tôi không thanh cao, tôi rất thực tế. Quyền lực của tôi, lộc thực của tôi, một chút tôi cũng chẳng nhường. Bảo tôi không chịu nhường? Tôi nhường chứ! Những thứ vô bổ được phong cấp, đất đai này, đầu hàm này, tôi nhường tất. Vậy chỗ đáng yêu nhất là gì đây? Tào Tháo nói rất rõ, vì sao tôi phải có bài này, vì sao phải nói ra như vậy? Là muốn để người trong thiên hạ không còn nói vào đâu được (muốn người ta hết lời), tất cả hãy ngậm miệng lại! Cũng chỉ có Tào Tháo, một gian hùng đại khí mới nói ra được những lời như vậy.

 

 

Rõ ràng Tào Tháo là người thông minh. Trong thời đại người người đều dối trá thì nói thực là vũ khí tốt nhất. Đó không chỉ vì bản thân lời nói thực có sức mạnh hùng biện, còn vì lời nói thực đã mở toang chiếc gương ra khiến kẻ nói dối không còn đường rút, vở diễn của họ cũng phải khép lại. Đương nhiên, Tào Tháo nói vậy không hoàn toàn là do sách lược đấu tranh, mà là do bản tính, Tào Tháo thích nói thật, nói lời thực. Dù là đằng sau những lời thực đó cũng có giả, đằng sau lời chân thành, lòng dạ còn giả, có những điều không thể nói, được che dấu một cách rất tự nhiên, không để lòi đuôi. Thậm chí là lời giả, hoặc lời nửa thật nửa giả, hoặc lời giả ẩn sau lời thực, cũng được nói một cách lưu loát, thản nhiên, đầy khí thế. Có thể nói, anh chàng Tào Tháo này, ngay cả những lời nói dối cũng đều là lời dối trá phảng phất có đại khí.

 

 

Đó chính là Tào Tháo. Tào Tháo đại khí, thâm trầm, phóng khoáng, hào sảng, siêu thoát, nhạy bén, hòa hợp, quỷ quyệt, xảo trá, lạnh lùng, tàn nhẫn, đúng là một nhân vật cực kỳ phong phú, nhiều mặt, rất có cá tính, rất biết diễn. Vì vậy Tào Tháo có mặt gian trá và có cả mặt chân thành. Gian và thực thống nhất vào chữ “hùng”, thiện và ác cũng thống nhất vào chữ “hùng”. Trong nhân tính của Tào Tháo có cái ác, nên tôi không gọi Tháo là “anh hùng” mà là “gian hùng”. Điểm này về sau sẽ nói tỉ mỉ hơn.

 

 

Có điều, trong cả cuộc đời Tào Tháo đã có hai cách chọn lựa. Vậy, mở đầu Tháo muốn trở thành một gian hùng chăng? Nếu Tào Tháo cũng có ý muốn là một năng thần, vì sao sau này lại không như vậy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét